quê hương tôi là đây
chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối
mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
Bài này đã được Thầy phổ nhạc.
quê hương tôi là đây
chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối
mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
Bài này đã được Thầy phổ nhạc.
lặng lẽ chiên đàn nhả khói thơm
đỉnh trần xông ngát ý thiền môn
lung linh nến ngọc, ngời sao điểm,
thanh tịnh, trần gian sạch tủi hờn
nhè nhẹ xuân về, lòng đất chuyển
nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương
tâm linh một thoáng bừng giao cảm
lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn
trời đất hân hoan mừng nắng dậy
một đàn em nhỏ rộn yêu thương
quần điều áo lục theo chân mẹ
hái lộc mùa xuân chật nẻo đường.
Bài này chắc là một bài khai bút giao thừa Tết Bính Thân. Nó được đăng lần đầu ở báo Phật giáo Việt Nam số Tết Đinh Dậu (1956).
gối nhẹ mây đầu núi
nghe gió thoảng hương trà
thiền duyệt tâm bất động
rừng cây dâng hương hoa
một sáng ta thức dậy
sương lam phủ mái nhà
hồn nhiên cười tiễn biệt
chim chóc vang lời ca
đời đi về muôn lối
quan san mộng hải hà
chút lửa hồng bếp cũ
ấm áp bóng chiều sa
đời vô thường vô ngã
người khẩu Phật tâm xà
niềm tin còn gửi gắm
ta vui lòng đi xa
thế sự như đại mộng
quên tuế nguyệt ta đà
tan biến dòng sinh tử:
duy còn Ngươi với Ta.
Thiền Duyệt Thất là thảo am của thầy Thanh Từ xây cất trên đất Phương Bối Am cách nhà Thượng không xa. Tháng 9 năm 1961, trước khi đi xa, Thầy đã để lại bài thơ này tại Thiền Duyệt Thất cho thầy Thanh Từ. Theo Nẻo về của Ý, tên Thiền Duyệt Thất là tên Thầy đề nghị đặt cho thảo am nơi thầy Thanh Từ tọa thiền và thầy Thanh Từ rất ưa tên ấy.
thuyền đi từ bến sông lầm lạc
gió cuốn mang xa một cánh buồm
sáu chiếc chèo tay khua nước bạc
đi từ mấy nước gọi hoàng hôn
mưa rơi từng hạt trên mui vắng
như tiếng than van của mọi trời
sóng nở thành hoa trên mặt nước
sắc hoàng hôn, tím, ngã chơi vơi
sáu chiếc chèo tay mang nhịp sống
đưa thuyền tách khỏi bến mê mờ
qua ngàn lớp sóng trần xô đẩy
hướng thẳng về nơi bản thể xưa
đây rồi: tràn lan trên đất yêu
ngàn bông hoa lạ nở trong chiều
hương thơm lúa chín say mùi rạ
sắc thắm mây hồng quyện tiếng tiêu
thuyền đến bến sông: ngừng nhịp nước
quay nhìn bến cũ lúc ra đi
thì đâu? Nơi cõi xa xăm ấy
là cả mênh mông chẳng thấy gì!
đã xa ngun ngút bờ mê vọng
sóng gió trần gian cũng lặng rồi
phương xa ngây ngất trời hương khói
bến bờ giải thoát hiện ngàn nơi.
Theo Chắp tay nguyện cầu, bài này được viết từ năm 1950. Anh Tam Ích, trong cuốn Lời văn, ý văn của anh (Lá Bối, 1967) có đề cập tới bài này. Anh rất ưa câu:
“sắc hoàng hôn, tím, ngã chơi vơi”.
nếu hỏi rằng “người muốn bao nhiêu”
tôi sẽ xin rằng “tất cả”
tôi tham lam hơn ngày xưa, tham lam tột độ,
cả ngài, cả tôi
cả người thiên hạ
xuôi về, sáng hôm nay, trong duy nhất nhiệm mầu.
ôi những mảnh rời nhau, khổ đau.
tách rời ngoài đại thế!
