Thầy kính thương,
Tuần trước con được tham gia khóa bồi dưỡng dành cho giáo chức tại chùa Sơn Hạ, xóm Thượng, trong dịp Làng Mai tổ chức khóa tu năm mới 2017 cho thiền sinh quốc tế. Dịp cuối năm thiền sinh về Làng rất đông. Nhờ sự yểm trợ đắc lực của thầy Pháp Lưu và nhóm Wake Up Schools mà những người hoạt động trong ngành giáo dục và những ai có quan tâm tới chương trình đem chánh niệm vào giáo dục có cơ hội đến với nhau cùng thực tập các pháp môn căn bản như nghe chuông, ngồi thiền, thiền hành, thiền ăn, thiền buông thư, nghe pháp thoại, thực tập ái ngữ và lắng nghe. Trong buổi hướng dẫn tổng quát, thầy Pháp Lưu (người Mỹ) và thầy Bảo Tạng (người Indonesia) đã chia sẻ với khoảng 40 thiền sinh đến từ nhiều nước: Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ý, Nhật, Mỹ, Bolivia, Hà Lan, Đức, Bỉ, Columbia, v.v.. về thực tập chánh niệm trong trường học và những lời dạy của Sư Ông dành riêng cho các vị giáo chức. Chúng con có cơ hội thực tập trở về với chính mình trong giây phút hiện tại để học cách lắng nghe, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau và chế tác niềm vui. Sư Ông thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thân giáo. Chúng con ý thức được rằng chỉ khi nào chúng con biết tự chế tác hạnh phúc và an lạc trong thân tâm thì mới có thể hiến tặng sự tươi mát và có mặt thật sự cho học sinh của mình.
Ngoài thời khóa bình thường của một khóa tu chánh niệm thì trong tuần qua chúng con còn có cơ hội học cách giới thiệu các trò chơi vừa vui, vừa có tính giáo dục và tính thiền, cũng như học cách giới thiệu các pháp môn căn bản như nghe chuông, theo dõi hơi thở, ngồi thiền, và thiền hành cho học sinh. Ngoài ra, chúng con còn được tham dự một buổi vấn đáp với quý thầy có nhiều kinh nghiệm đưa chánh niệm vào học đường như: thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lưu, thầy Bảo Tạng và thầy Bảo Tích. Thiền sinh được đặt câu hỏi về cách ôm ấp và chuyển hóa những cảm xúc mạnh, cũng như về cách xử lý các tình huống trong lớp học khi có học sinh gây rối, hoặc cách tiếp cận với ban giám hiệu để xin phép giới thiệu thực tập chánh niệm trong lớp học. Các vị giáo chức đều rất phấn khởi khi được nghe những chia sẻ vừa sâu sắc vừa thực tế từ quý thầy.
Vào buổi chiều cùng ngày có bốn vị giáo chức được mời thuyết trình trước đại chúng về kinh nghiệm thực tập và giảng dạy các lứa tuổi khác nhau từ mầm non đến đại học; cũng như kinh nghiệm xây dựng tăng thân trong bối cảnh bốn nước khác nhau: Hà Lan, Pháp, Singapore và Tây Ban Nha. Sau đây, con xin chia sẻ cuộc hành trình mười năm học hỏi, chuyển hóa thân tâm, cũng như đổi mới cách giảng dạy và đóng góp xây dựng tăng thân của con.
Truyền thông bằng trái tim
Tháng Tư năm 2007, lần đầu tiên con được gặp Sư Ông và tăng thân tại khách sạn Melia Hà Nội. Hồi đó, con đang giảng dạy bộ môn tiếng Anh và giao thoa văn hóa tại một trường đại học ở Hà Nội. Bài pháp thoại của Sư Ông: “Làm thế nào để tìm được sự bình an và hạnh phúc đích thực” đã đánh động tâm con sâu sắc. Lần đầu tiên con nhận ra rằng: con không cần phải chạy đến tương lai để có hạnh phúc, mà chỉ cần trở về với giây phút hiện tại, nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Trong buổi vấn đáp, con đã được đặt một câu hỏi với Sư Ông về cách truyền thông với những người có văn hóa và tôn giáo khác nhau. Câu trả lời ý nghĩa của Sư Ông về “truyền thông bằng trái tim” từ đó đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn con trong cách hành xử và giao tiếp hàng ngày. Lời dạy “truyền thông bằng trái tim” càng đặc biệt có giá trị khi con chuyển sang sống và làm việc tại Singapore – nơi mà đồng nghiệp và sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Câu danh ngôn của nhà hiền triết Aristotle: “Giáo dục trí năng mà không giáo dục tấm lòng thì không phải là giáo dục” (Educating the mind without educating the heart is no education at all) cũng là kim chỉ nam hướng dẫn con trong phương pháp giảng dạy và thiết kế chương trình học cho sinh viên.
