Ngôi làng của chúng tôi
Sư cô Diệu Nghiêm (Jina) & Sư cô Từ Nghiêm (Eleni)
Sư cô Diệu Nghiêm (thường được biết đến là sư cô Jina), người Ireland, quốc tịch Hà Lan, xuất gia trong truyền thống thiền Tào Động ở Nhật Bản. Sư cô đến Làng Mai vào năm 1990 và từng là trụ trì xóm Hạ từ năm 1998 tới năm 2014. Sư cô Từ Nghiêm (còn được gọi là sư cô Eleni), người Mỹ, tới Làng vào năm 1990, xuất gia vào năm 1991.
BBT đã có cơ hội ngồi chơi, lắng nghe quý sư cô chia sẻ kỷ niệm về những ngày đầu của Làng Mai và về cuộc sống của quý sư cô trong tăng thân non trẻ khi ấy.
Nếp sống tăng thân
Sư cô Từ Nghiêm: Tôi tới từ Manhattan, một thành phố với những tòa chung cư bê tông đồ sộ. Tôi lớn lên trong một căn hộ chung cư như vậy. Về Làng, sống trong cộng đồng phần lớn là người Việt, tại một vùng nông thôn nước Pháp là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt đối với tôi. Tôi rất khâm phục cách những gia đình người Việt có thể chung sống hạnh phúc và hòa hợp với nhau.
Cả ba và mẹ tôi đều từng là những người nhập cư trên đất Mỹ. Lúc đầu, họ dùng tiếng mẹ đẻ và sau đó học sử dụng tiếng Anh. Có lẽ vì vậy mà ba mẹ đã trao truyền cho tôi cảm giác thoải mái khi sống với những nền văn hóa khác. Tôi đã quen sống trong cả hai nền văn hóa nên những thay đổi ban đầu không khó khăn lắm. Hơn nữa, tôi thấy người Việt có văn hóa ứng xử rất hòa nhã và lễ độ. Tôi còn nhớ khi ba của thầy Pháp Ứng đến Làng, cách Thầy chào đón ba của thầy Pháp Ứng khiến tôi rất cảm động. Khi ba thầy Pháp Ứng bước vào phòng, Thầy đứng dậy khỏi bàn, tiến về phía ông và chào đón ông rất nồng hậu.
Thầy rất thích nghe những bài thiền ca bằng tiếng Việt. Sau pháp thoại hoặc trước khi thiền hành, Thầy thường mời một ai đó trong đại chúng lên hát. Sau bữa ăn, mọi người cũng thường ngồi lại và hát với nhau. Khi đó, Làng còn rất ít người. Cả đại chúng ngồi vừa đủ hai bàn dài trong nhà ăn. Sau giờ ăn im lặng, mọi người đều để tô chén đó, không vội rửa liền mà cùng hát với nhau. Rất thảnh thơi!
Đúng với tên “Làng Mai”, tôi thấy đây đúng nghĩa là một ngôi làng. Tôi từng có cơ hội đi thăm Việt Nam, vì vậy tôi nhận ra một ngôi làng phải là như vậy. Thầy đã mang tinh thần đó để xây dựng Làng Mai, nơi đúng như một gia đình: có Sư Ông, sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em.
Sư cô Diệu Nghiêm: Lúc tôi mới tới Làng, mọi thứ tương đối nề nếp. Khi có giờ chấp tác, đại chúng sẽ tập họp và có người nói: “Cần phải dọn nhà vệ sinh, ai muốn nhận dọn nhà vệ sinh? Vâng, con sẽ dọn nhà vệ sinh! Cần sắp xếp thiền đường… Vâng!…” Mọi người đơn giản là tự nguyện làm việc. Tôi chẳng để ý xem mọi chi tiết có được quy củ không. Tôi chỉ nghĩ rằng được có cảm giác gắn kết hài hòa như thế này thật là tuyệt vời!