đã từ lâu, ngàn vạn đời,
chúng tôi tự tìm, sờ soạng, trong ngục tù giả trá an vui
sáng hôm nay em tôi trở về quỳ dưới Phật đài
mắt đầm đìa lệ,
ôi những linh hồn đi tìm bến đỗ
(hình bóng của tôi xưa
phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ,
khao khát bến bờ)
hãy để yên cho em quỳ lâu trên điện Phật
cho lệ em thầm lặng chảy
cho lệ em mặc sức tràn trề
hãy để yên cho quỳ lâu thêm nữa
đủ thì giờ cho lệ em khô ráo
bởi vì người ơi, một sáng mai kia,
tôi sẽ đến châm lửa vào túp lều nho nhỏ của em
ở ven đồi
túp lều duy nhất còn lại của đời em
cho lửa cháy lên cao
cho tan hoang tất cả
cho chỗ nương tựa cuối cùng tan rã
cũng như chiếc bè, trên đại dương, tan rã
để vỏ cứng hồn em, trong hỗn độn nhiệm mầu,
sẽ vỡ toang, tràn trề ánh sáng!
tôi sẽ gặp em, bên ánh lửa hồng cháy rực của túp lều
nước mắt sung sướng chan hòa
tôi nhìn em
và khi cầm tay em, tôi hỏi rằng: “em muốn bao nhiêu”
tất nhiên em sẽ cười và sẽ xin rằng “tất cả”.
Bài thơ này được in lần đầu trong tạp chí Phật giáo Việt Nam (số 13, rằm tháng 8 Đinh Dậu, 1956), cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội Phật giáo Việt Nam do hòa thượng Huệ Quang làm chủ nhiệm và Thầy làm chủ bút. Trong Phật giáo Việt Nam (số 16 rằm tháng 11 Đinh Dậu, 1956) có một bài ký tên Thiều Chi đàm luận về bài thơ này. Xin mạn phép trích ra đây một đoạn:
“Chúng ta từ lúc sinh ra, ai nấy cũng đều mang theo một thứ trực giác sai lầm (nhà Phật gọi là tợ hiện tượng): đó là trực giác ngã – chấp. Chúng ta tự tách riêng ra khỏi đại thể bao la, tự xem mình là một cá – thể biệt – lập, một cái Ta trường cửu bất biến. Thứ trực giác sai lầm ấy là nguyên nhân cho tất cả những tham vọng, ích kỷ và khổ đau. Đã có một cái Ta biệt lập (ngã) cố nhiên cũng phải có những vật sở thuộc của cái Ta ấy (phi ngã). Thế là đã có một ranh giới phân biệt cái này và cái kia, ta và người. Ta tham cầu, là tham cầu cho cái Ta nhỏ bé. Ta vui buồn, thương, ghét cũng là vì cái Ta nhỏ bé. Ta khổ đau cũng vì cái Ta nhỏ bé. Nếu nhận thức được (một cách thực nghiệm) rằng cái Ta nhỏ bé chỉ là giả ảnh, ta sẽ thể nhập vào cái Ta rộng lớn tức là cái đại thể.
nếu hỏi rằng “người muốn bao nhiêu”
tôi sẽ xin rằng “tất cả”.
Đó là lối diễn tả. Nếu không muốn “tất cả”, tức là đã muốn một phần. Mà muốn một phần, tức là còn chấp có Ta và những cái thuộc về Ta, nghĩa là còn phân biệt những ranh giới ảo vọng. “Xin rằng ‘tất cả’” có nghĩa là nhận thấy mối liên lạc mật thiết giữa mình và muôn loài, hơn nữa là nhận thấy vạn vật là những hiện tượng diệu dụng cùng chung bản thể nhiệm mầu:
tôi tham lam hơn ngày xưa, tham lam tột độ,
cả ngài, cả tôi, cả người thiên hạ,
núi sông, cây cỏ,
xuôi về sáng hôm nay, trong duy nhất nhiệm mầu.
“Tham lam” ở đây không còn có nghĩa là tham lam nữa. Bởi vì trong đại thể duy nhất làm gì còn có Ta và cái phụ thuộc vào Ta để mà tham lam. Cực độ của sự tham lam chính lại là sự chấm dứt của tham lam vậy. Tất cả đều là cái Ta rộng lớn thì ngoài ra còn có gì nữa mà để tham lam? Cái tiểu ngã đã về hợp nhất với đại ngã. Nếu chưa trở về thì vẫn còn là những mảnh riêng biệt, khổ đau:
ôi những mảnh rời nhau, khổ đau
tách ra ngoài đại thể!
