Người vô sự – Lâm Tế Lục – bình giảng: Bốn phép độ người

NGƯỜI VÔ SỰ
_________________________________

Thích Nhất Hạnh – Phần bình giảng Lâm Tế Ngữ Lục
_________________________________

Bốn Phép Độ Người

Trong một buổi tham vấn chiều, thiền sư khai thị: ‘Có lúc đoạt người không đoạt cảnh, có lúc đoạt cảnh không đoạt người, có lúc đoạt cả người cả cảnh, có lúc không đoạt người cũng không đoạt cảnh.’

Lúc bấy giờ có một vị xuất gia hỏi: ‘Đoạt người không đoạt cảnh là sao?

Thiền Sư đáp: ‘Nắng dậy gấm thêu đầy mặt đất

Hài nhi tóc rủ bạc như tơ.’

So sánh các bản dịch với bản văn này, chúng ta thấy có một ít sự sai khác. Sự sai khác này chứng tỏ là ta có cái hiểu và cái thấy khác với các dịch giả khác. Điều này rất quan trọng.

Đoạn này thuộc về bốn phép độ người, gọi là Tứ Liệu Giản, tức là tùy theo trình độ, căn cơ của người đến tham vấn, đến học hỏi mà chúng ta sử dụng một trong bốn pháp đó. Giáo sư Démiville dịch Tứ Liệu Giản là Les Quatre Alternatives de Lin Tsi, tiếng Anh có thể dịch là The Four Kinds Arrangements of Subject and Object.

Trong khi đọc đoạn văn này, chúng ta hãy đọc như là đọc một bài thơ. Đừng cố công tìm hiểu chữ nghĩa nhiều cho mệt óc. Chúng ta không nên quan trọng quá cái chuyện đó. Nếu chúng ta thấy được điều gì đó thì cũng vui, mà không thấy cũng không sao.

Trong một buổi tham vấn chiều, thiền sư khai thị: ‘Có lúc đoạt người không đoạt cảnh, có lúc đoạt cảnh không đoạt người, có lúc đoạt cả người cả cảnh, có lúc không đoạt người cũng không đoạt cảnh.’

Câu chuyện xảy ra trong một buổi tham vấn chiều. Buổi sáng, có những sự đối đáp và dạy chúng, còn buổi chiều thì Tổ giảng về cái thấy của Tổ, gọi là vãn tham. Vãn tham tức là tham vấn buổi chiều.

Lúc đó có một thầy đứng lên hỏi: ‘Bạch thầy, đoạt người không đoạt cảnh là sao?’ Tổ trả lời: ‘Nắng dậy gấm thêu đầy mặt đất, hài nhi tóc rủ bạc như tơ.’

Đoạt người không đoạt cảnh, tức là đừng để ý tới chủ thể, chỉ để ý tới đối tượng.

Nhận thức luôn luôn bao gồm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Người đời thường chỉ nhìn cảnh vật, nhìn người, chỉ thấy cảnh mà không thấy tâm. Những cái ta có thể thấy, có thể nghe, có thể cảm, có thể sờ mó được, thì ta cho là có thật. Ta không thấy đó là do tâm biến hiện ra, và tâm can thiệp vào những sự kiện ấy, trong triết học gọi là Thực Tại Luận Chất Phác (Naive Rèalism).

