(Phiên tả Pháp thoại ngày 29 tháng 01 năm 1998 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)
Bài Hướng về kính lạy có thể đặt tên là Phát nguyện hành trì vì nội dung gồm hai phần: phát nguyện và hành trì. Không mang tính cách cầu xin, bài tụng là lời nhắc nhở, ước hẹn, cam kết, phát nguyện trong đời sống hằng ngày: “Con sẽ sống như thế này, con sẽ thực tập như thế kia.” Ngay chính hôm nay con đang phát nguyện làm cái này hay cái kia chứ không nói rằng ngày mai, ngày kia con sẽ làm cái này hay cái kia.
PHÁT NGUYỆN QUY Y
Một hình ảnh đặc biệt, tương đối mới được thấy trong bài là hình ảnh ngọn hải đăng. Ngày xưa, trong kinh chưa có hình ảnh đó. Ngọn hải đăng rọi ánh sáng ra biển để những con tàu đi lạc biết hướng quay về. Cố nhiên, theo đó là hình ảnh một đại dương mênh mông sóng gió với rất nhiều con tàu đang lạc hướng. Đại dương – tượng trưng cho biển khổ, biển của sự mê lầm mà chúng sinh đang ngụp lặn, không biết hướng về.
Hướng về kính lạy đức Như Lai
Hải đăng chiếu soi biển trần khổ.
Ở đây, chúng ta thấy đức Như Lai được ví như một ngọn hải đăng đang chiếu soi đêm ngày trong biển trần khổ để những người lầm đường lạc nẻo, nếu biết nhìn theo hướng ánh sáng đó thì có thể trở về bến bờ một cách an toàn. Ánh sáng hải đăng luôn luôn có mặt. Nếu chúng ta có chánh niệm, có ý định quay về thì ánh sáng hải đăng luôn có đó để dẫn đường. Như Lai là đức Thế Tôn, dịch từ chữ Tathāgata. Tathatā là Chân Như (真如), Lai (來) là tới. Như Lai nghĩa là một bậc từ chân như tới (the one who has come from the ultimate reality), và sẽ đi về chân như, tức là từ thực tại đi tới và sẽ trở về thực tại (the one who comes from suchness and will go to suchness). Thực tại nhiệm mầu này là chân như thì làm gì có tới, có đi. Cho nên, Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới và cũng sẽ không đi về đâu.
Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như lai.
如來者,無所從來,亦無所去,故名如來.
(The Tathāgata means he has come from no–where and will go no–where).
Đó là định nghĩa Như Lai trong kinh Kim cương. Đức Như Lai là biểu trưng cho thực tại tối hậu, thực tại tối hậu đó không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Từ chân như tới và sẽ đi về chân như là một cách nói, vì trong chân như vốn không có tới, không có đi.
Hướng về kính lạy đức Như Lai. Đây là một hành động của sự quay về. Quay về chỗ xứng đáng để cho ta trọn đời nương tựa. Quay về với đức Như Lai, quay về thực tại nhiệm mầu là nội dung của sự quy y.
Hải đăng chiếu soi biển trần khổ. Đây là một hình ảnh rất đẹp, và mới mẻ. Ngày xưa trong kinh hình như chưa có hình ảnh ngọn hải đăng. Ngọn hải đăng chiếu ra ánh sáng và ánh sáng có mặt ở bất cứ giờ nào, bất cứ nơi nào có sự tăm tối. Trần, 塵, (rajas), có nghĩa là bụi bặm, hệ lụy. Khổ,苦, (duḥkha), nghĩa chữ Hán là đắng, vị đắng. Trong ý niệm của người Trung Quốc, từ đắng được dùng để chỉ mọi sự đau khổ trong đời (vì phải chịu đựng vị đắng ngoài ý muốn nên mới khổ). Ta cũng có từ khổ qua tức là mướp đắng.
Xin đức Từ Bi xót thương nhiếp thọ,
Chúng con hôm nay khẩn thiết nguyện quay về.
Đây là một lời phát nguyện quy y. Bốn câu này là quy y Bụt. Đức Từ Bi chính là đức Như Lai. Đức Như Lai có lòng thương yêu rất lớn: từ là khả năng chia sẻ, hiến tặng hạnh phúc; bi là khả năng chuyển hóa những đau khổ trong tâm. Vì đức tính từ và bi trong Như Lai rất lớn nên có khi ta gọi Ngài là đức Đại Từ (mahā maitrī), Đại Bi (mahā karuṇā). Chúng ta cũng có từ và bi trong trái tim, nhưng từ bi trong ta nhỏ hơn (vinā maitrī, vinā karuṇā).
Xin đức Từ Bi xót thương nhiếp thọ. Nhiếp nghĩa là giữ gìn, bao bọc lấy, ôm trọn vào trong chứ không để lọt ra ngoài, không để cho mất mát. Nhiếp chúng nghĩa là ôm lấy tất cả mọi người trong đại chúng, không để một phần tử nào lọt ra ngoài. Thọ nghĩa là tiếp nhận. Khi lạy xuống, ta đặt cả thân và tâm ta vào vùng nhiếp thọ, vùng che chở, chấp nhận, ôm ấp của đức Như Lai. Khi lạy xuống, ta quán chiếu hai cánh tay Như Lai bao trùm tất cả và ta đặt hết thân tâm ta vào vùng năng lượng đó. Trong tư thế năm vóc sát đất, ta sẽ cảm thấy rất an ổn, như đã được quay về nhà với cha mẹ. Đó là vì ta đang được ôm ấp trong vùng năng lượng đại từ, đại bi của đức Như Lai.
Chúng con hôm nay khẩn thiết nguyện quay về. Quay về không phải bằng lý thuyết mà bằng tất cả mọi tế bào trong cơ thể: máu, xương, tủy, não, hạnh phúc, khổ đau, tuyệt vọng, hy vọng… đều quay về, đặt trọn vào vùng nhiếp thọ của đức Như Lai.
Hướng về kính lạy đức Như Lai
Hải đăng chiếu soi biển trần khổ
Xin đức Từ Bi xót thương nhiếp thọ
Chúng con hôm nay khẩn thiết nguyện quay về.
Khai chuông mõ, xướng lên câu Hướng về kính lạy đức Như Lai là phải có niệm, có định. Phải đọc bốn câu này bằng máu, nước mắt, xương, tủy thì ta mới cảm nhận rõ ràng rằng chúng ta đang được nuôi dưỡng, ôm ấp, bảo bọc và nhiếp thọ bởi năng lượng từ bi của Bụt.
Đệ tử chúng con
Bốn ơn mang nặng
Chưa dịp báo đền
Đệ tử là tiếng Hán Việt,có nghĩa là học trò, là em (đệ), là con (tử) của đức Thế Tôn. Quý vị vừa là con của thầy, vừa là em của thầy. Chữ disciple hay student chưa được hay lắm. Chữ con em rất hay, bởi vì con là do ta sinh ra; em là như ta, chỉ nhỏ tuổi hơn ta một chút và ta cầm tay dắt đi. Chữ con em nghe thân thiết hơn chữ học trò. You are my child, you are my younger brother. Vậy thì đối với chúng ta, Bụt là thầy, là cha, là anh, là chị.
Bốn ơn mang nặng.Là người có ân nghĩa, trong trái tim chúng ta luôn mang theo Bốn ân.
Ân đầu tiên là ân cha mẹ, đấng sinh thành. Ân thứ hai là ân sư trưởng, ân thầy, người đã sinh ra chúng ta lần thứ hai. Cha mẹ sinh ra hình hài, còn thầy sinh ra ta trong đời sống tâm linh, dạy ta biết hiểu và biết thương, biết chuyển hóa những khổ đau. Cho nên, thầy cũng là cha, là mẹ.
Ân thứ ba là ân bè bạn. Nhiều lúc ta thành đạt được là nhờ ở bạn bè, nhờ sư anh, sư em, sư chị. Vì vậy, ân thiện tri thức, ân bè bạn là một ân rất lớn, rất quan trọng. Chỉ cần có được một người bạn hiểu và nâng đỡ ta trong những lúc khó khăn, vấp ngã, an ủi ta trong những lúc sầu khổ là ta có thể thành đạt được sự nghiệp của đời mình. Hạnh phúc thay cho một người nào có được một, hai, ba người bạn hay có một tăng thân để nâng đỡ. Do đó, ân bè bạn cũng là ân tăng thân.
Ân thứ tư là ân của mọi loài chúng sinh. Chim chóc, thú vật, dòng sông, mặt trời, … tất cả đều là chúng sinh. Chúng sinh trong ba lĩnh vực: động vật (animal realm), thực vật (vegetal realm) và khoáng vật (mineral realm). Theo tuệ giác của Bụt, không những loài thú vật, loài cây cỏ được gọi là chúng sinh mà loài đất đá cũng có thể gọi là chúng sinh, vì nhìn cho kỹ thì đất đá cũng có sinh mạng của chúng. Vì vậy theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm thì: “Tình dữ vô tình, đồng thành Phật đạo”, tức là những loài hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo (the animated world and the unanimated world, both become Buddha). Ranh giới giữa hữu tình và vô tình tìm cho kỹ thì không có. Trong kinh Kim cương viết “hữu tình được làm bằng vô tình và vô tình được làm bằng hữu tình”, điều này có thể chứng nghiệm được bằng khoa học. Có đôi lúc ranh giới giữa động vật và thực vật cũng không thể tìm ra, ví dụ như có những loài mà ta gọi là động vật cũng được, gọi là thực vật cũng được. Có những loài nấm ta gọi là con hay cây đều được, vì nó nằm ở giữa hai loài.
Đệ tử chúng con
Bốn ơn mang nặng.
Chúng ta mang ơn cha mẹ, ơn thầy, ơn bè bạn, ơn chúng sinh. Bốn ơn đó rất nặng. Chúng ta tu là tu cho bốn ơn đó: tu cho dòng họ, cho cha mẹ, cho thầy, cho chư vị Tổ sư, cho bạn bè và cho tất cả mọi loài chúng sinh. Vì có bốn ơn sâu nặng đó nên chúng ta mới ngày đêm tinh chuyên, thao thức để tu tập, nếu không, chúng ta sẽ là một người vô ơn, bạc nghĩa. Vậy, phải luôn mang bốn ơn đó trong trái tim và làm bất cứ điều gì cũng nhân danh bốn ơn đó: ta đi vì bốn ơn mà đi, ta ngồi vì bốn ơn mà ngồi, ta tụng kinh vì bốn ơn mà tụng kinh, ta thực tập vì bốn ơn mà thực tập.
Chưa dịp báo đền.
Ta chưa có cơ hội báo đền bốn ơn. Trong khi đó:
Nhìn ra ba cõi bốn bên
Thấy muôn loài còn chìm trong khổ nạn.
Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cõi dục (rūpadhātu – dục giới) là cõi mà tham dục đầy dẫy. Muốn biết về cõi dục, ta chỉ cần tiếp xúc với bản thân là sẽ thấy cõi dục ở ngay trong ta. Cõi sắc (arūpadhātu, sắc giới) cũng có trong ta, những lúc trong ta không có tham dục, ta sống nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn hình sắc. Cõi vô sắc cũng có mặt một phần trong ta. Do đó, tam giới không cần phải đi tìm đâu xa, nó hiện hữu ngay trong bản thân và xung quanh ta. Chúng ta chọn một trong ba cõi đó để an trú. Và cố nhiên, ta sống trong cõi dục thì khổ hơn trong các cõi khác. Nhưng theo giáo lý của đức Thế Tôn, trong cả ba cõi đều không có an ninh, dầu là cõi vô sắc, vậy nên chúng ta phải làm thế nào để vượt khỏi ba cõi thì mới có an ninh hoàn toàn. Kinh Pháp hoa dạy rằng: “Tam giới bất an, do như hỏa trạch” (三界不安,猶如火宅), nghĩa là ba cõi không có an ninh như một cái nhà đang bốc cháy. Hỏa trạch là cái nhà đang bốc cháy, the house is on fire. Vì vậy, ta phải chạy ra khỏi tam giới. Nếu ở trong ngôi nhà đang cháy đó, ta thì sẽ bị chết cháy. The three worlds are without safety, they like burning houses. Bốn bên là đông, tây, nam, bắc.
Thấy muôn loài còn chìm trong khổ nạn.Đây rõ ràng là biển khổ. Mỗi ngày, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người còn đang chìm đắm trong đó. Khi những thiền sinh đến với chúng ta, nhờ tiếp xúc với họ, ta sẽ nhớ lại bên ngoài còn rất nhiều khổ đau. Có những thiền sinh run rẩy, đau khổ, khóc than ngay lúc mới đến. Họ nhắc cho chúng ta biết rằng cuộc đời bên ngoài đang là một biển khổ. Làng Mai giống như một hải đảo có an ninh (safety), có sự che chở (protection). Ở đây chúng ta có tăng thân tương đối vững chãi, có hạnh phúc mà đôi khi chúng ta quên mất. Ta cần sắm một chiếc thuyền, thỉnh thoảng đi ra ngoài biển khổ để nhìn thấy, và cứu giúp. Mỗi lần đi ra ngoài để tổ chức khóa tu, để hoằng pháp, chúng ta tiếp xúc với không biết bao nhiêu là khổ đau của con người, có thể học thêm được rất nhiều từ những khổ đau đó và chúng ta có thể chế tác ra những pháp môn mới để giúp những người đó chuyển hóa và từ từ bớt khổ. Chúng ta phải có những chiếc thuyền, đi ra biển khổ mà không có thuyền thì không thể giúp được ai cả. Chiếc thuyền đó chính là bản thân của chúng ta, chính là sự thực tập của chúng ta.
Cái hay của bài tụng này là những hình ảnh. Trong khi tụng kinh, những hình ảnh sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc với sự thật. Thiền quán là sự thực tập nhìn vào thực tại với sự trợ giúp của các hình ảnh. Khổ nạn là đau khổ và tai nạn. Tai nạn đầy dẫy cùng khắp. Tai nạn này xảy ra chưa hết thì tai nạn khác đã đến, mà phần lớn là do ta không có phương tiện để tự bảo vệ. Những người tu sĩ sở dĩ có cảm giác an ninh là vì họ tự biết bảo vệ mình bằng sự hành trì giới luật và uy nghi. Giới luật và uy nghi trở thành một năng lượng bảo vệ người tu, năng lượng đó chính là Bụt, Pháp, Tăng. Những ai đã tiếp nhận, hành trì Năm giới và Tam quy thì những người đó có thể tránh thoát đến 90% những tai nạn có thể xảy ra cho mình, sẽ được sống ngoài biển khổ. Hành trì quy giới rất quan trọng cho tất cả mọi thành phần trong xã hội.
Những đau khổ và tai nạn luôn rình rập, úp chụp lên đầu ta và hầu hết chúng sanh đều đang chìm trong khổ nạn. Khi vượt qua được khổ đau, chúng ta chắp tay lại và gọi tên đức Bồ tát Quan Thế Âm: “Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm cứu khổ cứunạn. Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quan Thế Âm Bồ tát”. Ai mà không có khổ có nạn và ai mà không cần đức từ bi của Bồ tát Quan Thế Âm? Nghe được tiếng kêu của thế gian, đức Quan Thế Âm hiện ra, Ngài nói: “Có ta đây, con đừng sợ. Con niệm danh hiệu ta và thực tập Ba quy, Năm giới là con sẽ được bảo vệ”. Vì vậy, đức Quan Thế Âm cũng là giới, cũng là quy, cũng là uy nghi.
Nhìn ra ba cõi bốn bên
Thấy muôn loài còn chìm trong khổ nạn
Bỗng giật mình kinh hãi.
Thật không ngờ trên đời con người khổ nhiều như vậy. Có thể ta đang sống trong giấc mộng, không biết được sự thật đang xảy ra ngoài đời là người ta đang khổ quá nhiều. Lâu nay ta sống trong một tháp ngà, nên ta mới buồn nhau, giận nhau, ganh tỵ nhau vì những lý do rất nhỏ bé. Ta không biết sử dụng những giây phút của đời mình để thực tập, để sống cho sâu sắc như đức Thế Tôn dạy. Khi mở mắt ra, thấy “muôn loài còn chìm trong khổ nạn”, ta mới giật mình kinh hãi và thấy mình quá dại dột, vì đã sống một cách hời hợt, u mê.
Bỗng giật mình kinh hãi
Biết rằng dù đã quay đầu nhìn lại
Vẫn thấy rằng bến giác còn xa
May thay trong cõi Ta bà
Đâu cũng có cánh tay đức Từ Bi cứu độ.
Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn hay là Khổ hải mang mang, quy đầu thị ngạn. Khổ là đắng, hải là biển, mang mang là lai láng, hồi là quay lại, đầu là cái đầu, thị là thấy, ngạn là bờ. Tuy biển khổ lai láng, mênh mông, ta rất dễ đánh mất mình trong biển khổ, nhưng nếu ta biết quay đầu trở lại thì có thể thấy được bến bờ.
Ta biết trên nguyên tắc: Quay đầu là thấy bờ, nhưng thấy thì thấy, bờ vẫn còn xa và muốn trở về bờ chưa chắc ta đã có đủ sức để bơi! Dù sao, thấy bờ và biết mình cần đi về hướng nào đã là một điều quý hóa rồi. Trước khi thấy bờ, chúng ta cứ bập bềnh, trôi nổi, không biết đang đi về đâu. Những người không biết mình đang đi về đâu là những người đau khổ nhất. Những người thấy được hướng đi, dù biết là phải đi một thời gian dài mới đến, là những người đã bắt đầu có hạnh phúc. Chỉ cần quy y thôi là hạnh phúc bắt đầu có mặt. Nhờ quy y ta sẽ biết rằng ta cần đi về hướng nào và ta có niềm tin đến gần với mục đích của ta, tức là sự an ninh.
May thay trong cõi Ta bà
Đâu cũng có cánh tay đức Từ Bi cứu độ.
Ta bà, tiếng Phạn là sahā, dịch là kham nhẫn, chịu đựng. Cõi Ta bà là cõi còn nhiều sự chịu đựng, khổ đau, là cõi của chúng ta. Không có ý thức thì thôi, chứ khi ta đã có ý thức chánh niệm thì tuy biết bến giác còn xa nhưng chỗ nào ta cũng có thể nhận ra cánh tay của đức Từ Bi đưa ra và chỉ cần níu lấy cánh tay đó là ta sẽ không bị chìm nữa. Cánh tay đức Từ Bi có thể là cánh tay của thầy, sư anh, sư chị, sư em hay của một thiền sinh đang thực tập giỏi. Cánh tay đó có thể là một tiếng chuông, một bông hoa vàng trong cỏ mà đức Từ Bi hóa thân ra dưới muôn vàn hình thức để cứu độ ta. Chỉ cần nhìn bông hoa vàng trong cỏ đang mỉm cười với mình, ta biết đó là cánh tay đức Từ Bi đang đưa ra cho ta níu lấy. Có chánh niệm, ta dễ dàng nhận ra sự có mặt của đức Từ Bi ở khắp nơi và bất cứ khi nào. Chúng ta đừng tưởng tượng một người có hào quang bằng đèn nê-ông phía sau đầu mới là đức Từ Bi, đó chỉ là hình ảnh ta đặt ra và cho đó là Bụt. Bụt là tiếng chuông, tiếng đồng hồ, tiếng điện thoại, là tia nắng sớm hay tiếng chim hót. Nếu có chánh niệm chúng ta có thể tiếp xúc với Bụt và mỗi hiện tượng như vậy chính là cánh tay của Bụt đưa ra để chúng ta níu lấy. Bụt không ở đâu xa. Bụt có ngay trong cơ thể của ta và xung quanh ta.
Ngày xưa lúc còn nhỏ, thầy có đọc được cuốn hồi ký của một người lạc trong rừng. Chiều đã xuống nhưng ông ấy chưa thể ra được cửa rừng. Ở trong rừng ban đêm rất nguy hiểm. Lúc đó ông hơi nao núng và sợ hãi, nhưng ông ấy vẫn còn cứng đầu. Ông muốn cầu nguyện, nhưng ông là một người vô thần nên cầu nguyện thì cảm thấy mắc cỡ, cho nên ông đã cầu nguyện mà không mấy thành tâm. Ông nói rằng: Thượng đế ơi, nếu quả Thượng đế có mặt thì đến cứu tôi (Dieu, si tu existes, viens me sauver). Lúc ấy có tiếng sột soạt trong bụi và một người Phi châu hiện ra. Người da đen đó cầm tay ông và dẫn ông ra khỏi khu rừng. Khi viết trong hồi ký, ông ta viết một câu bất kính rằng: Tôi cầu Thượng đế nhưng Thượng đế ở đâu không thấy mà chỉ hiện ra một thằng mọi da đen (J’ai prié Dieu, mais il m’est arrivé un nègre). Ông không biết rằng, chính người da đen hiện ra và giúp ông thoát khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng đó là Thượng đế. Ông tưởng tượng Thượng đế thì phải có râu dài, và nhất là phải có da trắng. Đối với nhiều người, Thượng đế phải là người da trắng, chứ da đen thì không phải. Chúng sanh mê mờ như vậy đó. Tại Phi châu, chúng ta sẽ thấy các đức Mẹ luôn luôn là da đen. Đức Mẹ của người Phi châu có da đen, đức Mẹ của người Âu châu có da trắng. Sự thật, màu da của đức Mẹ không đen cũng không trắng. Câu đầu tiên trong tác phẩm Thiền tông chỉ nam của vua Trần Thái Tông: “Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu”, nghĩa là Bụt không phải là người Nam cũng không phải là người Bắc, tìm Bụt ở đâu cũng được. Đó là câu nói của tổ tiên chúng ta.
Nếu chúng ta biết quay về nương tựa và thực tập chánh niệm thì đức Thế Tôn không còn xa cách. Trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày, chúng ta có thể nhận diện được sự có mặt của đức Thế Tôn. Ta có thể luôn luôn nắm lấy cánh tay từ bi của Ngài để nương tựa và trở về bến giác. Cánh tay của đức Từ Bi có mặt khắp nơi, và ta chỉ cần nhận diện cánh tay đó.
Trong Truyện Kiều có một nhân vật tên Giác Duyên, là một sư cô và Thúy Kiều đã nương náu nơi sư cô này để khỏi đắm chìm trong khổ nạn. Tên Giác Duyên rất hay, có nghĩa là điều kiện để mình tỉnh thức. Sư chị Giác Duyên là nơi nương tựa cho sư em Trạc Tuyền (Trạc Tuyền nghĩa là được tắm gội trong một dòng suối). Thúy Kiều khi xuất gia có tên là Trạc Tuyền. Mỗi chúng ta đều có thể có “sư chị Giác Duyên” của mình, đó là những điều kiện để ta tỉnh thức, nắm lấy pháp môn tu học. Giác Duyên của ta là sư anh, sư chị, và cũng có thể là sư em của ta. Tất cả những điều kiện tỉnh thức quanh ta đều có thể gọi là Giác Duyên, conditions for awakening. Đông, Tây, Nam, Bắc đều có những điều kiện giác ngộ, chúng ta phải biết nắm lấy những điều kiện đó. Chúng chính là những hình thái của đức Từ Bi. Cánh tay đức Thế Tôn luôn luôn có mặt cho chúng ta. Tathāgata is always available to us.
Nay chúng con một lòng quay về nương tựa
Nguyền xin làm đệ tử đức Như Lai
Hợp nhất thân tâm
Quỳ dưới Phật đài.
Một lòng, one pointed mind, là quay về nương tựa với tất cả trái tim của mình. Đến lúc này thì thân tâm ta phải hợp nhất chứ không phải thân ở đây mà tâm đang phiêu lưu đâu đó trong quá khứ, tương lai hoặc nơi nào khác.
Buông hết trần tâm
Một lòng quy kính.
Trần tâm tức là tâm bụi bặm, tâm cứ nghĩ đến chuyện danh lợi, giận hờn. Trần là bụi bặm. Ta có hai tâm: thanh tịnh tâm và trần tâm. Phải buông hết tâm bụi bặm mới có thể một lòng quy kính được. Quy là quay về, kính là với thái độ kính cẩn.
Xin tiếp nhận diệu pháp
Tinh chuyên tu tập mỗi ngày.
Đây là một lời hứa, một lời phát nguyện. Con đến với đức Thế Tôn không phải để cầu xin một ơn huệ, con đến để cầu xin diệu pháp. Đức Thế Tôn giàu có về diệu pháp, là vua của pháp, gọi là Pháp vương (the Dharma king). Đức Thế Tôn có thể ban bố rất nhiều pháp môn tu tập, cho nên con đến đây là để cầu xin diệu pháp và tu tập, chứ không phải đến để xin làm thượng thủ, làm tổ, làm thị giả. Tinh là ròng, tuyền, thuần nhất, không bị pha tạp. Tinh chuyên tu tập tức là chỉ chuyên tâm tu tập để chuyển hóa chứ không trộn lẫn để buôn bán chánh pháp, mưu cầu danh lợi Con tiếp nhận diệu pháp để con tinh chuyên, siêng năng tu tập mỗi ngày. Phải tu(practice) và phải tập(train) mới thành tựu được: ngồi, đi cũng phải tập, xướng tụng cũng phải tập. Ý chí muốn làm chưa đủ mà phải có sự rèn luyện. Năm giới (mindfulness training) cũng vậy, ta không thể nói con xin tiếp nhận Năm giới là có thể hành trì được Năm giới mà phải có sự rèn luyện mới thành tựu được. Không phải hứa giữ Năm giới là giữ được, phải cùng luyện tập với tăng thân. Tu tập là làm cho đẹp hơn và không còn xấu nữa, làm cho hoàn hảo, toàn vẹn hơn, cũng như chữ tu bổ, tu sửa, tu chỉnh. Tinh chuyên tu tập không phải là mỗi tháng một lần mà phải là mỗi ngày, mỗi giờ.
Nuôi giới định lớn lên
Quả Bồ đề một mai thành tựu.
Con phát nguyện đi trên con đường Tam học (三學, three trainings): giới, định, tuệ (precept, concentration, insight). Nhờ đi theo con đường này nên mỗi ngày ta đều có phẩm vật để cúng dường. Tam học là hoa trái của người tu để cúng dường đức Thế Tôn, cha mẹ, thầy, bạn, chúng sanh. Đó gọi là hương giới, hương định và hương tuệ. Sự cúng dường và hiến tặng lớn nhất của người tu là tam học. Mỗi ngày ta đều phải rèn luyện. Nếu thực tập giới luật và uy nghi thì ta có niệm, mà có niệm thì thế nào cũng có định, có định thì thế nào cũng có tuệ. Chữ Bồ đề, Bodhi, ở đây là tuệ, là giác ngộ. Nuôi giới định lớn lên, quả Bồ đề một mai thành tựu là quá trình tam vô lậu học.
Chúng con cầu hồng ân đêm ngày che chở
Cúi xin Bụt, Pháp và Tăng xót thương.