đã từ lâu, ngàn vạn đời
chúng tôi tự tìm, sờ soạng, trong ngục tù giả trá an vui
Có phải cháu đã thắc mắc nhiều về những tiếng “ngục tù giả trá an vui” không? Cháu nên nhớ rằng chúng ta, bất cứ là ai, bao giờ cũng muốn có một chỗ nương tựa, về tinh thần cũng như về vật chất. Về tinh thần, chúng ta mong muốn có một tình yêu bền chặt, một uy thế, một cái danh. Nhưng tất cả đều phờ phỉnh, đều vô thường, đều phản bội ta. Chính chỗ nương tựa cuối cùng của bao nhiêu người là sự nương tựa vào một đấng Tạo Hóa cũng lại là mong manh, dễ đổ. V ì sao? V ì tất cả đều được xây dựng trên tư dục, trên ước mong. Về vật chất, ta lại càng thấy rõ. Tiền tài, sắc đẹp, là những thứ không thể nương tựa. Tất cả đều là những vô thường, phờ phỉnh, dối gạt. Ta nương tựa trên nó (nghĩa là nương tựa ngay trên dục vọng của chính ta) thì có ngày ta sẽ khổ đau, vì tất cả những thứ mà ta dựa nương đó, dù là tinh thần hay vật chất, đều là những thứ phải có ngày tan vỡ.
Bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, chúng ta đã đi tìm một chỗ nương tựa cho bản thân ta. Bao nhiêu lần chỗ nương tựa tan rã là bấy nhiêu lần ta khổ đau sầu hận. Chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: đó là vọng chấp hữu ngã. Ta đã đi tìm toàn những chỗ nương tựa giả trá phờ phỉnh và tưởng rằng đó là những chỗ an vui của ta. Cứ như thế, ta loanh quanh luẩn quẩn mải với cuộc đời tư dục, không thoát ra ngoài được. Đó là một chốn ngục tù: ngục tù của dục giới. Lại cũng là ngục tù của bản ngã: cái vỏ cứng mà ta tự bọc mình vào chính là cái vỏ tự ngã ngăn cách ta với thế giới đại thể. Bao giờ ta thoát được vỏ cứng ấy, bao giờ ta không còn tìm những chỗ nương tựa an vui giả trá nữa, ta sẽ hòa mình vào với đại thể bao la.
sáng hôm nay, em tôi trở về quỳ dưới Phật đài
mắt đầm đìa lệ.
ôi một linh hồn đi tìm bến đỗ
(nhìn bóng của tôi xưa
phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ,
khao khát bến bờ)
Hình ảnh của “người em” tức là hình ảnh của một con người đã bao nhiêu phen khổ đau vì cuộc thế vô thường. Đó là một con người, như muôn triệu con người khác, đã buồn đau sau bao nhiêu cuộc biến thiên, đã luống công tìm một nơi nương tựa lâu dài. Tất cả những nơi nương tựa căn cứ trên dục vọng mê lầm đều đã theo luật vô thường tan rã. Trong sự khổ đau vô biên của tâm hồn, con người chỉ biết quay về tìm sự an ủi vỗ về của tín ngưỡng. Hình bóng của một con người mắt đầm đìa lệ trở về quỳ dưới Phật đài, cũng là hình bóng của một chiếc thuyền rã rời đi tìm bến đỗ. Đó cũng có thể là hình bóng của chính chúng ta, và của tác giả ngày xưa:
hình bóng của tôi xưa
phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ,
khao khát bến bờ!
Chúng ta hãy để yên cho người ta khóc! Nước mắt sẽ làm dịu bớt nỗi khổ trong lòng. Tín ngưỡng, tuy chưa phải là yếu tố tối hậu của giải thoát, nhưng là một thứ thuốc nhiệm mầu làm dịu bớt khổ đau:
hãy để yên cho em quỳ lâu rất lâu
trên Phật điện.
cho lệ em thầm lặng, cho lệ em mặtc sức tràn trề.
cứ để yên cho quỳ lâu thêm nữa
đủ thì giờ cho lệ em khô ráo.
