Em bé bị thương
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một em bé bị thương bên trong. Khi còn nhỏ tất cả chúng ta đều trải qua những giai đoạn khó khăn và khổ đau nên mang theo trong lòng nhiều thương tích. Để bảo vệ và phòng hộ cho chính mình, không muốn cho những khổ đau ấy xảy ra trong tương lai, ta có khuynh hướng quên đi những khổ đau thời thơ ấu. Mỗi lần tiếp xúc với những khổ đau như thế ta có cảm tưởng là ta không thể chịu nỗi và ta muốn nhận chìm những cảm thọ, những ký ức này xuống dưới vùng vô thức. Và ta không dám đối diện với em bé này đã nhiều năm rồi.
Tuy nhiên, không phải vì ta không muốn để ý tới nó mà nó không có. Đứa trẻ bị thương luôn luôn có đó, muốn sự chú ý của ta. Đứa bé lên tiếng: “Em đây nè, em đây nè, chị không thể tránh em. Chị không thể chạy trốn em”. Chúng ta muốn chấm dứt khổ đau bằng cách gởi em bé đó vào một nơi sâu kín nhất trong ta, càng sâu càng tốt. Nhưng chạy trốn không có nghĩa là hết khổ mà chỉ là kéo dài nỗi khổ ra hơn.
Ý thức được là ta đã bỏ quên em bé bị thương, ta sẽ cảm thấy thương xót nó và bắt đầu chú ý tới nó, chế tác năng lượng chánh niệm bằng cách ngồi thiền, đi thiền, thực tập hơi thở ý thức. Với hơi thở và bước chân ý thức, ta có thể chế tác ra năng lượng chánh niệm và trở về với nguồn tỉnh thức, tuệ giác trong mỗi tế bào cơ thể ta. Năng lượng chánh niệm sẽ ôm ấp, trị liệu ta và trị liệu em bé bị thương trong ta.
Chức năng đầu tiên của chánh niệm là nhận diện mà không phải là đấu tranh. Ta có thể dừng lại bất cứ lúc nào và ý thức về em bé bên trong. Khi nhận diện được em bé bị thương, điều đầu tiên ta cần làm là chào nó. Chỉ cần như vậy thôi. Có thể đứa bé đó đang rất buồn. Nếu ý thức được điều đó, ta có thể thở vào và nói: “Thở vào tôi biết là nỗi buồn đang có đó. Xin chào nỗi buồn. Thở ra, tôi sẽ chăm sóc em đàng hoàng”.
Khi nhận diện được em bé bị thương bên trong rồi thì chức năng thứ hai của chánh niệm là ôm ấp nó. Sự thực tập này rất thú vị. Thay vì đấu tranh chống lại những cảm xúc, ta trở về chăm sóc chúng đàng hoàng. Chánh niệm mang đến cho nó một người bạn, người bạn đó là định. Nhận diện và ôm ấp em bé bên trong một cách nhẹ nhàng sẽ làm vơi đi nỗi khổ niềm đau. Tuy những khó khăn còn đó nhưng ta sẽ không khổ đau nhiều nữa.
Sau khi nhận diện và ôm ấp em bé bên trong, chức năng thứ ba của chánh niệm là làm lắng dịu và làm vơi đi nỗi khổ niềm đau. Ôm ấp em bé một cách nhẹ nhàng ta có thể làm lắng dịu những cảm xúc khó chịu và ta bắt đầu thấy dễ chịu. Ôm ấp những cảm xúc mạnh bằng niệm và định, ta sẽ có khả năng thấy được gốc rễ của những tâm hành này, biết được những nỗi khổ niềm đau của ta từ đâu đến. Hiểu được gốc rễ của chúng thì khổ đau sẽ giảm bớt. Vì vậy chánh niệm là nhận diện, ôm ấp và làm vơi nỗi khổ đau.
Năng lượng chánh niệm chứa trong nó năng lượng chánh định và tuệ giác. Định giúp ta tập trung vào một đối tượng. Sự tập trung giúp cho cái thấy của ta trở nên rõ ràng và sáng tỏ, ta sẽ đạt được một tuệ giác. Tuệ giác luôn có sức mạnh giải thoát. Nếu ta biết cách duy trì chánh niệm thì định lực sẽ phát sinh. Nếu biết cách duy trì định lực thì tuệ giác cũng sẽ phát sinh. Năng lượng chánh niệm có khả năng giúp ta nhìn sâu và đạt được tuệ giác, có tuệ giác thì ta sẽ chuyển hóa khổ đau một cách dễ dàng.
Như lý tác ý
Nếu ta bị lạm dụng khi còn là một em bé bảy tuổi, thì ta cứ mang theo trong mình hình ảnh em bé bảy tuổi đầy thương tích và sợ hãi đó. Khi nghe điều gì gợi cho ta nhớ lại những khổ đau ấy thì tự động ta trở về sống với hình ảnh ngày xưa. Nhiều thứ ta thấy, ta nghe, ta đang gặp phải trong hiện tại làm cho ta nhớ lại những khổ đau quá khứ ấy.
Thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh quá khứ có thể làm cho ta sợ hãi, giận dữ và thất vọng. Ta gọi đó là phi như lý tác ý, bởi vì nó làm cho ta không an trú được trong giây phút hiện tại mà chìm đắm trong những khổ đau của quá khứ. Điều quan trọng là bất cứ lúc nào tâm ta hướng về nơi ấy, hướng về những hình ảnh quá khứ ấy thì ta phải tìm cách xử lý những nỗi buồn, nỗi sợ hãi và nỗi khổ đau đang phát khởi trong ta.
Tiếng chuông chánh niệm nhắc ta dừng lại những suy nghĩ, nói năng để trở về với hơi thở vào ra. Tiếng chuông chánh niệm có thể đưa ta ra khỏi hình ảnh khổ đau để tận hưởng hơi thở vào ra của mình một cách sâu lắng, để làm lắng dịu thân tâm và mỉm cười. Khi khổ đau phát khởi, ta trở về với hơi thở và nói với mình rằng: “Thở vào tôi biết là khổ đau đang có trong tôi”. Sự thực tập của ta là nhận diện và ôm ấp những cảm xúc để làm chủ chính mình. Nếu thực tập tốt thì ta có khả năng đi xa hơn. Với năng lượng niệm và định, ta có khả năng trở về với hình ảnh quá khứ để biết được nguyên nhân nào làm cho nó phát sinh: Sở dĩ tôi đang có tâm hành, cảm xúc này là bởi vì tôi đã tiếp xúc với những thứ kia.
Nhiều người trong chúng ta không có khả năng thoát ra khỏi thế giới của hình ảnh. Với năng lượng chánh niệm, ta nhận ra được khổ đau của quá khứ chỉ là hình ảnh, nó không có thật. Trong khi đó cuộc sống với tất cả những mầu nhiệm luôn luôn có đó và ta có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, ý thức được như vậy là ta có thể thay đổi được toàn bộ tình trạng.
Mũi tên thứ hai
Chúng ta đã đánh mất khả năng nghỉ ngơi, đã lo lắng quá nhiều và không để cho cơ thể mình trị liệu. Cho dù có đi nghỉ hè vài tuần đi nữa, ta cũng không biết cách nghỉ ngơi. Những lo lắng, căng thẳng, sợ hãi làm cho tình trạng sức khỏe ta càng tệ hại thêm. Thiền tập có khả năng giúp ta buông thư những căng thẳng, ôm ấp những lo lắng, sợ hãi, giận hờn và có công năng trị liệu rất lớn. Vì vậy điều quan trọng là ta phải học lại nghệ thuật nghỉ ngơi và buông thư.
