Vượt thoát trầm luân

Tây phương có chữ “Religion”, nghĩa là Tôn giáo và ở Đông phương thì có chữ “Đạo”. Đạo nghĩa là con đường, con đường đưa tới sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Chúng ta có thể giới thiệu về đạo Bụt như là một con đường hơn là một tôn giáo.

Người giảng dạy đạo Bụt, theo nguyên tắc phải là một người đã biết đường. Nếu mình không biết đường thì làm sao mình chỉ đường cho người khác? Người giảng dạy đạo Bụt không phải là một giáo sư triết học, trao truyền những kiến thức Phật học. Pháp sư – người giảng dạy đạo Bụt phải là một người đã có con đường, đang đi trên con đường đó và người ấy phải thành tựu một phần nào đó trên đường đi của mình thì mới có khả năng chỉ đường cho người khác. Vị ấy phải căn cứ trên kinh nghiệm của chính mình để hướng dẫn, chỉ bày cho người khác.

Cách đây 25 năm, có một người Anh tới Làng, vị này học Bụt cũng nhiều và có ý muốn trở thành một vị giáo thọ (Dharma teacher). Ông ta mới hỏi tôi: “Bạch Thầy, chừng nào thì mình biết là mình có thể trở thành một vị giáo thọ?” (When do we know we can be a Dharma teacher?). Tôi nhìn ông ta và nói: “Khi nào anh có hạnh phúc” (When you are happy). Nếu mình không có hạnh phúc thì mình không thể làm giáo thọ được, vì mình không có gì để hiến tặng cho người khác. Hạnh phúc này là hạnh phúc đạt được do sự tu tập đem lại. Khi nào mình thực tập và giải tỏa được những khổ đau, khó khăn của chính mình, mình có thể mỉm cười hạnh phúc thì lúc đó mình biết là mình có thể giúp đời, có thể đưa đường chỉ lối cho người khác.

Làm Giáo thọ tức là bản thân phải có một mức độ hạnh phúc làm hành trang, vốn liếng. Nếu một người không có hạnh phúc thì dầu kiến thức Phật học có bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào gọi là một vị giáo thọ. Vậy nên hạnh phúc chính là nền tảng.

Con đường của đạo Bụt là con đường giúp chúng ta dừng lại, chấm dứt được sự chìm đắm và trôi lăn trong biển khổ. Những điều mình học và đem ra thực tập phải có tác dụng giúp mình dừng lại sự chìm đắm và trôi lăn. Chìm đắm tức là Trầm và trôi lăn là Luân. Trầm là chìm xuống, chìm sâu trong biển khổ. Khổ ví như là một cái biển, cho nên chúng ta hay có danh từ biển khổ. Nếu mình không khéo léo thì mình chìm xuống đáy biển và không trồi lên được. Vậy cho nên chúng ta học và thực tập để làm sao đừng bị chìm xuống, nếu lỡ có bị chìm thì phải biết cách nổi lên trở lại. Và người dạy cho mình, người ấy phải nổi, người ấy mà cũng chìm thì làm sao giúp cho mình nổi lên được?

Ở Việt Nam có cửa biển rất rộng, gọi là cửa biển Thần Phù tại miền Trung. Ở đó, nếu những người chèo thuyền không khéo thì thuyền của họ sẽ bị chìm, cho nên mới có câu ca dao rất nổi tiếng, đó là:

Lênh đênh trên biển Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Chữ “Phù” có nghĩa là nổi, Phù Vân là mây nổi. Tất cả đều là tu hết, nhưng có người tu khéo và người tu không khéo. Người tu khéo thì nổi, người tu vụng thì chìm chứ không phải hễ tu là được. Phải tu cho khéo. Vì vậy cho nên tu là một nghệ thuật, tu không phải là lao tác mệt nhọc.

Có những người bơi giỏi, họ muốn chìm xuống để kiếm cái gì dưới đáy, đó gọi là lặn. Lúc ấy là vì họ muốn và họ có khả năng, họ hoàn toàn tự chủ được, muốn nổi thì nổi, muốn chìm thì chìm. Những người tu thành công cũng vậy, nhiều khi phải chìm xuống để vớt người khác rồi đưa người ấy cùng nổi lên. Người tu phải học được nghệ thuật đó, đôi khi mình cũng phải chìm với người ta. Đây là mình cố ý muốn chìm để giúp đời chứ không phải là mình bị chìm. Trong một ngày mình có thể chìm nhiều lần. Ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm đó rồi. Có ngày chúng ta chìm hai, ba lần, chìm sâu xuống, rất khổ sở và tu tập là để nổi lên trở lại.

Có những phương pháp mà Bụt đã trao truyền, nếu nắm được thì mình nổi lên dễ dàng. Trong bài tựa của Thiền sư Tăng Hội viết cho kinh An Ban Thủ Ý, câu đầu Tổ đã nói: “An Ban là đại thừa của các vị Bụt, dùng để cứu độ chúng sinh đang lênh đênh chìm nổi”. Ngài biết chúng sanh phần lớn là chìm rồi nổi, chìm rồi nổi, rồi chìm nữa, rồi nổi nữa. Và vì vậy, An Ban tức là phương pháp thở, là một trong những phương pháp rất hay để giúp cho khi bị chìm xuống thì mình có thể nổi lên trở lại. Nếu học và nắm được phương pháp thở thì khi bị chìm xuống mình có thể nổi lên trở lại. Hoặc là khi mình đang nổi mà không muốn bị chìm thì phải nắm lấy An Ban để thực tập thì sẽ không chìm. Kinh An Ban Thủ Ý là một trong những kinh rất quý, là phương pháp thở trong chánh niệm, giúp mình nắm vững tay chèo để đừng bị chìm xuống. Nhiều lúc mình chìm xuống quá sâu và mình có cảm tưởng rằng không bao giờ có thể nổi lên lại được. Lúc đó, nếu mình có “An Ban Thủ Ý” ở trong lòng, lôi ra thực tập thì sẽ nổi lên lại được. Cho nên tới chùa thì phải học cho được những bí quyết, những pháp môn, nắm cho vững để gặp những lúc chìm xuống thì tự biết cách để mà đạp một cái là nổi lên trở lại.

Chữ “luân” có nghĩa là lăn, là quay tròn. Lăn mà không ngừng lại được, gọi là trôi lăn. Trầm là chìm, luân là trôi lăn. Nếu cố ‎ ý lăn theo để cứu độ người thì lại khác, đây là mình bị cuốn theo, bị trôi lăn trong cuộc đời. Một mặt thì chìm, chìm nghỉm, một mặt thì trôi, trôi lăn long lóc, đó là ý nghĩa hai chữ trầm luân.

Trầm luân đó còn nói về tâm. Khổ là do tâm của mình cứ chìm đắm và trôi lăn. Khi chìm, nếu biết phương pháp thở thì mình sẽ nổi lên được; khi lăn mà biết phương pháp thì sẽ dừng lại được sự trôi lăn. Trong một ngày mình có thể chìm nhiều lần, có thể lăn nhiều lần, nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy được nguyên nhân từ đâu mà mình bị chìm. Chìm là tại vì có một sức mạnh nào đó nhấn mình xuống, đó chính là tập khí. Đôi khi chỉ nghe hay thấy một điều gì là tự nhiên mình không làm chủ được mình, lại không có phương pháp để tự vệ nên mình bị chìm nghỉm. Vì điều mà mình nghe hay thấy đó đã đánh động vào thói quen, tập khí, khổ đau trong mình. Do mình không có pháp thuật, không có pháp lực nên dễ dàng bị chúng kéo đi dù không muốn chút nào. Nếu có một phương pháp thực tập thì khi bị những âm thanh, hình ảnh kéo đi mình liền rút pháp môn ra áp dụng thì sóng gió không thể nhấn chìm được. Người Phật tử tới chùa phải thực tập và phải nắm cho được điều ấy.

Đó là chuyện chìm, còn chuyện lăn. Không phải tự nhiên mình lăn mà phải có một động lực nào đó kéo mình lăn. Cũng như trong trường hợp chìm, nếu mình lăn là do mình thấy một điều gì hay nghe một điều gì và cái thấy cái nghe đó nó đánh động vào năng lượng tập khí ở trong mình tự nhiên mình lăn không ngừng lại được, cứ lăn long lóc trong ba cõi. Khi ấy, nếu tới chùa học được một vài pháp môn, một vài bí quyết thì trong những lúc trôi lăn như vậy mình lôi bí quyết đó ra sử dụng thì mình chấm dứt được sự trôi lăn. Cho nên khi tới chùa gặp các thầy, các sư cô phải hỏi cho được, phải học cho được những phương pháp đó. Và nếu thầy hay sư cô là những người đã từng chìm đắm, đã từng lăn lóc và đã tìm ra được phương pháp để dừng lại, để nổi lên thì thầy và sư cô đó đúng là một vị pháp sư có thể chỉ cho mình những phương pháp để đừng chìm đắm và đừng lăn lóc.

Nếu mình là một vị cư sĩ mà thực tập giỏi thì mình cũng có thể làm pháp sư được. Khi nhìn lại sự chìm đắm và trôi lăn của mình và tìm ra cách vượt thoát thì mình cũng có thể giúp được cho những người khác. Chúng ta có những vị giáo thọ cư sĩ, những vị ấy cũng có thể làm được những việc mà các vị giáo thọ xuất gia đang làm. Vì vậy cho nên mình tới trung tâm tu học thì phải tới với một quyết tâm, không phải tới để đi nghỉ mát bảy ngày hay là mười bốn ngày. Phải tới với một quyết tâm nắm bằng được một pháp môn nào đó. Đừng có về tay không. Đó là tư lương, vốn liếng, là phương tiện để giữ cho mình đừng có chìm và đừng có trôi. Chuyện chìmtrôi đó xảy ra hàng ngày, nó xảy ra nhiều lần, có khi nó xảy ra luôn hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong một ngày và làm cho người đó rất đau khổ rồi làm khổ những người khác.

Trong đạo Bụt có hai pháp môn: một pháp môn là Chỉ, tức là dừng lại, đừng để cho nó chìm xuống thêm, đừng để cho nó lăn thêm, dừng lại để đứng dậy. Và một pháp môn là Quán, tức là nhìn sâu. Chỉ và Quán, hai cái nương vào nhau. Chỉ làm cho quán thành công quán giúp cho chỉ xảy ra mau hơn. Vì vậy cho nên chỉ phải có quán. Hai cái giống như hai cánh của một con chim, nếu chim mà có đủ hai cánh thì bay rất dễ. Người nào vừa tu chỉ lại vừa tu quán thì chỉ cũng thành công mà quán cũng thành công. Nhờ chỉ mà mình có thể quán được và nhờ quán cho nên mình chỉ rất dễ. Nhờ dừng lại cho nên mới nhìn sâu được gốc rễ vấn đề và nhờ nhìn sâu cho nên dừng lại rất mau. Hai cái nương vào nhau chứ không phải cái này có trước rồi cái này có sau. Đức Thế Tôn từng dạy: Như chim có hai cánh, người tu phải có chỉ quán.

Khi đi thiền hành, tức là mình đi từng bước một trong chánh niệm. Khi ấy mình có thể vừa thực tập chỉ và vừa thực tập quán. Ở trong một bước chân có thể có hai cái: chỉquán. Nếu mình không biết tu thì mình đi như bị ma đuổi, sống trong trôi lăn và chìm đắm. Tuy cũng đi như người khác nhưng mình bị những lo lắng, buồn phiền lôi đi, bị khổ đau nhấn chìm. Những người kia họ đang đi thiền hành, họ có ý thức với bước chân và hơi thở của họ nên họ làm chủ được tâm mình và không bị lặn ngụp trong trầm luân. Đi thiền hành là một phương pháp để giữ cho mình đừng bị chìm đắm, đừng bị trôi lăn.

Vừa qua ở bên Đức, tôi có chỉ cho các thầy, các sư cô và phật tử bên đó một bài kệ mới để đi thiền hành, bài kệ rất dễ:

Con đi cho Bụt
Đi như đi chơi
Đi cho hạnh phúc
Đi cho thảnh thơi.

Bụt không bao giờ đi hấp tấp, vội vàng, không bao giờ đi trong lo lắng, sầu khổ, mỗi bước chân của Ngài luôn có an lạc. Còn mình đi thì muốn tới cho mau để làm cái gì đó, vì vậy khi đi, mình bị trôi lăn. Cho nên, đã nhận Bụt là Thầy tức là muốn tiếp nối sự nghiệp của Ngài thì mình phải bước được những bước chân như ngày xưa Ngài đã bước, tức là mỗi bước chân phải tỏa chiếu bình an.

Nếu sư chị nhờ mình đi lấy cuốn kinh thì mình có quyền sử dụng phương pháp thiền hành để đi, đâu cần phải vội vàng? Mình có quyền bước từng bước thảnh thơi mỗi khi cần đi. Trừ khi sư chị nói: “Bây giờ em phải chạy giùm vì cái này gấp lắm” thì mình nói: “Ok” và mình chạy, nhưng vừa chạy vừa có chánh niệm thì cũng được, chứ còn theo nguyên tắc thì mình có quyền đi từng bước thảnh thơi để lấy cuốn kinh và lấy được rồi thì trở về cũng bước thảnh thơi. Tại vì mình đi tu là để thực tập chứ đâu phải để lấy cuốn kinh! Trong khi đi như vậy là mình có chỉ và có quán. Đi như thế nào, dầu cho đi vào nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm cũng phải đi giống như mình đi chơi vậy.

Mỗi bước chân là hạnh phúc
Mỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là an lạc
Mỗi bước chân là thảnh thơi.

Đi như đi chơi, tức là như đi tản bộ vậy thôi. Đi vì công việc thật nhưng công việc không thể kéo mình trôi lăn được, người tu khác với người không tu ở chỗ đó. Người tu cũng đi nhưng mà người tu phải đi cho thảnh thơi, an lạc. Bước chân vào Thiền viện rồi thì phải đi như vậy. Dù là người xuất gia, hay người tại gia đã vào Thiền viện là phải thực tập. Đã tới Tu viện rồi mà vẫn đi như bị ma đuổi thì tới làm gì? Mỗi bước chân dù vào nhà tắm, lên thiền đường, hay vào nhà bếp đều có thể đi như Bụt. Mỗi bước chân mình ở trong chùa, trong Thiền viện phải là một bước chân hạnh phúc, một bước chân thảnh thơi, vô ưu. Nếu trong khi đi mà không có hạnh phúc thì làm sao trở thành giáo thọ được?

Phần lớn trong xã hội, chúng ta đều đi như bị ma đuổi. Chúng ta hấp tấp đi về tương lai để tìm hạnh phúc, tìm danh lợi, tìm cái gì đó và đánh mất sự sống. Sự sống trên trái đất này rất ngắn nhưng mọi người chưa biết sống sâu sắc trong từng giây phút để có hạnh phúc.

Thảnh thơi tức là tự do. Có một cái gì đó trói buộc mình, làm cho mình không có thảnh thơi, tự do, đó là sự lo lắng. Mình có những dự án, mình muốn thành công nên bị nó hút hồn, khiến cho đứng ngồi không yên mà ăn ngủ cũng không yên, lúc nào cũng bất an, như ngồi trên đống lửa. Chính cái đó nó trói buộc, không cho mình thảnh thơi.

Ngày xưa Bụt đi rất nhiều, gần hai chục nước trên thế giới. Ngài không có máy bay, ô-tô như mình bây giờ. Ngài chỉ đi bộ nhưng Ngài đi rất thảnh thơi, không có gì vướng bận. Mình là học trò của Ngài thì cũng phải học được cách đi thảnh thơi như vậy. Mỗi bước chân an lạc là mình đã đóng góp được phẩm chất tu học cho trung tâm của mình.

Có thể thở vào rồi bước 2 bước “Con đi”, thở ra “cho Bụt”. Câu tiếp theo, thở vào bước hai bước “đi như”, thở ra “đi chơi”. Sự nghiệp của Bụt có được tiếp nối hay không là do mình. Mình phải đi như đi chơi. Phối hợp hơi thở với bước chân như thế nào để có thể sử dụng được bài kệ này. Có khi mình thở vào một hơi bước 4 bước, thở vào “Con đi cho Bụt”,  rồi thở ra bước 4 bước “Đi như đi chơi”. Nếu hơi thở chưa dài thì mình làm 2 bước thôi. “Con đi” là thở vào và “cho Bụt” là thở ra.

Tiếng chuông và phương pháp nghe chuông chánh niệm cũng là một phương pháp rất hay. Khi đang trôi lăn, chìm đắm, được nghe một tiếng chuông trở về với hơi thở. Nếu hơi thở của mình vững chãi, có ý thức thì hơi thở đó là chánh pháp, nó bảo hộ thân tâm mình, không để cho tâm bị trôi lăn. Mới thực tập thì hơi khó khăn nhưng khi thực tập quen rồi thì không cần cố gắng nữa. Khi nghe một tiếng chuông thì tự động tâm mình dừng lại và chấm dứt trôi lăn.

Thực tập thành công được với tiếng chuông thì sau này với những âm thanh khác như tiếng chuông đồng hồ, tiếng chuông điện thoại mình cũng có thể thực tập được. Với bài thực tập này, mình không nhất thiết phải thực tập câu đầu rồi tới câu thứ hai. Nếu mình thích câu đầu thì mình thực tập câu đầu miết cũng đủ rồi “Con đi cho Bụt”, “Con đi cho Bụt” đây. Và khi mình đã vững rồi thì mình có thể thực tập câu thứ hai “Đi như đi chơi”. Và mình thấy rõ ràng là mình đang đi chơi thật. Lúc đó mình đang tiếp nối Bụt. Đi mà cứ suy nghĩ tới chuyện nọ chuyện kia là chưa được. Đừng  suy nghĩ miên man. Khi đi mình có hạnh phúc hay không tự mình biết, có hạnh phúc tức là mình tiếp nối được Bụt, điều này không cần ai phải nói cho mình. Ngay trong lúc ấy mình có thể vừa thiền chỉ vừa thiền quán.

Và đây là bài kệ thứ hai:

Con đi như Bụt
Con đang rong chơi
Con đang hạnh phúc
Con đang thảnh thơi.

Con phải giống cha. Ban đầu thì mình nói “Con đi cho Bụt”, đi đó là vì tình thương mà đi. Bây giờ mình đi giống hệt Bụt “Con đi như Bụt”. Câu thứ hai: “Con đang rong chơi”. Rong chơi không phải là chuyện dễ, phải có tự do mới rong chơi được. Nếu mình vướng bận thì không thể rong chơi. Tới chùa là để học cách rong chơi. Rong chơi một ngày, rong chơi hai ngày. Rong chơi được thì không còn lo lắng, không còn sầu khổ, tật bệnh tiêu trừ. Rong chơi là phương pháp trị bệnh rất là hay. Con đang rong chơi. Trong thời gian tại thế Bụt rong chơi khắp chốn vì Ngài rong chơi được nên Ngài độ được rất nhiều người. Nếu Ngài không rong chơi thì làm sao Ngài độ được đời? Mình phải giải thoát. Mình phải thảnh thơi thì mình mới độ được người. Phải luôn tự hỏi ta có đang rong chơi hay không, hay ta đang bận bịu với những lo toan, đang bận tâm theo đuổi một dự án?

Con đang hạnh phúc
Con đang thảnh thơi.

Đây không phải là tự kỷ ám thị mà là sự thật. Mình đang có hạnh phúc thật và tự do thật. Khi thấy mình đang hạnh phúc, đang thảnh thơi thì đúng là mình thành công. Phải biết buông bỏ buồn phiền thì mới hạnh phúc, thảnh thơi. Vấn đề là phải buông nó ra. Trong gia đình hay trong Tăng thân chúng ta phải giúp đỡ nhau làm chuyện này. Thấy ai buông được khổ đau của họ thì mình phải mừng cho người ấy. Khi ta rong chơi thì rửa nồi cũng là rong chơi, quét nhà cũng là rong chơi. Phải sắp đặt cho khéo để giờ phút nào, công tác gì cũng có thể rong chơi được. Làm việc gì cũng là tu. Nấu cơm, giặt áo, quét thiền đường, tưới rau, chùi cầu tiêu đều có thể làm trong tinh thần rong chơi. “Con đi như Bụt”Bụt thấy không, con đang rong chơi đây nè, con đang hạnh phúc đây nè, đâu đến nỗi tệ lắm đâu. Con đang thảnh thơi đây nè, con buông được mà, con là học trò của Ngài mà. Giống như bài đầu, mình cứ chọn câu nào thích mà thực tập thôi, không hẳn là câu này đến câu kia.

Từ những thực tập ấy mà hạnh phúc của mình ngày càng lớn. Những bệnh tật trong thân hay trong tâm có thể được trị liệu bằng cách đi thiền hành. Hiện pháp tức là giây phút hiện tại, lạc cư là sống an lạc, sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại chính là phương thuốc diệu kỳ nhất để trị chứng bệnh bận rộn của nhân loại bây giờ. Ngày nay người ta không có khả năng “hiện pháp lạc cư”.

Giáo lý của Đức Thế Tôn rất sáng sủa, dễ hiểu và có thể đem ra áp dụng được trong mọi lúc, mọi nơi. Các nhà Phật học đã biến nó thành một môn học rất rắc rối, rất khó, càng học mình càng rối. Vì vậy cho nên trong bao nhiêu năm qua Thầy đã cố gắng lấy lại được tính sáng sủa, đơn giản và thực dụng của giáo lý. Chỉ nội bài này, nếu mình nghe và đem ra áp dụng thì đã có thể thay đổi được tình trạng trong một vài ngày, mình có thể dừng lại được sự chìm đắm và trôi lăn. Khi dừng lại được rồi thì mình có thể nhìn vấn đề một cách sâu sắc, vì vậy mà khám phá ra được nhiều điều.

Nhìn sâu chừng nào thì thảnh thơi chừng đó. Tuệ giác mà mình đạt được khi nhìn sâu nó giải phóng cho mình khỏi những bức màn vô minh. Khi có hạnh phúc rồi thì mình biết rằng mình có thể giúp đời được. Hạnh phúc đó được làm bằng thảnh thơi chứ không phải được làm bằng danh lợi hay tiền bạc. Và chỉ cần thực tập chừng đó thôi cũng đem lại hạnh phúc rất nhiều rồi. Trái banh Thầy liệng cho quý vị, bây giờ nó nằm ở dưới chân quý vị, chơi cho hay, chơi cho giỏi, hạnh phúc sẽ rất lớn.

 

 


Phiêntả pháp thoại Sư ông Làng Mai

Ý nghĩa ngày Phật Đản

Có những nước Á Châu như nước Srilanca, vào ngày Phật Đản không có ai bị đói bụng hết. Tại vì nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và bất cứ ai đói bụng cũng đều được mời ăn cơm đó. Trong ngày Phật Đản không có ai bị đói vì nhà nào cũng cúng dường cơm, chùa nào cũng cúng dường cơm. Đây là một truyền thống có từ mấy ngàn năm trước, từ thời Đức Thế Tôn.

Tại thành phố Huế ở Việt Nam, vào ngày Phật Đản không ai giết một con gà, một con vịt. Ngày đó tất cả mọi người đều ăn chay, khi ra chợ những người bán hàng cũng chỉ bán đồ chay thôi. Đó là một ngày không sát sinh. Trong ngày Phật Đản và từ trước đó, nhiều người đã thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho nhiều loài hữu tình. Đó là cách thực tập từ bi để báo ơn Bụt. Ngày này, chúng ta thực tập từ bi bằng nhiều cách: Không sát sinh mà lại phóng sinh, không trừng phạt mà lại tha thứ. Ngày Phật Đản là một cơ hội để cho các nhà cầm quyền có cơ hội phóng thích tù nhân.

Có một người sinh cách đây 2600 năm mà cách sống của người ấy vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội loài người, người đó phải có một nhân cách rất vĩ đại. Chính vì vậy cho nên chúng ta xưng tụng người đó là Đức Từ Bi. Những người Phật tử sống ở châu Âu và châu Mỹ đã chấp nhận ngày Giáng Sinh là một ngày lễ của người Phật tử. Đối với người Phật tử thì không khó khăn gì để chấp nhận đức Kitô là một vị Bồ Tát. Vì vậy người Phật tử sẵn sàng để ăn Noel. Thay vì giết một con gà lôi (gà tây) để ăn Noel thì người Phật tử ở phương Tây lại ăn chay để khỏi phải sát sinh. Nếu người Phật tử cứ thực tập như vậy một hồi thì ở châu Âu và châu Mỹ người ta sẽ chuyển hướng, họ cũng sẽ không giết một con gà lôi mỗi khi ngày Giáng Sinh tới.

Ở Việt Nam, ngày này Phật tử làm lễ đài rất lớn, có những xe hoa được trang hoàng công phu. Nhưng phải làm sao để đừng bị tốn kém, đừng phung phí, vì thiểu dục vốn là một truyền thống của Phật giáo. So với lễ Noel thì lễ Phật Đản ít tốn kém hơn nhiều. Nếu quý vị Phật tử ở các nước châu Âu, châu Mỹ mà làm  lễ Noel cho đàng hoàng theo tinh thần Phật Đản thì sẽ gieo được những hạt giống tốt. Các thân hữu Kitô sau này cũng sẽ chịu ảnh hưởng và sẽ tôn trọng sinh mạng của các loài cầm thú và cỏ cây.

Chúng ta là những người con Bụt, đã quy y, tức là đã quay về nương tựa Bụt. Nhưng từ nhỏ tới lớn chúng ta đã có nhiều quan niệm về Bụt khác nhau, cái quan niệm về Bụt của chúng ta cứ thay đổi hoài. Khi còn là một em bé, quan niệm về Bụt của chúng ta khác. Lớn lên, tìm hiểu, đọc sách về Bụt thì quan niệm của chúng ta về Ngài lại khác hơn. Theo năm tháng, ý niệm của chúng ta về Bụt ngày một thay đổi. Nếu tu tập tinh tấn thì tới một ngày nào đó chúng ta có một ý niệm về Bụt rất gần với sự thật. Ví dụ mình tu hành sáu mươi năm, hay sáu mươi lăm năm thì mình có thể trải qua bẩy mươi hay tám mươi cái quan niệm về Bụt. Nhưng nhờ sự tu chứng, mình sẽ đi qua một cái ý niệm về Bụt sát với sự thật hơn. Nếu mình có một quan niệm về Bụt thì có thể quan niệm đó chưa gần với sự thật lắm đâu. Chúng ta phải sẵn sàng để buông bỏ cái ý niệm đó đi.

Trong cơ đốc giáo cũng như Phật giáo, người ta nghĩ đến đức Kitô hay đức Thích Ca với những tư liệu mà người ta có được trong Thánh Kinh và trong Kinh Bụt, rồi dựa vào những tư liệu đó mỗi người có một ý niệm về Chúa hay về Bụt cho riêng mình.

Cái đó cũng đúng thôi, nếu chúng ta thực tập cho sâu sắc thì chúng ta biết rằng Bụt cũng vô thường mà Chúa cũng vô thường. Vô thường đây không có nghĩa là sau khi chết không còn nữa, vô thường đây có nghĩa là sau khi chết thì vẫn tiếp tục, nhưng tiếp tục dưới hình thức khác. Cho nên đi tìm Chúa, đi tìm Bụt là trách vụ của người tu học. Mà tìm Bụt ở đâu? Tìm Chúa ở đâu? Bụt và Chúa có phải là những thực tại nằm ngoài chúng ta không? Đó là vấn đề cần phải đặt ra.

Chúng ta có một hình ảnh về đức Thích Ca qua những tư liệu mà chúng ta thu nhập được từ kinh điển. Đó là hình ảnh một vị thái tử thành Ca Tỳ La Vệ, lớn lên trong nhung lụa, tới khi trưởng thành thì bỏ nhà đi xuất gia, tu khổ hạnh, sau đó thành đạo và đi thuyết pháp bốn mươi chín năm. Đó là hình ảnh về đức Thích Ca của chúng ta. Khi tạc tượng hay vẽ hình thì chúng ta căn cứ trên dữ liệu đó. Ta phải biết rằng đó chỉ là hình ảnh đầu của đức Thích Ca mà thôi, sau khi ngài nhập diệt thì hình ảnh đó trở nên khác. Cho nên mình phải thực tập như thế nào để đừng bị dính mắc vào hình ảnh của Bụt mà mình đã tạo dựng ra từ những tư liệu mà mình đã sử dụng trong kinh điển.

Ban đầu thì đó là sự thật, chúng ta cần có một hình ảnh, và những hình ảnh đó mình tìm thấy được trong kinh điển. Chúng ta cần cái hình ảnh, nhưng nếu chúng ta bị vướng mắc vào cái hình ảnh đó và nghĩ rằng Bụt bây giờ cũng vẫn như xưa thì chúng ta sai lầm. Nếu cứ tưởng rằng Bụt bây giờ vẫn giống như Bụt của hai ngàn sáu trăm năm trước. Rằng sau khi chết tướng của Ngài không thay đổi, Ngài vẫn đang ở đâu đó trên trời hay dưới biển thì chúng ta lầm to. Chúng ta bị rơi vào một cái kiến chấp gọi là thường kiến. Còn nếu nói rằng: Sau khi chết Bụt không còn nữa thì đó là rơi vào đoạn kiến. Mà rơi vào đoạn kiến hay thường kiến thì cũng đều sai lầm cả.

Vậy thì chúng ta phải đi tìm Bụt như thế nào để thấy được Bụt, để tiếp xúc được với Bụt như là một thực tại mà không phải là một ý niệm. Nếu quý vị tới từ truyền thống Cơ Đốc Giáo thì quý vị cũng biết như vậy. Nếu mình đi tìm Bụt như thế nào thì mình cũng đi tìm Chúa như thế. Nếu mình kẹt vào ý niệm thường thì mình không tìm được Bụt được Chúa, mình kẹt vào ý niệm đoạn thì mình cũng không tìm thấy Chúa, thấy Bụt. Cái ý niệm đó nó giam hãm mình.

Trong cuốn Sám Pháp Địa Xúc, đoạn đầu chúng ta quán Bụt như một vị thái tử, có vợ, có con rồi đi xuất gia và thành đạo. Nhưng phần tiếp theo của cuốn sách, chúng ta đã đi khá hơn, chúng ta đã thấy được sự tiếp nối của Bụt sau khi thành đạo. Thấy được hình ảnh giáo đoàn của Ngài, và sau nữa thấy được hình ảnh của Bụt khi Ngài già yếu. Đó chính là một phương pháp hành trì gọi là quán Bụt, tức là nhìn sâu để thấy được Bụt. Ban đầu thì mình có thể nương vào những hình ảnh của Bụt mà mình có được từ những tư liệu trong kinh điển. Nhưng sau đó mình phải đi xa hơn. Mình phải thấy cái hình ảnh ban đầu đó nó vô thường, và mình phải tìm thấy sự tiếp nối của Bụt một cách rõ ràng, chắc chắn mà đừng nương vào những tưởng tượng.

Bụt là một con người mà không phải là một vị thần linh

Đọc kinh điển chúng ta thấy rất rõ Bụt là một con người mà không phải là một vị thần linh. Nếu chúng ta nghĩ Bụt là một vị thần linh không hề thay đổi thì chúng ta lạc vào tà kiến. Chúng ta biết rằng không phải khi hình hài của chúng ta tan rã thì chúng ta mới bắt đầu tiếp tục mà chúng ta tiếp tục ngay trong khi hình hài này còn nguyên vẹn chưa bị tan rã.

Tại Làng Mai chúng ta đã từng nghe nhiều lần câu nói: “trong từng giây phút của đời sống hằng ngày, chúng ta chế tác những tư duy, những ngôn ngữ, những hành động”. Không có giây phút nào mà chúng ta không chế tác những tư duy, những ngôn ngữ, những hành động. Những tư duy, ngôn ngữ hành động đó mang chữ ký của chúng ta, đó là ba nghiệp. Đó là sự nối tiếp rất đích thực, rất cụ thể của mỗi chúng ta.