Sự có mặt của một bông hoa là sự thật, điều đó chúng ta không thể nào chối cãi. Anh có sanh ra đời hay không có sanh ra đời, tôi có sanh ra đời hay không có sanh ra đời, thì bông hoa cũng có đó. Nó độc lập ngoài chủ thể nhận thức của ta. Bông hoa là một thực tại độc lập không dính líu gì tới anh và tôi cả, đó gọi là Thực Tại Luận Chất Phát. Trong trường hợp này, ta không kể đến chủ thể nhận thức, chỉ nói đến đối tượng nhận thức (bông hoa). Có những người đến học, hay đến tham cứu với ta, ta có thể để họ đứng ở trong trường hợp đó, không cần sự can thiệp của tâm họ, chỉ nhận xét sự thật qua đối tượng nhận thức của mình mà thôi, đây là chủ trương của phái Thực Tại (Realism). Ví dụ, có người tới than với tôi rằng: ‘Thầy ơi! Tại sao đời con khổ quá? Tại sao cái này như thế này, cái kia như thế kia…?’ Nếu đứng trên lập trường Thực Tại Luận, tôi sẽ không trả lời: ‘Tại vì cái tâm của con nó sanh ra như vậy.’, mà tôi sẽ cắt nghĩa cho họ: ‘Cái này liên hệ đến cái kia, cái kia liên hệ đến cái nọ.’

Đoạt người không đoạt cảnh là sao? Lấy đi chủ thể gọi là đoạt người, tức là không chú ý tới chủ thể nhận thức (tâm) chỉ chú ý tới cảnh vật (đối tượng của tâm) là đoạt người không đoạt cảnh. Hình ảnh Tổ Lâm Tế đưa ra là: Nắng dậy gấm thêu đầy mặt đất, hài nhi tóc rủ bạc như tơ. Nghĩa là: Mùa xuân có nắng, cây cối xanh tươi, hoa nở khắp nơi… cảnh vật như gấm thêu. Đó là đối tượng của nhận thức. Trong khi đó, có một cô bé (chú bé) đang chơi ở ngoài nắng với hoa, mà tóc của cô bé (chú bé) lại bạc như tơ. Đối với một em bé Trung Quốc, tóc trắng là một điều không thể xảy ra. Ở Tây Phương thì có thể có những em bé tóc trắng, bên Tàu thì tóc của bé nào cũng đen.

Hình ảnh một em bé chơi trong nắng mai mà tóc lại bạc trắng là một sự phủ nhận. Nó cho ta biết có những mâu thuẫn không thể giải quyết được nếu đứng về lập trường của Thực Tại Luận, tức là ở đây có sự can thiệp của tâm vào cảnh. Cũng như cụ Nguyễn Du nói: ‘Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.’ Thành ra đứng trên lập trường của Thực Tại Luận, có những trường hợp mâu thuẫn mà ta không thể giải thích được. Ví dụ, tại sao có người nhìn mặt trăng thấy đẹp, thấy vui, lại có người nhìn mặt trăng thấy buồn rầu? Điều ấy là tại mặt trăng hay tại ta?

Đây là điều tiên đoán, chứ không hẳn là ý của Tổ như vậy. Có thể Tổ không có ý gì cả, chỉ đưa ra câu thơ. Thành ra ta đừng bị kẹt. Chính Tổ cũng khuyên ta là đừng bị kẹt vào những ý niệm, những hình ảnh của người khác đưa ra. Nếu ta có thấy thì thấy, không thấy thì thôi, không quan trọng.

Hỏi tiếp: ‘Đoạt cảnh không đoạt người là sao?’

Thiền Sư đáp: ‘Lệnh vua truyền khắp trong thiên hạ

Biên thùy tướng sĩ khói mây tan.’

Trường hợp thứ hai là đoạt cảnh không đoạt người (đoạt cảnh bất đoạt nhân). Tức là lấy đi đối tượng nhận thức, đưa người tham vấn trở về tâm của họ (chủ thể nhận thức). Lập trường của những nhà Duy Thức là tất cả những cảnh vật mà chúng ta thấy hoàn toàn là do những biến hiện của tâm thức. Những gì anh thấy, anh nghe, anh cảm,… những gì làm khổ anh, làm cho anh chìm đắm, chúng không phải là những thực tại độc lập bên ngoài mà do tâm anh tạo tác ra. Khuynh hướng này là trở về để nhìn tâm, và không công nhận thực tại bên ngoài là một cái gì có thật.

