Ngày 27 Tết
Sư Ông cho thiền hướng dẫn bằng tiếng Việt. Chủ đề bài thiền tập hôm đó là: “đã về đã tới.” Bằng chất giọng đầm ấm, hết lòng và sự thực tập vững chãi, lời hướng dẫn gần gũi của Sư Ông đã giúp đại chúng được buông thư, được thả tâm mình trong dòng chảy của dòng nước mát dịu. Những ngày giáp tết, trong không khí bận rộn lo toan bao đời và sự hào hứng trông đợi những điều an lành sẽ đến làm chúng ta dễ quên đi giờ phút hiện tại. Vậy trong lúc này, ở Làng chúng ta được ngồi yên bên nhau là một may mắn lớn làm khơi mở lòng biết ơn của mỗi người con.
Bài pháp thoại trước, Sư Ông chia sẻ về tình trạng stress của một bạn trẻ đã là một tiếng chuông nhắc nhở mọi người thấy rõ hiện trạng cuộc sống cùng lời nhắn gửi: thiền tập có công năng giúp ta tiếp xúc với nội tâm. Nếu bạn chịu khó dừng lại một chút, để dành một ít thời gian để chăm sóc mình, bạn sẽ có khả năng phá vỡ nội kết và chuyển hóa khổ đau… Đừng vứt bỏ khổ đau, vì kinh nghiệm khổ đau của bạn là nền tảng căn bản cho hạnh phúc của bạn có mặt bền bỉ hơn. Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu khổ thọ và lạc thọ, bạn sẽ tìm ra cho mình một con đường đẹp mà đi.
Sư Ông thăm vườn Bụt và bãi cỏ Xóm Mới
Không khí ngày tết đang về, Sư Ông đọc cho đại chúng nghe chuyện “Mười Ngày” của Phan Thị Vàng Anh trong cuốn “Khi Người Ta Trẻ.” Chuyện kể:
26 Tết
Anh bảo: “Chiều nay về quê, mồng Năm anh lên. Tôi làm tính nhẩm: Mười ngày. Mười ngày vừa Tết vừa đợi bằng một ngàn ngày thường… Tôi lẩm bẩm: “Biết làm gì ở thành phố bây giờ?” Anh trả lời bằng cách lập cho tôi một thời khóa biểu với những công việc nhàm chán đến nỗi thay vì làm chúng, thà tôi có thể uống một thứ thuốc gì đó để ngủ liên tục mười ngày còn hơn…
27 Tết
Tôi bước vào bưu điện thành phố để bỏ lá thư đầu tiên cho anh. Khi phong bì chui tọt vào thùng thư “các tỉnh”, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng…
Lúc này, nhìn quanh, tôi thấy sao mà lo lắng cho cái thư bé nhỏ của tôi .
28 Tết
Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà người khác, ngủ ở nhà người khác, trèo lên một cây ổi nhà người khác mà vặt quả… đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn, bởi vì nó lạ và tôi chỉ cần lạ.
29 Tết
Trong chợ, tôi gần như tựa vào Uyển mà bước. “Đông quá, ngộp quá!” Tôi bảo. Uyển an ủi: “Mỗi năm chỉ có một lần, chịu khó!”… Ở cửa, mẹ tôi bảo: “Mẹ đã đặt bánh chưng cho con đỡ mệt”. Tôi cười, đỡ mệt thật nhưng cái Tết đã mất đi một nửa. Những cái bánh của Lang Liêu đã có người mang đến tận nhà, tôi sẽ không rửa lá, đãi đậu và cùng anh chị em thức đêm ngoài vườn canh nồi bánh như xưa nữa, lúc còn cha.
30 Tết
Bảy giờ tối, tôi thấy mẹ Châu còn ngồi may vá. Nhà vắng hoe, vì gọn gàng nên trông càng vắng. “Đi chơi hết rồi, Châu cũng đi gội đầu rồi… Tôi quay mặt đi, che miệng ngáp, tự nhiên giật mình, giờ này mẹ cũng đang ở nhà một mình giống mẹ Châu. Vội vã, tôi chào cô, dặn lại vài thứ rồi về, trong những giờ phút cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.
Tôi về, thắp một nén hương lên bàn thờ cha, rồi vào phòng nằm, nước mắt chảy dài trên má.
