Đi tìm ý nghĩa của đời sống

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng đi tìm cho mình một ý nghĩa của đời sống. Người chưa tìm ra được một ý nghĩa cho đời sống thì chưa có hạnh phúc, chưa có năng lượng. Nếu không khéo thì người đó có thể rơi vào tình trạng trống rỗng hiện sinh (existential vacuum). Tình trạng trống rỗng đó buộc con người phải đi tìm một cái gì đó để khỏa lấp. Thường thì người ta đi tìm nơi đối tượng của dục. Có người tìm quên nơi rượu, có người sử dụng ma túy, có người tìm trong âm nhạc, trong những cuộc vui thâu đêm, cũng có người tìm nơi sắc dục để khỏa lấp sự trống rỗng trong lòng.

Vào khoảng năm 1965, trong một cuộc thăm dò người ta thấy rằng ở châu Âu số lượng sinh viên có được một chủ đích sống trong cuộc đời lên tới 60 – 65%, trong khi số lượng sinh viên ở Mỹ chỉ có hơn 20%. Sự kiện “trống rỗng hiện sinh” là một triệu chứng của thời đại. Đó không phải là triệu chứng bất an của một cá nhân mà là triệu chứng tập thể của một xã hội. Người ta có cảm giác trống rỗng, cảm thấy đời sống không có ý nghĩa và rồi phải tìm tới những phương tiện để khỏa lấp. Nhưng vì không được soi sáng nên họ đi về hướng sắc dục, ma túy và bạo động.

Vì vậy chúng ta phải làm thế nào để giúp cho người trẻ có được một ngọn lửa trong lòng, tìm ra được một ý nghĩa của cuộc sống, biết mình sống để làm gì, sống vì cái gì, sống vì người nào, sống vì một chính nghĩa nào. Chúng ta không thể đưa ra một ý nghĩa của đời sống nào đó và mời họ: “Đây là một chính nghĩa, anh lấy đi để xài!”. Công việc mà chúng ta có thể làm là soi sáng cho người đó, giúp cho họ tìm ra được một ý nghĩa của cuộc đời.

          Tưới tẩm hạt giống tốt

Thỉnh thoảng có những người tới Làng Mai trong tình trạng như vậy. Họ nói: “Tôi không cảm thấy đời sống của mình có một ý nghĩa gì cả! Tôi thấy chết hay sống cũng giống nhau thôi!”. Sự chán nản bao trùm lên những người đó. Khi đối diện với những người như vậy thì chúng ta phải làm gì để giúp họ? Chúng ta không thể nói một bài pháp thoại hay cho ý kiến để người đó chấp nhận. Chúng ta phải tìm cách nhìn sâu để có thể hiểu được, nhận diện được những hạt giống tốt của người đó, và chỉ cho họ phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt đó nơi họ. Đức Như Lai có dạy rằng người nào cũng có hạt giống tốt của tâm bồ đề. Khi được tưới tẩm thì hạt giống tâm bồ đề của ta biểu hiện ra cách này, và của người kia thì biểu hiện ra cách khác.

Vấn đề không phải là trao truyền những ý kiến mà là làm thế nào để giúp người kia tìm ra được lẽ sống của chính người đó. Ta sẽ không làm được chuyện đó nếu ta không biết gì về quá khứ cũng như hiểu được cách sống của người đó trong giây phút hiện tại. Những bài pháp thoại của chúng ta chỉ có tác dụng tưới tẩm, khơi lối cho người kia tìm ra được mục đích, ý nghĩa của đời họ. Ta cho pháp thoại không chỉ bằng lời nói mà còn có thể bằng cách sống của mình. Ta sống một cuộc sống có lý tưởng, có thương yêu, có mục đích. Ta hành xử và tỏa chiếu niềm vui, năng lượng. Rồi khi tiếp xúc được với con người và với cách sống của ta thì người đó có cơ hội nhìn trở lại để khám phá ra trong bản thân họ có một cái gì tương tợ mà lâu nay đã bị bít lấp và đè nén.

Đôi khi người kia bị kẹt, bị những trở lực, và có những bức màn ngăn che không cho người đó thấy được khía cạnh tốt đẹp của chính mình. Ta có thể giúp người đó lột bớt bức màn ngăn che, tháo gỡ những chỗ kẹt để cuối cùng người đó có thể tiếp xúc với những cái đẹp, cái lành, cái thật nơi họ. Họ tìm ra được hướng đi của đời mình.

          Ý tư liệu pháp (Logothérapie)

Nhà phân tâm học Viktor Frankl là cha đẻ của phương pháp trị liệu “Logothérapie”. Nếu dùng danh từ Phật giáo chúng ta có thể dịch “Logothérapie” là: ý tư liệu pháp. Ý tư mượn từ chữ ý tư thực (có khi còn gọi là tư niệm thực), tức là ước muốn (volition, deep desire). Nếu có ước muốn là ta có năng lượng và ta có thể đi tới. Những người chán chường, không muốn sống là những người không tìm ra được ý nghĩa của đời sống.

Frankl đã từng sống rất lâu trong trại tập trung của Đức Quốc Xã (Nazi) và đã trải qua những khổ đau, tuyệt vọng cho đến nỗi ông đã từng nghĩ rằng mình không có khả năng sống sót trở về. Ông là một nhà tâm lý trị liệu có tài. Ông đã sáng tác một tác phẩm nói về phương pháp trị liệu gọi là “ý tư liệu pháp”. Trong đó, ông muốn trao truyền những kinh nghiệm và tuệ giác của mình lại cho đời. Nhưng khi ông bị chuyển tới trại tập trung Auschwitz thì người ta khám phá ra bản thảo và đã tịch thu tác phẩm của ông. Đó là đứa con tinh thần, là lẽ sống của ông. Bây giờ đứa con tinh thần bị tiêu hủy thì cuộc sống của ông còn có ý nghĩa gì nữa?

Trong điều kiện sống tồi tệ ở trại tập trung, người ta rất dễ dàng trở thành nạn nhân của sự tuyệt vọng. Nhưng ông đã tìm cách để sống sót. Sau khi lột áo ông để lấy bản thảo, người ta đưa cho ông cái áo rách tả tơi của một tù nhân vừa bị cho vào lò hơi độc. Trong cái áo tả tơi đó, ông tìm thấy một tờ giấy xé ra từ một cuốn kinh Do Thái. Trong tờ giấy có bài kinh Kadish, tức bài kinh được đọc lên trước khi chết để chứng tỏ mình có niềm tin rất vững ở Thượng Đế và mình coi thường cái chết, cái chết không đụng chạm gì được tới mình. Khi tìm thấy mảnh giấy trong áo người tử tù đã chết trong phòng hơi độc thì ông bừng tỉnh. Ông thấy rằng cái chết và những khổ nhục lớn lao nhất của cuộc đời không làm cho người tử tù mất đi đức tin. Người này đã sống những giờ phút cuối cùng với đức tin đó. Vì vậy ông quyết tâm tìm mọi cách để sinh ra đứa con tinh thần của mình lần thứ hai.

Ông lượm những miếng giấy vụn, ghi lại những ý chính mình đã viết trong bản thảo, hy vọng được sống sót để một ngày nào đó có thể viết lại bản thảo. Chính nhờ bám vào ý tư, vào ước muốn đó mà ông chống cự được với những khổ nhục, nhất là với bệnh sốt thương hàn đang hoành hành trong trại tập trung. Theo Frankl, mình chỉ có thể tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống  khi có ba yếu tố:

Yếu tố thứ nhất: mình muốn thực hiện một cái gì đó trong cuộc đời

Chẳng hạn như ý muốn trao lại cho đời một đứa con tinh thần kết tinh từ những kinh nghiệm của mình, hoặc theo đuổi một chương trình, một sự nghiệp. Ví dụ mình tìm ra là mình có tài năng của một họa sĩ; những bức tranh của mình có thể đem lại niềm vui cho nhiều người, giúp họ quên bớt những khổ đau dằn vặt. Mình thấy những sáng tác của mình có thể tô điểm, làm đẹp cho cuộc đời. Vì vậy mình muốn theo đuổi sự nghiệp của một họa sĩ, không hẳn vì tiền bán tranh hay vì danh tiếng mà chỉ vì ý nguyện muốn làm đẹp cho cuộc đời. Nếu là người có khiếu âm nhạc, mình sáng tác không hẳn là vì quyền bính, vì danh vọng, vì lợi dưỡng hay sắc dục mà vì mình có ý nguyện. Sự nghiệp của mình là sống và thể hiện được cái mình cho là đẹp, là quí, là cần thiết cho cuộc đời.

Trong trường hợp của Siddharta, Siddharta muốn tu tập để chuyển hóa những khổ đau và giúp những người đương thời chuyển hóa khổ đau. Đó là một tư niệm và tư niệm đó giúp Siddharta đi qua được những thời gian khổ hạnh cực kỳ. Khi chưa tìm ra được con đường, Siddharta đã thử nhiều cách thực tập, trong đó có sự thực tập khổ hạnh, và làm cho thân thể héo mòn, tiều tụy đến nỗi suýt chết. Nhưng Siddharta đi qua được tất cả những khổ hạnh đó và sống sót được vì có một ý tư rất mạnh. Ý tư đó là chuyển hóa phiền não và cứu độ con người. Sau khi thành đạo, ý tư đó vẫn còn hùng mạnh nên Siddharta đã để ra 45 năm để đào tạo, giảng dạy và thực tập. Siddharta không muốn nổi tiếng. Siddharta không muốn trở thành đối tượng của sự kính ngưỡng. Siddharta chỉ muốn chuyển hóa khổ đau và giúp người chuyển hóa khổ đau. Vì vậy ý nghĩa của cuộc sống có được là nhờ sự nghiệp, mà sự nghiệp đó không phải là sự thỏa mãn những tư dục cá nhân. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng điều đó.

Có những người đang chạy theo năm dục: tài (tiền bạc), sắc (sắc dục), danh (danh vọng), thực (ăn) và thụy (ngủ). Trong họ cũng có một động lực, họ biết họ muốn gì và chạy theo cái gì. Có nhiều người đi tìm những đối tượng của dục chẳng qua chỉ để khỏa lấp cái trống vắng trong lòng. Có người đi tìm hạnh phúc nơi quyền lực. Họ nghĩ rằng khi có quyền lực thì có thể thỏa mãn được những dục khác. Có người thấy rằng có nhiều tiền thì sẽ có nhiều quyền lực. Mặc dù mình không phải là ông bộ trưởng, ông thủ tướng hay ông tổng thống, nhưng một khi mình có nhiều tiền thì ông bộ trưởng, ông thủ thướng hay ông tổng thống cũng phải đi theo mình. Vì vậy trong thế giới của chúng ta, những nhà lãnh đạo công nghiệp rất quan trọng, nhiều khi họ còn có nhiều quyền lực hơn những nhà lãnh đạo chính trị. Có tiền là có quyền lực.

Ngoài ra có những đối tượng khác như thức ăn ngon. Thức ăn ngon ở đây là những thứ làm thỏa mãn khẩu vị nhưng có ảnh hưởng tàn hại thân và tâm. Chúng ta không có khả năng chống cự lại những thức ăn hấp dẫn. Chúng ta biết ăn thứ đó vô thì sẽ khổ đau, sẽ dẫn đến tình trạng rã rời của thân và tâm nhưng không ăn không được.

Chạy theo đối tượng của năm dục chưa hẳn là đã tìm ra được ý nghĩa của sự sống. Có những người có quá nhiều quyền hành, quá nhiều tiền bạc nhưng họ đau khổ cực kỳ vì họ thấy trống rỗng. Những nhà lãnh đạo doanh thương lớn như ông Bill Ford đã tới tu viện Thanh Sơn ngồi thiền với Thầy. Ông thấy cuộc sống của một người giàu có và quyền lực không đem tới hạnh phúc. Ông cho biết trong giới giàu có và quyền lực, có người đau khổ rất nhiều. Họ rất cô đơn, sống cô đơn mà chết cũng cô đơn. Vì vậy dù đi tìm quyền bính, đi tìm danh vọng người ta vẫn đau khổ như thường. Và rốt cuộc có người đã phải tự tử. Bill Ford đang đi tìm một ý nghĩa của đời sống. Ông muốn chế tạo ra xe hơi không gây ô nhiễm môi trường. Ông nuôi chí nguyện: làm sao để xe hơi sau này có thể chạy bằng nhiên liệu khí hydro. Đó là ý tư mà ông đeo đuổi. Nhưng liệu ông có nuôi được ý tư đó lâu dài hay không?

Có thể nói cuộc đời của tướng De Gaulle rất thành công. Ông đã giải phóng được nước Pháp, đem lại độc lập và tự do cho nhân dân Pháp. Ông nổi danh như cồn và có thời dân Pháp coi ông như quốc phụ (tức người cha của tổ quốc). Nhưng những ngày tháng cuối của tướng De Gaulle rất buồn thảm. Sau một cuộc biểu tình chống đối của người trẻ, ông tổ chức buổi trưng cầu dân ý (referendum) để hỏi người dân có còn muốn ông đứng ở địa vị tổng thống nữa không? Ông tin chắc rằng người dân sẽ trả lời “muốn” tại vì ông là quốc phụ, là người đã có công giải phóng nước Pháp. Nhưng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý thì trái lại, người dân không muốn. Ông bỏ chức vụ tổng thống, ngay lập tức trở về làng quê của ông trong vòng 24 giờ đồng hồ. Trong lòng ông có một nỗi thất vọng lớn. Ông nghĩ người dân Pháp vô ơn bạc nghĩa; mình là người anh hùng đã cứu nước Pháp mà bây giờ dân lại nói không thích mình. Những ngày tháng cuối cùng của tướng De Gaulle rất cô đơn. Ông chưa thoát khỏi ý niệm về ngã và chưa chuyển hóa được lòng tự hào của mình.

Như vậy, danh vọng, dù lên tới mức cùng cực, cũng chưa có thể làm cho con người có hạnh phúc chân thật, huống hồ là lợi lộc, quyền bính và sắc dục. Chúng ta thấy rõ ràng khi chưa tìm được ý nghĩa của đời sống thì ta dễ bị xao động bởi sự đi tìm đối tượng của dục. Ta nghĩ đi tìm đối tượng của dục có thể khỏa lấp được cái trống rỗng trong lòng. Chứng bệnh tập thể của thời đại chúng ta là chứng bệnh trống rỗng hiện sinh (existential vacuum). Ta phải tu học như thế nào để vượt thoát triệu chứng đó và giúp cho đời bằng muôn ngàn phương tiện để mỗi người trong xã hội tìm ra được ý nghĩa của đời sống. Nếu là người xuất gia mà ta lâm vào tình trạng đó tức là Bồ đề tâm của ta bị soi mòn. Không có ý tư thực thì ta không giúp được cho chính mình, không giúp được cho tăng đoàn của mình chứ đừng nói là giúp được cho xã hội.

Khi Bồ đề tâm không vững, chí nguyện tu học không bền thì tự nhiên mình đi tìm những chuyện tầm thường trong phạm vi năm dục để khỏa lấp sự trống rỗng. Nhưng nếu mình có khối lửa trong tâm thì sự lôi kéo của năm dục không đủ sức để làm xao động lòng mình.

Yếu tố thứ hai: Tình yêu, kinh nghiệm của trái tim

Tình yêu đó có thể là tình yêu Thượng đế hay tình yêu nam nữ. Khi có tình yêu thì mình bắt đầu đi trên con đường khám phá, khám phá bản chất của người mình yêu và bản chất của chính mình. Theo Frankl, tình yêu là cách duy nhất để nắm được một cách sâu sắc bản chất của một người. Không có tình yêu thì không thể hiểu được người đó. Nhưng theo thầy thì làm sao mình nắm được bản chất của một người khác khi mình không biết được mình là ai? Mình chưa biết mình là ai thì làm sao mình biết được người khác là ai? Tình yêu chân thật là một con đường khám phá, khám phá được bản thân tới chừng nào thì mình khám phá được đối tượng thương yêu tới chừng đó. Nếu không có sự khám phá bản thân thì không thể nào khám phá được người khác. Đức Thế Tôn có mười danh hiệu, trong đó có danh hiệu Thế Gian Giải, tức là bậc hiểu thấu thế gian. Có hiểu mới có thương. Tại sao đức Thế Tôn hiểu thấu được thế gian? Tại vì Ngài hiểu được chính mình. Hiểu được thì mới thương được người và giúp người thoát khỏi vòng khổ đau.

Frankl nói một câu giống như giới thứ ba của Năm giới: Sự gần gũi nam nữ chỉ có thể được chấp nhận khi có tình yêu chân thật, nếu không thì đó là hành động có tính cách tàn hại. Trong giới thứ ba, chúng ta nói: “Con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức lâu dài.” Theo Frankl, sự gần gũi nam nữ trong trường hợp có tình thương đích thực có thể là một cái gì thánh thiện. Mình có thể chấp nhận câu nói của Frankl. Vì vậy trong Năm giới dành cho người tại gia chúng ta cũng có một câu tương tợ.

Đối với người xuất gia thì khác. Tại sao một sự thật áp dụng được cho người này lại không áp dụng được cho người khác? Người xuất gia cũng biết rằng hành động giao hợp nam nữ nếu được xảy ra trong sự cung kính, trong tinh thần trách nhiệm, trong tình yêu chân thật và sự cam kết lâu dài thì không phải là chuyện xấu. Nhưng tại sao người xuất gia không làm chuyện đó? Câu trả lời là tại vì người xuất gia có một tư niệm rất đặc biệt, muốn dồn hết năng lượng của mình về một hướng, sử dụng tất cả năng lượng để thực hiện chí nguyện của mình. Đời sống độc thân là một trong những nền tảng rất quan trọng cho chí nguyện đó. Những nhà cách mạng bôn ba nơi hải ngoại để tìm con đường sống cho quê hương cũng sống giống như người xuất gia. Họ không vướng bận thê nhi. Người xuất gia không cho đó là chuyện xấu ác, nhưng không làm vì mình đang theo đuổi một chí nguyện lớn. Vướng vào ái dục cũng là một trở lực không cho phép mình đi tới được.

Trong trường hợp thứ hai (tình yêu), hình như trong thâm tâm của tác giả có nói tới một kinh nghiệm tâm linh (religious experience), có thể nói là tình yêu Thượng đế. Tình yêu đó có thể cho mình nhiều năng lượng để đi tới và làm được chuyện này chuyện kia. Khi yêu một người thì mình có thể hy sinh thân mạng để người đó được hạnh phúc.

Nhưng trong ánh sáng của sự thực tập, chúng ta thấy rất rõ là khi thương một người và muốn làm cho người đó hạnh phúc thì mình phải hiểu người đó. Khả năng hiểu tùy thuộc nơi sự thực tập của mình, vì nếu không hiểu được mình là ai thì mình chưa thể hiểu được người kia là ai. Cũng như thương, nếu không thương được mình thì làm sao mình có thể thương được người khác. Thương như vậy chẳng qua là một sự đam mê. Mình phải phân biệt giữa đam mê và tình thương. Đam mê thì đưa đến sự vướng mắc, rồi dìu nhau vào chỗ khổ đau. Còn tình thương thì đưa tới hạnh phúc và tự do cho cả hai phía.

Chúng ta phải phân biệt, phải nhìn cho rõ: sự nghiệp này có thể chỉ là sự chạy theo đối tượng của năm dục và tình yêu này có thể chỉ là sự chạy theo đam mê. Khi đọc Frankl với con mắt của Bụt thì mình thấy như vậy. Tình yêu, theo đạo Bụt, là một sự khám phá, không phải chỉ là sự khám phá người kia mà thôi. Làm sao mình khám phá được bản chất của người kia khi mình không biết mình là ai? Mình không yêu được mình thì làm sao mình yêu được người kia? Mình không giải phóng được mình thì làm sao mình giải phóng được người khác? Khi mình chưa tìm ra được ý nghĩa của đời mình thì làm sao mình giúp được người kia tìm được ý nghĩa đời sống của người kia?

Khi thương thì mình có khả năng giúp được người kia phát triển tiềm năng trong họ. Người đó ban đầu thấy rã rời, không có năng lượng. Nhưng nhờ tình thương, mình có thể soi đường chỉ lối, gỡ ra những bế tắc của người đó và làm cho họ phát hiện ra được những tiềm lực lớn lao trong người họ. Và người đó trở thành một bậc anh hùng, một chàng hiệp sĩ, một người có khả năng làm đẹp cho cuộc đời. Đức Thế Tôn đã từng thương như vậy. Ngài đã khám phá ra những tài ba tiếp nối được Ngài như thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy A Nan, v.v. Sở dĩ Đức Thế Tôn làm được vì Ngài đã khám phá được chính Ngài. Ngài đã khám phá ra ý tư của Ngài, lẽ sống của đời Ngài. Ngài đã hiểu được Ngài. Ngài đã tự giác nên mới giác tha. Ngài đã tự độ nên mới độ tha. Ngài đã tự ái nên mới ái tha. Điểm thứ hai là có tình yêu thì tự nhiên có một lẽ sống. Lẽ sống không thể có bằng sự đam mê mà phải bằng tình yêu chân thật.

Yếu tố thứ ba là khổ đau

Khổ đau đã có nhiều, ta không cần phải đi tìm thêm khổ đau. Nhưng nếu biết quán sát, nhìn sâu vào lòng của khổ đau thì ta tìm ra được ý nghĩa của đời sống. Điều này rất rõ trong giáo lý “Tứ diệu đế”. Bụt nói sự thật hiển nhiên là có khổ đau (ill-being) và nếu quán chiếu sâu sắc khổ đau thì mình tìm ra được ý nghĩa của đời sống, tức sự thật thứ tư – Đạo đế. Khổ đau phải có giá trị mở mắt cho mình, giúp mình tìm ra được lẽ sống của đời mình. Nếu không thì khổ đau sẽ tràn ngập, và làm cho mình chết đuối trong biển cả mênh mông của nó.

Tất cả mọi người trong trại tập trung gần như tuyệt vọng, không thấy một chút hy vọng sống sót nào. Và Frankl cũng không chắc có thể viết lại được, sinh ra đứa con tinh thần lần thứ hai để hiến tặng cho đời. Tất cả mọi người chung quanh đều nghĩ nếu không có được ngày mai thì tất cả các khổ nhục mà mình đang chịu đựng sẽ không có ý nghĩa gì nữa. Nhưng Frankl không để mình bị cuốn chìm trong tư tưởng đó. Và nhờ tờ giấy có bài kinh Kadish vò nhàu trong túi áo mà Frankl thấy rõ ràng: người Do Thái kia đi vào phòng hơi độc với những bước chân rất vững, ngẩng đầu lên và đọc bài kinh, không khiếp sợ, không co rúm, không than khóc. Frankl chợt tỉnh: những tuệ giác mà mình muốn trao cho người, mình có thể sống những tuệ giác đó trong giây phút hiện tại. Có thể ngày mai hay ngày mốt mình sẽ chết, nhưng nếu mình còn một hay hai ngày để sống thì mình phải sống với cái tuệ giác mà mình muốn trao truyền đó. Mình trao truyền bằng sự sống của chính mình. Frankl nghĩ: nếu ta chết trong phòng hơi độc với những tuệ giác ta muốn trao truyền thì ta đã thành công rồi. Vì vậy khổ đau tuyệt vọng cũng là một điều kiện để ta tìm ra được nghĩa sống. Frankl nói một câu rất hào hùng: nếu mình không thể chuyển đổi được tình trạng thì mình phải chuyển đổi tự thân mình! Mình đừng nói rằng hoàn cảnh này không thể chuyển đổi được nên tôi chịu thua, tôi bỏ đi.

Frankl kể, một hôm một ông bác sĩ tới gặp Frankl, than khóc buồn khổ vì vợ ông mới qua đời, một người vợ mà ông thương yêu hết mực. Ông coi bà như lẽ sống của đời mình. Người đó chết nên ông không tìm được niềm vui sống nữa. Đau khổ, tuyệt vọng của ông lớn quá, ông chịu không nổi. Ông có ý muốn tự tử đi cho khỏe. Trong ông có sự trống rỗng hiện sinh. Frankl đã nói với ông như thế này:

– Này ông, bây giờ ông thử trả lời tôi. Nếu ông chết và bà sống thì ông có nghĩ là bà sẽ khổ đau sau khi ông chết không?

Ông nói:

– Như vậy sẽ nguy hiểm lắm, tại vì bà ấy sẽ khổ đau vô cùng.

Frankl nói:

– Đó, ông thấy không? Ông biết bà chết thì không phải gánh nỗi khổ đau tuyệt vọng mà ông đang gánh. Có phải như vậy là đỡ cho bà lắm không? Vì vậy ông phải thực tập gánh khổ đau này cho bà. Đó là tình thương, đó là tình yêu.

Phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sanh, thọ vô lượng khổ” có nghĩa là thay thế cho chúng sanh mà chịu đựng khổ đau vô lượng. Đó là câu trong kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân (Kinh Bát đại nhân giác). Bây giờ ông đang chịu gánh nặng đau thương để bà khỏi đau thương, như vậy thì điều này có ý nghĩa không? Ông bác sĩ tìm thấy ý nghĩa và ông hết đau khổ giống như một phép lạ vậy. Mình không thể làm phép lạ cho bà sống dậy, nhưng mình có thể làm cho ông hết khổ hay là bớt khổ.

Nếu không thay đổi được hay chưa thay đổi được tình trạng thì ta phải thay đổi bản thân mình. Thay đổi bản thân thì ta bớt đau khổ liền mà không cần phải đòi hỏi người này phải như thế này, người kia phải như thế kia. Thay đổi tâm mình thì tự nhiên hoàn cảnh trở nên trong sáng và ta chấp nhận được tất cả những cái mà ta chưa chấp nhận được trong quá khứ. Frankl cũng giỏi, ông nói được ngôn ngữ của những người trong cuộc.

Có một ông Rabi – tức giáo sĩ Do Thái giáo – đến gặp Frankl. Vợ và bốn đứa con của ông chết trong trại tập trung. Ông không còn đứa con nào để tiếp nối, để đọc kinh Kadish khi ông chết. Vậy nên ông tục huyền, cưới một bà vợ khác. Nhưng bà này lại không có khả năng sinh con nên ông tuyệt vọng vô cùng. Ông nói:

– Bốn đứa con trai của tôi đã bị bức tử. Tâm hồn chúng trong trắng, bây giờ chúng đang ở trên cõi trời với Thượng đế. Còn tôi là một người trần tục. Tôi có nhiều tội lỗi, nhiều yếu kém.

Frankl nói:

– Nhưng mà ông cũng còn hy vọng là sau khi chết, ông sẽ trở về đoàn tụ với con ông trên đó.

Ông Rabi nói:

– Chắc không? Con tôi rất trong trắng. Khi chúng chết thì Thượng Đế đưa chúng trực tiếp lên trên đó. Còn tôi, tôi không còn trong trắng nữa, tôi có những phàm tục. Chắc chắn là trong khi tôi chết không có đứa con nào đọc kinh Kadish và tôi cũng không được đưa lên để gặp các con.

Frankl không có niềm tin như ông đó, nhưng Frankl học nói ngôn ngữ đức tin của ông ta:

– Nhưng nếu giáo sĩ chấp nhận những khổ đau này để thanh lọc hóa thì khổ đau trở nên có ích lợi. Nhờ những đau khổ này mà ông có thể thanh lọc tự tâm. Và chính nhờ sự thanh lọc mà sau này Thượng Đế sẽ cho ông lên đoàn tụ với các con của ông.

Frankl giúp cho ông Rabi thấy trong quá trình đi ngang qua khổ đau, mình có thể biến khổ đau trở thành hữu ích và tìm ra được nghĩa sống của đời mình. Đạo Bụt nói rất rõ khổ đau là chất liệu làm ra tuệ giác, an lạc; cũng như bùn là chất liệu làm thành hoa sen. Không có khổ đau thì không có hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu. Nhưng ta không cần và không nên tạo thêm khổ đau. Đã có quá đủ khổ đau cho ta sử dụng rồi.

          Sứ mạng thương yêu

Nhìn và quan sát cây cỏ, ta thấy lá chuối chị nuôi lá chuối em và nuôi thân chuối. Ta học được rất nhiều trong sự quan sát đó. Lá chuối chị được sinh ra trước, tiếp thu ánh sáng mặt trời, những chất hơi như carbonic dioxide (CO2) và chuyển hóa thành những chất nuôi dưỡng thân chuối và những lá chuối con đang từ từ phát hiện. Lá chuối chị có một sứ mạng, có thể gọi đó là sứ mạng thương yêu. Ngay trong giới cây cỏ cũng có, đó là điều rất tự nhiên: nuôi dưỡng và bảo hộ cho thế hệ tương lai. Đó là một cái gì được ghi khắc vào trong sự sống. Nhưng có một điều trong lá chuối chị có một cái mà mình có thể tạm gọi là ý nghĩa sống, mục đích sống của lá chuối chị là nuôi cây chuối và những thế hệ lá chuối tương lai.

Khi một bà mẹ thương yêu và nuôi dưỡng đứa con, mình thấy rất rõ trong bà mẹ có tình thương, có một ý nghĩa của đời sống. Mục đích của bà là nuôi con lớn lên. Bà mẹ có sứ mạng giống như lá chuối chị. Nhưng trong khi lá chuối đang làm việc nuôi nấng cây chuối và những lá chuối khác thì nó cũng có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Nó xòe ra tiếp nhận ánh sáng ban mai, trình bày tất cả những tươi mát, đẹp đẽ của mình và sống an lạc trong từng giây từng phút. Hai công việc đó không chống đối nhau. Năng lượng của Bồ đề tâm và khả năng lạc trú trong giây phút hiện tại không chống đối nhau. Con sư tử mẹ hay con mèo mẹ cũng chăm sóc, bảo hộ những những đứa con nó sinh ra. Nhiều khi nó nhịn để cho con ăn. Nó có tình yêu, nó có một ý nghĩa của đời sống.

Là một người cha hay một người mẹ, ta phải thấy đời sống của mình có một ý nghĩa nào đó. Ta đã tiếp nhận như thế nào và sẽ hiến tặng như thế nào? Nếu không thấy được mình đã tiếp nhận cái gì thì làm sao thấy được mình sẽ hiến tặng cái gì? Là một người xuất gia, ta đã tiếp nhận được giới pháp, ta đã tiếp nhận được Tam bảo, đã có hạnh phúc. Ta  đã trở thành một sư anh, một sư chị. Ta có bổn phận nhìn các sư em bằng con mắt đó. Ta phải sống và hành xử như thế nào để mỗi giây phút của đời sống hàng ngày có tác dụng nuôi nấng các sư em. Ít nhất ta phải làm được như một tàu lá chuối. Vì vậy mỗi bước chân của ta phải đi trong chánh niệm. Nếu bước chân không chánh niệm thì bước chân đó không có tính cách nuôi dưỡng và không thể hiện được tình thương của mình. Là một sư chị mà ta không biết thở và ôm ấp khi có sự bực tức biểu hiện thì ta không thương các sư em. Mình nói mình thương sư em, thương thầy nhưng nếu mình không làm được việc đó thì lời tuyên bố kia trở thành trống rỗng. Thương là một cái gì có thật. Thương bằng mỗi bước chân, bằng mỗi hơi thở, bằng cách hành xử, bằng từng lời nói của mình. Mình có tình thương hay không, điều này có thể thấy được rất rõ ràng, không thể che giấu được.

Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 2)

Bài chia sẻ của Thầy Pháp Cơ

Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 1)

 

Kỷ niệm đẹp thì tương lai đẹp

caubechantrau1.JPGKhi đến một trung tâm tu học hay là một không gian nào đó mà mình cảm thấy yêu thích, mình thấy tâm mình nó bay nhẹ nhàng thong thả như một con hạc và mình thấy mình không cần làm một cái gì quan trọng hết. Lúc đó tâm thức mình đã có sự buông thư, có sự lắng dịu và mình thưởng thức được sự sống chung quanh mình và đồng thời chánh niệm được phát khởi. Cũng giống như khi mình đến một trung tâm tu học như ở đây, mình đã bỏ lại sau lưng những khó khăn, lo phiền và công việc của mình. Nhưng khi mới đến đây tâm thức mình chưa lắng xuống liền vì mình còn mang ít nhiều quá khứ trong đầu, những hình ảnh phố thị vẫn còn chạy theo trong đầu của mình. Cho nên mình phải làm thong thả, đi thong thả và nhẹ nhàng như một con hạc đang bay. Mình đi thiền hành để chế tác chánh niệm trong tâm của mình; mình đi từng bước, từng bước như vậy và để hết lòng mình vào hơi thở và việc tiếp xúc với sự sống chung quanh. Nếu trong tâm mình vẫn còn đôi chút âu lo, phiền muộn còn ứ đọng thì cũng đừng quan tâm quá, cứ để cho nó thong thả, nhẹ nhàng rồi nó sẽ qua. Mình cứ đi thiền hành thong thả từng bước và theo dõi hơi thở như vậy một lúc cho đến khi hơi thở trở nên nhẹ và trong hơn, mình cảm thấy tâm mình cũng nhẹ và trong hơn. Khi mới bắt đầu thiền hành thì hơi thở nghe nặng nề, trầm đục, nhưng sau một hồi theo dõi hơi thở có ý thức thì hơi thở dần dần trở nên nhẹ nhàng và trong như cánh hạc bay qua. Lúc đó chánh niệm thấm từ từ vào tâm và làm cho người mình buông thư và cái phố thị cũng từ từ lắng xuống.

Thơ cụ Nguyễn Du có câu:

“Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”

Mỗi lần mình tới một nơi mình thích, như tu viện này chẳng hạn, mình không cần gặp cho được vị trụ trì hay một thầy nào đó… Bởi vì mình tới đây là cơ hội để mình hưởng cái không gian của mình. Cái quan trọng trong lòng mình là cái không gian, và cái đó nó làm nên sự tu học và cái phước đức của mình. Công đức của mình có được là nhờ sự thực tập của mình. Mình phải có cái tính lặng lẽ như con hạc và sự trầm lắng thì chánh niệm mới dễ phát khởi. Nếu lúc nào mình đến chùa mình cũng chỉ muốn hỏi chuyện xây tháp hoặc quyên tiền và mình luôn bị cuốn theo, tâm mình loạn lên thì uổng cho mình quá!  Con thấy trong chúng của mình có một vị thực tập rất giỏi, đó là chú Thắng. Khi chú tới, chú thong thả như hạc bay, chú tiếp xúc với cây cối, thằn lằn rắn mối, rồi thấy cái cây nào cần sửa thì chú sửa, thấy thùng rác bay ngả nghiêng thì chú lượm rồi để lại ngay ngắn, và tất cả mọi việc mình đều làm trong chánh niệm. Điều này quan trọng lắm. Mình thường muốn gặp những vị thầy để bàn những chuyện lớn, mình nghĩ là phải làm những việc lớn mới là tu còn việc nhỏ không quan trọng, nhưng chưa chắc đâu!

Hồi đó con có ở một ngôi chùa, và tình cờ học được trong Kinh Địa Tạng một câu mà con rất thích: “Có thiện nam tử, thiện nữ nhân, vị nào làm một việc nhỏ như một giọt nước, một sợi lông, một hạt bụi, mà ở trong Phật pháp mà làm thì công đức ấy không thể nghĩ bàn”, có nghĩa là nó rộng lớn không thể nói được, không thể tả được, trong khi đó thì hạt bụi nhỏ, nhỏ lắm. Cho nên khi tâm mình yên lặng và làm việc trong chánh niệm, tức là “ở trong Phật pháp mà làm”. Nghĩa là ở trong chánh niệm, mình học về Bụt, học Pháp của Bụt, xong mình làm những việc giống như lời Bụt dạy. Khi mình “Thở vào, mình biết mình đang thở vào; thở ra mình biết mình đang thở ra”, cái đó là ở trong Phật pháp mà làm. Sư cô Đẳng Nghiêm thường mời năm vị ở lại để giúp sắp bồ đoàn, tọa cụ. Khi mình sắp bồ đoàn, cái tay mình nâng nó lên và đặt xuống trên tọa cụ một cách ngay ngắn và tròn trĩnh, và mình thấy làm cái này là làm cho chính mình, mình làm cho mọi người ở đây có hạnh phúc là mình cũng đã có phần trong đó. Mình làm trong chánh niệm thì đó là làm trong Phật pháp. Cũng vậy, nếu với cái tâm thức đó mà làm, không có sự so đo phải làm công việc lớn mới có phước đức, thì tuy mình làm một việc nhỏ như hạt bụi, nhưng  nó rộng lớn không thể tưởng tượng được, cho nên mới nói là “bất khả thuyết”, không thể nói được. Ngược lại nếu không phải trong Phật pháp mà làm thì dù lớn nhỏ gì, phước đức cũng chẳng được bao nhiêu. Ví dụ, nếu mình muốn quyên tiền xây một mái thiền đường, mình nghĩ nó quan trọng hơn, và khi xây mái thiền đường xong thì mình muốn để tên của mình trên đó để cho mọi người biết cái tên của mình và nếu không ai công nhận cái tên của mình thì mình rất là buồn. Cái đó cũng có phước đức, nhưng chắc chỉ bằng cái kẹo hồ lô thôi.

Nhưng nếu những người biết ở trong Phật pháp mà làm thì khác hơn nhiều. Nó cũng từ cái gốc ở chánh niệm mà có, khi mình có chánh niệm thì mình mới làm được những chuyện đó. Tại vì với chánh niệm, mình biết giúp mình làm những việc đúng với sự sống, đúng với những gì đang xảy ra, và mình đang làm bằng sự sống của chính mình. Đó sẽ là những kỷ niệm đi theo mình, theo suốt cuộc đời của mình. Con mời đại chúng quán tưởng là mình đang có một người bạn và mình đưa người bạn mình đi ra trạm xe lửa. Mình ý thức là người bạn này mình rất quý, không biết chừng nào mình mới gặp lại. Khi mình đi tiễn, cả tâm ý của mình chỉ biết có người bạn của mình thôi, và những người đi qua đi lại, kẻ áo xanh, người áo đỏ hoặc cái gì khác mình cũng không để ý đến. Khi người bạn lên tàu, mình chờ đến lúc bàn tay mình chào bắt tay bạn, và con tàu dần chạy xa hun hút rồi mà mắt mình vẫn dõi theo, cho đến khi xa không thấy được thì mình mới trở về. Cái kỷ niệm đó nó đi theo mình cả đời. Nó có được là do “niệm”. Niệm có nghĩa là tâm mình có ý thức về một hiện tượng nào đó đang xảy ra, và cái ý thức đó nó đem lại cái thấy sâu sắc trong sự sống của mình. Cái đó chính là cái kỷ niệm của mình. Nó có thể dẫn mình đi tới tương lai, và nếu mình có những kỷ niệm đẹp thì tương lai của mình sẽ được vui và đẹp.

Cũng giống như vậy, khi mình tới được đây, mình đem theo cái tâm thức muốn thực tập hết lòng, muốn được đi trên đất rất thong thả… Đó là một chuyện mình làm rất sâu sắc trong lòng của mình, và nó sẽ là cái kỷ niệm của mình. Cho nên khi ngồi ăn chung với đại chúng, mình cũng hết lòng, mình không nói chuyện, mình ngồi cho ngay thẳng, mình để cho tâm thong thả, và nghe tiếng chuông thì mình dừng lại để thở; mình biết trân quý thức ăn như những tặng phẩm của đất trời, như những gì mình đang được nghe trong Năm Lời Quán Nguyện trước mỗi bữa ăn. Ý thức rằng thức ăn không phải tự nhiên mà có, cho nên mình ăn với sự trân quý. Mình đem hết tấm lòng mình để ăn một buổi ăn thôi là mình đã có được sự biết ơn sâu xa ở trong lòng. Nó sẽ trở thành một quá khứ đẹp, dù chỉ là một bữa ăn. Lâu lâu mình mới có cơ hội được ăn chung với mọi người chứ đâu phải lúc nào cũng có. Khi mình đi chung với mọi người thì tâm thức của mình cũng thực tập hết lòng giống như là mình đi đưa tiễn một người bạn vậy, tại vì mình biết cơ hội này không phải lúc nào mình cũng có được. Điều đó giúp mình thấy sự sống rất là gần gũi với mình.

 

Liên hệ người người

caubechantru2.JPGKhi mình thấy có sự sống, có niềm vui thì sự liên hệ giữa mình và người rất gần gũi, và cái khả năng đó làm cho mình tiếp xúc được với mọi người rất dễ dàng; nó làm cho mình có được tình người. Mình mà xa cách với con người là tại sự sống của mình không có gần gũi với mình nhiều, tức là mình không hiểu nhiều về sự sống. Con người là một phần của sự sống và mình gần với con người nhiều nhất. Mình thường nói mình sống với thiên nhiên, nhưng thật ra mình sống với thiên nhiên được bao nhiêu? Mình về nhà sống với người thân thì nhiều. Nhưng mình sống như thế nào? Cho nên nếu mình nói mình đi tìm thiên nhiên và xa con người là một điều rất là trật, vì con người là một phần của thiên nhiên.

Nếu mình sống không hòa đồng và hạnh phúc được với con người  mình muốn đi tìm thiên nhiên để mà sống, đó cũng là một điều lạ! Nhưng khi mình tiếp xúc được và mình sống hết lòng với mọi người trong mọi hành xử thì nó mang cho mình một cái thấy sâu sắc ở trong sự sống. Mình tiếp xúc với con người rất là dễ và con người đưa đến cho mình nhiều hạnh phúc lắm. Khi có nhiều phiền lo trong con người mình, khi không hiểu được những tâm hành của mình thì những cái như buồn giận nó làm cho mình khổ đau nhiều, cho nên mình nghĩ là con người làm cho mình khổ đau, nhưng cái gốc là tại vì tâm thức của mình không gần, không cảm được sự sống, và không hiểu được sự sống.

Mình có thể rất giỏi về những lãnh vực chuyên môn nào đó, nhưng những tâm hành và những con người sống cạnh bên mình thì mình lại không có thời gian để quan sát và học hỏi. Vì thế cho nên mình không hiểu nhiều, và mình có nhiều sự chia cách giữa mình với con người, với sự sống. Khi mình có chánh niệm và sống hết lòng, thì từ từ mình có thể ngồi với một người, trò chuyện với người đó, một lần hoặc hai lần gì đó, và lòng mình mở ra; dù mình không nói gì hết, mình chỉ nghe người đó nói, hoặc là mình nói và người đó chỉ ngồi đó thôi, nhưng nó làm cho lòng của mình thoải mái và hạnh phúc lắm. Quý vị làm thử đi. Cái đó mang cho mình niềm vui và mình thấy con người quý với mình lắm. Bản thân con thì con rất cám ơn trong đời sống của con có những người thân mà con rất quý và những người thân đó cũng rất quý con. Cho nên khi mình gặp, mình ngồi, mình uống trà hay là mình trò chuyện gì đó, trong một giây phút nào đó, mình thấy tất cả những cái đó là kỷ niệm nó nuôi dưỡng mình và làm cho mình đi tới, không thấy cô đơn.

 

Học từ kinh nghiệm

Có lúc mình xa cách tâm thức của mình, mình không quản thúc được cái giận hờn trong con người của mình. Nhưng khi có được chánh niệm và có sự sống thì giống như mình đã có con trâu ven bầy, nó có cái khả năng ven cái giận hờn và mình gom nó lại, khi nó lên trên mặt ý thức của mình, mình quản thúc rất dễ. Người chăn trâu, khi có con trâu quậy phá thì họ thường thả một cọng dây dài khoảng chừng mười thước, gọi là “dây dàm”. Cọng dây dàm là cọng dây rút lại và kéo lại. Người chăn trâu biết được con trâu nào thường hay quậy phá và mình phải để ý, để khi nó chạy thì mình chạy theo nắm sợi dây dàm và giựt nó lại. Không phải giựt là nó đứng lại liền mà đôi khi nó mang mình chạy xa lắm. Người có kinh nghiệm sẽ chùng sợi dây đó, xong giựt một cái rồi chùng lại, rồi giựt một cái,… họ giựt nhiều lần như vậy, cái lỗ mũi của con trâu sẽ đau. Khi mình chùng lại sợi dây dàm, con trâu đang có cái trớn chạy tới thì mình giựt một cái và khi mình giựt năm bảy lần thì nó chùng lại, từ từ mình bắt được nó.

Cũng như vậy, khi mình có cái giận, cái lo cái buồn và mình lấy ý thức chánh niệm để nhận diện và ôm ấp nó thì không phải là nó dừng lại liền mà nó vẫn sẽ chạy, vì nó quá mạnh trong ý thức của mình. Lúc đó mình không nên cố gắng nhiếp tâm mạnh quá. Chữ “nhiếp” trong thiền đối với chữ “xả”. Khi mình biết được đang có một đối tượng tâm hành quá căng thẳng trong mình thì mình nên chỉ để ý đến nó khoảng chừng sáu bảy chục phần trăm thôi. Vì nếu mình cố hết sức ghìm giữ đối tượng lại, nhưng nếu đối tượng đó vẫn tiếp tục chạy thì tự động mình có cảm giác như bất lực, và cái tâm nó càng loạn lên. Cho nên mình chỉ cần chạm lên, mình biết được cái giận giữ hay cái buồn phiền đang có mặt, mình chạm vào nó khoảng sáu bảy chục phần trăm thôi, còn 40% hay 30% còn lại mình để cho con người mình thong thả và thoải mái, để tiếp xúc với những điều kiện tốt lành đang có. Trạng thái đó là trạng thái chùng vừa phải và cái tâm mình nó chùng lại từ từ. Có lúc mình nhiếp rất mạnh, nhiếp 100% vô trong cái giận, và mình thấy đây là cái giận rất rõ ràng. Lúc đó chánh niệm của mình rất mạnh, ôm cái giận trọn vẹn và nó lắng xuống ngay. Nhưng một khi nó vẫn còn chạy thì mình cứ để nhè nhẹ trên nó thôi, đừng có nhiếp 100%, chỉ 50 hay 60% thôi, còn 50 hay 40% còn lại để cho nó thong thả và chánh niệm sẽ ôm nó từ từ. Giống như con trâu, nó sẽ ngừng lại từ từ. Quan trọng là ở sự kiên nhẫn.

“Xả” tức là không giữ, xả tức là không theo 100%, không theo bên nào hết. Lúc xả thì tâm mình thong thả như mình đang lùa trâu ra một đồng trống, không có một đối tượng nào để 51 tâm hành chạy theo. Lúc đó là một khoảng trống và tâm mình thong thả. Khi tâm mình nhiếp được cái đối tượng giận rồi thì từ từ cái giận nó sẽ gom lại, và từ từ nhập lại thành một với tâm hành chánh niệm. Khi có con trâu quậy phá thì mình đem con trâu ven bầy gom con trâu quậy phá, gom từ từ thì tự nhiên bầy trâu sẽ hợp trở lại. Những cái đó khi nói về tâm thức, đều là chánh niệm hết. Khi mình gom cái tâm thức giận hờn, và nó được chánh niệm ôm ấp thì cái giận hờn lắng dịu và nó trở thành năng lượng chánh niệm. Giống như nước và sữa, khi mình mới bỏ vô thì mình thấy có nước có sữa, nhưng nếu quậy một hồi thì nó trở thành một. Nhưng nó cũng có thể đi ngược chiều trở lại nếu chánh niệm của mình quá yếu và cái giận nó mạnh và mình không gom lại được thì cái niệm từ từ trở thành cái động và cả người mình toàn là giận, cả một cái tâm thức mình là giận hết. Cho nên khi mình thực hành tinh chuyên và ôm ấp được cái giận cái buồn, thì cùng một cách đó mình cũng ôm ấp được tất cả những tâm hành khác như ganh tỵ, ghét thương,v.v.. Trong sự thực tập, mình bắt đầu với sự nhận diện đơn thuần, tức là mình thấy cái tâm hành và nhận diện, gọi đúng tên nó khi nó vừa đi lên. Cũng với chánh niệm, mình từ từ ôm ấp nó, thấy được cái tâm mình lắng dịu, thấy được tất cả toàn là niệm, và khi thấy tất cả chiều sâu của cái sự giận hờn thì mình bật được cái gốc của nó, đó  gọi là chuyển hóa. Người chăn trâu và người tu thiền cũng giống nhau, cho nên trong thiền môn, người ta gọi người tu thiền là người chăn trâu, chăn cái tâm trâu của mình.

 

Cái căn bản thì mình lại thiếu

buocchanThay.JPGThưa đại chúng, khi mình mà chăn trâu không giỏi, mình chăm sóc không giỏi và mình để trâu mình phá hoại lúa, thóc, khoai sắn, thì lúc đó mình sẽ ra bờ sông mình nằm mình khóc, tại vì trâu mình nó ăn thóc ăn lúa phá hoại mà mình không biết phải làm sao. Khi đó mình mới chạy đi tìm một vị mà mình quý trọng, mình than thở, “trâu tui nó phá quá và giờ không biết làm sao, xin ông giúp tui với”, và khi đó mình chắc lưỡi than giống như con thằn lằn, và vái vị đó dạy cách cho mình phải làm gì.

Quý vị có biết tại sao người ta thường nói “than như con thằn lằn” không? Có một câu chuyện như thế này: Có một vị đó rất giàu có, cái gì cũng biết hết, giàu về ý niệm, giàu về kiến thức và giàu về của cải, vị đó tên là ông Hống. Một hôm ông Hống cảm thấy rất hạnh phúc, rất đầy đủ và nói rằng nếu ai có cái gì mà tôi không có thì tôi sẽ đem tất cả những gì tôi có cho người đó. Hôm đó có một người nông dân, rất bình dân, đem tới một cái mẻ kho. Mẻ kho là cái mà nhà nào cũng có, cũ kỹ, ngày nào cũng kho nên nó rất xấu và đen. Ông nhà giàu thì cái gì cũng làm bằng vàng, bằng bạc, bằng i-nốc, bằng đồng chứ làm gì có cái mẻ kho xấu xí như vậy! Ông nhà giàu xem lại tài sản và không thấy có cái mẻ kho nào nên ông ta đem tất cả những gì ông có để tặng cho người nông dân và khen: “Anh có những cái rất đơn giản nhưng lại thiết thực và cần thiết cho đời sống; còn tôi, có nhiều cái tôi cảm thấy nó cao quý nó mầu nhiệm nhưng cái căn bản tôi không có, cho nên những cái gì tôi có tôi sẽ tặng cho anh”. Nhưng khi tặng xong, ông buồn và tiếc vì sự mất mát quá lớn nên vài ngày sau ông chết. Ông chết và đầu thai thành con thằn lằn và lúc nào nó cũng cứ than, cứ chắc lưỡi. Ở quê khi thấy có người hay tự khoe mình giỏi mình hay thì người ta thường phê bình:

“Ông Hống còn thiếu mẻ kho

Mày hay là mấy, miệng to làm gì!”

 

Tức là ông Hống, ông hay ông giỏi như vậy nhưng những cái căn bản ông không có, và câu chuyện này rất hay. Nhiều khi mình thấy mình có những cái hay, mình thấy mình rất đầy đủ, mình cảm thấy rất thỏa mãn, nhưng những cái rất căn bản thì mình không có. Giống như một đời sống có chánh niệm để mình ý thức được một sự sống đang gần gũi với mình, và mình “đang là” thì mình lại không biết. Cái đau khổ và cái khó khăn của mình nó phát xuất từ đó nhiều lắm. Tại vì mình biết những cái xa hơn sự sống mình đang có và mình tự hào với cái mình có, nhưng cái căn bản thì mình lại thiếu. Khi mình thấy được người của mình yếu kém chỗ nào thì nên bồi đắp phần đó. Bản thân con thuộc loại nông dân nên con quý và học hỏi từ những cái căn bản, sống gần gũi với mọi vật với thiên nhiên và mình biết mình đang là. Nó giúp mình nhiều lắm, mình đừng có như ông Hống, lúc nào cũng chấp mình giỏi nhưng lại thiếu một cái mẻ kho, để phải làm con thằn lằn thì tội lắm. Nếu mình là người chăn trâu giỏi thì mình sẽ không than như con thằn lằn. Còn nếu mình chăn trâu không xong, nghĩa là học hỏi và điều phục tâm mình không xong để cho những con trâu giận hờn phiền não nó chạy nó phá mùa màng, khoai sắn lung tung thì lúc đó mình phải ra bờ sông mà khóc lóc và chắc lưỡi như con thằn lằn.

Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 1)

 

Xin giới thiệu quý bạn đọc bài chia sẻ của thầy Pháp Cơ, một giáo thọ của Làng Mai đang tu tập tại tu viện Lộc Uyển. Đọc bài thầy, các bạn có cơ hội cảm nhận được trở về với tuổi thơ. Sống lại tháng ngày hồn nhiên trong đời sống hằng ngày của mình, với những kỉ niệm đẹp tuổi  ấu thời có khả năng nuôi dưỡng cuộc đời này nếu ta biết trân quý, bồi đắp và giữ gìn nó!   

thanhlocuyen.jpgSáng nay con đi thiền hành với đại chúng theo lời hướng dẫn của thầy Pháp Dung: “Thở vào con bước hai bước. Thở ra con bước hai bước” ,….  Đi một hồi,  con thấy tâm con lắng dịu. Con đem tâm lắng dịu của con hướng về những hiện hữu mầu nhiệm, tiếp xúc những vòm cây xanh mát, nắng ấm và hoa thơm cỏ lạ chung quanh Lộc Uyển. Tâm thức con trở nên nhẹ nhàng, bình an và rất thoải mái. Con tiếp tục đem tâm thức nhẹ nhàng thoải mái này tiếp xúc với những gì chung quanh, ý thức rõ sự có mặt của các bạn đồng tu và thiên nhiên. Từ từ con thấy con là một phần của thiên nhiên và con không cần phải cố gắng để thưởng thức thiên nhiên nữa, vì thiên nhiên bình yên bây giờ hình như đã thấm nhuần và đang luân lưu, trôi chảy trong con. Con tiếp tục đi tới và bỗng nhiên con nhận ra rằng: đằng sau con là quá khứ đã qua và trước mặt con là tương lai sắp tới, nếu trước mặt con đẹp và sáng tỏ thì quá khứ sau lưng con cũng đẹp và sáng tỏ. Vì thế, trong hiện tại và tương lai, nếu chúng ta sống đẹp, sống có ý thức thì cố nhiên quá khứ chúng ta cũng sẽ rất đẹp và có ý thức về những kỷ niệm đẹp đó.

 

Bài học về chăn trâu

Con có một kỷ niệm về chăn trâu, hồi con còn nhỏ, con sống ở nông thôn, Ba của con làm ruộng, nhà con có đến 13 người con và hơn 30 con trâu; con là em bé chăn mấy chục con trâu đó. Khi chăm sóc đàn trâu, mỗi sáng con thả chúng ra đồng ăn cỏ, đừng cho chúng chạy đi ăn thóc lúa hoặc khoai sắn của nhà người ta, vì thế lúc nào mình cũng phải có mặt cho đàn trâu của mình. Nhưng vì buổi sáng phải đưa trâu ra đồng, lo canh giữ và chăm sóc chúng rồi đến chiều tối lại lùa trâu về nhà, nên em bé chăn trâu không có thời gian để học nhiều. Cho nên hồi nhỏ con đã 13 tuổi mà chỉ học đến lớp Ba thôi. Ở xã hội ta hồi đó, người ta thường chê bai những kẻ ngu dốt, không biết chữ là “đồ chăn trâu”.

 

Khi chăn trâu, mình phải biết cách gom bầy trâu mình lại, vì trâu có rất nhiều loại. Có con khi mới thả ra là nó chạy đi tìm lúa để ăn và phá khoai phá sắn chứ không chịu nhập theo đàn. Khi đàn trâu đang đi với nhau, có con lặng lẽ tách riêng ra và đi lang thang một mình; có con lại không chịu đi, cứ đứng nguyên một chỗ, không theo đàn trâu ra đồng ăn cỏ. Cho nên nhiệm vụ người chăn trâu trước hết là phải gom bầy trâu lại với “bộ đồ nghề” là khúc cây dài từ 5 đến 7 tấc, gọi là “cây làn can” và một sợi dây dài gọi là sợi “dây dàm”; dàm có nghĩa là kéo và gút lại. Còn cây làn can để dùng khi có con trâu nào không nghe lời thì mình đánh “bốp” vào sừng nó. Cái “dụng cụ” thứ ba mà mình phải có là: trong bầy trâu, mình chọn một con tốt nhất, con trâu đó gọi là con trâu “ven bầy”; chữ ven ở đây có nghĩa là gom lại, và người ta cũng gọi là con trâu “cầm bầy”, cầm có nghĩa là giữ đừng cho nó tản ra. Cho nên con trâu này phải là con trâu nhanh nhất, mạnh nhất và giỏi nhất ở trong bầy.

 

Con nghĩ cũng lạ! Sao thường người ta cứ hay khinh rẻ kẻ chăn trâu là ngu, là dốt, là không biết chữ, mà trong nghề giữ trâu, người ta lại dùng toàn danh từ Hán-Việt hay chữ Nôm như thế! Cứ “ven” rồi “cầm” nghe sao rắc rối quá! Trở lại chuyện “ven” trâu: trong khi chăn trâu, nếu em bé chăn trâu thấy có con trâu nào rời khỏi đàn, em liền thả con trâu “ven” ra để nó chạy đi “ven” con trâu kia trở về. Khi trâu ăn no rồi thì mình phải biết gom trâu về một chỗ cho chúng nghỉ ngơi, đừng để chúng đi phá phách và cũng để mình có chút thời gian vui chơi. Trâu là một loại súc vật ăn rất lâu no, nó cứ đi, cứ chạy chỗ này qua chỗ khác và nó có thể ăn 5 hay 6 tiếng đồng hồ và mình cũng phải có mặt ở đó. Khi thấy trâu ăn no rồi thì người chăn trâu phải tìm một chỗ trống để lùa bầy trâu đến cho trâu nghỉ, và chỗ đất trống đó gọi là cái “láng”. Láng có nghĩa là rộng, trống trải, không có đối tượng gì để trâu chạy theo. Chúng không còn lúa thóc khoai sắn để phá hoại nữa và khi đó mình cũng được rổi rảnh đôi chút, mình khỏe, mình có thời gian xuống bờ ruộng chơi và chăm sóc con trâu cầm bầy.