Bụt cũng vậy, Bụt cũng có sự tiếp nối bằng những tư duy, ngôn ngữ và hành động của Ngài. Đọc trong kinh chúng ta thấy được những tư duy của Bụt. Những tư duy của Ngài được ghi chép lại, được diễn tả bằng một cái cách nào đó, một ngôn ngữ nào đó. Nếu chúng ta thông minh một chút, chúng ta không bị mắc kẹt thì chúng ta có thể tiếp xúc được với cái tư duy của Bụt. Những tư duy của Bụt được gọi là Chánh Tư Duy. Tức là những tư duy đi theo Chánh Kiến. Chánh Kiến là tuệ giác về vô thường, vô ngã, tương tức, bất sinh bất diệt, vô khứ vô lai. Có những tư tưởng ghi chép trong kinh có thể chưa phản chiếu được cái tuệ giác thâm sâu đó (tuệ giác vô thường, vô ngã, vô khứ, vô lai, vô sinh bất diệt). Nhưng nó cũng có thể là những tư duy của Bụt tại vì tư duy cũng có nhiều cấp bậc. Có những người chưa thể đi sâu vào sự quán chiếu thì cần cái tư duy đơn giản hơn để bám víu vào mà đi tới.

Ví dụ khi chúng ta niệm Bụt thì Đức Thế Tôn là thầy của chúng ta. Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu; là bậc đã hiểu thấu thế gian; là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người; là bậc thầy của cả hai giới thiên và nhân; là bậc tỉnh thức toàn vẹn; là bậc đáng tôn sùng và quý trọng nhất trên đời. Đó là những quan niệm về Bụt. Đó là những đức tính của Bụt, là những danh hiệu mà người ta nói về Ngài. Nhưng nếu ta quan niệm về Bụt như vậy thì Bụt trở thành một cái ngã, một thực tại nằm ngoài ta và ta phải cầu nguyện vì ta không có những cái đó. Như thế thì chúng ta chưa đi sâu lắm. Đó chưa phải là tư duy đi đôi với tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức.

Trong khi chúng ta chắp tay lại quán tưởng thì chúng ta nói rằng: “Bụt ơi! Con biết rằng Ngài và con là hai thực tại, nhưng không phải riêng biệt. Con thấy rõ ràng là Ngài có trong con và con cũng có trong Ngài. Tại vì Ngài và con đều có tính cách tương tức, cho nên sự cảm thông giữa con với Ngài trở thành sâu sắc. Đó là một phép quán tưởng trước khi lạy để mình có thể tiếp xúc được với tự thân của Bụt chứ không phải với cái ý niệm về Bụt. “Năng lễ sở lễ tính không tịch” tức là chủ thể lạy (mình) và đối tượng lạy (Bụt) bản chất đều là không. Không tức là không có một cái ngã riêng biệt mà cái này có trong cái kia, cái kia có trong cái này. Bụt có trong ta và ta có trong Bụt. Lễ Bụt như vậy sẽ đánh tan được cái ý niệm Bụt là một thực tại riêng biệt nằm ngoài mình và mình phải đi cầu xin, tìm kiếm.

Các bạn theo truyền thống Cơ Đốc Giáo cũng có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu như vậy. Nếu các bạn thấy Chúa như là một thực tại hoàn toàn khác biệt nằm bên ngoài mình thì các bạn không tiếp xúc được với thực tại hiện tiền. Hôm trước có một vị linh mục Công Giáo đặt câu hỏi như sau:

“Tại sao trong đạo Bụt không thiết lập một biểu tượng ở ngoài mình để cầu nguyện? Cầu nguyện như vậy mới có ý nghĩ chứ.”

Vị linh mục ấy đã hỏi tôi như vậy. Ý ông ta là cầu nguyện thì phải có đối tượng. Cầu nguyện phải là cầu nguyện với ai. Tôi đã trả lời rằng: Mình có thể nói chuyện với em bé 5 tuổi ở trong mình hay không? Em bé 5 tuổi cũng là mình, em bé 5 tuổi bị thương rất nặng, nhưng vì mình bận rộn quá nên không có thời gian đoái hoài tới. Bây giờ mình đã biết quay trở về để nhận diện em bé 5 tuổi trong mình. Khi mình muốn nói chuyện với em bé thì liền nói chuyện được ngay chứ sao không. Em bé đó với mình là một hay hai? Mình có thể so sánh bức ảnh của mình khi lên năm và một bức ảnh mới nhất của mình trong hiện tại và hỏi: em bé năm tuổi là tôi ấy với tôi đã trưởng thành là một hay là hai? Theo tuệ giác của đạo Bụt thì hai con người ấy không phải một cũng không phải hai. Em bé nhỏ xíu đó không giống mình bây giờ. Em bé đó với mình không phải là một (vì không giống nhau), nhưng mà cũng không phải là hai (vì mình là sự tiếp nối của em bé). Mình có thể nói chuyện với em bé rằng: “Em bé ơi tôi biết là em bé đang còn đó, em bé đã từng bị thương tích, đã từng bị khổ đau, em bé cần tới tôi, em bé cần sự nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng mà tôi bận rộn quá, tôi ít có thì giờ trở về với em bé, nói chuyện với em bé.” Đó là nói chuyện, đó là một sự cầu nguyện. Em bé đó không cần phải là một thực tại ngoài ta. Cho nên sự cầu nguyện là như vậy.

Khi cầu nguyện Bụt hay Chúa cũng vậy. Ta không hẳn phải có một đấng hoàn toàn ở ngoài ta thì mới cầu nguyện được. Vì vậy cho nên trong đạo Bụt mỗi khi mình chắp tay lạy Bụt thì phải cẩn thận. Đừng coi Bụt là một vị thần linh có ở ngoài mình. Câu quán tưởng “năng lễ sỡ lễ tánh không tịch” rất hay. Người lạy và người được lạy đều có tính cách tương tức, người này có trong người kia vì vậy cho nên sự cảm thông mới có thể có được và có một cách sâu sắc. Lạy Bụt như vậy không phải là một sự cầu xin, không phải là một quỵ lụy. Lạy Bụt như vậy là để tiếp xúc với Bụt, mà Bụt này không phải là một thực tại nằm ở ngoài mình, Bụt này cũng chính là mình.

Mỗi khi ta chế tác được một chánh tư duy, một tư tưởng mà biểu lộ được tuệ giác vô thường, vô ngã, từ bi, trí tuệ và tương tức thì ta là Bụt. Khi ta chế tác một tư tưởng hận thù, kỳ thị, hay ganh tỵ thì ta không phải là Bụt. Khi ta nói ra được lời nói có yêu thương, có tha thứ, gây được niềm tin cho người thì ta là Bụt. Khi ta nói một câu dữ dằn, ác độc, chua cay thì ta không phải là Bụt. Vì Bụt cũng ở trong ta mà ma cũng ở trong ta. Và sự thực tập là làm thế nào để ta có nhiều cơ hội chế tác ra chánh tư duy. Những tư duy có từ bi, có hiểu biết, có thương yêu mà không có kỳ thị, ganh tỵ; làm sao để mỗi giây phút ta nói ra được lời thương yêu; làm sao để mỗi giây phút có được một hành động chăm sóc, bảo vệ thì mình là Bụt rồi, đi kiếm Bụt đâu nữa! Cho nên tổ Lâm Tế mới nói: “Phật và Bồ Tát hả? Phật và Bồ Tát là ai? Là các vị đây chứ ai, các vị đang ngồi đây nghe pháp chứ ai”. Khi ta chế tác ra được một chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp tức là mình đã là Bụt rồi tại sao phải đi tìm đâu xa xôi. Vì vậy cho nên Bụt tại tâm là rất đúng.

Ta thấy rõ ràng là ta tìm thấy Bụt ngay trong tự tâm của mình, mà ta cũng tìm thấy Bụt ở trong tăng thân của mình. Tăng thân của mình là gì? Tăng thân là một đoàn thể đang thực tập để có thể chế tác được chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Tăng thân của ta có thể không hoàn hảo, nó còn có lên xuống, còn khổ đau, còn hờn giận… Nhưng tất cả mọi người trong tăng thân đều có ý chí muốn tu học. Cho nên người nào tu giỏi thì có thể mỗi ngày chế tác ra được nhiều chánh tư duy, nhiều chánh ngữ và nhiều chánh nghiệp. Người ấy đang đại diện cho Bụt, đang tiếp nối Bụt, đang cống hiến chất Bụt cho tất cả những người khác trong tăng thân. Đó là Bụt. Những người xuất sĩ nam hay xuất sĩ nữ, những người tại gia nam hay tại gia nữ. Người nào mà thực tập chánh niệm hay chánh định; người nào mà nhìn sâu để có một cái thấy biểu lộ được tính vô thường, vô ngã, tương tức, không kỳ thị và chế tác được những tư duy có chất từ, chất bi, chất hỷ, chất xả thì người đó là một sự tiếp nối của Bụt. Bụt không ở đâu xa, Bụt rất rõ ràng và cụ thể và mình có thể tiếp xúc với Bụt bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Mỗi khi có những khó khăn, những buồn khổ kéo tới thì mình nói: “Bụt ơi! Con biết Ngài có đó, con muốn tiếp xúc với Ngài để cho con khỏe nhẹ”.

Với phương pháp theo dõi hơi thở và bước chân, ta ôm ấp được những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Bụt cũng vậy, khi nào có những nỗi khổ niềm đau thì Ngài biết trở về với hơi thở. Và hơi thở đó giúp cho Bụt ôm ấp và lìa bỏ được những nỗi khổ niềm đau của mình.

Quý vị cũng vậy, mỗi khi quý vị có một sự bất an trong lòng, có một chướng ngại làm cho mình không có hạnh phúc thì cách hay nhất là trở về hơi thở. Hơi thở giúp mình chạm được vào nỗi khổ niềm đau, chạm được vào cái cảm giác bất an, mông lung của mình để ôm ấp và chuyển hóa. Không những mình tiếp xúc được bằng hơi thở mà mình còn có thể tiếp xúc được bằng bước chân. Rất là hay.

Bụt cũng có thể có những khó khăn, khó khăn của Bụt cũng có thể đến từ bên trong hoặc từ bên ngoài. Nhưng mỗi khi có khó khăn tới thì Bụt biết tiếp xúc với những khó khăn ấy và mỉm cười với chúng rồi tìm cách chuyển hóa chúng. Nếu khi những khổ đau tìm tới với ta mà ta biết sử dụng hơi thở và bước chân để chạm vào và xoa dịu những khổ đau ấy thì ta cũng đang là một vị Bụt. Còn nếu khổ đau tới với ta mà ta không biết thực tập thì ta không phải là Bụt. Bụt có mặt 24 giờ đồng hồ trong một ngày.

Thế nên trong ngày lễ Phật Đản, chúng ta có cơ hội quán chiếu để thấy rằng có thể tiếp xúc với Bụt một cách rất cụ thể. Tôi nghĩ rằng nếu thấy được Bụt như vậy rồi thì Bụt không còn là một cái gì mơ hồ nữa, không còn là một đấng thần linh ở trên mây nữa. Chúng ta là đệ tử của thiền sư Lâm Tế thì chúng ta phải nhớ lời này: “Phật và Bồ Tát hả? Phật và Bồ Tát là ai? Là các vị đây chứ ai, các vị đang ngồi đây nghe pháp chứ ai”.

Chúng ta là sự tiếp nối của Bụt

Mỗi chúng ta đều có khả năng ôm ấp niềm đau, chuyển hóa niềm đau của mình và giúp cho người khác ôm ấp niềm đau, chuyển hóa niềm đau của họ. Chúng ta đang làm công việc của Bụt, chúng ta đang là sự tiếp nối của Bụt.

Mỗi chúng ta đều có khả năng chế tác ra những tư duy lành, những ngôn ngữ lành và những hành động lành đó là chúng ta đang nối tiếp sự nghiệp của Bụt – sự nghiệp thương yêu, sự nghiệp hiểu biết, sự nghiệp từ bi. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều đó.

Thông thường, Bụt ở đâu thì quốc độ của Ngài ở đó. Ngài đi tới đâu cũng mang theo quốc độ của mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng là Bụt, chúng ta là sự tiếp nối của Ngài nên chúng ta cũng phải có cõi Bụt quanh mình. Ví dụ ta ngồi nhìn ra cửa sổ thấy mùa xuân vẫn còn đang phơi phới, cỏ cây xanh mướt, hoa đua nhau khoe sắc thắm, ta thấy những thứ đó rất mầu nhiệm. Tiếp xúc được với những màu nhiệm đó thì ta thấy cuộc đời này đẹp đẽ quá. Ta có thể ngồi trên một góc cỏ nhìn ngắm mọi thứ trong tâm trạng không có đau buồn. Ta ngắm một cái lá sen, ngắm một cái lá tre trong bình an thì lúc đó ta là Bụt.
Nếu bị giam hãm trong những cơn buồn giận, ta không tiếp xúc được với những  mầu nhiệm của thiên nhiên thì ta không phải là Bụt, ta đang không có cõi Bụt bao quanh. Bụt ở đâu thì cõi Bụt ở đó. Khi ta có an lạc, hạnh phúc thì quang cảnh xung quanh cũng có an lạc, hạnh phúc. Khi một sư anh, sư chị hay sư em không dễ thương mà mình ôm được cái không dễ thương đó, mình nhìn sư anh, sư chị, sư em của mình với con mắt từ bi thì mình là Bụt và sư anh, sư chị, sư em ấy là cõi Bụt của mình. Nhìn bằng con mắt từ bi thì mình khỏe và cõi của mình trở thành cõi tịnh độ. Nhìn bằng con mắt đau buồn trách móc thì mình không phải là Bụt và cõi xung quanh của mình không phải là cõi Bụt. Đó là sự thực tập của chúng ta. Một tăng thân được thiết lập ra là để tiếp nối Bụt.

Một người thực tập cũng là sự tiếp nối của Bụt. Nhưng nếu được sống trong tăng thân, được cùng tăng thân thực tập thì chúng ta sẽ được che chở, được yểm trợ nhiều hơn. Vì vậy tu tập mà có tăng thân thì dễ dàng hơn rất nhiều. Nương vào anh, vào chị, vào em, và vào những người bạn đồng tu để mỗi giây phút mình có thể chế tác được chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Khi chế tác ra được ba cái đó thì trong người mình có Bụt và xung quanh mình là cõi Bụt. Còn khi chế tác ra những chất liệu ngược lại thì trong người mình không có Bụt và xung quanh mình cũng không có cõi Bụt.

Chúng ta có thể đã từng nghĩ rằng các chương trình sinh hoạt tại Làng Mai khá dày đặc: Buổi sáng phải thức dậy sớm đi ngồi thiền, phải ăn sáng, làm việc, đi thiền hành, ăn trưa, rồi đi theo các lớp học, rồi ăn chiều, rồi lại ngồi thiền tụng kinh vào buổi tối. Vừa kết thúc khóa tu hai mươi mốt ngày đã sang  khóa tu mùa hè, rồi đi Ý, đi Đức, đi Đông Nam Á… Giống như không có thì giờ để chơi. Chúng ta có cảm tưởng như là chúng ta bị một sức ép phải đi theo. Chúng ta cảm thấy chúng ta không có đủ không gian. Khi chúng ta cảm thấy mình bị ép theo thời khóa, chúng ta cảm thấy mình thiếu không gian, thì trong chúng ta lúc ấy không có Bụt, không có tăng thân và hoàn cảnh xung quanh ta cũng không phải là cõi Bụt.

Ở đời có những người rất thích hát. Họ không có phải là người tu nhưng buổi sáng thức dậy họ muốn hát một bài. Trong khi xả nước tắm, họ vừa tắm vừa hát. Nhưng có những người khác khi thức dậy không hát được, lúc tắm họ cũng không hát được, tại vì họ bị kéo đi bởi hàng trăm thứ lo toan, dự tính trong lòng. Thường thì đó đều là những lo toan không đáng có như tại sao mình cứ phải dậy sớm đi làm? Không biết hôm nay ở công ty ra sao? Chết rồi, tí nữa phải nhớ đi đổ xăng v.v… Cùng thức dậy vào buổi sáng nhưng hai người này khác nhau: một người thì có niềm vui trong lòng do biết an trú, một người thì không có niềm vui do bị những lo toan kéo đi. Khi ta có niềm vui trong lòng thì thế giới xung quanh trở thành cõi Bụt. Khi có phiền não trong lòng thì thế giới xung quanh trở thành cõi Ta Bà.

Trong tu viện, mỗi sáng ta đều thức dậy đi ngồi thiền. Ngồi thiền làm cái gì? Ngồi thiền tức là khỏi làm gì hết, lúc ấy không có ai sai mình phải làm cái này hay làm cái kia. Chỉ ngồi yên thôi thì sướng biết bao nhiêu. Thử hỏi trên thế gian này có biết bao nhiêu người thức dậy được ngồi yên trong vòng nửa giờ hay một giờ? Được ngồi thiền rất yên vào buổi sáng giống như có tiếng hát trong lòng và ngồi thiền không phải là một cái áp lệnh nữa, mà là một niềm vui. Khi ngồi thiền mình có thể tiếp xúc được với Thầy, với sư anh, sư chị hoặc sư em đang ngồi chung với mình và mình được nuôi dưỡng. Cũng như có người khi thức dậy mở cửa sổ ra là có thể hát được. Ta cũng vậy. Khi thức dậy ta thấy được ngồi thiền, được đi thiền hành là một niềm vui. Ngồi thiền và đi thiền hành đó không phải là công việc, không phải là một áp lực, không phải là lao tác cực nhọc  mà mình phải trả nợ như là một người công dân.

Ở bên ngoài đa phần mọi người đều rất bận rộn không có cả thời gian để ngồi yên, trong khi đó tại tu viện, mỗi ngày chúng ta đều được ngồi yên không phải làm gì cả, đó là những cơ hội rất quý. Thế nhưng có lúc ta lại cảm thấy đó là một sự lao tác mệt nhọc, cảm thấy bị ép buộc. Khi ngồi thiền hay đi thiền hành mà ta biết cách an trú trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở thì ta có an lạc, thảnh thơi. Lúc ấy ngồi thiền như là ngồi chơi, đi thiền hành như là đi chơi và xung quanh ta là cõi Bụt. Còn khi ngồi thiền hay đi thiền hành với tâm trạng bị ép uổng thì rất tội nghiệp và rất uổng.

Trong cùng một khung cảnh nhưng có người thì thảnh thơi, thư thái, có người lại cảm thấy gò bó, cảm thấy không có không gian, không có thời gian để sống cho mình. Có những người thấy rất hạnh phúc được ngồi thiền, được đi thiền hành, được nấu cơm cho đại chúng, được tổ chức và hướng dẫn khóa tu v.v… Trong khi đó lại có những người cảm thấy phải ngồi thiền, phải đi thiền hành, phải tổ chức khóa tu. Đối với những người ấy thì ngồi thiền, thiền hành không phải để sống cho mình, quét nhà, làm vườn không phải để sống cho mình. Cho nên tất cả là tùy theo cách mình nhìn. Cũng giống như ở ngoài, có nhưng người họ rất thích đi làm vì họ yêu nghề. Lại có những người rất ngao ngán khi thức dậy thấy có một ngày làm việc trước mặt.

Thiền Sư Lâm Tế có nói với chúng ta rằng: “Quý vị đừng có tưởng tượng quá, đừng có nghĩ rằng cung trời Đâu Suất và đức Di Lặc ở trên mây. Quý vị đừng đi tìm báo thân, pháp thân, ứng thân và cũng đừng đi tìm Tịnh Độ, mất thời gian lắm. Quý vị chính là Bụt là Bồ Tát đó, nếu quý vị nhận ra được đời sống là những cái nhiệm mầu”.

Có sáu đạo thần quang tức là sáu thức khiến cho mình có thể tiếp xúc được với tất cả những cái mầu nhiệm đó. Cung trời Đâu Suất của đức Bụt Di Lặc, hay cõi Tịnh Độ hay tam giới có mặt hiện tiền để mình có thể tiếp xúc liền ngay được. Tam giới là tam giới của mình chứ đâu nữa? Người ta lặp đi lặp lại một cách máy móc câu: “Tôi tu học để mau thoát khỏi tam giới”. Tổ Lâm Tế nói: “Đừng nói rằng quý vị đi tu là để thoát khỏi tam giới (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc). Thoát khỏi tam giới thì quý vị đi đâu. Ở ngay trong tam giới này đã có đủ Bụt, Pháp, Tăng, có Tịnh Độ, cõi Bụt, có đủ hết”. Khi tâm mình có ham muốn thì tức là mình đang ở trong cõi dục. Khi tâm có từ bi, hiểu biết thì mình đang ở trong cõi bồ tát, cõi Bụt.

Chúng ta đã có cơ hội được nghe những lời giảng, những lời khai thị rất nhiệm mầu của chư Tổ. Và chúng ta có cơ hội để được sống thật sâu sắc những giây phút của đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể tiếp nối sự nghiệp của chư Bụt. Chư Bụt rất gần chúng ta để được tiếp nối một cách đẹp đẽ.

Con đường của Bụt

(Trích trong pháp thoại ngày 20.11.2008 của Sư Ông Làng Mai)

Trong mùa an cư, chúng ta cần thực tập cho nghiêm chỉnh. Đừng đi ra khỏi giới trường. Làm thế nào để mỗi giây phút của mùa an cư trở thành sự thực tập –Sự thực tập chung của tăng thân và mỗi cá nhân. Mình phải biết tận dụng thời gian này, phải hạ quyết tâm để chuyển hóa những khó khăn nơi bản thân. Cơ hội được tu tập chung với tăng thân sẽ cho mình nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển hóa, để chế tác hạnh phúc hơn khi tu tập một mình. Năng lượng tập thể của tăng thân có thể giúp mình bước được những bước rất dài trong sự chuyển hóa. Bởi khi ta nương vào năng lượng tập thể của tăng thân thì niệm lực và định lực nơi ta sẽ mạnh mẽ hơn. Nhiều vị xuất gia đều ý thức được sự cần thiết của ba tháng an cư, nhưng vì Phật sự đa đoan, dù có cố gắng mấy, các vị ấy cũng chỉ an cư được có mấy tuần.

Quê Hương Đích Thực

Sự thực tập an cư miên mật được thể hiện qua việc hành trì giới luật và uy nghi. Và sự thực tập chánh niệm cũng là sự thực tập giới. Thầy đã và đang thực tập như vậy. Trong lúc vặn nước rửa mặt, Thầy tiếp xúc được với nước chảy ra từ vòi rất mát. Thầy ý thức được nó đến từ nguồn suối cao hoặc từ lòng đất sâu, và lòng biết ơn trong thầy luôn tràn đầy. Hành động chải răng cũng cho ta cơ hội để thực tập. Nếu mỗi giây mỗi phút của việc chải răng, mình  đều an trú được trong giây phút hiện tại thì mỗi giây mỗi phút ấy mang về cho chính mình thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc hay không hạnh phúc đều tùy nơi mình. Nghe chuông cũng là cơ hội cho mình tiếp xúc với hạnh phúc. Tiếng chuông giúp mình dừng lại –Dừng sự rong ruổi về quá khứ, dừng sự rong ruổi về tương lai. Dừng lại để nhận ra quê hương đích thực của mình đang ở đâu. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Trong bài thơ Quê Hương, nhà thơ Đỗ Trung Quân có định nghĩa quê hương là chùm khế ngọt, đường đi học,…Nhưng quê hương của chúng ta –Những người con thực tập theo con đường tỉnh thức của Bụt –khác với quê hương được định nghĩa như trên. Quê hương của chúng ta không phải chỉ ở nơi kỷ niệm, không phải chỉ là cái thiên đường ngày xưa. Chùm khế ngọt hay con đường đi học thân quen đã thuộc về quá khứ. Do vậy, cái quê hương được nói đến trong bài thơ trên chỉ là một ý niệm, mà không phải là thực tại. Có thể thời ấu thơ, mình được trèo hái những chùm khế ngọt đong đưa trong gió, được thả diều trong những buổi trưa hè, được đi học mỗi ngày trên con đường thân quen hay bắt bướm ven vệ đường…Mình có thể có hạnh phúc với những giây phút ấy thật. Nhưng có thể mình chưa có ý thức. Bởi có hạnh phúc là một chuyện, mà ý thức rằng mình đang có hạnh phúc lại là chuyện khác. Có may mắn là một chuyện, mà ý thức được rằng, mình đang có may mắn là một chuyện khác. Sự ý thức về những hạnh phúc, những may mắn của chính mình rất quan trọng, bởi nó chính là chánh niệm.

Khi nghe tiếng chuông,  mình trở về với hơi thở, và ý thức được sự có mặt thực sự của mình cho sự sống mầu nhiệm xung quanh như trời xanh, mây trắng, hoa vàng, cây táo, cây sồi,…Tất cả những thứ ấy là quê hương của mình, chứ không phải chỉ là chùm khế ngọt, con đò nhỏ,…của quá khứ đã đi qua. Quê hương đích thực của mình chính là sự sống diễn ra trong giây phút hiện tại. Và mình sẽ cảm thấy thoải mái ở bất kỳ nơi đâu, nếu mình có mặt được, tiếp xúc được với sự sống. Đừng để những cơ hội đẹp được tiếp xúc với quê hương đi qua trong hời hợt, trong quên lãng. Những người biết thực tập là những người luôn biết tận dụng những cơ hội như vậy. Và ba tháng an cư đang là cơ hội của tất cả chúng ta.

Con Đường Của Bụt

Con đường của Bụt là chủ đề của khoá tu an cư kiết đông năm nay. Đây là con đường Bụt đã đi, và chúng ta đang đi theo sự hướng dẫn của Ngài. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta chuyển hóa những khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao chúng ta cần học lại về con đường của Bụt trong khi nó đã được đề cập rất rõ ràng trong kinh luật luận? Lý do thật đơn giản, vì thế giới đang đi tới một trật tự mới –Một trật tự toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục… Và tất yếu, nền luân lý đạo đức cũng không thể nào ra khỏi quỹ đạo này. Một trật tự toàn cầu cần có một nền đạo đức được chấp nhận của toàn thể nhân loại. Bởi vì, mỗi châu, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi nhóm dân có nền văn hóa, nền đạo đức với những giá trị và tiêu chuẩn riêng. Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta cần đi tới sự công nhận những giá trị chung. Và những người tu tập theo đạo Bụt cần phải nói lên tiếng nói từ trái tim của mình để cống hiến cho nền đạo đức toàn cầu hóa này. Cụ thể, mình sẽ đem ra đóng góp gì?

Năm 1993, tại Chicago, một hội nghị thượng đỉnh về vấn đề đạo đức toàn cầu đã được diễn ra. Trong hội nghị này, một văn bản chuyên môn về đạo đức toàn cầu đã được một nhà thần học người Đức đưa ra. Khi đọc những tài liệu này, có thể tuệ giác của chúng ta sẽ được xúc chạm, và những cái thấy đó sẽ được đem đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu.

Trong tiếng Việt, có chữ đạo đức, luân lý. Chữ luân lý dùng để dịch cho chữ morality, và chữ đạo đức cũng có thể dịch là morality hay ethic. Chữ luân lý là một từ Hán việt. Luân là cách hành xử giữa người với người sao cho trọn vẹn, sao cho có hạnh phúc, và vắng mặt sự khổ đau. Có một từ liên quan đến chữ luân mà chúng ta cũng rất hay dùng là nhân luân. Nó có nghĩa là đạo đức của con người. Chữ là những nguyên tắc, luật lệ căn bản cho những hành động. Luân lý có thể là cách nói tắt của luân thường đạo lý. Chữ thường có nghĩa là chung –Những nguyên tắc hành xử giữa con người với con người được áp dụng chung cho tất cả mọi người, và được mọi người chấp nhận. Đạo là con đường. Và ở đây ngoài nghĩa trên còn có thêm một nghĩa nữa là lý luận. Như vậy, luân thường đạo lý có thể hiểu là những nguyên tắc luân lý đưa tới một con đường bằng những lối hành xử giữa con người và con người, và được chấp nhận bởi tất cả mọi người. Đây là quan điểm của người Á Đông. Người Á Đông còn quan niệm về đạo đức như sau: Đạo là con đường, đức là những tính tốt như sự thành thật, lòng nhân từ…Do vậy, đạo đức có thể hiểu là con đường hay đức hạnh.  Những đức hạnh mang lại cho mình những con đường. Con đường giúp mình tránh những đau khổ, và không làm cho người khác đau khổ. Con đường làm cho mình có hạnh phúc, và giúp cho người khác có hạnh phúc.

Khi đức Thế Tôn thành đạo, ngài cũng nghĩ đến con đường. Thành đạo có nghĩa là sự giác ngộ hoàn toàn, là sự giải thoát. Chữ thành đạo này không chỉ có nghĩa là con đường, mà nó còn có nghĩa là thấy chân lý, là thấy được sự thật, là sự thực hiện được sự thật, là một tuệ giác lớn. Đạo là tuệ giác và cũng là con đường để đi đến tuệ giác đó.

Tôn giáo cũng có thể dịch là tông giáo. Tông là truyền thống, tông phái. Chữ tôn giáo theo cách hiểu của Tây phương có dính líu tới Thượng Đế và niềm tin nơi đấng Thượng Đế. Nhưng tôn giáo không hẳn cần phải có niềm tin nơi một đấng hay một truyền thống nào đó. Chữ giáo có nghĩ là dạy. Có khi tôn giáo cũng được dịch là đạo –Đạo ở đây chỉ có nghĩa là con đường. Nếu dùng chữ đạo để dịch cho chữ religion thì chưa chính xác. Vì chữ religion có hàm chứa yếu tố đấng tạo hoá, mà chữ đạo không hàm chứa nghĩa về một đấng tạo hóa.

Trong đạo Bụt, ý niệm về con đường rất rõ. Bài giảng đầu tiên của đức Thế Tôn hướng về năm người bạn đã từng tu khổ hạnh với Người –Năm anh em ông Kiều Trần Như –đã đặt nền tảng cho một nền đạo đức. Bài giảng đó còn được gọi là Chuyển Pháp Luân Kinh. Trong bài giảng này, Ngài đề cập đến bốn sự thật mầu nhiệm và con đường của tám sự hành trì chân chính. Cụ thể, Ngài nói về khổ đau của con người, và cách chuyển hoá khổ đau đó. Chuyển Pháp Luân Kinh có thể là căn bản cho nền đạo đức Phật giáo. Nó rất thực tế. Nó không là triết học mà là đạo đức học.

Khổ Đế Và Tập Đế

Tứ Diệu Đế là bốn sự thật cao quý mầu nhiệm, hay còn gọi là Tứ Thánh Đế – Bốn sự thật thánh thiện, cũng có thể gọi là Tứ Chân Đế – Chân là chân thật không giả dối. Sự thật thứ nhất (khổ đế) công nhận có những khổ đau hiện diện trong cuộc đời. Ngay lời dạy đầu tiên của Ngài, mình có thể nhận thấy đức Thế Tôn rất thực tế. Ngài không dùng thời gian để nói về những vấn đề siêu hình không ích lợi cho đời sống của con người như vấn đề vũ trụ vạn hữu, ai đã tạo ra thế giới này. Ngài đưa chúng ta về với hiện trạng của bản thân chúng ta và hiện trạng của xã hội. Điều này rất cần thiết với mỗi chúng ta. Bởi muốn giải quyết những bức xúc, những khó khăn của chính mình cần phải biết nhìn lại mình, nhận diện những khổ đau đang có mặt và nguyên nhân dẫn đến những khổ đau đó. Nhiều người khi nghe ngài giảng, khổ đau là một sự thật, nên tìm đủ cách để chứng minh : tất cả đều là khổ. Lấy hết thời giờ của mình để chứng minh tất cả điều là khổ, sinh khổ, già khổ, bệnh khổ và chết cũng khổ. Từ cách hiểu như vậy đã dẫn đến sự phân chia khổ đau thành ba loại : khổ khổ, hành khổ, hoại khổ.

Khổ khổ là tự thân vốn là khổ, đau răng là khổ, mất người thương là khổ.
Hành khổ: hành là hiện tượng, tất cả các hiện tượng do nhân duyên tập hợp lại gọi là hành, thí dụ bông hoa là một hành, vì bông hoa được tạo nên từ rất nhiều nguyên nhân. Trong kinh nói chư hành vô thường, đây là một sự thật. Không có cái hành hay sự vật nào mà không vô thường. Không những cái đau răng của mình là vô thường mà cái răng của mình cũng vô thường. Đau răng cũng khổ mà không đau răng cũng khổ, hễ có răng là có khổ. Răng đau cũng khổ rồi mà răng chưa đau cũng khổ vì trước sau gì thì nó cũng đau. Ý tưởng này hơi cưỡng ép. Nếu các hành là khổ thì đâu có cái gì là không khổ đâu?
Thứ 3 là hoại khổ, cái gì cũng tàn hoại hết, nó tàn hoại là khổ mà chưa tàn hoại cũng khổ như thường.
Người mà giản nhưng điều này chỉ muốn chứng tỏ lời Bụt là đúng, rằng tất cả đều là khổ. Nhưng Bụt không hề nói như vậy. Bụt chỉ nói là cái khổ đang có mặt và chúng ta phải tìm cách giải quyết những cái khổ.  Đừng nên hiểu lời Bụt dạy theo cách quá giáo điều. Hiểu như thế thì rất tội cho Bụt. Do đó, khi giảng dạy về sự thật thứ nhất, chúng ta nên tránh cách hiểu : tất cả là khổ. Nên hiểu: tất cả là vô thường hay vô ngã thì đúng hơn.

Trong xã hội khi sinh ra một đứa con thì đó là một niềm vui, tới ngày sinh nhật thì mình ăn mừng sinh nhật và hát bài happy birthday. Nếu nói sanh ra là khổ thì sao lại hát bài happy birthday to you, hay ăn mừng sinh nhật ? Nói già cũng khổ, nhưng đối với thầy, thầy thấy già rất vui, thầy già nên thầy biết. Người già thì trong người không có những năng lượng quá bồng bột, không có những bức xúc của tuổi trẻ. Già rất đằm, có thể sống sâu sắc được, già hay lắm đấy.

Khi còn trẻ, mình như một dòng suối nhảy múa trên núi, mình thao thức muốn đi ra biển càng sớm càng tốt. Nhưng khi dòng suối chảy đến đồng bằng, và hòa vào dòng sông thì tự nhiên nó sẽ chảy chậm lại. Khi đi chậm lại, mình sẽ thấy mây trời hiện ra trong lòng của mình. Đâu phải làm dòng suối mới vui, làm dòng sông cũng vui vậy. Và tuổi già cũng có rất nhiều điều kiện để mình sống vui phải không? Trong cuộc đời, ai mà không một lần bệnh. Nếu nói không biết bệnh là gì thì hơi xa rời thực tế. Còn nhỏ mà bị không bệnh thì lớn lên hệ thống miễn dịch sẽ rất yếu, và mình có thể sẽ chết bất cứ lúc nào. Nhờ có những cảm sốt vặt vãnh khi còn nhỏ nên khi trưởng thành hệ thống miễn dịch mới mạnh mẽ chống đỡ được với những con vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập. Cho nên bệnh không hẳn là điều tiêu cực. Vì không bệnh, tham dục sẽ nổi lên. Bệnh có thể là trợ duyên cho sự tu tập của mình. Còn vấn đề chết thì sao? Nếu không có chết thì làm sao có sống được. Nếu già không chết, lấy chỗ đâu cho con cháu sống? Thử tưởng tượng nếu trên trái đất toàn những ông bà già măn trăm, sáu trăm tuổi chống gậy lọm khọm vừa đi vừa ho sù sụ thì chán chết. Trong cơ thể, nếu không có tế bào chết đi thì những tế bào mới không thể sinh ra được. Cho nên cái chết rất cần thiết cho mình. Nếu mình chết với tuệ giác là chết mà không chết thì sự tái sinh của mình không phải là khổ

Những người thực tập theo lời Bụt dạy cần phải uyển chuyển, khéo léo để sự hiểu và vận dụng giáo lý của Ngài phù hợp với hoàn cảnh sống.  Ngày xưa không có hiện tượng hâm nóng địa cầu,
Không có nhiều căng thẳng, nhiều người bị bệnh tâm thần như ngày nay. Cũng không có nhiều bạo động và khủng bố, không có sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lối sống của người xưa không gây tàn hại môi trương khốc liệt như ngày nay, Cũng không có nhiều chiến tranh giữa các tôn giáo. Đây là những nỗi khổ có thật của thời đại, những khổ đế mà mình phải nhận diện. Vấn đề ở đây không phải đi tìm kiếm cái khổ mà là gọi đúng tên cái khổ đó. Mình biết khổ là có thật để tìm đường chuyển hoá.

Sự thật thứ hai là Tập Đế, tập đế là nguyên nhân dẫn tới khổ đau. Muốn thấy được con đường thoát khổ thì phải thấy được những gốc rễ của khổ đau. Muốn chuyển hoá tình trạng hâm nóng địa cầu thì mình phải thấy nguyên nhân từ đâu dẫn tới chuyện hâm nóng địa cầu ? Cách mình tiêu thụ hằng ngày, sử dụng xe hơi, nuôi xúc vật để ăn thịt, phá hủy rừng cây… Tất cả những cái đó đều góp phần làm nóng địa cầu. Và chỉ khi biết rõ những nguyên nhân dẫn đến cái khổ, ta mới có thể chuyển hóa cái khổ hiệu quả được. Cái thấy này là một sự đóng góp rất thực tế cho nền văn hóa toàn cầu.

Rõ ràng, chủ trương của Đạo Bụt không đòi hỏi phải có đức tin nơi một ai, không cần tin Bụt, không cần tin Thượng Đế, chỉ cần biết dựa vào tuệ giác của chính mình để chấp nhận sự có mặt của khổ đau, tìm ra nguyên của khổ đau, và chuyển hóa khổ đau nơi mình và cuộc đời.

Cửa giải thoát

Nghiệp

Trong đạo Phật thường nói ý là căn bản của hành động và lời nói. Khi suy nghĩ điều thiện thì lời nói sẽ lành và hành động khắc đẹp. Nghiệp là một thói quen, có tất thảy ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý. Nghiệp có thể là nghiệp nhân, nguyên nhân của hành động, nhưng cũng có thể là nghiệp quả, kết quả của hành động. Nghiệp nhân giống như là hạt giống, nghiệp quả ví như là quả. Khi tư duy (khởi tâm) thì nó trở thành một năng lượng, và năng lượng đó chỉ mới là hạt giống. Nhưng hạt giống thì thế nào cũng sẽ thành cây và kết trái.

Khi mình khởi tâm từ bi thì xung quanh mình là cả một thế giới từ bi. Khi mình khởi tâm muốn giết chóc hay muốn trả thù thì lập tức bên mình là cả một thế giới thù hận. Cho nên phải rất chánh niệm gìn giữ ba nghiệp thân, khẩu và ý, đừng để cho những nghiệp xấu dẫn đi. Chỉ cần mình khởi lên một tâm ý thôi thì quả báo đã được hình thành ngay trong giờ phút ấy rồi. Tuy mình không thấy nhưng tâm niệm ấy đã đi tới người kia và đang ảnh hưởng lên người kia. Có nhiều cái mắt thường chúng ta không nhìn thấy nhưng nếu có ai đó biết chỉ cho chúng ta thì ta lại không tin. Trong không khí không có gì, nhưng trong không khí có hơi nước, hơi nước mình không thấy nhưng nó có hơi nước. Tư duy của mình mình không thấy nhưng nó đang hoạt động. Nó là một năng lượng, nó có mặt và nó đang lên đường. Khi mình có một tư duy rất từ bi, mình thương được người hay làm khó làm dễ mình, thì lúc phát khởi tình thương năng lượng ấy đã lên đường rồi. Tư duy cho đúng thì tâm tư của mình sẽ chuyển đổi được thế giới.

Khi chúng ta tư duy thì lời nói chính là kết quả của tư duy ấy, và hành động chỉ là kết quả chót cùng. Một tư duy thiện sẽ đem nhiều ánh sáng đến cho thế giới. Còn tư duy mà bất thiện thì nó sẽ có hại cho thế giới. Cho nên thế giới này có phẩm chất nhiều hay không là do sự đóng góp của mình. Mình sinh ra ở thế giới này thì mình là nghiệp quả của thế giới này. Và mình đang ở đây là do những nghiệp thân, khẩu và ý mà mình đã gây ra trong quá khứ nên mình sinh ra trong thế giới này.

Gieo gió thì gặp bão. Gió là nghiệp nhân, bão là nghiệp quả. Chúng ta biết đóa hoa là biểu hiện của một quả báo. Nói tới “quả báo” người ta hay nghĩ rằng đó là một kết quả xấu, nhưng thực ra không phải vậy. Quả báo của một người làm vườn giỏi là có được những chậu hoa rất đẹp. Nhưng nụ hoa đó không chỉ do một mình người làm vườn tạo ra mà có cả triệu nguyên nhân khác nữa: có nắng, có mưa, có phân bón… có rất nhiều thứ mới tạo ra được bông hoa đó. Dù là đóa hoa, cái bàn, hay cái đèn cũng vậy, cả tôi cũng vậy mà bạn cũng vậy. Sự biểu hiện này là do vô số nhân duyên, có hàng triệu nguyên nhân tới với nhau để giúp cho bông hoa biểu hiện. Trải qua trùng trùng duyên khởi mới tới được một nghiệp quả. Khi nhìn một đóa hoa mình tiếp xúc được với hàng triệu nguyên nhân. Các nguyên nhân tới từ người, từ cầm thú, cỏ cây, thế giới đất đá… Nếu có ai đem tới cho mình một đóa hoa, mình cám ơn người ấy không thì chưa đủ vì đóa hoa đó có mặt ở đây là do vô lượng nguyên nhân.

Những bạo động trong xã hội mà chúng ta đang thấy là kết quả của bao nhiêu tuyệt vọng bao nhiêu tức tối và bực bội đã tích tụ lại. Những chuyện đó mình tưởng là không dính líu gì tới mình, nhưng thật sự là mình cũng có phần trách nhiệm trong đó. Cách mình ăn uống, cách mình hành xử với chính mình cũng tạo nên những nguyên nhân phụ, nguyên nhân xa để đưa tới sự việc này. Do đó, mình có thể chuyển đổi thế giới bằng cách thay đổi lối tư duy, nói năng và hành động của mình. Phải thấy tất cả những gì xảy ra cũng từ cả một cộng đồng.

Trong mỗi một con người đều có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những gì của riêng mình, như tên tuổi là riêng mình, mình là con của ông đó, bà đó, mình sống tại đó. Nhưng mình cũng có cộng nghiệp và gần nhất là gia đình mình. Cộng nghiệp lớn nhất là của xã hội, đất nước và địa cầu của mình. Một triết gia nói “ Con người là tổng thể của tất cả hành động của người đó ”. Tuệ giác có từ khăp muôn phương, không phải chỉ đạo Phật mới có tuệ giác. Những câu rất hay trong thánh kinh, cũng là tuệ giác. Nhìn kỹ và nhìn sâu để thấy hàng triệu nguyên nhân đến với nhau. Khi chúng ta chết thì chúng ta không thể nào trở thành hư vô được. Có một người hỏi tôi là chồng cô ấy đã chết và bây giờ đã đi đâu? Tôi trả lời: một đám mây không thể nào chết được, đám mây có thể thành mưa, thành tuyết, thành nước đá. Người thương của mình khi chết đi cũng chỉ là biến dạng thôi, biến dạng thành nhiều hình thức khác, phải thật thông minh, chăm chú ta mới tìm ra được người đó. Sự tan rã xác thân không phải là sự tan rã của người ấy. Người đó có rất nhiều năng lượng đang biểu hiện cùng khắp. Tư duy được chế tác ra mỗi ngày, mình có mặt trong thân thể mình nhưng mình cũng đang có mặt khắp nơi trên thế giới.

Trong quả báo có y báo và chánh báo. Chánh báo là mình và y báo là hoàn cảnh và môi trường xung quanh, y báo gần nhất là gia đình, làng xóm, xã hội và dân tộc mình. Chính mình cũng tạo ra môi trường của mình. Tại sao mình chọn chỗ này mà không chọn chỗ khác, đi tu chỗ này mà không đi tu chỗ khác? Mình tự chọn y báo cho mình, mình thấy tu chỗ này gần gũi với mình hơn. Trong mình có chánh báo, là sự lựa chọn của mình và y báo là môi trường mình tu. Mình nghĩ tất cả sự sống của mình gói trọn trong thân ngũ uẩn này, nếu trái tim này ngừng đập thì mình sẽ chết liền. Nhưng nhìn chung quanh sẽ thấy mình có những trái tim khác, tuy nó không nằm trong thân thể mình nhưng nó cũng là mình. Mặt trời là trái tim thứ hai, nếu không có mặt trời thì sẽ không có nắng, và cỏ cây cũng không mọc được, và không có mặt trời thì ta cũng không sống được. Lá phổi rất quan trọng với chúng ta nhưng không có rừng cây thì không có dưỡng khí, nếu không có dưỡng khí thì chẳng ai sống được. Khi ấy lá phổi, trái tim của mình dù có tốt đến mấy cũng chết thôi. Đừng tưởng rằng mình chỉ có một trái tim, mình có nhiều trái tim lắm.

Phá vỡ thế nhị nguyên

Có một chướng ngại rất khó vượt qua mà Bụt gọi là Nhị Nguyên. Nhị nguyên là khuynh hướng phân biệt của chúng ta giữa chủ thể và đối tượng.

Ta cứ tưởng chủ thể không dính níu gì tới đối tượng, nhưng nhìn kỹ thì chủ thể và đối tượng chỉ là một. Mình cứ nghĩ mình là chủ thể và Làng Mai là đối tượng, là cái bên ngoài. Nhưng phải có chủ thể thì mới có đối tượng, cho nên chủ thể và đối tượng là hai mặt của một đồng tiền. Không có đối tượng thì không có chủ thể và ngược lại, không có chủ thể thì không có đối tượng, hai cái tương tức với nhau.

Chúng ta nghĩ mình có một tri giác riêng biệt và bông hoa nằm ngoài tri giác của mình. Khi mình tới với bông hoa thì mình biết đấy là bông hoa. Con mắt chạm phải bông hoa sinh ra cái thấy. Cái thấy (chủ thể) và cái bị thấy (đối tượng) là hai mặt của một thực tại. Thực tại là thấy bông hoa, con mắt thấy bông hoa sinh ra nhãn thức. Ví dụ mình nói tới một tri giác, khi tri giác thì phải là tri giác cái gì, tri giác về bông hoa, mình tưởng bông hoa nó như vậy, tưởng về Làng Mai như vậy. Mình ráng phân biệt nụ hoa và người ngắm hoa. Vật thể được nhìn và chủ thể nhìn. Một cái tưởng có thể kéo dài chừng một sát na, đơn vị nhỏ nhất của một giây. Trong sát na đó chúng ta có một cái bóng về cái hoa. Thí dụ như trong đêm tối, có một người cầm một bó nhang đang cháy và quay nhiều vòng, thì mình có thể thấy được rất nhiều hình dạng của bó nhang. Nhiều điểm sáng liên tiếp nhau tạo ra một vòng tròn. Nhưng thật ra nó không phải là một vòng tròn. Một triết gia nói là hình ảnh của mình chỉ là một chuỗi dài của những tri giác. Mình mới hé thấy một chút về sự thật thì mình chắc mẻm nó là như vậy. Trong vật lý điện tử nói: “khi mình nhìn sâu vào những điểm nhỏ thì mình có thể thấy được cái tâm của mình ở trong đó”. Cái tâm mình bây giờ như vậy, nhưng chút nữa nó đã khác rồi.

Khi người cha, người mẹ nhìn con cái của mình thì phải thấy con mình là mình và phải thấy được cả cháu nội, cháu ngoại mình trong con của mình nữa chứ không phải chỉ thấy có con không thôi. Người con ngược lại phải thấy bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình đang có trong mình. Sự tan rã của thân này không phải là sự tan rã của sự sống, nó có thể là một bước tiến mới, nó thể là một sự bắt đầu cho một cái gì đó rất thâm sâu và đẹp đẽ. Quả báo của mình giống như là một ngân hàng nếu mình tư duy thiện thì ngân hàng của mình đầy những quả báo lành, nếu mình tư duy bất thiện thì ngân hàng của mình đầy những quả báo xấu. Không có cái gì mất đi hết, nó chỉ biểu hiện từ hình thái này qua hình thái khác. Hơi nước bốc lên từ biển cả, sông hồ rồi gặp khí lạnh trên cao nó ngưng tụ lại thành một đám mây và khi đám mây nặng đám mây rơi xuống thành những cơn mưa và làm giọt nước trở lại.

Cá nhân và tập thể tương tức với nhau, không có tập thể thì không có cá nhân. Không có cá nhân thì không có tập thể. Lúc giận có thể mình hay nói “ Cuộc sống của con không dính líu gì tới ba má hết ” Nhưng cuộc sống của mình dính líu chặt chẽ với  những người mình thương. Mình nghĩ thần kinh thị giác chỉ là của riêng tôi thôi không dính gì tới người ngồi kế bên, nhưng nếu mình đi chung xe với 4 hoặc 5 người thì thần kinh thị giác của mình có liên can với 5 người kia. Khi cái xe đằng trước nhào tới mà người lái xe không phản ứng kịp và bị cái xe kia tông thì tất cả những người trên xe đều chết. Cái gì cũng có cá nhân và tập thể hết. Có những tập thể liên hệ ít và có những tập thể liên hệ nhiều. Những điều mình làm đều dính với nhau. Mình làm ở đây nhưng chỗ kia cũng bị ảnh hưởng. Khi tư duy thì mình tư duy cho cả thế giới chứ không phải cho riêng mình. Khi tha thứ được, thương được thì mình là người có hạnh phúc trước. Dù người đó có đối xử với mình như thế nào thì mình cứ vẫn thương. Có trách nhiệm với mình không thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm cả với thế giới.

Cho dù thân này có tàn hoại thì sự sống của mình vẫn tiếp tục, vẫn rất đẹp đẽ. Vì mình có khả năng sống với những gì Bụt dạy, sống với những tư duy hiền, tư duy biết điều, tư duy từ bi, đừng để cho những tư duy hận thù hay bạo động xâm phạm. Khi có chánh niệm thì sẽ có những tư tưởng từ bi. Ai cũng có Phật tính, đó là khả năng chánh niệm, tỉnh thức sâu sắc. Mình có quyền chế tác ra những tư tưởng từ bi. Tuy đang thực tập cho mình nhưng người khác cũng sẽ được hưởng lợi lạc từ sự thực tập ấy. Có những lúc mình đi không có chánh niệm và mình nói: thôi con sẽ đi cho Thầy, con đi bằng bàn chân của Thầy, đi với sự tỉnh táo thảnh thơi. Làm như vậy thì những vết thương trong lòng sẽ tự chữa lành. Đánh răng súc miệng cũng làm trong chánh niệm với niềm hạnh phúc là mình đang được sống.

Trong mỗi phút giây của đời sống mình phải tập như là đang ăn mừng sự sống. Nếu đợi trái tim ngừng đập rồi mới biết ăn mừng sự sống thì đã quá muộn. Cho nên phải ăn mừng sự sống ngay bây giờ. Vui mừng vì mình còn đôi mắt để thấy được những sắc màu kỳ diệu, có đôi chân khỏe để bước được nhưng bước thảnh thơi mà không cần phải ngồi trên xe lăn. Mình thực  tập để tiếp xúc với sự sống từng phút từng giây. Không ai có thể tới siêu thị để mua niềm vui và sự hiểu biết được mà phải tự mình nhìn sâu để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc xung quanh. Muốn như thế thì lúc nào cũng phải đem thân về với tâm, an trú trong phút giây hiện tại và nở một nụ cười. Mình có thể nhìn người kia bằng con mắt từ bi. Bất cứ trong trường hợp nào mình cũng có thể nhìn lại để tạo ra một nguồn năng lượng lành và từ bi cho mình và những người xung quanh. Với những người đang có khó khăn với mình, mình cũng có thể gởi năng lượng lành tới người đó liền bây giờ chứ không cần gặp người đó mới gởi. Mỗi người là một nữ hoàng, là một quốc vương, chúng ta phải có khả năng xử lý vương quốc của chính mình. Đừng để cho những giận hờn, bực bội nhào tới tấn công, phải làm chủ lấy thân tâm và nhất định chỉ đi về hướng tốt lành thôi.

Bụt đã ngồi hàng giờ tại cội Bồ Đề và Ngài đang ngắm cái tánh không của mỗi người mỗi vật. “Không” ở đây không phải là không có gì hết, không phải là hư vô. Không có nghĩ là không có một thực thể riêng biệt, một sự kiện riêng biệt. Một thiền sư nổi tiếng ở thế kỷ thứ 2 là Long Thọ, ngài đã nói là nhờ không mà tất cả mọi sự mọi việc đều thực hiện được. Nhờ cái hoa không có cái ta riêng biệt nên nó nhận được ánh nắng mặt trời, đất và người làm vườn…, cho nên nó mới biểu hiện được thành một bông hoa. Nhờ tánh không của mọi sự mọi vật mà bạn mới biểu hiện được cũng như tôi mới biểt hiện được. Để cho cái ly này đầy thì trước hết nó phải có mặt. Ta phải biết phân biệt giữa chữ “hư vô” và “không thấy”. Không thấy không có nghĩ là không hiện hữu.

Trong đời sống vợ chồng mình phải tiếp xúc được với cái tánh không của đời sống lứa đôi. Khổ đau của mình hay của người kia không còn là cái riêng tư nữa. Hạnh phúc của mình phải là hạnh phúc của người kia. Tuyệt vọng của người kia cũng là tuyệt vọng của mình. Phải thấy được sự tương tức đó. Có một câu kệ là “năng lễ sở lễ tánh không tịch”, tức là người lạy và người được lạy đều có tánh không. Khi đứng trước Bụt mình “không” mà Bụt cũng “không” nghĩa là mình không có một thực thể riêng biệt mà Bụt cũng không có một thực thể riêng biệt,  nhờ vậy nên mình với Bụt mới tương tức. Con với Bụt là một cho nên mới “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Nếu mình là mình người kia chỉ là người kia, không có tánh không thì mình sẽ không có truyền thông được với nhau.

Muốn có được truyền thông thì phải bỏ cái nhị nguyên. Nếu mình chưa thấy được tánh không của mình, của người khác hay của mặt trời, mình nói mặt trời ơi, nắng ơi, mặt trời và nắng là không cho nên nắng mới đi vào trong tôi được. Nếu như tôi có cái ta riêng biệt và chặn cùng hết thì nắng và mặt trời đâu vào được trong tôi. Mình phải thấy được sự hiện diện của người thương. Đừng để người đó mất đi thì mình mới thấy được người đó đang ở trong lòng mình. Mẹ mới mất nhưng mình cũng thấy rõ là mẹ đang ở trong mình, ba cũng đang ở trong mình. Nếu như con chỉ là con, mẹ chỉ là mẹ thì làm sao con cảm nhận được mẹ trong con? Mình cũng có thể nói với Bụt là: Con có trong Bụt và Bụt đang trong con. Nhận diện tính cách không của mình và nhận diện tính không trong Bụt. Tính không là một trong ba cánh cửa giải thoát : Không, vô tướng, vô tác. Đi qua được hai cánh cửa đó (không và vô tướng) thì thân tâm sẽ rất nhẹ nhàng. “Bồ Tát quán tự tại khi quán chiếu thâm sâu bát nhã ba la mật, tức diệu pháp trí độ bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn”. Nhờ thấy được tánh không mà mình vượt thoát buồn lo, giận hờn.

Vô Sinh Bất Diệt

Khi ngọn lửa cháy thì nó sẽ nuốt que diêm của tôi, điều này cũng đúng với tuệ giác về không. Ý niệm về không không thể cứu mình được, chỉ khi nào sống được với tánh không thì mới thoát khỏi ràng buộc hệ lụy. Phải tự tu, tự sống mới thấy được. Pháp của Bụt ví như một chiếc bè qua sông nhưng đừng để bị kẹt vào chiếc bè. Bức tượng Bụt có thể rất đẹp nhưng ta đừng để bị kẹt vào tượng Bụt.

Mình có thể sống với ý niệm về không. Cái bè không phải là bờ sông bên kia, cái bè chỉ là phương tiện đưa mình qua bờ. Và cái bè đó chính là cái ý niệm về không. Lắng nghe lời Bụt, lời Thầy cho sâu sắc, hết lòng thì tự khắc tàng thức của mình sẽ làm việc. Khái niệm không phải là sự sống.

Nhiều người biết rõ khái niệm về vô thường, nhiều khi họ còn giảng giải hùng hồn về vô thường nhưng không sống được với vô thường, vẫn hành xử như sự vật là thường. Nếu mình thương người này thì mình thương tuyệt đối, mình ghét người này thì mình ghét tuyệt đối giống như là người này xấu hoài xấu mãi vậy. Tốt hay xấu là do nhiều điều kiện đưa đến. Người này hôm nay như vậy nhưng ngày mai họ lại khác, cho nên mình đừng nên đóng khung họ lại mà phải sử dụng lưỡi kiếm vô thường để đừng bị kẹt. Biết được điều này thì mình phải làm cho người xung quanh hạnh phúc ngay lập tức. Mẹ không sống đời với mình, thầy cũng không sống cả đời với mình. Phải sử dụng cánh cửa vô thường để trân quý từng phút giâu khi được sống bên thầy, khi đang còn đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Đó chính là tu. Mình phải làm cho cha mẹ, những người xung quanh có hạnh phúc ngay bây giờ. Em mình có thể đang mạnh khỏe nhưng biết đâu ngày mai nó bị xe đụng thì sao? ‎

Ý niệm về vô thường không phải là tuệ giác về vô thường. Phải sống được với ý niệm vô thường thì mới gọi là có tuệ giác vô thường. Khi bị bệnh thì chỉ cần biết là mình bệnh thôi, đừng để bị kẹt vào căn bệnh, đừng có khổ đau dằn vặt là tại sao hôm qua tôi đang khỏe mạnh mà hôm nay tôi lại như vậy. Vô thường thôi chứ có gì đâu, hôm qua mình khỏe thì hôm nay mình bệnh, hôm nay mình bệnh thì ngày mai mình cũng có thể khỏe, vô thường mà.

Có danh từ Niết Bàn. Niết Bàn là sự tắt ngấm mọi ‎ý niệm, để mình sống được với thực tại. Trái cam là một ý niệm, nhưng khi ăn trái cam vào thì nó là một sự thật. Đừng bị kẹt vào ý niệm vô thường, mình chưa có tuệ giác về vô thường, nên đôi khi mình bị kẹt vào ý niệm vô thường. Vô thường là một pháp, dùng pháp để giải thoát mình chứ đừng dùng pháp để nhốt mình vào một cái kẹt khác. Trong Kinh Kim Cương có nói “pháp mà còn bỏ huống là cái không phải pháp ”. Cả hai đều phải buông thì mình mới thâm nhập được vào pháp đó. Niết Bàn là sự tắt ngấm của những khái niệm. Khái niệm sinh ra và chết đi cũng là khái niệm, nhưng không có gì sinh ra và cũng không có cái gì chết đi hết.

Trong cuộc đời có những khái niệm làm cho mình rất khổ, khái niệm là tri giác, tri giác là cái thấy. Khi chúng ta nhìn sự vật thì chúng ta không thấy hết mà chỉ thấy được một phần của thực tại nên chúng ta khổ. Không có gì đến từ hư không hết. Tờ giấy không tới từ hư không, tờ giấy tới từ rất nhiều điều kiện: cây trong rừng, cây có từ mưa và từ nắng. Sự xuất hiện của cây và lá không phải tới từ sự sinh ra mà là sự tiếp nối của những sự sinh ra đó. Khi nhìn sâu vào tờ giấy mình thấy được kiếp trước và tương lai của nó. “Này tờ giấy của tôi ơi, em đang có mặt trong cuộc đời này, kiếp trước của em là nắng, là đất, là mưa, là cây. Bây giờ em biểu hiện thành một tờ giấy. Sự biểu hiện của em bây giờ là để tiếp nối đường đi thôi bởi vì mình không thể nào từ hư vô mà hiện hữu được”. Hư vô sẽ không thể trở thành hiện hữu. Không hiện hữu hay hiện hữu cũng là một khái niệm.

Khi tôi vẽ một đường thẳng và tôi chấm vào một điểm gọi điểm đó là năm tôi sinh. Mình nghĩ trước cái điểm sinh ra mình chưa là gì cả. Tới chỗ mình chết mình cũng nghĩ tới đây là hết. Nếu nghĩ rằng trước khi sinh ra ta là hư vô và sau khi chết đi ta cũng là hư vô thì đó là cái nhìn rất cạn, cái thấy ấy gọi là cái thấy nhị nguyên. Trước khi biểu hiện thành tờ giấy thì tờ giấy đó không phải tới từ hư vô mà tới từ rừng cây, từ nắng, từ mưa, từ đất, tới từ người nghĩ ra cách nghiền cây thành bột để làm giấy, cha mẹ của người công nhân làm giấy và hàng triệu nhân duyên khác nữa. Trải qua trùng trùng duyên khởi tờ giấu mới có mặt ở đây. Cho nên, thay vì nói “mừng ngày sinh nhật của bạn” thì mình nói, “mừng ngày tiếp nối đường đi của bạn”. Nếu điểm sinh ra là một điểm tiếp nối đường đi thì sự chết đi cũng chỉ là một sự tiếp nối đường đi. Khi thấy đám mây tiếp nối thành cơn mưa thì mình nói” “chào em, em nhớ tiếp nối đường đi cho giỏi nhé”. Ý niệm về sinh ra không áp dụng vào thực tại được. Nhìn sâu sẽ thấy rằng mình chỉ là một sự tiếp nối thôi. Bản chất của mình là không sinh không chết. Khi thấy được và sống được với cái thấy ấy thì mình không còn sợ hãi và đau buồn nữa. Mình không sợ rằng đang hiện hữu bỗng trở thành hư vô và cũng sẽ không còn sợ chết nữa.

Khi đủ điều kiện thì tôi sinh, khi không đủ điều kiện thì tôi cũng chấp nhận để trở thành cái khác. Mình cũng có thể lấy đi những ý niệm về hiện hữu và không hiện hữu. Ví dụ ta có một bao diêm. Nhìn bao diêm ta chưa thấy ngọn lửa, nên cứ tưởng rằng ngọn lửa không có mặt, nhưng thật ra nó đã có mặt sẵn đó rồi, chỉ cần thêm một nhân duyên là quẹt que diêm vào vỏ bao là ngọn lửa xuất hiện. Cho nên khi thấy bao diêm ta có thể nói: “Ngọn lửa ơi, ta biết em đang ở đó”. Khi ngọn lửa đang cháy mà bị tắt thì ta biết rằng vì những điều kiện mất đi nên ngọn lửa ẩn tàng chứ ngọn lửa không chết. Khi nhân duyên đầy đủ thì nó biểu hiện, khi điều kiện không đủ thì nó ẩn tàng, ẩn tàng nhưng vẫn còn đó.

Thượng đế là căn nguyên của sự sống là nền tảng của sự sống. Nếu thượng đế là nền tảng của hiện hữu thì ai là nền tảng của không hiện hữu? Nền tảng của Như Lai vượt trên những ý niệm. Như Lai là không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Nếu thượng đế được giải thích về cả hai mặt hiện hữu và không hiện hữu thì mới tương đương với Như Lai. Khái niệm hiện hữu không hiện hữu không diễn tả thực tại được và mình cũng không thể diễn tả thượng đế hiện hữu hay không hiện hữu. Đừng bỏ thượng đế và Như Lai vào trong hộp, mình phải giải phóng hết những ý niệm để thực sống và nếm được thực tại. Hiện hữu hay không hiện hữu không phải là vấn đề. Nhân duyên tới đâu thì tôi biểu hiện như vậy, khi nhân duyên không đủ thì tôi không biểu hiện dưới dạng khác. Mình không kẹt vào cái nào hết, tôi không đi về đâu hết. Thực tại của tôi là không đến không đi, không sinh không diệt. Đừng tả Như Lai theo kiểu đến và đi.

Đừng có ngồi đó khen hay mà không thực tập, ta phải thực tập để cho cái khái niệm về không đó đi được vào trong mình. Mình sống từng phút từng giây trong đời sống của mình như là không để mình tiếp xúc được với cái thực tại rất là không của mình. Và thực tại rất là không của người không dễ thương kia. Tại điều kiện nó như vậy nên người kia mới như vậy, tại điều kiện như vậy nên mình mới như vậy. Mình không có gì để tự hãnh diện, hay xem nhẹ người kia, hoặc đề cao người kia hết. Mình giải thoát khỏi những ý niệm rất cạn.

