Nghe hô canh

Hô canh buổi sáng

Download

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi

Ngưỡng mong đại chúng tinh tiến nhiếp tâm thiền tập
Nam mô Bụt Sākyamuni.

 

Hô canh buổi chiều

Download

Vững thân ngồi dưới cội bồ đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm
Rõ soi diện mục thoát bờ mê.

Ngưỡng mong đại chúng tinh tiến nhiếp tâm thiền tập
Nam mô Bụt Sākyamuni.

Ngồi thiền

Được ngồi yên là một đặc ân

Khi Tổng thống Nelson Mandela đến thăm nước Pháp lần đầu sau thời gian bị giam cầm, một nhà báo đã hỏi: “Ngài mong muốn điều gì nhất?” Thủ tướng Nelson Mandela trả lời: “Được ngồi yên và không phải làm gì cả. Từ khi ra khỏi tù, tôi không có được cái may mắn đó. Tôi quá bận, cho nên điều mà tôi mong muốn nhất là ngồi yên và không làm gì cả.” Có cơ hội được ngồi yên và thưởng thức hơi thở vào ra là điều rất tuyệt vời. Thở vào, thở ra, không có gì khó khăn. Mời bạn ngồi cho Nelson Mandela, ngồi cho tất cả những ai đang rong ruổi, cho tất cả những ai không có thì giờ trở về với chính mình để thực sự sống. Trong thời đại này, được ngồi yên là một sự xa xỉ mà cũng là điều hết sức cần thiết cho việc chữa trị và nuôi dưỡng thân tâm.

Chọn một tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, ngồi trên tọa cụ hay trên ghế. Nếu ngồi trên ghế thì đặt cả hai lòng bàn chân xuống sàn nhà. Lưng thẳng, nhưng không cứng. Buông thư hoàn toàn, ngồi thật tự nhiên trên ghế hoặc tọa cụ, bụng mềm, miệng mỉm cười. Chú tâm hoàn toàn vào hơi thở vào, ra. Khoảng một vài phút, tâm bắt đầu bị xao lãng, khi ấy ta mỉm cười và nhẹ nhàng đưa chánh niệm trở về hơi thở. Nếu có quá nhiều suy nghĩ khởi lên trong khi ngồi thiền, bạn đừng lo lắng, bực bội, chỉ cần mỉm cười, dịu dàng kéo ý thức trở về hơi thở mỗi khi bị xao lãng. Trong một buổi ngồi thiền sẽ có nhiều lần bạn bị thất niệm, nhưng thực tập tinh tấn một thời gian số lần đó sẽ giảm đi.

Ngồi thiền trước hết là để không phải làm gì hết và để được buông thư. Khi nắm vững nghệ thuật theo dõi hơi thở và mỉm cười thì càng ngồi thiền càng thấy thích thú. Rồi, nhờ năng lượng của niệm và định, ta sẽ bắt đầu quán chiếu sâu sắc vào thân thể, tâm thức và hoàn cảnh. Khi thấy mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng, ta có thể tránh được rất nhiều lầm lỗi. Ta sẽ có cơ hội làm những việc nên làm, để đem lại an lạc, hạnh phúc cho ta và những người ta thương. Đó là lợi ích của ngồi thiền.

Ngồi Đâu Cũng Là Ngồi Thiền

Khi muốn dừng lại để trở về với chính mình, bạn không cần phải chạy nhanh về nhà, vào thiền phòng, hay đến một trung tâm thiền thì mới thực tập hơi thở chánh niệm được. Ở đâu bạn cũng tập thở được, khi ngồi tại văn phòng hay trong xe hơi. Ngay cả khi đi mua sắm tại một siêu thị đông người hay đứng chờ hàng dài trước nhà băng, nếu bạn cảm thấy bực dọc hay mệt mỏi, bạn có thể tập thở và mỉm cười để đừng đánh mất mình và giữ gìn sự thăng bằng cho thân tâm.

Giữa bao phiền toái của cuộc đời, để đủ khả năng đối diện chúng, ta cần trở về với chính mình, và hơi thở chánh niệm giúp ta làm việc đó. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, ta cũng tập thở được. Dù sao, tư thế ngồi vẩn là tư thế vững chải nhất. Một hôm, tôi đang ngồi chờ máy bay tại phi trường Kenedy, thành phố New – York. Máy bay trể bốn tiếng đồng hồ. Tôi liền xếp hai chân lại và ngồi thiền ngay trong phòng đợi. Tôi cuộn tròn áo ấm lại để làm gối ngồi thiền. Mọi người đi qua đi lại nhìn tôi có vẻ tò mò, nhưng sau một lúc, họ không để ý đế tôi nữa và tôi ngồi thiền một cách yên ổn. Phi trường đầy nghẹt cả người, không có một chổ nào để đặt lưng, chỉ còn cách ngồi cho an ổn thảnh thơi ngay tại chổ của mình. Dĩ nhiên không ai muốn ngồi thiền giữa chốn đông người, kẻ qua người lại chú ý tới, nhưng dù ở đâu và trong tư thế nào, mình biết theo dõi hơi thở thì mình sẽ phục hồi được con người của mình một cách nhanh chóng.

Thiền tọa

Cách ngồi thiền vững chãi nhất là ngồi xếp bằng hai chân trên một cái gối dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Tốt nhất là ngồi trong tư thế kiết già hay bán già, chân phải đặt trên bắp vế trái và chân trái trên bắp vế phải.
Nếu ngồi kiết già quá khó thì có thể ngồi xếp hai chân lại cũng được, hoặc muốn ngồi như thế nào cũng được miễn là cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà và hai tay xếp trên lòng. Bạn cũng có thể nằm dài trên sàn nhà, lưng chạm đất, hai chân duổi thẳng cách nhau vài tấc, hai tay duổi thẳng hai bên thân, lòng bàn tay ngửa lên trời.

Nếu chân bạn bị tê trong khi ngồi, bạn có thể tự động sửa lại thế ngồi cho thoải mái hoặc đổi chân dưới lên trên. Bạn vừa làm một cách nhẹ nhàng chậm rãi, vừa theo dõi hơi thở và từng cử động của thân thể thì tâm bạn vẩn an trú trong định. Nếu chân vẫn không hết đau làm bạn chịu hết nổi thì bạn có thể đứng dậy, đi thiền hành từng bước chậm rãi, đến lúc bạn thấy có thể ngồi lại được thì bạn ngồi xuống.

Tại một vài thiền viện, thiền sinh không được nhúc nhích động đậy trong khi ngồi thiền. Dù chân bị tê nhức thế nào họ cũng phải cố gắng chịu đựng. Tôi thấy điều này hơi quá đáng. Chúng ta ngồi thiền là để có an lạc và hạnh phúc, nếu một phần nào của thân thể bị đau nhức tức là thân thể muốn báo động ta điều gì, ta phải biết lắng nghe, ta không nên bắt nó chịu đựng quá sức, vì làm thế có thể nó bị tổn thương. khi chân bị tê trong khi ngồi, ta có thể thay đổi chân hoặc đứng dậy đi thiền hành, điều này không đến nổi gây trở ngại cho ta mà lại giúp ta rất nhiều.

Đôi khi chúng ta ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đời và chạy trốn chính mình ta, giống như con thỏ chạy về cái hang của nó. Làm như vậy, chúng ta có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật của chúng ta như thường. Giống như khi chúng ta tu hành xác, chúng ta mệt nhoài và có ảo tưởng là chúng ta chẳng còn vấn đề gì nữa hết. Nhưng khi cơ thể được phục hồi và sinh khí trở lại thì những vấn đề kia cũng trở về theo.

Chúng ta không cần tu rục, chúng ta cần tu cho thảnh thơi, đều đặn, và tinh tấn, mỗi ngày đều quán chiếu nhìn sâu vào lòng mọi sự mọi việc đang xảy ra. Thực tập như thế chúng ta mới có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.