Biết bao nhiêu người đã tìm được sự an tĩnh của tâm hồn trong tín ngưỡng. Nhưng dù sao, tín ngưỡng vẫn là một phương tiện. Ở những tôn giáo thần truyền, tín ngưỡng đóng vai trò giải phóng con người. Ở đạo Phật, tín ngưỡng chỉ là tín ngưỡng. Tín ngưỡng cần thiết cho mọi chúng ta, những con người yếu đuối. Tín ngưỡng để bớt khổ đau, để chữa lành những vết thương tâm hồn mà ta đã mang lấy từ muôn ngàn kiếp khổ. Nhưng một ngày kia ta sẽ lành mạnh. Và có thể ta lại nối kiếp phiêu lãng tử sinh.
Nếu đã nhận thức được cái khổ của cuộc sống bồng bềnh phiêu dạt, ta sẽ không còn muốn trở về với kiếp đau khổ luân hồi. Ta sẽ tìm đường giải thoát. Nhưng giải thoát không phải chỉ là tìm kiếm sự an tĩnh của tâm hồn trong tín ngưỡng. Không, nếu tín ngưỡng là một phương tiện thì mãi mãi nó vẫn là một phương tiện. Không thể để cho người ta an tâm trú ẩn trong túp lều phương tiện đó:
bởi vì, người ơi, một sáng mai kia
tôi sẽ đến châm lửa vào túp lều nho nhỏ của em
ở ven đồi
túp lều duy nhất còn lại của đời em.
Đấy, bao nhiêu kiếp khổ đau, rốt cuộc người ta đã rời bỏ tất cả những nơi nương tựa phỉnh phờ; chỗ nương tựa cuối cùng chỉ là một túp lều tín ngưỡng. Nhưng không lẽ để người ta an trú mãi trong túp lều nghèo khổ và tiêu cực đó. Cuộc đời đại ngã, không khổ đau, không ước vọng. Thời gian ẩn náu trong túp lều tín ngưỡng đã giúp người lành mạnh. Người đã đủ sức trở về. Chỉ cần một biến động cuối cùng, một sự khai ngộ để đưa người về cuộc sống. Túp lều sáng nay đã cháy và chỗ nương tựa cuối cùng tan rã.
cho lửa cháy lên cao
cho tan hoang tất cả,
cho chỗ nương tựa cuối cùng tan rã,
cũng như chiếc bè trong đại dương tan rã.
để vỏ cứng của hồn em, trong hỗn độn nhiệm mầu
sẽ vỡ toang. Tràn trề ánh sáng.
Nếu cháu có đọc những sách thiền học, cháu sẽ thấy lối khai thị nhiệm mầu của các vị tổ sư khi truyền tâm ấn. Còn gì hoảng hốt cho bằng khi thấy chiếc bè chở mình tan rã giữa đại dương? Còn gì khổ đau bằng khi chỗ nương tựa cuối cùng của mình tan rã? Sự hỗn độn ấy gây nên một trạng thái khủng hoảng. Ở đây không phải là một sự khủng hoảng thất bại mà là một sự khủng hoảng trưởng thành, một sự khủng hoảng vỡ da (crise de croissance), một sự thoát hình. Sự hỗn độn ở đây, vì vậy, là một sự hỗn độn nhiệm mầu. Và chính trong sự ấy, vỏ cứng của bản ngã tan vỡ.
Dấu chấm sau chữ “toang” diễn tả sự đột biến một cách rõ rệt. Tiếp ngay đó là một kết quả rực rỡ tràn trề ánh sáng.
Bây giờ đây là một cảnh tượng đẹp đẽ, oai hùng và cảm động, cảnh tượng của thành công:
tôi sẽ đợi em, bên ánh lửa hồng cháy rực của túp lều,
nước mắt sung sướng chan hòa,
tôi nhìn em
Những con người vừa được cởi mở bỗng nhiên đẹp hẳn lên bên ánh lửa hồng rực rỡ của chiếc lều bừng cháy. Hình ảnh tàn tích của bao nhiêu kiếp sống vô minh như đang bị thiêu đốt tan tành theo túp lều tranh cùng với những mảnh vỏ vỡ toang của bản ngã. Nước mắt ở đây không còn là thứ nước mắt sầu đau. Cái nhìn ở đây không còn có lời gì mô tả. Còn nói năng gì được trong cảnh tượng hùng vĩ của giờ giải phóng. Cái nhìn ở đây cô đọng và mênh mang, chứa đầy những ý nghĩa mà ngàn vạn lời nói đi nữa cũng không thể nào diễn tả cho được:
nước mắt sung sướng chan hòa,
tôi nhìn em
Đến đây, ta trở về với ý tưởng đoạn đầu, ý tưởng của sự trực nhận đại ngã:
và khi cầm tay em, tôi hỏi rằng: “em muốn bao nhiêu”
tất nhiên em sẽ cười mà xin rằng “tất cả”.