Vô Tướng

Cánh cửa giải thoát thứ hai là vô tướng. Đừng bị kẹt vào tướng. Nhìn sâu để tiếp xúc với cái tính chân thật của sự vật vốn là không, không có cái ta riêng biệt, vì không có cái ta riêng biệt nên những điều kiện mới có thể vào – ra được. Bị vướng mắc vào đám mây, cho nên khi đám mây mất mình khóc rất nhiều. Mình bị kẹt vào hình tướng nên khi mẹ mất mình khổ bởi vì mẹ không còn biểu hiện ra trong hình tướng này nữa. Mình đang kẹt vào cái hiện hữu và không hiện hữu. Phải biết là người đó chỉ ẩn tàng thôi và sẽ biểu hiện ra dưới những hình thái khác. Đừng để bị lường gạt bởi những cái nhìn cạn cợt của mình. Người thương của mình đang có mặt trong những hình thái mới. Người kia đã mất nhưng mình cũng biết là người đó vẫn còn có trong mình và mình nói “ anh ơi em biết anh vẫn đang còn có đó cho em và em nghe anh còn sống rất nhiều trong em” mình phải cảm nhận được người thương của mình trong mình.

Vô Tác

Đừng có để một cái gì trước mặt rồi chạy theo dù là quả vị Bụt, tại vì quả vị Bụt đang có trong mình và đang ở đây, tại mình không khám phá thôi. Nếu như mình muốn sinh vào cõi Tịnh Độ thì đừng có chạy đi tìm Tịnh Độ vì cõi tịnh độ đang có mặt bây giờ và ở đây. Nếu muốn thành Phật thì mình đã và đang thành Phật. Mình đã là cái người mà mình muốn chạy theo. Như là hoa sen, nó đã đủ đẹp rồi, nó không cần trở thành một bông cúc. Nếu có đủ niệm định và tuệ thì hạnh phúc, niềm vui ở cõi Tịnh Độ đang có mặt với chúng ta. Bầu trời xanh, tiếng chim hót là tịnh độ. Chúng ta có thể rong chơi trong cõi tịnh ấy.

Có thể dùng bùn để chế tác ra hoa sen, dùng những cái rủi ro trong cuộc đời để làm nên hạnh phúc. Hãy học cách dừng lại mà đừng tiếp tục chạy, chạy sẽ chỉ gây nên tàn phá mà thôi. Nếu bước một bước và mình dừng lại được với giây phút hiện tại thì mình đang thực tập vô tác. Tiếp xúc bây giờ và ở đây thì mình sẽ tiếp xúc ngay với Tịnh Độ. Cõi Tịnh Độ lúc nào cũng có mặt cho mình, chỉ tại mình cứ mải mê chạy theo hết cái này tới cái kia nên không có mặt cho cõi tịnh mà thôi. Hạnh phúc là cái có thể sờ mó được mà không cần chạy theo. Không cần có thêm một điều kiện nào nữa để đạt hạnh phúc.

Trong thánh kinh có câu truyện kể về một người nông dân khám phá ra trong một thửa ruộng nhỏ có một kho tàng. Trở về nhà ông bán hết tất cả những mảnh ruộng của mình đi bởi vì ông đã có cả một kho tàng rồi. Cái kho tàng đó chính là cõi Tịnh Độ của mình. Nếu mình có khó khăn thì mình sẽ dùng chính cái bùn đó để làm nên bông sen. Tu tập là tập dừng lại. Đừng đợi tới khi chết mới về cõi Tịnh Độ, phải thấy là cõi Tịnh Độ đang có mặt ở đây. Mình có thể bước vào cõi Tịnh Độ bằng chánh niệm. Một phút chứa đựng cả thiên thu. Cõi tịnh độ là một cái gì đó rất thật, rất rõ ràng không phải chỉ là ý niệm. Mỗi bước chân có ý thức mình có thể đi trong cõi Tịnh. Tu tập như vầy thì chúng ta sẽ chữa lành những buồn khổ của chúng ta và đồng thời cũng chữa lành quả địa cầu này. Bụt vốn là một người rất đơn giản nên những điều Ngài dạy cũng rất đơn giản, không rắc rối mà thật thâm sâu.

Chúng ta là một gia đình tâm linh. Tăng thân của chúng ta có mặt cùng khắp, và tình huynh đệ là cái gì đó có thật. Những lời dạy của Bụt là những điều Bụt đã trao truyền để làm tỉnh dậy đức Bụt trong lòng ta. Phải tu nếu không sẽ uổng lắm.

Gìn giữ cho nhau

Kính thưa Tổng Thống,
Kính thưa các vị chức sắc tôn giáo và quý vị nhân sĩ có mặt hôm nay tại hội nghị Thượng Đỉnh,

Tôi còn nhớ vào những năm sáu mươi, thanh niên Mỹ khi xuống đường để đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thường hay hô lớn khẩu hiệu ‘Make love, not war’ (Chỉ nên làm tình mà không nên làm chiến tranh). Hồi đó tôi đã từng suy ngẫm nhiều về khẩu hiệu này. Tình mà họ nói đây là thứ tình gì? Có phải là tình yêu chân thực không hay chỉ là sự đi kiếm tìm nhục dục? Nếu chỉ là sự đi kiếm tìm nhục dục thì tình ấy cũng là một thứ chiến tranh. Tôi cũng còn nhớ là vào năm 1971, trong trận chiến giành độc lập cho Bangaladesh, 200.000 người phụ nữ Bangaladesh đã bị quân lính hiếp dâm, và 40.000 người trong số đó đã có thai. Như vậy người ta đã vừa làm tình vừa làm chiến tranh, và tình ở đây đồng nghĩa với chiến tranh vì tình ở đây có nghĩa là bách hại, tàn phá, gây khổ đau và chết chóc.

Tình thương chân thật (true love), theo chúng tôi, luôn luôn có mang theo trong nó yếu tố chánh niệm, khả năng bảo hộ và ý thức trách nhiệm. Tình yêu này có năng lực của tự giác, hiểu biết và từ bi. Tất cả các nhà thờ, giáo đường và chùa viện của các tôn giáo đều phải có bổn phận dạy cho tín đồ của mình thứ tình yêu chân thực ấy, dạy như thế nào để cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể thực tập được. Trong truyền thống đạo Bụt, giới thứ ba của Năm Giới dạy rằng ta không thể có liên hệ sinh lý với những người không phải là vợ hay chồng của ta, rằng ta phải bảo hộ cho ta và cho kẻ khác, và phải có ý thức về những khổ đau mà ta có thể mang lại cho ta và cho kẻ khác vì hành động dâm dục không có tinh thần trách nhiệm của mình. Nếu không giữ giới này, ta tự hủy hoại đời ta và hủy hoại đời của những người ta thương và cũng đồng thời hủy hoại cả xã hội.

Thương yêu có chánh niệm mới đích thực là thương yêu. Ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong ngày hôm nay và sự thực tập này đem tới cho ta một sự bảo hộ có liền trong tức khắc. Tất cả mọi thành phần của tăng thân hoặc của giáo xứ đều phải thực tập chánh niệm về sự liên hệ sắc dục, nghĩa là giữ giới thứ ba. Làm được như thế ta lập tức bảo hộ được bản thân ta, gia đình ta, giáo xứ của ta và xã hội của ta. Vai trò của người lãnh đạo tôn giáo, vai trò của người tu sĩ, người giáo sĩ và người mục sư là phải tự bảo hộ lấy thân mạng mình và giáo xứ của mình. Nếu không làm được như thế thì làm sao họ có thể giúp được những giới khác và những đoàn thể khác trong xã hội? Khi mới ngồi vào máy bay, chiêu đãi viên luôn luôn nhắc chúng ta là trong trường hợp thiếu dưỡng khí ta phải tự mang mặt nạ dưỡng khí cho ta trước đã rồi mới nên giúp những người khác làm như thế. Về vấn đề bệnh SIDA cũng vậy. Bản thân ta, gia đình ta và giáo xứ ta phải là đối tượng đầu của sự thực tập bảo hộ. Yếu tố tỉnh thức và giác ngộ phải có mặt, phải được chế tác trong tăng thân và đoàn thể tu học của chúng ta trước. Tất cả trẻ em và người lớn trong tăng thân và đoàn thể tu học của ta phải được học hỏi về những sự thật liên hệ tới bệnh SIDA và cách thức nhiễm độc của vi khuẩn HIV. Tất cả đều phải thấy được những khổ đau mà chứng bệnh này gây ra cho cá nhân, gia đình, đoàn thể và xã hội, khi ta không biết thực tập giữ gìn cho ta và cho mọi người.

Chánh niệm là năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra. Những gì đang xảy ra là những niềm đau nỗi khổ do bệnh SIDA gây nên, lớn lao và tràn ngập đến nỗi không bút mực nào có thể tả được. Trong năm 2000 này đã có trên 5 triệu người chết vì bệnh SIDA và hàng triệu người đã bị vi khuẩn HIV nhiễm độc. Các thành phần của giáo xứ hoặc tăng thân có bổn phận phải đánh thức giáo xứ và tăng thân dậy để tất cả đều thấy được hiểm họa lớn lao có một không hai này. Ý thức về khổ đau đang có mặt, đó là sự thật thứ nhất của bốn sự thật mầu nhiệm gọi là Tứ Diệu Đế. Trong suốt 45 năm giáo hóa, Bụt thường nhắc lại câu nói này: ”Tôi chỉ dạy về khổ đau và sự chuyển hóa khổ đau thôi.” Chỉ khi nào nhận diện được khổ đau ta mới có thể nhìn sâu vào tự tính của khổ đau và khám phá ra những nguyên nhân đã đưa tới khổ đau ấy. Có thể là chỉ cần một, hai hoặc ba tuần lễ để học hỏi và quán chiếu về khổ đau và nguyên do của khổ đau thì cọng đồng tu học của ta, giáo xứ của ta sẽ bừng tỉnh dậy về sự thật bi đát của hiểm họa SIDA và vi khuẩn HIV đang xảy ra trong cọng đồng và trên thế giới. Khi tất cả tăng thân hoặc giáo xứ của ta đều ý thức được rõ ràng về thực tại khổ đau và những nguyên nhân của khổ đau thì mọi người sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để tự bảo vệ cho cả tăng thân hoặc giáo xứ của mình. Hành động cho kịp và thích ứng thì ta có thể chuyển hóa khổ đau thành an lạc và giải thoát.

Trong cuộc sống hàng ngày vì chỉ biết tiêu thụ trong thất niệm nên chúng ta đã góp phần tạo ra những khổ đau trong hiện tại. Đức Thế Tôn nói: ”Không có gì có thể sống sót được nếu không có thức ăn.” Tình thương không sống được nếu không có thức ăn. Khổ đau cũng không sống được nếu không có thức ăn. Vì vậy nếu ta biết nhìn sâu vào bản chất của khổ đau ta và nhận diện được nguồn thực phẩm mà ta đã sử dụng để nuôi nấng nó, thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường giải thoát và trị liệu. Những sản phẩm ta tiêu thụ hàng ngày để giải trí đã là một nguồn suối sâu dày của khổ đau. Phim ảnh, truyền hình, quảng cáo và sách báo, v.v.. đã cung cấp cho ta và cho con em ta những loại thức ăn mà mỗi chúng ta tiêu thụ hàng ngày qua sáu căn là mắt, tai, miệng, lưỡi, thân và ý. Những hình ảnh và âm thanh kia hàng ngày xâm chiếm và tràn ngập giác quan và tâm thức ta, và phần lớn đều có tác dụng tưới tẩm những hạt giống thèm khát, tuyệt vọng, bạo động và căm thù trong ta và trong giới trẻ. Con em chúng ta đã bị đầu độc quá nhiều bởi những độc tố ấy. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã chết đuối trong biển ma túy, nghiện ngập và dục tình. Vì vậy nếu ta biết thực tập chánh niệm trong khi tiêu thụ các sản phẩm gọi là văn hóa ấy thì ta có thể chấm dứt được tình trạng bị đầu độc của thân và tâm ta.

Trong đạo Bụt có sự thực tập Năm Giới để hướng dẫn cho ta nhận diện được những thực phẩm nào mà chúng ta sắp tiêu thụ. Nhờ chánh niệm ta có thể thấy được độc tố trong các loại thực phẩm gọi là đoàn thực, xúc thực, và tư niệm thực để chúng ta có thể khước từ không tiêu thụ chúng, không đưa những độc tố ấy vào trong thân tâm ta. Chúng ta phải thực tập để chỉ tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh có thể nuôi dưỡng thân và tâm ta. Tại các chùa, nhà thờ và thánh đường, mọi người phải có cơ hội tiếp nhận những giáo lý và những phép thực tập chánh niệm như thế. Thành phần nào của tăng thân và của giáo xứ cũng phải được hướng dẫn học hỏi và thực tập chánh niệm trong việc tiêu thụ. Để thực tập cho dễ thành công, mỗi người phải nương vào đoàn thể tu học của mình. Có nương vào tăng thân ta mới có đủ sự hướng dẫn, soi sáng và yểm trợ để có đủ năng lượng mà thực tập.

Tái lập truyền thông

Thực tập chánh niệm cũng giúp ta thiết lập lại được truyền thông với những người trong gia đình và quyến thuộc. Hạnh phúc chỉ có thể có mặt khi có hòa khí. Nếu ta không biết thực tập các phép lắng nghe và ái ngữ thì ta không thể tái lập được truyền thông giữa cha mẹ con cái và anh chị em. Khổ đau có thể đã phát sinh vì thế, và do đó cá nhân mới đi tìm sự khuây khỏa và lãng quên trong sắc dục, hút xách, rượu nồng và ma túy. Thảm trạng HIV / SIDA có liên hệ mật thiết đến vấn đề truyền thông trong gia đình, bởi vì thiếu sự truyền thông cho nên người ta mới đi tìm đến với sắc dục và ma túy. Mà sắc dục và ma túy là hai nguyên do chính đưa tới nhiễm độc HIV/ SIDA . Số người bị bệnh SIDA vì sử dụng kim chích ma túy rất nhiều, những chiếc kim này đã được những người có bệnh SIDA sử dụng trước đó. Trưởng giả Duy Ma Cật nói: Tại vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh. Khi cả thế giới bị thảm họa SIDA tàn phá, và hàng chục triệu người đang rên siết dưới gánh nặng của khổ đau vì tuyệt vọng thì ta không thể làm ngơ. Chỉ kêu gọi chính quyền và các tổ chức thiện nguyện thì chưa đủ.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải bắt đầu xây dựng tăng thân, cọng đồng và giáo xứ của họ bằng cách là phải thực tập những điều mà chính mình đang hô hào, kêu gọi và giảng dạy. Các vị giám mục, mục sư, linh mục và trú trì phải đứng lên làm gương cho cọng đồng của họ bằng sự tu tập của chính mình. Phải tái lập được sự truyền thông ngay trong chính cộng đồng tôn giáo của mình, phải hòa giải được với tất cả mọi thành phần của tăng thân – trong phạm vi giáo xứ, trong phạm vi gia đình và giữa những cộng đồng với những chủng tộc khác biệt trong mỗi thành phố. Sự thực tập này rất quan trọng. Khi cộng đồng đã có sự hài hòa, có sự học hỏi và quán chiếu về những khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau trong phạm vi hiểm họa SIDA thì mới có thể thành công. Nếu đoàn thể tôn giáo của ta đã có giác ngộ và hiểu biết về tình trạng hiểm họa, thì cái hiểu tự nhiên đưa tới cái thương. Chính yếu tố hiểu và thương này sẽ đem lại rất nhiều an ủi cho các nạn nhân của bệnh HIV và SIDA . Chúng ta biết rõ rằng thuốc men không đủ để đối phó với hiểm họa. Những người bị nhiễm độc HIV và có bệnh SIDA thường bị kỳ thị, hắt hủi, sống trơ trọi ngoài lề gia đình và xã hội. Tăng thân hoặc giáo xứ phải cung cấp tình thương và sự hiểu biết cho họ, thì sự chữa trị mới có thể thành công. Nếu không thực sự có hiểu và có thương thì ta sẽ không làm được gì cụ thể để giúp những người đang khổ đau, dù ta có rất nhiều tài năng và thiện chí.

Dựng lại tăng thân

Sự thực tập chánh niệm chỉ thành công lớn trong phạm vi tăng thân, nghĩa là trong một đoàn thể mà ai cũng nguyện sống trong tỉnh thức và trong tinh thần hòa hợp. Có nhiều cái ta không làm được khi ta làm một mình, nhưng cùng với tăng thân thì ta lại làm được. Sống với tăng thân, ta thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, thực tập thiền tọa, thiền hành và ăn cơm im lặng rất dễ dàng. Chúng ta cũng thực tập tiêu thụ trong chánh niệm một cách rất dễ dàng, tại vì tăng thân luôn luôn có đó để soi sáng cho ta và yểm trợ cho ta thực tập. Theo tôi thì xây dựng tăng thân là công trình cấp thiết và đáng giá nhất của thời đại chúng ta.

Trong truyền thống đạo Bụt, sau khi tiếp nhận Năm Giới, cứ mỗi nửa tháng người ta lại tập họp với nhau tại chùa để tụng giới và dự pháp đàm về Năm Giới để chia sẻ kinh nghiệm thực tập và tìm thêm những cách thức hữu hiệu hơn nữa để áp dụng Năm Giới vào đời sống hàng ngày. Vị giáo thọ hay trú trì thường tham dự trọn buổi pháp đàm, đóng góp tuệ giác và kinh nghiệm của mình và hướng dẫn cho tín đồ bằng kinh nghiệm tu tập của mình. Nếu có cá nhân nào trong tăng thân gặp khó khăn thì tăng thân có đó để yểm trợ cho người ấy. Một tăng thân đích thực là một tăng thân có mang trong nó sự có mặt của Phật thân và Pháp thân. Điều này cũng tất nhiên phải đúng trong các truyền thống tôn giáo khác. Tăng thân với tăng nhãn (mắt Tăng) của mình, nhờ sự thực tập và quán chiếu, sẽ có thể hiểu được tình trạng khó khăn của ta và chỉ bày cho ta phương thức dẫn ta ra khỏi tình trạng ấy, giúp cho ta tự bảo hộ ta, bảo hộ gia đình và xã hội của ta.

Ngày nay, tuổi trẻ bỏ nhà thờ rất nhiều, tại vì nhà thờ không cung cấp cho họ những giáo lý và thực tập thích hợp với hoàn cảnh của họ. Nhà thờ không đáp ứng được với những nhu cầu có thật của tuổi trẻ. Làm mới lại giáo hội bằng cách giảng dạy những gì thích hợp và cung cấp những phép hành trì thích hợp với tuổi trẻ, đó là cách duy nhất để đưa tuổi trẻ trở về lại với giáo hội. Ta phải làm mới giáo hội và đoàn thể của ta lại bằng sự thực tập xây dựng tăng thân. Xây dựng tăng thân trên nền tảng thực tập chánh niệm – vì chánh niệm sẽ đem tới hiểu biết, thương yêu và năng lượng bảo hộ và hòa giải. Người lãnh đạo giáo hội, dù xuất gia hay tại gia, đều phải tự mình thực tập trước đã. Chúng ta phải dạy bằng thân giáo của mình. Giới trẻ sẽ không tin ta nếu ta không sống theo điều ta dạy. Vấn đề then chốt của HIV và SIDA là vấn đề hành xử, vấn đề giữ giới. Đó là thực tập chánh niệm. Nếu ai cũng có tăng thân để bảo hộ và soi sáng cho mình để mình có thể biết mình đang hành xử như thế nào thì mình sẽ không còn mang lại khổ đau cho chính bản thân và cho gia đình và xã hội mình nữa.

Đi vào Tịnh Độ

Tôi thường nhắc nhở các giới đệ tử của tôi rằng năng lượng chánh niệm chế tác do sự thực tập hàng ngày cũng tương đương với năng lượng của Thánh linh. Mỗi chúng ta đều có hạt giống chánh niệm trong tâm. Nếu ta biết thực tập thở trong chánh niệm, đi đứng trong chánh niệm, nằm ngồi, làm việc và tiêu thụ trong chánh niệm, thì hạt giống ấy sẽ trở thành một nguồn năng lượng sinh động trong ta, bảo hộ ta, giúp ta hiểu, thương và hành động đúng theo chánh pháp. Đối với người Cơ Đốc và Do Thái, điều này tương đương với sự sống hàng ngày đặt trong sự có mặt của Thượng Đế. Tôi đã chỉ dạy cho rất nhiều người bị bệnh nan y, giúp cho họ tập đi trong Tịnh Độ hay trong nước Chúa mỗi ngày. Nếu ta biết trở về với hơi thở chánh niệm và thực hiện được trạng thái thân tâm nhất như thì ta sẽ không còn bị ràng buộc bởi quá khứ và tương lai vì ta sẽ có khả năng bước ngay vào Tịnh Độ hay là vào nước Chúa trong giây phút hiện tại, và tiếp xúc được với tất cả những nhiệm mầu có mặt trong ấy. Nếu ta có thảnh thơi và tự do, thì Tịnh Độ có mặt ngay trong giờ phút này.

Tự do đây không phải là tự do chính trị; đó là sự giải thoát khỏi mọi lo lắng, đau buồn, sợ hãi và nuối tiếc. Thiết lập được thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại là ta có thể bước ngay được vào Tịnh Độ hay là trong nước Chúa. Riêng tôi, ngày nào tôi cũng thực tập đi trong Tịnh Độ. Dù tôi đang ở trong một nhà ga hay tại một phi trường, dù tôi đang ở trên Vạn Lý Trường Thành hoặc bên sườn núi Thứu, tôi đều có cơ hội bước đi thảnh thơi trong Tịnh Độ. Tịnh Độ hoặc nước Chúa là nơi mà chánh niệm, hiểu biết, thảnh thơi và từ bi có mặt. Đó là định nghĩa Tịnh Độ của tôi. Trong chúng ta ai cũng có khả năng chánh niệm, ai cũng có khả năng an trú trong hiện tại. Ta chỉ cần thực tập để khả năng ấy hiển lộ và lớn lên. An trú trong hiện tại, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong ta và quanh ta. Đôi mắt của quý vị là một mầu nhiệm. Trái tim của quý vị là một mầu nhiệm. Trời xanh là một mầu nhiệm. Tiếng chim hót là một mầu nhiệm. Nếu quý vị có mặt được cho những mầu nhiệm ấy thì những mầu nhiệm ấy sẽ có mặt được cho quý vị. Tất cả những mầu nhiệm của Tịnh Độ đang có mặt cho quý vị ngay trong giờ phút này. Chỉ sợ quý vị không có mặt cho những mầu nhiệm ấy mà thôi. Nước Chúa đang có mặt trong khoảnh khắc này đây và tại ngay đây. Câu hỏi cần hỏi là quý vị đang có mặt cho nước Chúa hay không mà thôi. Nếu thực tập giỏi quý vị sẽ thấy Tịnh Độ có mặt trong từng tế bào của cơ thể quý vị. Không gian vô cùng và thời gian vô tận đang có trong từng tế bào. Và quý vị có thể bước đi thảnh thơi trong từng tế bào của cơ thể quý vị. Đây là giáo lý mầu nhiệm của kinh Hoa Nghiêm.

Khi chánh niệm của ta vững mạnh, khi ta tiếp xúc được năng lượng của Thánh linh, ta sẽ có thể đi tới kiến tánh, nghĩa là thấy được tự tánh của chúng ta. Kinh Pháp Hoa dạy rằng thực tại có thể được tiếp xúc qua bản môn hoặc tích môn. Về phía tích môn, ta thấy có sinh có diệt, có còn có mất, có tới có đi. Về phía bản môn, ta thấy tự tính của ta là vô khứ vô lai, bất sinh bất diệt, không còn không mất. Trong Phật giáo, bản môn là tự tính, là niết bàn – Trong Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Nếu quý vị là tín hữu Ki-tô giáo, thì chắc chắn quý vị không thể nói rằng Chúa Ki-tô chỉ bắt đầu hiện hữu sau khi được sinh ra trong máng lừa và không còn hiện hữu nữa sau khi bị đóng đinh trên cây thập tự. Không! Tự tính của Chúa Ki-tô là vô sinh bất diệt. Sinh diệt không thể động tới Ki-tô. Đạo Bụt ưa sử dụng danh từ biểu hiện hơn là danh từ tạo sinh. Nếu ta quán chiếu về tự tính của tạo sinh qua tuệ giác biểu hiện ta sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ.

Xin mời quý vị nhìn vào hộp diêm trong tay tôi đây và cho tôi biết quý vị có thấy ngọn lửa có mặt hay không. Dù ngọn lửa chưa biểu hiện, quý vị cũng không thể nói rằng nó không có mặt. Nó đang có mặt trong những điều kiện sẽ làm cho nó biểu hiện. Tất cả mọi điều kiện làm cho ngọn lửa biểu hiện đã đầy đủ, chỉ thiếu một điều kiện chót, đó là một động tác của bàn tay tôi, động tác quẹt que diêm vào vỏ hộp diêm. Ngọn lửa ơi, ngươi hãy biểu hiện đi. Tôi đang quẹt diêm đây. Ngọn lửa đã biểu hiện rồi. Nó không phải là một sự tạo sinh (creation). Nó chỉ là một sự biểu hiện (manifestation). Sự giáng sinh của Chúa Ki-tô là một biểu hiện, không phải là một sự tạo sinh. Nếu thấy được điều này quý vị có thể tiếp xúc được với Ki-tô trong bất cứ giờ phút nào, bởi vì trong bản môn, Chúa Ki-tô là vô sinh bất diệt. Trong đạo Bụt, người ta thấy rằng không những Bụt Thích Ca và Chúa Ki-tô mới có tự tính vô sinh bất diệt mà tất cả chúng ta cũng như tất cả mọi hạt sõi và mọi chiếc lá đều có tự tính vô sinh bất diệt ấy. Nếu ta thực tập tiếp xúc được với tự tính không sinh diệt của ta thì ta sẽ vượt thoát được sự sợ hãi và mọi vọng tưởng điên đảo khác. Ta có thể sống an lạc vui tươi, dù hình hài ta chỉ còn tiếp tục biểu hiện trong vài tháng hoặc vài năm.

Tôi đã giảng dạy và huấn luyện cho nhiều bệnh nhân bị ung thư, SIDA và nhiều chứng bệnh nan y khác thực tập và sống trong tinh thần này. Nhiều vị đã có thể sống an lạc những giờ phút còn lại của sắc thân họ, và thọ mạng của nhiều vị đã được kéo dài. Có vị khi mới tới nói rằng bác sĩ của họ nói rằng họ chỉ còn sống được chừng ba tháng, nhưng nhờ thực tập, họ đã sống được tới mười lăm hoặc hai mươi năm. Tôi rất mong các nhà thờ, các thánh đường và các chùa viện cung cấp được giáo lý và sự thực tập tiếp xúc bản môn này cho những người bị HIV và SIDA và cho cả bất cứ ai, để mọi người có thể cùng được hưởng lợi lạc. Mỗi người tín đồ hoặc đạo hữu trong giáo xứ và tăng thân phải có cơ duyên thực tập để tiếp xúc được với tự tính bất sinh bất diệt của mình trong đời sống thường nhật. Tiếp xúc được thì ta sẽ có tuệ giác và năng lượng vô úy. Ta sẽ không còn sợ hãi và sầu đau nữa. Ta cũng như một đợt sóng, khi biết tự tính của mình là nước rồi thì không còn sợ hãi sự lên xuống ra vào nữa.

Khi đã có được chất liệu vô úy, ta sẽ trở thành pháp khí, sẽ có năng lượng độ đời và giúp người như các vị bồ tát. Tất cả những ai đã bị HIV và SIDA cũng có thể trở nên những vị bồ tát tự giúp mình và giúp người thức tỉnh để tự bảo hộ mình, bảo hộ người, giúp người vượt thoát sợ hãi, thực hiện trị liệu và kéo dài thọ mạng. Cuộc chiến Việt Nam đã làm tổn hại không biết bao nhiêu sinh mạng. Hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, những người sống sót sau cuộc chiến vẫn còn mang đầy thương tích, nhất là cựu chiến binh. Tôi đã từng tổ chức các khóa tu cho cựu chiến binh Hoa Kỳ. Tôi khuyến khích họ phát nguyện bồ tát, đứng lên giáo hóa cho quần chúng biết thế nào là chiến tranh và những khổ đau cùng cực mà chiến tranh đem lại cho cả người lớn và trẻ em. Tôi nói rằng họ là những ngọn lửa trên đầu cây đèn nến: họ đã biết ngọn lửa chiến tranh tàn bạo đến mức nào. Nhưng ngọn lửa ấy có thể soi sáng cho nhân loại. Họ có thể làm nhân chứng và có thể xác định với quần chúng rằng cái mà ta thật sự muốn chính là hòa bình, là tình huynh đệ mà không phải là chiến tranh.

Mỗi người cựu chiến binh có thể trở nên một vị bồ tát đi làm công việc tỉnh thức nhân loại. Ta phải thấy rõ được rằng một cuộc chiến tranh như thế sẽ không nên bao giờ xảy ra trong tương lai. Nếu làm được việc này, thì cuộc đời họ sẽ trở nên một cuộc đời có ý nghĩa, và họ sẽ có thể thực hiện được sự trị liệu cho bản thân một cách mau chóng và đem lại nguồn vui sống cho chính họ và gia đình họ. Những ai là nạn nhân của HIV và SIDA cũng thế. Một khi đã phát được tâm bồ đề, nguyện đứng lên thức tỉnh mọi người và chỉ hướng cho mọi người để ai cũng có thể tự bảo hộ mà đừng sa vào hiểm nạn SIDA, thì những người bị HIV / SIDA sẽ thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa, sẽ có một năng lượng lớn trong tâm, sẽ tìm lại được niềm vui sống, sẽ được trị liệu mau chóng và sẽ có thể kéo dài thêm thọ mạng.

Đưa Thánh Linh trở về

Thưa Tổng Thống, thưa quý vị,

Những điều tôi vừa nói không phải đã được trích dẫn từ kinh sách mà từ kinh nghiệm sống và thực tập của tôi. Đem áp dụng được thì ta có thể bảo hộ lập tức cho ta, cho gia đình ta, cho cọng đồng và xã hội ta. Ta có thể chế tác được chất liệu hiểu và thương để có thể giúp cho những ai đã rủi ro vướng vào tai nạn HIV và SIDA được có nhiều cơ hội hơn mà đi tới trên con đường bình phục. Ta có thể thực tập và tiếp xúc với Tịnh Độ và nước Chúa ngay trong ngày hôm nay. Ta có thể bắt đầu công việc chữa trị cho ta và cho thế giới bắt đầu ngay từ giờ phút này. Bất cứ trong truyền thống tâm linh và tôn giáo nào ta cũng có thể thực tập chánh niệm, ái ngữ, lắng nghe, chế tác hiểu biết, từ bi và chất liệu vô úy. Nếu tu tập mà không chế tác được những hoa trái ấy, thì ta tu tập làm gì? Phép tu của ta có hữu hiệu không? Ta phải tự hỏi mình và hỏi nhau. Nếu đường lối giảng dạy và thực tập của ta không mang đến kết quả thì ta phải thay đổi. Ta phải thực tập thế nào để chế tác cho được niệm, định, tuệ, từ bi và vô úy. Ta phải thực tập như thế nào để Thánh linh có mặt trở lại trong giáo đoàn và giáo xứ. Xây dựng tăng thân là con đường giúp ta ra khỏi tình trạng nguy nan hiện tại. Xây dựng tăng thân để có nơi nương tựa cho ta, cho gia đình ta và xã hội ta là công trình đáng giá nhất của thế kỷ thứ hai mươi mốt. Tăng thân là nơi nương tựa đích thực, vì Chân Tăng luôn luôn mang theo trong lòng nó Chân Phật và Chân Pháp.

Xin mời quý vị an trú thảnh thơi trong hơi thở và bước chân trong những ngày hội nghị Thượng Đỉnh, trong lúc chúng ta đang được tập họp như một tăng thân. Và xin cảm ơn liệt vị đã chăm chú lắng nghe.

Bài thuyết giảng bằng tiếng Anh

 

Address to the World Summit on HIV & AIDS at The White House, December 1, 2000

On December 1, 2000, Thich Nhat Hanh gave this Dharma talk at the White House in Washington, D.C., during a conference on AIDS. Thay is deeply aware of the suffering caused by AIDS, and offered teachings to encourage those present to respond to that suffering and to conduct themselves in ways that would bring relief to themselves, their families, and society.