Thiền tắm

HÃY CHO NỖI KHỔ, NIỀM ĐAU CỦA BẠN ĐI TẮM!
(Sư Ông Làng Mai)

Tuần trước, có một cô thiền sinh viết thư cho tôi nói rằng: "Con đang thực tập phương pháp nhận diện và ôm ấp khổ đau mà thầy dạy cho con. Con bị mắc chứng trầm cảm, mỗi khi trầm cảm tới thì con đi tắm, con tắm rất chánh niệm, con mời chứng trầm cảm tắm chung với con. Con không công phá hay xua đuổi nó mà ôm lấy nó bằng ánh sáng chánh niệm".

Cô nói tiếp: “Khi con cho cái trầm cảm của con tắm thì con thấy nó là một phái đoàn chứ không phải là một cá nhân. Con nhận diện trong nỗi trầm cảm của mình có những điều tiêu cực. Ví dụ như có sự sợ hãi, có sự lo lắng, có cái mặc cảm rằng mình yếu kém, mình không có giá trị gì hết. Con tự lên án, phê phán mình và nghĩ rằng người khác cũng nhìn con bằng ánh mắt lên án, phê phán như vậy. Trầm cảm tới với con như một phái đoàn, có mặc cảm này rồi mặc cảm kia, nỗi buồn này cộng với nỗi buồn kia. Con nhận diện từng thành viên của phái đoàn và cười với nó, sau đó thì con thấy khỏe, con không còn là nạn nhân của nó nữa. Bây giờ mỗi khi phái đoàn trầm cảm tìm tới thì con không còn sợ nữa, con mời nó vào và đối xử rất đàng hoàng, con sẵn sàng có mặt để nhận diện và ôm ấp nó”.

Một người hành giả cư sĩ làm được như vậy là rất giỏi.

Chúng ta có thể đặt tên cho phương pháp này là thiền tắm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi bước vào nhà tắm chúng ta hãy tắm một cách thật chánh niệm, đừng có vội vã tắm cho nhanh để đi ăn tối hoặc đi làm cái khác. Chúng ta phải biến nhà tắm thành thiền đường và hai mươi hay ba mươi phút ấy là những giờ phút rất thiêng liêng. Chúng ta buông thư tất cả những căng thẳng trong thân và trong tâm, mỉm cười để cho những tia nước mát hoặc những tia nước ấm phả vào người mình, gột sạch đi những bụi bặm trên thân và làm lắng dịu những lao xao trong tâm. Sau khi bước ra khỏi nhà tắm ta sẽ trở nên tươi mát, sảng khoái vì trong lúc tắm những trị liệu đã xảy ra.

Chánh niệm là một loại năng lượng mình có thể chế tác ra được trong mỗi giây phút, trong khi đi, khi ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc… Có chánh niệm rồi thì ta mới có khả năng nhận diện, chăm sóc, chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau. Tại vì những nỗi khổ niềm đau đó chính là mình. Trong khi ôm nỗi khổ niềm đau của mình vào lòng thì ta cảm thấy mình gần mình hơn ai hết, mình thấy ấm áp hơn. Còn ngoài ra những lúc khác là ta tìm cách trốn chạy chính mình. Mà trốn chạy chính mình thì làm sao hiểu được chính mình. Cho nên tu tập là để trở về với chính mình, để có cơ hội biết mình là ai.

Khi thiền sinh tới Làng Mai, chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn ấy có hai việc. Việc thứ nhất là phải tập thở, tập đi, tập ngồi, tập ăn cơm sao cho có ý thức, có bình an. Nếu tới đây mà bạn chưa chế tác được giây phút bình an, hỷ lạc thì bạn tới Làng Mai rất uổng. Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: "Làm sao mà tôi có hỷ lạc được chứ? Ở trong tôi có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau nó chặn đường không cho tôi chạm tới hỷ lạc". Câu trả lời cũng là điều thứ hai mà chúng tôi yêu cầu ở các bạn thiền sinh. Đó là trong trường hợp ấy bạn hãy cho nỗi khổ niềm đau của bạn đi tắm, tắm bằng năng lượng của chánh niệm. Tại vì sự thực tập thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm là để chế tác năng lượng chánh niệm. Mà năng lượng chánh niệm có rồi thì khổ đau không còn đáng sợ nữa. Khổ đau tới, mình không xua đuổi, trốn chạy mà mời vào tắm cho vui. Tu thì phải có khả năng làm cái đó, phải chế tác hỷ và lạc, phải có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hoá khổ đau.

Chăm sóc em bé trong tự thân

Chăm sóc em bé trong tự thân

Nhiều người trong chúng ta mang một em bé bị tổn thương trong lòng. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta đã bị nhiều vết thương trầm trọng trong tâm. Điều đó làm cho chúng ta khó lòng tin tưởng và thương yêu người khác, cũng như khó chấp nhận tình thương của người khác dành cho mình. Chúng ta phải dành thời gian để trở về chăm sóc em bé trong tự thân ấy. Đó là sự tập rất thiết yếu. Tuy nhiên khi thực tập điều này, chúng ta có thể gặp nhiều trở ngại. Nhiều người trong chúng ta biết mình có một em bé bị tổn thương trong lòng, nhưng rất sợ quay về với chính mình, đối diện với chính mình và đối diện với em bé trong tự thân bị thương ấy. Cái khối khổ đau buồn phiền ấy quá lớn, cứ ngự trị trong tâm hồn mình, khiến mình không dám đối diện mà chỉ muốn trốn chạy. Thế nhưng, cho dù có khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải trở về chăm sóc cho em bé bị thương đó. Có thể chúng ta nhờ những người có kinh nghiệm chỉ dẫn để nỗi đau không làm ta khốn đốn.

Thực Tập

Thực tập thiền hành, thiền tọa, hơi thở chánh niệm là những pháp môn căn bản và chính yếu. Năng lượng chánh niệm của những người bạn đồng tu có khả năng giúp ta rất nhiều. Có thể lần đầu tiên quay về với em bé bị thương trong ta, ta cần một hoặc hai người bạn, đặc biệt là những người đã thành công trong sự thực tập này – ngồi cạnh ta, yểm trợ ta, truyền thêm cho ta năng lượng và chánh niệm. Khi có một người bạn ngồi nắm tay ta, thì năng lượng của ta và năng lượng của người đó kết hợp lại tạo thành một sức mạnh, giúp ta thấy an toàn để trở về ôm ấp em bé bị thương trong ta.

Trong khi ngồi thiền hoặc đi thiền, chúng ta hãy nói chuyện với em bé đó vài lần trong ngày. Có như vậy sự trị liệu mới xảy ra. Em bé bị bỏ quên một mình quá lâu. Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu thực tập ngay. Ôm ấp em bé một cách dịu dàng, hứa với em bé rằng chúng ta sẽ không bao giờ bỏ mặc, để em bé sa sút lần nữa. Nếu có tăng thân thì sự thực tập của ta sẽ dễ dàng hơn nhiều so với sự thực tập một mình mà không có sự yểm trợ của các sư anh sư chị. Nương tựa vào tăng thân, có các anh chị em giúp đỡ, khuyên bảo và yểm trợ trong những lúc khó khăn là điều rất quan trọng.

Em bé bị tổn thương trong ta có thể là đại diện của nhiều thế hệ. Có thể ông bà, cha mẹ ta có những vấn đề giống ta và họ cũng có một em bé bị thương trong lòng mà không biết cách để ôm ấp và chuyển hóa. Vì thế họ đã trao truyền em bé bị thương của họ cho ta. Chúng ta phải thực tập để chấm dứt vòng luẩn quẩn này. Nếu chúng ta chữa lành cho em bé bị thương trong ta, ta sẽ giải phóng được cho người đã làm khổ, đã hành hạ ta. Người kia có thể cũng là nạn nhân của sự ngược đãi và lạm dụng. Nếu chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm, hiểu biết và từ bi cho em bé bị thương trong ta, thì ta vơi bớt rất nhiều đau khổ. Người ta đau khổ bởi vì họ không thể hiểu và thương được. Khi chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm thì hiểu biết và thương yêu có mặt. Chúng ta có thể đón nhận thương yêu từ người khác. Trước đây, chúng ta đã nghi nghờ mọi người, mọi điều thì giờ đây, lòng từ bi sẽ giúp ta nói chuyện và thiết lập lại truyền thông với người khác.

