Thư gửi bố
Tâm Đức Khang
Bố và con, một nắm cơm muối mè mẹ gói làm lương thực vào Nam trên chuyến tàu 28 Tết vắng tanh. Con ăn hết 2 phần 3 gói cơm một cách ngon lành mà chẳng buồn bận tâm. Năm ấy, bố 35 tuổi – con 3 tuổi rưỡi.
Con học hàng xóm nói "Hà Lội", "Hà Lội", bố đã dành cả buổi chiều dẫn con đi dạo và dạy cho con phát âm cho chính xác "L" và "N". Bố đã rất hạnh phúc khi chơi với con phải không! Vì nếu hạnh phúc ít đi một chút thì dễ gì dành đến 3 – 4 tiếng đống hồ để sửa cho ai một điều nhỏ nhoi như vậy. Bố 35 tuổi rưỡi – con 4 tuổi.
Con thích làm Nin-Ja, không có tiền mua kiếm nhựa ngoài phố. Bố đi tìm hai thanh gỗ về làm kiếm cho con. Tối đó con đeo kiếm sang nhà chú bộ đội hàng xóm vỗ ngực tự xưng "Ta là Nin-Ja!". Chú ấy bảo Nin-Ja là phải biết thuật ẩn thân. Con liền chui ngay vào gầm giường. Chú lại bảo Nin-Ja là phải biết uống rượu. Con một hơi cạn hết chén rượu thuốc chú để trên mâm. Mười phút sau con lảo đảo về nhà, nôn thốc nôn tháo, mẹ bảo con nôn cả ra máu. Chú sang thăm con và xin lỗi. Lúc đó hình như bố giận chú lắm. Bố 36 tuổi – con 4 tuổi rưỡi.
Bố đi tìm con khắp nơi không thấy. Đến cuối buổi chiều mới thấy con đang ngồi chễm chệ trên nóc bể nước chung cư 5 tầng. Bố lôi con về nhà và đánh một trận ra trò. Đó là lần đầu tiên con bị đánh đau như thế. Chắc hôm ấy bố đã sợ lắm phải không! Bố 38 tuổi – con vào lớp một.
Hôm đó dọn nhà chuẩn bị ăn Tết, con mở tủ của mẹ và thấy tấm chứng minh thư cũ của bố. Trông bố gầy và xanh lắm, có lẽ còn gầy hơn con bây giờ. Mẹ đã kể cho con nghe rằng lúc đó bố làm việc ở cảng Ba Son. Trong một lần khuân vác nặng, người vác cùng với bố đã buông tay mà không báo trước. Bố ngã và bị chấn thương cột sống. Sau quá trình vật lý trị liệu bố được xuất viện nhưng bố sút cân nhiều và mất đi phần lớn sức lực. Với cái cột sống như thế, một người vợ trẻ cùng đứa con trai còn chưa đến tuổi được nhà trẻ nhận, phải sống nơi đất khách quê người. Con chẳng biết con liệu có thể làm gì nếu là bố ngày ấy. Thế mà bố đã bắt đầu với hai quyển sách mỏng trên tay, tập nâng lên và hạ xuống mỗi ngày cho đến khi có thể đạp xe chở hai mẹ con con đi dạo biển. Từ đó bố luôn bắt con phải ngồi cho thật thẳng. Sau khi nghe mẹ kể sự tích ấy, con biết bố là người đàn ông mạnh nhất hành tinh! Bố 40 tuổi- đang đi biển… tết này chỉ có hai mẹ con.
Mặc dù điểm tổng kết cuối năm của con không cao như đã hứa hẹn, bố vẫn mua tặng con chiếc xe đạp cào cào thay cho chiếc mini nhật màu đỏ. Tuy chỉ là xe cũ tân trang lại nhưng khi đến trường con vẫn thấy mình thật hoành tráng. Xe của con cao nhất trường. Bố 46 tuổi- con lên lớp 9.
Trưa ấy, sau giờ lên lớp sáng về nhà con đề nghị bố lắp cho con thêm một cái yên sau trên chiếc cào cào mà chỉ mới 2 năm trước đây con nhất quyết chọn nó vì nó không có yên sau. Con viện lý do "có yên thì lâu lâu chở mấy thằng bạn đi chơi bóng cũng vui". Bố chỉ tủm tỉm cười gật đầu. Con đồng ý đi thọ bát quan trai trên chùa với bố cứ 2 tuần một lần. Rồi không lâu sau cả nhà mình quy y Tam Bảo và nhận 5 giới một lần. Hôm ấy con thấy bố rất vui. Có lẽ vì bố đã tìm ra con đường tâm linh cho gia đình mình. Bố 49 tuổi – con 17.
Con chia tay với bạn ấy. Chúng con thích nhau vì những điểm đồng điệu chúng con thấy ở người kia. Chúng con chia tay nhau vì những điểm khác nhau chúng con không chấp nhận được ở người kia. Lúc đó con mới biết bố đã thương mẹ nhiều đến thế nào. Bố 50 tuổi – con lên đại học.
Ngày con nhìn bố và em xuống tóc. Tuy xuất thân từ tầng lớp nông phu, tuy không được học hành nhiều, tuy đồng lương của bố chẳng dư giả là bao, nhưng bố đã lèo lái con thuyền gia đình ta đến được nơi tốt nhất dành cho nó. Bố đã sống, kiên nhẫn và yêu thương bằng trọn vẹn con người mình. Con thật tự hào là con của bố. Bố 55 – con 23.
Bây giờ con tuy không còn cơ hội ở bên bố nhiều như xưa nữa. Nhưng càng lớn con lại càng thấy bố hiện diện trong con rõ ràng đến lạ. Từ những góc cạnh trên khuôn mặt chữ điền, cho đến cách nói năng hành xử. Hồi con còn nhỏ, khi nựng má con, bố vẫn hay nghiến hai hàm răng lại với nhau kêu ken két, nghiến chặt đến nỗi đôi lúc bố làm con sợ phát khóc. Ấy thế mà chẳng biết tự khi nào con cũng có thói quen nghiến chặt hai hàm răng lại khi thấy em con sao mà dễ "ghét" đến thế. Rồi cách bố mỉm cười khi cả nhà bên nhau hay thậm chí cách bố âm thầm tìm một góc khuất để đón nhận những niềm đau bất ngờ đến với cuộc đời mình. Con cũng thấy con giống bố. Có lẽ như lời Bụt dạy, tình cảm ruột thịt còn nhiều thiếu sót và tiềm ẩn trong đó nhiều hạt giống khổ đau. Nhưng con cũng biết rằng, không dễ tìm đâu ra thứ tình cảm thứ hai nào như thế trong cuộc đời này.
Tối hôm đó con ngồi xem lại đoạn phim mình quay đại chúng tụng kinh trong khóa tu tiếng Việt. Khi từng gương mặt anh chị em lần lượt xuất hiện trên khung hình, con giật mình khi thấy ai như chính con trên ấy, hóa ra là em bố ạ! Bây giờ em giống con và giống bố lắm. Lúc ấy con biết rằng con có thể nhìn em như cách bố đã nhìn con. Con có thể thương em như cách bố đã thương con. Con có thể dạy em sống chân thành như cách bố đã từng dạy con. Và con cũng biết, con có thể mạnh mẽ hơn và hơn nữa, vì con luôn có bố nơi con.
Chúc bố ăn ngon, tu giỏi, ngủ ngon!
Con của bố
Tâm Đức Khang
(Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa)