III. Tìm một hướng đi mới

1. Sư chú Nhất Hạnh và Tiếng địch chiều thu

Mùa xuân năm 1949, sau hai năm tu học ở Phật học đường Báo Quốc, chú Phùng Xuân, lúc đó 23 tuổi, cùng các chú Tâm Cát và Đức Trạm, những thành viên của nhóm Tiếng Sóng, quyết định rời Phật học đường. Họ dự tính đi tiên phong vào Sài Gòn để học hỏi rồi báo cáo lại cho các anh em khác trong nhóm. Ba chú được nhiều huynh đệ yểm trợ, kể cả thầy Trọng Ân và thầy Thiện Tấn, tức anh kế của chú, cũng đã xuất gia làm đệ tử của thầy Trí Thủ.

Trước khi lên đường, các chú đã chọn cho mình một pháp hiệu. Chú Phùng Xuân lấy tên Nhất Hạnh, chú Đức Trạm là Chánh Hạnh, và chú Tâm Cát là Đường Hạnh. Chú Phùng Xuân đã viết một lá thư sám hối gửi về cho Sư Ông chùa Từ Hiếu. Chú hứa với thầy là chú sẽ không phụ lòng tin cậy của thầy. Chú và các anh em cũng viết một lá thư rất lễ phép cho ban giám đốc Phật học đường, thưa rõ vì sao các chú phải ra đi, với những nguyện vọng thiết tha mà đã nhiều lần được bộc bạch nhưng không được lắng nghe hay thực hiện. Ngồi trên chiếc tàu đã rời cảng Đà Nẵng, chú Phùng Xuân bị say sóng và chợt thấy nhớ nhà, nhớ chùa da diết.

Đến Sài Gòn, ba chú đi thăm các chùa và các Phật học đường. Một hôm các chú quen được thầy Trí Hữu và được thầy mời về phụ thầy Bảo Đảnh xây dựng chùa Hưng Đạo, một ngôi chùa tranh mới được thành lập ở Vườn Bà Lớn. Tại đây, trong mùa an cư đầu tiên, chú Phùng Xuân đã chép lại thành một tập khoảng 50 bài thơ và kịch thơ Tiếng địch chiều thu mà chú đã sáng tác. Quyển thơ đầu tay này sẽ được nhà xuất bản Long Giang ấn hành với tên mới của tác giả là Nhất Hạnh. Họa sĩ Lê Trung sẽ vẽ bìa và minh họa.

Tối nào đồng bào và trẻ em trong xóm cũng đến chùa Hưng Đạo tụng kinh rất đông. Các chú thành lập một đoàn thiếu nhi Phật tử và dạy cho các em thuộc lòng những bài kinh tiếng Việt như Đệ tử kính lạy hay những bài nhạc đạo như Trầm hương đốt. Vào những dịp lễ lược, nhiều chùa trong vùng đã thường xuyên mời đoàn thiếu nhi chùa Hưng Đạo đến tụng kinh và hát.

Cuối năm này, ba chú đã được phép lưu trú tại Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội để đi học Anh văn gần đó. Vị trú trì là thầy Hành Trụ vừa dịch xong Kinh Ông Bột. Thầy nhờ chú Phùng Xuân nhuận văn và viết lời tựa. Với lời đề nghị của chú, thầy đã rất hoan hỷ đổi tên sách thành Kinh Hiền Nhân.

Sau khi ở đây vài tháng, ba chú nhận một ngôi chùa ở Gia Định miền Đồng Ông Cộ, đó là chùa Lâm Hoa. Tại đây, chú Nhất Hạnh viết lại những câu chuyện trong kinh Bách dụ bằng thơ song thất lục bát. Tập Thơ Ngụ ngôn này sẽ được nhà xuất bản Đuốc Tuệ ở Hà Nội phát hành với bút hiệu Hoàng Hoa và được thầy Tố Liên, một trong những vị cao tăng đang nỗ lực chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, viết lời tựa.

2. Chùa Ứng Quang, lớp dạy đầu tiên

Sau mùa an cư năm 1949, thầy Trí Hữu lập một am tranh lấy tên là Trí Tuệ Am. Sau khi xây được chánh điện và một tăng xá, thầy đổi tên am thành chùa Ứng Quang, nhưng mọi người lại gọi là chùa Cà Tăng, vì vách chùa làm bằng cà tăng. Chú Nhất Hạnh ở lại chùa và bắt đầu mở lớp dạy cho mười mấy điệu nhỏ xíu về văn hóa và về Phật pháp. Điệu lớn nhất khoảng mười ba tuổi, tên là Võ Thắng Tiết. Điệu này chính là thầy Từ Mẫn, giám đốc thứ hai của nhà xuất bản Lá Bối sau này. Các điệu nghịch quá nên có lần chú Nhất Hạnh đã phải dùng tới roi mây. Khi thoáng thấy vẻ mặt Thắng Tiết không vui, chú rất hối hận và từ đó, chú không bao giờ dùng đến roi mây nữa. Chùa Ứng Quang nhanh chóng trở thành một Phật học đường nhỏ với một lớp giảng kinh cho tăng sinh trẻ tuổi từ các chùa lân cận.

Chùa Ứng Quang được thành lập chưa được bao lâu thì trở thành Phật học đường Nam Việt. Thầy Nhật Liên, tổng thư ký của Phật học đường đề nghị đổi tên thành chùa Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh bắt đầu giảng dạy về Phật giáo sử. Chính tại nơi đây, thi sĩ Trụ Vũ đã tìm đến chú sau khi đọc tập thơ Tiếng địch chiều thu và tình bạn giữa hai người bắt đầu từ đó. Là giáo thọ trẻ nhất của Phật học đường, chú hết lòng chăm sóc và dạy dỗ các học tăng trẻ. Cũng như thầy Trọng Ân đã từng luôn gọi các chú là em và tự xưng mình là anh, tại Ấn Quang, chú Nhất Hạnh cũng xưng hô anh em với các chú Trí Không, Thanh Hương, Thanh Hiện, Thanh Văn, Long Nguyệt, Viên Hạnh, Thắng Hoan, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Minh Cảnh, Minh Thành, Như Huệ, Như Trạm… Trong phòng chú không có những dĩa lê táo do các bổn đạo cúng dường nhưng lúc nào cũng rất đông các học tăng trẻ. Thầy trò tu học bên nhau trong tình huynh đệ, không hề có một chút khoảng cách.

3. Những hoạt động tại Đà Lạt

Vừa giảng dạy, chú Nhất Hạnh vừa nghiên cứu về Nhân minh luận để viết cuốn Đông phương luận lý học. Đây là cuốn sách đầu tiên của chú về Phật học được nhà xuất bản Hương Quê ấn hành, vào mùa xuân năm 1950.

Trong những tháng qua, chú đã đọc nhiều sách báo như những tác phẩm Introduction à la Philosophie, hay Duy thức nghiên cứu của Lữ Trưng viết bằng văn bạch thoại mà học giả Châu Tự Ca viết bài tựa. Gia nhập kháng chiến hay tiếp tục con đường xuất gia, đó là một câu hỏi lớn nằm sâu trong tim chú qua bao nhiêu năm tháng. Nhờ đã thừa hưởng được tuệ giác từ các bậc đàn anh, về phương diện kinh nghiệm cũng như về phương diện phán đoán, chú quyết định tiếp tục trên con đường xuất gia. Và chú biết chú phải cố gắng hết lòng mới mong phát giác ra được trong đạo Bụt những gì mà chú đã quyết chí đi tìm từ khi mới bước chân vào chùa.

Cuối năm 1950, chú cùng thầy Thiện Minh viếng thăm Đà Lạt. Theo lời mời, chú ở lại chùa Linh Sơn dạy các điệu và giúp chăm sóc tờ báo Hướng Thiện. Chú có mang theo bản thảo tập thơ Xuân vàng gồm những bài được làm theo thể “tự do” và một kịch thơ Xuân ly loạn mà chú đã chuẩn bị cho nhà xuất bản Long Giang ấn hành. Sau khi đọc xong bản thảo, thầy Thiện Minh cứ ngâm nga mãi bài Nhớ mùa xuân cũ và đề nghị đổi tên tập thơ thành Ánh xuân vàng. Lúc bấy giờ, Phó hội trưởng của tỉnh hội Phật giáo là nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông đã đọc được Tiếng địch chiều thu của chú và hết lòng khen ngợi tập thơ trên tờ báo của ông. Bác Thiện Thắng Huỳnh Văn Trọng cũng đọc được tập thơ và đã tìm đến chú. Không lâu sau đó, bác Thiện Thắng và chú cùng nhau thành lập nhóm Phật giáo Thiện Hữu với sự yểm trợ của nhóm trí thức Đà Lạt. Đây là tên mà chú dịch ra từ Les Amis du Bouddhisme, hội Phật giáo ở Pháp. Hội này phát hành tờ báo La Pensée Bouddhique mà chú đã đọc hết tất cả các số. Tờ báo cung cấp một nguồn nghiên cứu nghiêm túc, có tính hàn lâm và rất phong phú về đạo Bụt. Chú muốn một tờ báo có giá trị tương đương ở Việt Nam và chú đề nghị sẽ biến tờ báo Hướng Thiện thành tạp chí khổ nhỏ với cái tên mới là Liên Hoa. Liên Hoa cũng lấy nguồn cảm hứng từ Le Lotus Bleu, một tờ báo xuất bản tại Pháp, rất mới và rất trong sáng, với hình bông sen trắng in trên nền trời xanh. Bác Thiện Thắng đứng tên chủ nhiệm, chú Nhất Hạnh đứng tên chủ bút.

Qua mùa xuân năm 1951, tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, chú được gặp thầy Tố Liên và cư sĩ Viên Quang, quản lý nhà in Đuốc Tuệ. Cả hai đều rất ngạc nhiên khi biết tác giả của tác phẩm Thơ Ngụ ngôn là một sư chú trẻ. Thầy Tố Liên đã từng đề tựa cho tập thơ của chú như thế này: “Bạn Hoàng Hoa có lẽ cũng đã va chạm với rất nhiều bức tường xuẩn động manh tòng của người đời giữa đường trần lao khổ ải rồi mới chịu quay đầu về rừng Thiền để thu hút lấy khí vị tinh anh của những đóa hoa Ưu Bát và mới có nổi một bầu thanh tâm thanh khí mà rèn luyện nên cái tác phẩm vô giá này để đem cống hiến cho các bạn…”  

4. Sám nguyện: Đệ tử chúng con từ vô thỉ…

Trước khi trở lại Sài Gòn, chú ghé thăm Nha Trang. Tại đây, chú gặp thầy Tương Ưng trú trì chùa Phước Hải. Thầy mời chú ở lại an cư với thầy và dạy các điệu trong chùa. Ngoài việc dạy dỗ, chú viết cuốn Gia đình tin Phật. Đây là cuốn sách giáo lý phổ thông đầu tiên mà chú viết, với những đề tài thực tế như đức tin, ăn chay, đi chùa, sám hối, học hỏi và tụng niệm. Chú muốn đem đạo Bụt áp dụng ngay vào đời sống hàng ngày của gia đình: cách thực tập của cha mẹ, con cái, vai trò của người cha, người mẹ và người con lớn trong gia đình. Chú đã đề nghị một nghi thức tụng niệm thuần bằng quốc văn. Chú trình bày bài Sám nguyện mà chú đã sáng tác tại chùa Linh Sơn Đà Lạt:

Đệ tử chúng con từ vô thỉ

Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê

Đắm trong sinh tử đã bao lần

Nay đến trước đài Vô thượng giác…”

Bài này sau đó được đưa vào Nghi thức tụng niệm của Tổng hội Phật giáo và đến nay vẫn còn phổ biến.