Hướng dẫn thiền tập về “Em bé 5 tuổi bị thương”

1. Thở vào, tôi thấy tôi là em bé 5 tuổi

Thở ra, tôi cười với em bé 5 tuổi là tôi

Vào, thấy em bé / Ra, cười với em bé.

2. Thở vào, tôi thấy em bé 5 tuổi là tôi rất mong manh, rất dễ thương tích

Thở ra, tôi cười với em bé trong tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương

Vào, em bé mong manh, rất dễ thương tích / Ra, cười hiểu biết và xót thương.

3. Thở vào, tôi thấy cha tôi là một em bé 5 tuổi

Thở ra, tôi cười với cha như một em bé 5 tuổi

Vào, cha như em bé 5 tuổi / Ra, cười với cha như em bé 5 tuổi.

4. Thở vào, tôi thấy em bé 5 tuổi là cha tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích

Thở ra, tôi cười với em bé là cha tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương

Vào, em bé là cha rất mong manh, rất dễ bị thương tích / Ra, cười với cha với nụ cười hiểu biết và xót thương.

5. Thở vào tôi thấy mẹ tôi là một em bé 5 tuổi

Thở ra, tôi cười với mẹ tôi như một em bé 5 tuổi

Vào, mẹ như em bé 5 tuổi / Ra, cười với mẹ như em bé 5 tuổi.

6. Thở vào, tôi thấy em bé 5 tuổi là mẹ tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích

Thở ra, tôi cười với em bé là mẹ tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương

Vào, em bé là mẹ rất mong manh, rất dễ bị thương tích / Ra, cười với mẹ với nụ cười hiểu biết xót thương.

7. Thở vào, tôi thấy những nỗi khổ của cha tôi hồi 5 tuổi

Thở ra, tôi thấy những nỗi khổ của mẹ tôi hồi 5 tuổi

Vào, cha khổ hồi 5 tuổi / Ra, mẹ khổ hồi 5 tuổi.

8. Thở vào, tôi thấy cha tôi trong tôi

Thở ra, tôi cười với cha tôi trong tôi

Vào, cha trong tôi / Ra, cười với cha trong tôi.

9. Thở vào, tôi thấy mẹ tôi trong tôi

Thở ra, tôi cười với mẹ tôi trong tôi

Vào, mẹ trong tôi / Ra, cười với mẹ trong tôi.

10. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của cha tôi trong tôi

Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả cha tôi và tôi

Vào, khó khăn của cha trong tôi / Ra, chuyển hóa cả hai cha con.

11. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của mẹ tôi trong tôi

Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả mẹ tôi và tôi

Vào, khó khăn của mẹ trong tôi / Ra, chuyển hóa cả hai mẹ con.

Trong bước đầu, chúng ta hãy quán tưởng mình là em bé 5 tuổi. Vào tuổi đó, ta rất dễ bị thương tích. Một cái trừng mắt nghiêm khắc, một tiếng nạt, hoặc một tiếng chê trách cũng có thể gây thương tích và mặc cảm trong ta. Khi cha làm khổ mẹ hoặc mẹ làm khổ cha hoặc khi cha mẹ làm khổ nhau, hạt giống khổ đau được gieo vào và được tưới tẩm trong lòng em bé. Cứ như thế lớn lên, em bé sẽ mang nhiều nội kết khổ đau và sống với sự oán trách cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Thấy được mình là một em bé dễ bị thương tích như thế, ta sẽ thấy tội nghiệp cho ta, ta sẽ thấy xót thương dâng lên thấm vào con người của mình. Ta cười với em bé 5 tuổi bằng nụ cười từ bi, của xót thương.

Sau đó, chúng ta quán tưởng cha hoặc mẹ mình là em bé 5 tuổi. Thường thì ta chỉ có thể thấy cha ta là một người lớn, nghiêm khắc, khó tính, chỉ biết sử dụng uy quyền để giải quyết mọi việc. Nhưng ta biết rằng trước khi trở thành người lớn, cha cũng đã từng là một chú bé con 5 tuổi, cũng mong manh dễ bị thương tích như ta. Ta thấy cậu bé ấy cũng đã từng khép nép, nín im thin thít mỗi khi cha cậu nổi giận lôi đình. Ta thấy cậu bé cũng đã là nạn nhân của sự nóng nảy, gắt gỏng của cha cậu ấy, tức là ông nội của ta. Nếu cần, ta có thể tìm tập ảnh gia đình ngày trước để khám phá lại hình ảnh của cậu bé 5 tuổi ngày xưa tức là cha ta, hay cô bé 5 tuổi ngày xưa tức là mẹ ta. Trong thiền quán, ta hãy làm quen và mỉm cười thân thiện với cậu bé hoặc cô bé ấy, ta thấy được tính cách mong manh và dễ bị thương tích của họ. Và ta cũng sẽ thấy xót thương trào lên. Khi chất liệu xót thương được ứa ra từ trái tim ta, ta biết rằng sự quán chiếu bắt đầu có kết quả. Thấy được và hiểu được thì thế nào ta cũng sẽ thương được. Nội kết của ta sẽ được chuyển hóa dần với sự thực tập này. Với sự hiểu biết, ta bắt đầu chấp nhận. Và ta có thể dùng sự hiểu biết và tình thương của ta để trở về giúp cha hoặc mẹ ta chuyển hóa. Ta biết ta có thể làm được việc này bởi vì sự hiểu biết và lòng xót thương đã chuyển hóa ta và ta đã trở nên dễ chịu, ngọt ngào, có thêm nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn. Kiên nhẫn và bình tĩnh là dấu hiệu của tình thương đích thực có mặt.

Thực tập Làm Mới giữa cha mẹ và con cái

Mùa Hè năm 1991 Làng Mai đã sáng tạo ra một phép tu quán chiếu để lấp cái hố ngăn cách giữa cha mẹ và con cái. Pháp môn đó đã thành tựu rất đẹp đẽ.

Năm đó tại Làng Mai có hai nhóm pháp đàm khác nhau. Một nhóm toàn là cha mẹ, một nhóm toàn là các con. Tại vì giữa cha mẹ và các con đã có một hố ngăn cách rất lớn, và họ làm khổ cho nhau.

Theo thời khóa tu học ở Làng Mai, mỗi ngày người nào cũng thức dậy ngồi thiền, ăn sáng trong chánh niệm, đi thiền hành, nghe pháp thoại v.v… Trong khung cảnh đó, tâm mình lắng lại. Mình học ngồi, học nghe, học thở, học ăn trong chánh niệm, cho nên từ từ tâm mình lắng lại, và mình bắt đầu thấy được tình trạng của mình, thấy được liên hệ giữa mình với con mình, với cha mẹ mình. Mình đã từng khổ đau với con mình, hay mình đã từng khổ đau với cha mẹ mình. Trong thời gian tu học tại Làng Mai, nhờ đi thiền, nhờ ngồi thiền, nhờ thở thiền, nhờ ăn thiền, nhờ tiếp xúc với tăng thân mà có được niệm, được định, và tuệ, đủ để nhận diện tình trạng hiện thời của cha con, hay mẹ con. Ngoài những buổi pháp thoại đó, ngoài những buổi thực tập đó, các bậc cha mẹ học pháp đàm với nhau, đưa ra những vấn đề khổ đau có thật của cha mẹ. Tại sao liên hệ giữa mình và các con mình khó khăn như vậy? Tại sao mình thương yêu hết sức, mình đã làm hết tất cả những điều mình có thể làm mà con mình không thấy được! Chúng làm ngược lại tất cả những điều mình muốn chúng làm. Mình đã có những ưu điểm nào, mình đã có những khuyết điểm nào, mình đã có những vụng dại nào để tình trạng đi đến như ngày nay? Đó là đề tài pháp đàm. Tất cả những người làm cha mẹ đều nói ra sự đau khổ của mình, những khó khăn của mình. Đồng thời thấy được những yếu kém của mình. Mình có biết lắng nghe hay không, mình có biết nói với các con bằng lời ái ngữ hay không, đó là những đề tài mà các thầy, các sư cô đưa ra để bậc cha mẹ quán chiếu.