Hồng ân tức là ân lớn. Chúng ta được che chở hay không là do chúng ta có thực tập giới, định và tuệ hay không. Nếu thực tập giới – định – tuệ mỗi ngày thì ân lớn của Tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng sẽ luôn che chở cho chúng ta.
B. SÁM HỐI (LÀM MỚI)
Chúng con biết rõ
Tự thân nghiệp chướng còn nặng
Phúc đức còn mong manh
Tri giác vẫn thường hay sai lầm
Tuệ căn vẫn còn chưa vững chãi,
Tâm nhiễm ô còn dễ phát khởi
Văn tư tu chưa thực sự vững bền
Giờ phút này ngưỡng vọng đài sen
Năm vóc cùng gieo xuống
Mong lượng từ mở rộng
Chúng con xin trải hết lòng ra.
Điều chúng ta thường thấy khi trở về nhìn vào bản thân là nghiệp chướng còn nặng. Nghiệp chướng là những hành động sai lầm trong quá khứ và hiện giờ kết quả vẫn còn nặng nề, cụ thể là những thói quen tiêu cực biểu hiện mỗi ngày: thói quen hờn dỗi, thói quen làm biếng, thói quen không nắm được thân tâm. Ta biết rằng, có những điều nếu ta nói ra hay hành động, sẽ làm tan vỡ tình nghĩa, sẽ đổ vỡ mọi thứ, nhưng vì tập khí trong ta quá mạnh nên ta vẫn nói, vẫn hành động như có thế lực của ma quỷ xui khiến. Đó là tập khí, là ma tập khí, là nghiệp, do nghiệp còn nặng. Sau khi nói rồi, làm rồi thì ta hối hận, tự bảo tại sao ta dại dột như vậy. Thật ra ta không dại dột, ta biết rõ nếu nói hay làm điều đó thì sẽ gây ra nhiều đổ vỡ. Nhưng vì nghiệp chướng còn nặng, tập khí còn nặng cho nên ta vẫn cứ nói, cứ làm. Những tập khí này đôi khi không phải do chính ta tạo ra mà do năng lượng nhiều đời trao truyền lại cho ta, có thể là từ cha mẹ hay ông bà. Không hẳn một mình ta chịu trách nhiệm cho tập khí ấy. Đó là cộng nghiệp. Ví dụ ngày xưa ta đã bị mẹ chồng đày ải và bây giờ hạt giống làm mẹ chồng cũng có trong ta và ta lại làm khổ con dâu của ta. Điều đó cứ tiếp tục luân hồi: sự đày ải, dằn vặt, làm khổ nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu ta không thực tập thì không chuyển hóa được tập khí này mà sẽ để cho nó tiếp tục hành trình luân hồi. Khi nhìn vào thân và tâm, ta thấy quả thật mình có tập khí đó, nó đày ải ta và gây ra đổ vỡ. Nghiệp đó trở thành một chướng ngại (obstacle). Khi ta nói người ấy sao chướng quá, nghĩa là người ấy bị những chướng ngại về tham, sân, si, sự ngang bướng,… những cái chướng đó làm cho người ấy khổ. Nhờ sống có chánh niệm, ta trở về và nhận biết được nghiệp và chướng nào đang hiện có trong ta.
Tự thân nghiệp chướng còn nặng
Phúc đức còn mong manh.
Nghiệp và chướng là những điều tiêu cực. Phúc và đức là những điều tích cực. Nhưng phúc và đức của ta đều còn ít. Phúc là những hoa trái của hành động tốt trong quá khứ mà ta đã gieo trồng. Đức là những thói quen tốt như: sự thương người, sự không kỳ thị, sự siêng năng, khả năng tha thứ,… Ta có phước đức là nhờ ông bà, cha mẹ trao truyền cho ta nhưng phước đức đó chưa đủ lớn. Do vậy, ta phải tu tập để tạo ra sự cân bằng giữa phước đức và nghiệp chướng. Mai này phước đức sâu dày hơn thì nghiệp chướng sẽ nhẹ bớt.
Tri giác vẫn thường hay sai lầm.
Chúng ta thường ba chớp ba nhoáng trong khi nghe, nhìn nên mới phát sinh những vọng tưởng. Nhìn sợi dây mà tưởng là con rắn. Người khác không làm khổ ta mà cứ tưởng họ muốn làm khổ ta. Tình trạng hiện thực là ta đang chứa đầy những tri giác sai lầm. Cho nên, tu tập chánh niệm là để ta có cơ hội tự hỏi, không biết tri giác của mình có sai lầm hay không? Thành ra, ta phải có bạn để mỗi khi ta buồn giận thì người bạn hỏi: “Bạn có chắc chắn là mình đúng không?” (Are you sure that your perception is correct?). Chúng ta phải nâng đỡ nhau, phải nói với nhau rằng: “Anh khổ, chị khổ nhưng anh, chị phải thử nhìn lại xem cái khổ này có phải do tri giác sai lầm gây ra hay không?”. Một người bạn tu nhắc nhở mình như vậy thì đó chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh, là cánh tay của đức Từ Bi cứu độ. Chúng ta phải giúp nhau, nhắc nhở nhau rằng hầu hết những khổ đau được gây ra là do những tri giác sai lầm. Như vậy, ta trở về và nhận ra là nghiệp chướng của ta còn nặng, phước đức của ta còn mong manh và tri giác của ta vẫn thường hay sai lầm. Đó là nhận diện sự thật về bản thân.
Tuệ căn vẫn còn chưa vững chãi.
Tuệ căn là một trong năm căn. Năm căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ) rất quan trọng cho sự thành công của công phu tu học. Tuệ căn của chúng ta còn chưa vững chãi, nghĩa là ta đang còn nghèo nàn về phương diện trí tuệ. My capacity of understanding is still poor. Điều này cũng có nghĩa là tri giác sai lầm còn nhiều quá. Tu tập là để làm cho năm căn ngày càng vững chãi.
Văn tư tu chưa thực sự vững bền.
Văn, tư, tu là quá trình tu học. Văn là lắng nghe giáo pháp của đức Thế Tôn, khi đó ta lấy tư cách của một Thanh văn. Chúng ta đang nghe kinh là đang thực tập thanh văn, tức là nghe pháp. Ta tiếp tục chiêm nghiệm, quán chiếu những điều đã nghe để hiểu và thấy rõ những điều đó, gọi là tư. Và khi nghe rồi, hiểu rồi, tư duy rồi thì mới áp dụng vào đời sống hằng ngày, gọi là tu. Tóm lại, văn – tư – tu là quá trình học hỏi, quán chiếu và áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Giờ phút này ngưỡng vọng đài sen
Năm vóc cùng gieo xuống,
Mong lượng từ mở rộng
Chúng con xin trải hết lòng ra.
Chúng ta thấy được những yếu kém của bản thân nên hôm nay ta chắp tay lại, hướng về đài sen. Năm vóc là đầu, hai tay, hai chân chấm đất, mọp xuống (ngũ thể đầu địa). Lượng từ, lượng tức là dung tích (volume). Đức Thế Tôn có lượng từ bi rất lớn, không gian chứa đựng lòng từ của Ngài lớn đến nỗi lượng từ đó có thể bao trùm được cả thái hư. Lượng từ đã mở rộng, vấn đề là ta có chịu đi vào lượng từ đó hay không.
Bậc đại giác viên mãn
Xuất hiện nơi cõi ta bà
Tấm lòng ôm trọn cả thái hư.
Đại viên mãn giác
Ứng tích Tây càn
Tâm bao thái hư.
大圓滿覺
應跡西乾
心包太虛.
Tâm bao thái hư: trái tim của Bụt ôm trọn cả vũ trụ. Tâm là trái tim, bao là ôm lấy, thái hư là vũ trụ.
Mong lượng từ mở rộng: chúng con quỳ xuống và xin đức Thế Tôn mở lượng từ bi, hải hà của Ngài.
Trải hết lòng ra: tức là trải hết những yếu kém của con ra. Thường thường đối với người khác thì ta tự ái, không muốn để họ thấy những yếu kém, tiêu cực của ta. Ta không can đảm mà giả bộ can đảm. Ta có ít tình thương mà giả bộ có nhiều tình thương. Ta không vững chãi, ta ít thảnh thơi, ta không có hạnh phúc mà làm ra vẻ có rất nhiều vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc. Tất cả những điều đó đều là giả dối. Nhưng một khi đã đến với đức Thế Tôn thì ta phải buông hết những giả dối đó, và trải hết lòng ra. Khi lạy xuống một cách thành tâm, ta ngửa hai bàn tay lên, đưa những ngón tay thẳng ra, ta muốn nói rằng “con không giấu gì trong hai bàn tay của con hết, đức Thế Tôn có thể thấy hết cả ruột gan của con”.
Đệ tử chúng con
Từ muôn kiếp xa xưa
Vì không nhận diện được bản tâm thanh tịnh.
Ta vốn có chân tâm (true mind) nhưng vì không thấy, không nhận diện được, ta để cho vọng tâm xuất hiện và chạy theo vọng tâm đó.
Nên đã chạy theo trần cảnh.
Trần là bụi bặm, cảnh là đối tượng. Trần cảnh tức là đối tượng bụi bặm. Khi cảnh là trần cảnh thì tâm là vọng tâm. Ta không tiếp xúc được với chân tâm và để cho vọng tâm phát khởi. Khi vọng tâm phát khởi thì đối tượng của vọng tâm là trần cảnh, là cảnh bụi bặm. Và ta chạy theo cảnh bụi, chạy theo đối tượng bụi bặm không biết đã bao lâu. Ta miệt mài trong cõi bụi để chạy đuổi theo bóng dáng của hạnh phúc, chạy theo đối tượng của ngũ dục.
Lên non vùi hạt bồ đề,
Xôn xao để lại dưới kia bụi hồng.
Đây là một thái độ ngược lại. Ta lên núi tìm thầy và quyết tìm cho được hạt bồ đề. Không phải ta vùi hạt bồ đề trên núi mà là vùi trong trái tim ta. Ta biết rằng nếu ta vùi hạt bồ đề trong trái tim, mỗi ngày đều tưới tẩm nó thì một ngày kia hạt bồ đề sẽ phát triển thành cây, nở hoa và cho trái bồ đề. Ta chỉ có thể làm được điều đó nếu bỏ lại dưới chân núi những đối tượng của thèm khát, giận hờn. Tất cả bụi hồng, ta không đem lên núi, ta phải để lại hết dưới chân núi.
Ba nghiệp nhiễm ô.
Ba nghiệp – thân, khẩu, ý đều đã ô nhiễm, the pollution of the body, the pollution of the speech, the pollution of the mind. Ba nghiệp nhiễm ôchỉ vì một nguyên do duy nhất là vọng tâm, là do ta chạy theo trần cảnh.
Đắm trong tham ái mê mờ
Ghét ghen hờn giận.
Tình trạng thật của ta là bị chìm đắm trong những tâm hành như thèm khát, vướng mắc, ngu si.
Nay nhờ chuông đại hồng khua vang tỉnh mộng.
Nghe một tiếng chuông ta bỗng giật mình, thấy rằng mình đã đi qua những quãng đường dài hun hút của sự lạc lối, mê mờ. Tiếng chuông giúp ta tỉnh dậy, đó là giác.
Quyết một lòng làm mới thân tâm.
I am determined to begin anew with my body and my mind. Mỗi buổi sáng ta thực tập nghe chuông là để có cơ hội tỉnh mộng.
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
Mỗi ngày, các sư cô, sư chú đều thỉnh chuông đại hồng vào sáng sớm. Thỉnh chuông cho muôn loài có cơ hội để tỉnh dậy. Khi đã tỉnh dậy, ta sẽ quyết lòng làm mới lại, không muốn đi theo con đường cũ nữa.
Bao nhiêu tội ác lỡ lầm
Nguyện xin hoàn toàn gột sạch.
Ác ở đây nghĩa là không mang đến lợi lạc, không tạo ra được hoa trái của sự vững chãi và thảnh thơi cho thân và cho tâm chứ không có nghĩa là độc ác. Thiện là những gì bồi bổ thêm cho giải thoát, cho an lạc, cho hạnh phúc. Ví dụ khi ta nghe một bài nhạc đứt ruột, xem một bộ phim vô bổ, đó không phải là giết người, không phải là nói dối, không phải là uống rượu, nhưng đó cũng là một ác nghiệp, vì không có lợi cho sự an lạc, giải thoát. Trong đạo Bụt, những gì không có lợi ích cho thân tâm, không hướng về giải thoát, an lạc và giác ngộ đều gọi là ác. Ác không phải là hung dữ (méchant), mà có nghĩa là tiêu cực (négative). Gột sạch là làm cho tinh khôi trở lại.
C. NGUYỆN
Nguyện có nghĩa là hứa, cam kết về việc hành trì.
Chúng con giờ phút này đây
Lập nguyện sâu dày.
Sâu dày có nghĩa là cho thật vững. Vừa sâu vừa dày như đất.
Xa lìa tập khí cũ.
Tập khí là những thói quen xấu. Ta nhận thấy ta có tập khí rồi thì nhất định phải xa lìa tập khí đó.
Suốt đời về nương tựa tăng thân.
Đây là điều cụ thể nhất. Thử hỏi, nếu anh muốn tu mà không nương tựa tăng thân thì làm sao anh tu được? Cho nên, anh phải làm đủ mọi cách để có một tăng thân. Khi đã có tăng thân, anh phải tiếp xúc với tăng thân, phải nương tựa vào tăng thân (take refuge in the sangha). Nếu anh không có tăng thân, không bám lấy tăng thân, không sống với tăng thân thì không cách gì anh tu được. Dù có thiện chí tu tập nhưng sau vài ba tuần anh cũng bỏ bê sự hành trì của mình vì không có tăng thân để được nâng đỡ, để được soi sáng. Do đó, chúng ta nguyện suốt đời về nương tựa tăng thân. Chúng ta đã nói rằng, chúng ta quy y Bụt, quy y Pháp và bây giờ chúng ta quy y Tăng. Quy y Tăng là quy y Bụt và quy y Pháp một cách rất cụ thể. Nói quy y Bụt, quy y Pháp mà không quy y Tăng, tức là chưa quy y Bụt, chưa quy y Pháp. Quy y Tăng, nương vào tăng thân thì mới thực sự quy y Bụt và quy y Pháp, bởi vì trong lòng tăng thân có Phật thân và Pháp thân.
Xin Bụt đưa cánh tay ân cần
Từ bi nâng đỡ.
Nguyện trong khi thiền tập
Nguyện những lúc pháp đàm
Lúc đứng, khi đi
Nấu cơm, rửa bát
Nằm, ngồi, làm việc
Giặt áo, kinh hành
Trì niệm hồng danh
Thắp hương, lạy Bụt,
Mỗi bước chân sẽ đem về an lạc
Mỗi nụ cười sẽ tỏa chiếu thảnh thơi.
Đó là một lời cam kết rất cụ thể. Con không nguyện, không cam kết những điều vu vơ. Con cam kết làm những điều rất đơn giản, rất thường nhật, rất nhật dụng. Giá trị sự tu học của anh nằm trong nhật dụng. Anh có thể nói trời, nói biển, nói rất cao siêu, nhưng nếu anh không chứng tỏ được những điều đó trong sự hành trì mỗi ngày của mình thì tôi không tin anh được. Bởi vì nhật dụng là tất cả. Giá trị, hoa trái của sự tu học đều nằm trong nhật dụng. Nếu không có nhật dụng đó thì không có cái gì hết. Trong những giây phút của các sinh hoạt hằng ngày như: đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, giặt áo, kinh hành, thắp hương, lạy Bụt,… mỗi bước chân phải có an lạc, mỗi nụ cười phải tỏa chiếu thảnh thơi. Tức là ta phải có chánh niệm trong tất cả mỗi động tác của đời sống hằng ngày. Đó là sự thực tập căn bản (basic practice).
Sống chánh niệm trong mỗi phút giây
Là chỉ dạy cho người
Thấy con đường thoát khổ.
Ba câu này rất quan trọng. Nghĩa là nếu dạy người khác, ta phải dạy bằng thân giáo trước, dạy bằng cuộc đời của ta trước. Thánh Gandhi có nói: “My life is my message”. Mahatma Gandhi dạy người ta bằng đời sống của Ngài vì Ngài sẽ làm những điều Ngài nói. Chúng ta cũng vậy, cũng phải làm những điều ta nói, nếu không thì những điều ta nói không có chút kí lô nào cả. Ngày xưa có một ông thầy giáo thường hút thuốc, uống rượu, chửi bới, thế nhưng trong giờ đạo đức học, ông dạy học trò không được hút thuốc, không được uống rượu, không được chửi bới, học trò của ông đã cười ông quá chừng. Ông mắc cỡ và nói: “faire ce que je dis, pas ce que je fais!” (Hãy làm những điều tôi nói, đừng làm theo những điều tôi làm). Chúng ta đừng như ông thầy giáo đó. Chúng ta phải biết chia sẻ, chỉ dạy những pháp môn cho người khác bằng sự thực tập của chính mình. Thân giáolà lời cam kết của chúng ta.
Nguyện thấy được Tịnh độ
Dưới mỗi bước chân mình.
Đây là Tịnh độ. Tịnh độ là đây. Tịnh độ không phải chỉ hiển hiện sau khi mình chết. Ta phải đi vào Tịnh độ ngay trong giờ phút hiện tại. Mỗi bước chân phải có sự an lạc, thảnh thơi. Nguyện thấy được Tịnh độ, dưới mỗi bước chân mình(I vow to touch the pure land with every step). Nếu thực tập như vậy trong vài ngày thì ta đã có sự chuyển hóa.
Nguyện tiếp xúc bản môn
Trong mỗi khi hành xử.
Bản môn là thế giới không sinh không diệt, gọi là bất tư nghị. Nhập bất tư nghị cảnh giới, đó là thế giới của kinh Hoa nghiêm. Ta phải thấy được bản môn trong khi hành xử. Ta hành xử không phải vì cái chốc lát, mà vì cái muôn đời. Nụ cười của anh, lời nói, bước chân của anh phải có giá trị muôn đời. Và như vậy, không có sự phân biệt giữa cứu cánh và phương tiện. Cứu cánh là phương tiện, phương tiện là cứu cánh. There is no way to happiness, happiness is the way. There is no way to peace, peace is the way. There is no way to nirvāṇa, nirvāṇa is the way. There is no way to liberation, liberation is the way. Đó là giáo lý của chúng ta. Hạnh phúc và an lạc phải có ngay bây giờ. Giải thoát, giác ngộ, Niết bàn phải là mỗi bước chân, mỗi hơi thở.
Bước trên thật địa
Thở giữa chân không.
Mỗi bước chân của chúng ta phải bước trên thật địa. Chúng ta không đi như những người mộng du. Hầu như trong cuộc đời, phần lớn người ta bước trên mặt đất mà như bước trên cung trăng. Chúng ta nghĩ đâu đâu mà không đặt được những bước chân vững chãi trên thực tế. Trần Thái Tông nói: “Bộ bộ đạp trước thật địa”, mỗi bước chân phải giẫm trên lãnh thổ của thực tại. Vua Trần Thái Tông không phải là người xuất gia nhưng vua thực tập tinh cần hơn cả người xuất gia. Mỗi ngày vua thực tập sám hối, làm mới sáu lần. Cứ bốn giờ đồng hồ là vua thực tập sám hối khoảng 15 phút, sám hối xong thì đi làm việc nước. Lục thời sám hối khoa nghi là một tác phẩm của vua. Hiện giờ tại thiền viện Trúc Lâm ở Lâm Đồng, thầy Thanh Từ cho các thầy thực tập theo Lục thời sám hối khoa nghi.
Thở giữa chân không. Mỗi hơi thở giúp ta thấy được chân không (true emptiness), tức là chân lý tương tức và tương nhập của thế giới.
Thắp lên trí sáng diệu tâm
Màn vô minh quét sạch.
Trí sáng diệu tâm ở đây nghĩa là chánh niệm. Chánh niệm là ngọn đèn khi thắp sáng lên thì bóng tối của u mê, quên lãng, thất niệm sẽ tan biến, gọi là màn vô minh quét sạch. Vô minh là sống mà không biết mình sống, sống mà không an trú trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Thắp đèn lên thì bóng tối tan biến, chánh niệm có mặt thì vô minh liền biến mất.
Thân tâm tịnh lạc
Tư thái thong dong.
Nếu sống có chánh niệm thì thân – tâm an tịnh, hạnh phúc, không bước đi một cách vội vã; sự thảnh thơi, an lạc được biểu hiện một cách rõ ràng. Mỗi sư cô, mỗi sư chú thực tập chánh niệm là phải có sự thảnh thơi, an lạc. Nhìn vào, người khác sẽ biết ta có thảnh thơi, an lạc hay không, không thể giấu giếm được.
Đến phút lâm chung
Lòng không luyến tiếc.
Phút lâm chung nghĩa là giờ phút ta đổi thân xác này và không còn luyến tiếc điều gì nữa cả. Những người thân của ta cũng không nên luyến tiếc vì biết rằng đây chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, không phải là sự chấm dứt. Chiếc lá rụng không đáng cho mình khóc vì chiếc lá chỉ lên đường chuyển hóa để bắt đầu một giai đoạn mới.
Thân không đau nhức
Ý không hôn mê
Nhờ thực tập nên ta không co rúm lại vì lo sợ nữa. Trong chúng ta có những người rất hay sợ hãi, mới hơi có triệu chứng gì trong người là đã hoảng hốt, sợ sệt. Như vậy, cái đau cơ thể mới có một thì sự sợ hãi đã làm cho cái đau nơi tâm hồn lập tức nhân lên mười lần. Chúng ta tự đày mình xuống địa ngục vì sự vô minh, sợ hãi. Nếu thực tập đàng hoàng thì thân tâm ta sẽ buông thư và những đau nhức trong cơ thể sẽ giảm bớt.
Chánh niệm rõ ràng
Tĩnh lặng sáu căn
Buông bỏ báo thân
Như vào thiền định.
Đây là mong ước của tất cả những người tu. Cũng giống như chiếc lá khi rụng xuống, nó múa một cách rất ngoạn mục. Giờ phút chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác, ta mong ước mình sẽ chết một cách đẹp đẽ như vậy, a happy dying, a beautiful dying. Nếu thực tập đàng hoàng, khi chết ta sẽ chết thật đẹp. Một cái chết như vậy sẽ tiếp tục là một bài học cho những người khác. Chết mà không chết mới gọi là chết. Chết mà không thấy mình chết, tại vì ta chết mỗi giây mỗi phút để ta sống lại mỗi giây mỗi phút. Ta có mặt ở khắp nơi chứ không phải chỉ ở đây mà thôi. Đó là kết quả của những người tu chánh niệm vững chãi trong đời này.
Đây là đoạn nói về sự phát nguyện cho bản thân. Những câu kế tiếp ta nguyện cho những người khác. Tu tức là tự độ, rồi tới độ tha.
Nếu cần thọ sinh kiếp khác
Sẽ lại làm đệ tử đức Như Lai
Tiếp theo sự nghiệp cứu đời
Đưa mọi loài về bến giác.
Nếu con cần sinh ra trở lại thì con cũng sẽ muốn làm đệ tử đức Như Lai (I want to continue as your disciple, as your brother, as your son, as your daughter).
Tiếp theo sự nghiệp cứu đời.Kiếp này con đã tham dự vào sự nghiệp của đức Thế Tôn và kiếp sau con cũng muốn tiếp tục được tham dự vào sự nghiệp của đức Thế Tôn, vì sự nghiệp của đức Thế Tôn là muôn đời. Ngài đã nhập Niết bàn cách đây 2.500 năm nhưng sự nghiệp của Ngài vẫn tiếp tục và chúng con là những người may mắn được tham dự vào. Được tham dự vào sự nghiệp của đức Thế Tôn là một hạnh phúc rất lớn. Vì vậy, con không chỉ muốn tham dự vào sự nghiệp của Ngài trong kiếp này mà còn muốn kiếp sau cũng tiếp tục được như thế (I want to continue, happy continuation). Chết như vậy rất hoan hỉ vì ta thấy đệ tử của ta đang tiếp tục sự nghiệp của Đức Thế Tôn, có nghĩa là ta cũng đang tiếp tục. Nếu còn một tàn dư nữa thì ta sẽ trở lại, đầu tư hết tất cả vào trong sự nghiệp cứu đời. Cũng như chiếc lá, suốt một mùa xuân, mùa hè nó đã đầu tư hết vào trong cây, bây giờ nó chỉ còn lại xác lá, nhưng dù chỉ là xác lá nó vẫn muốn đầu tư tiếp nữa: nó rơi xuống đất, biến thành phân để nuôi cây. Ta cũng như vậy, khi chết ta chỉ còn một chút tàn dư là cái xác này thôi, nhưng một khi ta đang theo sự nghiệp của đức Như Lai, dù ta đã đi xa rồi nhưng với một chút tàn dư này ta cũng sẽ đầu tư thêm nữa. Thành ra, trong tinh thần này thì chết là một điều gì đó rất vui.
Thành tựu ba thân, bốn trí.
Ba thân (Tam thân, 三身, trikāya) là pháp thân, báo thân, ứng thân. Pháp thân (法身, dharmakāya) thì chúng ta ai cũng đều có. Báo thân(報身, saṃbhogakāya) là thân hưởng thọ được những phước báu của sự thực tập, rất đẹp. Ứng thân(應身, nirmāṇakāya) là những hóa thân có mặt khắp nơi để độ đời. Mỗi người chúng ta đều đã có hóa thân mà không biết. Ta có mặt ở đây nhưng đồng thời ta cũng có mặt ở nơi khác. Nếu ta tu hành cho đàng hoàng thì hóa thân của ta cũng đang có mặt ở nhiều nơi. Ta ngồi ở đây nhưng kỳ thực ta cũng đang có mặt ở gia đình. Ta ở phương Tây nhưng ta cũng đang có mặt ở Việt Nam. Ta ngồi yên ở đây thì khắp chốn đều có sự yên ổn.