Khi ta có bình an thì những yếu tố của thân và tâm làm việc với nhau rất hòa hợp. Đó là mấu chốt làm nên sức khỏe. Những thành phần khác của cơ thể sẽ đến với nhau và làm việc một cách hài hòa. Những hóa chất trong cơ thể cũng được tiết ra đúng với liều lượng ta cần. Ta sẽ không tạo ra quá nhiều hóa chất như hoóc-môn adrenaline[1].
Đức Bụt thường nói về mũi tên thứ hai. Khi bị mũi tên bắn vào người, ta rất đau đớn. Nếu mũi tên thứ hai bắn trúng ngay vào chỗ đau đó thì nỗi đau sẽ lớn gấp mười lần. Đức Bụt dạy khi có những nỗi đau trong thân hoặc trong tâm, ta theo dõi hơi thở vào ra, nhận diện sự có mặt của chúng mà đừng thổi phồng tầm quan trọng của chúng lên. Nếu ta lo lắng, sợ hãi, chống đối, giận dữ nỗi đau của ta thì ta đã làm cho nỗi đau ấy tăng lên gấp mười lần hoặc hơn nữa. Nỗi lo lắng là mũi tên thứ hai. Chúng ta phải bảo vệ bản thân mình, đừng để cho mũi tên thứ hai bắn vào vì mũi tên thứ hai cũng từ mình mà ra.
Hạt giống
Mục đích của thiền tập là nhìn sâu vào lòng sự vật để thấy rõ gốc rễ, cội nguồn của chúng. Bất cứ một hành động nào ta làm, nếu nhìn sâu vào, ta cũng nhận ra được hạt giống của nó. Hạt giống đó có thể là do ông bà tổ tiên ta trao truyền lại. Bất kể ta làm gì, tổ tiên ta cũng đều làm với ta. Ba, ông bà nội, cố nội cùng làm với ta; mẹ, ông bà ngoại, cố ngoại cùng làm với ta. Tất cả tổ tiên ta đều có mặt đó trong mỗi tế bào cơ thể ta. Có những hạt giống được gieo trồng trong suốt dòng sinh mạng của ta, nhưng cũng có những hạt giống đã được gieo trồng trước khi hình hài này biểu hiện.
Đôi khi ta làm những điều mà chính ta không muốn nhưng ta vẫn cứ làm. Tập khí lôi kéo, thúc đẩy ta, khiến ta làm những điều không ý thức. Đôi khi ta làm mà không biết là ta đang làm. Thậm chí có khi ta không muốn làm mà ta vẫn cứ làm. Có khi ta nói: “Tôi không muốn làm điều này, nhưng nó mạnh hơn tôi và nó đẩy tôi đi”. Đó là hạt giống, là tập khí có thể do nhiều thế hệ trong quá khứ trao truyền lại.
Chúng ta được thừa hưởng rất nhiều từ ông bà tổ tiên ta. Nhờ chánh niệm, ta ý thức được những tập khí mà các thế hệ đi trước trao truyền lại. Chúng ta có thể thấy được rằng cha, mẹ, ông, bà ta cũng có những yếu kém tương tự như ta. Chúng ta ý thức mà không lên án, phán xét, không đổ lỗi là những tập khí này do ông bà tổ tiên tạo nên. Ta có thể mỉm cười với những vụng về yếu kém và tập khí của ta. Nhờ có ý thức, ta có thể chọn lựa để có thể hành động bằng cách khác. Chúng ta có thể kết thúc vòng luân hồi khổ đau ngay bây giờ.
Có thể trong quá khứ ta đã từng làm những điều mà ta đã được trao truyền ngoài ý muốn và ta đổ lỗi cho chính mình. Ta xem mình như là một bản ngã biệt lập, đầy những yếu kém. Nhưng với sự thức tỉnh, ta có thể bắt đầu chuyển hóa và buông bỏ những tập khí này. Với sự thực tập chánh niệm ta nhận ra rằng ta đang hành động theo tập khí. Đó là ý thức đầu tiên mà chánh niệm đem đến. Sau đó nếu ta thích thú thì chánh niệm và chánh định sẽ giúp ta nhìn sâu và tìm ra gốc rễ của những hành động ấy.
Hành động đó có thể bắt nguồn từ những chuyện xảy ra hôm qua hay từ 300 năm về trước mà gốc rễ của nó còn nằm sâu trong ông bà tổ tiên ta. Một khi ý thức được hành động của mình, ta biết được hành động ấy có đem lại lợi lạc hay không, nếu nó không lợi lạc thì ta quyết định không lặp lại nữa. Ý thức được tập khí và chú tâm hơn về những suy nghĩ, lời nói và hành động, ta có thể chuyển hóa chúng, không những cho bản thân mà còn cho cả ông bà tổ tiên. Chúng ta thực tập không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả ông bà tổ tiên, con cháu và cho cả thế giới.
Nếu ta có khả năng mỉm cười với những bất trắc thì ta phải trân quý nó. Nếu ta làm được như thế thì tổ tiên ta cũng có khả năng mỉm cười với những khó khăn bất trắc trong họ. Nếu một người có thể giữ được bình tĩnh và mỉm cười được với những khó khăn bất trắc, thì thế giới sẽ có một cơ hội tốt hơn cho hòa bình. Điều chính yếu là ý thức được những hành động của ta. Chánh niệm sẽ giúp ta hiểu được hành động ấy từ đâu đến.
Nội kết và bế tắc
Áp đặt, xua đuổi hay phủ nhận nỗi đau trong thân tâm chỉ làm cho nỗi khổ đau ấy lớn mạnh hơn. Nỗi khổ đau của ta cũng chính là ta, hay nói chính xác hơn là một phần của ta. Phủ nhận nó tức là phủ nhận chính mình. Ngay khi ta chấp nhận được cảm thọ này thì ta bắt đầu có bình an hơn, và nỗi đau cũng bắt đầu giảm đi. Mỉm cười với nỗi đau là cách hay nhất, thông minh nhất và đẹp nhất mà ta có thể làm. Không có cách nào hay hơn cả.
Mỗi khi ta nhận diện được khổ thọ và làm quen với nó thì ta bắt đầu tiếp xúc được với chính mình. Từ từ chúng ta nhìn sâu vào bản chất và gốc rễ của nỗi đau. Sợ hãi, bất an, giận dữ, buồn rầu, ganh tị và vướng mắc làm ngăn chặn những cảm thọ và suy tư của ta, chúng ta cần thời gian và cơ hội để nhận diện chúng và nhìn sâu vào chúng. Hơi thở chánh niệm giúp ta đi qua được những nỗi đau. Chánh niệm là nhận diện sự có mặt của các cảm thọ, chấp nhận chúng, làm cho chúng lắng dịu và tiếp tục quan sát cho đến khi thấy được bản chất của khối nội kết. Chánh niệm là con đường duy nhất để chuyển hóa. Tất cả những hạt giống khổ đau đều có mặt trong ta; nếu ta sống trong thất niệm, lãng quên thì những hạt giống ấy sẽ bị tưới tẩm mỗi ngày. Chúng sẽ lớn mạnh lên và khối nội kết sẽ trở nên vững chắc hơn. Tuy nhiên, hơi thở ý thức sẽ chuyển hóa được những nội kết khổ đau ấy.