Sau hai mươi ngày quán chiếu, họ đúc kết lại. Đó là họ tự soi sáng bằng cách pháp đàm. Họ ngồi yên, họ biết thở, họ biết nói, họ biết nghe, cho nên họ đạt được một tuệ giác khá lớn. Chung quanh họ còn có tăng thân, còn có các thầy, các sư cô luôn luôn hướng dẫn, giúp đỡ, và chỉ bày cho họ những pháp môn cần thiết. Cho nên sau hai mươi ngày thực tập pháp đàm, nhóm cha mẹ làm ra một văn bản, tương tự như văn bản mà các sư anh, sư chị đã làm để giúp cho các em sắp thọ giới lớn.

Trong văn bản của các cha mẹ, họ nói ra những điều ao ước của mình, những vụng dại và lỡ lầm của mình đối với con cái. Đây là một cuộc cách mạng đối với những người theo Khổng giáo. Nó là con mình, tại sao mình phải thú tội với nó! Tại sao mình phải xin lỗi nó! Ba xin lỗi con tại vì ba đã làm cái này bậy, cái kia sai! Nhiều bậc phụ huynh không có can đảm làm điều đó, nhưng đến Làng Mai thì họ học và họ làm được điều đó!

Trong bản văn này, các bậc phụ huynh nói ra ba điều: Thứ nhất là những ước mơ, thứ hai là những lỡ lầm, khuyết điểm, và thứ ba là những điều cam kết của họ đối với con cái. Ba má hứa sẽ không làm cái này, không làm cái kia đối với các con nữa. Ví dụ như khen con người ta khi dạy dỗ con mình. Con người ta thì như vậy mà con mình thì như kia! Làm cho con đau khổ rất nhiều khi thấy cha mẹ thấy giá trị con của người khác và trách sao mình không làm được như vậy! Con hàng xóm nó cũng bằng tuổi con, sao nó vào được y khoa, còn con lại chỉ đủ điểm vào âm nhạc? Bộ mày tưởng mày có thể sống bằng nghề âm nhạc của mầy há? Những điều như vậy là những lỗi lầm rất lớn của cha mẹ.

Sau khi các bậc cha mẹ làm ra bản này, đúc kết lại, rồi đọc cho nhau nghe, và biết rằng đây là ái ngữ, đây không phải là lời trách móc, la mắng mà là ngôn từ của thương yêu, thì lúc đó mới đem ra sử dụng.

Trong khi đó, giới con cháu, họ cũng thực tập tương tự như vậy. Họ được sự hướng dẫn của các sư cô và sư chú trẻ. Họ không muốn các thầy lớn tuổi, "quá già", ngồi chung trong nhóm của họ, họ không tin rằng cái "thế hệ kia" có thể hiểu được mình! Họ đã đau khổ vì thế hệ kia rồi, họ không nghĩ rằng thế hệ xưa, già, có thể hiểu được họ, cho nên mỗi khi có một người già ngồi vào là họ cứng họng, không muốn nói nữa.

Trong pháp đàm, các em cũng bàn những vấn đề tương tự, nói ra những khổ đau của mình, những ước mơ của mình. Cuối cùng thì các em có những lời thỉnh nguyện, và những lời cam kết. Chúng con xin ba má đừng làm cái này, đừng làm cái kia, tội nghiệp con quá. Chúng con xin cam kết với ba má sẽ không làm điều này, không làm cái kia để cho ba má đừng lo sợ cho chúng con. Ví dụ như con gái đi tới 12 giờ khuya mà chưa về thì thế nào ba má cũng lo. Đó là cái luật tự nhiên trong mọi nền văn hóa. Con hứa rằng trước khi con đi đâu thì con để lại một tờ giấy, ghi rằng thưa ba má, con đi công chuyện này, và khoảng giờ nào thì con về. Con hứa con sẽ làm chuyện đó. Hứa những điều rất cụ thể như vậy, và ba má cũng hứa những điều cụ thể như vậy. Đọc tài liệu đó, rất là cảm động

Hôm hai nhóm pháp đàm họp lại với nhau để tổng kết thì có mặt tất cả các thầy, các sư cô và toàn thể đại chúng. Cả hai bên trình bày ra, và cả hai bên đều khóc. Sau đó họ làm thiền ôm, cha ôm con, mẹ ôm con và họ hòa giải được với nhau trong buổi sinh hoạt đó. Khi trở về, họ bắt đầu lại một giai đoạn mới của đời sống gia đình, đời sống của cha con và mẹ con.

Dưới đây là hai văn bản do những thiền sinh cha mẹ và con cái trong hai nhóm làm trong khóa tu năm đó:

 

NHÓM CON CÁI

I.   Những cầu xin và đề nghị của con em đối với cha mẹ

Chúng con xin có 13 điều thỉnh cầu và đề nghị sau đây kính trình lên cha mẹ:

1.   Xin cha mẹ mở rộng lòng cởi mở với người Tây phương hơn, đừng kỳ thị họ.

2.   Xin đừng điều tra, nên thăm hỏi và nói năng ôn tồn với con.

3.   Xin đặt nhiều tin tưởng nơi con cái hơn.

4.   Xin cho con được quyền lựa chọn tối hậu về tương lai và nghề nghiệp của con.

5.   Xin khen con nhiều hơn, và đừng trách móc hoài.

6.   Xin làm bạn với con và đừng lạm dụng quyền uy làm cha mẹ.

7.   Xin đừng chờ đợi, đòi hỏi quá nhiều, hay đặt hy vọng quá cao nơi con, khi vẫn coi con mình còn là con nít.

8.   Xin có khả năng lắng nghe con khi con phê bình những điều không đúng của cha mẹ.
Xin có thái độ dân chủ và có can đảm nhận lỗi của mình.

9.   Xin giải thích cho rõ ràng khi không muốn con làm một điều gì.

10. Xin chấp nhận con mình, đừng so sánh con mình với con người khác.

11. Xin kể cho con nghe về thời thơ ấu của cha mẹ, về văn hóa và phong tục Việt Nam.

12. Xin cha mẹ nên có lòng mong muốn tìm hiểu về văn hóa Tây phương và môi trường sinh hoạt của con (như trong trường học hay ở sở làm).

13.  Xin cố gắng giữ lời đã hứa với con.

 

II. Những Điều Con Cái Có Thể Làm Để Giúp Cha Mẹ Thực Hiện Những Yêu Cầu Trên

Về phần chúng con, chúng con xin nguyện cố gắng làm cho được 12 điều sau đây:

1.   Cho cha mẹ biết trước về lịch sinh hoạt của mình để cho cha mẹ tiện sắp xếp chương trình sinh hoạt của gia đình.

2.   Nói năng ôn tồn, đừng bắt bẻ cha mẹ.
Chúng con sẽ viết lên bảng những chi tiết cần thiết cho cha mẹ đỡ lo trước khi chúng con rời nhà.

3.   Hiểu là có sự không hợp giữa hai nền văn hóa mà thông cảm cho nhau;
đừng che dấu cha mẹ dù với mục đích làm cho cha mẹ khỏi lo; mời cha mẹ cùng đi chơi với mình.

4.  Tìm hiểu quan niệm của cha mẹ về gia đình; hỏi ý kiến của cha mẹ trong những quyết định lớn trong đời mình;
tôn trọng những sở thích đời sống của cha mẹ.

5.    Hỏi thẳng: "Con có điểm nào tốt?" Nhắc cha mẹ về những điểm tốt của mình một cách khéo léo, dùng ái ngữ thật lễ phép.
Giảng nghĩa cho cha mẹ biết rằng người Tây phương biết khen nhiều. Mình phải khen cha mẹ. Hỏi ý cha mẹ về cách mình xử sự.