“Ai bảo chăn trâu là khổ,

Ta ngồi mình trâu, ta vuốt cái hàm râu,

Và con mắt lim dim, ta nắm đuôi trâu, ta rờ bụng trâu”.

 

Ngồi chơi với đàn trâu ta thấy bầy trâu thường chơi với những con hạc. Ở đồng trống thường có những con hạc rất đẹp mà người chăn trâu gọi là con “cò trâu” vì nó bự lắm, to hơn những con cò bình thường. Ở quê, con gì bự đều gọi là trâu – con cò trâu. Còn người nông dân, khi gọi thì gọi là “cò ngà”, và người văn thơ một chút thì gọi là con hạc. Con hạc có một cọng lông dài ở trên đầu, nó rất thích những cảnh vắng vẻ, thích sống trên những cánh đồng trống. Khi con trâu đến vùng đất trống trải đó thì hai con vật này hay chơi đùa lân mẫn với nhau. Lúc đó người chăn trâu cũng ca hát vui chơi hoặc bắt chước những điệu ca của con hạc. Con hạc hát rất hay và nó múa cũng rất đẹp. Con trâu thường nằm nhai cỏ và con hạc thì lân la đến gần trâu để ăn, để chơi và để múa hát. Loài hạc múa rất đẹp và hát cũng rất hay. Con hạc nó kêu: “Rờ rờ r r r r, rờ cốc, rờ cốc. Rờ rờ r r r r, rờ cốc, rờ cốc”. Đó là cái âm con hạc phát ra khi nó múa. Tiếc quá, giọng con không trong bằng giọng con hạc, hồi đó con nhại giống lắm!!!

 

Và khi rảnh rang, người chăn trâu thường học trong những giờ trâu nghỉ ngơi. Con nhớ ở dưới quê người ta có câu: “Khi trâu tắm ao làng, ta ôn lại vần xuôi…”, nghĩa là chỉ khi đàn trâu nghỉ ngơi thì mình mới có cơ hội ôn lại những gì mình đã học, đã nghe. Người chăn trâu phải biết khi nào trâu mình ăn đã no. Mình phải nhìn cái hông bự của con trâu để biết trâu no hay đói; khi hông trâu còn lõm xuống là trâu chưa no và khi hông trâu đầy tròn lên là trâu đã ăn no. Khi hông trâu chưa đầy mà mình lùa trâu về là thế nào cũng bị rầy vì người ta biết trâu ăn chưa no. Khi giữ trâu mà để cho trâu ăn lúa thì người giữ trâu không có giỏi, vì mình lơ đãng hay ham chơi với hạc quá. Trong thi ca Việt Nam người ta nói nhiều về chăn trâu:

“Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Có những ngày trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao

Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc

Có cô bé ngồi bên cười khúc khích

Mắt đen tròn thương thương mãi hay không?”

 

Có bài nữa là:

“Chăn trâu đầu đội nón lá che nghiêng

Ngoắc ngoải trên lưng trâu

Tay cầm làn can như roi ngựa …”

 

Người chăn trâu rất hạnh phúc khi mình có những bài như vậy để hát khi mình nghỉ ngơi. Và mình thấy ở trong con người của mình cũng có hình ảnh con hạc và con trâu. Người Đạo Lão thường rất thích con hạc và họ thường ca ngợi con hạc tại vì họ thích sự vắng vẻ. Cái nón họ đội cũng có hình hạc, cái áo họ mặc cũng có hạc, hạc là con vật tượng trưng cho sự cao quý và vắng vẻ. Còn người tu thiền đạo Bụt thường ví cái tâm mình là con trâu vì con trâu hay chạy phá và thích tìm đến những đối tượng khác nhau. Cho nên khi một người đang tu thì người ta gọi đó là người đang chăn trâu, tức là chăn cái tâm của mình đừng cho nó chạy, nó phá; phải hướng “con trâu tâm” của mình đi cho đúng đường.

Mình cũng có thể thấy trong người của mình có hai phần, vừa có hạc và vừa có trâu, chứ không hẳn là mình chỉ thực tập chăm con trâu của mình thôi. Mình có thể vừa chăm sóc cho trâu và chăm sóc cho hạc cùng một lúc. Bởi vì cái tâm của mình có rất nhiều phần, không phải nó có một con trâu mà nó có cả một bầy trâu. Đó là những giận hờn, trách móc, phiền não là những loại trâu không tốt; chúng chạy loạn và làm cho tâm mình náo động. Cho nên mình phải biết cách, phải có cách để gom chúng lại. Nếu mình là người giữ trâu, mình sẽ chọn con trâu cầm bầy thật giỏi, thật nhanh để gom đàn trâu lại; còn tâm thức mình, mình dùng cái gì để mình gom, mình giữ những phần chạy hoang chạy loạn đó?

 

Ở đây mình cũng có sợi dây để mình giữ con trâu tâm và lái con trâu tâm của mình, đó là chánh niệm. Chánh niệm có thể ôm được những tâm hành đang chạy loạn và đang làm mình giận hờn, buồn bã. Mình phải biết khi nào một tâm hành nó phát khởi lên và chạy ra khỏi phạm vi ôm ấp của chánh niệm là mình phải biết liền, và lúc đó mình tức tốc cỡi con trâu chánh niệm của mình để theo nó, nhận diện nó thì tự động những tâm hành chạy loạn sẽ gom lại. Vấn đề còn lại là làm thế nào để mình phát khởi chánh niệm để nó có mặt kịp thời, để mình có được một thứ dụng cụ để chăm sóc được đàn trâu lộn xộn trong tâm thức mình.

 

Có một phương cách như thầy Pháp Dung chỉ hồi sáng là phương pháp  thiền hành, đi và theo dõi bước chân  và hơi thở của mình. Cái đó nó chế tác ra năng lượng chánh niệm để mình có chánh niệm và mình có khả năng chăm sóc được cái tâm của mình. Khi một người chăn trâu không có một con trâu giỏi thì không có cách nào ven được bầy trâu, và người chăn trâu đôi khi phải chạy rã chân mà vẫn không làm gì được. Và khi mình muốn chăm sóc tâm thức của mình mà không có chánh niệm thì cũng như vậy. Cho nên mình phải có thời gian để phát khởi chánh niệm. Người chăn trâu thường lùa bầy trâu của mình ra chỗ đồng trống để nó ăn cỏ và trong lúc trâu ăn thì mình có thể nghỉ ngơi. Cũng vậy, tâm hành mình đôi khi chạy theo nhiều đối tượng, đối tượng bên ngoài cũng như đối tượng bên trong, những phố thị trong con người mình, những giận hờn, buồn lo trong lòng mình. Cho nên mình cần phải biết cho tâm thức mình nghỉ ngơi; giống như người chăn trâu, mình phải đưa tâm thức mình đi đến một nơi có không gian để nó có thể nghỉ ngơi và thư giãn. Lúc đó chính là lúc mình phát khởi chánh niệm trong tâm của mình và mình có khả năng chăn được bầy trâu và những phần lộn xộn của mình.

 

trauhac.jpg

…(còn nữa)

Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 2)

Cá Một Mắt

Những người bạn nhỏ của tôi

Tôi muốn giới thiệu người bạn nhỏ của tôi tên Derek. Derek đã làm quen với Lộc Uyển từ hồi còn rất nhỏ. Sáng nay đi chơi với em tôi tình cờ khoác tay lên vai em và thấy em đã cao lên rất nhiều. Đã mấy năm nay em lên Lộc Uyển thường xuyên nhưng tôi cũng không để ý là em Derek lớn nhanh như vậy. Đôi lúc chúng ta sống với một người nào đó trong một thời gian dài và ta không thấy họ thay đổi, nhưng thật ra họ đang thay đổi từng ngày và từng giây phút. Sáng nay đặt tay lên vai em Derek và tôi nghĩ, “Wow! vài năm nữa em sẽ cao bằng tôi.”

Derek có một nụ cười rất dễ thương, và khi nào lên Lộc Uyển em cũng cười; và mỗi lần nghĩ đến Derek là tôi thấy nụ cười của em. Chúng ta không cần phải làm gì nhiều để nuôi dưỡng bạn mình. Derek nuôi dưỡng tôi rất nhiều với nụ cười của em. Chúng tôi chơi football với nhau, học cách ném banh và chụp banh. Hồi trước, khi tôi ném banh cho em thì em sợ, không dám chụp. Sau đó Derek phải tập rất nhiều để không sợ banh. Khi chúng ta sợ một cái gì đó thì ta mất tự tin. Vì thế Derek phải tập để đừng sợ, phải có tự tin khi trái banh bay tới.

Derek và gia đình đã lớn mạnh cùng Lộc Uyển. Này Derek! Khi em lên Lộc Uyển lần đầu tiên em bao nhiêu tuổi em nhớ không? Có lẽ bốn tuổi? Bây giờ em mấy tuổi? Mười ba tuổi! Em không ngờ em đã mười ba tuổi, phải không? Derek có chị cũng đang ngồi trong thiền đường này. Lần đầu đến Lộc Uyển, hai em còn rất nhỏ, khoảng bốn hay năm tuổi thôi.

–  Ở đây có em nào bốn tuổi không?

–  Em bốn tuổi?

–  Tên em là gì?

–  Ananda.

À, Ananda. Có nhiều em đến Lộc Uyển khi còn nhỏ lắm, và các em lớn lên ở đây.

–  Em bao nhiêu tuổi, Mazee?

–  Gần sáu tuổi?

Tôi còn nhớ em khi mới đến đây em còn rất nhỏ, cao chừng này thôi. Em còn nhớ hồi em còn nhỏ như vậy không? À, trí nhớ em tốt lắm. Khi Derek lớn dần, tôi thường nói với Derek rằng đến tuổi teenager, có lẽ em không muốn gần tôi nữa. Nhưng em bây giờ đã mười ba tuổi, và chúng ta vẫn chơi thân với nhau, phải không?

Tôi rất hạnh phúc khi thấy các em rất thích đến Lộc Uyển. Sau này, khi các em lớn lên, các em sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp về nơi này. Các em có xem “The Little Rascals” chưa? Khi mới đến Hoa Kỳ, tôi đã học tiếng Anh bằng cách xem Alfalfa và Spanky. Các em này đã tạo ra nhiều hỗn tạp, rắc rối, nhưng các em có tính phiêu lưu mạo hiểm, và có trí tưởng tượng rất phong phú. Tôi thấy trẻ em bây giờ phần lớn cũng như vậy. Các em có nhiều tưởng tượng, muốn có những thời gian tự do, không theo giờ giấc đã ấn định. Tôi có hai đứa cháu, sáu và tám tuổi và chúng có sẵn chương lịch cho giờ học dương cầm, giờ tập vũ ballet và giờ đến trường. Thậm chí giờ ăn cũng được ấn định. Khi tôi đến thăm chị tôi, tôi tập sống không theo giờ giấc, cùng với các cháu của tôi chơi đùa và tưởng tượng. Chúng tôi nhặt rất nhiều lá rụng và dán đầy lên tường, và khi ba các cháu đi làm về, chúng tôi phân bua với anh ta: “Cái này không phải là xả rác! Cậu cháu tôi cố tình làm như vậy!”

Chơi với hồ cá

Ở đây có bao nhiêu em thường chơi quanh hồ cá trên Xóm Vững Chãi? Để tôi kể chuyện về cái hồ cá này. Hồi đó trước hết chúng tôi đào một hố lớn, và lót một tấm cao su thật rộng để giữ nước. Tôi còn nhớ khi bắt đầu xả nước vào hồ, chúng tôi đã dùng ba vòi nước để chơi trò xịt nước. Chúng tôi thích thú và hăng say xịt nước vào nhau làm áo quần chúng tôi ướt nhẹp cả. Thật là vui khi xả nước vào hồ và thấy cái hồ cá dần dần đầy nước.

Lúc đó trong hồ chưa có sự sống; không có cây cỏ, chỉ có đá và ít đất bùn. Khoảng một tháng sau đó, chúng tôi thả cá vào hồ. Chúng tôi muốn xem chúng có thích sống trên vùng núi cao này và thực tập với chúng tôi hay không! Chúng tôi “mời” ba chục con cá vàng nhỏ về, đựng trong cái bao nylon. Về đến hồ, chúng tôi đặt bao nylon vào mặt nước hồ một lúc cho nước trong bao có cùng nhiệt độ với nước hồ rồi từ từ mở bao ra. Đàn cá nhỏ lần luợt ra khỏi bao và biến mất. Tôi nghĩ chúng nó sợ. Có lẽ chúng nghĩ, “Chao ôi, sao chỗ này rộng thế!” Khi sống trong bình nuôi cá bằng thủy tinh, chúng chỉ quen bơi tới bơi lui trong một khoảng rất hẹp; nay được thả vào hồ, chúng liền vội vàng tìm chỗ trốn.  Nhưng hồ chưa có cây cỏ gì để trốn nên chúng biến mất vào đáy hồ.

Trong một thời gian rất lâu, chúng tôi không hề thấy chúng, mặc dù sáng nào tôi cũng ghé ngang hồ để thăm. Một hôm tôi mang theo một hộp Kix loại ngũ cốc và rãi vài hạt này lên mặt hồ. Vài con cá vàng xuất hiện gần mặt nước để ăn nhưng hạt Kix quá lớn so với miệng cá; và khi nhiều con tranh ăn một hạt Kix, chúng trông như đang chơi bóng chuyền hoặc bóng nước (water polo). Hạt Kix nhẹ và tròn nên khi cá đớp vào thì nó xoay tròn, và cá cứ “ném” hạt Kix từ con này sang con kia cho đến khi nó thấm nước và rã ra.

Đó là những ngày đầu của hồ cá, khi chúng tôi chỉ có bầy cá vàng nhỏ. Bây giờ trong hồ chỉ còn lại vài con thuộc đàn cá này, nhưng chúng đã sinh sôi nẩy nở ra nhiều thế hệ cá. Bây giờ nếu các em lên hồ, các em phải nhìn kỹ mới thấy các con cá lớn, vì khi lớn những chiếc vảy màu đỏ cam sẽ trở thành một hỗn hợp màu trắng và màu cam. Cá vàng khi mới sinh có màu đen. Lớn lên, ánh sáng mặt trời sẽ dần dần thay đổi các đốm đen thành màu cam, có đốm trở thành màu xám hoặc đen, hoặc đen đậm và vàng đậm. Đó là thời niên thiếu của cá và tôi không biết chúng sẽ thành đen, trắng, xám, vàng cam hoặc đỏ. Các em cũng sẽ là cá màu vàng, màu đen, màu cam hay trắng? Các em biết chưa?

Tôi rất thích ngồi cạnh hồ để cho cá ăn. Sau bữa ăn sáng tôi thường đem vài miếng bánh đã khô cứng hoặc vụn bánh mì cho cá ăn. Chúng trở nên rất thân thiện với tôi và không sợ gì tôi cả. Khi mình sống với chúng và cho chúng ăn, đàn cá sẽ là bạn của mình. Những con cá này trông mỗi con mỗi khác và chúng có những cá tính riêng biệt. Khi cho chúng ăn, ta thấy có con thích nhảy lên để đớp mồi, có con lại chậm chạp, chưa muốn ăn. Giống như đêm hôm qua, khi chúng ta chia sẻ kẹo sô-cô-la, có em nhanh và có em chậm. Cá cũng vậy thôi.

Khi ăn xong, cá thường bơi chung thành đàn như đi thiền hành; nhưng đây là thiền bơi, dĩ nhiên. Chúng tiêu hóa thức ăn bằng cách đó. Khi chúng bơi thành đàn như vậy, thỉnh thoảng tôi thấy có một con chỉ biết bơi qua phía phải chứ không theo đàn bơi qua phía trái. Vì vậy khi tôi nhìn kỹ tôi thấy con cá này chỉ có một mắt. Nó chỉ biết bơi quanh thành vòng tròn, và thật là lạ, nó chỉ biết quẹo phải thôi. Về phía đầu bên phải nó có con mắt nhưng bên kia thì chỉ có vảy, không có mắt; và vì vậy nó chỉ biết bơi quanh về bên phải. Nếu còn ở trong bình nuôi cá, nó phải bơi những vòng nhỏ hẹp quanh bình như vậy mãi! Nhưng may thay, ở đây hồ rất rộng, nó có thể bơi lội thoải mái hơn.

Cá Một Mắt trổ tài

Con cá một mắt này khác với các con khác trong đàn. Các bạn của nó cũng cảm thấy con này rất lạ. Nó không muốn làm theo các con cá khác mà chỉ muốn sống một mình. Có một số cá nhỏ vì không có chuyện gì để làm nên chúng vẫn thường hay đến chọc phá con cá một mắt: “Bạn chỉ có một mắt thôi sao?” “A! Anh ta chỉ có một mắt!” Các con cá nhỏ này không biết rằng con cá một mắt có một tài năng đặc biệt. Cá này có thể nhảy ra khỏi nước. Thỉnh thoảng, các em có thấy con cá này nhảy “puff” ra khỏi mặt nước?  Đuôi của nó rất mạnh. Nó nhảy lên, mắt bên phải nhìn xuống, và phần không có mắt nằm ở phía trên. Các em chỉ cần tưởng tượng rằng mắt của em nằm một bên, và khi các em nhảy lên, các em uốn cong mình để có thể nhìn xuống hồ và nói với các con cá khác: “Này, tôi có thể nhìn thấy các bạn từ trên này!” Các con cá khác sẽ nói, “Bạn đang nói gì vậy?  “Trên này” là ở đâu?  Không có trên này!” Và các em nói, “Nếu các bạn nhảy lên như tôi, các bạn sẽ thấy một cái gì đó rất tuyệt vời.” Nhưng những con cá kia sẽ nghĩ rằng các em ngớ ngẩn hay điên rồ.

Con cá một mắt thường hay bơi quanh quẩn ở cái góc nhỏ gần thác nước. Nó thích được sống một mình ở đó, trong khi các con cá khác thích bơi lội giữa hồ. Các con cá trong đàn cũng dần dần bớt trêu chọc nó. Một con nói: “Được rồi, anh chỉ cho tôi làm thế nào để nhảy.” Con cá một mắt bắt đầu biểu diễn cho các con khác xem. “Các bạn phải nhảy lên và xoay thân mình sang một bên”. Các con cá khác cố gắng làm theo anh ta và học được cách nhảy lên cao và nhìn xuống hồ như vậy. “Hay quá! Đúng thế! Mình có thể nhảy ra khỏi nước và nhìn thấy các bạn khác ở dưới hồ!” Và đàn cá bắt đầu bàn với nhau, “Có lẽ tất cả chúng ta nên học nhảy như vậy.”

Và như thế, con cá một mắt đã dạy các đồng loại của mình biết cách nhảy ra khỏi nước. Một số cá còn nhỏ không biết làm thế nào để nhảy lên vì đuôi chúng còn yếu; nhưng các con cá lớn đã đẩy cá nhỏ lên từ bên dưới.  Chẳng bao lâu, tất cả mọi con cá trong đàn đều biết cách nhảy ra khỏi nước. “Puff, puff, puff!”  Đôi khi chúng nhảy lên lá của những cây bông súng – và những tiếng “plop, plop, plop” nghe rất vui tai. Tất cả cá trong đàn đang nhảy! Chúng trông vui vẻ và hạnh phúc lắm. Và tôi cũng muốn biến thành cá!

Quý vị và các em không thể thấy cảnh cá nhảy trừ khi mình ngồi yên bên bờ hồ này một thời gian khá lâu. Khi các em ồn ào chạy nhảy quanh hồ, hoặc dùng cành cây khô đập vào đá hay cây cỏ để gây tiếng động, đàn cá sẽ không ra trình diễn cho các em xem đâu.

Sống chung an lạc

Đàn cá bây giờ đã lớn hơn nhiều. Các con thuộc thế hệ trước bây giờ đã lớn; đã thành “người lớn”. Bây giờ cá trong đàn bàn tính với nhau tìm cách giúp con cá một mắt để nó có thể rẽ trái; để trả ơn con này đã giúp chúng nhảy khỏi mặt nước. Các em biết đó, khi mình chỉ có một mắt thì mình hay sợ, không muốn di chuyển nhiều. Đêm kia, có một em gái trẻ cùng gia đình em đã bị “kẹt” dưới bãi đậu xe.  Vì ban đêm trời quá tối, ba mẹ em không biết phải đi về hướng nào vì họ không thấy đường; còn em nhỏ thì sợ, khóc um lên. Khi các em không nhìn thấy đường, các em sợ, không dám đi, phải không?

Con cá một mắt này cũng vậy, vì không thể nhìn thấy gì bên trái của mình nên anh ta không muốn bơi qua bên trái. Các con cá khác nói, “Này các bạn! Bây giờ chúng ta phải giúp anh chàng một mắt này bơi qua phía trái.”  Và khi cả đàn chuyển qua trái, nhiều con đã đến bên cạnh con cá một mắt và đẩy nó qua phía trái. Mới đầu, nó muốn giữ xu hướng quẹo phải, nhưng tất cả các cá trong đàn đã đến giúp, nên dần dần nó cũng quen với cách quẹo trái. Chẳng bao lâu, anh ta có thể bơi theo bất kỳ hướng nào, giống hệt như các bạn của mình. Con cá này lớn rất nhanh và bằng tuổi các em. Nó đã bắt đầu tin tưởng vào bạn bè mình, và những con khác cũng không trêu chọc hay chê bai gì nó nữa. Tất cả cá trong đàn bây giờ đã biết chơi đùa vui vẻ và hòa hợp với nhau.

Bây giờ cá một mắt đã thành một anh cá lớn. Anh ta rất thích màu cam rực rỡ trên lưng và màu trắng dưới bụng. Anh ta là một cá thanh niên rất đẹp trai và anh có thể rẽ trái hay rẽ phải gì tùy ý. Khi anh phải rẽ trái, anh thường nhìn những con cá lớn nhỏ khác chung quanh để kịp thời quay về hướng trái một luợt với chúng, rất nhanh. Con cá một mắt này đã học được cách sống và sinh hoạt chung với bạn bè. Thật thú vị khi nhìn chúng đồng loạt đổi chiều bơi một cách nhanh chóng và nhịp nhàng như vậy.

Con cá đó có một khả năng rất đặc biệt. Khi một người có chút khác biệt với người khác – giống như cá một mắt – người đó phải có những đặc điểm riêng của họ. Khi thấy một vài người bạn nào đó có một chút bất thường, khác biệt, nếu các em biết kiên nhẫn chơi với họ và quan sát họ, các em sẽ thấy họ có nhiều khả năng đặc biệt. Nếu các em chịu khó ngồi thật yên và nhìn mặt hồ thật lâu, các em sẽ thấy rằng mỗi con cá có những khả năng đặc biệt của nó. Có một con có đuôi rất dài, và một con khác có quá nhiều màu sắc. Hy vọng khi nào các em lên hồ và thấy hai con cá này, các em sẽ biết khả năng đặc biệt của chúng.

Trở về với chính mình

Đôi khi các em muốn chạy chơi xung quanh hồ. Điều đó cũng rất thú vị. Nhưng có những lúc các em có thể ngồi gần hồ một mình, và hãy nhìn vào bên góc của thác nước, nơi mà con cá một mắt thích sống. Đó là nơi nó thường trở lại để có mặt với chính nó. Nó thích khu này bởi vì mặt trời rọi xuống đây trước tiên, và nước ở đây rất ấm. Nó bơi vòng quanh rồi vòng quanh, chỉ bơi về phía bên phải, và nó bắt đầu biết thưởng thức lối bơi này. “Có sao đâu. Tôi bơi về phía bên phải.” Và ý nghĩ này đã cho con cá rất nhiều tự tin và hạnh phúc, và có lẽ cũng vì thế mà nó đã phát hiện ra là nó có thể nhảy. Khi các em đang có hạnh phúc, các em không đi tìm bạn bè, không đi tìm những người hiểu mình, và các em không cần tìm sô-cô-la, hoặc cereals, hoặc máy nghe nhạc iPod, phải không? Con cá này cũng vậy. Khi nó có thể chấp nhận chính mình – “Tôi không sao cả! Tôi chỉ bơi sang phải!” – và nó vui, nó hạnh phúc, nó nhảy lên khỏi mặt nước. Và khi đó nó phát hiện ra rằng còn có một cách khác để bơi lội trong hồ.

Có nhiều bạn thì dĩ nhiên là thú vị. Nhưng cũng không kém phần thú vị khi mình biết rằng có một chỗ rất hạnh phúc trong bản thân; đó là khi chúng ta biết trở về sống với chính mình. Chúng ta không cần một thứ gì cả; chỉ cần ngồi yên và vui với cái mình có, vui với chính mình. Có thể mình có hai tai dài ngắn không đều nhau, hoặc tóc mình quá dài. Ai không có tóc? Tôi có ít tóc! Ai có một mắt? Ồ! Cô này có một mắt, thật là tuyệt diệu! Cô có đủ hai mắt nhưng một con không thấy đường và cô vẫn rất hạnh phúc. Người có thể vui và hạnh phúc với những gì mình đang có, người có thể sống rất hạnh phúc với một con mắt; và cá cũng cũng vậy.

Cảm ơn quý vị và các em đã nghe câu chuyện của con cá nhỏ. Tôi hy vọng các em rất yêu thích nó. Nếu không tin, các em có thể đi lên hồ cá trên Xóm Vững Chãi và ngồi thật yên. Các em có thể dành một ít thì giờ để được ngồi một mình bên cạnh hồ, và chờ xem con cá một mắt hiện lên từ đáy hồ. Trời hôm nay hơi lạnh nên có lẽ nó sẽ không nhảy. Nhưng nó sẽ lên và nhìn các em. Nếu các em có mang theo một ít cereals thì hay lắm. Các em sẽ thấy con cá một mắt, con cá đuôi dài, con cá nhiều màu sắc và một con cá khác trông rất buồn cười. Những con cá này là thầy của tôi. Chúng dạy tôi rất nhiều về bản thân tôi. Trong thời gian còn ở đây, tôi hy vọng quý vị và các em học được nhiều điều về bản thân mình và tình bạn.

Mời quý vị và các em thử tìm cái không gian bên trong chúng ta, khi chúng ta ngồi yên một mình. Đôi khi mình có thể ngồi, và đôi khi mình có thể đi bộ. Nếu ngồi trong một thời gian dài, và nhận thấy đau nhức hay ngứa ngáy, chúng ta có thể đứng dậy và đi thiền hành. Một bước, ta thở vào; một bước, ta thở ra. Và luôn nhớ tìm về cái không gian êm ả tĩnh lặng bên trong chúng ta.

Bây giờ nghe tiếng chuông, các em có thể đứng lên, quay mặt về phía có gia đình các em và Tăng thân; và các em có thể cúi đầu chào. Hai bàn tay các em chắp lại trước ngực như một bông hoa. Các em thở vào và nói thầm, “Búp sen xin tặng người, những vị Bụt tương lai”; và các em cúi đầu chào mọi người.

Chúc các em may mắn, và là những con cá hạnh phúc!

Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại – phần cuối

Bài kệ 33

Khổ đa nhi lạc thiểu                       苦  多  而  樂  少

Cửu khổng vô nhất tịnh             九  孔  無  一  淨

Tuệ dĩ nguy mậu an                  慧  以  危  貿  安

Khí y thoát chúng nạn                棄  猗  脫  眾  難

Hình hài này đem lại khổ lụy nhiều mà an vui ít

Trong chín kẻ hở, không một kẻ hở nào thanh khiết

Người có trí tuệ biết bỏ nguy, giữ an

Chấm dứt ba hoa, trút được mọi khổ nạn.

Khổ đa nhi lạc thiểu: Chúng ta nói tới hình hài, hình hài đem lại ít an lạc mà nhiều đau nhức.

Cửu khổng vô nhất tịnh: Cửu khổng là bốn lỗ:  hai lỗ tai, hai mắt, hai lỗ mũi, miệng, hai lỗ phía dưới. Chín lỗ thường tiết ra những chất không thơm, không sạch. Đây là bất tịnh quán, quán thân bất tịnh.

Tuệ dĩ nguy mậu an: Tuệ là những người thông minh có trí tuệ, người thức giả. Mậu là trao đổi (mậu dịch), đổi nguy lấy an.

Khí y thoát chúng nạn: Khí là buông bỏ. Trong đời mình có những phù phiếm, ba hoa vô ích. Mình buông bỏ tất cả, chấm dứt ba hoa và do đó thoát được mọi khổ nạn (thoát chúng nạn).

