Mi lộc y dã
麋 鹿 依 野
Điểu y hư không
鳥 依 虛 空
Pháp quy kỳ báo
法 歸 其 報
Chân nhân quy diệt
真 人 歸 滅
Hươu nai nương đồng quê
Chim chóc nương trời mây
Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện
Các bậc chân nhân nương vào Niết bàn để sống thảnh thơi.
Kinh hay như một bài thơ. Nếu không có rừng, thì nai không có hạnh phúc. Ta đem nai nhốt vào vườn bách thú hay nhốt vào trong cũi thì làm gì nai có được hạnh phúc? Nai chỉ có hạnh phúc, khi nó có thảnh thơi. Trong Tương Ưng Bộ, có một kinh rất ngắn nói về con nai:
Một thuở nọ có nhiều vị khất sĩ kết hạ tại một khu rừng tại miền quê Kosala. Sau khi đã kết hạ ba tháng, các vị khất sĩ bắt đầu rời khu rừng để đi du hành. Một vị thiên giả trú ở khu rừng này thấy vắng bóng các vị khất sĩ, than thở, buồn bã nói lên một bài kệ sau đây:
Hôm nay trong lòng ta
Trống vắng không niềm vui.
Những chỗ ngồi hôm qua
Giờ đây không ai ngồi.
Các bậc đa văn ấy
Thuyết pháp thật là giỏi.
Đệ tử Đức Thế Tôn
Hiện đi đâu hết rồi?
Vị thiên giả ngồi khóc. Khi nghe bài kệ, một vị thiên giả khác đang có mặt, dùng một bài kệ khác để trả lời vị thiên giả kia:
Họ đi đâu hả?
Họ đi Ma Kiệt Đà
Họ đi Câu Tát La
Còn những khất sĩ khác
Thì đi về Bạt Xà.
Như nai thoát bẫy sập
Chạy nhảy khắp bốn phương.
Đời sống người xuất gia
Là thảnh thơi như thế.
Con nai không muốn bị nhốt, nó chỉ muốn thảnh thơi, và nó nương vào đồng quê.
Mi lộc ư dã: Nai thì nương vào đồng quê.
Điểu y hư không: Chim chóc thì nương vào hư không. Không có không gian, chim làm gì có hạnh phúc. Chỉ cần nhìn chúng bay vút lên cao là ta thấy hạnh phúc của con chim rồi.
Hươu nai có chỗ hạnh phúc của nó và chim chóc cũng có chỗ hạnh phúc của nó.
Pháp quy kỳ báo: Bốn chữ nầy là cả một vấn đề.
Trong một ấn bản khác mà Đại Tạng Kinh trích dẫn, chữ “kỳ báo” được thay bằng chữ “phân biệt”, Pháp quy phân biệt. Như trong phẩm Viên Tịch của Pháp Tập Yếu Tụng Kinh cũng chép “nghĩa quy ư phân biệt.” Có lẽ người chép kinh không hiểu “Pháp quy phân biệt” là gì, nên sửa lại là “Pháp quy kỳ báo”. Đây là tam sao thất bản. Cũng như trong ấn bản Truyện Kiều mới, người ta không hiểu được cụ Nguyễn Du, nên họ sửa lại văn của cụ. Khi Thúy Kiều đang ở trong Quan Âm Các, cụ Nguyễn Du viết:
Sớm trưa lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương.
Cụ Nguyễn Du viết chữ “phiến mây” rõ ràng. Nhưng người in Truyện Kiều nghĩ phiến mây là gì, trong chùa thì chỉ có phướn thôi nên viết là phướn mây. Lá bối là đọc kinh. Là người tu, buổi sáng, buổi trưa chúng ta đọc kinh và buổi tối chúng ta thỉnh chuông. Trong chùa có một cái chuông hình đám mây gọi là vân bản. Phiến mây là vân bản. Vân bản được đúc hình đám mây.
Câu “Pháp quy kỳ báo” thì dễ hiểu: các pháp do quả báo của nó mà có. Làm lành có lành, làm dữ có dữ. Vì vậy, pháp quay trở về quả báo của nó. Chép như vậy không sai với đạo lý: cái gì cũng có nhân có quả, có nghiệp, có báo.
