Thiền trà Làng Mai

Thiền trà là một pháp môn thực tập rất thi vị của Làng Mai. Thiền trà Làng Mai có hai cách, thiền trà nghi lễ và đại thiền trà. Thiền trà nghi lễ là thiền trà có giới hạn số lượng người tham dự (khoảng mười sáu người tới hai mươi người). Còn đại thiền trà là thiền trà dành cho một đại chúng lớn, số lượng có thể rất đông có thể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham dự.

Nguồn gốc của thiền trà Làng Mai: Vào những năm 1985, 1986, khi mới thành lập Làng Mai, lúc đó sức khỏe của Sư Ông còn rất dồi dào và thiền sinh tới tu tập chưa đông như bây giờ. Thời ấy, thiền sinh nào có khó khăn đều được tham vấn riêng với Sư Ông. Sau đó, pháp môn lan rộng, càng ngày thiền sinh tới tu tập càng đông, lúc đó Sư Ông không thể tiếp riêng từng vị được nữa, nên Sư Ông mới nghĩ ra cách tổ chức một buổi ngồi chơi, uống trà với từng nhóm thiền sinh. Mỗi nhóm khoảng từ mười tới mười sáu người. Như vậy, cùng lúc Sư Ông có thể lắng nghe những khổ đau của nhiều người một lần và tháo gỡ khó khăn giúp họ. Để giúp cho các vị thiền sinh định tâm và không khí được trang nghiêm thanh tịnh, buổi thiền trà có thêm phần nghi lễ như dâng hương, đảnh lễ, ngồi yên lặng… Những nghi lễ như pha trà, mời trà, mời bánh cũng nhằm mục đích tạo sự chăm chú theo dõi của các vị thiền sinh, khi ta chú tâm theo dõi các hành động hết sức chánh niệm của các thầy, các sư cô trà giả thì tâm ta bắt đầu an trú, mà an trú được thì sẽ có bình an, khổ đau sẽ tan biến. Thời ấy, Sư Ông là người trực tiếp hướng dẫn các thầy, các sư cô về pháp môn thiền trà. Sư Ông dạy cách bày bánh, cách dâng hương, cách rót trà, dâng trà. Trước mỗi buổi thiền trà nghi lễ, Sư Ông thường trực tiếp cùng hai sư cô chuẩn bị cho buổi lễ. Và vì số người tới tu tập đã rất đông nên chỉ những thiền sinh nào ở lại Làng Mai tu tập trọn một tháng thì mới được mời tham dự thiền trà nghi lễ, và tới tuần thứ ba trong tháng, vị ấy mới được mời tham gia. Như vậy, thiền trà Làng Mai ra đời với mục đích ban đầu là tạo điều kiện cho thiền sinh được gần gũi và tham vấn với Sư Ông. Pháp môn thiền trà được đón nhận rất hồ hởi nên mỗi khi kết thúc một khóa tu, tất cả các vị thiền sinh đều được mời tham dự vào buổi đại thiền trà. Trong buổi đại thiền trà này thiền sinh chia sẻ rất nhiều về những chuyển hóa trong họ, về niềm vui khi được biết tới pháp môn thực tập cũng như lòng biết ơn của họ đối với Sư Ông và Tăng thân.

Thiền trà nghi lễ: Thiền trà nghi lễ được tổ chức rất trang nghiêm và long trọng. Thành phần tham dự gồm có: một vị trà chủ (người điều khiển buổi thiền trà), hai trà giả (người pha trà, chuyền trà bánh cho khách), thị giả (người mang bánh và trà lên cho vị trà chủ để vị này dâng lên Bụt) và các khách mời. Trong phòng trà được thiết kế một chiếc bàn thờ, có tượng Bụt, lư hương, một đĩa trái cây, nến. Dưới sàn sắp những chiếc bồ đoàn, tọa cụ cho khách mời theo vòng tròn, có để trống một khoảng nhỏ đủ để vị trà chủ có lối đi lên bàn Bụt dâng hương và trà bánh. Chính giữa vòng tròn đặt một bình hoa. Hai vị trà giả mỗi người có một chiếc khay nhỏ đựng bánh, ly uống trà và bình trà.

Tới giờ, các vị trà chủ, trà giả, thị giả (là người bưng một đĩa trà bánh nhỏ đưa cho vị trà chủ, để vị này dâng lên Bụt) đứng sắp hàng trước cửa để đón khách, vị trà chủ bắt đầu thỉnh chuông mời khách vào. Lúc các vị khách bước vào thì cả trà chủ và trà giả đều chắp tay xá chào nghênh đón, những vị khách mời cũng chắp tay xá đáp lại. Khi chủ và khách đã yên vị, điều hòa hơi thở thì vị trà chủ đứng dậy tiến lại bàn thờ Bụt, lúc này toàn thể mọi người cùng đứng dậy hướng về bàn Bụt, vị trà chủ thắp nhang và xướng tụng bài dâng hương cúng dường lên chư Bụt. Lời xướng tụng chấm dứt thì toàn thể đại chúng cùng lạy xuống một lạy trước bàn Bụt. Sau đó, vị trà chủ trở về chỗ ngồi của mình chắp tay cung kính hướng về mọi người và nói: “Sen búp xin tặng người – những vị Bụt tương lai”, tất cả đại chúng cùng lạy nhau một lạy. Sau đó, đại chúng ngồi xuống theo dõi hơi thở. Có một vị trong đại chúng (nếu là một em bé thì dễ thương hơn) đứng dậy tới chỗ trà giả nhận khay trà bánh đem tới cho vị trà chủ để vị này dâng lên bàn Bụt. Khi hai vị dâng trà bánh cho Bụt đã an vị thì hai vị trà giả bắt đầu chuyền khay bánh cho mọi người, người này lấy xong thì tiếp tục chuyền tới cho người bên cạnh mình, trong thời gian ấy, trà giả bắt đầu pha trà. Lúc khay bánh đã được chuyền xong và được trao trở lại cho trà giả thì khay trà mới được chuyền đi. Sau phần chuyền trà bánh, vị trà chủ mời mọi người cùng nâng ly trà của mình lên và đọc bài kệ uống trà để giúp mọi người nâng cao ý thức chánh niệm:

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

Tất cả mọi hành động đều được diễn ra trong im lặng tuyệt đối, vị trà giả giỏi là người không gây nên bất cứ một tiếng động nhỏ nào dù trong lúc pha trà hay rót nước. Đợi mọi người cùng thưởng thức trà và ăn bánh trong im lặng vài phút, vị trà giả bắt đầu lên tiếng hướng dẫn: “Nếu bạn hết trà và muốn dùng thêm thì xin chắp tay sen búp, chiếc khay sẽ được chuyền tới để bạn đặt chiếc ly trống của mình lên, trà giả sẽ rót cho đầy và chuyền tới cho bạn. Nếu hết bánh và muốn có thêm xin bạn nắm hai bàn tay lại, mười ngón tay sát vào nhau đặt trước ngực, khay bánh sẽ được chuyền tới. Nếu muốn dùng thêm cả trà và bánh thì một bàn tay duỗi thẳng như hình một cánh sen áp sát vào bàn tay kia đang nắm lại đặt trước ngực, khi đó trà và bánh sẽ đồng thời được chuyển tới cho bạn.” Khi đã giới thiệu xong cách thêm trà bánh. Trà chủ bắt đầu mời mọi người chia sẻ. Trong buổi thiền trà nghi lễ mọi người chia sẻ về những niềm vui, lòng biết ơn của mình, nhưng cũng có thể chia sẻ những khó khăn đang gặp phải để những người xung quanh có cơ hội sẻ chia và giúp đỡ. Ngoài ra nếu ai có bài thơ, bản nhạc có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm, thì đây cũng là dịp đem ra cúng dường đại chúng.