 

Bài kệ 34

Hình hủ tiêu vi mạt                  形  腐  銷  為  沫

Tuệ kiến xả bất tham                      慧  見  捨  不  貪

Quán thân vi khổ khí                     觀  身  為  苦  器

Sanh lão bệnh vô thống                 生  老  病  無  痛

Hình hài này một khi đã hủy hoại sẽ trở thành tro bụi

Kẻ có tuệ biết buông bỏ không bám víu

Quán chiếu thấy được thân này là một công cụ mang toàn hệ lụy

Thì sinh, lão, bệnh, tử sẽ không còn là chuyện đau buồn.

Hình hủ tiêu vi mạt: Chữ tiêu có bộ kim 金, tức chất kim loại, tiêu là nấu cho chảy ra.

Thân hình của mình thế nào cũng phải hư nát, tiêu hoại, trở thành bụi. Trong Thánh Kinh nói: Hình hài này do cát bụi làm ra và nó sẽ trở về cát bụi.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi trở thành cát bụi

(Trịnh Công Sơn)

Tuệ kiến xả bất tham: Người có trí tuệ thấy như vậy nên không bám víu, không tham tiếc thân xác này.

Quán thân như khổ khí: Quán chiếu thấy thân thể mình là một công cụ mang theo nhiều hệ lụy. Thấy được thật tướng của hình hài, mình không còn bị kẹt vào nó.

Sanh lão bệnh vô thống: Sinh, lão, bệnh, tử không còn là sự lo sợ nữa. Mình sợ sinh, lão, bệnh, tử tại vì mình còn bị kẹt quá nhiều vào hình hài này. Nếu thấy được mình không chỉ là hình hài này, lo sợ sẽ không còn nữa.

 

Bài kệ 35

Khí cấu hành thanh tịnh          棄  垢  行  清  淨

Khả dĩ hoạch đại an                       可  以  獲  大  安

Y tuệ dĩ khước tà                            依  慧  以  却  邪

Bất thọ lậu đắc tận                         不  受  漏  得  盡

Buông bỏ được cấu uế, đi trên đường thanh tịnh

Thì có thể đạt tới cái an tĩnh lớn

Nương tuệ giác, bỏ tà kiến

Không tiếp nhận gì nữa thì đạt được tới lậu tận.

 

Khí cấu hành thanh tịnh: Buông bỏ, trừ diệt những nhiễm ô, hành động cho trong sạch, sống một nếp sống thanh tịnh, trì giới.

Khả dĩ hoạch đại an: Có khả năng đạt tới an ổn lớn.

Y tuệ dĩ khước tà: Chữ tuệ có thể được hiểu là các bậc có trí tuệ lớn tức chư Bụt và chư Bồ tát. Mình đừng chung đụng với những người thiếu đạo đức, không có trí tuệ mà phải nương vào những bậc thức giả (y tuệ) để từ bỏ những sai quấy (dĩ khước tà).

Bất thọ lậu đắc tận: Bất thọ là không tiếp nhận. Lậu là rỉ ra, hữu lậu là còn đi quanh quẩn trong vòng luân hồi, lậu đắc tận là không còn phiền não. Lậu tận thông là phép thần thông diệt được tất cả những phiền não trong quá khứ. Không tiếp nhận những cái tiêu cực, thì những phiền não không còn.

 

Bài kệ 36

Hành tịnh trí độ thế                       行  淨  致  度  世

Thiên nhân mạc bất lễ                    天  人  莫  不  禮

Sống thanh tịnh, vượt thoát được thời gian,

Thì cả hai giới thiên nhân đều nghiêng mình kính nể.

Hành tịnh trí độ thế: Hành tịnh là sống nếp sống tịnh hạnh. Trí độ thế là vượt được thế gian. Thời gian và không gian không còn là nhà tù của mình nữa.

Thiên nhân mạc bất lễ: Hai giới trời và người đều kính nể.

Chúng ta phải học, phải nghiên cứu kinh Pháp Cú theo phương pháp sau:

  1. Phải ý thức được Pháp Cú là những bài kệ về giáo pháp mà các tổ đã thu góp và sắp xếp lại thành từng chủ đề. Có những bài kệ nói về Niết bàn, chư tổ gom lại thành một chương gọi là Phẩm Nê Hoàn. Đó là lời Bụt dạy trong kinh dưới hình thức những bài kệ. Trong khi biên tập kinh Pháp Cú, chư tổ đã thâu tóm những bài kệ đó lại thành những chủ đề. Kinh “Rong chơi trời phương ngoại“ (Nê Hoàn Phẩm) là một trong những chủ đề đó. Kinh “Chiếc lưới ái ân“ mà chúng ta đã học, cũng là một chủ đề. Trong khi thu góp các bài kệ để vào một chủ đề, các tổ cũng đã sắp xếp lại; nhưng đó chỉ là sắp xếp tạm thời. Khi học, chúng ta phải học với con mắt của nhà khoa học, có thể Bụt nói câu này ở môi trường này và nói câu kia ở môi trường kia, chứ không phải Bụt nói câu này rồi tiếp tục nói câu kia. Có sự liên hệ giữa câu này và câu kia, nhưng đó là do các tổ sắp lại. Mình phải thấy trước và đừng cho là kinh này Bụt nói từ đầu tới cuối.
  2. Phải phân biệt hai loại kinh. Kinh liễu nghĩa và kinh chưa liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là những kinh nói về chân lý tuyệt đối (paramartha). Những kinh nói về chân lý tương đối là kinh chưa liễu nghĩa.

Có kinh nói mình phải thoát cõi sinh tử để đi vào cõi Niết bàn. Như vậy, kinh có hàm ý: có sinh tử và có Niết bàn tách riêng ra khỏi sinh tử. Nhưng có kinh nói: sinh tử chỉ là ý niệm; thật ra, không có sinh, cũng không có tử, như trong Tâm Kinh. Tâm Kinh là một kinh liễu nghĩa. Có kinh nói có bốn sự thật rõ ràng: khổ, tập, diệt, đạo. Bốn sự thật là nền tảng của giáo lý đạo Bụt. Nhưng trong Tâm Kinh nói không khổ – tập – diệt – đạo, nhìn kỹ mình thấy khổ không tự mình nó có. Khổ làm gì có nếu không có vui, vui làm gì có nếu không có khổ. Khổ, tập, diệt, đạo là bốn sự thật; nhưng sự thật này nằm trong ba sự thật kia, mình không thể tìm một sự thật ngoài ba sự thật còn lại. Không có từng sự thật khổ, tập, diệt, đạo nằm riêng rẽ nhau. Chúng ta thấy giống như là hai giáo lý chống đối nhau; nhưng thật ra nó không chống nhau, tại vì một giáo lý nói về chân lý không liễu nghĩa và giáo lý kia nói về chân lý liễu nghĩa.

Khi các tổ đưa các bài kệ chung vô một kinh, thì có bài kệ liễu nghĩa và có bài kệ không liễu nghĩa nên giống như bài kệ này chống đối bài kệ kia. Mình phải thấy được điều đó và đừng cho tại sao câu kệ này không phù hợp với câu kệ kia. Kinh “Rong chơi trời phương ngoại“ có 36 bài kệ, là một học giả mình phải có khả năng thấy được bài kệ nào là liễu nghĩa và bài kệ nào là không liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa hay, mà kinh không liễu nghĩa cũng hay; mỗi loại kinh có chức năng của nó. Có thể, mình phải bắt đầu bằng kinh không liễu nghĩa, rồi từ từ mình đi tới kinh liễu nghĩa. Mình phải công nhận có bốn sự thật khổ – tập – diệt, đạo; khi nắm vững rồi, mình mới có thể vượt qua. Ngay từ đầu nếu mình nói không khổ – tập – diệt – đạo thì rất khó.

Có những bài kệ có vẻ như không đi theo những bài kệ khác trong kinh và mình cho rằng trong kinh có sự bất nhất. Là học giả, mình biết đó là những bài kệ bất liễu nghĩa, nên không thể so sánh nó với những bài kệ liễu nghĩa; nhưng nhờ bất liễu nghĩa, mà mình có thể đi tới liễu nghĩa. Mình phải có khả năng nhận diện những bài kệ không liễu nghĩa, nhưng những bài kệ ấy có vai trò giúp mình đi tới chỗ liễu nghĩa. Phải tìm cho ra, một hành giả cũng là một học giả, một nhà nghiên cứu thông minh; phải học hỏi theo tinh thần khoa học, chứ không phải người ta nói gì mình đều nghe theo không điều kiện.

Có những bài kệ nói về không dơ, không sạch. Trong Niết bàn không có ý niệm dơ và sạch, trong và ngoài, đến và đi, khổ và lạc. Trong khi đó, có những bài kệ nói: Thân là bất tịnh, thì tại sao lại tìm hạnh phúc ở chỗ dơ bẩn? Theo nguyên tắc của kinh liễu nghĩa, không có gì là tịnh hay bất tịnh. Chúng ta có hai con đường để đi tới, vì vậy trước tiên chúng ta phải đọc từ đầu tới cuối, tìm ra bài kệ nào liễu nghĩa và bài kệ nào chưa liễu nghĩa nhưng có công năng đưa tới liễu nghĩa.

Bốn bài kệ đầu xưng tán Niết bàn, bài kệ thứ nhất nói Niết bàn là cái cao nhất (Nê Hoàn là tối thượng), bài kệ thứ hai nói Niết bàn là tối khoái, bài kệ thứ ba thì dùng chữ tối lạc và bài thứ tư dùng chữ tối an. Bốn bài kệ này có mục đích cho Niết bàn là cái quan trọng nhất. Bài kệ thứ năm hàm ý: tuy Niết bàn có đó, nhưng mình phải biết cách mới có thể đi vô. Sự thật là như vậy: Tịnh độ, Niết bàn, tình thương, hạnh phúc có đó, nhưng có người loay hoay mà không đi vào được. Mình phải biết cách đi vào, vì vậy cho nên mình phải cần thực tập. Bài thứ sáu là một hình ảnh rất thi ca, có thể tại tôi làm thơ nên tôi cho đây là bài kệ đẹp nhất trong kinh:

Hươu nai nương đồng quê
Chim chóc nương trời mây
Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện
Các bậc chân nhân nương vào Niết bàn để sống thảnh thơi

Niết bàn có đó, Niết bàn không phải là vấn đề tương lai. Nirvana, trong ngôn ngữ nhân gian, có nghĩa là mát lạnh, là trạng thái không bốc cháy. Những phiền não như đam mê, giận hờn, thù hận bốc cháy làm mình khổ đau. Khi ngọn lửa phiền não tắt thì mình thấy mát, đó là Niết bàn. Định nghĩa đầu tiên của Niết bàn là sự vắng mặt của ngọn lửa phiền não (extinction of fire). Nhưng ngọn lửa phiền não cháy được là nhờ nhiên liệu (fuel), nhiên liệu là sự u mê của mình, tức những nhận thức sai lầm của mình. Mình thấy có sinh, diệt, trong, ngoài, ta và người. Cái thấy lưỡng nguyên đó cần phải mất đi, ngọn lửa mới tắt. Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự tắt ngấm của những tri giác sai lầm (extinction of wrong perceptions), những ý niệm như tôi và anh là hai thực tại riêng biệt, thân và tâm là hai cái hoàn toàn khác nhau, chủ thể và đối tượng là hai cái tách rời nhau, sinh và diệt là hai cái chống đối nhau, có và không là hai cái chống đối nhau. Những ý niệm đó nhen cho ngọn lửa cháy lên, nên chúng ta phải dập tắt luôn những ý niệm sai lầm.

Bài kệ thứ sáu cho ta thấy Niết bàn là cái gì đang có mặt cho mình, chứ không phải là cái mình đi tìm cầu trong tương lai ở một không gian khác; cũng như đợt sóng đã là nước và nó không cần đi tìm nước ở một nơi khác. Đợt sóng đau khổ, vì không biết mình là nước, nó sợ hãi những lúc lên xuống, lúc bắt đầu, khi chung cục. Biết mình là nước rồi, lên nó cũng vui, mà xuống nó cũng vui; có nó cũng vui, không nó cũng vui; cao nó cũng vui, thấp nó cũng vui. Niết bàn là cái đã có sẵn, mình chỉ cần tiếp xúc với Niết bàn. Đợt sóng quá bận rộn, nó không tiếp xúc được với bản chất của nó là nước nên nó đau khổ.

Hai định nghĩa về Niết bàn được lặp lại nhiều lần trong nhiều bài kệ. Ý niệm về ngã, mình có cái ta riêng và người kia có cái ta riêng, đưa tới sự so sánh hơn người, thua người hay bằng người và tạo ra sự đau khổ. Trong các bài kệ được coi là liễu nghĩa có bài kệ nói về sự vắng mặt của các phiền não và có bài kệ nói về sự vắng mặt của các ý niệm sai lầm. Chúng ta phải đọc lại kinh và nhận diện bài kệ nào nói về sự vắng mặt của phiền não và bài kệ nào nói về sự vắng mặt của những ý niệm. Cuối cùng, chúng ta thấy có những chỉ dẫn rất cụ thể để đi vào Niết bàn. Nhận diện được và trở về Niết bàn trong đời sống hàng ngày như chim trở về không gian, cá trở về sông, hươu nai trở về đồng quê. Mình phải tìm về Niết bàn trong đời sống hàng ngày, nhưng làm sao đi về được Niết bàn? Có những bài kệ khác dạy cách chúng ta đi về Niết bàn như sống đời phạm hạnh, giữ giới, quán thân bất tịnh.

Ông già Noel rất cần thiết cho mình. Khi lớn lên, con nít nhận ra rằng không có ông già Noel; nhưng lúc còn nhỏ, nó rất hạnh phúc tin rằng vào buổi sáng thức dậy thì sẽ thấy có quà của ông già Noel trong chiếc vớ. Trong lúc nó ngủ, ông già Noël vào nhà bằng cách chui xuống theo ống khói. Ba má cũng giả bộ tin theo, để làm cho con cháu hạnh phúc: “Con ngủ đi! Nếu con không ngủ, ông già Noël sẽ không tới!“ Ba mẹ không tin, nhưng nuôi dưỡng niềm tin đó để làm hạnh phúc cho con cháu. Trẻ con lớn lên biết ba má nói dối, nhưng đến khi nó làm ba má, nó cũng lại nói dối với con cháu. Ông già Noël là một sự nói dối trường kỳ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mình đi vào chùa lạy Phật, má nói với mình trong chùa có Phật. Chỉ có vào chùa mới gặp được Phật, mình đem nào nhang, nào đèn, nào chuối, nào cam lên chùa cúng Phật. Chỗ mình đi tìm Phật là trong chùa; nhưng khi lớn lên, mình thấy không đúng như vậy. Trong chùa, chỉ có tượng Phật, mình tìm ra sự thật rằng Phật là ở trong lòng. Những người có tu, sớm muộn gì cũng tìm ra sự thật Phật không phải ở trong chùa. Chư tổ và những người tu đều nói Phật tức tâm, Phật ở trong tâm, còn Phật ở trên bàn thờ trong chùa là một cách nói giống như nói có ông già Noël.

Khi chết, mình đi về Tây phương và gặp Bụt ở đó, hay mình lên thiên đường ngồi bên cạnh Thượng đế, đó là một thứ ông già Noël để nói với con nít. Nếu tu học đàng hoàng, mình biết Bụt có ngay trong tâm mình bây giờ và ở đây. Trong đạo Bụt, có những người tu tập, thực chứng được điều đó và cho chuyện Phật ở Tây phương, hay Bụt trên bàn thờ là chuyện ông già Noël. Họ thấy rất rõ Bụt và Tịnh độ đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại, trong con người của mình. Những nhà tu thần bí tìm ra Chúa không phải ở trên trời, mà Chúa có ngay ở đây trong tâm hồn của mình và Thiên quốc có mặt ngay bây giờ.

Chúng ta ở Làng Mai, đã lặp lại nhiều lần: The Pure Land is here and now and Amitha Buddha is your own nature. Chư tổ cũng có nói: Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Nước Cực lạc và Bụt Di Đà ở phía Tây, mình chết rồi mới sang bên đó, đó là chuyện ông già Noël cho những người mới bắt đầu. Nếu tu đàng hoàng, mình không cần phải chết rồi mới đi qua bên đó. Đức Di Đà và cõi Cực Lạc, hay Thượng đế và Thiên quốc, có thực trong phút giây hiện tại. Niết bàn không phải là cõi rất xa mà mình chỉ tới được sau khi chết, Niết bàn là cái đang có bây giờ và ở đây. Niết bàn là tự tánh của mình, mình phải đặt Niết bàn đúng chỗ ở đây và bây giờ. Trong kinh Tạp A Hàm có dùng danh từ ”Hiện pháp Niết bàn” (dristadharmanirvana), tức Niết bàn trong giây phút hiện tại. Mình không muốn là trẻ con bị lừa bởi chuyện ông già Noël, mình phải bước thêm một bước để thấy Niết bàn đó đang có mặt trong giây phút hiện tại, như trời mây đang có mặt cho chim, đồng quê đang có mặt cho hươu, dòng sông đang có mặt cho cá. Niết bàn đang có mặt cho mình, mình phải biết cách trở về Niết bàn trong sự sống hàng ngày. Trong khóa tu tổ chức tại trường đại học Nottingham, tôi có nói chúng ta mất niềm tin nơi Thượng đế và Thiên quốc, cuộc khủng hoảng tâm linh xảy ra ở Tây phương là vì chúng ta đặt Thượng đế sai chỗ. Nếu đặt Thượng đế đúng chỗ thì cuộc khủng hoảng đó sẽ chấm dứt. Đây là vấn đề tâm linh, nhưng cũng là vấn đề văn hóa. Trong truyền thống Cơ đốc giáo, ngày xưa có những nhà tu mystic đã tìm ra được Thượng đế và Thiên quốc không phải là chuyện của tương lai ở đời khác, mà Thượng đế và Thiên quốc có mặt bây giờ và ở đây. Nếu muốn, chỉ cần bước một bước là mình có thể vào Thiên quốc được ngay.

Trong đạo Bụt nói rất rõ: Khi thở, hay bước đi trong chánh niệm, thì năng lượng của niệm – định – tuệ mở cửa cho mình bước vào cõi không sinh diệt, không phiền não. Sinh diệt chỉ là những ý niệm của mình. Thượng đế có thể được nhận thức như tự tánh bất sinh bất diệt, mát mẻ, không phiền não, đang có mặt cho mình ngay bây giờ. Thay vì đọc theo kiểu ông già Noël: “My Father’s in heaven” mình có thể đọc ”My Father’s right in us”. Chữ Father là một ý niệm; tên Vô lượng thọ, Vô lượng quang của Bụt cũng chỉ là một cái tên; Allah hay God đều là những cái tên. Cái quan trọng là bản chất, là cái vô sinh bất diệt, mát mẻ, không phiền não đang có mặt cho mình.

Kinh này có tên “Rong chơi trời phương ngoại” (Good time in Nirvana). Nếu đang bị ngọn lửa phiền não đốt cháy, hay đang bị những kỳ thị, những tri giác sai lầm làm cho sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, thì mình không có Niết bàn. Con đường đi vào Niết bàn là con đường rũ bỏ những phiền não, kỳ thị đó. Nhân loại cần phải bước thêm bước nữa, không thể bám mãi vào ông già Noël. Nước Chúa đang ở đây rồi, mình không cần đi, không cần tới. Thượng đế không thể được diễn tả bằng ý niệm có và không, trong và ngoài, ta và người. Bất cứ một ý niệm nào cũng không thể diễn tả được Thượng đế; cũng như không có ý niệm nào có thể diễn tả được Niết bàn, vì Niết bàn là sự dập tắt tất cả những ý niệm, trong đó có ý niệm ta và người, sanh và diệt, có và không. Rất là buồn cười khi nói có Thượng đế hay không có Thượng đế. Thượng đế không thể được diễn tả bằng ý niệm có hay không. Thượng đế hay Niết bàn, vượt khỏi ý niệm có không.

Tây phương hiện nay có hiện tượng gọi là double belonging, tức người ta vừa theo đạo Chúa vừa theo đạo Bụt, mà không có sự mâu thuẫn, dằn co. Truyền thống này giúp làm sáng thêm truyền thống kia và ngược lại. Mình có thể tự hào mình vừa là con Chúa, vừa là con Bụt. Nhân ngày lễ Noël, xin quí vị quán chiếu về đề tài này. Đây là vấn đề văn hóa. Theo được con đường này, chúng ta chấm dứt được kỳ thị, chia rẽ, đem lại sự đoàn kết và hòa bình cho thế giới.

Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 5)

Chúng ta ôn lại bài kệ 25:

Đương tự cầu pháp thắng: Mình không đi tìm cầu những thắng lợi về tiền bạc, danh vọng mà chỉ tìm cầu sự thành công trong chánh pháp. Mình phải phát tâm cầu sự thắng lợi về chánh pháp. Mỗi ngày, phải có tiến bộ trong sự tu học của mình.

Dĩ thắng vô sở sinh: Nếu đã có thắng lợi về chánh pháp rồi thì những đau buồn, hệ lụy không còn đất để sinh ra nữa. Mình chiến thắng cái giận, cái dục, sự ganh tị của mình.

Tất cố bất tạo tân: Tất là làm cho xong. Do đã diệt trừ được những dây mơ rễ má của hệ lụy, nên những phiền não mới không được tạo tác ra thêm nữa.

Yếm thai bất dâm hành: Nếu đã chán đi vòng quanh trong thế giới của khổ đau luân hồi, chúng ta phải bỏ thói dâm đãng, đừng hành dộng theo lối dâm đãng nữa.

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Hết sở sinh, có thể được hiểu là không sinh ra trở lại trong luân hồi, hoặc là những phiền não, hệ lụy, lang thang không còn sinh ra nữa.

 

Bài kệ 26

Chủng tiêu bất phục sanh             種  燋  不  復  生

Ý tận như hỏa diệt                         意  盡  如  火  滅

Bào thai vi uế hải                            胞  胎  為  穢  海

Hà vi lạc dâm hành                       何  為  樂  婬  行

Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại

Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt

Chốn dâm căn là một biển ô uế

Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy?

Bài kệ nói về nếp sống phạm hạnh của người xuất gia. Chủng tiêu bất phục sanh: Những hạt giống của sầu đau, ái dục, hận thù, một khi đã bị đốt cháy rồi thì không thể nứt mầm và sanh ra trở lại.

Ý tận như hỏa diệt: Ý là vọng tâm tạo tác ra nghiệp. Vọng tâm đã tiêu diệt như ngọn lửa đã tắt (như hỏa diệt). Hỏa diệt, là hình ảnh Bụt thường dùng để nói về Niết bàn.

Chúng  ta thường hỏi: Khi chết rồi tôi đi về đâu? Cái gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Mình nghĩ con người mình có phần xác thân và phần linh hồn. Sau khi mình chết, phần xác thân tiêu hoại không còn nữa, chỉ còn lại phần linh hồn, mà linh hồn này mình không thấy được. Linh hồn có thể đi lang thang, vất vưởng, rồi tìm một cái xác khác chui vô trở lại. Đó là luân hồi hiểu theo kiểu bình dân.

“Người thương tôi chết, tôi phải đi tìm ở đâu?“, “Cái gì xảy ra sau khi mình chết?“ Câu trả lời của Bụt là: thân và tâm này là hai cái cùng nương vào nhau mà biểu hiện một lần. Cũng như tay trái và tay phải, mình không thể cắt chia làm hai, một nửa còn mà một nửa không còn. Không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này. Thân tâm nương vào nhau mà có; quan niệm chỉ có tâm mà không có thân, chỉ có linh hồn tồn tại mà thân xác thì không, vẫn còn là một quan niệm sai lầm. Nhìn kỹ, chúng ta thấy không hẳn là thân xác không còn. Trong giai đoạn biểu hiện của nó, thân tâm tạo ra những nghiệp như nghiệp thân, khẩu và ý. Những nghiệp này có thể chúng ta không thấy, nhưng không có nghĩa là nó không có. Những tư tưởng chúng ta chế tác ra là nghiệp, là năng lượng. Nó vô hình, nhưng nó có công năng phá hoại, tiêu diệt hoặc có công năng xây dựng, trị liệu. Bất cứ tư tưởng nào mình chế tác ra cũng tác động lên thực tại trong và ngoài và nó còn hoài. Những lời mình nói, những lá thư mình viết, những gì mình phát biểu đi ra, có tác động dây chuyền liền lập tức và 15 con ngựa đuổi theo cũng không kéo lại được. Mình nói lời hận thù thì sẽ tạo ra những đổ vỡ, mình nói lời thương yêu sẽ tạo ra sự xây dựng. Những lời mình đã nói, tuy mình không nghe nữa, nhưng nó đang còn. Những gì mình đã làm bằng hình hài, tuy mình không thấy nữa, nhưng nó đang đi vào thực tại và đang chuyển biến. Đó là nghiệp.

Tâm thức và thân nương nhau mà có, nó không phải từ không mà trở thành có, nó chỉ từ chỗ chưa biểu hiện mà biểu hiện ra. Ví dụ, trong phòng này có hơi nước do mình thở ra, hơi nước có trong không gian; nhưng mình không thấy được. Nhưng nếu nhiệt độ trong phòng ấm, thì hơi nước sẽ đọng lại thành những giọt nước nhỏ và mình bắt đầu thấy sương mù. Lúc chưa thấy sương mù, mình cho là không có hơi nước và khi thấy sương mù, mình cho là có hơi nước. Kỳ thực, mình không thể nói là không có mây, tại vì mây đang ở trong mình, đang bao quanh mình mà mình không thấy. Thấy được là biểu, chưa thấy được là vô biểu.

Mình đã quen với hình thức hiện nay của mình, mình hỏi: Khi chết đi mình sẽ thế nào? Mình kẹt vào hình thức thì mình không bao giờ tìm ra được. Khi ngọn lửa tắt, mình hỏi nó đi về đâu? Đi tìm ngọn lửa dưới hình thức của ngọn lửa thì không bao giờ mình tìm ra ngọn lửa. Ngọn lửa không bao giờ mất. Khi đang biểu hiện, ngọn lửa chế tác ánh sáng, sức nóng và khói. Khi ngọn lửa không còn nữa, những cái nó chế tác vẫn còn. Vì vậy, đi tìm ngọn lửa là một chuyện rất ngây thơ.

Tâm ý không biểu hiện nữa (ý tận) giống như ngọn lửa không còn biểu hiện, nói nó có giống như cái ngày xưa mình thấy không đúng, mà nói nó không có cũng không đúng. Ba chữ như hỏa diệt rất phổ thông, chính đức Thế Tôn  đã dùng ba chữ đó để nói về Niết bàn. Đừng dùng hình ảnh mình đã có sẵn để đi tìm. Ngọn lửa đã tắt rồi, làm sao mình tìm được, từ biểu nó đi trở về vô biểu.

Khi tất cả những phiền não như tham dục, sân hận, si mê đã bị đốt cháy, thì luân hồi không còn tiếp tục. Mình không còn tìm được, tại vì sự luân hồi của những phiền não, khổ đau, hệ lụy đã chấm dứt.

Bào thai vi uế hải: Bào thai là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Uế hải là the sea of impurity.

Hà vi lạc dâm hành: Là người xuất gia, tại sao mình còn đi tìm lạc thú nơi chỗ đó? Đây là sự thực tập quán chiếu bất tịnh. Tại sao còn tìm khoái lạc nơi chốn đó? Đây nói về đời sống phạm hạnh của người tu.

 

Bài 27

Tuy thượng hữu thiện xứ              雖  上  有  善  處

Giai mạc như nê hoàn                    皆  莫  如  泥  洹

Tất tri nhất thiết đoạn                    悉  知  一  切  斷

Bất phục trước thế gian                 不  復  著  世  間

 

Tuy phía trên kia có những cõi trời
Nhưng cũng không đâu bằng Niết bàn
Đã có nhất thiết trí thì cắt bỏ được tất cả
Ta không còn vướng mắc nữa vào thế gian.

Tuy thượng hữu thiện xứ: Tuy ở trên kia có những cõi trời tốt lành, như cõi sắc giới hay vô sắc giới.

Giai mạc như Nê Hoàn: Nhưng không có cõi nào an toàn, hạnh phúc như Niết bàn.

Tất tri nhất thiết đoạn: Tất tri, là biết hết; tất tri là tên xưa của nhất thiết trí (sarvajñāna). Khi mình lấy ra được hết những phiền não, những ý niệm về có – không, tới – đi, còn – mất, ta – người, thì mình đạt tới nhất thiết trí. Có nhất thiết trí, tất cả đều được đoạn trừ.

Bất phục trước thế gian: Ta không còn vướng mắc vào trong cõi đời tục lụy. Tuy ở trong cuộc đời tục lụy, nhưng ta không bị cuộc đời tục lụy ràng buộc. Phàm thánh đồng cư, cùng ở chung một cõi, nhưng có người có tự do, có người lại không; người không có tự do là kẻ phàm, người có tự do là bậc thánh.