… Giao thừa, tôi có cảm giác một bàn tay vô hình cuốn lại tấm thảm cũ, trải ra trước mặt tôi một tấm thảm mới tinh, việc đầu tiên tôi làm trên đó là cùng mẹ tôi uống trà, ăn bánh và nghe pháo nổ…
Mồng Một
Mồng một phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Hàng xóm sang chúc Tết như người xa lạ vì những lời chúc văn hoa…
Mồng Hai
Đường phố đầy xác pháo, chợ búa vắng tanh. Đêm về, ngang quán cũ, tôi nhớ anh thắt ruột. Uyển hỏi: “Mày nhận được cái thư nào chưa?”- “Chưa! chắc bưu điện nghỉ”- “Hôm nay làm việc rồi mà?” Uyển bảo: “Có bồ mệt nhỉ, tao không thích có bồ là vì vậy!”. Châu liếc: “Thật không?” ai cũng hiểu trả lời là thừa.
Về nhà, tôi trệu trạo nhai bánh chưng, nghe pháo lẹt đẹt đâu đó, biết rằng Tết đã qua rồi. Tôi ngồi vào bàn viết một cái thơ cho anh, đúng hơn là cho mình vì biết chắc nó sẽ không tới kịp.
Mồng Ba
Cũng như mọi năm, tôi ở nhà đợi Lương tới… Lương hỏi: “An còn giữ thư từ chứ?” – “Còn, khoảng 80 cái.” Có lẻ tôi cũng viết cho Lương khoảng chừng ấy thư, có thể hơn nữa. Không hiểu vì lẽ gì và bằng cách nào, tụi tôi đã hạ bậc tình cảm xuống chỉ còn là bạn bè và sự chuyển cấp thoải mái này chứng tỏ cái mà tôi ngỡ là “yêu” xưa kia chỉ là ngộ nhận… Để đến tối, lúc chia tay, Lương mở đầu: “Chúc An và…” cũng vậy, tôi lặp lại: “chúc Lương và …” Một cơn mưa nhỏ bất chợt đổ xuống trái mùa, tôi tự hỏi những lời chúc của mình có chân thành hay không?
Mồng Bốn
Từ xa, thấy anh đưa thư đạp xe tới, tôi chạy ra chặn đường hỏi thư, anh cười: “Không!” Uyển bảo: “Tao nghĩ nó không viết gì cho mày đâu, chắc mãi đi với em nào dưới đó!”…
Mồng Năm
Anh lên thành phố với một dáng vẻ lạ lùng. Tôi hỏi: “Anh có nhận thư?” Anh gật đầu, “Sao anh không viết?” Anh cũng không biết…Tôi bảo: “Về đi, mệt lắm rồi, rồi tôi ngồi sau nhắm chặt mắt cho đến khi xe dừng trước cửa nhà. Anh chúc: “Năm mới…” Tôi ngăn lại: “Thôi đủ rồi!”…
Câu chuyện trên giúp cho người nghe có dịp đi ngang qua ký ức ngày Tết với những sinh hoạt của văn hóa ngày Tết cùng tình yêu của những người bạn trẻ. Bạn có thể tìm đọc hoặc nghe lại pháp thoại hôm 30.01.2011. Điều thú vị là bài pháp thoại trước Sư Ông giảng giải về Duy Biểu Học với ví dụ cụ thể về khổ đau của anh bạn thiền sinh, để rồi hôm nay chuyện tình yêu của người trẻ đã giúp người nghe tiếp xúc thực tế với những kinh nghiệm của mình dù bạn bao nhiêu tuổi đi nữa. Để rồi bạn có thể chứng nghiệm: “khi tâm hành trống trải, chờ đợi có mặt thì niềm vui, hạnh phúc có đi ngang qua mình cũng khó mà nhận ra hay tham dự vào được”. Vậy làm sao cho Niệm, Định, Tuệ tham dự vào sự sống để có thể khám phá sự sống là một cái gì bí ẩn và mầu nhiệm… Nếu bạn là một nhà toán học, văn học, khoa học, y học, triết học… bạn đều có thể áp dụng thiền tập để làm thăng hoa sự sống của mình. Đừng để rơi vào tình trạng “ngày Tết người ta không có đủ thì giờ để làm điều gì đến nơi đến chốn…”(Mười Ngày/ Phan Thị Vàng Anh)
Trong khi đó ở Làng dưới sự hướng dẫn của Thầy cùng tăng thân, Tết được tổ chức như một cuộc trở về tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và huyết thống trong bản thân, trong đời sống gia đình và sự trao đổi giữa nhiều nền văn hóa khác nhau.