An vui nơi này, an khắp mọi nơi là lời một bài hát của sư cô Giải Nghiêm. Ngồi ở đây mà an thì năng lượng an đó sẽ thấm khắp mười phương. Quý vị cứ tưởng tượng những cuốn băng của thầy, hiện giờ đang chu du khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Trong khi thầy đang ngồi đây, thì ngay giờ phút này hiện có những người lái xe đi làm và đang nghe thầy thuyết pháp. Có những tù nhân đang thực tập thiền tọa và thiền hành theo lời hướng dẫn của thầy trong tù, có nghĩa là thầy cũng đang có mặt trong nhà tù, đang có mặt trong địa ngục. Có những nhà xuất bản ở Brazil, ở Thái Lan đã in những quyển sách của thầy, chúng ta đã cam kết dùng số tiền bản quyền có được giúp cho con nít đói. Cho nên có những em bé đói, đang ăn một miếng cơm, miếng cơm đó là từ tiền bản quyền sách, chứng tỏ là hóa thân của thầy đang có mặt với miếng cơm đứa bé đang ăn. Như vậy, chúng ta không đợi đến lúc thành bậc toàn giác như đức Thích Ca Mâu Ni thì mới hóa thân, nếu ta tu hành cho đàng hoàng, ta vẫn có hóa thân khắp nơi. Lúc đó, cha mẹ ta được nhờ, anh em, đồng bào ta được nhờ. Sự an vui của ta là sự an vui của cả dòng họ, của quốc gia, của thế giới. Ta điên loạn thì thế giới điên loạn, ta an vui thì thế giới an vui. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều có pháp thân, báo thân, ứng thân và càng tu tập thì ta càng thành tựu ba thân đó một cách vững chãi.
Bốn trí tức là bốn mặt của trí tuệ.
1. Trí thứ nhất là trí đại viên cảnh, 大圓鏡智, tiếng Phạn là ādarśa jñāna, tiếng Anh là the wisdom of the great mirror. Đại viên cảnh tức là một tấm gương tròn, lớn. Khi trong tàng thức của ta, những hạt giống xấu chuyển hóa, những hạt giống tốt biểu hiện thì tâm ta có tác dụng soi sáng như một tấm gương. Trí này do thức thứ tám là tàng thức được tu tập chuyển hóa mà trở thành như một tấm gương tròn lớn.
2. Trí thứ hai là trí bình đẳng tánh, 平等性智, tiếng Phạn là samatājñāna, tiếng Anh là the wisdom of equanimity. Trí này cho chúng ta thấy được tính cách tuyệt đối bình đẳng giữa chúng sanh này với chúng sanh khác, không có sự kỳ thị, phân biệt. Tôi là anh, anh là tôi, chúng ta không phải là hai. Loài này tương tức với loài khác. Cái thấy đó gọi là cái thấy tương tức, đó là cái thấy khi sự phân biệt về ngã được lấy đi. Đó là cái thấy bình đẳng. Trí này do thức thứ bảy là mạt na chuyển hóa mà thành.
3. Trí thứ ba là trí diệu quan sát, 妙觀察智, tiếng Phạn là pratyavekṣaṇa-jñāna, tiếng Anh là the wisdom of wonderful observation, là trí tuệ có thể quán chiếu được mười phương, có thể thấy rất rõ ràng mà không còn tri giác sai lầm nữa. Trí này do thức thứ sáu là ý thức chuyển hóa mà thành, nhờ vào sự tu học.
4. Trí thứ tư là trí thành sở tác, 成所作智, tiếng Phạn là kṛtyānuṣṭhāna-jñāna, tiếng Anh là the wisdom of wonderful realization, là trí có thể thực hiện được tất cả những gì mà mình mong muốn. Trí này do năm thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức) khi không còn sai lầm nữa mà thành.
Năm thức cảm giác, khi không còn sai lầm nữa thì trở thành trí thành sở tác. Thức thứ sáu khi không còn sai lầm nữa thì trở thành trí diệu quan sát. Thức thứ bảy khi không còn sai lầm nữa thì gọi là trí bình đẳng tánh. Thức thứ tám khi không còn sai lầm nữa thì gọi là trí đại viên cảnh. Đây là bốn trí của người giác ngộ từ tám thức mà chứng thành.
Sử dụng năm mắt, sáu thần thông
Năm mắt là mắt thịt (nhục nhãn), mắt trời (thiên nhãn), mắt chánh pháp (pháp nhãn), mắt tuệ (tuệ nhãn) và mắt Phật (Phật nhãn).
Mỗi ngày chúng ta chỉ dùng mắt thịt thôi. Mắt trời là con mắt có thể nhìn được rất xa. Pháp nhãn là con mắt của chánh pháp. Tuệ nhãn là con mắt của trí tuệ. Phật nhãn là con mắt của bậc giác ngộ. Tại Làng Mai, ta còn dùng một con mắt nữa là Tăng nhãn, con mắt của tăng thân. Mắt Tăng rất quan trọng. Cho nên sau này chúng ta có thể tụng Sử dụng sáu mắt, sáu thần thông.
Sáu thần thông là thiên nhãn thông (nhìn thấy được vạn vật gần xa), thiên nhĩ thông (nghe được mọi loại âm thanh), thần túc thông (di chuyển khắp nơi một cách tự do), tha tâm thông (biết được người kia đang nghĩ gì), túc mạng thông (nhớ được những gì xảy ra của các kiếp trước), lậu tận thông (chuyển hóa được tất cả phiền não). Lậu tận thông là thần thông lớn nhất. Hiện nay, muốn có thiên nhĩ thông thì dùng điện thoại di động. Muốn có thiên nhãn thông thì dùng ti vi. Muốn có thần túc thông thì đi máy bay.
Hóa hiện ngàn vạn ứng thân
Có mặt một lần trong ba cõi
Ra vào tự tại.
Những chuyện này giống như xa vời lắm nhưng ta có thể làm được. Ta vừa có mặt trên xóm Thượng, vừa có mặt dưới xóm Hạ, vừa có mặt ở xóm Mới. Nếu tu hành cho đàng hoàng thì ta có thể làm gương cho tất cả sư anh, sư chị, sư em, ta có mặt khắp tất cả. Ra vào tự tại (xuất nhập vô ngại): đi vào địa ngục cũng được, đi lên thiên đường cũng được.
Hóa độ mọi loài
Không bỏ một ai
Tất cả đều đưa lên bờ không thối chuyển.
Chuyển hóa và đưa người qua bờ giải thoát, không loại ai ra khỏi, gọi là hành bất xả (不捨). Một mặt ta phải thực tập xả, tức là buông bỏ để không có vướng mắc. Một mặt ta không bỏ một ai hết. Hai cái đó đi đôi với nhau và ta phải thực tập cả hai. Bất thối chuyển (不退轉, tiếng Phạn là avaivartika, tiếng Anh là no return), là không bị sa đọa trở lại. Danh từ này có trong kinh A Di Đà, gọi là A bệ bạt trí.
Đoạn nói về phát nguyện, hành trì ở trên gồm có phần hành trì cho bản thân và phần hành trì cứu độ mọi loài. Nếu chúng ta tụng bài này cho sâu sắc, năng lượng chánh niệm sẽ được chế tác rất nhiều.
D. BỒ ĐỀ TÂM
Đây là đoạn cuối nói về bồ đề tâm của ta, về ước vọng lớn của ta (the great aspiration).
Thế giới vô tận
Chúng sanh vô tận
Nghiệp và phiền não
Đều cũng vô tận
Nguyện con cũng thế
Sẽ là vô tận.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Phiền não là vô tận mà nguyện của ta cũng vô lượng, cả hai điều ấy đều tương đương nhau.
Con nay xin lạy Bụt phát nguyện
Tu trì công đức
Chia sẻ với muôn loài hữu tình.
Những công đức hôm nay ta có được do sự tu tập và hành trì, ta xin chia sẻ với mọi loài.
Để báo được trọn vẹn bốn ơn
Và giáo hóa khắp nơi trong ba cõi
Xin nguyện cùng tất cả mọi loài chúng sanh
Hoàn thành tuệ giác lớn.
Đây là lời xác nhận lại mục đích của đời ta. Mục đích đời ta không phải là thực hiện một cái gì nho nhỏ mà phải làm được một cái gì rất lớn. Không phải là lập một gia đình có chồng hay vợ và ba con, không phải là được làm chủ một hãng bào chế dược phẩm, không phải chỉ làm hội trưởng một hội Phật giáo… Nguyện của ta lớn hơn nhiều, đó là nguyện độ hết tất cả chúng sanh. Người tu ai cũng phải có ước nguyện lớn (đại nguyện), gọi là bồ đề tâm (bodhicitta). Tuệ giác lớn (the greatest wisdom), tiếng Phạn là Anuttarā-samyak-saṃbodhi. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (阿耨多羅三藐三菩提),dịch là vô thượng chánh đẳng chánh giác (無上正等正覚), tức là sự giác ngộ chân chính, cao hơn hết thảy, không có gì sánh bằng. Mahābodhi là đại bồ đề, là tuệ giác lớn. Đạt được tuệ giác lớn là mục đích của chúng ta.
(Phiên tả Pháp thoại ngày 18, 22 & 25 tháng 01 năm 1998, Làng Mai, Pháp)
Kinh Quán niệm hơi thở tiếng Phạn là Ānāpānasmṛti Sūtra, một bản kinh rất quý báu dạy cho chúng ta cách thực tập hơi thở chánh niệm.
Hôm kia, có một thiếu phụ người Pháp hai mươi ba tuổi viết thư cho thầy, nói rằng: “Con đã được đọc sách của Thầy, con muốn về Làng tu tập. Con thấy pháp môn thật mầu nhiệm. Con tìm ra được một điều rất quý rằng chỉ cần thở thôi là con đã có hạnh phúc rồi.” Cô còn nói thêm: “Sao mà đơn giản quá vậy!”. Cô này có một đứa con còn nhỏ. Cô đã không nói lý thuyết bởi vì cô đang thực tập hơi thở chánh niệm và đạt được nhiều hạnh phúc trong gia đình và sở làm. Trong thư cô viết: “Thầy nói rất đúng, chỉ cần thở có chánh niệm là có hạnh phúc liền.” Khi thở có chánh niệm, ta biết rằng ta đang còn sống, còn trẻ, ta đang có những mầu nhiệm trong ta và xung quanh ta. Vì vậy An ban thủ ý là một phương pháp rất mầu nhiệm.
Ngày thầy khám phá ra kinh Quán niệm hơi thở, thầy có cảm tưởng mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Có khi ta được học những kinh rất cao, rất sâu, nhưng ta không được học những kinh thực tiễn như kinh Quán niệm hơi thở. Vì vậy kinh Quán niệm hơi thở là một Pháp bảo mà chúng ta có phước lắm mới được tiếp xúc. Tiếng Phạn Ānāpānasmṛti Sūtra, smṛti là niệm, ānāpāna là hơi thở, trong đó có hơi thở vào, hơi thở ra. Tiếng Pāḷi là Ānāpānasati Sutta, dịch ra chữ Hán là Nhập tức xuất tức niệm kinh (入息出息念經). Chúng ta dịch là kinh Quán niệm hơi thở.
Bản kinh đã được lưu hành ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III, người dịch là thiền sư An Thế Cao. Thiền sư dịch kinh này ở Lạc Dương, kinh đô nhà Hán. Sau đó nhà Hán loạn lạc, một người cư sĩ đệ tử của thầy An Thế Cao tên là Trần Tuệ đã mang bản dịch đi xuống Giao Châu, tức Việt Nam bây giờ. Nhận thấy Giao Châu là một trung tâm Phật giáo phồn thịnh hơn cả Lạc Dương, cư sĩ Trần Tuệ đã quyết định ở lại để tu học. Khi đó, trung tâm Phật giáo Giao Châu do thiền sư Tăng Hội chủ trì.
Thiền sư Tăng Hội là một vị thiền sư Việt Nam có cha là người Khương Cư. Cha ngài đi theo thuyền buôn tới Đông Nam Á, khi đến Việt Nam thì ông ở lại và cưới một thiếu nữ người Việt, từ đó không về Ấn Độ nữa. Hai vợ chồng sinh ra một người con. Đứa bé lên mười tuổi thì vào chùa xuất gia tu học sau khi cả cha mẹ đều qua đời. Người con đó sau này trở thành thiền sư Tăng Hội. Như vậy, thiền sư Tăng Hội đã được sinh ra ở Việt Nam, học chữ Phạn và chữ Hán ở Việt Nam, dịch kinh ở Việt Nam và chủ trì một trung tâm tu học lớn ở Việt Nam. Khi cư sĩ Trần Tuệ mang bản thảo của kinh An ban thủ ý về trung tâm của thầy Tăng Hội thì đã được thầy mời chú thích, giải nghĩa cho kinh. Sau khi cư sĩ Trần Tuệ chú giải, thầy Tăng Hội bắt đầu thêm bớt, chỉnh sửa. Bản kinh sau đó được đưa vào Đại tạng, hiện nay chúng ta có thể tìm thấy. Thiền sư Tăng Hội có viết một bài tựa rất nổi tiếng là Bài tựa kinhAn ban thủ ý, chúng ta đã dịch ra tiếng Việt và in trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận (quyển ba). Sư chị Chân Đức cũng đã dịch bài tựa đó ra tiếng Anh. Nếu nghiên cứu bài tựa đó, quý vị sẽ biết được phương pháp thực tập của kinh An ban thủ ý vào đầu thế kỷ thứ III. Trong bài tựa, thiền sư Tăng Hội nói rằng chính cư sĩ Trần Tuệ đã chú giải cho kinh, còn thầy chỉ thêm bớt chỗ này, chỗ kia và cuối cùng viết bài tựa. Thầy Tăng Hội chủ trì trung tâm tu học ở Giao Châu và chủ trì biên tập, phiên dịch kinh điển cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ III mới đi Trung Quốc để dạy thiền. Lúc đó nhà Hán đã tan rã, Trung Quốc phân chia làm ba vùng lãnh thổ, gọi là thời Tam quốc (Bắc Ngụy, Tây Thục, Đông Ngô). Kinh đô của Đông Ngô bấy giờ là Kiến Nghiệp.
Thiền sư Tăng Hội đã đến Kiến Nghiệp. Vào cuối thời nhà Hán, người Trung Quốc chưa được phép xuất gia, chỉ riêng ở Giao Châu mới có người xuất gia bản địa. Thầy một thân một mình lập đạo tràng tại đó và cuối cùng vua nước Ngô là Tôn Quyền đã yểm trợ và giúp thầy xây dựng ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại nước Đông Ngô, gọi là chùa Kiến Sơ, về sau nơi này trở thành một trung tâm Phật học rất phồn thịnh kéo dài cả ngàn năm. Khi lên miền Bắc, thầy cũng đem theo kinh An ban thủ ý làm phương pháp tu học. Tóm lại, chúng ta biết kinh An ban thủ ý đã có mặt và được người Việt Nam thực tập vào đầu thế kỷ thứ III.
Bản chữ Hán trong Đại tạng có tên là Đại an ban thủ ý kinh. Không biết do sự truyền thừa thế nào mà bây giờ khi đọc Đại an ban thủ ý kinh, chúng ta nhậnthấy trong đó giống như chỉ có chú thích chứ không có nguyên văn của kinh, có nhiều yếu tố được thêm vào sau này. Đó là lý do bản dịch chúng ta đang sử dụng không dịch từ bản chữ Hán mà được dịch từ bản tiếng Pāḷi (Nam Phạn). Khi nghiên cứu lại Hán tạng, nếu phối hợp ba kinh 815, 803, 810 trong bộ Tạp A hàm, chúng ta có nội dung tương đương với kinh Ānāpānasati bằng tiếng Pāḷi. Như vậy, nội dung cốt yếu của kinh An ban thủ ý đã được duy trì cả trong truyền thống Phật giáo Bắc tông lẫn Phật giáo Nam tông.
Nhập tức xuất tức niệm kinh (Ānāpānasati Sutta) là kinh thứ 118 của Trung bộ(Majjhima-Nikāya) có nội dung tương đương với các kinh 815, 803 và 810 trong Tạp A hàm đến 95%. Các kinh 815, 803 và 810 được Hữu Bộ vùng Kashmir, bắc Ấn Độ truyền lại, trong khi kinh 118 được truyền lại tại Tích Lan. Một bên là cực Nam, một bên là cực Bắc. Tuy vậy, sau 1.500 năm so sánh lại, cốt tủy vẫn gần giống nhau. Riêng về điều này, chúng ta thực sự biết ơn các vị Tổ sư đã giữ lại được tất cả những lời Bụt dạy cho chúng ta. Do đó, khi nghiên cứu kinh phải biết so sánh bản tiếng Pāḷi và bản chữ Hán. Thầy đã dịch bản kinh này ra tiếng Pháp và tiếng Anh.
Phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm được Bụt dạy rất nhiều lần, nhưng có lẽ lần này là đầy đủ nhất. Bài pháp thoại này được nói ở kinh đô Sāvatthi của vương quốc Kosala. Trung tâm tu học Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên (gọi tắt là Kỳ Viên) là một trung tâm rất phồn thịnh thời Bụt. Bụt có rất nhiều đệ tử xuất gia và ai cũng mong muốn được gặp Bụt nên các thầy đã thỉnh cầu Bụt mỗi năm về tu viện Kỳ Viên an cư để các thầy, các sư cô được đến thăm. Vì vậy, trong 20 năm cuối của cuộc đời hành đạo, mỗi năm Bụt đều về Kỳ Viên an cư. Sau ba tháng an cư, như một thông lệ, Bụt ở thêm một tháng nữa cho các đệ tử từ các trung tâm khác có đủ thời gian đi đến Kỳ Viên thăm Bụt.
Năm đó, sau khi mãn khóa an cư, Bụt ngồi chung với các thầy và Bụt nói: “Chúng ta an cư hạnh phúc quá, bây giờ tôi sẽ ở đây thêm một tháng nữa, quý vị nào muốn ở thêm thì ở.” Hầu hết các thầy đều ở lại với Thế Tôn. Trong vòng một tháng, các thầy khắp nơi đều đến đông đủ và Bụt đã dạy kinh này dưới ánh trăng ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.
Tôi nghe như sau:
Hồi đó, Bụt còn ở tại nước Xá Vệ, cư trú trong vườn Kỳ Thọ với nhiều vị đại đệ tử nổi tiếng như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Thi La, A Nậu Lâu Đà, Ưu Bà Đa, A Nan Đà,… Trong cộng đồng các vị khất sĩ, những vị trưởng thượng lo chăm sóc dạy dỗ các vị khất sĩ tân học, có vị chăm dạy mười người, có vị hai mươi người, có vị ba mươi người, có vị bốn mươi người… Các vị khất sĩ tân học được chăm sóc và dạy dỗ như thế dần dần thực hiện được nhiều tiến bộ…
Các vị khất sĩ tân học là những vị mới thọ giới lớn. Khi đã thọ giới tỳ kheo, tu học ít nhất năm năm thì vẫn là một vị giáo thọ (dù được truyền đăng hay không được truyền đăng), ta có bổn phận và trách nhiệm hướng dẫn, chăm sóc các sư em mới. Chúng ta thấy truyền thống y chỉ đã có từ thời đức Thế Tôn tại thế. Do đó, nếu ta mới xuất gia, làm sa di, sa di ni thì phải nương vào một thầy hay một sư cô nào đó để học hỏi. Trong đại chúng hôm nay, chúng ta cũng phải làm như vậy. Người nào mới tu cũng cần phải có sư anh, sư chị để nương tựa và học hỏi. Thậm chí, khi mới thọ giới lớn làm một tỳ kheo hay tỳ kheo ni thì ta cũng vẫn cần một sư anh, sư chị lớn hướng dẫn. Người mới thọ giới lớn mà bỏ đi là chuyện không xảy ra trong lịch sử Phật giáo. Mới thọ giới lớn gọi là tỳ kheo tân học, sự thực tập chỉ vừa bắt đầu, nếu bỏ đi thì giống như một hạt giống mới ươm vào đất, không được tưới tẩm, lại bị phơi ra nắng thì thế nào cũng khô héo.
Bây giờ đây, đã đến ngày trăng tròn tháng Tưvà Bụt đang ngồi ngoài trời với các vị khất sĩ. Người đưa mắt lặng lẽ quán sát đại chúng một hồi rồi lên tiếng:
“Quý vị khất sĩ! Tăng đoàn chúng ta đây quả là thanh tịnh và có thực chất tu học, không mang tính chất phù phiếm và ba hoa, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được gọi là phước điền, xứng đáng được kính nể.”
Ngày trăng tròn tháng Tư là ngày mãn hạ. Ở đây, đức Thế Tôn khen ngợi tăng đoàn của Ngài nhưng không phải khen ngợi với người thứ ba mà là Ngài đang trực tiếp khen ngợi và khuyến khích những vị đệ tử của mình. Mùa an cư năm đó, tăng đoàn thực tập rất tinh chuyên và có nhiều tiến bộ rõ ràng, người lớn, người nhỏ đều có sự chuyển hóa. Đức Thế Tôn rất hài lòng và đã mở lời khen ngợi: “Tăng đoàn chúng ta đây quả là thanh tịnh và có thực chất tu học, không mang tính chất phù phiếm và ba hoa” – nghĩa là không trang trí bên ngoài – “xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được gọi là phước điền, xứng đáng được kính nể”. Phước điền là ruộng phước. Khi một tăng đoàn tu học đàng hoàng thì có thể làm nên ruộng phước, người ta có thể đến gieo giống và đầu tư vào tăng đoàn đó. Cúng dường, học hỏi, nương tựa đều là đầu tư cho tương lai của mình, tương lai của Phật pháp.
Này quý vị, trong đại chúng đây có những vị khất sĩ đã chứng quả A la hán, đã trừ hết mọi phiền não, đã trút bỏ được mọi gánh nặng, đã thành tựu được trí tuệ và giải thoát.
Đó là nói về những vị A la hán. A la hán là một quả vị tu chứng. A la hán có thể dịch là Ứng cúng – Arahato (xứng đáng được cúng dường), phá ma, hoặc sát tặc (giết được giặc phiền não: thèm khát, giận dữ, hận thù, nghi kỵ, ganh ghét). Trong trường hợp này, đức Thế Tôn cũng được gọi là một vị A la hán. Ứng Cúng là danh hiệu thứ hai của đức Thế Tôn. Nam mô Như Lai Ứng Cúng. Namo Tassa Bhagavato Arahato. Chứng quả A la hán là đã trừ bỏ hết mọi phiền não, trút bỏ được mọi gánh nặng của sự lo âu và nghiệp chướng. Vị đó đã thành tựu được trí tuệ và giải thoát.
Lại có những vị đã cắt được năm sợi dây ràng buộc đầu, chứng được quả Bất hoàn, sẽ không còn trở lại luân hồi.
Có mười sợi dây ràng buộc gọi là thập triền.
Những người cắt được năm sợi dây ràng buộc đầu chứng được quả Bất hoàn (A na hàm), sẽ không trở lại môi trường của khổ đau nữa. Hãy tưởng tượng một người nghiện xì ke ma túy, người đó luôn luôn thèm khát, muốn trở lại những khung cảnh của dân xì ke ma túy, muốn đến quán rượu. Nhưng nếu đã thực tập, đã được giúp đỡ thì người đó có thể thoát được rượu, thoát được xì ke ma túy, và không có nhu cầu quay trở lại những môi trường đó nữa. Ai trong chúng ta cũng có những sợi dây ràng buộc lớn như tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu cắt được những sợi dây này thì chúng ta sẽ không trở lại những hoàn cảnh bi đát mà chúng ta đã từng chìm đắm trong quá khứ nữa. Quả vị này gọi là Bất hoàn. Cũng như những người thoát được xì ke ma túy thì cũng có thể nói: “Bây giờ, tôi đâu cần trở lại địa ngục đó nữa.” Năm sợi dây tham, sân, si, mạn, nghi là năm sợi dây ràng buộc đầu, nếu cắt đứt được thì chúng ta sẽ không còn trở lại cảnh giới trầm luân đau khổ, không còn trở lại luân hồi nữa.
Có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Nhất hoàn (Tư đà hàm), hàng phục được phần thô của các phiền não tham, sân, si và chỉ cần trở lại một lần.
Những người chỉ mới cắt được ba sợi dây ràng buộc, chỉ cắt phần thô mà chưa cắt đứt hoàn toàn thì những người này sẽ trở lại cõi đau khổ một lần nữa, gọi là Nhất hoàn. Người đó đã hàng phục được phần thô của các phiền não tham, sân, si. Ta thấy bên ngoài họ có thể không còn tham, sân, si, nhưng thực chất phần vi tế của tham, sân, si (những tàn dư) trong nội tâm vẫn còn. Người đó cần phải trở lại một lần nữa để thực tập nhiều hơn.
Có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Dự lưu (Tu đà hoàn), đang vững chãi đi về quả vị giác ngộ.
Dự lưu là tham dự vào dòng của tăng thân, dòng của thánh tăng. Có một dòng nước đang đi về biển cả, có một dòng thánh tăng đang trên đường ra biển giác ngộ. Nếu gia nhập được vào dòng nước đó thì thế nào ta cũng ra biển. Chứng được quả Dự lưu, tức là ta đã gia nhập vào dòng thánh. Những người thọ trì Năm giới, quy y Tam bảo cảm thấy từ đây về sau chỉ có thể đi tới, không đi lui được nữa, chỉ có thể đi ra biển chứ không muốn trở lên núi nữa, thì những người đó đã bắt đầu chứng được quả Dự lưu, gia nhập vào dòng sông thánh tăng. Cũng như khi ta mua một chiếc vé tàu TGV đi Paris và đã lên tàu ngồi thì chỉ có thể đến Paris chứ không thể trở lui được nữa. Những người chứng quả Dự lưu biết an trú trong Năm giới, quy y Tam bảo một cách vững chãi và thấy rằng trong đời sống hằng ngày ta chỉ đi lên, không đi xuống nữa. Người ấy biết rằng Dự lưu là bản chất của mình, mình đã gia nhập vào dòng của thánh tăng rồi.
Có vị đang thực tập tứ niệm xứ, có vị đang thực tập tứ chánh cần, có vị đang thực tập tứ như ý túc, có vị đang thực tập ngũ căn, có vị đang thực tập ngũ lực, có vị đang thực tập thất bồ đề phần, có vị đang thực tập bát chánh đạo, có vị đang thực tập từ, có vị đang thực tập bi, có vị đang thực tập hỷ, có vị đang thực tập xả, có vị đang thực tập cửu tưởng quán, có vị đang thực tập vô thường quán. Lại có những vị khác đang thực tập quán niệm hơi thở.
Tứ niệm xứ là phép quán niệm thân trong thân, thọ trong thọ, tâm trong tâm, pháp trong pháp.
Tứ chánh cần là sự thực tập để những hạt giống xấu chưa biểu hiện đừng biểu hiện, những hạt giống xấu đã biểu hiện thì lui về trạng thái chủng tử, những hạt giống tốt chưa biểu hiện được biểu hiện và những hạt giống tốt đã biểu hiện thì được nuôi dưỡng và phát triển mãi mãi.
Ngũ căn, ngũ lực là tín, tấn, niệm, định, tuệ.
Từ, bi, hỷ, xả tức là Tứ vô lượng tâm.
Cửu tưởng quán là quán chiếu thân thể của mình trải qua quá trình tàn hoại.
Các thầy trong thời Bụt đã thực tập nhiều pháp môn khác nhau. Trong các phương pháp thực tập Bụt đã kể tên, phương pháp cuối cùng là phép quán niệm hơi thở. Nhân đây, Bụt dạy về phép quán niệm hơi thở.