 

Bài kệ 28

Đô khí như diệt độ                         都  棄  如  滅 度

Chúng đạo trung tư thắng            眾  道  中  斯  勝

Phật dĩ  hiện đế pháp                     佛  以  現  諦  法

Trí dũng năng phụng trì                智  勇  能  奉  持

 

Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ
Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất
Bụt đã diễn bày pháp chân đế
Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo.

Đô khí như diệt độ: Đô là tất cả (together), khí là buông bỏ (letting go), buông bỏ tất cả để đi tới phía bên kia, chỗ mà mọi phiền não đều bị tiêu diệt.

Chúng đạo trung tu thắng: Chúng đạo trung, là trong tất cả con đường. Trong tất cả các con đường, con đường tới Niết bàn là con đường đẹp nhất.

Phật dĩ hiện đế pháp: Đế là sự thật. Bụt đã diễn bày pháp chân đế. Đức Thế Tôn đã vì ta trình bày giáo pháp về “Bốn sự thật”. Ngài đã hiến tặng cho ta một con đường, một giáo pháp về “Bốn sự thật”.

Trí dũng năng phụng trì: Là kẻ trí, là kẻ có dũng cảm thì phải có khả năng phụng trì theo. Phụng trì, là tiếp nhận và hành trì theo.

 

Đây là bài pháp thoại Thiền sư giảng vào ngày 05 tháng 12 năm 2010, tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, đạo tràng Mai Thôn, trong khóa An cư Kiết Đông.

Chế tác hỷ và lạc

Pháp môn thực tập của Làng Mai là làm thế nào để có hạnh phúc trong khi ngồi, khi đi, khi thở, khi chải răng, súc miệng, khi dọn dẹp thiền đường, khi làm thức ăn sáng cho đại chúng,… làm sao cho mỗi giây phút của đời sống hàng ngày có hỷ và lạc. Mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút, mình làm sao để trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày mình chế tác được hỷ và lạc. Chế tác được hỷ và lạc thì mình biết rằng mình tu tập đúng. Nếu cần phải đau khổ, mình cứ đau khổ, nhưng mình không phải chỉ có đau khổ thôi. (It’s OK to suffer, but it’s not OK to only suffer.) Nói cách khác, trong khi tu, mình phải có khả năng chế tác hỷ và lạc. Khi bước một bước chân, mình phải bước như thế nào để bước chân đó chế tác được hỷ và lạc. Khi nâng ly trà lên uống, mình phải uống như thế nào để có hỷ và lạc trong khi uống trà. Khi chải răng, mình phải chải như thế nào để có hỷ và lạc. Mình phải học, phải tập luyện, thì mới có thể chế tác được hỷ và lạc trong khi ăn cơm, trong khi đi, trong khi ngồi. Đau khổ thì ai cũng có thể đau khổ được, nhưng chế tác được hỷ và lạc mới là hay. Vì vậy, mình được phép đau khổ, nhưng mình không được phép chỉ đau khổ. Mình phải học đau khổ như thế nào để đau khổ đó trở nên có ích lợi, tại vì có những khổ đau hoàn toàn vô ích. Những khổ đau có ích dạy cho mình bài học, hiến dâng cho mình tuệ giác. Nếu cần khổ đau thì mình cứ khổ, nhưng mình phải học cách khổ như thế nào để đừng khổ một cách vô ích và có khả năng chế tác hỷ và lạc để chuyển hóa khổ đau.

Mình tới Làng Mai học hỏi, thực tập để làm được chuyện đó. Làng Mai không phải là một trường học để mình tới thu nhận những kiến thức, khái niệm đem về giảng lại cho người khác. Mình tới Làng Mai để học cách chế tác hỷ và lạc, học cách khổ đau như thế nào để giúp mình thấy được sự thật, chuyển hóa được khổ đau và chế tác được hỷ lạc. Khổ đau có liên hệ tới hạnh phúc, cũng như bùn đất có liên hệ tới hoa sen. Bước một bước chân, nếu mình khôn khéo thì bước chân đó có thể đem lại hỷ và lạc. Thấy một người đi như bị ma đuổi, mình cảm thấy uổng cho người đó, dù người đó là người xuất sĩ hay là người cư sĩ. Mình muốn giúp để người đó đi được ung dung, thư thái, có an lạc; mà cách hay nhất để giúp là mình đi được như vậy, đi như thế nào để mỗi bước chân chế tác được hỷ và lạc.

Trước khi thỉnh chuông, mình hay chắp tay lại xá chuông tại để tỏ lòng biết ơn cái chuông. Tiếng chuông vọng lên, làm cho mọi người ngưng lại sự suy nghĩ, sự nói năng, để nhiếp tâm trở về giây phút hiện tại. Chuông là một vị Bồ tát giúp mình tỉnh thức, vì vậy mình xá chuông hết sức cung kính. Cái chuông đang làm vai trò của một vị Bồ tát, nó giúp mình thức dậy để trở về trong giây phút hiện tại. Làng Mai chúng ta nói tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi mình trở về với giây phút hiện tại.

Khi đi với chánh niệm, mình trở thành tiếng chuông cho những người khác. Trong mỗi bước chân, mình chế tạo ra chất liệu thảnh thơi, chất liệu hỷ và lạc. Người khác thấy mình đi, họ có cảm hứng và cũng muốn đi được như mình. Người ta bắt đầu bước đi được như mình, mình đã đóng được vai trò của cái chuông và mình cũng đáng được xá, tại vì mình cũng là một vị Bồ tát.

Bây giờ, chúng ta thử đặt câu hỏi: Tại sao bước chân của mình không chế tác được hỷ và lạc? Câu trả lời là:

–    Trước hết, tại vì mình không có mặt trong giây phút hiện tại. Mình đang bị tương lai hay bị quá khứ lôi kéo, hoặc mình đang bị những lo buồn, những dự án lôi kéo. Sở dĩ tôi bước đi không có hạnh phúc, là vì tôi không thật sự có mặt trong cái bây giờ và ở đây. Tôi đang bị kéo đi, tôi không phải là con người tự do. Tôi có những lo lắng, những toan tính kéo đi, nên tôi đang đi như bị ma đuổi.

–  Có mặt là một sự thực tập. Nếu trong hai hay ba giây đồng hồ, mình thở vào có chánh niệm, mình đem tâm trở về với thân và mình có mặt. Mình đi một bước có chánh niệm, dừng lại sự rong ruổi về tương lai, hay sự lôi kéo về quá khứ, hoặc sự lo nghĩ về những dự án mình muốn làm. Dừng lại, là có mặt; sự có mặt đi theo sự dừng lại. Bước chân của mình sở dĩ không có được hỷ lạc, là vì mình không có mặt; mà mình không có mặt là vì mình chưa dừng lại được. Câu trả lời thứ hai, là do mình chưa dừng lại được.

–  Có mặt, không phải chỉ là sự có mặt của hình hài, mà còn là sự có mặt của tâm. Khi hình hài có đó, mà tâm không có, thì cũng không phải là sự có mặt thật sự. Mình hỏi người thương: ”Anh ơi, anh có đó không?” Người đó trả lời: ”Anh có đây!”, nhưng chưa chắc câu trả lời là thật, vì có thể, tuy cái thân người đó có, nhưng tâm đã đi chỗ khác. Muốn cho chắc ăn, mình hỏi: ”Anh có chắc là anh đang có mặt không?” Câu hỏi này giúp cho người đó đem tâm trở về với thân. Phải dừng lại, thì mới có thể thật sự có mặt.

–          Khi có mặt thật sự, thân và tâm hợp nhất, mình nhận diện được những gì đang xảy ra: trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, và mình còn đang rất khỏe. Đó là những điều kiện hạnh phúc, mình thấy mình đang sống và sự sống rất là mầu nhiệm. Tự nhiên bước chân mình sẽ chế tác ra được hỷ và lạc. Câu trả lời thứ tư là: tại vì mình chưa tiếp xúc được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt, thì bước chân đó chế tác được hỷ và lạc.

Bước đi của mình không có hạnh phúc, vì mình không có mặt, mình chưa dừng lại và không nhận diện được những mầu nhiệm đang có mặt. Mình không có tự do, những lo lắng, giận hờn, sợ hãi đang chế ngự trên bước chân của mình, thì làm sao chế tác được hỷ lạc? Mình phải làm thế nào để chế ngự được cái giận, cái buồn, cái lo. Ví dụ, trong cơ thể mình đang có sự căng thẳng. Người nào cũng có thể có ít nhiều sự căng thẳng trong cơ thể và cùng với sự căng thẳng, có một ít đau nhức. Vì vậy, khi bước đi, thì sự đau nhức đó là một chướng ngại cho sự chế tác hỷ và lạc. Khi thật sự có mặt, mình nhận ra sự có mặt của đau nhức, mình mỉm cười và buông bỏ sự căng thẳng. Thường thì, khi có sự căng thẳng mình co rúm lại, mà co rúm lại thì khó có hỷ và lạc. Đức Thế Tôn dạy:

Thở vào tôi ý thức được những căng thẳng và đau nhức trong hình hài tôi.

Thở ra tôi buông thư những căng thẳng và đau nhức đó.

Đó là sự thực tập của mình. Nhưng không phải muốn là mình có thể buông thư được, nhiều khi mình muốn mà nó không chịu buông. Phải có cái gì đó để giúp cho mình buông thư, phải có một tuệ giác nào đó cho biết: Tại sao cả ngày mình để cho thân thể mình co rúm và căng thẳng như vậy? Thật không có ích lợi gì hết. Tại sao mình không biết rằng ngoài kia trời rất trong, gió rất lành, nắng lên rất đẹp? Biết bao nhiêu mầu nhiệm đang đợi chờ mình mà mình lại bị cuốn hút trong những lo lắng, buồn khổ? Mình có bao nhiêu ngày tháng để sống mà mình để cho cái bận rộn, lo lắng cuốn đi thì rất là uổng, rất là dại. Đó là tuệ giác, có tuệ giác thì mình buông bỏ được sự căng thẳng, chứ mình không thể ép mình thư giãn. Mình phải có cái thấy, phải có sự thức tỉnh, thì tự nhiên mình thư giãn được dễ dàng.

Những hơi thở thuộc về quán thân, không chỉ liên hệ tới thân, mà còn liên hệ tới tâm. Phải có cái tuệ nào đó giúp mình thấy được mình đang dại dột và giúp mình buông bỏ được dễ dàng. Khi mình đang giận, có thể do sự hiểu lầm hay sự vô minh nào đó, mình nghĩ giận là không tốt và mình ép mình thôi giận rất khó. Nhưng khi mình thấy được sự thật là cái giận đó từ sự ngu si, từ tri giác sai lầm mà ra, người kia không có ý làm mình giận, người kia đáng được mình giúp đỡ hơn là trách cứ, thì cái giận tan đi dễ dàng. Mình không thể nào ép mình đừng giận, mình phải có tuệ, thì mới buông bỏ được cái giận. Niệm, định đưa tới tuệ, không phải ba năm hay mười năm mình mới đạt được tuệ. Đôi khi mình chỉ cần hai hay ba giây tiếp xúc với tuệ, thì tâm hành giận được chuyển hóa ngay.

Khi người ta đặt câu hỏi: ”Tại sao bước đi một bước tôi không có hỷ và lạc?”, thì mình có nhiều câu trả lời:

–          tại vì mình không có mặt.

–          tại vì mình chưa dừng lại được

–          tại vì mình chưa có cái thấy.

–          tại vì mình chưa tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống.

Nhận diện tập khí

Khi bước chân của mình không chế tác được hỷ và lạc, không phải tại vì mình không muốn có hỷ và lạc trong khi bước; nhưng có thể mình có những thói quen, những tập khí đi như bị ma đuổi, mình lo lắng quá về tương lai. Thói quen đó có thể do cha mẹ, tổ tiên từ nhiều thế hệ trao truyền lại cho mình. Có chánh niệm, mình nhận diện ra được thói quen chạy như bị ma đuổi: ”Thói quen ơi! Ta biết ngươi có đó, ngươi đã được trao truyền từ các thế hệ tổ tiên. Nhưng bây giờ ta đã gặp chánh pháp, thì thôi ngươi hãy ngừng lại đi!” Nhận diện ra thói quen đó, tự nhiên nó không trấn ngự mình nữa và mình được giải thoát. Mình đi chậm lại và mình chế tác được hỷ lạc. Đó là cái thấy (insight). Năng lượng giúp mình nhận diện thói quen là niệm .

Một anh thiền sinh tới xóm Thượng cách đây mấy chục năm, một hôm đi chợ cho tăng thân anh thấy mình có vẻ hấp tấp, vội vã. Nhờ có tu tập mấy tuần, nên anh nhận ra cái tập khí hấp tấp này là của má anh trao truyền lại. Trong hai tuần sống với tăng thân, anh được ôm ấp, bảo bọc, nên tập khí đó không hiện ra. Được gửi đi chợ một mình, không có năng lượng tập thể của tăng thân, nên tập khí cũ biểu hiện ra. Anh ngạc nhiên, tại vì trong mấy tuần qua anh sống thảnh thơi, thư thái; bây giờ đi chợ một mình, tự nhiên anh lại hấp tấp, vụt chạc. Anh ta nhận ra được đây là tập khí do mẹ trao truyền lại cho mình, anh nói: “Hello mami! I know you are here!” Tự nhiên, tập khí đó buông anh ra và anh thảnh thơi trở lại. Chánh niệm đưa tới tuệ, tuệ giúp cho thói quen buông mình ra. Sở dĩ mình đi như bị ma đuổi và mình không chế tác được hỷ lạc là vì thói quen của ông bà, cha mẹ quá mạnh, nó đang cuốn mình đi theo. Niệm là dừng lại, thấy được tập khí đó, nhận diện được mặt mũi của nó; thì tập khí liền buông mình ra, mình bắt đầu đi chậm lại và chế tác được hỷ lạc. Niệm đưa tới định và tuệ, tuệ giúp mình buông thư và chế tác được hỷ và lạc.

Có mặt là kết quả của sự tu tập, mình phải thật sự có mặt, thân và tâm nhất như. Mình phải tập để có mặt trong từng giây từng phút. Trong khi chải răng, làm bếp, tắm gội, đi, đứng, nằm, ngồi, mình có mặt cho mình, cho tăng thân.  Tu tập một thời gian, mình sẽ tạo được một tập khí mới, đó là thói quen có mặt, một thói quen rất hay mà tổ tiên, cha mẹ, con cháu có mặt trong mình cũng được thừa hưởng. Mình tu tập không chỉ riêng cho mình mà mình tu tập để chuyển hóa cho cha mẹ, tổ tiên, dòng họ con cháu mình. Mình đâu có cái ta riêng biệt.

 

Nhìn người đó như nhìn một vị đại sứ

Khi một vị đại sứ tới trình ủy nhiệm thư lên tổng thống, vị tổng thống không nhìn vị đại sứ như một cá nhân, vì ông đại sứ đại diện cho cả một chính quyền, một đất nước. Vị tổng thống nhìn, nói với vị đại sứ như một đất nước, một chính quyền. Khi mình gặp một người như sư chị, sư anh, sư em mình, mình thấy người đó đại diện cho một dòng họ, một truyền thống, một đất nước, trong đó có tổ tiên, cha mẹ, có văn hóa, tập quán. Có một sự liên tục hàng ngàn năm nay và người đứng trước mặt mình đại diện cho một truyền thống rất dài mấy ngàn năm. Phải thấy như vậy thì mình mới thật sự thấy được người đó. Mình phải nhìn người đó như một vị đại sứ đại diện cho dòng họ, lịch sử. Có những cái mình chưa thấy, nhưng đã có trong người đó. Mình không thể coi thường người đó, vì người đó là một viên đại sứ. Khi tiếp xúc với người đó, mình tiếp xúc với cha mẹ, ông bà, dòng họ của người đó; mình phải thấy những tài năng, những kinh nghiệm, những khổ đau của tất cả trong người đó. Thấy như vậy, mới thấy được người đó, mình sẽ không dám khinh thường người đó dù người đó là một em bé. Có thể người đó không thấy được như vậy, vì người đó chưa tu, không thấy được mình mang trong hình hài mình tất cả tổ tiên, dòng họ, đất nước. Nhưng là người tu, nhìn người đó mình thấy được như vậy; cũng như một vị tổng thống nhìn vị đại sứ, thì thấy được vị đại sứ là đại diện cho cả một đất nước, một chính quyền, một dân tộc. Người đó có thể là cha, mẹ, người bạn hôn phối, người yêu, con, cháu, học trò hay thầy của mình. Mình phải tập nhìn người đó như một sự tiếp nối qua hàng triệu năm. Mình đừng tưởng mình có thể biết người đó, trong chiều sâu của người đó có những cái mình chưa bao giờ thấy. Nếu tiếp tục quán chiếu mình thấy Niết bàn, Thiên quốc, Bụt cũng có trong người đó.

Theo cái thấy của đạo Bụt thì trong người đó có Bụt, có Chúa, có Tịnh độ, có an lạc, hạnh phúc. Nhưng sở dĩ hạnh phúc, an lạc, Tịnh độ, v.v… không biểu hiện ra được nơi người đó, là do có những cái ngăn chặn, che lấp. Mình thấy nơi người đó chỉ có đau khổ, bạo động, thù hận. Thật ra, trong người đó có những cái hay, cái đẹp; nhưng có những điều kiện không cho phép cái hay, cái đẹp đó biểu hiện ra. Mình bỏ tù, mình giết người đó, thì mình cũng giết luôn Bụt, tổ, Thượng đế, Thiên quốc, Tịnh độ trong con người đó. Đó là cái thấy của đạo Bụt, có được cái thấy đó, mình hành xử theo cách khác: Người này cần được mình giúp. Mình có thể nói, có thể nhìn người đó như thế nào để người đó có cơ hội mở ra những cái đẹp, những cái hay nhất đang còn bị giam hãm trong người đó. Chỉ khi nào có tuệ giác lớn, mình mới có tình thương lớn và chỉ khi nào làm được cho chính mình thì mình mới giúp người kia làm được chuyện đó.

 

Khổ đau và hạnh phúc tương tức

Mình phải bắt đầu từ bản thân mình. Mình phải làm thế nào để Bụt, Tịnh độ, hỷ, lạc, cùng những tài năng, những kinh nghiệm của tổ tiên phát hiện được nơi mình. Mình trở thành một người có hạnh phúc, có từ bi, có tuệ giác và mình có thể giúp được người kia. Không cần sự trừng phạt, chỉ cần có tình thương mà thôi! Nếu cần khổ đau, mình cứ khổ đau đi; nhưng chỉ khổ đau thôi thì không đủ, mình phải xử lý khổ đau như thế nào để có thể hiểu khổ đau đó, chuyển hóa được nó và cho nó đóng góp vai trò của nó vào việc chế tác hỷ và lạc.

Theo đạo Bụt, bùn có thể đóng góp vào sự chế tác hoa sen, không có bùn thì không có sen. Nhưng bùn chỉ là một trong những điều kiện, hoa sen phải có nước, có ánh sáng, có hơi ấm. Giáo lý tương tức của đạo Bụt cho chúng ta biết, khổ đau đóng một vai trò quan trọng trong việc chế tác hạnh phúc. Nều cần khổ đau, mình cứ khổ đau; nhưng đừng khổ đau một cách vô ích. Mình phải học cách khổ đau để không khổ nhiều và biết lợi dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Khổ đau là một phần của sự sống, có ai mà không khổ đau. Những người chưa khổ đau là những người chưa biết hạnh phúc là gì. Khổ đau và hạnh phúc tương tức, cái này làm ra cái kia, như cái trái làm ra cái phải. Mong ước tới một cõi chỉ toàn hạnh phúc, không có khổ đau là một chuyện rất ngây thơ, khờ dại. Vậy mà trong chúng ta, có rất nhiều người mong muốn tới một cõi chỉ có toàn hạnh phúc.

Tới Làng Mai, mình học cách đi qua khổ đau như thế nào để khổ đau đóng được vai trò chế tác hỷ, lạc. Chữ khổ 苦 có nghĩa là đắng, có chút vị đắng, cũng như có chút khổ rất ngon. Mình nên nhớ, mình tới với tăng thân để học cách xử lý khổ đau và chế tác hỷ, lạc. Chế tác hỷ lạc liên hệ tới xử lý khổ đau. Người nào biết xử lý khổ đau, người đó biết chế tác hỷ lạc và người nào biết chế tác hỷ lạc, người đó đã biết xử lý khổ đau. Đó là một nghệ thuật mình cần học hỏi lẫn nhau trong khi sống chung như một tăng thân. Nó rất thực tế! Mình tới Làng Mai, hoàn toàn không phải để thu thập một mớ kiến thức về đạo Phật.

Bài kệ 29

Hành tịnh vô hà uế                        行  淨  無  瑕  穢

Tự tri độ thế an                               自  知  度  世  安

Đạo vụ tiên viễn dục                      道  務  先  遠  欲

Tảo phục Phật giáo giới                 早  服  佛  教  戒

 

Sống phạm hạnh, không một vết nhơ
Tự biết mình, vượt thời gian, đạt an ổn

Trong nếp sống tu tập, trước hết là xa lánh ái dục
Phải tự trang bị mình bằng giới luật của Bụt ngay tự bây giờ.

Hành tịnh vô hà uế: Hành là thực tập, là nếp sống. Hà uế là tì vết, vết dơ. Tịnh hạnh là nếp sống trong sáng, thanh tịnh, thánh thiện (holy life). Chất thánh thiện, mình có thể nhận diện được; có niệm, có định, có tuệ là có chất thánh. Niệm, định, tuệ cũng là giới, định, tuệ, tại vì niệm cũng là giới. Chánh niệm là giữ giới, chúng ta gọi năm giới là năm phép thực tập chánh niệm.

Người cư sĩ giữ được năm giới là có chất thánh. Trong kinh “Thánh đệ tử” nói, người xuất gia giữ 250 giới và người tại gia giữ năm giới là thánh đệ tử, tại vì trong người họ có chất liệu của sự thánh thiện. Sự thánh thiện không phải do Đức giáo hoàng hay một người khác ban cho mình, mà do sự thực tập mà có. Khi có niệm, định, tuệ và giới, tự nhiên mình có chất thánh. Hành tịnh là sống nếp sống tịnh hạnh, nếp sống tịnh hạnh là nếp sống có giới; đối với người tại gia là không tà dâm còn đối với xuất gia là bất dâm .

Tự tri độ thế an: Tự tri là biết mình là ai. Biết mình là ai là một chuyện rất khó, đôi khi mình tưởng mình biết, nhưng kỳ thực mình chưa biết mình là ai.

Mình biết mình là một vị đại sứ, mình đại diện cho cả một dòng họ, một đất nước, một lịch sử. Mình có tổ tiên, đất nước, dòng họ, mình không phải là một cá nhân biệt lập, mình không phải là một cái ta riêng biệt, mình là một vị đại sứ cho cả một dòng họ.  Mình phải thấy mình như vậy trước khi người khác thấy được mình như vậy. Họ phải nghiêng mình chào vị đại sứ với tất cả sự kính phục. Tự biết mình là ai phải do sự quán chiếu, do niệm – định – tuệ mới đạt được.

Thế là thời gian, tam thế là quá khứ, hiện tại và vị lai. Độ thế là vượt thoát được thời gian, tiếp xúc được kiếp ngoại và phương ngoại. Làng Mai ở Thái Lan có một thiền đường tên là Trời Phương Ngoại. Trời phương ngoại là không gian nằm ngoài không gian (space outside the space). Không gian mình thấy đây và thời gian làm bằng năm tháng, không đủ rộng rãi cho mình. Mình cần một không gian và một thời gian khác, không gian đó là phương ngoại phương 方外方, một không gian nằm ngoài không gian thường. Thời gian làm bằng giờ phút năm tháng hơi chật hẹp đối với mình, mình cần vượt thoát thời gian, gọi là thời ngoại thời. Độ thế, có nghĩa là vượt thoát được thời gian.

Tự biết mình là ai, vượt thoát được thời gian, đạt tới sự an ổn.

Đạo vụ tiên viễn dục: Đạo là con đường. Cái cần phải thực tập trước hết để đạt tới thời gian thênh thang của Niết bàn, là phải thoát ra khỏi vòng đam mê, còn đam mê thì còn bị giam hãm trong thời gian và không gian.

Tảo phục Phật giáo giới: Phục là mặc vào, trang bị. Mình phải sớm trang bị mình bằng những giới luật Bụt đã dạy. Chuyện đầu tiên là phải giữ giới, người cư sĩ phải giữ 5 giới, 14 giới còn người xuất sĩ phải giữ 10 giới, 250 giới, 380 giới, 14 giới. Không có giới là không có niệm – định –  tuệ, không có niệm – định – tuệ thì không tiếp xúc được với tự do, với Nê hoàn. Giới là điều kiện căn bản của tự do.

Người ta nói thọ giới là mất tự do, nhưng sự thật thì ngược lại, chính nhờ giới mà mình có tự do. Ví dụ như khi uống rượu hay sử dụng ma túy, mình mất tự do. Chính nhờ mình giữ giới không uống rượu và không sử dụng ma túy, nên mình có tự do. Người bị sa vào vòng rượu chè, ma túy thì không còn chút tự do nào. Giới là căn bản của tự do, mỗi giới là một lĩnh vực của giải thoát. Giữ giới không uống rượu, mình có tự do này, giữ giới không sát sanh thì có tự do khác. Biệt biệt giải thoát, có nhiều khía cạnh giải thoát khác nhau và mỗi giới cho mình một không gian của giải thoát.

Trong kinh nói: Muốn thật sự đi trên con đường đạo, phải xa lìa dục và phải sớm trang bị cho mình bằng những giới luật Bụt dạy.

Bài kệ 30

Diệt ác cực ác tế                             滅  惡  極  惡  際

Dị như điểu thệ không                   易  如  鳥  逝  空

Nhược dĩ giải pháp cú                   若  已  解  法  句

Chí tâm thể đạo hành                    至  心  體  道  行

 

Diệt phiền não, thoát ra khỏi thế giới hệ lụy

Dễ như con chim cất cánh bay lên không trung

Nếu hiểu được pháp cú này

Thì hãy đem hết lòng mà đi tới trên con đường đạo.

Diệt ác cực ác tế: Diệt là chuyển hóa, làm cho không còn. Ác là những gì đi ngược lại giới, những hành động, lời nói, tư tưởng tạo ra khổ đau. Tế là biên giới, lĩnh vực. Cực ác tế là đi ra khỏi biên giới của cái ác. Đó không phải là chuyện khó, khi mình có khả năng diệt trừ được tư tưởng tham, sân và si thì mình ra khỏi lĩnh vực của phiền não.

Dị như điểu thệ không, dễ dàng như con chim tung cánh bay lên không gian.

Nhược dĩ giải pháp cú: Nếu hiểu được pháp cú này. Pháp cú là dhammapada, câu nói của giáo pháp.

Chí tâm thể đạo hành: Hiểu được ý nghĩa của pháp cú, mình sẽ đem hết tâm để đi trên con đường đạo.

Bài kệ 31

Thị độ sanh tử ngạn                       是  度  生  死  岸

Khổ tận nhi vô hoạn                      苦  盡  而  無  患

Đạo pháp vô thân sơ                道  法  無  親  疎

Chánh bất vấn doanh cường        正  不  問  羸  強

 

Đó là con đường vượt qua bờ sinh tử
Đưa tới chỗ chấm dứt khổ đau hoạn nạn

Trong đạo pháp, không còn sự phân biệt thân sơ
Không còn hỏi ai có thế lực nhiều, ai không có thế lực.

Thị độ sinh tử ngạn: Đó là đi qua được bờ sinh tử.

Khổ tận nhi vô hoạn: Chấm dứt khổ đau, không còn tai họa. Tận là chấm dứt, hoạn là tai nạn.

Đi vào con đường danh lợi, quyền bính có rất nhiều tai họa.

Đạo pháp vô thân sơ: Trong đạo pháp, không còn phân biệt thân và sơ, không kết bè kết phái, không lập đảng riêng, người nào cũng là huynh đệ của mình, nghèo cũng như giàu, có quyền thế cũng như không có quyền thế. Mình không đứng về phía người giàu để áp chế người nghèo, mà cũng không đứng về phía người nghèo để tranh đấu với người giàu; vì mình thấy cả hai bên đều khổ, mỗi bên khổ theo kiểu của họ. Trong đạo pháp, phải có sự bình đẳng; mình thương người không đồng bào như thương người đồng bào, mình thương những người theo truyền thống khác như thương những người cùng chung truyền thống. Đó gọi là xả (equanimity), không phân biệt thân sơ.

Chánh bất vấn doanh cường: Doanh là nhiều, là hơn. Không còn hỏi ai là người thắng kẻ bại, không cần phân biệt ai là người mạnh kẻ yếu. Người thắng, kẻ bại mình đều thương. Mình thương các thầy, các sư cô Bát Nhã đã đành và mình còn thương luôn cả mấy ông công an. Mình thương những người yếu đuối bị đàn áp, bóc lột và mình cũng thương luôn những người dùng bạo lực. Ai cũng có những khổ đau của họ và mình muốn giúp hết tất cả. Đó là đạo pháp.