Hướng dẫn thực tập thiền trà nghi lễ

Đại thiền trà: Đại thiền trà được giản lược đi rất nhiều chi tiết so với thiền trà nghi lễ. Trong đại thiền trà không có những nghi lễ như dâng hương, đảnh lễ, không có trà chủ hay trà giả mà chỉ có người chủ tọa ngồi chuông. Trước khi tham dự thiền trà, các khách mời được hướng dẫn tới một chiếc bàn để sẵn bánh và trà gần đó mỗi người sẽ tự lấy phần trà và bánh của mình rồi khoan thai bước tới địa điểm tổ chức. Vì đây là một pháp môn thực tập nên mọi người tới tham dự đều có ý thức giữ gìn chánh niệm trong mỗi hành động của mình. Mọi người hoàn toàn giữ im lặng trong khi lấy trà bánh, theo dõi hơi thở và bước những bước chân có ý thức từ bàn trà tới phòng trà. Tới nơi thì nhẹ nhàng ngồi xuống, mỉm cười, thực tập theo dõi hơi thở để chờ những người tới sau. Tuyệt đối tránh gây tiếng động, tránh nói chuyện dù là thầm thì để giữ không khí thanh tịnh. Khi mọi người đã tới hết, chủ tọa mới thỉnh chuông để bắt đầu. Trong đại thiền trà, mọi người cũng chia sẻ những niềm vui, lòng biết ơn của mình để nuôi dưỡng đại chúng, nếu ai có bài thơ hoặc bản nhạc nào hay thì cũng nên chia sẻ để góp vui. Thiền trà không chỉ độc quyền trong chốn thiền môn. Thiền trà là một nét đẹp văn hóa có thể áp dụng vào trong đời sống hàng ngày. Trong những buổi sinh nhật, mừng thọ, họp gia đình, họp bạn, chúng ta cũng có thể tổ chức các buổi thiền trà. Đây là cơ hội để các thành viên có thể lắng tâm lại để nhìn rõ mặt những người thương, bè bạn xung quanh mình. Kể lại những kỷ niệm đẹp, chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống có tác dụng nuôi dưỡng thâm tình và xóa tan những hiểu lầm, hờn giận.

Điều phục cảm xúc mạnh

Nhiều người trong chúng ta rất khổ sở vì không biết cách điều phục cảm xúc mạnh. Khi thấy một cảm thọ bất an xuất hiện, ta tự nhủ: “Thở vào, tôi có mặt cho cảm thọ của tôi. Thở ra, tôi an tịnh cảm thọ của tôi.” Làm như vậy ta sẽ thấy tâm mình lắng dịu. Điều này rất quan trọng bởi vì hơi thở chánh niệm có thể làm lắng dịu những cảm thọ bất an dù đó là tuyệt vọng, sợ hãi, hay giận hờn.

Khi thấy cảm xúc mạnh trỗi dậy, ta phải trở về tự thân, thực tập hơi thở chánh niệm, chế tác năng lượng chánh niệm để tự bảo hộ, có mặt đó cho cảm xúc. Đừng để cho cảm xúc chế ngự. Đừng là nạn nhân của cảm xúc.

Cũng như khi sắp bão, ta phải lo chống đỡ ngôi nhà để tránh bị tàn phá. Cảm xúc mạnh phát xuất từ bên trong, từ sâu thẳm của tâm thức. Năng lượng chánh niệm cũng phát xuất từ sâu thẳm của tâm thức. Sự thực tập là ngồi vững trên ghế, hai bàn chân đặt sát xuống sàn nhà, hoặc ngồi trên tọa cụ, hai chân xếp bán già hay kiết già, cũng có thể nằm trên giường trong tư thế thoải mái và theo dõi hơi thở, chú tâm vào bụng dưới. Tại sao chú tâm vào bụng dưới? Trong cơn bão, nếu nhìn lên ngọn cây đang oằn mình trong gió, ta thấy rất mong manh, cảm tưởng rằng cây rất dễ gãy đổ. Nhưng nếu nhìn xuống dưới gốc cây thì cảm thấy rất an toàn, thân cây vững chắc, rễ đâm sâu vào lòng đất, có thể chịu được cơn bão.

Ta cũng như một cái cây, và cảm xúc là cơn bão sắp tới. Nếu không chuẩn bị ta sẽ bị cuốn đi. Chuẩn bị ở đây có nghĩa là bắt đầu hơi thở chánh niệm và đưa sự chú tâm xuống bụng, phía dưới rốn. Như thế gọi là “hơi thở bụng”. Đưa sự chú tâm xuống bụng dưới, để ý tới hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. Thành bụng cũng ví như gốc cây. Không nên chú tâm lên đầu bởi vì đó là nơi cơn bão đang hoành hành, rất nguy hiểm. Hãy xuống trú ẩn ở gốc cây, phía dưới rốn, bạn sẽ được an toàn.

Thực tập này đơn giản nhưng rất hiệu quả. Ta phải ý thức rằng một cảm xúc chỉ là cảm xúc, và chỉ là một phần nhỏ của con người ta. Ta lớn hơn thế rất nhiều. Cảm xúc đến, ở lại trong chốc lát, rồi đi như cơn gió. Biết như thế ta không sợ hãi cảm xúc. Nhiều bạn trẻ rất đau khổ vì không biết cách làm chủ những cảm xúc mạnh. Các bạn ấy tin rằng cách duy nhất có thể chấm dứt đau khổ là tự tử. Nhiều người trẻ đã thiệt mạng oan uổng vì không biết cách điều phục cảm xúc. Mà thực ra việc đó đâu có khó, chỉ cần ý thức rằng cảm xúc chỉ là cảm xúc, đến rồi đi. Sao ta lại phải chết vì một cảm xúc? Ta lớn hơn cảm xúc rất nhiều.

Khi chú tâm vào phía bụng trong mười lăm hay hai mươi phút và an trú trong thực tập ấy, cảm xúc sẽ nhẹ dần, ta sẽ cảm thấy bình an và hạnh phúc vì ta đã biết cách làm chủ cảm xúc. Ta biết rằng sau này, nếu cảm xúc mạnh có tới ta đã biết cách đối phó.

Khi thực tập và tin tưởng nơi pháp môn thực tập, ta có thể giúp người thân đang bị cảm xúc làm khổ. “Đến đây, ngồi với tôi, nắm lấy tay tôi. Chúng ta cùng thực tập hơi thở chánh niệm và chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng.” Khi cầm tay người kia, ta có thể truyền cho người ấy sức mạnh và niềm tin, cả hai sẽ cùng thở. Mười lăm, hai mươi phút sau người kia sẽ cảm thấy bình an. Lần sau người ấy có thể tự thực tập một mình. Ta có thể cứu một mạng người bằng cách hướng dẫn người ấy thực tập như thế.

