Người vô sự – Lâm Tế Lục – bình giảng: Khách và chủ
NGƯỜI VÔ SỰ
_________________________________
Thích Nhất Hạnh – Phần bình giảng Lâm Tế Ngữ Lục
_________________________________
Bốn Trường Hợp Khách và Chủ
Này các bạn tu, giả dụ có kẻ học nhân từ nơi khác đến tham học. Sau khi chủ khách đã trông thấy nhau, khách bèn nói ra một câu để thăm dò vị thiện tri thức đang ngồi trước mặt. Kẻ ấy ném ra một câu hiểm hóc vào khóe miệng của vị thiện tri thức, có ý muốn hỏi: ‘Thầy có hiểu cái này chăng?’ Nếu vị thiện tri thức biết đó là một cái đối tượng (cảnh) thì ông ta sẽ nắm ngay lấy cái đó và liệng nó vào trong hố. Vị học nhân sẽ tìm lại được thái độ bình thường của mình, và sẽ xin vị thiện tri thức nói lên cho một lời. Vị thiện tri thức cũng sẽ làm như đã làm, và sẽ chặt đứt được luôn cái ý muốn tìm cầu mới này. Lúc đó vị học nhân sẽ nói: ‘Thầy thật là một vị thượng căn thượng trí, là một vị đại thiện tri thức’. Và vị thiện tri thức sẽ nói: ‘Đạo hữu hoàn toàn chẳng phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu’.
Đây là một đoạn cùng với những đoạn khác ở trong Lâm Tế Lục nói về Tứ Tân Chủ (bốn trường hợp khách và chủ). Khách và chủ phải phân biệt. Có khi khách không phải là khách; có khi chủ không phải là chủ. Tứ Tân Chủ là bốn cách để đối trị căn cơ trong truyền thống Lâm Tế mà ta phải nắm cho được.
Này các bạn tu, giả dụ có kẻ học nhân từ nơi khác đến tham học.
Học nhân tức là người đi học đạo. Thiện tri thức đây tức là bậc thầy, là người để ta tới tham vấn; thiện tri thức đây còn gọi là chủ, và học nhân là khách; thiện tri thức có thể là nhà phân tâm học, và học nhân là người bệnh được nhà phân tâm phân tích tâm lý.
Sau khi chủ khách đã trông thấy nhau.
Có chủ, có khách. Khách là người bệnh, khách là người tới học. Chủ là thiện tri thức, là nhà tâm lý trị liệu, là pháp sư, là giáo thọ. Có thể trong người mình có cả hai nhân vật đó.
Sau khi chủ khách đã trông thấy nhau, khách bèn nói ra một câu để thăm dò vị thiện tri thức đang ngồi trước mặt.
Ta có một mớ kiến thức, một mớ kinh nghiệm, hay một vài kiến giải và ta muốn đem ra để thử vị thầy.
Kẻ ấy ném ra một câu hiểm hóc vào khóe miệng của vị thiện tri thức.
Kẻ học nhân này đôi khi đã học được một điều gì, và rất lấy làm tâm đắc với những gì mình đã học được, cho nên có ý muốn khoe với thầy để chứng tỏ rằng ta cũng là một người nào đó, ta cũng có một chút giá trị nào đó, ta không phải là con số không. Người bệnh cũng vậy. Người bệnh có thể rất giỏi về lý thuyết tâm lý trị liệu. Tới nhà tâm lý trị liệu rồi hỏi thử một câu chứng tỏ là ta cũng biết nhiều về điều này chứ không phải là một tên khờ dại không biết gì cả.
Có ý muốn hỏi: ‘Thầy có hiểu cái này chăng?’
Thầy có biết cái này không? Đây là thái độ của một số đệ tử đi tham học, tới thử thầy.
Nếu vị thiện tri thức biết đó là một đối tượng (cảnh).
Thường thường, kẻ học nhân không phải tới với một cái tâm trống rỗng. Nếu họ tới cầu đạo với cái tâm trống rỗng, không có những thành kiến thì không sao. Nhưng họ thường tới với ý định, họ đưa điều đó ra và thăm dò ý thầy: ‘Thầy có biết cái này là cái gì không?’ Đó là cảnh. Vị thầy sẽ quyết định là nên đoạt cảnh hay đoạt nhân. Đoạt tức là lấy đi đối tượng đó cho họ chưng hửng. Điều này gọi là tước khí giới.
