Đảnh lễ sáng thứ Hai

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni. 

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Thường Bất Khinh. 

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 18 tháng 12 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Chúng con hiện tiền tâm thanh tịnh

Thiền tọa kinh hành và tụng kinh

Chuyển niệm nghĩa là chuyển từ tụng kinh sang niệm Bụt. 

Hiện tiền là bây giờ và ở đây. 

Tâm thanh tịnh là tâm được lắng đọng lại, không bị những phiền não quấy động, lặng yên như nước hồ thu, bởi vì chúng ta vừa được nghe những lời kinh rất mầu nhiệm. Chúng ta cũng đã được sống hơn nửa giờ hoặc một giờ đồng hồ trong tịnh niệm nên tâm ta đã thanh tịnh trở lại.

Thiền tọa, kinh hành và tụng kinh là ba sự thực tập đem lại sự thanh tịnh. Chúng ta nên tập dùng chữ thiền ngồi thay cho chữ thiền tọa, vì chữ thiền ngồi rất Việt Nam. 

Kinh hành tức là thiền đi chậm. Chữ kinh (經) có bộ mịch (糸) gợi ý về hình ảnh sợi chỉ. Khi đóng một quyển kinh, chúng ta phải dùi lỗ tất cả những tờ giấy và dùng một sợi chỉ luồn qua những lỗ đó để giữ các tờ giấy không bị rơi rụng. Kinh có nghĩa là đi xuyên qua và giữ lại, xâu lại, không để cho mất mát, như chúng ta xâu một hạt chuỗi, không để cho viên ngọc nào rơi ra ngoài. Sợi dây có tác dụng giữ tất cả các hạt minh châu lại để làm thành chuỗi hạt. Kinh hành cũng vậy, mỗi bước chân là một viên ngọc và chánh niệm đi xuyên qua mỗi bước chân. Không có bước chân nào rơi ra ngoài, bước chân nào cũng có chánh niệm. Kinh hành là thiền đi trong thiền đường, đi chậm hơn so với đi ngoài trời, mỗi bước chân kết hợp với một hơi thở. Nếu thực tập giỏi thì khi đi một trăm bước, ta sẽ có một trăm bước chánh niệm. Còn nếu chúng ta không thực tập đàng hoàng thì sẽ có những bước chân bị lạc trong thất niệm. Khi chúng ta nghĩ tới chuyện này, chuyện kia thì cũng giống như sợi dây không xâu hết những viên ngọc, đó là do công phu của ta thiếu sót. Nếu có bước chân nào dẫm xuống cõi ta bà, dẫm xuống cõi sầu khổ và giận hờn thì bước chân đó đã bị rớt ra ngoài, nghĩa là không nằm trong sợi dây chánh niệm. Ta có thể kinh hành trong im lặng và sử dụng những câu Đã về đã tới, Quay về nương tựa hay Đây là Tịnh độ… nhưng điều thiết yếu là mỗi bước chân phải bước trên Tịnh độ, đừng bước vào cõi sầu khổ và giận hờn. Khi chúng ta vừa kinh hành vừa niệm Bụt bằng những câu Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni hay Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm, ta hãy để mỗi bước chân cùng đi với Bụt và đi bằng bước chân của Bụt. Tức là phương pháp niệm Bụt (念佛 – Buddhānusmṛti), niệm Pháp, niệm Tăng. Người Nhật thích niệm Pháp: Nam mô Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh

Trong khi kinh hành, dù im lặng hay niệm Bụt, chúng ta cũng phải duy trì chánh niệm, đừng để bước chân nào lạc ra ngoài. Niệm Bụt thì niệm Bụt, theo thi kệ thì theo thi kệ, trong giờ phút đó chúng ta phải an trú trong Tịnh độ, đừng rời khỏi Tịnh độ.

Tụng có nghĩa là đọc lại. Ta đã biết trong kinh nói gì rồi nhưng ta vẫn tụng lại. Ở đây không phải là vấn đề học hỏi mà là vấn đề thực tập. Tụng kinh là để tưới tẩm những hạt giống tốt mà ta đang có. Ta đã đọc và hiểu kinh đó rồi nhưng ta vẫn tụng như thường vì mỗi lần tụng thì hạt giống của hiểu biết và tuệ giác trong ta được tưới tẩm. Do đó, tụng kinh rất quan trọng nhưng chỉ quan trọng khi chúng ta tụng có chánh niệm. Còn tụng kinh như một con vẹt, chỉ để ý tới âm tụng làm sao cho đừng sai, trong khi tâm không duyên với nghĩa lý của kinh thì không có nhiều lợi lạc. Tiếng kinh giống như một nhát búa, giáng vào khối si mê của ta. Khối si mê đó giống như một khối sắt, đập tuy khó vỡ nhưng ta cứ kiên nhẫn, có công mài sắt có ngày nên kim. Những ý tưởng, những giáo huấn của đức Thế Tôn mỗi ngày sẽ soi sáng cho ta. Ta cứ tưởng rằng mỗi buổi sáng hoặc buổi tối tụng kinh đều như tất cả những lần tụng khác, nhưng không, lần tụng này sẽ làm cho nổ tung và làm vỡ khối si mê trong ta và tự nhiên ta thoát được, vỡ ra. Đó là do ta bắt đầu hiểu, gọi là ngộ. Mê nghe kinh trọn kiếp, ngộ chỉ một sát na (Nhạc Tịnh Thủy). Sát na đó là sát na của lần tụng cuối cùng.

Xin nguyện Tam bảo và Long thiên

Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng

Tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng. Tam bảo có hai nghĩa: 

  1. Đồng thể Tam bảo (同体三寶): là ba ngôi báu cùng một thể chất. 
  2. Biệt tướng Tam bảo (別相三寶): thấy được Bụt là khác, Pháp là khác, Tăng là khác.

Đứng về phương diện bản chất thì Tam bảo cùng thể tính như nhau. Nhưng đứng về phương diện tướng thì Tam bảo có khác nhau. Bụt là Bụt, Pháp là Pháp, Tăng là Tăng. Nhưng nhìn cho sâu thì thấy Bụt sở dĩ được là Bụt vì nhờ có Pháp và có Tăng. Pháp có được là nhờ Bụt và Tăng. Tăng có được là nhờ Bụt và Pháp. Nhìn sâu vào từng biệt tướng của Tam bảo thì ta thấy được đồng thể Tam bảo. 

Long thiên là loài rồng và chư thiên, hai giới cùng với loài người bảo vệ chánh pháp. Loài rồng và chư thiên cũng như A tu la và Dược xoa đều là học trò của Bụt. Nhiều khi tụng kinh ta tưởng chỉ có sư anh, sư chị, sư em của ta nghe thôi nhưng kỳ thực có những loài khác cũng đang nghe. Vì vậy, phải tụng kinh cho đàng hoàng. Có những loài tới nghe tụng kinh, họ có thể ở trên không hay ở dưới đất (Hoặc tại địa thượng hoặc cư không). Nên khi tụng kinh là tụng cho nhiều loài cùng nghe chứ không phải tụng cho riêng mình hay cho các sư anh, sư chị, vì vậy tụng sai rất tội nghiệp cho họ. Trong nghi thức có câu:

Thiên, A tu la, Dược xoa đẳng

Lai thính Pháp giả ưng chí tâm

Nghĩa là các loài trời, A tu la, Dược xoa và loài rồng tới nghe Pháp thì phải hết lòng và bảo hộ cho Phật pháp. Vì vậy, khi tụng tới câu Xin nguyện Tam bảo và Long thiên ta phải thấy chư thiên đang ở trên trời, trên mái chùa của mình cùng các loài rồng và các loài khác nữa đều đến nghe tụng kinh. Cho nên ta phải tụng hết lòng và tụng rất nghiêm chỉnh để tất cả đều được lợi lạc. Bởi vì chỗ nào có Pháp là chỗ đó có điều kiện của giải thoát, hạnh phúc. Đó là ta cũng đang làm mưa Pháp. 

Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng

Quý vị tới đây nghe Pháp, thực tập Pháp thì quý vị hãy yểm trợ cho đạo tràng, cho ngôi chùa này. 

Đạo tràngpractice center, là dharma center. Đạopractice, là sự thực tập.

Tràngcenter, là nơi chốn. 

Bốn chúng tức là các vị xuất sĩ nam, xuất sĩ nữ, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. 

Và các bậc Thiên, Long, Dạ xoa, A tu la, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhân, phi nhân tới nghe pháp thì phải tìm cách che chở và yểm trợ cho đạo tràng và những người đang tu học. Khi chúng ta đọc tới đây, chúng ta phải thấy được sự có mặt của họ và phải cầu nguyện cho họ được lợi lạc thì họ sẽ yểm trợ chúng ta. Ta yểm trợ họ bằng cách tụng kinh và ngồi thiền cho thật đàng hoàng. Long thiên và Hộ pháp luôn có chung quanh ta, ta làm điều gì sai quấy hay phạm giới, các bậc Long thiên và Hộ pháp đều biết và họ sẽ thất vọng. Đôi khi, ta che giấu các sư anh, sư chị về lỗi lầm của ta nhưng ta không thể nào che giấu các bậc Long thiên, Hộ pháp được, cho nên đừng làm cho họ thất vọng mà tội nghiệp họ. Khi chúng ta tu hành, giữ giới đàng hoàng thì Long thiên và Hộ pháp sẽ yểm trợ ta.

Tám nạn ba đường đều thoát khỏi

Tám nạn tức là chỉ tám hoàn cảnh tai nạn mà trong đó chánh pháp không có mặt. 

  1. Địa ngục: rơi xuống địa ngục rồi thì làm gì có pháp.
  2. Ngạ quỷ: tức là quỷ đói. Khi làm quỷ đói thì không được tiếp nhận chánh pháp. 
  3. Súc sinh: loài vật. 
  4. Hưởng thụ thiên (cõi trời hưởng thụ): trên đó ta chỉ ăn chơi thôi. Ta đâu cần tìm ở đâu xa, chỉ cần tới Bordeaux, Paris, nơi có những quán rượu, ăn chơi, nhảy nhót tức là tới cõi trời của hưởng thụ dục lạc.
  5. Biên địa: Biên tức là ở góc, ở biên giới. Biên địa là những vùng xa xăm, không có văn minh, chánh pháp không tới được. 
  6. Manh, lung, ấm, á: đó là những người đui mù, điếc, câm, ngọng, tật nguyền, không có cơ hội nghe pháp, không có con mắt để đọc kinh.
  7. Thế trí biện thông (世智辯通): người có tài biện bác giỏi, dùng lý luận của đời, đó là những người ngụy biện, đây là tai nạn rất lớn. Có những thầy nói năng rất đơn giản, hành động rất đơn giản mà biểu lộ được đức hạnh đích thực của đức Thế Tôn. Nhưng cũng có những người lẻo mép vô cùng nên cái gì cũng nói trượt ra hết và rốt cuộc ta không tiếp nhận được từ thầy này một chánh pháp nào cả. Cái đó gọi là thế trí biện thông. Thế trí là sự hiểu biết ngoài đời. Biện thông tức là nói xuôi, nói tuột luột ra hết. Ví dụ, có người nói cuộc đời là khổ thì thầy đó sẽ nói: “Có khổ gì đâu nào, tôi đâu thấy khổ gì đâu?”. Nói rất khéo, gọi là thế trí biện thông. Trong chúng ta, có thể có những người có hạt giống của thế trí biện thông, chúng ta nên biết hạt giống đó nguy hiểm lắm.
  8. Sinh trước hay sinh sau Bụt: nghĩa là không được gặp Bụt. Chúng ta không phải là những người sinh sau Bụt, chúng ta là người sinh cùng thời với Bụt. Tại vì giáo pháp còn thì Bụt đang còn, phải không? Và Bụt đang có mặt mỗi ngày quanh ta và trong ta.

Ngoài ra, theo luật Tứ phần (Vinaya) thì tám nạn là:

  1. Chính quyền 
  2. Giặc giã
  3. Hỏa tai: nạn cháy
  4. Nước lụt, nước trôi
  5. Bệnh tật
  6. Con người: Đó là những người làm đủ cách để chánh pháp không được quảng bá.
  7. Phi nhân: những loài không phải là người
  8. Độc trùng: những côn trùng độc hại

Ba đường (tam đồ) là ba nẻo về tối tăm, gồm: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Chúng ta biết rằng hạt giống địa ngục, hạt giống ma đói và hạt giống thú vật đang có trong ta. Nếu không tu tập thì ba đường đó sẽ hiện lên trong ta và ta sẽ đi trên ba đường đó lúc nào không hay. Cho nên ta phải thực tập để thoát khỏi tám nạn và ba đường. Và ta thực tập với sự yểm trợ của đạo tràng, của tứ chúng, của Tam bảo và của Long thiên.

Bốn ân ba cõi thấm hồng ân

Bốn ân gồm có cha mẹ, thầy, bằng hữu và mọi loài chúng sinh.

Hồng ân tức là ân lớn. Chữ hồng 洪, nghĩa là lớn, như hai chữ hồng chung 洪鐘 (cái chuông lớn) và hồng thủy 洪水 (trận lụt lớn).

Ba cõi tức là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. 

Mong ước của chúng ta là cha mẹ, thầy, bạn, mọi loài chúng sinh cũng như tất cả sinh linh trong ba cõi đều được thấm nhuần ân đức lớn lao của Bụt. Ân đức của Bụt còn gọi là ân lớn (hồng ân).

Thế giới khắp nơi không chiến tranh

Gió hòa mưa thuận dân an lạc

Đây là sự thực tập từ bi, mong ước không có chiến tranh. Nếu sự mong ước được lặp đi lặp lại hằng ngày thì chúng ta sẽ có cơ hội làm được một cái gì đó để ngăn chặn chiến tranh và sẽ không làm bất cứ điều gì để châm ngòi cho chiến tranh. 

Gió hòa mưa thuận là nói về thời tiết.

Đại chúng chuyên tu càng tinh tiến

Đại chúng tức là Mahāsaṅgha (Great/Noble community). Có khi chỉ năm hay sáu người mà vẫn được gọi là đại chúng. Chữ đại ở đây có nghĩa là cao cả, đáng tôn sùng.

Mười địa đi lên không khó khăn

Mười địa tức là mười trình độ mà một vị đại Bồ tát đi ngang qua trước khi trở thành Bụt.

  1. Địa hoan hỷ (pramuditā-bhūmi): Pramuditā là hoan hỷ, bhūmi là địa (đất). Dấu hiệu chứng tỏ đây là vị Bồ tát bởi vì vị đó có sự hoan hỷ. Trên con đường tu học nếu ta có niềm vui là ta đã đi vào địa thứ nhất. 
  2. Địa ly cấu (vimalā-bhūmi): Cấu là dơ bẩn, cấu uế. Ly cấu là xa lìa những cấu uế trong thân và tâm, nhất là những cấu uế trong tâm. Nếu thực tập giới luật và uy nghi vững chãi thì ta đi được vào địa vô cấu, ly cấu. 
  3. Địa phát quang (prabhākarī-bhūmi): nhờ ly cấu mà từ từ sự có mặt của ta làm cho hoàn cảnh được sáng ra. Khi chúng ta thực tập giới luật thì tâm của ta xa lìa tất cả những cấu uế; giới sinh định và ánh sáng này do giới và định tỏa ra nên gọi là phát quang địa. Quý vị cứ để ý nếu vị nào trì giới đàng hoàng, uy nghi vững chãi và sống trong chánh niệm thì người đó giống như là có phát ra ánh sáng.
  4. Địa diệm tuệ (arciṣmatī-bhūmi): Diệm tức là cháy lên, tuệ là trí tuệ; trí tuệ của ta giống như cây đuốc, bắt đầu cháy lên và soi sáng cho ta. Tuệ là hiểu biết, là cái biết, đốt cháy tất cả mọi phiền não, si mê, thèm muốn, giận hờn. Thiền sư Khương Tăng Hội có định nghĩa về thiền như sau: Thiền là sự tiêu diệt, đốt cháy những phiền não.
  5. Địa nan thắng (sudarjayā-bhūmi): Nan tức là sự khó khăn. Sẽ có những khó khăn, những trở lực trên con đường tu học nhưng nhờ có giới, định và tuệ nên ta vượt thắng được những khó khăn đó. Một khó khăn cũng vượt được, hai hay ba khó khăn cũng vượt được, cho đến năm, sáu khó khăn cũng vượt được. Ta đi tu, ta không sợ những khó khăn gần và những khó khăn xa. Khi nào ta có quyết chí, quyết tâm mạnh thì những khó khăn có thể do cha mẹ, người quen, hay do sức khỏe yếu kém của ta gây ra, ta đều vượt qua được. Nan thắng tức là vượt qua những khó khăn. 
  6. Địa hiện tiền (abhimukhī-bhūmi): Tức là sống được an lạc, hạnh phúc hoàn toàn trong giây phút hiện tại. Tịnh độ hay Phật địa đều ở trước mặt ta, có ngay bây giờ, ở đây chứ không phải đi tìm kiếm ở trong tương lai hay ở đâu xa. Một khi ta đã đạt tới chỗ này rồi thì không cần nghĩ rằng qua bên đó hay về bên này ta mới hạnh phúc.
  7. Địa viễn hành (dūraṅgamā-bhūmi): Viễn hành là đi xa, đi khá xa. Con đường của Bồ tát là con đường vô tận, vô lượng. Có những người tu nghĩ rằng tôi tu được ba, bốn năm là được rồi; đã học đủ nghề thầy tu, thầy cúng rồi; thôi tôi dừng tại đây và về chùa làng cho rồi. Cái đó không phải là viễn hành, không thể đi xa được, đi xa là phải có lương thực cho thật nhiều, phải có chí nguyện cho thật lớn mới có thể vượt xa được. 
  8. Địa bất động (acalā-bhūmi): Bất động nghĩa là vững chãi như núi, bất cứ một phiền não, cám dỗ nào cũng không thể lay động được.
  9. Địa thiện tuệ (sādhumatī-bhūmi): matī là tuệ, sādhu là thiện. Đạt tới địa này rồi thì tâm ta hoàn toàn tự tại. Rất lạ, bất cứ điều gì ta làm, ta nói, ta hành xử đều đúng với chánh pháp. Và niềm vui lớn đó là niềm vui vô ngại, không có gì ngăn ngại nữa, ta là người tự do hoàn toàn. 
  10. Địa pháp vân (dharmameghā-bhūmi): Đạt tới địa này rồi thì pháp thân của Bồ tát đã tới mức viên mãn, đã đạt Nhất thiết trí.

Mười địa đi lên không khó khăn, giống như ta lấy cái bánh ở trong tủ lạnh ra, không khó khăn gì hết. Khi ta có tăng thân, có hành trì giới luật, uy nghi, và có pháp môn thực tập thì mười địa đó ta đi lên từ từ và không thấy khó khăn gì mấy. Đó là sự hành trì của một vị Bồ tát. Phải có ý chí lớn thì ta mới đi được con đường này.

Tăng thân an lạc sống tươi vui

Mọi giới quy y thêm phước tuệ

Trong kinh điển nói tới danh từ Phật thân (Buddhakāya), Pháp thân (Dharmakāya) và nay chúng ta dùng từ Tăng thân (Saṅghakāya). Bây giờ ở Làng Mai bắt đầu sử dụng danh từ Tăng thân và dùng rất nhiều. Tăng thân là cái thân của ta. Ta có thân sắc phàm và ta cũng có tăng thân. Ta phải học làm sao để thấy đại chúng, những người sư anh, sư chị, sư em của ta đều là ta, khi đó ta mới có tăng thân. Không có tăng thân thì chưa phải là người tu. Người tu phải có Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Vì vậy, ta phải nhận ra Phật thân của ta là gì? Phật thân tức là năng lượng chánh niệm trong ta. Pháp thân là phương pháp ta thực tập hằng ngày. Ta phải làm cho hai thân đó lớn lên mỗi ngày. Và thân thứ ba là Tăng thân, cũng phải làm cho lớn lên và phải có hạnh phúc. Trên đường tu học không có tăng thân thì làm sao ta tu học được. Hạnh phúc và an lạc của tăng thân là nền tảng cho không biết bao nhiêu người. Nếu tăng thân không an lạc thì làm sao ta có an lạc được.

Mọi giới quy y thêm phước tuệ.

Mọi giới là tất cả các loài khác trong đó có loài người. 

Quy y tức là quay về nương tựa. Khi chúng ta sống hạnh phúc và hòa hợp như một tăng thân thì ta có thể tạo hạnh phúc cho rất nhiều người. Còn nếu chúng ta không có hạnh phúc, không có sự hòa điệu thì chúng ta không thể làm chỗ nương tựa cho một ai hết. Cho nên bắt buộc tăng thân phải có hạnh phúc. Tăng thân xóm Mới, xóm Thượng, xóm Hạ hay Rừng Phong bắt buộc phải có hạnh phúc. Nếu không có hạnh phúc, không có sự hòa điệu thì không phải là tăng thân nữa. Khi chính ta không có chỗ nương tựa thì thử hỏi những người xung quanh làm sao nương tựa vào ta được. Thật sự thì có hàng trăm ngàn người, hàng triệu người muốn nương tựa vào ta; biết vậy ta phải làm cho tăng thân ta có an lạc, có tươi vui, có sự hòa điệu thì mới được.

Thêm phước tuệ nghĩa là làm cho phước đức và tuệ giác lớn lên. Có hai hình thái thực tập: tu phước (福 – puṇya) và tu huệ (慧 – prajñā). Khi chúng ta phục vụ cho tăng thân bằng cách làm vườn, rửa bát, lau nhà, chùi cầu tiêu, dọn thiền đường… thì chúng ta có phước đức. Nhưng phước đức này nếu có thêm tuệ vào thì phước đức tăng lên gấp trăm lần, ngàn lần. Như vậy tuệ cũng là phước, tuệ làm cho phước lớn lên. Cho nên khi chúng ta bố thí, làm các công việc xã hội, giúp con nít đói, giúp đỡ người già cô đơn thì chúng ta có được một ít phước nhưng phước đó còn nhỏ lắm. Nếu chúng ta làm những công việc đó mà có sự quán chiếu, có chánh niệm và làm cho cái hiểu, cái thương ngày càng lớn lên thì tác dụng của công việc đó lớn lên rất nhiều. Khi công đức được lớn lên rồi thì phước đức của ta sẽ trở nên thâm hậu (sâu dày). Và khi ta được phước đức thâm hậu rồi thì không một ngọn gió nào có thể thổi bay ta được, không tai nạn nào có thể tiêu diệt được ta và ta cũng không còn sợ điều gì nữa hết. Ta sợ hãi là khi phước của ta mỏng, còn khi phước của ta đã dày thì ta trở nên vững chãi như núi. Để được như vậy thì trong khi làm những công việc xã hội, công việc cứu tế, phục vụ tăng thân, ta phải sử dụng thời giờ đó để nhìn sâu, để quán chiếu, để cho cái hiểu và cái thương lớn lên và công đức này được nhân lên gấp ngàn lần, vạn lần. Phước tuệ càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều.

Trí Bụt sáng ngời như trăng tỏ

Thân Bụt thanh tịnh như lưu ly

Bụt ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Bụt không đâu không từ bi.

Bốn câu này đều ca ngợi đức Thế Tôn, mở đầu cho sự thực tập niệm Bụt. 

Bài này được dịch từ bài:

Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly

Phật diện do như mãn nguyệt huy

Phật tại thế gian thường cứu khổ

Phật tâm vô xứ bất từ bi.