Sau mùa an cư, thầy Đức Phong, học trò lớn của thầy Trí Thủ, và chú Thiện Tấn, anh ruột của chú, từ Huế vào thăm. Hai thầy cho biết Phật Học đường Báo Quốc đã thay đổi rất nhiều. Trong chương trình có thêm các lớp sinh ngữ, triết học và khoa học. Thầy Đức Phong muốn đi biển hóng gió và chú Nhất Hạnh đề nghị thuê xe đạp để đi. Ba huynh đệ đạp thật khoan thai thành một hàng dài để giữ uy nghi của người xuất gia. Cư sĩ hai bên phố rất ngạc nhiên. Đó là ba thầy tu Việt Nam đầu tiên đi xe đạp.

Về lại Sài Gòn, chú Nhất Hạnh, chú Thiện Tấn ở lại với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh tại tịnh thất Pháp Hải, một tịnh thất bằng tranh miền Gia Định. Các chú bàn bạc với nhau và đồng ý rằng họ cần học thêm khoa học, văn chương và triết học để có được những kiến thức cần thiết cho sự hành đạo sau này. Tháng Chín năm đó các chú là những người xuất gia hiếm hoi dám ghi tên học toán, lý, hóa và văn học tại một trường tư thục vùng Tân Định. Những môn khác các chú tự học lấy. Các chú biết rằng những môn học này có thể giúp họ làm cho sự thực tập đạo Bụt gần gũi với đời sống, họ sẽ nói được ngôn ngữ của thời đại để giảng bày giáo lý của Bụt theo cách mà mọi người có thể hiểu được. Chú Thiện Tấn và chú Nhất Hạnh học chương trình Pháp và môn học mà chú Nhất Hạnh thích nhất là văn học sử Pháp. Chú đã thuộc lòng nhiều bài thơ của các thi sĩ Pháp nổi tiếng, trong đó có Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Musset, Alfred Alphonse Daudet. Chú rất thích các tác phẩm Lettres de mon MoulinLe Petit Chose của Alphonse Daudet. Chú làm những bài luận văn về Molière, Racine và Corneille với nhiều sự thích thú và thường được điểm cao.

5. Thọ Giới lớn

Tháng 10 năm 1951, thầy Đôn Hậu từ Huế vào và được Thầy Nhật Liên cung thỉnh làm Hòa thượng Truyền Giới trong Đại giới đàn Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh được Sư Ông cho phép thọ giới Tỳ kheo trong dịp này cùng với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh.

Vào cuối năm ấy, thầy Đức Thiệu, một đệ tử lớn của thầy Trí Thủ mời thầy Nhất Hạnh lên Cầu Đất để mở một khóa giáo lý mười lăm ngày tại chùa Viên Giác. Lớp học bắt đầu mỗi buổi tối sau giờ cơm chiều cho khoảng chừng ba mươi học viên mà đa số là người trẻ. Thầy đặt pháp danh cho tất cả các học viên bên nam bắt đầu bằng chữ Đức và bên nữ bắt đầu bằng chữ Phương. Có cô bé Phương Nguyên sau này trở thành Ni trưởng Như Lý, trú trì chùa Long Hoa tỉnh Long An. Cuối khóa, mỗi học viên đều viết một bài để in thành văn tập kỷ niệm xuất bản trên tạp chí Liên Hoa mà Thầy làm chủ bút.

Thấy các người trẻ ở đây có nhiều năng khiếu về kịch nghệ, mỗi chiều, Thầy tập cho họ diễn vở kịch Cậu Đồng mà Thầy đã phóng tác từ vở kịch Le Tartuffe của Molière, một đại thi hào Pháp thế kỷ 17. Họ sẽ trình diễn vở kịch này trong dịp Tết để gây quỹ Gia đình Phật tử Cầu Đất. Bên cạnh đó Thầy còn viết thêm vở kịch Quán bên sông để tập cho nhóm người trẻ này.

Sau Tết, Thầy về lại tịnh xá Pháp Hải ở Sài Gòn để tiếp tục đi học. Sinh hoạt tại đây rất có đạo vị và ấm cúng. Tuy nhiên, vì không tổ chức lễ lược và cúng kiếng nên các thầy không có bổn đạo cúng dường. Mỗi ba tháng, Thầy được nhận tiền phụ cấp từ tòa soạn Liên Hoa vì là chủ bút. Thầy rất hãnh diện nhưng số tiền không đủ để trả tiền học và tiền ăn. Rốt cuộc thì tịnh xá Pháp Hải phải giải tán.

Hai thầy Thiện Tấn và Nhất Hạnh dọn về chùa Long Vĩnh ở Phú Nhuận của thầy Quảng Đức. Tại đây, thầy Nhất Hạnh đã viết cuốn Là Phật tử, một cuốn sách nhằm thỏa mãn nhu yếu của một người Phật tử trẻ, hiện đại, trí thức. Bác sĩ Hoàng Mộng Lương sau này đã khen rằng cuốn ấy còn thực dụng và hay hơn cuốn Le Dhamma du Bouddha của Jagdish Kasyapa nữa. Thầy Quảng Đức rất ngọt ngào và rất thương hai thầy trẻ. Khi thầy có mặt ở chùa thì ai cũng được ăn no và ăn ngon. Nhưng thầy thường xuyên vắng mặt và nhiều khi trong chùa hết gạo. Các thầy có nhiều hôm đói bụng, đạp xe đến trường không nổi. Một hôm từ chùa Ấn Quang đến nhà xuất bản Long Giang về, Thầy vừa đói vừa sốt. Số tiền trong túi chỉ còn đủ mua cháo nên Thầy liền ghé quán chay Tín Nghĩa để mua một tô cháo dùng cho đỡ đói. Khi cho tiêu vào tô, vì tay Thầy run quá nên đã lỡ rắc luôn cả hủ tiêu vào tô cháo. Không thể dùng được vì quá cay, tiền trong túi cũng hết nên cuối cùng Thầy đành để bụng đói ra về.

Thế là hai thầy lại dời qua chùa Phước Hòa, trụ sở của Hội Phật học Nam Việt. Tháng 09 năm 1952, ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã đề cử Thầy điều hợp đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Tích Lan. Có hàng trăm ngàn người khắp cả nước đến chiêm ngưỡng và lễ bái suốt một tuần. Ông cũng mời Thầy thuyết pháp nhiều lần sau đó. Có một lần Thầy giảng liên tiếp trong hai tuần lễ về đề tài Chỉ và Quán. Bài giảng được đánh máy và in trên tạp chí Từ Quang. Hội Phật học Nam Việt sau đó tập hợp và in thành cuốn Chỉ Quán yếu lược vào năm 1955. Họa sĩ Lê Vinh ở Đà Lạt vẽ một vòng tròn màu đỏ chói rất hùng tráng cho bìa sách. Đây là tác phẩm thiền đầu tay của Thầy.

6. Trường trung học và tiểu học Tuệ Quang

Lấy được bằng tú tài, Thầy và thầy Thiện Tấn trở lại Đà Lạt để thành lập trường trung học và tiểu học Tuệ Quang tại chùa Linh Quang. Đây là ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách[15]. Hiểu được nỗi khó khăn của người xuất gia trẻ muốn được học nhưng không có chỗ cư trú, cơm ăn và tiền đóng học phí, Thầy và thầy Thiện Tấn hỗ trợ mọi điều kiện để các sư cô, sư chú có được một môi trường tu học an ổn. Các chùa trên cao nguyên đều có gửi các điệu về tu học. Trường cũng xây thêm cư xá nội trú cho các nữ sinh và nam sinh từ Sài Gòn và Nha Trang về học. Trong chương trình đào tạo của trường Tuệ Quang có các môn về khoa học và cả tiếng Pháp. Thầy mời các thầy Quang Phú và Huệ Hưng, những thầy có căn bản Phật pháp rất thâm sâu, về dạy nội điển cho các sư cô và sư chú. Tất cả các giáo sư đều có lương tháng, kể cả các vị xuất gia.

Đầu mùa thu 1953, hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa mời Thầy về lại Phật học đường Ấn Quang để giúp việc dạy dỗ cho học tăng nội trú, nhất là lớp trung học. Thầy phụ trách lớp Lịch sử Phật giáo. Trong khoảng thời gian này, Thầy gặp thầy Thanh Từ mới đến từ Trà Ôn. Thầy trao cho thầy Thanh Từ xem một số thi kệ của các thiền sư đời Lý, Trần mà Thầy đã dịch ra tiếng Việt. Hai thầy thường bàn với nhau về cách phục hưng lại thiền học Việt Nam. Các thầy Quảng Liên, Huyền Dung, Nhật Liên và Quảng Minh đã đi du học, chỉ còn lại hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa trong Ban giám đốc Phật Học đường. Bắt đầu từ đây, Thầy phải chia thời gian của mình ra cho hai nơi là Đà Lạt và Sài Gòn.

Thầy đã bỏ hết tâm sức để chăm sóc các sư cô, sư chú ở Tuệ Quang và Ấn Quang. Cả hai nơi đều là chỗ nương náu cho nhiều người tu trẻ với không khí ấm cúng và tươi vui. Tại Đà Lạt, ngoài việc tu và học, Thầy còn sắp đặt để các thầy và các sư chú phụ trách đều đặn những buổi phát thanh hằng tuần của Phật giáo trên đài phát thanh Đà Lạt. Học sinh Tuệ Quang đã lên phát thanh nhiều bài nhạc Phật giáo. Các sách như Gia đình tin Phật, Là Phật tử, và các bài báo trong Hướng ThiệnLiên Hoa cũng đã được trích đọc trên đó. Đài phát thanh Phật giáo Đà Lạt được khen là có phẩm chất và có tính cách thực dụng.

Tại Ấn Quang, có một điều đổi mới là thỉnh thoảng các học tăng được cùng nhau đi cắm trại hoặc đi nghỉ mát vài ngày. Có lần các học tăng được đi chơi biển Vũng Tàu, họ đem theo một nồi cà ri để ăn trưa. Xe rồ máy thì có một học tăng chạy ra trễ, vội vàng leo lên xe và làm rớt đâu mất một chiếc dép mà kiếm hoài không ra. Học tăng sau khi tắm biển và thiền hành, đã tổ chức pháp đàm trên bãi cát. Giờ ăn trưa rất vui. Nồi cà ri ngon và thơm phức, nhưng đến khi gần hết, các sư chú mới tìm ra được chiếc dép thất lạc trước đó nằm dưới đáy nồi!