Lẽ đương nhiên như thế; con người đã trở về với đại ngã, làm gì còn có ý tưởng phân biệt ra những biên giới mê mờ”.
rừng
ngàn thân cây
một thân người
lá cành đưa tay vẫy
tai nghe tiếng suối gọi
mắt mở toang trời tâm
nụ cười hàm tiếu kia
nở trên từng chiếc lá
có rừng cây ở đây
vì có thế gian đó
nhưng tâm đã theo rừng
khoác áo mới mầu xanh.
Tại lớp thực tập thiền học ở Centre Quaker International Paris, Thầy đã giảng bài thơ này cho các thiền sinh. Bài thơ được làm trong rừng Othe. Hai câu:
có rừng cây ở đây
vì có thế gian đó
Là hình ảnh trong kinh Trung A Hàm (kinh Cùlasunnata) dạy về phép Không Quán. Khi người hành giả bỏ làng mạc và chợ búa vào ngồi tịnh trong rừng, thì người ấy thấy không có làng mạc và chợ búa mà chỉ còn có rừng. Nhờ xa làng mạc chợ búa mà những phiền não về làng mạc chợ búa không còn, và rừng cây cho người hành giả một ít thanh tịnh. Nhưng hành giả phải biết rằng: tuy hành giả chỉ nhận thức rừng cây, không nhận thức làng mạc và chợ búa, nhưng không phải như vậy mà làng mạc và chợ búa không hiện hữu. “Tôi biết rừng cây có đây, vì làng mạc chợ búa có đó”. Khi hành giả bỏ rừng cây để chỉ còn giữ lại đất. Bỏ đất để chỉ còn giữ lại không gian, bỏ không gian để chỉ còn giữ lại Nhận thức, bỏ Nhận thức để chỉ còn giữ lại Không, bỏ Không để chỉ còn giữ lại Phi tưởng và Phi phi tưởng… Thì hành giả cũng vẫn quán chiếu theo luật “cái này có vì cái kia có”, và do đó hành giả nhận được chân được rằng Không quán không phải là phủ nhận hiện hữu mà chỉ là nhận thức hiện hữu trên nguyên lý duyên sanh mà thôi.
tịnh thủy trong bình
từ trên tay Bồ tát
rót trên sa mạc
thành biển xanh
mông mênh.
Bài này văn phòng chúng tôi đã dùng làm thiệp chúc Xuân năm 1977 với hai chữ Đại Bi viết theo lối cổ tự.
tôi là tôi của đất
đất là đất của tôi
tôi gửi tôi cho đất
đất gửi đất cho tôi
những hạt đậu sáng nay
nẩy mầm thành những hàng dài
hai chiếc lá non chắp tay trên đầu
chào ánh sáng.