Immediate Protection

By Thich Nhat Hanh

In the 1960s, American young people marched in the streets, shouting “Make love, not war.” I reflected deeply on this. What kind of love were they speaking of? Was it true love? If it were true love, it would be the opposite of war. If it were only craving, one could not call it “true love.” Making love out of craving is making war at the same time. In 1971, during the war for Bangladesh independence, soldiers raped 250,000 women; ten percent of these women became pregnant. These soldiers made love and war simultaneously. That kind of love is not true love.

True love contains the elements of mindfulness, protection, and responsibility. It carries the energy of enlightenment, understanding, and compassion. A church has to dispense the teaching on true love to all members of the church and to the children. In the Buddhist teaching, detailed in the third Mindfulness Training, a sexual relationship should not take place without true love and a long-tenn commitment. We must be aware of the suffering we bring upon ourselves and others when we engage in unmindful sexual activities. We destroy ourselves. We destroy our beloved. We destroy our society.

Mindfulness in the act of loving is true love. This practice of mindfulness can take place today and serve as our immediate protection. All church members should begin today the practice of mindful sexual behaviors. This is what I call immediate protection for ourselves, our community, and our society. The role of church leaders, in my belief, is to first protect themselves and their own community. If not, they cannot help protect others. When we are on an airplane, the attendant reminds us that if there is not enough oxygen, we must put on our own oxygen mask before we help another person. Similarly, our self, our own family, and religious community should be the first target of our practice and action. The elements of awakening and enlightenment need to take place immediately in our own religious community.

Children and adults should be well-informed about the problems of HIV infection and AIDS. They should be aware of the suffering that can be brought upon the individual, as well as the family, community, and society, through unmindful sexual activities. Mindfulness is the energy that helps us to know what is going on. What is going on now is a tremendous amount of suffering. In the year 2000, more than five million people died of AIDS; many still weep over this loss. Members of the church must wake the church up to the reality of suffering.

The awareness of suffering is the first of the Four Noble Truths emphasized by the Buddha. Next, every member of the church and of the temple has to be aware of the roots of the suffering. This is the second Noble Truth. During the forty-five years of his teaching, the Buddha continued to repeat his statement: “I teach only suffering and the transformation of suffering.” Only when we recognize and acknowledge our suffering, can we look deeply into it and discover what has brought it about. It may take one week, two weeks, or three weeks of intense activities before the whole community, the whole church, or the Sangha will wake up to the tragedies of HIV and AIDS in its own community, as well as in the world at large. When the church and all its members are aware of the reality of suffering and its root causes, we will know what to do and what not to do for protection to be possible. The appropriate course of action can transform our suffering into peace, joy, and liberation.

Daily unmindful consumption in our society has contributed greatly to the present suffering. The Buddha said, “Nothing can survive without food.” Love cannot survive without food; neither can suffering. Consequently, if we know to look deeply into the nature of our suffering and to recognize the kind of nutriments that have fed and perpetuated it, we are already on the path of emanci- pation. Entertainment in the media is a deep source of suffering. Movies, television programs, advertise- ments, books, and magazines expose us and our children to a kind of unwholesome nutriment, which we ingest every day via our sense organs, namely eyes, ears, nose, tongue, body, and mind. All of us are subject to invasions of these images, sounds, smells, tastes, and ideas. Unfortunately, these sorts of sounds, sights, and ideas in the media often water the seeds of craving, despair, and violence in our children and in us. There are so many items in the realms of entertainment that have destroyed us and our children. Many are drowned in alcohol, drugs, and sex. Therefore, to be mindful of what we consume-both edible foods and cultural items-is vital. The Fifth Mindfulness Training guides us to look at each nutriment we are about to ingest. If we see that something is toxic, we can refuse to look at it, listen to it, taste it, touch it, or allow it to penetrate into our body and our consciousness. We must practice to ingest only what is nourishing to our bodies and minds. The church has to offer this teaching and practice to all its members. The practice of protecting ourselves and our family is difficult, because the seeds of craving, violence, and anger are so powerful within us. We need the support of the Sangha. With the support of the Sangha, we can practice mindful consumption much more easily. Mindful consumption can bring us joy, peace, understanding, and compassion. We become what we consume.

Mindfulness also plays a critical role in relationships and communication. Relationships in the family are only possible if we know how to listen to each other with calm and loving kindness, if we know how to address each other with loving speech. Without the practice of loving speech and rnindfullistening, the communication between members of the family becomes tenuous. Suffering may result from this lack of communication. Many lose themselves in forget- fulness, and take refuge in sex, alcohol, violence, and tobacco. The problems of HIV infection and AIDS are intricately linked to these issues of poor relation- ship in the family and reckless consumption of sex and drugs. The layman Vimalakirti said, “Because the world is sick, I am sick. Because people suffer, I have to suffer.” The Buddha also made this state- ment. We live in this world not as separated, individual cells, but as an organism. When the whole world is devastated by the pandemics of HIV infection and AIDS, and many fellow humans are in desperate situations, our sense of responsibility and compassion should be heightened. We should not only call for help from the government and other organizations. Religious leaders need to take active roles in rebuilding our communities and reorganizing our churches by the embodiment of their own practice. The practice should aim to restore the communication between church members, between family members, and between ethnic groups. Com- munication will bring harmony and understanding. Once understanding is there in the church and the community, compassion will be born.

We know that with diseases, medical therapy alone is inadequate. We know that many people with lllV and AIDS are alienated from their own families and society. The church can offer understanding and compassion to people who suffer. They will no longer be lonely and cut off, because they will see that understanding is there, awakening is there, and compassion is there, not as abstract terms or ideas, but as realities. To me, that is the basic practice of the Sangha; that is the basic practice of the church. Without understanding and compassion, we will not be able to help anyone, no matter how talented and well-intentioned we are. Without understanding and compassion, it is difficult for healing to take place.

Thus, the practice of mindfulness should take place in the context of a Sangha-a community of people who strive to live in harmony and awareness. There are many things that we cannot do alone. However, with the presence and support of members of the community, these things can become easier for us to achieve. For example, when we have the Sangha to support us and shine light on us, we can have more success in the practices of sitting meditation, walking mediation, mindful eating, and mindful consumption. To me, Sangha building is the most noble task of our time.

In the Buddhist tradition, after we have received the Five Mindfulness Trainings, we come together every fortnight and recite them. After the recitation, we gather in a circle to have a Dharma discussion, learning more about these Five Trainings. We also discuss and share our personal experiences, in order to find better ways to apply the teaching and the practice of these trainings into our daily life. The Dharma teacher, the priest, or the monk attends the entire discussion session, contributes and guides the Sangha with his or her experiences and insights. If an individual in the Sangha has difficulties, the whole Sangha is available to support that person.

A true Sangha is a community that carries within herself the presence of the Buddha and the presence of the Dharma. The living Sangha always embodies the living Buddha and the living Dharma. The same must be true with other traditions. The Sangha, with her Sangha eyes, through the practice of mindfulness and deep looking, will be able to understand our situations and prescribe the appropriate course of practice for the protection of ourselves, our families, and society.

Today, many young people are leaving the church because the church does not offer them the appropriate teaching and the appropriate practice. The church does not respond to their real needs. Renewing the church by dispensing the appropriate teachings and practices is the only way to bring young people back to the church. We need to renew our church, rebuild our communities, and build Sanghas. This is the most basic and important practice. Again, in order to carry out this task, church leaders, whether clergy or laity, should embody the teaching and the practice. Young people do not only listen to our verbal messages. They observe our actions. Thus, we teach not with our sermons or our Dharma talks alone, but we teach through our behavior and our way of life.

Some people contract H N or AIDS from blood transfusions, but often, the issue of HIV infection and AIDS is an issue of behavior. If mindfulness practice is there, and each person has the Sangha to help him or her be mindful, then we should be able to avoid bringing suffering upon ourselves, our families, our communities, and our society.

I often tell my students and others that the energy of mindfulness, generated by the practice in daily
life, is equivalent to the Holy Spirit. The seed of mindfulness is there in each one of us. Once we know how to touch the seed of mindfulness in us through the practices of mindful breathing, mindful walking, mindful thinking and consuming, then it will become a living source of energy in us. Mindfulness always brings about concentration, insight, understanding, and compassion. The practice brings back the energy of awakening and generates the energy of God in our daily life. I have trained people with terminal illness to walk in the Kingdom of God every day. If you know how to dwell in the here and the now, and invest 100% of yourself into your in-breath and out- breath, you become free of the past and of the future. You can touch the wonders of life right in the present moment. The Kingdom of God is available in the here and the now, if you are a free person. This is not political freedom that I am talking about. This is freedom from worries and fear, freedom from the past and the future. If you can establish yourself in the here and the now, you have the basic condition for touching the Kingdom of God. There is not one day that I do not walk in the Kingdom of God. Even when I walk in the railway station, along the Great Wall, or at the airport, I always allow myself the opportunity to walk in the Kingdom of God. My definition of the Kingdom of God is where stability is, mindfulness is, understanding is, and compassion is.

Each person has the energy of mindfulness within. Each person has the capacity of dwelling in the here and the now. Once you are fully in the present moment, you touch all the wonders of life that are available within you and around you. Your eyes are wonders of life. Your heart is a wonder of life. The blue sky is a wonder of life. The songs of the birds are wonders o f life. I f you are available to life, then life will be available to you. All the wonders of the Kingdom of God are available to you today, at this very moment. The Kingdom of God is now or never. Thus the question becomes, are you available to the Kingdom of God? The Kingdom of God can be touched in every cell of your body.

Infinite time and space are available in it, and if you train yourself, it will be possible for you to walk in the Kingdom of God in every cell of your body.

When we are able to touch the Holy Spirit through the energy of mindfulness, we will also be able to have a deeper understanding of our true nature. The Buddha taught that there are two dimen- sions to reality. The first is the Historical Dimension, which we perceive and experience chronologically from birth to death. The second is the Ultimate Dimension, where our true nature is revealed. In Buddhism, we may call the ultimate reality “Nirvana,” or “Suchness.” In Christianity, we may call it “God.” If you are a Christian, you know that the birth of Jesus does not mean the beginning of Jesus. You cannot say that Jesus only begins to be on that day. If we look deeply into the nature of Jesus Christ, we find that his nature is the nature of no-birth and no- death. Birth and death cannot affect him. He is free from birth and death. In Buddhism, we often talk in terms of manifestations rather than creation.

If you look deeply into the notion of creation in terms of manifestation, you may discover many interesting things. I have a box of matches here with me, and I would like to invite you to practice looking deeply into this box of matches, to see whether or not the flame is there. You cannot characterize the flame as nonbeing or nonexistent. The flame is always there. The conditions for the manifestation of the flame are already there. It needs only one more condition. By looking deeply, I can already see the presence of the flame in the box, and I can calIon it and make it manifest. “Dear flame, manifest your- self!” I strike the match on the box, and there, the flame manifests herself. It is not a creation. It is only a manifestation.

The birth of Jesus Christ is a manifestation, and the death of Jesus Christ on the cross is also a manifestation. If we know this, we will be able to touch the Living Christ. In the Buddhist teaching, not only the Buddha has the nature of no-birth and no- death, but every one of us, every leaf, every pebble, and every cloud has this nature. Our true nature is the nature of no-birth and no-death.

I have learned from my practice that only by touching the Ultimate Reality in us can we transcend fear. I have offered this teaching and practice to numerous people with terminal illness. Many of them have been able to enjoy the time that is left for them to live with joy and peace, and their lives have been prolonged. In certain cases, the doctors told them that they had just three months or so to live, but they took up the practice and they lived fifteen to twenty more years. My wish is that the church will dispense teaching and practice on how to touch our Ultimate Reality to people who have been struck with the mvI AIDS, and also to those who have not. We should be able to help members of our community live in such a way that we can all touch Nirvana, that we can all touch the Ultimate Dimension within us in our daily lives. With the learning and the practice, we will be able to touch our true nature of no-birth and no-death. That is the only way to remove fear. Once the wave realizes that her nature-her ground of being-is water, she will transcend all fear of birth and death, being and nonbeing. We can help the people who do not have much time to live, so that they are able to live deeply with joy and solidity for the rest of their lives.

Once we can establish ourselves in the here and the now, and the fear of death is removed, we become the instruments of peace, of God, of Nirvana. We become bodhisattvas-enlightened beings working to free others from their suffering. Those of us who have been struck with mvIAIDS can become bodhisattvas, helping ourselves and other people, and acquire that energy of healing called bodhicitta, or the mind of love.

During the Vietnam War, numerous Vietnamese and American soldiers and civilians died, and many who survived were deeply affected. Twenty-five years later, the survivors continue to be devastated by this war. I have offered a number of retreats to American war veterans. I tell them that they can become bodhisattvas because they already know what the suffering of war is about. I advise them that they should play the role of the flame on the tip of the candle. It is hot, but it will help create the awareness, the realization, that war is what we do not want. We want the opposite. We want true love. Each person can transform into a bodhisattva, creating the awareness in his or her own people, so that we will never have a war like this one again. You life will have a new meaning and the energy of true love will guide you.

The Fourth Noble Truth is the path to end suffering and attain well-being. This path you have chosen to end suffering-your own and others’- is the bodhisattva path. Not only can you transcend the suffering of the past, but you bring joy and peace to yourself and your beloved ones, because you are helping to awaken people in your own community and society. The war veterans can practice creating awareness and waking people up, and the people who have been struck by mv and AIDS can do likewise. Once motivated by the desire to work for true love, we can engage our daily lives in the activities that awaken and embrace others as well as ourselves. The work of a bodhisattva will help our healing process to take place very quickly. Our lives may become longer and of deeper quality than the lives of many who do not have mv or AIDS.

Everything I have said comes from the experience of my own practice. I do not tell you things that I have read in books. It is possible for us to install immediate protection today, for ourselves, our families, and our communities. It is possible to provide understanding and compassion to those who suffer, so that everyone has the appropriate opportu- nities and conditions to heal. It is possible to experi- ence the Kingdom of God in the here and the now. It is possible to help the world heal as we are healing ourselves. Whatever our religious background, we must practice in such a way that we bring forth understanding, compassion, true love, and non-fear, so that possibilities become actualities. I f our practice does not yield these flowers and fruits, it is not true practice. We must have the courage to ask ourselves: “Is our practice correct? Do we generate understand- ing, awakening, and compassion every day?” If we do not, we have to change our way of teaching and our way of practicing.

To me, the Holy Spirit is the energy of God, representing the energy of mindfulness, of awakening to the reality of suffering. W e have to bring the Holy Spirit back to our religious communities in order for people to have true faith and direction. I sincerely believe that Sangha building is the way. It is the most noble task of the twenty-first century. Not only church leaders, but health professionals, gays and lesbians, schoolteachers, and members of different ethnicity should build Sanghas. Please reflect on this. The practice of Sangha building is the practice of giving humanity a refuge, because a true Sangha always carries within herself the true Buddha and the true Dharma. When the Holy Spirit manifests in our church, God is with us.

Enjoy your breath, enjoy your steps, while we are still together as a Sangha.

Nguyên Lý Căn Bản Của Đạo Phật

 

Phần tinh-ba nhất của con người là tư-tưởng. Con người có thể tự-hào rằng mình hơn vạn-vật ở chỗ biết suy tưởng. "Người là một cây sậy biết suy tưởng", câu nói ấy vừa thú nhận sự yếu đuối của con người trước vũ trụ mà cũng lại vừa đề cao khả năng bất-diệt của con người trước vũ-trụ.

Đứng trước vạn tượng bao la, và nhìn lại bản thân mình, con người khát khao được hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và hiểu biết để sống cho đáng sống. Chính khuynh hướng muốn tìm hiểu ấy đã làm nẩy sinh ra triết học.
Nhân loại ngày nay đã hiểu biết tới đâu? Triết học đã vạch ra được con đường tiến của con người chưa? Đã giải quyết được những nỗi thắc mắc lớn lao của con người về cuộc sống, về vũ trụ và về bản thân của con người chưa?

Đó là những câu hỏi mà chính những con người có khả năng suy tưởng nhất cũng phải ngậm ngùi mỗi khi nghĩ đến. Người ta băn khoăn tự hỏi tri thức con người có đủ khả năng để đạt đến sự thực hay không. Nếu không thì con người còn suy tưởng làm chi. Thà rằng cứ ù ù cạc cạc mà sống trong cuộc đời, bởi vì sự suy tưởng vô vọng ở đây chỉ làm cho con người thêm đau khổ.

Nhưng con người không thể không suy tưởng. Sống là suy tưởng, và vì thế, dù triết học là một môn học không hư, viển vông, vô ích thì triết học cũng còn phải tồn tại mãi mãi; bởi vì khi con người còn suy tưởng đến những vấn đề căn bản của kiếp người thì triết học vẫn còn. Ba nghìn năm lịch sử của triết học hình như đã nói với ta như thế.

Vào buổi rạng đông của triết học, con người rất tin tưởng ở khả năng tri thức của mình. Nhưng cùng với những triết gia hoài nghi, lòng tin ấy mất dần, mất dần… Càng đi sâu vào sự suy tưởng, con người càng cảm thấy rõ ràng cái bất lực của tri thức nhân loại! Con người lại càng bi quan hơn nữa khi thấy bên cạnh cái tri thức yếu đuối và hèn kém ấy, còn có một tâm hồn nặng trĩu những ước vọng đen tối, xấu xa. Chính những mờ tối, cố chấp và chủ quan này đã dự phần vào việc che lấp phần khách quan đáng quý mà tri thức cần phải đầy đủ.

Với những vốn liếng nghèo nàn như vậy mà con người đã dám hy vọng có thể tìm ra chân lý. Đã thế lại còn muốn bay xa, rất xa trong cõi siêu hình. Càng xa càng hay. Cần gì đến thực nghiệm! Thái độ "duy lý" cũng đã đủ để đảm bảo rồi! Vướng vào thực nghiệm làm sao mà bay xa đuợc! Và như thế, con người tha hồ tự do kiến tạo những giấc mộng siêu hình.

Nói "những giấc mộng siêu hình" rất đúng, vì chính những kiến tạo duy lý của con người về siêu hình đều do những động lực rất chủ quan của con người sắp đặt: phần lý trí nhiều lầm lạc và thành kiến, phần tình cảm nhiều mờ ám, thiên lệch, cho nên giấc mộng của tôi không phải là giấc mộng của ngài, và loài người có đến muôn ngàn giấc mộng… Đã có ai công nhận của ai là đúng đâu.

Đức Phật lúc đương thời đã nhận thấy cái vô ích của những giấc mộng siêu hình. Ngài không muốn cho các đệ tử Ngài đắm chìm trong những suy tưởng siêu hình, những vọng tưởng sai lầm của tri thức và tình cảm chủ quan. Vấn đề trọng đại mà Ngài đặt ra cho đệ tử là phải tiêu diệt ngay phần mê mờ thiên lệch nằm trong tri thức và tình cảm của mỗi người, nghĩa là phải tu hành để tự giải thoát khỏi vô minh triền phược. Diệt trừ được phần mê vọng là đạt đến tất cả. Chưa diệt trừ được phần mê vọng thì dù có suy tưởng ngàn kiếp đến các vấn đề siêu hình cũng vẫn không đi đến một kết quả tốt đẹp nào. Phương pháp của đức Phật là phương pháp thực hiện, không phải là phương pháp suy tưởng. Đạo Phật là một đạo sống chứ không phải là môn học siêu hình.

Một hôm đức Phật cầm trong tay một nắm lá "sinsapa" và nói với các vị đệ tử xuất gia: "Các con nghĩ sao? Lá trong tay ta nhiều hơn hay là lá trong rừng này nhiều hơn?" – "Bạch đức Thế Tôn, những ngọn lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá trong rừng thì quá nhiều" – "Cũng như thế đó, này các con, những cái ta biết thì rất nhiều, nhưng những cái ta đem ra dạy các con thì rất ít. Tại sao ta không đem tất cả ra để dạy các con? Bởi vì những cái ấy không có lợi gì cho các con cả. Chúng không giúp gì cho sự giải-thoát cho nên ta không đem ra dạy. Ta dạy những gì? Ta dạy về sự khổ, nguyên nhân cái khổ, sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những thứ ấy có ích lợi, vì chúng có thể đưa các con đến chỗ giải thoát" (Samyutta).

Ta thấy rõ ràng đạo Phật là một con đường và là một con đường duy nhất đưa đến chỗ diệt khổ. Đạo Phật chỉ là một lối sống, một lối thực hành, không phải là một thuyết lý vô ích, một "hý luận". Bởi vì đạo Phật nhận thấy cái cần thiết của sự diệt trừ mê vọng. Đức Phật nói: " Này các thầy tỳ kheo, đừng nghĩ vớ vẩn rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù cho thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, dù cho nó hữu cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải nhận là hiện hữu ở đời này, là những khổ đau: sinh, lão, bệnh, tử" (Anguttara).

Vậy đạo Phật chủ trương dẹp bỏ tất cả các lý luận vọng tưởng, cấm trí óc phiêu lưu vào trong những thế giới suy tưởng siêu hình mà đạo Phật quyết chắc rằng chỉ là những vọng tưởng hư ngụy và vô ích. Đạo Phật kéo con người trở về với thực nghiệm. Thực nghiệm này là một thực nghiệm bao la rộng rãi. Đó là sự nhận thức cái "khổ" ở đời.

"Khổ" là một chân lý thực-nghiệm. Không những chỉ sinh lão bệnh tử mới là khổ. Còn bao nhiêu cái khổ khác, lặt vặt hơn, nhưng phiền toái hơn, và dày vò con người thường xuyên hơn. "Nhận thức cái khổ" không phải chỉ là xác nhận cảm giác khổ thọ là thực hữu. Nhận thức cái khổ – dukkha – nghĩa là phải nhận chân một cách rõ rệt và sâu xa tính cách vô thường vô ngã chống đối nhau của vạn sự, vạn vật. Rộng rãi hơn, nhận thức cái khổ tức là biết mình sống đau khổ trong một thế giới khổ đau với một nghiệp báo không tốt đẹp. Tất cả những giáo lý Phật dạy đều hướng về chủ đích làm cho con người có ý thức về cái khổ, và nhận chân được cái khổ theo định nghĩa rộng rãi như trên. Con người trước tiên phải thực nghiệm một cách sâu xa và rộng rãi cái "khổ" ấy, cái sự thực Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn ấy. Có thực nghiệm như thế rồi, con người mới đặt vấn đề cần thiết: tìm nguyên do của sự khổ và phương pháp diệt khổ.

Kẻ nào chỉ có ý thức nông cạn về cái khổ thì không thể tìm đến nguyên nhân của cái khổ được. Khi con người đã chứng nghiệm một cách đầy đủ và sâu xa cái khổ Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Mâu Thuẫn, con người sẽ tìm đến nguyên nhân của cái khổ một cách dễ dàng. Đã có chân lý thứ nhất là Khổ đế, thì có chân lý thứ hai là Tập đế, nguyên nhân sự khổ. Đức Phật bảo rằng nguyên nhân sự khổ là mê vọng, ác nghiệp, là ái nhiễm, và con người cũng nhận thấy như thế. Nguyên nhân của sự khổ cũng như sự khổ, không phải là một kết quả do những suy tưởng siêu hình đem lại mà là một chân lý có thể thực nghiệm. Ai cũng có thể thực nghiệm chân lý ấy cả. Kinh nghiệm sống dạy cho con người chân lý ấy. Đức Phật muốn cho con người có ý thức rõ rệt về chân lý ấy. Giáo điển đạo Phật đã thuyết minh rõ ràng về chân lý ấy.

Vậy Khổ-đế và Tập-đế là những điều thực nghiệm rộng rãi và đầy đủ dùng làm nền tảng cho phương pháp đạo Phật. Đứng trước những chân lý thực nghiệm ấy, con người cố nhiên phải nhận thấy con đường của mình: giải thoát diệt khổ.

Nếu nguyên nhân của đau khổ là dục vọng thì diệt-trừ dục-vọng tức là diệt trừ đau khổ. Đó là một điều quá giản lược mà không ai không thấy. Cuộc đời là khổ. Và nguyên nhân của cái khổ ấy là dục vọng. Tiêu diệt được dục vọng tức là tiêu diệt được cuộc đời đau khổ. Vậy, theo đạo Phật, cuộc đời khổ đau, con người phải tiêu diệt cuộc đời khổ đau ấy để tiến đến Niết-bàn.

Đừng vội la lên rằng: như thế thì đạo Phật là quá ư tiêu cực, là chủ trương đừng sống, là chủ trương xa lánh cuộc đời, là chủ trương biến tất cả thành hư vô. Dục vọng là nguyên nhân của sự khổ đau, là gốc của sinh, lão, bệnh, tử và ngàn muôn khổ thọ khác. Nhưng con người không phải chỉ có dục vọng mà thôi. Con người còn có những gì thanh thoát cao siêu hơn dục vọng, như lòng từ bi, như trí tuệ… Vậy tiêu diệt dục vọng chỉ là tiêu diệt cuộc đời khổ đau; nói một cách khác hơn, là tiêu diệt phần khổ đau của cuộc đời. Phần dục vọng bị tiêu diệt, nhưng còn phần tinh ba cao khiết sẽ ra sao? Phần tinh ba cao khiết này, khi dục vọng tiêu diệt, cố nhiên sẽ được thực hiện toàn vẹn. Không lẽ sự thực hiện toàn vẹn của phần này lại đưa đến một kết quả hư vô?

Vậy khi dục vọng tiêu diệt, phần xấu xa của cuộc đời (vô thường – khổ đau – vô ngã – bất tịnh) bị tiêu diệt, nhưng phần tốt đẹp của cuộc đời (thường – lạc – ngã – tịnh) phải được thực hiện toàn vẹn, vì ở con người, phần tinh ba cao khiết đã được thực hiện toàn vẹn. Vậy Niết bàn không phải là hư vô, mà là sự thực hiện toàn vẹn của những gì cao khiết nhất, thanh tịnh và nhiệm mầu nhất.

Sống trong cuộc đời vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử, mà không thấy có vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao nhiêu thăng trầm sinh tử ấy: đó là Niết-bàn.

Đạt đến chỗ diệt trừ dục vọng, con người được giải thoát, hoàn toàn tự do, không còn bị nô lệ cho một thứ gì nữa. Vấn đề Giải Thoát chỉ là vấn đề thay đổi nhận thức. Dục vọng tiêu diệt, bi trí thực hiện, tức thì nhận thức biến đổi. Vô thường, khổ đau, vô ngã, bất tịnh, trước nhận thức giải thoát, biến thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Sinh tử triền phược là ở đấy. Niết bàn giải thoát cũng ở đấy. Và Niết bàn không rời sinh tử, "Niết bàn, sinh tử thị không hoa".

Có mặt xấu của cuộc đời là sinh tử, thì cũng có mặt đẹp của cuộc đời là Niết bàn. Đó là chân lý thứ ba.
Nhưng để diệt trừ dục vọng, đạt tới Niết bàn, con người cần phải có một đường lối, một phương pháp. Đạo Phật là đường lối ấy, là phương pháp ấy.

Đường lối diệt dục cần phải rất rõ ràng, và phải khởi đầu từ bờ Mê, nghĩa là phải để cho con người khổ đau có thể đạt được những bước đầu tiên, khó khăn và ngượng ngập. Pháp môn tuy nhiều vô lượng, song được bao hàm trong mấy điều giản lược thiết yếu: Tam học và Bát chính đạo.

Tam-học: giới, định, tuệ. Chủ động của những nghiệp quả xấu xa, là các hành vi, ngôn ngữ và ý nghĩ mê vọng. Các "vọng nghiệp" này lại còn giúp sức cho dục vọng phát triển. Vậy công việc trước tiên là phải đình chỉ chúng lại. "Giới" chính là sự đình chỉ ấy. Không làm, không nói và không nghĩ những nghiệp nhân mê vọng tức là không chịu tuân theo sự sai sử của dục vọng. Đó là công tác cách mạng đầu tiên. Có thành công trong bước đầu kháng cự và bất phục tùng này, con người mới hy vọng tiến đến giai đoạn tiêu diệt dục vọng.

Trì giới tức là không chịu rót thêm dầu trong ngọn đèn dục vọng. Tuy thế, ngọn đèn vẫn cháy mạnh. Cho nên, con người phải dùng thêm những biện pháp tích cực để làm yếu dần sức cháy kia và cuối cùng, tiêu diệt được ngọn lửa đèn.

Do công năng trì giới, ý chí càng lúc càng mạnh. Hành giả sẽ thực hành phép tập trung tư tưởng, dùng lực lượng thiền định để cắt xén dần những rễ dây chằng chịt của dục vọng và trải qua nhiều công phu, có thể lay chuyển và xô ngã được cội rễ của nó.

Dục vọng càng bị tiêu diệt, trí tuệ càng thêm tăng trưởng. Trí tuệ càng tăng trưởng thì sức phá trừ dục vọng càng thêm mãnh liệt. Cứ thế hành giả tiến dần đến chỗ tiêu diệt hoàn toàn những mầm mống vi tế nhất của cội nguồn đau khổ. "Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ" là câu nói tóm tắt của tam-học vậy.

Nhưng công phu tam học cần được thành lập trên những kiến thức chân chính – chính kiến (vue juste). Nghĩa là cần thấu hiểu và chứng nghiệm triệt để bốn sự thực căn bản (gọi là Tứ Đế) để có thể tránh khỏi những nhận thức sai lầm, những tà kiến trái chân lý. Phải theo lời Phật dạy để biết xử dụng pháp tập trung tư tưởng và pháp thiền quán đúng theo chính pháp, chính định và chính tư duy. Chỉ tưởng niệm những điều đúng chánh pháp, chánh niệm. Phải siêng năng theo con đường chánh – chánh tinh tấn. Phải có một phương tiện sinh tồn chân chánh – chánh mạng. Phải hành động và nói năng đúng theo chánh pháp – chánh nghiệp và chánh ngữ. Đó là bát chính đạo.

Con đường tuy gay go nhưng là con đường duy nhất. Tất cả các hệ thống giáo lý phong phú của đạo Phật chỉ có một mục đích duy nhất là trình bày phương pháp và đường lối giải thoát, ngoài ra không hề có nhằm mục đích giải quyết những thắc mắc siêu hình. Người nào nhìn đạo Phật như một khoa học siêu hình chính người đó đã không hiểu đạo Phật.

Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn

Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 30.12.2004 tại xóm Thượng, Làng Mai 
 
 

Trong kinh Du Hành có chuyện một chú sa di đem tin tới cho đức Thế Tôn là thầy Xá Lợi Phất mới qua đời. Vị sa di đó tên là Cunda (Thuần Đà). Hồi đó Bụt đang ở miền Bắc sông Hằng tại thành phố Vaisali. Thầy Xá Lợi Phất tịch ở quê hương của ngài. Chú sa di Thuần Đà đợi cho lễ trà tỳ xong mới đem tro của thầy về cho Bụt. Tro được để trong một cái bát. Chú nói: “Đây là tro của Thầy con. Thầy con vừa mới tịch”.

Trước khi chú sa di Thuần Đà được gặp đức Thế Tôn thì chú đã được gặp thầy A Nan. Khi chú chỉ vào cái bát và nói đây là tro của thầy Xá Lợi Phất thì thầy A Nan bủn rủn tay chân và đứng không vững. Sau đó thầy A Nan đưa chú sa di lên thăm đức Thế Tôn để báo cái tin dữ này. Đức Thế Tôn là một bậc giác ngộ hoàn toàn. Nhưng chúng ta biết đức Thế Tôn cũng là một con người, và nghĩ rằng khi nghe tin người đệ tử thương của mình tịch thì thế nào đức Thế Tôn cũng buồn. Đức Thế Tôn đâu phải là gỗ đá? Có điều cái buồn đó không làm cho đức Thế Tôn bủn rủn tay chân như thầy A Nan. Làm sao mình không buồn được khi một người đệ tử mình thương vừa tịch? Thầy A Nan bạch với đức Thế Tôn: “Bạch đức Thế Tôn, khi nghe tin sư anh con tịch thì tay chân con bủn rủn, con đứng không vững”.  Đức Thế Tôn an ủi thầy A Nan.