 

Bài kệ 32

Yếu tại vô thức tưởng                    要  在  無  識  想

Kết giải vi thanh tịnh                     結  解  為  清  淨

Thượng trí yếm hủ thân                上  智  饜  腐  身

Nguy thúy phi thật chân               危   脆  非 實  真

 

Quan trọng nhất là đừng bám vào tri giác

Khi cả hai cái cột và mở đều đã thanh tịnh

Thì bậc thượng trí không còn bị kẹt vào cái hình hài dễ tan vỡ này

Và thấy nó là một cái gì không chắc thật

 

Yếu tại vô thức tưởng: Tưởng là tri giác. Trong nhận thức của mình có tri giác, tri giác đó có thể sai lầm. Những tri giác như sanh-diệt, có-không, ta-người, bạn-thù, chia rẽ, kỳ thị và tạo ra hận thù, sợ hãi. Quan trọng nhất là vượt thoát những tri giác đó.

Kết giải vi thanh tịnh: Kết là buộc lại, giải là mở ra. Cột và mở, tuy vậy mà không chống đối nhau, không còn sự phân biệt giữa cột và mở, thì có sự thanh tịnh. Bàn tay mình có thể nắm lại, hay xòe ra;, nhưng nắm, hay xòe cũng là bàn tay. Mình phải thấy được bàn tay, không phải tại vì nó nắm lại, mà mình muốn tiêu diệt bàn tay. Người kia có thể là thiện hay ác, nhưng vẫn là con người. Mình phải làm thế nào để giúp người đó trở thành thiện, chứ không nên tiêu diệt người đó. Đó là cái thấy của Bụt. Kẻ thù ta không phải là con người, kẻ thù ta là cuồng tín, tị hiềm, kỳ thị, sợ hãi, đam mê. Mình thoát khỏi nắm và mở, nắm là bàn tay mà mở cũng là bàn tay. Thấy được như vậy thì mình khỏe, mình không còn hận thù, khổ đau nữa.

Thượng trí yếm hủ thân: Hủ là nát ra. Bậc có trí tuệ lớn không còn kẹt vào hình hài dễ tan vỡ này, không cho hình hài này là mình.

Thân này không phải là tôi
Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sanh
Cũng chưa bao giờ từng diệt

Chúng ta có hình hài, tư tưởng, lời nói. Những cái chúng ta tạo tác ra hàng ngày như những tư tưởng, những lời nói, những hành động, đang lên đường. Ta không chỉ có trong hình hài này, mà ta còn có ở ngoài hình hài, ta có trong ba mẹ, trong con cháu, trong thế giới. Hình hài này sẽ tan rã. Thấy mình chỉ là hình hài này, là một tà kiến. Những tư tưởng, lời nói, hành động mình chế tác ra đang tiếp tục mình. Người thượng trí thấy hình hài này không phải mình, mình lớn hơn hình hài này rất nhiều. Mai mốt hình hài này sẽ hủ nát, nhưng mình vẫn tiếp tục và mình phải tiếp tục cho đẹp. Muốn tiếp tục cho đẹp thì thân, khẩu, ý phải đi theo hiểu và thương, phải có giới, định và tuệ.

Nguy thúy phi thật chân: Thấy nó là một cái gì không chắc thật. Hình hài này dễ tan vỡ, dễ bị tai nạn.

Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 4)

Chúng ta học tiếp kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại. Rong chơi có nghĩa là không có chuyện gì phải làm, không có nơi nào phải đi tới, mình đi chơi vui thú. Tiếng Anh là to enjoy, nhưng trong chữ enjoy không có ý của cái không gian mà mình đang đi chơi. Tiếng Pháp có chữ flâner có nghĩa là chỉ đi chơi, không có mục đích nào cả.

Trong kinh sử dụng hình ảnh của những con chim trở về với mây trời, tự do bay chơi và hình ảnh của những con nai cảm thấy thoải mái trở về đồng quê. Sáng hôm nay, từ nội viện tới xóm Hạ, tôi thấy sáu con nai đang rong chơi ngoài đồng quê. Niết bàn, có nghĩa là rong chơi. Take time to enjoy where you are.

 

Bài kệ 18

Chư khổ pháp dĩ tận                      諸  苦  法  已  盡

Hành diệt trạm nhiên an               行  滅  湛  然  安

Tỷ-khưu ngô dĩ tri                       比  丘  吾  已  知

Vô phục chư nhập địa                   無  復  諸  入  地

Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt

Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ, và sẽ có bình an

Này các vị Tỳ-kheo, tôi  đã thực chứng điều này

Cho nên tôi  không cần phải tìm đi vào một cõi nào nữa.

Chư khổ pháp dĩ tận: Chư khổ pháp là những hiện tượng đem tới khổ đau như cái giận, cái buồn, cái đam mê, lo lắng, cái u sầu, sợ hãi. Dĩ tận là đã hết. Khi những pháp khổ đau đã hết.

Hành diệt trạm nhiên an: Tất cả các hành trở thành vắng lặng. Chữ diệt phải được hiểu là vắng lặng, không còn xôn xao. Chữ diệt ở đây không có nghĩa diệt và sinh, có hay không có. Chữ diệt trong Niết bàn, có nghĩa là vắng lặng.

Hành là tất cả những hiện tượng như sông núi, mặt trăng, mặt trời, con người, chim muông, cây cỏ, đất đá, thân thể của chúng ta,… Hành là samskāra, tiếng Anh là formations. Bông hoa là một hành, nó được tập hợp bởi những yếu tố như đất, nước, lửa, gió, sức nóng và người làm vườn. Cái bàn cũng là một hành, trái núi là một hành, ngôi sao kia là một hành. Đó là những hành vật lý (physical formations). Hình hài của chúng ta cũng là một hành, gọi là hành sinh lý (physiological formation). Cái giận, cái buồn, cái vui của chúng ta cũng là những hành, gọi là hành tâm lý (mental formations). Tất cả hành có thể có tác dụng gây đau khổ, nếu mình bị dính vào chúng nó, nếu mình có cái thấy sai lạc về chúng nó.

Chúng ta không biết được bản chất của các hành, nó là vô thường mà ta tưởng là thường, nó là vô ngã mà ta tưởng là ngã. Chính cái thấy sai lạc đó đưa tới đau khổ, chứ không phải các hành làm cho ta đau khổ. Hình hài của chúng ta làm cho ta đau khổ, tại vì ta có một quan niệm sai lầm về hình hài của mình. Đối tượng đam mê mà ta chạy theo kia không làm cho ta đau khổ, mà chính tại vì ta có một cái nhìn sai lạc về nó nên ta bị dính vào nó. Ta có vọng tưởng về đối tượng đam mê, nên ta có dục tưởng. Dục là sự đam mê, và chính vì có dục tưởng cho nên ta khổ, chứ không phải đối tượng đam mê làm cho ta khổ. Danh lợi không làm cho ta khổ, nhưng cái thấy của ta về danh lợi làm cho ta khổ.

Ví dụ về con chó bị anh chàng liệng cục đá lại chạy theo sủa cục đá rất hay. Cục đá, thật ra, đâu có tội tình gì, nguyên do làm cho con chó đau khổ là anh chàng liệng cục đá. Con chó vô minh tưởng cục đá là kẻ thù của nó. Khi đau khổ, chúng ta nghĩ rằng thế giới này hay hình hài, năm uẩn này làm cho mình đau khổ. Thật ra, chỉ vì mình có nhận thức sai lầm về thế giới, về năm uẩn, nên mình mới đau khổ.

Hành diệt, có nghĩa là những cái thấy sai lầm của chúng ta về hành không còn nữa và các hành, tuy là còn đó, nhưng không còn làm cho mình đau khổ nữa. Những cái thấy thì mình vẫn còn thấy, những cái nghe thì mình vẫn còn nghe, những cái suy nghĩ thì mình vẫn còn suy nghĩ; nhưng cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ của mình không còn sai lạc nữa và mình không còn đau khổ nữa.

Trạm nhiên, có nghĩa là rất yên tĩnh. Khi tri giác sai lầm không còn, thì có sự vắng lặng, có sự thanh tịnh, an bình. Sự an bình đó là Niết bàn.

Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ và sẽ có bình an.

Tỳ khưu ngô dĩ tri: Ngô là cái ngã. Dĩ tri là đã biết. Ngày xưa, có khi người ta dịch “vô ngã” là vô ngô.

Mình chưa biết mình là ai! Trong Thiền tông thường có câu hỏi: “Anh là ai?” (Who are you?). Đó là một công án. Một công án khác cũng rất phổ thông, nổi tiếng ở Trung Quốc là câu hỏi: “Niệm Phật thị thùy?” (Who is the one that invokes the Buddha’s name?). Niệm Phật thị thùy có nghĩa là: Ai là người đang niệm Phật? Công án này là một câu hỏi: Anh là người đang niệm Phật, nhưng anh là ai? Người đang niệm Phật đó là ai? Anh đã biết anh là ai chưa? Mình tu để nhìn sâu và để biết mình là ai. Nhưng trong công án này có một lỗ hỏng và nhiều người không thành đạt được công án này, tại vì họ không biết lấp lỗ hỏng đó. Lỗ hỏng nằm ở chỗ mình hỏi người niệm Phật là ai như là mình biết Phật là ai rồi. Có Phật và có người niệm Phật, nhưng công án chỉ hỏi người niệm Phật là ai, như là đã biết Phật là ai rồi. Thật ra, chúng ta cũng chưa biết Phật là ai? “Who is the Buddha whose name you invoke?”. Tôi đề nghị công án thứ hai: “Phật thị thùy?”(Who is the Buddha?). Trong công án “Niệm Phật thị thùy?”, mình muốn biết người niệm Phật là ai và mình tưởng mình biết Phật là ai rồi.

Khi mình biết mình là ai, thì mình cũng biết Bụt là ai và khi mình biết Bụt là ai, thì mình cũng biết mình là ai. Hai câu hỏi “Niệm Phật thị thùy?” và “Phật thị thùy?” là một. Mình đã học một bài kệ rất hay:

Bụt đang thở, Bụt đang đi

Mình đang thở, mình đang đi

Ngoài chuyện thở và chuyện đi, có một người thở và đi. Mình nghĩ phải có một chủ thể, thì hành động mới xảy ra được. Nhưng trong tuệ giác vô ngã thì có hành mà không cần phải có hành giả, có tác mà không cần có tác giả. Khi nói “gió thổi”, mình nghĩ có “gió” và có “một người thổi”, nhưng sự thật là chỉ có gió (wind) mà không có người thổi (blower). Nếu không có thổi (blowing), thì không có gió (wind). Gió mà không thổi, thì không phải là gió; hễ có gió là có thổi. Chúng ta chỉ cần gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi, cũng như niệm Phật là niệm Phật mà không cần có người niệm Phật. Chỉ có chuyện niệm Phật xảy ra, tại vì niệm là một tâm hành.

Trong tâm hành niệm có năng niệm và sở niệm, niệm luôn là niệm cái gì, ví dụ như niệm hơi thở hay niệm bước chân hay niệm Bụt. Có chủ thể niệm và đối tượng niệm, nhưng cả chủ thể và đối tượng đều nằm trong niệm, vì không thể nào có chủ thể mà không có đối tượng. Trong đạo Bụt có dạy, nơi nào có chủ thể, thì nơi đó có đối tượng và nơi nào có đối tượng, thì nơi đó có chủ thể. Chủ thể và đối tượng đi đôi với nhau. Không thể có chủ thể niệm đứng riêng, rồi mình đem chủ thể đó đến niệm đối tượng niệm như là mình đem cây thước tới đo cái bàn rồi đo cái ghế. Tâm của mình gồm cả chủ thể và đối tượng, nếu cho tâm chỉ là chủ thể thì đó là một sự sai lạc căn bản mà khoa học bây giờ cũng chưa thoát ra khỏi. Khoa học nghĩ rằng, có một cái tâm bên trong và cái tâm đó vương ra để nắm bắt thế giới bên ngoài. Khoa học kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên, cho tâm và vật là hai cái riêng biệt. Chỉ một số rất ít nhà khoa học đang tìm cách vượt khỏi chướng ngại đó, còn phần lớn vẫn còn kẹt vào trong cái thấy lưỡng nguyên, tức cho rằng tâm tồn tại độc lập ngoài vật.

Người niệm Phật là ai, có nghĩa là người niệm là một thực tại riêng biệt và Phật được niệm là một thực tại riêng biệt. Thấy mình và Phật là hai thực tại riêng biệt là một cái thấy sai lầm. Niệm là một tâm hành, mà hễ là tâm hành thì phải có đối tượng và chủ thể. Khi niệm Phật xảy ra, thì năng niệm và sở niệm đều có mặt trong niệm; chúng ta không cần có một người đứng ngoài để làm chuyện niệm, cũng như có gió mà không cần một người đứng ngoài để thổi. Đây là phương diện của tâm học sâu sắc: Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi.

Bài tập của chúng ta rất hay, ban đầu mình tưởng Bụt và mình là hai thực thể:

Bụt đang thở, Bụt đang đi

Con đang thở, con đang đi

Nhưng sau, mình tìm ra được:

Bụt là thở, Bụt là đi

Con là thở, con là đi

Ngoài cái thở và đi không có Bụt, không có con. Con và Bụt nằm ngay trong cái thở, cái đi. Khi Bụt thở, thì hơi thở rất có phẩm chất; vì hơi thở có phẩm chất, nên chúng ta thấy có Bụt trong hơi thở.

Tỳ kheo ngô dĩ tri, vị tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, mình không phải là một thực thể đứng ngoài, mình không phải là tác giả hay thọ giả mà mình chính là cái tác, chính là cái thọ. Người niệm Bụt là ai? Người niệm Bụt không có ngoài sự niệm Bụt, chỉ có sự niệm Bụt, mà không cần phải có người niệm Bụt. (There is the invokation of the Buddha’s name, there is no invoker. There is the wind, there is no blower.) Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai, đó là cái quả lớn nhất. Chúng ta có thể chứng đạt được công án đó, nếu chúng ta thực tập bài kệ sau cho sâu:

Chỉ có thở, chỉ có đi

Không người thở, không người đi

An khi thở, lạc khi đi

An là thở, lạc là đi.

Vô phục chư nhập địa: Khi vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, thì không cần có một cõi để đi vào.

Mình nghĩ khi chết rồi, mình sẽ đi vào một cõi nào đó, mình sẽ xuống địa ngục hay lên thiền đường, mình lên cõi trời này, cõi trời kia hay vào Tịnh độ. Đó là cái thấy nhị nguyên: có một người và người đó sẽ đi vào cõi này hay cõi kia. Nhưng khi hiểu được vô ngã, không còn đi, không còn tới, mình không còn lo sẽ đi về đâu, tại vì sẽ không có chuyện đi, chuyện tới.

Trong bài kệ, Niết bàn được diễn tả rất cụ thể và sâu sắc. Vị Tỳ kheo đã biết mình là ai rồi, thì không còn phải lo lắng sau này mình sẽ đi vào cõi nào: Tịnh độ, Thiền đường hay Cực lạc thế giới.

 

Bài kệ 19

Vô hữu hư không nhập                 無  有  虛  空  入

Vô chư nhập dụng nhập               無  諸  入  用  入

Vô tưởng bất tưởng nhập              無  想  不  想  入

Vô kim thế hậu thế                         無  今  世  後  世

 

Không đi vào cõi  hư không

Không có cái nơi đi vào để đi vào

Không đi vào cõi tưởng hay cõi vô tưởng

Không đi vào đời này hay đời sau.

 

Vô hữu hư không nhập: Trong thiền định, có thể mình đi vào cõi gọi là hư không vô biên (infinity of space), tức không vô biên xứ. Không vô biên xứ là một trạng thái thiền định. Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ là bốn đối tượng để đi vào của thiền. Cõi vô tưởng (phi tưởng xứ) là cõi không còn tri giác.

Vô hữu hư không nhập, có nghĩa là không có cõi gọi là không vô biên xứ để đi vào, tại vì không có người để đi vào cõi đó.

Vô chư nhập dụng nhập: Không có những nơi đi vào để mình đi vào. Đi vào, hàm chứa chủ thể đi vào và đối tượng đi vào và khi thấy còn một chủ thể đi vào và một đối tượng đi vào, thì chưa thấy được sự thật. Biết được mình là ai rồi, ta vượt thoát được ý niệm về chủ thể và đối tượng riêng biệt. Không có người đi vào, thì không còn lo lắng về chỗ mình sắp đi vào.

Vô tưởng bất tưởng nhập: Không đi vào cõi tưởng (cõi có tri giác) hay cõi phi tưởng (cõi không có tri giác).

Vô kim thế hậu thế: Không còn có đời này và đời sau, không còn sự phân biệt giữa hiện tại và tương lai, tức vượt thoát thời gian.

Niết bàn là sự tự do, không có thời gian, không có không gian. Vì vậy có Big Bang hay không có Big Bang, không phải là chuyện quan trọng. Không có bắt đầu, không có chung cục, không có nơi này, không có nơi kia, không có sự co lại hay phình ra. Hiện nay, có lý thuyết cho rằng vũ trụ đang giãn ra do Big Bang, rồi tới một lúc nào đó vũ trụ sẽ co lại.

Đối với Niết bàn, không có tương lai, không có quá khứ, không có thời gian, không có sự co lại, không có sự giãn ra. Kinh Niết Bàn không phải là kinh nói về chuyện siêu hình, kinh Niết Bàn rất thực tế, nó liên hệ tới sự sống hàng ngày. Chúng ta phải học kinh Niết Bàn như vậy, tại vì Phật học của chúng ta là Phật học ứng dụng. Ý nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là sự mát lạnh. Định nghĩa thứ nhất của Niết bàn là sự vắng mặt của nóng bức, tại vì đam mê, sợ hãi, hận thù có khả năng đốt cháy; mà khi có sự đốt cháy, thì không có Niết bàn. Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy (extinction).

Trong tâm học Phật giáo có tâm hành tham (đam mê), tâm hành sân (hận thù). Khi đam mê và hận thù bừng cháy lên, thì có sức nóng đốt cháy và không có Niết bàn. Nhưng trong tâm học đạo Phật cũng có tâm hành vô tham, vô sân. Có những giây phút mà mình không bị ngọn lửa của đam mê, hận thù đốt cháy. Niết bàn có mặt khi những tâm hành vô tham, vô sân biểu hiện. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời mà mình tưởng tượng ra trong thế giới siêu hình, nó không phải là đối tượng của siêu hình học. Niết bàn là đối tượng của sự thực tập hàng ngày: khi có tham, có sân là không có Niết bàn; khi có vô tham, vô sân là có Niết bàn. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có những giây phút có Niết bàn và những giây phút không có Niết bàn, tùy theo ý chúng ta chọn, cũng như con chim muốn chui vào trong lồng hay muốn trở về trời mây, cũng như con nai chọn vào ở trong sở thú hay chọn trở về đồng quê. Mình chọn đi về không gian của tự do, tươi mát hay không là tùy mình.

Định nghĩa đầu tiên của chữ Niết bàn là chấm dứt sự đốt cháy, sự nguội xuống. Chúng ta có một vị Bồ tát tên là Thanh Lương Địa (the Bodhisattva of earth cooling). Chúng ta rất cần vị Bồ tát này, chúng ta phải gọi Ngài về lập tức tại vì chúng ta đang ở trong giai đoạn hâm nóng toàn cầu (global warming). Thanh lương, là không có sự đốt cháy. Làm thế nào để Bồ tát Thanh Lương Địa có mặt trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, tức là mình có Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì quá xa vời mà mình phải tu 10, 20 năm mới có.

Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa đang đốt cháy, ngọn lửa của tham, sân, nghi ngờ. Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của tri giác sai lầm, của cái nhìn nhị nguyên. Thấy có cái tâm hiện hữu ngoài vật, có cái trong đối lập với cái ngoài, có cái ta và có cái người, có chủ thể tồn tại độc lập ngoài đối tượng, là cái thấy nhị nguyên, cái thấy đó gây ra đau khổ và những nhận thức sai lầm. Niết bàn là sự vắng mặt của phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng (kleśa-avāraņa) là tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Sở tri chướng (jñeya-avāraņa) là những cái kẹt về nhận thức. Đạt tới vô ngã là đạt tới Niết bàn.

Khi vượt khỏi cái nhìn nhị nguyên “có hiện tại và tương lai”, vượt thoát được thời gian, thì không còn kỳ thị, phân biệt. Lúc đó, những câu hỏi về nguyên ủy của vũ trụ như vũ trụ do ai sáng tạo ra, khi vũ trụ tiêu diệt thì sẽ có gì, hoặc những ý niệm về các cặp đối lập như có-không, còn-mất, tới-đi không còn nữa và Niết bàn có mặt. Ta không còn lo lắng (vô ưu) và sự rong chơi được thỏa mãn một trăm phần trăm.

 

Bài kệ 20

Diệc vô nhật nguyệt tưởng            亦  無  日  月  想

Vô vãng vô sở huyền                  無  往  無  所  懸

Ngã dĩ vô vãng phản                     我  已  無  往  反

Bất khứ nhi bất lai                          不  去  而  不  來

Cũng không có ý niệm về mặt trời và mặt trăng đang có mặt

Không đi cũng không ở lại

Không có một cái ngã để đi và để về

Thì không có cái đi và cái về.

Diệc vô nhật nguyệt thưởng: Không có tri giác về mặt trời, mặt trăng nữa. Bụt đang nói đến các nhà thiên văn học. Chúng ta tưởng tượng có những thiên hà (galaxy), những thế giới, những ngôi sao cách xa mình hàng ngàn, hàng triệu năm ánh sáng và mình nghĩ tất cả đều nằm trong không gian ngoài tâm thức mình. Khi đạt tới cái thấy bất nhị Niết bàn, thì mình không kẹt vào tri giác về mặt trăng, mặt trời.

Vô vãng vô sở huyền: Không cần đi cũng không ở lại.

Ngã dĩ vô vãng phản: Khi cái ngã đã không có (ngã dĩ vô), thì làm gì còn chuyện đi hay chuyện về (vô vãng phản). Vãng là đi, phản là trở về.

Bất khứ nhi bất lai: Không có khứ cũng không có lai. Người ta đặt cho đức Thế Tôn là Như Lai, có nghĩa là không từ đâu tới và cũng không cần đi về đâu (Tùng vô sở lai, diệc vô sở khứ, thị cố danh Như lai). Không phải chỉ có đức thế Tôn mà chúng ta cũng vậy, bản chất của chúng ta là không tới cũng không đi.

 

Bài kệ 21

Bất một bất phục sanh                   不  沒  不  復  生

Thị tế vi nê hoàn                             是  際  為  泥  洹

Như thị tượng vô tượng                如  是  像  無  像

Khổ lạc vi dĩ giải                          苦  樂  為  以  解

Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra

Nơi ấy là Niết bàn.

Như thế thì vấn đề có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác

vấn đề bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu.

 

Bất một bất phục sanh: Bất một, là không biến mất, không từ có trở thành không, tại vì có và không cũng chỉ là những ý niệm; chúng ta vượt thoát có và không. Bất phục sanh, là không hẳn mình phải sinh trở lại, tại vì không sinh cũng không diệt.

Thị tế vi Niết bàn: Tế là cõi. Cõi không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, đó là Niết bàn. This domain is Nirvana. Niết bàn đang có mặt cho mình, tùy mình có muốn hay không muốn thôi; cũng như trời mây lúc nào cũng có đó cho chim muông và đồng quê lúc nào cũng có đó cho hưu nai, tùy nó muốn chọn hay không mà thôi.

Như thị tượng vô tượng;

Khổ lạc vi dĩ giải

Như thế thì có đối tượng của tri giác hay không có đối tượng của tri giác (Như thị tượng vô tượng), đối tượng của tri giác có thể là mặt trời, mặt trăng hay con người, thì bản chất của cái vui và cái khổ, mình đã hiểu thấu (Khổ lạc vi dĩ giải). Chữ 以  này có thể bị chép sai, đúng ra là chữ dĩ 已, có nghĩa là đã.

Khổ và vui thường được căn cứ trên ý niệm của mình, như ý niệm có và không, sanh và diệt. Khi những ý niệm có đối tượng hay không có đối tượng không còn nữa, thì không gian của Niết bàn hiển hiện. Lúc đó, mình hiểu thấu được bản chất của khổ và vui, mình không còn bị cuốn hút, bị hạn chế, bị trói buộc bởi khổ và vui.

Khóa tu mùa Đông sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục học hết Phẩm Nê Hoàn và học một số các kinh khác, có thể chúng ta sẽ được học bản dịch mới của “Ba mươi bài tụng Duy Biểu”, có thể mình sẽ được học 44 bài kệ về chân lý tuyệt đối trong Du-Già Sư Địa Luận, có thể chúng ta sẽ tiếp tục học những kinh rất hay trong Pháp Cú Kinh chữ Hán.

Thầy trò chúng ta may mắn được ở chung với nhau ba tháng, được ngồi thiền chung, đi thiền chung, học kinh chung, pháp đàm chung rất hạnh phúc. Xin đại chúng chuẩn bị ngày mai làm lễ đối thú an cư, xác định nghiêm mật giới trường, đừng ra khỏi giới trường trong ba tháng an cư, ngoại trừ trường hợp tăng thân sai mình đi làm công việc. Đây là cơ hội rất tốt và rất hiếm, ở đời không biết có bao nhiêu người mong ước có được cơ hội tham dự khóa tu ba tháng. Ngay cả nhiều thầy, nhiều sư cô bên Mỹ, hay ở Âu châu cũng ít có cơ hội được an cư. Chúng ta có cơ hội này, chúng ta phải dâng lên niềm cảm tạ của ta đối với đức Thế Tôn và các vị tổ sư. Nếu đức Thế Tôn không chế ra truyền thống An cư thì có thể thầy cũng phải đi dạy chỗ này chỗ khác. Nhờ có khóa An cư mà thầy được ở lại luôn ba tháng với các con của thầy và thầy rất hạnh phúc. Hạnh phúc có đó, Niết bàn có đó. Niết bàn là sự vắng mặt của các ngọn lửa đốt cháy. Mình học cách dập lửa, mình học từ sư anh, sư chị của mình. Nếu mình có tri giác sai lầm nào làm mình khổ như nỗi buồn, sự cô đơn, tủi thân, thì mình phải nhờ sư anh, sư chị giúp cho mình tháo bỏ tri giác sai lầm đó; tháo bỏ được thì tự nhiên mình sẽ có Niết bàn. Niết bàn là chuyện làm hàng ngày của mình. Nirvana is our daily business.

 

Đây là bài pháp thoại Thiền sư giảng vào ngày 28 tháng 11 năm 2010, tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới, trong khóa An Cư Kiết Đông.

Bài kệ 22

Sở kiến bất phục khủng                 所  見  不  復  恐

Vô ngôn ngôn vô nghi                   無  言  言  無  疑

Đoạn hữu chi xạ tiễn                   斷  有  之  射  箭

Cấu ngu vô sở y                             遘  愚  無  所  猗

Cái mình thấy không làm cho mình sợ hãi nữa

Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ

Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi

Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả.

 

Chúng ta ôn lại câu: Chim chóc ưa trở về mây trời, hươu nai ưa trở về đồng quê, còn các bậc chân nhân thì ưa trở về Niết bàn.

Niết bàn là nơi thảnh thơi, Niết bàn đang có mặt ở đây trong giây phút hiện tại. Tùy mình muốn chọn sự bận rộn, lo lắng, sợ hãi hay muốn chọn Niết bàn. Có hai cách để định nghĩa Niết bàn:

–          Định nghĩa đầu là sự vắng mặt của phiền não như đam mê, hận thù, nghi kỵ, tại vì đam mê, hận thù, nghi kỵ là những ngọn lửa đốt cháy mình. Sự vắng mặt của đam mê, hận thù, nghi kỵ là sự mát mẻ. Định nghĩa đầu của Niết bàn là sự mát mẻ, sự tắt lửa. Ngọn lửa đam mê, hận thù đang cháy, thì mình không có Niết bàn. Nhưng khi mình thấy không có ngọn lửa đam mê, hận thù cháy trong mình thì đó là Niết bàn. Nirvana trước hết có nghĩa là mát xuống, không bốc cháy.

–          Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của sự kỳ thị, của cái nhìn lưỡng nguyên. Dưới cái nhìn lưỡng nguyên, mình thấy có trong có ngoài, có ta có người, có chủ thể có đối tượng. Khi vượt thoát cái nhìn lưỡng nguyên, mình không còn thấy sự tách rời của chủ thể và đối tượng, tâm và vật, mình và người. Không còn thấy sự phân biệt, mình có rất nhiều tự do, tự do thênh thang, đó là Niết bàn. Thấy có mình và có người, mình so sánh mình thua người đó, hay hơn người đó, hay bằng người đó. Đó là ba loại mặc cảm: mặc cảm thua người, mặc cảm hơn người và mặc cảm bằng người. Ba loại mặc cảm này đều dựa trên sự phân biệt giữa ta và người. Khi thấy rõ mình với người đó tương tức, mình có trong người đó và người đó có trong mình, thì mình không còn mặc cảm dù là mặc cảm thua người, hơn người hay bằng người. Không còn cái thấy nhị nguyên, mình sẽ có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do. Đó là Niết bàn.