Trước khi bắt đầu một học kỳ mới, con thường lắng nghe nhu cầu học tập, mong đợi của các em sinh viên khi tham gia khóa học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Sau đó, con thiết kế các hoạt động trong lớp cũng như ngoại khóa phù hợp để có thể đạt được ba mục tiêu chính: am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam; hiểu về thói quen, sở thích và quan điểm sống của các bạn cùng lớp và hiểu về chính mình. Con thường nhấn mạnh cho các em biết mục tiêu thứ ba là quan trọng nhất. Bởi vì đó là nền tảng để hiểu thế giới xung quanh.
Khi chuyện trò với các đồng nghiệp đến từ khắp năm châu, con thường nhắc nhở mình áp dụng cách giao tiếp bằng trái tim. Phần lớn các đồng nghiệp của con đều sống xa nhà, làm việc trong một môi trường nhiều áp lực, nên nhiều khi họ cảm thấy trống trải vì không có liên hệ thực sự với những người xung quanh mình. Trên con đường đi tìm hạnh phúc qua sự nghiệp, do phải chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh để giữ vị trí số một, nhiều người đã phải trả giá đắt. Khi mang chứng bệnh trầm cảm hoặc suy nhược về sức khỏe, họ đã không còn hứng thú với công việc nữa.
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương
Con về Làng lần đầu vào một ngày giữa tháng 7 năm 2012. Lúc đó, con mới được xuất viện, mệt mỏi cả thân lẫn tâm, nhưng nhờ được thực tập hơi thở, nghe chuông, ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm chánh niệm,… con dần dần bình phục. Khi được nghe Sư Ông giảng về hạnh lắng nghe của đức Bồ tát Quán Thế Âm, con đã rất xúc động. Tham dự các buổi pháp đàm, con càng thấm thía một điều là chỉ cần biết lắng nghe sâu thôi thì cũng đã làm vơi nhẹ nỗi đau trong lòng rồi. Con phát nguyện thọ năm giới, và nguyện thực tập thật tốt giới thứ tư “Ái ngữ và lắng nghe”, để hiểu được chính mình, các bạn đồng nghiệp, cũng như các em sinh viên.
Trong môi trường giáo dục con đang sống và làm việc cũng có rất nhiều sự cạnh tranh và căng thẳng. Ai cũng muốn là số một, và vì vậy đã gây ra bao nhiêu nỗi khổ niềm đau. Rất đông sinh viên và đồng nghiệp của con cảm thấy cô đơn, mệt mỏi. Các em sinh viên thiếu tự tin vì luôn cảm thấy mình cố gắng thế nào cũng không bao giờ đủ. Ít ai có thời gian ngồi lại chia sẻ và lắng nghe nhau. Con có cảm giác trên đường đua đến vị trí số một, ai cũng đói hiểu và đói thương. Mấy năm gần đây, trường con được xếp hạng số một châu Á về chất lượng nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng tiếc thay, càng ngày càng có nhiều sinh viên bị các chứng rối loạn về tâm lý cần được sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Do đó, con muốn thực tập giới thứ tư, nói lời tích cực để tưới tẩm hạt giống tốt lành, để lắng nghe và hiểu các em. Thật may mắn và hạnh phúc khi con được nhận Năm giới quý báu.
Trở lại Singapore sau khóa tu mùa Hè, con tiếp tục thực tập những gì con đã học được ở Làng. Mỗi ngày, con tự nhắc mình chú ý theo dõi hơi thở và tập đi những bước nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn và căng thẳng cứ kéo con đi. Con giống như một giọt nước đang bốc hơi ngay giữa trưa hè oi bức. Vài tháng trôi qua, sự thực tập của con không còn được tinh tấn như trước, nhưng có một điều con vẫn đặc biệt chú trọng thực tập mỗi ngày, đó là giới thứ tư – ái ngữ và lắng nghe. Sau mỗi ngày làm việc, con tập ngồi yên và lắng nghe chính mình. Mỗi lần tới với các em sinh viên, con đều tập lắng nghe những khó khăn, thách thức, áp lực của các em. Khi giảng dạy, con cũng chú ý nói những lời có tính khích lệ động viên để tưới tẩm những hạt giống tốt lành trong các em.