Quý vị khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu Bốn lĩnh vực quán niệm; Bốn lĩnh vực quán niệm, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu Bảy yếu tố giác ngộ; Bảy yếu tố giác ngộ, nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa đến trí tuệ và giải thoát.
Câu này có một vài danh từ:
Bốn lĩnh vực quán niệm, tức là Tứ niệm xứ. Khi Tứ niệm xứ được thực tập kết hợp với phương pháp quán niệm hơi thở sẽ đưa tới sự thành tựu Bảy yếu tố giác ngộ, tức là Thất bồ đề phần. Thất bồ đề phần cũng có thể được thực tập với hơi thở chánh niệm. Thành tựu Thất bồ đề phần sẽ đưa đến trí tuệ và giải thoát. Chúng ta đừng nghĩ rằng, thực tập hơi thở chánh niệm rồi mới đến Tứ niệm xứ, thực tập Tứ niệm xứ rồi mới đến Thất bồ đề phần, và Thất bồ đề phần đưa đến trí tuệ, giải thoát. Khi thực tập Tứ niệm xứ, chúng ta vẫn có thể thực tập với hơi thở, và hơi thở có ý thức này làm cho Tứ niệm xứ trở nên vững chãi. Khi Tứ niệm xứ vững chãi thì Thất bồ đề phần lớn lên, và chúng ta vẫn có thể thực tập Thất bồ đề phần với hơi thở chánh niệm. Với hơi thở chánh niệm chúng ta có thể đi rất xa, đi đến trí tuệ, giải thoát hoàn toàn.
Đức Thế Tôn là bậc toàn giác nhưng Ngài vẫn thực tập quán niệm hơi thở. Ngài muốn đạt thêm điều gì mà áp dụng quán niệm hơi thở? Ngài đã thành tựu toàn giác rồi, tại sao vẫn thực tập quán niệm hơi thở? Bởi vì quán niệm hơi thở là sự sống hằng ngày. Quán niệm hơi thở giúp ta duy trì hạnh phúc, chuyển hóa rác trong ta. Vì có hoa nên thế nào cũng có rác, hoa lâu ngày sẽ thành rác. Đó là vô thường. Đức Thế Tôn đã thành đạo rồi, nhưng trong đời sống hằng ngày Ngài vẫn tiếp tục thực tập quán niệm hơi thở.
Này đây, quý vị khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình (Nghĩa là thiết lập chánh niệm, đưa thân và tâm vào chánh niệm, lấy chánh niệm làm đối tượng của tâm ý).Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.
QUÁN THÂN TRONG THÂN: Bốn bài tập đầu
Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.
Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.
Bản chữ Hán có khác với bản chữ Phạn. Bài tập đầu trong mười sáu bài tập ở bản chữ Hán là: “Thở vào, tôi biết tôi thở vào. Thở ra, tôi biết tôi thở ra.” Bản tiếng Pāḷi cũng có câu đó, nhưng không được xếp vào một trong mười sáu bài tập. Theo thầy thì bản chữ Hán hoàn chỉnh và hợp lý hơn, dù trong bản chữ Phạn có đủ hết mọi chi tiết. Trong khi đó với bản chữ Hán, bài tập đầu tiên là: Thở vào, tôi biết tôi thở vào. Thở ra, tôi biết tôi thở ra. Bài tập thứ hai là: Trong khi thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn, biết rằng mình đang thở vào một hơi dài hay một hơi ngắn. Trong khi thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn, biết rằng mình đang thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn. Ngắn hay dài đều nằm trong cùng một bài tập, như vậy thì hợp lý hơn. Ở bản tiếng Pāḷi cho chúng ta cảm giác rằng thở vào ta phải ráng thở vào cho dài, thở ra ta phải ráng thở ra cho dài (Câu 1). Thực ra không phải như thế.
Vấn đề ở đây là nhận diện hơi thở, chỉ nhận diện thôi mà không can thiệp vào. Khi hơi thở dài ta biết là nó dài, khi hơi thở ngắn ta biết là nó ngắn; chứ không cố làm cho nó dài hay cố làm cho nó ngắn. Vì vậy, khi nghiên cứu theo phương pháp đối chiếu ta có cái lợi là có thể thiết lập những gì đã gãy, bổ sung những gì đã mất. Ở Làng Mai chúng ta đang thực tập theo tinh thần đó.
Bài tập thứ nhất, nhận diện hơi thở:
Trong khi thở vào, biết mình đang thở vào. Trong khi thở ra, biết mình đang thở ra. Đối tượng chánh niệm là thuần túy hơi thở. Và chỉ cần biết: đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra.
Trong bài tập đầu tiên này, ta thấy sự đơn giản mà mầu nhiệm của pháp môn: khi thở vào, ta chỉ cần làm một chuyện thôi là nhận diện đây là hơi thở vào, không cần biết sự dài, ngắn của nó. Vì vậy, ta chỉ cần dùng một chữ: “v… à… o…” và trong suốt hơi thở vào thì chánh niệm có mặt. Nếu hơi thở vào có chiều dài thì trong suốt chiều dài của hơi thở đó, ta có một ý niệm “đây là hơi thở vào”. Ý thức “đây là hơi thở vào” phải bắt đầu từ đầu cho đến cuối hơi thở. Nếu ta nói “đây là hơi thở vào” nhưng chỉ biết một chút thôi, phần còn lại tâm ta để ở chỗ khác thì ta thất bại trong sự thực tập nhận diện hơi thở. Nhiều người đọc chữ vào và đọc thật dài “v… à… o…”, có người lại đọc “vào, vào vào, vào…”. Làm gì cũng được, miễn là ý thức “đây là hơi thở vào” được duy trì trong suốt chiều dài của hơi thở vào.
Ta phải thực tập để có ý thức trong suốt chiều dài hơi thở, khi đó thì những lo lắng, buồn phiền sẽ tan biến hết, chỉ còn lại cái biết “đây là hơi thở vào” mà thôi. Rất đơn giản! Cũng như trường hợp một người lính giữ cổng thành thấy công dân trong thành đi ra đi vào, người nào quen thì biết quen, người nào lạ thì biết lạ. Người lính kiểm soát rất dễ vì anh đã biết tất cả những người quen. Khi thấy một người quen thì cho đi vào và người nào lạ thì giữ lại. Chúng ta cũng vậy, khi thở vào ta biết đó là hơi thở vào, khi thở ra ta biết đó là hơi thở ra. Đừng để cho một hơi thở đi vào mà ta không biết đó là hơi thở vào, và đừng gọi hơi thở vào ấy là hơi thở ra. Ta chỉ cần thở được ba hơi thở như vậy thì những suy nghĩ, lo lắng đã chấm dứt và trong ý thức ta chỉ có sự nhận diện vào – ra. Đơn giản như một trò chơi trẻ con nhưng thật mầu nhiệm. Có người còn đặt tay lên bụng và để ý tới hơi thở qua sự chuyển động “phồng – xẹp” của bụng. Trong khi theo dõi sự phồng – xẹp hay vào – ra đó, tất cả những suy tư của chúng ta đều ngưng lại.
Có những đêm không ngủ được, ta cứ nghĩ miên man, nhưng càng suy nghĩ thì lại càng khó ngủ. Ta phải uống thuốc ngủ, nhưng càng sử dụng thì ta càng bị lệ thuộc vào thuốc. Những lúc như vậy, nếu biết buông thư và chơi với hơi thở vào – ra hoặc phồng – xẹp, ta sẽ không suy nghĩ nữa, ta cho trí óc của ta ngưng lại. Khi có những buồn lo, giận hờn làm chúng ta thất điên bát đảo, ta phải nắm lấy hơi thở để đứng cho vững. Chỉ cần thực tập hơi thở vào – ra, theo dõi bụng phồng – xẹp, trong tư thế nằm, ngồi hay đi – đi trong vườn, trong rừng và nắm lấy hơi thở mà đi. Lúc đó, đức Thế Tôn trong ta sẽ bảo hộ cho ta. Chúng ta suy nghĩ rất nhiều, nhưng những suy nghĩ đó chỉ có hại, và càng suy nghĩ ta càng lo lắng, lung lay, giận hờn. Vậy sao ta không dừng sự suy nghĩ đó lại? Phương pháp dừng suy nghĩ mầu nhiệm và hiền lành nhất là phương pháp quán niệm hơi thở.
Thở vào ta biết thở vào, thở ra ta biết thở ra. Đối tượng chánh niệm ở đây thuần túy là hơi thở. Có khi chúng ta có chánh niệm về trời xanh, về mây trắng, về lá phổi, về trái tim. Nhưng đối tượng ở bài tập đầu này chỉ thuần túy là hơi thở. Chúng ta chỉ cần biết đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. Chỉ chừng đó thôi.
Bài tập thứ hai, nhận diện chiều dài của hơi thở:
Trong khi thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn, biết rằng mình đang thở vào một hơi dài hay một hơi ngắn. Trong khi thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn, biết rằng mình đang thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn.
Câu kinh này không có nghĩa là chúng ta cố gắng thực tập một hơi thở vào dài và một hơi thở ra dài, mà là thấy được chiều dài của hơi thở. Hơi thở dài thì ta biết là hơi thở dài, hơi thở ngắn thì ta biết là hơi thở ngắn. Điều đó không có nghĩa là hơi thở dài tốt hơn hơi thở ngắn. Ta phải hiểu được điều này. Có khi chúng ta thở những hơi thở ngắn mà lại thấy khỏe khoắn hơn.
Có nhiều hành giả muốn uốn nắn hơi thở của họ, giống như người thợ rèn uốn nắn một thanh sắt. Điều này không phù hợp với tinh thần của kinh. Bụt dạy người thực tập nên thắp sáng chánh niệm để nhận diện hơi thở, đừng can thiệp và đàn áp nó. Như ánh sáng mặt trời chiếu xuống cây cỏ, không có sự can thiệp mà chỉ ôm lấy cây cỏ một cách tự nhiên. Đối với thân thể ta cũng vậy. Khi thực tập thiền, ta phải tôn trọng thân thể mình, không nên ép buộc mà chỉ nhận diện thôi thì sẽ có sự thay đổi, cũng như ánh sáng mặt trời chiếu lên cây cỏ làm cho cây cỏ thay đổi.
Ví dụ sư anh đang ngồi cong lưng mà sư anh biết mình đang ngồi cong lưng thì sư anh sẽ ngồi thẳng lên một cách tự nhiên, đây không phải là sự ép buộc. Hoặc sư em đang có sự bực bội, nếu có chánh niệm, sư em sẽ trở về thực tập: “thở vào, em biết rằng em đang bực bội; thở ra, em biết sự bực bội còn trong em”. Nếu sư em nói: “mình bực bội, mình phải đập tan sự bực bội này, mình phải lấy sự bực bội này ra ngoài” thì đó là sự can thiệp. Chỉ cần nhận diện, cho phép sự bực bội có mặt và ôm lấy, nâng niu nó như một đứa em nhỏ, đừng có ý định đánh phá, lên án hay trách móc. Đó là phương pháp Bụt dạy. Phương pháp này không những dùng cho thân mà còn dùng cho tâm. Như vậy, ta sẽ không có sự gò bó ép uổng, bởi vì nếu có gò bó, ép uổng thì sẽ có phản ứng. Phương pháp thực tập thiền của Bụt là phương pháp bất bạo động. Khi ánh sáng mặt trời ôm lấy cây cỏ thì cây cỏ sẽ chuyển hóa, sẽ xanh tươi và lớn lên. Cũng vậy, khi chánh niệm ôm lấy hơi thở thì phẩm chất hơi thở sẽ từ từ đi lên. Ban đầu hơi thở còn hổn hển, không đều, ta cần biết nó đang hổn hển, không đều. Chính ý thức đó làm cho hơi thở bớt hổn hển và trở nên nhẹ nhàng, lắng dịu. Phẩm chất của hơi thở ngày càng cao là nhờ sự ôm ấp của chánh niệm. Ở đây là chánh niệm về hơi thở.
Như vậy, hai bài tập đầu, vào – ra, dài – ngắn là để nhận diện hơi thở và chiều dài của hơi thở. Chúng ta cũng phải nhận diện: khi hơi thở hổn hển thì biết đó là hơi thở hổn hển; hơi thở nhẹ nhàng thì biết đó là hơi thở nhẹ nhàng; hơi thở tắc nghẽn thì biết đó là hơi thở tắc nghẽn; hơi thở khò khè thì biết đó là hơi thở khò khè. Nếu ta tiếp tục thực tập thì phẩm chất hơi thở sẽ tăng lên. Có khi hơi thở nhẹ nhàng như lạch nước đi trong cát, từ từ, êm dịu và cảm giác hỷ lạc dần tăng tiến trong con người ta. Trước hết là tăng tiến trong hơi thở, rồi cảm giác an lạc đó lan vào cơ thể, từ từ lan vào tâm tư. Tất cả những tịnh lạc phát sinh đều từ sự thực tập hơi thở chánh niệm.
Bài tập thứ ba, ý thức về toàn thân:
Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thởra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.
Ý thức về toàn thân, trong kinh gọi là thân giác (awareness of body). Thở vào, thở ra, ta nhận diện được toàn bộ thân thể ta. Breathing in, I am aware of my whole body. Ở bài tập này, đối tượng của niệm không phải là thuần hơi thở nữa mà là toàn bộ thân thể mình. Theo tinh thần của kinh Quán niệm hơi thở thì hơi thở là một phần của thân thể. Hơi thở có liên quan đến hai lá phổi, đến hoành cách mạc và những cơ hô hấp đẩy lên hạ xuống. Trong giáo lý đạo Bụt, hơi thở được liệt vào phạm trù của thân, nhưng rất đặc biệt, nó cũng là phần thân thiết lập dễ dàng nhất với tâm. Cố nhiên chân và tay cũng có thể giúp ta thiết lập liên lạc giữa thân và tâm, nhưng chính hơi thở mới là cầu nối giữa thân và tâm hay nhất và có thể duy trì được sự liên hệ giữa thân và tâm lâu nhất. Ví dụ khi ta thở có ý thức trong năm phút thì thân tâm ta ở chung với nhau được trong năm phút. Muốn thân và tâm đoàn tụ với nhau mấy giờ thì ta an trú trong hơi thở mấy giờ. Và như vậy, hơi thở là yếu tố giúp gia đình của thân và tâm đoàn tụ. Nếu người tu mà không biết dùng hơi thở để thiết lập trạng thái thân tâm nhất như thì uổng lắm. Hơi thở là cây cầu nối của thân và tâm, giúp thân tâm trở về với nhau. Nếu thân và tâm chưa về với nhau thì không thể có được sự thực tập.
Bài tập thứ ba có công năng kết nối thân và tâm. Bài tập thứ nhất và thứ hai cũng giúp kết nối thân với tâm vì hơi thở cũng là thân. Ở bài tập thứ ba, chánh niệm không chỉ tiếp xúc được với phần hơi thở của thân mà đã ôm lấy toàn thân. Toàn thân ở đây không phải là toàn thân của hơi thở vì ý thức được toàn hơi thở đã có trong hai bài tập đầu, nhất là trong bài tập thứ hai. Toàn thân ở đây bao gồm hơi thở và những phần khác của thân. Có người cắt nghĩa rằng toàn thân ở đây là toàn thân hơi thở, vì họ cho rằng nếu muốn dễ đi vào định thì không nên ý thức toàn thân, không nên theo hơi thở đi vào trong phổi, đi vào trong ruột, đi xuống đan điền mà chỉ đặt chánh niệm nơi lỗ mũi, như vậy thì mới dễ đạt được sơ thiền. Rất nhiều thế hệ đã đi theo sự chỉ dẫn này vì sợ rằng đi vào toàn thân thì đối tượng lớn quá, không thể chuyên chú vào sơ thiền, nhất thiền… được. Trong khi đó, chủ ý của đức Thế Tôn cho bài tập thứ ba là phải ý thức được toàn thân. Ta phải sửa lại. “Thở vào, tôi có ý thức về toàn thân tôi.” Ai cũng biết rằng đối tượng của bốn bài tập đầu là thân, mà thân đâu phải chỉ có hơi thở. Nếu nghĩ như vậy là ta đã loại bỏ thân này ra khỏi đối tượng quán niệm. Cần phải nhận diện toàn thân, trở về kết bạn với toàn thân, thân và tâm đoàn tụ với nhau. Bài tập này rất quan trọng. Nhiều khi chúng ta xa lạ với thân thể mình, thù ghét, gớm ghiếc thân thể mình thì bây giờ là lúc trở về để nhận diện và ôm lấy thân thể. Đây là một cuộc hội ngộ gia đình thân – tâm rất lớn.
Bài tập thứ tư, an tịnh toàn thân:
Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
Breathing in, I calm my body. Breathing out, I calm my body. Thân của ta có thể cũng đang hổn hển, bất an như hơi thở của ta trước đó. Vì vậy ta ôm lấy thân ta, giúp cho nó hết hổn hển, hết bất an, gọi là “an tịnh thân hành”. Trước kia ta thực tập điều này với hơi thở của ta thì bây giờ cũng vậy với ý thức toàn thân: thở vào và ôm lấy toàn thân, nhận diện những chất liệu của sự bất an, mệt mỏi, căng thẳng đang có trong thân. Là thiền sinh mà không thực tập được điều này thì chúng ta không đi xa được. Phải an tịnh thân trước rồi mới bắt đầu an tịnh tâm. Anh chưa tiếp xúc được với thân của anh thì làm sao tiếp xúc được với tâm của anh? Ta có thể áp dụng bài tập thứ tư trong khi ngồi thiền. Có những lúc thân thể ta cũng thổn thức, cũng bất an, căng thẳng. Ta làm cho thân ta co rút lại bởi những sầu muộn, bởi công việc và những lo tính, mưu toan… Thân thể ta đã không được nghỉ ngơi, ta đày đọa và làm cho nó trở nên chai cứng, rất tội nghiệp. Những căn bệnh bắt đầu hình thành và khiến cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng, trầm cảm. Do đó, trước hết ta phải trở về với thân để nhận diện: “À, em đó hả? Lâu nay tôi đi vắng, tôi không chăm sóc em.” Ta nhận ra: “A, tôi nhớ em quá, tội nghiệp em quá, sao lại co rúm như vậy, căng thẳng như vậy? Buông thư đi nào!” Quý vị có thấy lòng từ bi của đức Thế Tôn lớn không? Đó là thương. Trước hết phải thương thân của mình. Nếu ta cứ co rúm lại, căng thẳng, mỏi mệt như vậy thì làm sao ta có thể thương được người khác? Trong các tư thế nằm, ngồi hay đi, ta phải cho thân ta một cơ hội buông thư thoải mái để thân thể thực sự được nghỉ ngơi.
Nếu ta chưa làm được thì ta phải hỏi sư anh, sư chị, phải hỏi thầy, hỏi bạn. Phải làm cho được để có thể sống hòa bình, an lạc với thân của ta. Ta đã bạc đãi, đày đọa thân thể ta như thế nào trong quá khứ? Và từ những đau khổ của thân sẽ sinh ra những đau khổ của tâm.
Chúng ta nhắc lại bài tập đầu là vào – ra, bài tập thứ hai là dài – ngắn. Dài – ngắn không phải là danh từ hay ý niệm, mà là sự thật. Hơi thở dài, ngắn chừng nào thì ta biết là nó dài, ngắn chừng đó. Đối với những người mới thực tập thì thường hơi thở vào ngắn hơn hơi thở ra.
Mục đích của bài tập thứ nhất là nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Bài tập thứ hai là nhận diện chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra. Không cần nói dài mấy giây, mấy phút, ta chỉ cần ý thức suốt chiều dài của hơi thở. Chánh niệm phải bám sát từ đầu cho đến cuối hơi thở. Nếu chánh niệm về hơi thở nửa chừng rồi các ý niệm khác xen vào thì niệm sẽ có một đối tượng khác mà không còn là hơi thở nữa. Ví dụ “tôi đang thở vào và… biết rằng tôi quên tắt đèn trong phòng rồi!”, ta để niệm đi theo việc tắt đèn. Trong trường hợp này, niệm đã bỏ hơi thở nửa chừng để chạy theo một đối tượng khác. Hơi thở vào đó không thành công, không có định. Vì vậy, chánh niệm phải bám sát hơi thở từ đầu đến cuối, đối tượng chỉ được là hơi thở và ta biết hơi thở đó dài bao nhiêu. Người mới bắt đầu thực tập phải nắm vững hai phương pháp này. Có những người lúc đầu tâm còn tán loạn, chưa bám sát được hơi thở thì các thầy dạy họ phương pháp đếm, gọi là sổ tức: “thở vào, đếm một; thở ra, đếm hai…”, nếu đếm nhầm thì quay trở lại đếm một. Sổ tức là phương pháp thêm vào sau này, còn nguyên bản kinh Quán niệm hơi thở không có. Đôi khi người ta dịch An ban thủ ý là sổ tức quán, nhưng dịch như vậy là không đúng. An ban thủ ý là quán niệm hơi thở vào ra, không phải là đếm hơi thở. Theo tinh thần nguyên thủy của kinh văn thì tùy tức (theo hơi thở) đúng hơn là sổ tức. Tuy nhiên, phương pháp sổ tức dễ áp dụng hơn cho những người mới thực tập. Ta có thể đếm từ một đến mười, nếu nửa chừng không nhớ là bao nhiêu thì bỏ và đếm lại từ một. Sau đó, tập đếm ngược từ mười đến một. Cứ như vậy cho đến khi đếm không còn lẫn lộn nữa thì bỏ phương pháp đếm (sổ tức) và áp dụng phương pháp theo dõi hơi thở (tùy tức).
Bài tập thứ ba là ý thức thân hành: “Thở vào, tôi có ý thức về toàn thân thể tôi”, tức là ôm lấy thân bằng niệm.
Bài tập thứ tư là an tịnh thân hành. Chữ hành(saṅkhāra, formation) ở đây có nghĩa là cái, là một hiện tượng về thân (physical formations). Breathing in, I am aware of my physical formations. Breathing out, I calm my physical formations. Còn những hiện tượng vui, buồn,… thì thuộc về tâm hành (mental formations). Mọi vật trên đời đều hình thành bởi những nhân duyên. Ví dụ hoa là một hành, do những yếu tố như đất, nước, lửa, gió, hạt giống,… kết hợp lại, gọi là sắc hành. Tất cả các hành (hiện tượng, phenomena) đều vô thường, không bền lâu nên gọi là “chư hành vô thường” (all formations are impermanent). Thân hành là thân thể, như một hợp thể của nhiều yếu tố, luôn chuyển biến không ngừng. Vì vậy, “hành” là vô thường, ý thức thân hành tức là ý thức thân ta như một hiện tượng. Khi nhìn vào hành, ta thấy rất rõ vật đó được kết hợp từ nhiều yếu tố và ta thấy luôn rằng vật đó đang chuyển biến vô thường.
Thân hành của tôi có thể đang hổn hển, đang co rúm lại, vì vậy tôi buông thư và làm cho nó êm dịu trở lại bằng cách áp dụng bài tập thứ tư: “Thở vào, tôi làm cho thân hành an tịnh”. Thiền buông thư được phát triển từ bài tập thứ tư là an tịnh thân hành, giúp cho ta hết căng thẳng và khỏe nhẹ, giảm những đau nhức trong cơ thể.
Đó là sự thực tập bốn bài đầu trong kinh Quán niệm hơi thở. Bốn bài tập này không chỉ có thể thực hiện trong tư thế nằm như thiền buông thư mà còn áp dụng được trong các tư thế ngồi và tư thế đứng. Thực tập trong tư thế nằm tuy dễ nhưng chỉ thực hiện được năm bảy phút đã khiến ta buồn ngủ. Trong tư thế ngồi, ta có thể thực tập được nửa giờ, một giờ mà vẫn không buồn ngủ.
Khi nghe tiếng chuông, tiếng chim hót, nhìn mặt trời mọc hoặc nghe, thấy một điều gì có tính chất nhắc nhở thì ta nên nương vào đó để thực tập bốn hơi thở này: vào – ra, dài – ngắn, ý thức thân hành, an tịnh thân hành. Tiếng chuông, tiếng chim hót, gió reo đều là những cơ hội để ta trở về thực tập. Kinh A Di Đà có nói rằng ở cõi nước Cực Lạc, mỗi khi gió lay động những hàng cây thì sẽ phát ra âm thanh vi diệu, nếu lắng nghe sâu, ta nghe được tiếng thuyết pháp về Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần. Ở đây cũng vậy, mỗi khi nghe gió reo trong cây, nếu ta có chánh niệm, biết thở ra, thở vào, ý thức thân hành, an tịnh thân hành thì ta cũng bắt đầu nghe được tiếng thuyết pháp trong gió. Thành ra, ta có thể tiếp xúc với Tịnh độ ngay tại đây và bây giờ. Nếu ta không tiếp xúc được với Tịnh độ bây giờ thì khi qua bên đó ta cũng không tiếp xúc được. Cho nên vấn đề không phải là bên này hay bên kia mà vấn đề là ta làm được bây giờ hay không.
B. QUÁN THỌ TRONG THỌ: Bài tập thứ năm đến bài tập thứ tám
Bài tập thứ năm, hỷ giác:
Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra vàcảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.
Bài tập thứ sáu, lạc giác:
Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra vàcảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.
Giác có nghĩa là giác tri, tức là biết và nhận diện (awareness). Hỷ giác là nhận diện được niềm vui. Lạc giác là nhận diện được an lạc. Hỷ và lạc khác nhau. Hỷ là mừng vui, lạc là hạnh phúc. Trong kinh có sự phân biệt rõ ràng giữa hai cảm thọ (cảm giác) này. Ví dụ khi đang đi trong sa mạc, ta thấy một hồ nước và trong lòng phát sinh sự mừng vui, đó là hỷ. Khi đến được bên hồ, ta vốc nước lên uống và cảm thấy hạnh phúc, đó là lạc. Trong hỷ có yếu tố của sự kích thích (excitement), chất an lạc không có nhiều. Trong lạc thì yếu tố kích thích giảm đi và chất an (happiness) có nhiều hơn. Đó là sự phân tích của kinh điển. Ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, người ta hay lầm hai cảm thọ này. Người trẻ sống với cảm thọ thứ nhất (hỷ) nhiều hơn cảm thọ thứ hai (lạc). Họ lầm giữa sự kích thích (excitement) với sự hạnh phúc (happiness). Thông thường họ có sự kích thích nhiều hơn mà ít có hạnh phúc. Rất ít khi ta an trú được trong hỷ. Trong hỷ, an rất ít mà trong lạc thì an rất nhiều. Đạo Bụt hay dùng hai chữ an lạc đi đôi với nhau, có an thì mới có lạc.