Nhưng trong văn mạch của kinh, thì câu “pháp quy kỳ báo” đó không ăn khớp với kinh lắm. Vì vậy chúng ta lấy lại chữ “phân biệt” trong một ấn bản khác. Chúng ta đọc là:
Pháp quy phân biệt: Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện. Phân biệt, được dịch từ chữ vikalpa. Chữ vikalpa có khi được dịch là biến kế, tức tâm thức của mình phân biệt.
Trong “Duy thức tam thập tụng” có bài kệ:
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt.
Đây là bản dịch của thầy Huyền Trang.
Trong nguyên văn chữ Phạn là: Sự chuyển biến của thức là sự phân biệt. The manifestation of consciousness is discrimination. Khi thức chuyển biến thì trở thành phân biệt (vikalpa). Vijñāna-pariṇāma vikalpa.
Theo nguyên tác, phải dịch như thế nầy: Sự chuyển biến của thức tức là phân biệt. Nhưng thầy Huyền Trang ngưng ở chữ chuyển biến và cho chữ phân biệt xuống dưới nên có thể có sự hiểu lầm. Phân biệt có hai thứ: năng phân biệt và sở phân biệt, tức chủ thể và đối tượng. Rồi người ta tưởng chủ thể và đối tượng là hai cái khác nhau, không thể tách rời nhau.
Trong một buổi pháp thoại vừa rồi tại Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu, tôi có lấy ví dụ đồng 2 Euro. Nó có hai mặt, một mặt trái và một mặt phải. Nhưng cả trái, cả phải đều do chất đồng của đồng Euro làm ra.
Thức là chất đồng, là chất kim khí và khi chuyển biến thành đồng Euro thì nó trở thành hai mặt, mặt trái và mặt phải của đồng Euro. Đó là sự phân biệt. Chính sự chuyển biến của thức trở thành ra sự phân biệt.
Câu kinh này rất sâu, rất uyên áo. Ta không biết tự tánh (true nature) của các pháp như thế nào, nhưng cái ta nhận thức được bằng tâm của ta chỉ là phân biệt (vikalpa). Cây cối, ánh sáng mặt trời, cái bàn… chỉ là biểu hiện của tâm thức. Tâm thức thấy chúng là như vậy, nhưng chưa chắc chúng đã là như vậy. Chúng là đối tượng của biến kế, của phân biệt. Tâm nhận thức như vậy, nhưng chưa chắc là như vậy. Nhìn người kia, ta tưởng ta nắm được người kia, nhưng kỳ thực ta chỉ nắm được những nhận thức của ta về người kia thôi. Hình ảnh của người kia là nhận thức của ta. Ta tưởng ta biết mặt trời là cái gì, nhưng thật ra mặt trời trong nhận thức ta chẳng qua chỉ là một sáng tạo phẩm của tâm thức ta (mental construction).
Các nhà khoa học lượng tử (quantum mechanics) cũng đang tìm mọi cách để thấy được bản chất của các điện tử, các lượng tử (nature of the quantum). Họ có thể đạt tới được cái bản chất, cái tự thân (svabhāva) của quantum hay không? Đạo Phật nói không thể đạt được. Dùng trí óc phân biệt thì ta thấy tâm của ta nhiều hơn là thấy sự thật. Sự vật quanh ta, tùy theo tâm thức của ta mà hiện ra như thế này hay như thế kia. Có khi nó hiện ra như một đợt sóng, có khi nó hiện ra như một cái hạt. Tùy theo tâm của ta, ta đặt câu hỏi thế này thì nó hiện ra như cái hạt, ta đặt câu hỏi cách khác thì nó hiện ra như đợt sóng. Vì vậy, các pháp là do phân biệt mà có. Câu “sự vật do tâm thức mà biểu hiện” rất hay. Các nhà khoa học phải nghiên cứu điều đó.
Quan niệm “sự vật là một cái riêng và tâm thức là một cái riêng, hai cái tồn tại độc lập” là một sai lầm căn bản.
Câu kinh “Pháp quy phân biệt” rất sâu! Lĩnh vực của các pháp là tâm thức. Nhà của hươu nai là đồng quê, nhà của chim chóc là không gian, nhà của sự vật là tâm thức, tâm chứa hết tất cả các pháp. Còn người tu, nhà của người tu ở đâu?
Chân nhân quy diệt: Chân nhân là người tu. Chân là thiệt, nhân người. Một người muốn sống thật đời sống của mình, gọi là chân nhân.