II. Những năm đầu tu học ở Huế

1. Điệu Sung

Điệu Sung cảm thấy rất hạnh phúc trong thời gian làm điệu[6]. Chú tắm mình trong cảnh trí thiền môn với những điệu kinh trầm hùng của những buổi công phu sớm tối. Chỉ hai tuần lễ sau ngày xuống tóc, chú đã học thuộc lòng thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Hai tuần sau đó, chú thuộc luôn cả hai thời công phu. Người bạn mới quen và rất hạp tánh với điệu Sung là điệu Lộc. Điệu Lộc nhỏ hơn điệu Sung gần bốn tuổi nhưng vào chùa trước chú ba năm nên chuyện gì cũng biết để chỉ bày cho chú. Chú học chấp tác mọi công việc trong chùa như gánh nước, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, trồng khoai, trồng sắn, gọt mít, chăn bò, bứt bổi, trải chuồng bò với lá bổi, ủ phân xanh, kiếm củi, nấu ăn… Chính trong khi chăn bò, chú học thuộc bốn cuốn Luật tiểu nên vốn liếng chữ Hán của chú khá lên nhanh chóng. Chú còn được học thêm Hán văn với Thầy Quang Diệp. Thầy viết chữ Hán rất đẹp và bảo các điệu đóng vở để tập viết chữ lớn. Thầy dùng mực son để chấm bài. Những chữ nào điệu Sung viết đẹp thì được Thầy khen bằng những nét son sổ dọc theo hàng.

Điệu Lộc là đệ tử của thầy Quang Diệp. Thầy Quang Diệp và sư cô Diệu Trí là đệ tử của Sư Ông Huệ Minh, sư huynh của Sư Ông Từ Hiếu. Sư cô Diệu Trí đang trông coi chùa Diệu Nghiêm gần chùa Từ Hiếu, thuộc đất chùa Tổ. Sư cô Diệu Trí rất thương điệu Sung. Sư cô bảo chú lượm những cành thông già, làm thành những bó củi và tìm người nhờ bán giúp chú để lấy tiền mua giấy, bút, mực hay bàn chải đánh răng chia cho các chú khác. Đánh răng bằng bàn chải thời bấy giờ là một hiện tượng lạ, bình thường mọi người dùng xác cau để đánh răng. Các điệu thấy chú đánh răng với bàn chải cũng bắt chước. Thầy Chánh Kiến không vui lắm, nhưng sau đó, thầy cũng bắt đầu đánh răng bằng bàn chải. Giữ bò chừng sáu tháng, điệu Sung được làm thị giả cho Hòa thượng Bổn sư.

Khoảng thời gian làm thị giả cho Sư Ông Từ Hiếu là những tháng ngày hạnh phúc sâu sắc của chú. Chú được Bổn sư dạy cách hầu Thầy, cách đóng cửa có chánh niệm, cách pha trà với hoa mộc hái trong vườn chùa, cách nướng măng hay nấu canh khoai me đất… Trời nóng mà thời canh me đất nấu với khoai lang rất mát và ngon miệng lắm. Chú thường theo sau Sư Ông vào những giờ chúng tăng chấp tác. Chú học cách Sư Ông giám sát công việc, lúc cho ý kiến hay đơn giản chỉ là có mặt với mọi người một cách hoan hỷ. Có hôm chú theo Sư Ông đi hái măng cán giáo, hay cùng Sư Ông lên đồi hái nấm thông, nấm mào gà đem về cho dì Tư nấu. Sư Ông không bao giờ la rầy đệ tử, ngay cả những lúc điệu Sung lầm lỗi. Mỗi lần được Sư Ông nhắc, điệu Sung ghi nhớ và không bao giờ lập lại lỗi lầm đó. Một hôm, chú đóng cửa mạnh và gây tiếng động, Sư Ông gọi chú lại rồi dạy chú trở ra và đóng cửa lại thêm một lần nữa. Từ đó trở đi, chú luôn luôn đóng cửa nhẹ nhàng trong chánh niệm.    

Lần khác, chú dọn cơm mà quên dọn đũa. Sư Ông đã dùng chiếc muỗng múc canh để thời hết bữa cơm mà chú không hề hay biết mặc dù chú đang đứng hầu ngay sau lưng Sư Ông. Để tranh thủ thì giờ, chú hay đứng khoanh tay ôn bài hay đọc báo Viên Âm. Hôm đó thời cơm xong, Sư Ông dạy chú ra vườn đốn một cây tre. Chú vâng lời và ngây thơ hỏi Sư Ông đốn tre để làm chi. Sư Ông trả lời rằng để vót thêm đũa. Chú nhìn lại mâm cơm và phát hiện mâm cơm thiếu đũa. Từ đó, điệu Sung không bao giờ dám quên dọn đũa trên mâm cơm, cũng không bao giờ học bài hay đọc báo trong lúc hầu thầy dùng bữa.

Một lần chú được theo Sư Ông đến thăm Hòa thượng Phước Huệ, trú trì chùa Hải Đức. Chú nhìn thấy một vị thiền sư đang ngồi thật thẳng, tự tại trên sập gỗ, trong lòng chú phát lên một lời nguyện là sẽ thực tập để có thể ngồi được như vậy.

Điệu Sung rất thích được phụ thầy Giải Thích in thêm Thiền môn Nhật tụng từ những mộc bản được tàng trữ trên gác của lầu trống trong chùa Từ Hiếu[10]. Bản gỗ được đặt dưới đất bên hiên chánh điện, mặt có chữ nằm lên trên. Thầy Giải Thích phết mực lên mặt chữ bằng một cái chổi nhỏ, rồi đặt lên đó một tờ giấy bản  thật ngay ngắn. Tiếp theo, Thầy dùng một chiếc lá mít để xoa lên giấy, ép giấy xuống mặt chữ để giấy ăn mực thật đều. Khi lấy tờ giấy lên, tất cả những hàng chữ nhỏ đã được in vào giấy rất đẹp và rõ ràng. Thầy Giải Thích lại quét mực lên để in thêm bản thứ hai. Cứ như thế, điệu Sung phụ Thầy in từ trang này tới trang khác. In xong mười cuốn, điệu giúp Thầy sắp các bản gỗ theo đúng thứ tự các trang trở lại lên gác của lầu trống. Được tu chung với anh Nho, lại được phụ anh in kinh, điệu Sung rất hạnh phúc và luôn trân quý những khoảnh khắc này. Trong chùa, ai cũng thương điệu Sung. Dì Tư, người lo việc bếp núc trong chùa, thường nhờ chú hái và gọt mít để dì nấu canh, kho hay làm món trộn. Chú gọt mít rất khéo. Ngồi trên bậc cấp ở hồ bán nguyệt, hai chân nhúng trong nước, chú đặt trái mít trong nước rồi gọt. Mủ mít sẽ trôi trong nước mà không dính vào trái mít hay vào dao. Một hôm cũng tại hồ bán nguyệt, chú đang ngồi nhổ cỏ thì thấy một cư sĩ nam đi ngang qua. Đi quá chú chừng mười bước, ông quay trở lại và đến bên chú. Nhìn cách ông ăn mặc, chú biết ông là nhà giàu. Ông chắp tay nhờ chú niệm Phật cầu nguyện cho con của ông đang bệnh nặng. Nói chuyện với chú xong, ông bước đi tiếp về phía chánh điện, chắc để gặp Sư Ông. Chú tiếp tục nhổ cỏ, vừa nhổ vừa niệm Phật cầu nguyện. Trong khung cảnh yên bình, chú biết ngoài kia, có nhiều người khổ lắm, kể cả người giàu.

​Điệu Sung rất thích nghe giọng xướng tán của thầy Quang Diệp và thầy Chánh Kiến. Mỗi khi hai thầy cùng xướng tán bài Tọa bồ đề tọa, điệu Sung lắng nghe một cách say sưa. Tiếng tang mõ hòa vào nhau nhịp nhàng nghe hay quá! Điệu Sung và các chú khác cứ theo đó mà tập mỗi ngày cho đến khi làm được. Chưa đầy một năm điệu Sung đã biết tán xấp, tán rơi. Chú cũng học xong bốn cuốn Luật tiểu và tất cả các thời kinh nhật tụng. Chú bắt đầu học Phật pháp căn bản theo các sách Phật giáo khái luậnPhật giáo yếu lược, những tác phẩm dịch thuật của thầy Mật Thể. Chú được đọc ké nhiều bộ sách từ thầy Giải Thích, trong đó có các sách của Phật học tùng thư do ông Đoàn Trung Còn chủ trương. Đặc biệt, chú rất thích đọc loạt bài Kết sinh tương tục luận của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, những bài viết về Duy thức học của Phạm Hữu Bính, hay những bài Pháp văn như La Pratique de la méditation. Những bài này được in trong những số Viên Âm do đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục trông nom với văn phong rất mới và trẻ. Tờ Giải Thoát với hàng chữ Cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới cũng đặc biệt thu hút chú. Chú chơi hòa đồng với các điệu khác và thường giúp các bạn đồng tu hiểu được một cách dễ dàng các câu kinh bằng cách giải thích đơn giản của chú. 

Một hôm thầy Quang Diệp cho biết điệu Sung sẽ được thọ giới sa di vào ngày rằm tháng Chín sắp tới. Chú mừng lắm và viết thư báo tin cho gia đình. Nhưng thời gian chú thọ giới cũng là thời gian gia đình tổ chức đám cưới cho chị Cầm, chị gái duy nhất của chú, vì vậy bố mẹ không vào dự lễ thọ giới của chú được. Mặc dù chú rất hạnh phúc khi được cùng anh tu tập nhưng thỉnh thoảng chú cũng nhớ nhà lắm. Có hôm ngang qua hàng rào chè tàu xuống hồ bán nguyệt, chú thấy nhớ mẹ, nước mắt chú ứa ra, nhưng chú đã cầm được những dòng nước mắt nhớ nhung ấy.

Điệu Sung định viết thư về nhà xin tiền để mua vải may y và nấu xôi chè cúng dường đại chúng vào ngày chú thọ giới, nhưng sư cô Diệu Trí bảo rằng mình đi tu đã không giúp được gì cho gia đình về tài chánh thì không nên xin tiền của gia đình. Sư cô tự xoay sở và lo cho chú. Từ khi xuống tóc, điệu Sung chỉ được mặc áo năm thân, giờ công phu mới được mặc áo tràng, một chiếc áo tràng chung cho các điệu. Sư cô Diệu Trí cũng hứa may cho chú một chiếc áo nhật bình nâu. Chú thích áo nhật bình còn hơn cả áo tràng vì chỉ có người xuất gia mới được mặc áo nhật bình. Áo nhật bình mặc rất gọn và dễ thương.

Trước ngày điệu Sung thọ giới, sau buổi công phu chiều, các điệu thấy Sư Ông ngồi nghiêm chỉnh trên bộ phản có kê hộp tợ, mắt đeo kính, đang chú tâm khâu một chiếc áo cũ. Điệu Lộc đến xin Sư Ông để dì Tư khâu giúp Sư Ông. Sư Ông ngẩng lên nhìn chú rồi nói rằng Sư Ông muốn tự tay chuẩn bị một món quà cho điệu Sung. Điệu Sung đứng đó rất cảm động.

​​

​​

2. Sư chú Phùng Xuân

Rằm tháng 09 năm 1945, điệu Sung được thọ giới sa di với pháp danh Trừng Quang (澄), nghĩa là ánh sáng lắng yên, tĩnh lặng, và pháp tự Phùng Xuân (逢春), nghĩa là đi gặp mùa xuân. Chú chính thức thuộc vào thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán. Một hôm sau buổi công phu khuya, nhìn ra cửa chánh điện, chú thấy ánh trăng lung linh đang chiếu xuống hồ bán nguyệt. Chú cảm thấy tâm bồ đề soi sáng cả cõi lòng và chú đã viết bằng bút chì lên cây cột ngay gần đó dòng chữ Hán: “眾 生 無 邊 誓 願 渡” (Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ).