Vầng trăng sáng tỏ được ví với trí tuệ của Bụt. Ngọc lưu ly được đem ra để ví với thân của Bụt. Bụt trì giới và thực tập uy nghi cho nên thân Bụt rất thanh tịnh và thân Bụt trở thành pháp thân gọi là pháp thân thanh tịnh. Bụt có nghĩa là cứu khổ và cứu khổ tức là Bụt. Chỗ nào có khổ và cứu khổ thì chỗ đó có Bụt. Dù không hiện ra 32 tướng, không có hào quang, nhưng chỗ đó có người đang làm việc cứu khổ thì Bụt cũng đang có mặt ở đó. Cứu khổ là công việc tự nhiên của Bụt. Là học trò của Ngài, ta cũng phải cứu khổ, cứu khổ về tâm và về thân. Lòng thương yêu của Bụt luôn ở khắp mọi nơi. Lên cõi trời Ngài cũng thương, xuống địa ngục Ngài cũng thương. Ở Pháp Ngài cũng thương yêu mà qua Philippines Ngài cũng thương yêu. Không có chỗ nào là không có sự thương yêu. Cho nên câu chót của bài Chuyển niệm là Tâm Bụt không đâu không từ bi.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Thích Ca Mâu Ni là phiên âm từ chữ Śākyamuni. Thích Ca (Śākya) dịch ra chữ Hán là năng nhân, năng là có khả năng thực hiện và nhân là nhân từ. Mâu Ni (Muni) là tịch mặc, tức là sự vắng lặng. Muni thật ra có nghĩa là ông thầy tu, luôn luôn có sự điềm đạm, yên lặng, lặng lẽ. Đứng về phương diện hình tướng thì ông thầy tu có vẻ lặng lẽ, nhẹ nhàng và điềm đạm. Đứng về phương diện tâm lý thì những bồn chồn, bứt rứt, giận hờn, lo lắng bên trong đã lắng xuống hết, gọi là lặng lẽ. Nên chữ Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là năng nhân tịch mặc hay cũng có thể gọi là ông thầy tu thuộc dòng họ Thích Ca (Śākya)

Nếu quý vị lên xóm Thượng, vào thiền đường Nước Tĩnh và nhìn lên bàn thờ Phật sẽ thấy một bình bát bằng đất có nắp đậy đàng hoàng. Bình bát đó là của một vị tỳ kheo thuộc dòng họ Thích Ca. Cách đây tám năm, thầy đi hành hương ở Ấn Độ, tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Bụt đản sinh, thầy đã gặp một vị thầy cao lớn của dòng họ Thích Ca. Khi thầy đang chiêm bái trong vườn Lâm Tỳ Ni thì vị thầy đó xuất hiện và nói: “Tôi nghe Thầy và phái đoàn tới nên tôi ra đón ba, bốn ngày nay mà không gặp, cho đến bữa nay mới được gặp”. Và vị thầy đó mời phái đoàn về chùa của mình và trao cho thầy một cái bình bát bằng đất nung, nói rằng đó là bình bát của dòng họ Thích Ca trao truyền lại. Quý vị có thể lên đó quan sát, nó hơi nặng. Vị thầy ấy cũng trao lại cho thầy một chiếc y, không biết tại sao? Nó giống như một sự sắp đặt hay tiền định nào đó mà vị thầy ấy đã cúng dường y và bình bát cho thầy. Thầy biết y và bình bát đó do một vị thầy của dòng họ Thích Ca trao lại nên thầy chỉ để thờ chứ không sử dụng. 

(Vừa niệm Bụt vừa đi nhiễu)

Đi nhiễu có nghĩa là đi vòng và đi về phía bên phải. Đi về bên trái là không đúng. Khi đi thăm tháp hay một ngôi chùa và muốn đi xung quanh thì ta nên đi về phía tay phải. Nếu ta đi ngược lại, người khác quan sát thì có thể biết ta chưa được “thấm tương chao” cho lắm, tức là chưa nắm được nề nếp, phép tắc của sự thực tập. 

Khi đi ta nên chắp tay, để đối tượng cung kính của ta bên tay mặt. Như vậy chứng tỏ ta đang tôn kính đối tượng kia. Cho nên đi nhiễu là một hành động tôn kính. Ví dụ khi qua Tàu và đi thăm tháp xá lợi của thầy Huyền Trang, ta tới lạy và muốn đi quanh thì phải đi theo con đường của chiều kim đồng hồ. Thường ta đi ba vòng, nếu không đi ba vòng được thì đi một vòng. Đi như vậy tức là tỏ lộ sự cung kính. Theo truyền thống Việt Nam, trong khi đi nhiễu thì ta phải chắp tay. Khi kinh hành chúng ta có thể không cần chắp tay nhưng chúng ta vẫn phải đi về tay phải. Và khi niệm Bụt và xưng tán đức Thế Tôn thì ta nên chắp tay. Trong lúc chắp tay đi nhiễu và niệm Bụt, ta cần sử dụng âm thanh niệm Bụt và hình ảnh của Bụt để duy trì chánh niệm. Những hình thức chắp tay và đi nhiễu phải là những yếu tố giúp ta an trú trong chánh niệm. Nếu không thì chỉ là hình thức suông. Vừa tỏ bày sự tôn kính, vừa thực tập chánh niệm, tức là chúng ta vừa tu phước, vừa tu tuệ.

Chuyển niệm

Kinh văn

Chúng con hiện tiền tâm thanh tịnh

Thiền tọa kinh hành và tụng kinh

Xin nguyện Tam bảo và Long thiên

Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng

Tám nạn ba đường đều thoát khỏi

Bốn ân ba cõi thấm hồng ân

Thế giới khắp nơi không chiến tranh

Gió hòa mưa thuận dân an lạc

Đại chúng chuyên tu càng tinh tiến

Mười địa đi lên không khó khăn

Tăng thân an lạc sống tươi vui

Mọi giới quy y thêm phước tuệ.

Trí Bụt sáng ngời như trăng tỏ

Thân Bụt thanh tịnh như lưu ly

Bụt ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Bụt không đâu không từ bi.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 18 tháng 12 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Hai chữ thương yêu lấy từ chữ từ trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), tức là bốn tâm không có biên giới, bốn tâm không đo lường được. Kinh này có thể gọi là Kinh Từ. Chữ từ tiếng Phạn là maitrī, tiếng Pāli là metta. Kinh này cũng được gọi là Karaṇīyametta Sutta. Karaṇīya nghĩa là cần phải làm, nên làm, không thể không làm. Thương yêu là chuyện cần phải làm, ta không thể không làm. Nếu không thực tập thương yêu thì ta không có hạnh phúc và sẽ không tạo được hạnh phúc cho người xung quanh. 

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Đó là câu mở đầu của kinh. Chữ an lạc bao gồm hai yếu tố: an có nghĩa là không bị quấy rầy, lạc có nghĩa là hạnh phúc. Khi tâm ta bị những phiền não như thèm khát, giận hờn, nghi kỵ, thù hằn, khuấy động thì ta không thể an được. An là điều kiện tất yếu của lạc. Nếu không có an thì không có khả năng lạc dù ta có trúng số độc đắc hay đạt được những điều kiện như ta mong ước. Có những người giàu có, đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng họ vẫn cô đơn, tuyệt vọng, khổ đau và thậm chí tự tử tại vì tâm họ không an. Cho nên an là yếu tố căn bản. An nghĩa là không bị quấy động bởi những phiền não, tham ái, giận dữ, nghi ngờ và ganh tị.

Thẳng thắn có nghĩa là không quanh co, nghĩ cái gì thì nói ra cái đó, muốn cái gì thì nói ra cái đó. Tuy nhiên, khi nói phải sử dụng ngôn ngữ từ ái (loving speech). Thi sĩ Phùng Quán nói thế này: 

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chìu 

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Cái đó là thẳng thắn. Trong khi nói vẫn giữ nét mặt tươi cười và sử dụng ái ngữ. 

Học hạnh thẳng thắn, hạnh tức là phong thái, hành động (behavior).

Khiêm cung là không tự hào, không cho mình là giỏi, là hơn người, bởi vì trên đời này không ai giỏi hết, ai cũng cần phải học hỏi. Trong quá trình hành đạo, đức Thế Tôn cũng luôn luôn học hỏi.

Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc.

Đời sống hạnh phúc không phải là đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất mà là một nếp sống đơn giản. Bởi vì sống đơn giản thì ta có nhiều thì giờ hơn để tiếp xúc và thấy được những mầu nhiệm của cuộc đời. Đơn giản mà hạnh phúc là tiêu chuẩn của nền văn hóa mới. Con người của thời đại chúng ta muốn có hạnh phúc đích thực cần phải tập sống đơn giản. Tuy vậy hiện nay chưa ai thấy được điều đó, đã có cái này lại muốn có thêm cái khác. Niềm vui của họ thường là đi mua sắm (shopping). Nhiều khi không có nhu cầu mua sắm gì nhưng vẫn cứ đi. Việc đi ngắm nghía các cửa hàng (window shopping) đã trở thành một căn bệnh của thời đại.

Nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Nếp sống từ hòa là nếp sống có sự thương yêu, hài hòa, hòa thuận. Chữ từ nghĩa là không dữ dằn ( not aggressive), chữ hòa nghĩa là hài hòa (in harmony). 

Điềm đạm là không vụt chạc, nóng nảy, không nổi giận một cách dễ dàng. Những ai dễ nổi nóng nên thực tập theo phương pháp An ban thủ ý hay được gọi là phép Quán niệm hơi thở. Mỗi khi thấy sự bực tức trong người dâng lên, ta liền nắm lấy hơi thở, vừa thở vừa mỉm cười. Ta tự nhủ là mình đang thực tập điềm đạm, bình tĩnh thì khuôn mặt của ta lúc đó sẽ không đỏ phừng lên theo dòng cảm xúc. 

Ít ham muốn, thiểu dục, là chìa khóa của hạnh phúc vì càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ. Thiểu dục thường đi đôi với tri túc, tức là biết đủ, không cần phải tìm kiếm thêm nữa. Muốn tìm một con đường thoát cho thời đại, nền văn hóa mới phải được dẫn đạo bởi sự an lạc, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Không đua đòi theo đám đông nghĩa là ta có cái nhìn độc lập, có trí tuệ. Nhờ đó ta giữ được sự điềm đạm, không bị lôi kéo bởi những tình cảm và xu hướng của đám đông. Đám đông có khi rất dại dột, một người kích động thì những người khác thấy hạt giống của mình cũng bị tưới tẩm cho nên cùng la ó, giận hờn theo và vì vậy đám đông đánh mất mình một cách dễ dàng. Trong văn học Pháp có câu chuyện Những con cừu của Panurge, kể rằng trên chiếc tàu kia, có một người khách gây gổ với ông chủ của một đàn cừu vì sự mua bán. Người khách đó giận quá, bèn trả thật nhiều tiền chỉ để mua một con cừu thôi. Sau khi mua con cừu rồi, ông ta tới giữa đám cừu, khiêng con cừu đó liệng xuống biển. Những con cừu khác thấy vậy liền nhảy xuống theo và ông chủ đàn cừu mất hết tất cả những con cừu còn lại. Loài người hành xử cũng giống như những con cừu vậy. Khi trong đám đông có ai nói gì, bộc lộ tình cảm gì, hay có xu hướng gì, thì đám đông đều có thể hùa theo một cách mù quáng. Nếu ta là người điềm đạm, biết làm chủ bản thân thì sẽ không đua đòi và phản ứng theo đám đông. Đám đông như vậy nhưng ta phải có tuệ giác của riêng mình, phải có cái nhìn độc lập. 

Những kẻ ấy không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

Các bậc thức giả ở đây là những người đã giác ngộ, gồm có các vị Bụt, các vị Thanh văn, Bồ tát và các bậc thánh nhân. Đức Thế Tôn thường hay dùng cụm từ “các bậc thức giả” vì đức Thế Tôn nhận ra rằng ngoài giáo đoàn Phật giáo cũng có những nhân vật có trí tuệ, có thương yêu. Vì vậy những bậc thức giả có mặt trong giáo đoàn mà cũng có mặt ngoài giáo đoàn. Cho nên đức Thế Tôn không nói rằng: “Không làm điều gì mà các vị A la hán, Bồ tát, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, v.v. chê cười” là vì vậy. Đức Thế Tôn dùng chữ “các bậc thức giả” (the wise ones) để chỉ những người có trí tuệ, có tình thương. Khi ta nghe cụm từ “các bậc thức giả”, ta biết đức Thế Tôn nói tới những người ở ngoài giáo đoàn của Ngài mà không phải chỉ có những người ở trong giáo đoàn mới được gọi như thế. 

Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Tâm niệm tức là nhớ trong tâm, đừng để quên. Tâm niệm có nghĩa là chánh niệm (mindfulness, remembrance). Việc nhớ trong tâm đừng để quên là niệm. Nhớ điều có ích lợi cho thân tâm và cho thế giới gọi là chánh niệm, còn nhớ điều không có ích lợi cho thân tâm và cho thế giới thì gọi là tà niệm. 

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Đây là một lời ước nguyện. Sự thực tập trước hết là một mong ước. Ta mong ước cho mọi người, mọi loài được sống trong môi trường an toàn. An toàn có nghĩa là không có tai nạn, thiên tai, bão lụt, lửa cháy, dịch bệnh, trộm cướp, tù đày, giặc giã, tai nạn xe hơi, không bị người ta đột nhập vào nhà để cướp của và chém giết. Người nào cũng muốn được sống trong điều kiện an toàn. Hiểu được nhu yếu đó của mỗi người cho nên ta mong ước rằng ai cũng được sống an toàn và hạnh phúc. Khi đi máy bay, các hành khách luôn được nhắc thắt dây an toàn – “For your safety, please fasten your seat belt” là vậy.

Tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Tâm tư hiền hậu là tâm tư hiền lành, bao dung, không có sự ác độc. Chữ hậu ở đây có nghĩa là dày, tiếng Anh là thick. Chữ hậu ngược với chữ bạc – mỏng (thin). Chúng ta thường nói trời cao đất dày. Dù đất có dày nhưng thỉnh thoảng cũng có núi lửa phun ra ngoài. Ở Việt Nam, có một Hòa thượng tên là Đôn Hậu. Chữ Hậu trong chữ Đôn Hậu là dày. Dày là một đức tính của đất. Một người có đức dày là người biết sống hạnh phúc và làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Những người ngược lại gọi là bạc phước, tức là phước đức mỏng manh, bạc bẽo. Khi tâm tư mình dày thì mình không phản bội. Ngược lại nếu tâm tư mình mỏng thì mình phản bội rất dễ dàng. Phản bội ai? Phản bội chính mình, phản bội lý tưởng của mình. Chữ hậu và bạc cũng được dùng trong sự tiếp đãi. Tôi tiếp đãi anh rất hậu và tôi tiếp đãi anh rất bạc bẽo. Phần đầu kinh Địa tạng có một bài tán ca ngợi đức Bồ tát Địa Tạng: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng.

Địa là đất; kiên là vững chãi, kiên cố; hậu là dày và chứa đựng nhiều, xô không ngã được, vững như trái núi. Khi thầy đặt pháp tự cho sư chú Pháp Kiên, thầy có mong ước là sư chú sẽ vững như núi, không vì một lý do gì mà bị lung lay. Quảng là rộng lớn; tàng là chứa đựng. Quảng hàm tàng là chứa đựng một cách rất rộng lớn, chứa đựng rất nhiều, như cái bồ rất lớn có thể chứa nhiều lúa. Như một thiền đường lớn có thể chứa được mấy trăm người. 

Thảnh thơi nghĩa là không bận bịu, không vướng mắc. Không bận bịu không phải là không làm gì hết mà là không bị vướng mắc. Có những người làm việc mà bị vướng mắc vào công việc. Vướng mắc vào công việc, nghiện công việc, tiếng Anh gọi là workaholics. Còn có những người khác làm việc thì thấy thảnh thơi, không bị công việc kéo đi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Đây là một sự mong mỏi, là tâm tư của mình, chưa phải là hành động. Nhưng sự mong mỏi phải lớn, nếu sự mong mỏi không đủ lớn thì không đi tới được hành động. Ví dụ, việc xuất gia, nếu sự mong mỏi xuất gia của mình không lớn thì không thể nào xuất gia được. Hay sự mong mỏi giúp đời của mình chưa đủ lớn thì không bao giờ mình giúp đời được. Cho nên sự mong mỏi rất cần thiết, sự mong mỏi là một dạng năng lượng. Năng lượng đó đưa tới năng lượng của hành động. Và ở đây là sự mong mỏi cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất được sống an lành. Không những ta mong ước cho bản thân được sống an lành, không gặp  tai nạn mà ta cũng mong cho những người sống gần mình hoặc sống xa mình cũng được như vậy. Không những ta mong ước cho loài người mà ta cũng mong cho các loài cầm thú, cỏ cây và đất đá được sống an lành và không bị tiêu diệt. Ta muốn cho con sông được an lành, muốn cho trái núi được an lành, muốn cho biển cả được an lành, muốn cho không khí được an lành. Vì vậy, đây là một mong ước không phải chỉ riêng cho con người mà cho tất cả mọi loài và cho môi trường sinh sống của mọi loài, tức là sinh môi.

Những loài yếu, những loài mạnh.

Khi ta yếu đuối, ta dễ bị ăn hiếp đã đành nhưng khi ta mạnh, ta cũng có thể bị ăn hiếp. Bởi vì luôn luôn có kẻ mạnh hơn. Ở trong rừng, những con vật yếu lo tìm cách để bảo vệ mình, nhưng những con mạnh cũng phải vậy. Những con mạnh cũng có thể bị những con mạnh hơn khác đe dọa, tấn công, tiêu diệt. Những loài rất mạnh vẫn có thể bị những loài  rất yếu tiêu diệt. Như trong kinh có nói về trường hợp một con sư tử bị những con vi trùng trong cơ thể tiêu diệt, kinh gọi đó là những “sư tử trung trùng” hoặc “sư tử trùng thực sư tử nhục”. Sư tử trung trùng nghĩa là trong con sư tử có vi trùng. Chúng ta đều có vi trùng trong người, vi trùng của sự nghi ngờ, giận hờn, tham ái, tức là trùng độc tham, sân, si, và nếu chúng ta để cho những loại trùng độc đó hoạt động liên tục ngày đêm thì một ngày kia giới thân và tuệ mạng của ta sẽ tiêu tán. Điều đó cho chúng ta thấy rằng,  nếu không có chánh niệm thì chúng ta sẽ có thể bị những cái rất nhỏ trong ta tiêu diệt chứ không phải là kẻ thù bên ngoài của ta. Còn khi có chánh niệm thì không lực lượng nào có thể tiêu diệt chúng ta được. 

Những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Ngày xưa khi đức Thế Tôn nói có những loài sinh vật mà ta không nhìn thấy được. Có người sẽ nghi ngờ hỏi tại sao? Nếu là sinh vật thì ta phải thấy chứ; nếu không có thì ta mới không thấy. Nhưng đức Thế Tôn biết có những loài mắt chúng ta không thể thấy được. Những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Không những cần thương yêu, bảo hộ cho những loài đã sinh mà ta còn phải thương yêu và bảo hộ cho cả những loài sắp sinh. Những loài sắp sinh là những bào thai, những sinh mạng chưa ra đời. Cho nên chuyện phá thai đích thực là hành động sát sinh, vì ta đã phá hỏng, tước đoạt đi sự sống, không cho sinh mạng được ra đời. Đó là một hành động không có từ bi. 

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào.

Đây là một ước muốn, mình không muốn loài nào sát hại loài nào. 

Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Câu này nếu chúng ta đọc và nhìn sâu thì sẽ thấy có nhiều điều để quán chiếu. Đọc kinh với tâm hồn thanh tịnh, ta sẽ khám phá ra những điều mà trước đó ta không thấy. Còn nếu đọc phớt qua một câu kinh, ta tưởng là đã hiểu nhưng sự thật có thể ta chưa hiểu. Nhìn hình thức thì thấy loài sư tử sát hại loài nai để ăn thịt. Ta không thể nói sư tử ơi, mày đừng có sát hại loài nai nữa. Nói như vậy không thực tế lắm. Sư tử là loài ăn thịt, nên thế nào nó cũng phải giết những con nai, những con bò mộng. Có một điều là sư tử chỉ bắt nai hay bò mộng khi nó đói. Khi sư tử ăn no rồi thì nó sẽ để phần còn lại cho những loài khác tới ăn như chó sói hoặc kên kên. Và khi không đói thì nhất định nó không đi săn mồi. Loài người không như vậy, loài người không đói cũng cứ đi săn, tom góp, tích lũy. Đó là sự khác biệt giữa loài người và các loài cầm thú. Ngày xưa khi chúng ta còn là kẻ du mục, chúng ta phải đi săn. Nhưng giờ đây các cửa hàng bày bán thịt làm sẵn khắp nơi, thế thì tại sao chúng ta phải đi săn, đi khủng bố các loài khác nữa? Mùa đông ở các vùng quê nước Pháp, vào những ngày Chủ nhật, chúng tôi hay nghe tiếng súng nổ và biết rằng có con nai, con heo rừng xấu số nào đó đã bị trúng đạn, chúng tôi thấy cảm thương cho các loài sinh vật đó. Chúng tôi biết các thợ săn đi săn thú hoang như vậy chỉ để tiêu khiển mà thôi.

 Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào. Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai. 

Không chỉ tính mạng loài người là quý, tính mạng của các loài khác cũng quý không kém. Vì tính mạng các loài khác cũng có liên hệ đến tính mạng loài người. Nếu các loài khác bị tiêu diệt thì loài người cũng bị tiêu diệt. Đó là tinh thần bất hại, là lý duyên khởi, vô ngã, tương tức trong đạo Bụt. Trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, chúng ta thấy người ta đã không thực tập giới điều này và lời dạy này. Bộ chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ không thấy được điều này cho nên thường làm cho người dân thường (không phải quân sự) mất mạng trong những cuộc hành quân. Khi ta ngồi trên máy bay oanh tạc và thả một trái bom xuống, ta đâu biết dưới đó xảy ra chuyện gì. Ta có rất nhiều bom vì đất nước chế tạo ra rất nhiều bom đạn để bán cho các nước khác và để sử dụng trong chiến tranh. Ta trút xuống hàng tấn bom nhưng ta không biết được điều gì đang xảy ra bên dưới. Có thể có những em bé mới sinh, có những em bé ba tuổi, có những người già, có những cậu bé 12 tuổi đang cắp sách đến trường. Ta coi nhẹ sinh mạng của nhau. Nói như vậy không có nghĩa là bên Việt Nam có thực hành giới điều này.

Trong cuộc chiến tranh, những người dân thường bị chết rất nhiều và thường người ta chỉ nhắm tới thành công về phía quân sự chứ không thấy được sự thiệt thòi về mặt dân sự. Chính phủ Hoa Kỳ đã làm đủ mọi cách để bảo vệ tính mạng của những người lính Mỹ, nhưng sinh mạng của những người lính Việt và những thường dân Việt lại được coi  nhẹ. Điều này ai cũng phải công nhận. Nếu chúng ta đã từng đi qua cuộc chiến tranh Việt Nam chúng ta thấy rất rõ. Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai. Anh là một người, tôi là một người, tại sao anh lại được bảo vệ nhiều hơn. Tính mạng của người lính Việt Nam Cộng hòa bị coi nhẹ hơn tính mạng của người lính Mỹ. Đó là điều ai cũng trông thấy trong cuộc chiến Việt Nam. Và khi nói tới tính mạng của người dân thì ta có thể nói người ta không coi trọng tính mạng của những người dân thường.

Đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Đây là một giáo huấn rất thực tế và rất sâu xa. Khi nổi giận, ta muốn trừng phạt, ta muốn người đó đau khổ, ray rứt; ta muốn người đó ngóc đầu lên không nổi để cho đã cái giận của ta. Trong ta ai cũng có khuynh hướng đó. Khi tức giận, ta khổ đau và khi khổ đau, ta có khuynh hướng làm người kia khổ để cho bõ ghét. Ta nghĩ rằng khi người kia khổ thì ta sẽ bớt khổ, đó là một tư duy sai lầm. Cho nên khi giận ta phải tập quán chiếu là ta đang khổ và ta không muốn làm người kia khổ theo. Vì vậy ta đừng để ý muốn phục thù, ý muốn trừng phạt biểu hiện, vì nếu làm như vậy thì ta không phải là đệ tử của đức Thế Tôn.

 Đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Đây là một lời dạy về tâm hành bất hại (ahiṃsā, no harming), một tâm hành thiện trong 51 tâm hành. Chúng ta tranh đấu thì tranh đấu nhưng phải tranh đấu theo con đường bất hại, bất bạo động. Chúng ta phải tranh đấu thì nhân loại mới tiến bộ được. Nhưng chúng ta phải theo đường lối bất hại, tức là bất bạo động. Và chúng ta tranh đấu không phải bằng năng lượng của sự giận hờn, ác tâm mà phải tranh đấu bằng năng lượng của từ bi. Năng lượng từ bi có thể rất lớn, người ta có thể hy sinh tính mạng vì thương. Vì vậy khi cuộc tranh đấu của chúng ta được hướng dẫn bởi năng lượng của từ bi thì chúng ta có thể thay đổi được hoàn cảnh và thời cuộc mà không cần dùng đến năng lượng của sự giận hờn hoặc ác tâm. Giận hờn và ác tâm cũng là năng lượng rất mạnh nhưng năng lượng đó là năng lượng mù quáng. Vì trong giận hờn, trong ác tâm có chất si mê, điều này rất rõ trong giáo lý đạo Bụt. Trong tham, trong sân đều có si. Vì si mê, hiểu lầm nên mới tham, mới sân. 

Bây giờ đức Thế Tôn đi tới hành động: 

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Bà mẹ không phải là một lý thuyết mà là một hành động, mang con trong bụng chín tháng, sinh con ra, cho con bú, nhai cơm cho con, mặc áo cho con, tắm rửa cho con v.v. thì người mẹ không chỉ là một ước mong, người mẹ tượng trưng cho hành động. Năng lượng của sự thương yêu trong ta một khi đã đủ lớn thì sẽ đẩy ta đi tới hành động. Hành động này trước hết là sự đối xử của ta đối với người ngồi bên phải ta, đối với người bên trái ta, với những người ở gần và người ở xa ta và đối xử bằng năng lượng của một bà mẹ đối với con mình. Phải thương như vậy vì bà mẹ có cảm tưởng đứa con của mình chính là mình. Điều đó rất đúng. Nhưng không phải chỉ có con mình là mình mà cha mình cũng là mình, mẹ mình cũng là mình, anh em mình cũng là mình; những người đó đều có liên hệ rất mật thiết đến mình. 

Ban đầu người ta chỉ thấy có một người phụ nữ đang mang thai và khi đứa bé bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ thì đứa bé chỉ lớn bằng một hạt mè. Nhìn vào ta chỉ thấy có một nhưng nhìn kỹ lại thì ta thấy trong cái một có cái hai. Và thai nhi đó lớn dần, lớn dần cho đến khi ra đời, thành ra hai nhưng chưa phải là hai vì giữa hai sinh vật còn có một sợi dây nối liền gọi là dây rốn (nhau), tiếng Anh gọi là umbilical cord. Đứa con được nối với bà mẹ bằng một sợi dây nhau và tất cả dưỡng khí mà bà mẹ thở được truyền cho con qua sợi dây đó, tất cả thức ăn bà mẹ ăn sẽ được truyền bằng đường dây đó. Cho nên mẹ thở cho con, mẹ ăn cho con, mẹ buồn thì con cũng buồn, mẹ vui thì con vui, mẹ khổ con cũng khổ v.v. Một bà mẹ phải sống rất chánh niệm thì mới nuôi con được. Nếu mỗi ngày nuôi con bằng sự tuyệt vọng, giận hờn thì đứa con sinh ra sẽ rất khổ, sẽ mang theo những nguồn năng lượng tiêu cực đó. 

Người mẹ không những nuôi đứa bé bằng dưỡng khí, bằng thức ăn mà còn bằng cả tâm tư của mình. Nếu bà mẹ thực tập bất hại thì đứa con khi sinh ra và lớn lên sẽ có hạt giống bất hại. Khi đứa bé ra đời người ta dùng kéo cắt sợi dây rốn đó để chính thức là hai nhưng kỳ thực hai mà còn là một. Cái cuống rốn đã cắt rồi, ta không thấy sự dính liền nữa nhưng ta vẫn biết rằng mẹ với con là một. Cái thấy đó có một ít tuệ giác bên trong nhưng cũng có một ít vô minh. Vì thấy mình với con là một là đúng nhưng mình buộc con phải làm, phải nghe theo tất cả ý thích của mình là không đúng. Con mình là một với mình nhưng mình không thấy rằng con mình cũng có nhận thức, cũng có cuộc đời riêng. Vì vậy khi một đứa con lớn lên, bà mẹ phải học để thấy đứa con vừa là mình vừa không phải là mình. Đó là tuệ giác không một không khác. Khi bà mẹ có được cái thấy đó thì đứa con mới có hạnh phúc. Còn nếu bà mẹ chưa học được điều đó, chưa có được cái thấy đó mà vẫn nhốt con mình trong vùng điều khiển của mình thì đứa con sẽ đau khổ vì không có tự do, không có không gian. Một người anh với một người em, một người em với một người chị, phải nhìn thấy cuống rốn của mình có liên hệ với người kia. Khi thấy được điều đó thì ta không nỡ tàn sát, trừng phạt và làm cho người kia khổ đau vì người kia cũng là con của mẹ. Ta với người anh của ta, ta với người em của ta, ta với người con của ta, ta với người cháu của ta có một sự liên hệ. Sự liên hệ đó tuy không thấy bằng mắt nhưng có thể thấy bằng chánh niệm. Do đó ta không vì giận hờn, ác tâm mà trừng phạt, làm cho họ đau khổ. Trái lại ta phải biết che chở cho những người đó. 

Ở Việt Nam, chúng ta thường nói: ông vua này, ông quan nọ thương dân như con đỏ. Con đỏ là con mới sinh ra còn đỏ hỏn. Câu đó cũng nằm ở trong tinh thần này, một ông vua đích thực thì phải biết thương dân như con, gọi là “dân chi phụ mẫu” (vua quan như cha mẹ của dân). Cha mẹ thì không thể nào làm khổ con được. Vì vậy một ông vua, một ông quan thì phải làm cho dân có hạnh phúc. Đó là bổn phận, là lý do tồn tại của một ông vua, một ông quan. Làm cho dân của mình có hạnh phúc cũng như lý do tồn tại của bà mẹ là làm cho đứa con có hạnh phúc. Chân lý này không phải chỉ có trong đạo Bụt mà còn nằm ở ngoài đạo Bụt, nghĩa là chúng ta phải thương nhau như thương đứa con còn nhỏ của chúng ta.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. 

Câu kinh này chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta biết quán chiếu và áp dụng vào đời sống hằng ngày, nếu không thì đó chỉ là lời tuyên bố suông. Ta phải thương yêu mọi loài. Ai mà không đồng ý chuyện đó? Ai mà không muốn như vậy? Nhưng làm thế nào để thương yêu? Thật sự, chúng ta phải thấy rằng thương yêu là cái đẹp nhất trên đời. 

Trong kinh Tương ưng bộ, Bụt có nói rằng: thực tập từ thì mình đạt tới cái đẹp. Khi lật bản chữ Hán ra, chúng ta thấy các vị ngày xưa đã dịch: thực tập từ thì đạt tới sự thanh tịnh. Dịch như vậy là không đúng. Câu nói rất rõ: thực tập từ thì mình đạt tới cái đẹp. Vì vậy từ bi là cái đẹp nhất ở trên đời. Nếu trong trái tim ta không có từ thì ta không có gì đẹp để hiến tặng cho ta và cho người khác. Cho nên con đường của đạo Bụt được gọi là con đường của thương yêu, con đường của hiểu biết. Muốn thương yêu thì phải hiểu biết. Một người mà chất liệu thương yêu đã cạn, đã khô thì con người đó khổ đau lắm và rất cô độc. Chúng ta hãy nhìn xung quanh ta để quán chiếu và thấy rằng những người đau khổ nhất trên đời là những người mà trong đó dòng suối thương yêu đã cạn, rất tội. Chỉ có cách làm khơi dậy để cho nước từ bi được phun lên trong lòng suối thì đời sống người đó mới có hạnh phúc. Nếu ta thấy trong tâm ta dòng suối yêu thương cạn bớt thì ta phải được báo động. Khi nào dòng suối thương yêu của ta không có nước, không tuôn chảy nữa thì lúc đó ta đã lâm vào nguy hiểm. Vì vậy thực tập từ bi cũng là thực tập hạnh phúc. Thương một người khác, giúp một người khác, tạo hạnh phúc cho một người khác thì ta  nghĩ rằng chỉ có người khác được nhờ thôi, nhưng kỳ thực khi tình thương được khơi dậy trở lại trong tâm, khi ta chỉ mới có ước muốn thương thôi thì tự nhiên trong thân tâm ta đã khỏe rồi. Chưa làm gì hết, chưa nói gì hết, chỉ mới có ý muốn làm cho người kia bớt khổ và có hạnh phúc thì ước muốn đó đã là một năng lượng làm cho ta khỏe, nhẹ, và hạnh phúc thêm rồi. Cho nên ước muốn rất quan trọng. Một người bị khô cạn năng lượng của tình thương là một người rất cô độc, luôn cảm thấy mình bị cắt đứt ra khỏi dòng chảy của cuộc đời. Và đối với những người đó, sự cô đơn là một địa ngục, vì người đó sống rất cô đơn, không thiết lập liên lạc được với ai. Người đó đánh mất khả năng hiểu và thương bản thân và người khác. Cho nên chúng ta phải biết rằng thương yêu là một chất liệu giúp ta thiết lập liên hệ với loài người, các loài cầm thú, các loài cỏ cây và đất đá. Lúc ấy ta sẽ thấy được ta với họ cùng chung một dòng chảy của sự sống. Hành xử của ta sẽ là hành xử của sự bất hại, thương yêu. Ta không có ý muốn trừng phạt nữa, ta không có ý muốn loại trừ, tiêu diệt nữa mà ta có ý muốn bảo vệ, chở che. 

Chúng ta có một bài kệ để thực tập khi soi gương:

Chánh niệm là đài gương

Gương soi hình tứ đại

Đẹp nhất là tình thương 

Và cái nhìn rộng rãi.

Cái nhìn rộng rãi là cái nhìn đưa tới sự chấp nhận, đưa tới tình thương mà tình thương là điều đẹp nhất trên đời. Một kiệt tác hội họa hay một bản nhạc trứ danh tuy đẹp thật nhưng tất cả những cái đó so với tình thương thì không ý nghĩa gì. Tình thương là đẹp nhất. Mỗi buổi sáng, khi cầm bàn chải để chải răng, ta hãy để ra vài giây nhìn vào trong gương, không việc gì phải vội vã, ta hãy nhìn vào mặt mình một chút xíu thì ta sẽ thấy được thân tứ đại của mình và nở một nụ cười lân mẫn với chính mình. Ta ban cho ta nụ cười để giúp cho khuôn mặt của ta đỡ căng thẳng, nhăn nheo; đó đã là thương rồi. Trong ta có một dòng suối của yêu thương hay không? Ngày hôm nay ta làm gì để cho dòng suối yêu thương trong ta có nước? Ta phải thực tập nhìn mọi người bằng cái nhìn rộng rãi, tức là cái nhìn thương yêu, từ nhãn thị chúng sanh. Bụt dạy ta hãy tập nhìn bằng con mắt của đức Bồ tát Quan Thế Âm vì đức Quan Thế Âm biết nhìn bằng con mắt thương. Trong khi chải răng ta phải nhìn ta trong tấm gương để thấy rằng đối tượng thương yêu trước hết là chính ta; ta phải thương ta, ta phải mỉm cười với ta, phải khơi dậy dòng suối thương yêu trong ta để cho dòng suối tuôn chảy trở lại. Làm được điều đó với chính ta rồi thì ta mới có thể nhìn người anh, người em, người chị của ta bằng cái nhìn rộng rãi, yêu thương. Khi nhìn được như vậy ta sẽ rất khỏe. Và người anh, người em, người chị của ta cũng rất khỏe vì cái nhìn của ta không phải là cái nhìn soi mói, chỉ trích, vạch lá tìm sâu; cái nhìn của ta là cái nhìn của sự tha thứ, bao dung, độ lượng, cái nhìn của bà mẹ nhìn đứa con của mình. 

Để cho công phu của chúng ta có tiến bộ, chúng ta nên sử dụng một cuốn tập, một quyển sổ tay để ghi chép. Một ngày chúng ta cống hiến cho sự tu học là một ngày rất quý báu. Chúng ta có một ngày trọn vẹn để công phu, vậy tại sao chúng ta coi thường ngày tu tập của chúng ta! Ta được ban tặng hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống, để tu tập, tại sao ta không sống, không làm hết mình. Khi chúng ta đi hướng dẫn một ngày chánh niệm, chúng ta tổ chức, lên chương trình rất kỹ: sư anh nào nói pháp thoại, sư anh nào hướng dẫn thiền hành, sư anh nào hướng dẫn thiền ngồi, và đến giờ ăn cơm ai sẽ đọc lời quán nguyện, v.v. chúng ta hoạch định rất chu đáo cho một ngày chánh niệm. Một ngày sống trong thiền viện cũng vậy, ta phải thiết kế ngày đó cho thông minh, đừng để trôi đi như lục bình trôi riu ríu trên dòng sông. Ta phải nắm lấy quyền tự chủ, phải tổ chức cho ngày thực tập của mình trở thành một ngày có giá trị, trong đó mỗi giây phút của đời sống có thể làm lớn lên tình thương trong ta. Có một cuốn sổ tay, có một cây bút, tại sao ta không làm điều đó. 

Buổi sáng trong thời ngồi thiền, tại sao ta không dùng thời giờ thiền tập đó để quán chiếu, để nhìn sâu và thấy rõ ngày hôm nay ta phải sống như thế nào để ngày hôm nay trở nên một tặng phẩm quý giá của ta đối với bản thân ta và của ta đối với người khác. Tại sao ta cứ ngồi đó mà trông chờ cho đến khi hết giờ ngồi thiền. Giờ ngồi thiền ta phải dùng để quán chiếu. Không ai cấm chúng ta đem một cuốn sổ tay đi vào thiền đường trong giờ ngồi thiền cả. Cố nhiên là trong giờ ngồi thiền chúng ta không suy nghĩ vẩn vơ, không dùng giờ ngồi thiền để làm bài hay làm gì khác nhưng trong giờ ngồi thiền nếu quán chiếu thấy được cái gì hay trong mình và trong tăng thân thì ta có thể ghi chép lại. Cái thấy đó sẽ giúp ta thực tập thành công và ta làm cho ngày đó trở thành một ngày hạnh phúc. Chúng ta biết rằng ngày đó ta có hạnh phúc thì người anh, người chị, người em của ta cũng sẽ có hạnh phúc.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. 

Chữ không giới hạn được dịch từ chữ vô lượng (unlimited, boundless). Từ là một tâm vô lượng trong Tứ vô lượng tâm. Từ có thể phát triển tới vô cùng nên gọi là từ vô lượng. Có những việc chỉ phát triển tới mức tối đa của nó và không thể nào phát triển hơn được nữa nhưng từ thì phát triển tới vô cùng vô tận nên ta gọi từ là vô lượng tâm. 

Khi người kia dễ ghét, khi hoàn cảnh khó khăn, khi người kia phụ bạc, khi người kia có lòng oán hận ta, khi người kia tìm cách làm hại ta, v.v. thì những việc đó không làm suy giảm sự thương yêu của ta. Thương yêu đích thực chỉ đơn giản là thương thôi. Người kia không dễ thương ta vẫn thương được. Đó gọi là từ. Còn người kia dễ thương nên ta thương thì đâu có sự thực tập gì. Đó chỉ là vấn đề hưởng thụ. Thương cái không dễ thương mới thật là thương. Ta thấy người đó giận hờn, thù hận, ích kỷ, hẹp hòi, dại dột, khổ đau, v.v. ta đã không giận mà còn thương và tội nghiệp cho người đó. Bởi vì người đó chưa được gặp thầy, bạn hiền, chưa được gặp tăng thân nên người đó mới làm như vậy. Thay vì giận hờn và chê bai người đó, ta phải tìm cách tạo ra những cơ hội để giúp người đó vượt thoát tình trạng của họ.

Không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Đối trị với cơn giận, đối trị với sự căm thù là một phần thực tập của từ quán. Từ quán là phương thuốc để trị bệnh hận thù. Trong kinh Pháp cú, Bụt dạy: Không thể lấy hận thù để đối đáp với hận thù, chỉ tình thương mới có thể đáp lại với hận thù mà thôi. Đó là một lời giáo huấn bất hủ. Chỉ có tình thương mới trả lời được với hận thù. Tại vì hờn oán, căm thù có trong tâm ta nên khiến ta đau khổ. Ta đau khổ thì tất nhiên ta sẽ làm cho người khác đau khổ theo. Đó là con đường ngược lại với con đường đạo Bụt.

Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. 

Từ bi không phải là một lời tuyên bố, từ bi không phải là tụng kinh Thương yêu mỗi buổi sáng. Từ bi là phải nuôi ước mong sống thương yêu mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày. Đó gọi là chánh niệm từ bi (mindfulness of love). Ta phải biết vun xới, giữ gìn cho chánh niệm từ bi trong ta còn mãi trong suốt 24 giờ. Đi cũng thương, ngồi cũng thương, nằm cũng thương, làm việc cũng thương v.v. Tất cả mọi hoạt động trong ngày của ta đều được thực hiện bằng tình thương. Khi dỗ dành con nít ăn cơm, lúc các bé không chịu ăn, người ta thường khơi dậy tình thương trong lòng bé: “Con ăn muỗng này cho ông nội nè”. Ăn muỗng đó xong rồi, em bé lại ngậm miệng, không chịu ăn nữa. Người ta lại dỗ tiếp: “Con ăn muỗng này cho mẹ nè”. Người ta động viên con nít bằng tình thương như vậy. Bởi vì người ta biết rằng tình thương rất quan trọng. Ta thương ta, ta thương cha mẹ ta, ta thương tăng thân, ta thương nhân loại, thương lý tưởng của ta. Cho nên mỗi cử chỉ, mỗi hành động trong ngày của ta phải được thúc đẩy bằng tình thương, khi đó ta là hiện thân cho tình thương, là nguồn an lạc cho đại chúng, cho mọi người, mọi loài và cho cả trái đất. 

Chánh niệm từ bi nghĩa là sự có mặt của năng lượng từ bi một cách thường xuyên. Khi nào năng lượng từ bi không có mặt tức là không có chánh niệm từ bi. Khi có chánh niệm thì ta đi vào định, gọi là định từ bi. Sống với định từ bi là một nếp sống rất đẹp, vì nơi chúng ta sống hay địa chỉ mà chúng ta sống đích xác là nơi sống và địa chỉ của chư Bụt và chư vị Bồ tát. Chỗ đi về của chư Bụt và Bồ tát là từ, bi, hỷ và xả. Vậy khi ta nuôi sống chánh niệm từ bi trong ta thì ta biết rằng mình đang ở chung với Bụt và chư vị Bồ tát. Khi chánh niệm từ bi tắt đi thì định về từ bi cũng tắt đi, ngay tức khắc ta rơi vào vùng của sự hận thù và xa rời thiên đường của thương yêu. 

Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.

Tà kiến là những cái thấy sai lạc (wrong view). Muốn đừng đi vào những tà kiến, những kiến chấp sai lạc thì ta phải thực tập quán chiếu, loại dần ham muốn. Khi tà kiến bớt đi rồi, những đam mê của chúng ta càng ngày càng ít. Lúc ấy ta bắt đầu có một nếp sống lành mạnh và đạt tới trí giác lớn, đó là trí giác của Bụt. Có trí giác lớn thì ta không còn trở lại cõi sinh tử đầy khổ đau nữa. Không còn trở lại cõi sinh tử đầy khổ đau không có nghĩa là vắng hết khổ đau mà chỉ có nghĩa là người có trí không còn bị những tà kiến, tri giác sai lầm lung lạc nữa, không còn rơi vào lối sống tiêu cực, kỳ thị, phân biệt, hẹp hòi, cố chấp, gây tổn hại đến bản thân, mọi người và mọi loài. Người có trí đã đạt tới chánh kiến – có được trí tuệ cao siêu và từ bi rộng lớn thì không còn sợ hãi một điều gì nữa cả.

Kinh thương yêu

Kinh văn

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông. 

Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 30 tháng 11; 04, 07, 11 & 14 tháng 12 năm 1997, Làng Mai, Pháp)

Kinh Kim cương là kinh cốt tủy của thiền từ xưa tới nay. Bắt đầu công phu tụng niệm bằng kinh Kim cương là một chủ ý rất quan trọng. Người tụng kinh Kim cương thì rất nhiều nhưng người áp dụng được bản kinh vào đời sống hằng ngày lại rất ít. Vì vậy trong khi học, ta phải tìm cho ra phương pháp áp dụng được kinh Kim cương vào mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, trong lúc ngồi thiền, đi thiền, làm việc, trong lúc lo âu, vui, buồn, giận hờn, v.v.

Hướng về Bụt và thánh chúng trên hội Kỳ Viên.

Trong nghi thức cũ, chúng ta thường tụng Nam mô Linh Sơn hội thượng Phật Bồ tát, hoặc Nam mô Pháp Hoa hội thượng Phật Bồ tát, hay là Nam mô Kim Cương hội thượng Phật Bồ tát. Bây giờ chúng ta dùng chữ Hướng về thay cho Nam mô, chữ Hướng về rất hay và cũng có nghĩa là Nam mô. Nam mô có nghĩa là quay về, là quy y, đảnh lễ. Khi tất cả đại chúng cùng chắp tay lại và cùng tụng hai chữ hướng về có nghĩa là trái tim của chúng ta đang hướng về pháp hội của đức Thế Tôn. Pháp hội đó có thể là núi Linh Thứu, vườn Trúc Lâm, hay vườn Cấp Cô Độc. Đức Thế Tôn thuyết pháp và hành đạo ở nhiều nơi, nhưng ba nơi đó là ba nơi nổi tiếng. Khi tụng kinh Kim cương, chúng ta chắp tay hướng về pháp hội Kỳ Viên. Chúng ta quán tưởng rằng Bụt và thánh chúng (holy sangha) đang ở vườn Cấp Cô Độc và chúng ta cũng đang được tham dự vào pháp hội này. Chúng ta cùng với thánh chúng sắp sửa được nghe Bụt nói kinh Kim cương.

Kim cương là kinh căn bản của thiền tập ở Trung Hoa và Việt Nam, một kinh ngắn trong văn hệ Bát nhã. Nền văn hệ Bát nhã rất giàu có, rất đồ sộ, có tới hàng trăm kinh. Trong số đó có những kinh dài như Đại phẩm Bát nhã, có những kinh ngắn như Tâm kinh Bát nhã. Sau này nếu có duyên chúng ta sẽ học thêm kinh Bát nhã Phật bảo tạng, cũng thuộc văn hệ Bát nhã. Kinh này có thể nói là xuất hiện trước cả kinh Kim cương. Kim cương là kinh thuộc dạng ngắn và xuất hiện khá sớm trong lịch sử văn học Bát nhã. Có một chi tiết trong kinh khiến cho ta khẳng định điều này. Đó là chúng hội của kinh Kim cương là 1.250 vị khất sĩ, và người đối thoại với Bụt là một vị Thanh văn, tức là một đệ tử xuất gia của Bụt tên là Tu Bồ Đề (Subhūti). Trong những kinh thuộc văn hệ Bát nhã xuất hiện sau thì chúng hội toàn là các vị Bồ tát. Đây là một điều rất rõ ràng chứng tỏ Kim cương là một trong những kinh xuất hiện sớm nhất trong văn học Bát nhã.

Ở Trung Quốc và Việt Nam, thường chúng ta chỉ dùng danh từ ngắn gọn là kinh Kim cương. Thực ra tên đầy đủ của kinh là Kim cương năng đoạn Bát nhã Ba la mật đa, Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra. Vajra là kim cương, chedikā là có năng lực cắt đứt. Năng đoạn nghĩa là có khả năng cắt đứt, cắt đứt tất cả những phiền não và mê lầm của con người. Kinh Kim cương là một lưỡi gươm, có khả năng cắt đứt những u mê, phiền não, đau khổ của ta cho nên gọi là kim cương năng đoạn. Tiếng Việt là kinh Kim cương cắt đứt phiền não. Chữ gươm báu được thêm vào cho rõ ý, kinh Kim cương gươm báu cắt đứt phiền não

Chữ gươm trí tuệ trong truyện Quan Âm Thị Kính tức là kim cương năng đoạn:

Này gươm trí tuệ mài đây

Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi.

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ, với đại chúng khất sĩ gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Ông Cấp Cô Độc là một thương gia, đã quy y với Bụt và mời được Bụt về nước của ông để hành đạo. Khi đã được chấp nhận, ông liền trở về với thầy Xá Lợi Phất, và tìm được một khu vườn rất đẹp của Thái tử Kỳ Đà, năn nỉ mua cho được khu vườn đó để cúng dường đức Thế Tôn làm nơi cư trú. Con số 1.250 vị khất sĩ là con số ước lệ, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Đây không phải là con số đệ tử của Bụt hồi đó. Sau khi thành đạo, Bụt đã đến vườn Ba La Nại tìm năm người bạn tu khổ hạnh lúc trước, dạy đạo cho họ và thiết lập tăng thân đầu tiên tại đó. Trong vài tháng giáo đoàn gồm khoảng 60 vị khất sĩ. Sau gần nửa năm, Bụt dạy họ nên đi về bốn phương để đem giáo pháp cứu giúp cho nhiều người đang đau khổ. Bụt cũng ôm bát đi về làng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvelā) và gặp ba anh em ông Ca Diếp, là người theo đạo thờ thần lửa. Đạo sĩ Ca Diếp già hơn đức Thế Tôn rất nhiều. Bụt hồi đó chỉ mới 36 tuổi. Đức Thế Tôn đã dùng đức độ, tài năng, hùng biện của Ngài để thu phục được ba anh em Ca Diếp và 900 đệ tử của ba vị. Số đệ tử của Bụt trở thành 1.250 vị. Đó là vào khoảng đầu năm thứ hai sau khi Ngài thành đạo. 

Giáo đoàn của Bụt lúc ấy lẽ tất nhiên đang còn ô hợp, chưa biết gì về sự thực tập, về giới và định. Chúng ta có thể tưởng tượng được khó khăn của đức Thế Tôn lúc đó, tuy nhiên Ngài là người có khả năng dựng tăng rất giỏi. Hơn nữa, trong số các vị khất sĩ mới có những người giỏi, đặc biệt là ba anh em ông Ca Diếp. Ngài đã đưa giáo đoàn lên núi Tượng Đầu (Gayāsīsa) cách làng Ưu Lâu Tần Loa không xa. Tại đây trong ba tháng liên tiếp Bụt đã ngày đêm giáo huấn các đệ tử. Giáo đoàn đạt được nhiều kết quả lớn trên đường tu học. Ba anh em ông Ca Diếp đã trở thành những vị phụ tá đắc lực cho Bụt trong việc hướng dẫn và giáo huấn tăng đoàn. Khi giáo đoàn đã có quy củ và thực tập tinh chuyên, Ngài đưa tất cả đệ tử về thành Vương Xá (Rājagaha) để thăm vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) như Ngài đã hứa với vua mấy năm trước. Lúc ấy, số đệ tử của Bụt đã tăng dần đến 1.250 vị và đó là số lượng các vị khất sĩ theo Bụt về thành Vương Xá. 