Chúng ta thấy trong lịch sử của tư tưởng Phật giáo cũng có những khuynh hướng tương đương như vậy. Phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivâda) chủ trương rằng tất cả là có thật. ‘Nhất thiết hữu’ nghĩa là tất cả đều có thật, trong đó có khuynh hướng của Thực Tại Luận, còn gọi là khuynh hướng đoạt nhân bất đoạt cảnh. Duy thức luận, Pháp tướng tông thì chủ trương rằng tất đều do tâm, và những cảnh tượng ta thấy, ta nghe, ta cảm đều là những biến hiện của tâm thức. Trường phái Duy Biểu tượng trưng cho lối thực tập thứ hai, gọi là đoạt cảnh bất đoạt nhân. Hình ảnh được Tổ đưa ra là: Lệnh vua truyền khắp trong thiên hạ, biên thùy tướng sĩ khói mây tan. Trong nguyên văn là ‘tuyệt yên trần.’ Tuyệt tức là hoàn toàn không còn gì, yên tức là khói và trần là bụi. Khói và bụi là những dấu hiệu của chiến tranh. Khi có một đoàn quân xâm nhập vào lĩnh thổ ở biên cương, lính ở biên thùy không có kính viễn vọng như bây giờ, vì vậy họ phải leo lên lầu gác rất cao để nhìn xa, khi thấy bụi cuốn phía chân trời, họ biết quân địch sắp xâm nhập vào biên thùy, thì họ phải báo động về cho trung ương gấp. Ngày xưa không có fax cũng không có điện thoại cầm tay, cho nên lính biên thùy dùng khói làm tín hiệu. Khi có dấu hiệu của sự xâm nhập, họ đốt phân chó sói phơi khô, thì nó tỏa lên một ngọn khói đen ngòm. Đồn canh cách đó mười cây số hay hai mươi cây số thấy khói thì biết là có giặc. Tại đồn canh đó cũng lấy phân chó sói phơi khô để đốt lên,… cứ như vậy mà chuyền về kinh đô để cho nhà vua biết rằng ở biên thùy đang có giặc. Chữ yên ở đây ta phải hiểu là khói, tức là dấu hiệu của chiến tranh. Hồi đó, ở biên thùy luôn luôn có những bộ lạc giặc dấy lên, và đe dọa cho an ninh của đất nước. Tổ Lâm Tế ở miền Tây Bắc không xa biên thùy bao nhiêu, do đó hình ảnh ‘khói và bụi’ là hình ảnh rất thực tế mà chính Tổ đã trông thấy, đã cảm nhận, cho nên đã đưa vào thi ca, đưa vào trong thiền ngữ.

Hai câu thơ có sự mâu thuẫn nhau. Lệnh vua truyền khắp trong thiên hạ: Khi lệnh vua được ban ra, tức là có chiến tranh, tất cả mọi người đều phải đề cao cảnh giác, đều phải giữ gìn biên thùy cho đàng hoàng. Biên thùy tướng sĩ khói mây tan: Trong khi đó, ở biên thùy, vị chỉ huy trưởng của quân đội lại thấy không có dấu hiệu gì của chiến tranh cả, không có khói cũng không có bụi (tuyệt yên trần). Có sự mâu thuẫn giữa hai bên: một bên ban lệnh phải chuẩn bị chiến tranh, một bên lại không có một dấu tích gì chứng tỏ là có chiến tranh.

Khi chúng ta chỉ đi vào thuần tâm thức thôi mà không có cảnh thì không đúng lắm. Nếu không có cảnh làm gì có tâm, và nếu không có tâm làm gì có cảnh, chủ thể và đối tượng là hai cái phải nương vào nhau. Khi ta thấy thì phải thấy cái gì mới gọi là thấy, khi ta nghe thì phải nghe cái gì mới gọi là nghe, khi ta nghĩ thì phải nghĩ cái gì mới gọi là nghĩ. Chủ thể và đối tượng là hai cái không thể nào tách rời ra, chỉ có chủ thể mà không có đối tượng, điều đó không đúng. Nhưng có những trường hợp ta phải ở với người thiền sinh đó trong tư thế nội quán để dẫn dắt họ, trường hợp này là trường hợp đoạt cảnh bất đoạt nhân, lấy đi đối tượng chỉ giữ lại chủ thể.

Hỏi: ‘Còn đoạt cả người cả cảnh là sao?’

Thiền Sư đáp : ‘Hai quận Biện Phần không liên lạc

Dân chúng một mình một cõi riêng.’

Đây là trường hợp thứ ba: Lấy luôn cả cảnh cả người. Đó là trường hợp của phi tưởng phi phi tưởng, không phải tri giác mà không phải là không có tri giác. ‘Phi tưởng’ tức là không có tri giác. Lấy đi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức rồi thì làm gì còn tri giác nữa, nhưng đây không phải là tình trạng vô tri như gỗ đá, cho nên nói phi tưởng không thôi thì không đúng, vì vậy mới có phi phi tưởng. Cái anh gọi là vật đó thật ra không có, mà cái anh gọi là tâm – nguồn gốc của vật – cũng không có luôn. Tại vì sao có tâm mà không có vật, có vật mà không có tâm? Đó gọi là trường hợp đoạt cả nhân cả cảnh cùng một lúc. Đây là một trạng thái thiền định rất sâu, trong đó chủ thể nhận thức không còn, mà đối tượng nhận thức cũng không còn. Không có ranh giới giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là phi tưởng (no perception) phi phi tưởng (no non-perception).

Trường hợp thứ nhất là chỉ có đối tượng nhận thức; trường hợp thứ hai là chỉ có chủ thể nhận thức; trường hợp thứ ba là không có đối tượng nhận thức cũng không có chủ thể nhận thức.

Hình ảnh ‘Hai quận Biện Phần không liên lạc, dân chúng một mình một cõi riêng’ diễn tả tình trạng hai tỉnh biên giới hoàn toàn bị cô lập, không liên lạc được với chánh quyền trung ương nên không nhận được lệnh gì của trung ương. Đó là hình ảnh của sự cô lập; hình ảnh của sự không tiếp xúc với thực tại; hình ảnh của một người ngồi trên núi chìm đắm trong thiền quán, không biết chuyện gì xảy ra cho mình và cho cảnh vật xung quanh.

Hỏi: ‘Còn không đoạt người cũng không đoạt cảnh là sao?’

Thiền Sư đáp : ‘Vua bước lên điện báu

Ông già quê hát ca.’

Hình ảnh thứ tư là hình ảnh hòa bình: Vua bước lên điện báu, hội hợp với quần thần; trong khi đó, tại các miền quê có những ông già nhà bảy tám chục tuổi ra đường ca hát với bọn trẻ. Âu ca tức là hát để ca tụng hòa bình. Đây là sự thiết lập trở lại giữa chủ thể và đối tượng, có đối tượng có chủ thể, nhưng không còn sự ngăn cách; không kẹt vào duy vật luận của trường hợp thứ nhất; không kẹt vào duy tâm luận của trường hợp thứ hai; không kẹt vào chủ nghĩa hư vô của trường hợp thứ ba, tuy rằng có công nhận cảnh và người, nhưng người với cảnh trong trường hợp này không phải là người và cảnh của hai trường hợp đầu: có cảnh, nhưng không còn là cảnh của trường hợp thứ nhất (đoạt nhân bất đoạt cảnh); có tâm, nhưng không phải là tâm của trường hợp thứ hai (đoạt cảnh bất đoạt nhân). Trong nhà thiền nói rằng: ‘Trước khi tu, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tu được một thời gian, tôi thấy núi không còn là núi, sông còn là sông. Sau khi tu chứng rồi, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông.’ Nghĩa là cái thấy của tôi bây giờ không còn yếu tố của chấp trước nữa, tôi không còn chấp núi chỉ là núi, sông chỉ là sông.