Một năm sau (1946), cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Mặt trận kháng chiến ở Huế tan vỡ. Dân chúng và tất cả mọi người trong chùa được lệnh tản cư và chỉ để lại vườn không nhà trống. Mọi người tưởng rằng đi tản cư khoảng vài tuần lễ nên chỉ đem theo một số ít lương thực và hai chai nước tương. Nhưng rồi chuyến đi đã kéo dài nhiều tháng. Chai nước tương thứ nhất đã hết. Mỗi lần chai nước tương thứ hai cạn tới nửa, chú Phùng Xuân lại nấu nước muối đổ vào cho đầy. Bấy giờ nước tương không còn vị tương nữa mà chỉ còn là nước muối. Mọi người ăn ít lại. Mỗi ngày, chú Phùng Xuân hái đủ loại rau dại ngoài ruộng để nấu cho đại chúng.

Rốt cuộc quân đội Pháp đã chiếm đóng thành phố Huế và quân kháng chiến rút hết về những vùng chiến khu. Mọi người được hồi cư.   

Khi thầy Trí Thủ tái lập Phật học đường tại chùa Báo Quốc với cương vị giám đốc, Sư Ông cho phép chú Phùng Xuân ra tùng học tại đây. Chú được ghi tên vào lớp tiểu học. Thấy chú học khá, thầy Trí Thủ xếp cho chú lên học lớp của thầy đang dạy và một số những buổi học khác của lớp trung học, trong đó có lớp Quốc văn do anh Võ Đình Cường phụ trách. Ngoài những lớp học kinh điển, chú còn được học thiền qua tác phẩm Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu của thiền sư Trí Giả, sơ tổ tông Thiên Thai, Trung Hoa. Trong các giáo sư của chú có những vị còn rất trẻ như thầy Trọng Ân, một người thường gần gũi, thương và nâng đỡ học tăng trẻ. Thầy Trọng Ân cũng là thi sĩ với bút hiệu Trúc Diệp.

Từ năm 12 tuổi, chú Phùng Xuân đã bắt đầu làm thơ và có đưa anh Nho xem. Trong khung cảnh huyền diệu ở chùa Từ Hiếu khiến chú không thể không trở thành thi sĩ. Thỉnh thoảng chú đưa những bài thơ mà chú vừa sáng tác cho thầy Trọng Ân xem. Cũng như anh Nho, thầy thường tỏ lời khen ngợi và khuyến khích chú tiếp tục sáng tác. Chú cũng thường xuyên được vào phương trượng hầu Hòa thượng Phước Hậu để được nghe kể chuyện và đọc thơ. Ngài là Tăng cương chùa Báo Quốc và cũng là một thiền sư thi sĩ. Hòa thượng có dạy cho chú cách niệm Bụt A Di Đà: Bụt nào cũng là Bụt A Di Đà. Niệm Bụt A Di Đà là niệm tất cả các Bụt. Chú cũng rất mến mộ thầy Mật Thể qua các tác phẩm Cải tổ Sơn môn HuếXuân đạo lý. Theo thầy Mật Thể, đạo Bụt có thể đem lại một “mùa xuân mới” cho đất nước, có thể mở một con đường thoát cho nhân loại.

Từ khi quân đội Pháp trở lại và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ cuối năm 1946, tình trạng đất nước càng thêm tang thương. Tại Phật học đường, chú Phùng Xuân và các huynh đệ như các chú Đồng Bổn, Châu Toàn, Châu Đức, Tâm Thường, Tánh Huyền, Thiện Hạnh, Trí Không, Tâm Cát, Chơn Trí, Mãn Giác, Đức Trạm, Thiên Ân, Đức Tâm, v.v. ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều bạn học của chú đã bị bắn chết và các huynh đệ đã bí mật tổ chức lễ cầu siêu. Họ sống và tu học với nhau, cùng chung một thao thức, một lý tưởng, họ thương nhau còn hơn anh em ruột.

Họ sống và tu học, chơi đùa, vui buồn có nhau. Các học tăng thời đó rất thích đọc tiểu thuyết. Vì nội quy của Phật học đường không cho phép nên các chú đã tổ chức một “thư viện chui” trên cây nhãn trước sân chùa, trong đó có những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Quý Ôn và các thầy thường qua lại nơi cây nhãn nhưng chưa bao giờ phát hiện ra thư viện trên cây. Một hôm có ba chú không chịu đi công phu, ở ngoài lượm đá ném rào rào trên những cây nhãn để trái nhãn rụng xuống. Thật ra không phải các chú thèm nhưng tại kỷ luật của Phật học đường rất nghiêm khắc nên các chú có cảm tưởng họ là nạn nhân trong không khí đó, họ không có tự do. Và ba chú muốn chứng tỏ, một lần và một lần thôi rằng họ có khả năng vi phạm kỷ luật nên cố ý ném đá để cho vị giám niệm biết mà ra bắt. Sáng hôm sau ba chú được kêu vào và bị phạt quỳ nhang. Ba chú quỳ ba nơi. Chú Phùng Xuân quỳ nơi thư viện và thầy Hoàng Thơ, một giáo thọ trẻ viết chữ Hán rất đẹp, đi ngang qua thấy chú quỳ và hỏi “sướng chưa chú?” và chú Phùng Xuân trả lời “dạ bạch thầy, sướng!”. 

Chú Phùng Xuân được phép về chùa mỗi tháng hai lần. Mỗi lần về chùa chú đều dành thì giờ để chăm sóc từng điệu trong việc học hành. Sư Ông và các thầy lớn rất vui và rất bằng lòng về chú. Tuy vậy, chú cảm thấy xấu hổ và bất an. Chú còn quá nhiều thắc mắc về con đường chú đang theo. Chú thấy những gì chú đang học và đang thực tập không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của tự thân và của tình trạng đất nước. Chú vừa thương đạo vừa thương nước. Tuy nhiên, chú chưa tìm ra được con đường. Con đường kháng chiến với máu xương và căm thù không thích hợp với chú[12]. Con đường tu học tách rời ra khỏi những thực tại khổ đau của đất nước cũng không làm chú thỏa mãn. Có lần chú đã tâm sự những băn khoăn của mình với thầy Trọng Ân. Thầy trầm ngâm và nói rằng chính thầy cũng chưa tìm ra được cái mà chú muốn tìm. Tuy vậy, trong thâm tâm, chú vẫn tin rằng nếu đạo Bụt có sự đổi mới và phục hồi lại những giáo lý cũng như những thực tập cốt tủy thì có khả năng giúp làm vơi bớt khổ đau trong xã hội, góp phần vào việc khôi phục hòa bình, độc lập và thịnh vượng cho dân tộc, như ông cha ta đã từng làm được trong các thời đại Lý Trần.

3. Tiếng Sóng

Chú Phùng Xuân và các huynh đệ học tăng tại chùa Báo Quốc đã thành lập tờ nội san viết tay có tên là Hoa Sen. Các sư cô của Ni viện Diệu Đức mượn đọc với rất nhiều cảm hứng và sau đó cũng làm một tờ khác, gọi là Hoa Khai. Nhận thấy nội dung của tờ báo mang nặng tính lý thuyết, chú và các bạn đã lập một tờ báo khác, một tờ báo có thể nói được chí hướng và con đường của họ trong tình trạng đau thương của đất nước, đầy chiến tranh và tang tóc. Ở Trung Hoa, trong tạp chí Hải Triều Âm, thầy Thái Hư viết nhiều bài Phật pháp rất hay và rất hợp với thời đại. Chú Phùng Xuân đề nghị đặt một cái tên thật Việt Nam như Tiếng Sóng. Các bạn đồng ý và đề cử chú làm trưởng ban biên tập. Tiếng Sóng rất được hoan nghênh và các bạn gởi bài đăng thật nhiều. Thầy Trọng Ân cũng yểm trợ ban biên tập hết lòng. Nhưng Tiếng Sóng đã bị đình bản vì những tư tưởng được trình bày trong đó quá cấp tiến và táo bạo[14].

Những tờ báo Phật học cấp tiến, đặc biệt là tờ Tiến Hóa đã rất thu hút chú Phùng Xuân. Chủ trương của báo Tiến Hóa là phải hành động mà đừng nói lý thuyết suông. Tuệ giác của đạo Bụt cần được hiện đại hóa. Báo Tiến Hóa đăng các bài viết nói về sự quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, xã hội và kinh tế để hiểu gốc rễ thực sự của nghèo khổ, áp bức và chiến tranh, để có thể diệt trừ tận gốc những nguyên nhân ấy mà không chỉ có tụng niệm và cầu nguyện.

Chú Phùng Xuân tin rằng ngoài kia có một khung trời rộng để học hỏi và khám phá, để tìm ra được con đường đáp ứng lại những nhu yếu sâu kín trong trái tim mình.

I. Thời thơ ấu

1. Bé Em

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 trong một đại gia đình Phật giáo tại kinh đô Huế, miền trung Việt Nam. Thầy thuộc thế hệ thứ 15 của dòng họ Nguyễn Đình. Trong dòng họ của thầy có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, thuộc thế hệ thứ 9, là một danh nhân của Việt Nam. Cha là Nguyễn Đình Phúc, pháp danh Trừng Tuệ, người làng Thành Trung (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông làm quan võ trong chính phủ Nam triều nhà Nguyễn dưới  thời Pháp thuộc, đảm trách công việc di dân lập ấp. Mẹ là Trần Thị Dĩ, pháp danh Trừng Thính, người làng Gio Linh, nay thuộc làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cả hai ông bà thọ Năm giới với Hòa thượng trụ trì chùa Từ Hiếu vào dịp Tết Nguyên đán năm 1947. Thầy có ba người anh, một người chị và một em trai út. Bé Em, tên gọi của Thầy lúc nhỏ, đã sống trong nhà của ông bà nội cùng với bà nội, các chú bác và anh em họ cho đến lúc lên năm. Đó là một ngôi nhà lớn trong thành nội Huế có hồ sen, lũy tre, cây đào sai hoa trĩu quả. Bé Em có tánh nhút nhát và thường ngại làm phiền người khác. Bé Em rất chú tâm khi làm bất cứ việc gì như đi dạo trong vườn nhà, chơi với một con ốc sên hay với một hòn sỏi. Mỗi lần đi chợ về, mẹ thường cho Bé Em một cái bánh ít hay bánh in. Cầm lấy cái bánh mẹ cho, Bé Em ngồi thưởng thức một cách chậm rãi và thanh thản. Bé Em đưa bánh lên miệng cắn một miếng nhỏ để cho hương vị của miếng bánh thấm vào trong lưỡi, đưa mắt nhìn lên trời xanh, rồi cúi xuống, đưa chân phải hất nhẹ con chó, lấy tay trái vuốt con mèo, rồi cắn thêm một miếng thứ hai. Cứ như vậy Bé Em ăn hết cái bánh. Cái bánh tuy nhỏ xíu, ấy vậy mà Bé Em mất gần nửa giờ đồng hồ để thưởng thức. Cái bánh in, bánh ít thời thơ ấu ấy là một kỷ niệm mà sau này Thầy đã nhớ lại và hướng dẫn cho không biết bao nhiêu người thực tập an trú chánh niệm trong mỗi bữa ăn. Bé Em cũng thích ăn kẹo, một trong những loại kẹo mà Bé Em thích ăn là kẹo cau.