Có một hôm ở xóm Thượng, tôi nằm mơ thấy có hai vị giáo thọ được gởi đi dạy tại các nước Scandinavia, không biết vì tai nạn nào mà chết ở bên đó. Nghe tin đó tôi khóc. Lúc này ở trong phòng có sư chú Pháp Hữu, một sư chú Pháp Hữu trẻ hơn Pháp Hữu bây giờ. Tôi ôm Pháp Hữu. Hai thầy trò ôm nhau khóc. Khi thức dậy tôi mừng quá, thì ra hai vị đệ tử ấy còn sống. Nhưng mừng thì mừng, cái ấn tượng, cái nỗi buồn ở trong giấc mơ cũng còn lảng vảng tới mấy ngày.

 

 

Mấy ngày nay chú nguyện cho các nạn nhân của trận động đất sóng thần ở Đông Á, tôi thấy rằng trong giấc mơ mình đã may mắn có Pháp Hữu để ôm mà khóc, có một người thân để mình chia sẻ niềm đau nỗi buồn của mình. Có những người mà gia đình chết hết, thì niềm đau nỗi khổ một mình mình chịu, không có ai để mà chia sẻ. Đó trường hợp của nhiều chuyện xảy ra trong trận hải chấn ở Đông Nam Á. Trận hải chấn ở Đông Nam Á xảy ra vào ngày 26 tháng chạp. Số người chết từ Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, cho đến Miến Điện, con số đó lên đến gần một trăm ngàn người. Chỉ trong vòng mấy ngày thôi. Và có những gia đình chết hết. Có một em bé hai tuổi được sóng thần đưa lên một nơi cao, còn sống, và người ta tìm ra được, nhưng ba má và anh chị của bé đều chết hết. Động đất ở dưới biển gọi là hải chấn. Sóng thần đã tràn lên bờ, quét sạch tất cả những làng mạc ở các miền duyên hải.

Ban đầu người ta nghĩ rằng có thể là chỉ khoảng trên mười ngàn người chết, nhưng mà mỗi giây mỗi phút đồng hồ người ta đều khám phá ra những cái thây chết. Hiện bây giờ đây con số đã lên trên tám mươi ngàn (khi chép bài này ra, con số đã lên tới 155 ngàn). Có những người Âu châu sống sót trở về, họ báo cáo lại rằng họ thấy cái thân phận con người trong hoàn cảnh đó còn tệ hơn thân phận của một con kiến, con muỗi, không có nghĩa lý gì cả đối với các đợt sóng thần kia.

Sóng thần lên cao tới mười thước! Nó phủ ấp vào, cuốn trôi đi tất cả và kéo ra biển. Bây giờ biển trả lại những xác chết rất nhiều. Bây giờ người ta chỉ có thể chôn tập thể xuống hố: 50 người, 100 người, 200 người. Không thể nào chôn riêng được! Ngoài ra ta còn có những sợ hãi rất lớn: những xác chết không chôn kịp rữa ra sẽ gây ra bệnh truyền nhiễm: bệnh dịch, thương hàn… và có thể hàng triệu người sẽ chết vì tai nạn này và đang có hàng năm bảy triệu người không có nhà cửa, nước uống và cơm ăn.

Tất cả các nước Âu châu, Mỹ châu đều đã gởi máy bay chuyên chở người và phẩm vật về cứu trợ. Đây là một cái tang lớn cho tất cả nhân loại. Hàng ngàn người Âu châu đã chết, và nhiều ngàn người chưa biết được tin tức. Có những cặp vợ chồng mới cưới đi tuần trăng mật ở miền ấy, không bao giờ gọi điện thoại về nữa. Trong những ngày vừa qua, ngày nào tôi cũng niêm hương, niệm Bụt, gởi năng lượng cho họ và thân nhân của họ. Thế giới đang chấn động vì cái tai nạn lớn lao này ở tại Đông Nam Á. Indonesia và Sri Lanka bị nặng nhất. Những đợt sóng thần đi qua tới bờ biển Phi châu, và hàng trăm người ở bờ biển Phi châu cũng đã thiệt mạng.

Tuy đang ngồi đây, chúng ta cũng đã chết một phần nào trong trái tim và trong cơ thể của chúng ta. Ở các miền Bắc Âu như Thụy Điển có rất nhiều người đi về miền đó nghỉ lễ, đi tìm tới những chỗ rất thanh tĩnh, rất trong lành, rất ấm áp, vậy mà chỉ trong mấy phút đồng hồ của cuộc hải chấn đã mất mạng. Các nhà khoa học nói rằng nếu những nước ở Đông Nam Á có hệ thống báo động thì đã có thể giúp được cho một số người tránh được thảm họa. Họ nói rằng có thể có tới bốn giờ đồng hồ để cho người dân trốn chạy. Nhưng dầu có hệ thống báo động đi nữa, thì làm sao báo được cho dân chúng: những người không nghe radio, không coi ti vi, những người đang làm việc ở ngoài biển, những nông dân, những em bé.

Trong số những người Tây phương chết trong trận hải chấn này, cố nhiên phần lớn là những người đi nghỉ lễ, trốn lạnh, nhưng cũng có những người đi làm công việc thiện nguyện. Họ không phải đi chơi, họ đi là để giúp đỡ, nhưng họ cũng chết trong trận hải chấn này. Cái đau thương nó thúc đẩy chúng ta quán chiếu và suy nghĩ tới thân phận của con người.

Ở trong đạo Chúa, vấn đề này được đặt ra từ lâu: tại sao Thượng Đế sinh ra thế giới muôn loài mà lại để cho những thương đau như vậy xảy ra được? Đó là một đề tài thần học có từ ngàn xưa. Đạo Bụt nói về thuyết Nhân Quả, mình gây ra nhân gì thì mình chịu quả đó. Nhưng có người hỏi: “Tại sao những em bé mới có ba tuổi, năm tuổi, đã gây ra những tội tình gì mà phải mất cha mất mẹ, hoặc bản thân mình cũng chết? Làm sao cắt nghĩa được luật nhân quả nghiệp báo?” Chúng ta, dầu trong truyền thống Cơ Đốc giáo hay truyền thống đạo Bụt, cũng có những câu hỏi được đặt ra.

Tín đồ Cơ Đốc hỏi: “Tại sao Thượng Đế nhân từ mà lại để cho những cái như vậy xảy ra?” Phật tử hỏi: “Tại sao những người đi làm thiện nguyện, những người đi với một trái tim rất lành, những em bé đang còn ngây thơ, đã gây ra nghiệp báo gì, tội tình gì mà phải chết như vậy?” Có những người nói rằng, tuy trong kiếp này họ chưa gây ra nghiệp xấu, nhưng trong kiếp trước có thể họ đã gây ra nghiệp xấu rồi. Chúng ta đi tìm những câu trả lời tương tự. Thi sĩ Pháp tên là Victor Hugo vào năm bốn mươi mấy tuổi mất đứa con gái. Cô con gái trên dưới hai mươi. Cô tên là Léopoldine.

Thi sĩ rất đau khổ và ông hỏi trời hỏi đất tại sao như vậy. Đứa con gái chết cũng vì bị chết trôi. Một bông hoa mơn mởn đang nở như vậy mà bỗng nhiên bị sóng vùi, gió giập. Lúc đó thi sĩ đã trở về quê của mình, ở Villequier. Victor Hugo nói trong bài thơ A Villequier: “Con người chỉ có thể thấy được một mặt của sự thật, còn mặt kia bị chìm đắm trong một màn đêm rất bí mật, rất hãi hùng (Nous ne voyons jamais qu’un seul côté des choses. L’autre plonge en la nuit d’un mystère effrayant). Con người đã chịu đựng những khổ đau, những tang tóc mà không biết được tại sao mình phải chịu đựng (L’homme subit le joug sans connaitre les causes).Tất cả những cái gì con người thấy, cảm nhận được, đều là ngắn ngủi, đều là vô ích, đều là vô thường (Tout ce qu’il voit est court, inutile et fuxyant)”.

Victor Hugo kêu Thượng Đế: “Thượng Đế ơi, con đến đây đặt trước chân ngài những mảnh nát của trái tim đầy vinh quang của ngài, trái tim mà ngài đã đập nát ra thành từng mảnh. (Je viens à vous, Seigneur, Père auquel il faut croire. Je vous porte, apaisé, les morceaux de ce coeur tout plein de votre gloire que vous avez brisé). Con thấy rằng chỉ có ngài mới biết được cái gì ngài đang làm thôi, còn cái thân phận con người chẳng qua chỉ là thân phận của một cây sậy đong đưa trong gió, chẳng có nghĩa gì cả. (Je conviens que vous seul savez ce que vous faites. Et   que l’homme n’est rien qu’un jonc qui tremble au vent)”.

Con người bất lực, con người không có giá trị gì hết, thân phận con người là như vậy, và chỉ có Thượng Đế biết là ngài đang làm gì thôi, và chúng con không hiểu tại sao ngài làm như vậy. Và các nhà thần học đã tìm cách để giải thích. Trong những lối giải thích đó có kẻ nói rằng là nếu con người không đau khổ thì con người không thể nào lớn lên được, vì vậy cho nên những tang tóc và đau khổ đó là chính Thượng Đế muốn cho mình phải gánh chịu để cho mình học hỏi và lớn lên. Có những người chấp nhận được cái lý luận đó, nhưng có những người không chấp nhận được.

 

 

Ở Làng Mai, chúng ta đã học nhiều về luân hồi, về tái sinh. Chúng ta biết rằng trong đạo Bụt bình dân, giáo lý về luân hồi và tái sinh được dựa trên niềm tin về ngã: một người khi chết đi sinh ra một người khác hay vật khác. Niềm tin là có sự tiếp nối, là khi mình chết thì mình không mất hẳn, mình sẽ được tiếp nối dưới một hình thức khác, đó là luân hồi sinh tử. Nhưng chúng ta đã học rất nhiều lần rằng trong đạo Bụt thâm sâu, chúng ta phải hiểu luân hồi trong ánh sáng vô ngã. Nền tảng của đạo Bụt là cái thấy vô ngã. Nếu chúng ta hiểu luân hồi và nhân quả trên nền tảng hữu ngã thì chúng ta chưa tiếp xúc được với cái sâu sắc nhất ở trong đạo Bụt.

Vì vậy cho nên vấn đề khổ nạn (the problem of evil) cũng phải được giải quyết trong ánh sáng của vô ngã. Khi chúng ta đặt ra câu hỏi: “Tại sao ta phải gánh chịu tai họa, khổ đau trong lúc những người khác sống phây phây không hề hấn? Tại sao những em bé đầu xanh chưa có tội tình gì mà đã gánh chịu những cái tang thương quá lớn lao như vậy?” Phần lớn các câu trả lời ta được nghe đều đã căn cứ trên cái ý niệm hữu ngã. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta còn căn cứ trên quan niệm hữu ngã thì chúng ta chưa tìm được câu trả lời đích thực của đạo Bụt. Và vì vậy các vấn đề nhân quả, nghiệp báo và luân hồi phải được giải quyết trên nền tảng vô ngã.

Trong Duy Biểu học, chúng ta đã học về nghiệp. Chúng ta thấy có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Những người ở Đông Nam Á, sinh ra ở đó, lớn lên ở đó, làm ăn lập nghiệp ở đó, thì họ chết vì trận hải chấn này đã đành rồi, nhưng tại sao hàng chục ngàn người ở Tây phương, mắc mớ gì mà đi về đó để cùng chết? Hiện bây giờ có hàng ngàn người ở các nước Tây Phương vẫn chưa biết sống chết thế nào, mà mỗi giờ trôi qua như vậy thì cái hy vọng càng bớt đi. Khi một chiếc máy bay nổ, rơi xuống, có thể là phần lớn những hành khách đi trên chiếc máy bay chết hết, có chừng một hay hai người sống sót, chúng ta hỏi: Tại sao vậy? Tại sao không chết hết mà còn một hai người sống ? Khi quán sát như vậy, chúng ta thấy nghiệp có hai mặt: biệt nghiệp (nghiệp riêng) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Khi ta tìm ra được nguyên tắc biệt nghiệp cộng nghiệp thì chúng ta đã có thể bắt đầu giải quyết được một phần rất quan trọng của các vấn đề rồi. Nếu chúng ta đi về hướng của tuệ giác vô ngã thì chúng ta sẽ từ từ tìm ra những câu trả lời xác đáng. Trong cuộc chiến Việt Nam, đất nước cũng như con người Việt Nam bị tàn hại rất nhiều: trên hai triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến tranh. Tại sao hai triệu người đó chết, còn những triệu người khác không chết ?

Nhìn cho kỹ, chúng ta thấy rằng những người không chết cũng đã chết, và chết ở những mặt khác. Chúng ta thấy rất rõ rằng khi có một người thương chết, thì chính người đó ít đau khổ hơn những người còn sống. Sự thật là như vậy. Vì vậy cái đau thương là cái đau thương chung, chứ không phải là cái đau thương riêng. Victor Hugo, trong suốt cuộc đời làm thi sĩ của mình, cũng đã tìm hiểu, quán chiếu, và vì vậy rất nhiều bài thơ của Victor Hugo đã có tính cách quán chiếu. Những bài thơ có tính cách quán chiếu của Victor Hugo được gom lại và in thành một tập gọi là Les Contemplations. Contemplation là quán chiếu. Victor Hugo cũng đã tìm ra được rằng số phận con người là số phận chung, và ông cũng đã thoáng thấy được cái tính vô ngã của vạn sự vạn vật.

Khi tai nạn xảy ra cho một người trong gia đình, nó xảy ra cho tất cả mọi người trong gia đình. Khi một tai nạn xảy ra cho một phần của đất nước, nó xảy ra cho cả đất nước. Khi tai nạn đó xảy ra cho một phần của trái đất, nó xảy ra cho cả trái đất, và chúng ta đều gánh chung tai nạn đó. Khi chúng ta thấy được rằng niềm đau của họ chính là niềm đau của mình, họ chết tức là mình chết, thì chúng ta đã bắt đầu thấy được cái tính vô ngã. Khi tôi thắp hương và cầu nguyện cho những người chết ở trận hải chấn, tôi thấy rất rõ là tôi không chỉ cầu nguyện cho những người chết và cho thân nhân của họ mà cũng cầu nguyện cho chính tôi, tại vì chính tôi cũng là nạn nhân của cuộc hải chấn đó. Chính chúng ta đã chết chứ không phải chỉ có trên tám mươi ngàn người chết. Hễ mình thương là mình thấy được rằng người kia cũng là mình, và nếu người kia chết thì mình cũng chết. Tuy rằng mình đang ngồi đây, coi như mình còn sống nhưng kỳ thực mình cũng đã chết.

Cái đang xảy ra cho một phần của cơ thể đã xảy ra cho cả cơ thể. Nhân loại, trái đất là một cơ thể. Tôi có cảm tưởng rằng trái đất của mình đang đau khổ, và trận hải chấn này như một tiếng gọi quặn đau của trái đất, như một tiếng kêu than, kêu cứu, một lời cảnh cáo. Lâu nay chúng ta sống với nhau không có từ bi, chúng ta tiêu diệt nhau, chúng ta làm khốn khổ luôn cả đất mẹ. Vì vậy cho nên trái đất đã quặn mình, đã rên xiết, đã khổ đau. Trái đất là mẹ của tất cả mọi loài. Chúng ta làm khổ nhau và chúng ta làm khổ mẹ. Những trận hải chấn như vậy là những tiếng chuông chánh niệm. Sự đau khổ của một phần nhân loại là sự đau khổ của cả nhân loại. Chúng ta phải thấy như vậy, chúng ta phải tỉnh dậy!

Ngày xưa, mỗi khi có thiên tai, như lụt lội, hay động đất, hay bệnh dịch, các vị vua chúa ở các nước Á châu cảm thấy đó là cái lỗi chung, và họ tin rằng là những người trị nước, họ đã không sống xứng đáng để cho tai họa thiên nhiên đổ ập xuống đất nước và dân chúng. Thường thường các vị vua chúa ở Á châu, mỗi khi có tai nạn thiên nhiên như vậy thì phát nguyện ăn chay, nằm đất, cầu nguyện, và các quan trong triều cũng ăn chay, nằm đất, cầu nguyện theo như vậy trong nhiều tuần lễ. Rất hay! Truyền thống ấy hiện bây giờ không còn nữa. Một ông vua phát nguyện ăn chay, phát nguyện không nằm trên giường ngự nữa, đem chiếu trải xuống nằm dưới đất. Nó có nghĩa là ông vua đó đã thấy được rõ trách nhiệm của mình, mình đã sống như thế nào, mình đã cai trị như thế nào mà để cho những tai ương như vậy xảy ra trong nước. Hành động ăn chay, nằm đất của vua, của các quan trong triều đình là hành động của sự sám hối. Rất đẹp! Các nhà làm chính trị thời nay không thấy được như vậy.

Chúng ta không phải là những nhà chính trị, chúng ta không phải là những ông vua, nhưng chúng ta thấy những đau thương khổ nạn xảy ra cho trái đất, cho nhân loại như vậy, thì chúng ta cũng phải ăn chay, chúng ta cũng phải nằm đất, chúng ta cũng phải tu tĩnh trở lại, tại vì cái nghiệp là cái nghiệp chung. Tất cả chúng ta, dầu ít dầu nhiều, cũng đã đóng góp vào cái nghiệp chung, và những tai họa xảy ra cho bất cứ một bộ phận nào của trái đất, của nhân loại, thì dầu ít dầu nhiều chúng ta cũng phải chịu chung một phần trách nhiệm. Và khi người ấy chết thì ta cũng chết, người đó đau ta cũng đau, người đó tuyệt vọng ta cũng tuyệt vọng.

Thấy như vậy là cái thấy vô ngã. Trong cái thấy của Victor Hugo, người ta tìm ra được cái ý hướng, cái nhận thức của sự vượt thoát cái ngã. Khi người ta thấy được cái tính vô ngã của những hiện tượng thương đau như vậy, thì người ta bắt đầu chấp nhận được và chịu đựng được những đau khổ đó, và người ta không còn phản kháng nữa, phản kháng Thượng Đế, phản kháng lại thân phận con người. Trong Đạo Đức kinh có câu:

Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu

Thánh nhân bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu

Có nghĩa là trời đất bất công coi muôn loài như là con chó rơm, các bậc thánh nhân là bất nhân tại vì các bậc thánh nhân cũng coi muôn loài như là con chó rơm. Con chó rơm, tức là thân phận tồi tàn, không có nghĩa gì cả. Sanh ra muôn loài lại để muôn loài đau khổ và chết chóc như vậy thì trời đất quả thật là bất nhân. Thánh nhân ở đây tức là các vị vua. Những hiệu lệnh của vua gọi là thánh chỉ, những ý kiến của vua gọi là thánh ý. Thánh nhân ở đây là các nhà làm chính trị. Các nhà làm chính trị quyết định về số mạng của con người, họ quyết định phải đi chinh phục, phải tạo chiến tranh, và vì vậy họ cũng bất nhân như trời và đất. Đó là những câu phản kháng về số phận con người.

Lát nữa đây, chúng ta sẽ niệm danh hiệu của đức Bổn Sư, danh hiệu của đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi, danh hiệu của đức bồ tát Phổ Hiền và danh hiệu của đức bồ tát Quan Thế Âm. Chúng ta như một tăng thân hãy chế tác ra năng lượng của từ bi, của chánh niệm, chúng ta ôm lấy hết cả trái đất, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân, chúng ta cầu nguyện cho gia đình của họ hiện bây giờ đang khóc, người thì có người ôm lấy để khóc, người thì không có ai để ôm mà khóc, và chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta, tại vì chúng ta cũng là nạn nhân của trận hải chấn kinh khiếp vừa mới xảy ra. Xin đại chúng quán chiếu. Đây là cơ hội để cho chúng ta lớn lên, để chúng ta hiểu thêm.

 

 

Dù quý vị đến từ truyền thống Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, hay Phật giáo, quý vị cũng phải quán chiếu. Cái chìa khóa của sự quán chiếu là vô ngã. Victor Hugo là người Cơ Đốc giáo, ông đã tìm ra được sự vượt thoát cái ngã. Chúng ta phải quán chiếu rằng người chết đó cũng chính là ta, người mồ côi đó cũng chính là ta, em bé đó cũng chính là ta. Chỉ như vậy chúng ta mới chấp nhận được, chịu đựng được những nỗi đau thương quá lớn như nỗi đau thương hôm nay.

Xin đại chúng ngồi thẳng lên, chắp tay lại, để chúng ta cùng hộ niệm…(chuông).

Buông bỏ căng thẳng

 

Buông bỏ căng thẳng

Ngồi thiền là một cơ hội để chúng ta được tĩnh tâm, nhưng có nhiều người càng ngồi thiền lại càng đau, giống như là gồng mình vậy, rất là cực khổ. Tại sao phải làm như vậy. Tu tập thì phải thấy dễ chịu, nếu tu tập mà phải cố gắng, phải tranh đấu thì tức là mình đang đi lạc đường rồi.

Khi thở vào, mình buông thư và mỉm cười thì hơi thở đó sẽ đưa tới sự bình an, khỏe nhẹ. Điều này có thể làm được. Mình phải tập luyện để thở vào cảm thấy khỏe nhẹ liền, thấy vui sướng liền. Thở vào, thở ra là một cái gì mình có thể làm được trong từng phút từng giây trong cuộc sống.

Nếu muốn thực tập thì mình chỉ cần để ý tới hơi thở vào, hơi thở ra. Thở vào – tôi biết không khí đang đi vào trong người tôi, thở ra – tôi thấy một luồng không khí đang đi ra khỏi cơ thể tôi. Biết rõ hơi thở đang đi vào, đang đi ra một cách rõ ràng đó chính là chánh niệm, chánh niệm là cái biết, chánh niệm là một loại ánh sáng tỏa chiếu giúp mình thấy rõ. Nó giống như ánh sáng của mặt trời bao trùm làm sáng rõ cả vạn vật và rừng cây.

 

 

Khi biết rõ hơi thở đang đi vào hay đang đi ra trong cơ thể mình, tức là mình đã thắp lên ánh sáng của tỉnh thức, tỉnh thức nghĩa là đã thức dậy, lúc này phẩm chất của hơi thở đã rất khác rồi, hơi thở trở nên sâu hơn, nhẹ hơn, mịn màng hơn. Và mình thấy thân tâm mát mẻ, bình an liền lập tức, chỉ cần vài giây thôi, điều này rất dễ làm.

“Thở vào tôi thấy tôi đang còn sống, thở ra tôi trân quý cuộc sống này”. Còn sống là một phép lạ, một cái thân chết rồi thì làm sao thở được nữa? Đó chính là một thứ tỉnh thức, một sự tỉnh dậy. Có những người sống xung quanh chúng ta mà họ không biết là họ đang sống. Họ như đang đi trong giấc mộng, họ bị những suy tư, lo toan kéo đi, suốt cả ngày họ suy nghĩ hết chuyện nọ tới chuyện kia. Họ đang nằm mộng giữa ban ngày, mộng về chuyện này rồi lại mộng về chuyện khác, cái thực tại trước mặt họ thì họ không thấy, vì vậy họ sống mà như người mộng du. Do đó, hơi thở chánh niệm làm cho mình bừng tỉnh dậy.

Đạo Bụt là đạo làm cho mình tỉnh dậy để nhận thức một cách rất thâm sâu, sáng suốt, từ bi. Chỉ cần thở vào, thở ra là mình đã thở xong, là đã có niềm vui, sự buông thư, khỏe nhẹ rồi. Bụt đã tặng cho chúng ta những bài tập rất đơn sơ, giản dị. Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi. Khi ý thức toàn thân thì mình sẽ lắng nghe được những căng thẳng, đau nhức trong cơ thể của mình, nhận ra rằng cánh tay hơi mỏi, trái tim của mình hôm nay bị mệt, nó đang đập rất nhanh, ý thức và buông thư sẽ giúp chúng ta trị lành và phòng ngừa được rất nhiều thứ bệnh.

Những căng thẳng, buồn phiền nếu không được buông thư thì lâu ngày chày tháng nó sẽ trở thành bệnh. Vì vậy, chúng ta phải chấm dứt tình trạng căng thẳng trong thân tâm. Hơi thở có ý thức là một phương pháp rất mầu nhiệm để thực hiện được điều đó. Bây giờ bạn hãy vừa theo dõi hơi thở vừa ý thức về toàn thân của mình, chú ý tới đôi mắt, khuôn mặt, cái cổ, bờ vai, hai cánh tay, trái tim, lá phổi, lá gan, dạ dày, thận, tấm lưng, hai bên hông, bắp đùi, bàn chân… Nương vào hơi thở, mời bạn hãy đi thăm hết tất cả các bộ phận trong cơ thể mình, hơi thở là một chiếc dây neo cột thân lại với tâm, đặt sự chú ý tới đâu thì buông thư tới đấy. Thả lỏng toàn thân, buông bỏ mọi lo lắng, suy tư thì mình sẽ thấy khỏe nhẹ, an lạc ngay tức thì.

Thở vào, ý thức toàn thân, buông thư tất cả sự căng thẳng trong từng bộ phận cơ thể. Thở ra buông thư toàn thân. Thực tập như vậy, tuy chưa giúp được ai nhưng trước tiên là giúp chính mình thư thái, khỏe khoắn. Thành ra, thiền quán không phải là một lao tác cực khổ. Ngồi thiền mà thấy mình đang lao tác cực khổ là sai bét rồi. Phải ngồi làm sao mà trong lúc ngồi ta phải cảm thấy an vui, thấy rằng lúc này mình đang được ngồi yên, theo dõi hơi thở đang từ từ đi vào, hơi thở đang từ từ đi ra, mà chẳng phải làm việc gì hết đó là một điều quá sức mầu nhiệm.

Khi Tổng thống Nam Phi Nelson Madela được các phóng viên đặt câu hỏi: “Bây giờ ông muốn làm cái gì nhất?”. Tổng thống trả lời: “Tôi ấy hả? Bây giờ cái mà tôi thích nhất là được ngồi yên chẳng phải làm gì hết”. Chúng ta được ngồi thiền mỗi ngày, trong khi ngồi thật yên thưởng thức hơi thở, không ai bảo mình làm việc gì hết, vậy mà không thấy sướng, trong khi ông Nelson Madela thì thèm được ngồi yên như mình quá mà không có thời gian để ngồi yên.

Khi tới Làng Mai tu tập, có Tăng thân yểm trợ thì mỗi hơi thở, mỗi bước chân mà mình thực hiện phải đạt tới niềm vui, sự sung sướng, hạnh phúc, bình an, trị liệu những vết thương trong thân và tâm. Khi thở vào, mình có thể đi một hai bước và thầm nói: “Tôi đã về, tôi đã tới”. Mình đã về rồi, mình đã tới rồi. Mình thật sự đã tới nhà của mình, nơi mà bấy lâu nay mình cứ mải kiếm tìm. Nhà của mình chính là giây phút hiện tại, khi mình an trú được trong giây phút hiện tại nghĩa là mình đã đặt được chân tới nhà, sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, quá khứ đã qua rồi, còn tương lai thì chưa tới. Vì vậy, tuy đang bước đi nhưng mình đã dừng được, mình đã thật về, đã thật tới rồi, không còn mải miết rong ruổi về quá khứ hay đuổi bắt tương lai nữa. 

Có nhiều người tuy đang ngồi đây nhưng tâm họ lại nhớ tới quá khứ, họ đang đau khổ, và họ không thể thoát ra khỏi quá khứ đau thương ấy. Quá khứ giống như một bóng ma đang ám ảnh người đó làm cho người đó không sống đàng hoàng được trong giây phút hiện tại. Trong khi đó, lại có những người rất sợ hãi tương lai, họ lo lắng, không biết ngày mai mình còn được làm ở công ty này không, mình còn giữ được người này không, hay người ấy lại bỏ mình để đi yêu người khác… Cái gì cũng sợ, cái gì cũng lo. Vì vậy, người đó không được thảnh thơi, người đó không được sống đàng hoàng ở giây phút hiện tại. Thành ra, chúng ta phải vứt bỏ những khổ đau trong quá khứ và đập tan những sợ hãi trong tương lai thì mới có thể sống đàng hoàng trong giây phút hiện tại được.

Biết hơi thở đang đi vào hay đi ra chính là chánh niệm. Khi định được tâm vào hơi thở thì mình sẽ nhẹ bớt một chút lo lắng, buồn bực, giận hờn và có thể tiếp xúc rất sâu với những mầu nhiệm của sự sống trong phút giây hiện tại, như là sương mù buổi sáng, tiếng chim hót, hay nét mặt của em bé thơ. Có khả năng sống trong phút giây hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì mình được nuôi dưỡng bởi những mầu nhiệm đó, và nó sẽ chữa lành từ từ những niềm đau của mình.

Trân quý người thương

Các vị đã biết thương chưa? Đã thương ai bao giờ chưa? Khi thương ai mình muốn nhìn sâu vào ánh mắt người đó và nói với người đó rằng người đó là nguồn hạnh phúc của mình. Mẹ ơi, mẹ là một kho tàng của con; ba là kho tàng của con; hay em yêu ơi, em là kho tàng của anh; anh yêu ơi, anh là kho tàng của em, v.v… Tại vì trong người kia có rất nhiều tươi mát, người ấy hiểu và thương mình. Người ấy cũng có sự vững chãi, có thể giúp mình không sợ hãi. Mình rất cần sự vững chãi ấy để được che chở, được chống đỡ. Và mình luôn mong rằng người ấy lúc nào cũng tươi mát, vững chãi, hiểu biết và thương yêu mình, để mình có thể tận hưởng người ấy. Có thể là mình muốn làm điều gì đó để kéo dài tình trạng êm đềm này. Nếu chúng ta chịu khó tu tập thì chúng ta luôn luôn có thể làm được nhiều điều để khiến cho người kia tiếp tục là suối nguồn hạnh phúc ngọt ngào của mình.

 

 

Cũng như vậy, khi mình là người thương của người kia thì mình cũng muốn trở thành nguồn vui của người ấy, muốn đem đến cho người ấy sự tươi mát, bình an, cũng muốn trở thành một điểm tựa vững chãi của người ấy. Bụt dạy về tình thương rất sâu sắc, rõ ràng, mình có thể thực tập ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay. Sự tu tập thiền quán đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, khi có niềm vui và hạnh phúc trong lòng thì những người ở xung quanh cũng sẽ được thừa hưởng niềm vui toát ra từ mình. Thiền quán đem lại nhiều hạnh phúc như vậy thì mình mớii thiền, chứ nếu không thì thiền để làm gì?

Khi người thương nhìn vào mắt mình rồi nói: “Con là kho tàng của mẹ”, nghe vậy mình muốn trở thành kho tàng đó thật, mình muốn tu tập cho đàng hoàng để xứng đáng với niềm tin đó. Người thương có thể là cha là mẹ hay anh chị em mình, hay bè bạn của mình. Sự tu tập luôn cung cấp cho mình niềm hạnh phúc.

Tình thương chân thật phải chứa đựng niềm vui, tình thương ấy đem niềm vui tới cho cả mình lẫn người kia. Nếu thương nhau mà cả hai cùng khổ, cứ khóc hoài, cứ hờn giận nhau thì đó không phải là tình thương.

 

 

 

 

Thiên thu trong khoảnh khắc

Nương tựa hơi thở

Một hơi thở vào có thể dài từ bốn tới mười giây, một hơi thở ra có thể tương tự hoặc dài hơn. Thường thì hơi thở ra dài hơn. Khi thở vào, bụng ta phồng lên; khi thở ra, bụng ta xẹp xuống. Nếu muốn kéo dài hơi thở ra, ta có thể ép bụng xẹp thêm nữa và như vậy ta có thể thở ra thêm vài giây nữa. Khi ép bụng để thở ra thêm ba bốn giây nữa thì phần thán khí trong phổi mình được thải ra thêm. Khi thả cho hai lá phổi hít vào là ta cho vào phổi thêm không khí trong lành. Nếu biết cách kéo dài hơi thở ra để đưa không khí trong phổi ra ngoài nhiều hơn thì còn tốt hơn nữa.

