Thầy là tình thương
Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Pháp
Nghĩ về Làng Mai những ngày đầu giống như mở ra một cuốn sách linh thiêng và mầu nhiệm, nơi hạnh phúc và bình an cùng nhau bước, tay trong tay.
Hãy tưởng tượng ra một con đường làng rợp bóng sồi chào đón mỗi bước chân ta. Những gốc cây nâu sẫm, dày dặn khiến ta liên tưởng tới những bàn chân voi. Bởi thế, Thầy đã gọi hàng sồi ấy là đàn voi phục. Phía bên trái, con đường nhỏ dẫn tới khoảng không gian bao la nơi tọa lạc một trang trại lớn. Một cây đoàn xanh non đứng ngay ở lối vào các khu nhà của Làng. Thật mầu nhiệm, nhà kho rộng lớn ngày ấy, sau này đã biến thành thiền đường.
Tòa nhà tiếp theo là nơi Thầy ở. Mà không chỉ có Thầy, các em thiếu nhi cũng chia sẻ không gian này cùng Thầy. Lối vào, với chiếc lò sưởi, có lẽ chính là phòng khách, được bài trí giản dị. Cũng ngay nơi này, Thầy đã tiếp chuyện Giác Nghiêm lần đầu tiên. Đối diện cầu thang dẫn lên tầng trên là một căn phòng nhỏ có che rèm. Bên trong là những chiếc giường, vô cùng đơn giản, được làm bằng một tấm ván, kê lên bốn viên gạch. Thêm vào đó là một tấm thảm yoga, một cái gối nhỏ và một tấm chăn mỏng. Đây là nơi Giác Nghiêm sẽ nghỉ ngơi. Giác Nghiêm không thể nói hết niềm vui trong lòng mình trước cảnh tượng đơn sơ, mộc mạc này. Ở hai bên lối vào nhà có hai phòng dành cho các gia đình người Việt đông người. Tiếng cười rộn rã của trẻ nhỏ làm trái tim mọi người cũng hân hoan theo.
Ngay đối diện tòa nhà này là một khu nhà đá, nơi che chở cho mọi hoạt động cốt yếu nhất của tăng thân: phòng sinh hoạt chung- đồng thời là phòng ăn, bếp, phòng họp. Đây cũng là nơi Thầy hay pha trà cho chúng tôi bằng tất cả sự giản dị và dịu dàng của Người. Thầy rất chân thật. Thầy là Tình thương.
Cuối căn phòng này là cánh cửa dẫn tới một thiền đường nhỏ, trong đó chiếc bệ lò sưởi được dùng làm bàn thờ. Tăng thân thường tọa thiền tại đây. Nơi này, tất cả đều là hạnh phúc. Một cánh cửa khác mở ra trước một cánh đồng rộng lớn như được dệt nên bằng rất nhiều những bông cà rốt dại và hoa diếp xoăn màu xanh da trời. Mây trắng bồng bềnh phủ lên cả cánh đồng hoa khiến người ta liên tưởng tới một dải ngân hà nơi địa giới. Giác Nghiêm thầm nghĩ: Đức Chúa đã chạm ngón tay của Ngài lên mảnh đất quý giá này. Con đã về, con đã tới.
Thầy đang ở đây. Sự có mặt sâu sắc của Thầy dường như làm khu vườn tỏa hương. Cứ tới cuối ngày, Thầy nhặt ra những cánh hoa đã tàn và cẩn trọng tưới nước cho cả khu vườn. Khi mới tới, Giác Nghiêm gặp Thầy trong vườn, rồi chị Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không sau này) cũng tới gặp Giác Nghiêm. Đó là vào năm 1985. Chị Phượng có mái tóc dài và đôi mắt thật đẹp luôn ánh lên cái nhìn sâu thẳm, đầy từ bi. Giác Nghiêm đã từ từ lớn lên bên cạnh hai cội cây quý báu, mầu nhiệm này.
Vài tháng trước đó, Giác Nghiêm đã có niềm hạnh phúc được gặp Thầy lần đầu tiên ở Lyon, tại nhà bác sĩ châm cứu Đỗ Trọng Lễ. Người bạn này mời Giác Nghiêm tới nhà nghe một vị thầy cho pháp thoại bằng tiếng Pháp. Lúc ấy, Giác Nghiêm đang hết sức tìm kiếm một người thầy có thể giúp mình trên con đường tâm linh. Cuộc tương phùng thực sự đã diễn ra trong khi Giác Nghiêm nghe pháp thoại, khi Thầy giơ lên một tờ giấy trắng và nói: “Tất cả vũ trụ đều nằm trong tờ giấy này”. Niềm vui trào dâng. Giác Nghiêm đã tìm thấy người thầy mình tìm kiếm bấy lâu, một người thầy hiểu mình. Cánh cửa giáo pháp rộng mở trước mắt Giác Nghiêm.
