Giấc mơ đại đồng

Phạm Minh Hương (Chân Thu Lâm)

Cuộc đời là một hành trình trải nghiệm và chế tác hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào chính mình. Mãi khi đến Làng Mai con mới kinh nghiệm được điều đó.

Tuổi thơ của con lớn lên thường trực với những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom; với niềm vui rất hiếm của bữa cơm có thịt mặc dù chỉ là một mẩu bé xíu, mỏng tang; với những bài học dạy làm người rất nghiêm khắc của ông bà và bố mẹ mà những đứa trẻ như chúng con không thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến trong đó. Sự sợ hãi chiến tranh, nỗi lo thiếu ăn, sự cô đơn của những đứa trẻ luôn bị phạt vì những lỗi lầm mà chúng không thể hiểu theo cách của người lớn, đã làm nên một thế hệ chúng con.

Nhưng điều đó không làm mất đi những tuệ giác của tổ tiên mà ông bà, bố mẹ đã truyền trao cho chúng con trong nếp sống và những bài học hàng ngày. Khi lớn lên, được đi du học ở nước ngoài, được tiếp xúc với các nền văn minh của thế giới, con vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Con vẫn luôn tìm cầu những kiến giải cho các xung đột giá trị giữa những chuẩn mực của nền kinh tế vật chất và những giá trị đẹp ngày xưa. Mãi cho tới khi đến Làng Mai Thái Lan vào mùa xuân năm 2017, con mới thấy được ký ức tuổi thơ một thời vẫn còn nguyên ở đó, trọn vẹn. Con nhận ra nếp sống của người Việt mà con được tiếp xúc và lớn lên, những hạt giống được gieo trồng bên trong mà con đã để chúng ngủ vùi từ lâu. Con thấy một quê hương thân thương trong lòng đang trình hiện vào mùa xuân năm đó, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà tại nước láng giềng Thái Lan.

Sư Ông thường nhắc tới di sản của tổ tiên và sự nghiệp hoằng pháp của Sư Ông là một minh chứng của sự tiếp nối di sản đó. Con thấy cốt tủy lời Bụt dạy được Sư Ông làm mới để thế hệ chúng con có thể dễ dàng tiếp nhận. Và những đóng góp của Sư Ông cho nhân loại mang theo trong đó gia tài tâm linh của người Việt. Một đất nước nhỏ bé, luôn phải chịu sức ép của các cuộc chiến tranh, những thách thức của thiên tai và sự đa dạng sắc tộc đã làm nên một tuệ giác dân tộc, tuệ giác của sự bao dung, chấp nhận, kiên nhẫn và bền bỉ vượt qua khó khăn. Chính tuệ giác ấy đã tạo nên sức mạnh dân tộc để đứng vững trước mọi thử thách. Tuy vậy, chúng con, những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh ngoại xâm đang làm mờ đi những giá trị tâm linh của tổ tiên nên luôn bị đối diện với những xung đột nội tâm về các giá trị và chuẩn mực. May mắn thay, hạt giống tổ tiên trao truyền vẫn còn nguyên đó. Chỉ khi đến Làng Mai, đọc câu thư pháp Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ con mới nhớ lại ngày xưa bà ngoại con luôn dạy: “Con phải sống nếp sống của một người có Đạo: đói cho sạch, rách cho thơm; giữ khí phách của một người quân tử, nói là làm và tự chịu trách nhiệm với kết quả; có phẩm chất của một người làm nghề chân chính; luôn tích lũy phước đức để phụng sự đất nước”. Phước là phận sự ở đời, đức là điều kiện để thực hiện được phận sự đó. Phước đức của con cháu là do tổ tiên trao truyền lại. Con chợt nhận ra mình thật may mắn khi có được phước đức đó. Phước đức của một người con đất Việt, phước đức được trải nghiệm chiến tranh và sự thay đổi của dân tộc để có thể hiểu về vô thường và trân quý những gì mình đang có, phước đức của một doanh nhân có cơ hội được tham gia đóng góp vào huyết mạch tài chính quốc gia. Và con cần tiếp nối, làm tròn bổn phận đó.

Trước đây, con đã chạy trốn khỏi cuộc đời mình trong một thời gian dài vì không thể đối diện được với những áp lực trách nhiệm từ công việc và cuộc sống cá nhân. Con đã có những hiểu lầm đáng tiếc khi tiếp nhận những lời dạy của Phật. Con hiểu cuộc đời này là tạm và không thật. Muốn tu thì phải buông và, hay quá, mình chỉ cần buông là tu được. Con buông hết trách nhiệm mình đang đảm trách, buông cả những tài sản mình được giao gìn giữ và bắt đầu con đường tìm thầy học đạo. Bảy năm “buông ”, con đi tất cả các nơi có di tích Phật giáo, tham dự các bài giảng của các đạo sư và các khóa thiền của các trường phái Phật giáo, được gặp gỡ các vị cao tăng nổi tiếng. Vậy mà con vẫn thấy bế tắc và không thể kiến giải những gì đã xảy ra với mình để có khả năng đối diện được với nó.

Đối với Làng Mai, ban đầu con chỉ đến với cái tâm tìm gặp thêm một người thầy nổi tiếng, làm đầy thêm kho kiến thức Phật học của mình. Con chưa từng được diện kiến Sư Ông. Đọc sách Sư Ông, con không thể nhận ra những lời dạy rất đỗi thâm thúy bởi vì chúng quá đơn giản. Con chưa buông được cái muốn được biết thêm. Con cũng chưa buông được nỗi sợ hãi, cô đơn bên trong. Còn những tài sản bên ngoài, con biết, nếu có buông được cũng chẳng giúp con thấu hiểu những phước đức tổ tiên trao truyền cho mình để tu tập và trưởng thành.

 

 

Thế rồi, dần dần, con thấy mình bắt đầu thấm sự thực tập của Làng Mai. Sư Ông có chia sẻ: tu tập là để mình trở nên đẹp hơn chứ không phải để trở thành một thầy tu trong gia đình hay một thầy tu trong công ty. Mình phải là một chủ tịch công ty có hiểu và có thương để thực hiện bổn phận mà cuộc đời đã trao tặng cho mình. Con thấy Sư Ông trong từng lời dạy, từng lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô; trong những câu kinh bằng tiếng Việt trong sáng; trong lời mỗi bài thiền ca; trong nếp thực tập chánh niệm của cuộc sống hàng ngày ở Làng. Những câu thư pháp bên con đường thiền hành đã đánh thức những hạt giống trong con. Con chợt nhận ra hạnh phúc từ những điều thật đơn giản nhưng vô cùng mầu nhiệm. Con có hỏi thầy Pháp Niệm: “Thưa thầy, điều gì là vĩ đại nhất ở Sư Ông? Thầy trả lời: “Di sản lớn nhất Sư Ông để lại là tăng thân. Sư Ông có một giấc mơ đại đồng, giấc mơ về hạnh phúc cho muôn loài và giấc mơ về sự giác ngộ tập thể.”

Con đã hiểu được sứ mệnh của con, sứ mệnh được tổ tiên trao truyền, sứ mệnh được Sư Ông đánh thức. Lúc đó ở Việt Nam, con thấy chưa có nhiều người hiểu được tầm vóc của Sư Ông và những gia tài tâm linh mà Sư Ông cùng Tăng thân đang gìn giữ cho đất nước. Con quay về Việt Nam và liên tục tổ chức các chuyến đi đến Làng Mai Thái Lan cùng với những người bạn, những doanh nhân đang tìm cầu một con đường để có thể làm đẹp bổn phận của mình. Từ một người muốn chạy trốn khỏi cuộc sống và trách nhiệm công việc, con đã tìm thấy con đường. Đó là con đường tiếp nối Sư Ông xây dựng một giấc mơ đại đồng. Giấc mơ trong đó các doanh nghiệp đều biết thực tập, phụng sự cho đất nước đi lên. Những vướng mắc trong con tự nhiên được cởi trói, những câu hỏi trong con tự được trả lời. Con không còn cần bất cứ lời giải đáp nào nữa.

Những ngày đầu tiên quay lại làm việc sau khi bỏ công ty quá lâu, con gặp vô vàn khó khăn. Câu thư pháp Đã về đã tới của Sư Ông luôn là lời hướng dẫn giúp con thực tập. Để xây dựng một doanh nghiệp với sứ mệnh phụng sự, chúng con phải thay đổi lại toàn bộ nguyên tắc và triết lý kinh doanh của công ty. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn tới VNDIRECT. Con đã phải chấp nhận sự ra đi của 70% nhân sự trong vòng hai năm đầu. Con thực tập quan sát để giữ chánh kiến, thực tập lắng nghe sâu để kiên trì giữ truyền thông với từng người và kết nối mọi người lại với nhau. Con nhận ra rằng con đường chúng con thực hiện đang tiếp nhận phước đức cao quý từ tổ tiên và VNDIRECT cũng chính là một tăng thân. Sự nghiệp mà chúng con đang đảm trách thật cao quý. Đó cũng là sự nghiệp của trí tuệ – Wisdom to Success. Mọi người trong VNDIRECT dần thay đổi và thấy được lý tưởng phụng sự đất nước trong mỗi công việc mình làm. Đó là động lực to lớn cho mỗi chúng con đối diện được với mọi khó khăn thách thức, sẵn sàng dấn thân học hỏi và hoàn thiện bản thân, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm mình đang được giao phó. Nhờ vậy, chúng con đã đáp ứng được mọi nhu cầu, góp phần kiến tạo và đảm bảo thịnh vượng tài chính cho mọi khách hàng thông qua những phẩm chất của người làm nghề trung thực cũng như thông qua năng lực đồng sự và trí tuệ tập thể.

 

 

Với con, mỗi người trong công ty như một người em, người cháu, người con của mình. Và niềm vui của một người lãnh đạo, đúng như Sư Ông dạy, là niềm vui của người làm vườn: liên tục chăm sóc vun bồi, thấy được sự trưởng thành của những cây khác nhau và nếm được hạnh phúc của quá trình đó. Kết quả của mỗi ngày làm việc là la bàn định hướng cho công việc của ngày tiếp theo. Kế hoạch làm việc được tập trung toàn tâm toàn ý ở hiện tại thay vì mong muốn ở tương lai xa xôi. Sự thành công của công ty đến với con cũng rất bất ngờ vì chúng con không cần phải đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng mà chỉ liên tục nhận diện những điểm cần khắc phục và hoàn thiện ở hiện tại để tạo được một môi trường làm việc có nhiều niềm vui cho những ai có cùng lý tưởng phụng sự. Chúng con thực tập dừng lại khi có lo lắng, an trú ở hiện tại để biết đủ, chế tác được niềm vui từ cả những bài học thất bại hay thành công, và nhận diện được thách thức vướng mắc để chuyển hóa. Tình đồng nghiệp là tài sản của mỗi chúng con trên con đường phụng sự. Đó là thức ăn để chúng con có đủ năng lực làm không biết mệt với tinh thần “Vô sự”.

Từ năm 2016, nhiều khóa tu Doanh nhân hạnh phúc được tổ chức. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa thực tập chánh niệm vào công ty và con cũng học được rất nhiều từ những chia sẻ của họ. Trong các khóa tu, mọi người ai cũng rạng ngời hạnh phúc, biết ơn Bụt Tổ, biết ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã mang đến cho doanh nhân sản phẩm của hạnh phúc đích thực.

Bây giờ, mỗi lần cùng quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu Doanh nhân hạnh phúc, con đều được nếm niềm vui khôn tả khi thấy những người tham gia khóa tu thấy được những điều con đã thấy, hiểu được những điều Sư Ông dạy để chế tác niềm vui, đối diện và chuyển hóa được khổ đau. Tăng thân doanh nhân chúng con mỗi năm lại đón thêm những thành viên mới, có thêm gia đình tăng thân mới và hạt giống giác ngộ đã được lan tỏa ở chính quê hương tâm linh Việt Nam nơi Sư Ông đã luôn hướng về và dành trọn cuộc đời gìn giữ. Con đã có con đường. Con đường cùng tăng thân xây dựng giấc mơ đại đồng, cùng thực tập để hướng tới hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả mọi người.