Khi thở vào, ta làm thế nào để hơi thở vào tiếp xúc được với những yếu tố của hạnh phúc đang có sẵn, để niềm vui được phát khởi. Cho nên cô thiền sinh kia, người chưa bao giờ đến Làng, chỉ qua đọc sách thôi, nói rằng: “Thầy ơi, con tìm ra được một điều rất quý, rằng chỉ cần thở thôi là con đã có hạnh phúc rồi!” Vì khi thở vào, thở ra có ý thức, cô tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc mà cô đang có: mình vẫn còn trẻ, mình đang có việc làm, mình đang có một mái nhà để sống, mình đang có an ninh, đang có trời xanh, mây trắng,… Điều này cho chúng ta thấy rõ ràng hỷ giác tri không phải là sự tự kỷ ám thị. Hỷ giác tri là ý thức thật về sự vui mừng của mình. Sự thật là chúng ta có rất nhiều điều để mừng, để vui. Bước một bước trên thảm lá khô, đó không phải là niềm vui sao? Thở một hơi thở vào, nhìn trời xanh và mỉm cười, đó không phải là hạnh phúc sao? Trên đời có biết bao nhiêu điều khiến ta có thể hạnh phúc. Khi nhận ra được như vậy, thở vào một hơi là ta có hỷ liền và ta phải biết nuôi dưỡng mình bằng cái hỷ đó. Nếu ta lấy những buồn rầu, lo, giận để nuôi dưỡng mình thì hạnh phúc của ta đâu lớn lên được! Trong đời sống hằng ngày, ta thường không thắp lên chánh niệm khiến bản thân sinh ra buồn, giận, ganh ghét,… ta để cho những chất độc thấm vào người qua cách ta nghe, ta thấy, ta nghĩ,… Những độc tố như vậy làm sao nuôi lớn ta được, trong khi đó, có những chất liệu rất bổ dưỡng mà ta không chịu nuôi dưỡng. Đó là chất liệu của hỷ và lạc.
Các con hãy tự nuôi dưỡng mình bằng hỷ và bằng lạc. Đó là lời dạy của đức Thế Tôn. Khi trở về với lĩnh vực cảm thọ, ta phải thực tập làm sao để có thể nuôi dưỡng ta trong mỗi giây, mỗi phút bằng hỷ thọ và lạc thọ. Nếu ta không nuôi dưỡng được mình bằng hai cảm thọ đó, ta không thể đi xa trên bước đường thực tập. Cho nên bài tập hỷ và lạc đi trước, còn những nỗi đau, vướng mắc thì ta sẽ xử lý sau. Trước hết ta phải nuôi ta bằng hỷ và lạc. Hỷ và lạc là những gì ta có thể chế tác được. Đó là tuệ giác của Bụt.
“Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui. Thở ra, tôi cảm thấy mừng vui. Thở vào, tôi cảm thấy hạnh phúc. Thở ra, tôi cảm thấy hạnh phúc.”
Hạnh phúc của ta nằm ở đâu? Hạnh phúc nằm ở ngay giây phút hiện tại. Giáo pháp của đức Thế Tôn cho thấy sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là chuyện ta có thể làm được. Có những điều kiện hạnh phúc mà chỉ cần ta đưa tay ra là liền chạm tới. Những điều kiện hạnh phúc đó ở ngay trong tâm, trong thân và xung quanh ta. Có thể có một vài yếu tố tiêu cực đang có ở thân, tâm và đang có ở bên ngoài nhưng không có nghĩa là những yếu tố tích cực không tồn tại. Do đó, hỷ và lạc là những gì ta có thể đạt được ngay bây giờ và ở đây. Sự thông minh của ta ở đâu, tại sao không đem ra để thực tập hỷ giác và lạc giác mà cứ ngồi không yên như ngồi trên đống lửa? Người chưa có khả năng an trú trong hỷ và lạc là người chưa thành công trong sự tu tập, đi đâu cũng sẽ vậy, cũng như ngồi trên đống lửa. Cho nên phải quyết tâm thực tập để ngay bây giờ và ở đây ta có thể nuôi dưỡng được ta bằng hỷ và lạc. Nuôi được ta rồi thì ta sẽ là nguồn hỷ lạc cho biết bao nhiêu người đang ở đây và những nơi khác. Đôi khi ta không cần qua bên đó, ta chỉ cần hỷ lạc ở đây là bên đó hạnh phúc rồi.
Trong thiền môn, thiền tập là thức ăn mỗi ngày. Thức ăn mỗi ngày chính là hỷ lạc. Trong bài cúng cơm có bốn chữ thiền duyệt vi thực (the happiness of meditation is my food), có nghĩa là lấy hạnh phúc của thiền làm thức ăn. Chúng ta có thể viết bốn chữ này treo trong Thực đường.
Nhược phạn thực thời
Đương nguyện chúng sinh
Thiền duyệt vi thực
Pháp hỷ sung mãn.
(Trong khi ăn cơm
Tôi nguyện cho tất cả mọi loài chúng sinh
Niềm vui của thiền định là thức ăn của mọi người
Niềm vui của chánh pháp đầy tràn).
Mỗi ngày chúng ta ở dưới bếp nấu cơm cho đại chúng, thức ăn này thuộc về đoàn thực. Mỗi ngày chúng ta ngồi thiền hay ngồi nghe pháp thoại thì chúng ta cũng đang làm cơm cho đại chúng – cơm này là thiền duyệt. Chúng ta phải nuôi chính mình bằng thiền duyệt. Sau mỗi buổi nghe pháp thoại, mỗi buổi ngồi thiền, đi thiền là chúng ta phải lớn lên vì chúng ta đã đưa vào trong cơ thể ta những chất liệu bổ dưỡng.
Hỷ giác là cảm giác được sự mừng vui. Lạc giác là cảm giác được niềm hạnh phúc. Hơi thở ra – vào có tác dụng nuôi dưỡng. Nếu sư chú là thiền sinh thực sự thì trong khi ngồi thiền hoặc đi thiền, sư chú phải nuôi dưỡng mình bằng hỷ lạc đó. Nếu ngồi thiền mà thấy mệt, thấy không được nuôi dưỡng là ngồi thiền chưa đúng. Ngồi thiền đâu cần sử dụng chất xám hay tiêu hao năng lượng gì. Vì vậy, dù ta có bệnh về thân, về tâm thì ngồi thiền là để chữa trị và nuôi dưỡng thân, tâm.
Bài tập thứ bảy, tâm hành giác:
Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.
Có năm mươi mốt tâm hành, nhưng tâm hành trong bài tập này chỉ dành cho những cảm thọ. Thọ ở đây gồm có hỷ thọ và lạc thọ. Ngoài ra, còn có khổ thọ, xả thọ. Bài tập thứ bảy có công năng ôm lấy tất cả những cảm thọ bằng chánh niệm, nhất là những cảm thọ khổ đau. Nếu ta ôm lấy một cảm thọ hạnh phúc bằng chánh niệm thì hạnh phúc ấy sẽ lớn lên. Ví dụ khi ta ăn một trái cam thấy ngọt là ta đang có lạc thọ trong đó, còn nếu ta ăn cam mà suy nghĩ vẩn vơ thì sẽ có rất ít lạc thọ. Khi ta thắp sáng chánh niệm trong lúc ăn cam thì cũng trái cam đó, cũng vị ngọt đó, nhưng hạnh phúc trong ta tăng tiến rất nhiều. Cho nên thực tập tâm hành giác là trở về nhận diện và ôm lấy những tâm hành. Nếu tâm hành ấy là một lạc thọ thật thì lạc thọ đó sẽ lớn lên, còn nếu là một lạc thọ giả thì ta biết đó là một lạc thọ giả. Ví dụ khi đang hút thuốc hay uống rượu mà có chánh niệm thì ta biết rằng đây là một lạc thọ giả trá, nó sẽ đem tới những khổ thọ rất lớn cho tương lai, tự nhiên ta sẽ chuyển hóa được lạc thọ giả đó để nhường chỗ cho những lạc thọ lành mạnh thành hình. Khi có một cảm thọ đau buồn đến nỗi thân ta run rẩy, giận hờn và sợ hãi thì ta phải thở vào, thở ra với ý thức: “Tội nghiệp quá, có tôi đây” và ta ôm lấy cảm thọ đó.
Buồn chán, ganh ghét, sợ hãi,… tạo ra những cảm giác khiến ta rung động, đau khổ nên ta cần nhận diện những cảm thọ đó, ôm lấy chúng chứ đừng đàn áp, trách móc hay đánh đập chúng. Giống như khi ta ôm hơi thở và thân thể của ta, rồi nói “Có tôi đây, em đừng lo! Tôi đang ôm lấy em!” thì những niềm đau, nỗi sợ ấy sẽ được an ủi. Lâu nay nó đã không được chăm sóc, đã rất tội nghiệp. Nó là ai? Nó chính là ta. Thành ra, ta phải có mặt cho ta, ta phải ôm lấy ta, nếu không thì ai sẽ có mặt cho ta? Đây là một bài tập rất quan trọng của kinh Quán niệm hơi thở. Những người anh, chị, em, bạn, thầy của ta có thể giúp ta, sự có mặt của họ sẽ giúp cho chánh niệm trong ta lớn lên và cùng ta ôm lấy nỗi khổ, niềm đau. Nhưng trước hết ta phải tự làm được điều đó, ta phải tự ôm lấy và công nhận cảm thọ của mình, đừng đánh đuổi, đừng đàn áp. Sau khi ôm lấy cảm thọ rồi thì giờ đây, khi đã có ý thức thân hành và an tịnh thân hành, ta đối xử với cảm thọ cũng như đối xử với cơ thể, cùng đi một hướng như nhau.
Bài tập thứ bảy là ôm lấy khổ đau (tâm hành giác), bài tập thứ tám là làm khổ đau êm dịu lại (an tịnh tâm hành). Ta chưa cần làm gì hết, chỉ ôm lấy cảm thọ thôi thì đã êm dịu lại rồi. Nếu ta tiếp tục quán chiếu thì sẽ chuyển hóa. Quán chiếu và chuyển hóa là nội dung của những bài tập kế tiếp. Cho nên, khi “vớ” được kinh này, thầy có cảm giác mình là người hạnh phúc nhất trên đời! Mình đã có được một thiền phổ vẫn còn nguyên vẹn từ 2.600 năm trước. Mình đã gieo trồng những phước đức gì trong quá khứ mà hôm nay “vớ” được kinh này! Nhưng phải có thầy chỉ dạy cho ta phương pháp thì ta mới thành công được.
Bài tập thứ tám, an tịnh tâm hành:
Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
Cảm thọ hỷ cũng cần được an tịnh vì trong hỷ có thể có sự hưng phấn (excitement). Ta cũng có thể làm lắng an cảm thọ lạc. Còn nếu đây là cảm thọ khổ đau do lo lắng, giận hờn, thất vọng gây ra thì ta càng phải nhận diện, càng phải ôm ấp nó. Bài tập thứ bảy là ôm ấp cảm thọ và bài tập thứ tám là làm cho cảm thọ đó êm dịu lại. Giống như khi một em bé đang đau bụng, ta phải nhận diện có em bé đang đau bụng và ta ôm lấy em bé trong lòng. Ta làm cho em bé dễ chịu trở lại. Người tu phải biết làm những điều này, chứ không nằm co rúm chờ chết, mặc cho cảm thọ giày vò, tàn phá thân và tâm của ta. Là người tu, mỗi khi có một cảm thọ – nhất là cảm thọ đau buồn trỗi dậy, ta phải biết vận dụng năng lượng chánh niệm ôm ấp cảm thọ ấy như một bà mẹ ôm lấy đứa con, và nói rằng: “Có mẹ đây, con đừng lo, mẹ sẽ chăm sóc con.” Đừng chạy trốn nó. Khi đã ôm được cảm thọ rồi thì ta dùng phương pháp thở ra, thở vào làm cho cảm thọ êm dịu lại. Đó là làm an tịnh tâm hành và tâm hành được nhắc ở đây là cảm thọ. Chúng ta nhắc lại một lần nữa, đối tượng của bốn bài tập này là cảm thọ.
Thầy Phật Âm, Buddhaghoṣa – tác giả Thanh tịnh đạo luận – nói rằng, bốn bài tập này có liên hệ tới cả thọ và tưởng, nhưng kỳ thực nó chỉ liên hệ trực tiếp tới thọ mà thôi. Cố nhiên, thọ có liên hệ tới sắc và tưởng nhưng chúng ta phải nói một cách rất rõ ràng là đối tượng của bốn bài tập này là thọ. Năm yếu tố kết hợp thành con người của chúng ta, gọi là ngũ uẩn, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng ta thường hình dung năm yếu tố này bằng cách vẽ một trái quýt chia làm năm múi và mỗi múi quýt tượng trưng cho một uẩn.
Chúng ta biết rằng, sắc uẩn là cơ thể, tưởng uẩn là tri giác, và cảm thọ thì thường được phát sinh từ sắc uẩn hay tưởng uẩn. Ví dụ khi ta nhức đầu, hiện tượng nhức đầu thuộc về cơ thể, và nó thường tạo thành cảm thọ khó chịu trong ta; còn khi ta mặc áo ấm và ăn no thì cái lạnh, cái đói liền mất đi. Như vậy, cảm thọ dễ chịu phát sinh từ sắc uẩn. Cho nên khi chăm sóc sắc uẩn thì ta có lạc thọ nhiều, khổ thọ ít. Với tưởng cũng vậy. Chúng ta chăm sóc tưởng uẩn thì ta cũng sẽ có lạc thọ nhiều, khổ thọ ít. Tưởng là tri giác. Khi có tri giác sai lầm thì ta sẽ khổ. Như vậy, tưởng là nguồn gốc của những cảm thọ. Những buồn, giận, sợ hãi, thao thức, lo lắng của chúng ta đều phát sinh từ vọng tưởng, tức là từ những nhận thức sai lầm. Cho nên, từ nền tảng vọng tưởng đã phát sinh ra không biết bao nhiêu là cảm thọ. Do đó có thể nói thọ có liên hệ tới sắc và tưởng, tuy nhiên thọ vẫn là thọ. Bốn bài tập thứ năm, sáu, bảy và tám đều liên hệ tới thọ. Chúng ta phải nói một cách rất rõ ràng đối tượng của bốn bài tập này là thọ chứ không phải là cả thọ và tưởng như thầy Phật Âm nhận định.
Bài tập thứ năm là hỷ giác; thứ sáu: lạc giác; thứ bảy: tâm hành (thọ) giác; thứ tám: an tịnh tâm hành.
Tôi đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Đây là thiền duyệt, là nuôi dưỡng. Mỗi lần quay về là ta có cơ hội tiếp xúc với những điều kiện của hạnh phúc. Hỷ giác ở đây không phải là tự kỷ ám thị mà là cái hỷ thật, là ý thức về cái hỷ đang có mặt trong ta, về sự vui mừng của ta. Ta đang có rất nhiều điều để mừng vui. Ta là người có khả năng nhận diện những điều kiện hạnh phúc để sống có hạnh phúc.
Có nhiều người đang sống trong rất nhiều điều kiện hạnh phúc nhưng không cảm thấy có hạnh phúc. Người đó không ý thức được những hạnh phúc của mình, giẫm đạp lên hạnh phúc mà đi, đập vỡ những hạnh phúc đó trong mỗi giây, mỗi phút. Ví dụ mỗi sáng khi thức dậy, ta hít thở và nhận thấy những điều rất mầu nhiệm như: “A, mình vẫn còn sống, mình còn hai mươi bốn giờ tinh khôi để sống. A, ba mẹ đang ở chung với mình; ba mẹ mình đang còn sống; những người thương của mình đang còn sống. A, mình không bị đau lưng…”. Những điều tuyệt vời như vậy nhiều lắm. Không có điều này thì còn có điều khác. Chỉ những người dại dột, u mê mới không thấy được rằng ta đang có những điều kiện của hạnh phúc, mới nghĩ rằng ta chỉ có đau khổ. Cho nên, khởi sự thở vào là có cơ hội tiếp xúc với những may mắn, những điều mầu nhiệm đó, và tiếp xúc được thì có hỷ và có lạc. Có thể ta đang bị kẹt vào một điều gì đó (do tâm tạo ra) nên ta không tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc. Thành ra, ta phải cầu cứu đến thầy, đến bạn, làm sao giúp ta gỡ vướng mắc đó ra. Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui là một phép thực tập mà ta phải nuôi dưỡng mỗi ngày.
Ta đã có hạnh phúc rồi thì thực tập để càng có nhiều hạnh phúc hơn. Ta chưa có hạnh phúc thì thực tập để bắt đầu có hạnh phúc. Khi nghe tiếng thức chuông, ta trở về với chính ta, theo dõi hơi thở vào, và trong khi thở vào ta phải ý thức thực tập để cảm giác mừng vui được phát sinh. Thở vào, ta biết thầy đang còn sống và ta đang được ở gần thầy. Thở vào, ta đang được bao bọc bởi tăng thân. Thở vào, ta bắt đầu một ngày mới để tu học… Thở vào như vậy là ta có hỷ và lạc liền. Hỷ đưa tới lạc. Thở vào, tiếp xúc với điều kiện hạnh phúc, thì ta có hỷ. Thở ra, ôm lấy điều kiện đó để thực sự nếm được hạnh phúc, thì ta có lạc. Khi ta khát nước và thấy có nước uống thì mừng vui, đó gọi là hỷ. Khi rót nước uống, ta có cảm giác tươi mới, khoan khoái sau cơn khát, đó gọi là lạc. Hỷ lạc có tính chất nuôi dưỡng chứ không gây ra những khổ đau. Hỷ lạc này là hỷ lạc lành mạnh chứ không phải là dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thụy). Khi nghe một tiếng chuông, ta trở về với hơi thở, nhờ khả năng tiếp xúc được với một hay nhiều điều kiện hạnh phúc làm phát sinh cảm giác mừng vui. Ta có thể nuôi dưỡng cảm giác mừng vui đó trong suốt chiều dài hơi thở, hoặc giả, ta làm cho niềm an lạc phát sinh liền ngay khi bắt đầu thở. Như vậy, thở vào có hỷ, thở ra có lạc. Và tiếng chuông cho ta cơ hội để có hỷ và lạc. Đây là một sự thực tập để có hỷ và có lạc chứ không phải là tự kỷ ám thị.
Khi đọc những điều này trong kinh, ta thấy rằng giáo lý đạo Bụt không có gì là yếm thế, chán đời. Đạo Bụt rất tích cực. Đức Thế Tôn dạy: niềm vui là những gì có thật, an lạc là những gì có thật. Do đó, mỗi ngày hành giả phải biết nuôi dưỡng mình bằng niềm vui và niềm an lạc. Ta thực tập và hỏi sư anh, sư em, sư chị của ta đang thực tập như thế nào để học hỏi kinh nghiệm và giúp cho sự thực tập của mình ngày càng tăng tiến.
Chúng ta biết rằng hỷ là một thọ, lạc là một thọ và những tâm hành này là những thọ. Thở vào, ta ý thức được tâm hành đang có mặt. Trong bản kinh thầy dịch rằng: “Thở vào, tôi nhận diện được cảm thọ đang có mặt trong tôi.” (Breathing in, I am aware of the feeling that is now in me).Việc nhận diện bất cứ cảm thọ nào: lạc, khổ hay không khổ, không lạc, đó là nhận diện tâm hành (tâm hành giác). Nhận diện tâm hành ở đây là nhận diện cảm thọ đang có mặt. Chúng ta biết rằng, thọ là một dòng sông. Trong chúng ta có năm dòng sông: dòng sông cơ thể (sắc), dòng sông cảm thọ (thọ), dòng sông tri giác (tưởng), dòng sông tâm hành (hành) và dòng sông nhận thức (thức). Cơ thể là một dòng sông, là một “hành” luôn luôn biến chuyển và mỗi tế bào trong cơ thể là một giọt nước, có sinh có diệt. Những tế bào liên tục chết và liên tục sinh. Thành ra chúng ta phải học nhìn cơ thể như một dòng sông, liên tục biến chuyển, liên tục chết và liên tục sinh. Những cảm thọ phát sinh, tồn tại và biến mất, cái này lên và cái kia xuống. Mỗi cảm thọ là một giọt nước trong dòng sông. Bài tập thứ bảy là nhận diện cảm thọ đang có mặt, dù là bất cứ cảm thọ nào. Bài tập thứ tám là làm cho cảm thọ ấy được an tịnh. Người tu phải biết nhận diện cảm thọ và an tịnh cảm thọ chứ đừng nằm đó co rúm lại, chịu chết, để mặc cho cảm thọ tàn phá, giày vò thân tâm mình. Mỗi khi có một cảm thọ đau buồn, ta phải biết dùng năng lượng chánh niệm ôm lấy cảm thọ ấy như bà mẹ ôm lấy đứa con và nói rằng: “Có mẹ đây”. Ôm lấy niềm đau chứ đừng chạy trốn. Dùng hơi thở vào ra để an tịnh tâm hành (thọ).
C. QUÁN TÂM TRONG TÂM: Bài tập thứ chín đến bài tập thứ mười hai
Tâm ở đây là tâm hành. Trong truyền thống duy biểu, có 51 tâm hành: thọ là một tâm hành, tưởng là một tâm hành, còn lại là 49 tâm hành khác.
Chúng ta thấy rằng, đối tượng của bốn bài tập cuối (13 – 16) là tưởng (tri giác), cũng là một trong 51 tâm hành. Bốn bài tập này là để đối trị với tri giác, giải phóng tri giác, và chuyển hóa những khổ đau.
Trong kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, chúng ta có những danh từ: quán niệm thân (the contemplation of the body in the body), quán niệm thọ (the contemplation of the feeling in the feeling), quán niệm tâm (the contemplation of the mind in the mind), quán niệm pháp (the contemplation of the object of the mind in the object of the mind). Pháp ở đây là đối tượng của tưởng hay là đối tượng của tâm. Trong tất cả 51 tâm hành, tâm hành nào cũng có đối tượng, danh từ chuyên môn gọi những đối tượng đó là pháp. Pháp là đối tượng của tâm. Mười sáu bài tập trong kinh Quán niệm hơi thở đề cập tới thân, thọ, tâm và pháp, tức là bốn uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành. Vậy thì thức nằm ở đâu trong mười sáu bài tập? Thức là mảnh đất cất giữ tất cả những hạt giống. Khi những hạt giống biểu hiện thì chúng biểu hiện thành 51 tâm hành, trong đó thọ, tưởng và hành là những biểu hiện của thức, hoặc chính là thức – đứng về phương diện biểu hiện. Cũng như dòng sông được biểu hiện bằng tất cả các giọt nước, nếu chúng ta thấy được tất cả các giọt nước thì chúng ta thấy được hết dòng sông. Vì vậy, khi chúng ta đã quán chiếu được hết 51 tâm hành thì đó chính là thức. Thức trong những trạng thái biểu hiện của nó, còn những trạng thái không biểu hiện thì ta không quán chiếu được. Do đó, thức cũng nằm trong hành, trong thọ, trong tưởng và trong sắc. Thức là phần căn bản, là phần tiềm năng, còn sắc, thọ, tưởng, hành là phần biểu hiện. Thức không thể có ngoài bốn uẩn kia (sắc, thọ, tưởng, hành) và ta có thể nhìn qua bốn uẩn ấy để thấy thức. Đứng về phương diện thức thì 51 tâm hành là hạt giống. Khi những hạt giống đó biểu hiện thì trở thành tâm hành. Thức không ngoài những tâm hành này. Như vậy, thức chính là tâm hành, tâm hành chính là thức. Bốn lĩnh vực quán niệm bao gồm năm uẩn. Cũng như tất cả các giọt nước trong dòng sông là dòng sông, tất cả các tâm hành chính là thức. Hiểu được như vậy, ta sẽ không đòi hỏi thức ngoài các tâm hành. Đây là một cách phân tích mới để chúng ta thấy và phối hợp giữa năm uẩn với bốn lĩnh vực quán niệm và mười sáu bài tập quán niệm hơi thở.
Bài tập thứ chín, tâm giác:
Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.
Tâm ở đây là tâm hành. Tôi đang thở vào và ý thức tâm hành đang có mặt trong tôi. Bài tập thứ chín khác gì với bài tập thứ bảy? Điểm khác nhau là: Ở bài tập thứ bảy, tâm hành chỉ là thọ, còn ở bài tập thứ chín thì tâm hành có thể là bất cứ tâm hành nào: giận, buồn, thất vọng, hối hận, ganh tị,… Như vậy, dòng sông thứ ba là dòng sông tâm hành, những đợt sóng tâm hành nhấp nhô, cái nào biểu hiện thì ta nhận diện được sự có mặt của cái đó và ôm lấy nó. Thở vào, ta ý thức được tâm hành đang có mặt trong ta. Thở ra, ta ý thức được tâm hành đang có mặt trong ta.
Bài tập thứ mười, tâm hành duyệt:
Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thởra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.
Trong bài tập này, ta làm sao để tâm hành đang có trong ta trở nên thư thái, vui tươi. Làm thế nào để những tâm hành tốt được biểu hiện từ trong tàng thức của ta? Ta vẽ một vòng tròn, chia làm hai thì phần dưới là tàng thức (store consciousness), phần trên là ý thức (mind consciousness).