Tôi khuyên bạn không nên chờ khi cảm xúc mạnh tới mới bắt đầu thực tập. Khi đó chắc chắn bạn sẽ quên tất cả. Phải thực tập ngay bây giờ, thực tập mười lăm phút mỗi ngày. Thực tập hơi thở chánh niệm trong tư thế ngồi hay nằm, chú tâm vào phần bụng. Hơi thở bụng có thể rất sâu, rất chậm và rất mạnh. Tiếp tục thực tập như thế trong ba tuần lễ, bạn sẽ vững vàng hơn nhiều. Rồi khi cảm xúc mạnh trỗi dậy, bạn sẽ nhớ thực tập và sẽ dễ dàng thành công. Dần dần, cảm xúc sẽ yếu đi. Bạn không cần phải tranh đấu, cứ để cho năng lượng của chánh niệm ôm ấp cảm xúc, rồi cảm xúc sẽ yếu bớt và trở xuống vùng tàng thức.

Ăn cơm chánh niệm


Ăn cơm cũng là một phép thực tập rất sâu sắc. Trong khi ăn ta phải thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với thức ăn và tăng thân đang có mặt. Đừng để tâm ý bị lôi kéo bởi qúa khứ, tương lai và những lo lắng, buồn giận và suy nghĩ vẩn vơ.

Ta nên hiến tặng sự có mặt của ta cho tăng thân để năng lượng chánh niệm tập thể được thêm hùng hậu. Sắp hàng xới và lấy thức ăn, ta cũng nhiếp tâm thực tập theo các bài thi kệ. Tới trai đường, ngồi xuống, ta lập tức theo dõi hơi thở, đừng chờ đợi. Trước khi ăn, ta thực tập năm phép quán niệm như sau:

(Nếu cùng ăn với tăng thân: Nhấp chuông, thỉnh một tiếng chuông, nhấp chuông rồi đọc)

Bụt dạy ta khi ăn nên duy trì chánh niêm, tắt đài phát thanh NST (Non Stop Thinking: suy nghĩ không ngừng) trong đầu để tiếp xúc sâu sắc với thức ăn và tăng thân bao quanh mà đừng suy nghĩ vẩn vơ đến chuyện quá khứ hoặc tương lai, bên này hay bên kia. Ăn như thế nào để có an lạc, thảnh thơi và tình huynh đệ trong suốt bữa ăn.

Đại chúng nghe tiếng chuông xin nhiếp tâm thực tập năm quán. (thỉnh một tiếng chuông, nhấp chuông rồi đọc tiếp)

  1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, của muôn loài và công phu lao tác.
  2. Xin tập ăn trong chánh niệm và lòng biết ơn để xứng đáng thọ dụng thứ ăn này.
  3. Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.
  4. Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu được khổ đau của muôn loài, bảo hộ trái đất và chấm dứt những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường.
  5. Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và thực tập con đường hiểu và thương nên chúng con xin thọ dụng thứ ăn này.

(thỉnh một tiếng chuông)

    Trước khi đưa thức ăn vào miệng ta hãy nhìn thức ăn ấy với con mắt chánh niệm, nhìn để thấy rõ được chân tướng của nó. Ví dụ ta đưa lên một miếng đậu hũ.  Ta thấy được cây đậu nành, được những cơn mưa nắng đi ngang qua hoa đậu, được sự hình thành của miếng đậu hũ trong khuôn vải. Miếng đậu hũ trở thành một vị đại sứ của đất trời, tới với ta để nuôi dưỡng ta.  Lòng ta tràn đầy niềm biết ơn và hoan hỷ. Khi nhai, ta nhai rất ý thức, biết rằng ta đang nhai đậu hũ để tiếp xúc sâu sắc với đậu hũ. Đừng nhai những dự án trong đầu, những buồn giận, những lo lắng; đừng nhai quá khứ và tương lai. Ta nhai khoảng 30 lần cho miếng cơm trở thành chất loãng, rất dễ tiêu và bổ dưỡng. Như thế ta không cần phải lấy nhiều cơm mà chất dinh dưỡng vẫn đầy đủ và thân thể lại càng khỏe mạnh hơn. Lâu lâu ta ngừng lại để tiếp xúc với sự có mặt của tăng thân, để thực sự thấy mình may mắn đang được thực tập chánh pháp với tăng đoàn.

    Thi kệ dùng trong các bữa cơm (im lặng)

    Nâng chiếc bát không lên
    Tay cầm chiếc bát không
    Tôi biết rằng trưa nay
    Tôi có đủ may mắn
    Để có bát cơm đầy.

    (Chữ bát có thể được thay bằng chữ đĩa, hoặc chén, hoặc tô tùy theo trường hợp. Chữ trưa có thể được thay bằng chữ chiều.
    Bài thi kệ này giúp ta quán chiếu về thực trạng thiếu ăn trên thế giới và trên quê hương.)

    Nhìn chiếc bát đầy thức ăn
    Tay nâng bát cơm đầy
    Tôi thấy rõ vạn vật
    Đang giang tay góp mặt
    Để cùng nuôi dưỡng tôi.

    (Bài thi kệ này giúp ta quán chiếu về nguyên lý duyên sinh qua hình ảnh thực phẩm và giúp ta thấy được sự sống của ta tùy thuộc vào sự sống của mọi loài.)

    Ngồi xuống
    Ngồi đây ngồi cội Bồ Đề
    Vững thân chánh niệm
    không hề lãng xao.

    (Bài thi kệ này cũng như một lời tự hứa là sẽ giữ được chánh niệm trong suốt bữa ăn.)


    Nhìn bát cơm trước khi cầm bát

    Vạn vật tranh sống
    Trên trái đất này
    Nguyện cho tất cả
    Có bát cơm đầy.

    (Bài thi kệ này giúp ta nuôi dưỡng lòng từ bi đối với những kẻ thiếu may mắn.)

    Nâng bát cơm lên
    Ai ơi nâng bát cơm đầy
    Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

    (Bài thi kệ này giúp ta thấy được công trình của người nông dân và hàng chục ngàn trẻ em vì thiếu ăn mà chết mỗi ngày.)

    Trong khi ăn bốn đũa đầu
    Đũa thứ nhất, nhớ tìm cách cho vui.
    Đũa thứ hai, nhớ làm vơi nỗi khổ.
    Đũa thứ ba, nhớ giữ lòng hoan hỷ.
    Đũa thứ tư, nhớ học hạnh thả buông.

    (Bài thi kệ này, được kéo dài trong thời gian bốn miếng ăn đầu của bữa ăn, giúp ta ôn lại tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) tức là bốn hạnh lớn của Bụt và Bồ Tát, hoặc bốn cảnh an trú đẹp đẽ nhất. Chữ đũa có thể thay thế bằng chữ muỗng hoặc thìa hoặc miếng.)

    Ăn cơm
    Ăn cơm nơi tích môn
    Nuôi sống cả tổ tiên
    Mở đường cho con cháu
    Cùng tìm hướng đi lên.