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới
Về Làng dự khoá tu 21 ngày vào tháng 6 năm 2014, con may mắn được nghe quý thầy giới thiệu về phong trào "Wake Up School" – mang chánh niệm vào trường học. Đó là lần đầu tiên con được nghe về chương trình này. Ngay sau buổi đó, con đã viết thư cho Sư Ông, chia sẻ rằng con đã tìm được khát vọng sâu sắc nhất trong tâm mình. Đó là đem chánh niệm vào trường học. Nhưng con chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Con nhớ sư cô Chân Không đã gặp con và nói: “Sư cô đã đọc thư của con rồi. Bức thư con viết dễ thương lắm. Con có thể bắt đầu bằng việc xây dựng một tăng thân”.
Nghe sư cô chia sẻ, con như được tiếp thêm năng lượng và cảm hứng. Con biết ngọn lửa phụng sự bắt đầu được thắp sáng trong tâm. Tuy nhiên, thời gian đầu con thấy khá lúng túng và thiếu tự tin. Con chưa có nhiều kinh nghiệm thực tập và hướng dẫn thiền tập trước đám đông thì làm sao có thể xây dựng tăng thân? Về Singapore, con kết nối được với tăng thân trẻ Joyful Garden Sangha – tăng thân “Khu vườn vui vẻ”. Con bắt đầu sinh hoạt với tăng thân này và từng bước tham gia hướng dẫn thiền tập trong ngày quán niệm hàng tháng. Dần dần, con có thêm tự tin và động lực để bắt đầu xây dựng một tăng thân tại trường đại học nơi con làm việc. Con đường giới thiệu chánh niệm vào trường học của con đã bắt đầu từ lớp tiếng Việt, sau đó phát triển dần ra câu lạc bộ chánh niệm cho sinh viên, và câu lạc bộ chánh niệm cho giáo viên.
Cô giáo hạnh phúc và lớp học vui vẻ
Mỗi sáng thức dậy, con theo dõi hơi thở với bài kệ Thức dậy. Con tập sống trọn vẹn và sống vui từng ngày, không để công việc kéo mình đi nữa. Con tự nhắc mình theo dõi hơi thở và bước chân mỗi khi đi bộ tới văn phòng và lớp học. Sự thực tập này giúp con tiếp xúc với giây phút hiện tại, để có thể hiến tặng sự có mặt đích thực của mình cho các em sinh viên. Con muốn mình có mặt thực sự khi các em vào lớp nên thường tới phòng học mười phút trước khi giờ học bắt đầu. Con cho các em năm phút im lặng trước mỗi tiết học để tập buông thư. Có khi con giới thiệu với các em một bài hát Việt để các em có thể vừa thư giãn vừa học. Con tạo cơ hội cho các em chia sẻ niềm vui trong tuần, để nhắc nhở rằng dù có bao nhiêu bài tập và bài thi, mình vẫn có thể có những giây phút vui vẻ và thư giãn. Con cũng tạo giờ tập nói, giúp các em học cách chia sẻ và lắng nghe chính mình, hiểu chính mình và hiểu nhau hơn. Cứ thế mỗi ngày, con thực tập chế tác hạnh phúc và cùng các em sinh viên có những lớp học vui vẻ.
Câu lạc bộ chánh niệm sinh viên
Sau thành công của chương trình “Phật giáo ở châu Á” trong chuyến đi Việt Nam năm 2015, các em sinh viên đã thân nhau hơn nên muốn tiếp tục gặp nhau thực tập chánh niệm hàng tuần. Thế là các em quyết định thành lập Câu lạc bộ chánh niệm sinh viên (Mindfulness Interest Group) để giới thiệu việc thực tập chánh niệm tới các bạn khác trong trường. Con rất vui khi nhận lời mời làm cố vấn cho các em. Các em thường gặp nhau vào tối thứ Tư hàng tuần, cùng nhau ăn tối trong im lặng rồi ngồi thiền, đi thiền, thiền buông thư, hoặc thực tập chia sẻ và lắng nghe sâu. Có một số em thấm được giá trị của việc thực tập (giúp các em thư giãn trước khi có bài thi lớn, giúp các em hiểu chính mình và kết nối với các bạn tốt hơn, v.v.) nên đã mời các bạn đến tham gia. Vì vậy, gần như tuần nào câu lạc bộ chánh niệm cũng có thành viên mới tham dự. Vào cuối mỗi học kỳ, con cùng với một đồng nghiệp dạy môn Tâm lý học chánh niệm (Psychology of mindfulness) tổ chức buổi ngồi thiền công cộng (Mindfulnesss flash mob) thu hút các em sinh viên và nhân viên của trường đến tham gia. Con rất vui khi dần dần gieo được hạt giống chánh niệm trong trường.