Lên bốn tuổi, Bé Em bắt đầu đi học và có tên mới là Nguyễn Đình Lang. Một năm sau, gia đình Lang chuyển về huyện Nông Cống, Thanh Hóa để sống cùng với cha, nơi ông được thuyên chuyển đến khai hoang một vùng miền núi. Lớn lên, Lang nói được giọng Thanh Hóa một cách tự nhiên. Lang thích thú đọc tất cả những cuốn sách hay những tờ báo Phật giáo mà anh Nho, anh cả của Lang mang về nhà. Lang cũng rất thích xem anh Nho chụp hình và rửa ảnh từ một cái máy do anh tự chế. Sau này, Lang xin anh dạy cho mình cách chụp hình, rửa ảnh và vẽ tranh truyền thần.

2. Những hạt giống Phật pháp được tưới tẩm lần đầu trong đời

Một hôm, hình ảnh Bụt ngồi thật an nhiên tự tại giữa bãi cỏ với nụ cười từ bi in trên trang bìa tạp chí Phật giáo Đuốc Tuệ số 104 đã gây chấn động và để lại một ấn tượng sâu đậm trong Lang. Hình ảnh ấy thật tương phản với những khổ đau và bất công mà Lang nhìn thấy xung quanh mình. Lang ước muốn được giống như Bụt, hiện thân của sự tĩnh lặng, bình an, thảnh thơi, có khả năng giúp những người xung quanh cũng làm được như vậy.

Năm học lớp bốn, Lang háo hức khi được tham gia chuyến dã ngoại tới núi Na do trường tổ chức. Lang nghe nói trên núi có một ông đạo giác ngộ. Buổi trưa, Lang tách nhóm và lẻn đi tìm ông đạo. Không tìm thấy ông đạo trong thất, Lang đi ra xa hơn. Có tiếng nước chảy róc rách. Lang phát hiện một cái giếng thiên nhiên bằng đá. Nước giếng trong vắt. Vừa mệt vừa khát, cậu bé liền quỳ xuống vốc nước uống. Nước ngọt và mát lạnh. Cảm giác sảng khoái khó tả, Lang nằm xuống tảng đá bên bờ giếng, ngắm nhìn trời xanh, thưởng thức tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc. Khung cảnh thanh thoát nơi đây khiến Lang nhớ đến chùa Đại Bi ở núi Mật. Cảm được đây là quê hương của mình, Lang​ ngủ thiếp đi một giấc ngon lành. Thức dậy, trong đầu cậu bé đi lên một câu tiếng Pháp: J’ai bu à une source où l’eau est la plus douce de toute (ta đã uống được từ một nguồn nước ngon ngọt hơn bất kỳ ở đâu). Lang cảm thấy mình đã được gặp ông đạo bên giếng nước thơm trong. Cũng vào năm đó, Lang được trường chọn đi thi học sinh giỏi môn hành văn tiếng Pháp toàn quốc. ​Thầy Tiệp dạy lớp của Lang cũng là thầy hiệu trưởng của trường. Thầy nói Lang khá nhất lớp cả môn quốc văn và Pháp văn. Những môn khác như toán,  sử, Lang học đều khá. Cuối năm, Lang được phần thưởng lớn.

Một hôm, sau giờ cơm chiều, Lang cùng anh Nho, anh An (anh kế của Lang) và hai người bạn ngồi chơi, trò chuyện với nhau về ước muốn của mình sau này. Có người muốn làm bác sĩ, có người muốn làm kỹ sư. Anh Nho là người đầu tiên trong nhóm muốn trở thành một tu sĩ. Sau một hồi thảo luận, tất cả đều đồng ý đi tu. 

Anh Nho xuất gia tại chùa Đại Bi trên núi Mật, Thanh Hóa, với pháp tự là Thích Giải Thích[4]. Thầy Giải Thích sau đó được Bổn sư là ngài Trừng Pháp Chân Không gửi đến tu học tại chùa Từ Hiếu, Huế với sư huynh đồng sư là thầy Chánh Kiến. 

Lang muốn đi tu theo anh. Lang tập ăn chay, tự học thêm tiếng Hán và đọc kinh sách. Lang rất thích những bài viết về Nhân gian Phật giáo trong tạp chí Đuốc Tuệ, nói về một đạo Bụt được thực tập trong gia đình và xã hội mà không chỉ giới hạn trong khuôn viên chùa. Lang thích truyện Quả dưa đỏ, và đặc biệt thích chuyện Cô con gái Phật hái dâu của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ và là người khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo ở Việt Nam. Lang thuộc lòng nhiều bài thơ lục bát trong tác phẩm Quả dưa đỏ. Bài thơ Trước cảnh cao rộng của Thế Lữ cũng đã làm Lang rúng động. Trái tim Lang bắt đầu nhen nhúm chí nguyện đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Lang có niềm tin rằng đạo Bụt sẽ mang lại công bằng, tự do và thịnh vượng cho xã hội. 

Được sự đồng ý của cha mẹ, năm 16 tuổi, Lang xuất gia. Thầy Giải Thích đưa Lang đến chùa Từ Hiếu, xin cho Lang được làm đệ tử Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật (1884-1968). Trước khi bước vào cổng tam quan, thầy Giải Thích dặn Lang phải vừa đi vừa niệm Phật, để Phật gia hộ cho Lang được tu trọn đời. Vào chùa, hành trang mang theo của Lang là một tuổi thơ hạnh phúc và một khối lửa trong tim: Lang muốn tu và muốn đem đạo Bụt làm đẹp cho cuộc đời. Ngày xuống tóc, Lang được đặt tên mới là Sung, nghĩa là sung túc, thịnh vượng.

Gieo trồng hạt giống bình an

(Sư cô Chân Định Nghiêm)

Trong những khóa tu mùa hè đầu tiên tại xóm Mới (Làng Mai), tôi thường chăm sóc các em nhỏ nói tiếng Pháp. Mỗi ngày, tôi được học hỏi và được nuôi dưỡng rất nhiều từ các em. Quả thật là chăm sóc các em cũng khá vất vả, vì các em có nhiều năng lượng lắm, nhưng đó cũng là phần thưởng cho tôi vì các em đón nhận tình thương của tôi rất dễ dàng và tôi cũng nhận được rất nhiều tình thương từ các em. Những gì tôi làm cho các em đều có thể cho hoa trái ngay lập tức. Các em chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc khi ở Làng Mai dù chúng tôi chỉ có vài món đồ chơi đơn giản cho các em. Các em nói rằng các em vui vì khi ở Làng, cha mẹ của các em nói chuyện nhỏ nhẹ và cư xử nhẹ nhàng hơn khi ở nhà. Các em thích ở Làng vì thấy được sự thay đổi của cha mẹ mình.

 

 

Các em làm tôi bất ngờ mỗi ngày. Các em luôn luôn cựa quậy và lao nhao trong suốt giờ pháp thoại nhưng sau đó tôi hỏi câu gì liên quan đến bài pháp thoại thì các em đều biết. Khi trở về lại nhà, chính các em là người ghi nhớ và duy trì sự thực tập lâu hơn cả cha mẹ mình. Các em như một tờ giấy trắng vậy. Nhìn lại thời gian tôi được tới chùa lúc còn nhỏ xíu, hồi đó tôi cũng ghi nhớ mọi thứ. Khi chăm sóc cho các em tại Làng Mai, tôi thấy các em đích thực là tiếng chuông chánh niệm cho tôi, các em đã giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập. Tôi làm gì, nói gì, các em đều ghi nhớ suốt mấy năm trời. Tôi chỉ muốn vẽ lên những trang giấy trắng ấy những gì đẹp và lành nhất mà thôi.

Tôi nhớ có một lần, các em cứ nhốn nháo gây ồn làm tôi mệt mỏi quá chừng. Chỉ sau một tuần, tôi bị mất tiếng luôn. Các em xúm nhau la hét, chạy nhảy, làm đủ thứ mà các em muốn. Quá mỏi mệt nên tôi nằm xuống đất, lúc đó, các em gái bảo các em trai: “Im lặng nào, nhìn sư cô Định Nghiêm nè, sư cô mệt vì chúng ta ồn ào quá.” Rồi các em tự lắng xuống mà chẳng cần tôi phải nói gì. Chúng tôi thương yêu nhau nên khi thấy tôi mệt là các em tự động tìm cách giúp tôi hết mệt.

Tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà ta có thể trao truyền cho các em chính là cách sống của chúng ta. Trẻ em rất nhạy cảm. Các em không sống bằng lý trí mà sống bằng cảm xúc. Vậy nên, sự có mặt trọn vẹn, lắng dịu, nhẹ nhàng và bình an là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho các em. Và chúng ta cần thực tập để có thể chế tác được những phẩm chất này.

 

 

Cách tốt nhất để trao truyền sự thực tập cho các em là kể chuyện và cho các em biểu diễn những câu chuyện ấy qua hình thức kịch. Các em cũng thích thực tập Làm mới và Thiền trà với ba mẹ. Vì vậy, sẽ rất hay nếu ta mời ba mẹ các em tới tham dự những buổi sinh hoạt này. Lần nào chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt như vậy, cả ba mẹ và các em đều rất xúc động và hạnh phúc.

Có nhiều em mỗi năm đều về Làng, vì vậy, tôi được chứng kiến các em lớn lên. Mùa hè năm ngoái, tôi nghe nói các em nhỏ thành lập một tăng thân và thường xuyên liên lạc với nhau. Khi về Làng, các em cùng nhau tạo thành một nhóm, rồi chào đón các bạn mới, làm các bạn cảm thấy dễ chịu. Các em chơi với nhau rất vui vì vậy dù bước qua tuổi thiếu niên, nhiều em vẫn muốn ở lại trong chương trình trẻ em.

Nhìn các em, tôi có thể thấy được tương lai đạo Bụt ở phương Tây. Sự thực tập chánh niệm giờ đây đã trở nên thân thuộc, tự nhiên đối với các em. Vì đã được học từ khi còn nhỏ nên khi lớn lên, sự thực tập trở thành điều rất đỗi bình thường và là sự sống của các em. Các em nắm được tinh yếu của sự thực tập mà không còn bị mắc kẹt vào những lập luận của trí năng. Vì vậy, tôi tin là các em sẽ biết cách sáng tạo và làm cho sự thực tập chánh niệm phù hợp hơn với xã hội phương Tây trong tương lai.