Chân nhân là một danh từ rất hay của Lão giáo, Khổng giáo. Cư sĩ Chi Khiêm cũng như thầy Tăng Hội là những người rất can đảm. Họ đã sử dụng những danh từ của Khổng giáo hoặc của Lão giáo để dịch kinh. Thiền sư Lâm Tế cũng dùng chữ chân nhân, vô vị chân nhân, tức con người thật, không có vị trí. Người tu, trước hết là con người muốn sống thật với mình, không giả dối, không đeo mặt nạ.
Chân nhân là những bậc thánh. Chỗ nương tựa của họ là Niết bàn. Nếu con nai có chỗ thích thú của nó là đồng quê, nếu con chim có chỗ thích thú của nó là không gian, thì người tu có chỗ thích thú của họ là Niết bàn. Niết bàn là cái đã có sẵn, ta đang ở Niết bàn, chỉ có điều là ta không trở về được thôi.
Làng Mai chúng ta hay có một ví dụ đơn sơ là nước và sóng. Sống đời sống của một đợt sóng thì ta lao đao, sợ hãi tại vì đợt sóng phải đi lên đi xuống, có sinh có diệt, có có có không. Rất khó sống đời sống của một đợt sóng. Ta thấy rất rõ. Nhưng khi đợt sóng khám phá ra mình là nước, thì nó bắt đầu tập sống với tư cách nước. Sóng thì có lên có xuống, có có có không, có cao có thấp. Nhưng nước thì hoàn toàn tự do. Vấn đề là đợt sóng có khả năng sống cái tự tánh nước của mình không, hay nó chỉ có thể sống đời sống của đợt sóng. Đợt sóng có thể tập sống đời sống của nước. Nó không phải đi kiếm nước, tại vì nó đã là nước rồi. Đây là một ví dụ dễ hiểu cho ta thấy Niết bàn là gì.
Nếu sóng an trú trong nước, thì nó sẽ không sợ hãi, nó có sự an toàn rất lớn. Đi lên an toàn mà đi xuống cũng an toàn. Nó không còn bị ý niệm còn-mất, có-không… làm cho sợ hãi.
Ta là một đợt sóng và đồng thời ta cũng là nước. Nhưng phần lớn trong chúng ta chỉ có thể sống đời sống của sóng mà không sống được đời sống của nước. Cơ Đốc giáo dùng chữ “Resting in God” là như vậy. God tức là nước. Nếu biết dựa lên nước thì sóng rất khỏe, nó sẽ hết tất cả sự sợ hãi: sợ có, sợ không, sợ còn, sợ mất. Chữ diệt ở đây hàm ý sự lắng dịu của mọi sợ hãi và đau buồn. Một khi đợt sóng biết mình là nước và biết sống đời sống của nước, thì đợt sóng không còn sợ hãi nữa. Lên nó cũng vui, xuống nó cũng vui, cao nó cũng vui, thấp nó cũng vui, có cũng vui, không cũng vui, tại vì nó đã vượt được cái có-không, cao-thấp. Niết bàn cũng vậy, Niết bàn là cái ngược lại với hành, là những pháp hữu vi.
Các bậc chân nhân nương và Niết bàn để sống thảnh thơi, khi dịch ta đã thêm vào bốn chữ “để sống thảnh thơi”. Chúng ta có quyền dịch như vậy, vì ta thấy có ý đó trong kinh: Hươu nai về đồng quê thì thảnh thơi, chim chóc trở về không gian thì thảnh thơi, thì các bậc chân nhân trở về Niết bàn thì cũng thảnh thơi.
Ta không cần phải đi tìm Niết bàn, chính ta đã ở trong Niết bàn rồi. Sóng không cần phải tìm nước, sóng chính là nước. Tùy theo ta chọn, ta vẫn là sóng, ta không cần phải tiêu diệt sóng, ta vẫn sống trong thế giới của các pháp hữu vi. Nhưng khi sống sâu sắc, ta chạm được với cái vô vi và các pháp hữu vi không làm cho ta đau khổ lắm.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại một chút với bài kệ thứ ba:
Cơ vi đại bệnh
飢為大病
Hành vi tối khổ
行為最苦
Dĩ đế tri thử
已諦知此
Nê hoàn tối lạc
泥洹最樂
Đói là cái bệnh khó chịu nhất
Tâm hành là cái gây khổ đau nhiều nhất
Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu
Thì Niết bàn là cái lạc thú lớn nhất.