    Ăn cơm
    Ăn cơm nơi tích môn
    Nhai đều như nhịp thở
    Nhiệm mầu ta nuôi nhau
    Từ bi nguyện cứu độ.

    Nhìn bát cơm đã sạch thức ăn
    Bát cơm đã vơi
    Bụng đã no rồi
    Bốn ơn xin nhớ
    Nguyện sẽ đền bồi.

    (Chữ bát có thể đổi thành chữ đĩa. Bài thi kệ này nhắc ta bốn ơn lớn: ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn bằng hữu và ơn mọi loài động vật, thực vật và khoáng chất.)

    Nâng chén trà lên
    Chén trà trong hai tay
    Chánh niệm nâng tròn đầy
    Thân và tâm an trú
    Bây giờ và ở đây.

    (Bài thi kệ này giúp ta trở về sống trong hiện tại và thấy được sự có mặt của mọi người quanh ta, của thế giới quanh ta, của những chi tiết nhỏ bé nhưng quan thiết của sự sống trong giờ phút hiện tại.)


      Để Bụt thở

      1. Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi.

      2. Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi.

      3. Bụt là thở, Bụt là đi, mình là thở, mình là đi.

      4. Chỉ có thở, chỉ có đi, không người thở, không người đi.

      5. An khi thở, lạc khi đi, an là thở, lạc là đi.


      Bài thực tập đi từ cái nhìn gần như nhị nguyên tới cái nhìn bất nhị. Ban đầu Bụt không phải là mình, kế đó Bụt là một phần của mình, kế đó nữa Bụt là mình bởi vì Bụt và mình cả hai đều vô ngã, và cuối cùng Bụt và mình đều là hơi thở và bước chân có tính cách an và lạc.

      Để Bụt thở, để Bụt đi
      Mình khỏi thở, mình khỏi đi

      Ta bắt đầu bằng sự công nhận có Bụt, có mình, có ngã, có đi. Thở khác, đi khác, Bụt khác, ta khác, cái này nằm ngoài cái kia. Nhất là khi ta làm biếng, thở mãi, đi hoài thấy mệt. Đây là phương tiện quyền xảo. Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi. Ta có thể thấy Bụt là một phần của ta, cái phần hay của ta. Trong chúng ta có hai phần, phần dở thì làm biếng, phần hay là Bụt. Ta để Bụt thở, để Bụt đi. Khi để Bụt thở thì Bụt thở rất là hay, khi để cho Bụt đi thì Bụt đi rất là hay. Ta có cảm tưởng là ta khỏi làm gì hết và ta được hưởng phẩm chất của hơi thở và bước chân đó. Câu thứ hai là:

      Bụt đang thở, Bụt đang đi
      Mình được thở, mình được đi

      Hai câu đó tạo ra một cái gì rất mầu nhiệm, rất dễ chịu. Anh chàng làm biếng không làm gì hết mà bây giờ được hưởng phẩm chất của hơi thở, của bước chân. Bụt không thở thì thôi, ngài thở thì thở rất hay. Bụt không đi thì thôi, khi đi ngài đi rất an lành. Cứ để Bụt thở, để Bụt đi, mình chỉ theo hưởng thôi, mình được thở, mình được đi. Nhưng khi tới câu thứ ba thì sự tình khác hẳn:

      Bụt là thở, Bụt là đi
      Mình là thở, mình là đi

      Đến bài kệ thứ ba này thì ta đi thẳng vào trong tuệ giác vô ngã. Làm gì có Bụt riêng ngoài hơi thở thần diệu đó. Chính nhờ hơi thở nhẹ nhàng, êm dịu, chính nhờ bước chân thanh thản, vững chãi, thảnh thơi mà ta nhận diện được đó là Bụt. Ngoài hơi thở kia, ngoài bước chân kia thì tìm Bụt không có. Cái có thật là hơi thở rất đẹp, là bước chân rất vững. Ta nhận diện được sự có mặt của Bụt trong hơi thở đó, trong bước chân đó.

      Sau khi nhận diện được mình là hơi thở, mình là bước chân, không có cái mình ngoài hơi thở và bước chân thì mình đi tới sự khẳng định:

      Chỉ có thở, chỉ có đi
      Không người thở, không người đi

      Hai câu đó rất rõ ràng, rất trung thực với giáo lý nguyên thỉ của Bụt. Chỉ có thở, chỉ có đi, không người thở, không người đi. Chỉ có hành động, mà không cần có người, có ngã.

      Thiền đi

      Khi đi từ văn phòng tới bãi đậu xe, hay tới nhà vệ sinh, khi phải vượt qua vài dãy phố hay chỉ mấy bước chân, ta luôn luôn có thể thực tập thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm từng bước một, không suy nghĩ, không tính toán.

      Để đi thật thảnh thơi, bạn nên kết hợp bước chân với hơi thở, khi thở vào có thể bước hai, hay ba bước, thở ra bước hai hay ba bước. Tôi thường bước hai bước khi thở vào và nói: “Vào, vào”. Tôi nói bằng bàn chân chứ không nói bằng miệng. Tôi đặt tất cả sự chú tâm vào hai lòng bàn chân. Bàn chân của tôi “hôn” lên mặt đất với tất cả tình thương. Khi thở ra, tôi đi thêm hai bước và nói: “Ra, ra”. Như thế nhịp đi của tôi là “Vào, vào. Ra, ra.”, bàn chân chạm đất trong chánh niệm. Thở tự nhiên và phối hợp bước chân với hơi thở. Đừng suy nghĩ mông lung, đem sự chú ý của mình xuống hai lòng bàn chân. Ta sẽ thấy rằng bước chân của ta vững vàng hơn, chắc chắn hơn. Sự vững chắc ấy sẽ đi vào trong cơ thể, vào trong tâm thức ta. Hãy đi như một người tự do. Ta không còn là nô lệ cho những dự án hay buồn phiền nữa. Mỗi bước chân là một bước phục hồi tự do.

      Tôi đi vì tôi muốn đi, không phải vì ai thúc giục hay ép buộc. Tôi đi như một người tự do, tận hưởng từng bước chân. Tôi không hấp tấp bởi vì tôi muốn thực sự có mặt trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, tiếp xúc với sự sống trong từng bước chân “Vào, vào. Ra, ra”. Đi như thế rất dễ chịu bởi vì ta cảm nhận được tự do trong ta. Đi mà không bị quá khứ, tương lai, dự án lôi kéo, tức bạn được là chính bạn, là chủ nhân.

      Sau khi thực tập câu đầu của bài kệ, ta thực tập câu tiếp theo “Sâu, chậm”. “Sâu sâu, chậm chậm”. Thở vào thầm nói “sâu, sâu”, thở ra thầm nói “chậm, chậm”. Nói bằng bàn chân, chứ không phải nói bằng cái đầu. Để ý xem ta bước được mấy bước khi thở vào, mấy bước khi thở ra, tùy theo khả năng của buồng phổi mà thở cho thoải mái là được. Đi mà như lao tác mệt nhọc thì tức là mình đi chưa đúng. Thực tập phải cảm thấy dễ chịu và có sự trị liệu, chuyển hóa.