Nội kết cũng có thể được xem như những thứ ràng buộc, những nút thắt của những khối khổ đau nằm sâu trong tâm thức ta. Những nút thắt được tạo ra khi ta phản ứng lại những gì người khác nói và làm, hoặc khi ta đè nén những suy tư và cảm thọ. Ta có thể nhận diện được những ràng buộc đang cột chặt ta qua những khổ đau hoặc những tâm hành làm ta nghiện ngập không thể dừng lại được, như giận dữ, hận thù, tự hào, nghi ngờ, buồn rầu, vướng mắc. Chúng được tôi luyện bởi sự vô minh, thiếu hiểu biết, bởi những nhận thức sai lầm về bản thân và thực tại. Bằng sự thực tập chánh niệm, ta có thể nhận diện, chuyển hóa những cảm xúc và khổ đau khi chúng mới phát khởi để chúng không trở thành những khối nội kết. Khi không phản ứng lại những lời nói và hành động của người khác thì ta có khả năng giữ cho tâm mình được bình an định tĩnh, không tạo nên những nội kết, ràng buộc, ta sẽ nếm trải được niềm vui và hạnh phúc lớn hơn. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng được thừa hưởng từ sự hiểu biết và thương yêu lớn ấy.
Vượt qua những cảm xúc mạnh
Cảm xúc mạnh giống như một cơn bão. Nếu nhìn vào một cái cây đang trong cơn bão ta thấy ngọn cây oằn oại, rất mong manh, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Ta sợ cơn bão sẽ làm ngã gãy cây. Nhưng nếu nhìn xuống thân cây, ta sẽ nhận ra rằng những cái rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất và cái cây đó có thể chịu đựng được qua cơn bão. Chúng ta cũng là một cái cây. Trong khi cơn bão cảm xúc đi lên, ta đừng chú tâm lên đầu hoặc lên tim vì chúng như phần ngọn của cây. Ta phải rời khỏi trái tim, con mắt của cơn bão và trở về với thân cây. Thân cây của ta là ở vùng đan điền (cách dưới rốn một cm). Tập trung ở đan điền và chỉ chú tâm vào sự phồng lên xẹp xuống của bụng. Tiếp tục theo dõi hơi thở, ta sẽ đi qua được cơn bão cảm xúc.
Điều quan trọng là ta phải hiểu được rằng cảm xúc chỉ đi lên, ở lại một lúc rồi ra đi. Khi cơn bão tới, nó ở lại một thời gian rồi sau đó cũng đi qua. Vào giây phút khó khăn này phải nhớ rằng ta giàu có hơn cảm xúc của ta nhiều lắm. Điều này rất đơn giản ai cũng biết, tuy nhiên ta cần phải nhắc đi nhắc lại rằng ta giàu có hơn cảm xúc của ta nhiều. Nhiều người khổ đau là vì họ không biết đối diện với cảm xúc.
Chúng ta không nên đợi cho cảm xúc xuất hiện rồi mới thực tập, vì như thế chúng ta sẽ bị cơn bão cuốn đi. Chúng ta phải luyện tập ngay bây giờ, ngay khi cảm xúc chưa xuất hiện. Chúng ta có thể ngồi hay nằm và thực tập hơi thở chánh niệm, sử dụng sự phồng xẹp của bụng làm đối tượng chú tâm của mình. Thực tập như vậy mỗi ngày mười phút thì nội trong hai mươi ngày là ta sẽ biết cách xử lý khi có cảm xúc mạnh đi lên. Sau mười hay hai mươi phút cảm xúc sẽ đi qua và ta sẽ được an toàn, không bị cơn bão cuốn đi.
Chăm sóc cơn giận
Cơn giận có sức mạnh đốt cháy và hủy diệt. Nếu không biết cách thực tập chánh niệm, ta sẽ bị cơn giận thiêu đốt và hủy hoại. Ta khổ đau và những người chung quanh ta cũng khổ đau. Vì vậy khi thấy cơn giận đi lên, ta phải làm gì ngay lập tức. Điều quan trọng là ta nên hành động mà không nên phản ứng. Chúng ta hành động bằng cách mời hạt giống chánh niệm lên. Chúng ta thở vào thở ra, bước những bước chân ý thức, chế tác năng lượng chánh niệm để chăm sóc cơn giận.
Giả sử như một người mẹ đang làm việc trong phòng khách và nghe con mình khóc. Người mẹ dừng công việc, đi vào phòng ẵm em bé lên và ôm nó một cách dịu dàng. Khi năng lượng của cơn giận phát khởi ta cũng làm y như vậy. Cơn giận của ta là em bé bị ốm. Ta phải chăm sóc nó, cho nó lắng dịu.
Người hành giả biết rằng cơn giận không phải là kẻ thù của mình, cơn giận là đứa bé đang đau khổ. Ta phải chăm sóc đứa bé, sử dụng năng lượng chánh niệm để ôm ấp cơn giận bằng cách nhẹ nhàng nhất. Người ấy có thể nói: “Thở vào, tôi biết cơn giận đang có trong tôi. Thở ra, tôi ôm ấp cơn giận một cách bình yên”.
Khi thở như vậy, ta có hai nguồn năng lượng: năng lượng giận và năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm được tiếp tục chế tác bởi hơi thở ý thức và bước chân thiền hành sẽ lan vào vùng năng lượng giận.
Vào mùa hè, nếu đi vào một căn phòng quá nóng thì ta mở cửa sổ hoặc mở máy quạt hay máy điều hòa nhiệt độ lên. Không khí lạnh không cần phải đuổi khí nóng ra ngoài. Hơi lạnh chỉ đi vào nhẹ nhàng ôm lấy hơi nóng. Mười lăm phút sau không khí sẽ khác. Khi đưa chánh niệm vào cơn giận cũng vậy. Không có sự đấu tranh trong sự thực tập này. Cơn giận không phải là kẻ thù của ta, nó chính là ta. Chúng ta không nên bạo lực với chính mình. Đừng nói rằng chánh niệm là thiện còn cơn giận là ác, cái thiện phải chống lại cái ác. Trong các phương pháp thực tập chánh niệm không có đấu trường để chiến thắng. Giả sử ta đang có một cơn giận rất mạnh mà ta có cảm giác là nó không nguôi thì ta phải rất kiên nhẫn. Bằng cách chế tác năng lượng chánh niệm và ôm ấp cơn giận một cách nhẹ nhàng, ta sẽ thấy lắng dịu.
Tiêu thụ chánh niệm
Để quên đi khối khổ đau, buồn phiền, sợ hãi và bạo động ta tìm cách tiêu thụ và đánh mất mình trong sự tiêu thụ đó. Tại sao ta phải bật ti vi lên? Tại sao ta phải xem ti vi khi chương trình chẳng có gì thú vị? Ta xem bởi vì ta muốn khỏa lấp nỗi đau buồn, sợ hãi và giận dữ bằng một thứ gì đó. Ta không muốn chúng đi lên, vì vậy ta đè nén chúng bằng cách tiêu thụ.