Hành vi tối khổ: các hành là cái gây khổ đau nhiều nhất. Hành là các hữu vi pháp (saṃskṛta-dharma). Ở đây ta nên hiểu hành vi tối khổ nghĩa là: tâm hành là cái gây khổ đau nhiều nhất. Tại sao ta không dịch là “các pháp hữu vi là cái gây khổ đau nhiều nhất”, mà lại dịch là “tâm hành là cái gây khổ đau nhiều nhất”? Phạm vi của pháp hữu vi rất lớn, trong đó có thân hành, tâm hành và những thứ khác là vật hành như núi, sông, cây cỏ… Tâm hành chỉ chiếm độ một phần ba. Khi dùng chữ “tâm hành”, ta chỉ lấy độ một phần ba của hành, như thế là có sai với kinh hay không? Tại sao ta không dịch là “tất cả các pháp hữu vi đều gây ra đau khổ”, mà lại dịch là “tâm hành gây đau khổ”. Lý do là có sự nguy hiểm, người ta có thể nghĩ các pháp hữu vi là những cái độc lập với tâm và bản chất của các pháp hữu vi là gây đau khổ.
Đó là một sự hiểu lầm lớn mà ít người thoát khỏi trong khi học Phật. Hiểu lầm rằng vì các pháp hữu vi là vô thường, vô ngã; cho nên chúng là khổ. Ta cho vô thường, vô ngã đi đôi với khổ. Nhưng sự thật là: vì các pháp hữu vi là vô thường mà ta cho chúng là thường, cho nên ta khổ. Vì các pháp hữu vi là vô ngã mà ta cho chúng là có ngã, cho nên ta khổ. Khổ là do ta chứ không phải do các pháp. Nói các pháp hữu vi là khổ thì oan cho chúng lắm. Các pháp hữu vi là vô thường, vô ngã, chúng không có tội gì. Tại ta tưởng chúng là thường, là ngã, nên ta mới khổ. Các pháp hữu vi có thuộc tính vô thường, vô ngã, nhưng tính khổ không thuộc về các pháp hữu vi. Tính khổ thuộc về ta, tại ta có nhận thức sai lạc về các pháp hữu vi. Vì vậy cho nên nói các pháp hữu vi là khổ thì không đúng.
Nếu dịch “các pháp hữu vi là cái gây khổ đau nhiều nhất” mình có thể làm cho người ta hiểu lầm. Trong kinh Bảo Tích có một ví dụ rất vui, rất buồn cười: Có người cầm cục đá liệng một con chó. Bị liệng trúng, con chó đau quá, chạy theo sủa cục đá. Nó tưởng cục đá là nguyên do gây nên sự đau khổ của nó. Kỳ thực, nguyên do làm nó khổ là cái anh chàng liệng cục đá. Thay vì chạy theo sủa người liệng cục đá, nó lại chạy theo sủa cục đá.
Ở đây cũng vậy, các pháp hữu vi không làm cho ta đau khổ, nhưng ta khổ tại vì ta có nhận thức sai lầm về các pháp hữu vi. Cái gốc của khổ đau là tâm của mình mà không phải là các pháp hữu vi. Vì vậy, thay vì dùng chữ “các pháp hữu vi” thì ta dùng chữ “tâm hành”, trong đó có tham, sân, si (ngu dốt). Vì có sai lạc về nhận thức, nên các pháp hữu vi mới làm ta khổ. Nếu ta là một vị Bụt có trí tuệ, thì các pháp hữu vi không động được tới ta. Tâm hành là pháp hữu vi, nhưng chỉ là một phần thôi, ngoài ra còn có thân hành và vật hành. Tuy là tâm, nhưng đối tượng của nó có thể là vật và thân. Tâm bao gồm hết tất cả, cho nên ta dùng chữ “tâm hành” cũng được. Ta phải khéo léo, đừng để bị kẹt vào chữ. Khi đọc câu “các pháp nương vào phân biệt mà biểu hiện”, ta thấy rất rõ chữ phân biệt ở đây có nghĩa là tâm hành, là tri giác, là tưởng (perception).