6.   Giải thích cho cha mẹ biết rõ về khả năng, sở thích, và những khuyết điểm và ưu điểm của mình để cha mẹ bớt đòi hỏi những điều quá tầm tay mình.

7.   Học ăn nói khéo léo để cha mẹ dễ thấy và dễ chấp nhận những sai lầm, vụng về của cha mẹ. Nên biết rằng theo phong tục Việt Nam thì đừng đòi hỏi cha mẹ phải thốt ra lời là họ đã làm điều sai.
Khi đàm luận, nên trình bày những điều mình thấy không ích lợi sẽ xảy ra nếu mình làm theo lời cha mẹ.

8.   Cho cha mẹ thời gian để chuẩn bị cách giải thích bằng cách hỏi ý kiến của cha mẹ trước khi xin phép làm một việc gì.

9.   Cần chấp nhận cha mẹ trong tình trạng hiện thời của cha mẹ và nên góp ý kiến để giúp cha mẹ; đừng so sánh cha mẹ mình với cha mẹ người khác.

10.   Nên chú ý khi cha mẹ nêu ra những việc cha mẹ đã từng làm trong thời thơ ấu và bắt vào đó mà hỏi thêm để cha mẹ có dịp chuyện trò với mình. Nên khéo léo khi hỏi chuyện.

11.   Kể cho cha mẹ nghe về những cuộc đi chơi của mình và về kinh nghiệm cá nhân của mình.

12.   Giữ lời đã hứa với cha mẹ.

 

Ghi nhận những ý kiến được phát biểu thêm:

♦    Muốn chuyển hóa cha mẹ thì chính con cái cần thay đổi tính xấu của mình trước.

♦    Nếu con cái có cố gắng thay đổi mà cha mẹ không thấy được sự cố gắng ấy, thì con nên thỉnh băng hay sách về những bài giảng của Sư Ông để làm quà cho cha mẹ.

♦    Nên nhớ rằng không ai có thể thay đổi trong một ngày một buổi. Không nên đòi hỏi mà nên thực tập để cha mẹ có thể thấy được.
Nếu cha mẹ vẫn không thấy thì nên ôn tồn nói cho cha mẹ biết về những điều xấu mà mình đã sửa đổi được.

♦   Giúp cha mẹ trong công việc nhà như dọn dẹp, sắp đặt bàn ăn, nấu sẵn nồi cơm v.v…

 

NHÓM CHA MẸ

I.   Những Lỡ Lầm, Khuyết Điểm  Của Cha Mẹ

Các con, cha mẹ biết trong quá khứ cha mẹ đã làm một vài điều để cho các con phải khổ, thí dụ như:

♦    Đã bất hòa, to tiếng, gây gổ nhau trước mặt các con.

♦    Đã ít dành thì giờ cho các con quá, nên đã không nghe được lời tâm sự của các con.

♦    Đã rầy rà các con lớn tiếng, đã sử dụng quyền lực cha mẹ hơi quá để xử ép các con …

♦   Đã không giải thích rõ ràng cho các con khi yêu cầu các con làm một việc gì.

♦    Đã thỉnh thoảng quên giữ lời đã hứa với các con.

♦    Đã so sánh các con với con của những người khác làm cho các con tự ái.

♦   Đã không theo sát sinh hoạt ở học đường và các sinh hoạt khác của các con.

 

II. Những Cam Kết Của Cha Mẹ

Nay đã hiểu qua pháp thoại, pháp đàm và các buổi thực tập quán chiếu, cha mẹ đã thấy, cha mẹ muốn ôm các con vào lòng để hứa với các con những điều như sau:

1.        Cha mẹ sẽ cố gắng là tăng thân để tu tập chuyển hóa và muốn cùng với các con là tăng thân tu tập.

2.        Cha mẹ sẽ cố gắng tu tập để tạo không khí giữa cha mẹ và trong gia đình.

3.        Cha mẹ sẽ cố gắng thu xếp để có nhiều thì giờ mà nghe và hiểu các con.

4.        Cha mẹ hứa từ nay sẽ là những đóa hoa tươi mát khi tiếp xúc với các con.

5.        Cha mẹ sẽ cố gắng giải thích rõ ràng cho con khi cần các con làm việc gì.

6.        Cha mẹ đã hứa điều gì thì sẽ cố gắng giữ lời.

7.        Cha mẹ sẽ cố gắng không đem các con so sánh với con người khác, để không làm chạm tự ái các con.

8.        Cha mẹ sẽ cố gắng hứa quan tâm giúp đỡ các con và ráng tôn trọng tự do quyết định của các con.

9.        Cha mẹ sẽ cố gắng học hỏi thêm văn hóa Tây phương và công nhận những cái hay cái đẹp của nó mà không chỉ đề cập tới những cái xấu của nó.

 

III. Những Ước Mơ Của Cha Mẹ

Sau đây là những điều cha mẹ yêu cầu các con:

1.        Thành thật và cởi mở với cha mẹ về những ước muốn và thao thức liên quan đến tình cảm, học hành của các con.

2.        Dành thì giờ với cha mẹ để học hỏi văn hóa và cung cách Việt Nam.

3.        Làm xong bổn phận về học hành, trước khi nghĩ đến việc giải trí.

4.        Chia xẻ công việc trong gia đình với tỷ lượng thời gian hợp lý.

5.        Cố gắng tham dự những sinh hoạt chung với gia đình, càng nhiều càng tốt.

6.        Biết thảo luận với cha mẹ bằng giọng nói ôn hòa và lễ độ.

Văn bản A –

Tài liệu Tự tỉnh và Đề nghị của con cái và cha mẹ

Đó gọi là làm mới, Beginning Anew. Làm mới tức là nguyện không làm những lỗi lầm cũ nữa, và sẽ theo đó để tránh những lỗi lầm ngày xưa. Danh từ ngày xưa là Sám hối. Nhưng chữ sám hối nó rất nặng nề. Có nhiều người nghĩ rằng sám hối là đi xưng tội. Mình cứ lạy như tế sao thì tự nhiên ở "trên kia" sẽ xóa đi những lỗi lầm của mình. Giống như khi mình viết chữ sai rồi mình tẩy xóa nó đi!

Sám hối không phải là cầu xin tha tội. Sám hối là một phương pháp rất nhiệm mầu ở trong đạo Bụt. Sám hối tức là cương quyết nhờ chánh niệm mà ý thức được những lầm lỗi trong quá khứ và quyết tâm chấm dứt, hứa không làm lại như vậy nữa, với sự chứng minh của thầy, của tổ và của các bạn trong tăng thân. Sau khi đã phát lộ, hứa rằng từ nay về sau con sẽ không làm như vậy nữa. Đó gọi là làm mới.

Phương pháp soi sáng và làm mới này là một trong những pháp môn mà Làng Mai sẽ cống hiến cho những trung tâm tu học khác. Tại vì một đoàn thể tu học mà có hạnh phúc là rất quan trọng. Nếu chúng ta làm ra được một đoàn thể tu học có hạnh phúc thì chúng ta làm nền tảng cho niềm tin của không biết bao nhiêu người! Chúng ta phải có hạnh phúc, và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là ý nghĩa của pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú. Chúng ta không đợi về cõi tịnh độ mới có hạnh phúc, tại vì tịnh độ không phải là ở nơi nào khác, mà ở tại ngay đây, đó là theo chiều sâu của giáo lý tịnh độ, Duy tâm tịnh độ: Di Đà vốn thực pháp thân ta, đó là một câu của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu

Khi truyền thông bị cắt đứt hay bị bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ trở thành trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị liệu. Đôi khi, chỉ cần mười phút lắng nghe sâu là chúng ta có thể được chuyển hóa và có lại nụ cười trên môi.