Sau này khi nói tới pháp hội, trong kinh thường dùng con số 1.250 người. Những năm về sau, số lượng đệ tử của Bụt có thể tăng lên gấp hai, gấp ba hay gấp bốn lần. Tuy nhiên vì giao thông hồi đó khó khăn, cho nên mỗi lần Bụt thuyết pháp thì chỉ có một số ít người nghe được mà thôi. Khi trùng tuyên lời Bụt dạy, thầy A Nan đã dùng con số 1.250 vị đến nghe pháp. Đó là một con số ước lệ để chỉ số lượng đông đảo trong pháp hội. Khi mới thành lập Làng Mai, chúng ta đã trồng 1.250 cây mận để tưởng nhớ con số ước lệ đó. Lâu lâu có một cây mận chết thì chúng ta thay cây mới vào cho đủ số lượng.

Hôm ấy vào giờ khất thực, Bụt mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá Vệ. Trong thành, Người theo phép tuần tự ghé từng nhà để khất thực.

Bụt dạy các đệ tử trong lúc đi khất thực phải tuần tự ghé tất cả các nhà, không được chọn nhà giàu, bỏ nhà nghèo hay ngược lại. Đó là thực tập hạnh bình đẳng, giúp cho mọi người có cơ hội tu tạo công đức và có cơ hội tiếp xúc với các vị tu sĩ. 

Trên đường khất thực, không được bỏ qua bất cứ một nhà nào dù biết nhà đó không theo đạo Bụt, gọi là thứ đệ khất thực, có nghĩa là tuần tự ghé nhà này đến nhà khác. Trước đây khi đào tạo cán bộ thanh niên phụng sự xã hội, chúng ta cũng đã áp dụng theo phương pháp này. Những làng mà các tác viên đến cư trú, có những người theo đạo Bụt, đạo Cao Đài hay đạo Cơ Đốc. Các tác viên phải đến thăm tất cả các nhà, không được bỏ nhà nào. Cuối năm khi đi dán những tờ hồng điều trong đó có những câu đối để chúc Tết, các anh chị ấy cũng phải ghé đồng đều. Trường hợp này có thể gặp khó khăn. Những người theo đạo Thiên Chúa có thể nghĩ rằng mình muốn truyền đạo và ép họ theo phương pháp đạo Bụt. Trong trường hợp này các tác viên phải ghé vào và giải thích cho họ biết rằng: dán những tờ hồng điều chỉ là để chúc Tết mà thôi. Nếu họ muốn thì mình sẽ dán, còn nếu họ không muốn thì sẽ không dán. Nếu mình không ghé thì có thể mang tiếng là kỳ thị. Bổn phận của các tác viên là phải ghé tất cả các nhà. Đó là học theo phương pháp thứ đệ khất thực của Bụt thời xưa vậy.

Khất thực xong, Người về lại tu viện thọ trai.

Đức Thế Tôn ngồi ăn cơm im lặng với tất cả đại chúng. Năng lượng chánh niệm phát ra từ đại chúng sẽ thấm vào từng người. Ở Làng Mai cũng vậy, chúng ta ngồi ăn cơm im lặng trong chánh niệm. Năng lượng chánh niệm tập thể sẽ thấm vào mỗi con người của chúng ta. Ăn cơm là một phương pháp thực tập rất sâu sắc. Sự có mặt của chúng ta rất cần thiết, vì vậy bữa ăn nào chúng ta cũng phải có mặt để đóng góp phần năng lượng chánh niệm của ta vào đại chúng và đồng thời để chúng ta tiếp nhận năng lượng chánh niệm từ đại chúng. 

Thọ trai xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.

Hồi xưa tại tu viện Kỳ Viên hay Trúc Lâm, Bụt và các thầy cùng thọ trai. Sau khi thọ trai xong thì đại chúng ngồi lại để nghe Bụt nói pháp hoặc để pháp đàm. Trong giờ pháp đàm các thầy đưa ra những vấn đề về sự tu học và thầy trò sinh hoạt chung như một gia đình tâm linh.

Lúc ấy, từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, thượng tọa Tu Bồ Đề đứng dậy, trịch vai áo bên phải ra, quỳ chân trái xuống, chắp tay cung kính bạch với Bụt rằng: “Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?”

Đây là một câu hỏi về chánh pháp. Khi một đệ tử muốn hỏi Bụt một câu hỏi về chánh pháp, họ luôn luôn có thái độ cung kính: trịch vai áo bên phải ra, quỳ xuống, chắp tay mà hỏi. Đó là thái độ cung kính Pháp. Bây giờ cũng vậy, khi muốn học và hỏi về chánh pháp, chúng ta phải có thái độ cung kính, ăn mặc phải chỉnh tề, thế ngồi phải vững chãi và phải chắp tay lại mà hỏi. Nếu đang ở trần, đang làm việc ở ngoài vườn, đang cuốc đất, gặp thầy đi ngang mà hỏi một câu về chánh pháp thì người đó không có uy nghi. Nếu thầy trả lời trong trường hợp này thì thầy cũng không giữ uy nghi. Trong giới luật và uy nghi nói rất rõ: Khi người khác trùm đầu, ăn mặc không chỉnh tề, không ngồi vững vàng, đang nằm nghiêng nằm ngửa thì chúng ta không được thuyết pháp. Nói Pháp trong trường hợp này là khinh Pháp.

Hôm kia đài truyền hình Antenne 2 đã mời thầy để phỏng vấn. Nhưng thầy thấy cung cách của họ và chỗ họ xếp cho thầy ngồi không được nghiêm chỉnh. Thầy đã từ chối, từ chối đến ba lần, nói rằng đó không phải là khung cảnh để nói Pháp. Cuối cùng họ không được thâu hình và phỏng vấn. Họ chỉ có cơ hội đi vào pháp đường để thâu pháp thoại của thầy mà thôi. Thầy từ chối đài Antenne 2 chỉ vì thầy hành trì theo giới luật và uy nghi mà thôi, chứ không phải làm khó dễ họ.

Danh từ Bồ tát đã có sẵn trong Phật giáo nguyên thủy, danh từ này trước hết để dùng cho một vị Bụt tương lai, để chỉ cho một người hành trì và sắp sửa thành Bụt. Ví dụ trong kiếp trước Bồ tát là một vị vua hay một con nai. Nhưng sau đó danh từ Bồ tát dùng để chỉ tất cả những người nào có khả năng đạt tới sự giác ngộ và đem sự giác ngộ đó soi sáng những người khác để giúp cho họ cùng giác ngộ. Chữ Bồ tát sau này đều được dùng theo nghĩa đó. Đọc cho đầy đủ là Bồ đề tát đỏa, lấy từ chữ Bodhisattva, có nghĩa là giác hữu tình hoặc hữu tình giác, enlightened being, awakened being. Bodhi, bồ đề có nghĩa là giác ngộ; sattva, tát đỏa là hữu tình, là một sinh mạng (living being). Bồ tát Ma ha tát, Bodhisattva Mahāsattva: Mahā là lớn, sattva là hữu tình. Mahāsattva, great being, là một đấng hữu tình lớn, một con người lớn, một con người vĩ đại. Bồ tát Ma ha tát là Bồ tát đại nhân, như trong kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Bát đại nhân giác, The eight awakenings of great beings. Chữ đại nhân ở đây chính là Mahāsattva.

“Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?” 

Câu hỏi của thầy Tu Bồ Đề (Subhūti) rất quan trọng và thực tiễn. Thầy Tu Bồ Đề hỏi rằng có những người con trai nhà lành, những người con gái nhà lành có ý nguyện, hoài bão muốn đạt tới sự giác ngộ cao cả, muốn được như Bụt, muốn theo đuổi một sự nghiệp lớn lao như sự nghiệp của Bụt thì phải làm thế nào, phải nương tựa vào đâu để điều phục tâm của mình? Tâm của ta không bao giờ đứng yên, nó chạy lung tung, rất khó điều phục và được ví như một con khỉ chuyền cành, hay ví như một con ngựa (tâm viên ý mã). Chúng ta phải có chỗ nương tựa và phải biết phương pháp điều phục tâm mới có thể thực hiện được chí nguyện cao cả như Bụt, tức là chí nguyện thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tiếng Phạn gọi là anuttarā samyak saṃbodhi, là sự hiểu biết chân chính, cao cả và cùng tột. Anuttarā là vô thượng, không có cái gì cao hơn nữa. Samyak là chánh đẳng, tức là cùng khắp, phổ biến, không có chỗ cao chỗ thấp, tất cả đều ở trên chót đỉnh, đều cao tột. Bodhi là sự giác ngộ, awakening, enlightenment, great understanding. Saṃbodhi là chánh giác, right awakening, là tuệ giác chân chính, không phải là tuệ giác đánh lừa. Anuttarā samyak saṃbodhi đọc theo cách phiên âm tiếng Việt là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vô thượng chánh đẳng chánh giác. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là cái đích cuối cùng, là ước mơ lớn lao nhất của người hành đạo. Người con trai hiền và người con gái hiền nào muốn đi theo chí hướng cao cả đó thì phải nương tựa vào cái gì và phải làm sao để điều phục được tâm? Tâm của ta như con khỉ chuyền cành, như con ngựa đang phi, hôm nay thì ưa thích cái này, mai thì ưa thích cái kia và không thể dừng lại được. Với một cái tâm như vậy, làm sao đạt tới sự nghiệp cao cả kia. Đây là một câu hỏi rất thực tiễn. Nghe câu hỏi này, ta có thể biết được tâm trạng của thầy Tu Bồ Đề. Thầy là người có khả năng và có ao ước thâm sâu về thực tập trí tuệ và thiền. Câu trả lời của Bụt rất trực tiếp. Tuy vậy khi Bụt trả lời lần đầu, thầy Tu Bồ Đề chưa hiểu liền được. Hai người phải đối thoại một hồi, thầy mới vỡ ra và chảy nước mắt. Những giọt nước mắt đó chứng tỏ thầy Tu Bồ Đề đã hiểu. Cho nên khi quý vị chưa chảy nước mắt thì chưa hiểu đâu, đừng có tưởng là mình hiểu! Khi nghe Bụt trả lời lần đầu mà quý vị chảy nước mắt liền tức là quý vị giỏi hơn thầy Tu Bồ Đề. 

Bụt bảo Tu Bồ Đề: “Các bậc Bồ tát đại nhân nên hàng phục tâm mình bằng cách quán niệm như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát.”

Chúng ta phải có một ước nguyện lớn như vậy mới được. Nếu quý vị tới chùa chỉ để làm vơi bớt một vài khổ đau trong lòng thì cũng được, không ai cấm, nhưng quý vị không phải là bạn đồng hành của thầy Tu Bồ Đề, không phải là một vị Bồ tát đại nhân. Quý vị chưa phải là tri kỷ của những người con trai nhà lành và những người con gái nhà lành muốn phát tâm dũng mãnh, muốn làm một sự nghiệp tương đương với sự nghiệp của đức Thế Tôn. Ước muốn lớn lao đó gọi là bồ đề tâm, cái tâm muốn đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Khi quý vị có bồ đề tâm, có ước vọng lớn đó thì tự nhiên quý vị trở thành đại nhân. Chỉ cần có ước nguyện lớn là trở thành người lớn liền, không cần phải làm gì cả. Chúng ta phải tự hỏi mình có ước muốn lớn hay chỉ là ước muốn nhỏ. Ước muốn nhỏ tức là chỉ muốn cho bản thân và gia đình bớt khổ. Khi nào chúng ta có được ước muốn lớn thì tự nhiên nguồn năng lượng hùng hậu sẽ trỗi dậy, mắt quý vị sẽ sáng ra, hai chân quý vị vững chãi hơn. Cách đi, đứng, nằm, ngồi sẽ chứng tỏ quý vị là một đại nhân. Đó là năng lượng của bồ đề tâm. Cỗ xe của Bồ tát, của các vị đại nhân là cỗ xe lớn có thể chở được mọi loài. Phần đầu của câu trả lời: anh phải có chí nguyện lớn, chị phải có chí nguyện lớn.

Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát cả.

Phải dùng trí tuệ để thấy được tính tương tức, tính vô ngã của mọi loài chúng sanh. Khi còn mê lầm, còn kỳ thị thì ta còn thấy có ta, có người, có chúng sanh, có người độ và người được độ. Nhưng khi ta đã tỉnh rồi thì ta sẽ thấy được tự tính duyên sinh, tương tức, tương nhập, vô ngã, ta sẽ thấy chúng sanh không còn là chúng sanh, người độ không còn là người độ, người được độ không còn là người được độ. Lúc ấy ta sẽ đạt được trí tuệ, gọi là vô phân biệt trí, trí tuệ không còn phân biệt, kỳ thị, chia chẻ nữa. Vô phân biệt trí (無 分 别 智), tiếng Phạn là Nirvikalpa-jñāna (nir là vô, là không có. Vikalpa là phân biệt, là kỳ thị. Jñāna là trí), có thể dịch sang tiếng Anh là the wisdom of nondiscrimination

Thí dụ về bàn tay phải và bàn tay trái có thể giúp ta hiểu được vô phân biệt trí. Bàn tay phải có khả năng viết chữ Nho, viết thư pháp hay làm thơ. Nhưng bàn tay phải không bao giờ tự hào giỏi hơn bàn tay trái. Khi hai bàn tay nắm lấy nhau, bàn tay phải không bao giờ phân biệt rằng tôi là bàn tay phải, những việc quan trọng mà thầy giao cho, tôi đều làm hết; còn anh là bàn tay trái quả thật vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì hết. Bàn tay phải không bao giờ có ý niệm phân biệt như vậy. Vì thế nó thương yêu bàn tay trái rất chân thành. Nó thấy rằng nó là một với bàn tay trái. Khi ta đóng đinh, bàn tay phải cầm búa và bàn tay trái cầm đinh. Nếu đóng đinh không có chánh niệm, thay vì đóng vào đinh thì chiếc búa đóng vào ngón cái của bàn tay trái. Bàn tay trái bị đau đớn, lập tức bàn tay phải bỏ chiếc búa xuống, nắm lấy bàn tay trái cho đỡ đau, hai chân tự nhiên bước đi để tìm thuốc và băng bó. Cái đau của bàn tay trái cũng là cái đau của bàn tay phải, và hơn nữa đó là cái đau của toàn thân. Khi cầm chiếc búa đụng nhầm tay trái, bàn tay phải không bao giờ có mặc cảm tội lỗi của riêng mình, bởi vì đó là sự vô ý của toàn thân, trong đó có cả bộ óc. Tất cả những việc đó, toàn bộ cơ thể làm trong sự hòa điệu, nhịp nhàng như có một thứ trí tuệ thúc đẩy mà không hề có sự kỳ thị, trách móc hay mặc cảm. Khi săn sóc bàn tay trái, bàn tay phải không hề nói rằng: Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi nên nhớ để sau này săn sóc lại ta. Bàn tay phải không hề có ý niệm về ta, về người, về phải, về trái. Nó hành động một cách tự nhiên và tuyệt diệu. Trong bàn tay phải, có vô phân biệt trí. Trong bàn tay trái cũng có vô phân biệt trí. 

Một thí dụ khác là tình mẹ thương con. Lúc ban đầu thì đứa con là một phần của mẹ và mẹ là một phần của con. Con đau thì mẹ cũng đau, con hạnh phúc thì mẹ cũng hạnh phúc, con mỉm cười thì mẹ cũng mỉm cười. Tình thương giữa hai mẹ con được làm bằng vô phân biệt trí. Nhưng nếu hai mẹ con không biết giữ gìn cho nhau thì sự phân biệt sẽ chen vào, làm ẩn tàng đi cái vô phân biệt. Mẹ chỉ còn là mẹ, con chỉ còn là con. Sự kỳ thị có mặt. Chúng ta khổ đau vì có sự kỳ thị. Anh là người da trắng, tôi không thương anh bằng tôi thương những người đồng bào da đen của tôi. Anh là người Phi châu, anh không được vào nước Pháp bởi vì nước Pháp là nước của những người da trắng. Chỉ có những người có quốc tịch Pháp mới được quyền ở trên đất Pháp. Đất Pháp do Chúa làm ra để dành cho người Pháp. Nếu nghĩ như vậy, chúng ta đã gán cho Chúa cái tính kỳ thị, phân biệt. Vô phân biệt trí của Chúa đã bị đánh mất. Chúng ta đã làm mất đi vô phân biệt trí của mình, lại làm mất luôn vô phân biệt trí của Thượng đế. Thật tội nghiệp cho Ngài quá! 

Sáu phép Ba la mật là: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong khi thực tập Ba la mật, ta phải thấy được bản chất của sự thực tập là vô phân biệt trí. Khi ta còn kỳ thị đây là người được độ, kia là chủ thể đứng ra để độ người, ranh giới giữa người độ và người được độ còn tồn tại thì ta chưa phải là một bậc đại nhân đích thực. Vì thế dầu ta có độ được hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người mà ta vẫn còn giữ ý nghĩ ta là người độ và những người kia là người được độ thì ta vẫn chưa có vô phân biệt trí, ta vẫn chưa xứng đáng là một vị Bồ tát đích thực. Đó là câu trả lời của đức Thế Tôn, tức là phải quán chiếu theo Bát nhã Ba la mật để chặt đứt tất cả những kỳ thị đó.

Vì sao? Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ tát mà còn có khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh và về thọ giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ tát đích thực.

Một câu trả lời rất rõ ràng và đầy đủ. Tiếc thay! Thầy Tu Bồ Đề chưa khóc và quý vị ở đây cũng chưa có ai khóc cả. Câu trả lời này cho chúng ta thấy được ý của đức Thế Tôn nói rằng bản chất làm ra một vị Bồ tát đích thực là vô phân biệt trí. Cho dù anh làm rất nhiều, có công đức vô lượng, làm rất nhiều việc như Mẹ Teresa, mà anh vẫn còn giữ tâm phân biệt: Tôi là người giúp, các anh là những người được giúp, thì anh vẫn chưa phải là một vị Bồ tát. Nếu chúng ta nhìn vào Mẹ Teresa, cách Mẹ làm việc và thấy được trong Mẹ có vô phân biệt trí, thì ta có thể nói Mẹ Teresa là một vị Bồ tát lớn. Dấu ấn để xác nhận ta là một vị Bồ tát đích thực hay không là ở chỗ trong trái tim ta có vô phân biệt trí hay không. Như vậy thì tụng kinh Kim cương tới đây là đủ rồi, không cần phải tụng nhiều. Nhưng sự thật chúng ta cần tụng đọc tiếp bởi vì chúng ta chưa hiểu hết được câu trả lời của đức Thế Tôn. Chính thầy Tu Bồ Đề cũng phải nghe tới mấy câu trả lời tiếp theo sau nữa mới vỡ lẽ ra và thầy mới bật khóc. Chúng ta hãy theo dấu chân của thầy Tu Bồ Đề để nghe câu chuyện đối thoại giữa thầy với Bụt, để hy vọng có thể khóc được như thầy Tu Bồ Đề bởi vì trái tim của chúng ta đã bắt đầu thấm thía.

“Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?”

Bồ tát là người có chí hướng rất cao cả, chí nguyện lớn, luôn muốn làm vơi bớt nỗi khổ đau của tất cả chúng sanh, độ tất cả chúng sanh qua bờ bên kia, bến bờ của giải thoát, của giác ngộ. Trong lòng vị Bồ tát có một vùng năng lượng lớn, năng lượng của bồ đề tâm. Chính vì vậy, Bụt đặc biệt yểm trợ cho các vị Bồ tát. Đây là vấn đề đầu tư. Ví dụ, chúng ta có mười mẫu ruộng, trong đó năm mẫu là thượng đẳng điền, ruộng tốt nhất thì chúng ta phải dồn sức lực về năm mẫu ruộng đó trước. Chúng ta phải dành thì giờ, phân bón và hạt giống tốt cho năm mẫu ruộng đó, bởi vì năm mẫu ruộng đó sẽ giúp ta thu hoạch được rất nhiều. Còn năm mẫu ruộng khô cằn, nếu chúng ta đem hết thì giờ, phân bón và hạt giống tốt đầu tư vào đó thì chúng ta sẽ không thu hoạch được nhiều bằng. Đây chỉ là vấn đề đầu tư thông minh mà không phải là kỳ thị. Vì vậy, đức Thế Tôn thường để thì giờ và năng lượng yểm trợ những người có chí nguyện lớn bởi vì những người có chí nguyện lớn sẽ cứu độ được cho rất nhiều người. Nhìn vào hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cũng thấy như vậy. Những sư cô, sư chú nào có tâm bồ đề lớn, có chí nguyện muốn giúp nhiều người mà không phải chỉ lo nghĩ tới tương lai của riêng mình hay là tiện nghi của đời sống riêng mình thì những người đó sẽ được thầy và đại chúng yểm trợ và hộ niệm nhiều hơn. Những người chỉ nghĩ tới tiện nghi và tương lai riêng của đời mình thì không được thầy và đại chúng đặc biệt yểm trợ. Điều này là điều muôn đời chứ không phải chỉ có thật trong thời Bụt. Câu hỏi của thầy Tu Bồ Đề bắt đầu bằng một nhận xét thông minh: Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát. Là một người học trò, thầy Tu Bồ Đề đã thấy được cái tâm và giá trị tuệ giác của thầy mình.

Bụt trả lời thầy Tu Bồ Đề trực tiếp: Một vị Bồ tát đích thực phải có hai yếu tố trong con người. Thứ nhất là chí nguyện lớn muốn độ tất cả chúng sanh qua bờ giải thoát, gọi là bồ đề tâm. Thứ hai là cái nhìn không phân biệt, không kỳ thị, gọi là vô phân biệt trí. Vô phân biệt trí là trí tuệ có khả năng chọc thủng bức màn của cá nhân chủ nghĩa để thấy được ta là người kia, người kia là ta, hạnh phúc của người kia là hạnh phúc của ta, hạnh phúc của ta là hạnh phúc của người kia. Điều này chẳng những chỉ đúng trong phạm vi con người mà cũng đúng trong tất cả các mối liên hệ giữa người và người, giữa người và cầm thú, giữa người với cây cỏ và giữa người với đất đá. 

Vô phân biệt trí cũng còn được gọi là bình đẳng tánh trí (平 等 性 智), tiếng Phạn là Samatā-jñāna. Samatā là bình đẳng, jñāna là trí. Trong từ ngữ samatā, hậu từ có nghĩa là tánh, sama là bình đẳng. Hậu từ cũng được tìm thấy trong Buddha (Phật tánh), Dharma (Pháp tánh). Bình đẳng có nghĩa là không có sự phân biệt giữa ta và người, không phân biệt ta là một thực tại hoàn toàn khác biệt với người kia và người kia là một thực tại hoàn toàn khác biệt với ta, mà hai bên giao nhau và làm ra nhau.

Duy biểu học có đề cập tới tám thức:

  • Tàng thức hay A lại da thức, store consciousness (thức thứ tám)
  • Mạt na thức (thức thứ bảy)
  • Ý thức (thức thứ sáu)
  • Năm thức cảm giác (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức)

Bản chất của Mạt na là kỳ thị, discrimination. Mạt na có tác dụng ôm lấy tàng thức và nhận rằng đây là cái ta, this is myself. Mạt na phân biệt cái ta và cái không ta. Nguồn gốc của tất cả những ích kỷ, kỳ thị, khổ đau đều phát sinh từ Mạt na. Ý thức của ta dựa vào Mạt na thức mà phát khởi, cho nên ta mới khổ bởi vì trong Mạt na có sự sai lạc căn bản. Trong quá trình tu học, chúng ta dùng ý thức, dùng tàng thức để quán chiếu, để thấy được tính cách liên hệ giữa các hiện tượng với nhau, để thấy được tính cách vô ngã của các pháp. Quán chiếu như vậy thì Mạt na dần dần chuyển đổi. Cuối cùng khi con người đạt tới giải thoát hoàn toàn thì Mạt na trở thành bình đẳng tánh trí. Vô phân biệt trí cũng là bình đẳng tánh trí. Công phu tu học là để đạt được bình đẳng tánh trí.

Vì sao? Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ tát mà còn có khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh và về thọ giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ tát đích thực.

Còn bốn khái niệm đó tức là còn phân biệt, kỳ thị và chưa hẳn là có vô phân biệt trí. Nội dung của toàn kinh Kim cương nằm gọn trong câu này. Hiểu được câu này là có thể hiểu được toàn bộ kinh và những đoạn khác trong kinh một cách dễ dàng, dễ như chẻ tre. Một vị Bồ tát đích thực phải vượt thoát bốn khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh và về thọ giả. Chữ khái niệm ta dùng ở đây là dịch từ chữ tưởng. Tiếng Phạn là Saṃjñā có nghĩa là tưởng, có thể dịch là tri giác – perception, ý niệm – notion, hay ý tưởng – idea, khái niệm – concept. Trong chữ Nho, chữ tưởng 想 có hai phần: phần trên là tướng 相, mark, appearance, tiếng Phạn là lakṣaṇa; phần dưới là tâm , mind, tiếng Phạn là citta. Hai chữ tướng tưởng gần giống nhau. Trong tâm ta hiện ra một cái tướng, tâm nắm lấy cái tướng đó. Tướng là hình tướng hiện ra mà tâm nắm lấy, tưởng là cái tâm khi đã ôm lấy hình tướng rồi. Tướng là đối tượng của tưởng, tưởng là chủ thể của tướng. 