      Tiếp đến là “Khỏe, nhẹ”. “Khỏe, khỏe, nhẹ, nhẹ.” Đừng nói một cách máy móc. Khi nói “Khỏe, nhẹ” ta phải cảm thấy thân, tâm ta thực sự khỏe, nhẹ. Khi bạn chú tâm và tận hưởng từng bước chân tức là bạn đang nâng đỡ cho tất cả những ai cũng đang thực tập như bạn, và ngược lại bạn cũng được nâng đỡ bởi sự thực tập của mọi người. Nếu bước được những bước chân vững chãi, thảnh thơi, khỏe, nhẹ, thì bạn đã đóng góp rất nhiều vào phẩm chất cuộc sống của tất cả mọi người.

      Phải có khả năng buông bỏ. Bất cứ điều gì xảy ra cũng không làm cho ta đánh mất hạnh phúc, an lạc bởi vì năng lượng của chánh niệm có trong ta. Bụt có trong ta khi ta mỉm cười trong chánh niệm. Bụt có trong ta khi ta đi trong chánh niệm. Bụt có trong ta khi ta uống trà trong chánh niệm. Ta có khả năng uống trà trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Đừng nghĩ rằng Bụt là một khái niệm trừu tượng. Bụt rất cụ thể. Bụt là năng lượng chánh niệm luôn có sẵn trong ta, nếu ta biết cách sử dụng.

      Tôi biết một nữ doanh nhân luôn luôn thực tập thiền hành. Thay vì hấp tấp, bà dành cho mình đủ thì giờ để thưởng thức từng bước đi và không hề tính toán chuyện công việc trong khi đi. Bà biết chăm sóc thân tâm với tất cả tình thương.

      Đi thiền là một việc mà ai trong chúng ta cũng có thể học được. Biết rằng mình đang còn sống, biết rằng mình đang đi trên mặt địa cầu xinh đẹp là điều mầu nhiệm. Nhiều người trong chúng ta chỉ biết chạy, không có khả năng sống sâu sắc trong giờ phút hiện tại. Nếu chỉ đi để tới một địa điểm khác tức là ta đang hy sinh những bước đi của mình. Ta đánh mất sự sống trong khi đi, ta bị lỗ vốn. Thiên Đường nằm ở đâu? Thiên Đường nằm trong giây phút hiện tại. Nếu biết thực tập đi trong chánh niệm thì ta có thể tiếp xúc với Thiên Đường ngay trong từng bước chân. Chỉ là vấn đề thực tập mà thôi, biết bao mầu nhiệm của cuộc đời đang có mặt đó cho ta.

      Một hôm, tôi đi thiền hành tại xóm Hạ với các xơ và các cha cố Thiên Chúa giáo. Chúng tôi đi trên thảm cỏ về phía rừng. Đang mùa xuân, rất nhiều bông hoa nhỏ li ti đủ màu sắc nở khắp thảm cỏ xanh. Chúng tôi đi trong chánh niệm cho nên chúng tôi có thể thưởng thức những vẻ đẹp đó của cuộc sống. Chúng tôi đi trong im lặng, vui với từng bước chân đặt êm dịu lên mặt đất, tiếp xúc với những gì có mặt. Chúng tôi dừng lại ở bìa rừng, ngồi xuống lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá. Hôm đó, phần đông chúng tôi là tu sĩ, Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Tôi quay lại và nói với một Thầy người Pháp: “Thầy biết không, Thiên Đường là bây giờ hoặc không bao giờ.” Tôi nói bằng tiếng Pháp “Le paradis est maintenant ou jamais.” Thầy ấy gật đầu và mỉm cười. Thiên Đường không phải là một ý niệm. Thiên Đường có thực, bởi vì sự sống có thực, ngay đây, với biết bao mầu nhiệm.

      Nếu không có khả năng sống trong giây phút hiện tại thì không có khả năng đặt chân lên Tịnh Độ hay vào Thiên Đường. Chỉ cần thực tập một chút, ta có thể ngừng lại, ngay bây giờ và ở đây, và tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Khi đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, bởi vì ta có thêm vững chãi, tự do, và hạnh phúc. Dành thì giờ để đi như thế mỗi ngày sẽ giúp ta chuyển hóa thân tâm, để có thể chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, đồng nghiệp ngày càng tốt hơn.

      Thầy Pháp Nguyệt hướng dẫn thực tập Thiền đi tại Tu Viện Vườn Ươm, Thái Lan:

      Mỉm cười chánh niệm

      Thở vào, mỉm cười. Thở ra, tĩnh lặng (Lặng – Cười). Thở vào, tôi mỉm cười với thân thể tôi; thở ra, tôi an tịnh toàn thân. Thở vào, tôi mỉm cười với cảm thọ trong tôi. Thở ra, an tịnh cảm thọ trong tôi. Thực tập mỉm cười rất hiệu quả, không cần phải hoàn toàn thấy vui mới có thể mỉm cười, bởi vì mỉm cười là tập yoga – yoga cho miệng. Dù không cảm thấy vui, nhưng khi mỉm cười khoảng ba trăm cơ mặt ta được buông thư. Khi ta giận dữ hay sợ hãi, các bắp thịt ấy căng ra, soi gương thì sẽ thấy. Nhưng nếu biết thở và mỉm cười, các bắp thịt trên mặt thư giãn nhanh chóng và ta sẽ cảm thấy khỏe nhẹ hơn. Ta cũng có thể giúp người khác giảm bớt căng thẳng bằng cách thở và mỉm cười. “Thở vào, tôi mỉm cười. Thở ra tôi buông thư căng thẳng trong tôi.”

      Thở vào, ta ý thức rằng người kia vừa nói hoặc làm điều gì đó làm ta giận. Thở ra, ta mỉm cười vì biết rằng ta có thể ôm ấp cơn giận ấy và lấy lại bình an. Ta có thể viết xuống một mảnh giấy nhỏ cỡ tấm thẻ tín dụng (credit card) và cất vào ví: “Tôi đang giận, nhưng tôi biết tôi có thể lấy lại được bình an.” Mỗi khi giận và cảm thấy sắp mất bình tĩnh thì lấy mảnh giấy đó ra đọc và theo dõi hơi thở. Phải hành động ngay tức khắc trước khi có thể gây tai hại cho mình và cho người thương. Mảnh giấy ấy là một vị Bụt, hãy cất vào ví, để khi cần thì lấy ra đọc và quay về thực tập.