Tàng thức là chỗ chứa đựng những hạt giống. Những hạt giống này mỗi khi biểu hiện sẽ trở thành một tâm hành, và khi đó, ta phải ý thức được sự có mặt của tâm hành ấy. Đó là sự thực tập của bài tập thứ chín. Bài tập thứ mười là làm thế nào để ý thức biểu hiện ra những tâm hành tốt, gọi là tâm duyệt. Duyệt có nghĩa là hạnh phúc, hân hoan, vui vẻ. Bài tập này có công năng đánh thức những hạt giống tốt để chúng biểu hiện. Ta có những hạt giống của hạnh phúc, yêu thương và tha thứ, đã được ông bà, cha mẹ, thầy tổ trao truyền, vì vậy mỗi ngày ta cần làm cho chúng lớn lên. Trong bài tập thứ mười, ta thực tập chạm vào những hạt giống tốt để chúng biểu hiện thành một tâm hành. Thay vì để cho những tâm hành buồn chán biểu hiện và chiếm cứ, ta mời những tâm hành tốt này biểu hiện để đem lại hạnh phúc. Ví dụ, mỗi khi mặc chiếc áo nhật bình, ta nhớ ta là một sư chú, ta thấy rằng cuộc đời của một sư chú rất đẹp, rất hạnh phúc và có thể mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người, thì tự nhiên bồ đề tâm của ta được chạm tới, được tưới tẩm, và một tâm hành hỷ duyệt được phát sinh. Hoặc khi ta sờ lên đầu, khi ta đọc kinh,… ta biết ta là một người xuất gia, ta có rất nhiều cơ hội như vậy để chạm tới những hạt giống tốt trong người mình, như hạt giống bồ đề tâm, hạt giống thương yêu, hạt giống hạnh phúc. Tự nhiên một, hai tâm hành tốt được biểu hiện lên trên mặt ý thức và ta có tâm duyệt. Đây là sự thực tập mỗi ngày của ta. Ta phải làm cho những đóa hoa đó bừng nở nhiều lần mỗi ngày. Khi đóa hoa hạnh phúc bừng nở trong tâm rồi thì đôi mắt ta, gương mặt ta cũng bừng nở như đóa hoa, hai bàn tay ta cũng bừng nở như đóa hoa, bước chân ta đi cũng tự nhiên rất an vui…
Hôm qua, trong giờ pháp đàm, thầy nhắc ở Sơn Cốc có một cây hoa trà, năm nay cây hoa trà nở một lần mười hai bông rất đẹp. Rất mầu nhiệm. Thầy trồng cây hoa trà đó ba năm về trước. Năm đầu, nó chỉ nở một, hai bông rồi tàn rất nhanh vì chưa cắm rễ sâu xuống đất, vì chưa quen với đất. Năm thứ hai, nó có mấy chục cái nụ nhưng chỉ nở ba, bốn bông rồi héo. Năm nay thì nó vững mạnh hơn, cho một lần mười hai bông và còn rất nhiều nụ khác chưa nở. Thầy thấy cây hoa trà đó cũng giống như một số sư chú, sư cô: năm đầu chưa cắm rễ, chưa cho hoa nhiều; năm thứ hai thì khá hơn nhưng cũng chưa cho hoa nhiều và sang năm thứ ba thì bắt đầu vững mạnh, đã làm quen được với phong thổ và cho hoa rất đẹp. Nếu các sư chú, sư cô tu tập cho đàng hoàng thì hoa sẽ nở, nở cả bốn mùa chứ không phải chỉ mùa xuân. Ta nhìn thấy có những sư cô, sư chú nở hoa mỗi ngày, tháng Giêng cũng nở, tháng Hai, tháng Ba cũng nở và làm cho rất nhiều người hạnh phúc, vì trong tâm các vị ấy có niềm tin, có sự tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ, có hạnh phúc, có giải thoát. Mỗi khi nghĩ đến tương lai, ta thấy có niềm tin; nghĩ đến đạo pháp, ta thấy có nơi nương tựa; nghĩ đến tăng thân, ta thấy hoan hỷ. Vì vậy, tâm duyệt biểu hiện ngày một nhiều lên, nên khi đi đứng, nói cười, làm việc thì sư chú, sư cô nở hoa cho mọi người và cho chính mình.
Thực ra, mỗi người ai cũng nở hoa: có người thì nở hoa nhiều, có người chỉ nở một, hai bông hoa. Nhưng không phải vì ta chỉ nở một, hai bông hoa mà nghĩ rằng mình thua người khác. Điều ta cần làm là phải cắm rễ sâu hơn, phải quen với phong thổ, rồi một ngày kia ta sẽ hấp thụ hết những chất bổ dưỡng trong đất, và ta sẽ có hàng trăm đóa hoa nở cho đời, cho tăng thân, cho xã hội, cho tương lai, đất nước. Do đó, bổn phận của các sư cô, sư chú, của các thiền sinh là nở hoa cho đời. Đó là sự thực tập tâm duyệt – bài tập thứ mười. Đối với những cây hoa trà chưa chịu nở hoa thì ta phải kiên nhẫn, phải chăm sóc thêm chứ đừng trách móc, giận hờn. Nó chưa nở hoa là vì nó chưa cắm rễ sâu được. Nó chưa nở hoa là vì chưa đến lúc mà thôi. Chính cây hoa trà đó cũng phải tự nuôi dưỡng, phải tự thực tập. Mảnh đất nuôi cây hoa trà đó cũng phải cố gắng đem lại chất bổ dưỡng, ôm ấp cây để cây có sức mạnh và bắt đầu nở hoa.
Học tới đây, ta thấy được ý nghĩa của Tứ chánh cần, tức là bốn phương diện của sự tinh tấn. Tinh tấn là một trong sáu phép Ba la mật. Tứ chánh cần là đối tượng của bài tập thứ mười. Chánh cần là sự siêng năng chân chính. Hai sự siêng năng đầu là: hạt giống xấu chưa phát sinh thì đừng để nó phát sinh và hạt giống xấu phát sinh rồi thì làm sao để nó trở về trạng thái hạt giống ban đầu càng sớm càng tốt. Ví dụ khi ta nghe một bài nhạc đứt ruột hay xem một bộ phim có chất liệu bạo động, căm thù, thèm khát là ta đang tạo điều kiện cho hạt giống xấu biểu hiện. Ngược lại, nếu ta không xem những bộ phim đó là ta đang giữ gìn cho chánh cần thứ nhất.
Làm thế nào giữ cho chánh cần thứ hai? Đó là khi ta được truyền giới, truyền uy nghi, được trao truyền các phương pháp thiền hành, thiền tọa, tụng kinh,… Chính những phương pháp này giúp cho những hạt giống xấu đã phát sinh trở về lại trạng thái tiềm ẩn. Ta không đàn áp mà dùng phương pháp “thay chốt”, nghĩa là thấy hạt giống xấu biểu hiện thì ta nắm lấy hơi thở và mời một hạt giống tốt đi lên, nhờ đó, hạt giống xấu sẽ đi xuống trở lại; hoặc ta đọc một câu kinh, một lời nhắn nhủ của thầy, của Bụt thì tự nhiên hạt giống xấu sẽ đi xuống.
Chánh cần thứ ba là hạt giống tốt chưa biểu hiện thì làm cho nó biểu hiện. Một ngày ra vườn ta thấy một cây hoa mới mọc lên: buổi sáng lên một loại, buổi chiều lên một loại mới nữa, khu vườn liên tục tuôn dậy những hạt giống tốt vào đầu mùa xuân. (Vì vậy, ở phương Tây, mùa xuân được gọi là spring, nghĩa là tuôn dậy.) Ta phải làm thế nào để mỗi ngày những hạt giống tốt liên tục biểu hiện như hạt giống mùa xuân vậy. Ta phải thực tập rưới xuống những hạt mưa pháp, ta tụng kinh, ngồi thiền, tiếp xúc tăng thân,… để biểu hiện thật nhiều những hạt giống tốt.
Chánh cần thứ tư là: hạt giống tốt biểu hiện rồi thì cố gắng duy trì sự có mặt của nó, đừng để nó rơi xuống trạng thái chủng tử. Vì càng giữ nó lâu bên trên chừng nào thì bên dưới cái gốc của nó càng vững mạnh. Điều này rất đúng. Ví dụ khi ta trồng hoa tulip, nếu hoa tulip càng sống lâu, càng phát triển bên trên mặt đất chừng nào thì dưới đất củ của nó càng lớn chừng đó. Cũng vậy, nếu ta giữ tâm hành trên ý thức lâu chừng nào thì hạt giống bên dưới tàng thức càng lớn chừng đó, đến khi đủ lớn rồi thì nó biểu hiện rất dễ và không còn èo uột nữa. Đây là bốn nguyên tắc thực tập tinh tấn. Ta hiểu Tứ chánh cần qua bài tập thứ mười.
Bài tập thứ 11, tâm định:
Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.
Tâm hành đang có mặt trong ta, ta cần dùng chánh niệm ôm lấy nó và cần có mặt với nó một thời gian. Hễ có niệm là có định. Nếu ta tiếp tục ôm ấp tâm hành đó bằng chánh niệm thì ta có định. Dù là một tâm hành tích cực hay một tâm hành tiêu cực, nếu ta ôm lấy nó trong một thời gian dài thì ta sẽ hiểu được bản chất của nó, và khi nhìn thấu được bản chất của nó thì ta sẽ có tuệ. Định ở đây là sự bắt đầu của tuệ. Breathing in, I concentrate on the mental formation that is in me. Thở vào, tôi ôm ấp tâm hành của tôi với năng lượng niệm và định. Tôi không chạy trốn nó, tôi lấy nó làm đối tượng. Cũng như một nhà nghiên cứu chú ý đối tượng nghiên cứu của họ dưới kính hiển vi, hay một người học trò đang làm toán, dùng niệm, định để có mặt với bài toán. Nếu vừa làm toán, vừa coi ti vi thì không thể nào hiểu được bài toán, hoặc vừa nhai kẹo cao su (chewing-gum) vừa làm toán thì cũng không thể nào đủ niệm và định. Vì vậy, phải đặt mình trong trạng thái niệm và định để có thể nhìn thấu được bản chất của tâm hành, dù đó có thể là sự ghen ghét, hận thù, buồn khổ, cô đơn,… Chúng ta thường có khuynh hướng ngược lại là muốn trốn chạy khi thấy đó là tâm hành không dễ chịu, nhưng ở đây, ta nhất quyết ôm lấy tâm hành và có mặt với nó. Nó làm ta khổ, cho nên ta phải ôm lấy nó, phải ở với nó. Nếu không ôm lấy và nhìn vào tâm hành thì không có cách gì giải thoát ra khỏi nó.
Ở Việt Nam, có một thầy học nhiều, khá thông minh, cũng có người ái mộ, nhưng hình như cuộc đời của thầy ấy không có nhiều hạnh phúc. Vì kẹt vào một ý niệm mà thầy ấy không thể nào buông bỏ được. Thầy ấy nghĩ rằng mình là người giỏi nhất trong tất cả mọi người và không thể chịu đựng nổi ý niệm rằng có thể có người giỏi hơn. Ý niệm đó không phải là không có nguyên do. Tại vì khi làm chú tiểu, thầy ấy đã được mọi người khen ngợi là thông minh. Khi lên trung học thầy đậu thủ khoa và lớn lên lại là một trong những vị giảng sư xuất sắc. Thầy ấy cũng có một vài tài năng nào đó. Có một số người hâm mộ, khen thầy như một người giỏi nhất, và tất cả những điều đó đã làm hại thầy. Từ từ ý niệm “mình là người giỏi nhất” trở thành một chướng ngại. Thầy ấy không bao giờ chấp nhận có người giỏi hơn mình, và thầy đã khổ suốt đời. Bây giờ, dù đã trở thành một vị Hòa thượng mà thầy vẫn khổ, vẫn còn những ganh tị, bực bội. Chính ý niệm “mình giỏi hơn người” là nguồn gốc của mọi sự bực tức, nhưng thầy ấy không bỏ được. Đứng ngoài cuộc, ta thấy sao mà dễ quá, chỉ cần buông bỏ ý niệm đó, coi mình là một người bình thường như bất cứ người nào khác là ta có đủ hạnh phúc rồi. Nhưng việc này đối với thầy ấy lại rất khó. Thầy ấy chưa bao giờ có can đảm ôm ấp cái ý niệm kia để hiểu rằng nó là nguồn gốc nỗi đau khổ của đời mình. Trong chúng xuất sĩ, có những sư cô, sư chú không bị kẹt vào điều đó. Ta thấy ta là một sư cô trong những sư cô khác, là một sư chú trong các sư chú khác, không cho ta là đặc biệt nên rất dễ có hạnh phúc. Như vậy, tâm định có nghĩa là sự thực tập ôm lấy tâm hành của ta để có thể quán chiếu sâu, khi thấy được đó là nguồn gốc khổ đau của ta thì ta có thể buông bỏ được, và khi đã buông bỏ thì ta được giải thoát. Đó gọi là tâm giải thoát.
Bài tập thứ 12, tâm giải thoát:
Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.
Tâm hành của ta là một sợi dây ràng buộc. Sợi dây đó có thể là sự thèm khát, hận thù, nghi ngờ, ngã mạn. Tham, sân, si, mạn, nghi là những sợi dây cột đời ta, cột thân tâm ta và làm cho đời ta không có hạnh phúc. Khi ôm ấp được nó, ta quán chiếu và mở nó ra từ từ thì ta có hạnh phúc. Đó gọi là tâm giải thoát. Thở vào, tôi cởi trói cho tâm hành của tôi. Tôi cởi trói cho tôi bằng cách tháo tâm hành này ra. Tâm hành này có thể là những phiền não. Ta phải gọi cho đúng tên những tâm hành. Vì vậy, việc học thuộc tên những tâm hành rất quan trọng: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, phẫn, hận, phú, não, hôn trầm, thất niệm, phóng dật, bất chánh tri,… Ta đều có những tâm hành đó trong tàng thức và ta cứ để chúng vươn dài ra như những sợi dây quấn chặt lấy ta, làm ta đau khổ. Ta phải nhận diện chúng bằng bài tập thứ chín, thứ mười, thứ mười một và mười hai.
Bốn bài tập này rất quan trọng. Không phải học thuộc bốn câu kinh đó là ta thực tập được mà ta cần học thêm nữa. Sự thực tập này giống như việc khám phá một khu rừng rất lớn. Ta có 49 tâm hành. Ta phải biết bản chất của mỗi tâm hành như thế nào để khi một trong số chúng biểu hiện thì ta nhận diện ra nó, gọi đúng tên nó và tìm được nguyên do nào đã tạo ra nó. Chúng ta phải thực tập, trình bày những kinh nghiệm của ta và chỉ dẫn tường tận cho những người đi sau: “Trong trường hợp này phải thực tập như thế này, trong trường hợp kia phải thực tập như thế kia…” Mười sáu bài tập này là một sự phát quang để chúng ta thấy đường. Rất hay, rất mầu nhiệm. “Thở vào, tôi có ý thức về tâm hành đang có mặt trong tôi”. Chỉ là nhận diện đơn thuần: “Anh, tên là… thèm khát. Tôi biết anh! Chào anh!”, ta đừng để nó đi qua đi về mà không nhận diện được nó. Điều này rất quan trọng.
Bài tập thứ mười là tâm duyệt, là làm thế nào để những hạt giống hạnh phúc biểu hiện mỗi ngày. Ta cần phải nương vào tăng thân, nương vào kinh điển, nương vào pháp thoại, nương vào sự thực tập, vào bước chân, hơi thở,… để giúp cho những tâm hành thiện, niềm vui, hạt giống tốt biểu hiện mỗi ngày.
Bài tập thứ mười một là tâm định. Khi nhận diện được tâm hành đó rồi thì đừng vội để cho nó đi, ta hãy ngồi với nó, ôm ấp và quán chiếu nó. “Thở vào, tôi ôm ấp một cách thân thiết, vững chãi và sâu sắc tâm hành đang có mặt trong tôi.” Và cố nhiên có định thì có giải thoát. “Thở vào, tôi đang cởi trói cho tâm hành của tôi.” Breathing in, I am liberating myself from this mental formation. Breathing out, I am transforming this mental formation in order to liberate myself. Đây đâu phải là chuyện mơ tưởng trên trời dưới đất, cũng không phải là chuyện cầu nguyện mà là chuyện công phu, thực tập.
Bây giờ chúng ta đi sang bốn bài tập cuối cùng là pháp, thuộc uẩn thứ ba là tưởng. Tức là chúng ta cần đập phá những vọng tưởng. Đây là lần đầu thầy trình bày bốn bài tập thứ ba (bài tập thứ chín, mười, mười một và mười hai) dưới khía cạnh của tưởng. Bốn bài tập thứ tư (bài tập thứ mười ba, mười bốn, mười lăm, và mười sáu) được xem như đối tượng của tưởng.
D. QUÁN PHÁP TRONG PHÁP: Bốn bài tập cuối
Bài tập thứ 13, vô thường quán:
Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
Chúng ta có một khối u mê trong tâm khi nghĩ rằng sự vật là thường, thân tâm ta là thường. Chúng ta cứ tưởng rằng mình sẽ có mặt trên đời này hàng triệu năm và sẽ ở đây vĩnh viễn. Dù chúng ta có học, có nghe Bụt dạy, nghe thầy nhắc đi nhắc lại, có đọc kinh hay có đủ thông minh để biết cái thân này tồn tại nhiều lắm là chín mươi, một trăm năm thôi; thì tất cả đều chỉ là cái biết, cái công nhận trên bề mặt. Còn trong chiều sâu, vẫn có một điều gì đó âm thầm, khiến ta tin rằng mình sẽ sống đời đời, bất diệt. Ta nghĩ rằng người đó bị đụng xe, người đó bị ung thư, người đó chết là chuyện chỉ xảy ra cho người đó thôi, còn ta thì không như thế. Cái thấy của ta về vô thường rất cạn. Ta chỉ thấy được về phương diện khái niệm, lý thuyết, chứ chưa chứng nhập được lý vô thường. Do đó, ta hành xử giống như ta thường, người bạn ta cũng thường, sư anh, sư chị, sư em ta cũng thường, Làng Mai cũng thường, thầy cũng thường. Nhưng sự thật thì không như vậy. Sự thật thì như sấm, như chớp, như điện, như mưa, như mây.
Vì thế, vô thường phải là một định, một phép quán. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi miếng cơm đều phải đặt dưới ánh sáng của vô thường, gọi là vô thường quán. Tuy nhiên, vô thường không có nghĩa là bi quan, yếm thế mà là sự thật. Chúng ta phải hiểu cho rộng, vô thường cũng là vô ngã, và vô thường rất cần thiết cho sự sống. Nếu sự vật không vô thường thì sự sống không thể nào có được. Ví dụ, ta gieo hạt hướng dương xuống đất mà không có vô thường thì hạt hướng dương vẫn là hạt hướng dương chứ không thành cây hướng dương được. Phải có vô thường thì hạt hướng dương mới nứt mầm thành cây hướng dương; cây hướng dương vô thường thì mới có bông hướng dương; và bông hướng dương phải già, phải tàn thì mới có hạt hướng dương.
Nói rằng “tôi không thích vô thường” tức là nói “tôi không thích sự sống”. Đừng nói vô thường là tiêu cực, là yếm thế. Vô thường là căn bản của sự sống. Vô thường cũng có nghĩa là vô ngã, vì vô thường là nói về phương diện thời gian, còn về phương diện không gian thì nó là vô ngã. Vô ngã nghĩa là không có cái gì có thể tiếp tục là nó trong hai giây liên tiếp. Ta thở vào một hơi, thở ra một hơi là ta đã khác trước rồi. Trong khi ta thở vào, ta đã đưa bao nhiêu là yếu tố khác vào trong người – những hạt thán khí, dưỡng khí mà sư anh, sư chị thở ra thì ta thở vào trong người, và những gì ta thở ra thì người khác sẽ thở vào. Đó là nói về phương diện hơi thở. Về phương diện khác cũng vậy. Chúng ta tương tức với nhau, trao đổi với nhau. Chúng ta trao đổi với vũ trụ từng phút từng giây. Không có cái gì tiếp tục là nó trong hai giây liên tục. Vì vậy, vô thường cũng có nghĩa là vô ngã, không có cái gì cố định, cái này được làm bằng cái kia. Vô thường và vô ngã là hai khía cạnh của sự sống. Thấy được vô thường, vô ngã là thấy được tương tức, thấy được Không. Nếu sau này ta có tuệ giác, có giải thoát, có an lạc, là vì ta quán chiếu được vô thường. Ngược lại, vì không biết vô thường nên ta mới u mê, tham đắm, giận hờn. Cũng như bài thi kệ Giận:
Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Tôi đâu và em đâu?
Ta giận và không muốn nhìn mặt người kia nên ta muốn trừng phạt người kia. Nhưng ta hãy làm theo bài kệ này, ta nhắm mắt lại, thở và quán chiếu:Ba trăm năm nữa, ta ở đâu và người kia ở đâu. Lúc đó ta sẽ thấy tịch mịch quá. Khi mở mắt ra, ta thấy cái giận của ta rất u mê và ta muốn mở rộng vòng tay để ôm lấy người kia, vì sự có mặt của người kia rất quý giá trong giây phút hiện tại. Cái giận của ta có thể tan biến lập tức nhờ quán chiếu về vô thường. Ta không biết ngày mai còn có thể bên nhau nữa không, cho nên những gì ta làm được hôm nay để người kia có hạnh phúc thì ta hãy làm hôm nay.
Có câu chuyện về hai thầy trò kia sống với nhau trong một ngôi chùa. Một ngày, người đệ tử hỏi: “Thầy ơi, sao mình không đi picnic lên ngọn đồi đó cho vui? Làm sao để thầy trò mình có thời giờ đi picnic với nhau?”. Ông thầy nói: “Được chứ, đi picnic vui lắm!”. Nhưng rốt cuộc, một tháng, hai tháng, đến sáu tháng, mấy năm sau họ vẫn chưa đi picnic được. Người đệ tử thất vọng, nhủ rằng: “Thầy mình bận rộn quá, cứ telephone xong rồi đến fax, rồi đủ thứ hết…”. Một ngày nọ, hai thầy trò có việc gấp cần đi ra phố thì gặp rất đông người nên xe không thể di chuyển được. Ông thầy mới hỏi: “Này con, có chuyện gì xảy ra, sao không đi tới, sao mà đông người vậy?” Người học trò mới nhìn thầy và nói: “Dạ… dạ… bạch Thầy, họ đang đi picnic!” Đó là vì có những người suốt đời quá bận rộn nên đến bây giờ, chờ đến chết, họ mới được đi picnic bằng một đám ma.
Ông thầy đó quá bận rộn đến nỗi suốt mấy năm trời hai thầy trò không đi picnic với nhau được. Thầy đó cứ tưởng mình sẽ sống đời đời và đứa học trò cũng vậy. Có thể một ngày nào đó hai thầy trò cũng sẽ đi picnic với nhau theo kiểu đưa tang này. Cho nên, các vị sa di ni ở xóm Mới, thứ Hai nào cũng đi picnic thì thầy thấy khôn lắm! Đừng đợi đến ngày đó mới đi picnic, nên mỗi tuần hoặc nếu được thì mỗi ngày, mỗi giờ đều đi picnic để có hạnh phúc. Thành ra, những gì ta có thể làm được cho ta hoặc cho người ta thương thì phải làm ngay hôm nay. Đó là tuệ giác vô thường. Tuệ giác đó cho ta năng lượng tu tập tinh chuyên, khả năng buông bỏ, không cố chấp. Buông bỏ được thì trong người nhẹ nhàng, giải thoát. Tuệ giác vô thường cho ta hy vọng vì không có gì là cố định, dù là bệnh cũng vậy, bệnh cũng có thể chuyển biến tốt lên. Tuệ giác vô thường rất quan trọng. Tuệ giác vô thường đưa đến tuệ giác vô ngã, tuệ giác vô ngã đưa tới tuệ giác tương tức. Tất cả các tuệ giác đó cho phép ta đi vào thế giới Hoa nghiêm để ta sống trong ánh sáng, trong thế giới không sinh và không diệt. Đó là giải thoát.
Bài tập thứ 14, vô dục quán:
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
Khi đi câu cá, ta liệng xuống sông một miếng mồi có lưỡi câu bên trong. Ta hy vọng đánh lừa được con cá. Con cá tham ăn nên khi thấy mồi thì đớp ngay. Nhưng miếng mồi này là giả. Con người rất khôn ngoan, không cần đi đào đất để lấy giun hay bắt cào cào làm mồi mà chế tạo ra miếng mồi làm bằng nhựa. Khi miếng mồi bằng nhựa được móc vào lưỡi câu và ném xuống nước, con cá tưởng là con cào cào thật nên đớp lấy. Nếu con cá biết quán vô dục, nó sẽ nhận ra rằng có những tai ương, hoạn nạn đang nằm trong miếng mồi, nó sẽ thấy được tính cách không đáng tham cầu, không đáng chạy theo của đối tượng. Ở đây không nói về tâm của ta mà đang nói về cảnh. Chúng ta nên biết rằng đối tượng của bốn bài tập này là tưởng. Tưởng tức là tri giác. Cây bút, cái bảng, cái cây,… là đối tượng của tri giác, chúng là sự vật, là pháp. Các pháp vô thường. Có những miếng mồi tương tự miếng mồi bằng nhựa kia, chúng cũng là một pháp và ta đang chạy theo nó. Do ta u mê nên mới nghĩ rằng miếng mồi đó là đối tượng tham cầu của ta. Ta phải quán chiếu tính cách không đáng tham cầu của nó. Ta phải nhìn cho kỹ để thấy rằng nó không đáng cho ta chạy theo. Đó gọi là tính cách không đáng tham cầu của pháp, gọi là vô dục tưởng. Phải hiểu như vậy thì mới đúng nghĩa của kinh. Bụt dạy có năm loại đối tượng của dục là tài, sắc, danh, thực và thụy. Chúng ta đau đớn, ngất ngư sau khi nuốt vào năm loại dục lạc và lúc đó mới thấy được tính cách không đáng tham cầu của chúng. Trong kinh đưa ra nhiều ví dụ về dục: dục như một bó đuốc rơm cầm ngược gió, nó đốt cháy tay ta; dục như một khúc xương trần không còn dính chút thịt nào, con chó gặm cả ngày cả đêm cũng không đỡ đói… Chúng ta khổ vì chạy theo dục. Sau khi quán vô thường, chúng ta quán vô dục, tức là nhìn thẳng vào nội dung của đối tượng tham cầu để biết rằng trong đó có một lưỡi câu, có những hoạn nạn, khổ đau.
Đức Thế Tôn kể rằng: “Có một người khát nước, đi vào ngôi nhà nọ thấy có một bình nước màu hồng, rất thơm, rất ngọt. Một người đứng gần đó nói anh đừng uống nước này, uống vào thì sẽ mệt ngất ngư, sẽ chết. Anh làm như tôi đi, ngậm tạm một vài trái cây chua này để qua được cơn khát. Nhưng người đó khát quá chịu không nổi nên cứ lấy nước uống. Sau khi uống vào, người đó ngất ngư gần chết.” Cũng như vậy, chúng ta đều là những người khát nước. Có khi chúng ta nói liều chết thì chết, cứ uống cho đỡ khát trước đã. Nhưng sau khi uống vào rồi thì không những không đỡ khát mà còn khiến cho chúng ta ngất ngư thêm. Đó là tính chất hoạn nạn của dục.
Do đó, chúng ta phải tự nhắc nhở mình, phải tự quán chiếu bằng những lời kinh, những lời cảnh tỉnh của tăng thân. Nếu sống riêng một mình, không có Bụt, không có Pháp, không có tăng thân, thì chúng ta sẽ rất dễ đánh mất mình trên con đường chạy theo ngũ dục. Chúng ta cứ thử hỏi những người đã từng chạy theo ngũ dục, đã từng đau đớn ngất ngư. Ta mời họ tới nói chuyện và trong khi nghe ta có thể quán chiếu. Anh chưa bước vào thì anh rất hăng hái, nhưng người đã trải qua rồi thì người ta biết và sẽ kể cho anh nghe. Tăng thân ta cũng nên mời những người như vậy chia sẻ. Có những thiền sinh về Làng, họ đã từng rất đau khổ. Chỉ cần nghe những đau khổ và quá trình tìm kiếm hạnh phúc của họ là ta có cơ hội để quán chiếu và hú hồn nhận ra là mình chưa giẫm chân, chưa nhảy vào trong đó.