Nếu vị thiện tri thức biết đó là một cái đối tượng (tạo tác của tâm ý, cái mà người ta bám víu vào, bị kẹt vào) thì ông ta sẽ nắm ngay lấy cái đó và liệng nó vào trong hố.
Là một vị thầy đích thực thì có thể nhận diện được rằng đó là một cái đối tượng (mà bên kia đang khoe), thì vị thầy nắm ngay lấy cái đó và liệng nó vào trong hố. Phương pháp ‘nắm lấy và liệng vào hố rác’ có thể là một nụ cười, một tiếng hét, hay là một cây gậy.
Vị học nhân sẽ tìm lại được thái độ bình thường của mình.
Nếu vị thầy thành công, thì có sự thay đổi ngay nơi người học đạo. Người ấy không còn dương dương tự đắc, không còn thử vị thầy nữa.
Trong văn mạch của thiền, có những trận gặp gỡ giữa vị thiền sư và thiền sinh, gọi là thiền chiến (zen battle). Đôi khi trận đánh chỉ xảy ra trong một phút. Có khi trận đánh thành công cả thầy lẫn trò; có khi trận đánh thất bại, thì thầy trò đều thất bại.
Nếu vị thiện tri thức biết đó là một cái đối tượng (cảnh) thì ông ta sẽ nắm ngay lấy cái đó và liệng nó vào trong hố (hay thùng rác cũng được). Vị học nhân sẽ tìm lại được thái độ bình thường của mình, và sẽ xin vị thiện tri thức nói lên cho một lời.
‘Thôi con chịu thua thầy rồi, thầy dạy cho con đi, con sẽ nương vào lời dạy của thầy.’
Vị thiện tri thức cũng sẽ làm như đã làm, và sẽ chặt đứt được luôn cái ý muốn tìm cầu mới này.
‘Ngày xưa anh đã đi tìm cầu, anh đã thỏa mãn đạt được đối tượng tìm cầu của anh. Và anh đem đến khoe với tôi, tôi nhận ra được và tôi đã đem liệng nó vào hố rác. Bây giờ anh lại muốn tìm cầu một cái khác. Anh muốn có một cái khác để thay thế cái anh vừa mới mất hả?’
Họ tới tìm ta với cái bệnh. Ta lấy cái bệnh của họ ra rồi, họ lại xin thêm cái bệnh khác nữa. Ta là thiện tri thức, ta là bậc thầy, không có lý nào ta đã giúp cho người kia buông bỏ cái bệnh ấy rồi, bây giờ ta lại cho người kia ghì thêm một cái bệnh khác nữa? Anh ta là người đã có đầu rồi, anh ta còn muốn đi tìm thêm cái đầu thứ hai nữa. Là người thiện tri thức giỏi, là người thầy giỏi, mà tạo cho người ta chồng thêm một cái đầu nữa, thì trông sao được. Vì vậy cho nên, vị thiện tri thức cũng sẽ làm như đã làm, và sẽ chặt đứt được luôn cái ý muốn tìm cầu mới này.
Lúc đó vị học nhân sẽ nói: ‘Thầy thật là một vị thượng căn, thượng trí, là một vị đại thiện tri thức.’
Lúc này kẻ học nhân có tâm trạng tôn sùng vị thiện tri thức: ‘Thầy là một vị thượng căn, thượng trí, thầy là một vị đại thiện tri thức, con xin thờ thầy làm thầy suốt đời.’ Tâm trạng tôn sùng đó cũng rất nguy hiểm. Không phải nguy hiểm cho vị đệ tử – người đi tìm học – nó nguy hiểm ở chỗ là vị thầy không có những điều mà vị học trò mong ước, và cũng nguy hiểm cho vị thầy nữa. Tại vì nếu vị thầy không thật sự là một vị thiện tri thức, thì vị thầy đó sẽ kẹt vào khái niệm: ‘Ta là người có tuệ giác, và anh chàng này đang cung kính ta, là người cần đến ta.’
Vị thiện tri thức sẽ nói: ‘Đạo hữu hoàn toàn chẳng phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu.’