Có những nỗi cô đơn, sợ hãi và trầm cảm trong ta mà ta không muốn đối diện, vì vậy ta cầm tờ báo lên, mở radio, bật ti vi, nhấc điện thoại hay xách xe chạy. Ta làm mọi thứ để tránh chạm trán với chính mình. Tiêu thụ như thế là một cách trốn chạy; và những sản phẩm ta tiêu thụ tiếp tục mang độc tố của bạo động, sợ hãi, giận hờn vào ta. Đàn áp những cảm thọ khổ đau, đè nén những suy tư tiêu cực, ta tạo ra những bế tắc trong tâm, làm cho chúng không lưu thông được. Như thế, ta tạo nên triệu chứng trầm cảm và bệnh tâm thần.
Khi máu huyết không lưu thông tốt thì ta có những đau nhức trong thân thể như đau đầu, đau lưng, đôi khi đau khắp cả mình mẩy. Tập thể dục, xoa bóp cho máu huyết lưu thông tốt, ta cũng làm cho những triệu chứng đau nhức trong cơ thể biến mất. Tâm thức ta cũng vậy. Nếu ta ngăn chặn những suy tư tiêu cực bằng cách tiêu thụ thì ta cũng làm cho tâm ta bị bế tắc, không lưu thông được, và như vậy những triệu chứng của các bệnh tâm thần sẽ xuất hiện. Vì thế điều quan trọng là không nên đè nén hay đàn áp, hãy cho phép những nỗi sợ hãi, đau khổ, buồn chán đi lên.
Và ta chỉ có thể làm được điều này khi đã sẵn sàng, hoặc khi những nỗi khổ đau bị tràn ngập. Ta có thể mời những suy tư tiêu cực lên cùng với năng lượng chánh niệm được chế tác qua sự thực tập của chúng ta. Năng lượng chánh niệm có mặt đó để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa. Nếu ta có thực tập, nếu ta biết cách ngồi, thì năng lượng của niệm định trong ta sẽ đủ mạnh để làm công việc nhận diện, ôm ấp và làm cho khổ đau lắng dịu. Sau khi được ôm ấp bởi năng lượng chánh niệm và có sự lắng dịu thì năng lượng của sự sợ hãi, giận hờn, trầm cảm trong ta sẽ yếu đi.
Năng lượng thương yêu
Tất cả chúng ta đều sợ rằng nhu yếu thương và được thương của ta không được thỏa mãn. Nỗi sợ cô đơn luôn có đó trong mỗi chúng ta. Ta phải nhận diện nỗi sợ hãi và nhu yếu đó. Phải nhìn sâu vào chúng. Thương yêu là biết an ủi vỗ về, biết hiến tặng sự hiểu biết và cảm thông. Hiểu là suối nguồn của thương yêu. Ta sẽ cảm thấy đau khổ nếu không ai hiểu ta. Và khi người đó không hiểu ta nghĩa là người đó không thể thương ta. Không có sự hiểu biết thì tình thương cũng không thể có mặt. Sự thật là ta cần hiểu, cần thương. Và ta đi tìm người có thể cung cấp cho ta cả hai thứ ấy.
Giá như ai đó hiểu và thương mình. Giá như người đó đang ở đâu đó. Nhưng chúng ta phải đặt lại câu hỏi: “Ta có khả năng hiểu và thương người kia không? Ta có khả năng chế tác hiểu biết và thương yêu mà chính ta cũng cần không? Bởi vì nếu ta không có khả năng chế tác năng lượng hiểu biết thì ta không làm được gì cả.
Giáo pháp của Bụt nhằm giúp ta chế tác năng lượng hiểu và thương. Nếu ta có khả năng chế tác nguồn năng lượng này thì trước tiên nó sẽ giúp ta thỏa mãn nhu yếu được thương. Sau đó với khả năng hiểu và thương ta có thể ôm ấp người kia. Ta có thể làm cho người kia hạnh phúc khi chính ta hạnh phúc. Hạnh phúc tạo ra thêm hạnh phúc, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu.
Vì vậy vấn đề không phải là làm thế nào để được thương và được hiểu, mà là ta có khả năng chế tác được tình thương và thấu hiểu được chính mình hay không. Nếu làm được điều đó ta sẽ thấy sung sướng, bởi vì nguồn năng lượng này làm ta thỏa mãn và làm cho những người xung quanh ta cũng thỏa mãn. Đó là tình thương của Bụt. Tình thương chân thật là như vậy. Thực ra, thương một người là cơ hội để học thương tất cả mọi người. Nếu ta có khả năng hiểu và thương thì ta có thể làm ngay bây giờ không cần phải chờ đợi. Nếu ta thành công trong lĩnh vực này thì nỗi sợ hãi, lo lắng của ta biến mất, ta sẽ thấy sung sướng ngay.
Hiểu
Đôi khi ta tin rằng hành động của ta phát xuất từ tình thương, nhưng nếu hành động ấy không dựa trên nền tảng của hiểu thì nó sẽ mang lại khổ đau. Ta muốn làm cho ai đó hạnh phúc và ta tin chắc rằng ta làm điều đó vì tình thương, nhưng hành động của ta có thể làm cho người kia khổ đau rất nhiều. Cho dù ta tin rằng hành động của ta xuất phát từ tình thương thì ta cũng gây cho con ta, vợ ta, chồng ta, bạn ta hay đồng nghiệp của ta khổ đau trầm trọng, bởi vì ta không đủ hiểu người đó. Vì vậy ta cần có con mắt hiểu biết, cần có tuệ giác để làm công cụ thương yêu một cách hiệu quả.
Nếu ta không hiểu được khó khăn, khổ đau, không hiểu được ước muốn sâu sắc của người kia thì ta không thể thương được người đó. Vì vậy điều quan trọng là ta phải kiểm tra lại với người kia và xin người kia giúp đỡ. Người cha phải hỏi con: “Cha có hiểu con đủ không? Cha có làm cho con khổ vì sự thiếu hiểu biết của cha không?”
Người mẹ cũng phải có khả năng hỏi con mình: “Con có nghĩ là mẹ hiểu con không? Con nói cho mẹ nghe để mẹ có thể thương con đúng cách”. Đó là ngôn ngữ của yêu thương. Nếu mình thành thật thì con mình sẽ nói cho mình nghe những khổ đau của chúng. Và khi hiểu được nỗi khổ đau của chúng, ta sẽ không làm những điều gây khổ đau cho con mình nữa, những điều mà ta tin chắc là ta làm chỉ vì hạnh phúc và sự an sinh của chúng. Hiểu sâu là bản chất của thương yêu. Cánh tay của Bồ tát là biểu trưng cho hành động nhưng hành động của chúng ta phải được hướng dẫn kỹ càng bằng con mắt hiểu biết.
Bốn câu thần chú
Trong đạo Bụt có nói về thần chú. Thần chú là một phép thần, một khi phát ra là có thể thay đổi được toàn bộ tình trạng, tâm thức, cơ thể hoặc một con người. Nhưng thần chú phải được nói ra trong trạng thái định tĩnh, trạng thái mà trong đó thân và tâm hoàn toàn hợp nhất. Những gì ta nói trong trạng thái này sẽ trở thành thần chú.
Vì vậy tôi sẽ giới thiệu cho quý vị bốn câu thần chú rất linh nghiệm, không phải bằng tiếng Sanskrit, tiếng Tây tạng hay tiếng Anh mà bằng tiếng Việt.