Bài tập thứ 15, tịch diệt quán:
Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
Không sinh không diệt tức là Niết bàn. Ở đây, ta đi tới một bước quán chiếu rất sâu. Nếu đã quán chiếu về vô thường và vô dục thì quán chiếu về diệt rất dễ. Diệt ở đây không phải là tiêu diệt mà là sự vắng lặng của sinh và của diệt. Ban đầu, ta thấy sự vật có sinh và có diệt; có bắt đầu và có kết thúc; có có và có không. Nhưng nhờ quán chiếu về vô thường và vô ngã mà lần lần ta khám phá ra được bản môn, tức là thế giới của không sinh và không diệt. Ví dụ, khi ngắm một chiếc lá, ban đầu ta thấy chiếc lá có sinh có diệt, có có có không, nhưng nếu quán chiếu về vô thường, vô ngã và tương tức thì ta bắt đầu tiếp xúc được với tính không sinh không diệt của chiếc lá, và thấy chiếc lá cũng như đức Thế Tôn: không sinh không diệt, không có không không. Ta cũng vậy, ta cũng tham dự vào thế giới của Hoa nghiêm – đây là phần thưởng lớn nhất cho người tu – vượt qua được thế giới sinh diệt mà tham dự vào thế giới không sinh không diệt.
Sinh diệt cuối cùng cũng chỉ là ý niệm về sinh và về diệt mà thôi. Tâm kinh đã dạy điều này: không sinh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt. Tâm kinh là một trong những tiếng vang có thể giúp chúng ta vượt thoát những ý niệm về có – không, còn – mất, một – nhiều để tiếp xúc với bản môn, không có không không, không còn không mất, không một không khác. Đây là Niết bàn, là mục tiêu tối thượng của sự thực tập. Khi ta nói cửa vô sinh mở rồi tức là cửa ngõ của Niết bàn đã mở rồi. Vô sinh tức là vô diệt. Vô sinh vô diệt cũng có nghĩa là vô khứ vô lai, vô nhất vô dị, vô hữu vô vô. Cửa của bản môn đã mở rồi, ta chỉ cần bước vào trạm nhiên và bất động. Như vậy, bài tập thứ mười lăm giúp chúng ta bước vào thế giới của bản môn, của Niết bàn và khi bước vào rồi thì ta thoát được sinh tử. Thành ra, thực tập kinh Quán niệm hơi thở đưa chúng ta đi rất xa. Đừng tưởng “thở ra thở vào” là bình thường, sự thật không phải như vậy, ta cần phải học những điều cao siêu, mầu nhiệm hơn.
Bài tập thứ 16, xả ly quán:
Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.
Buông bỏ, tiếng Hán Việt là xả ly(letting go, release), thầy Tăng Hội gọi là phóng khí. Buông bỏ là hành động của bậc anh hùng. Không buông bỏ được thì ta không giải thoát được. Chúng ta buông bỏ ý niệm về sinh – diệt, về có – không và bất cứ ý niệm nào đang làm ta khổ. Buông bỏ được thì ta hết khổ. Ví dụ về chuyện vị thầy luôn nghĩ mình là “số một”, nếu thầy ấy buông bỏ được ý niệm đó thì có hạnh phúc ngay lập tức. Khi có một cái nghi, chúng ta buông bỏ cái nghi đó thì ta liền có ngay hạnh phúc. Chúng ta có ý niệm “thân này là ta”, rồi kẹt vào ý niệm này khiến ta sợ hãi khi cái chết cận kề, nếu buông bỏ được ý niệm này thì chúng ta không còn sợ chết nữa. Chúng ta có ý niệm rằng khoảng thời gian bảy mươi năm là mạng sống của ta, nếu buông bỏ ý niệm đó thì ta trở thành bất diệt ngay lập tức. Ta có ý niệm “ta có một cái ta riêng biệt, hạnh phúc của ta không phải là hạnh phúc của người khác và hạnh phúc của người khác không phải là hạnh phúc của ta”, nếu buông bỏ ý niệm đó là ta sẽ có hạnh phúc ngay. Buông bỏ ý niệm về ngã, về nhân, về chúng sinh, về thọ giả (phương pháp của kinh Kim cương) là buông bỏ tất cả rồi. Vì vậy, nếu buông bỏ được ý niệm mà ta đang kẹt vào thì ta liền có ngay hạnh phúc, dù là ý niệm về sự thành công hay ý niệm về hạnh phúc.
Chúng ta thử nhìn lại tâm mình xem bản thân có ý niệm gì về hạnh phúc? Có phải ta muốn đạt được như thế này, thành công thế kia mới thấy hạnh phúc; phải đậu được cái bằng này mới hạnh phúc; phải cưới được người kia mới có hạnh phúc… Ta sẽ chết vì những ý niệm như vậy. Cho nên, ta phải lấy “ý niệm về hạnh phúc” của mình ra để xem, ôm lấy nó, nhìn sâu vào nó và biết rằng hễ buông bỏ được ý niệm đó là ta sẽ có hạnh phúc.
Thầy Tăng Hội nói tới hai tướng phải buông bỏ để được giải thoát hoàn toàn là xu mạng. Xu là thân (thân này là tôi), mạng là thọ mạng (của tôi). Hai tướng này nằm trong bốn tướng của kinh Kim cương. Thứ nhất gọi là thân kiến (this body is me), trong chúng ta có nhiều người bị kẹt vào ý niệm: “thân này là tôi”. Cũng như chiếc lá, nó nói thân này là tôi mà không biết rằng nó cũng đang có mặt trong cây. Có thể ta thấy chiếc lá đẹp, ta ép nó vào trong quyển sách, nhưng quyển sách cũng sẽ tàn hoại, chiếc lá cũng sẽ tàn hoại và trở về với cây. Thân kiến là cái thấy còn kẹt vào ý niệm “thân này là tôi”. Chỉ khi nào bỏ được ý niệm “thân này là tôi” thì ta mới không còn sợ hãi. Ý niệm cho rằng, giai đoạn sinh mệnh này là của tôi (sinh ra từ năm…, chết vào năm…) là ý niệm về thọ mạng. Ta không thấy được ta trước khi sinh và sau khi chết. Đó là vô minh. Cho nên ta phải buông bỏ ý niệm thọ mạng.
Bài tập thứ mười sáu là buông bỏ những ý niệm, một sự thực tập rất hùng tráng. Buông bỏ thì lập tức có hạnh phúc, có bình an, lập tức trở thành bất tử.
(Sư Ông cầm một chiếc lá đưa lên) Chiếc lá này rất đẹp. Đây là bộ xương của chiếc lá (gân lá). Không biết là chiếc lá thấy bộ xương của mình thì có sợ không, còn chúng ta thì thấy chiếc xương lá đẹp quá nên mới ép nó vào trong sách. Thế nhưng khi nhìn thấy bộ xương của mình thì ta sợ hãi. Thật ra bộ xương người cũng có thể đẹp. Ta phải quán chiếu và phải thấy được bộ xương của ta cũng như bộ xương của chiếc lá, tại sao ta lại sợ quá vậy?
Thầy đề nghị các sư anh, sư chị tìm mua một bộ xương có đủ xương sườn, đầu lâu, xương chân… để treo trong thiền đường. Mỗi khi đi vào thiền đường ta hãy nói: “Hello, bộ xương của tôi ơi.” Ta tập làm sao để thấy bộ xương với con mắt bình thản, vui vẻ như khi ta nhìn xương chiếc lá. Bộ xương đẹp vậy mà tại sao ta kỳ thị? Tại sao ta không thể nhìn bộ xương của mình như nhìn chiếc xương lá? Ta cứ treo bộ xương trong thiền đường, rồi sau đó treo trong phòng ngủ để nửa đêm thức dậy ta nhìn cho quen. U mê của ta rất nhiều, ta mang bộ xương của mình suốt ngày suốt đêm mà không sợ, tại sao lại sợ một bộ xương bên ngoài. Có phải là vô minh hay không? Cho nên, đứng trước thực tại, ta phải giáo dục mình, phải thực tập để thấy khối u mê của mình. Ta phải nhìn bộ xương của ta, ở hiện tại hay tương lai, bằng con mắt bình thản như đang nhìn một chiếc lá. Chiếc lá khi rụng rất ngoạn mục, nó vừa múa vừa rơi. Đời ta cũng vậy, giờ phút ta đổi xác thân để tiếp tục dưới một hình thức khác, ta cũng phải múa lượn như vậy. Ta phải thấy rằng bộ xương ta cũng đẹp, không có gì đáng ghê tởm.
Có bản kinh được thầy dịch từ Hán tạng, quý vị có thể tham cứu và đối chiếu với bản dịch trong kinh Tạp A hàm của Đại tạng kinh Việt Nam.
Thứ tự mười sáu bài tập hơi khác trong bản dịch chữ Hán, bài tập quán chiếu buông bỏ là thứ mười bốn, và bài tập quán chiếu tịch diệt là cuối cùng. Thầy thấy rằng thứ tự trong bản chữ Hán như vậy thì đúng và hợp lý hơn. Cho nên, mỗi vị nên có một bản dịch từ Hán tạng để so sánh với bản dịch từ tiếng Pāḷi chúng ta đang học đây.
Phép Quán niệm hơi thở, theo những chỉ dẫn trên, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem đến những thành quả và lợi lạc lớn.
Chúng ta chú ý tới mệnh đề phát triển và thực tập liên tục. Liên tục có nghĩa là không bị đứt đoạn. Thực tập liên tục thì chúng ta sẽ đạt đến những thành quả và lợi lạc lớn, ở đây nói về phép thực tập Bốn lĩnh vực quán niệm là thân, thọ, tâm, pháp và Bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi).
Phát triển và thực tập liên tục như thế nào để phép Quán niệm hơi thở có thể thành tựu được Bốn lĩnh vực quán niệm?
Khi ta thực tập hơi thở có chánh niệm thì ta có thể đi sâu vào thực tập Bốn lĩnh vực quán niệm.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn mà có ý thức về hơi thở và về toàn thân mình, hoặc có ý thức là đang làm cho toàn thân mình an tịnh, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán thân trong thân.
Mệnh đề quán thân trong thân là một mệnh đề rất đặc biệt (the contemplation of the body in the body). Quán thân trong thân nghĩa là khi quán về thân thể thì ta không đứng ngoài thân như một quan sát viên độc lập, mà ta phải đi vào thân và trở thành một với thân, ta phải trở thành kẻ tham dự (the participant, not the observer). Nếu người quan sát thấy mình không cùng bản chất, không cùng một nền tảng với đối tượng quán niệm, thì lúc đó vẫn còn sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, vì vậy không nhìn sâu được.
Trong văn học Ấn Độ, người ta thường nói đến câu chuyện về một hạt muối đứng trên bờ biển và suy nghĩ, muốn biết nước biển mặn đến mức độ nào. Có một người nói với nó rằng: “Nếu ngươi muốn biết nước biển mặn đến mức nào thì ngươi phải nhảy xuống biển”. Khi đó, hạt muối nhảy xuống biển và cái biết về độ mặn của biển trở nên tuyệt hảo. Nếu chúng ta chỉ suy tính, hay tưởng tượng thì không thể nào biết được. Chúng ta có thuật ngữ “thể nhập”, tức là đi vào (penetration). Ví dụ nếu ta muốn hiểu sư em của ta mà ta cứ đứng ở vị trí sư anh để quan sát thì không thể nào hiểu được. Ta phải tham dự vào, phải là một với sư em, phải đặt mình vào hoàn cảnh của sư em thì ta mới hiểu được những khó khăn, những ước vọng, hạnh phúc, khổ đau của sư em. Do đó, cách duy nhất để hiểu sư em là “trở thành” sư em. Đó gọi là “quán chiếu sư em trong sư em”.
Một ví dụ khác, có một người thanh niên đi kiếm việc làm để nuôi gia đình của mình. Khi biết có ông chủ kia muốn mướn thư ký thì người thanh niên mới đến trình diện. Khi gặp mặt, ông chủ nhìn người thanh niên này từ đầu tới chân xem có thể dùng được hay không. Người thanh niên đó sợ lắm, sợ ông nói không. Thông thường, khi người ta nhìn mình thì hay nhìn như một đối tượng, một vật bên ngoài, và ít khi có thể đặt họ vào trong xương thịt, tâm tư của mình để hiểu. Giống như ông chủ kia, nếu ông có khả năng quán thân trong thân, quán đối tượng trong đối tượng để có thể trở thành một với chàng thanh niên, có thể thấy được tất cả những phập phồng lo sợ, những ước vọng của anh, thì ông mới hiểu thấu được người thanh niên đó. Trong hành xử hằng ngày cũng vậy, ta phải làm thế nào để thể nhập với đối tượng mà ta tiếp xúc thì mới có thể hiểu được người sư chị, sư anh của mình.
Hồi những năm 1969-1970, thầy thường giúp Phái đoàn Phật giáo Việt Nam dịch những hồ sơ cô nhi. Chiến tranh Việt Nam đã khiến cho không biết bao nhiêu là trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Do đó, Phái đoàn Phật giáo Việt Nam ở Paris trong khi làm công việc của mình thì cũng đi tìm những người bảo trợ cho các cô nhi. Lúc ấy, thầy trò làm việc với nhau và đã tìm được khoảng 10.000 ân nhân ở châu Âu bảo trợ cho khoảng 10.000 cô nhi Việt Nam. Mỗi cô nhi nhận được 25 quan Pháp mỗi tháng để có thể có cơm ăn và được đi học. Ở Việt Nam, ta không đưa các em vào cô nhi viện mà tìm một gia đình như cô, chú, dì cho các em ở và đưa số tiền trên cho gia đình để em được ăn cơm và đi học. Trường hợp như vậy gọi là cô nhi tại gia. Bên cạnh đó, các thầy và các sư cô, hoặc các tác viên xã hội, cứ ba tháng một lần đến xem cô nhi đó có được nuôi nấng, được đi học đàng hoàng không. Với 25 quan tiền, không chỉ giúp được cho các em bé mồ côi mà còn giúp luôn cho những em bé khác trong gia đình.
Lúc ấy, trong Phái đoàn Phật giáo Việt Nam, mỗi ngày, ngoài những công việc thường làm, mỗi thành viên sẽ nhận thêm khoảng vài ba chục bộ hồ sơ về thông tin và hoàn cảnh của các cô nhi được gửi từ Việt Nam qua để dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức hoặc Hà Lan. Phương pháp làm việc của thầy là, khi lấy một bộ hồ sơ cô nhi để lên bàn, thầy theo dõi hơi thở và nhìn vào hình của em cô nhi đó. Thở vào thở ra ba lần, thầy tiếp xúc và trở thành một với em cô nhi, và thầy dịch hồ sơ với tất cả tình thương, với tư cách và tiếng nói của em ấy. Lúc đó những câu văn ta dịch ra rất cảm động: cha chết, mẹ chết trong trường hợp nào, gia đình hiện đang ở đâu,… Trong thời gian dịch hồ sơ có thể ta có điện thoại, hay có khách. Chúng ta ra tiếp khách hoặc làm việc của phái đoàn. Khi có thời gian thì ta lấy hồ sơ ra dịch tiếp. Như vậy, việc dịch hồ sơ không những giúp cho em cô nhi mà cũng giúp cho ta. Đây là một phương pháp tu tập được dựa trên kinh điển. Khi làm việc gì, tiếp xúc với thứ gì thì ta đừng đứng riêng biệt như một chủ thể mà cần phải tham dự vào như một đối tượng thì cái hiểu của ta sẽ sâu hơn, tâm tư của ta thuần hậu hơn, cũng như tình thương và sự hiểu biết của ta cũng sẽ phát triển hơn. Vì vậy mệnh đề “quán thân trong thân” có ý nghĩa rất sâu.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn mà có ý thức về hơi thở và về toàn thân mình, hoặc có ý thức là đang làm cho toàn thân mình an tịnh, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán thân trong thân, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt thoát mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời.
Câu kinh này rất quan trọng, trong đó có hai chữ “tham đắm” và “chán ghét”. Một là bị mắc kẹt, bị dính vào và đắm chìm trong đó; hai là ghê sợ, chán ghét, bỏ chạy. Hai thái độ đó đều không đúng chánh pháp. Chúng ta phải nhìn vào cuộc đời mà ta đang sống đây để vượt thoát khỏi hai thái cực đó. Chúng ta chỉ hiểu được toàn bộ giáo lý của đức Thế Tôn khi chúng ta hiểu được hai lập trường này.
Bây giờ ta đi vào lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về sựvui thích hoặc về sự an lạc, về những hoạt động của tâm ý, hoặc để làm cho những hoạt động của tâm ý an tịnh thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt thoát mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Những cảm thọ được chứng nghiệm trong hơi thở có ý thức ấy thuộc lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.
Trong câu kinh trên ta thấy được bốn bài tập thứ hai là: hỷ giác, lạc giác, thọ giác và an tịnh thọ. Những bài tập này giúp chúng ta ôm ấp được cảm thọ, làm cho cảm thọ của ta an tịnh và làm phát khởi những cảm thọ lành mạnh, an vui, có tính chất nuôi dưỡng thân và tâm ta.
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về tâm ý, làm cho tâm ý an tịnh, thu nhiếp tâm ý vào định hoặc cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán niệm tâm ý trong tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt thoát mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được chánh niệm và sự hiểu biết.
Đoạn này gồm bốn bài tập có đối tượng là các tâm hành.
Cuối đoạn có một câu đặc biệt: Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được chánh niệm và sự hiểu biết. Nếu ta không có khả năng chánh niệm, không có khả năng sống tỉnh thức thì nhờ thực tập quán niệm hơi thở, chánh niệm của ta sẽ phát triển và ý thức về những gì xảy ra trong hiện tại cũng bắt đầu phát triển.
Bây giờ chúng ta đọc các câu nói về Pháp (đối tượng của tri giác):
Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà quán chiếu về tính cách vô thường hoặc về tính cách không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp, về bản chất không sinh không diệt và về sự buông bỏ thì khi ấyhành giả đang an trú trong phép quán niệm đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt thoát mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời.
Phép Quán niệm hơi thở nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đưa Bốn lĩnh vực quán niệm đến chỗ thành tựu viên mãn.
Đoạn kinh trên giúp chúng ta hiểu được phép thực tập Tứ niệm xứ (the four foundations of mindfulness) nhờ phương pháp An ban thủ ý mà thành tựu viên mãn. Vì vậy, chúng ta luôn phải kết hợp An ban thủ ý với Tứ niệm xứ.
Trước khi nói về sự liên hệ giữa phép Quán niệm hơi thở với Thất giác chi (Bảy yếu tố giác ngộ), chúng ta ôn lại bốn bài tập cuối.
Đối tượng của bốn bài tập này là pháp. Pháp ở đây có nghĩa là sự vật, là thế giới, là thực tại. Bốn đối tượng quán niệm là: thân, thọ, tâm và pháp. Chúng ta biết rằng tâm ở đây là tâm hành, có tất cả 51 tâm hành. Thọ ở đây là cảm thọ, là một trong 51 tâm hành. Pháp ở đây là đối tượng của tưởng, đối tượng của tri giác (object of mind, objects of perception), là hiện tượng (phenomena). Ví dụ, cái bảng là một pháp, bình nước là một pháp, đóa hoa là một pháp, sư anh là một pháp. Tưởng cũng là một tâm hành. Đứng về phương diện tưởng thì: tri giác là tri giác về một cái gì… Cảm thọ cũng là cảm thọ về một cái gì. Tâm hành cũng luôn luôn có đối tượng, như giận là giận một cái gì, buồn, ganh tỵ, thất vọng đều là với một cái gì… Như vậy, tất cả các thọ và các tâm hành đều có đối tượng. Do đó, chữ pháp ở đây có nghĩa là thực tại (reality, être). Thực tại là đối tượng của tưởng nên hễ tưởng sai lầm thì thực tại méo mó, tưởng đúng thì thực tại hiện nguyên hình. Trong kinh nói rằng, tưởng cũng như một tấm gương, nếu tấm gương mà méo mó thì hình ảnh soi vào cũng méo mó. Cho nên nếu tưởng méo mó thì pháp cũng méo mó. Vọng tâm thì đối tượng của nó là vọng cảnh.
Vọng tâm – vọng cảnh
Chân tâm – chân cảnh (suchness, reality as it is)
Quán chiếu pháp là để diệt trừ vọng tưởng và để cho chân cảnh được hiển bày.
Bốn bài tập cuối rất quan trọng, chúng đưa tới giải thoát. Khi ta có một nhận thức đúng đắn, chính xác về thực tại thì tất cả những tham đắm, giận ghét, mê mờ, buồn đau, sợ hãi,… đều tan biến. Bốn bài tập cuối này gọi là quán chiếu thực tại (the investigation of reality).
Bài tập thứ 13, quán chiếu vô thường(investigating about the nature of impermanence).
Đây là chìa khóa đầu tiên. Ta phải thấy được tính vô thường của vạn vật. Khi nhìn một bông hoa, một con người, một đám mây, ta phải làm sao thấy được tính vô thường của chúng, nếu không ta sẽ bị lường gạt, và ta sẽ có một hình ảnh sai lạc về chúng. Do đó, trong sự tu học, ta phải luôn luôn an trú trong định vô thường, cần phải có kinh nghiệm về vô thường, chứ không chỉ về trí năng. Ta phải theo dõi hơi thở, nuôi sống tuệ giác vô thường, và trong thời gian tuệ giác đó được duy trì thì ta nhìn gì cũng không bị bóp méo. Chúng ta biết rằng vô thường và vô ngã là một. Vô thường là đứng về phương diện thời gian, ta thấy không có gì có thể đồng nhất với nó trong những giây phút liên tiếp. Vô ngã là đứng về phương diện không gian, ta thấy cái này được làm bằng cái kia. Sư anh được làm bằng sư em, sư em được làm bằng sư chị, thầy được làm bằng trò, đóa hoa được làm bằng mưa, mặt trời nằm trong bông hướng dương,…. Do đó, khi thấy được vô thường, vô ngã thì thấy được duyên sinh, tức là sự phối hợp các hiện tượng với nhau để được biểu hiện (the nature of the inter-connectedness). Khi thấy được vô thường, vô ngã, duyên sinh thì thấy được không (the nature of emptiness), tức là không có gì mang một sự tồn tại độc lập, một bản chất riêng biệt. Ví dụ giữa cha và con, không có cha thì không có con và không có con thì không có cha. Vì vậy cha – con là vô ngã. Cha – con sinh ra nhau, nương nhau mà có, nếu không có cha thì làm sao ta được gọi là con và không có con thì làm sao ta được gọi là cha. Cha không có thực thể riêng biệt và con cũng không có thực thể riêng biệt. Đó gọi là không. Đức Thế Tôn dạy rất hay: Thử hữu tức bỉ hữu (This is because that is). Thử là cái này, bỉ là cái kia. Cái này có vì cái kia có. Câu này nằm trong kinh A hàm vàrất nổi tiếng. Cái đó gọi là không, duyên sinh, tương tức, tương nhập, vô ngã, vô thường.
Đây là hơi thở quán chiếu về vô thường. Nếu quán chiếu đúng thì trong vô thường ta thấy có vô ngã, có duyên sinh, có không, tương tức, tương nhập. Tất cả đều bắt đầu từ vô thường quán. Vô thường chính là chìa khóa. Mở được cánh cửa vô thường rồi thì thấy vô thường là vô ngã. Nhìn sâu vào vô ngã thì thấy vô ngã là duyên sinh. Nhìn sâu vào duyên sinh thì thấy duyên sinh là không, là tương tức, tương nhập. Đây là điều quan trọng nhất của người tu, mỗi ngày đều phải thực tập để thấy được điều đó.
Mỗi ngày, khi ta nhìn, tiếp xúc với cái gì, ta đều phải sử dụng hơi thở để hơi thở đưa ta vào sâu hơn trong cái nhìn, trong sự tiếp xúc, để ta thấy được tính vô thường, vô ngã, tương tức, tương nhập của vạn pháp. Đây không phải là lý thuyết mà là sự sống hằng ngày: khi đi thiền, ăn cơm, uống nước,… ta đều có những cơ hội để quán chiếu như vậy. Ví dụ khi ăn cơm, ta múc một muỗng cơm lên và nhìn vào trong muỗng có thể có cơm, tàu hủ, đậu que,… Nhưng ta thường để cho “tướng” của cơm, tàu hủ, đậu que đánh lừa. Người có thực tập phải thấy sâu hơn, phải thấy được phân rác, thấy mồ hôi của người làm việc, thấy mặt trời, thấy đám mây, thấy người tưới nước… Ta phải thấy được những nhân duyên đã đưa đến sự có mặt của hạt cơm đó. Nhìn vào trong “cái này” phải thấy “cái kia”, nhìn vào “thử” (this) phải thấy “bỉ” (that), nhìn vào “con” phải thấy “cha”,… Đó là giáo lý duyên sinh, tương tức mà đức Thế Tôn đã trình bày bằng những câu chữ hết sức đơn giản: “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Không có ai nói chuyện triết học mà đơn giản đến mức như vậy. Khi có nhà triết học hỏi chúng ta: “Theo đạo Bụt, thế giới này do đâu mà có?” thì ta chỉ cần lặp lại câu của đức Thế Tôn: “Cái này có vì cái kia có. Vạn vật nương nhau mà biểu hiện.” Tuy rất đơn giản nhưng đó là một phép quán chiếu, chứ không phải là một câu trả lời máy móc.
Ví dụ việc ta ngồi tại Làng Mai, ngay bây giờ, là điều đang xảy ra. Tại sao bây giờ ta ngồi ở đây, mà không ngồi ở New York hay Los Angeles? Tại vì có một số nguyên do, những nguyên do rất xa và những nguyên do rất gần, có những nguyên do từ ông bà cha mẹ ta, có những nguyên do mới xảy ra ngày hôm kia. Những nguyên do chằng chịt nhiều lắm. Sự tụ họp của những nguyên do đó khiến cho ta đang ngồi ở đây, trong giờ phút này. Nếu thiếu một trong những nguyên do đó thì ta đang không ngồi ở đây. Đó gọi là tương tức, tương nhập, duyên sinh.