Triết học Ấn Độ có quan niệm Tứ Cú, tức là bốn mệnh đề:

1- Mệnh đề thứ nhất là có (being).

2- Mệnh đề thứ hai là không (non-being)

3- Mệnh đề thứ ba là cũng có cũng không, hay vừa có vừa không (both being and non-being).

4- Mệnh đề thứ tư là không có cũng không không (neither being nor non-being).

Tứ Cú rất quan trọng trong nền triết học tư duy của Ấn Độ.

Tứ Liệu Giản (four arrangements) cũng đi theo phương thức đó. Có là một quan niệm, và Không là một quan niệm khác. Quan niệm về Có tương đương với Liệu Giản thứ nhất, cùng quan niệm với Thực Tại Luận Chất Phát, tức là đoạt người không đoạt cảnh. Quan niệm về Không tương đương cho Liệu Giản thứ hai: Cái anh nói có ấy thật sự không có, đó là do tâm của anh biến hiện ra. Liệu Giản thứ ba là không Có cũng không Không, tức là đoạt nhân và đoạt cảnh cùng một lúc. Thứ tư của Tứ Cú thành ra cái thứ ba của Liệu Giản. Thứ tư của Liệu Giản là vừa Có cũng vừa Không; tuy là Có kỳ thực là Không, tuy là Không kỳ thực là Có.

Tứ Pháp Giới trong hệ thống giáo lý Hoa Nghiêm cũng có một quan niệm tương tợ. Tứ Pháp Giới tức là bốn lĩnh vực của hiện hữu:

1- Sự pháp giới: Sự tức là sự vật. Sự là thế giới của hiện tượng.

2- Lý pháp giới: Lý tức là nguyên tắc, là bản thể, là tâm. Lý là thế giới của bản thể.

3- Sự Lý vô ngại: Thế giới của hiện tượng và thế giới của bản thể không chống chọi nhau.

4- Sự Sự vô ngại: Giữa hai hiện tượng không có sự chống nhau.

Chúng ta nhớ lại hình ảnh đầu tiên Tổ đưa ra là: Mùa xuân nắng ấm và hoa nở khắp nơi, có một cô bé đang đùa chơi mà tóc của bé lại bạc trắng, thì có một cái gì mâu thuẫn, chướng ngại. Tại vì ta chưa đi qua lĩnh vực ‘Sự Lý vô ngại’ cho nên trong Sự vẫn còn mâu thuẫn. Khi nào từ quan niệm về cảnh đi vào quan niệm về nhân, mà ta thấy được giữa cảnh và nhân có sự thông suốt, thì lúc đó ta có khả năng đi tới trình độ gọi là Sự Sự vô ngại, lúc bấy giờ ta sẽ thấy tóc em bé không còn trắng nữa.

Ta tưởng rằng chỉ có thế giới của thực tại, nào ngờ còn có thế giới của tâm. Khi đi vào tâm, ta lại phủ nhận sự thật về thế giới khách quan. Cả hai trường hợp đều có sự mâu thuẫn hết. Nhưng tới được bước thứ ba thì thấy giữa hai bên có sự hòa điệu, giữa Sự và Lý, giữa Nhân và Cảnh. Khi đi tới bước thứ tư (Sự Sự vô ngại), nhìn lại bước đầu (Sự pháp giới) thì thấy không còn mâu thuẫn nữa. Ở Sự pháp giới, ta thấy núi là núi, sông là sông. Đi vào Lý pháp giới, ta thấy núi không còn là núi, sông không còn là sông (tại vì sông nằm trong núi, núi nằm trong sông). Khi đạt tới Sự Sự vô ngại thì khi trở về Sự pháp giới, ta thấy núi trở lại là núi, sông trở lại là sông, nhưng không thấy có sự mâu thuẫn nữa. Đó là một hình ảnh rất thiền.