Câu thần chú thứ nhất là: “Em yêu, anh có mặt đây cho em”. (Hay: “Mẹ ơi, con có mặt đây cho mẹ”). Có thể tối nay ta thực tập thở chánh niệm trong vài phút để đưa thân tâm về lại với nhau, rồi đến gần người ta thương, ta nhìn vào mắt người kia bằng niệm định và bắt đầu nói lên câu thần chú: “Em yêu, anh thật sự có mặt đây cho em”. (Hay: “Mẹ ơi, con thật sự có mặt đây cho mẹ”). Ta phải nói câu này bằng cả thân tâm, sau đó ta sẽ thấy sự chuyển hóa.
Có mặt là bước đầu tiên. Công nhận sự có mặt của người kia là bước thứ hai. Thương là công nhận, được thương là được người kia công nhận. Nếu ta thương một ai đó mà ta không biết hoặc cứ lờ đi sự có mặt của người ấy thì đó không phải là tình thương chân thật. Có thể ta không muốn bỏ mặc hay thờ ơ với người ấy nhưng cách ta làm, ta nói, ta nhìn không biểu hiện được ước muốn công nhận sự có mặt của người kia. Khi được ai đó thương, ta muốn người kia công nhận sự có mặt của ta. Đây là một sự thực tập rất quan trọng. Ta có thể làm tất cả những gì cần thiết để có thể làm được điều này: Nhận diện sự có mặt của người thương vài lần trong ngày.
Để đạt được mục đích này, ta cũng cần thực tập thân tâm hợp nhất. Thực tập thở vào thở ra năm, bảy lần, rồi đến gần người kia, nhìn vào người kia, mỉm cười và bắt đầu câu thần chú thứ hai: “Em yêu, anh biết em có đó nên anh rất hạnh phúc”. (Hoặc: “Mẹ ơi, con biết mẹ có đó nên con rất hạnh phúc”). Nếu ta thực tập như vậy với niệm định hùng hậu, ta sẽ thấy người kia nở ra ngay như một đóa hoa. Được thương là được công nhận. Ta có thể thực tập như thế vài lần trong ngày, điều này không khó. Đây đích thực là thiền tập.
Câu thần chú thứ ba thường được dùng trong những trường hợp người thương của ta khổ đau. Sống có chánh niệm, ta biết được những gì đang xảy ra cho ta trong giây phút hiện tại. Vì vậy ta cũng dễ dàng thấy được khi người thương của ta khổ đau. Ngay lúc đó ta đến với người kia, với thân tâm hợp nhất và định tĩnh, ta phát ra câu thần chú thứ ba: “Em yêu, anh biết em đang khổ đau và anh đang có mặt đây cho em”. (Hoặc: “Mẹ, con biết mẹ đang khổ đau nên con có mặt đây cho mẹ”). Bởi vì khi khổ đau, ta rất cần sự có mặt của người ta thương. Khi ta khổ mà người ta thương không biết ta đang khổ thì ta càng khổ hơn. Vì vậy điều ta có thể làm ngay lập tức là có mặt thật sự cho người ta thương và nói lên câu thần chú với tất cả chánh niệm của mình: “Em yêu, anh biết em đang khổ nên anh có mặt cho em đây”. Chưa làm gì mà người kia đã thấy bớt khổ rồi. Sự có mặt của mình là một phép lạ. Hiểu được nỗi khổ của người kia là một phép lạ và chúng ta có thể hiến tặng phép lạ cho người ta thương ngay lập tức.
Câu thần chú thứ tư khó thực tập hơn. Câu này thực tập khi chính ta đau khổ và ta nghĩ rằng nỗi khổ của ta do chính người ta thương nhất trên đời tạo ra. Nếu như một ai khác nói hay làm điều đó với mình thì chắc mình sẽ ít khổ hơn. Nhưng đằng này chính người mình thương nhất trên đời nói điều đó với mình, làm điều đó với mình, vì vậy mà mình khổ hơn. Mình tổn thương nặng nề vì nỗi khổ đau của mình do người mình thương nhất gây nên. Mình muốn chạy vào phòng đóng cửa lại, một mình mình khóc, một mình mình hay. Mình không muốn đến với người kia để cầu cứu sự giúp đỡ. Chính cái tự ái này là một chướng ngại.
Theo lời Bụt dạy, trong tình thương chân thật không có chỗ cho sự tự ái. Mỗi khi khổ đau, ta phải tới với người kia để cầu cứu sự giúp đỡ. Đó là tình thương chân thật. Đừng để tự ái chia cách mình. Nếu ta nghĩ rằng tình thương của ta dành cho người kia là tình thương chân thật thì ta phải vượt qua tự ái, phải luôn luôn tới với người kia. Chính vì vậy mà tôi phát minh ra câu thần chú này. Thực tập để đưa thân tâm về lại với nhau trước khi tới với người đó nói câu thần chú thứ tư: “Em yêu, anh đang khổ, và anh cần em giúp đỡ”. (Hoặc: “Mẹ ơi, con đang khổ và con cần mẹ giúp con”).
Truyền thông chánh niệm
Ngày nay truyền thông giữa người với người, giữa những cá nhân, gia đình và quốc gia đã trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên có những phương pháp cụ thể để tự rèn luyện cách truyền thông bất bạo động, để tình thương trong mỗi người được đánh thức, để chúng ta có thể hiểu nhau, thông cảm cho nhau.
Nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu là những thực tập tinh yếu cho việc truyền thông bất bạo động. Truyền thông chánh niệm nghĩa là ý thức những gì ta đang nói và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, có ý thức, là lắng nghe người khác một cách sâu sắc để hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng ta có thể dùng phương pháp này trong bất kỳ lúc nào, ở đâu, trong tình huống nào.
Để cho cơ thể khỏe mạnh, trái tim ta phải bơm máu liên tục. Để cho mối quan hệ của ta lành mạnh, ta cũng cần truyền thông chánh niệm liên tục. Tuy nhiên nhiều người thấy khó để truyền thông có hiệu quả, bởi vì họ có quá nhiều tuyệt vọng và giận hờn. Cho dù khi đến với người kia, ta có thiện chí muốn lắng nghe hết lòng nhưng nếu ta không có khả năng sử dụng ái ngữ, định tĩnh thì không có hy vọng người kia sẽ nghe ta và hiểu những gì ta nói. Có thể ta có chủ tâm dùng ái ngữ và định tĩnh nhưng thường khi bắt đầu nói thì nỗi khổ đau, tuyệt vọng và sợ hãi đi lên. Mặc dù với thiện chí tốt nhất, ta cũng bắt đầu phàn nàn, đổ lỗi và phê phán gắt gao. Lời nói của ta bắt đầu phát ra một năng lượng khiến người kia chống lại ta, bởi vì họ không thể chịu nổi những gì ta đang nói. Truyền thông giữa ta và người kia bị đổ vỡ. Khi tình hình như thế xảy ra, ta phải học đi học lại cách truyền thông. Điều quan trọng là làm thế nào để học cách lắng nghe sâu và sử dụng ái ngữ? Để làm được điều này trước tiên ta phải chăm sóc nỗi đau và cơn giận của chính ta. Bằng cách thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân thiền hành, ta làm lớn mạnh nguồn năng lượng chánh niệm trong ta. Ta cần tập luyện trong vòng vài tuần hay thậm chí vài tháng để có thể vượt qua nỗi đau và sử dụng ngôn ngữ từ ái. Khi chánh niệm hùng hậu, ta sẽ dễ dàng nhìn sâu hơn vào tình trạng của ta để làm phát khởi hiểu biết và thương yêu.