Không phải đột nhiên mà ta ngồi ở đây! Việc ta ngồi ở đây, có thể là một cái gì rất mầu nhiệm. Nếu nhìn vào sự mầu nhiệm đó thì ta sẽ thấy được những nhân duyên xa gần. Cũng như khi ta ngồi ăn cơm chung với nhau ở đây. Lạ quá, khi không mà ta ngồi đây, ăn cơm với những người này. Những người này là gì với ta, tại sao ta ngồi ăn cùng họ? Tại sao chỉ ngồi ăn mà không nói năng gì? Tại sao những tâm hành của ta lắng xuống? Tại sao lại có chuyện ngồi ăn im lặng và thảnh thơi như vậy? Nhờ ai mà ta làm được như vậy? Đức Thế Tôn là ai, có thân thuộc gì với ta mà sao ta thực tập pháp môn của đức Thế Tôn, để giờ này ta được ngồi thanh thản, nhìn vào bình bát mỉm cười với hạt cơm và thấy những yếu tố như mặt trời, đám mây, phân rác trong đó?… Tất cả những quán chiếu đó được thực hiện, được lớn lên, nhờ ta biết duy trì hơi thở: thở vào, thở ra và thực tập nhìn sâu – nhìn như thế nào để thấy được tính vô thường, vô ngã và tương tức của vạn vật. Đó là công việc của người tu.
Công phu tu tập của ta không phải là rửa được bao nhiêu cái chén, hay trồng được bao nhiêu cây cà chua mà là khi rửa một cái chén, hay trồng một cây cà chua ta thấy được bản chất vô thường, tương tức của cái chén và của người rửa chén, cũng như của cây cà chua và người làm vườn. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về làm công việc chính của ta, là quán chiếu chứ không phải rửa chén, làm vườn. Rửa chén hay làm vườn đều là cơ hội để ta quán chiếu.
Bài tập thứ 14, quán chiếu về tính không đáng tham cầu của vạn pháp.
Chúng ta đang đuổi theo những đối tượng mà chúng ta tham cầu như sự giàu sang, tiền bạc, địa vị xã hội, danh vọng hoặc sự hưởng thụ nhục dục. Những tham cầu đó, những sự chạy theo đó có thể đã làm cho ta khổ đau và sẽ khiến cho ta khổ đau hơn trong tương lai. Khi quán chiếu, chúng ta thấy rằng có nhiều người chạy theo những đối tượng đó suốt đời, và họ đã rất đau khổ. Có khi họ đang nắm được những đối tượng đó trong tay nhưng họ vẫn tiếp tục đau khổ, có khi còn đau khổ hơn trước. Tại sao phải giàu mới có hạnh phúc? Tại sao có những người là triệu phú mà lại tự tử? Tại sao có người nói rằng không cưới được người đó thì không sống nổi? Tại sao có người cưới được người đó rồi lại nói rằng nếu không ly dị thì không thể sống tiếp? Đó là những điều ta có thể quan sát được. Ta quán chiếu để có thể thấy đối tượng của dục, của tham đắm có chất chứa trong chúng những hoạn nạn, những hiểm nguy, làm tiêu ma cuộc đời ta, trong khi hạnh phúc có thể có được mà không cần phải chạy theo đối tượng của ngũ dục.
Quán chiếu ở đây là quán chiếu về tính không đáng tham cầu. Ban đầu ta thấy những đối tượng đó rất hấp dẫn, nếu không đạt được thì ta không có hạnh phúc, nhưng quán chiếu một hồi thì ta tỉnh ngộ, ta thấy rằng những điều đó không đáng tham cầu. Chúng ta ai cũng có một ít tuệ giác về chuyện này, ai cũng từng đeo đuổi những bóng dáng đó của hạnh phúc. Sau cùng, chúng ta khám phá ra rằng đó không phải là cái chúng ta thực sự cần đến. Khi đạt đến tuệ giác rồi thì những cái đó không còn hấp dẫn được ta nữa, ta bình thản, mỉm cười, biết rằng cái đó không phải cho ta. Không phải ta sợ nó, mà vì ta biết rõ mặt thật của nó rồi, ta biết được cái gì ở trong đó. Vì vậy, nó không còn là đối tượng tham cầu của ta và ta không cần chạy theo nữa; có thể ta đã từng khổ đau vì nó cho nên ta lột được mặt nạ của nó; hoặc là ta quán chiếu điều đó nơi người khác và ta thấy được khổ đau của họ từ điều đó. Khi không chạy theo nó nữa thì ta liền có tự do. Ban đầu, ta thấy hạnh phúc là chạy theo và nắm giữ được nó. Nhưng sau đó ta thấy hạnh phúc là việc không phải chạy theo nó nữa. Hạnh phúc là “hiện pháp lạc trú”, là khi ta được tự do với những đối tượng tham cầu và có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt trong giây phút hiện tại – bây giờ và ở đây.
Tuy rằng những điều kiện hạnh phúc đó là vô thường và ta thấy được tính chất vô thường, vô ngã, tương tức của chúng nhưng ta vẫn hạnh phúc như thường. Trong khi thừa hưởng những hạnh phúc đó, nhờ nuôi dưỡng được ý thức về vô thường nên ta không còn bị kẹt lại. Ví dụ, khi thưởng thức cảnh mặt trời lặn, ta biết cảnh mặt trời lặn tuy huy hoàng như thế, nhưng nó chỉ tồn tại được trong vòng ba hay bốn phút và ta không buồn đau vì ta biết được tính vô thường của nó. Sau cảnh mặt trời lặn, ta có thể thưởng thức một bầu trời dần tối và những ngôi sao bắt đầu hiện ra, khi đó ta sẽ đi thiền dưới trời sao, cũng thú vị như khi ta thưởng thức cảnh mặt trời lặn vậy. Khi bầu trời đầy sao mờ đi thì mặt trời bình minh rực rỡ lại mọc ra, và ta luôn luôn có những mầu nhiệm của cuộc sống nuôi dưỡng mình. Vì vậy, ta không bị kẹt vào một đối tượng nào cả, tuệ giác về vô thường giúp ta tiếp tục có hạnh phúc mà không bị vướng mắc.
Hạnh phúc chân thật là tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống trong giây phút hiện tại để nuôi dưỡng thân tâm mà không phải chạy theo những đối tượng của sự tham cầu. Loài vật rất khôn ngoan, sau khi đau khổ một vài lần thì chúng biết được bài học đó và rất cẩn thận. Những con chuột bị rơi vào bẫy một lần và có cơ hội thoát ra thì chúng rất ngán những cái bẫy nên sẽ không để bị sập bẫy lần nữa. Chúng ta cũng vậy, đã một vài lần lọt vào cái bẫy của ngũ dục thì ít nhất cũng phải khôn bằng con chuột, tức là ta đừng u mê mà chui vào cái bẫy thứ hai nữa. Trong miếng mồi người câu cá liệng xuống có lưỡi câu, nếu con cá đã đớp mồi và bị lưỡi câu móc vào cổ họng một lần rồi thì con cá sẽ cẩn thận, lần sau nếu thấy một cái tương tự chắc chắn nó sẽ đề cao cảnh giác và không vội vàng tới đớp mồi ngay. Lần trước nhờ may mắn con cá chỉ mới bị rách hàm chứ chưa bị mất mạng vào nồi canh của ông đi câu, nên nó phải hết sức cẩn thận. Thành ra, đối tượng nào của dục cũng có lưỡi câu trong đó và ta có thể táng thân thất mạng vì những lưỡi câu. Đây là tính không đáng tham cầu – vô dục.
Bài tập thứ 15, quán chiếu tính không sinh diệt của vạn pháp.
Ban đầu, ta bị kẹt vào tướng, ta thấy cái này có sinh, cái này có diệt, cái này có có, cái này có không. Nhưng nếu an trú trong hơi thở để quán chiếu, ta sẽ thấy sự thật là sinh diệt kia nằm trong đầu của ta nhiều hơn là trong thực tại. Ví dụ như tờ giấy, chúng ta nghĩ rằng có một thời gian nó sinh ra và một thời gian nó sẽ diệt đi. Thời gian sinh ra có thể là thời gian nó nằm trong nhà máy, chờ cái máy lăn, ép bột và làm ra tờ giấy. Và khi ta bỏ tờ giấy vào đống lửa thì tờ giấy không còn nữa, đó là giờ phút diệt của nó. Nhưng khi quán chiếu ta có thể thấy rằng giờ phút mà cái máy lăn, ép bột làm ra tờ giấy không hẳn là giờ phút tờ giấy được sinh ra. Trước đó, tờ giấy đã là cái gì đó rồi, nó là bột giấy, là cây rừng được đốn về để làm ra bột giấy,… Vì vậy, bản chất của tờ giấy là chưa bao giờ từng sinh, nó chỉ thay đổi hình thái. Khi ta đốt tờ giấy thì nó thành tro, trở thành hơi nóng, trở thành một phần của đám mây. Tờ giấy không bị tiêu diệt, nó vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thái khác. Do đó, bản chất của tờ giấy là không sinh không diệt.
Đến đây, ta phải thấy được nhiệm vụ của người tu. Người tu cầm tờ giấy thì phải thấy được tính không sinh không diệt của tờ giấy, và khi tiếp xúc với bất cứ hiện tượng nào của sự sống quanh mình cũng phải quán chiếu để thấy được tính không sinh không diệt của hiện tượng đó. Khi thấy được tính không sinh không diệt của vạn pháp, ta đạt tới kết quả là sự vô úy, an nhiên, bất động, không sợ hãi, không rung chuyển. Lúc đó, ta có được thứ để cống hiến cho đời nhiều hơn là một ngôi chùa, nhiều hơn cái tài tổ chức của ta. Đó là sự giải thoát.
Bài tập thứ 16, quán chiếu về sự buông bỏ.
Trong kinh Kim cương, Bụt dạy ta cần buông bỏ bốn ý niệm: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Đây là bốn ý niệm làm chúng ta mắc kẹt, cũng như ý niệm về sinh – diệt, đến – đi, có – không, một – nhiều… Ta phải buông bỏ hết những ý niệm này thì thực tại chân như mới có thể hiển hiện và ta mới được tự do. Tổ Tăng Hội nói rằng, trước hết chúng ta cần buông bỏ hai ý niệm: “thân thể này là tôi” (hình hài) và “giai đoạn sinh mạng này là giai đoạn sinh mạng của tôi” (thọ mạng) – tôi sinh vào năm đó và tôi chết vào năm đó, trước khi sinh và sau khi chết tôi không có. Chỉ ngắn ngủi vậy thôi. Thực sự, theo tuệ giác không sinh không diệt thì ta chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt, và thọ mạng của ta là vô lượng, như thọ mạng của đức Thế Tôn hay thọ mạng của một chiếc lá, một tờ giấy. Vì vậy, thầy Tăng Hội khuyên chúng ta hãy buông bỏ ý niệm “thân này là tôi và kiếp sống này là kiếp sống duy nhất của tôi”. Theo đúng lý luận, trình tự, chúng ta phải đặt bài tập này sau bài tập quán chiếu về vô thường, về tính không đáng tham cầu và trước bài tập quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ta thường nghĩ rằng phải đạt tới Niết bàn, phải nhập Niết bàn, nhưng đức Thế Tôn có dạy: “Tất cả các pháp đều an trú trong Niết bàn rồi”. Trong kinh Pháp hoa có câu: Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng.
諸法從本來
常自寂滅相.
(Các pháp từ xưa đến nay đều có bản chất Niết bàn trong đó rồi). Tịch diệt tức là Niết bàn.
Bông hoa, tờ giấy cũng nằm trong tự tính Niết bàn. Ta cũng vậy, bản chất của ta là không sinh không diệt, không tới không đi, không nhiều không một, mà ta nghĩ rằng ta có sinh có diệt, có tới có đi, có nhiều có một… là tại vì ta vô minh. Do đó, bài tập buông bỏ nằm ở vị trí thứ ba thì đúng hơn là thứ tư.
Về phương diện triết học, quán pháp trong pháp là đi tìm bản chất của thực tại (the search, the investigation into the nature of the reality) mà trong kinh Quán niệm hơi thở, điều này được cụ thể hóa bằng bốn bài thực tập. Người thành tựu được bốn bài thực tập đó chính là bậc đại trượng phu.
Chúng ta học tiếp đoạn Bụt dạy phối hợp An ban thủ ý với Thất giác chi, tức là Bảy yếu tố của sự giác ngộ.
Nhưng nếu được phát triển và thực tập liên tục, Bốn lĩnh vực quán niệm sẽ đưa Bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn. Bằng cách nào?
Khi hành giả an trú trong phép quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ, quán tâm ý trong tâm ý, quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời, thì lúc ấy, chánh niệm của hành giả được duy trì vững chãi và bền bỉ; và hành giả đạt được yếu tố giác ngộ thứ nhất là niệm. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Yếu tố đầu của Bảy yếu tố giác ngộ là niệm. Khi chúng ta thực tập Tứ niệm xứ thì yếu tố niệm càng ngày càng lớn. Yếu tố niệm ngày càng lớn thì các yếu tố khác cũng phát triển, và sẽ đưa đến sự giải thoát, tự do. Biết rõ tình trạng ở đây là ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, nhận diện được, hơn nữa là thấy được chiều sâu bản chất của những gì đang xảy ra đó. Những gì đang xảy ra có thể là một cơn gió, một cơn mưa, hay một tâm tư buồn giận, chán ghét. Trước hết, ta cần nhận diện những hiện tượng đó và thấy được chiều sâu của chúng. Biết rõ tình trạng rồi thì có thể vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Một mặt là không tham đắm, mặt kia là không chán ghét. Cái hay là ở chỗ này, tại vì tham đắm là một tâm hành mà chán ghét cũng là một tâm hành.
Khi hành giả an trú trong chánh niệm để quán chiếu và quyết trạch về các pháp (đối tượng của tâm ý) thì yếu tố giác ngộ thứ hai được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố trạch pháp.
Nhìn sâu và thấy được bản chất của hiện tượng thì gọi là trạch pháp. Ví dụ, nhìn vào bông hoa thì đừng bị cái tướng của bông hoa khống chế mà phải thấy được tất cả những cái đã làm ra bông hoa, thấy được tự tính vô thường, tương tức của bông hoa và thấy được bông hoa là biểu hiện của đất trời, thấy được cả vũ trụ cùng có mặt để làm ra bông hoa. Đó gọi là quán chiếu, là quyết trạch. Quán chiếu, tiếng Anh là looking deeply, quyết trạch là một cái thấy rất sáng tỏ, deep investigation into the nature of the reality. Yếu tố trạch pháp cũng sinh ra từ yếu tố niệm. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn. Ta đã có yếu tố trạch pháp trong ta rồi và nếu ta tiếp tục thực tập chánh niệm thì yếu tố trạch pháp sẽ được lớn lên.
Khi hành giả an trú trong quán chiếu và quyết trạch về các pháp một cách bền bỉ, tinh cần, vững chãi thì yếu tố giác ngộ thứ ba được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố tinh tấn. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Ngày nào cũng vậy, ta phải thực tập mỗi ngày chứ không phải thực tập để chứng tỏ ta có khả năng rồi sau đó bỏ bê. Tinh tấn là sự thực tập liên tục, đều đặn. Chúng ta đã học về bản chất của tinh tấn, tức là Tứ chánh cần.
Khi hành giả an trú vững chãi và bền bỉ trong sự hành trì tinh tiến thì yếu tố giải thoát thứ tư được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố hỷ lạcxuất thế. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Hỷ lạc xuất thế ở đây giúp chúng ta khỏi lầm với hỷ lạc trần tục của ngũ dục. Đó là niềm vui và hạnh phúc của người tu hành, biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của đời sống, biết thấy cái đẹp trong vô thường, vô ngã, biết thấy cái mầu nhiệm trong thế giới của bản môn. Hỷ lạc đó chỉ nuôi lớn ta chứ không đè nát hay tiêu diệt ta. Nếu tu tập mà không có hỷ lạc xuất thế tức là tu không thành công. Hỷ lạc xuất thế phát khởi từ khả năng hiện pháp lạc trú.
Khi được an trú trong trạng thái hỷ lạc rồi, hành giả cảm thấy thân và tâm của mình nhẹ nhàng và an tịnh, khi đó yếu tố giải thoát thứ năm được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố khinh an. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Khinh an là nhẹ nhàng, an ổn. Trong thân và trong tâm người tu phải có yếu tố khinh an. Ta ăn uống, làm việc, đi đứng nằm ngồi,… ta thực tập như thế nào để có yếu tố nhẹ nhàng và an vui trong con người mình.
Khi thân và tâm mình đã nhẹ nhàng và thanh tịnh, hành giả có thể đi vào định một cách dễ dàng. Lúc đó yếu tố giải thoát thứ sáu được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố định. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Có khinh an rồi thì có định dễ dàng. Ví dụ, khi ta ăn quá no thì ngồi nghe pháp thoại không được nhẹ nhàng, do đó không thể định được.
Khi đã thực sự an trú trong định, hành giả không còn duy trì sự phân biệt và so đo nữa. Khi đó yếu tố giải thoát thứ bảy là buông thả được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố hành xả. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
Phân biệt và so đo ở đây là theo người này, chống người kia. Ta cần có một cái nhìn bình đẳng, thấy cái này trong cái kia, cái kia trong cái này. Ta không trách móc cái này như thế này, vì ta biết sở dĩ nó như vậy một phần là do cái kia, và cái kia đôi khi là chính mình. Vì vậy, nếu ta trách người đó mà không trách mình là chưa hành xả, chưa thấy được trách vụ của mình. Ví dụ, thầy dạy học trò mà thấy học trò không có chút tiến bộ nào, thầy cứ đổ lỗi cho học trò, nhưng kỳ thực thầy cũng chịu một phần trách nhiệm nào đó. Bởi vì theo giáo lý tương tức, chắc là thầy giảng dở nên học trò mới vậy. Thay vì đổ hết trách nhiệm lên học trò thì thầy nên chịu một phần trách nhiệm. Khi sư anh, sư em, sư chị của mình mà cứ không chuyển hóa được như vậy, thì ta đừng đổ lỗi hết cho người đó, ta phải thấy phần trách nhiệm của mình là ta đã không giúp đỡ được. Bên này như thế này vì bên kia như thế kia. This is like this because that is like that. Hành xả có nghĩa là không kỳ thị, không theo phe, không bị vướng mắc, buông thả, tự do.
Bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa Bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn như thế.
Câu này cho ta thấy, nếu ta thực tập Bốn lĩnh vực quán niệm thì chúng ta cũng đang thực tập Bảy yếu tố giác ngộ. Trong khi thực tập Tứ niệm xứ cũng như đang thực tập Thất giác chi. Ta thấy kỹ thuật An ban thủ ý đóng góp một phần rất lớn. Không phải thực tập cái này trước rồi đến cái kia mà cả An ban thủ ý, Tứ niệm xứ và Thất giác chi phối hợp lại thành một khối thực tập. Đó là nét đặc biệt của đạo Bụt. Có thể có những giáo phái khác, những truyền thống khác chỉ chủ trương An ban thủ ý thôi, nhưng An ban thủ ý trong đạo Bụt là phải đi chung với Tứ niệm xứ và Thất giác chi.
Bảy yếu tố giác ngộ, nếu được phát triển và thực tập liên tục, làm thế nào để có thể đưa đến sự thành tựu viên mãn của trí tuệ và giải thoát?
Giải thoát tức là tự do. Chỉ khi nào có hiểu biết thì mới có tự do. Do đó, quán chiếu là đi đến sự hiểu biết và sự hiểu biết giúp cởi trói cho ta, đưa ta đi đến tự do, gọi là nhị minh – hai cái sáng – là bát nhã (trí tuệ) và giải thoát.
Nếu hành giả tu tập theo Bảy yếu tố giác ngộ, một mình tĩnh cư, chuyên quán chiếu về tính cách không sinh diệt của vạn pháp, quán chiếu về sự tự do, thì sẽ đạt tới khả năng buông bỏ. Đó là do tu tập Bảy yếu tố giác ngộ mà thành tựu viên mãn được trí tuệ và giải thoát.
Quán chiếu về tính cách không sinh diệt của vạn pháp tức là tiếp xúc được với tính Niết bàn của thực tại, và khi đó, tự do bừng nở như một đóa hoa. Có tự do rồi thì ta buông bỏ một cách rất dễ dàng những ý niệm như là sinh diệt, có không, một nhiều, đến đi.
Đó là những điều đức Thế Tôn nói. Đại chúng ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng được nghe Người dạy.
Hồi đó, Bụt còn ở tại nước Xá Vệ, cư trú trong vườn Kỳ Thọ với nhiều vị đại đệ tử nổi tiếng như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Thi La, A Nậu Lâu Ðà, Ưu Bà Ða, A Nan Ðà,… Trong cộng đồng các vị khất sĩ, những vị trưởng thượng lo chăm sóc dạy dỗ các vị khất sĩ tân học, có vị chăm dạy mười người, có vị hai mươi người, có vị ba mươi người, có vị bốn mươi người… Các vị khất sĩ tân học được chăm sóc và dạy dỗ như thế dần dần đã có nhiều tiến bộ…
Bây giờ đây, đã đến ngày trăng tròn tháng Tư và Bụt đang ngồi ngoài trời với các vị khất sĩ. Người đưa mắt lặng lẽ quán sát đại chúng một hồi rồi lên tiếng:
“Quý vị khất sĩ! Tăng đoàn chúng ta đây quả là thanh tịnh và có thực chất tu học, không mang tính chất phù phiếm và ba hoa, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được gọi là phước điền, xứng đáng được kính nể.
“Này quý vị, trong đại chúng đây có những vị khất sĩ đã chứng quả A la hán, đã trừ hết mọi phiền não, đã trút bỏ được mọi gánh nặng, đã thành tựu được trí tuệ và giải thoát; lại có những vị đã cắt được năm sợi dây ràng buộc đầu, chứng được quả Bất hoàn, sẽ không còn trở lại luân hồi; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Nhất hoàn, hàng phục được phần thô của các phiền não tham, sân, si và chỉ cần trở lại một lần; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Dự lưu, đang vững chãi đi về quả vị giác ngộ; có vị đang thực tập tứ niệm xứ, có vị đang thực tập tứ chánh cần, có vị đang thực tập tứ như ý túc, có vị đang thực tập ngũ căn, có vị đang thực tập ngũ lực, có vị đang thực tập thất bồ đề phần, có vị đang thực tập bát chánh đạo, có vị đang thực tập từ, có vị đang thực tập bi, có vị đang thực tập hỷ, có vị đang thực tập xả, có vị đang thực tập cửu tưởng quán, có vị đang thực tập vô thường quán. Lại có những vị khác đang thực tập quán niệm hơi thở.”
*
“Quý vị khất sĩ! Phép Quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu Bốn lãnh vực quán niệm; Bốn lãnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu Bảy yếu tố giác ngộ; Bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát.
“Làm thế nào để phát triển và thực tập liên tục phép quán niệm hơi thở, để phép này mang lại những thành quả và lợi lạc lớn?
“Này đây, quý vị khất sĩ! Người hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào; thở ra, người ấy biết rằng mình thở ra.
1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi dài.
2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở ra một hơi ngắn.
3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta. Người ấy thực tập như thế.
4. Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
5. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Người ấy thực tập như thế.
6. Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc. Người ấy thực tập như thế.
7. Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Người ấy thực tập như thế.
8. Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Người ấy thực tập như thế.
9. Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta. Người ấy thực tập như thế.
10. Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Người ấy thực tập như thế.
11. Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Người ấy thực tập như thế.
12. Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Người ấy thực tập như thế.
13. Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
14. Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
15. Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Người ấy thực tập như thế.
16. Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Người ấy thực tập như thế.
“Phép quán niệm hơi thở, theo những chỉ dẫn trên, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem đến những thành quả và lợi lạc lớn.”
*
“Phát triển và thực tập liên tục như thế nào để phép quán niệm hơi thở có thể thành tựu Bốn lĩnh vực quán niệm?
“Khi hành giả thở vào hoặc thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn mà có ý thức về hơi thở và về toàn thân mình, hoặc có ý thức là đang làm cho toàn thân mình an tịnh, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán thân trong thân, tinh tấn, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức ở đây thuộc lĩnh vực quán niệm thứ nhất là thân thể.
“Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về sự vui thích hoặc về sự an lạc, về những hoạt động của tâm ý, hoặc để làm cho những hoạt động của tâm ý an tịnh thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ, tinh tấn, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Những cảm thọ được chứng nghiệm trong hơi thở có ý thức ấy thuộc lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.
“Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về tâm ý, làm cho tâm ý an tịnh, thu nhiếp tâm ý vào định hoặc cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán niệm tâm ý trong tâm ý, tinh tấn, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được chánh niệm và sự hiểu biết.
“Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà quán chiếu về tính cách vô thường hoặc về tính cách không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp, về bản chất không sinh diệt và về sự buông bỏ, thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán niệm đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tấn, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời.
“Phép Quán niệm hơi thở nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa Bốn lĩnh vực quán niệm đến chỗ thành tựu viên mãn.”
*
“Nhưng nếu được phát triển và thực tập liên tục, Bốn lĩnh vực quán niệm sẽ đưa Bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn. Bằng cách nào?
“Khi hành giả an trú trong phép quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ, quán tâm ý trong tâm ý, quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tấn, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời thì lúc ấy chánh niệm của hành giả được duy trì vững chãi và bền bỉ, hành giả đạt được yếu tố giác ngộ thứ nhất là niệm. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi hành giả an trú trong chánh niệm để quán chiếu và quyết trạch về các pháp, đối tượng của tâm ý thì yếu tố giác ngộ thứ hai được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố trạch pháp. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi hành giả an trú trong quán chiếu và quyết trạch về các pháp một cách bền bỉ, tinh cần, vững chãi thì yếu tố giác ngộ thứ ba được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố tinh tấn. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi hành giả đã an trú vững chãi và bền bỉ trong sự hành trì tinh tấn thì yếu tố giải thoát thứ tư được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố hỷ lạc xuất thế. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi được an trú trong trạng thái hỷ lạc rồi, hành giả cảm thấy thân và tâm của mình nhẹ nhàng và an tịnh, khi đó yếu tố giải thoát thứ năm được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố khinh an. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi thân và tâm mình đã nhẹ nhàng và thanh tịnh, hành giả có thể đi vào định một cách dễ dàng. Lúc đó yếu tố giải thoát thứ sáu được sinh khởi và phát triển. Ðó là yếu tố định. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Khi đã thực sự an trú trong định, hành giả không còn duy trì sự phân biệt và so đo nữa. Khi đó yếu tố giải thoát thứ bảy là buông xả được sinh khởi và phát triển. Ðó là yếu tố hành xả. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.
“Bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa Bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn như thế. Nhưng Bảy yếu tố giác ngộ, nếu được phát triển và thực tập liên tục, làm thế nào để có thể đưa đến sự thành tựu viên mãn của trí tuệ và giải thoát?
“Nếu hành giả tu tập theo Bảy yếu tố giác ngộ, một mình tĩnh cư, chuyên quán chiếu về tính cách không sinh diệt của vạn pháp, quán chiếu về sự tự do thì sẽ đạt tới khả năng buông bỏ. Ðó là do tu tập Bảy yếu tố giác ngộ mà thành tựu viên mãn được trí tuệ và giải thoát.”
Ðó là những điều đức Thế Tôn nói. Ðại chúng ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng được nghe Người dạy.