Cộng đồng thực tập chánh niệm
Cuối năm 2014, con đã cùng với một số đồng nghiệp tổ chức câu lạc bộ chánh niệm cho giảng viên và người nhà của họ trong khuôn viên khu tập thể của trường. Chúng con gặp nhau mỗi tối thứ Sáu để thực tập ngồi thiền, mười động tác chánh niệm, thiền buông thư, thiền ăn hoặc chia sẻ. Những người tham gia phần lớn là người Mỹ hoặc đã từng nghe về chánh niệm khi sống ở Mỹ. Dần dần, có thêm người ở các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, v.v. Mọi người rất vui khi có cơ hội ngồi lại với nhau cùng thực tập để buông thư toàn thân sau một tuần làm việc căng thẳng. Nhiều đồng nghiệp của con rất vhạnh phúc khi được học thiền buông thư, và đã ngủ ngon hơn sau mấy tuần bị mất ngủ. Một số đồng nghiệp bày tỏ ý muốn giới thiệu việc thực tập cho con cái ở nhà để giúp các cháu bớt căng thẳng vì áp lực học đường. Thế là chúng con quyết định mở lớp “Thiền tập cho trẻ em” mỗi tháng một lần.
Con vẫn nhớ buổi thực tập đầu tiên có hơn mười người tới, em bé nhất chỉ mới hai tuổi đi cùng với mẹ, còn em trai lớn nhất khoảng mười một tuổi. Lúc đầu, con hơi lo lắng, không biết giới thiệu việc thực tập thế nào cho hợp lý vì trong nhóm có cả người lớn, trẻ em lẫn thiếu niên. Sau đó, con nghĩ quan trọng nhất là tưới tẩm hạt giống hạnh phúc, nên con bắt đầu bằng bài hát “I like the roses” (Tôi yêu những đóa hồng). Các cháu rất thích bài này nên học hát và làm các động tác rất nhanh. Sau đó, con bảo các cháu tự đặt lời mới cho bài hát bằng cách chọn một loại trái cây mà các cháu thích, làm động tác miêu tả trái cây đó rồi cho cả nhóm làm theo. Các cháu rất hứng khởi và thay nhau hát lời mới: “I like the mango/ I like strawberry/ I like bananas…” (Tôi yêu trái xoài/ Tôi yêu quả dâu/ Tôi yêu trái chuối). Có nhiều động tác rất dễ thương nên mọi người vừa hát vừa cười. Vui ơi là vui! Sau khi hát, con cho các cháu đứng thành vòng tròn rồi bắt đầu nghe chuông và thở. Các cháu rất thích nghe chuông và đếm hơi thở của mình. Sau đó con giới thiệu các cháu một số động tác chánh niệm, và kết thúc bằng việc giới thiệu thiền cam. Buổi thực tập đầu tiên đó rất vui nên sau đó chúng con quyết định tổ chức hai tuần một lần. Càng ngày càng có nhiều cháu nhỏ và phụ huynh cùng tham dự. Sau buổi thực tập cuối cùng trước khi con đi sang Pháp, một bé trai người Pháp sáu tuổi, thường đến thực tập cùng mẹ và em gái hai tuổi, nói với con: “Cô yên tâm. Cô sắp đi xa nhưng cuối tuần này cháu sẽ hướng dẫn em gái cháu thở!”. Câu nói đó làm con thấy rất hạnh phúc.
Con nhớ hồi khóa tu mùa Hè năm 2013, trong buổi pháp thoại cho người Việt, Sư Ông có chia sẻ là Sư Ông rất hạnh phúc khi mỗi ngày có dịp tưới tẩm hạt giống tốt trong người khác. Và Sư Ông có nhắc con: “Một ngày nào đó con sẽ tiếp tục cho Thầy”. Ngẫm lại con đường của con mười năm qua, con thấy mình hạnh phúc khi được học cách sống hạnh phúc và chia sẻ điều đó với những người xung quanh.