Chữ đạo hữu, chúng ta phải hiểu theo nghĩa là cả xuất gia và tại gia. Trong ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam bây giờ, người ta dùng chữ Phật tử để gọi người cư sĩ, và chữ đạo hữu cũng là gọi cho người cư sĩ. Đó là một sự lầm lạc. Tại vì người xuất gia cũng là Phật tử và cũng có thể là đạo hữu của nhau. Thành ra với người cư sĩ, ta nên gọi là Phật tử cư sĩ, với người xuất gia thì gọi là Phật tử xuất gia. Đừng dùng chữ Phật tử để chỉ cho cư sĩ không thôi, rất là sai lầm, chữ đạo hữu cũng vậy. Cũng như khi chúng ta dùng chữ tăng ni, làm như ni không phải là tăng, nhưng kỳ thực, ni cũng là tăng. Ễ
Hoặc vị thiện tri thức có thể đưa ra một đối tượng (cảnh) và đùa bỡn với vị học nhân. Vị học nhân có khả năng nhận diện được rằng đó chỉ là một đối tượng (cảnh), không để mình rơi vào trong cái bẫy của đối tượng đó và từ tư thế khách ông chuyển ra đứng vào tư thế chủ. Vị thiện tri thức bây giờ thị hiện nửa thân, và vị học nhân hét. Vị thiện tri thức cũng có thể lại sử dụng những thứ ngữ ngôn trăm lối của mình mà dằn mặt vị học nhân. Nhưng vị học nhân có thể nói : ‘Cái ông thầy sói đầu này chẳng biết phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu’. Vị thiện tri thức liền ca ngợi : ‘Ngươi thật là một người tu học chân chính’.
Hoặc vị thiện tri thức có thể đưa ra một đối tượng (cảnh) và đùa bỡn với vị học nhân.
Trong trường hợp này, không phải vị học nhân (khách) đưa ra một đối tượng mà chính vị thiện tri thức (chủ) đưa ra một đối tượng.
ỄTheo Luật Tứ Phần, có đủ bốn người gọi là tăng.
Thiền sinh vừa tới là vị thầy muốn đưa ra phương pháp để dạy liền, nếu không người kia không có cơ hội. Trường hợp này, vị thầy đưa ra một đối tượng để đùa bỡn với vị học nhân.
Vị học nhân có khả năng nhận diện được rằng đó chỉ là một đối tượng (cảnh), không để mình rơi vào trong cái bẫy của đối tượng đó.
Đây là một học nhân có bản lĩnh, không bị lừa dối.
Và từ tư thế khách ông chuyển ra đứng vào tư thế chủ.
Giữa hai người chưa biết ai là thầy, người tham vấn hay người được tham vấn.
Trong bản chữ Hán có khóm danh từ ‘hạ hạ tác chủ’. Nó có nghĩa là người đó luôn luôn đứng vào tư thế chủ, không để cho bên kia làm cho mình trở thành nạn nhân. Chữ hạ hạ ở đây có nghĩa là bước nào cũng vậy, giây phút nào cũng vậy. Mỗi phút, mỗi giây, trong tiến trình của sự trao đổi đó, thì giây phút nào ta cũng đứng vững trong cái thế không bị kẹt, không bị rơi vào bẫy, gọi là hạ hạ tác chủ.
Vị thiện tri thức cũng giống như nhà phân tích tâm lý (analyst). Còn vị học nhân là người tới để được phân tích, bây giờ không còn là đối tượng của phân tích nữa mà là chủ thể của sự phân tích. Chưa biết ai là người phân tích (analyst), cũng chưa biết ai là người bị phân tích (analyzed). Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào; chưa biết nhà tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân, hay bệnh nhân giúp nhà tâm lý trị liệu; chưa biết là vị thiện tri thức giúp được học nhân, hay là học nhân giúp được vị thiện tri thức; chưa biết được là thầy sẽ giúp trò, hay trò sẽ giúp thầy.
Trong trường hợp này mình thấy vị học nhân (đệ tử) có bản lĩnh rất lớn. Vì khi vị thầy đưa ra một đối tượng, vị học nhân không bị kẹt vào đó, mà vẫn đứng vững trên lập trường của mình. Vị học nhân có khả năng nhận diện được rằng đó chỉ là một đối tượng (cảnh), không để mình rơi vào trong cái bẫy của đối tượng đó và từ tư thế của khách, ông chuyển ra đứng vào tư thế chủ. ‘Hạ hạ tác chủ bất thọ cảnh hoặc’. Tức là giây phút nào cũng làm chủ được, không bị cảnh đó làm cho mê hoặc.
Vị thiện tri thức bây giờ thị hiện nửa thân, và vị học nhân hét.