Phương Vân Am là nơi tĩnh cư của Thầy. Am này được tạo dựng từ năm 1970. Hồi đó Phái đoàn Phật giáo còn đặt trụ sở tại số 11 Rue de la Goutte d’Or, Paris, còn Thầy cư trú tại Maisons-Alfort. Một hôm ở tại văn phòng đường Goutte d’Or, tôi kể chuyện chuyến đi hội thảo của tôi tại vùng Massif Central do một nhóm trẻ bất bạo động người Pháp tổ chức, và nói đến cái nông trại của họ mới mua làm trụ sở mà giá tiền chỉ là năm ngàn quan Pháp hồi đó. Thầy nghe nói thì rất ưa, bởi vì lâu nay tại Maisons-Alfort Thầy chỉ trồng được rau thơm trong những chiếc chậu để ở cửa sổ. Một hôm, Thầy, chú Thanh Hương và tôi để trọn cả ngày đi về phương Nam phía rừng Othe để tiếp xúc với các văn phòng chuyển nhượng bất động sản, nhờ họ đi tìm giùm một nông trại nhỏ bỏ hoang mà chủ nhân muốn bán. Chúng tôi đi thăm khoảng mười bốn cái nông trại như thế, nhưng không ưng ý lắm; cái thì đắt, cái thì cuộc đất không được thanh thoát lắm. Cuối cùng, khi trời đã gần tối, chúng tôi tìm được Phương Vân Am trên một triền đồi, phong cảnh có vẻ thanh tú. Phía trước và phía sau đều có đồi núi, và vị trí không xa quốc lộ 60. Đó là một nông trại bỏ hoang từ lâu, mái đã dột, một phía tường của chuồng bò đã bị sập. Có chừng ba ngàn thước vuông đất, mỗi thước tính ra chỉ độ một quan. Cửa sổ và cửa chính hư hết, các bức tường đều phải làm lại. Cái nhà đã được xây dựng cách đó khoảng một trăm năm chục năm. Ông thân sinh của bác chủ garage trong làng, năm ấy bảy mươi mấy tuổi nói rằng ông đã được sinh ra trong nhà ấy. Chúng tôi mua nông trại với cách thức trả góp. Ở đây thường có sương mù, nhất là vào mùa thu và mùa đông. Có vẻ một vân thâm xứ, Thầy hay nói như vậy. Phương Vân cách Paris chưa đầy một trăm sáu mươi cây số về phía đông nam. Mỗi lần về đây, chúng tôi lo xây lại những bức tường, sửa lại cửa và cuốc đất trồng rau. Tham dự vào việc xây dựng lại Phương Vân có chú Thành, chú Hòa, chú Hương, anh Hải, Văn Phát, Laura và tôi. Ai cũng học trộn hồ và cầm bay. Năm 1972, thầy Huyền Quang có về ngủ một đêm tại đây, khi chúng tôi chưa có lò sưởi và giường ngủ. Thầy ngủ trên một tấm ván trải mền cho bớt lạnh. Thầy Nhất Hạnh rất ưa cuốc đất trồng rau; bác Sâm cứ ngỡ là Thầy chỉ làm đất theo lối tài tử, nhưng thật ra Thầy làm vườn giỏi lắm. Thầy đã học làm vườn từ hồi còn làm điệu ở Chùa Từ Hiếu. Thầy chỉ thua có chú Thành (Thiện Thắng) mà thôi, bởi vì chú Thành khỏe nhất trong đám chúng tôi. Ngò và cải của năm đầu lên rất tốt mà không cần bỏ phân gì hết. Tôi còn nhớ vẻ mặt hớn hở của mọi người khi hái hàng giỏ rau to tướng đầy những rau tần (cải cúc) và cải bẹ xanh bụ bẫm rồi hăm hở đi Paris định “bỏ mối” cho các hiệu thực phẩm Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé các hiệu này mua rau tần hay bẹ xanh. Một bó nhỏ xíu cũng phải ba quan. Chúng tôi nghĩ họ trả ít nhất cũng được một quan rưỡi tiền mua vào. Nhưng bà chủ hiệu săm soi bó rau và bảo chỉ có thể trả bảy mươi lăm xu một bó chúng tôi đã quyết định không bán nữa. Các bạn của phái đoàn tuy đông nhưng ở rải rác quá, làm sao mà đem tặng cho kịp trong ngày? Sau cùng chúng tôi quyết định ghé tất cả các nhà Việt Nam, các quán ăn Việt Nam nằm trên con đường về văn phòng, tặng mỗi nơi năm bó rau. Nét mặt của người nào cũng hớn hở khi nhìn những bó rau bụ bẫm, mơn mởn của Phương Vân. Nhà nào, quán nào cũng nài nỉ mời chúng tôi ở lại ăn cơm với họ. Laura cười quá mỗi khi nhắc đến lối “đầu tư” mới này, bởi vì nếu chúng tôi có giờ ngồi lại ăn cơm mỗi nhà, mỗi quán, thì chắc là tiền cơm mấy chị em đã cao hơn tiền bán rau nhiều.