Một trong những điều ở Làng mà tôi rất thích là bất cứ khi nào có dịp để ăn mừng là mình ăn mừng. Kể cả khi mình chưa bao giờ nghe về sự kiện hay lễ hội đó, nhưng có người kể về nó và nói cách làm, vậy là chúng ta làm. Cho nên tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ truyền thống này của Làng Mai. Thầy rất khuyến khích mình làm như vậy. Ăn mừng sự sống! Bởi thế mà mình có lễ hội hoa thủy tiên, lễ hội hoa mai, lễ mừng trăng lên…
Sư cô Từ Nghiêm: Vào những năm 1990-1991, mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều có một buổi thiền trà tại Thiền đường Nến Hồng của xóm Hạ. Thỉnh thoảng Thầy cũng tham dự. Những năm thầy Giác Thanh còn ở xóm Thượng thì thầy sẽ tới làm trà chủ cho những buổi thiền trà này. Đây là một kinh nghiệm rất thiền vị. Thầy Giác Thanh sẽ đọc và bình những bài thơ của các thi sĩ Việt Nam. Đó là những giờ phút mà mọi người đều cảm thấy hứng thú và thư giãn.
Tình thầy trò
Sư cô Từ Nghiêm: Trong những năm đầu tiên ấy, chúng tôi đều là những người mới làm quen với sự thực tập, hoàn toàn non nớt, chỉ là những đứa trẻ một hoặc hai tuổi trong sự thực tập thôi. Lúc ấy, chúng tôi chưa có y chỉ sư.
Tại xóm Hạ có một căn phòng dành cho Thầy. Hồi đó, Thầy bắt đầu huấn luyện các vị trụ trì. Mỗi khi có việc gì, Thầy cho gọi các vị đó vào phòng để dạy, còn chúng tôi thì được tự do. Có những vị được huấn luyện làm thị giả thì Thầy dạy cách pha trà… Khi nào Thầy muốn dạy ai thì vị thị giả sẽ tới nói “Thầy muốn gặp sư cô/ sư chú”. Tôi vô cùng khâm phục cách Thầy bắt đầu xây dựng một tăng thân xuất sĩ với những người mới bắt đầu thực tập như vậy. Thầy dạy chúng tôi làm thị giả thì phải làm sao, làm trụ trì thì như thế nào. Khi nghe có những khó khăn trong tăng thân thì trong bài pháp thoại kế tiếp, Thầy sẽ dạy dựa trên những vấn đề khó khăn đó.
Năm 2001, tôi được làm thị giả một ngày cho Thầy tại tu viện Lộc Uyển bên Mỹ. Một kỷ niệm rất vui! Tôi làm chưa quen nên các sư cô chỉ cho tôi cách mang túi, đặt giày của Thầy ở chỗ nào nơi thiền đường… Khi làm thị giả Thầy trong buổi pháp thoại hôm đó, tôi để đôi giày của tôi ở chái ngoài của thiền đường. Nhưng sau buổi pháp thoại, Thầy đã rời thiền đường bằng cửa đối diện! Thầy vẫn đi đôi dép lê, còn tôi phải theo Thầy bằng chân trần! (Cười) Sau đó thì quý thầy, quý sư cô phải tới “cứu” tôi.
Sư cô Diệu Nghiêm: Tôi rất ấn tượng với sự bình an tỏa ra từ Thầy. Dường như Thầy không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì xảy ra xung quanh. Hồi đó, không khí của khóa tu 21 ngày và khóa tu mùa Hè rất khác nhau. Khóa tu 21 ngày thường được tổ chức chu đáo và năng lượng khá yên, còn khóa tu mùa Hè là khóa tu gia đình nên không khí rất rộn ràng. Tôi thấy rất thú vị khi quan sát Thầy đi qua hai khóa tu một cách thật thoải mái, nhẹ nhàng. Thầy đi lại, tiếp xử hoàn toàn tự nhiên, vui vẻ (dù trong cảnh yên hay cảnh động). Tôi rất ấn tượng với sự sáng tỏ và vững chãi nơi Thầy.
Sư cô Từ Nghiêm: Mỗi dịp Giáng sinh chúng tôi lại đến Sơn Cốc và tập trung trong thư viện của Thầy. Trên bàn làm việc của Thầy có một cây thông Noel nhỏ và ở dưới gốc có vài món quà. Thầy mở những gói quà hết sức chánh niệm. Nếu đó là một hộp bánh hoặc một gói trái cây khô, Thầy luôn chia cho các con. Đó là sự thực tập chia sẻ với tăng thân. Thực tập đó làm tôi rất cảm động. Thầy luôn muốn tất cả các con của Thầy được thưởng thức quà cùng Thầy.