Những ngôi trường tỉnh thức

(Thầy Chân Pháp Lưu và Orlaith O’Sullivan)

Thầy Chân Pháp Lưu, người Mỹ, là một vị giáo thọ của Làng Mai đã có nhiều năm gắn bó với chương trình đem chánh niệm vào giáo dục (còn được gọi là Wake Up Schools). Trong bài viết này, thầy cùng Orlaith O’Sullivan – một thành viên Tiếp Hiện và cũng là điều phối viên của chương trình Wake Up Schools – chia sẻ với chúng ta hoài bão của Thầy về những ngôi trường tỉnh thức cũng như sự phát triển của chương trình này trong những năm qua. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Là một trong những vị thầy Phật giáo đầu tiên đưa yếu tố khoa học và tâm lí học Tây phương vào chương trình tu học dành cho các vị xuất sĩ, Thầy luôn quan tâm đến cách chúng ta học tập cũng như cách chúng ta có thể chung sống với nhau.

Khởi nguồn từ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh

Vào những năm 1960 trong thời kỳ chiến tranh, Thầy đã thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) để đào tạo các tác viên làm công tác xã hội, trong đó có việc dạy học cho trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam. Những tác viên này, tay không về làng, trước tiên là chơi với các em nhỏ rồi dần dần dạy cho các em bài học vỡ lòng và cho mỗi em một cốc sữa đậu nành vào buổi trưa. Các tác viên không thuyết phục người dân theo một chủ thuyết nào, phe phái nào, chỉ đơn thuần là giúp đỡ người dân trong làng. Từ từ người dân tin tưởng, có người còn cho mượn nhà để làm phòng học, rồi dân làng cùng đóng góp vật liệu để dựng nhà lá đơn sơ làm phòng học cho các em.

Phong trào này khởi đầu trong chiến tranh và tiếp tục cho đến ngày nay với tên gọi Chương trình Hiểu và Thương. Sư Cô Chân Không cùng rất nhiều tấm lòng trợ giúp, trong đó có Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thich Nhat Hanh Foundation), đã hỗ trợ các thầy cô giáo và trẻ em tại các vùng nông thôn hẻo lánh của Việt Nam.

 

 

Chúng ta có thể thấy rằng từ lúc còn là một giáo thọ trẻ, Thầy đã bắt đầu công trình đào tạo giáo viên. Điểm khởi đầu ấy chính là gốc rễ của phong trào Wake Up Schools (Trường học Tỉnh thức) ngày nay.

Du nhập qua Phương Tây

Sau khi bị chính quyền Việt Nam vô hiệu hóa hộ chiếu, Thầy được chấp nhận định cư tại Pháp. Cùng với sự trợ giúp của sư cô Chân Không, Thầy thành lập một cộng đồng tu học nhỏ ở ngoại ô Paris. Năm 1982, trung tâm được dời về vùng quê Dordogne (Tây Nam nước Pháp) và trở thành Làng Mai. Trong những ngày đầu, đây không chỉ là một trung tâm dạy thiền tập mà còn là nơi giữ gìn và trao truyền những giá trị văn hóa cho người Việt sống xa quê hương. Đến những năm 1990, khi cộng đồng xuất sĩ đã lớn mạnh tại Làng Mai, Thầy muốn đưa những kinh nghiệm giáo dục này ra với quần chúng. Chính Thầy đã gợi ý giáo viên mang chánh niệm vào trường học, nổi bật trong số đó là Richard Brady, một thầy giáo dạy toán tại một trường dòng gần Washington, D.C. Thầy Richard Brady nay là giáo thọ kì cựu của Làng Mai. Richard đã khởi đầu một mạng lưới giáo dục với tên gọi “Chánh niệm trong giáo dục.” Mạng lưới này vẫn còn hoạt động đến tận ngày nay, hiện đang kết nối trực tuyến với các giáo viên ở nhiều nơi trên thế giới và mỗi năm đều có một buổi gặp mặt. Nhờ hoạt động này mà phong trào đem chánh niệm vào giáo dục dần được hình thành. (Xin đọc thêm bài viết “Hành trình đem chánh niệm vào lớp học” của Richard Brady trong số báo này)

Năm 2008, Thầy có chuyến du hóa tại Ấn Độ. Anh Shantum, một giáo thọ cư sĩ của Làng Mai, khi tổ chức chuyến đi này đã hỏi Thầy về chủ đề của chuyến đi. Thầy trả lời rằng Thầy muốn tập trung vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là: “Chúng ta có thể đóng góp được gì để giúp các giáo viên và học sinh biết cách chăm sóc cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc mạnh.” Đây là một điều vẫn còn thiếu sót trong nền giáo dục hiện nay. Theo tuệ giác của Thầy, hơi thở chánh niệm sẽ mang lại hiệu quả. Năm đó, anh Shantum đã tổ chức một khóa tu cho giáo viên từ khắp đất nước Ấn Độ để được nghe Thầy giảng về chánh niệm trong lớp học.

 

 

Cũng vào thời điểm đó, Tổng thống Pháp cũng đang kêu gọi các trường học đưa môn Đạo đức vào thời khóa chính thức nhưng có rất nhiều tranh cãi về nội dung cho bộ môn này. Thầy dạy, ý của Thầy là khi các em học được cách thở trong chánh niệm, học dừng lại và trở về để nhận diện những gì đang diễn ra trong thân và trong tâm mình, các em sẽ chạm đến được những phẩm chất tốt đẹp vốn có trong tự thân và học cách để tưới tẩm những phẩm chất này. Các em cũng có cơ hội nhìn sâu để thấy những cảm xúc giận dữ, buồn bã, sợ hãi được nuôi dưỡng bằng những lối tư duy nào trong mình. Chỉ cần nhìn sâu, chúng ta đã có thể sống một cuộc sống có đạo đức hơn. Thầy gọi đó là Đạo đức học Ứng dụng (Applied Ethics). Đó chính là nền tảng cho phong trào Wake Up Schools hiện nay.

Mở rộng đào tạo cho nhiều giáo viên

Trên căn bản đó, chúng ta đã tổ chức nhiều khóa tu cho giáo chức tại châu Á, châu Âu, Canada và Mỹ. Chúng ta đã đóng góp đáng kể cho các trường học tại Anh, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng trên hết, chúng tôi nhận thấy rằng chính sự chuyển hóa trong tự thân các thầy cô giáo khi tham dự khóa tu mới tạo được ảnh hưởng to lớn đến học sinh và môi trường giảng dạy của họ. Chỉ cần các thầy cô giáo tham dự một khóa tu năm hoặc bảy ngày là đã có được kinh nghiệm chuyển hóa. Sau khi tham dự vài khóa tu, nhiều vị hỏi chúng tôi làm cách nào để tiếp tục nuôi dưỡng và đào sâu vào sự thực tập trong đời sống và trong công việc hằng ngày. Do đó, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến vấn đề phát triển công cụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu học hỏi trong lĩnh vực này.

Thầy Pháp Dung, sư cô Châu Nghiêm, thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lưu, thầy Pháp Linh, cùng với nhiều vị xuất sĩ khác, đã làm việc trong mấy năm với Giáo sư Katherine Weare, Elli Weisbaum, Yvonne Mazurek… nhằm khai triển sự thực tập căn bản của Làng Mai thành tài liệu hướng dẫn cho giáo viên. Tài liệu này đã được xuất bản thành sách Happy Teachers Change the World: A Guide for Cultivating Mindfulness in Education (sách đã được dịch sang tiếng Việt: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới). Cuốn sách này đang được dùng như một quyển cẩm nang dành cho giáo viên trong hệ thống Wake Up Schools. Đây không phải là loại sách giáo khoa dạy lý thuyết thuần túy mà là hoa trái thực tập từ hàng trăm giáo viên khi tham dự các khóa tu và kinh nghiệm áp dụng chánh niệm trong đời sống hàng ngày và trong môi trường giảng dạy thực tế.

Không dừng lại ở việc tổ chức các khóa tu cho giáo viên, chúng tôi còn xây dựng chương trình đào tạo một năm dành cho các giáo viên, dựa trên chương trình dành cho các thành viên nòng cốt của dòng tu Tiếp Hiện. Chúng tôi gọi đó là Chương trình đào tạo thầy cô giáo hạnh phúc. Tham gia chương trình này, các thành viên sẽ được hướng dẫn bởi quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng Mai và một số thầy cô giáo đã có kinh nghiệm với chương trình. Chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ của tăng thân Tiếp Hiện tại mỗi nước. Ngày nay khi chương trình đã phát triển, với định hướng xây dựng tăng thân trong lĩnh vực giáo dục, các giáo viên tham dự chương trình đào tạo này sẽ tự tìm tới nhau, tạo thành một tăng thân để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Sáu năm qua, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều giáo viên ở các nước Bắc Mỹ cũng như từ Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.

Khi dùng từ “thầy cô giáo hạnh phúc”, Thầy muốn nói rằng giáo viên cần biết chăm sóc bản thân để chế tác hạnh phúc, không phải với ý nghĩa là giáo viên đó lúc nào cũng hạnh phúc. Thầy vẽ một vòng tròn cùng với mũi tên hướng vào tâm vòng tròn và chỉ cho chúng ta: “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in). Nếu giáo viên biết chăm sóc bản thân thì sẽ có khả năng chăm sóc được gia đình, đồng nghiệp, học trò, thậm chí là phụ huynh của học sinh. Như vậy, vòng tròn sẽ mở rộng thành một vòng lớn hơn.

Một người không có khả năng chăm sóc bản thân thì không thể giúp người khác làm được điều đó. Chính vì vậy, chương trình Wake Up Schools, các giáo viên tham dự được nghe chúng tôi nhắc đi nhắc lại: sự thực tập phải bắt đầu từ tự thân mỗi người. Giáo viên phải là người thay đổi trước tiên.

Ba trụ cột của chương trình Wake Up Schools

Trụ cột thứ nhất: Thân giáo. Chúng ta phải là hiện thân của sự thực tập. Trong một khóa tu, chúng tôi bắt đầu bằng cách mời thầy cô giáo tiếp xúc với sự thảnh thơi, niềm vui và hạnh phúc. Nếu một giáo viên tiếp xúc được với khung trời tự do thênh thang trong lòng họ và có chuyển hóa thì họ sẽ muốn đem kinh nghiệm của mình chia sẻ với người khác. Rất có thể khi trở về nhà sau khóa tu, đồng nghiệp sẽ hỏi giáo viên ấy: “Dạo này chị làm gì mà vui hơn vậy?” hay gia đình của vị ấy sẽ hỏi: “Trông em nhẹ nhàng hơn trước. Em đã làm gì vậy?”

Nhờ niềm vui trong tu học mà người đó sẽ nuôi dưỡng được tâm phụng sự – trụ cột thứ hai. Phụng sự có nghĩa là đưa chánh niệm vào cuộc sống để giúp thay đổi xã hội theo hướng tích cực hơn, chứ không có nghĩa là sử dụng các phương pháp chánh niệm để kinh doanh kiếm lợi cho bản thân. Các phương pháp thực tập đã được hiến tặng với tinh thần không vụ lợi và tinh thần đó có mặt trong mọi khía cạnh của Wake Up Schools. Chúng tôi hướng đến sự thay đổi toàn diện trong cộng đồng trường học. Bắt đầu bằng sự chuyển hóa tự thân của mỗi giáo viên rồi mở rộng đến gia đình, đồng nghiệp, học trò và các vị giáo chức trong ngành. Từ sự thay đổi trong nhà trường chúng ta có thể đạt tới sự thay đổi ở mức độ xã hội.