Thị hiện nửa thân ở đây không có nghĩa là lột áo sơ mi của mình ra, mà tựa như mặt trăng của ngày mồng bảy mồng tám chỉ lộ ra một nửa khuôn trăng. Thị hiện nửa thân tức là không đem hết con người của mình ra để trình bày mà chỉ hé một nửa để cho người kia thấy, và để cho người kia đoán một nửa còn lại như thế nào.
Thị hiện nửa thân có hai trường hợp:
1- trường hợp chân chánh: Vị học nhân có đủ khả năng để không cần vị thầy phải đưa ra hết những gì thầy thấy. Vị thầy chỉ đưa ra một ít ánh sáng để cho người học trò có thể thấy được điều ấy là đủ.
2- trường hợp giả trang: Vị thầy chưa có những chứng đắc sâu sắc, nhưng giả bộ che lấp trong những điều như là mình có chứng đắc: ‘Tôi chưa nói cho anh biết có những cái chứng đắc rất sâu sắc, những cái rất mầu nhiệm…’
Có người nói rằng vị thầy thị hiện nửa thân là để đưa ra một tuệ giác, một sự khai thị mà chỉ có đương sự, người tham gia (participant) mới hiểu và mới thấy, còn những người bàng quan (observer) thì không thể hiểu được. Cũng như khi ta nói chuyện với một người, thì chỉ có người này hiểu thôi, còn tất cả những người khác không ai hiểu hết, đó gọi là thị hiện nửa thân. Trong những buổi pháp thoại, có những vị thiền sinh ngồi nghe giảng và nghĩ rằng: ‘Điều này là Thầy đang nói riêng cho mình. Tại sao Thầy nói đúng tim đen của mình quá? Chỉ có mình mới có tâm trạng đó thôi.’ Vị thiền sinh đó cho rằng thầy đang thị hiện nửa thân và thầy đang nói riêng cho mình.
Vị thiện tri thức bây giờ thị hiện nửa thân, và vị học nhân hét.
Vị học nhân thấy rõ nửa thân này là không xác thật.
Vị thiện tri thức cũng có thể lại sử dụng những thứ ngữ ngôn trăm lối của mình mà dằn mặt vị học nhân.
Chuyện này thường xảy ra lắm. Thấy người kia không phục, ta bèn lôi ra hết những kiến thức mà ta đã được tiếp nhận từ thầy để mà thuyết giảng: ‘Tôi có trăm binh ngàn tướng, anh tưởng tôi chỉ có chừng đó thôi hả?’ Rồi đem ra những điều mình đã học để dằn mặt vị học nhân như ta là một cái gì đó (I am something).
Nhưng vị học nhân có thể nói: ‘Cái ông thầy sói đầu này chẳng biết phân biệt được cái gì tốt cái gì xấu.’ Vị thiện tri thức liền ca ngợi: ‘Ngươi thật là một người tu học chân chánh.’
Đó là trường hợp khách khán chủ, thay vì chủ khán khách. Đây không phải là trường hợp thầy giúp trò, soi sáng cho trò, mà là trường hợp trò soi sáng cho thầy. Trong trường hợp đầu là trường hợp chủ khán khách. Chủ, khách rõ ràng. Không phải khi ta là chủ thì ta thật là chủ đâu, có thể ta sẽ bị đặt vào trong vị trí của khách; không phải khi ta là khách thì ta luôn luôn là khách đâu, mà ta có thể từng bước từng bước đứng ở vị trí của chủ (hạ hạ tác chủ).
Đó đây có những vị thầy (thiện tri thức) không có khả năng biện biệt được tà chính. Khi có học nhân tới hỏi về cảnh trí của Bồ Đề, Niết Bàn và Ba Thân, các vị lão sư mù này liền tìm mọi cách giải thích. Bị các vị học nhân kia chê trách, họ liền lấy gậy đánh, nói rằng đã đi học đạo mà còn vô lễ. Thật ra, quý vị cũng đừng giận họ, bởi vì họ tuy được gọi là thầy mà chưa có con mắt tuệ, thế thôi.
Đó đây có những vị thầy (thiện tri thức) không có khả năng biện biệt được tà chánh.
Có nhiều vị giáo thọ (dharma teachers) không phân biệt được tà chính, họ chỉ có một mớ kiến thức khái niệm đủ để đi làm ăn.