Có bốn tướng nếu ta níu lấy thì trở thành bốn tưởng, khi chưa vượt thoát bốn tưởng đó thì ta chưa phải là vị Bồ tát đích thực. 

Ví dụ khi nhìn vào cây bút viết bảng, trong tâm ta hiện lên một cái tướng, tâm nắm lấy cái tướng đó, từ đó tâm ta có một tri giác về cây bút. Tri giác đó không thể rời cây bút mà có được. Cây bút cũng không thể rời tri giác mà có được. Đối tượng và chủ thể nương nhau mà có, cái này làm ra cái kia, cái kia làm ra cái này. Tướng là tướng trạng, những tướng trạng đó thúc đẩy để ta có nhận thức, tri giác về nó. Tướng giúp tâm để tạo ra tưởng, tâm nắm lấy tướng để làm ra tưởng, cả hai đều chịu trách nhiệm. Tưởng thì thường hay sai lầm. 

Ví dụ, có hai người trẻ lần đầu gặp nhau và yêu nhau thì nền tảng của sự yêu mến đó là tưởng. Người kia có những cái tướng, tâm của người này dựa vào những cái tướng đó mà tạo thành, đó là tâm yêu. Tâm đó phát sinh ra và níu lấy tướng, tướng phát sinh ra và làm cho tâm trở thành tưởng. Vì vậy đối tượng của sự thương yêu đó là tướng nằm trong tâm. 

Vòng tròn x tượng trưng cho sự thật, chân như, suchness. Tâm ta không tiếp xúc được với x mà tạo ra một hình ảnh của sự thật x’. X’ là tướng mà tâm tạo ra và rất xa so với x.

Khi yêu một người nào thì chưa chắc ta yêu bản thân người đó, mà ta tạo ra một hình ảnh về người đó để yêu, hình ảnh đó rất khác xa so với bản chất của người đó. Ba năm sau khi cưới mới biết là cái ta yêu ngày xưa không phải như sự thật bây giờ. Đối tượng của nhận thức đó là tướng chứ không phải chân như của sự thật. Sở dĩ tướng x’ có nhận thức sai lạc bởi vì tâm có chứa vô minh, kỳ thị, phân biệt, hờn giận, tham đắm cho nên khi tiếp xúc với chân như thì tâm không đi thẳng được mà tạo ra những cái tướng. Ta buồn, giận, thương, ghét cái tướng đó chứ không phải buồn, giận, thương, ghét bản chất sự thật. Tâm t’ chịu một phần trách nhiệm vì tạo ra tướng sai lạc x’. Tướng x’ cũng chịu một phần trách nhiệm làm cho tâm càng ngày càng vướng mắc, sai lạc. Trong khi đó vọng tâm t’ deluded mind, vốn phát xuất từ chân tâm ttrue mind, cũng có dựa trên chân tâm t. Cũng như vọng tướng x’ dựa trên chân tướng x. Bậc giác ngộ hoàn toàn thì chân tâm tiếp xúc với chân như. Chúng ta thì vọng tâm tiếp xúc với vọng tướng.

Bản chất của tướng và tưởng là si, delusion, ignorance. Vì tâm đang là vọng tâm, trong đó có yếu tố của si mê, vô minh. Chủ thể đã vô minh thì đối tượng cũng bị lầm lạc, không còn là thực tại, reality, mà là tri giác sai lầm, wrong perception. Ví dụ ta thấy sợi dây mà cứ tưởng là con rắn. Nó vốn là sợi dây, bởi vì tâm hốt hoảng, sợ hãi cho nên nhìn sợi dây ra con rắn. Bản chất là vô minh, si mê của tưởng đã tạo ra nhiều phiền não, hai phiền não phổ thông nhất là thèm khát (tham) và giận hờn (sân). Tất cả những thèm khát giận hờn của ta đều có nền tảng từ vô minh.

Tướng: the perceived

Tưởng: the perception

Tưởng là tri giác, tướng là đối tượng của tri giác. Chủ thể và đối tượng luôn luôn nương vào nhau mà hiện hữu. Tri giác thường hay sai lầm. Tri giác mà không sai lầm thì không còn gọi là tri giác nữa, mà được gọi là trí. Khi ta có một ý niệm, một tri giác nào đó thì thường nó làm cho ta đau khổ. Tốt hơn là đừng có ý niệm, tri giác. Tưởng làm cho ta điên đảo, đêm ngày tâm không an, bồn chồn, trăn trở. Bởi vì ý tưởng đó sinh ra cái muốn, thèm khát hoặc buồn giận. Khi có tham, có sân thì ta đánh mất hết sự an lạc. Ngoài ra còn có mạn, nghi, tà kiến, ganh tị,… tất cả đều do tưởng mà ra. Cho nên tưởng là nguồn gốc của khổ đau. Tu học là nhìn thấu vào bản chất của tưởng và đập cho cái tưởng tan thành tro bụi thì những phiền não của ta nhờ đó mà tiêu tan. Chẳng hạn khi ta có ý tưởng là nếu ta làm được việc đó thì đời ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Có ý tưởng đó rồi thì nguy lắm! Ta đi, đứng, nằm, ngồi không yên. Ta thao thức, trăn trở, suy tính làm sao để thực hiện được việc đó. Thế là ta mất an lạc. Hoàn cảnh không cho phép ta thực hiện điều đó thì ta đau khổ.

Trong kinh Kim cương, đức Thế Tôn nói tới bốn tướng. Khi bốn tướng đó bị đập tan tành thì ta đạt được vô phân biệt trí và xứng đáng được gọi là một vị Bồ tát. Bốn tướng đó là: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng.

1. Thứ nhất là ngã tướng 我, self. Nền tảng của giáo lý đạo Bụt là tuệ giác về vô ngã. Kỳ trước chúng ta đã thử nhìn vào tuệ giác vô ngã của bàn tay phải. Mặc dù bàn tay phải làm được hết mọi thứ: viết chữ, vẽ, làm thơ, v.v. nhưng nó không bao giờ tự hào, giận hờn hay khinh khi bàn tay trái; bởi trong nó có trí tuệ vô phân biệt. Ước muốn của chúng ta rất đơn giản, chỉ muốn được như bàn tay phải của chúng ta. Được như thế thì chúng ta sẽ không còn phân biệt ta người, hơn thua, giận hờn, ganh tị, v.v. và như thế sẽ không còn khổ đau nữa. Được như bàn tay phải tức là ta đã có tuệ giác về vô ngã. Điều ta tưởng rằng phải đi tìm ở đâu xa thì chính bàn tay phải của chúng ta đang có, đó là tuệ giác vô ngã. Ngã là tưởng tượng của ta, một sáng tạo phẩm của vọng tâm (the creation of the deluded mind). Vì vậy Bụt dạy chúng ta trong đời sống hàng ngày phải quán chiếu tính vô ngã của ta và của vạn pháp. Nhìn cho thật sâu sắc một tờ lá, một hạt sỏi, một đám mây, một dòng sông, một em bé, một xã hội, một con người, v.v. để khám phá ra tính vô ngã của các hiện tượng đó, để tháo gỡ ra khỏi tâm ta cái tướng thứ nhất: tướng ngã. 

Sở dĩ hai cha con giận nhau bởi vì cha nghĩ rằng con không phải là cha và con cũng nghĩ rằng cha không phải là con. Nếu cả hai cha con cùng nghĩ rằng cả hai đều thuộc về một thực tại, giống như hai bàn tay, thì làm gì có cái giận. Giận nhau là điều không thể xảy ra nếu chúng ta không bị kẹt vào ý niệm về ngã. Một sư anh và một sư em cùng chung một thầy, anh em như thể chân tay, vậy mà giận nhau, là vì ngã tướng nơi người sư anh chưa lấy ra được và ngã tướng nơi người sư em cũng chưa lấy ra được. Nếu ngã tướng nơi người sư anh đã lấy ra được rồi thì chỉ có sư em giận thôi, còn sư anh lúc nào cũng cười hề hề. Sư anh đã không giận thì nay mai sư em cũng sẽ hết giận. Nếu một trong hai người lấy được ngã tướng ra khỏi tâm, để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia là hạnh phúc và khổ đau của chính mình thì sẽ không có chuyện giận nhau. Đối với hai tôn giáo cũng vậy, ví dụ đạo Bụt và đạo Cơ Đốc. Ngày xưa, khi những người Cơ Đốc giáo về Á châu truyền đạo, những người đạo Bụt chưa phá được ngã tướng, không bằng lòng và bảo rằng tại sao các ông không truyền giáo ở Tây phương mà đi về truyền giáo ở Á châu làm gì, Á châu của chúng tôi đã có tôn giáo rồi. Có sự tự vệ phía những người Phật giáo. Có những người Tây phương thấy đạo Bụt đi vào Âu Mỹ thì bảo rằng ở bên này chúng tôi có đạo Cơ Đốc rồi, các vị đem đạo Bụt qua đây làm gì? Có sự tự vệ phía những người Cơ Đốc giáo. Cả hai bên đều có nhận thức tôn giáo mình là một cái ngã. Phần lớn chúng ta đều có tướng ngã. Trong trường hợp này thầy nói rằng đạo Bụt được làm bằng những yếu tố không phải là đạo Bụt, Buddhism is made of non-Buddhist elements; đạo Cơ Đốc được làm bằng những yếu tố không phải là Cơ Đốc. Thật vậy, Siddhārtha đâu phải từ đạo Bụt tới. Rồi những đệ tử lớn như Śāriputra, Maudgalyāyana, Cấp Cô Độc, v.v. cũng không phải từ đạo Bụt tới. Một bông hoa cũng được làm bằng những yếu tố không phải là bông hoa. Nhìn cho kỹ, ta thấy có rất nhiều yếu tố đã tạo ra bông hoa: hạt giống, đất, phân bón, ánh sáng mặt trời, đám mây, v.v. những yếu tố đó không phải là bông hoa. Đó là vô ngã, the self is made of non-self elements. Thấy được như vậy thì chứng được tính vô ngã của vạn pháp, không còn kỳ thị, phân biệt giữa cái ngã và vô ngã. Bên ngoài thì thấy thầy A Nan khác với thầy Ca Diếp, trái bưởi khác trái xoài, tuy ta vẫn phân biệt được nhưng không bị kẹt vào sự kỳ thị, ta có tự do. Nhìn một vật mà không bị kẹt vào ngã tướng tức là ta được giải thoát. Đức Thế Tôn là người giải thoát bởi vì Ngài không bị kẹt vào tướng ngã. Trong lúc nói chuyện, Ngài vẫn sử dụng ngôn ngữ của con người. Đức Thế Tôn nói: “Này A Nan, ngọn đồi kia đẹp quá, thầy có muốn leo lên đó với tôi không?” Ngài cũng dùng danh từ tôi, danh từ A Nan, danh từ thầy, danh từ ngọn đồi, tức là Ngài công nhận tôi là tôi, thầy là thầy, ngọn đồi là ngọn đồi. Tuy vậy, Ngài không kỳ thị phân biệt, không cho Ngài là một thực thể khác, A Nan là một thực thể khác, ngọn đồi là một thực thể khác. Đức Thế Tôn giữ được tự do của mình bởi vì Ngài có vô phân biệt trí và bình đẳng tánh trí. Sư anh thì vẫn là sư anh, sư em thì vẫn là sư em. Điều đó không có nghĩa hai chúng ta phải là hai thực thể khác nhau. Nếu có những giận, buồn, ganh ghét, tham đắm, v.v. là vì chúng ta kẹt vào ngã tướng, chúng ta nhìn vào tướng và kẹt vào đó. Khi nhìn vào tướng mà không bị kẹt vào tướng thì chúng ta được giải thoát, chứ không phải là vấn đề đập phá hết tất cả các tướng để không còn bất cứ một tướng nào. Tướng vẫn có đó, nhưng đừng để bị kẹt vào tướng bởi vì ta thấy được vô tướng trong tướng. Kinh Kim cương có một câu rất nổi tiếng: Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, 若見諸相非相即見如來 (Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai). Các tướng vẫn có đó: tướng Bụt, tướng A Nan, tướng trái cam, tướng trái xoài, tướng sư anh, tướng sư em. Ngã và phi ngã, selfnon-self sở dĩ có một ranh giới là do vọng tâm của ta tạo dựng ra. Chìa khóa ở đây là xóa bỏ được ranh giới đó trong nhận thức tức là thấy được Như Lai. 

Ban đầu ta thấy ngã tức là không phải phi ngã. Tôi không phải là anh. Sau này nhìn lại thì thấy tôi được làm bằng những cái không phải là tôi. Anh làm ra tôi, tôi thấy anh trong tôi. Trong bông hoa có ánh sáng mặt trời, có đám mây. Nhìn vào bông hoa một cách sâu sắc ta thấy được những yếu tố không phải là bông hoa. Khi lấy ranh giới ra khỏi ngã và phi ngã, ta có được nhận thức ngược với nhận thức thông thường: ngã tức là phi ngã, the self is non-self, the self is made of non-self elements. 

Trong Luận lý học, có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc đồng nhất. Theo nguyên tắc này thì A chỉ có thể là A; A không thể là B, là C, là D. Theo tuệ giác của kinh Kim cương thì A có thể là B, là C, là D. A không phải là A mới đích thực là A. Kinh Kim cương có nhiều câu giống như vậy. Một vị Bồ tát mà còn thấy mình là một vị Bồ tát thì đó chưa phải là một vị Bồ tát đích thực. Một người độ đời mà còn thấy mình là một người độ đời thì đó chưa phải là một người độ đời đích thực. Nhìn vào một bông hoa mà thấy hoa tách rời ra khỏi mặt trời, ra khỏi đám mây, đại địa, phân bón thì chưa thực sự thấy hoa. 

Công thức của kinh Kim cương:

A=AB,C,D

AA=A

A=B,C,D

Ở Làng Mai, chúng ta thường dùng hình ảnh hoa và rác. Trong hoa có rác và trong rác có hoa. Rác là một phần quan trọng của hoa, nếu không có rác làm sao có hoa được. A không phải là A, A là B, là C, D, lúc đó ta mới thấy được chân tướng của A. Muốn đạt được cái thấy của kinh Kim cương, ta phải vượt qua nguyên tắc đồng nhất, phải phá được ngã chấp, phải phá được ngã tướng, lúc ấy bắt đầu có vô phân biệt trí, bình đẳng tánh trí. Giáo lý Vô ngã cần được nhận thức như một chìa khóa, một phương pháp quán chiếu để phá cái tưởng về ngã. Tuy nhiên khi đã vượt được cái tưởng này rồi, có thể ta lại bị kẹt vào một cái tưởng khác: đó là cái tưởng về vô ngã. Kinh Kim cương dạy ta phải vượt thoát tất cả các tưởng. Sử dụng giáo lý Vô ngã để quán chiếu sự vật, để thấy tính cách phi ngã trong ngã, tức là ta tiếp xúc được với thực tại, với chân như. Lúc ấy, ta gọi đó là ngã cũng được. Bởi vì tuy gọi là ngã mà ta không bị kẹt vào ngã tướng. 

Đó là tướng thứ nhất mà chúng ta phải luyện tập để vượt thoát. Luyện tập như thế nào? Luyện tập trong đời sống hằng ngày, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, trong lúc ăn cơm, trong lúc tiếp xúc với sư anh, sư chị, sư em, một thiền sinh, một đám mây, một cọng cỏ. Luyện tập để thấy rõ ràng có ta ở trong đó và có cái đó ở trong ta, không thể lìa ra được. Đó là Vô ngã quán. Trong khi chúng ta nấu cơm, giặt áo, cắt cà rốt, rửa chén, v.v. chúng ta đừng nên làm việc suông, chúng ta nên thực tập quán chiếu, để thấy được liên hệ duyên sinh giữa ta và tất cả những hiện tượng đó. Quán chiếu để thấy được ta có mặt nơi người kia và người kia có mặt nơi ta, để thấy được những bực dọc, giận hờn, ganh tị đều phát sinh từ khối vô minh. Khối vô minh đó là ngã tướng. Nếu đã vượt thoát được ngã tướng thì tại sao lại có buồn rầu, bực dọc, lo lắng. Vô ngã quán là một phương pháp thực tập, thực tập suốt ngày khi đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc. 

2. Thứ hai là nhân tướng 人, man. Nhân tức là con người. Chúng ta có một ý niệm về con người nhưng chúng ta thường quên rằng con người là sản phẩm của thiên nhiên, nguồn gốc của con người là đất đá, cỏ cây và cầm thú. Khoa học cho ta thấy rõ điều đó, người được làm bằng những yếu tố không phải người, man is made of non-man elements, và loài người là một loài rất trẻ trong lịch sử của sự sống. Chúng ta quên đi và có cảm tưởng con người không dính líu gì tới các chủng loại khác. Chúng ta cho rằng con người là chúa tể của trái đất, có quyền năng về trái đất, các chủng loại khác sinh ra chỉ để phục vụ con người. Chúng ta có cái tưởng về người rất sai lạc, dù biết rất rõ nhưng chúng ta thường quên rằng người được làm bằng những yếu tố không phải người (cỏ cây, cầm thú, đất đá). Vì vậy, chúng ta phải lấy đi ranh giới giữa người và các yếu tố không phải người (phi nhân). Chúng ta biết con người không thể sống được nếu không có mặt các chủng loại khác, nhưng chúng ta không nhớ và chúng ta vẫn phân biệt, kỳ thị. Nên, trong đời sống hằng ngày chúng ta tiếp tục tiêu diệt cỏ cây, cầm thú, đất đá và tàn phá sinh môi. Vì vậy trong đời sống hằng ngày, ta phải thực tập, phải quán chiếu để thấy được tính cách vô ngã của người. Con người phải có trách nhiệm, phải biết bảo vệ những yếu tố không con người để con người được bảo vệ. Quán chiếu để có thể đạt được tuệ giác đó, chỉ với tuệ giác đó, chúng ta mới có thể cứu được trái đất này. Cách đây 2.600 năm, đức Thế Tôn đã thấy và đã dạy cho chúng ta điều đó. Kinh Kim cương được xem là văn kiện xưa nhất về vấn đề bảo vệ sinh môi. 

3. Thứ ba là chúng sanh tướng 衆生, living beings. Đây là ý tưởng phân biệt giữa loài hữu tình, những loài có sanh mạng (con người, các loài động vật) và loài vô tình (cỏ cây, đất đá). Ý tưởng này cũng cần được chuyển hóa, đập tan. Đức Thế Tôn dạy những loài mà ta gọi là chúng sanh cũng được làm bằng những yếu tố không phải là chúng sanh. Trong đời sống hằng ngày, ta phải tập quán chiếu để nuôi dưỡng tuệ giác đó. Nhìn vào chúng sanh mà thấy được những yếu tố không phải chúng sanh, lúc ấy mới thấy được chúng sanh thật. Đó là công thức của kinh Kim cương. Chén trà mà không phải là chén trà mới thực sự là chén trà.

4. Thứ tư là thọ giả tướng 夀者, life span. Thọ giả ở đây có nghĩa là giai đoạn sinh mạng. Chúng ta thường có ý niệm cho rằng giai đoạn sinh mạng của chúng ta chỉ kéo dài được bảy mươi năm, tám mươi năm hay một trăm năm. Chúng ta chỉ có mặt từ thời điểm mà ta gọi là sinh cho đến thời điểm mà ta gọi là diệt. Đó là một ý tưởng sai lầm mà ta cần phải chuyển hóa, vượt thoát. Khi các điều kiện hội tụ thì thân thể ta được biểu hiện mà ta gọi là . Khi các điều kiện đó không đầy đủ, thì thân thể ta bị ẩn đi mà ta gọi là không. Chúng ta bị kẹt vào ý niệm có, ý niệm không, ý niệm sinh, ý niệm diệt, ý niệm tới, ý niệm đi, ý niệm thường, ý niệm đoạn. Đó là những cặp ý niệm được phát sinh từ ý niệm về thọ giả. Nếu đập tan ý niệm về thọ giả, ta đập tan được ý niệm tới – đi, có – không, sinh – diệt, thường – đoạn.

Ý niệm thường là gì? Đó là ý niệm cho rằng tất cả sự vật trên đời là thường còn, không bao giờ hư hoại, không bao giờ mất đi. Đó là ý niệm thường (permanent), ngược lại với thường là ý niệm đoạn (annihilation). Nếu nhìn sâu vào lòng vạn pháp ta sẽ thấy vạn vật đều thay đổi, không có gì thường, ta thấy được tính không thường của vạn pháp. Nói như vậy không có nghĩa rằng vạn vật không thường thì sẽ trở thành hư vô. Cho rằng mọi vật sẽ trở thành hư vô, mà ta gọi là ý niệm đoạn, cũng là một ý niệm sai lầm cần phải được vượt thoát. Cả hai ý niệm thườngđoạn đều là vọng tưởng, gây ra khổ đau và sợ hãi. Chẳng hạn, ta có một người thương và nghĩ rằng người đó sẽ ở với ta suốt đời. Đến khi người ấy chết đi thì ta khổ đau, cho rằng người ấy không còn nữa. Nhìn lại bản thân, ta thấy ngày mai ta cũng ra đi và cũng trở thành hư vô rồi đâm ra sợ hãi. Sợ hãi hư vô là điểm yếu chung của loài người. 

Ý niệm có, không, sinh, diệt cũng như vậy. Descartes nói “I think therefore I am’’ là cố bám lấy ý niệm có, đã kẹt vào ý niệm có thì thế nào cũng kẹt vào ý niệm không. Ta thường nghĩ rằng ta chỉ có mặt trong khoảng thời gian kể từ ngày mà ta gọi là sinh ra cho đến ngày mà ta gọi là chết đi, còn trước đó và sau đó là không có. Nghĩ như vậy nên ta bám vào cái sinh và rất sợ cái diệt. Những ý niệm thường – đoạn, có – không, sinh – diệt đều là những ý niệm sai lầm và bắt nguồn từ một cái tưởng gọi là thọ giả. Đức Thế Tôn dạy rất rõ: Khi những điều kiện đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Khi những điều kiện không còn đầy đủ thì sự vật không biểu hiện, nghĩa là nó ẩn tàng và ta không thấy. Khi biểu hiện ta gọi là có, đó là một sai lầm. Khi ẩn tàng ta gọi là không, đó cũng là một sai lầm khác. Chân như vượt thoát ra khỏi ý niệm có, ý niệm không, ý niệm sinh, ý niệm diệt, ý niệm tới, ý niệm đi. Ta từ đâu tới và ta sẽ đi về đâu? Đó là một câu hỏi triết học. Thực tại tối hậu vượt thoát ý niệm có không, sinh diệt. Thực tại tối hậu là không sinh không diệt, không có không không. Nắm được thực tại tối hậu rồi, ta sẽ thấy ta không từ đâu tới cả và cũng sẽ không đi về đâu. Đó là định nghĩa của danh từ Như Lai. “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. (如來者, 無所從來, 亦無所去, 故名如來)

Tám cái tưởng: hữu, vô, sinh, diệt, lai, khứ, thường, đoạn. Tám cái tưởng này bắt nguồn từ cái tưởng căn bản là tưởng thọ giả. Kinh Pháp hoa có nói thọ mạng của Bụt là vô lượng. Chúng ta là vị Bụt tương lai cho nên thọ mạng của chúng ta cũng vô lượng. Sở dĩ chúng ta cho rằng thọ mạng của chúng ta chỉ giới hạn trong vòng vài chục năm là bởi vì chúng ta chưa đạt tới chân như x, chúng ta đang bị vướng vào vọng tưởng x’. Khi đi thiền, thấy một chiếc lá vàng rơi dưới chân, ta phải nắm cơ hội đó để quán chiếu, để thấy rằng chiếc lá đó đang thị hiện chết, nhưng thật ra nó không chết, nó đang hòa nhập vào đất để mai kia sinh ra chiếc lá khác hoặc sẽ sinh ra bông hoa. Thông thường khi nhìn chiếc lá vàng rơi, ta có cảm giác buồn, bởi vì ta chỉ nhìn chiếc lá qua tám tướng mà không thấy được chân như của nó. Bản chất của chiếc lá vượt ra ngoài tám tướng. Tu học là để thấy được tướng chân như của chiếc lá, tướng chân như của chiếc lá cũng là tướng chân như của ta. Ta đang còn trẻ hay đã già, dù đang khỏe mạnh hay mắc bệnh nan y, ta cũng tập nhìn sâu để thấy được tính không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không tới, không đi, không có, không không của mình thì tất cả những khổ đau của ta sẽ tan biến. 