 

 

Điều này tạo cơ hội cho trụ cột thứ ba: xây dựng đoàn thể tu học. Đây là điều mà chúng ta đã và đang thực hiện khá tốt. Các trung tâm tu học của Làng Mai trên khắp thế giới là những cộng đồng sống chánh niệm. Đối với chúng tôi, chánh niệm là con đường, không phải là phương tiện. Chúng tôi có mặt không phải để trao truyền những kỹ năng. Đây là một con đường, một lối sống mà chúng tôi cùng đi với nhau chứ không phải đi riêng lẻ. Chúng tôi đang xây dựng một tăng thân quốc tế với những con người có nguồn gốc xuất thân và văn hóa khác nhau. Đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ,… tất cả chúng tôi cùng chung sống, cùng ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm im lặng, tháng này qua năm nọ. Đời sống tăng thân đã ăn sâu vào trong mỗi tế bào mỗi chúng tôi. Việc mở rộng đời sống này đến giáo viên, học sinh và gia đình của các vị là điều diễn ra hết sức tự nhiên.

Những sáng kiến từ tăng thân

Khi thực tập, chúng tôi cũng thực tập như một đoàn thể. Tăng thân Giáo viên Hạnh phúc (Happy Teachers Sangha) bao gồm nhiều thành viên đến từ các quốc gia khác nhau – Nhật, Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Philipin, Hà Lan, Kenya và Brazil – chính là sự biểu hiện cụ thể của tinh thần tăng thân. Các giáo viên họp mặt trực tuyến, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cho nhau, để từ đó thêm thấu hiểu và tìm cách nâng đỡ nhau tốt hơn. Chúng ta hiện có một tăng thân Giáo viên Hạnh phúc vùng Bắc Mỹ và một tăng thân Giáo viên Hạnh phúc toàn cầu.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, một giáo viên chánh niệm cũng đồng thời là một nhà hoạt động giúp chuyển hóa xã hội tận gốc rễ. Để yểm trợ điều này, chúng tôi đã tổ chức một khóa tu Wake Up Schools quốc tế trực tuyến, từ ngày 25 đến 27 tháng 2 năm 2022. Đây là cơ hội cho các giáo viên cùng thực tập chung với nhau, kết nối với các thành viên khác và cùng nhau lên chương trình hướng dẫn cho học sinh. Bên cạnh đó, khóa tu còn là một khoảng nghỉ cuối tuần cần thiết để mỗi người dừng lại và nhìn sâu vào những yếu tố làm nên một người giáo viên chánh niệm. Khi các trung tâm của Làng Mai được phép mở cửa trở lại sau đại dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những khóa tu cho giáo viên ngay tại tu viện. Chúng tôi muốn các thầy cô giáo biết rằng họ luôn luôn có một nơi để trở về, một nơi nương tựa. Trở về để được nghỉ ngơi sau bao mỏi mệt của đời sống. Trở về để thấy đời sống tăng thân vẫn đang tiếp diễn.

Gần đây, sự thực tập của Wake Up Schools được trình bày lại trong một phiên bản mới. Giáo sư Katherine Weare cùng với Adrian Bethune đã viết một cuốn sách hướng dẫn tổng quát với tựa đề “Implementing Mindfulness in Schools: An Evidence-Based Guide” (Ứng dụng chánh niệm trong trường học: Hướng dẫn dựa trên thực nghiệm). Sách được tổ chức The Mindfulness Initiative (Sáng kiến Chánh Niệm) của Vương quốc Anh xuất bản. Hai tác giả đã tham khảo rộng rãi với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có điều phối viên quốc tế của hệ thống Wake Up Schools, Tiến sĩ Orlaith O’Sullivan. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng khi toàn trường đều tham gia thực hành chánh niệm, và có một hướng tiếp cận lâu dài để sự thực tập chánh niệm có thể thấm sâu vào nếp sinh hoạt của trường.

Những hoạt động của Wake Up Schools ngay trước và trong thời gian đại dịch

Vào tháng Một năm 2019, thầy Pháp Dung, sư cô Hiền Hạnh, sư cô Thanh Nghiêm, thầy Pháp Lưu, sư cô Thao Nghiêm, thầy Bảo Tạng và thầy Phạm Hạnh đã mang Wake Up Schools đến Uganda. Trong số 250 giáo viên tham dự, phần lớn là người Công giáo, và mỗi ngày trong khóa tu họ vẫn có lễ cầu nguyện. Đây là một điều khá mới mẻ đối với chúng tôi. Nhưng thực ra, trong khóa tu không hề xảy ra một trở ngại nào. Chúng tôi ở đó để chia sẻ về sự thực tập chánh niệm, về sự vận hành của tâm, cách nhận diện trực tiếp những cảm xúc tiêu cực và giúp họ thấy được những loại thực phẩm nào đã làm xuất hiện những cảm xúc đó.

Các thầy cô giáo trong khóa tu nhận ra rằng người dân Uganda đang rất cần sự thực tập này, một phương pháp mà mỗi con người đều cần thực tập để giúp họ sống an lành và hạnh phúc. Những giáo viên này hiện đang mang những kinh nghiệm chuyển hóa của tự thân về lại trường học, chia sẻ với học trò và đồng nghiệp của mình. Chuyến đi đã được anh Wouter Verhoeven thuộc hãng truyền thông Evermind Media ghi lại và dựng thành một bộ phim tài liệu.

 

Trong đại dịch Covid, nhóm cộng sự của hệ thống Wake Up Schools đã dùng nền tảng đào tạo trực tuyến Webinar hỗ trợ các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam, trong đó có một hội thảo kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cải thiện Sức Khỏe (Center for Healthcare Improvement) và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU). Hai tuyến đầu cam go nhất trong việc cứu chữa và điều trị Covid tại Việt Nam là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy Tp. Hồ Chí Minh. Các y bác sĩ và cán bộ y tế của hai bệnh viện đã tham dự các chương trình trên.

Vào thời điểm các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại, chúng tôi đã tổ chức hai buổi đào tạo qua webinar và một chương trình trực tuyến “2020 Noble Semester – Học kỳ cao quý” vào Chủ nhật, ngày 03.05.2020 dành cho giáo viên và phụ huynh ở Việt Nam. Chương trình có phần chia sẻ của sư cô Bội Nghiêm từ tu viện Mộc Lan, Mỹ.

Ngày 12.5.2020, nhóm cộng sự Wake Up Schools đã tổ chức một cuộc hội thảo cho giới giáo chức Việt Nam. Hơn một ngàn giáo viên, giáo chức của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (THPT) và mẫu giáo tại Việt Nam đã tham gia. Diễn giả khách mời bao gồm nhiều giảng viên đại học, cố vấn tâm lý và ban giám hiệu các trường THPT. Nội dung chia sẻ xoay quanh những thách thức và cơ hội trong học đường thời đại dịch Covid-19. Trong buổi hội thảo này, cô Orla O’Sullivan và chị Lê Thị Mỹ Hằng trong nhóm Wake Up Schools đã giới thiệu về thực tập chánh niệm, hướng dẫn các học viên cách chăm sóc cảm xúc mạnh và tiếp xúc với năng lượng bình an bên trong mỗi người.

Ngày 20.5.2021, Wake Up Schools được nhận giải thưởng giáo dục Laureate năm 2021 do Quỹ Hạnh Phúc Thế Giới (WHF) và Đại học Liên Hiệp Quốc vì Hòa Bình (UPEACE) trao tặng. Giải thưởng được công bố trong Tuần lễ vì Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Week) – một lễ hội quốc tế kéo dài một tuần lễ với mục đích hướng mọi người đến một đời sống an lành và hạnh phúc hơn. Đây là giải thưởng vinh danh những tập thể có nhiều đóng góp cải thiện môi trường giáo dục nhằm nuôi lớn hạnh phúc, sự lành mạnh cho học sinh và phụ huynh. Ông Luis Gallardo – nhà sáng lập, nguyên chủ tịch Quỹ Hạnh phúc Thế giới (WHF) đã trao giải thưởng này. Ông phát biểu: “Wake Up Schools và những điều các bạn đang làm thực sự rất ấn tượng. Các bạn thực sự là một tấm gương, giúp cho chúng tôi thấy rõ việc xây dựng một thế giới hạnh phúc hơn, tỉnh thức hơn và tự do hơn cho tất cả mọi người có ý nghĩa như thế nào.”

Ông cũng bày tỏ sự trân trọng đối với công trình xây dựng tăng thân của Làng Mai: “Cách các bạn giúp các thầy cô giáo có mặt cho nhau, tạo nên một môi trường an toàn là điều rất quan trọng đối với các giáo viên. Các bạn thực sự là những bậc thầy về điều này”. Trước ngày nhận giải thưởng, tăng thân Thầy cô giáo Hạnh phúcđã gặp mặt nhau. Đây là dịp để chúng tôi thăm hỏi, thực tập cùng nhau và giao lưu với các thầy cô giáo từ nhiều quốc gia. Niềm vui gặp mặt đó là một phần của Tuần lễ Hạnh phúc Thế giới.

Thứ Ba, ngày 20.5.2021, nhóm Wake Up Schools đã tham dự chương trình truyền hình Tâm hồn và Cuộc sống châu Âu (Mind and Life Europe), trong khuôn khổ của một sê-ri chương trình khám phá chánh niệm trong giáo dục.

Trong tất cả những sự kiện này chúng tôi luôn nhắc các thầy cô giáo rằng: Hạnh phúc là điều có thể! Chúng tôi phải nói lên vì rất nhiều người không tin vào điều này. Hạnh phúc là điều có thể. Ngay trong giây phút này!

 

 

Công trình nối đuốc

Tiến sĩ Elli Weisbaum (Chân Thanh Tuyền)

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ Tiếng Anh

 

Khóa tu chánh niệm đầu tiên năm 10 tuổi

Vào năm 1998, lúc tôi lên mười tuổi, cha mẹ đã cho tôi tham dự khóa tu gia đình đầu tiên với Thầy và tăng thân ở Viện OMEGA, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Trước khi tới dự khóa tu này, mẹ đã đọc sách của Thầy và bắt đầu đem một vài giáo lý Thầy dạy áp dụng vào công việc. Cả nhà tôi đều quan tâm tới chánh niệm.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về tăng thân xuất sĩ thật đáng nhớ. Khi vừa lái xe đến trung tâm nơi tổ chức khóa tu, chúng tôi thấy một số quý sư cô đang đi bộ dọc theo bãi cỏ gần hồ nước. Trước đó, chúng tôi chưa từng nhìn thấy hay gặp gỡ một tu sĩ nào theo đạo Bụt. Hình ảnh lúc ấy mới đẹp làm sao! Một cơn gió dịu dàng thổi qua làm tà áo các sư cô bay nhẹ và họ vừa mỉm cười vừa bước từng bước khoan thai. Rồi bỗng dưng mấy con ngỗng gần đó bắt đầu kêu to và lao về phía họ. Các sư cô bỏ chạy ngay, nhưng thay vì hoảng sợ hay kinh khiếp thì họ lại vừa chạy vừa cười rộ lên thích thú. Cha mẹ và tôi cũng cười theo. Mẹ quay sang nói với tôi: “Mẹ nghĩ là chúng ta về đến nhà rồi”.

Từ đó, năm nào cả nhà chúng tôi cũng về tham dự khóa tu gia đình mỗi khi Thầy và tăng thân đến Bắc Mỹ. Vì vậy mà tôi có niềm hạnh phúc được lớn lên trong chiếc nôi của Làng. Tôi được tham gia từ chương trình trẻ em đến chương trình dành cho thiếu niên. May mắn là không lâu sau khi tôi “tốt nghiệp” chương trình thiếu niên, Thầy và tăng thân bắt đầu tổ chức chương trình Wake Up dành cho người trẻ. Tôi tham gia trong chương trình Wake Up Tour vùng Bờ Đông năm 2011. Trong chuyến đi này, một nhóm quý thầy, quý sư cô và các bạn thiền sinh trẻ ở tuổi 20 – 30 đã đến sinh hoạt với các trường đại học dọc bờ Đông Hoa Kỳ (kể cả các trường Yale, Harvard và Brown). Tiếp tục tu tập, sinh hoạt rất thường xuyên và gần gũi với tăng thân, tôi thọ giới Tiếp Hiện năm 2015. Hiện tôi đang là một trong các thành viên sáng lập của tăng thân Wake Up ở Toronto và thành viên Ban chăm sóc của Wake Up Bắc Mỹ.

Nguồn cảm hứng mới

Mười lăm tuổi, tôi phải nhập viện sau khi bị một số virus kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, rồi làm cho hệ miễn nhiễm của tôi hoạt động quá mức. Đêm đầu tiên ở bệnh viện, các bác sĩ cho biết họ không chắc là tôi có thể qua nổi đêm đó. Trong suốt quá trình nằm viện, kể cả trong những lúc phải chịu không biết bao nhiêu lần xét nghiệm liên tục, cả nhà tôi đã nương tựa rất nhiều vào pháp môn thực tập của Làng Mai.

Trong những buổi trị liệu, chúng tôi hát các bài thiền ca của Làng và quay về với hơi thở. Mỗi sáng trong giờ thăm khám, tôi được bác sĩ hỏi về những phần trong cơ thể đang bị đau nhức. Sau giờ đó, mẹ thường hướng dẫn tôi thực tập thiền buông thư, nhờ đó mà sáng nào tôi cũng dành thì giờ gửi tình thương và niềm biết ơn đến cơ thể mình. Thực tập thiền buông thư cũng giúp tôi dần nhận diện được những phần nào trong cơ thể không còn bị đau nhức, dù đôi khi đó chỉ là ngón chân áp út. Ngay khi biết mình bị bệnh, tôi bắt đầu thực tập chánh niệm và tôi thấy dù đang bị bệnh nhưng sự trị liệu đã bắt đầu xảy ra.

Cha tôi là bác sĩ. Còn mẹ tôi thường được mời dạy vẽ tại các trường tiểu học và trung học nên từ nhỏ tôi đã được gần gũi với nhiều thầy cô giáo. Từ những nhân duyên đó cùng với trải nghiệm về bệnh tật, tôi trở nên quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho những người đang làm các công việc phụng sự cộng đồng như giáo viên, bác sĩ,… Những yếu tố này đã tạo cảm hứng cho tôi trong việc tìm hiểu và nghiên cứu cách thức áp dụng sự thực tập chánh niệm vào lĩnh vực y tế.

 

từ trái sang: Sc. Châu Nghiêm, Thầy và Elli, năm 2013

 

Niềm cảm hứng trong tôi lớn thêm trong quá trình tôi học thạc sĩ. Thời gian đó, bên cạnh tập trung nghiên cứu về việc lồng ghép chánh niệm vào lĩnh vực giáo dục, tôi còn giữ vai trò điều phối viên của chương trình Wake Up Schools – một chương trình được Thầy và tăng thân khởi xướng nhằm hỗ trợ việc đem chánh niệm vào giáo dục. Trong quá trình học sau đại học, tôi được biết đến các nghiên cứu khoa học về tình trạng kiệt sức vì quá tải của những người làm việc trong lĩnh vực phụng sự cộng đồng, đặc biệt là giáo viên và y bác sĩ.

Những kinh nghiệm sống khác nhau đã khiến tôi quan tâm tìm hiểu làm cách nào để môi trường y tế trở nên lành mạnh, nuôi dưỡng, giúp các bác sĩ và nhân viên y tế được phát triển vững mạnh, thay vì phải rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc quá tải. Tôi nhớ trong buổi nói chuyện với vị hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng thuộc đại học Harvard, Thầy đã đề nghị mỗi thành viên của một cộng đồng y tế phải học cách sống như thế nào để góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh. Thầy cho rằng cách các nhân viên y tế ăn uống, đi đứng, và làm việc cũng có thể tạo nên một môi trường đầy an vui, để rồi bản thân cộng đồng đó sẽ trở thành một yếu tố mang lại sự thay đổi lành mạnh. Một môi trường như thế sẽ mang lại lợi lạc về sức khỏe cho mọi thành viên của cộng đồng, bao gồm cả bệnh nhân, gia đình, y bác sĩ và các nhân viên quản lý trong ngành y tế.

Tôi lớn lên với những lời dạy của Thầy, rồi trải qua quá trình nghiên cứu tìm cách kết hợp giáo pháp vào lĩnh vực giáo dục. Tiếp theo, tôi bắt đầu nghiên cứu phương pháp kết nối những dòng kiến thức khoa học với giáo pháp đạo Bụt. Tôi nhận thấy hai dòng kiến thức này có tiềm năng bổ túc cho nhau. Dù vậy, vẫn luôn có những khó khăn, thử thách về cách trình bày, diễn đạt như thế nào để giáo pháp có thể được chấp nhận trong môi trường thực nghiệm của ngành y tế. Kinh nghiệm mới mẻ của tôi trong vai trò một nhà nghiên cứu khoa học và một thiền sinh dài hạn của Làng Mai đã cho tôi một góc nhìn rất độc đáo, cũng như cơ hội để khai thác những pháp môn mà tôi cho là có thể ứng dụng được cho cả cộng đồng y khoa quốc tế lẫn tăng thân Làng Mai. Vậy là tôi quyết định nộp hồ sơ nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường đại học Toronto với mục tiêu nghiên cứu ảnh hưởng của chánh niệm đối với sức khỏe thân tâm của các bác sĩ và chuyên viên y tế.

Thử thách

Hiện đang có một mối quan tâm ngày càng lớn ngay trong ngành y tế về việc đối trị những vấn đề mang tính hệ thống như vấn nạn kiệt sức vì quá tải trong công việc. Chánh niệm đã được đề cập đến trên khắp các tạp chí khoa học như là một mô hình có tiềm năng giải quyết một cách hữu hiệu các vấn đề này. Trong khi đó, nỗ lực ứng dụng chánh niệm để giải quyết những thay đổi mang tính hệ thống trong ngành y tế lại tồn tại nhiều thử thách đáng kể. Những thử thách này bao gồm các mối quan ngại và nghi ngờ đối với những kiến thức nằm ngoài hệ thống y học chính thống. Cũng có những chướng ngại đi lên từ những yếu tố văn hóa và xã hội lâu đời vốn đã ăn sâu vào trong ngành y.

Để vượt qua những thử thách này, về phía khoa học, tôi dựa trên truyền thống thực chứng và tính chặt chẽ trong lý luận làm cơ sở xây dựng nên một nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, có thể được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học. Đồng thời, tôi nương tựa vào Thầy, tăng thân và sự thực tập của chính tôi. Trong suốt quá trình làm luận án tiến sĩ, tôi đã liên tục quay về lấy thêm cảm hứng từ những bài viết và pháp thoại của Thầy. Trong lúc viết luận án, có đôi lần tôi hình dung Thầy đang nhìn tôi, động viên tôi tiếp tục đi tới dù cho lúc ấy tôi đang mệt mỏi hay đang gặp những thử thách lớn. Chính trong tinh thần này mà bài luận án của tôi đã được mở đầu bằng lời của Thầy:

“Người thiền tập xưa nay vẫn biết nhìn bằng con mắt của mình và sử dụng ngôn ngữ của thế kỷ mình. Sở dĩ như vậy vì tuệ giác là một dòng sống linh động chứ không phải một cổ vật được cất giữ ở viện bảo tàng. Bằng sự sống của chính mình, người thiền giả khơi nối được dòng tuệ giác và làm cho nó tuôn chảy về những thế hệ tương lai. Công trình nối đuốc là công trình của tất cả chúng ta, tất cả những ai biết khai phá để mà đi tới.”Trái tim mặt trời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Những lời này của Thầy đã mang lại cho tôi niềm khích lệ không ngừng trong suốt hành trình nghiên cứu luận án tiến sĩ.

Chánh niệm trong ngành y tế – Sơ lược về bối cảnh

Chánh niệm đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như y tế, giáo dục, luật pháp… Trong các tài liệu khoa học, chánh niệm được công nhận là có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích khác nhau về sức khỏe, bao gồm: làm giảm lo lắng và căng thẳng; giúp làm tăng trưởng hạnh phúc và các khả năng như tự điều hòa, ý thức, điều chỉnh cảm xúc, vận động, học tập, thấu cảm… cũng như giúp làm sâu sắc hơn mối liên hệ giữa các vùng não bộ có liên quan đến những “hành vi có ích cho xã hội” (prosocial behaviors) như là lòng từ bi.

Trong lĩnh vực y khoa, các chương trình được gọi là Những can thiệp dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Interventions – viết tắt là MBIs), đã được nghiên cứu để áp dụng cho các nhóm đối tượng bệnh nhân khác nhau: bệnh nhân đang bị các chứng đau nhức kinh niên, các chứng trầm cảm tái phát, bệnh nhân ung thư, những nhóm trẻ vị thành niên mắc phải các chứng bệnh mãn tính và những trường hợp hồi phục sau cai nghiện. Cho đến nay, trong số các chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm đã công bố, chưa có chương trình nào chính thức được xây dựng dựa trên những phương pháp thực tập chánh niệm của Thầy. Vì vậy mà luận án tiến sĩ của tôi mong ước được đóng góp một phương pháp tiếp cận sáng tạo và mới mẻ cho lĩnh vực y tế, đồng thời góp phần tiếp nối công trình của Thầy và tăng thân Làng Mai.

 

Tóm lược công trình nghiên cứu

Công trình nghiên cứu tiến sĩ của tôi đã được tổ chức với sự tham gia của 45 bác sĩ trong các chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật, cấp cứu, y tế gia đình,… Các vị này đã tham gia vào một chương trình thực tập chánh niệm năm tuần, được tổ chức tại một bệnh viện ở Toronto, Canada với tên gọi “Ứng dụng chánh niệm dành cho nhân viên y tế” (Applied Mindfulness training Program for Medical Personnel – viết tắt là AMP-MP). Tôi đã phát triển chương trình này dựa trên quá trình tôi thực tập với Thầy và tăng thân Làng Mai. Chương trình được hướng dẫn bởi David Viafora và Dagmara Urbanowicz – hai vị thiền sinh dài hạn của Làng Mai. Họ là các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

Tôi đã tổ chức hai buổi phỏng vấn các bác sĩ sau khi họ tham gia chương trình nghiên cứu. Dưới đây là một số chia sẻ của họ:

“Tôi cảm thấy hơi thở ý thức thực sự rất hữu ích. Tháng vừa qua, hầu như ngày nào tôi cũng làm phẫu thuật và càng lúc càng bị căng thẳng. Ngày làm việc nào cũng dài và với tốc độ quá chóng mặt, chúng tôi chẳng lúc nào dừng được dù chỉ để ăn một miếng gì hay làm một cái gì khác. Giữa các ca phẫu thuật thường chỉ có được vài phút – tôi thấy rằng chỉ cần dành mấy phút đó để thực tập thở là có một sự chuyển giao tốt lắm. Chỉ cần giữ cho đầu óc minh mẫn tỉnh táo để nhanh chóng đi tiếp qua một ca bệnh khác.”
Bác sĩ khoa mắt

“Tôi nghĩ là chắc chắn tôi sẽ tiếp tục thực tập bởi vì tôi phát hiện ra rằng trong ngày, tôi thấy mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn và một ngày của tôi mà suôn sẻ hơn thì cuối ngày tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi về nhà. Nhờ vậy tôi không mang về nhà những bực bội, khó chịu đã diễn ra trong ngày. Tôi nghĩ, những hơi thở sâu lắng giữa các ca bệnh, những bước chân chánh niệm mà tôi thực tập có tác dụng rất tuyệt vời.”
Bác sĩ chuyên về thấp khớp

“Hơi thở chánh niệm giúp tôi đối mặt với hầu hết tình huống khó khăn. Trong những lúc tương tác với bệnh nhân, nhờ hơi thở, tôi có thể lựa chọn: phản ứng ngay hay có thể dừng lại (dù chỉ trong một giây thôi). Khi thực sự được buông thư, ngay lập tức ta có thể lựa chọn để hành động khác đi, tốt đẹp hơn.”
Bác sĩ Phẫu thuật

Tôi vô cùng biết ơn mỗi thành viên trong chương trình đã chia sẻ những trải nghiệm và câu chuyện riêng của họ. Khi viết xuống những dòng này, tôi nhớ đến một chuyên viên phẫu thuật. Ngay buổi đầu tiên của chương trình, vị ấy đã phát biểu rất thẳng thừng là không tin vào “mấy cái thứ chánh niệm” này. Và rồi trong buổi phỏng vấn sau khi chương trình kết thúc, chính vị ấy lại khẳng định rằng mình đã cảm thấy “phải lòng tiếng chuông” và dự tính cuối chương trình sẽ “trộm chuông mang về” để thỉnh cho các đồng nghiệp thực tập trước mỗi buổi phẫu thuật.

Không bắt đầu, không kết thúc

Trong phạm vi bài viết, tôi không thể chia sẻ hết được công việc mang pháp môn thực tập của Thầy vào lĩnh vực y tế. Nhưng Thầy cũng dạy rằng nếu biết nhìn sâu thì ta sẽ không thấy có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Cho nên trong tích môn, dù bài viết đang được khép lại, nhưng khát khao được tiếp nối công trình này, được phối hợp với cộng đồng xuất sĩ và cư sĩ của Làng Mai mang thực tập chánh niệm đến với ngành y tế để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, đầy tình thương, vẫn đang được tiếp tục nuôi lớn trong tôi.

 

WakeUp Toronto, năm 2018

Cuộc cách mạng vẫn đang tiếp diễn

(Thầy Chân Trời Đại Đạo)

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Con rất thương đất Mẹ. Chẳng khi nào xem những bộ phim tài liệu về các vấn đề khủng hoảng môi sinh mà con không cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Chính trong hoàn cảnh đó, một loạt các sự kiện diễn ra đã truyền cho con động lực để không đánh mất hy vọng mà hướng tới làm những gì mình có thể, ngay tại nơi mình sống, với những gì sẵn có, để giúp đất Mẹ thân yêu. Đất Mẹ có thể không chỉ là một danh từ mà còn là một động từ. Đất Mẹ thương yêu chúng ta và cũng cần được chúng ta trân quý, nuôi dưỡng và chăm sóc.

Mùa an cư năm 2019, đại chúng đã được tham gia một chuỗi các buổi sinh hoạt về chủ đề môi trường nhằm tìm cách giảm thiểu dư lượng carbon và rác tái chế. Sự kiện này đã khiến con thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về rác thải. Trong một buổi sinh hoạt, đại chúng được xem phim tài liệu về một thành phố ở Nhật Bản, nơi đã hiện thực hóa mục tiêu không rác thải thông qua nỗ lực tập thể của toàn bộ dân chúng. Thành phố đó đã lập nên một trung tâm tái chế rác nhằm cố gắng tái sử dụng tất cả mọi thứ.

Từ lúc đó, con bắt đầu nhìn lại vấn đề thải rác ở tu viện và thử tìm xem có cách nào giảm thiểu dư lượng carbon cũng như lượng rác mà chúng ta thải ra. Hiện giờ, lối tư duy thông thường của chúng ta là chở hết những thứ bỏ đi ra trung tâm tái chế. Chúng ta chẳng nghĩ gì nhiều tới chuyện xảy ra sau đó với đống rác thải. Đấy là vấn đề của người khác.

 

 

Những buổi sinh hoạt đã cho chúng con biết chuyện gì diễn ra sau đó. Chúng con đã thấy lượng rác khổng lồ không được tái chế. Có những thứ được tái chế nhưng không phải tại chỗ mà được vận chuyển tới những khu xử lý rác lớn. Quá trình vận chuyển tất nhiên sẽ thải ra thêm lượng khí carbon. Chúng con đã thấy rõ là tìm cách xử lý rác ngay tại chỗ có thể giúp giảm thiểu không chỉ nhiên liệu chạy xe mà cả lượng rác bị chôn xuống đất.

Khi học về duyên khởi, ta thấy rằng bởi vì vô minh mà ta nhìn mọi thứ như những hiện tượng hiện hành riêng biệt, và ta không thể thấy được mối liên hệ qua lại giữa chúng. Nhìn một thanh củi cháy trong lò ta không thấy được lưỡi cưa đã cắt xẻ vào thân cây, ta không thấy được bao nhiêu lượng nhiên liệu hóa thạch đã bị đốt cháy để phục vụ quá trình cưa xẻ gỗ. Nhìn chiếc áo thun ta không thấy được bao nhiêu nước đã được dùng để làm ra chiếc áo ấy. Chuyện vứt bỏ một món đồ ra khỏi tu viện đối với ta khá dễ dàng và ta không hề quan tâm đến chuyện món đồ bị vứt bỏ đó sẽ trở thành cái gì, hay chuyện gì sẽ xảy ra với hành tinh chúng ta do hành động thải rác này. Liệu chúng ta có thấy được tương lai của các loại bao bì chứa mỗi món đồ chúng ta mua về không? Thật khó để tính đến điều này khi chúng ta chọn đồ.

Tận dụng nước mưa

Trong những buổi sinh hoạt, có một nhóm thảo luận sâu về vấn đề nước nói chung và vấn đề lãng phí nước sinh hoạt nói riêng. Một sự thay đổi có tính cách mạng bắt đầu diễn ra từ ngày đó. Dần dà con phát hiện ra có vài thùng trữ nước mưa nằm đây đó không được dùng đến. Chúng con đã mang từng thùng một đến để gắn nối với các hệ thống máng xối và, nhanh đến không ngờ, chúng ta đã có tới năm thùng trữ nước mưa được đưa vào sử dụng và trữ được tổng cộng 2,500 lít. Chẳng tốn một đồng xu nào vì chúng con tận dụng những ống nước bỏ ra từ các công trình sửa chữa nhà cửa, chỉ mất chút công sức của anh em. Khi sắp đặt lại hệ thống này, chúng con nhận ra rằng khi những bể chứa nước mưa đã đầy thì dù trời mưa mình cũng không thể trữ thêm nước được. Nhưng vào cùng khoảng thời gian đó, đại chúng bắt đầu mua dầu ăn đựng trong các thùng 20 lít. Sau khi dùng hết dầu, các thùng nhựa này sẽ được đem đi tái chế. Thấy vậy, chúng con đem chúng đi rửa sạch và dùng chứa nước mưa. Các bể chứa nước đã trở thành một đàn bò sữa mang lại cho đại chúng vô vàn sữa-nước-mưa.

Chúng con đã tận dụng nước mưa có được vào những việc gì? Khi chúng con trồng cây, thật tiện lợi khi có những thùng chứa nước di động. Sơn Hạ nằm dưới chân đồi và thường rất dễ bị sình lầy mỗi khi trời mưa nên chúng con đặt một thùng chứa nước mưa để rửa giày dép thay vì dùng nước máy. Hai thùng chứa khác được thiết kế để hứng và trữ nước mưa từ mái nhà kho. Chúng con sử dụng nước mưa ở đây để ngâm và xử lý giấy carton cũng như để tưới cây trong vườn.

Giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Khi nhìn lại các loại rác thải được chở trên các xe đổ rác đi đến khu tập trung rác tái chế của địa phương (các xe này vốn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là xăng hoặc dầu), chúng con thấy rằng nguồn rác chủ yếu là bìa carton và thủy tinh. Không những mình phải tiêu hao bao nhiêu là nhiên liệu hóa thạch để chở rác đến khu tập trung rác tái chế, mà ở đó thứ rác này cũng chưa được xử lý ngay. Chúng sẽ được chở đi tiếp, trên những hành trình xa hơn, và cần phải dùng thêm nhiều nhiên liệu nữa mới đến được những khu vực tập trung rác lớn hơn để được xử lý. Con thích đạp xe đạp và đã quyết định đạp xe chở tất cả rác thải thủy tinh đến nơi nhận xử lý loại rác này ở đỉnh đồi khu Puyguilhem. Làm vậy vừa tốt cho sức khỏe của con, vừa có ích lợi cho môi trường, và cũng truyền thêm cho con động lực, cho con thấy mình đang đóng góp phần của mình vào việc giải quyết vấn đề môi trường.

Làm phân hữu cơ và củi đốt từ bìa cứng (carton)

Hiện giờ chúng con đang thực hiện việc xé vụn các loại bìa carton và trộn thêm với rác cỏ cắt trong vườn để chuyển hóa chúng thành một loại phân hữu cơ (compost) rất tốt cho đất. Chúng con trữ lượng phân này trong các vỏ bao đựng gạo được nhà bếp cung cấp khá thường xuyên. Thật mãn nguyện khi chứng kiến quá trình chuyển biến từ việc đảo đều cỏ và vụn bìa cứng để giữ cho hỗn hợp này được thông thoáng đến việc nhìn thấy các chú giun xuất hiện và rồi cả đống rác chuyển thành compost màu nâu sẫm giàu dinh dưỡng.

 

 

Các loại rác thải giấy khác và các loại bìa carton thô được xén nhỏ và ngâm trong nước mưa trước khi được dằm ra và trộn với mạt cưa thu từ khu vực xưởng gỗ, rồi được nén lại thành các thanh củi để đốt lò. Chúng con tự chế ra máy làm củi ép đó từ một cái kích nâng xe cũ và một số đồ kim loại phế thải.

Lúc đầu, các thanh củi ép quá dài nên chúng hay bị cong lại hoặc rã ra trong quá trình làm khô. Thực ra trước đó, con đã làm các thanh củi ép ngắn hơn, nhưng làm như vậy tốn nhiều công sức quá. Bởi thế, con đã làm chúng dài ra, và khi còn ướt chúng rất mềm nên con đã làm vỡ rất nhiều trong quá trình đảo chúng cho khô. Dần dần, chúng con đã tìm ra được tỉ lệ độ dài và đường kính lý tưởng nhất cho các thanh củi ép, khiến việc sản xuất và sấy khô chúng một cách tự nhiên bằng gió, nắng hiệu quả và dễ dàng hơn hẳn. Trong quá trình học hỏi và cải tiến cách làm những thanh củi ép này, có những lúc thật là nản nhưng cũng đem lại cho chúng con rất nhiều động lực.

Việc có đồng loạt các hoạt động tái chế từ việc trữ nước mưa tới xử lý giấy carton, tận dụng mạt cưa và rác từ vườn rau đã biến rất nhiều loại rác thải trở nên những thứ hữu ích, vừa giúp chúng con giữ ấm trong mùa đông, vừa giúp thêm trong việc trồng trọt. Nó cũng giúp giảm thiểu việc sử dụng lượng củi đốt lò mua từ các xưởng cưa phải dùng tới nhiên liệu hóa thạch để cưa đốt, và giảm bớt khói bụi thải ra từ ống khói lò sưởi.

Chậu trồng cây Tetrapot

Trong hai năm qua chúng con cũng đã chật vật tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tái chế một lượng lớn vỏ hộp đựng sữa thực vật. Các vỏ hộp sữa do Tetrapak sản xuất này chiếm đến một phần ba các thùng đựng rác tái chế màu vàng. Mình không thể ép mỏng các hộp này vì khu tập trung rác tái chế chỉ xử lý được chúng khi chúng còn nguyên vẹn. Chúng là một loại hỗn hợp cán bồi giấy – nhựa – nhôm rất khó để tái chế. Lâu lâu, con lại cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề này. Đôi khi con tìm ra những ý tưởng rất hài hước nhưng không thực sự có ích lợi gì. Con tiếp tục giữ chuyện này trong tâm trí và đợi câu trả lời xuất hiện.

Một ngày nọ chúng con được rủ đi giúp gieo hạt bí ở vườn rau hữu cơ. Chúng con gieo hạt bí vào các chậu đen nhỏ làm bằng một loại nhựa rất mỏng manh mà lại không thể tái chế được. Mấy chậu này cứ liên tục nứt vỡ mỗi khi dồn thêm đất hay phân hữu cơ vào. Chúng con nhận ra là mình có thể cắt mấy cái hộp nhựa tetrapak đó làm đôi và có thể làm thành hai cái chậu nhỏ để trồng cây vào thay vì đi mua. Các bạn làm ở Nông trại Hạnh phúc (Happy Farm) đã rất hạnh phúc khi thử nghiệm cách mới này. Từ đó, hàng ngàn hộp nhựa tetrapak mà chúng con thải ra mỗi năm lại có được một đời sống mới. Chúng bền hơn rất nhiều so với mấy cái chậu nhựa nhỏ phải đi mua bên ngoài. Vậy là chậu cây Tetrapot được ra đời.

Bất cứ dự án nào cũng gặp phải những khó khăn nho nhỏ lúc ban đầu. Chúng con phải rửa kỹ các hộp sữa vì các bạn chuột, bị thu hút bởi chút sữa dính lại trên hộp, sẽ rất hào hứng cắn vỏ hộp tạo thành những cái lỗ thật to. Chúng con cũng phải nhắc mọi người nhớ không ép mỏng hộp. Còn những cái nắp hộp sẽ là chủ đề của một dự án tái chế rác khác trong tương lai!

Từ rác thải tới nguồn vật liệu hữu ích

Điều chúng con đã khám phá ra là một khi mình bắt đầu nhìn một đồ vật không là rác, mà là một nguồn tiềm năng hữu ích thì mình sẽ tạo ra những điều kiện để nguồn vật liệu đó trở nên hữu ích. Chúng con được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh khi nhận ra tăng thân mình, dù chỉ là một cộng đồng nhỏ, có thể làm được gì để giúp ích cho môi trường, chỉ với những gì có sẵn trong tay. Cuộc cách mạng còn đang tiếp diễn.

Hiện giờ con thấy rõ là chúng ta cần phải phân loại rác kỹ hơn. Khả năng tái sử dụng rác thải xoay quanh việc chúng được phân loại. Điều này có nghĩa là chúng ta phải suy tính nhiều hơn về chỗ chứa từng loại rác thải. Nhưng đó là cách duy nhất để thực hiện tái chế và tái sử dụng. Ví dụ, cửa hàng trực tuyến của Làng phải gửi sản phẩm qua đường bưu điện. Vì vậy, chúng con bắt đầu đặt một thùng rác mới chỉ dành cho phong bì bìa cứng và phong bì có lót xốp bong bóng (bubblewrap). Tất cả các loại phong bì này đều được đưa đến cửa hàng trực tuyến để được sử dụng lại. Không đặt thêm thùng đựng rác tái chế mới thì khó có thể làm điều này.

Thật may mắn là trong tăng thân có khá nhiều công việc khác nhau: trang trại, văn phòng, cửa hàng… và dù chúng ta sống ở đâu, chúng ta cũng là một phần của một cộng đồng rộng lớn hơn. Ví dụ như việc dùng lại các sọt đựng rau củ bằng gỗ mà mình hay có khi đi chợ về. Ban đầu con chặt nhỏ chúng ra để nhen lửa lò sưởi. Sau đó, một thầy đề xuất mang chúng đến cho người trồng rau ở gần đây. Và bây giờ thì chúng con đưa chúng đến một khu chợ địa phương để sử dụng lại. Bằng cách đó, người ta ít mua những cái mới hơn. Vậy là một số thứ được tái sử dụng ngay trong tu viện, một số thứ khác ở bên ngoài. Chúng con chỉ cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội và tinh thần tái chế rác phát triển một cách tự nhiên.

Xuân yêu thương ngập tràn năm tháng

Kính thưa quý vị đạo hữu và ân nhân!

                     Sắc xuân rực rỡ trời phương ngoại

                     Thơ hát yêu thương rộng tháng ngày

   Một mùa Xuân mới đang về, luân chuyển cùng mạch sống tinh khôi của đất trời. Mùa yêu thương, mùa đoàn tụ, mùa tỉnh thức của vạn loài sau một mùa đông giá lạnh ẩn mình. Chân Không nhớ lại ngày nào năm 1964, trong chuyến đi cùng Thầy hướng về miền Trung, ngược dòng sông Thu Bồn cứu trợ bão lụt cho đồng bào trong cơn hoạn nạn, giữa cảnh đau thương ly tan, Thầy đã chạm vào tột cùng nỗi đau của nhân loại, nhỏ chín giọt máu đào vào hồn thiêng đất nước với lời khấn nguyện: “Bàn tay tôi đây xin các anh nắm lấy, xin các em nắm lấy. Tôi muốn nói cùng các anh và các chị. Dù sao thì chúng ta cũng phải can đảm để mà lo lắng cho trẻ thơ, cho ngày mai” (Bài thơ Ruột đau chín khúc, báo Thiện Mỹ, số 13 ra ngày 09.02.1965). Đôi bàn tay ấy nhỏ bé mà kiên trì, bền bỉ. Đôi bàn tay ấy ấm áp tình thương. Đôi bàn tay ấy trọn vẹn 60 năm. Bây Giờ Và Ở Đây, hàng ngàn đôi bàn tay tiếp nối, âm thầm và lặng lẽ trao gửi bao giọt nước từ bi thanh lương đến với đồng bào khắp chốn.

 

 

        Kính thưa quý vị!

      Trong những năm qua, những biến động kinh tế thế giới và ảnh hưởng của đại dịch Covid phần nào đã làm hạn chế hoạt động của chương trình Hiểu và Thương, và trên thực tế, một số chương trình thiện nguyện đã phải cắt giảm bớt so với những năm trước. Tuy nhiên, nhờ bao trái tim yêu thương, bao tấm lòng san sẻ tới những mảnh đời còn khó khăn, nhờ sự dấn thân không ngừng của quý vị Tiếp hiện trong hoạt động phụng sự xã hội cũng như của hàng ngàn đôi bàn tay của đức Bồ tát Quán Thế Âm, Chương trình vẫn cố gắng tiếp tục thực hiện những công tác thiện nguyện trong tinh thần lan tỏa tình đồng bào tương thân tương ái. Dưới đây là những công tác mà Chương trình đã thực hiện được trong năm qua:

 Chương trình hỗ trợ các trường mầm non bao gồm:

  1. Hỗ trợ tiền ăn bán trú cho hơn 3.000 trẻ ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, và một số tỉnh miền Nam như Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre. Với tình hình khó khăn hiện nay, Chương trình chỉ có thể hỗ trợ tiền ăn trưa với số tiền 66.000đ/trẻ/tháng ở Quảng Trị, Huế và 80.000 đ/ trẻ/ tháng ở miền Nam. Tuy số tiền không đáng là bao nhưng phần nào hỗ trợ thêm một chút dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của các cháu nhằm khuyến khích gia đình yên tâm cho các cháu đến trường. Và niềm vui vào mỗi năm học mới, các cháu đều được nhận những bộ đồng phục Hiểu và Thương.

2.   Hỗ trợ lương cho các cô giáo tại các nhóm trường:

* Ở Bình Thuận là nhóm trường do chương trình Hiểu và Thương xây dựng và quản lý, có khoảng 40 cô giáo được hỗ trợ với mức lương 1.200.000đ/người/ tháng.

* Ở Thừa Thiên Huế, nhóm trường do các chùa quản lý có 15 cô giáo và bảo mẫu được hỗ trợ với mức lương 1.000.000đ/người/ tháng và 43 cô giáo thuộc nhóm trường công lập cũng được hỗ trợ thêm 400.000đ/ người/ tháng.

* Ở Quảng Trị, chương trình hỗ trợ cho 130 cô giáo đang công tác tại nhóm trường công lập 380.000đ/ người/ tháng.

  Với hoạt động “GIÚP EM ĐẾN TRƯỜNG”, chương trình đã trao tặng học bổng cho 650 em học sinh với giá trị 1.200.000đ/em/năm và 260 sinh viên với hỗ trợ 2.000.000đ/em/năm.

 

Sư cô Chân Không cùng các bé

   Đồng thời, chương trình vẫn tiếp tục quan tâm hỗ trợ đến 618 người già neo đơn, tàn tật, khó khăn với quà tặng 130.000đ/người/tháng.

   Riêng ở các tỉnh khu vực miền Nam, chương trình có yểm trợ thêm mái tôn cho 30 gia đình nghèo và 10 giếng tưới nước cho những hộ nông dân nghèo, giúp cho bà con có thêm điều kiện canh tác sinh sống.

   Chương trình vẫn duy trì hoạt động thường niên vào mỗi cuối năm như Trao tặng quà Tết cho các hộ nghèo, ở Quảng Trị có 400 phần quà với trị giá 300.000đ/ phần, ở Thừa Thiên Huế có 500 phần quà, và có 1440 phần quà với trị giá 350.000đ/ phần ở các tỉnh miền Nam. Tổng số có 2.340 phần quà được trao gửi đến đồng bào khó khăn như một chút yêu thương sẻ chia, đón Tết thêm ấm áp.

   Bên cạnh đó, vào những tháng 10, 11 năm 2023, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ quý vị ân nhân và sự quan tâm, chia sẻ, động viên trực tiếp từ quý thầy, quý sư cô ở tu viện Từ Hiếu – Diệu Trạm đại diện cùng với các bác trong Tăng thân Tiếp hiện Huế và Quảng Trị, 1.200 phần quà đã được cấp tốc san sẻ đến với bà con miền Trung sau đợt thiên tai bão lụt nặng nề. Và đây là một trích đoạn ngắn từ chia sẻ của một bác Tiếp hiện: “Sư cô ơi, chuyến đi tuy quá vội vàng vì vừa nhận được thông tin chiều hôm kia thì đến chiều hôm qua, đoàn đã triển khai đi liền để kịp thời cứu trợ bão lụt ở các xã Quảng Thành, Quảng An và Quảng Thọ, thuộc huyện Quảng Điền, TT Huế, những nơi bị ngập lụt rất nặng. Nhưng đi đến đâu cũng được sư cô Như Hiếu chia sẻ và quý sư cô hướng dẫn hát những bài thiền ca cho bà con, ai cũng hạnh phúc lắm! Đi đến đâu cũng nhận được ánh mắt trông chờ và ngời sáng của bà con nên chúng con hết mỏi mệt luôn.” Những món quà tinh thần vẫn không ngừng tiếp bước trên những nẻo đường lan tỏa yêu thương.

   Đầu năm nay, nhân dịp lễ Đại Tường của Sư Ông, Chân Không mong muốn tiếp tục hạnh nguyện “Giọt nước cánh chim” để dâng lên cúng dường Thầy và cũng ý thức rằng Thầy vẫn luôn đồng hành cùng chúng con trên con đường thiện nguyện hướng về đồng bào, hướng về quê hương đất nước Việt Nam. Từ chuyến cứu trợ bão lụt dọc sông Thu Bồn năm Giáp Thìn 1964 cùng Thầy đến 2024, 60 năm hành trình vẫn còn tiếp nối. Vào ngày 19.01 vừa qua, Sư Cô Chân Không và các vị thiện nguyện lại tiếp tục lên đường với sứ mệnh trao gửi yêu thương. Có 400 phần quà với trị giá 500.000 đ/phần đã được trao tặng đến bà con có hoàn cảnh khó khăn ở các làng xã quanh khu vực sông Thu Bồn, 200 phần quà ở các xã Quế Sơn, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cùng 100 phần quà dành cho đồng bào ở xã Hòa Phú, Hòa Vang, vùng miền núi phía Tây thuộc Tp. Đà Nẵng.

 

Sư cô Chân Không niệm danh hiệu Bồ tát trên sông Thu Bồn

   Kính thưa quý vị ân nhân!

   Vẫn Xuân đoàn tụ, vẫn còn bên nhau!

   Một mùa Xuân mới đang đến, chúng ta vẫn còn có nhau. Đó là tin vui nhất. Kính chúc quý cô bác, quý anh chị và gia quyến một năm mới với thật nhiều an lành và hạnh phúc!

  Chân Không vẫn luôn tin rằng chỉ cần có trái tim thì mọi hành động sẽ trở nên hành động của thương yêu chân thật. Ngọn lửa của trái tim khi được sẻ chia không làm mất đi ánh sáng của ngọn lửa mà ngược lại, càng làm cho không gian của ánh sáng càng lan rộng, càng ấm áp trên khắp địa cầu. Lời cảm ơn chân thành đến quý vị ân nhân đã luôn chung tay, góp sức để cho Xuân yêu thương ngập tràn năm tháng!

  Kính quý và biết ơn,

  Sư cô Chân Không.

 

Kệ truyền đăng năm 2023 – tại Úc

Vào ngày 11/4/2023 tại Bringelly, Úc, thầy Pháp Hải và sư cô Lương Nghiêm đã thay mặt tăng thân truyền đăng cho:

Thầy Thích Chân Trời Bình Minh
(Thế danh: Trương Văn Sen
Pháp danh: Tâm Đức Lượng)

Tâm tạo trời bình minh
Toả sáng khắp mười phương
Xuyên suốt qua ba cõi
Hiện tại là quê hương
Đức căn dày muôn kiếp
Thành quả bậc trượng phu
Được hương gió lan toả

 

 

Chân Hỷ Tạng
( Thế danh: Faye Nhi Nguyen
Pháp danh: Tâm Hướng Dương)

By seeing the nature of affinities planted since beginningless  time
The authentic fruit of insight reveals itself as a storehouse of joy
Walking this ancient path suddenly we realise that there was never a time when we were not wonderful together
Sunflowers waving in the gentle breeze quietly reveal the wondrous Dharma Body

 

 

Chân Minh Hải
(Thế danh: Daya Heather Jepsen
Pháp danh: Peaceful Courage of the Heart)

The Ocean of Wisdom is our ancient and true inheritance 
The bright eyes of the Awakened One contemplate the nature of all things and see no coming and no going
On her path of return, she carries the peaceful light of the moon
As a gracious offering to each living being

 

 

 

 

Một lời nói chửa kịp thưa

(trích bói Kiều trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 tại Làng Mai)

Con kính bạch Sư ông! Con tới từ Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris. Cách đây 15 năm, nhờ ba mẹ dẫn con tới đây, con mới có ngày hôm nay. Nhờ pháp môn của Sư Ông con đã vượt qua rất nhiều đau khổ cho nên con muốn chia sẻ với những người trẻ và giúp đỡ họ. Con mong có sức khoẻ, bình an và xin cụ Nguyễn Du chỉ dẫn cho con để con tiếp tục đi trên con đường tâm linh này.

Cụ Nguyễn Du cho chị quẻ 38:

“Một lời nói chửa kịp thưa

Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm”

 

Sư Ông giải Kiều:

“Một lời nói chửa kịp thưa”

Trong văn mạch của truyện Kiều, hôm đó ba chị em đi chơi xuân và gặp một nấm mộ không có ai thắp hương, Kiều mới hỏi: “Tại sao hôm nay là tiết Thanh minh mà chỗ này không có ai tới thắp hương, để lạnh lẽo như thế?”. Vương Quan nói: “Đây là nấm mộ của một người ca sĩ rất nổi danh, ngày xưa biết bao nhiêu người tìm tới; nhưng khi chết rồi thì không có ai để ý tới nữa.” Kiều rất cảm động và nghĩ rằng: “Hồi còn sống thì ai cũng muốn tới, nhưng bây giờ chết rồi thì hoàn toàn cô đơn”.  Tương tự như số phận của những ngôi sao điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng trên thế giới được hâm mộ trong đời sống, nhưng khi chết thì rất cô đơn.

Khi Kiều nghe như vậy thì Kiều khóc, bởi vì Kiều rất nhạy cảm và Kiều nghĩ sau này mình sẽ thành như vậy. Mấy em Vương Quan và Thúy Vân mới nói: Chị thật là tức cười, khi không mà khóc cho những người đã chết từ bao nhiêu năm rồi. Kiều mới nói rằng: “Những người tài hoa, khi mà họ chết thì họ chết thân xác thôi, còn tài hoa của họ thì vẫn còn. Bây giờ chị mới làm một bài thơ để tặng cho Đạm Tiên và nếu mình ngồi chờ một chút thì sẽ thấy có sự đáp ứng.” Vừa nói xong thì có một cơn gió chợt tới.

“Một lời nói chửa kịp thưa”,  nghĩa là vừa mới nói ra thì người kia đã đáp ứng liền lập tức, không có chờ đợi gì hết. Ở trong văn mạch này, câu hỏi vừa đặt ra thì câu trả lời tới liền lập tức. Câu trả lời tới liền lập tức thì không tốt lắm. Bởi vì như vậy là câu trả lời của mình giống như một phản ứng tức thời. Mình có những kiến thức, những kiến thức có sẵn và khi mình nghe câu hỏi thì mình trả lời liền, mình chưa để cho câu hỏi đi vào trong lòng để có cái thấy sâu sắc về câu hỏi đó mà đã vội vã trả lời, giống như chuyên viên thì không tốt. Cho nên Cụ nói rằng: Nếu sau này có các em hay có người cần mình giúp, hỏi câu gì thì mình phải lắng nghe, khoan trả lời, đừng vội vã trả lời liền lập tức, thì không tốt. Đó là nghệ thuật của những nhà tâm lý. Phải học theo cụ Nguyễn Du, “một lời nói” đừng trả lời liền, hãy đón nhận câu hỏi để cho nó thấm vào lòng, cho người kia có cảm tưởng là đang được lắng nghe, đó là điều rất quan trọng. Mình làm nghề này thì mình phải tu mới làm được, nếu mình không lắng nghe được chính mình thì mình không lắng nghe được những người kia. Những người trẻ có những nỗi khổ niềm đau của họ, họ tới cầu mình mà nếu mình không lắng nghe, không hiểu được mình thì mình không thể lắng nghe được họ. Câu này rất quan trọng, phải thực tập lắng nghe, đừng vội vã trả lời bằng kiến thức của mình. Đó là lời khuyên rất cụ thể của thi sĩ.

 

 

Ngày xưa Thầy có xuất bản thơ vào năm 1949. Trong tập thơ đó có một hoạ sĩ vẽ bức tranh “Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm” rất là đẹp. Có một cái rèm và có một bình hương dâng khói lên, cái khói đó làm cho bức rèm kia rất là hay. Cảnh tượng đó là một cảnh tượng rất nhẹ nhàng, rất đẹp. Mình có sự thanh thản, mình có sự tươi mát, mình có nếp sống tâm linh. Tại vì hình ảnh khói hương xông lên diễn tả một cái gì rất là tinh khiết, rất là nhẹ nhàng, rất là thoải mái. Khói trầm xông lên và có bức rèm che gió, che sương, nó có sự ấm áp, có sự nhẹ nhàng, có sự thanh thoát. Trước tiên mình phải có được cái đó. Tức là mình phải tu sao để buông bỏ những căng thẳng, sầu khổ trong lòng mình. Mình phải có trạng thái nhẹ nhàng đó thì mình mới giúp được người khác. Khi người khác tới ngồi với mình, mình chưa nói gì hết, chưa dạy gì hết mà họ đã thấy khoẻ rồi. Cái đó phải từ mình đi ra, đó gọi là vô hành. Mình chỉ cần ngồi đó thôi, rất là tinh, rất là nhẹ, đây là từ bi. Khi người ta tới ngồi gần mình thì năng lượng của mình đã bắt đầu làm cho người ta khoẻ, nhẹ rồi. Chưa giúp gì hết mà người kia đã được giúp rồi. Đó là phẩm chất của nhà tâm lý trị liệu.

Ở trên đời có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu, họ học nhiều năm về những kiến thức tâm lý, về kỹ thuật, nhưng họ không có được cái đó, lòng họ đầy những khổ đau, bức xúc không xử lý được. Người ta tới tuần này, tuần khác và tuần khác nữa để họ tư vấn, người ta trả tiền cho họ rất nhiều nhưng họ không giúp được nhiều, không hiệu quả, vì trong họ không có sự bình an.

Cho nên nếu mình muốn giúp cho những người tới với mình thì mình phải có sự bình an. Sự bình an có được do thực tập chánh niệm hằng ngày. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở làm sao để có bình an, có hạnh phúc thì lúc đó mình mới thiệt, còn không là mình giả. Mình là tâm lý trị liệu giả hiệu, chỉ để ăn tiền người ta thôi. Thầy đã tổ chức những khoá tu cho các nhà tâm lý trị liệu, hàng ngàn người tới nhưng phần đông đều đau khổ rất nhiều. Không tự giúp được mình thì làm sao giúp được người khác. Cho nên cụ Nguyễn Du dạy trước hết, mình phải có được sự thoải mái, nhẹ nhàng, tự do trong hình hài mình, trong tâm hồn mình. Cái đó mình phải tu mới có được, phải thực tập, phải ở Làng Mai mấy tháng mới đủ, rồi về nhà mình tiếp tục tu. Ví dụ mình đi bộ từ bãi đậu xe tới phòng làm việc, mình đi sao cho có an, có lạc, có hạnh phúc; đó là một thách thức mình phải làm cho được. Mình làm cho được thì khi mình ngồi là mình đã khoẻ rồi, người kia vô thấy mình, người đó cũng khoẻ, đó là bí quyết của sự thực tập.

 

Tăng thân là Thầy

Thầy thương kính,
Mười một rưỡi đêm rồi, con đã trở lại Hà Nội thật là khuya, sau mấy ngày “công phu” sáng tối; lòng con thao thức mãi, không biết con đã có “tay Thầy trong tay con” chưa. Về với Huế, với núi đồi Dương Xuân, con “đi gặp mùa xuân” để “tiếp nhận gia tài”. Mấy ngày này nước mắt cứ lặng lẽ đua nhau rơi, những cơn xúc động cứ dâng lên, chừng như mưa bay buổi sớm, nhẹ như thinh không, mà thấm đủ nhớ thương vơi đầy. Con thấy đi lên trong con một tình thương sâu nặng, một lòng hàm ơn với Thầy, người đưa đường chỉ lối cho con đi trong cuộc đời này. Khi xá Thầy ở thất Lắng Nghe, con lạy xuống, năm vóc sát đất, giây phút ấy, con không biết làm sao tỏ bày cho đủ công ơn của Thầy. Thầy đã nuôi lớn con, nuôi lớn lòng từ và trái tim con, con đã lớn lên bằng sách, bằng pháp thoại và bằng tình thương của Thầy.

 


Về đến Diệu Trạm, con lên thiền đường Hương Cau để đảnh lễ Thầy. Thiền đường hôm nay trang nghiêm và đẹp quá. Con thầm biết ơn quý thầy, quý sư cô đã hết lòng phụng sự Thầy để các học trò từ phương xa về được thưởng thức thiền vị, được sống trong giây phút hiện tại đẹp đẽ và nhiệm mầu. Thiền đường không chỉ đẹp bằng con mắt nghệ thuật hay bàn tay khéo léo của quý thầy, quý sư cô. Khi con được chiêm ngưỡng cành đào phớt hồng vươn nhẹ đến bức chân dung rất tĩnh lặng và bình an của Thầy, trong khi con được ngắm nhìn “cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, thấy bông cúc đồng yêu thích của Thầy, con cảm nhận được tình thương nghìn trùng của quý thầy, quý sư cô gửi gắm trong khi sửa soạn thiền đường. Con thấy được Thầy ở rất gần con, con như nghe được tiếng Huế rất nhẹ của Thầy trong những bài pháp thoại, con thấy được hình ảnh Thầy nâng chén trà lên thưởng thức và ngắm nhìn đại chúng trong những khóa tu mùa hè ở xóm Thượng hay xóm Hạ. Đúng là “đám mây không bao giờ chết”, và con thấy được Thầy trong thiền đường Hương Cau. Cũng ở thiền đường này, lần đầu tiên con được đến Diệu Trạm, tiếp nhận năm giới để chính thức trở thành học trò của Thầy, con đã khóc nấc lên khi tụng bài “Tâm kinh Tuệ giác Qua bờ”. Trong bài pháp thoại, thầy Pháp Khâm có dạy rằng cuộc đời Thầy được thể hiện qua Năm Giới Tân Tu. Trong nhiều hạnh ngộ ở đời, con biết mình đã là người may mắn, bởi “con đã có đường đi”, con đã có Thầy trong từng bước chân và hơi thở.


Thầy kính thương,
Núi đồi Dương Xuân những ngày giáp Tết đẹp quá. Những cây hoa trà trổ bông rực rỡ, một vạt cải được quý thầy cô gieo hạt đã trổ bông làm con nhớ bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa vàng”. Đồi thông xanh ngắt in bóng trên nền trời và con đường đất đỏ dập dìu bóng áo nâu của các vị cư sĩ và xuất sĩ, Thầy có thấy các con của Thầy đã trở về với Thầy như giấc mơ năm nào không ạ? Trời lạnh, quý thầy, quý sư cô còn chuẩn bị rất nhiều bếp lửa để những người con của Thầy được sưởi ấm ngày đông. Nhìn thấy bếp lửa hồng, con lại nhớ một bài pháp thoại của Thầy. Thầy dặn bếp lửa hồng là hình ảnh của sự đoàn viên, tình thân ấm áp, là hạnh phúc tròn đầy. “Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm ở đây (Pháp) hay ở bên nhà (Việt Nam)? Có những người trong chúng ta thực sự không có một bếp lửa. Nghĩ tới nhà thì chúng ta không có hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có một bếp lửa hồng. Chúng ta chưa thực sự có một bếp lửa.” Những lời của Thầy thực sự là những viên ngọc quý, là gia tài cho con. Mỗi khi thất vọng, mỗi khi buồn, mỗi khi những hạt giống khổ đau nảy mầm, như là “sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi/ bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh/ tác phẩm dở dang còn đó…”. Con lại nương vào tình thương của Thầy, nương vào hơi thở chánh niệm để mà “chỉ cần một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi/ cũng đủ gọi về lửa đỏ” cho lòng mình bình an trở lại.

 


Thưa Thầy,
Trong ngày quán niệm thứ hai, thầy Pháp Khâm có hỏi đại chúng “làm thế nào để đưa Thầy đi về tương lai”, để tiếp nối Thầy thật đẹp đẽ. Thầy Pháp Khâm còn dặn phải tu học miên mật làm sao cho Sư Ông không “lỗ vốn”, phải trở thành một vị Bụt toàn giác mới xứng đáng với gia tài Sư Ông trao truyền. Câu hỏi lớn quá, mà con còn nhiều vụng dại, con cũng không biết mình làm có nổi không, để Thầy thực sự có mặt trong con và con thực sự “nuôi lớn” được Thầy. Con lại thầm đọc “Tin vui”, để biết “Tin vui nhất vừa mới đến/Là bạn có tính Bụt trong lòng/ Hạnh phúc/ Vững chãi/ Và thảnh thơi/Là những gì bạn và tôi/Đều có thể làm ra được.” Con nguyện ăn cơm trong chánh niệm, bước chân thảnh thơi, nương tựa vào hơi thở và biết nói lời từ ái để trở nên tươi mát và hạnh phúc, như vậy là con có khả năng “đưa thầy về tương lai” một chút chút phải không thưa Thầy?


Thầy muôn vàn yêu quý,
Trong ngày lễ Đại Tường, con được sống trong năng lượng hùng hậu của bốn chúng, con được chứng kiến sự im lặng hùng tráng của mấy nghìn người, con được chắp tay đảnh lễ rất nhiều quý thầy, quý sư cô lớn là đại đệ tử của Thầy. Con cũng thấy mình là con của Thầy. Con cũng thấy mình là học trò của Thầy như hàng nghìn người có mặt ở đây hôm nay và còn rất nhiều nghìn người, triệu người mang ơn Thầy, gọi Thầy bằng tiếng “Thầy” thân thương. Theo văn hóa truyền thống, sau lễ Đại Tường, Thầy sẽ đi về một cõi khác, và ở cõi này, các con có thiếu vắng Thầy không? Con nghĩ là không, dù khi lễ thỉnh Giác linh nhập Tổ đường diễn ra, con nghe thấy nhiều tiếng nức nở hơn và nhiều giọt nước mắt rơi mau hơn. Lòng con biết buồn, nhưng con sẽ học thêm cho cái thấy “có Thầy trong con” ngày một sâu sắc hơn nữa.

 


Thầy biết không, trong chuyến bay sớm từ Hà Nội vào Huế, con đi một mình. Trời lạnh lắm và con co ro tìm một góc để đợi. Nhưng con nghe thấy mấy tiếng lao xao, con thấy mọi người hỏi và làm quen nhau. Và rồi chúng con tuy là những người xa lạ đã biết “bên trái tôi đây là người tôi thương tôi yêu”, “bên phải tôi đây là người tôi thương tôi yêu”, “trước mặt tôi đây là người thương tôi, yêu tôi”. Lần đầu tiên trong đời con đã biết dang tay ra để ôm một người xa lạ, để biết khe khẽ nắm lấy tay nhau mà hát những bài thiền ca ngay trên máy bay. Tiếng hát nhỏ, như là một hơi thở nhẹ, như là một vạt nắng sớm mà đủ sưởi ấm trái tim và khuôn mặt những hành khách trong chuyến bay hôm nay, “Nay tôi đã về/Nay tôi đã tới/An trú bây giờ/An trú ở đây/Vững chãi như núi xanh/Thảnh thơi dường mây trắng…”. Những người lặng lẽ và kín đáo nhất, cũng đã nở nụ cười để nhận ra nhau. Vậy là tất cả những hành khách trong chuyến bay hôm nay đều đang về đất Tổ, về với Thầy, về nhà với bếp lửa hồng đang đợi. Kỳ diệu quá phải không Thầy. “Tình yêu thương/ đã trở nên bất diệt”. Chúng con biết mình là anh chị em trong một gia đình tâm linh, “đã về, đã tới” và cùng nhau “đi như một dòng sông”. Vậy là “không sinh, không diệt, đừng sợ hãi”. Thầy luôn ở bên chúng con, đúng không Thầy?
Con của Thầy,
Huyền Dương

Lời chúc và câu đối Tết năm Giáp Thìn

Kính bạch Sư Ông!

Kính thưa quý vị thân hữu gần xa!

Tết nguyên đán đã gần về, tăng thân Làng Mai xin được gửi đến quý vị thân hữu câu đối Tết Giáp Thìn như một món quà để thực tập cùng nhau trong năm mới.

Câu đối năm nay là: Tha Thứ – Bao Dung, để cầu mong cho tất cả trọn một năm mới yêu thương.

Tha thứ và Bao dung là hai biểu hiện cụ thể của tình thương, là hoa trái của hiểu biết. Ta nguyện học nuôi lớn cái hiểu để tình thương trong ta lớn lên. Cái tha thứ khó nhất đó là tha thứ cho chính mình.

“Trong đời sống, có nhiều lúc vì thiếu chánh niệm, thiếu sự khéo léo, ta đã làm những điều gây khổ đau, đổ vỡ cho những người ta thương và nhiều người khác. Ta hối hận, cảm thấy tội lỗi và trở nên chán ghét chính ta, không có khả năng tha thứ cho chính mình. Nhưng ta không biết rằng chính mình cũng đã gây khổ đau, tàn hoại cho thân tâm mình rất nhiều. Sự thực là tất cả những khổ đau, hư hoại ta đang gánh chịu đều do chính mình tạo ra. Xin quý vị quán chiếu về điều này. Nếu nhìn kỹ lại, quý vị sẽ thấy rằng người làm mình khổ nhiều nhất lại chính là mình chứ không phải ai khác. Đây là sự thực hiển nhiên mà ta không hề hay biết.”

(Lời Sư Ông hướng dẫn thêm: https://langmai.org/tham-van-duong/van-dap-voi-ts-thich-nhat-hanh/tha-thu-cho-chinh-minh/)

Ðôi khi, ta muốn tha thứ cho một người nhưng ta không thể làm được. Thiện chí muốn tha thứ có đó nhưng sự chua chát và đau khổ, thậm chí giận dữ cũng còn đó. Vì thế sự tha thứ chỉ có thể xảy ra một cách bình an nếu tâm bao dung của mình đủ lớn để chứa đựng.

“Mình có đau khổ trong lòng cho nên mình mới muốn trừng phạt người kia, để cho người kia khổ, để cho đã cái khổ của mình, cái giận của mình. Khi tâm lượng của mình lớn rồi thì dù người kia không dễ thương với mình, ác độc với mình, tệ lậu với mình thì mình cũng không giận, trái lại mình biết thương xót. Do đó cho nên thay vì có ý định muốn báo thù hay muốn trừng phạt, mình lại có những biện pháp giúp người kia để người kia đừng làm như vậy nữa, tại vì làm như vậy thì chính người đó khổ và người đó làm cho những người khác tiếp tục khổ. Cái đó gọi là lượng cả, đại lượng. Những người lớn như là cha, mẹ, thầy, anh, chị, tỉnh trưởng, quận trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, hay vua… đều là những người cần có cái lượng lớn. Tại vì nếu không có cái lượng lớn thì mình không xứng đáng làm anh của người kia, không xứng đáng làm chị của người kia, không xứng đáng làm thầy của người kia, không xứng đáng làm cha, làm mẹ của người kia. Cha mẹ mà giận con, mà từ con, mà oán hờn con cũng tại vì cha mẹ chưa có lượng lớn.”

(Lời Sư Ông hướng dẫn thêm: https://langmai.org/thien-duong/nghe-phap-thoai/pt-phien-ta/pt-su-ong-lm/pt-theo-chu-de/luong-ca-bao-dung-nhan-ba-la-mat/ )

Trong năm mới, mong ước mọi người sống chậm lại, có thời gian để lắng nghe nhau, có được những khoảng lặng để nhìn sâu vào người gây khổ đau, khó khăn cho mình. Hiểu được thì tình thương bắt đầu có mặt. Khi giọt nước từ bi ứa ra trong trái tim mình là lúc những cơn sóng cảm xúc có cơ hội lắng dịu lại. Chúng ta hãy nuôi dưỡng hạt mầm tha thứ bằng việc phát khởi tâm niệm thương yêu đầu ngày:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Thương yêu là một trong Bốn tâm vô lượng. Khi tâm ta rộng lớn như sông, như biển, ta có thể dung chứa, chấp nhận và ôm được những vụng về, lẫm lỡ của vợ, của chồng, của cha mẹ, anh em hay con cháu mình. Bằng sự thực tập chánh niệm ta nhận ra được và biết ơn những điều kiện hạnh phúc đã có sẵn quanh mình.

Tịnh độ nơi đây thích ý rong chơi người chẳng tìm cầu chi nữa.

Hài lòng với những gì đang có, tâm tư ta nhẹ nhõm và thênh thang tựa đất trời.

Mỗi khi ta ngồi, ta đi, ta ăn cơm, uống nước ta học tiếp xúc với đất Mẹ và trời Cha. Không một giây, một khoảnh khắc nào mà đất trời không nuôi lớn ta. Chỉ cần một hơi thở nhẹ là ta hòa quyện cùng trời Cha, chỉ một bước chân an bình là ta ôm trọn được đất Mẹ. Đất Mẹ và trời Cha là những biểu hiện của đức bao dung, không kì thị. Dù hơi nước bốc hơi từ nơi nào trên đại địa, ô nhiễm hay tinh sạch, Cha đều đón nhận chúng in dấu trắng xóa trên nền trời. Khả năng của Mẹ còn thêm bất khả tư nghì. Dù cho đờm dãi tanh hôi, khí độc hay phóng xạ nguyên tử Mẹ cũng có khả năng ôm ấp và chuyển hóa.

Trong năm mới, chúng ta hãy cùng nhau phát khởi tình thương để nuôi dưỡng hạt mầm tha thứ, nương tựa nơi đất Mẹ và trời Cha cho bao dung thấm nhuần nơi từng cử chỉ, lời nói và hành động hằng ngày.

Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục

Nếp sống lành mạnh an hòa

Cho thân thể kiện khương

Nguyện rũ bỏ âu lo

Học tha thứ bao dung

Cho tâm tư nhẹ nhõm.

Đó là lời kinh trong bài sám Quy Nguyện. Quý vị có thể đọc tụng bài Sám nguyện ấy trong đêm giao thừa.

Thương chúc mọi người sửa soạn lòng mình để đón năm mới với một vườn hoa tươi thắm.

Xin truy cập vào đây để tải câu đối về:

Câu đối để in