Thỉnh thoảng chúng tôi được phép mang đồ ăn sang cho Thầy. Tôi còn nhớ, có một lần Thầy đã nấu món “scrambled eggs” từ đậu hũ và sữa đậu nành. Thật may mắn và cảm động khi được thấy Thầy nấu ăn. Thầy mặc một cái áo len mùa đông rất dày và đứng bên bếp để nấu cho tất cả chúng tôi. Thật là tuyệt vời. Thầy dành rất nhiều tình thương cho các đệ tử. Tại bàn ăn, Thầy chia sớt thức ăn cho mọi người vào những cái đĩa nhỏ. Thức ăn không có nhiều, Thầy chỉ lấy một miếng, còn lại chia hết cho mọi người.
Nghe Pháp
Sư cô Từ Nghiêm: Nhà ăn của xóm Hạ bây giờ, trước kia là một căn phòng nhỏ. Thầy thường cho pháp thoại ở đó. Cuối căn phòng có một bức tường ngăn bằng gạch men, không cao hẳn tới trần mà lưng lửng, như một bức vách thấp. Đằng sau đó có mấy cái bếp nấu ăn. Tới cuối buổi pháp thoại, chúng tôi bỗng ngửi thấy mùi thức ăn tỏa ra từ đó, do các sư cô bắt đầu nấu ăn (Cười). Cuộc sống giản đơn của chúng tôi khi đó thật đẹp, thật tự nhiên. Trong phòng ăn có một cái đồng hồ, mỗi mười lăm phút, chuông đồng hồ vang lên. Thầy ngừng giảng và thầy trò cùng thở, những giây phút đó thật bình an. Hồi đó, thầy Nguyện Hải là người ghi hình. Thật tuyệt vời khi chúng ta còn giữ lại được những bài giảng từ hồi ấy. Thầy đã sử dụng một cái máy ghi âm cassette và mỗi lần hết băng thì phải dừng lại, cho băng mới vào và lại tiếp tục.
Sư cô Diệu Nghiêm: Những lời dạy của Thầy rất rõ ràng. Chúng tôi lắng nghe và cố gắng để hiểu. Những điều chúng tôi chưa hiểu thì cũng không sao. Đối với tôi, được hưởng sự có mặt của Thầy đã là đủ. Tôi đã được nuôi dưỡng rất nhiều trong khóa tu 21 ngày khi tôi vừa tới Làng. Sau khóa tu đó, tôi nghĩ tôi có đủ vốn liếng để thực tập ít nhất là trong ba năm.
Nếu pháp thoại Thầy cho bằng tiếng Việt thì sư cô Chân Không sẽ phiên dịch. Tôi rất thích nghe sư cô, bởi vì tôi sẽ được biết thêm những thông tin bên lề và tôi sẽ hiểu ngữ cảnh hơn! (Cười) Rất sống động!
Trong khóa tu 21 ngày và khóa tu mùa Hè, Thầy dạy cách thực tập với rất nhiều vấn đề xảy ra trong tăng thân cư sĩ, các vấn đề gia đình, cũng như trả lời các câu hỏi từ thiền sinh. Cho đến khóa tu An cư kiết Đông đầu tiên của tôi, tôi mới thấy “Ồ, giờ thì chúng ta thực sự được nghe những giáo lý thâm sâu và được thấy khía cạnh học giả của Thầy. Đúng là cái mà tôi đang kiếm tìm”. Thời gian an cư thực sự là thời gian học hỏi của tôi.
Những gói quà tình thương gửi về Việt Nam
Sư cô Từ Nghiêm: Chúng tôi làm những gói quà để gửi về Việt Nam trong thời kỳ đầu của chương trình giúp trẻ em đói ở Việt Nam, vào những năm đầu thập kỷ 90. Chúng tôi đi đến các tiệm dược phẩm và mua các loại thuốc phổ thông không cần bác sĩ kê đơn như Paracetamol hay Tylenol. Chúng tôi bỏ chúng vào những cái hộp nhỏ kèm theo một lá thư. Lá thư đó được viết dưới dạng thư của một người nào đó ở Làng Mai gửi về thăm hỏi bạn bè ở Việt Nam. Hồi bấy giờ mình không thể nói quà đó từ Thầy hay Làng Mai được. Theo cách này, những gói nhỏ mang theo một lá thư rất dễ thương, viết đại ý “tôi mong gia đình anh, chị được khỏe mạnh”, động viên họ sống tích cực và mong họ nhận món quà mà chúng tôi, những người bạn, gửi đến cho họ. Tôi được biết rằng họ sẽ bán lại những thuốc đó để lấy tiền mua gạo. Những gói nhỏ tình thương thường xuyên được gửi đi, có lẽ là mỗi tuần. Đó là một công tác quan trọng trong những ngày đầu Làng Mai thực tập đạo Bụt dấn thân.