Thiền sư Khương Tăng Hội, Tổ sư Thiền Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III, đã dạy cho chúng ta một phép quán gọi là Phóng khí xu mạng (放棄軀命). Phóng là buông ra, khí là bỏ đi, phóng khí có nghĩa là buông bỏ. Xu là ý niệm về hình hài. Mạng là thọ mạng, giai đoạn sinh mạng. Buông bỏ ý niệm hình hài là tôi, giai đoạn sinh mạng này là giai đoạn sinh mạng duy nhất của tôi. Quán chiếu để thấy được anh là tôi, con cháu tôi cũng là tôi, vì vậy sự sống là bất tận. Phép quán này giúp ta vượt thoát được ý niệm về hình hài và thọ mạng.

Thầy Tu Bồ Đề nghe tới đây vẫn chưa hiểu, cho nên thầy chưa khóc. Phải đợi đức Thế Tôn giảng qua giảng lại hai ba lần nữa thầy mới hiểu.

Này nữa, thầy Tu Bồ Đề, vị Bồ tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn.

Chúng ta có thể thắc mắc rằng tại sao Bụt đang đề cập tới bốn tướng mà đến đây lại nói chuyện bố thí? Chúng ta thường thấy Bụt dạy sáu phép Ba la mật, gọi là Lục độ. Đó là sáu phương pháp để đạt qua bờ bên kia, bến bờ của sự giải thoát. Sáu phép Ba la mật gồm bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, thiền định Ba la mật và trí tuệ Ba la mật. Trong sáu phép tu này thì trí tuệ Ba la mật (hay gọi là Bát nhã Ba la mật) là bản chất của cả năm phép tu kia. Bố thí hay trì giới mà không có trí tuệ thì chưa phải là hình thức bố thí và trì giới cao nhất. Trí tuệ Ba la mật mà Bụt nói ở đây là vô phân biệt trí. Tu năm phép kia phải có trí tuệ đi kèm mới được hoàn hảo. Ở đây, Bụt nói tới bố thí như là một ví dụ cho cả năm phép tu. Bởi vì bố thí đi đầu trong sáu phép Ba la mật. Khi thực tập bố thí, ta phải có cái nhìn không phân biệt, phải có tinh thần vô tướng mới được gọi là bố thí Ba la mật. 

Khi nhìn vào sắc, ta phải thấy trong đó có những yếu tố không phải là sắc, để không bị kẹt vào sắc. Khi nhìn vào thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng thế, ta phải có cái nhìn không phân biệt để không bị kẹt vào những thứ đó. Trong lúc bố thí mà duy trì được cái thấy không phân biệt, thì bố thí của mình mới được gọi là cao nhất, đó mới là bố thí của một vị Bồ tát. Trong chúng ta có nhiều người muốn làm công việc xã hội, muốn cứu trợ, giúp đỡ con nít đói. Nhưng phần lớn chúng ta bị kẹt vào bốn tướng, cho nên sinh ra giận hờn, đau khổ, thất vọng. Trong lúc bố thí mà có ánh sáng của vô phân biệt trí soi đường, để không bị kẹt vào bốn tướng, thì đó đúng là bố thí Ba la mật, là hành động đích thực của một vị Bồ tát.

Đây là đoạn khó của kinh. Quý vị phải pháp đàm kỹ lưỡng, phải dùng nhiều văn bản khác nhau như bản chữ Việt, chữ Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v. Quý vị cũng cần thấy được đây là sự thực tập hằng ngày của mình mà không phải là những lý thuyết suông. Học kinh Kim cương mà biết sử dụng để soi chiếu vào sự sống hằng ngày mới thực sự có lợi ích.

Kinh Kim cương nói về trí tuệ Ba la mật, một trong sáu phép Ba la mật. Trí tuệ là nền tảng cho cả năm phép Ba la mật kia. Một trong những hình ảnh được sử dụng để ví với trí tuệ Ba la mật là cái vò đựng nước. Cái vò bằng đất nếu nung chưa chín, thì nước đổ vào sẽ rỉ ra. Ở đây cũng vậy, trí tuệ mà không đầy đủ thì cũng giống như cái vò bằng đất nung chưa chín, sẽ không thể chuyên chở được năm phép tu kia: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định sẽ không hoàn hảo. Bố thí phải có trí tuệ Ba la mật, tức là có cái nhìn không phân biệt, không có biến kế sở chấp thì phước đức rất lớn. Bố thí mà còn kẹt vào tướng thì phước đức không bao nhiêu. Bố thí thì không nên dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì vậy trí tuệ là bản chất của bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định. Nếu không có trí tuệ thì năm Ba la mật kia không đi sâu được. 

Bồ tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là đối tượng của nhận thức chúng ta. Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là cả thế giới. Thế giới của chúng ta là đối tượng của tâm thức ta được làm bằng sáu lĩnh vực: sắc (đối tượng của mắt), thanh (đối tượng của tai), hương (đối tượng của mũi), vị (đối tượng của lưỡi), xúc (đối tượng của thân) và pháp (đối tượng của ý). Pháp, đối tượng của tưởng, the object of our perception, the object of our mind, là tất cả mọi sự, mọi vật, cụ thể hay trừu tượng, cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó đều được gọi là pháp. Chẳng hạn một bông hoa, mặt trời, người ngồi bên cạnh, nỗi buồn, niềm vui, v.v. tất cả đều là pháp. Những cái đó là đối tượng của cái tưởng, của tri giác. Khi bố thí, chúng ta đừng để bị kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu cái đó vẫn có, nhưng chúng ta phải tiếp xúc như thế nào, có cách nhìn như thế nào để không bị kẹt vào tướng thì công việc bố thí mới có công đức vô lượng. Trong lúc bố thí, ta vẫn phải sử dụng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhưng không khởi tâm phân biệt. 

Trở lại ví dụ về bàn tay phải. Bàn tay phải săn sóc bàn tay trái khi bàn tay trái bị đau nhưng nó không bao giờ kể công. Bàn tay phải làm được nhiều việc hơn nhưng không bao giờ khinh khi, kỳ thị bàn tay trái. Bàn tay phải lúc nào cũng có hạnh phúc bởi vì nó không có cái nhìn phân biệt. Nếu bàn tay phải khinh khi bàn tay trái và mong đợi sự trả ơn thì đã có sự phân biệt chen vào rồi. Đến khi biết bàn tay trái không trả ơn được thì nó sẽ đau khổ. Cái nhìn không phân biệt ở đây không có nghĩa là không biết sự có mặt của bàn tay trái. Bàn tay phải biết bàn tay trái có đó. Bởi vì nếu không biết thì làm sao mời nó hợp tác trong lúc chắp tay hoặc trong lúc đóng đinh? Bàn tay phải có trí tuệ, biết sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vẫn có mặt đó nhưng không bị kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nó vẫn cộng tác và sinh hoạt với những phần khác của cơ thể đầy đủ và không bị kẹt vào tướng. Trí tuệ không phân biệt có mặt khắp nơi: ở hai bàn tay ta, trong cơ thể ta, trong mây, trong gió, trong cây cối, trong vũ trụ. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy điều đó. 

Đối với những thanh niên nghiện xì ke, du đãng đang bị giam trong tù, chúng ta có thể nhìn họ bằng phương pháp của kinh Kim cương hay bằng con mắt cố chấp và phân biệt. Nếu nhìn bằng con mắt cố chấp và phân biệt, thì ta sẽ bảo rằng những kẻ ấy bị tù là đáng kiếp, bởi không nghe lời cha mẹ, không lo học hành lại đi giao du với bạn bè không tốt, đi uống rượu, cờ bạc, ma túy rồi thiếu tiền phải đi ăn cướp, đánh người… Những kẻ ấy phải bị trừng phạt và phải bị bỏ tù để không còn làm hại xã hội. Đó là ta chưa nhìn sâu. Nếu theo phương pháp của kinh Kim cương, ta sẽ có cái nhìn sâu hơn và sẽ thấy được những nguyên do xa gần đã đưa đẩy những người trẻ đó đi vào con đường tội lỗi. Ta sẽ thấy những thanh niên đó là nạn nhân của sự trao truyền từ gia đình, học đường, xã hội, v.v. Nhìn sâu vào A để thấy được những yếu tố không phải A. Ta cũng biết rằng nếu được sinh ra, lớn lên và được giáo dục trong hoàn cảnh như vậy, ta cũng làm giống như những thanh niên hư hỏng đó. Nếu có bỏ ta vào tù thì cũng không thay đổi được con người của ta. Hiểu được điều đó rồi, ta sẽ phát khởi tình thương yêu và không còn ghét bỏ, giận dữ hay muốn trừng phạt nữa. Ta đã có thể thấy sâu hơn, thấy được chân tướng của A và không còn thấy A một cách cạn cợt nữa. Nhìn sâu ta cũng thấy được ta cũng chịu trách nhiệm về người trẻ đó, ta đã ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, ta chưa bao giờ bỏ ra một phút hay một đồng bạc để giúp những người như vậy. Biết bao nhiêu yếu tố đã tạo ra con người như vậy, trong đó có ta. Nhìn vào A mà thấy được những yếu tố B, C, D, E, F,… trong đó thì lúc ấy mới thực sự thấy được A. Đó gọi là quán chiếu, là nhìn sâu. Nhìn sâu thì sẽ hiểu, hiểu rồi thì thế nào cũng thương. Thương được rồi thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng và biết ta nên làm gì và không nên làm gì để tình trạng tốt hơn.

Một ví dụ khác: Hãy tự nhìn vào bản thân, ta sẽ thấy có những điều mà ta không bằng lòng với chính ta. Trong ta có một quan tòa đang phán xét và một người đang bị phán xét. Có khi ta thấy ta có những lỗi lầm, những yếu kém không vượt qua được và đâm ra giận mình, khinh mình, muốn chạy trốn mình, không chấp nhận được mình. Nếu ta không chấp nhận được chính ta thì thử hỏi ta chấp nhận được ai? Đó là ta đã nhìn ta bằng con mắt phân biệt, cũng giống như ta nhìn A biệt lập với B, C, D. Thế nhưng Bụt đã dạy: Hãy nhìn cho kỹ để thấy được những nguyên do xa gần đã đưa đến tình trạng đó. Nhìn vào khía cạnh di truyền từ tổ tiên, ông bà, nhìn vào xã hội, tôn giáo mình, nhìn vào điều kiện kinh tế, giáo dục, văn hóa để thấy được những yếu tố ấy đã tạo ra con người ta. Thấy được như vậy rồi thì ta sẽ bảo: hèn gì mà ta đã như vậy, hèn gì mà trong bao năm qua ta đã khổ đau, đã giận dữ, đã không chấp nhận được bản thân. Nhờ vậy, ta có thể chấp nhận được ta, chấp nhận được những điều kiện đã làm ra con người ta. Từ đó ta sẽ quyết nương vào thầy và bạn để học cách quán chiếu và chuyển hóa. Ta bắt đầu có niềm tin và một lòng một dạ đi trên con đường chuyển hóa. Ta bắt đầu chấp nhận được ta – chấp nhận được tự thân là một bước rất lớn. Nhờ đó, ta có sự bình yên nơi ta – có được bình yên đối với tự thân cũng là một bước rất lớn. Từ bước bình yên đó, ta sẽ bước những bước khác. Ta cũng sẽ có cơ hội nhìn lại người mà ta cho là nguyên do gây ra khổ đau cho đời ta, người đã làm cho ta thất điên bát đảo. Tức là nhìn vào A. Lâu nay ta giận A, thù ghét A, đổ hết tội lỗi cho A. Giờ đây theo phương pháp của kinh Kim cương, ta nhìn vào A bằng con mắt quán chiếu, để không bị kẹt vào cái tướng A. Nhìn cho thật sâu sắc, ta sẽ thấy những yếu tố đã tạo ra A, những điều kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục, di truyền… Thấy A có những đau khổ, tập khí, thấy A không có chủ quyền ngay trong đời sống của A, A không tự làm chủ được, A cũng đang tự làm khổ chính A và đã tự làm khổ trong bao nhiêu kiếp. Khi thấy được điều đó rồi, ta bắt đầu chấp nhận A và tội nghiệp A. Đó chính là lúc ta thấy được con người thật của A và tình thương bắt đầu phát khởi. Ta sẽ nhìn A bằng con mắt hoàn toàn khác, ta không còn bị kẹt vào tướng A ban đầu.

Một ví dụ khác: Khi ta tới chắp tay lạy một thầy để tỏ lòng kính ngưỡng của ta đối với thầy đó, tức là ta đang nhìn thầy đó qua cái tướng. Ta có khái niệm về thầy đó, nghĩ rằng thầy đó đạo cao đức trọng, có thể đưa đường chỉ lối cho ta trong cuộc đời. Ta đặt hết niềm tin và đầu tư tất cả hy vọng nơi thầy đó. Chừng ba, bốn năm sau, khi được biết thầy đó không phải như ta tưởng, ta đâm ra thất vọng và bỏ đi. Ta đã đau khổ và thầy đó cũng đau khổ. Ta đã đầu tư vào một cái tướng mà ta không biết rõ bản chất sâu sắc của cái tướng đó. Vậy làm thế nào để điều đó đừng xảy ra? Khi tới đảnh lễ một thầy, ta phải quán chiếu để thấy những yếu tố đã tạo ra thầy đó, để hiểu rằng thầy đó không có cái ngã riêng biệt. Từ đó ta sẽ có một cái nhìn sâu sắc, ta sẽ không dại khờ và hấp tấp để đầu tư tất cả hy vọng của ta vào thầy đó. Khi có cái nhìn sâu sắc và chính xác rồi, ta sẽ thấy được những cái hay của thầy đó để học hỏi, đồng thời ta cũng thấy được những cái chưa hay của thầy để đừng học theo. Đó là ta không bị kẹt vào tướng. Ta sẽ có an ninh hơn và sẽ không bị thất vọng. Trong lúc ấy ta phải biết trở về để quán chiếu vào con người mình. Ta cũng nên tự nhìn lại bản thân: “Ta đang tìm kiếm cái gì?” Có phải ta thực sự tới để học cách chuyển hóa những khổ đau hay tới để nương tựa vào một hình tướng, tới để được an ủi về tình cảm. Ta có những nhu yếu rất hời hợt, mong được sự chú ý của thầy, được thầy mời uống trà, được thầy khen ngợi. Ta đang tự nuôi sống ta bằng những thứ phù phiếm đó. Rồi lỡ thầy bận việc, thầy có nhiều học trò, không cho ta đủ thì giờ và sự chú ý thì ta sẽ giận hờn, khổ đau và ganh ghét với những người học trò khác. Ta đã bị kẹt vào tướng: tướng của ta và tướng của thầy, cả hai tướng đều giả dối. Bị kẹt vào đó rồi, ta sẽ tự gây khổ đau cho chính ta và cho thầy.

Những lúc thầy ngồi trên pháp tọa ở Đài Bắc và ở Mỹ để truyền giới cho hàng ngàn người, hoặc những lúc có một vị tới quỳ lạy để tiếp nhận sự truyền đăng, thầy an nhiên ngồi đó và quán chiếu. Thầy quán chiếu rằng những người này lạy không phải là lạy cái ngã của thầy. Thầy được làm bằng những chất liệu của Bụt, của Pháp, của Tăng, của Sư Ông, của tăng thân, của sự thực tập. Họ đang lạy những cái đó chứ không phải lạy cái ngã của thầy. Thấy được điều đó nên thầy ngồi rất vững chãi, rất thảnh thơi, tâm không hề khởi lên một niệm cống cao ngã mạn. Quán chiếu được như vậy thì dù cho 3.000 người hay 300.000 người lạy, ta vẫn giữ được sự khiêm cung, vẫn mỉm cười, vẫn an nhiên tự tại giống như nước mưa rơi xuống lá sen nhưng không thấm vào lá sen. 

Đối với một sư cô hay một sư chú mới xuất gia, thầy luôn luôn căn dặn: Con phải cẩn thận! Khi con mặc chiếc áo của người xuất gia thì sẽ có những người cư sĩ tới lạy con. Trong trường hợp đó, con không được quyền tránh né, con không được quyền nói: Tôi mới tu, chưa có phước đức gì, không xứng đáng được lạy. Ngược lại, con phải ngồi đó, ngồi thật yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu để thấy họ đang lạy Bụt, lạy Pháp và lạy Tăng qua hình tướng của người xuất gia, chứ không phải họ đang lạy cái ngã của con. Con phải ngồi đó để cho họ có một cơ hội biểu lộ niềm tin và lòng kính trọng đối với Tam Bảo. Như vậy người lạy có phước đức mà con cũng có phước đức. Nếu ngồi đó mà dương dương tự đắc, nghĩ rằng ta đang được người khác lạy, thật là oai! Như vậy thì con sẽ chết, chết với tư cách một người xuất gia. Mỗi khi có người tới lạy, thầy luôn luôn thấy Sư Ông đang đứng sau lưng thầy, Bụt đang đứng sau lưng thầy. Thầy ngồi rất vững, rất an nhiên tự tại. Thầy biết rằng sự cung kính đó đang hướng về Bụt, Pháp, Tăng và các thế hệ Tổ sư. Còn ta chỉ là biểu tượng, là dụng cụ của Tam Bảo mà thôi. Đó gọi là nhìn sâu. Nhìn sâu thì sẽ không bị kẹt vào tướng. Người lạy cũng phải biết nhìn sâu vào đối tượng mà ta đang lạy, phải thấy nơi người đó có Bụt, có Pháp, có Tăng, có tuệ giác. Dù biết nơi người đó có những yếu kém, ta vẫn lạy. Bởi vì ta lạy đây là lạy những năng lượng tích cực đã được Bụt, Pháp, Tăng trao truyền lại, lạy như vậy ta sẽ không bị kẹt vào tướng và phước đức sẽ bất khả tư nghị. Thầy biết ở Việt Nam có một bà Phật tử rất thuần thành, đi đâu, gặp thầy nào bà cũng đảnh lễ ba lạy. Một hôm sau khi đảnh lễ một vị thầy, một đạo hữu tới hỏi:

– Bà có biết thầy ấy là ai không mà bà lạy?

Bà ta ôn tồn trả lời:

– Tôi biết chứ!

– Nhưng bà có biết là thầy đó đã từng phạm giới, đã từng ăn mặn không?

– Tôi biết chứ!

– Vậy tại sao bà lại lạy?

– Cái hạnh của tôi là khi thấy một vị xuất gia là tôi lạy. Tôi lạy là lạy Phật, Pháp, Tăng qua hình tướng xuất gia, chứ tôi không lạy cái ngã của người đó. Tôi lạy như vậy thì tôi vẫn có phước như thường. Còn chuyện thầy ấy ăn mặn, thầy ấy phạm giới là chuyện của thầy ấy, chứ không phải là chuyện của tôi. 

Người Phật tử ấy đã tiếp xúc với hình tướng mà không bị kẹt vào hình tướng. Nếu ta sân si và khinh mạn thì ta sẽ không làm được như bà. Vị thầy kia mà nghe được câu nói ấy, thế nào cũng thay đổi.

Chúng ta là người xuất gia, đã thọ giới lớn rồi mà vẫn hành xử theo kiểu bị kẹt vào tướng thì không thể đi tới được. Phải biết ta đang muốn gì, đang làm cái gì mỗi ngày. Nếu mỗi ngày đều có tiến bộ trong sự tu học, mỗi ngày phẩm chất của sự an lạc và thảnh thơi được lớn lên thì ta có gì phải hối tiếc trong tương lai? Ta đã không đầu tư một cách mù quáng vào một ông thầy hay một tăng thân. Nếu ta đầu tư mù quáng vào một ông thầy hay một tăng thân thì ta là người dại dột và bị kẹt vào tướng. Phải tu học như thế nào để mỗi ngày, mỗi giờ sẽ làm lớn lên tuệ giác, sự vững chãi và thảnh thơi của đời ta. Như vậy ta không còn lo sợ một mai khám phá ra ông thầy của ta chỉ là đạo đức giả và ta phải bắt đầu trở lại. Nếu còn lo sợ thì ta đã bị kẹt vào hai cái tướng cùng một lúc: tướng tu hành của ta và tướng tu hành của thầy. Thực tập nhìn sâu để vượt thoát tướng thì sự sợ hãi không còn. Nếu nhìn sâu và vượt khỏi tướng thì những giận hờn, kiêu mạn cũng tan biến.

Dù là người xuất gia hay tại gia, quý vị phải học theo kinh Kim cương để tự nhìn mình và nhìn người khác mà không bị kẹt vào tướng. Được như vậy thì mỗi giây phút của đời sống hằng ngày đều có lợi ích, mỗi giây phút của sự thực tập đều tạo thêm một ít an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Ta sẽ không còn sống trong sự phập phồng, lo sợ, giận hờn, ganh ghét bởi vì ta có khả năng phá tướng. Nhìn vào tướng và nhìn sâu để thấy A không phải là A. Lúc ấy cái A mà ta đang tiếp xúc là thực tại chứ không phải là sự dối gạt nữa. Kinh Kim cương có câu Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Những tướng đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chỉ khi nào ta ngây thơ mới bị lừa gạt. Nếu không ngây thơ và biết nhìn sâu thì thử hỏi cái gì có thể gạt được ta? Đừng cho rằng kinh Kim cương là kinh không dính líu tới đời sống hằng ngày của ta. Phải học như thế nào để thấy được rằng những tư tưởng uyên áo trong kinh có thể áp dụng được vào đời sống và giúp ta lớn lên.

Hồi xưa khi thầy Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Võ Đế, vua có hỏi: “Trẫm làm chùa, đúc tượng rất nhiều, như vậy có công đức gì không?” Hỏi như vậy, chắc hẳn nhà vua trông đợi nơi thầy Bồ Đề Đạt Ma một câu khen ngợi và ca tụng công đức của mình. Nhưng thầy lại trả lời: “Không có công đức gì cả.” Đạt Ma tổ sư hiểu rất rõ nhà vua đang bị kẹt vào tướng. Nếu thầy trả lời “có công đức rất lớn” thì có thể làm cho vua dương dương tự đắc và càng bị kẹt vào tướng thêm. Câu trả lời “không có công đức gì cả” tuy làm cho vua giận nhưng có thể sau này vua hiểu ra và sẽ có cơ hội hiểu được kinh Kim cương. Làm chùa đúc tượng rất nhiều nhưng nếu bị kẹt vào những hình tướng đó thì quả thật phước đức chẳng có bao nhiêu. 

Trở lại đời sống của tăng thân hiện nay: Khi chúng ta làm việc rất nhiều như lau nhà, chăm vườn rau, rửa nồi, v.v. ta có nhiều phương pháp để làm các công việc ấy. Ta làm các công việc ấy như là cơ hội để phục vụ tăng thân và tìm được hạnh phúc trong lúc làm việc thì công đức rất lớn. Ngược lại, nếu trong lúc làm những công việc đó mà sinh ra bực bội, rồi so đo người khác làm ít, ta làm nhiều thì công đức đó, nói như thầy Bồ Đề Đạt Ma, không có gì hết.

Nếu Bồ tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Không gian về phương Đông có thể nghĩ và lường được không?

– Bạch đức Thế Tôn, không.

– Này thầy Tu Bồ Đề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không?

– Bạch đức Thế Tôn, không.

– Này thầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát không nương vào đâu để thực hiện phép bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu Bồ Đề, các vị Bồ tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra.

Trong khi thực hiện phép bố thí, trong lúc làm việc xã hội, trong khi giúp đời, v.v. ta phải làm với tính cách vô tướng, không bị kẹt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy vẫn làm việc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà không bị sáu thứ đó khống chế, tức là không bị kẹt vào tướng.

Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?

Thân tướng của đức Như Lai, theo truyền thống là có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Ta có thể căn cứ trên các tướng đó để nhận diện đức Như Lai không? Thầy Tu Bồ Đề trả lời: 

Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.

Đáng lý ra, thầy Tu Bồ Đề phải nói thêm: Vì vậy cho nên mới gọi là thân tướng. Đến đây, Bụt thấy thầy Tu Bồ Đề đã bắt đầu hiểu. Ngài nói tiếp:

Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng, tức là thấy được Như Lai.

Thấy 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà nắm lấy và cho đó là Như Lai, tức là bị lường gạt rồi. Bởi vì Như Lai có thể ẩn tàng trong những hình tướng khác, cũng như cái đẹp có thể muôn màu muôn vẻ. Sao, trăng, mây, nước đẹp mà lá vàng, lá chết, bùn lầy, nước đọng cũng đẹp. Không thể nhận diện cái đẹp qua một vài hình tướng. Câu này là chìa khóa của kinh Kim cương. Các sư cô, sư chú cần phải học thuộc lòng và nên tập viết cho được bằng chữ Nho. 

凡所有相, 皆是虛妄. 若見諸相非相, 即見如來.

Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. 