Tổ Lâm Tế là học trò của Tổ Hoàng Bích. Chúng ta hãy đọc câu này của Tổ Hoàng Bích để thấy rằng Tổ Lâm Tế rõ ràng chịu ảnh hưởng của thầy mình. (Hoàng Bích là tên của một cái núi. Tổ ở trên núi đó nên có tên là Hoàng Bích. Tên của Tổ Lâm Tế cũng vậy. Lâm Tế không phải là pháp danh, Lâm Tế là tên của cái vùng Tổ cư ngụ). Câu này trích trong tác phẩm ‘Hoàng Bích Sơn, Đoạn Tế thiền sư truyền tâm pháp yếu’. Tức là những tinh yếu của sự trao truyền tâm ấn, do thiền sư Đoạn Tế ở núi Hoàng Bích nói lại.

Phàm phu thủ cảnh

Đạo nhân thủ tâm

Tâm cảnh song vong

Nãi thị chân pháp

Vong cảnh do dị

Vong tâm chí nan

Nhân bất cảm vong tâm

Khủng lạc không vô lao mô xứ

Bất tri không bổn vô không

Duy nhất chân pháp giới nhỉ.

‘Phàm phu thủ cảnh’. Thủ cảnh tức là nắm lấy cảnh, kẹt vào cảnh. Cảnh là đối tượng nhận thức, tiếng Phạn là visaya. Những người phàm phu – thông tục (ordinary people) ngây thơ, thì bị kẹt vào cảnh – đối tượng của tâm (object). Họ thấy núi là núi, sông là sông, người là người. Đây là trường hợp đoạt nhân bất đoạt cảnh.

‘Đạo nhân thủ tâm’. Còn người tu – đạo nhân (the one who practices the path) thì kẹt vào tâm. Đây là trường hợp đoạt cảnh bất đoạt nhân.

‘Tâm cảnh song vong, nãi thị chân pháp’. Song (both) là cả hai. Khi tâm và cảnh đều không còn, thì mới đúng là pháp chân thật.

‘Vong cảnh do dị, vong tâm chí nan’. Vong tức là quên. Quên cảnh thì rất dễ, nhưng quên tâm thì rất khó; cho rằng không cảnh mà có tâm thì dễ, nhưng nói rằng không có tâm luôn thì rất khó (taking away the object is still easy, but taking away the mind is very difficult).

‘Nhân bất cảm vong tâm’. Con người không dám buông tâm. Tại vì sao vậy?

‘Khủng lạc không vô lao mô xứ’. Khủng là sợ; lạc là rơi vào; lao tức là đi tìm, đi mò, đi vớt; mô tức là sờ mó. Tại vì con người sợ rơi vào chỗ không có gì để nương tựa.

‘Bất tri Không bổn vô không, duy nhất chân pháp giới nhỉ’. Con người không biết rằng cái Không đó vốn không phải là không (ngược với cái có), cái Không đó chính là Nhất Chân Pháp Giới (pháp giới chân thật). Con người không dám buông tâm, vì buông tâm rồi thì không còn gì nữa, thành ra họ sợ ý niệm không còn gì cả. Khi đọc câu này của Tổ Hoàng Bích, ta hiểu được Tứ Liệu Giản cũng chịu ảnh hưởng của lời dạy này. ‘Nhất chân pháp giới’, tức là Liệu Giản thứ tư: không phủ nhận cảnh cũng không phủ nhận người, không phủ nhận đối tượng cũng không phủ nhận chủ thể. Ban đầu là phủ nhận chủ thể, nhưng công nhận đối tượng. Thứ hai là phủ nhận đối tượng, nhưng công nhận chủ thể. Thứ ba là phủ nhận cả hai. Và điều đó đưa tới sự sợ hãi, cho nên người ta thường bị kẹt vào đó. Liệu Giản thứ tư cho thấy chủ thể và đối tượng không phải là không. Nếu Liệu Giản đầu là Hữu, thì Liệu Giản thứ tư là Diệu Hữu; Nếu Liệu Giản đầu là Không, thì Liệu Giản thứ tư là Chân Không.