      Cây Bồ Công Anh mỉm cười cho tôi

      Khi một em bé hay một người lớn mỉm cười, điều đó rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày, nếu ta biết mỉm cười, nếu ta có an lạc hạnh phúc, thì không phải chỉ có ta được sung sướng mà mọi người quanh ta cũng sung sướng.
      Bắt đầu một ngày bằng nụ cười, điều đó không khôn ngoan hơn sao? Ta mỉm cười chứng tỏ ta có chánh niệm, có quyết tâm sống cho an lạc, hạnh phúc. Một nụ cười có chánh niệm là một nụ cười thật sự, không giả tạo, không méo xệch.
      Làm sao để nhớ mỉm cười khi thức dậy? Bạn có thể treo trên đầu giường một cành cây, một chiếc lá hay một câu thơ để nhắc nhở bạn mỉm cười khi thức dậy. Thực tập lâu ngày bạn sẽ tự nhiên mỉm cười khi nghe chim hót, khi thấy nắng ấm và bạn sống một ngày thật nhẹ nhàng, đầy hiểu biết.
      Khi thấy một người mỉm cười, tôi biết là người đó đang sống thật tỉnh thức. Biết bao nghệ sĩ đã dày công để phát họa một nụ cười lên những bức tranh và những bức tượng tuyệt trác? Tôi tin chắc là những người nghệ sĩ đó vừa làm việc vừa mỉm cười. Bởi khó mà có thể hình dung được một họa sĩ nhăn nhó có thể vẻ được một nụ cười. Nụ cười Mona Lisa chẳng hạn, thật nhẹ, thật thoáng. Một nụ cười như vậy cũng đủ làm thư dãn những bắp thịt trên mặt, làm tiêu tan những mệt mõi và lo âu. Nụ cười mầu nhiệm như vậy đó, nó nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình thản, đem lại an lạc mà ta tưởng đã đánh mất.
      Khi ta mỉm cười, ta đem lại hạnh phúc cho ta và cho cả những người chung quanh ta. Ta tốn biết bao nhiêu tiền để mua quà cho những người thân, trong khi ta chẳng cần tốn đồng nào mà vẫn có thể tặng một món quà vô giá là nụ cười chánh niệm của ta?
      Cuối một khóa tu ở California, có một thiền sinh làm bài thơ như sau:

      Tôi đã mất nụ cười 
      Nhưng may mắn quá

      Hoa bồ công anh đang mỉm cười cho tôi

      Khi bạn không còn cười nổi mà ý thức được rằng hoa bồ công anh đang mỉm cười cho bạn thì tình trạng chưa đến nổi nào. Bạn vẩn còn đủ chánh niệm để thấy nụ cười đang có mặt. Bạn chỉ cần thở một vài hơi thở có ý thức là nụ cười sẽ trở lại trên môi. Hoa bồ công anh là một thành phần của tăng thân, một người bạn trung thành biết giữ gìn nụ cười cho bạn.
      Thật ra, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy hơi thở, mọi vật chung quanh ta đều đang mỉm cười với ta. Ta có đơn lẽ một mình đâu. Mọi vật trong ta và ngoài ta đều đang nâng đỡ ta. Chỉ cần mở tấm lòng ra là ta đón nhận được nụ cười ưu ái của hoa bồ công anh. Và làm gì mà ta không nở một nụ cười để đáp lại.

      Thở chánh niệm

      Hơi thở chánh niệm – Đời sống tỉnh thức

      Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ai cũng thở nhưng chúng ta quên rằng mình đang thở, thân ta tuy ở đây nhưng tâm lại ở một nơi khác. Thường ta bị ràng buộc bởi quá khứ, bị lôi kéo về tương lai hay đắm chìm trong những cảm xúc hiện tại. Cho nên ta không tiếp xúc được với những gì lành mạnh và nuôi dưỡng. Khi đó ta có thể trở về thực tập với hơi thở ý thức để nhiếp phục lại tâm ý. Sự thực tập đem sự chú ý vào hơi thở vào- ra là phương pháp để hợp nhất thân và tâm, giúp ta có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Khi thân và tâm đã có mặt ta có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm tươi mát của cuộc sống. Điều này tuy có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn. Sự thực tập này được gọi là thực tập chánh niệm hay hơi thở có ý thức.  Những bài tập này do chính Bụt chỉ dạy, thật dễ dàng để có được niềm vui và sự an lạc trong khi cuộc sống có quá nhiều bận rộn.

      Thực tập thở có chánh niệm giống như đang uống một ly nước mát. Chỉ cần nhận diện và ôm ấp hơi thở như một bà mẹ trở về nhà để chăm sóc cho đứa con một cách dịu dàng trong vòng tay. Bạn thở và cảm nhận không khí đang đi vào và đi ra. Chúng ta thực tập:

      Thở vào, tôi biết tôi biết đây là hơi thở vào
      Thở ra, tôi biết tôi nhận diện hơi thở ra

      Sau khi thực tập được vài hơi thở bạn có thể chỉ cần nhớ vào–ra. Điều này không phải là suy nghĩ, đơn thuần chỉ là sự nhận diện. Đừng cố thúc ép hay điều khiển, nếu hơi thở của bạn ngắn và chưa được êm dịu thì cứ để như vậy. Ta chỉ cần ý thức về nó, dưới ánh sáng của sự tỉnh thức hơi thở sẽ trở có phẩm chất hơn, sâu hơn, dịu hơn.

      Thở vào, tôi thấy hơi thở vào của tôi đã sâu hơn
      Thở ra, tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn

      Rồi tiếp tục đem tâm ý theo dõi suốt chiều dài của hơi thở (theo dõi hơi thở từ đầu cho đến cuối). Bạn sẽ chấm dứt được suy nghĩ và có cơ hội nghỉ ngơi. Ta không còn phải đối mặt với những lo lắng và sợ hãi.

      Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối
      Thở ra, tôi theo dõi suốt hơi thở ra

      Trong cuộc sống hàng ngày bạn đã bỏ bê xao lãng cơ thể của mình. Thực tập hơi thở với một nụ cười hàm tiếu sẽ làm buông thư tất cả những căng thẳng trên khuôn mặt. Nào, bây giờ là cơ hội để trở về với cơ thể. Để nhận diện sự có mặt và bắt đầu làm quen trở lại với cơ thể mình.

      Thở vào, tôi ý thức về cơ thể tôi
      Thở ra, tôi buông bỏ tất cả những căng thẳng trong thân thể tôi

      Khi bạn đã có thể hiến tặng sự an lạc và hòa điệu cho cơ thể bạn. Giúp cho cơ thể buông thư những căng thẳng, lúc này bạn có thể để ý đến những cảm thọ đau nhức trong tự thân. Năng lượng chánh niệm sẽ ôm ấp lấy cảm thọ đau nhức ấy. Khi thân bị căng thẳng hay đau nhức hơi thở của bạn sẽ chịu ảnh hưởng. Cho nên phẩm chất của hơi thở là kết quả của thân và cảm thọ.

      Thở vào, tôi để ý đến những cảm thọ đau nhức trong tôi
      Thở ra, tôi mỉm cười với những cảm thọ đau nhức trong tôi.

      Khi bạn đem sự chú ý vào hơi thở, tức là bạn đã đem tâm trở về đoàn tụ với thân. Và trong giây phút này chúng ta biết mình đang sống và đang cảm nhận sự sống. Điều quan trọng và mầu nhiệm là bạn có thể tiếp xúc được với những gì đang có mặt trong ta và xung quanh ta. Đôi mắt là một sự mầu nhiệm, chỉ cần mở mắt là ta có thể tiếp xúc được với thiên đường của màu sắc: nắng ấm, trời xanh, lá vàng, mây bay… Tai ta cũng là một sự mầu nhiệm, ta cũng có thể nghe được những âm thanh như chim hót, tiếng gió xuyên qua những rừng thông… Và bạn hãy tận hưởng những giây phút lắng dịu và nuôi dưỡng ấy.