Khi có học nhân tới hỏi về cảnh trí của Bồ Đề, Niết Bàn và Ba Thân, các vị lão sư mù này liền tìm mọi cách để giải thích.
Họ thao thao bất tuyệt nói Niết Bàn là cái này, Bồ Đề là cái kia, Tam Thân là cái nọ… tại vì họ học đã nhiều rồi. Khi không có tuệ giác, không có giải thoát đích thật, thì những vị thầy ấy bị các vị học nhân kia (khách) chê trách và lấy gậy đánh. Các vị thầy (chủ) bắt chước thiền sư, lấy gậy đánh lại. Nói rằng: ‘Đã đi học đạo sao còn vô lễ! Ta là thầy, ngươi là đệ tử, tại sao dám nói ta là không có tuệ giác, không có giải thoát, không có chuyển hóa?’
Thật ra, quý vị cũng đừng giận họ, bởi vì họ tuy họ được gọi là thầy mà chưa có con mắt tuệ, thế thôi.
Thấy Tổ dễ thương không? Trông bề ngoài dữ như vậy, luôn luôn sẵn sàng để hét và đánh, nhưng kỳ thực Tổ rất là hiền lành, và dễ thương.
Này các bạn tu, theo kiến giải của thiền tông, thì sống chết là lẽ tuần hoàn (trong vũ trụ). Ta cần phải để hết tâm ý trong khi tham vấn. Khi chủ và khách gặp nhau, thế nào cũng có lời qua tiếng lại. Hoặc ứng hiện ra những hình tướng khác nhau, hoặc sử dụng toàn thân mà đối phó với đương sự. Có khi lại sử dụng những phương tiện cơ quyền như mừng giận, hoặc hiện nửa thân, hoặc ngồi trên lưng sư tử hay trên lưng voi chúa…
Trong trường hợp một học nhân đích thực thì người này có thể hét lên hoặc đưa ra một cái bẫy (bình keo) trước mặt vị thiện tri thức. Nếu vị này không nhận ra được cái ‘cảnh’ ấy mà lại rơi vào trong cái bẫy, cứ nương vào cái ‘cảnh’ ấy đặt ra đủ thứ mô hình, thì vị học nhân lại có thể hét lên nữa. Nếu vị thiện tri thức còn chưa chịu buông bỏ, thì đó thật là trường hợp của một bệnh nan y. Trường hợp này gọi là trường hợp khách khán chủ.
Này các bạn tu, theo kiến giải của thiền tông thì sống chết là lẽ tuần hoàn trong vũ trụ. Ta cần phải để hết tâm ý trong khi tham vấn.
Tham vấn không phải là để có thêm những kiến thức về Phật pháp, mà tham vấn là để có cơ hội vượt thoát được sống và chết.
Khi chủ và khách gặp nhau, thế nào cũng có lời qua và tiếng lại.
Không có lý tới gặp thầy rồi ngồi yên; thầy ngồi yên, trò cũng ngồi yên, không nói lời nào.
Hoặc ứng hiện ra những hình tướng khác nhau, hoặc sử dụng toàn thân mà đối phó với đương sự.
Tại vì đương sự tới với một mục đích gì đó, một căn cơ nào đó, hay họ tới với một tâm trạng khổ đau, hay hoàn cảnh bị bế tắc. Cũng như một người tới với một vị bác sĩ y khoa hay tâm lý trị liệu, tức là người ấy có vấn đề gì đó. Là một vị thầy hay một nhà trị liệu thì ta phải dò hỏi, phải quán sát, phải biết sử dụng con mắt của mình, lỗ tai của mình, và phải biết sử dụng lời nói của mình.