Khả năng lắng nghe sâu cũng vậy. Nếu ta không có khả năng ôm ấp, chuyển hóa niềm đau, hờn giận của chính ta thì sẽ khó để lắng nghe niềm đau của người khác, đặc biệt là khi lời nói của người kia đầy phán xét tiêu cực, đầy tri giác sai lầm và mang tính đổ lỗi. Trong thâm tâm ta, ta biết rằng ta nên lắng nghe và ta đã cố gắng hết sức nhưng thường thì sau vài phút ta không còn nghe nổi nữa cho dù là thêm một lời. Ta thấy quá đầy. Cho dù ta đã phát nguyện là bất kể lời nói có khiêu khích cách mấy, có quyết đoán không đúng ta vẫn ngồi yên lắng nghe bằng tâm từ bi nhưng ta không thể làm được điều đó. Thiện chí của ta biến mất bởi vì ta không thể xử lý được nỗi đau đang lớn lên trong ta.
Tuy nhiên, nếu ta có khả năng lắng nghe thì chỉ trong vòng một giờ người kia sẽ bớt khổ đi nhiều. Lắng nghe với tâm cởi mở, ta sẽ có khả năng làm cho tình thương sống dậy. Ta sẽ hiến tặng cho người kia cơ hội để bày tỏ những khổ đau của họ.
Lắng nghe như thế đòi hỏi phải có sự tập luyện. Thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân thiền hành có thể chuyển hóa hạt giống giận dữ và bực bội trong ta, cho phép trái tim ta mở rộng để lắng nghe người khác bằng tình thương và lòng bi mẫn.
Con người đích thực
Thông thường trong đời sống gia đình, người ta phải thương lượng thỏa hiệp để có bình an. Người ta mua một ít bình an để có thể cầm cự qua ngày. Nếu ta cũng sống như vậy thì ta không phải là một bậc đại nhân, mà chỉ là một cái bát nứt, không thể chứa được một bát cháo. Nếu muốn trở thành một pháp khí lớn ta phải quyết tâm không để cho người khác lừa gạt mình.
Thiền sư Lâm Tế đã khuyên chúng ta nhiều lần phải làm chủ hoàn cảnh của mình. Điều đó không có nghĩa là ta phải đấu tranh hay đàn áp người kia. Giả sử ta có một người bạn rất dễ nổi giận, ta nghĩ người đó đang có vấn đề và ta tìm cách đè cơn giận của người kia xuống. Ta có thể nghĩ rằng vì người kia lên giọng nên ta phải lên giọng. Hoặc, ta có thể làm chủ chính mình trong tình huống này, thương những khó khăn của người kia. Đôi khi người đó không phải là con người trong hiện tại, mà là con người trong quá khứ nhưng ta nghĩ đó là nguyên nhân chính của vấn đề. Ta nói rằng ta hành xử như vậy là vì ba mẹ ta hay ai đó đã hành xử với ta như thế khi ta còn nhỏ. Nhưng mỗi người đều có một nghiệp lực riêng và mỗi người đều là người thầy trong chính hoàn cảnh hiện tại của mình, mà không phải nô lệ cho quá khứ hay hiện tại của người khác.
Con người đích thực không đi tìm người thầy bên ngoài. Ta phải có trách nhiệm cho vận mệnh của ta, ta phải có trách nhiệm cho lời nói, suy nghĩ, hành động của ta. Chánh niệm giúp ta làm được điều này. Ta sẽ nhận ra: “Tôi đang suy nghĩ như vậy, tôi có trách nhiệm cho những suy nghĩ của tôi. Tôi đã nói như vậy, tôi có trách nhiệm cho những lời nói của tôi. Tôi làm như vậy và tôi có trách nhiệm cho hành động của tôi”. Ta phải biết rằng mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ đều mang theo chữ ký của mình. Chúng ta phải có trách nhiệm cho nó, phải có trách nhiệm với chính tự thân mình. Cho dù ở đâu, đứng hay ngồi thì ta cũng là một con người tự do. Ta vẫn là ta. Ta là người thầy cho chính mình. Chúng ta chỉ cần sống với tám chữ: “Dù ở đâu cũng làm người đích thực” là đủ để làm học trò của thiền sư Lâm Tế, xứng đáng là sự tiếp nối của Ngài. Hãy viết tám chữ này treo lên đâu đó để nhắc nhở mình.
Tri giác sai lầm
Có một người đàn ông bỏ nhà đi rất lâu. Trước khi đi, vợ ông có thai nhưng ông không biết. Khi ông ta trở về thì vợ sinh con. Ông ta nghi ngờ đứa con này không phải của ông, và tin rằng nó là con hàng xóm, người thường qua giúp việc cho gia đình ông. Ông ta nhìn đứa bé một cách nghi ngờ và ghét nó. Nhìn mặt đứa bé là ông thấy mặt người hàng xóm. Một ngày nọ người anh của ông đến thăm, thấy cậu bé, người anh thốt lên: “Nó giống mày như đúc, như một khuôn đúc ra vậy”. Chuyến viếng thăm của người anh là một sự kiện hạnh phúc, giúp người cha buông bỏ được tri giác sai lầm. Chính tri giác sai lầm này đã thống trị, làm khổ người vợ 12 năm. Nó làm cho người cha khổ đau cùng cực, làm cho người vợ điêu đứng và tất nhiên cũng làm cho cậu bé khổ đau vì sự hận thù.
Ta luôn hành động dựa trên những tri giác sai lầm. Ta không nên tin chắc vào bất kỳ một tri giác nào của mình. Khi nhìn cảnh mặt trời lặn, có thể ta tin rằng ta đang thấy mặt trời thực, nhưng nhà khoa học cho ta biết rằng mặt trời mà ta thấy là mặt trời của cách đây tám phút. Từ một khoảng cách xa như thế ánh nắng mặt trời phải mất tám phút để đến trái đất của chúng ta. Khi nhìn một vì sao ta cũng nghĩ là vì sao đang ở đó, nhưng ngôi sao kia có thể đã biến mất cách đây một, hai hay mười ngàn năm rồi.
Ta phải cẩn thận với tri giác của ta nếu không ta sẽ khổ đau. Ta có thể viết xuống tờ giấy câu “có chắc không?” treo lên trong phòng. Trong các bệnh viện và các phòng khám y khoa, người ta cũng bắt đầu treo những câu như: “Dù chắc chắn rồi vẫn phải kiểm tra lại”. Đây là một lời cảnh báo rằng nếu không tìm ra bệnh sớm thì sẽ khó để điều trị. Các bác sĩ y khoa không nghĩ đến các tâm hành. Họ nghĩ đến căn bệnh chưa phát hiện. Nhưng chúng ta cũng có thể sử dụng khẩu hiệu này: “Dù chắc chắn rồi vẫn phải kiểm tra lại”. Ta đã làm cho tự thân khổ đau. Ta đã xây nên địa ngục cho chính mình và cho những người thương bởi tri giác sai lầm. Ta có chắc về tri giác của ta không?