Ngày 30 Tết
Bình Thơ
Bây giờ mời các bạn về Làng trong ngày 30 Tết. Khoảng 2h30 chiều (tức 8h30 giờ Việt Nam), đại chúng đã vân tập về thiền đường xóm Mới để nghe bình thơ cuối năm. Đây là một nét đẹp của Làng. Ngày cuối năm, đại chúng về ngồi quây quần bên nhau như một gia đình lòng ai cũng háo hức như tham gia một cuộc hẹn về đây ta họp mặt cùng nhau. Hôm nay xóm Mới thật khang trang với cổng chào do quý sư cô tự dựng bằng lá tùng, với đèn lồng do nhóm quý sư cô tuổi trăng tròn vẽ thật ngộ nghĩnh, hàng rào bao quanh vườn cỏ mới trồng cho công trình vườn Bụt để khóa tu mùa hè năm nay bạn có thể về Làng và Thầy trò sẽ cùng nhau ngồi chơi trên bãi cỏ xanh non. Trong thiền đường, ngoài hiên, những cành mận đỏ trắng bắt đầu hé nụ điểm tô sắc xuân làm không khí Tết ở Làng sống dậy.
Khung cảnh đó, tâm trạng ngày Tết năm nào và giờ phút đón Tết ở Làng năm nay có gì khác nhau? Bạn có thể cảm nhận không khí Thầy trò cùng ngồi bên nhau trong ngày 30 cùng ngâm, cùng hò và nghe bình thơ như quen như lạ… Những lời thơ chân tình của một thứ tình yêu mới làm người nghe nhận ra thấp thoáng dáng hình tìm kiếm rong rủi của mình:
“Con đã đi tìm Thế Tôn
Từ hồi còn ấu thơ
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở
Con đã ruổi rong vạn nẻo đời hiểm trở
Đã từng đau khắc khoải
Với trăm thương ngàn nhớ
Trên bước đường hành hương…”
Trong âm hưởng của tiếng đàn tranh hòa cùng lời thơ thiết tha:
“Thế Tôn là tình yêu đầu
Thế Tôn là tình yêu tinh khôi
Nghĩa là không bao giờ
Sẽ là tình yêu cuối
Người là dòng sông tâm linh…”
Lời ngâm giúp người nghe về tiếp xúc với hiện hữu: con đang tắm trong dòng sông tâm linh của Thế Tôn, trong tình yêu của hiểu và thương. Sau đó Sư Ông giới thiệu các bạn bài thơ “Xa Cách” của Xuân Diệu với những lời tâm sự của một người đang bận yêu :
“Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo rằng ngồi xích lại gần hơn
Em xích gần hơn một chút; anh hờn,
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã
Đến kề bên và mơn trớn: “Em đây !”
Anh vui liền bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ thế vẫn còn xa lắm.
Bạn có nhận ra tình yêu nào giúp bạn có thể đến gần bên nhau, ngồi lại cùng nhau và sống hạnh phúc cùng nhau như một gia đình không? “Đó là tình thương mà mỗi người con đều có thể học được từ đời sống hạnh phúc của ba mẹ. Bởi vì ba mẹ là những giáo sư dạy về thương yêu của cuộc sống. Cho nên ba mẹ sống có hạnh phúc thì những đứa con ấy thật là có phước.”
Ngày Tết, nghe bình thơ tình, bạn sẽ tiếp xúc được với tình yêu của bạn và nhận ra cái đẹp của tình yêu đích thực, của sự thực tập sâu sắc hai câu đối năm nay: “Hãy lắng nghe nhau. Có mặt cho nhau”, mình cùng dắt nhau về ngồi chơi với gia đình sự có mặt cho nhau giúp mình có cơ hội nghe được những khó khăn của nhau, nghe được những khổ đau từ thời thơ ấu của nhau. Và sự thật của hiểu thương đó sẽ làm tan biến sự trống trải cô đơn của mình.