Chắp tay – xá chào

Trong thiền viện hay trong các khóa tu, mỗi khi gặp nhau ta phải chắp hai tay trước ngực thành một búp sen để chào nhau. Cử chỉ này cần được làm trong chánh niệm: ta thấy rõ ta đang làm một búp sen để tặng người đối diện. Trong khi chắp tay ta trở thành tỉnh thức, và người được ta chào cũng trở nên tỉnh thức. Người này cũng phải chắp tay lại thành búp sen để đáp lễ. Tuyệt đối không nên chắp tay một cách máy móc. Chắp tay máy móc còn tệ hơn là không chắp tay. Gặp người khác, ta phải dừng lại, và phải chắp tay chào một cách cung kính như ta chắp tay chào Bụt vậy. Thái độ cung kính và tỉnh thức của ta, người ấy cũng sẽ chắp tay lại và trong tâm người ấy cũng sẽ phát sinh niềm cung kính và sự tỉnh thức. Một cái chắp tay như thế có thể đem tính Bụt trở về nơi hai con người cùng một lúc. Khi chắp tay thành búp sen ta thầm đọc bài kệ sau đây:

Sen búp xin tặng người

Một vị Bụt tương lai

 

 

Gặp một em bé ta cũng chắp tay cung kính như gặp một người lớn. Nếu ta chào em bé như thế, em bé sẽ biến đổi một cách lạ kỳ, và chính ta, nếu ta thực tập cách chào này cho nghiêm chỉnh ta cũng sẽ biến đổi. Ta không chào người vì bằng cấp, địa vị, trí thông minh hay nhan sắc của người ấy mà vì người ấy là một người, người ấy có khả năng tỉnh thức. Cái chào của ta có tính chất bình đẳng tuyệt đối. Chào được như thế, sau này ta sẽ có một cái nhìn rất lạ đối với mọi loài và mọi vật, kể từ sỏi đá cỏ cây côn trùng cho đến một đám mây bay.

Mỗi khi ta được trao một vật gì, như một tách trà, một trái lê hoặc một tờ giấy ta cũng nên chắp tay một cách cung kính trước khi đón nhận Cái chắp tay của ta, cũng giống như tiếng chuông có thể tạo ra sự tỉnh thức nơi ta và nơi người đối diện. Thiền tập là như thế: thắp sáng ý thức trong từng giây khắc của cuộc sống.

 

Điều gì xảy ra khi quơ dép có chánh niệm?

(Sư chú Chân Trời Tương Tức)

Bạn hiền ơi, có bao giờ bạn có một ước ao lạ lùng chưa? Chẳng hạn bạn có phép thần thông như bay trong không gian hoặc đi trên mặt nước. Có lẽ điều này chỉ có thể xuất hiện trong phim ảnh hay trong giấc mơ mà thôi. Tuy nhiên, ngày hôm nay, bạn sẽ khám phá và sở hữu phép thần thông một cách đơn giản và thực tế. Từ đó, bạn có thể có được một “THẦN thái chánh niệm, THÔNG suốt mọi chuyện”. Hơn thế nữa, bạn sẽ có dịp nhận diện và tiếp xúc những điều mầu nhiệm của cuộc sống bằng chính con người bạn mà không phải là ai khác.

Bạn có nhớ lần quơ dép gần đây nhất là lúc nào chứ? Có thể bạn nhớ hoặc không nhớ. Dù sao đi chăng nữa, hôm nay, bạn sẽ được chia sẻ một điều đáng nhớ khi quơ dép. Đó là ứng dụng thi kệ này vào trong cuộc sống để giúp bạn có được hạnh phúc hơn, bình an hơn. Bài thi kệ “Quơ dép” như sau:

“Đặt chân trên mặt đất

Là thể hiện thần thông

Từng bước chân tỉnh thức

Làm hiển lộ pháp thân”

 

 

Nếu như bạn được nhập vai trong phim “Tây Du Ký” thì bạn có muốn sở hữu 72 phép thần thông chứ? Phải chăng thần thông là khả năng biến hóa, bay lượn trên không trung hay đi xuyên qua mọi vật…? Đối với bài thi kệ này thì thần thông lại là khả năng đi trên mặt đất một cách tỉnh thức. Thần thông là khả năng nhận diện và tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm ngay bây giờ và ở đây. Bên cạnh đó, thần thông là một khả năng rất cụ thể, rất thực tế mà ai cũng có thể làm được. Và bạn cũng không cần tìm nó trong phim hay giấc mơ nữa vì thần thông đã có sẵn trong bạn rồi đó.

Bạn vẫn chưa tin ư? Được rồi, bây giờ mời bạn tham gia một thí nghiệm như sau. Đầu tiên, bạn hãy ngồi ngay ngắn trong tư thế vững chãi. Thở vào, bạn từ từ nhấc chân phải lên. Chú ý từng cảm giác xuất hiện nếu có. Rồi sau đó, thở ra, bạn từ từ hạ chân xuống sàn nhà. Chú ý sự xúc chạm của bàn chân với mặt sàn. Tốt lắm. Bây giờ, mời bạn đổi chân trái và làm tương tự như chân phải. Thở vào, đưa chân lên. Thở ra, hạ chân xuống. Bạn có thấy gì chứ? Một sự thoải mái hay nặng nề của đôi chân? Hoặc là cảm giác man mát ở lòng bàn chân. Dù bạn có thấy gì đi chăng nữa thì cũng xin chúc mừng bạn vì bạn vẫn còn đôi chân khỏe mạnh, vẫn có thể nhấc lên hạ xuống, đi lại thoải mái. Và nếu như bạn không có đôi chân bình thường để thực hiện thí nghiệm trên thì cũng vẫn tốt vì ít nhất bạn còn 2 tay để chống nạng bước đi. Có khi điều này còn tốt hơn so với những ai có đôi chân mà không chịu đi một cách tỉnh thức.

Đời như cơn mộng. Trong giấc mơ thì là mộng đã đành. Nhưng sống trong đời sống với mắt thấy tai nghe mà vẫn còn thấy mộng. Vì chẳng có gì là chắc thực. Con người cứ mải mê chạy theo những thứ ảo ảnh như tài, danh, sắc, thực, thuỳ rồi đâm ra tham lam, giận hờn, si mê. Bởi thế mà đau khổ cứ chồng chất, không có lối thoát. Sự thiếu hiểu biết là nền tảng cho khối khổ đau đó đã trầm luân bao nhiêu ngàn đời, ngàn kiếp. Con người cần được đánh thức sự hiểu biết và thương yêu trong mình. Tỉnh táo đón nhận mọi sự vật, hiện tượng như chúng đang là. Hoa là hoa. Chim là chim. Mình là mình mà không cần cố gắng trở thành một ai khác mới là đẹp, mới là tốt.

Nhưng để là hoa, để là chim, để là mình thì không thể tự nó có được. Mà nó cần nương vào những điều kiện, nhân duyên khác nhau mà tạo thành. Ví dụ để có hoa thì phải có nắng, phải có nước, phải có không khí… Nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì hoa không thể biểu hiện và tồn tại. Thông thường mình nghĩ rằng mình là một thực thể tách biệt với mọi hiện tượng khác. Nhưng kỳ thực tất cả đang trong mình, làm nên mình. Khi mình gây khổ đau cho người khác thì mình cũng đã tự làm khổ đau mình rồi. Nó xảy ra ngay tức khắc chứ chẳng đợi một thời gian sau mới thấy. Nếu nói “Tôi không cần anh” thì đó là một lối suy nghĩ thiển cận và ngây thơ. Khi cùng trở về gia đình tâm linh thì điều đó lại trở nên quá dại dột và thiếu hiểu biết. Mộng nào còn hơn mộng này nữa chăng? Chính vì thế, mình cần “TỈNH táo chấp nhận – THỨC hạt hiểu thương”.

Bằng cách nào để có được sự tỉnh thức? Hãy bước từng bước chân có ý thức, có chánh niệm. Mỗi bước chân như thế sẽ nuôi dưỡng sự tỉnh thức. Lúc ấy, mình có cơ hội làm lắng dịu khổ đau để đi tới sự sáng suốt, minh mẫn và thấu hiểu rõ ràng hơn. Từng bước chân tỉnh thức nếu được duy trì thì bạn có thể làm phát khởi, thấy rõ pháp thân.

Vậy pháp thân là gì? Pháp thân là bản thể vạn hữu, là chân như. Hay nói một cách dễ hiểu hơn thì pháp thân là tất cả mọi hiện tượng như tiếng chim hót, tia nắng ấm, đám mây trắng, cành trúc xanh… Rõ ràng những mầu nhiệm ấy đang có đó nhưng mình còn đang rong ruổi chạy theo lo lắng, sợ hãi, buồn rầu… Nên mình đã đánh mất đi cơ hội thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống. Thường thì mình đi bằng đầu chứ chẳng phải bằng chân. Khi đi mình hay suy nghĩ này, suy nghĩ nọ, đi cho mau tới mà thôi. Nếu như bạn để tâm vào bước chân và hơi thở thì một lúc sau bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều. Tự nhiên mình cảm thấy khoẻ, thấy nhẹ. Ngoài ra, mình còn cảm thấy mọi chuyện hanh thông hơn với từng chân tỉnh thức. Bởi thế mà, “PHÁP khắp mọi nơi – THÂN chẳng trong ngoài”.

Khi nào mình nên ứng dụng thi kệ này? Mỗi khi quơ dép, đi thiền hành hoặc bước đi đâu đó mình đều có thể đọc thầm bài thi kệ. Ngày trước con chẳng để ý nhiều về quơ dép. Cứ vơ phải dép là đi luôn. Vào chùa thấy mọi người xếp dép ngay ngắn thì con cũng làm như vậy như thể là mình tuân thủ nội quy răm rắp. Nhưng kể từ khi, con biết và ứng dụng thi kệ Quơ dép thì mọi chuyện đã khác. Quơ dép không chỉ là quơ dép. Quơ dép là khả năng chánh niệm, là tỉnh thức, là thấu hiểu, là thương yêu. Bạn còn nhớ câu “Bình thường tâm thị đạo” chứ? Tức là thấy đạo từ những điều bình thường, nhỏ nhặt như việc quơ dép… Bạn không cần làm một điều gì đó cao siêu mầu nhiệm hoặc ép xác khổ hạnh mới thấy đạo. Mà chỉ cần bạn chú ý, quan sát, lắng nghe thì mọi chuyện, mọi thứ đều cho bạn những bài học ý nghĩa, giúp bạn vượt thoát khổ đau mà bạn đang có.

 

 

Để ứng dụng thi kệ Quơ dép này hàng ngày, bạn cần có phương pháp cụ thể, rõ ràng. Tuy điều này nhỏ nhưng nếu không thực hiện Đúng – Đủ – Đều thì cũng rất khó hình thành thói quen và kết quả tốt được. Đầu tiên, bạn hãy chọn một khoảng thời gian cố định trong ngày như mới ngủ dậy buổi sáng hay trước khi đi ngủ buổi tối. Tiếp theo, bạn nên chọn không gian yên tĩnh, thoáng đãng như vườn cây xanh hay thiền đường… Bạn có thể xỏ dép, xỏ giày hoặc chân không đều được, miễn là bạn bước đi một cách thoải mái. Thay vì theo thói quen trước khi quơ dép, bạn có thể thở vào, thở ra một hơi rồi đọc thầm bài thi kệ Quơ dép. Điều này giúp bạn ý thức vào hành động bạn đang làm, cụ thể ở đây là quơ dép. Nếu bạn đã làm được đến đây thì bạn cũng nên tự chúc mừng bản thân vì mình đã làm được một điều mà trước đây bạn chưa từng làm. Cứ duy trì điều này trong vòng 2-3 ngày hoặc 1 tuần, nếu bạn cảm thấy ổn thì bạn nên nâng cao sự thực tập của mình. 

Cùng với không gian và thời gian đó, trong mỗi bước đi, bạn đều đọc thầm bài thi kệ. 

Thở vào, bước một bước, đồng thời đọc thầm câu “Đặt chân trên mặt đất”. 

Thở ra, bước một bước, đồng thời đọc thầm câu “Là thể hiện thần thông”. 