Tiếp nối Thầy và làm mới lại sự thực tập
Sư cô Diệu Nghiêm: Thầy luôn luôn sáng tạo, luôn luôn làm mới. Chúng ta có đang làm mới không? Có sự thực tập nào mà chúng ta nghĩ nên được làm mới không? Có thể theo thời gian, có những thực tập đã mất đi chút ít ánh sáng của nó…
Thầy luôn thực tập thiền hành, từ những ngày đầu, thậm chí trước cả khi có tăng thân. Tôi nhớ có một ngày tôi làm thị giả cho Thầy. Tôi đi sau Thầy từ thiền đường xóm Thượng về cốc của Thầy, quan sát xem Thầy có cần gì không. Thầy nói gì đó với tôi khi chúng tôi vẫn đang đi và tôi giữ im lặng. Đó không phải là một câu hỏi nhưng tôi cũng không đáp lại vì đang để tâm vào bước chân. Tôi nghĩ: mình đang đi mà, đâu cần phải nói. Và Thầy đã dừng lại. Thầy hỏi: “Con có muốn mình dừng lại khi nói chuyện không?”, “Vâng, thưa Thầy”. Sau đó, hai thầy trò tiếp tục đi. Thầy trò nói chuyện với nhau khi đã về đến cốc. Từ đó trở đi, Thầy dạy đại chúng: nếu đi thì mình chỉ đi thôi, nếu muốn nói chuyện thì mình dừng lại. Đó là một thực tập mới mà Thầy đưa ra lúc bấy giờ.
Sư cô Từ Nghiêm: Có những thực tập của Thầy mà tôi rất kính phục và muốn tiếp nối, đó là sự thực tập của Bồ tát Thường Bất Khinh. Vị Bồ tát luôn thấy được những điều tốt đẹp nơi mọi người và chia sẻ cho họ biết họ có những phẩm chất tốt đẹp như vậy. Thầy luôn luôn tin tưởng vào điều này. Có một lần Thầy đã đề cập đến một bài kinh, trong đó Bụt dạy rằng nếu một người nào đó chỉ còn một con mắt, ta phải nên tìm mọi cách bảo vệ con mắt đó. Có nghĩa là, nếu một người thực tập rất yếu nhưng vẫn còn có tâm nguyện thì phải bảo vệ tâm nguyện đó, đừng quá nghiêm khắc với người đó. Cái hiểu của Thầy rất bao la và Thầy có rất nhiều lòng từ bi.
Có những người đến Làng trong tình trạng có vấn đề về thần kinh. Thầy luôn nói hãy để họ ở lại và thực tập. Không có một áp lực nào cho họ hết. Chúng tôi chỉ nói họ đi ngồi thiền nếu có thể, hoặc đi thiền hành và ăn cùng đại chúng. Họ ở đây trong vòng một tuần lễ. Tôi nhớ Thầy nói rằng năng lượng tập thể của chánh niệm, lòng từ bi, sự tử tế và không khí hòa nhã sẽ giúp được cho những người này. Đó là cách của Thầy trong những ngày đầu khi xây dựng tăng thân như một ngôi làng, nơi mọi người có thể đến sống và thực tập. Tôi còn nhớ khả năng nhìn nhận rất sâu sắc của Thầy, sự hiểu biết và lòng từ bi rất lớn, luôn tìm thấy những điều tốt đẹp nhất nơi mọi người và cho họ một cơ hội.
Giờ đây Làng đã trở thành một trung tâm thiền tập quốc tế, một Viện Cao đẳng Phật học. Chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số. Nhưng tôi nghĩ vẫn rất hay nếu ta có thể duy trì được những giá trị truyền thống của Việt Nam, những nét văn hóa, ẩm thực, thơ ca, Tết… Bên cạnh đó, ta vẫn có thể đi về hướng kết hợp tuệ giác đạo Bụt với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học não bộ, sinh thái, v.v. Đó là con đường đạo Bụt dấn thân. Tôi nghĩ tất cả đều là một phần của Làng Mai.
Điều quan trọng là chúng ta luôn đi về hướng xây dựng một tăng thân tứ chúng, có tính quốc tế và không ngừng tìm tòi những phương pháp mới, giản đơn để đem giáo lý đạo Bụt đến với mọi người trên khắp thế giới, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, văn hóa…