Trong y khoa Đông phương ngày xưa, khi chẩn bệnh có ba yếu tố gọi là vọng, văn và vấn. Vọng tức là phải quán sát nét mặt của người ấy, da mặt của người ấy, tướng của người ấy để coi sức khỏe của họ như thế nào. Văn là nghe tiếng người đó nói: ‘Thầy ơi, tôi đau nơi ngực, tôi đau nơi bụng mỗi khi ăn vào.’ Sau khi quan sát, sau khi nghe, thì vị y sĩ mới đưa ra những câu hỏi, gọi là vấn. Sau khi vọng, văn và vấn, thì lúc đó vị y sĩ mới đưa ra bệnh án để trị liệu, gọi là thiết. Nhà tâm lý trị liệu thời nay cũng nên làm như vậy. Khi người bệnh tới thì phải quán sát người đó đi, đứng, nằm, ngồi, phản ứng như thế nào. Không cần phải nói, chỉ quán sát thôi cũng hiểu được rất nhiều về con người này. Thiền sư cũng vậy, chỉ cần nhìn con người kia mở cửa đi vô và đóng lại, ngồi xuống thì biết được rất nhiều về người đó rồi. Các vị thầy trong thiền môn nói rằng chỉ cần nhìn một chú sa di đi, đứng, nằm, ngồi và thỉnh chuông, không cần hỏi cũng biết vị này ở trong chùa được mấy tháng. Điều ấy có thật. Chỉ cần nhìn người bệnh hay người đến tham vấn, nương vào câu hỏi, ta biết được tâm trạng của người đó rất rõ. Nếu là một người thầy giỏi, một vị thiện tri thức giỏi, một người biết quán cơ khi nhìn một người, khi nghe người đó hỏi, thì ta đã biết nhiều về người đó rồi, huống hồ là ta hỏi một câu rồi người đó trả lời, thì lại càng biết thêm, không cần tốn nhiều thời gian.
Khi chủ và khách gặp nhau, thế nào cũng có lời qua tiếng lại. Hoặc ứng hiện ra những hình tướng khác nhau, hoặc sử dụng toàn thân mà đối phó với đương sự.
Ta có nhiều phương pháp khác nhau. Khi đi khám bệnh, bác sĩ nói: ‘Anh há miệng ra cho tôi xem’ hoặc ‘Anh thử ho một tiếng’…, tất cả những đòi hỏi ấy là để vị bác sĩ biết được căn bệnh của mình. Người thiền sinh đến tham vấn cũng vậy. Có khi vị thầy phải sử dụng toàn thân để đối phó với đương sự, có khi chỉ hiện nửa thân thôi.
Có khi lại sử dụng những phương tiện cơ quyền như mừng, giận, hoặc hiện nửa thân, hoặc ngồi trên lưng sư tử hay là trên lưng voi chúa.
Những chuyện ấy ta có thể làm được. Ở đây ta thấy có hai danh từ của thiền là Cơ và Quyền. Cơ, nguyên văn đọc là chữ Ki, nhưng ta quen đọc là cơ, có nghĩa là một cái máy (machine), là những dụng cụ được đặt ra để sử dụng. Ví dụ như ở nhà quê khi múc nước dưới giếng sâu, muốn lấy nước lên, dân quê phải dùng cái cần để cột cục đá rất nặng. Khi nâng cục đá lên thì cái gàu đi xuống, đến khi gàu nước đầy thì họ thả cục đá ra, để cái cần rơi xuống kéo gàu nước lên cho khỏi tốn công. Vị thiền sư cũng có những phương tiện quyền xảo đặt ra để có thể khám phá ra chân tướng của thiền sinh. Bác sĩ cũng vậy. Bác sĩ cũng có những phương pháp để tìm hiểu bệnh nhân của mình. Nếu không hiểu được người ấy thì không có cách gì giúp được người ấy cả. Quyền, có nghĩa là một phương tiện sử dụng tạm thời, chứ không phải là vĩnh viễn.
Giáo sư Démiville dịch chữ quyền sang tiếng Pháp là expedience (phương pháp thích hợp), và chữ cơ là mobile (thay đổi). Phương tiện quyền xảo chỉ sử dụng tạm thời thì gọi là phương pháp thích hợp. Nó không hẳn là phải có giá trị muôn đời, nó không phải là chân lý. Ví dụ như có một thiền sinh tới hỏi: ‘Bạch thầy, con chó có Phật tánh không?’ Người thầy trả lời: ‘Không’. Chữ ‘Không’ đây là quyền. Theo nguyên tắc thì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng tại vì người hỏi bị kẹt vào ý niệm ‘tất cả chúng sanh có Phật tánh’, cái kiến thức đó không giúp ích gì cho người đó cả về sự tu học mà chỉ chứa chất thêm khái niệm, chỉ làm cho người đó nặng nề thêm thôi. Vì vậy vị thầy nói ‘không’ là để giúp cho người đó có cơ hội buông bỏ. Chữ ‘không’ đó có phải là chân lý hay không phải là chân lý không là vấn đề, nó chỉ là một phương pháp giúp cho người hỏi đừng bị kẹt. Đọi là cơ, quyền. Nhưng ta cũng đừng bị kẹt vào những cơ, quyền đó.