Niết bàn có mặt trong giây phúc hiện tại, mình không cần phải đi tìm ở một cõi xa xăm nào trong tương lai.

Nếu Cơ Đốc giáo chấp nhận Thượng đế là Niết bàn thì rất dễ cho họ: Thượng đế là sự vắng mặt của sự đốt cháy và sự kỳ thị. Thượng đế trở thành một với Niết bàn. Nhiều nhà thần bí Cơ Đốc đã thấy được như vậy. Họ thấy Thượng đế không phải là cái gì tách ra khỏi mình để mình phải đối phó với Ngài. Thượng đế không phải là cái gì ở ngoài để mình phải đi tìm mà Thượng đế chính là tự do, là hạnh phúc có sẵn trong mình. Khi ngọn lửa kia không còn đốt cháy và sự kỳ thị kia không còn cắt xén, thì đó là Thượng đế.

Đợt sóng khổ đau tại vì nó lên xuống, sinh diệt, nó so sánh đợt sóng này với đợt sóng khác và nó có mặc cảm. Nhưng khi đợt sóng biết rằng nó là nước, thì nó không còn đau khổ vì chuyện lên xuống, ra vào, lớn nhỏ. Đợt sóng không cần phải đi tìm nước ở chỗ khác, tại vì chính nó đã là nước rồi. Nếu mình nghĩ Thượng đế là một thực tại ở ngoài mà mình cần phải đi tìm, thì mình vẫn còn kẹt trong cái thấy nhị nguyên. Đó không phải là Niết bàn, Niết bàn không có trong và ngoài, này và kia. Trong khóa tu ở Nottingham University, tôi nói với báo chí: Nếu Tây phương đặt Thượng đế trở lại vào đúng vị trí của Ngài thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Mình đặt Thượng đế sai chỗ, mình cho Thượng đế là một thực tại ở bên ngoài mà mình phải đối phó nên mới đưa tới sự khủng hoảng hiện nay.

 

Sở kiến bất phục khủng: Cái mình thấy, mình không còn sợ nữa. Sở kiến là cái mình thấy. Bất phục khủng là mình không còn sợ hãi nữa.

Vô ngôn ngôn vô nghi: Không còn nghi ngờ gì về vấn đề ngôn từ hay không ngôn từ nữa. Ngôn là cái có ngôn từ, vô ngôn là cái không có ngôn từ.

Đoạn hữu chi xạ tiễn: Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi. Tiễn là mũi tên. Đoạn là làm cho chấm dứt. Hữu là being in existence. Người hành giả dương cây cung, lắp một mũi tên, nhắm cái hữu (being) mà bắn một phát.

Một nhà thần học nói: “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu”. God is the ground of being. Trong tuệ giác của đạo Bụt, being là một ý niệm đối lại với ý niệm non-being. Nhà thần học này có khuynh hướng muốn liệt Thượng đế vào phía being. Mình có thể đặt câu hỏi: “Nếu Thượng đế là nền tảng của being thì ai là nền tảng của non-being?” Người hành giả tu thiền lắp mũi tên vào cây cung, nhắm cái being mà bắn một phát. Nếu bắn rớt cái being xuống, thì cái non-being cũng rớt theo, tại vì đây là một cặp đối nghịch. Trong chân lý tuyệt đối, không có ý niệm being hay non-being, cho Thượng đế là being là sai, mà cho Thượng đế là non-being cũng sai. Thượng đế là cái tuyệt đối (ultimate) vượt thoát cả being và non-being, tại vì being và non-being vẫn còn nằm trong vòng lưỡng nguyên. Đặt Thượng đế vào being là đặt không đúng chỗ. Nói không có Thượng đế là sai, mà nói có Thượng đế cũng sai. Thượng đế vượt ra ngoài ý niệm có và không.

Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa và sau đó là sự vắng mặt của những cặp ý niệm đối lập nhau. Mục đích của người hành giả không phải là đi tìm cái non-being, mà là tìm sự vượt thoát cả being và non-being. Mục đích của người tu là đạt tới vô sinh (birthlessness). No-birth không có nghĩa là death, không lý mình tu để tìm cái chết? Khi mình lắp mũi tên vào cây cung và bắn rơi cái sinh, thì cái tử cũng rơi theo, đó gọi là bất tử (deathlessness). Một mũi tên bắn rơi hai lá cờ ảo tưởng.

Năm 1962, tôi xin xuất bản một tập thơ tại Sàigòn có  tên “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, đó là những bài thơ nói về sự thao thức muốn chấm dứt chiến tranh, đạt tới hòa bình, những bài thơ người ta gọi là phản chiến, nhưng không phải là phản chiến. Khi đem lên kiểm duyệt, người ta bỏ hết, chỉ để còn lại vài ba bài. Có một bài thơ bị kiểm duyệt, đó là bài “Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng”, tức bắn một mũi tên làm rơi hai lá cờ nhị nguyên hữu và vô, sinh và diệt. Nhưng những người làm chính trị không hiểu được. Họ cho là mình vừa chống quốc gia, vừa chống cộng sản, mình đi theo phong trào trung lập, mà phong trào trung lập lúc đó bị cấm ở Việt Nam, vì bị cho là thân cộng. Những người trong ban kiểm duyệt của Bộ thông tin không thể nào hiểu được ý của bài thơ này: với niệm lực và định lực, mình bắn rơi hai ý niệm về hữu và vô. Họ nghĩ tôi đang cổ vũ cho đường lối trung lập.

Khi mũi tên bắn rơi cái hữu, thì cái vô cũng rơi theo, lúc đó chúng ta có vô phân biệt trí (nirvikalpa-jñāna). Cái sinh-diệt rơi xuống rồi, thì không gian mở rộng với bao nhiêu là tự do, bao nhiêu là hạnh phúc.

Cấu ngu vô sở y: Vô sở y là không cần nói. Đối với người ngu, thì không làm sao nói được, mình không có nhu yếu cãi lộn nữa tại vì người ngu không thể hiểu được.

Khi biết được Thượng đế là gì rồi, thì anh không còn là nhà thần học nữa. Những người khác cãi nhau, mình chỉ ngồi cười, tại vì cãi nhau rằng có Thượng đế hay không có Thượng đế, có Niết bàn hay không có Niết bàn, chỉ tốn công vô ích.

Bài kệ 23

Thị vi đệ nhất khoái                       是  為  第  一  快

Thử đạo tịch vô thượng                 此  道 寂  無  上

Thọ nhục tâm như địa                   受  辱  心  如  地

Hành nhẫn  như  môn quắc          行  忍  如  門  閾

Đó là cái lạc thú đệ nhất

Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn

Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất

Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách.

Thị vi đệ nhất khoái: Đó là cái khoái lạc lớn nhất.

Thử đạo tịch vô thượng: Vô thượng là không có gì cao hơn. Không có con đường nào cao hơn con đường đưa tới sự vắng lặng đó. Vắng lặng không có nghĩa là không có âm thanh, mà vắng lặng có nghĩa là những ý niệm về có-không, sinh-diệt đã rơi rụng. Thi sĩ Bùi Giáng có làm câu thơ:

Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần

Nhờ sự quán chiếu, những ý niệm như có hay không, sinh hay diệt rơi rụng và thực tại hiển bày ra, thực tại (ultimate reality) không thể nào được diễn tả bằng có-không, sinh-diệt. Trong Như Thị Ngữ (Itivuttaka) nói: Có một cái không sanh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không. Nếu không có cái không sanh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không đó, thì làm sao có chỗ để cái có sanh, có diệt, có tới, có đi, có này, có kia, có có, có không kia trở về.

Ta bước qua, là bước qua ngưỡng cửa của sự nhận thức lưỡng nguyên.

Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn, chữ tịch diệt ở đây không phải là không còn gì nữa, mà có nghĩa là sự vắng mặt của những ý tưởng xôn xao như có và không, tôi và anh, trong và ngoài, chủ thể và đối tượng. Những ý tưởng xôn xao không còn, thì gọi là vắng lặng, là im lặng hùng tráng.

Thọ nhục tâm như địa: Khi nếm được hạnh phúc lớn đó, khi đi vào được trong không gian mênh mông của sự vắng mặt tất cả ý niệm đó, thì tâm mình giống như đại địa có thể chịu đựng được tất cả. Nhẫn là có sức chịu đựng rất lớn.

Trong kinh viết, khi dạy thầy La Hầu La, Bụt nói: Con phải luyện cho tâm con giống như đất. Người ta có đổ xuống đất dầu thơm, những thức ăn rất ngon, hoặc phân hay nước tiểu, thì đất cũng chấp nhận tất cả. Đất có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa rất hay, đất không kỳ thị; cái thơm ngon đất chấp nhận, mà cái dơ dở nó cũng chấp nhận, đất không đau khổ.

Nếu nếm được cái lạc thú của Niết bàn, tâm mình rộng mở rồi, thì những gì trước kia mình không chấp nhận được, bây giờ mình có thể chấp nhận một cách dễ dàng. Tâm mình trở thành như đất (tâm như địa).

Hành nhẫn như môn quắc: Sự thực tập nhẫn nhục (kșānti-paramita) trở nên vững chãi như một trường thành.

Bài kệ 24

Tịnh như thủy vô cấu                 淨  如  水  無  垢

Sanh tận vô bỉ thọ                          生  盡  無  彼  受

Lợi thắng bất túc thị                       利  勝  不  足  恃

Tuy thắng do phục khổ                  雖  勝  猶  復  苦

Thanh tịnh như nước trong không còn chút cấu uế

Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa

Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo

Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó.

Tịnh như thủy vô cấu: Thanh tịnh như nước không còn chút cấu uế. Bài kệ 23 dùng hình ảnh của đất và bài kệ 24 dùng hình ảnh của nước. Đức Thế Tôn dạy La Hầu La: Phải tập cái tâm của con như nước. Người ta đổ xuống nước dầu thơm hay sữa, nước cũng không mừng, mà đổ xuống phân, bùn, nước tiểu thì nước cũng không giận, tại vì nước có khả năng tiếp thu và chuyển hóa rất lớn. Nước có thể thanh tịnh hóa được tất cả.

Sanh tận vô bỉ thọ: Chữ sanh được dịch từ chữ upādi, tức những chất liệu có công năng nuôi dưỡng sự luân hồi. Chữ sanh được viết tắc từ chữ sinh y, tức những dây mơ rễ má làm cho mình vướng vào cõi hệ lụy. Y là nền tảng của sự sống, ở đây là sự sống của luân hồi. Sinh là vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy. Tại sao mình phải vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy? Tại vì có những chất liệu của phiền não, có những nghiệp nhân do mình tạo ra. Mình tạo ra gốc rễ của sự đam mê, của hận thù, nên mình phải trở lại hoài trong thế giới của hệ lụy.

Khi tu mình cắt đứt tất cả dây mơ rễ má, mình không đi vào cõi hệ lụy nữa (sanh tận).

Bỉ là cuộc đời hệ lụy, khi nguồn gốc của hệ lụy không còn, mình sẽ không tiếp nhận cái hệ lụy đó nữa (bỉ), mình có giải thoát, tự do như một vị Bồ tát rong chơi không bị ràng buộc. Phàm thánh đồng cư, có nghĩa là trong một cõi có cả phàm lẫn thánh. Cõi của chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư, tức cõi mà phàm và thánh cùng sống chung với nhau. Trong khi người phàm bị ràng buộc, lên xuống, khổ đau, thì các bậc thánh lại tự do nhởn nhơ trong cõi đó.

Lợi thắng bất túc thị: Người đời cho hạnh phúc là được nhiều lợi, lợi là tiền bạc chứ không phải lợi ích của sự tu học. Thắng là leo lên chỗ cao, đạp người khác xuống dưới. Cuộc sống của mình không còn đi theo tiêu chuẩn của thắng bại hay lợi hại.

Tuy thắng do phục khổ: Hai tiêu chuẩn đó không đủ để kéo mình, tại vì tuy gọi là thắng lợi, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi của cái khổ. Bại thì khổ, mà thắng cũng khổ; lỗ lã thì khổ đã đành, mà lợi cũng khổ; tất cả đều nằm trong vòng tương đối. Lợi tức và ưu thắng không đủ để cột chân mình lại trong vòng hệ lụy, tại vì tuy có thắng lợi nhưng cái khổ đó vẫn còn.

Bài kệ 25

Đương tự cầu khứ thắng               當  自  求  去  勝

Dĩ thắng vô sở sanh                       已  勝  無  所  生

Tất cố bất tạo tân                         畢  故  不  造  新

Yếm thai vô dâm hành                  厭  胎  無  婬  行

 

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Đương tự cầu khứ thắng: Chữ khứ 去 trong bài kệ là chép sai, đúng ra là chữ pháp 法. Cái thắng mà mình đi tìm cầu là cái thắng về chánh pháp. Mình phải tự mình đi tìm cầu thắng lợi về chánh pháp, mà không phải thắng lợi về tiền tài và địa vị.

Dĩ thắng vô sở sanh: Khi đạt tới thắng pháp, tức tu tập thành công, thắng được phiền não, đam mê và hận thù, thì mình không còn sanh ra trở lại cõi hệ lụy nữa (vô sở sanh).

Tất cố bất tạo tân: Đã hoàn toàn không còn sở sinh (tất cố), thì không tạo ra thêm chất liệu mới cho sự luân hồi (bất tạo tân), mình không làm thêm những dây mơ rễ má của hệ luy nữa.

Yếm thai vô dâm hành: Yếm là chán, yếm thai là không thích đi vòng vòng trong cõi hệ lụy nữa. Vô dâm hành là không đi về phía phóng đãng.

Đây nói về đời sống phạm hạnh của những người tu. Phạm hạnh là đời sống trong sáng của người tu. Tu là phải chế tác chất liệu thánh. Chất liệu thánh không phải do người khác ban cho mình, không phải tại Giáo hoàng cho mình là thánh mà mình trở thành thánh. Mình là thánh khi mình chế tác được chất thánh. Thánh là holiness, là chất thánh thiện trong người mình. Thánh là chất liệu được chế tác bởi giới, niệm, định và tuệ. Nơi nào có giới, niệm, định và tuệ thì nơi đó có sự thánh thiện. Có niệm, định, tuệ thì không đi vào chốn khổ đau, hệ lụy. Có niệm là có giới, có giới thì mình không giết hại, không nói dối, không tà dâm, không làm những chuyện gây ra khổ đau. Mình sống theo giới luật, theo Pratimoksha, tức giới bản của người xuất gia. Mình theo con đường phạm hạnh (holy life), đó là cuộc sống thánh thiện. Cuộc sống thánh thiện đó có được là nhờ mình biết giữ giới, mình không đi về phía phóng đãng, dâm hành.

Người tu là người sống cuộc đời phạm hạnh, thánh thiện, sự thánh thiện do công phu giữ giới mà có chứ không phải do người khác ban cho mình.

Giảng kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại (phần 3)

Bài kệ 8

Tâm nan kiến tập khả đổ               心  難 見 習 可 覩

Giác dục giả nãi cụ kiến                 覺  欲 者 乃 具 見

Vô sở lạc vi khổ tế                          無  所 樂 為 苦 際

Tại ái dục vi tăng thống                 在  愛 欲 為 增 痛

Tâm khó thấy, nhưng thói quen có thể nhận ra,

Kẻ nhận diện được dục ý thấy được đầy đủ rằng

Không tìm thú vui trong dục lạc thì tránh được mọi thứ khổ

Và ái dục luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau.

Tâm nan kiến dục khả đổ: Tâm nan kiến là mình khó thấy được tâm mình. Tâm không có hình tướng nên khó nhận diện, khó nắm bắt được tâm. Tập là thói quen, là tập khí. Tập khả đổ có nghĩa là: thói quen thì có thể nhận diện được.

Mỗi chúng ta đều có thói quen, chính thói quen đó xúi đẩy chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Nhiều khi chúng ta không muốn nói điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta nói. Chúng ta không muốn làm điều đó, nhưng nó đẩy chúng ta làm. Chúng ta không muốn nghĩ về chuyện đó, nhưng nó đẩy chúng ta nghĩ. Nó là thói quen. Thói quen có thể từ tổ tiên, cha mẹ truyền lại, hay là thói quen huân tập từ hồi mình còn thơ ấu. Ngựa theo lối cũ. Tập là vāsanā, tiếng Anh là habit energy.

Tâm của mình, mình không thấy được; nhưng tập khí của mình thì mình có thể nhận diện được. Mình nhận diện bằng chánh niệm của mình. Chánh niệm là khả năng biết những gì đang xảy ra, cái đang xảy ra là mình đang bị thói quen áp đảo, thúc đẩy. Có hai loại thói quen:

    1. thói quen về nghiệp, nghiệp tập khí (karma-vāsanā). Nghiệp là hành động (action), nghiệp có ba hình thức: tư duy, nói năng và hành động. Mình có thói quen nghĩ như vậy, mình có thói quen nói như vậy và mình có thói quen làm như vậy. Có thể là thói quen tốt hay có thể là thói quen xấu. Khi làm theo thói quen tốt thì mình biết mình đang làm theo thói quen tốt. Ví dụ như khi nghe tiếng chuông mình ngưng suy nghĩ, nói năng và bắt đầu thở vô nhẹ nhàng. Mỗi khi nghe tiếng chuông, không cần ai nhắc hay bắt buộc, mình tự động làm như vậy. Đó là một thói quen tốt.

Mình tập đi thiền hành đã quen, nên khi đi mình đi thảnh thơi, mỗi bước chân mình thưởng thức sự thanh thản. Đi như vậy thành một thói quen. Mỗi buổi sáng, buổi chiều mình ngồi thiền, mình thấy khỏe khoắn. Ngày nào không ngồi thiền, mình thấy thiếu cái gì đó. Ngồi thiền đã trở thành một thói quen, một thói quen tốt.

Nhưng cũng có những thói quen xấu. Khi nó ló đầu ra thì mình nhận diện được. Thói quen suy nghĩ như vậy, thói quen nói năng như vậy và thói quen hành xử như vậy.

Một anh chàng người Mỹ tới xóm Thượng tu một tháng. Anh tu rất giỏi, làm việc gì cũng thong thả, từ tốn, không gấp gáp. Các thầy, các sư chú dạy anh làm việc gì cũng nên làm thong thả, từ tốn. Xung quanh anh, người nào cũng làm như vậy nên anh được ôm ấp, bao vây bởi năng lượng từ tốn, thong thả. Trong ba tuần đầu tiên anh làm rất giỏi. Đến tuần thứ tư có lễ Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn), anh được gửi đi chợ mua sắm để về nấu cỗ. Đây là lần đầu tiên anh đi một mình không có tăng thân. Trong khi đi chợ, tự nhiên thói quen hấp tấp trở lại. Anh ta hối hả muốn làm cho xong để về. Nhưng vì anh đã được thực tập ba tuần rồi nên anh có khả năng nhận diện được. Anh thấy mình đang hấp tấp, vụt chạc, muốn làm cho xong để về. Anh nhận diện được tập khí đó. Thói quen đó chắc chắn là do má của anh truyền lại. Má của anh luôn luôn hấp tấp và anh đã tiếp thu cái tập khí xấu đó từ má. Thấy được, anh nhận diện nó và mỉm cười: “Halo mother! I know you are there.“ Khi nhận diện được thì anh trở về với chánh niệm, anh từ tốn, thong thả đi chợ. Nương theo hơi thở, thì tập khí không lôi cuốn anh ta được.

Nhận diện là một phương pháp rất hay. Mình không đàn áp, không trách cứ; mình chỉ nhận diện thôi. Khi nhận diện thì tập khí không làm gì mình được, mình vẫn giữ được tự do của mình. Mỗi người chúng ta đều có nhiều tập khí, nhiều thói quen như vậy. Theo thói quen thì chúng ta làm đổ vỡ rất nhiều. Mình không muốn làm như vậy, mình không muốn nói như vậy, nhưng tập khí đẩy mình phải làm, phải nói như vậy. Người tu phải biết nhận diện tập khí.

Không thể thấy được tâm, nhưng có thể nhận diện được tập khí. Trước hết là tập khí về suy tư. Có thể mình quen suy tư một cách tiêu cực, một cách nghi ngờ. Mình phải nhận diện tập khí của mình để đừng bị nó kéo theo. Đó là karma-vāsanā.

    1. Thói quen thứ hai là nhị thủ tập khí. Nhị thủ tập khí là thói quen cho rằng có một chủ thể độc lập ra ngoài đối tượng và có một đối tượng độc lập với chủ thể. Đó là karma, là bị kẹt vào, là thủ. Nhị thủ là bị kẹt một lần vào hai cái chủ thể và đối tượng.

Nhà khoa học bây giờ đang bị vướng vào nhị thủ, cho rằng tâm thức mình và thế giới của thực tại mình đang nghiên cứu là hai cái riêng biệt nhau. Tiếng Anh gọi là double grasping. Đó là một thói quen rất lớn. Mình cứ nghĩ rằng tâm thức của mình là một thực tại tồn tại độc lập ngoài đối tượng của tâm. Đó là một tập khí rất sâu dày của con người. Mình không đạt tới giác ngộ được là do tập khí nhị thủ.

Mình có thể nhận diện được hai loại tập khí đó và từ từ chuyển hóa.

Giác dục giả nãi cụ kiến: Giả là người (the one). Người có thể nhận diện dục ý của mình là người có khả năng thấy được rõ ràng. (The one who has the capacity to recognize his mind of desire will be able to see everything clearly.)

Mình có những mong cầu, những cái để theo đuổi, có những cái muốn nắm bắt. Đó là dục ý. Mình nghĩ mình không có hạnh phúc, mình đang không có hạnh phúc. Mình đang chạy theo, đang trông cầu, đang theo đuổi, đang ham muốn một cái gì đó. Đó cũng là một tập khí làm cho mình không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Trong giây phút hiện tại, có thể mình có đầy đủ điều kiện để có hạnh phúc liền, nhưng mình không có khả năng có hạnh phúc. (You do not have the capacity to be happy.) Tại vì mình có một dục ý, mình đang theo đuổi, đang muốn nắm bắt một cái gì đó. Mình tin rằng, nếu không nắm bắt được cái đó thì mình không có hạnh phúc. Vì vậy, người có khả năng nhận diện được dục ý mới có thể thấy được rõ ràng.

Vô sở lạc vi khổ tế: Chữ lạc có thể đọc là nhạo. Nhạo là muốn, vô sở nhạo là không muốn đeo đuổi gì nữa. Mình như thế là mầu nhiệm lắm rồi, mình không cần phải trở thành một người khác mới có hạnh phúc. (Be yourself, you don’t need to become someone else.) Tại sao mình không còn mong muốn gì nữa? Tại vì hiện bây giờ những điều kiện hạnh phúc của mình đã quá nhiều. Có được hai lá phổi để thở không khí trong lành cũng đã hạnh phúc rồi. Trái tim của mình không bị nghẽn, hai mắt của mình còn sáng, mở ra có thể thấy được mùa xuân, mùa hè. Mình có rất nhiều điều kiện hạnh phúc; mình không cần đeo đuổi, chạy theo, nắm bắt gì nữa. Đó là vô sở nhạo, là aimlessness.

Nếu không đeo đuổi thì thoát ra được biên giới của khổ đau.

Tại ái dục vi tăng thống: Thấy rõ rằng, ái và dục, sự đam mê, đeo đuổi, luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau của mình.

Không đam mê, không theo đuổi là nền tảng của hạnh phúc.

 

Bài kệ 9

Minh bất thanh tịnh năng ngự      明 不 清 淨 能 御

Vô sở cận vi khổ tế                         無 所 近 為 苦 際

Kiến hữu kiến văn hữu văn          見 有 見 聞 有 聞

Niệm hữu niệm thức hữu thức     念 有 念 識 有 識

Trong một bản in khác:

Minh bất nhiễm tịnh năng ngự     明 不 染 淨 能 御

Vô sở cận vi khổ tế                         無 所 近 為 苦 際

Kiến hữu kiến văn hữu văn          見 有 見 聞 有 聞

Niệm hữu niệm thức hữu thức     念 有 念 識 有 識

Sáng suốt, không để cho tâm ý bị nhiễm ô

Một khi đã được thanh tịnh hóa thì chế ngự được mọi dục ý.

Lúc ấy không còn phải tiếp cận với thế giới đau khổ nữa

Tuy rằng thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe,

Nhớ thì vẫn nhớ, và biết thì vẫn biết.

Minh bất thanh tịnh năng ngự: Chữ thanh 清 ở đây có thể bị chép lầm. Trong bản in khác là chữ nhiễm 染 .

Minh bt nhim tnh năng ngự: Minh bất nhiễm là sáng suốt, không để tâm ý bị nhiễm ô. Tịnh năng ngự là: một khi đã đạt được sự thanh tịnh thì chế ngự được mọi dục ý.

Vô sở cận vi khổ tế: Lúc ấy không cần phải tiếp cận với thế giới khổ đau nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là mình tách rời sự sống. Tại vì trong khi có mặt,

Kiến hữu kiến văn hữu văn

Niệm hữu niệm thức hữu thức

Mình vẫn thấy những gì mình thấy, mình vẫn nghe những gì mình nghe, mình vẫn nhớ những gì mình nhớ, mình vẫn phân biệt những gì mình phân biệt. Nhưng mình không bị kẹt, không bị cuốn hút vào đó, mình vẫn giữ được tự do của mình. Mình vẫn là con người, vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết, vẫn nhớ. Nhưng tất cả đối tượng đó không nắm bắt được mình, không làm cho mình mất tự do.

 

Bài kệ 10

Đố vô trước diệc vô thức                   覩 無 著 亦 無 識

Nhất thiết xả vi đắc tế                          一 切 捨 為 得 際

Trừ thân  tưởng diệt thống hành  除 身 想 滅 痛 行

Thức dĩ tận vi khổ cánh                      識 已 盡 為 苦 竟

Đạt được cái vô trước và vô phân biệt,

Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy

Vượt thắng được ý niệm về ngã,

Điều phục được các tâm hành có tác dụng gây đau nhức

Và dứt bỏ được hoàn toàn cái tập khí nhận thức phân biệt kỳ thị, thì khổ đau không còn.

Đây là những chỉ dẫn rất cặn kẽ, rất chi tiết để chúng ta làm theo.

Đố vô trước diệc vô thức: Đố vô trước là thấy được, đạt được vô trước. Vô trước là không bị kẹt, không bị dính mắc vào. Thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe, nhớ thì vẫn nhớ, phân biệt thì vẫn phân biệt nhưng không bị dính vào. Diệc vô thức là không phân biệt, không kỳ thị.

Nhất thiết xả vi đắc tế: Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy. Xả là bỏ. Nhất thiết là tất cả. Nhất thiết xả là buông bỏ được tất cả. Tế là cõi, là không gian. Vi đắc tế là đạt được không gian đó.

Trừ thân tưởng diệt thống hành: Tưởng là một khái niệm, một nhận thức (perception). Thân ở đây có nghĩa là cái ngã.

Trừ thân tưởng là buông bỏ được ý niệm về ngã. Mỗi người chúng ta đều có thói quen coi cái thân, cái tâm của mình là cái ta, một cái ta thường còn, bất biến và đến khi xác thân này tiêu hoại thì nó vẫn còn hoặc nó hoàn toàn tiêu diệt. Đó là thân tưởng. Thân tưởng là ngã chấp (the perception of the self). Trừ thân tưởng là buông bỏ được ý tưởng “có một tự ngã riêng biệt”.

Diệt thống hành là làm chấm dứt tâm hành gây ra đau nhức như cái sợ, cái đam mê, cái ganh tị, cái giận hờn.

Thức dĩ tận vi khổ cánh: Thức dĩ tận là dứt bỏ hoàn toàn tập khí nhận thức phân biệt. Vi khổ cánh là khổ đau không còn nữa.

 

Bài kệ 11

Ỷ tắc động hư tắc tịnh                   猗 則 動 虛 則 淨

Động phi cận phi hữu lạc              動 非 近 非 有 樂

Lạc vô cận vi đắc tịch                 樂 無 近 為 得 寂

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai                 寂 已  寂 已 往 來

Trong một bản in khác:

Ỷ tắc động hư tắc tĩnh                   猗 則 動 虛 則 静

Động phi cận phi hữu lạc              動 非 近 非 有 樂

Lạc vô cận vi đắc tịch                 樂 無 近 為 得 寂

Tịch dĩ tịch vô vãng lai                寂 已 寂 無 往 來

Ở trong hoàn cảnh động mà giữ được tâm thanh hư thì vẫn là tĩnh.

Trong cái động, không tiếp cận được Niết bàn, cũng không có an lạc.

Ý niệm về cái vui và cái khổ đã vượt qua rồi thì mới thực sự có cái tịch tĩnh

Vượt qua được cái ý niệm tịch tĩnh thì sẽ không còn cái qua lại nữa.