Thấy được cái không phải là A của cái A, mới thực sự thấy được A. A có thể là bản thân ta. Ta nhìn lại bản thân và phải thấy cái không A nơi ta. Nếu ta còn giận, còn buồn, còn khổ, còn ganh tị tức là ta còn kẹt vào tướng. Tướng này là cái thấy của ta về ta và người kia và không hiểu được con người thật của ta. Triết học Tây phương cũng có nói: “Connais-toi, toi-même.” Anh chưa biết anh là ai đâu, hãy nhìn lại anh đi, để thấy anh hơn một chút nữa. Nhận thức này không phải của riêng đạo Bụt mà là một nhận thức rất phổ quát. Khi thấy được ta là ai thì những giận hờn, ganh tị, buồn khổ sẽ được chuyển hóa. Rất mầu nhiệm! A có thể là người kia. Ta có một ý niệm về người kia tức là ta đã bị kẹt vào tướng rồi. Ta phải thấy được những yếu tố phi A đã tạo ra A. Lúc ấy A hiện rõ nguyên hình và ta chấp nhận một cách dễ dàng. A như thế đó là tại ta như thế kia. Ta thay đổi thì cũng tạo được một sự thay đổi nơi người kia. Giống khi nhìn vào một tấm kính, ta mỉm cười thì hình ảnh trong kính cũng cười theo, ta nhăn mặt thì người trong kính cũng nhăn mặt theo. Sự liên hệ giữa ta với người kia cũng giống như sự liên hệ giữa người thật với hình ảnh trong tấm kính. Người kia ở đây có thể là con ta, học trò, cha mẹ hay người hôn phối của ta. Người kia như vậy là tại ta thế nào đó, tại xã hội, huyết thống, hoàn cảnh giáo dục của người kia thế nào đó. Người kia cần được giúp đỡ để tự tháo gỡ. Bản thân ta cũng cần được giúp đỡ để bắt đầu tháo gỡ. Môi trường của Bụt, Pháp, Tăng là môi trường tốt để chúng ta bắt đầu thấy được ta là ai, người kia là ai để bắt đầu tháo gỡ.

Ngày hôm kia, thầy có gặp các sư em tương lai, trong đó có một em mới 14 tuổi và một em khác 16 tuổi. Thầy có nói rằng, nếu các con không có ước muốn lớn thì đừng nên xuất gia, ước muốn xuất gia phải trên 100%. Một người xuất gia phải có năng lượng lớn của bồ đề tâm, một chí nguyện lớn muốn chuyển hóa bản thân và giúp muôn loài chuyển hóa. Năng lượng của bồ đề tâm mà yếu kém thì không xuất gia được. Bởi vì xuất gia không phải là đi kiếm một môi trường thoải mái để ẩn náu. Xuất gia là đầu tư cả cuộc đời vào một sự nghiệp đã được đức Thế Tôn khởi xướng cách đây 2.600 năm và hiện nay đang được tiếp tục. Tăng thân của đức Thế Tôn có mặt trên mọi nẻo đường để làm vơi bớt nỗi khổ của muôn loài. Xuất gia nghĩa là tham dự vào sự nghiệp đó của đức Thế Tôn. Ngay từ đầu sự sống của giáo đoàn rất đơn giản và rất mạnh khỏe. Đi tu là lựa chọn sống một cuộc sống vật chất tối thiểu để khỏi phải mất thì giờ và dùng thì giờ đó để thực tập chuyển hóa và giúp người. Từ 2.600 năm trước cho đến bây giờ, người xuất gia phải gạt bỏ nếp sống xa hoa, đầy đủ tiện nghi để sống cuộc đời đơn giản. Nếu đã từng sống nếp sống đầy đủ tiện nghi, vật chất dồi dào, và không có năng lượng lớn của bồ đề tâm, khi xuất gia gặp nếp sống vật chất thiếu thốn, cảm thấy khổ sở thì ta biết rằng ta không phải là người thích hợp với nếp sống xuất gia. Những ai cảm thấy mình có ước muốn trên 100% thì mới nên quyết định và lúc ấy hãy viết thư cho thầy và đại chúng, nói rõ ý nguyện xuất gia của mình. Sự tu học của một người xuất gia không giống một người sinh viên ở trường đại học. Học ở trường đại học xong rồi thì sẽ rời thầy, rời bạn để đi tạo dựng sự nghiệp riêng. Thầy và bạn ở trường đại học chỉ là nhất thời. Người xuất gia thì không làm như thế, mà phải chấp nhận thầy và huynh đệ như những bạn đồng hành không những trong kiếp này mà cả trong những kiếp sau. Người xuất gia không đi riêng như một cá nhân, mà phải nương tựa tăng thân suốt đời mới đi được tới nơi tới chốn. Giống như một giọt nước khi đã hòa nhập với dòng sông thì thế nào cũng ra được biển cả. Một giọt nước đi riêng rẽ thì nửa đường sẽ bị bốc hơi. Cũng vậy, người xuất gia với tư cách cá nhân sẽ không đi tới đâu hết. Người xuất gia với tư cách tăng thân có thể đi khắp nơi. Tăng thân của đức Thế Tôn là một dòng sông đã trôi chảy trên 2.600 năm và hiện nay đang trôi chảy sang phương Tây. Có nhiều người phương Tây đã tham dự vào dòng sông đó. Hễ rời bỏ tăng thân để ra ngoài thì giọt nước của ta sẽ bị bốc hơi. Có thể khi đi ra ngoài thấy người khác trọng vọng, kính nể, ta được sống trong sự chiều chuộng và khen ngợi rồi nảy ra ý muốn rời bỏ tăng thân. Trong trường hợp đó ta sẽ trở thành một giọt nước đơn độc, không thể nào ra được tới biển. Con về nương tựa Tăng không phải chỉ là sự bộc lộ đức tin, mà là một sự thực tập. Nương tựa Tăng là phải sống với tăng thân, hành đạo với tăng thân, được tăng thân soi sáng, yểm trợ, ôm ấp và bao bọc. Nương tựa Tăng còn có nghĩa là tin vào tuệ giác của tăng thân. Tuệ giác của một người không bao giờ lớn bằng tuệ giác của tăng thân, nếu tăng thân quả thật là một tăng thân. Tăng thân là ai? Đó là một đoàn thể trong đó mỗi người đều thực tập niệm, định, tuệ, đều thực tập giới, định, tuệ. Nhờ thực tập giới cho nên chúng ta mới bảo vệ được cho nhau và tăng thân còn là tăng thân, tăng thân bảo vệ được cho tăng thân và bảo vệ được cho từng cá nhân của tăng thân. Nhờ thực tập giới, niệm cho nên tăng thân có định và tuệ. Tin vào tăng thân có nghĩa là sử dụng con mắt của tăng thân để nhìn. Có những điều ta cho là đúng. Nhưng dưới con mắt của tăng thân, điều đó chưa chắc đúng. Ta không thể nói rằng, tôi thấy cái đó đúng thì tôi cứ đi theo con đường đó dầu cho ai nói đông nói tây cũng mặc. Nói như vậy tức là không chấp nhận tăng thân, không quay về nương tựa Tăng. Cái thấy của ta chỉ là cái thấy cá nhân. Sống trong tăng thân có được lợi lạc là tăng thân đem cái thấy của tăng thân soi sáng cho ta. 

Ngày xưa đức Thế Tôn cũng nương tựa Tăng. Ngài để cho tăng thân quyết định những vấn đề quan hệ tới tương lai, tới hạnh phúc và sự thực tập của giáo đoàn. Trí tuệ của chúng ta so với đức Thế Tôn có là bao mà dám coi thường cái thấy của tăng thân. Là một phần tử của tăng thân nhưng ta không đi theo đường hướng của tăng thân, cho rằng điều ta làm là đúng và cứ làm theo cái thấy của ta mà bỏ qua những đóng góp và soi sáng của các bạn đồng tu thì ta đang không thực tập quy y Tam bảo. Theo nguyên tắc là ta phải cầu tăng thân soi sáng cho ta. Nếu một đoàn thể không thực tập giới, định, tuệ thì không nói làm gì, đó không phải là một tăng thân đích thực, và ta phải rời bỏ ngay để đi tìm một tăng thân đích thực bởi vì đoàn thể mà họ gọi là tăng thân đó không phải là tăng thân. Còn nếu gặp một tăng thân có thực tập giới, định, tuệ thì ta phải tìm mọi cách để được ở lại và lúc ấy ta phải tin tưởng vào cái thấy của tăng thân. Trong Sa di Luật giải, thầy Hoằng Tán có nói những câu rất hay: “Khi tới một ngôi chùa, một cái am hay một tu viện, ta thấy nơi đó vừa cung cấp chỗ ăn, chỗ ở, vừa cung cấp giáo pháp để thực tập thì ta phải tìm mọi cách để xin ở lại. Nếu thấy nơi đó có cung cấp chỗ ăn, chỗ ở mà không cung cấp giáo pháp để thực tập thì ta phải lạy rồi xin đi, và ta phải đi. Nếu thấy nơi đó có cung cấp giáo pháp để thực tập mà không cung cấp chỗ ăn, chỗ ở thì ta cũng lạy và khóc rồi xin đi. Bởi vì tuy có giáo pháp để thực tập nhưng không có cơm ăn, không có chỗ ở thì cũng phải xin đi, lạy xuống và khóc mà đi. Nếu thấy nơi đó không cung cấp chỗ ăn, chỗ ở cũng không cung cấp giáo pháp để thực tập thì ta khỏi phải lạy, chỉ việc bỏ đi. Khi đã gặp được một nơi có chỗ ăn, chỗ ở, có giáo pháp để tu tập thì dù bị đuổi cũng không nên đi, phải tìm tất cả mọi cách để ở lại”. 

Khi chúng ta có những điều kiện vật chất và giáo pháp để thực tập thì chúng ta phải có đủ khôn ngoan để thừa hưởng những điều kiện đó mà đi tới trong sự tu tập. Nếu không tu tập thì bỏ phí cả đời ta. Nếu không tu tập thì dù gặp những điều kiện thuận lợi đó, ta cũng không có hạnh phúc. Tu tập là gì? Tu tập là phá bỏ ranh giới giữa ta và người, phá bỏ những ý niệm ta đã có về ta, phá bỏ những ý niệm ta đã có về người, như tinh thần của kinh Kim cương. Ta có những lề thói, những tập khí khiến cho ta không thể truyền thông với những người bạn tu khác. Ta phải tu tập, nhìn sâu vào trong ta để thấy được những yếu tố tiêu cực đó và tìm cách tháo tung ranh giới giữa ta với người khác, để ta có thể cắm rễ vào những người bạn tu, vào tăng thân và để cho tăng thân cắm rễ vào trong ta. 

Khi đã thành công trong sự thực tập cắm rễ thì ta là một người có hạnh phúc và không bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ tăng thân. Sở dĩ thỉnh thoảng ta có ý tưởng rời bỏ tăng thân là bởi vì ta không cảm thấy hạnh phúc trong môi trường đó, trong môi trường mà thầy Hoằng Tán gọi là thuận lợi cho sự tu học, nghĩa là có nơi ăn, chốn ở và giáo pháp để tu tập. Nếu ta không thành công trong sự phá bỏ ranh giới, phá bỏ thành kiến, phá bỏ tập khí của ta và không thể sống hài hòa, hạnh phúc trong tăng thân thì thử hỏi khi đi ra ngoài làm sao ta có thể giúp người khác được. Ta có thể nói một bài pháp thuần lý thuyết nhưng chính bản thân ta lại không thiết lập truyền thông được với sư anh, sư chị, sư em thì thử hỏi ta có thể dạy được cái gì và dạy cho ai. Bởi vì nếu cần một bài thuyết pháp, người ta chỉ cần mở một cái máy cassette hoặc mua một cuốn sách về đọc. Cái mà người ta cần ở một vị giáo thọ, một vị đạo sư là phương pháp phá bỏ hàng rào ngăn cách để mình có thể truyền thông với người khác. Chừng nào chưa phá bỏ được những lề thói, những tập khí, những tính xấu đó để có thể cắm rễ được trong sư anh, sư chị, sư em và để cho sư anh, sư chị, sư em cắm rễ trong ta thì chừng đó ta vẫn chưa thành công trong sự tu học. Và lúc ấy ta chưa đủ khả năng để dạy cho ai cả. 

Vì vậy môn học căn bản nhất của một người tu là Xây dựng tăng thân (Sangha building). Xây dựng tăng thân có nghĩa là làm cho tăng thân càng ngày càng có hạnh phúc, mà ta là một yếu tố của niềm hạnh phúc đó. Muốn cho tăng thân có hạnh phúc, ta phải hòa hợp được với tăng thân, phải có hạnh phúc với từng người trong tăng thân. Đây là điều thực tập căn bản. Khi đã có hạnh phúc với tăng thân thì ta biết rằng ra ngoài đời ta có thể giúp được hằng hà sa số người khác, bởi vì ta đã biết cách. Còn nếu sống trong tăng thân mà ta giận hờn, ganh tị, trách móc, khổ đau rồi bỏ đi thì thử hỏi ta có gì để giúp người, có gì để độ đời. Dầu cho ta thuộc lòng tam tạng kinh điển thì những kiến thức đó cũng không ích lợi gì cả. Bởi vì người đời trông chờ nơi ta những pháp môn cụ thể để giúp họ vượt thoát khổ đau. Nếu không có những pháp môn như vậy thì ta chẳng có gì để hiến tặng cho người đời. Môn học và môn thực tập cần thiết nhất của một người tu là cắm rễ: cắm rễ vào tự thân, cắm rễ vào mỗi người trong tăng thân và để cho tăng thân cắm rễ nơi chính mình.

Thử nhìn một cây chuối, ta sẽ thấy có những tàu lá chuối đang xòe ra rất có hạnh phúc và đang đón nhận ánh sáng mặt trời. Trong khi đó có những tàu lá chuối tương lai đang cuộn tròn trong thân chuối, từ từ sẽ xòe ra. Những lá chuối đầu đã xòe ra, đang tiếp thu ánh sáng mặt trời và không khí để nuôi những chiếc lá đang cuộn tròn trong thân cây chuối. Chúng ta cũng vậy, là một thành phần của tăng thân, phải sống cho thật hạnh phúc và tươi mát. Sống được như vậy là ta đang nuôi thầy, nuôi sư anh, sư chị và sư em của ta. Chúng ta có bổn phận phải làm như vậy vì khi xuất gia, ta phát nguyện chấp nhận tăng thân là gia đình ta, là thân ta. Ta không thể sống với tư cách cá nhân nữa, bởi vì thân của ta đã trở thành tăng thân, ta đã trở thành dòng sông, không còn là một giọt nước đơn độc. Vì vậy, ta phải thấy được sự hòa điệu, không có hòa điệu thì ta không có hạnh phúc. Trong một cơ thể có biết bao nhiêu tế bào và nếu nhìn cho kỹ, ta thấy không có tế bào nào làm chủ, không có tế bào nào ra lệnh cho tế bào nào. Tất cả các tế bào, từ tế bào óc, tế bào gan, tế bào tim,… đều đứng trong vị trí của mình, vâng theo sự hòa điệu chung và làm tròn bổn phận của tế bào mình. Nhờ vậy cơ thể mới có được sự vững chãi và lành mạnh. Nếu một tế bào không vâng theo sự hòa điệu đó thì nó sẽ gây nên sự xáo trộn trong cơ thể, và làm lây lan tới những tế bào khác. Khi có nhiều tế bào không vâng theo sự hòa điệu thì cơ thể ta bắt đầu mắc ung thư. Trong trường hợp đó, người ta sẽ mổ xẻ để cắt bỏ phần ung thư hoặc dùng những chất hóa học để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sự hòa điệu rất quan trọng, không có ai chỉ huy ai, không ai sai khiến ai. Tất cả các tế bào đều sống đúng vị trí của mình theo sự hòa điệu đó. 

Tăng cũng vậy, tăng là hòa hợp. Cho nên chúng ta thường dùng danh từ hòa hợp tăng. Hòa hợp tăng nghĩa là một đoàn thể sống trong sự hòa điệu, được thiết lập và duy trì bằng sáu nguyên tắc: thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. Vì vậy hòa hợp tính là bản chất của tăng thân. Nếu ta không có sự hòa hợp tính trong tăng thân, thì ta là một tế bào có thể gây xáo trộn và làm lây lan sang các tế bào khác, có thể gây ra ung thư trong cơ thể tăng thân. Điều đó rất nguy hiểm. Vì vậy, hòa điệu là nguyên tắc. Trong tăng thân, tất cả mọi thành phần cùng thực tập theo giới và thực tập hòa điệu thì tăng thân sẽ có hạnh phúc và an lạc. Khi đã xuất gia thì ta là một giọt nước, giọt nước không muốn mình chỉ là một giọt nước, nó muốn trở thành dòng sông. Ta phải bỏ ý thích riêng và phải vâng theo ý chung của tăng thân. Tăng thân là con sông mà ngày xưa đức Thế Tôn đã khơi mở và đã chảy qua 2.600 năm. Con sông đó tới với ta và mời ta gia nhập.

Khi đức Thế Tôn hỏi: Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không? thì thầy Tu Bồ Đề trả lời: Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng. Câu hỏi của Bụt là một câu trắc nghiệm để kiểm chứng xem thầy Tu Bồ Đề đã hiểu chưa. Câu trả lời của thầy Tu Bồ Đề chứng tỏ thầy đã học được ngôn ngữ của biện chứng Kim cương. Biện chứng Kim cương khác với Luận lý học hình thức. Luận lý học hình thức cho rằng A chỉ có thể là A, A không thể là B. Còn biện chứng pháp của kinh Kim cương (Dialectic of the Diamond sutra) thì nói ngược lại: A không phải là A cho nên A mới thực sự là A. Nghe câu trả lời của thầy Tu Bồ Đề, Bụt biết rằng thầy đã bắt đầu hiểu và Ngài tuyên bố: Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai. Đây là câu kinh nổi tiếng mà tất cả chúng ta đã thuộc lòng. Lúc đó thầy Tu Bồ Đề mới thấy được chiều sâu của giáo lý này. Thầy nghĩ rằng hiểu được điều ấy thật là khó, bây giờ ngồi đây được đức Thế Tôn giảng giải rành mạch và mình đang để hết tâm vào học hỏi mà chỉ hiểu được chút đỉnh, huống hồ sau này khi đức Thế Tôn diệt độ rồi, 500 năm sau chẳng hạn, kinh được lưu truyền lại, người ta nghe những câu như vậy làm sao họ có thể hiểu được. Nghĩ như vậy và cảm thấy rất thương thế hệ tương lai nên thầy hỏi:

Bạch đức Thế Tôn, trong tương lai, khi nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh được lòng tin chân thật hay không? 

Qua câu hỏi này, chúng ta thấy được thầy Tu Bồ Đề đã để lộ lòng ưu ái của thầy đối với thế hệ tương lai.

Bụt bảo: “Thầy đừng nói vậy. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, vẫn sẽ có những người biết giữ giới và tu phước, và những người ấy khi nghe được những lời như trên cũng sẽ có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật.”

Chỉ cần giữ giới và tu phước là ta có điều kiện và cơ hội hiểu được những lời như thế. Nếu ta hành trì theo giáo pháp của đức Như Lai, nếu ta tuân trì giới luật và tu phước tức là bắt đầu gieo những hạt giống tốt. Những hạt giống tốt đó sau này sẽ nẩy nở và làm cho ta hiểu được những giáo lý thâm sâu như thế. 

Ta nên biết rằng những người ấy đã gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một vị Bụt, hai vị Bụt, ba, bốn, năm vị Bụt, mà thực sự đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn vị Bụt.

Đọc câu này, ta thấy Bụt là vùng đất màu mỡ, một đám ruộng rất tốt. Nếu ta có hạt giống tốt và biết gieo vào ruộng đó thì thế nào cũng gặt hái được rất nhiều. Chúng ta có thì giờ, có tuổi trẻ, có lý tưởng, tình thương, ước vọng. Chúng ta gieo những hạt giống tốt đó vào chỗ nào? Có nhiều người trẻ, vì không biết, đã gieo những hạt giống tốt của mình không đúng chỗ và không gặt hái được nhiều. Hãy nghĩ lại coi, chúng ta đã gieo những hạt giống của tuổi trẻ, của tình thương, của ước mơ vào đúng chỗ hay chưa và đã thu hoạch được nhiều hay ít. Bụt là vùng đất tốt nhất ở thế gian. Nếu chúng ta biết tìm tới và gieo những hạt giống tốt vào thì thế nào đến mùa ta cũng gặt hái được rất nhiều. Thực tập giới luật, tu tạo phước đức tức là gieo giống, gieo giống vào mảnh đất màu mỡ của Như Lai. Những người có cơ duyên nghe được những giáo lý như thế này là những người đã từng gieo giống nơi đất Bụt cho nên hôm nay mới có cơ hội tiếp xúc được với những giáo lý mầu nhiệm này. Cũng có những người nghe được giáo lý này, nhưng giống như đàn gảy tai trâu, không một chút cảm động, không thấy được chiều sâu và cho là vô nghĩa. Cách đây khoảng 50 năm, có những học giả, những nhà nghiên cứu Tây phương khi đọc tới kinh Kim cương thì cho là chuyện vớ vẩn, không có nghĩa lý gì. 

Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sinh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời và những câu ấy thì Như Lai tất nhiên BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế.

Những ai nghe những câu nói khó hiểu và khó tin này, mà hiểu được và tin được dù chỉ trong một giây phút thôi, thì người ấy sẽ được Như Lai BIẾT và THẤY đến. Những câu này rất hay. Lời Bụt dạy ở đây là bốn khái niệm, ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Những ai nghe được và bắt đầu thấu hiểu được thì đức Như Lai sẽ BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và tự nhiên trong con người họ phát sinh ra một nguồn năng lượng rất lớn, trở thành hùng mạnh và sẽ nhận được rất nhiều sự yểm trợ. 

Quang học (optics) cho ta thấy rằng, nếu nhìn vào một tấm kính mà ta thấy được con mắt của người khác thì con mắt đó cũng đang thấy ta. Tiếng Pháp là je vois l’œil qui me voit, tiếng Anh là I see the eyes that see me. Ví dụ ngồi ở băng ghế sau trong xe hơi và nhìn vào kính chiếu hậu, nếu ta nhìn thấy con mắt của người ngồi trước thì ta biết rằng con mắt của người ngồi trước cũng đang nhìn thấy con mắt của ta. Ở đây cũng vậy, nếu ta thấy được Bụt thì Bụt cũng đang thấy ta. Câu kinh rất rõ ràng: Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai. If you can see the non-mark in the mark, you begin to see the Tathāgata. Khi ta thấy được đức Như Lai thì đức Như Lai cũng đang thấy ta. Khi ta được Như Lai thấy và được Như Lai công nhận ta có mặt đó thì tự nhiên nguồn năng lượng của Như Lai sẽ đi vào trong ta, làm cho ta có một nguồn năng lượng dồi dào và nhận được sự yểm trợ rất lớn. Chưa nói đến chuyện ta có thể THẤY và HIỂU Như Lai, trong các bạn tu với nhau, nếu ta hiểu được người kia thì tự nhiên người kia cũng sẽ hiểu được ta. Những người đệ tử nào hiểu được thầy, thấy được thầy thì tự nhiên thầy cũng hiểu được những người đó và năng lượng của thầy cũng sẽ truyền cho những người đó rất nhiều. Còn nếu ta không hiểu được thầy thì thầy không thấy được ta, do vậy ta cảm thấy năng lượng của thầy không được trao truyền cho ta. Ở đây cũng vậy, người nào thấy được tính cách phi tướng của bốn tướng là bắt đầu thấy được Như Lai. Mà thấy được Như Lai thì được Như Lai thấy, nhờ vậy mà trong ta phát sinh rất nhiều năng lượng. 

Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ giả, về pháp, về không phải pháp, về tướng và về không phải tướng.

Thêm bốn khái niệm: pháp, không phải pháp, tướng, không phải tướng. Đây là cành lá mọc thêm để cho ta hiểu được kinh. Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả cũng là những pháp, phenomena, là những hiện tượng, những sự vật, tiếng Pháp les choses, tiếng Anh là things. Những sự vật đó hiện ra như những cái tướng. Tướng là đối tượng của tri giác ta. Pháp là đối tượng của tâm ý ta. Tất cả các pháp đều là hiện tượng. Vì vậy pháp là một tướng, tướng này là giả dối, không có thật, nó chỉ đánh lừa và ta cần phải vượt thoát. Thật ra thì không có pháp mà ta tưởng là có pháp. Nhìn một bông hồng, ta tưởng là có bông hồng, nhưng kỳ thực không có bông hồng. Bông hồng hiện ra trong nhận thức ta như là một pháp, một đối tượng. Ta đã được dạy rằng không nên bám víu vào đó bởi vì nó đánh lừa ta. Vì vậy ta phải cẩn thận, ta phải nói là không có bông hồng, đây là một cái không phải bông hồng, bông hồng này không có. Như vậy, từ thái cực này ta đi qua thái cực kia. Từ khái niệm về pháp, ta nhảy sang khái niệm không phải pháp, cả hai đều sai. Pháp là một khái niệm mà không phải pháp cũng là một khái niệm. Ta muốn vượt thoát một khái niệm nhưng lại rơi vào một khái niệm khác. Sự thật vượt ra khỏi hai thái cực.  Do đó, ta không nên để bị kẹt vào ý niệm pháp cũng như không nên bị kẹt vào ý niệm không phải pháp

Không kẹt vào ý niệm tướng và không kẹt vào ý niệm không phải tướng. Khi nhìn vào một tướng, ta kết luận đây chỉ là cái tướng, tướng là lừa gạt cho nên tướng là sai, phi tướng mới là đúng. Tức là ta vừa thoát khỏi ý niệm tướng thì lại kẹt vào ý niệm không phải tướng, vừa thoát khỏi ý niệm thì lại kẹt vào ý niệm không. Nên biết ý niệm là một khái niệm, ý niệm không cũng là một khái niệm.

Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm pháp thì vẫn còn kẹt vào các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và nếu còn chấp vào ý niệm không phải pháp thì cũng vẫn còn kẹt vào các tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả như thường.

Bất cứ một ý niệm nào cũng cần được vượt thoát, dầu là ý niệm pháp hay ý niệm phi pháp, dầu là ý niệm tướng hay ý niệm phi tướng, dầu là ý niệm hay ý niệm không.

Thế cho nên, đã không nên chấp vào các pháp mà cũng không nên chấp vào không phải pháp.

Không phải pháp ở đây dịch từ chữ phi pháp. Ta không nên kẹt vào pháp mà cũng không nên kẹt vào phi pháp, là cái ngược lại của pháp.

Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: Này các vị khất sĩ, nên biết rằng pháp mà tôi nói được ví với chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là không phải pháp.

Đây là một câu nổi tiếng trong kinh Kim cương mà các sư cô, sư chú nên học thuộc lòng và phải tập viết cho được bằng chữ Nho.

 Nhữ đẳng tỳ kheo

Tri ngã thuyết pháp

Như phiệt dụ giả

Pháp thượng ưng xả

Hà huống phi pháp

汝 等 比 丘

知 我 說 法

如 筏 喻 者

法 尚 應 捨

何 況 非 法

Trong đoạn này có các danh từ pháp, phi phápphiệt. Chữ pháp ở đây có hai nghĩa: sự vật và giáo lý. Kinh Kim cương áp dụng cả hai nghĩa. Chữ pháp có nghĩa là sự vật được ví dụ như bông hồng. Chữ pháp có nghĩa là giáo lý được ví dụ như chiếc bè. 

Câu kinh này có nguồn gốc từ kinh Người bắt rắn (kinh Xà dụ), trong đó Bụt dạy: “Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì… Nhiều người đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự tướng mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào thân nó, cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân”. Đức Thế Tôn dạy khi học hỏi giáo lý cũng vậy, phải có sự khôn khéo, thông minh, nếu không thì sẽ bị kẹt vào giáo lý. Kẹt vào giáo lý tức là mất giáo lý. Kẹt vào pháp thì sẽ không tiến bộ được, không tu tập được và không có sự chuyển hóa. Pháp mà còn buông bỏ huống hồ là không phải pháp.  Trong kinh Người bắt rắn, Bụt lấy một ví dụ về chiếc bè. Kinh Kim cương đã dẫn lại ý này. “Các vị khất sĩ, tôi đã nhiều lần nói với quý vị về ví dụ chiếc bè, và căn dặn quý vị phải biết buông bỏ chiếc bè mà đừng nắm giữ nó kỹ quá. Ví dụ có một hôm nước trên núi tràn về thành dòng lớn làm ngập lụt và trôi dạt nhiều thứ. Có kẻ muốn qua bên kia bờ mà không có thuyền cũng không có cầu. Người ấy nghĩ: ‘Ta có việc cần phải qua bên kia, nhưng phải tìm phương thế an ổn để mà qua.’ Nghĩ như vậy rồi liền đi thu lượm cây cối kết lại thành một chiếc bè và dùng bè đó để vượt dòng sang bờ bên kia một cách an ổn. Qua bên kia rồi người ấy nghĩ: ‘Ta mất bao nhiêu công phu và thì giờ mới kết được chiếc bè và nhờ nó mới qua được bên này. Vậy ta không nên bỏ nó. Bây giờ ta phải khiêng nó lên vai hoặc đội nó lên đầu mà đi.’ Người ấy nói rồi làm như thế. Các vị khất sĩ! Các vị nghĩ người ấy làm như thế có ích lợi gì không?”

Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không.”

Bụt nói: “Kẻ kia làm thế nào để chiếc bè ấy có thể tiếp tục có ích? Ông ta nên nghĩ rằng: ‘Chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ. Như vậy người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó.’ Này các vị khất sĩ, nghĩ và làm như thế thì có lợi ích không?”

Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, có.”

Bụt dạy: “Tôi đã nhiều lần nói với các vị về ví dụ chiếc bè là vì thế. Pháp mà còn phải buông bỏ, huống là cái không phải pháp.”

Chúng ta thường xưng tán Pháp bảo quý vô cùng nhưng nếu bị kẹt vào ý niệm thì Pháp bảo trở thành một chướng ngại. Cũng như một người muốn sang sông thì phải đốn cây để kết một chiếc bè. Và khi kết được rồi, thấy chiếc bè đẹp quá rồi đội trên đầu mà đi và không chịu sang sông, hoặc đã sang sông rồi nhưng vẫn còn tiếp tục mang vác chiếc bè trên vai mà đi, hoặc người ấy đã kết xong chiếc bè nhưng lại không biết sử dụng chiếc bè để sang sông cho nên chiếc bè không có ích lợi gì. Giáo pháp cũng vậy, mục đích là giúp người ta sang bờ bên kia, bờ giải thoát. Còn nếu học rồi chỉ biết trân quý, giữ gìn nó như một gia bảo để đi khoe với mọi người tức là ta bị kẹt vào giáo pháp. Ta không biết sử dụng giáo pháp như một chiếc bè để đưa ta sang bến bờ giải thoát. Khi nghĩ tới người đã làm ra chiếc bè rồi đội trên đầu mà đi, ta sẽ chê người đó là buồn cười hay ngu ngốc. Nhưng nếu nhìn lại cho kỹ, chính ta cũng làm giống như người đó. Ta học được một mớ giáo lý, thấy nó rất cao siêu, mầu nhiệm và tự hào rằng ta đã tiếp xúc được với giáo lý hay nhất. Ta không chịu sử dụng nó như một phương tiện tu tập chuyển hóa thì ta cũng ngu ngốc giống như người đội chiếc bè kia. Những điều đó Bụt đã dạy trong kinh Người bắt rắn và sau này được lặp lại trong kinh Kim cương. Hồi xưa thầy học kinh Kim cương, và hai mươi năm sau mới tiếp xúc được với kinh Người bắt rắn, lúc ấy mới biết kinh Người bắt rắn là gốc gác của kinh Kim cương. Hiện giờ nhà xuất bản Albin Michel gộp hai kinh đó lại, in thành một cuốn và đặt tên là Le Silence Foudroyant (Im lặng sấm sét)

Khi nghe Bụt dạy pháp được ví như chiếc bè, không nên kẹt vào pháp, vì ta có thể rơi vào khuynh hướng bỏ pháp và đi tìm phi pháp, rồi kẹt vào phi pháp. Ta đã vượt được ý niệm pháp, nhưng lại rơi vào ý niệm phi pháp. Kẹt vào ý niệm phi pháp còn nguy hơn là kẹt vào ý niệm pháp. Kẹt vào ý niệm không còn nguy hại hơn là kẹt vào ý niệm . Trong kinh Bảo tích, Bụt có nói: “Thà chất chứa ý niệm nhiều như núi còn hơn là chất chứa ý niệm không”. Bởi vì mắc bệnh vẫn còn có thuốc chữa, còn nếu mắc phải bệnh không thì thật khó chữa. Ta cần phải vượt thoát ý niệm mà cũng phải vượt thoát ý niệm không. Không kẹt vào tướng mà cũng không kẹt vào phi tướng. Bụt dạy rằng nếu thấy được không tướng trong tướng tức là thấy được Như Lai, do vậy ta có khuynh hướng bám lấy không tướng và bỏ tướng. Đó là một lầm lỗi lớn mà sau này trong kinh ta sẽ thấy rõ.

Bụt hỏi thầy Tu Bồ Đề: “Thuở xưa lúc còn theo học với Bụt Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng?”

Bạch đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn ở với Bụt Nhiên Đăng, Như Lai không đắc pháp gì cả.

Bụt lại trắc nghiệm thêm một lần nữa, trắc nghiệm xem thầy Tu Bồ Đề đã hiểu thật chưa. Câu trả lời chứng tỏ thầy Tu Bồ Đề không bị kẹt vào ý niệm đắc và ý niệm phi đắc. 

Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Bồ tát có trang nghiêm cõi Bụt chăng?

Trang nghiêm là làm cho đẹp. Bồ tát có phận sự làm cho cõi Bụt càng ngày càng đẹp. Làm đẹp để cho những người khác khi tới tu học sẽ có hạnh phúc. Đạo tràng Mai Thôn của chúng ta là một cõi Bụt nho nhỏ. Những người ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới đang làm cho đạo tràng càng ngày càng đẹp, càng ngày càng dễ thương để thiền sinh các nơi tới thực tập và chạm được hạnh phúc, đó là các vị Bồ tát. Có những vị Bồ tát làm đẹp đạo tràng bằng cách trồng cây, xây cầu tiêu, trang trí phòng ốc, v.v. Có những vị Bồ tát khác chỉ cần tươi mát, luôn luôn nở nụ cười. Mỗi người có một cách khác nhau để làm đẹp đạo tràng, đó là trang nghiêm Phật độ. Ngược lại nếu mỗi ngày ta cứ giận, buồn, xả rác tinh thần và xả rác vật chất thì đạo tràng không được đẹp và thiền sinh khác tới tu học sẽ không chạm tới được hạnh phúc. Cõi Bụt của ta càng ngày càng mất tính chất Phật, như vậy không phải là trang nghiêm Phật độ mà làm dơ Phật độ (polluting the Buddha land).

Bạch đức Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt.

Thầy Tu Bồ Đề lặp lại công thức biện chứng Kim cương: A không phải là A nên mới thực sự là A. Các vị Bồ tát trong khi làm đẹp cõi Bụt không bị vướng vào ý niệm ta và người. Các thiền sinh thường trú ở Làng Mai trong khi làm cho đạo tràng ngày càng đẹp, ngày càng sáng sủa, ngày càng dễ chịu, nhưng nếu bị vướng vào ý niệm cho rằng chính ta là người làm đẹp cho Mai Thôn, còn các ngươi chỉ biết thụ hưởng, không có tích sự gì cả, thì các vị đó không phải là Bồ tát. Bởi vì họ đã làm việc trên cơ bản của nhận thức về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Dù làm quần quật suốt ngày, công đức của họ cũng chẳng lớn lao gì. Ngược lại có những người làm ít hơn mà không phân biệt ta và người, không cho rằng tôi là người làm lợi cho Làng, còn anh là người chỉ biết hưởng thụ, công đức của họ rất lớn. Trang nghiêm cõi Bụt mà còn thấy mình đang trang nghiêm cõi Bụt thì chưa thực sự là trang nghiêm cõi Bụt. 

Chúng ta hãy đem Duy biểu học để soi sáng cho biện chứng này. Duy biểu học có đề cập tới ba tự tính: tự tính biến kế chấp, tự tính y tha khởi và tự tính viên thành thật.

Tự tính biến kế chấp (nature of discrimination, Phạn ngữ là Vikalpa): là sự phân biệt giữa ta và người. Khi thấy một người nào đó, ta nghĩ ngay rằng người đó không phải là ta. Ví dụ khi nghe tin có một tai nạn xe hơi vừa mới xảy ra ở Bordeaux và có ba người chết, phản ứng đầu tiên là ta cảm thấy may mắn vì trong ba người đó không có ta. Đó là do tính biến kế chấp. Khi nghe tin có người bị ung thư, tự nhiên ta nhìn lại bản thân mình rồi cảm thấy vui mừng vì người bị ung thư đó không phải là ta. Trạng thái tâm lý đó là do tính biến kế chấp. Nếu nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy người bị ung thư đó có liên hệ với ta và nếu chung quanh ta có nhiều người bị ung thư thì ta cũng chẳng an toàn gì. Bởi vì ta với những người đó liên hệ rất mật thiết. Bàn tay phải đối xử với bàn tay trái không có tính biến kế chấp đó. Khi bàn tay trái bị thương, bàn tay phải không nói rằng: “A, mày bị thương, may quá tao không bị thương” mà nó thấy rằng bàn tay trái bị thương cũng như chính nó bị thương.

Có ít nhất 50,000 lính Mỹ đã chết trong mười năm tham chiến tại Việt Nam. Tại nước Mỹ mỗi năm có khoảng 55,000 người chết vì tai nạn xe hơi, tình trạng phổ biến là do lái xe không cẩn thận, lái ẩu hay say rượu. Trong tiểu bang Texas, theo điều tra thì 43% tai nạn xe hơi có nguyên nhân từ chuyện uống rượu. Nếu sống trên đất Mỹ, mỗi ngày chúng ta đều có thể lái xe, ấy vậy mà khi nghe có người chết vì tai nạn xe hơi, chúng ta vẫn dửng dưng như thể chuyện đó không dính líu gì tới mình. Nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy ta có thể chết vì xe hơi bất cứ lúc nào. Ban đầu, do sự phân biệt giữa ta và người, chúng ta thấy rằng người đã chết đó không phải là ta, kỳ thực nhìn cho kỹ thì người kia cũng là ta. Đó không phải là vấn đề của người khác mà là vấn đề của chính ta. Ngày hôm nay là người đó nhưng ngày mai có thể là ta. Khi nhìn bằng tính biến kế chấp thì không thấy được sự thật! Nhìn A bằng tính biến kế chấp thì chưa thấy được A, phải nhìn A bằng tính y tha khởi.

Tự tính y tha khởi (Nature of interbeing, Phạn ngữ là Paratantra). Y là nương vào, tha là những yếu tố khác, khởi là biểu hiện. Y tha khởi là nương vào những yếu tố khác mà biểu hiện. Nhìn một bông hồng, nhìn cho sâu sắc ta sẽ thấy bông hồng được làm bằng những yếu tố không phải bông hồng như đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời, phân bón, công sức người làm vườn, v.v. Ta bắt đầu thấy được những yếu tố làm ra bông hồng và thấy được bông hồng phải nương vào những yếu tố khác mà có mặt, đó là y tha khởi. Nhìn thầy một cách sâu sắc ta sẽ thấy Sư Ông chùa Từ Hiếu, thấy Bụt, thấy chùa Từ Hiếu,… Nhìn thầy mà thấy được tính y tha khởi thì mới thấy thầy rõ ràng. Nếu nhìn thầy như một cái ngã thì chưa thấy được thầy. Ta phải tập nhìn xung quanh bằng con mắt y tha khởi. Khi đã nhìn thấu triệt bằng tự tính y tha khởi thì sẽ khám phá ra tính viên thành thật, tự tính thứ ba.

Tự tính viên thành thật (Nature of perfection, of true reality, of suchness, Phạn ngữ là Niṣpanna). Khi nhìn vào A, ta có thể vướng vào bốn khái niệm ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và ta đã bị lường gạt. Ta phải sử dụng phương pháp y tha khởi để nhìn, để thấy những yếu tố không phải A trong A và sự thật sẽ từ từ hiển lộ. Khi nhìn thấu đáo thì sự thật tuyệt đối sẽ biểu hiện. Sự thật đó là tính viên thành thật, đó là chân A (true A), còn trước kia là giả A (false A).

Vì vậy công thức của kinh Kim cươngTrang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt.

Anh làm trang nghiêm Tịnh độ mà làm với ý niệm về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tức là chưa thực sự trang nghiêm Tịnh độ. Anh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định mà bị kẹt vào bốn tướng đó là vì chưa thực sự thực hành công hạnh của một vị Bồ tát. Anh làm chỉ để có tiếng khen, chứ không phải để đạt tới giải thoát. 

Bụt đã hỏi hai câu liên tiếp để trắc nghiệm thì thầy Tu Bồ Đề đã nói đúng được. Ngài nói tiếp: 

Như thế đó, thầy Tu Bồ Đề, các vị Bồ tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ.

Thầy là sắc, bạn cũng là sắc, nhà cửa vườn tược cũng là sắc. Khi phát tâm, ta đừng bị vướng vào những hình tướng đó. Có biết bao nhiêu người phát tâm là vì họ bị thu hút bởi một lực hấp dẫn của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Họ không nhìn thấu được chiều sâu của những thứ đó. Sau một thời gian, họ có cảm giác bị đánh lừa, rồi bỏ cuộc. Điều này đã xảy ra ngoài đời cũng như trong đạo. Tất cả chúng ta đều muốn đi tìm cái chân, thiện, mỹ và cho rằng cái chân, thiện, mỹ đó không có trong ta. Ta phải đi tìm bên ngoài rồi bị đánh lừa. Chúng ta bị đánh lừa ở ngoài đời rồi tìm đến chùa. Ở nơi đây, người ta trình bày như là có chân, thiện, mỹ mà kỳ thực là không có. Ta phải tập nhìn sâu, nhìn cho thông suốt để đập vỡ được cái vỏ của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, để khám phá ra những yếu tố không phải là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ở trong đó. Lúc đó ta mới hiểu được, hiểu được rồi ta không cần chạy trốn nữa, ta chấp nhận bởi vì ta không sợ bị lường gạt. 

Câu kinh Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ cũng là một câu nổi tiếng của kinh Kim cương. Vô sở trụ tức là không bị kẹt vào cái gì hết. Tiếng Hán là Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心.

Tu Bồ Đề ơi, Bồ tát khi phát tâm bồ đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ.

Chữ khái niệm ở đây dịch từ chữ tướng. Trong đó có những tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, pháp, phi pháp, tướng, phi tướng.

Như Lai đã nói tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là chúng sanh. Tu Bồ Đề, Như Lai là kẻ nói lời chính xác, là kẻ nói lời đúng với sự thật, là kẻ nói lời phù hợp với thực tại, là kẻ nói lời không dối trá, là kẻ chỉ nói một lời. Tu Bồ Đề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thực cũng không phải hư.

Câu này có nghĩa là Như Lai không hề đắc pháp. Thực là một ý niệm và là một ý niệm khác. Ý niệm thực tạo thành ý niệm và ý niệm tạo thành ý niệm thực. Trong kinh Kim cương, ta thấy có những cặp ý niệm đối chọi nhau: ngã và phi ngã, nhân và phi nhân, tướng và phi tướng, pháp và phi pháp, sinh và diệt, tới và đi, có và không, một và nhiều, thực và hư. Ta vượt thoát được ý niệm ngã thì lại rơi vào ý niệm phi ngã. Cả hai ý niệm ấy ta  cần phải vượt thoát. Ý niệm thực và ý niệm hư cũng vậy, ta đều phải vượt thoát.

Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được mọi hình và mọi sắc.

Các vị Bồ tát khi thực hiện bố thí thì không bị ràng buộc bởi cái nhìn biến kế chấp và họ thấy được chiều sâu. Họ không thấy họ là người bố thí và những người kia là những kẻ được bố thí. Họ không tự hào và không đòi hỏi sự biết ơn cho nên hạnh phúc của họ rất lớn. Trong chúng ta có những người có cảm giác bị phụ bạc. Người kia đã thề non hẹn biển là sẽ sống với ta cho đến đầu bạc răng long, bây giờ tự nhiên thay lòng đổi dạ và đi theo người khác, khiến ta cảm thấy khổ đau. Ta tin rằng ta là kẻ chung thủy, không gây ra lỗi lầm, còn người kia là kẻ phụ bạc, đã gây ra nhiều lỗi lầm, tạo ra khổ đau. Trong lòng ta chất chứa hờn giận. Ta đâu biết rằng trong thời gian chung sống, ta đã không sống trọn vẹn, đã không thương được người kia với tinh thần của kinh Kim cương. Tuy hai người chung sống, nhưng hai người là hai hải đảo tách biệt bởi khái niệm về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Ta chưa bao giờ thương người đó với tinh thần viên thành thật, tức là tinh thần vô trụ và đã để cho sự việc xảy ra như vậy. Ta thương nhưng đòi hỏi người đó phải thương lại. Ta giúp nhưng đòi hỏi người đó phải biết ơn. Ta tính toán từng chút và đem tình thương, sự chăm sóc của ta ra cân đo và nói rằng ta đã làm được cho ngươi, ta đã giúp ngươi, thương ngươi được mấy trăm gram, được mấy ký lô. Còn ngươi thì thật là tệ bạc, không đáp lại tình thương của ta được một phần mười hay một phần trăm. Sự liên hệ giữa ta với người đó mang tính chất biến kế. Vì vậy ta thương không sâu, hạnh phúc của ta không lớn, ta không thể trở thành một với người đó. 

Hai người sống với nhau nhưng lại là hai thực thể riêng biệt. Ta không thấy ta là người đó và không thấy người đó là ta. Ta không thấy được ta và ta cũng không thấy được người đó. Ta không thấy rằng hạt giống của sự trung kiên tuy là có nơi ta nhưng hạt giống của sự phản bội cũng có. Ta không thấy rằng hạt giống của sự phản bội tuy là có nơi người đó nhưng hạt giống của sự trung thành vẫn có. Ta đã sống như thế nào, lơ đễnh và không biết tưới tẩm những hạt giống trung kiên nơi người đó và để cho những hạt giống của sự phản bội bị tưới tẩm mỗi ngày. Cách ta nói, đi, đứng, tiếp xử vẫn bị kẹt trong tính biến kế chấp cho nên hạnh phúc và tình thương không đủ lớn để nuôi dưỡng ta. Ta nhìn người kia là thực thể A mà không thấy được tính phi A nơi họ. Cái nhìn và cách hành xử hằng ngày của ta rất cạn cợt. Vì vậy, khi tình thương không sâu sắc, hạnh phúc không đủ lớn, thì sự thay đổi, sự phụ bạc diễn ra là chuyện tất nhiên. Bây giờ ta lại trách móc và đổ lỗi cho người kia. Cố nhiên người kia cũng chịu trách nhiệm một phần, trong cách sống cũng đã hời hợt, không nhìn sâu sắc. Nhưng nếu ta thấy người kia là ta, ta biết giữ gìn, chăm sóc cho người kia  như biết giữ gìn, chăm sóc cho chính ta thì chuyện đó đã không xảy ra. Mà biết đâu ta cũng đã không chăm sóc được cho chính ta nên ta đã không chăm sóc được cho người kia. 

Đức Thế Tôn dạy rằng khi ta chăm sóc được cho bản thân thì ta chăm sóc được cho người khác. Ý niệm thù hận, đổ lỗi, lên án của ta cũng dựa trên sự kỳ thị, tính biến kế chấp. Chúng ta đã không học sống sâu sắc, học nhìn sâu sắc vào các pháp để thấy tính cách không phải pháp trong đó. Nhìn vào A ta không thấy được những yếu tố không A, cho nên ta không thấu triệt được thực tại chân như của A. Do vậy, mỗi ngày ta tạo ra những lỡ lầm đã đưa tới kết quả đau thương mà ngày nay ta phải gánh chịu. Thường thường khi khổ đau chúng ta trách móc người kia. Ta không nhận ra được rằng sở dĩ người kia đối xử như vậy một phần cũng do ta. Người kia chỉ là một tấm kính, nếu ta mỉm cười thì tấm kính sẽ mỉm cười trở lại. Thế giới này là một tấm kính, hoàn cảnh này là một tấm kính, nếu ta mỉm cười thì thế giới và hoàn cảnh sẽ mỉm cười theo. Nếu ta cau có, bực tức, vụng về thì thế giới và hoàn cảnh sẽ cau có, bực tức, vụng về. Tại sao ta không chịu đựng được người đó, không ôm được người đó vào lòng trong khi nhiều người khác cùng sống trong một môi trường đang chịu đựng được và ôm được người kia  vào lòng? Có phải là tại ta thiếu khả năng, thiếu tình thương hay không? Thật ra những đau khổ của ta là do chính ta tạo ra, do cái nhìn cạn cợt của chính mình. Nếu ta nhìn được, hiểu được thì ta bắt đầu chấp nhận được và thương được. Khi thương được thì từ ánh mắt, cử chỉ ta sẽ phát ra một năng lượng rất tích cực, có thể thay đổi được người kia và người kia sẽ mỉm cười trở lại với ta. 

Chìa khóa nằm ở sự thực tập nhìn sâu để thấy cái phi A trong cái A. Lúc ấy ta có cơ hội thấy được cái A của chân như, của viên thành thật. Đây không phải là lý thuyết suông mà là sự thực tập hằng ngày. Ngày xưa đức Thế Tôn trong lúc hành đạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng Ngài đã vượt được những trở lực đó rất dễ dàng nhờ khả năng nhìn sâu. Đức Thế Tôn không sầu khổ, không trách móc và cuối cùng Ngài đã độ được những người từng gây khó khăn cho giáo đoàn như vua Ajātasattu, hay Devadatta. Là học trò của đức Thế Tôn, tại sao chúng ta không noi theo gương Ngài? Ta lên án, buộc tội, trách cứ thì làm sao có những bước tiến bộ hằng ngày trong cuộc đời tu tập! Khi đã biết nhìn theo phương pháp của kinh Kim cương, thấy được cái không A trong cái A, thấy được tự tính y tha khởi dưới lớp màn biến kế chấp rồi khám phá ra tự tính viên thành thật, chân như của vạn pháp thì đó là lúc ta đang đi trong thế giới của ánh sáng và không còn bị vấp ngã. Còn nếu không có cái nhìn đó thì có nghĩa là ta đang đi trong bóng tối và lