Dựng điềm lành – Gói hiếu tâm

Hòa chung với không khí đón Tết với quê nhà, tại Làng Mai các xóm cũng đã có không khí Tết. Vừa qua đại chúng đã trở về xóm Mới để thực tập thiền hành, dựng Nêu và gói bánh.

Dựng điềm lành

Với những bước chân thiền hành thong thả, tăng thân đã gửi những niềm thương yêu và biết ơn đến đất Mẹ, đến Tổ tiên đất đai, đã chở che cho đại chúng được tu học yên ổn trong suốt một năm qua, nhờ vậy mà tăng thân đã làm nơi trở về tu học của biết bao nhiêu người trên khắp năm châu.

Chúng con vẫn luôn ý thức rằng, những gì chúng con thực hiện được trong năm qua đều nhờ ân đức của Bụt tổ, của Thầy, của Tổ tiên và niềm tin vững chắc của Tăng thân khắp chốn. Dựng nêu là một phép thực tập để nhắc nhở chúng con về sự may mắn ấy.

Cây nêu được dựng lên với lá cờ năm màu, tựng trưng cho năm điềm lành – Năm giới quý báu, nhằm nhắc nhở mọi người trong Làng rằng, nếu biết tu học theo năm phép thực tập chánh niệm này thì mình sẽ giữ gìn được mảnh đất của Bụt trong lòng. Và mình sẽ được yên ổn không bị ma giận, ma tham, ma trách móc, … quấy nhiễu. Dựng nêu đích thực là dựng nên một niềm tin, một niệm biết ơn, một điềm lành cho một năm mới.

 

Gói hiếu tâm

Lá cờ năm màu đã tung bay trong gió, đại chúng vào nhà, quây quần bên nhau gói bánh. Bếp lửa hồng lan tỏa hơi ấm khắp không gian. Tết được làm nên từ những điều thật dung dị: một thau nếp trắng tinh ngâm vuốt thật kĩ, khay nhân vàng ươm cắt thành từng khối vuông vức, những lớp lá chuối xanh đã được xếp thành lớp đâu ra đấy. Huynh đệ ngồi gói bánh, trò chuyện đôi câu, thỉnh thoảng tiếng cười lại rộ lên ở góc này góc kia.

Mỗi người mỗi việc, người gói bánh tét, người gói bánh chưng, người cột dây cho những chiếc bánh đã được thành hình từ bàn tay khéo léo của những bạn đồng tu. Vị nào chưa biết gói cũng nhận được sự chỉ dẫn nhiệt thành và cặn kẽ. Ai cũng để tâm chăm chút cho chiếc bánh mình gói, tỉ mỉ trong từng động tác trải nếp, đặt nhân hay bẻ lá.

Từng chiếc bánh, muôn hình vạn trạng nhưng thủy chung đều đẹp ở tâm niệm biết ơn và tấm lòng hiếu kính, gói trọn thương yêu, nhẫn nại của chúng con dâng lên Bụt, Thầy và tổ tiên trong những ngày đầu năm mới.

 

 

 

Tết đã về trong không khí hài hòa, đầm ấm ấy của tăng thân. Ngày Tết, người Việt ta dù ở bất cứ nơi đâu, thấy được cây nêu hay đĩa bánh chưng, bánh tét trên bàn thờ tổ tiên đều cảm thấy ấm lòng, thấy mình có một quê hương, có một ngôi nhà để trở về sum họp. Đón Tết vì vậy cũng là đón sự đoàn viên. Nhà nhà sum vầy bên nồi bánh chưng, bên bữa cơm gia đình để ăn mừng sự có mặt của nhau.