Trong gia đình chúng ta, nhiều người đã đánh mất khả năng lắng nghe và nói lời ái ngữ. Vì vậy, ngay cả trong gia đình, ta vẫn cảm thấy rất đơn độc. Chúng ta tìm đến bác sĩ tâm lý trị liệu, hy vọng họ có thể lắng nghe mình. Những nhà tâm lý trị liệu cũng có những đau khổ cùng cực trong lòng. Đôi khi họ không thể lắng nghe ta một cách sâu sắc như ta mong muốn. vì thế, nếu thật sự thương ai đó, chúng ta cần luyện tập để trở thành một người biết lắng nghe sâu.

Chúng ta cũng cần luyện tập để nói cho được lời nói ái ngữ. chúng ta đã đánh mất khả năng nói chuyện nhã nhặn, ôn hòa. Chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội. Mỗi lần mở miệng, lời nói của ta trở nên chua chát, đắng cay. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói chuyện từ tốn, dễ thương. Không có khả năng này, chúng ta không thể thành công được trong việc tái lập lại sự hòa hợp, thương yêu và hạnh phúc.

Trong truyền thống đạo Bụt, có những vị Bồ Tát có trí tuệ và từ bi lớn, nguyện ở lại trái đất này để làm vơi bớt khổ đau của muôn loài. Một trong số đó là Bồ Tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ Tát Quán Tự Tại, là người có khả năng lắng nghe siêu việt với lòng từ bi và với sự có mặt đích thực của mình. Bồ Tát Quán Tự Tại có thể lắng nghe và hiểu được âm thanh của thế gian, hiểu được tiếng kêu đau thương của muôn loài.

Thực Tập

Chúng ta thở chánh niệm để lòng từ bi luôn luôn có mặt trong ta. Chúng ta lắng nghe mà không đưa ra một lời khuyên bảo hay phê bình nào. Chúng ta có thể tự nói với mình rằng: “ Tôi đang lắng nghe anh chỉ vì tôi muốn làm vơi bớt đau khổ trong anh.” Đó gọi là lắng nghe với tâm từ bi. Chúng ta phải nghe như thế nào để lòng từ bi có mặt với ta trong suốt thời gian lắng nghe. Đó là một nghệ thuật. Nếu đang nghe nữa chừng mà bực tức, giận dỗi nổi lên thì ta không thể tiếp tục lắng nghe được. Chúng ta phải thực tập như thế nào để mỗi lần năng lượng bực bội, giận hờn trổi dậy, ta có thể trở về với hơi thở chánh niệm và tiếp tục giữ được lòng từ bi trong ta. Chính nhờ lòng từ bi mà ta có thể lắng nghe kẻ khác. Cho dù người kia có nói bất cứ điều gì, nhìn nhận sự việc không công bằng, hay người đó có kết án, đổ lỗi cho ta, ta vẫn tiếp tục ngồi yên và theo dõi hơi thở.

Nếu thấy mình không thể tiếp tục ngồi nghe như vậy, hãy cho người kia biết. Chúng ta có thể nói: “Chị ơi (anh ơi), mình có thể tiếp tục nói chuyện này vào một ngày khác không? Em cần làm mới chính mình. Em cần thực tập thêm để có thể lắng nghe chị (lắng nghe anh) bằng cách hay nhất mà em có thể.” Nếu không đủ sức, chúng ta không thể lắng nghe lắng nghe người đó. Chúng ta cần thực tập thiền hành nhiều hơn, thực tập hơi thở chánh niệm nhiều hơn dể phục hồi lại khả năng lắng nghe với tâm từ bi của mình.

Hiệp ước sống chung an lạc

Giả sử có một người bạn hoặc một đồng nghiệp nói điều gì đó không hay làm ta bị tổn thương. Nếu ta trả lời lại ngay lập tức thì tình trạng có nguy cơ trở nên tệ hơn. Thay vào đó, ta theo dõi hơi thở làm lắng dịu và an tịnh thân tâm. Khi thân tâm an tịnh, ta có thể nói: "Này anh, những lời anh nói làm em bị tổn thương. Em muốn nhìn sâu vào điều này và em cũng muốn anh nhìn sâu vào điều đó". Sau đó chúng ta sẽ hẹn nhau vào một ngày khác trong tuần để cùng nhìn lại việc này. Một người biết nhìn vào gốc rễ của khổ đau là đã tốt rồi, nhưng nếu cả hai người nhìn lại thì tốt hơn. Và nếu cả hai người cùng nhìn chung với nhau sẽ là tốt nhất.

Có thể bên trong chúng ta đang có một trận chiến, chúng ta đang làm thương tổn thân thể mình bằng rượu và các chất ma túy. Giờ đây, chúng ta có cơ hội để ký một hiệp ước với thân thể ta, với những cảm thọ, cảm xúc trong ta. Mỗi khi ký một hiệp ước sống chung an lạc là chúng ta bắt đầu có an lạc, có khả năng hòa giải được với những người thương của ta. Nếu trong ta có xung đột, chiến tranh thì với người thương của ta, ta cũng dễ dàng gây chiến, nói chi đến kẻ thù. Nếu người thương của ta là kẻ thù của ta thì làm sao hy vọng có hòa bình an lạc trên đất nước và trên thế giới này?

Tất cả chúng ta đều có những hạt giống của tuệ giác. Chúng ta biết rằng trừng phạt sẽ không đi đến đâu cả, ấy vậy mà chúng ta vẫn luôn cố trừng phạt nhau. khi người thương của ta nói hoặc làm điều gì đó khiến ta đau khổ thì ta muốn trừng phạt người đó, bởi vì ta tin rằng trừng phạt người đó, ta sẽ khuây khỏa, nhẹ nhàng. Có những lúc tỉnh táo, sáng suốt, ta biết rằng điều đó thật trẻ con và ngu dại, bởi vì ta đã làm cho những người ta thương đau khổ, tới lượt người ấy cũng sẽ trừng phạt lại ta cho hả dạ, và như vậy sự trừng phạt sẽ leo thang.

Hiệp ước sống chung an lạcmẫu giấy nhắn tin là hai phương tiện giúp ta trị liệu những cơn giận, những thương tổn trong ta và trong người kia. khi ký hiệp ước sống chung an lạc, chúng ta không chỉ tạo nên an lạc với người khác mà còn tạo nên an lạc cho tự thân.

Thực tập

Văn bản Hiệp ước sống chung an lạc chỉ thật sự có ích nếu chúng ta thực sự ký giao kèo với nó mà không phải chỉ đọc nó. Trong hiệp ước đề nghị lấy tối thứ Sáu làm buổi tối hòa giải. (Nếu chúng ta bắt đầu có sự xung đột vào ngày thứ Sáu thì chúng ta có thể chọn tối thứ Sáu tuần sau làm tối hòa giải). Chúng ta cũng có thể chọn bất kỳ buổi tối nào làm tối hòa giải. Tuy nhiên, hiệp ước đề nghị vào tối thứ Sáu có hai lý do. Thứ nhất, nếu chúng ta còn đau khổ, còn thấy bị tổn thương mà chúng ta đàm luận ngay thì rất nguy hiểm. Chúng ta có thể nói những điều làm cho tồi tệ hơn. Từ bây giờ cho đến tối thứ Sáu, ta và người kia có thể thực tập nhìn sâu vào bản chất nổi khổ đau. Trong khi láy xe, ta cũng có cơ hội nhìn sâu vào nó. Trước tối thứ Sáu, một trong hai người, hoặc cả hai người có thể nhìn thấy được nguồn gốc của vấn đề và có thể nói chuyện với người kia, xin lỗi người kia. Sau đó vào tối thứ sáu, hai người có thể uống trà chung với nhau, có mặt cho nhau và trân quý  sự có mặt của nhau. Đó là thiền tập. Thiền là để an định chính mình và nhìn sâu vào bản chất nổi khổ niềm đau.