Tiếp theo, thở vào, bước một bước, đọc thầm câu “Từng bước chân tỉnh thức”. 

Thở ra, bước một bước, đọc thầm câu “Làm hiển lộ pháp thân“.

 

         Rút gọn lại là

“Thở vào/một bước/mặt đất”

“Thở ra/một bước/thần thông”

“Thở vào/một bước/tỉnh thức”

“Thở ra/một bước/pháp thân”. 

 

Ban đầu, mình sử dụng phương pháp này để chuyên chú nhất tâm. Nhưng nếu thực tập một thời gian thì tự nhiên mình sẽ có những cái thấy riêng. Những bước chân sau này sẽ khác hẳn với những bước chân trước đây cả về hình thức và nội dung.

Chúc bạn thực tập Quơ dép có nhiều hoa trái tốt lành !



Thắt dây an toàn

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 20.07.2003 tại xóm Hạ, Làng Mai)

Làng Mai có một bài kệ để nhắc cho chúng ta là mỗi khi lên xe hơi phải buộc dây lưng lại và phải lái cho cẩn thận. Bài kệ đó như thế này:

 “Hai phần ba tai nạn
Xảy ra ở gần nhà
Biết vậy tôi cẩn trọng
Dù không đi đâu xa”
 

Khi mình đi ra chợ có mấy cây số, mình cần gì phải cột thắt dây lưng làm gì cho mất công và mình lái cũng không cẩn thận lắm. Mình nghĩ là chạy đường trường 5 giờ đồng hồ, 8 giờ đồng hồ mới cần phải thắt dây lưng đúng không? Nhưng mà kỳ thực khi người ta thống kê thì hai phần ba những tai nạn xảy đến cho mình trong những lúc mình đi những quãng đường rất ngắn. “Hai phần ba tai nạn, xảy ra tại gần nhà” đó là tiếng chuông chánh niệm “biết vậy tôi cẩn trọng, dù không đi đâu xa.” Rồi đi hai ba cây số cũng vậy, cũng phải thắt dây lưng lại và cũng phải lái cho thật đàng hoàng, đó là sự thực tập chánh niệm để bảo hộ cho cái thân của mình.

Khi chúng ta thực tập theo phương pháp Bụt dạy thì chúng ta cũng phải làm tương tự như vậy. Chúng ta phải thắt sợi dây lưng của chúng ta lại và sợi dây lưng này tức là “chánh niệm.” Sợi dây an toàn của chúng ta là chánh niệm. Nếu chúng ta có chánh niệm thì chúng ta tránh được rất nhiều tai nạn khi mình nói, khi mình cười, khi mình suy tư, khi mình hành động. Nếu mình có chánh niệm thì tai nạn nó ít xảy tới. Khi mình nói, mình biết rằng mình đang nói cái gì và nói điều đó có hại gì hay không? Tại vì khi nói chúng ta có thể làm tan nát hết tất cả. Chúng ta có thể gây ra sự xáo trộn trong gia đình, tạo ra sự khổ đau trong bản thân của chúng ta và gây ra những nỗi khổ niềm đau cho người khác. Nếu có chánh niệm chúng ta không có những cử chỉ gây ra đổ vỡ trong gia đình và trong đoàn thể của mình. Mỗi khi không có chánh niệm thì mình có thể làm những điều tạo ra sự bất hòa, tạo ra sự đổ vỡ. Vì vậy chánh niệm đích thực là sợi dây lưng an toàn của người tu và muốn có chánh nhiệm thì phải biết thực tập hơi thở và bước chân. Hơi thở và bước chân đích thực là hai sợi dây. Mỗi khi ta thở thì ta chú ý tới hơi thở, ta đừng để tâm phóng đi chỗ khác. Người nào mà biết chú ý tới hơi thở thì tâm luôn luôn ở với thân và khi tâm luôn luôn ở với thân thì tâm biết cái gì đang xảy ra, đó là chánh niệm.

Một sợi dây thứ hai nữa đó là bước chân của mình. Nếu mỗi khi bước đi, mình để ý vào từng bước chân của mình thì mỗi bước chân đó đều bước trong chánh niệm. Phần lớn chúng ta đi như bị ma đuổi, đi mà không biết là mình đang đi, đi như kẻ mộng du, cho nên tâm rong ruổi đi chỗ khác. Trái lại nếu mình biết bước từng bước chân trong chánh niệm thì tâm mình luôn luôn ở với thân và mình có sự an toàn. Bước chân chánh niệm cũng là một sợi dây an toàn thứ hai, theo kinh nghiệm của Thầy. Nếu tu mà không có biết nắm lấy hơi thở và nắm lấy bước chân thì khó có thể thành, khó có thể chuyển hóa được. Không phải lâu lâu mới nắm hơi thở một lần, lâu lâu mới nắm bước chân một lần. Nếu quyết tâm tu học để chuyển hóa thì phải suốt ngày nắm lấy hơi thở và suốt ngày nắm lấy bước chân.

 

Nguồn hình ảnh: Rob Walsh
Nguồn hình ảnh: Rob Walsh

 

Ở Làng Mai sự thực tập là như vậy đó, không phải chỉ khi nào ngồi thiền thì mình mới theo dõi hơi thở, không phải chỉ khi nào nấu ăn thì mình mới theo dõi hơi thở. Mỗi khi mình dọn dẹp thiền đường, tưới rau hay giặt áo, mình cũng phải theo dõi hơi thở. Nếu không theo dõi hơi thở tức là mình không có sợi dây an toàn buộc mình lại, đó gọi là thất niệm tức là không có chánh niệm. Người tu là người phải cột sợi dây an toàn vào 24 giờ đồng hồ một ngày và sợi dây an toàn thứ nhất là hơi thở; luôn luôn phải trở về hơi thở, hơi thở là pháp bảo hộ thân tâm. Nếu không có hơi thở thì cái tâm nó chạy đi chỗ khác và không còn ai, không còn cái gì để bảo hộ cho thân và tâm mình.

Sợi dây an toàn thứ hai là bước chân. Mỗi ngày chúng ta đi thiền hành với đại chúng một lần và những bước chân của chúng ta, bước nào cũng đi trong chánh niệm. Cái đó rất tốt nhưng chừng đó không đủ. Vì vậy cho nên suốt ngày mỗi khi cần di chuyển từ một chỗ này sang một chỗ khác dầu chỉ ba bước hay năm bước thì chúng ta cũng phải áp dụng phương pháp thiền đi, nghĩa là cột sợi dây chánh niệm đó lại. Bước nào cũng bước trong chánh niệm và bước nào cũng đi như người tỉnh thức mà không đi như bị ma đuổi, không đi như những người mộng du. Những người học trò giỏi của Thầy là những người làm được như vậy, có thể không thuyết pháp hay, không hiểu kinh điển. Những bước chân không có chánh niệm và hơi thở không có chánh niệm thì những người đó không phải là học trò giỏi của Thầy. Những người đó có thể làm máy vi tính rất giỏi, tổ chức khóa tu rất hay, tổ chức ngày Phật đản rất thành công nhưng không phải là đệ tử giỏi của Thầy. Đệ tử giỏi của Thầy là người suốt ngày nắm được hơi thở và nắm được bước chân. Khi mình nắm được hơi thở và nắm được bước chân thì chắc chắn thế nào cũng được chuyển hóa. Nắm được hơi thở, nắm được bước chân tức là luôn luôn có sợi dây an toàn. Không những mình sẽ được chuyển hóa, mà trong hiện tại mình biết nói những gì và không nên nói những gì, mình biết làm gì và không nên làm gì. Có những điều mình nói ra có thể tạo nên sự đổ vỡ trong lòng mình và trong lòng người kia; khi có chánh niệm thì mình sẽ không nói như vậy, mình sẽ không làm như vậy.

Hầu hết chúng ta thông minh, ta biết nhưng đến lúc sự việc xảy ra, mình vẫn cứ nói và làm hành động đó như thường. Ta gây ra đổ vỡ rồi ta bứt tóc, đánh ngực, ta nói: “Mình đã biết nói câu đó thì nó tan nát hết, mà tại sao mình cứ nói. Mình biết rằng làm hành động đó sẽ tan nát hết, tại sao mình cứ làm?”. Mình cúi xuống lạy Bụt và phát nguyện từ sau con sẽ không nói như vậy, sẽ không làm như vậy. Mình rất thành thật, mình rất thật lòng khi sống với Bụt. Nhưng 3-4 ngày sau hoặc là tháng sau, mình lại nói và hành xử trở lại giống hệt như vậy. Tại sao? Mình có dư thiện chí, mình có dư thông minh nhưng vì tập khí, thói quen của mình.

 

 

Đó gọi là tập khí, habit energy, là thói quen “ngựa theo lối cũ” và chỉ có một phương pháp để đối trị với nó, là chánh niệm. Nếu mình biết hơi thở chánh niệm, biết bước chân chánh niệm thì mỗi khi tập khí đó sắp lên,“trời ơi tập khí nó tới, nó đang đẩy tôi, nó xúi tôi nói cái đó nữa đây, nó xúi tôi làm cái đó nữa đây”. Nhưng mà kỳ này tôi không chịu xua nó đâu, đó là nhờ có chánh niệm. Chánh niệm là câu trả lời duy nhất. Thành ra muốn bẻ gãy vòng luẩn quẩn thì chỉ có chánh niệm. Chánh niệm không phải mình muốn là nó có liền. Chánh niệm cần phải thực tập, thực tập hơi thở và bước chân. Hơi thở và bước chân là hai sợi dây an toàn, cung cấp cho mình sự an ninh. Mỗi khi tập khí đó bắt đầu trồi lên và mình bắt đầu nói, bắt đầu làm những điều có thể gây tan vỡ thì chánh niệm có đó, phải không? Mình có khả năng không nói và không làm. Ba má nhiều khi gây lộn nhau cũng vì chuyện nhỏ xíu à. Má nói câu đó, ba phản ứng giống hệt như vậy rồi hai bên làm khổ nhau. Rồi hai ba tháng sau, má nói câu đó, ba phản ứng như vậy và hai bên làm khổ nhau. Không phải là má không biết, ba không biết; má biết rất rõ, hễ nói câu đó và phản ứng như vậy thì gia đình sẽ lục đục. Ba má biết rất rõ và không muốn làm như vậy mà vẫn cứ làm như thường. Và khi ba má làm khổ nhau thì đồng thời mình làm khổ con. Cho nên ba má phải thực tập hơi thở và bước chân.