      Thở vào, tôi đang nhận diện trời xanh
      Thở ra, tôi đang mỉm cười với trời xanh
      Thở vào, tôi nhận diện những chiếc lá đẹp của mùa thu
      Thở ra, tôi mỉm cười với những chiếc lá đẹp của mùa thu

      Bạn có thể rút gọn:

      Trời xanh – thở vào
      Mỉm cười – thở ra
      Lá  vàng – thở vào
      Mỉm cười – thở ra

      Khi bạn thở chánh niệm tức là chánh niệm về hơi thở. Khi bạn đi chánh niệm tức là chánh niệm vào bước chân. Chánh niệm có thể được đem vào đối tượng của vật lý và tâm lý. Đem đến sự nhận diện và nhẹ nhàng. Sự sống chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại. Việc quan trọng nhất của bạn là có mặt bây giờ và ở đây để thưởng thức từng giây phút ấy.

      Thở vào tâm tĩnh lặng
      Thở ra miệng mỉm cười
      An trú trong hiện tại
      Giây phút đẹp tuyệt vời.

      tĩnh lặng
      mỉm cười
      hiện tại
      tuyệt vời.

      Một thiền phổ khác:

      Vào, ra

      Sâu, chậm

      Khỏe, nhẹ

      Lắng, cười

      Hiện tại, tuyệt vời

      Hai chữ đầu: “Vào, ra” có nghĩa là “Thở vào, tôi biết tôi thở vào; thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Khi thở vào, ta chỉ chú tâm tới hơi thở vào. Không suy nghĩ, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở vào. Cũng vậy, khi thở ra, ta hoàn toàn chú tâm vào hơi thở ra. Đây là bài tập đầu tiên. Ta tiếp tục nói thầm “Vào, ra” trong khi thở và theo dõi suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra.

      Đừng để tâm ý chạy lăng xăng xa rời hơi thở: “Thở vào, tôi biết… trời ơi, mình quên không tắt đèn trong phòng!” Như thế không phải là chú tâm, bởi vì tâm đang nhảy từ chuyện này sang chuyện khác. Phải theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối. Hơi thở chỉ kéo dài bốn hay năm giây đồng hồ. Ai cũng có thể chú tâm một trăm phần trăm vào suốt chiều dài một hơi thở. Thực tập hơi thở chánh niệm vào ra trong một phút, ta dừng được suy nghĩ một phút. Thật tuyệt vời khi ta được ngưng suy nghĩ và sống. Hầu hết suy nghĩ của chúng ta là chướng ngại cho việc sống, bởi vì khi miệt mài suy nghĩ thì ta không “có mặt”, không thực sự sống, không tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. “Tôi suy tư, nên tôi không hiện hữu.”1 “Tôi suy tư nên tôi bị lạc trong rừng suy tư.” Bị lạc trong suy tư nghĩa là không hiện hữu.

      Giả sử con trai hay con gái bạn đang bên cạnh bạn mỉm cười đẹp như một bông hoa. Nhưng bạn lại đang bận suy tư về quá khứ, tương lai, về những dự án, hay đang lo lắng buồn khổ, tức là bạn đang bị lạc trong suy tư. Khi đó con trai hay con gái bạn không có đó cho bạn, bởi vì bạn không có đó cho các con. Bạn đang ở đâu đó trong rừng suy tư. Chỉ cần bạn không bị suy tư cuốn hút thì bạn đã có mặt trong hiện tại rồi, bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, đó chính là con trai, con gái của bạn.

      Chỉ cần một hơi thở vào và một hơi thở ra cũng đủ để ta ngưng thói quen suy nghĩ và trở về với giây phút hiện tại – bây giờ và ở đây. Khi thở có chánh niệm thì tâm lập tức trở về với thân. Trong cuộc sống hằng ngày, thân ta có thể ở đây nhưng tâm đang phiêu bạt nơi nào. May mắn thay, chúng ta có hơi thở. Hơi thở là nhịp cầu nối thân và tâm. Ngay khi thở một hơi thở chánh niệm, thân tâm tức khắc hợp nhất. Thật là tuyệt diệu, thật là dễ dàng, chẳng cần tốn bao nhiêu thì giờ, năm hay mười giây đồng hồ là cùng, bỗng nhiên ta hết tán loạn, ta có chánh niệm, có định tâm. Bởi vì khi thân và tâm hợp nhất thì ta thực sự có mặt. Ta thực sự có mặt thì những điều khác cũng có mặt, sự sống có mặt, những người thương có mặt.

      Khi lái xe, ta phải chú tâm tới hơi thở vào ra. Phải thực sự có mặt trong khi lái xe thì lái xe mới an toàn. Khi tưới hoa, ta cũng thực tập hơi thở để thực sự có mặt thưởng thức những bông hoa và có niềm vui trong khi tưới hoa.

      Khi đã biết cách thực tập hơi thở chánh niệm trong khi lái xe, rửa bát, đi bộ, ta mời những người thân trong gia đình cùng thực tập. Cả nhà cùng ngồi thực tập hơi thở chánh niệm với nhau, tận hưởng sự có mặt của nhau, đầm ấm và bình an. Không cần phải xem tivi. Rồi sau đó ta chia sẻ thực tập với bạn bè trong công ty. Ta có thể bày cho họ phương pháp tự chăm sóc khi mệt mỏi, khi xúc động, khi đau buồn.

      Đến đây, xin mời bạn tạm ngưng đọc và ngay bây giờ mời bạn thực tập hơi thở vào ra trong một, hai, hay ba phút cho đến khi thực sự chú tâm vào hơi thở. Bạn sẽ khám phá ra rằng phẩm chất của hơi thở tăng lên rất nhanh. Đừng cố gắng làm cho bằng được. Cứ để tự nhiên rồi hơi thở vào sẽ sâu hơn, và hơi thở ra sẽ chậm hơn, thư thái hơn, êm dịu hơn.

      Thực tập căn bản Làng Mai

      Sao cho muôn dặm một nhà

      Câu hỏi: Con muốn hỏi cụ Nguyễn Du là ước muốn lớn nhất trong cuộc đời của con và ước muốn của mọi người trong gia đình con năm nay có thực hiện được hay không? Năm nay con có một gia đình nhỏ của riêng con, con xin cụ Nguyễn Du là gia đình nhỏ của con có thể có thêm một thành viên mới hay không?       

      Cụ Nguyễn Du cho chị câu 81:

      Sao cho muôn dặm một nhà

      Mười lăm năm ấy bây giờ là đây

       

      Sư Ông giải Kiều:

      Mình nghĩ là có một đứa con thì mình sẽ rất hạnh phúc. Đó chỉ là ý nghĩ, là ý niệm của mình về hạnh phúc. Mình tự thuyết phục mình. Mình nghĩ rằng cái mà mình đang có bây giờ chưa đủ hạnh phúc. Có một đứa con thì mình mới thực sự hạnh phúc. Đó chỉ là một ý nghĩ.

      Có khi đứa con có đó rồi nhưng chưa chắc nó đã đồng ý biểu hiện liền. Đôi khi bố mẹ và đại gia đình chưa sẵn sàng. Mình là một con chim thì mình chỉ muốn đến với một khu vườn có trái ngọt, cây lành. Tôi cũng là một con chim như tất cả những con chim khác, suốt đời muốn tìm tới một khu vườn có trái ngọt cây lành. Thành ra vấn đề chính là mình phải làm cho khu vườn của mình thành một khu vườn rất đẹp, có trái ngọt, cây lành thì con chim sẽ tới, còn nếu không thì con chim đó sẽ nói: Con chưa có tới, con muốn chờ đợi, con chưa sẵn sàng.

      Vì vậy sao cho muôn dặm một nhà nghĩa là làm sao để cho trong đời sống lứa đôi có sự đồng tâm nhất trí, thuận vợ thuận chồng. Buổi sáng cũng có niềm vui, buổi trưa cũng có niềm vui, buổi tối cũng có niềm vui và hai vợ chồng có cùng chung một lý tưởng chứ không phải chỉ làm đủ tiền để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Những cái đó không đủ. Những tiện nghi về vật chất, tình cảm chưa đủ. Phải có một lý tưởng làm chất keo sơn để hai người làm thành một.

      Khi mình đi lấy chồng hay lấy vợ, mình không còn tương lai riêng nữa, mình phải có tương lai chung. Mình đã có tương lai chung chưa? Mình đã đồng ý với nhau về giấc mơ chung của hai người chưa, hay mỗi người có một giấc mơ riêng? Nếu thầy là một con chim thì thầy không có muốn đến một khu vườn như vậy. Thầy sẽ tìm đến một khu vườn nào có trái ngọt cây lành, có sự hòa thuận, có hạnh phúc thực sự. Em bé luôn luôn có đó nhưng đôi khi nó chờ. Vậy nên cụ Nguyễn Du có dặn là trước tiên gia đình mình phải sống như thế nào để có hạnh phúc, có sự hòa hợp. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều có lý tưởng và mình làm cho đại gia đình cũng có được cái đó. Đó là chuyện quan trọng nhất.

      Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân

      Câu hỏi: Cũng như nhiều bạn trẻ, con đang đứng trước ngưỡng cửa của chuyện lập gia đình hay đi xuất gia. Nếu con chọn con đường lập gia đình thì con có tu thành đạo được như con đường xuất gia hay không?

       

       

      Cụ Nguyễn Du cho anh câu 202:

      Thấy nhau mừng rỡ trăm bề

      Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.

       

      Sư Ông giải Kiều:

      Câu thứ hai tuy vậy mà khó. Khó ở từ lắm lúc đi về. Lắm lúc là nhiều khi. Chữ lắm lúc có vẻ như tiêu cực chứ không phải là tích cực. Trong những ngày xuân, nếu tuổi trẻ không biết chăm sóc năng lượng của tuổi trẻ thì có thể sẽ bị nhiều dằn vặt, đau khổ. Mình có tuổi trẻ nhưng nếu mình không tu thì mình sẽ có vấn đề với tuổi trẻ, vì tuổi trẻ có nhiều bồng bột, nóng nảy, thiếu tự giác, thiếu bình tĩnh. Mình đang có tuổi trẻ. Tuổi trẻ rất quý nhưng có biết bao nhiêu người trẻ làm hư tuổi trẻ của chính mình, khổ đau với tuổi trẻ.

      Lắm lúc đi về với xuân là nhiều khi cũng cực với tuổi trẻ. Lắm lúc đi về với xuân còn có nghĩa là quá mệt. Có tuổi trẻ mà không biết chăm sóc năng lượng tuổi trẻ là mệt chết với tuổi trẻ. Tuổi trẻ rất quý nhưng nếu ta không biết chăm sóc  thì tuổi trẻ cũng là một vấn đề. Đó là ý của câu thứ hai. Còn tuổi già? Tuổi già cũng có cái hay của tuổi già. Tuổi già có sự đằm của tuổi già. Tuổi già giống như một dòng sông lớn đi chầm chậm, chầm chậm. Tuổi trẻ còn bồng bột nên có những khó khăn, bức xúc của tuổi trẻ.

      Đi tu hay không đi tu, đó không phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề lớn nhất là mình phải học cách sống. Trong mỗi con người của mình đều có một ước muốn là mình gặp được người có thể hiểu được mình, thương được mình. Đó là ước muốn của mình. Nếu có nhiều người hiểu mình, thương mình thì quý rồi nhưng ít nhất phải có một người. Có những người suốt đời không có bạn, đi tìm mà không có được một người bạn. Đó là những người vô phước. Thấy nhau ở đây là gặp được một người bạn có thể hiểu mình, thương mình, có thể đi với mình suốt đời. Phải có phước đức gì đó thì mình mới gặp người bạn như vậy. Người bạn đó là người bạn thiệt. Với người đó thì mình mới không đau khổ. Có những người kết bạn với nhau nhưng sau sáu tháng hay một năm thì họ đau khổ và họ bỏ người bạn đó để đi tìm một người bạn khác. Cứ thay bạn như thay áo. Điều đó sẽ đưa đến tình trạng Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân. Đau khổ vô cùng. Thay đổi bạn như thay đổi người yêu, như thay áo. Câu này của cụ Nguyễn Du rất sâu sắc.

      Nhờ phước đức ông bà mà mình có thể gặp được, thấy được người bạn lý tưởng của mình. Cố nhiên là có những người cư sĩ tu rất giỏi, có khi giỏi hơn cả người xuất gia. Mình không kỳ thị người cư sĩ. Người cư sĩ cũng có thể tu thành được. Nhưng phải công nhận một điều là người cư sĩ tu khó hơn người xuất gia. Ở Việt  Nam có câu: khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu chùa. Tu chùa rất dễ vì hoàn cảnh trong chùa rất dễ cho mình tu. Có tăng thân lo cho mình, bao bọc, che chở cho mình nên tu rất dễ.

      Đi xuất gia cũng giống như lập gia đình. Bên kia là lập gia đình với một người còn bên này lập gia đình với cả một đoàn thể lớn. Nhau ở đây có thể là một người mà cũng có thể là một đoàn thể lớn. Nhưng không phải chùa nào cũng có tăng thân. Có những người họ đi từ chùa này sang chùa khác, bảy, tám chục chùa mà không tìm thấy một tăng thân nào thích hợp với mình. Và cuối cùng thì tìm thấy một tăng thân thích hợp. Đó là tìm được nhau, đó là những người may mắn. Cho nên chuyện thấy nhau là một phước rất lớn. Mình gặp được người tri kỷ, gặp được người cùng lý tưởng với mình rồi thì đó là hạnh phúc lớn nhất trên đời, là mừng rỡ trăm bề. Chưa gặp thì chưa có cái đó mà hễ gặp rồi là có cái đó. Nhưng gặp rồi mà không nắm lấy cơ hội thì ôi thôi…

      Vậy cho nên mình phải dùng trí thông minh của mình, mình phải nhìn lại cho kỹ. Mình phải nhìn lại những người bạn của mình, họ sống như thế nào, họ đi kiếm người tri kỷ như thế nào, họ lên xuống như thế nào. Vậy nên khi đi xuất gia cũng giống như mình lập gia đình. Mình lập gia đình với một đoàn thể và mình cam kết suốt đời không phản bội. Cụ Nguyễn Du không hề thành kiến. Cụ không nói rằng người tại gia không tu được. Người tại gia tu được chứ không phải là không. Nhưng sự thực là tu xuất gia thì dễ hơn. Vậy cho nên mình phải chọn lựa.