Nếu gần tới tối thứ Sáu mà nổi khổ đau vẫn chưa được chuyển hóa, chúng ta có thể thực tập nghệ thuật lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm: một người bày tỏ nổi khổ niềm đau của mình trong khi người kia hết lòng lắng nghe. Khi nói, chúng ta nói ra những sự thật sâu sắc nhất bằng lời nói ái ngữ để người kia có thể hiểu và chấp nhận được. Trong khi lắng nghe, chúng ta phải ý thức rằng việc lắng nghe của ta phải có phẩm chất làm vơi đi nổi khổ đau trong người kia. Lý do thứ hai chờ đến tối thứ Sáu là nếu chúng ta hòa giải được vào tối thứ Sáu thì ta có ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật có mặt cho nhau, hết lòng với nhau.

Hiệp Ước Sống Chung An Lạc

Để sống hạnh phúc chung với nhau lâu dài, để tiếp tục xây dựng tình thương và hiểu biết, chúng con, những người ký tên dưới đây, xin nguyện cam kết và thực tập theo đúng những đề mục dưới đây:

Con, người đang chịu đang khổ vì hờn giận, xin cam kết:

  1. Không nói, không làm bất cứ điều gì có thể tạo thêm đổ vỡ và làm cho cơn giận của hai bên lớn thêm.

  2. Không đè nén cơn giận xuống mà cũng không đàn áp cơn giận của mình.

  3. nắm lấy hơi thở, thực tập hơi thở chánh niệm, quay về nương tựa hải đảo tự thân.

  4. Cho người kia biết một cách bình tĩnh là mình đang giận và đang khổ, trong thời hạn tối đa là 24 giờ đồng hồ.

  5.  Bình tĩnh xin hẹn người kia vào tối thứ Sáu để cùng nhìn lại vấn đề rõ hơn.

  6. Nếu chưa được bình tĩnh để nói thẳng thì có thể điền vào mẫu giấy nhắn tin ( gọi là giấy hẹn, mẫu đính kèm sau đây) và đưa cho người kia.

  7. Đừng tự ái mà nói: "Tôi đâu có giận. Có sao đâu. Tôi đâu có khổ gì đâu. Có gì đâu mà giận. Không có gì đáng cho tôi giận cả."

  8. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc…thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để thấy:

  • Đôi lúc tôi cũng thiếu chánh niệm thiếu khéo léo.

  • Tôi đã làm cho người kia buồn khổ nhiều lần vì tập khí của tôi.

  • Hạt giống giận hờn trong tôi là nguyên nhân chính làm tôi đau khổ.

  • Người kia chỉ là người tưới tẩm hạt giống giận hờn trong tôi.

  • Người kia cũng đang đau khổ nên mới làm như vậy.

  • Chừng nào người kia còn khổ, chừng ấy tôi vẫn chưa có được an lành và hạnh phúc.

 9.                Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi                      đến chiều thứ Sáu.

10.                Nếu đến tối thứ Sáu mà vẫn chưa đủ bình tĩnh thì xin dời hẹn tới tối thứ Sáu tuần sau.

Con, người có trách nhiệm về việc làm người kia giận hờn:

  1. Thấy người kia giận đừng chế nhạo. Phải tôn trọng cảm thọ của người ấy và để cho người ấy đủ thời gian lấy lại sự bình an.

  2. Đừng ép người kia phải giải bày liền về cơn giận của người ấy.

  3. Bằng lời nói hoặc viết lên một mẫu giấy nói với người kia là mình đã nghe hoặc đã biết người kia giận và hứa với người kia rằng mình sẽ có mặt vào chiều thứ Sáu.

  4. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc…thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu để thấy:

a. Trong tôi cũng có những hạt giống của sự không dễ thương, của bực bội và giận hờn.

b. Tập khí trong tôi đã có nhiều phen gây ra đau khổ cho người kia.

c. Tôi tưởng làm cho người kia khổ thì tôi sẽ bớt khổ nhưng tôi đã lầm.

d. Làm cho người kia khổ, tôi cũng làm cho tôi khổ theo.

5.                   Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi                      tới chiều thứ Sáu. Xin lỗi mà đừng tìm cách biện bạch.

Trước sự chứng minh của Đức Thế Tôn và với niệm lực của tăng thân, chúng con xin nguyện tuân theo những đề mục của hiệp ước này và thực tập hết lòng. Cầu xin Tam Bảo gia hộ cho chúng con có đủ niềm tin và sự sáng suốt.

Hiệp ước làm tại…..ngày…tháng…năm…

Các đương sự:………………………….

    Nghỉ ngơi và dừng lại

    Khi một con thú trong rừng bị thương, nó sẽ tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ mà không làm gì cả. nó không nghĩ tới chuyện săn mồi hoặc ăn uống. Tất cả mọi năng lượng của nó đều dành cho việc trị liệu. Chúng ta cũng cần thực tập nghỉ ngơi như thế kể cả khi chúng ta không bệnh. Chúng ta phải biết khi nào cần nghỉ ngơi. Đó là chánh niệm. Đôi khi chúng ta cố gắng quá sức trong sự thực tập hoặc làm việc quá nhiều mà không ý thức thì chúng ta dễ nhanh mệt mỏi. Thực tập chánh niệm không nên mệt mỏi, chúng ta phải tìm cách để nghỉ ngơi. Phải cầu viện và giao bớt việc cho những người khác.

    Thực tập với một cơ thể và tinh thần mệt mỏi sẽ không giúp ích được gì cả, trái lại còn gây thêm nhiều vấn đề rắc rối. Chúng ta phải chăm sóc chính mình. Chăm sóc chính mình chính là chăm sóc cho mọi người. Chúng ta phải học cách nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi nghĩa là biết dừng lại. Chúng ta có thể đi bộ ngoài trời năm, mười phút, hoặc nhịn ăn một, hai ngày hoặc thực tập im lặng một thời gian… có nhiều cách để nghỉ ngơi, vì vậy chúng ta phải để ý đến nhịp độ của thân tâm để chọn cho mình một cách nghỉ ngơi thích hợp, mang lại hiệu quả cao nhất. Thở chánh niệm trong bất kỳ tư thế nào, nằm hay ngồi, đều là sự thực tập nghỉ ngơi. Chúng ta phải học hỏi nghệ thuật nghỉ ngơi và cho phép thân tâm ta tự phục hồi. Không suy nghĩ và không làm gì cả là một phần của nghệ thuật ấy.

    Bụt khuyên chúng ta khi có một vết thương trong thân hoặc trong tâm, chúng ta phải học cách chăm sóc nó. Cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa trị, vì vậy chúng ta phải để cho vết thương tự chữa lành mà đừng giành quyền tự điều trị của nó. Đôi khi vì thiếu hiểu biết, chúng ta không để cho cơ thể, tâm ý ta được chữa trị. Khi bị đứt tay, chúng ta không cần làm gì nhiều, chỉ rửa sạch vết thương và để cho nó tự lành, có thể chỉ cần một hay hai ngày là vết thương sẽ lành. Nếu chúng ta can thiệp vào vết thương hoặc làm quá nhiều thứ cho nó, đặc biệt là quá lo lắng về nó thì vết thương có thể không lành được.

    Bụt có đưa ra một ví dụ về người bị trúng tên. Cố nhiên là vết thương làm cho người đó rất đau. Và nếu không lâu sau đó, một mũi tên thứ hai lại bắn vào người đó ngay cùng một điểm của mũi tên trước thì cái đau đớn không chỉ tăng lên thêm mà tăng lên gấp mười lần. Tương tự, nếu chỉ có một vết thương nhỏ trên thân thể mà ta đã lo lắng, hốt hoảng thì vết thương sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta nên theo dõi hơi thở vào ra và tìm hiểu bản chất của vết thương đó. Thở vào: “Tôi ý thức rằng đây chỉ là một vết thương trên thân thể. Nó sẽ được chữa lành.” Nếu cần, chúng ta có thể hỏi bạn bè hoặc bác sĩ để xác định tình trạng  vết thương. Có thể đó chỉ là một vết thương nhẹ và chúng ta không nên quá lo lắng, sợ hãi bởi vì sợ hãi sợ hãi cũng do thiếu hiểu biết mà ra. Lo lắng và sợ hãi sẽ làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Chúng ta nên tin vào sự thông minh của cơ thể mình và đừng tưởng tượng mình sẽ chết vì một vết thương nhỏ trên thân hoặc trong tâm.