Ỷ tắc động hư tắc tịnh: Chữ ở đây có nghĩa là tâm rỗng rang, tự do, lẵng lặng. Khi giữ được tâm lẵng lặng, rỗng rang thì dù ở trong hoàn cảnh có động thì tâm vẫn tĩnh. Chữ tịnh 淨 là in sai, phải là chữ tĩnh 静 mới đúng. Hư tắc tĩnh có nghĩa là, nếu tâm mình rỗng rang, không vướng mắc thì dù ở trong hoàn cảnh động tâm vẫn yên lặng thanh tịnh.

Động phi cận phi hữu lạc: Trong cái động không tiếp cận được cảnh giới thanh tịnh của Niết bàn và không có an lạc.

Lạc vô cận vi đắc tịch: Vượt thoát ngay chính ý niệm về hạnh phúc và về khổ đau thì mới thật sự đi vào tịch tĩnh, tức đi vào Niết bàn.

Có cái khổ tương đối và cái vui tương đối, vượt thoát cái khổ tương đối và cái vui tương đối mới tới được cái vui tuyệt đối tức Niết bàn.

Tịch dĩ tịch dĩ vãng lai: Chữ 已 thứ hai là viết sai, trong một bản khác là chữ 無, vô vãng lai. Khi cái ý niệm về vắng lặng cũng đã vượt qua rồi, thì không còn có qua có tới.

Trước hết mình nghĩ Niết bàn là một không gian mà mình muốn đi tới. Mình muốn đi vào Niết bàn, nên mình có ý niệm về vãng lai. Vãng lai là đi vào, đi ra, đi tới, đi lui. Mình có những ý niệm như khổ hay vui, động hay tĩnh, tịch diệt hay không tịch diệt. Tất cả chỉ là những ý niệm. Khi mình đã vượt thoát những ý niệm đó rồi, ngay cả ý niệm Niết bàn là cái mà mình muốn đi vào, thì lúc đó mình không còn nhu yếu vãng lai, không còn chuyện từ ở ngoài đi vào Niết bàn, hay từ Niết bàn đi ra ngoài. Mình đã ở sẵn trong Niết bàn rồi.

Cũng như một đợt sóng đi tìm nước. Nó nghĩ: “Nếu mình là nước thì mình sẽ rất khỏe. Chỉ là sóng, mình rất khổ, mình phải lên, phải xuống, phải có, phải không, phải cao, phải thấp. “Đừng làm sóng nữa, phải làm nước đi thôi!” Và nó tìm cách đi vào nước. Nhưng thật ra, nó không cần phải đi vào nữa, tại vì sóng đã là nước rồi.

Bài kệ 12

Vãng lai tuyệt vô sanh tử              往 來 絕 無 生 死

Sanh tử đoạn vô thử bỉ                  生 死 斷 無 此 彼

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt           此 彼 斷 為 兩 滅

Diệt vô dư vi khổ trừ                     滅 無 餘 為 苦 除

Cái qua lại đã hết, thì cái sinh tử cũng hết

Sinh tử hết thì làm gì còn phân biệt cái này cái kia?

Cái này và cái kia, cả hai ý niệm đều được chấm dứt

Cái tịch diệt tuyệt đối là cái vắng mặt của cảnh giới đau khổ.

Vãng lai tuyệt vô sinh tử: Vãng lai tuyệt là không có cái qua lại. No coming, no going. Cái qua lại chấm dứt thì làm gì có cái sinh tử nữa. Sinh tử là sự qua lại, sinh ra, chết đi, rồi sinh ra lại… Cái qua lại đã không còn, thì làm gì có sinh tử nữa?

Sinh tử đoạn vô thử bỉ: Khi sinh tử đã chấm dứt, thì làm gì còn có cái này, cái kia? Cái này, cái kia là sự phân biệt. Cái này là tôi, cái kia là anh. Cái này là chủ thể, cái kia là đối tượng. Cái này là thân, cái kia là tâm. Tất cả sự phân biệt không còn nữa.

Thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt: Cái này, cái kia chấm dứt, thì hai ý niệm cũng chấm dứt. Lưỡng có nghĩa là lưỡng nguyên (dualistic thinking, dualistic view). Đó là nhị thủ (double grasping). Chủ thể, đối tượng (thử, bỉ) đều bị diệt một lần.

Sinh tử hết thì cái này cái kia hết, cái này cái kia hết, thì nhận thức lưỡng nguyên bị tiêu diệt.

Diệt vô dư vi khổ trừ: Diệt hết, lấy đi hết, đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt vô dư là cái tịch diệt tuyệt đối. Đó là cứu cánh Niết bàn. Chữ diệt có nghĩa là diệt ý niệm của mình: ý niệm khổ-lạc, ý niệm động-tĩnh, ý niệm tới-đi,…

 

Bài kệ 13

Tỳ-kheo hữu thế  sanh                   比  丘  有  世  生

Hữu hữu hữu tác hành                 有  有  有  作  行

Hữu vô sanh vô hữu                     有  無  生  無  有

Vô tác vô sở hành                          無  作  無  所  行

Này các vị khất sĩ, trên đời có cái sinh, có cái hữu, có cái tạo tác và có cái hình thành. Nhưng cũng có một cái không sinh, không hữu, không tạo tác và không hình thành để làm lối thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tạo tác và có hình thành ấy.

Bài kệ 13 là bài kệ khó nhất, mà cũng là bài hay nhất trong kinh.

Tỳ kheo hữu thế sinh: Tỳ kheo là này các vị khất sĩ. Thế là trong cuộc đời này (sur la terre, ici bas, underworld). Hữu thế sinh là trên đời có cái sinh ra.

Hữu hữu hữu tác hành: Hữu hữu là có cái đang có. Hữu tác hành là có cái tạo tác và có cái hình thành.

Sinh là born, hữu là being (existence), tác là made, hành là formed hay compounded, created. Trên đời có những cái có sinh, cái có có, cái có tạo tác và cái có hình thành. Trên bình diện hiện tượng, mình thấy có cái sinh để rồi diệt, có cái có để rồi không, có cái sáng tạo ra để tiêu diệt, có cái hình thành để tan rã. Trên phương diện tích môn, mình thấy có sinh, có diệt, có có, có không, có tạo ra, có hư hoại, có hình thành và có tan rã.

Chữ hành, tiếng Phạn là samskāra, tiếng Anh là formation. Tất cả hiện tượng đều là những hành và tất cả các hành đều vô thường. (All formations are impermanent.) Nó do nhiều cái tụ hợp làm thành (compounded). Vì là một hành (formation) nên nó được hình thành (formed). Mình thấy giống như là nó được tạo tác (made). Cái bàn, trái đất,… đều là tạo tác.

Being là có (exist). Being là brought into being, brought into existence. Nhưng trong đạo Bụt hay dùng chữ becoming, chữ becoming hay hơn chữ being, tiếng Phạn là bhava. Trong chữ becoming có sự chuyển biến; chúng ta không có mặt, chúng ta đang trở thành tại vì ta của phút sau không còn là ta của phút trước. Chữ bhava, mình dịch là being hay existence cũng được, nhưng dịch là becoming thì hay hơn, tại vì trong becoming luôn luôn có chuyển biến, nó không là một cái chắc thật đồng nhất trong thời gian.

Đứng về phương diện tích môn, mình thấy có những cái được sinh ra, có những cái được có mặt, có những cái được tạo tác ra và có những cái được hình thành ra.

Hữu vô sanh vô hữu

Vô tác vô sở hành

Nhưng nhìn kỹ dưới chiều sâu của “những cái có sinh, có tác, có hành” có “cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành”. Đó là Niết bàn.

Vô sinh là unborn. Vô hữu không phải là non-being. Vô hữu là không being cũng không non-being. Vô hữu là vượt thoát cả being và non-being. Ví dụ một đám mây, thấy đám mây mình cho nó là being, existing. Nhưng lúc chưa thấy đám mây, mà mình cho nó là non-existing là không đúng, tại vì trước khi là đám mây nó là hơi nước và mình không thấy được hơi nước. Trong phòng này có biết bao nhiêu hơi nước. Mình thở ra rất nhiều hơi nước, nhưng mình không thấy và mình nói nó không có mặt. Nói không có đám mây cũng sai mà nói có đám mây cũng sai. Cái không và cái có đều là cái thấy của mình. Sự thật vượt ra ngoài cái không và cái có. Cái mình cho là không, thật ra là có và cái mình cho là có, chưa chắc đã thật có, nó có thể là không.

Trong bình diện bản môn, có cái không có sinh, nghĩa là không có diệt; có cái không có có, mà cũng không có không; có cái không chế tác, mà cũng không có không chế tác; có cái không hình thành, mà cũng không phải là không hình thành.

Câu này là câu then chốt mà chúng ta có thể tìm thấy trong kinh “Như thị ngữ” (Itivuttaka) và trong kinh “Vô vấn tự thuyết” (Udāna). Chính nhờ tìm được mà chúng ta dịch được bài kệ này. Pali Text Society dịch ra tiếng Anh:

Bhikkhus, there is a not-born, a not-become, a not-made, a not-compounded. Bhikkhus, if that not-born, not-become, not-made, not-compounded were not, there could be apparent no escape from this here, that is born, become, made, compounded.

Này các vị khất sĩ, có một cái không có sinh, không có hữu, không có tác, không có hành. Này các vị khất sĩ, nếu cái không sinh, không hữu, không tác, không hành không có mặt thì không có nẻo thoát cho những cái trên cuộc đời có sinh, có hữu, có tác và có hành.

Chúng ta có thể dịch như thế này:

Này các vị khất sĩ, trên bình diện hiện tượng, chúng ta thấy có cái có sinh, có diệt, có tạo tác, có hình thành. Nhưng ở chiều sâu bản thể, ta thấy có cái không sinh, không diệt, không có, không không, không tạo tác cũng không hình thành. Cái ấy là Niết bàn. Nếu không có cái ấy, thì không có lối thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác và có hành.

Cũng như những đợt sóng kia đang khổ đau, đang vùng vẫy tuyệt vọng trong thế có cao có thấp, có sinh có diệt của nó. Nhưng nếu đợt sóng biết nó là nước, thì nó thấy có một nẻo thoát. Thấy được nẻo thoát, biết mình là nước rồi, thì đợt sóng vượt thoát được cái sinh, cái diệt, cái lên, cái xuống, cái cao, cái thấp. Lúc đó nó mới thật sự vui. Chưa thấy được mình là nước, thì đi lên đợt sóng mới vui, còn đi xuống thì nó lo sợ. Niết bàn là cái không cần phải đi tìm cầu đâu xa, nó nằm ngay trong tự thân của mình.

Tỳ-kheo hữu thế sanh

Hữu hữu hữu tác hành

Hữu vô sanh vô hữu

Vô tác vô sở hành

Có ba chữ hữu đi với nhau. Tại vì trong một câu kệ chỉ có năm chữ, nếu không chúng ta có câu: Hữu hữu hữu tác hữu hành.

Chữ thế có thể nằm trước chữ hữu.

Này các vị Tỳ Kheo, trên đời này có cái sinh, có cái hữu, có cái tác, có cái hành. Nhưng cũng có cái không sinh, có cái không hữu, có cái không tác, có cái không hành để làm nẻo thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác, có hành ấy.

Bài kệ 14

Phu duy vô niệm giả                      夫  唯  無  念  者

Vi năng đắc tự trí                           為  能  得  自  致

Vô sanh vô phục hữu                    無  生  無  復  有

Vô tác vô  hành xứ                         無  作  無  行  處

 

Chỉ khi đạt được vô niệm

Mới có thể tới được Niết bàn

Nếu đã là vô sinh thì không còn hữu nữa

Lúc ấy không còn tác, cũng không còn hành

Phu duy vô niệm giả: Chỉ có những người đạt được vô niệm. Vô niệm là không còn ý niệm (conceptualization), như ý niệm về sinh, diệt, có, không, cái này, cái kia. Vô niệm là một giáo lý rất cao siêu, muốn đạt tới chỗ thấy và hiểu được thực tế, thì phải buông bỏ tất cả mọi ý niệm như sinh-diệt, có-không, còn-mất. Duy là chỉ có, giả là người.

Vi năng đắc tự trí: Mới có thể có khả năng đạt tới chỗ đó. Tự là tự mình.

Chỉ có những người đạt được vô niệm mới có khả năng tự mình đạt tới chỗ đó. Chỗ đó là Niết bàn, là Thượng đế.

Vô sanh vô phục hữu: Nếu không còn sanh thì không còn hữu. Sanh là birth, being. Chúng ta có thể hiểu chữ sanh là được sanh ra, tiếng Phạn là jāti. Vô sanh là unborn, non-being. Chữ sanh đại diện cho nhiều khái niệm khác, tại vì sanh đi đôi với diệt, vô sanh sanh đi đôi với vô diệt. Hữu là existence, tiếng Phạn là bhava. Vô hữu là abhava. Không sanh, không diệt, không có, không không, không tới (vô lai), không đi (vô khứ), không một (vô nhất), không khác (vô dị), đó là những ý niệm chúng ta phải vượt thắng, vượt thắng được thì gọi là vô niệm. Chữ vô sanh đại diện cho tất cả những cái vô. Nó là Niết bàn, tại vì Niết bàn là thể tánh không sinh, không diệt, không tới, không có, không không, không còn, không mất. Đạt tới vô sanh là đạt tới Niết bàn, không còn sinh diệt, khứ lai, nhất dị. Đó là ý nghĩa đầu của chữ vô sanh.

Nhưng trong bài kệ này, chữ vô sanh có nghĩa khác, có lẽ nó được dịch từ chữ upādi. Upādi là sinh nhưng cũng có khi có nghĩa là sinh y. Y là nền tảng, tiếng Phạn là āśraya, sanh là sanh ra trở lạ. Có những nền tảng, những dây mơ rễ má làm cho mình không thoát được và mình phải sanh ra trở lại, mình phải dính vào nó. Đó gọi là sinh y.

Mười hai nhân duyên bắt đầu từ vô minh, rồi vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Vì có hữu nên có sanh, vì có sanh ra nên có già và chết. Chữ vô sanh ở đây là unborn. Nhưng chữ upādi có nghĩa là sinh y, tức những chất liệu làm bản chất cho luân hồi.

Trong bài kệ thứ 24 có câu : Hết chất liệu hồi (sinh tận) thì không tiếp nhận cái kia nữa. Chữ sinh ở đây có nghĩa là sinh y, tiếng Phạn là upādi, tiếng Anh là substratum of existence. Mình tiếp tục luân hồi khổ đau tại vì mình có nền tảng của cái sinh. Theo trong những bản chú giải của các tổ thì sinh y gồm có uẩn, dục, phiền não và nghiệp. Còn sinh y, nên còn tiếp tục đi vòng trong cõi đau khổ. Những chất liệu làm nền tảng cho luân hồi không còn, thì sẽ không còn hữu. Nhưng không còn hữu, không có nghĩa là sẽ có abhava, tại vì hữu-vô là một cặp đối nghịch. Có người sợ chết tại vì họ sợ trở thành hư vô, nhưng có người sợ sống, sợ phải sống hết đời này sang đời khác.

Nhiều người trong chúng ta ước có thuốc trường sinh để được sống hoài không chết. Trong lịch sử văn học Tây phương và Đông phương, đều có nói tới những người đi tìm thuốc trường sinh. Trong Lão giáo có Thái thượng lão quân ngồi đốt lò chế thuốc trường sinh, bị Tôn hành giả đến ăn cắp vài viên uống. Nhưng có người trong chúng ta rất sợ sống hoài. Nếu bị một quan tòa lên án: Anh phải sống hoài, không bao giờ được chết! thì chúng ta có bằng lòng không? Có người thèm bhava, nhưng có người thèm abhava, như những người tự tử chẳng hạn. Nhưng bhava hay abhava đều là những ý niệm. Niết bàn vượt thoát being và non-being, nếu tiếp xúc được Niết bàn thì thoát khỏi hữu và vô. Sinh y không còn thì bhava không còn, mà bhava không còn thì cũng không còn abhava, tức là không còn hữu và không còn vô chứ không phải không còn hữu thì đi vào hư vô.

Bài hát của Phạm Duy có tên Ngàn Thu, nhưng ông còn đặt thêm một tên nữa là Vô Hư, được làm tại Midway city, California:

Em là cơn gió

Anh là mây dài

Đi về bên nớ

Đi về bên này

Rồi trở về cho hết cái đong đưa.

Nếu hết chất liệu của luân hồi, thì không cần đi luân hồi nữa.

Vô tác vô hành xứ: Không có chỗ để tác và hành. Tác là tạo tác (action), hành là đi.

Làng Mai có một bài kệ được sử dụng khi thực tập thiền thở, thiền đi (hành thiền), thiền ngồi (tọa thiền) rất hay. Bài kệ bắt đầu bằng nhận thức lưỡng nguyên :

Để Bụt thở, để Bụt đi

Mình khỏi thở, mình khỏi đi

Tại vì mình có tính làm biếng, thấy thực tập hơi khó nên mình để Bụt làm. Mình là học trò, là con của Bụt, đã từng nghe giáo lý và đã từng thực tập nên mình có Bụt trong mỗi tế bào của mình. Bụt ở trong mình chứ không phải ở ngoài mình. Mình làm biếng nên mình để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi. Bụt rất siêng năng nên khi được mời thì Bụt thở, Bụt đi ngay và nhờ đó mình có cơ hội được thở, được đi.

Đệ tử của tôi phải biết thực tập bài kệ này, tôi đã thực tập bao nhiêu năm mà vẫn thấy nó hay, nó đáp ứng được lại sự làm biếng của mình:

Để Bụt thở, để Bụt ngồi

Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi.

Để Bụt thở, để Bụt rong chơi

Mình khỏi thở, mình khỏi rong chơi.

Để Bụt thở, để Bụt nghỉ ngơi

Mình khỏi thở, mình khỏi nghỉ ngơi.

Có thì giờ nghỉ mà chúng ta không chịu nghỉ, nhiều khi đã lên giường rồi mà vẫn còn tranh đấu. Vì vậy, khi Bụt thở, Bụt nghỉ ngơi, thì mình được thở, được nghỉ ngơi.

Bụt đang thở, Bụt đang rong chơi

Mình được thở, mình đưọc rong chơi

Đó là bài kệ hay nhất, dễ nhất và hạnh phúc nhất để thực tập.

Bụt đang thở, Bụt đang ngồi

Mình được thở, mình được ngồi

Bụt đang thở, Bụt đang nghỉ ngơi

Mình được thở, mình được nghỉ ngơi

Bài kệ này tôi thực tập luôn luôn thành công, không lần nào mà không thành công.

Bụt là thở, Bụt là rong chơi

Mình là thở, mình là rong chơi

Chúng ta bắt đầu đi sang tuệ giác vô ngã. Ban đầu, chúng ta tưởng Bụt là một thực tại riêng và thở là một thực tại riêng, có một người tên là Bụt và có một động tác tên là thở, có một người tên là mình và có một người đang thực tập. Nhưng bây giờ, mình thấy rõ khi Bụt thở, thì hơi thở này rất có phẩm chất, hơi thở rất có chánh niệm, rất thoải mái. Chúng ta thấy được Bụt trong hơi thở đó chứ không cần phải tìm Bụt ở ngoài. Không có chủ thể thở, chỉ có động tác thở (there is only the breathing, there is no breather). Khi chúng ta để Bụt thở, thì Bụt thở rất hay, rất có phẩm chất và chính trong phẩm chất của hơi thở mà chúng ta nhận diện ra Bụt, ngoài hơi thở thì không có Bụt. Nói có một người thở và có một hơi thở là không đúng. Bụt là ai? Bụt là đi, Bụt là thở, Bụt là ngồi. Chúng ta phải nhận ra Bụt nơi hơi thở, nơi dáng ngồi đó tại vì một người khác sẽ không thở, không ngồi được như vậy. Ngoài hơi thở và dáng ngồi, không có một chủ thể Bụt riêng. Có động tác thở, rong chơi hay nghỉ ngơi; nhưng không cần phải có một chủ thể để thở, rong chơi hay nghỉ ngơi.

Chúng ta nói: Mưa rơi! Gió thổi! Mưa thì phải rơi, mưa mà không rơi thì không thể gọi là mưa, gió mà không thổi thì không thể gọi là gió. Có mưa mà không cần có chủ thể mưa. Khi xem tuồng múa rối, chúng ta thấy các con múa rối cử động; nhưng phía sau đó có bàn tay của người nghệ sĩ. Nhưng ở đây, không có người ở phía sau, không có chủ thể đứng ở ngoài để thổi, gió chính là thổi và cũng không có một người đứng để thả mưa xuống, mưa chính là rơi.

Bụt là thở, Bụt là đi

Mình là thở, mình là đi

Trong khi thực tập, mình tiếp xúc được với sự thật là chỉ có thở, chỉ có đi và phẩm chất của hơi thở, của bước chân rất cao. Mình sẽ không tìm được Bụt ngoài hơi thở và bước chân đó. Lúc bắt đầu, mình và Bụt là hai thực thể  khác nhau, nhưng khi tới câu kệ này, thì mình và Bụt trở thành một, chỉ có động tác mà không có người làm động tác. Đó gọi là vô tác.

Chỉ có thở, chỉ có rong chơi

Không ai thở, không ai rong chơi

Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ở ngoài, đó là vô ngã. Vô ngã tức là Niết bàn, đạt được vô ngã là đạt được Niết bàn. Bài tập này tuy đơn sơ, nhưng đem lại rất nhiều hạnh phúc và giúp mình tiếp xúc được với vô sinh.

Trong khóa tu dành cho xuất sĩ tại Pak Chong, Thái Lan, có một số các thầy Nam tông tới tham dự. Các thầy không tu theo Tịnh Độ như các Phật tử Việt Nam. Nếu mình nói: “Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ” thì các thầy sẽ không hiểu, nên chúng ta đổi lại là: “Mỗi bước chân đi vào vô sinh”. Vô sinh là Niết bàn.

Sự đi đang diễn ra nhưng không có người đi, người đi không tách ra được khỏi sự đi. Ngoài chuyện thở và chuyện đi, không có người thở và người đi. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương “không có ngã, chỉ có pháp”, tức không có người thở nhưng có cái thở, không có người đi nhưng có cái đi, không có người ngồi nhưng có cái ngồi, không có người rong chơi nhưng có cái rong chơi. Đó gọi là Ngã không pháp hữu.

Khi đạt tới cái thấy đó, thì không có tác, không có hành, không có hữu cũng không có vô.

Chỉ có thở nhẹ, chỉ có rong chơi

Không ai thở nhẹ, không ai rong chơi

Chúng ta không cần có một chủ thể đứng ngoài, có tác mà không cần tác giả. Có cái thở, cái đi đang xẩy ra, nhưng không có một cái ta núp đàng sau để điều khiển cái thở và cái đi. Có sự suy nghĩ, tư duy đang xảy ra, nhưng không có người suy nghĩ núp phía sau.

An khi thở nhẹ, lạc trong rong chơi

An là thở nhẹ, lạc là rong chơi

An và lạc là những cái có thật, có thể có an, có lạc, có thở nhẹ và rong chơi mà không cần phải có chủ thể núp phía sau như những bàn tay điều khiển con rối. Bài kệ này đơn sơ nhưng rất sâu.

Đạt tới vô sinh thì không còn có hữu, nghĩa là không còn có vô, không có tác giả và cũng không có hành giả.

 

Bài kệ 15

Sanh hữu tác hành giả                   生  有  作  行  者

Thị vi bất đắc yếu                           是  為  不  得  要

Nhược dĩ giải bất sanh                  若  已  解  不  生

Bất hữu bất tác hành                     不  有  不  作  行

 

Thấy có sinh, có hữu, có tác, có hành

Là chưa đạt tới chỗ thiết yếu

Nếu hiểu được thế nào là bất sinh

Thì không thấy còn hữu cũng không còn nhu yếu tác  và hành.

 

Sanh hữu tác hành giả

Thị vi bất đắc yếu

Còn thấy có sanh, có hữu, có người làm, có người thực tập thì chưa đạt  tới chỗ thiết yếu.

Nhược dĩ giải bất sanh

Bất hữu bất tác hành

Khi hiểu được không có sinh thì sẽ thấy không còn hữu, tác và hành. Hành là sự thực tập, tác là hành động.

Bài kệ 16

Tắc sanh hữu đắc yếu                    則  生  有  得  要

Tùng sanh hữu dĩ khởi                  從  生  有  已  起

Tác hành trí tử sanh                       作  行  致  死  生

Vi khai vi pháp quả                        為  開  為  法  果

 

Vì hữu nên mới phải có sinh

Và vì sinh cho nên hữu lại tiếp tục

Có tác, có hành, thì tử rồi lại sinh

Đó là cánh cửa sinh tử mở ra, để đưa đến sự phát khởi của các pháp.

 

Tắc sanh hữu đắc yếu: Đắc yếu là đạt tới chỗ thiết yếu. Vì có sinh nên hữu mới có chân đứng.

Tùng sinh hữu dĩ khởi: Có sinh nên hữu mới khởi ra.

Tác hành trí tử sanh: những công việc và hành động đem tới sinh tử (samsara). Tác hành có thể được hiểu là ba nghiệp: thân, khẩu, ý.

Vi khai vi pháp quả: Và mở cửa ra cho tất cả các pháp.

Vì hữu nên phải có sinh, và vì sinh nên hữu mới khởi ra. Trong thời gian sinh thì có tư duy, có lời nói, có hành động; nghĩa là có ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba nghiệp là chất liệu làm tiếp nối luân hồi tử sinh và mở cửa ra cho tất cả các pháp. Các pháp là sự biểu hiện của tâm ý. Các pháp biểu hiện ra từ tâm ý khổ đau, thì có tính cách ràng buộc, gây đau khổ nên gọi là pháp quả.

 

Bài kệ 17

Tùng thực nhân duyên hữu          從  食  因  緣  有

Tùng thực trí ưu lạc                       從  食  致  憂  樂

Nhi thử yếu diệt giả                       而  此  要  滅  者

Vô phục niệm hành tích                無  復  念  行  迹

 

Cái gì cũng do thức ăn mà tồn tại

Ngay cả cái buồn, cái vui cũng phải cần thức ăn mới có

Nếu cái chất liệu thiết yếu ấy không còn

Thì không còn dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện.

Tùng thực nhân duyên hữu: Do nhân duyên thực phẩm mà có hữu. Hữu (bhava) có nguyên do của nó, đó là bốn loại thực phẩm: đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Từ những loại thực phẩm mà có sự lo lắng hay hạnh phúc.

Tùng thực trí ưu lạc: Ngay cả cái buồn, cái vui cũng do thức ăn mà sinh ra.

Nhi thử yếu diệt giả: Nếu chất liệu ấy không còn, nếu cắt đứt nguồn thực phẩm đó thì,

Vô phục niệm hành tích, không có dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện được. Tích là dấu vết.

Ví dụ khi bị trầm cảm, không phải tự nhiên mà mình bị trầm cảm, mà là do mình đã sử dụng, đã nuôi mình bằng loại thực phẩm đưa tới sự trầm cảm. Khi mình quán chiếu, tìm ra được nguyên do của sự trầm cảm chính là nguồn thực phẩm không lành mạnh đó và quyết tâm chấm dứt không sử dụng loại thực phẩm đó nữa, thì trầm cảm sẽ tan biến và không còn lưu lại dấu vết nào cả.

Kinh này, tuy có đề tài là Niết bàn, nhưng thật sự không đi vào tư duy siêu hình. Kinh có giáo lý rất thực tiễn để chúng ta có thể chứng nghiệm được. Tôi nghĩ, bên Cơ đốc giáo và Do thái giáo cũng nên làm như vậy: Phải trình bày Thượng đế như thế nào để người ta có thể tiếp xúc được, tại vì Thượng đế không thể được hiểu bằng ý niệm có hay không, sinh hay diệt, cái này hay cái kia. Nhiều nhà thần học biết mình không thể nói gì về Thượng đế. Những đàm luận về Thượng đế như là: “Thượng đế có hay không?“ không dính líu gì tới Thượng đế. Mình phải đưa ra những thực tập cụ thể, để nhờ vào đó mà người ta có kinh nghiệm trực tiếp với Thượng đế, thì mới có ích lợi. Kinh này làm được công việc đó, nó không đưa ra những suy luận siêu hình về Niết bàn, mà cho ta những phương pháp rất cụ thể để mình có thể sống được Niết bàn trong giây phút hiện tại, mình có thể rong chơi trời phương ngoại. Phương pháp đó là:

–          Thứ nhất, làm nguội đi những đam mê, giận hờn.

–          Thứ hai, lấy đi những ý niệm.

Khi nói về Thượng đế và Niết bàn mà chỉ cho người ta thêm những ý niệm tức là ta đang làm ngược lại điều mình cần phải làm, vì vậy từ đầu đến giờ bài kệ nào cũng dạy chúng ta phải lấy đi những ý niệm.