Hoặc hiện nửa thân, hoặc ngồi trên lưng sư tử hay trên lưng voi chúa.
Ngồi trên lưng sư tử là hiện thân của đức Văn Thù, tức là thị hiện trí tuệ không còn chỗ nghi ngờ, gọi là đại trí. Ngồi trên lưng voi chúa là hiện thân của đức Phổ Hiền, tượng trưng cho hành động lớn, gọi là đại nguyện. Có khi ta phải hiện thân Văn Thù, có khi ta phải hiện thân Phổ Hiền để độ người, tại vì trong ta có đủ cả Văn Thù và Phổ Hiền. Đôi khi trong ta cũng có Diệm Nhiên Vương. Có khi ta thị hiện như một con quỷ Dạ Xoa, tức là nổi giận lên hay tỏ ra buồn bã. Ví dụ như tôi nói: ‘Thầy buồn lắm con ơi, con làm như vậy thầy sống không có nổi!’ Đó là tôi thị hiện cái buồn của mình ra để cho đệ tử thấy mà thay đổi. Không hẳn là tôi phải buồn như vậy. Những cái đó đều là cơ quyền. ‘Con mà làm như vậy chắc thầy chết quá!’ Nhưng kỳ thực tôi đâu cần phải chết, mà tôi chỉ thị hiện như vậy thôi, nhưng không phải là tôi làm bộ. Trong tôi có những điều như vậy: trong tôi có Phổ Hiền, có Văn Thù, có Quan Âm, có Diệm Nhiên Đại Sĩ.
Trong trường hợp một học nhân đích thực thì người này có thể hét lên hoặc đưa ra một cái bẫy (bình keo) trước mặt vị thiện tri thức.
Vị thiện tri thức nếu không phải là chính thống đích thực thì có thể bị kẹt vào cái hố keo của ta như thường. Trong nguyên văn là để ra một cái hố keo để cho thầy dính chơi.
Nếu vị này không nhận ra được cái ‘cảnh’ ấy mà lại rơi vào trong cái bẫy, cứ nương vào cái ‘cảnh’ ấy đặt đủ thứ mô hình, thì vị học nhân lại có thể hét lên nữa.
Thầy kia cứ thao thao bất tuyệt, cứ muốn giảng giải cho ta. Thầy cứ đưa ra những cái mà thầy đã học, và rõ ràng là cái bình keo ta đưa ra thầy bị dính vào đó. Thầy không giải thoát cho thầy được, thì làm sao thầy giúp cho ta giải thoát được?
Nếu vị thiện tri thức còn chưa chịu buông bỏ, thì đó thật là trường hợp của một bệnh nan y.
Trong trường hợp này, chủ không còn là chủ nữa, chủ hoàn toàn thất bại, chủ trở thành khách. Và chính vị học nhân, người đi tìm học, người tới tham vấn, đứng vào phía chủ.
Trường hợp này gọi là trường hợp khách khán chủ.
Chủ không khán khách được mà khách khán chủ. Khán tức là nhìn, là phân tích (analyse).
Có nhiều người bệnh tìm tới nhà tâm lý trị liệu. Nhà tâm lý trị liệu đưa ra nhiều cảnh càng làm cho rắc rối thêm. Người bệnh này không đến nỗi như vậy, người này không vướng vào những gì nhà tâm lý trị liệu đưa ra, lại còn thấy được cái bệnh của nhà tâm lý trị liệu nữa. Trong trường hợp này là khách khán chủ, đệ tử giúp thầy. Tại vì thầy chính là người bị bệnh, thầy chính là người cần được giải thoát.
Hoặc giả vị thiện tri thức chẳng đưa ra cái gì hết, mà cứ đợi kẻ học nhân đưa ra cái gì thì đoạt lấy cái đó. Kẻ học nhân có thể tuy bị tước đoạt tất cả những gì mình muốn đưa ra mà vẫn còn chống cự lại, chết vẫn không chịu buông ra. Trường hợp này là trường hợp chủ khán khách.
Trường hợp này là trường hợp của người học đạo đưa ra rất nhiều đề nghị, và đề nghị nào cũng bị đoạt hết, cũng bị quăng vào hố rác, nhưng mà vị học nhân cứ tiếp tục không chịu thua. Có những người như vậy.
Trường hợp này là trường hợp chủ khán khách.