Có những người khổ đau mười, hai mươi năm vì tri giác sai lầm. Họ nghĩ rằng người kia đã phản bội họ, thù ghét họ cho dù người kia chỉ không đáp lại thiện chí của họ. Là nạn nhân của tri giác sai lầm, ta sẽ làm cho chính ta và những người chung quanh khổ đau rất nhiều.
Khi giận dữ hoặc khổ đau, ta phải trở về kiểm tra lại nội dung và bản chất tri giác của ta. Nếu ta có khả năng lấy đi tri giác sai lầm thì hạnh phúc an vui sẽ được phục hồi, ta sẽ có khả năng thương lại người kia.
Buông bỏ
Buông bỏ nghĩa là buông bỏ cái gì đó. Cái đó có thể là đối tượng của tâm thức do ta tạo nên: một ý niệm, một cảm thọ, một mong muốn hay một niềm tin. Kẹt vào ý niệm đó có thể gây nên nhiều khổ đau và hệ lụy. Chúng ta muốn buông bỏ nó đi nhưng buông như thế nào? Chỉ muốn thôi thì không đủ. Trước tiên ta phải nhận diện nó như một cái gì có thật. Ta phải nhìn sâu vào bản chất của chúng và xem thử chúng từ đâu đến, bởi vì những ý niệm này được phát sinh từ những cảm thọ, cảm xúc và những kinh nghiệm quá khứ của ta, từ những điều mà ta đã thấy và đã nghe. Với năng lượng chánh niệm, chánh định ta có thể nhìn sâu và khám phá ra gốc rễ của những ý niệm, cảm thọ, cảm xúc, mong muốn này. Chánh niệm và chánh định đưa đến tuệ giác. Tuệ giác giúp ta buông bỏ đối tượng của tâm thức.
Giả sử ta có một ý niệm về hạnh phúc, về những điều kiện làm nên hạnh phúc của ta. Ý niệm này có gốc rễ trong ta và trong môi trường ta sống. Nó cho ta biết những điều kiện nào ta cần để có hạnh phúc. Ta ôm ấp ý niệm này mười, hai mươi năm và bây giờ ta nhận ra rằng chính ý niệm này làm ta đau khổ. Có thể trong đó có yếu tố của vô minh, tham lam và giận dữ. Những yếu tố này là bản chất của khổ đau. Mặt khác ta biết rằng ta cũng có những yếu tố khác như niềm vui, sự buông bỏ hay tình thương đích thực. Nhận ra những yếu tố này cho ta những giây phút hạnh phúc đích thực. Khi ta chế tác được những giây phút hạnh phúc đích thực thì việc buông bỏ những đối tượng tham đắm trở nên dễ dàng hơn, bởi vì ta có tuệ giác, rằng những đối tượng tham đắm này không làm ta hạnh phúc.
Rất nhiều người muốn buông bỏ nhưng họ không làm được vì họ chưa đủ tuệ giác, họ chưa thấy được những thứ khác, những cánh cửa khác mang tới cho họ hạnh phúc an vui. Sợ hãi là một yếu tố ngăn cản ta buông bỏ. Ta sợ rằng nếu buông bỏ thì ta không còn gì để bám víu. Buông bỏ là một sự thực tập, là một nghệ thuật. Một khi ta đủ mạnh, đủ quyết tâm thì ta sẽ buông bỏ những phiền não dễ dàng.
Mặc cảm tự ti
Nhiều người có ý niệm rằng họ không giỏi gì cả, họ không thể thành công như những người khác. Vì vậy họ không thể hạnh phúc. Họ ganh tị với những thành đạt và địa vị của người khác, trong khi họ tự cho họ là thất bại vì không có những thành công như những người khác.
Ta phải giúp cho những người có tư tưởng như thế. Ta phải tới với người đó và nói: “Anh không nên có mặc cảm tự ti. Tôi thấy trong anh có những hạt giống rất tốt có thể được phát triển và làm cho anh trở thành bậc đại nhân. Nếu nhìn sâu và tiếp xúc với những hạt giống hiền thiện trong anh, anh sẽ có khả năng vượt qua mặc cảm vô dụng và biểu hiện bản chất thật của anh”. Thiền sư Quy Sơn có viết: “Kẻ kia đã là đấng trượng phu thì tại sao ta lại không? Đừng nên có mặc cảm tư ti mà chùn bước chịu thua”.
Những từ này đánh thức chúng ta. Trong xã hội hiện đại, các nhà tâm lý trị liệu báo cáo rằng nhiều người khổ đau vì mặc cảm tự ti. Họ thấy họ không có giá trị, không có gì để hiến tặng; và họ rơi vào trạng thái trầm cảm, không còn sinh hoạt bình thường, không còn khả năng chăm sóc cho bản thân hay cho gia đình. Các nhà tâm lý, trị liệu, chăm bệnh, thầy giáo, cô giáo, các nhà lãnh đạo tâm linh, những ai gần gũi với những người này phải có bổn phận giúp họ thấy được thực chất của họ rõ ràng hơn để họ có thể giải phóng chính họ ra khỏi sự vô minh, rằng họ là vô dụng. Nếu ta biết bạn ta, những người trong gia đình coi họ là vô dụng, bất lực, không có khả năng làm những điều hay ho, có ý nghĩa; và những độc ảnh tiêu cực này lấy đi hạnh phúc của người đó thì ta phải giúp người đó lấy đi cái mặc cảm này.
Ta cũng phải thực tập để không tạo thêm những mặc cảm vô dụng nơi người khác. Trong đời sống hằng ngày, có khi ta nôn nóng, bực bội, vì thế ta đã nói những điều chỉ trích, phán xét, khó nghe, đặc biệt liên quan đến con cái ta. Khi chúng bị nhiều áp lực vì công việc, học hành, bố mẹ thường mắc sai lầm là nói những điều gắt gỏng, không dễ thương, hay đổ lỗi trong những lúc căng thẳng bực bội. Đất tâm của đứa bé còn rất non nớt, tươi mới vì vậy nếu ta gieo những hạt giống tiêu cực như thế vào con ta thì ta sẽ hủy diệt khả năng hạnh phúc của chúng. Vì vậy phụ huynh, thầy cô giáo, anh chị em, bạn bè, tất cả phải rất thận trọng. Ta phải thực tập chánh niệm để tránh gieo vào tâm thức của con em, học sinh, những người trong gia đình, bạn bè… những hạt giống tiêu cực.
Trị liệu quá khứ
Hiện tại của ta là hiện tại của tất cả tổ tiên ta. Họ vẫn còn sống trong ta. Mỗi khi ta cười là tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu và tất cả các thế hệ tương lai cũng đang mỉm cười. Chúng ta không chỉ thực tập cho bản thân mình mà cho tất cả mọi người, cho tất cả các dòng sinh mạng. Nếu ta đã gây nên những lầm lỗi làm cho người thương của ta khổ đau mà người đó không còn sống nữa thì ta cũng đừng tuyệt vọng. Ta có thể trị liệu vết thương trong chính tự thân mình. Người mà ta nghĩ đã qua đời thực ra vẫn còn sống trong ta. Ta có thể làm cho người kia mỉm cười. Giả sử khi bà ta còn sống, vì thất niệm ta đã nói những điều khiến cho bà đau khổ và ta vẫn còn ân hận. Thì hãy ngồi xuống, thở những hơi thở chánh niệm, quán tưởng bà đang ngồi với mình và nói: “Bà ơi, con xin lỗi bà, con sẽ không bao giờ nói những điều như thế nữa với bà hay với bất cứ người nào con thương”. Nếu ta thành tâm, định tĩnh và nói ra những lời chánh niệm, ta sẽ thấy bà trong ta mỉm cười và vết thương được trị liệu. Lỗi lầm là do những vụng về, thất niệm trong tâm gây ra nên cũng từ tâm mà chuyển hóa. Đó là lời Bụt dạy.