Mỗi lần đọc Đường xưa mây trắng, đến đoạn cô bé Sujata, vào một buổi sáng sớm đi tìm Bụt và cả hai đã gặp được nhau, Giác Nghiêm luôn rất xúc động. Đời sống tâm linh của Giác Nghiêm đã tiếp tục hành trình trong an bình.
Tại khóa tu đầu tiên ở Làng, một hôm Giác Nghiêm không đi thiền hành mà ngồi viết dưới bóng cây đoàn xanh mát. Hết buổi thiền hành, Thầy nhẹ nhàng đến bên Giác Nghiêm và cất tiếng hỏi đầy thân thiện:
– Elisabeth, cô đang làm gì vậy?
– Thưa Thầy, từ khi gặp Thầy, con đã áp dụng thực tập với các bệnh nhân, tại bệnh viện nơi con làm việc. Con bận quá nên không có đủ thời gian để viết về những sự thực tập này. Con đã chọn dành thời gian để viết mà không đi thiền hành, xin Thầy thứ lỗi cho con.
– Cô cứ tiếp tục đi. Nhớ chia sẻ với Thầy những gì cô làm nhé.
Từ ngày hôm ấy, mọi thực tập chánh niệm áp dụng trong công việc của mình ở bệnh viện đều được Giác Nghiêm ghi chép lại và gửi cho Thầy cũng như cho ông Trưởng khoa – người đã nhận ra những kết quả tích cực trên các bệnh nhân và đã “bật đèn xanh” cho Giác Nghiêm được phép áp dụng sự thực tập trong lúc làm việc tại khoa. Đó là vào năm 1985. Hạnh phúc biết bao!
Trong khóa tu đầu tiên ở Làng ấy, mỗi ngày đều có chấp tác. Những bài giảng của Thầy được in thành sách. Thầy đặt lên bàn từng xấp những trang khác nhau của cuốn sách. Một cách chánh niệm, theo dõi hơi thở và bước chân, mọi người đi quanh bàn gom lại từng trang sách thành một tập. Cứ thế, lần lượt cho ra đời từng cuốn sách, trong nụ cười.
Một bước chân, thở vào, con cầm lên một trang sách,
Một bước chân, thở ra, con mỉm cười.
Một bước chân, thở vào, một cuốn sách sẽ thành hình,
Một bước chân, thở ra, con mỉm cười.
Kinh nghiệm “lạ lùng” này đã tới với Giác Nghiêm ngày mới thực tập. Giác Nghiêm rất thích chấp tác trong chánh niệm. Ai cũng tham gia làm việc, kể cả Thầy. Một buổi sáng, một phụ nữ trẻ tiến về phía Giác Nghiêm và đề nghị Giác Nghiêm giúp cắt bánh mì “trong chánh niệm”. Cô ấy đã nói thêm ba từ ấy một cách nghiêm túc. Thở vào, đây là ổ bánh mì. Thở ra,…
Trời ơi, thế nào là cắt bánh mì trong chánh niệm đây? Một mối hoài nghi lớn đi lên trong Giác Nghiêm. Câu hỏi cứ trở đi trở lại. Cắt bánh mì trong chánh niệm là như thế nào? Một lát sau, người phụ nữ quay lại, chẳng có gì xảy ra cả. Cô ấy đã nhẹ nhàng giúp Giác Nghiêm thoát ra được giây phút “đứng hình” này. Khi để trí năng chế ngự, nghi ngờ sẽ bắt đầu nảy sinh trong lòng chúng ta…
Những kỷ niệm đẹp ở Làng Mai nhiều biết bao nhiêu!
Nghe Pháp
Ngồi trong bình an
Bên chân Thầy
Bóng mát những cội sồi tôn kính chở che
Giữa lòng xóm Hạ
Bao mái đầu vàng, nâu khắp các nẻo
Ánh sáng của Người hướng tất cả về theo
Cam lộ một dòng biếc
Thấm nhuận trần gian