    Những con thú cũng có tuệ giác của chúng, khi bị thương chúng biết rằng nghỉ ngơi là cách tốt nhất để chữa trị. Trong khi đó chúng ta là con người, lại không tin tưởng vào thân thể của mình. Chúng ta sợ hãi và tìm đủ mọi cách để trị liệu. Chúng ta quá lo lắng cho thân thể của chúng ta. Chúng ta không cho phép nó tự chữa trị, không biết cách nghỉ ngơi. Thở có chánh niệm sẽ giúp chúng ta học lại nghệ thuật nghỉ ngơi ấy. Thở trong chách niệm giống như một người mẹ dịu hiền đang ẵm đứa con đang bị bệnh của mình trong tay và nói với nó rằng: “Con đừng lo, mẹ sẽ chăm sóc cho con, con chỉ việc nghỉ ngơi cho đàng hoàng thì con sẽ lành.”

    Thực Tập

    Chúng ta không thể nghỉ ngơi được vì chúng ta không có khả năng dừng lại. Chúng ta đã chạy quá lâu. Và chúng ta tiếp tục chạy cho đến bây giờ, ngay cả trong giấc ngủ ta vẫn còn chạy. Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc và an lạc không thể có trong giây phút hiện tại, bây giờ, ở đây. Niềm tin đó được trao truyền trong ta. Ta nhận được những hạt giống ấy từ ông bà, cha mẹ ta. Ông bà, cha mẹ ta đã vất vả suốt cuộc đời vì tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có được trong tương lai. Đó là lý do tại sao từ khi còn nhỏ, chúng ta đã có tập khí chạy. Chúng ta tin rằng hạnh phúc là cái mà chúng ta đi tìm kiếm trong tương lai. Nhưng Bụt dạy rằng chúng ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ, ở đây.

    Nếu có khả năng dừng lại và thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đang có quá nhiều điều kiện để hạnh phúc. Cho dù còn một vài vấn đề trong hiện tại ta không thích thì vẫn còn rất nhiều điều kiện tích cực khác mang lại hạnh phúc cho ta. Khi đi dạo trong vườn, thấy một cái cây đang chết, chúng ta buồn và không thể thưởng thức được những thứ đẹp còn lại. Chúng ta đã để cho một cái cây đang chết lấy đi sự trân quý của ta về những cây khác còn đang sống, đầy sinh lực và mạnh mẽ kia. Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng khu vườn của ta vẫn xinh đẹp và  chúng ta có thể tận hưởng nó. Chúng ta có thể sử dụng những câu thiền ngữ để năng cao ý thức của ta về thiên nhiên và môi trường chung quanh.

    Thở vào, tôi ý thức về đôi tai tôi

    Thở ra, tôi ý thức về tiếng mưa rơi.

    Thở vào, tôi tiếp xúc với không khí trong lành của núi đồi

    Thở ra, tôi mỉm cười với không khí núi đồi trong lành.

    Thở vào, tôi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

    Thở ra, tôi mỉm cười với ánh nắng.

    Thở vào, tôi tiếp xúc với cây xanh

    Thở ra, tôi mỉm cười với cây xanh.

    Ngày của Hôm nay

    Chúng ta có rất nhiều ngày đặc biệt. Ngày đặc biệt để tưởng nhớ công ơn của cha gọi là Ngày của Cha. Ngày để tưởng nhớ công ơn của mẹ gọi là Ngày của Mẹ. Rồi Ngày Tết, Ngày Lao Động và Ngày của Trái Đất…Một ngày nọ, có một em nhỏ đến thăm Làng Mai và hỏi: Tại sao mình không công bố "hôm nay là Ngày của Hôm Nay?" (Today is Today's Day). Tất cả trẻ em đều đồng ý rằng chúng ta nên ăn mừng ngày hôm nay và gọi đó là " Ngày của Hôm Nay".

    Vào ngày này, tức là Ngày của Hôm Nay, chúng ta đừng nghĩ về ngày hôm qua, đừng nghĩ về ngày mai, chỉ nghĩ về hôm nay. Ngày của Hôm Nay là ngày mà chúng ta sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Khi uống nước, chúng ta ý thức về nước mà chúng ta đang uống. Khi đi, chúng ta thực sự ý thức từng bước chân của mình và cảm nhận sự sung sướng nhẹ nhàng khi bước. Khi chơi, chúng ta thực sự có mặt trong trò chơi…

    Hôm nay là một ngày mầu nhiệm. Là ngày mầu nhiệm nhất. Điều này không có nghĩa là hôm qua và ngày mai không mầu nhiệm. Nhưng hôm qua đã qua rồi và ngày mai thì chưa tới. Hôm nay là ngày duy nhất đang có mặt cho chúng ta và chúng ta sống cho thật xứng đáng. Vì vậy, ngày hôm nay rất quan trọng, đó là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời ta.

    Mỗi buổi sáng thức dậy, ta phải quyết định biến ngày hôm nay thành ngày quan trọng nhất. Đối với các em nhỏ, trước khi đi học, ta có thể hướng dẫn em ngồi hoặc nằm xuống, thở cho thật thong thả trong vài phút, thưởng thức hơi thở vào-ra và mỉm cười. Bắt đầu một ngày mới như thế rất mầu nhiệm. Hãy nhắc nhở em cố gắng sống với tinh thần này suốt ngày, nhớ quay về với hơi thở, nhìn người khác bằng lòng từ bi, mỉm cười hạnh phúc và trân quý những món quà của cuộc sống ban tặng.

    Chúc bạn có một Ngày Hôm Nay thật đẹp. Đây không chỉ là một lời chúc tụng hay một ước mong mà là sự thực tập.

    Khóa tu mùa hè vừa qua, trong buổi pháp thoại dành cho thiếu nhi, thầy Pháp Dung đã mời các em nhỏ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới lên đóng vai quốc vương/ nữ hoàng của Vương quốc Giây phút hiện tại và công bố: "Hôm nay là Ngày của Hôm nay" (I am the King/ Queen of the Present Moment Kingdom and I would like to declare that Today is Today's Day).

    Thiền ôm với cây

    Ở Làng Mai, cách đây khoảng ba mươi năm, tôi có trồng ba cây tùng tuyết. Bây giờ chúng rất cao lớn, xinh đẹp và tươi mát. Mỗi khi đi thiền hành, tôi thường dừng lại trước mỗi cây và xá chào. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc. Tôi áp má vào vỏ cây, ngửi mùi hương của cây rồi nhìn lên những tàng lá xinh đẹp, cảm nhận sức mạnh và sự tươi mát của cây. Tôi thở vào, thở ra thật sâu và thấy rất dễ chịu. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi dừng lại đó khá lâu, chỉ để có mặt và chơi với những cây tùng tuyết đó.

    Khi tiếp xúc với cây, chúng ta nhận lại được một cái gì đó đẹp đẽ, tươi mới. Cây thật tuyệt vời. Dù trong bão giông cây cũng vững chãi. Chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ cây.

    Mỗi trẻ em đều có thể tìm một cái cây đặc biệt xinh đẹp cho mình. Có thể là cây táo, cây sồi hoặc cây tùng. Nếu em bé dừng lại trước cái cây, tiếp xúc một cách sâu sắc với cây, em bé sẽ cảm nhận được những phẩm chất kì diệu của cây. Hít thở sâu sẽ giúp em bé tiếp xúc với cây sâu sắc hơn. Sờ vào thân cây và thở vào thở ra ba lần. Tiếp xúc với cây như vậy sẽ giúp em bé tươi tắn và hạnh phúc.

    Sau đó, nếu thấy thích, em bé có thể thiền ôm với cây. Thiền ôm cây là sự thực tập rất hay. Khi em bé ôm cây, cây không bao giờ từ chối. Em bé có thể nương tựa vào cây đó. Cây thật đáng tin cậy. Mỗi lần em bé muốn ngắm nhìn cây, cần bóng mát của cây, thì cây luôn có ở đó cho em.