Tâm trạng trống trải, mong chờ không những có trong bài thơ “Trăng” mà còn có trong những bài thơ khác, Sư Ông lại đọc cho đại chúng nghe:
“Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm vui chẳng bến bờ
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.”
(Xa cách / Xuân Diệu )
Trong khi đó niềm vui được đi thiền hành dưới ánh trăng là một niềm vui lớn. Không tin bạn có thể về Làng và mỗi sáng đi thiền hành từ phòng bạn đến thiền đường dưới ánh trăng, bạn có thể thưởng thức sự sống mầu nhiệm hiển hiện dưới phép lạ của đôi chân mình.
Lễ Đón Giao Thừa
Lễ Cúng Giao Thừa tại Xóm Mới | Dâng Lời Khấn Nguyện Đầu Năm | Sư Ông đốt Lời Khấn Nguyện Đầu Năm |
---|
Vào lúc 18h (24h giờ Việt Nam), đại chúng vân tập ra thiền đường Trăng Tròn ngồi thiền và Cúng Giao Thừa đón năm mới. Trong không khí trang nghiêm của giờ phút giao thừa, tiếng chuông trống bát nhã vang lên làm cho không khí thật hùng và thật mới. Màu y vàng rực rỡ và nét mặt vui tươi của quý thầy, quý sư cô như tỏa ra sự bình an và may mắn trong giờ phút linh thiêng. Đại diện bốn chùa quỳ dưới bàn thờ Bụt, Tổ cùng toàn thể đại chúng đồng lòng phát nguyện sống hài hòa cùng nhau, thương yêu nhau như anh em một nhà… Lời Khấn Nguyện Đầu Năm bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt giúp anh chị em chúng tôi có cơ hội xích lại gần nhau, làm mới cùng nhau cho một năm mới bắt đầu.
Văn nghệ mừng xuân
Trước thềm năm mới, để thực hành lời phát nguyện, hơn tuần nay các Táo đã viết sớ, tập kịch, tập múa rất vui nhưng khi lên sân khấu thì cảm giác ấy vẫn còn mới lạ. Chỉ có sự cảm nhận mình đang múa cho anh chị em trong nhà xem cho vui là lời cổ vũ chân thành giúp quý thầy quý sư cô hoàn tất được tác phẩm của mình. Văn nghệ ngày xuân là cơ hội để mình chơi cùng nhau, xây dựng tình huynh đệ trong không khí sư anh hò, ngâm thơ, sư em hát với sự có mặt của Thầy, của quý sư cha, sư mẹ…Ấn tượng nhất vẫn là sự góp mặt hết lòng của quý sư cha, sư mẹ qua vỡ kịch Quan Âm Thị Kính hay trong những câu hò, điệu múa. Ngoài ra, quý sư chị sư em Tây phương đã chung vui bằng những bài hát dân ca tiếng Việt trong trang phục ba miền thiệt dễ thương. Khung cảnh đó đã giúp người có mặt cảm nhận rõ không khí gia đình quây quần là một hình ảnh đẹp của văn hóa Việt Nam trong những ngày Tết đến.
Em đi chùa Hương | Dân ca ba miền | Táo Xóm Hạ thiệt là duyên! |
---|
Năm nay Táo Sơn Hạ kính mời đại chúng xem sinh hoạt ở xóm qua video-clip, Táo Xóm Mới dịu dàng mang theo một chú thị giả lễ phép, dễ thương (đặc sản của mùa Đông năm nay), Táo Xóm Thượng tấu trình bằng ngôn ngữ nhạc ráp trẻ trung cùng hai thứ tiếng Anh – Việt, Táo Xóm Hạ mặt mũi tèm lem khói mang theo cái bình chữa lửa cùng bà Táo lên thiên đình thong dong rong chơi và báo cáo tình hình “làm ăn” của các xóm. Quý thầy, quý sư cô đã hiến tặng cho đại chúng có mặt hôm đó một cảm nhận rất quê hương qua sự hóa trang cây nhà lá vườn. Bước ra khỏi thiền những câu đối đỏ mừng năm mới: “Hãy lắng nghe nhau. Có mặt cho nhau” trở nên linh ứng và thực tế khi bạn đang thưởng thức vị Tết quê nhà.