Bài thơ trên đây là một trong những bài Thầy làm về chuyện trồng rau. Sáng hôm ấy, ra thăm vườn Thầy thấy những hàng đậu gieo đã lên và những hạt đậu đưa những chiếc lá non, chắp tay trên đầu sửa soạn chào ánh sáng. Có lần đi hội nghị xa trong mùa hè, uống cốc nước lọc, Thầy nhớ tới những luống rau ở Phương Vân và viết:
cốc nước lọc trên tay
nắng đã mấy hôm
ngoài ngàn dặm
mấy luống rau thơm
đợi tôi về
tưới mát.
tuyết phủ đồi Phương Vân
năm Rồng vừa chợt tới
tin mừng vượt đại dương
vườn nhà nở hoa mới
thêm trầm trong lò hương
lòng nhẹ như mây khói
mọi người chắp tay mừng
trà thơm bèn rót lại
mặt trời rồi sẽ lên
hoàng oanh trong liễu gọi
gởi gắm nơi tương lai
biết bao điều mong mỏi.
Năm ấy là năm Thìn, tại Phương Vân Am ăn Tết có Thầy, có anh Bính, hai cháu Hoài An Mai Linh, Mobi, Joe, Linda, Pierre, Neige, Philippe, Martine, Tuk và Krisana.
Cúng giao thừa và uống trà xong thì có điện thoại từ Hòa Lan tới cho biết bé Wendy mới chào đời. Wendy là con của Laura Hassler và Jim Forest, hai người học trò rất thân thiết của Thầy. Laura đã từng làm việc dịch thuật cho văn phòng chúng tôi trong một năm tròn, còn Jim là chủ bút của báo Fellowship ở Nữu Ước. Được tin này Thầy bảo pha thêm một bình trà mới để mừng Wendy.
hai mắt của em buồn
chứa đầy tủi hận
khi thấy tôi
em quay mặt nhìn nơi khác
bàn tay em vẽ những vòng tròn
loanh quanh trên mặt đất
tôi nào dám hỏi ba má em đâu
tôi nào dám khơi động nguồn mạch thương đau
tôi chỉ muốn chuyện trò chốc lát
cười nói đôi câu
ngồi với em một phút
cho em vơi chút u sầu
đất nước đau cùng số phận
em hãy mở miệng cười
để cho nhau hy vọng
thế hệ các em
chưa đầy năm tuổi trên đầu
đã thấy tan tành hoa mộng
cuộc đời xô về hung hãn cuồng bạo
khổ lụy vì đâu
thế hệ chúng tôi kém hèn gây nên nông nổi
lát nữa rồi tôi đi
để em ở lại sân nghèo cô nhi viện
hai mắt của em buồn
tôi đi
em trở về góc sân quen thuộc
và ngón tay em lại vẽ những vòng
thương đau trên mặt đất.
Mỗi khi đọc bài này tôi lại nhớ đến những năm 1957 – 1958 tôi hay đi thăm các em trong Cô nhi viện Thị Nghè. Tôi rất thương các em cô nhi nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy như nghẹt thở mỗi khi đến cô nhi viện. Nếu một bà mẹ không thể nào thương yêu và chăm sóc chu đáo cho hai mươi đứa con của mình thì một nữ tu sĩ cũng khó mà có thể thương yêu chăm sóc bảy chục hay một trăm em cô nhi. Lần nào đi cô nhi viện về tôi cũng bâng khuâng buồn bã. Sau đó tôi bỏ cô nhi viện, đi làm việc tại các xóm ổ chuột tại thành phố, rồi đi làm Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Mãi đến năm 1973, sau khi hòa ước được ký kết tại Paris tôi mới có nhiều thì giờ lo cho các em. Càng suy nghĩ nhiều về vấn đề cô nhi, tôi càng hiểu rõ vì sao tôi vẫn có cảm giác khó thở khi vào các cô nhi viện. Cô nhi viện chỉ là sản phẩm của người Tây phương. Ngày xưa Việt Nam không có cô nhi viện và con mồ côi vẫn sống bên ông bà hay cô chú của chúng. Nếu mỗi cô nhi có được một số tiền trợ cấp hằng tháng để không là gánh nặng cho gia đình người bà con nuôi em thì em sẽ hạnh phúc khi ở với ông bà cô chú hơn là sống trong cô nhi viện. Tôi soạn thảo một dự án tìm người bảo trợ cô nhi, chịu cấp dưỡng tiền hằng tháng cho gia đình nuôi các em mà quá nghèo. Sau khi bổ túc và chấp thuận, Phái đoàn Phật giáo tại hải ngoại đã gửi dự án này về trình lên Ủy ban Tái thiết và Phát triển của Giáo hội. Trong dự án này, ngoài việc tạo điều kiện giữ các em lại dưới mái gia đình êm ấm của ông bà hay cô dì các em, chúng tôi còn đề nghị chẻ những cô nhi viện quá đông trẻ em ra thành nhiều tiểu gia đình để các em sống lại không khí ấm cúng của một gia đình nhỏ. Chúng tôi lập tại mỗi nước một tiểu ban để lo cho chương trình này. Nhiều người bạn trẻ người ngoại quốc quen thân với phái đoàn được mời vào các tiểu ban này để kêu gọi sự ủng hộ của người địa phương nước ấy. Bài thơ Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện vì vậy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các tiểu ban nói trên ấn hành rộng rãi. Cứ nước nào vừa lập xong tiểu ban lo cho cô nhi Việt Nam thì bài thơ này lại được ấn hành hàng ngàn bản bằng tiếng nước đó để gửi đi kêu gọi. Vào tháng 6 năm 1973, chúng tôi chỉ mới tìm ra bốn mươi gia đình bảo trợ cho bốn mươi cô nhi tại gia Việt Nam; vậy mà đến tháng hai năm 1975 chúng tôi đã tìm được 9.670 người để bảo trợ cho 9.670 cô nhi. Các ca sĩ như Joan Baez, Nana Mouskouri đã nhiều lần tặng tiền cho dự án này. Tại Paris và các tỉnh lớn ở Pháp, chúng tôi thường mời các nhạc sĩ danh tiếng như Graeme Allwright, Maxime Le Forestier, Claude Nougaro, Dick Annegan,… đến hát. Lần nào Pierre cũng năn nỉ thầy Nhất Hạnh lên đọc dùm bài thơ này trước khi nhạc hội mở đầu. Tôi và Pierre vẫn thường hay đi dán bích chương cổ động các nhạc hội vào khoảng tám giờ tối đến hai giờ khuya. Đêm nào về, tay chân của hai chị em cũng lạnh cóng vì băng giá. Thầy có nhắc tới chuyện này trong một bài thơ trong đó có những câu:
thương bé bơ vơ mùa loạn lạc
Sen Vàng bướm gửi khắp trời Tây
tờ hoa nhạc hội bừng chiêng trống
xóm dưới thôn trên dán chật đầy
giăng mắc đường dây trăm xứ lạ
ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
Sen Vàng tức là báo Le Lotus của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Paris ấn hành trên giấy màu vàng bằng Anh ngữ và Pháp ngữ. Tờ hoa đây là những tờ quảng cáo đại nhạc hội. Bé đây là các cô nhi.
Người trẻ làm việc cho chương trình này cũng khá đông. Pierre, Neige, Mobi, Hương và tôi làm việc toàn thời gian tại văn phòng phái đoàn. Thoa, Lội, Hoàng Anh, Hằng, Hải, Tính, Nga, anh Trương, anh Cao Thái giúp dịch hồ sơ tại nhà mỗi đêm vài giờ. Một số sinh viên khác đến giúp bất định kỳ, tùy theo khả năng. Huệ Châu và anh Hướng cũng lãnh về nhà hàng chồng hồ sơ cô nhi. Anh Hướng tuy là khoa học gia nhưng cũng là thi sĩ. Thơ anh đã được in thành hai tập từ hồi còn là sinh viên, và Lá Bối 1978 có ấn hành tập Ngày mẹ về của anh, ký tên là Hoài Việt. Điều mà tôi ghi mãi trong lòng về hai người bạn này là anh chị luôn đặt mình vào thế đứng tôn trọng sự sống của con người và chống đối những bất công từ bất cứ hướng nào. Trong những ngày mà tiếng nói của lập trường này bị bóp chẹt nhất, Hướng và Huệ Châu lúc nào cũng sẵn sàng nói: “Có chúng tôi đây!”