Cho dù ta nghĩ rằng quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, nhưng nếu nhìn sâu ta sẽ thấy được thực tại lớn hơn thế. Quá khứ nằm trong hiện tại vì hiện tại được làm bằng quá khứ. Theo giáo lý này thì nếu ta thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại và tiếp xúc được với hiện tại sâu sắc, ta cũng tiếp xúc được với quá khứ và có khả năng sửa chữa quá khứ. Đây là giáo lý và là một sự thực tập rất mầu nhiệm. Ta không cần phải mang vết thương suốt đời. Tất cả chúng ta ai cũng có khi thất niệm. Dù ta đã gây nên những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải luôn mang theo tội lỗi ấy mà không chuyển hóa được. Tiếp xúc sâu sắc với hiện tại, ta tiếp xúc được với quá khứ. Chăm sóc hiện tại ta sẽ sửa chữa được quá khứ. Thực tập làm mới là thực tập của tâm. Một khi đã nhận ra những lỗi lầm ta đã gây ra trong quá khứ, ta quyết tâm không bao giờ lặp lại nữa. Vết thương được trị liệu. Đó là một sự thực tập mầu nhiệm.
Đi với ba mẹ
Khi đi, ta đi cho ai? Ta có thể đi để đến một nơi nào đó, nhưng ta cũng có thể đi như một sự thiền tập. Chúng ta có thể đi cho ba mẹ, ông bà. Ba mẹ, ông bà ta có thể không biết cách đi thiền hành. Tổ tiên của ta có thể sống cả đời mà không có cơ hội bước đi những bước chân an lạc hạnh phúc, không biết thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Đó là một điều đáng tiếc mà ta không nên lặp lại.
Tất cả tổ tiên và các thế hệ tương lai đang có mặt trong ta. Giải thoát không phải là vấn đề cá nhân. Một khi tổ tiên trong ta còn khổ đau thì ta không thể hạnh phúc được và ta sẽ trao truyền khổ đau ấy cho con cháu ta.
Đã đến lúc ta phải giải phóng cho tổ tiên ta và cho các thế hệ tương lai bằng cách giải phóng chính mình. Nếu ta có thể bước được một bước chân tự do hạnh phúc, tiếp xúc được với đất Mẹ một cách chánh niệm thì ta có thể bước được một trăm bước hạnh phúc tự do. Ta đi cho ta, cho các thế hệ tổ tiên và cho con cháu ta. Tất cả chúng ta đều trở về và cùng nhau tìm lại hạnh phúc bình an.
Khi bước đi, ta quán tưởng mẹ ta cũng đang bước với ta. Điều này không có gì khó cả vì ta biết rằng chân ta là sự tiếp nối của bàn chân mẹ. Thực tập sâu sắc ta sẽ thấy được mẹ có mặt trong mỗi tế bào cơ thể ta. Cơ thể ta cũng là sự tiếp nối của cơ thể mẹ. Khi bước một bước, ta có thể nói: “Mẹ ơi, đi với con mẹ nhé”. Tự nhiên ta cảm được mẹ trong ta đang bước với ta. Có thể trong suốt cuộc đời của mẹ, mẹ không có nhiều cơ hội để bước đi trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với đất Mẹ như ta. Từ từ tình thương và lòng từ bi trong ta phát khởi. Đó là nhờ ta thấy được mẹ đang bước với ta. Đây không phải tưởng tượng mà là một thực tại.
Ta có thể mời ba cùng đi với ta. Ta có thể mời người thương cùng đi với ta ngay bây giờ, ở đây. Ta có thể mời người ấy đi với mình mà không cần có con người bằng xương bằng thịt của họ ở đó. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên ta. Tổ tiên ta hoàn toàn có mặt trong mỗi tế bào cơ thể ta. Khi ta bước một bước chân an lạc thì ta biết rằng tất cả tổ tiên ta cũng đang bước bước chân ấy với ta. Hàng triệu bước chân cùng bước một lần. Với kỹ thuật phim ảnh người ta có thể tạo ra hình ảnh đó. Hàng ngàn bước chân đang cùng bước một lần. Tâm ta cũng có thể làm được điều ấy. Tâm ta có thể thấy được hàng ngàn, hàng triệu bước chân của tổ tiên ta đang cùng bước với ta. Sự thực tập quán tưởng này sẽ phá tan đi ý niệm mình là một cái ngã riêng biệt. Ta đi và tổ tiên ta cũng đi.
Ta có thể đi bằng đôi chân của mẹ. Mẹ thật tội nghiệp, mẹ không có nhiều cơ hội để đi như vậy. Ta có thể nói với mẹ: “Mẹ ơi, mời mẹ đi với con”. Và ta có thể đi với mẹ, trái tim ta sẽ ngập tràn tình thương. Ta giải thoát cho ta và đồng thời giải thoát cho mẹ, bởi vì sự thật là mẹ có trong ta, trong mỗi tế bào cơ thể ta. Ba ta cũng hoàn toàn có mặt trong mỗi tế bào cơ thể ta. Ta có thể nói với ba: “Ba ơi, mời ba đi với con”. Tức thì ta bước đi bằng đôi chân của ba. Rất lý thú và bổ ích. Điều này không khó. Ta không cần phải gồng mình hay đấu tranh để làm chuyện này. Ta chỉ cần ý thức và mọi chuyện sẽ xảy ra rất mầu nhiệm. Ta cũng có thể ngồi cho mẹ. Có rất nhiều người mẹ không có cơ hội để ngồi yên mà không làm gì cả. Đây là một công việc rất quan trọng. Chúng ta chỉ ngồi và thở cho có chánh niệm, đó là điều mà ta có thể làm cho mẹ, cho dù mẹ ta đã qua đời hay còn sống với ta, cho dù mẹ ở xa ta hay gần ta, ta cũng có thể làm được điều ấy. Sau khi có thể đi cho người thương, ta có thể đi cho những người đã làm ta điêu đứng. Đi cho những người đã công kích ta, những người đã tàn phá nhà cửa, đất nước và dân tộc ta. Những người này đã không hạnh phúc. Họ không đủ tình thương cho chính họ và cho những người chung quanh. Họ làm cho đời sống của ta, của gia đình và của dân tộc ta trở nên nghèo nàn khốn đốn. Và đến lúc ta có thể đi cho họ. Đi như thế ta trở thành Bụt, trở thành Bồ tát tràn đầy tình thương và cảm thông, đầy từ bi và hiểu biết.
[1] Chất hoóc-môn tiết ra từ tuyến thượng thận, làm tăng huyết áp, tim đập nhanh và hoạt động như một tác nhân truyền tín hiệu thần kinh khi cơ thể bị căng thẳng hay gặp nguy hiểm.