Trong trường hợp này chủ còn là chủ, nhưng khách không được thừa hưởng gì hết. Trường hợp này là trường hợp nan y. Trường hợp thứ nhất cũng là trường hợp nan y, hai trường hợp này xảy ra rất nhiều. Mà nó xảy ra hầu hết trong các trường hợp.
Hoặc giả kẻ học nhân đứng trước vị thiện tri thức đưa ra một đối tượng (cảnh) thanh tịnh. Vị thiện tri thức nhận ra được đối tượng ấy, nắm lấy và liệng xuống hầm sâu. Vị học nhân liền nói: ‘Thầy quả là một vị thầy lớn.’ Vị thiện tri thức trả lời: ‘Ối chà, anh chẳng biết cái gì là tốt cái gì là xấu.’ Vị học nhân bèn lạy xuống. Trường hợp này gọi là chủ khán chủ.
Hoặc giả kẻ học nhân đứng trước vị thiện tri thức đưa ra một đối tượng (cảnh) thanh tịnh.
Có nghĩa là tôi không có cảnh để cho thầy đoạt; tôi không bị vướng vào cảnh (đối tượng) nào hết.
Vị thiện tri thức nhận ra được đối tượng ấy (nói là không có đối tượng nhưng đó cũng là một đối tượng), nắm lấy và liệng xuống hầm sâu. Vị học nhân liền nói: ‘Thầy quả là một vị thầy lớn.’ Vị thiện tri thức trả lời: ‘Ối chà, anh chẳng biết cái gì là tốt và cái gì là xấu.’
Tức là vị thiện tri thức không bị rơi vào trong cái bẫy mà vị học nhân đưa ra: ‘Ta là người thầy lớn, còn người kia là người tới tham học với ta. Người kia không có cái mà ta có.’ Vì vậy cho nên vị thiện tri thức mới nói: ‘Ối chà, anh chẳng biết cái gì là tốt và cái gì là xấu.’ ‘Anh đừng nói vậy!’
Vị học nhân bèn lạy xuống. Trường hợp này gọi là chủ khán chủ.
Chủ khán chủ tức là chủ thành công, và khách cũng thành công. Cả hai bên đều là chủ cả. Chủ khán chủ: bên này là chủ, bên kia cũng là chủ.
Ngày xưa có hai vị thủ tọa của hai thiền đường: Đông đường và Tây đường. Họ đi ra và đồng thời thấy nhau, thì họ cùng hét lên một lần. (Hai người vừa thấy nhau cùng một lúc và cùng hét lên một lần.) Sau đó có người tới hỏi Tổ: ‘Trong hai vị đó có ai là chủ, có ai là khách không?’ ‘Trong trường hợp đó có phân chủ khách không?’ Tổ mỉm cười, nói: ‘Chủ khách rõ ràng như vậy mà không thấy sao? Nếu muốn hỏi thêm thì đi theo họ mà hỏi.’ Những câu chuyện đó, những mẩu đối thoại đó, ta có thể hiểu nếu ta nắm được tinh yếu của Lâm Tế Lục.
Hoặc kẻ học nhân trình diện trước vị thiện tri thức như một người có mang gông cùm. Vị thiện tri thức thấy thế liền đem tới và đeo thêm cho vài cái gông và vài cái cùm khác. Vị học nhân vui mừng quá đổi đến nỗi không phân biệt được (ai là chủ ai là khách). Trường hợp này gọi là khách khán khách.
Hoặc vị học nhân trình diện trước vị thiện tri thức như một kẻ có mang gông cùm.
‘Tôi đã đọc tới ba trăm quyển sách Phật học. Đọc từ Suzuki cho đến Trungpal Rinpoche, Mật tông cho đến Nam Tông, Nhật Bổn… rất nhiều.’
Vị thiện tri thức thấy thế liền đem tới và đeo thêm cho vài cái gông và vài cái cùm khác.
Chuyện này xảy ra rất thường xuyên trong đời sống hàng ngày.
Vị học nhân vui mừng quá đổi đến nỗi không phân biệt được (ai là chủ ai là khách). Trường hợp này gọi là khách khán khách.
Thất bại hoàn toàn! Không có ai là chủ hết. Cả hai đều là khách.
Này các vị đại đức! Những gì tôi vừa nói chỉ là để giúp quý vị nhận diện được ma quái và tà đạo, và phân biệt được tà và chính.