Xin nhắc lại, mỗi ngày thực tập thiền đi một lần không đủ. Mỗi ngày thực tập một giờ đồng hồ, theo dõi hơi thở một giờ đồng hồ không đủ. Hăm ba giờ đồng hồ còn lại làm gì? Hăm ba giờ đồng hồ còn lại để cho thất niệm kéo mình đi và mình chỉ có chánh niệm một giờ đồng hồ thôi thì đâu có đủ. Cho nên trong một đạo tràng như là đạo tràng Mai Thôn, các thầy các sư cô và các phật tử thực tập hơi thở hăm bốn giờ một ngày, thực tập thiền hành hăm bốn giờ một ngày, nghĩa là mình phải thắt sợi dây an toàn suốt ngày. Ở chùa cũng vậy, ở Mai Thôn cũng vậy, ở Đình Quán cũng vậy, ở Từ Hiếu cũng vậy. Các thầy, các sư cô phải thực tập hăm bốn giờ đồng hồ một ngày mới chuyển hóa được, còn thực tập một giờ thì đâu có thấm thía gì, đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tất cả mọi người đều phải thực tập chứ không phải chỉ một vài người thực tập. Ví dụ trong một đại chúng một trăm người mà chỉ có hai mươi người thực tập thiền hành, còn tám mươi người kia đi như bị ma đuổi thì hai mươi người này thực tập rất là khó. Tất cả mọi người đều thực tập đi thiền trong chánh niệm, người này nhắc người kia, thì chỉ trong vòng một tháng, hai tháng là không khí của đạo tràng đã thay đổi liền. Người nào cũng đi trong chánh niệm, không chỉ trong giờ thiền hành mà đi chánh niệm trong tất cả mọi trường hợp. Hễ mình di chuyển từ cư xá của mình tới nhà bếp là mình áp dụng phương pháp thiền đi hay từ phòng ở đi tới phòng rửa mặt, mình cũng áp dụng phương pháp thiền đi. Mỗi bước chân phải đi vào trong Tịnh độ, mỗi bước chân không thể nào bước ra khỏi Tịnh độ, phải quyết tâm như vậy thì mới có thể chuyển hóa được. Không phải chỉ một số người trong chúng quyết tâm như vậy là đủ, tất cả mọi người trong chúng đều phải làm như vậy thì mới tạo ra được năng lượng lớn bảo hộ cho cả chúng. Mình tu mà tu khơi khơi thì nó chỉ có hình thức và không đạt tới sự chuyển hóa và sự an toàn. Mình phải làm cho hết lòng, mình phát nguyện hễ mỗi khi bước một bước chân thì bước trong chánh niệm. Mỗi khi thở một hơi thở thì con nguyện rằng hơi thở đó nằm trong chánh niệm.

 

 Nguồn hình ảnh: Rob Walsh

Lời nguyện cầu cho tất cả những ai đang khổ đau vì chiến tranh và xung đột

 

 

Giờ phút này chúng con tập hợp tại đây như một gia đình tâm linh để cùng nhau chế tác và gửi năng lượng tâm linh và từ bi đến người dân Palestine, Do Thái và tất cả những ai đang bị kẹt trong hoàn cảnh chiến tranh và xung đột tại Trung Đông.

Chúng con cũng cầu nguyện cho người dân các nước Ukraina, Nga, Sudan và tất cả những ai đang đau khổ vì nạn chiến tranh. Hiện đang có hơn 100 cuộc xung đột vũ trang xảy ra trên thế giới, trong đó có những cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Nguyện cho tất cả mọi người đều được an toàn. Mong cho ai cũng tìm được bình an trong chính tự thân dù hàng ngày phải sống trong sự hiểm nguy và gian khổ. Nguyện cho các nhà lãnh đạo thế giới của chúng ta thức tỉnh nhờ năng lượng của từ bi để cùng nhau tìm cách chấm dứt sự giết chóc và đau khổ vô biên do chiến tranh gây ra.

Mong sao chúng ta cùng nhau vun bồi sự cởi mở, tâm không phân biệt, không cố chấp vào quan điểm của mình để có thể chuyển hóa bạo động, cuồng tín, và giáo điều, là những gốc rễ của chiến tranh và xung đột.

Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, trong giờ phút này, chúng con xin niệm danh hiệu của ngài. Chúng con nguyện học theo hạnh Bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Chúng con nguyện ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của thế giới rồi.

Thực tập: Làm lắng dịu cảm xúc và vận động thân thể

— Chân Pháp Ấn —

Thông thường khi chúng ta ngồi thiền để quán chiếu, tìm ra gốc rễ của những nỗi buồn phiền và vướng mắc trong ta thì trong vòng một hoặc hai phút, những hình ảnh sâu đậm từ thời thơ ấu sẽ đi lên. Điều quan trọng là chúng ta ý thức về cơ thể của mình trong những lúc ấy. Có thể cơ thể chúng ta bắt đầu run lên và chúng ta bật khóc – Chúng ta có thể khóc trong vòng vài phút hoặc thậm chí lâu hơn. Cảm xúc của ta cũng theo đó mà vơi nhẹ đi. Làm vơi nhẹ cảm xúc có công năng trị liệu rất lớn. Sau một hồi, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và chúng ta thường đạt được những cái thấy (tuệ giác) quan trọng. Dần dần, chúng ta sẽ có nhiều tự do hơn.

Quá trình làm vơi nỗi khổ đau này rất hay. Khóc và buông bỏ mang lại rất nhiều sự trị liệu. Đó là điều mà chúng ta ai cũng mong đợi. Lần đầu tiên những hình ảnh thời thơ ấu đi lên, có thể ở mức độ thứ 10 trên thang đo từ 1 đến 10, với 10 là nấc thang mạnh nhất, lần kế đến có thể là 8, rồi kế nữa có thể là 6, 5, 4, 3, 2, 1. Và với nguồn năng lượng được phóng thích ra ngoài, chúng ta có khả năng nhìn sâu và đạt được sự hiểu biết, chính lúc này tình thương yêu đích thực được phát sinh. Chúng ta sẽ không còn tức giận nữa, chúng ta có thể hiểu và thực sự thương được người đã làm ta tổn thương.

Điều quan trọng là chúng ta không để mình kẹt vào quá trình này, quá trình buông bỏ và làm lắng dịu khổ đau, cũng không kẹt vào nỗi khổ đau đang đi lên. Chúng ta chỉ quan sát xem chúng đi lên như thế nào. Quá trình này phải được diễn ra một cách tự nhiên. Sự trị liệu đích thực sẽ xảy ra cùng với sự hiểu biết đích thực. Những nguồn năng lượng khổ đau, căng thẳng, nặng nề này có thể ăn sâu vào cơ thể ta, vào trong những cơ quan nội tạng của ta như thận, gan hoặc tim. Sau khi nguồn năng lượng này được phóng thích, cơ thể và các cơ quan nội tạng của ta sẽ bị mất thăng bằng, dễ bị tổn thương, do đó điều quan trọng là ta phải chăm sóc chúng và chuyển nguồn năng lượng này ra bên ngoài bằng một loại hình thể dục thể thao đều đặn nào đó, như thái cực quyền, khí công,… để giúp cơ thể được trị liệu.

Thực tập: Làm mới

Chúng ta có thể thực tập làm mới trong gia đình, trong tăng thân, với người mà ta đang truyền thông khó khăn. Chúng ta cũng có thể làm mới với chính mình. Ở Làng Mai, chúng tôi thực tập làm mới mỗi tuần. Mọi người ngồi lại với nhau thành một vòng tròn, ở giữa có một bình hoa tươi. Chúng ta theo dõi hơi thở trong khi chờ vị chủ tọa bắt đầu. Làm mới có ba bước: thứ nhất là tưới hoa, thứ hai là bày tỏ sự hối tiếc, thứ ba là nói lên những niềm đau và khó khăn của mình. Sự thực tập này giúp ngăn chặn tình trạng khổ đau chồng chất từ tuần này sang tuần khác và tạo ra một nguồn không khí hòa hợp, an toàn cho mọi người trong tăng thân.

Chúng ta luôn bắt đầu bằng phương pháp tưới hoa. Khi có ai đó đã sẵn sàng làm mới, người ấy chắp tay lên, những người khác cũng chắp tay đáp lại tỏ ý là đã sẵn sàng lắng nghe và người ấy có thể chia sẻ. Sau đó người ấy đứng dậy, từ từ đi đến bình hoa, nâng bình hoa lên và trở về chỗ ngồi của mình. Khi nói, những lời nói của người ấy chứa đựng sự tươi mát, đẹp đẽ của những bông hoa trước mặt người ấy. Trong suốt thời gian tưới hoa, người ấy công nhận những phẩm chất hiền thiện, quý giá của những người khác. Đây không phải là một sự tâng bốc hay dua nịnh mà đó là một sự thật. Mỗi người ai cũng có những điểm tốt, điểm mạnh, chỉ cần ý thức là ta có thể thấy được những điều đó. Không ai được cắt ngang lời người đang chia sẻ (người đang giữ bình hoa). Mọi người phải thực tập lắng nghe sâu và cho phép người ấy có đủ thời gian để nói ra những gì người ấy cần nói. Khi nói xong, người ấy đứng dậy, từ từ mang bình hoa trả lại giữa vòng tròn.

Chúng ta không nên xem thường bước tưới hoa đầu tiên này. Khi thật sự công nhận những phẩm chất tốt đẹp của người khác thì chúng ta dễ dàng buông bỏ những trách móc, giận hờn trong ta. Tự nhiên ta sẽ mềm ra, cái nhìn của ta cũng trở nên thoáng rộng và bao dung hơn. Ta có khả năng ôm ấp, chấp nhận được tất cả những gì đang xảy ra. Khi không còn bị kẹt vào những tri giác sai lầm, bực dọc và phán xét, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra phương cách hòa giải với những người khác trong tăng thân hoặc trong gia đình. Điểm chính yếu của sự thực tập này là khôi phục lại tình thương và sự hiểu biết của mọi người trong tăng thân.

Bước thứ hai của phần làm mới là xin lỗi người mà ta đã làm tổn thương. Đôi khi chỉ cần một câu nói thiếu cẩn trọng, thiếu chánh niệm là ta đã làm cho người khác bị tổn thương rồi. Buổi làm mới là một cơ hội giúp ta nhớ lại những lỗi lầm của mình trong tuần để chuyển hóa và làm mới trở lại.

Bước thứ ba, chúng ta dùng lời ái ngữ để nói cho người kia biết là người kia đã làm ta tổn thương. Chúng ta nói ra sự thật mà không làm tổn hại nhau vì chúng ta muốn trị liệu cho tăng thân chứ không phải muốn phá hoại tăng thân. Lắng nghe sâu là một phần quan trọng của sự thực tập này. Khi ngồi trong vòng tròn mà tất cả mọi người đều đang thực tập lắng nghe sâu thì những lời nói của ta sẽ trở nên dễ thương hơn, có tính chất xây dựng hơn. Chúng ta không tranh cãi hay đổ lỗi.

Trong buổi làm mới, phần thực tập lắng nghe sâu bằng tâm từ bi rất quan trọng. Chúng ta lắng nghe những khó khăn và niềm đau của người khác với tinh thần tự nguyện để làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ mà không phải để phê phán hay tranh cãi. Chúng ta lắng nghe với tất cả sự chú tâm của mình. Cho dù người kia có nói điều gì không đúng sự thật, chúng ta cũng vẫn tiếp tục lắng nghe để người kia có thể nói hết những niềm đau nỗi khổ trong lòng, giúp họ vơi bớt những căng thẳng. Nếu chúng ta trả lời lại hoặc chỉnh sửa họ thì sự thực tập sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta chỉ lắng nghe thôi. Nếu cần cho người kia biết những tri giác của họ không đúng thì chúng ta có thể đợi vài ngày sau và nói một cách kín đáo, trầm tĩnh. Rồi những buổi làm mới kế tiếp, có thể chính người kia tự sửa đổi những sai lầm ấy mà chúng ta không cần phải nói gì cả. Chúng ta có thể kết thúc buổi làm mới bằng một bài hát, hay nắm tay nhau và cùng thở với nhau trong vài phút.