Khi chú ý tới sự phồng xẹp của bụng trong lúc thở thì đó là ta thở bụng. Khi thở bụng, hơi thở vào và hơi thở ra có thể dài hơn. Rất dễ chịu, nhất là khi phòng thoáng khí, hay là khi ta thực tập ngoài trời. Càng có nhiều không khí trong lành càng có tác dụng tốt cho sức khỏe của ta. Thực tập thở bụng là đi theo sự phồng xẹp của bụng: khi bụng phồng lên, ta cùng phồng với nó; khi bụng xẹp xuống, ta cùng xẹp với nó và ta nói: “xẹp thêm một chút nữa!”. Như vậy ta đẩy thêm thán khí trong phổi ra ngoài. Đến khi thả ra thì không khí tự động được hít vào. Nếu thấy dễ chịu trong khi thở vào, ta có thể cho không khí vào thêm một hoặc hai giây nữa. Nhưng nên chú ý tới phần thở ra nhiều hơn. Thở ra thêm được vài ba giây bao giờ cũng tốt cả.

Ta có thể quay về nương tựa nơi hơi thở. Ta thường hay nói nương tựa vào Tam Bảo, ít khi nói nương tựa vào hơi thở, hay vào bước chân. Nhưng nếu hơi thở có chánh niệm, nếu bước chân có chánh niệm, thì trong khi nương tựa vào hơi thở hay vào bước chân thì ta cũng nương tựa vào Tam Bảo. Vì bản chất của Tam Bảo là niệm, định và tuệ. Vậy nương vào hơi thở cũng chính là nương vào Tam Bảo. Nói “nương vào hơi thở” tuy không dùng danh từ Tam Bảo, nhưng bản chất của Tam Bảo có mặt trong hơi thở của ta. Trong khi ngồi, trong khi đi, ta hãy thở như thế nào để có hạnh phúc và an lạc ngay trong khi thở vào và thở ra. Ta không cần đi tìm hạnh phúc ở nơi khác, lúc khác. Ta tìm hạnh phúc ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra.

Tịnh độ trong hơi thở

Tu Tịnh độ ta cũng có thể làm như vậy. Đừng đi tìm Tịnh độ ở một không gian hay một thời gian khác. Ta nên tìm Tịnh độ ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra của ta. Tìm được Tịnh độ, có hạnh phúc ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra là ta đã thành công, ta không còn lo lắng cho tương lai nữa. Có Tịnh độ rồi, có hạnh phúc rồi, tại sao ta phải nghĩ tới tương lai nữa? “Thở vào, tôi ý thức là bụng tôi đang phồng lên; thở ra, tôi ý thức là bụng tôi đang xẹp xuống. Thở ra, tôi xẹp cái bụng thêm một chút nữa để cho hơi thở ra của tôi đi ra thêm”. Trong khi thở như vậy, ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. “Thở vào, tôi tìm hạnh phúc ngay trong hơi thở vào của tôi. Tôi biết rằng nếu tôi không tìm được hạnh phúc ngay trong hơi thở vào thì tôi sẽ không tìm được hạnh phúc ở một chỗ nào khác”. Phải tự thách thức mình như vậy!

Trong một bài pháp thoại trước, tôi có nói rằng: Tịnh độ là bây giờ hay là không bao giờ cả! (The Kingdom is now or never!) Bây giờ là gì? Bây giờ là lúc ta đang thở vào. Ta phải tìm cho ra Tịnh độ, phải tìm cho ra hạnh phúc trong hơi thở vào. Phải tự thách đố mình. “Hạnh phúc là bây giờ hay không bao giờ hết” là khẩu hiệu của Làng Mai (happiness is now or never).

Theo giáo lý của Làng Mai thì ta chỉ có giây phút hiện tại thôi (The present moment is the only moment). Nếu trượt thì còn gì nữa! Ta nói ta có ước hẹn với sự sống, và cái ước hẹn đó được chỉ định là ở giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này cũng dễ hiểu thôi, tại vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Đánh mất giây phút hiện tại là đánh mất ước hẹn với sự sống, nên ta phải đúng hẹn.

Thở vào chính là lúc để ta trở về với giây phút hiện tại, chính là lúc để ta tiếp xúc với sự sống. Hơi thở vào rất mầu nhiệm. Hơi thở vào chứa đựng niết bàn, chứa đựng Tịnh độ, chứa đựng hạnh phúc và tự do. Chúng ta đừng nên đi tìm những thứ đó ở nơi khác và ở lúc khác. Đó là một sự thách đố. Nếu thở vào mà thấy được Tịnh độ, thấy được hạnh phúc, thấy được tự do, thì… hết hơi thở vào, ta chết cũng được! Ta đã thành công rồi! Tại sao phải đòi thêm mấy chục năm nữa?

Kiếp người trong hơi thở

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một đoạn đức Thế Tôn hỏi các thầy: “Mạng sống của con người được bao lâu?” Một thầy trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, có thể nói là 100 năm”.

Đức Thế Tôn mỉm cười. Ngài hỏi thầy khác. Thầy trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, vài chục năm”.

Đức Thế Tôn cũng mỉm cười. Ngài lại hỏi thầy khác, thầy này trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, một tuần lễ”.

Đức Thế Tôn vẫn mỉm cười. Bụt lại hỏi, một thầy nữa trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, một ngày một đêm”.

Ngài cũng chỉ mỉm cười. Nhìn một thầy ngồi gần, Bụt hỏi, thầy này trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, mạng sống của con người chỉ trong một hơi thở!” Đức Thế Tôn gật đầu.

Trong Quy Sơn Cảnh Sách có câu: Chuyển tức tức thị lai sanh, nghĩa là khi đổi một hơi thở vào thành một hơi thở ra là ta đã sanh ra đời khác rồi, tức là đời sống của ta bị giới hạn trong một hơi thở. Vậy thì phải làm sao để trong hơi thở vào, ra, ta có hạnh phúc, có an lạc và có sự thỏa mãn. Được vậy là ta thành công. Đây là một thách thức rất lớn. Nếu trong hơi thở vào mà không có hạnh phúc thì sức mấy mà anh có hạnh phúc trong tương lai. Muốn có hạnh phúc, anh phải có một cái thấy (vision) rất sâu. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm: một giây phút chứa đựng cả thiên thu. Không những đức Thế Tôn nói như vậy mà chính những thi sĩ lớn cũng nói như vậy. Thiền sư Khánh Hỷ, đức Tăng Thống của Phật giáo Đại Việt vào thế kỷ thứ XI có nói:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

Nghĩa là tất cả trời đất có thể đặt gọn trên một sợi tóc, và cả mặt trời mặt trăng có thể nhét vào trong một hạt cải. Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ, và cái thiên thu nằm trong cái khoảnh khắc. Nếu sống với cái thấy của kinh Hoa Nghiêm, khi tiếp xúc với khoảnh khắc thì đồng thời ta cũng tiếp xúc với thiên thu. Ta không thiếu cái gì cả.

Và như vậy hơi thở vào là một sự thách thức đối với ta. Có hạnh phúc hay không là tùy ở hơi thở vào đó. Thực tập thiền đi cũng vậy. Mỗi bước chân là một thách thức. Ai cũng bước một bước. Nhưng có người thì bước trong cõi Tịnh độ, còn có người thì bước trong cõi trầm luân. Tùy theo cái thấy của ta mà thôi.

Bước như thế nào để có thể đi vào Tịnh độ, để có an lạc và hạnh phúc liền trong bước đó. Ta phải đầu tư hết con người của ta vào trong bước chân đó. Bước chân đó phải có niệm, có định và có tuệ. Ta biết một bước chân chứa đựng tất cả những bước chân: đi được một bước thành công là tất cả những bước chân khác cũng thành công. Mà suốt cả một trăm năm có mấy ai đi được một bước như vậy? Đi được một bước như vậy rồi thì ta cần gì một trăm năm nữa?

Thiên đường và địa ngục

Trong truyền thống Do-Thái và Ki-Tô giáo, quan niệm về thời gian và không gian khác với quan niệm về thời gian và không gian trong đạo Bụt. Trong tín ngưỡng phổ thông của Cơ Đốc giáo, có một cõi đời do Thượng Đế tạo dựng, và chúng ta chỉ có một đời để sống trên cõi đời này thôi. Khi chết, chúng ta lên thiên đường hoặc xuống địa ngục. Thiên đường, địa ngục ở hai bên (xem hình.1). Khi xuất hiện ở cõi đời thì anh chỉ có cơ hội sống một kiếp thôi. Tùy theo cách anh sống ở kiếp đó mà sau đó anh đi lên thiên đường hoặc đi xuống địa ngục, lên là lên luôn, xuống là xuống luôn – vĩnh viễn. Anh không có cơ hội trở về cõi đời này nữa. Đó là vũ trụ quan của người Cơ Đốc.
(xem hình 1)

 

Nhưng nhiều khi cuộc đời ngắn ngủi quá, chưa được một trăm năm, mới chỉ được ba bốn chục năm mà ta đã chết rồi, thành ra ta cảm thấy rất cấn cái, chật vật, không thoải mái. Theo ý của Chúa, chúng ta chỉ có chừng đó thời gian thôi. Thành cái thấy của Ki-Tô giáo đối với cuộc đời trên trái đất này cho chúng ta một cảm giác thôi thúc, phải làm gấp, phải nhanh lên, không nên làm biếng.

Đạo Phật có dạy về luân hồi, nghĩa là chết rồi thì sanh trở lại và sanh ra rất nhiều kiếp (xem hình.2).

 

 

Thành ra người Phật tử cứ… tà tà. Kiếp này không thành công thì kiếp sau, có gì mà phải vội vàng! Với cái thấy đó, ta cho phép mình làm biếng. Nhưng coi chừng! Nếu kiếp sau, tuy được sanh lại trên cõi đời này nhưng nếu không được làm người mà phải làm con chim, con cá, con cóc, con thỏ, thì ta đâu được gặp thầy, đâu được theo tăng thân tu học. Vì vậy nên ta cũng phải cảnh giác, không thể nào làm biếng được đâu! Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục. Nghĩa là một lần mất thân người muôn kiếp khó trở lại. Đó cũng là tiếng chuông chánh niệm. Thành ra ta đừng coi thường! Tuy sẽ sanh lại rất nhiều lần nhưng chắc gì anh được làm người trở lại. Vì vậy anh cần phải đề cao cảnh giác.

Lá nuôi cây, cây nuôi lá

Thầy thị giả mới nhặt chiếc lá sồi này ở ngoài sân. Chiếc lá này sanh ra vào mùa xuân và đến khoảng tháng mười một năm nay thì nó rụng. Nó tồn tại vào khoảng tám tháng. Chúng ta người nào cũng có ngày sanh và ngày diệt. Chúng ta không khác gì chiếc lá. Chiếc lá này đã có cơ hội của nó rồi. Tám tháng của đời nó đã đi qua.

Đứng về phương diện của người Phật tử, chúng ta thấy chiếc lá có thể bắt đầu trở lại được. Chúng ta cứ để chiếc lá này mục đi, thành đất. Và cây có thể lấy chất liệu bổ dưỡng đó để làm ra những chiếc lá mới. Vậy thì chiếc lá này có thể luân hồi để thành những chiếc lá khác. Nhưng nó có thể không luân hồi thành một chiếc lá mà luân hồi thành cành cây; nó có thể không luân hồi vào cây này mà luân hồi vào một cây khác. Như vậy, không có gì bảo đảm cả. Nghĩa là nó sẽ tiếp tục.

Tám tháng là một cơ hội. Trong tám tháng đó, chiếc lá này có thể đã làm ăn rất hay. Chúng ta có thể thấy nó mới sinh ra, xanh mơn mởn và đùa giỡn trong ánh nắng mặt trời tháng tư, tháng năm. Chiếc lá này đã chứng kiến trời xanh mây trắng, đã thu nhiếp ánh sáng mặt trời, đã chế tác nhựa nguyên thành nhựa luyện, đã nuôi cây và nuôi cành. Chiếc lá này đã làm việc rất nhiều. Không phải chỉ có cây mới nuôi lá, mà lá trong suốt đời của nó cũng đã chế tác nhựa luyện để nuôi cây. Vì vậy nên nhìn vào lá là thấy cây và nhìn vào cây là thấy lá.

Nhìn vào xác lá, chúng ta đừng tưởng tất cả chiếc lá đang nằm trong cái xác này. Không! Chiếc lá này hiện vẫn đang nằm trong cây, vì suốt cuộc đời nó đã nuôi cây. Mỗi ngày, chiếc lá này hấp thụ những chất khí trong không gian, hấp thụ ánh nắng của mặt trời, tinh luyện ra nhựa luyện để gởi trở lại nuôi cây, nuôi cành và nuôi rễ. Vì vậy nói cuộc đời tám tháng của chiếc lá nằm trong cái xác lá này là không đúng. Đây chỉ là một phần nhỏ của chiếc lá. Chiếc lá hiện còn sinh động rất nhiều ở trong cây và đến tháng tư sang năm nó sẽ biểu hiện trở lại.

Như ông nội của mình, đừng nói ông nội mình đang nằm trong lòng đất! Ông nội đang có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể mình. Mỗi khi mình thở vào thanh thản, nhẹ nhàng, ông nội mình cũng đang được thở vào thanh thản, nhẹ nhàng. Ít hay nhiều, mình phải thấy được ông nội qua từng hơi thở.

Cũng vậy, đừng thấy chiếc lá đã sống được tám tháng trên cây, hiện đang nằm dưới hình thức một tờ lá chết. Không! Chiếc lá đó không chỉ nằm ở đây: nó nằm ở mọi nơi, ở trong cây và ngoài cây. Chúng ta đã đi thiền hành qua những hàng sồi trong mùa xuân, trong mùa hè. Chúng ta đã hít thở không khí trong lành của chiếc lá tỏa ra.

Chiếc lá có mặt trong mỗi người chúng ta. Ta phải thấy chiếc lá này ở trong ta, không phải chỉ ở ngoài ta mà thôi. Quý vị đã tới Làng Mai. Quý vị đã hít thở và đã có những chiếc lá mùa xuân, mùa hè trong quý vị. Những chiếc lá đó đã chế tác dưỡng khí cho quý vị thở. Vì vậy nên chúng ta đừng dại dột nghĩ chiếc lá chỉ nằm trong cái xác lá này. Chiếc lá có mặt trong cây, trong quý vị và nó đang tiếp tục luân hồi.

Tịnh độ trong ta bà

Quan niệm về thời gian trong đạo Phật rất khác với quan niệm về thời gian trong đạo Chúa. Trong tín ngưỡng bình dân của đạo Phật thì có cõi ta bà, nhưng ngoài cõi ta bà còn có những cõi khác nữa. Trong đạo Phật có “tam thiên đại thiên thế giới”. Trong kinh, Bụt nói rằng: “Quý vị hãy nhìn sông Hằng xem! Sông Hằng có biết bao nhiêu là cát. Giả dụ mỗi hạt cát là một tam thiên đại thiên thế giới và sự thật là có bao nhiêu cát thì có bấy nhiêu tam thiên đại thiên thế giới”.

Cái thấy của đạo Phật về vũ trụ so với cái thấy đạo Chúa lớn hơn nhiều. Trong Thánh kinh, vũ trụ, trước hết là trái đất này. Trái đất là sân khấu của lịch sử: lịch sử bắt đầu ở đó và chấm dứt tại đó. Ban đầu, Thượng Đế tạo dựng ra với mục đích nào đó, và con người phải vâng theo ý của Chúa thì mới thành công. Khoa học vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm thời gian đó. Khoa học đã cố gắng đi tìm cái khởi thỉ của vũ trụ, và do đó mới có thuyết Big Bang. Nhưng trong đạo Phật thì không có khởi thỉ (vô thỉ) và không có chung cuộc (vô chung).

Trong đạo Phật có cõi ta bà, có những cõi trời và những cõi khổ đau (xem hình.2). Có nhiều thứ địa ngục chứ không phải chỉ có một. Có địa ngục này dễ thở hơn địa ngục khác. Từ trái đất chúng ta lại sinh ra lại trong trái đất và tùy theo nghiệp lành hay nghiệp dữ mà chúng ta được sinh lên cõi trời hay phải xuống địa ngục.

Ở cõi trời cũng vô thường. Nếu thực tập năm giới một cách vững chãi, quý vị được sinh lên cõi thiên. Sau khi hưởng hết phước báu, quý vị trở xuống lại. Nếu quý vị làm ăn không đàng hoàng thì phải xuống địa ngục. Sau khi trả quả báo ở địa ngục xong thì quý vị được lên trở lại. Rất vui. Trong đạo Phật có nhiều cõi trời và nhiều loại địa ngục. Chúng ta thấy trong vũ trụ quan của đạo Phật, con người thoải mái hơn, đứng về phương diện không gian cũng như đứng về phương diện thời gian. Không có giới hạn về không gian và thời gian, ta gọi là vô thỉ vô chung.

Theo kinh điển đạo Phật, trái đất này là nơi đức Thích Ca chọn để làm Phật độ của ngài. Đọc trong kinh điển, ta được biết một kiếp ở cõi ta bà chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà. Qua đó ta thấy quan niệm thời gian tương đối rất rõ ràng ở trong đạo Bụt. Cũng trong khoảng thời gian đó mà người này thấy rất dài và người kia thấy rất ngắn.

Ví dụ khi ngồi thiền 45 phút: có người thấy thời gian dài quá, sao chưa có tiếng chuông? Có người thấy thở chưa đã mà đã có tiếng chuông rồi! Tùy theo nhận thức của mỗi người mà thời gian 45 phút đó trở nên lâu hay mau. Có phải vậy không? Những người ở tù thấy một ngày trong tù bằng một ngàn năm ở ngoài. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thời gian là một cái gì tương đối. Thời gian là sản phẩm của trí óc. Nó dài hay ngắn tùy theo cái nhìn của mình. Một kiếp ở cõi ta bà chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tịnh độ; một kiếp ở cõi Tịnh độ này có thể chỉ ngắn bằng một ngày một đêm của cõi Tịnh độ khác.

Thời gian và không gian

Đến Làng Mai, quý vị thấy một ngày ở Làng Mai cũng khác với một ngày ở thành phố quý vị đang sống. Có một lần tôi đi trên một chiếc xe du lịch (limousine) thuê được ở thành phố, cùng đi với các vị khác để viếng động Ajanta. Đó là một dãy núi mà người xưa đã đục để làm thành nhiều tu viện từ thế kỷ thứ II tới thế kỷ thứ IX. Người ta đục núi ra và trong đó có Phật điện, thiền đường, tăng xá, v.v… đủ hết.

Trong khi làm việc, để có đủ ánh sáng, người ta đã dùng những tấm kiếng để đưa ánh sáng vào trong. Trong động có những tượng Phật và những tác phẩm nghệ thuật khác rất đẹp. Tôi đã từng nằm trên những cái giường bằng đá trong những cái liêu của các thầy để có cảm tưởng mình sống vào thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch. Cái giường bằng đá đó cũng do con người đục núi làm ra.

Trên đường đi Aurangabad, trời rất nắng. Cố nhiên, khi đi xe du lịch là mình muốn tới nơi sớm chừng nào hay chừng đó. Đi tới một chỗ đó thì mình gặp một chiếc xe bò. Chiếc xe bò đi cà rịch cà tang, cà rịch cà tang, rất chậm. Con đường rất khúc khuỷu. Con bò kéo chiếc xe không vội vã gì hết. Người đánh xe cũng vậy. Anh ta ở trần. Anh ta ngồi rất thoải mái trên chiếc xe bò. Anh ta che đầu bằng một nhành cây. Anh ta đi nhưng không có ý muốn tới sớm như người lái xe du lịch.

Người lái xe du lịch từ thành phố tới, và cố nhiên muốn đưa khách tới nơi tham quan càng sớm chừng nào càng tốt chừng đó, để lấy tiền và về đi làm chuyến khác. Vì vậy nên trong người lái xe có cái thao thức muốn đi mau để tới sớm. Nhìn ra, tôi thấy chiếc xe bò do một con bò kéo và có một người ngồi ở trần, đang che nắng bằng một nhành cây đầy lá. Điều này chứng tỏ là con bò không có niềm thao thức muốn đi cho mau tới mà người ngồi đánh xe bò cũng vậy.

Tôi thấy rõ ràng có hai thời gian, hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Người đánh xe và con bò, cả hai hoàn toàn không hối hả. Trong khi đó, người lái xe du lịch rất hối hả muốn tới. Chúng ta thấy rất rõ hai hình ảnh đó đại diện cho hai cái thấy về thời gian. Thời gian khác thì không gian cũng khác. Người lái xe du lịch và anh nông dân đang ngồi trên chiếc xe bò, hai người đang sống trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Những ước mơ, những tính toán, không gian với thời gian, hoàn toàn khác nhau. Và người này không muốn trở thành người kia, người kia không muốn trở thành người này. Ai hạnh phúc hơn ai? Chưa biết!

Vũ trụ trong hạt bụi

Vòng tròn tượng trưng cho một thế giới hay một đơn vị thời gian. Thế giới đó nằm trong một thế giới khác lớn hơn, cũng như nước Pháp nằm trong Âu châu; Âu châu ôm lấy nước Pháp, nhưng Âu châu nằm trên quả địa cầu; quả địa cầu nằm trong Thái dương hệ; Thái dương hệ nằm trong dải ngân hà. Cái này ôm lấy cái khác, và cái khác được ôm lấy bằng cái khác nữa.

Trong cái thấy của đạo Bụt, không những cái lớn ôm lấy cái nhỏ mà cái nhỏ cũng ôm lấy cái lớn. Như chiếc lá sồi này, và cây sồi ngoài kia, nếu quý vị nói chiếc lá này nằm ngoài cây sồi là không đúng. Chúng ta đã quán chiếu để thấy trong suốt tám tháng trời chiếc lá đã làm việc: nó đã cười, đã reo, đã đi qua bao nhiêu mưa nắng. Chiếc lá đã tinh chế biết bao nhiêu nhựa luyện để nuôi thân cây, nuôi những chiếc lá anh, lá chị, lá em, và hiện giờ nó vẫn còn đang có mặt trong cây sồi ngoài kia. Nếu quý vị nghĩ nó chỉ có mặt trong cái xác lá này thôi là quý vị lầm.

Cũng như quý vị tưởng ông nội của quý vị đang nằm trong lòng đất là quý vị lầm. Ông nội của quý vị đang nằm trong quý vị, ông đang thở, đang mỉm cười với quý vị. Chiếc lá này đang chứa đựng cả cái cây. Quý vị đang chứa đựng tất cả tổ tiên. Tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh đều đang có mặt trong quý vị. Cái một chứa đựng cái tất cả. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm.

Ta phải thấy được cái một trong cái tất cả và cái tất cả trong cái một; ta phải thấy được thiên thu trong khoảnh khắc, lúc đó ta mới có tự do. Ta phải thấy khi ta thở là thở cho tất cả tổ tiên. Và nếu trong một hơi thở, ta có thảnh thơi, có tự do và hạnh phúc thì tất cả tổ tiên ta đều được thừa hưởng.

Một hơi thở rất quan trọng. Đó là một hành động giải phóng. Giải phóng cho tất cả các tổ tiên trong bao nhiêu kiếp nếu hơi thở đó đem lại cho ta niệm, định và tuệ. Tuệ là cái thấy. Thấy cái gì? Thấy được cái một chứa đựng cái tất cả, thấy một khoảnh khắc chứa đựng cả thiên thu. Nên công phu của quý vị là phải nắm lấy từng hơi thở và từng bước chân. Quý vị phải thành công được trong hơi thở đó, trong bước chân đó, chứ đừng nói “vô lượng kiếp”. Không cần đến vô lượng kiếp.

Trong đạo Phật thường nói bản môn nằm trong tích môn. Nếu tiếp xúc được với một giây phút của tích môn cho thật sâu sắc là ta tiếp xúc được với bản môn. Nếu tiếp xúc được với cái khoảnh khắc cho sâu sắc là ta chạm được cái thiên thu ở trong đó rồi. Vậy thì vòng tròn nhỏ – tượng trưng cho đơn vị không gian và thời gian nhỏ nhất – được ôm lấy bởi vòng tròn lớn – tượng trưng cho không gian và thời gian lớn hơn (hình.3).

 

 

Đó là một chiều. Chiều thứ hai là tuy là đơn vị nhỏ nhất nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng tất cả ở trong nó. “Trong hạt bụi có vô số Bụt, mỗi vị an trú chúng hội mình. Đức tin của con vẫn tràn đầy trong mỗi hạt bụi của Pháp giới”. Khoa học bây giờ bắt đầu thấy được điều đó: một hạt bụi chứa đựng tất cả những hạt bụi. Ý niệm về một, về nhiều, về lớn, về nhỏ, bắt đầu tan biến. Tu học là để giác ngộ. Giác ngộ để có hạnh phúc.

 

Niết bàn trong sinh tử

Có một lúc nào đó, tự nhiên chúng ta thấy mình đang đi trên con đường thời gian. (Xem hình 4)

 

 

Chúng ta thấy chúng ta tới từ vô thỉ. Trong đạo Phật, không bao giờ có cái bắt đầu. Điểm bắt đầu của cái này là sự chấm dứt của cái khác. Bắt đầu của năm 2008 là sự chấm dứt của năm 2007, vì vậy cho nên năm 2008 chỉ là sự tiếp nối của năm 2007 mà thôi. Thành ra cái chúng ta gọi là bắt đầu không phải là bắt đầu mà chỉ là sự tiếp nối. Sự bắt đầu của năm 2007 chẳng qua là sự chấm dứt của năm 2006! Vì vậy cho nên không có cái bắt đầu.

Khoa học bây giờ nên đi theo chiều hướng đó để tiếp tục khám phá, chứ đi tìm cái bắt đầu là vẫn còn bị kẹt. Vì ý niệm bắt đầu là một sáng tạo phẩm của trí óc (mental construction). Trong đạo Phật có vô minh, có luân hồi, nên người Phật tử tu là để chấm dứt luân hồi, đạt tới niết bàn. Ví dụ mình tu tới giao điểm A (Hình 4) là chấm dứt được luân hồi. Luân hồi hình như có điểm chấm dứt. Chấm dứt luân hồi tức bắt đầu niết bàn. Niết bàn hình như có điểm khởi đầu. Và đó là ý niệm về đắc mà Tát Bà Đa bộ sáng tạo. Đắc là cái gì mình chưa có mà bây giờ mình có, như danh từ đắc đạo.

Từ vô thỉ tới bây giờ chúng ta có sinh tử (samsara). Tới điểm A, chúng ta chứng đắc niết bàn (xem hình 4). Sinh tử chấm dứt ở A và niết bàn cũng bắt đầu từ A, giống như là sinh tử không có bắt đầu nhưng lại có chung cuộc; niết bàn giống như là có bắt đầu nhưng lại không có chung cuộc. Nhìn thì thấy như vậy. Trên quan điểm giải thoát, sinh tử từ vô thỉ tới. Khi chúng ta đắc thì sinh tử chấm dứt. Niết bàn là vô chung, nhưng lại có điểm khởi thỉ, là giao điểm đắc đạo (A). Đó là một sản phẩm của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ, trong đó có ý niệm về đắcthất. Hễ được niết bàn là mất sinh tử. Đó là quan niệm lịch sử về vô thỉ, vô chung.

Nhưng trong đạo Phật có những tông phái chủ trương niết bàn và sinh tử đều là những hoa đốm giữa hư không. Ví dụ có một người đấm mình một cái. Tá hỏa tam tinh, tự nhiên mình thấy 36 ngọn đèn. 36 ngọn đèn đó có thiệt hay là sản phẩm của một cú đấm? Trong kinh có nói niết bàn hay sinh tử đều là sản phẩm của cú đấm (Niết bàn sinh tử thị không hoa). Niết bàn và sinh tử đều là những tạo tác của tâm ý mà thôi. Có vị thiền sinh hỏi: “Bạch thầy, con đi tìm niết bàn ở đâu?” Thiền sư nói: “Con đi tìm niết bàn ngay trong sinh tử chứ còn ở đâu nữa!” Trong sinh tử có niết bàn. Đó là cái thấy bất nhị.

Thời gian 45 phút quý vị ngồi thiền cũng vậy. Có người nói sao 45 phút lâu quá vậy! Có người nói sao mới ngồi xuống là hết giờ liền! 45 phút đó lâu hay mau là tạo tác của tâm ý quý vị, là tùy quý vị có pháp lạc hay không trong khi ngồi thiền. Niết bàn, sinh tử chẳng qua là những ý niệm, cho nên mới có danh từ chân như. Chân như là nó như vậy! Chúng ta có thể diễn tả thực tại là niết bàn, hay là sinh tử cũng được. Rất mầu nhiệm. (Xem hình 5)

Đại dụng

Vì vậy cho nên quan niệm về thời gian và không gian trong đạo Phật hoàn toàn khác so với trong lịch sử. Sinh ra trong truyền thống Phật giáo, quý vị được thừa hưởng quan niệm về không gian và thời gian rất đặc biệt. Nó thênh thang, không có ngằn mé. Quý vị sẽ có rất nhiều tự do nếu quý vị muốn, cái đó gọi là đại dụng. Khi có cái thấy đó rồi thì muốn cái gì là được cái đó. Nếu quý vị muốn là ánh sáng thì quý vị là ánh sáng, bây giờ và ở đây. Nếu quý vị muốn là ông nội thì quý vị là ông nội liền bây giờ; nếu quý vị muốn là Phật thì là Phật ngay bây giờ; nếu quý vị muốn ở trong lâu đài của đức Di Lặc thì quý vị ở trong lâu đài của đức Di Lặc ngay bây giờ. Không cần đi tìm kiếm. Vì đã thấy được cái một ở trong cái tất cả. Trong hơi thở vào, quý vị có thể tiếp xúc được với tất cả. Trong từng bước chân, quý vị có thể thể hiện được thần thông.

Bất khả đắc

Trong kinh Hoa Nghiêm có phẩm Dạ Ma Thiên. Đức Thế Tôn lên cõi trời Dạ Ma. Hàng chục ngàn thính chúng được ngồi với đức Thế Tôn hạnh phúc quá chừng. Có một ông ở cõi Diêm Phù vừa lên cõi Dạ Ma, thấy Bụt, ông ngạc nhiên nói: “Lạ quá! Tôi vừa mới thấy đức Thế Tôn ở dưới Diêm Phù mà lên đây cũng thấy Ngài nữa. Ngài lên hồi nào vậy?” Các vị trời trả lời: “Ngài ở đây lâu rồi!” Lạ quá! Đức Thế Tôn có mặt đồng thời trong hai cõi: ngài vừa có mặt ở dưới Diêm Phù, ngài vừa có mặt ở cõi Dạ Ma. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm.

Anh không chỉ ngồi ở đây đâu. Anh tưởng là anh đang ở đây nhưng kỳ thực anh cũng đang đồng thời có mặt ở bên kia. Anh tưởng chiếc lá này đang ở trong thiền đường? Không đúng. Chiếc lá này đang ở trong cây, trong chúng ta, tại vì chúng ta đã hít dưỡng khí của nó thải ra. Chiếc lá này đang ở trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Anh đi tìm chiếc lá này không được đâu. Sức mấy mà anh nắm bắt được chiếc lá này, bất khả đắc. Sức mấy mà anh nắm bắt được Bụt, nắm bắt được chính anh. Anh là bất khả đắc. Đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm.

Nhìn cho kỹ, niết bàn không phải bắt đầu từ giao điểm A. Nhìn cho kỹ, sinh tử không phải chấm dứt tại giao điểm A. Niết bàn chính là sinh tử, sinh tử chính là niết bàn. Vì vậy cho nên chỉ có một dòng chảy từ vô thỉ tới vô chung, gọi là chân như. (Xem hình 5)

 

 

Anh gọi nó là niết bàn cũng không được, sinh tử cũng không được. Cái niết bàn anh đang đi tìm, anh đi tìm ở đâu? Nó đâu có ở ngoài. Nó ở chính trong anh. Cũng như có người đi tìm không gian. Mình đang ở trong không gian rồi mà còn đi tìm không gian làm gì nữa? Giống như con cá đi tìm nước. Nó đang bơi lội trong nước mà đi tìm nước làm gì nữa? Niết bàn cũng vậy.

Chúng ta đang bơi lội trong niết bàn mà còn đi tìm niết bàn! Cái mà chúng ta gọi là thiên quốc, cái mà chúng ta gọi là Tịnh độ, cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc, nó nằm ngay trong hơi thở vào của anh, nó nằm ngay trong hơi thở ra của chị. Anh, chị, đừng có đi tìm xa, chúng ta có đủ hết tất cả rồi. Chúng ta đã là cái mà chúng ta muốn trở thành (You are already what you want to become).

Món quà cho đời

Hơi thở vào là cơ hội của quý vị. Bước chân là cơ hội của quý vị. Quý vị còn đi tìm cái gì nữa? Thành công hay thất bại là ở hơi thở vào đó, là ở bước chân đó. Thở như thế nào mà trong khi thở, quý vị cảm thấy có tự do, an lạc và hạnh phúc.

Đi như thế nào mà trong khi đi, quý vị cảm thấy có tự do, an lạc và hạnh phúc. Cái chúng ta đi tìm nằm ngay ở đây (This is it). Thấy được điều đó rồi, chúng ta có rất nhiều tự do. Anh đang tập sự xuất gia (aspirant). Chị đang tập sự xuất gia. Anh và chị đang chờ đợi ngày được xuất gia, để được gọi là sa di, là sa di ni. Nhưng chúng ta đâu cần phải đợi tới ngày ấy.

Khi đang tập sự, chúng ta cũng có thể chứng đắc được với hơi thở vào và hơi thở ra. Làm thầy tu, ta có cơ hội làm chuyện thở vào, thở ra và ta có sự thích thú được tiếp tục làm chuyện đó. Và một khi mình làm được chuyện đó thì mình cũng làm được cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, cho Bụt, cho thầy và cho cả thế giới.

Sự giải phóng của một con người là món quà lớn nhất mà người đó có thể hiến tặng cho cuộc đời. Sự thành công đó, ta phải đạt cho được trong hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Đó là một sự thách đố. Anh làm chuyện đó không phải cho riêng anh. Anh thở vào không phải cho riêng anh. Anh thở vào cho cả thế giới, cho cả vũ trụ. Chiếc lá này đã làm được chuyện đó, tại sao anh không làm được như vậy? Tại sao anh lo lắng, anh sầu khổ, anh sợ hãi? Anh đang làm người. Anh có cơ hội ngồi xuống. Anh có cơ hội thở vào. Anh có cơ hội đi từng bước chân. Tại sao anh không thành công? Anh còn đi kiếm cái gì nữa?

Thầy Làng Mai giảng ngày 17-01-2008

 

Truyền thừa của phái Liễu Quán

Ở Huế có một dòng sông tên là sông Hương và một ngọn núi tên là núi Ngự. Dưới chân núi có chùa Viên Thông, trong chùa có một vị thiền sư nuôi dạy đồ chúng, đó là thiền sư Liễu Quán. Hồi đó đất nước Việt Nam cũng bị chia đôi, từ sông Gianh ra ngoài Bắc là Chúa Trịnh cai trị còn trở vào Nam là chúa Nguyễn. Các Chúa ở trong Nam tuy gọi là Chúa nhưng kỳ thực họ là những ông vua, xưng là An Nam quốc vương. Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng đạo, nhưng vì thiền sư Liễu Quán không ưa lui tới tới phủ Chúa cho nên chúa thường hay tới chùa Viên Thông dưới chân núi để học đạo và cũng vì lý do đó nên người ta gọi ngọn núi đó là núi Ngự, tức là núi mà vua hay tới để nghe pháp.

Thiền sư sinh năm 1670, ở tỉnh Phú Yên, đến năm 6 tuổi thì mẹ mất. Chú bé ấy thường được cha dắt lên chùa Hội Tôn ở Phú Yên. Trong chùa có một thầy tên là Tế Viên rất cưng chú bé đó và chú bé đó cũng rất mến thầy. Năm 12 tuổi chú đòi đi tu và được cha cho phép. Chú tập sự xuất gia, làm chú điệu nhỏ ở chùa Hội Tôn dưới sự dẫn dắt của thầy Tế Viên. Bảy năm sau thì thầy Tế Viên viên tịch, lúc đó chú vẫn chỉ là điệu, còn để chỏm, chưa thọ mười giới (giới Sa Di). Chú điệu đó nghe nói ở Huế có nhiều thầy giỏi cho nên tìm đủ mọi cách ra Huế tầm sư học đạo. Hồi đó làm gì có xe bus, xe lửa, máy bay như bây giờ, vì vậy chú điệu từ Phú Yên phải vượt núi băng ngàn mà đi, cả mấy tháng mới ra tới Huế và tới Huế thì tìm tới được chùa Thiên Thọ (Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự). Chùa này là một trong những ngôi chùa cổ ở Huế, nằm trên một ngọn đồi cao, gọi là Hàm Long Sơn và sau đó đổi tên là Chùa Báo Quốc.

Hồi còn làm Sa di, tôi cũng được đi học ở Chùa Báo Quốc (Chùa Thiên Thọ). Hồi đó Phật Học Đường được tổ chức ở Chùa Báo Quốc. Tôi xuất gia tại chùa Từ Hiếu, mỗi tháng chùa Từ Hiếu phải đóng hai giạ lúa để cho tôi đi học. Chùa Từ Hiếu có ruộng, có lúa, thay vì đóng tiền thì đóng lúa, thành ra tôi đi học cũng tốn lúa của chùa lắm đấy. Hiện giờ chùa Từ Hiếu cũng vẫn còn ruộng, mỗi năm các thầy các sư cô cũng đi gặt lúa. Năm 2007 khi các thầy, các sư cô Tây phương về Huế cũng đã có dịp đi gặt lúa chung với các thầy, các sư cô của mình ở chùa Tổ rồi, rất là vui.

Chú điệu trẻ tuổi ra chùa Thiên Thọ tu học được một năm thì nghe tin cha bị bệnh nên phải về nuôi cha. Ngày ngày phải đi vào rừng đốn củi đem bán để đổi lấy gạo nấu cơm cho cha ăn và chăm sóc cha cho đến khi cha mất. Tang lễ cho cha xong thì chú ra lại Huế để tiếp tục tu học. Vào năm 1697 thì có Đại giới đàn ở Chùa Thiền Lâm và chú được thọ giới Sa di. Đại giới đàn do thiền sư Thạch Liêm ở Quảng Đông qua tổ chức, dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thiền sư Thạch Liêm còn để lại một cái bình bát ở Chùa Trúc Lâm (Huế). Năm 27 tuổi chú mới được thọ giới Sa Di, được làm một sư chú và hai năm sau đó thì được thọ giới lớn tại chùa Từ Lâm. Đó là năm 1697.

Lúc đó tại chùa Ấn Tôn (nằm trên ngọn đồi còn cao hơn ngọn Hàm Long là Long Sơn, tên mới là Từ Đàm) có một vị thiền sư đang giảng dạy và hướng dẫn thiền tập ở đó, vị thiền sư này tên là Minh Hoằng Tử Dung. Chùa Ấn Tôn được khánh thành năm 1702 nhưng thực ra hai mươi năm trước đó đã được thành lập. Đầu thế kỷ thứ 18 tức là vào năm 1702 thầy Liễu Quán được gặp thiền sư Tử Dung và thiền sư có trao cho thầy một công án, công án đó là:

– Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?
tất cả các pháp chảy về một pháp vậy cái một đó chảy về đâu? Mười ngàn pháp đi về cái một, vậy cái một đi về chỗ nào? Sau khi nhận công án, thầy Liễu Quán về Phú Yên và tu tại đó. Sau năm sáu năm tham cứu mà công án đó chưa vỡ ra được, thầy chưa chứng ngộ được. Tự nhiên một hôm đó, đang đọc cuốn Truyền Đăng Lục, ngang qua câu:
– Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.
(Chỉ vào sự vật với mục đích là truyền tâm mình cho người đệ tử thì điều này có thể là chướng ngại cho người đệ tử) tự nhiên thầy hiểu được, và thầy đặt cuốn kinh xuống. Thầy nhất định phải đi ra Huế trở lại để trình cho thầy biết là mình đã thấy được đạo rồi và cũng để xem thử là thầy có thấy mình đã thật sự đạt đạo hay chưa. Thầy vượt núi băng ngàn ra Huế trở lại, đó là vào năm 1708. Sau khi trình bày công phu của mình, thầy nghe thiền sư Tử Dung nói:
Hố thẳm buông tay
Một mình cam chịu
Chết đi sống lại
Ai dám chê mình

Thầy Liễu Quán vỗ tay cười. Thiền sư nói:
– chưa được.
Thầy Liễu Quán chỉ vào trái cân để gần đấy và nói
– Trái cân vốn là sắt.
Thiền sư vẫn lắc đầu. Thầy Liễu Quán buồn lắm. Nhưng qua ngày hôm sau, thấy thầy Liễu Quán đi ngang, Thiền Sư gọi lại. Thiền Sư bảo:
– chuyện ngày hôm qua nói chưa xong, hôm nay hãy nói tiếp đi.
Lúc bấy giờ thầy Liễu Quán mới mỉm cười và đọc:

Sớm biết đèn là lửa
Thì cơm chín đã lâu rồi!

Thiền Sư Tử Dung rất vui mừng và hết lời khen ngợi. Thầy Liễu Quán đã được đắc pháp.

Khi nghe thầy Liễu Quán đọc câu: “Trái cân vốn là sắt ta có thể nhớ tới con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng. Con sư tử vàng chỉ là một huyễn tướng, chỉ có vàng mới thật sự là chân thực. Đó là giáo lý tánh khởi, từ bản thể mà biểu hiện ra hiện tượng. Có thể là thầy Liễu Quán đã muốn trình kiến giải trong cái thấy tánh khởi của kinh  Hoa Nghiêm, nhưng thiền sư đã không ấn chứng, có lẽ vì đấy chỉ mới là cái thầy của khái niệm. Đến khi nói chuyện đèn lửa nấu cơm thì mới thực sự là cái thấy thực chứng.

Liễu là hiểu được, quán tức là quán chiếu, là nhìn cho sâu. Tên hiệu là Liễu Quán, pháp danh là Thật Diệu. Thật là sự thật, diệu là sáng tỏ, chiếu sáng, sự thật chiếu sáng. Thầy truyền đăng cho mình là Minh Hoằng, bắt đầu chữ Minh (Minh Hoằng Tử Dung) và khi mình đắc pháp thì được chữ Thật. Bài kệ là:

Minh Thật Pháp Toàn Chương
Ấn Chân Như Thị Đồng.

Thầy là chữ Minh, trò là chữ Thật. Thật Diệu là pháp danh của thiền sư Liễu Quán và khi thiền sư Liễu Quán đặt tên cho đệ tử thì ngài đặt tên theo bài kệ này:

Thật Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong …

Tên thầy Liễu Quán bắt đầu bằng chữ Thật cho nên tên tất cả các đệ tử xuất gia và tại gia của thầy bắt đầu bằng chữ Tế. Tất cả đệ tử của các thầy có chữ Tế thì có pháp danh chữ Đại. Tất cả đệ tử thế hệ thứ tư đều có pháp danh chữ Đạo và thế hệ thứ năm là chữ Tánh. Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định khai sinh chùa Tổ của mình ở Huế là thuộc về thế hệ thứ năm. Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định có nhiều vị đệ tử giỏi với pháp danh bắt đầu chữ Hải như Hải Thiệu Cương Kỷ và các đệ tử của thế hệ chữ Hải có pháp danh bắt đầu bằng chữ Thanh. Thầy của tôi, tức là sư ông của các vị ngồi đây là Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật, thuộc thế hệ thứ bảy. Tôi là Trừng Quang, thế hệ thứ tám, pháp danh của tôi bắt đầu bằng chữ Trừng. Trừng là lắng đọng lại. Tất cả đệ tử xuất gia cũng như đệ tử cư sĩ của tôi đều có pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, thuộc về thế hệ thứ chín của phái Liễu Quán.

Thiền thuộc tông Lâm Tế truyền sang Việt Nam nhiều lần và lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ 12, 13. Vua Trần Thái Tông cũng có tiếp nhận truyền thừa của tông Lâm Tế. Vào Thế kỷ thứ 17, thiền tông Lâm Tế lại vào Việt Nam thêm một lần nữa (không biết là lần thứ mấy). Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung là người đã trao truyền thiền tông Lâm Tế lại cho thiền sư Liễu Quán. Thiền sư Liễu Quán đặt ra một pháp phái mới, một ngành mới của tông Lâm Tế, pháp phái đó về sau lấy tên là phái Liễu Quán.

Tôi là thế hệ thứ tám của phái Liễu Quán còn quí vị ở đây nếu có pháp danh chữ Tâm là thế hệ thứ chín của phái Liễu Quán. Đệ tử của quí vị sẽ có pháp danh bằng chữ Nguyên. Thành ra các vị nào mà có pháp danh Nguyên phải kêu tôi bằng ông, có pháp danh Tâm mới được kêu bằng thầy. Sư thúc Chí Mậu (vừa mới viên tịch) cũng thuộc về chữ Trừng. Những người có chữ Trừng hiện nay còn ít lắm. Bây giờ còn có khá nhiều chữ Tâm. Sau đó là chữ Nguyên, Quảng, Nhuận, Đức. Mình là con cháu Lâm Tế, mình là con cháu của thiền sư Liễu Quán, mình phải học thuộc bài này để biết các tổ tiên tâm linh của mình thuộc về chữ gì và thuộc thế hệ nào

Thật tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn từ phong
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng
Đạt ngộ chơn không

Dịch:

Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Quả trí siêu việt
Hiểu thấu nên công
Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chính tông
Hành giải song song
Đạt ngộ chân không.
(Thiền Sư Nhất Hạnh dịch)

Đó là dòng kệ của mình, mỗi chữ đại diện cho một thế hệ. Quí vị thuộc thế hệ thứ chín và thứ mười. Nếu truyền đạt tâm tông tại Tây phương thì mình không có dùng chữ Hán mà phải dùng chữ Anh, chữ Pháp: Of The Heart, Of The Source.

Thật Tế Đại Đạo

Là con đường lớn của thực tại. Đại đạo là đường lớn (the great way), Thật Tế là danh từ chuyên môn, có nghĩa là lĩnh vực của sự thật, tiếng Phạn là bhutakoti, dịch ra tiếng Anh là reality. Trong biên tế, chữ tế có nghĩa là biên giới (Frontier), là phạm vi (Domain). Chữ thật là reality, tức chân như (Reality as is it, Suchness). Bản thể, chân như không phải là ý niệm mà là sự thật và sự thật đó không thể nào diễn tả được bằng lời nói, bằng ý niệm, cái đó gọi là Bhutakoti (the Realm of the Ultimate). Con đường đưa mình về cái đó, gọi là đường lớn thực tại (the great Way that leads us to the Ultimate Reality).

Tánh Hải Thanh Trừng

Đó là biển thể tính, trong và lắng lại. Con đường lớn đưa về sự thực tuyệt đối, nó là biển thể tánh (the Ocean of True Nature). Đứng về phương diện hiện tượng thì thấy có sóng gió, còn đứng về phương diện bản thể thì dưới lòng biển rất yên, không có sóng gió. Sự yên lặng, sự bình an đó mình đi tìm ngay trong thể tánh (True Nature) của mình. Đứng về hiện tượng thì giống như có sanh, có diệt, có lên, có xuống, có yên tĩnh, có ồn ào, có có, có không, nhưng đứng về phương diện bản thể thì nó lắng và trong. Bản chất của mình là vừa trong vừa lắng. Khi mặt nước lặng yên, nó phản chiếu được hình ảnh của mặt trăng, không bị lung lay, cái đó gọi là trừng. Trừng tức là lắng lạị, lắng lại cho nên trong. Sư Ông đặt cho tôi pháp danh là Trừng Quang, nghĩa là khi lắng lại rồi thì nó phát ra hào quang, phát ra ánh sáng (Trừng Quang). Con đường lớn đưa mình tới chân lý nhiệm mầu của thực tại đó, nó vốn là cái biển của thể tánh, nó vốn là trong, là lặng và nếu mình tu tập cho đàng hoàng thì mình có thể tiếp xúc được với thể tánh trong và lắng đó ở trong con người của mình.

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Tâm của mình là một nguồn suối. Nếu tu tập cho thành công thì nguồn suối đó là nguồn suối của trí tuệ, của từ bi, của hiểu và của thương. Nguồn suối đó sẽ đi khắp nơi và nó sẽ thấm nhuần vào trong cuộc đời, gọi là tâm nguyên quảng nhuận. Quảng là rộng lớn, nhuận là thấm (Penetrate, Absorbing). Một giòng sông có thể chảy thấm vào hai bên ruộng đồng, tưới mát cho ruộng đồng, nhưng nguồn tâm này thấm rất là sâu rộng. Tu học cho giỏi thì tâm của mình thành một nguồn suối của hiểu biết, của thương yêu và nguồn suối của hiểu biết và thương yêu đó thấm vào trong xã hội, thấm vào loài người, thấm vào loài vật, thấm vào loài cây cỏ, loài đất đá. Nguồn tâm thấm vào sự sống rất là rộng rãi.

Đức Bổn Từ Phong

Nguồn suối của hiểu biết, thương yêu đó cũng là gốc rễ của đạo đức. Một bên là nguồn suối, một bên là gốc rễ. Một bên là cội, một bên là nguồn. Cây có cội, nước có nguồn, mình cũng vậy, mình có cội và nguồn của mình. Mình phải trở về để tiếp nối được cội nguồn ấy. Nguồn ấy có thể do mình khơi mà chảy khắp, thấm nhuận trong cuộc đời. Cội đó có thể do mình trồng lên mà tạo thành một phong cách, một nếp sống từ hòa đẹp đẽ, gọi là từ phong. Từ phong tức là một nền văn minh, một nếp sống từ bi. Phong ở đây là phong cách, là một nếp sống, một truyền thống. Khi lập phong trào Wake Up cho người trẻ thì mình đặt tên là Young Buddhists and Non-Buddhists for a Healthy and Compassionate Society – để tạo dựng một xã hội lành mạnh và một nếp sống từ bi. Mình phải tạo ra một phong cách, một nếp sống, một nền văn minh có từ bi, gọi là từ phong. Cái gốc của mình là gốc đức hạnh, gọi là đức bổn. Đức ở đây tức là virtue, trước hết là đức hiểu, rồi đến đức thương (Understanding and Love). Mình có cái gốc đó và nếu biết vun trồng cái gốc đó thì mình có thể giúp tạo ra một nếp sống từ bi trong xã hội, gọi là đức bổn từ phong. Nếp sống bây giờ có quá nhiều bạo động, hung dữ, hận thù và làm cho bao nhiêu người đau khổ, thành ra chúng ta phải tu tập để cho nguồn suối cũng như gốc rễ đem tới từ bi cho xã hội.

Giới Định Phúc Tuệ

Đây là bài kệ bốn chữ cho nên thay vì giới định tuệ (tam học) thì thiền sư đã thêm vào chữ phước. Khi mình tu huệ thì tự nhiên có phước. Tu phước và tu huệ đi đôi với nhau, giới định phước tuệ. Chữ phước ở đây có thể hiểu là hạnh phúc.

Thể Dụng Viên Thông

Cái thể và cái dụng của giới định tuệ tròn đầy và bao trùm lấy nhau. Trong giới có định, trong định có giới, trong giới có tuệ, trong tuệ có giới và có định, gọi là viên thông, cả ba bao trùm lấy nhau. Ba cái đó (giới, định, tuệ) không phải là ba cái riêng biệt mà chúng chứa đựng nhau, trong một có ba, trong ba có một, gọi là thể dụng viên thông

Khi tới với nhau để tu tập, ví dụ như ngồi thiền chung sáng nay thì trước hết mình dùng hơi thở để điều hòa thân thể của mình. Mình ngồi như thế nào để cho những căng thẳng trong cơ thể được buông bỏ và có an bình. Mình phải tập thở như thế nào để tới phút thứ hai, thứ ba là cơ thể của mình lắng dịu xuống, những căng thẳng của cơ thể được buông bỏ, rồi những lo lắng, buồn phiền cũng tiêu tan và thân tâm của mình trở nên êm dịu. Khi hai ba trăm người ngồi với nhau mà người nào cũng làm cho thân tâm êm dịu thì năng lượng mà mình chế tác chung đó rất tốt, nó là thức ăn của mình trong khi ngồi thiền và cái đó là do giới, định mà có. Giới tức là chánh niệm và chánh định. Khi đã làm cho thư giãn thân thể, đã làm cho nhẹ bớt những nỗi khổ niềm đau trong lòng rồi thì mình bắt đầu quán chiếu.

Mục đích của quán chiếu là đạt tới tuệ giác. Tên của Tổ là Liễu Quán, tức là thành công trong sự quán chiếu. Quán chiếu để làm gì? Quán chiếu là để đạt tới tuệ giác mà có tuệ giác thì tháo gỡ được những khổ đau, những khó khăn  trong cuộc đời. Có những hệ lụy, khổ đau, những trái ngang, bế tắc thì những khổ đau đó chỉ có thể giải quyết được khi có tuệ giác. Muốn có tuệ giác thì phải có định, định đưa tới tuệ giác mà muốn có định thì phải có niệm, tức là phải có giới. Giới định tuệ hay niệm định tuệ thì cũng vậy. Khi thực tập hơi thở hay bước chân có ý thức thì mình thực tập chánh niệm, mình đi vào giới, rồi mình sử dụng định của mình. Mình quán chiếu về vô thường, về vô ngã, về tương tức, về duyên sinh, tất cả những cái đó gọi là định. Nương vào những cái định đó mà quán chiếu thì một lúc nào đó mình sẽ đạt tới cái tuệ mà khi đạt được cái tuệ thì mình tháo gỡ được những khó khăn, những khổ đau của mình.

Thực tập ở trong truyền thống thiền là như vậy. Mình tới tu tập chung với nhau, giữ giới, giữ chánh niệm chung với nhau là để làm chuyện đó. Mình sử dụng những phương pháp như là quán vô thường, quán vô ngã, quán không, quán vô tướng, quán vô tác, quán tương tức, đó đều là những phương pháp, gọi là định (Samadhi). Khi sử dụng một trong những phép quán đó thì thế nào mình cũng đạt tới cái thấy, tức là tuệ mà có tuệ rồi thì mình tháo gỡ được những khó khăn, những bế tắc rất là dễ dàng. Theo lời dạy của Tổ thì cái thể và cái dụng của giới định tuệ vốn tròn đầy, nó dung chứa nhau. Hễ có niệm là bắt đầu có định, hễ có định là bắt đầu có tuệ. Thí dụ như mình thở vào thì mình biết mình đang thở vào, mình chuyên chú vào hơi thở vào, tức là có niệm và có định. Có niệm và có định thì tự nhiên mình thấy được liền một cái gì đó: Thở vào, a mình đang còn sống đây! Mình biết mình đang còn sống, đó đã là tuệ rồi. Hễ có niệm, có định là có tuệ. Niệm càng vững thì định càng kiên cố và tuệ càng lớn mạnh.

Thành ra trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở, trong mỗi hành động của mình mà nếu có niệm, có định thì mình đang ở trên con đường đạt tới tuệ giác. Ban đầu là những cái tuệ nho nhỏ rồi từ từ tới những cái tuệ lớn. Niệm và định làm cho chín củ khoai tuệ giác mà mình nấu ở trong nồi. Niệm là lửa ở dưới cái nồi, định là cái nắp, nó giữ hơi nóng đừng thất thoát ra ngoài và càng ngày nó càng tạo ra sức nóng nhiều hơn để cho củ khoai đó chín. Niệm và định là năng luợng đưa tới tuệ, nếu không có niệm, không có định thì không bao giờ có tuệ cả mà hễ có niệm và có định thì chắc chắn thế nào cũng có tuệ. Tuệ tức là hoa trái mà mình gặt hái khi mình tu tập. Mình không cầu xin cái tuệ đó từ một vị thần linh, mình biết cái tuệ đó có sẵn ở trong mình dưới dạng những hạt giống và nếu mình cho phép những hạt giống đó được tưới tẩm, được nâng niu thì nó sẽ bắt đầu nẩy mầm. Một người tu giỏi thì ngày nào cũng có thêm tuệ, mỗi ngày mỗi thông minh, mỗi ngày mỗi sáng suốt và khi mình có tuệ rồi mình giải quyết được những vấn đề trong đời sống hàng ngày rất dễ dàng và giúp cho người khác chung quanh giải quyết những vấn đề của họ dễ dàng hơn, đó là cái mà mình chế tác ra.

Ba nguồn năng lượng giới, định và tuệ, tuy có ba tên khác nhau nhưng mà cái thể của nó cùng chung. Trong niệm có định và có tuệ, hễ có niệm là bắt đầu có định và có tuệ, hễ có tuệ tức là đã có niệm, có định rồi. Công dụng của niệm, định, tuệ là khả năng tháo gỡ những khổ đau, những khó khăn cho mình. Ví dụ như mình từ thiền đường đi về phòng trong buổi sáng mai, đi từng bước thảnh thơi và thở trong chánh niệm. Nhờ thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm cho nên mình tiếp xúc được không khí trong lành của buổi ban mai. Mình thấy không khí trong lành ban mai có đó và mình đã được thở, được bước đi những bước chân rất nhẹ nhàng, thảnh thơi. Công dụng và lợi ích của chánh niệm là giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm như vậy để mình tự nuôi dưỡng mình, tự chữa trị cho mình, đó gọi là dụng, dụng là công dụng.

Nhìn vào tờ giấy ta thấy cái thể của nó là bột giấy, còn công dụng của nó là để viết chữ, in chữ. Như cây bút thể của nó bằng plastic và cái dụng của nó là để viết chữ. Cái gì cũng có thể và có dụng. Thật ra ta có thể nói tới ba cái : thể, tướng và dụng. Thể tức là bản chất, tướng là hình tướng, dụng là công dụng. Bột giấy là thể, tờ giấy mỏng là tướng và để dùng in sách gọi là dụng. Niệm, định và tuệ đều có thể, có tướng và có dụng của chúng. Khi thiền sư nói thể dụng viên thông, mình có thể hiểu : thể, tướng, dụng viên thông. Nếu để thêm tướng vào đây thành năm chữ, thành ra để hai chữ thể và dụng là đủ rồi cũng như bên này (giới, định, tuệ) có ba chữ thôi, cho nên thêm chữ phúc vào giữa để đọc cho êm tai. Thể dụng viên thông, tức là thể, tướng và dụng, đi chung với nhau, cái này ôm lấy cái kia, cái này chứa đựng cái kia. Ba nguồn năng lượng giới định tuệ và thể tướng dụng của ba cái chung với nhau và thông với nhau.

Vĩnh Siêu Trí Quả

Hoa trái của trí tuệ mà mình đạt tới giúp mình vượt thoát vĩnh viễn những hệ lụy, những khổ đau, gọi là vĩnh siêu. Siêu tức là vượt thoát, vĩnh có nghĩa là vĩnh viễn.

Mật Khế Thành Công

Mật tức là âm thầm không lộ liễu, còn khế nghĩa là ăn khớp với nhau, mật khế nghĩa là không cần phải  nói ra nhưng rất ăn khớp với nhau, giống như hai thầy trò, tuy họ không nói năng nhưng họ rất hiểu nhau, làm gì cũng có hòa điệu.

Giới định tuệ là một bộ ba với nhau, rất sít sao, phù hợp nhau,chúng đưa tới sự thành công của trí tuệ. Hoa trái của trí tuệ giúp ta vượt thoát vĩnh viễn những khổ đau và khi phối hợp lại đưa chúng ta tới sự thành công lớn. Vậy thì sau khi đạt đạo rồi phải làm gì?

Truyền Trì Diệu Lý

Truyền tức là trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Trì tức là giữ gìn, đừng để mất. Mình đạt được tuệ giác nhiệm mầu đó rồi thì phải nắm cho vững và phải trao truyền lại cho hậu thế.

Diễn Xướng Chánh Tông

Diễn xướng tức là làm cho nhiều người biết tới, giới thiệu làm cho nó hưng thạnh. Chánh tông tức là tông phái chánh thức, tông chỉ của thiền tông. Chánh tông ở đây là thiền tông (True Zen).

Ở bên Nhật Bản có loại rượu Sake gọi là Cúc chánh tông. Ở Việt Nam hồi xưa có loại nước ngọt chánh hiệu con nai vàng và ở Sài gòn có một tiệm cơm chay Phật Hữu Duyên chánh tông. Chánh tông tức là một truyền thống. Tông ở đây là tông phái, tức thiền phái chánh tông. Thiền phái của mình có nội dung, có bản chất, có tuệ giác. Vì vậy mình phải nắm cho được, truyền lại cho được và phải đem công bố ra, gọi là diễn xướng chánh tông. Và nên nhớ, đây là lời dặn của Ngài.

Hạnh giải tương ưng
Đạt Ngộ Chân Không

Mình nói chánh niệm thì mình phải sống chánh niệm, mình nói hiểu thì mình phải hiểu, mình nói thương thì mình phải thương, mình dạy sư em như thế nào thì mình phải làm như thế đó, cái đó gọi là hành giải tương ưng, tức là nói và làm đi đôi với nhau, cái hiểu và cái làm đi đôi với nhau, lý thuyết với thực hành đi đôi với nhau.

Hồi tôi còn học tiểu học có cô giáo dạy chúng tôi là không nên đi giày cao gót vì có thể bị trẹo chân và đi đứng không tự nhiên trong khi đó thì cô giáo lại đang đi giày cao gót. Khi học sinh hỏi : « Sao cô dạy là không đi giày cao gót mà cô lại đi ? » Cô giáo trả lời : « Em hãy làm những gì cô nói, đừng làm những gì cô làm » (Fais ce que je dis, pas ce que je fais). Cái đó không phải là hành giải tương ưng. Hành giải tương ưng tức là cái mình nói, cái mình rao giảng và cái mình làm nói phải đi đôi với nhau. Đạt ngộ tới thực tế, chân không, nó chính là thực tế đó.

Vào đầu thế kỷ thứ 18, thiền sư Liễu Quán có lập thêm một ngôi chùa lớn ở Huế, gọi là Chùa Thiền Tôn. Nếu ai có dịp về Huế thì có thể đi thăm mộ của thiền sư Liễu Quán sát Chùa Thiền Tôn ở tháp Tổ. Ở Huế mỗi năm đều tổ chức tảo tháp và tất cả các con cháu của tổ đều tới để lượm rác, quét tước, nhổ cỏ, rất là vui. Tại Làng Mai một số các thầy, các sư cô ở đây đã từng được về Chùa Thiền Tôn và đã được tới thăm tháp của tổ Liễu Quán. Hiện bây giờ 95 % các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Thừa Thiên và các tỉnh lân cận đều là con cháu của Tổ Liễu Quán. Chúng ta đã nối tiếp được Tổ tới mười mấy thế hệ rồi, quý vị ngồi đây là thuộc thế hệ thứ chín và bây giờ đã tới thế hệ thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai.  Chùa Viên Thông ở dưới chân núi Ngự và chùa Thiền Tôn ở trên núi Thiên Thai là hai ngôi chùa mà Tổ đã thành lập ở Huế. Ngoài ra Tổ cũng có lập nhiều chùa ở Phú Yên. Cái gốc của phái Liễu Quán là Lâm Tế. Ban đầu thì được các thầy từ Quảng Đông truyền sang nên có tính cách rất Quảng Đông, nhưng từ thiền sư Liễu Quán trở về sau thì truyền thống này càng ngày càng được Việt hóa. Bây giờ đây nghi lễ, kiến trúc, thực tập đều đã được Việt Nam hóa. Có những bài tán, những bài tụng có giọng Huế, những bài Cực Lạc Từ Hàng xướng lên đúng là giọng Huế, không còn giọng Quảng Đông nữa. Cho nên phái Liễu Quán này đã Việt hóa thiền Lâm Tế tới cái mức rất hay. Chùa Tổ Từ Hiếu đã ấn hành sách Thiền Môn Nhật Tụng bằng chữ Hán, còn Mai Thôn Đạo Tràng tiếp nối đã ấn hành Nhật Tụng Thiền Môn toàn bằng quốc văn. Mình tiếp tục Việt hóa thiền và hiện bây giờ đây trong Nhật Tụng Thiền Môn mình có rất nhiều bài Sám, bài Kinh quốc ngữ rất hay. Sáng nay thầy Pháp Niệm hô canh rất hay, bài hô canh hoàn toàn nhạc Việt Nam và lời Việt Nam, đó cũng là một công trình nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp của chư tổ. Chúng ta đã hết lòng để nối tiếp sự nghiệp của chư tổ, là con cháu của tổ bây giờ mình phải học thuộc lòng bài này kệ truyền thừa này.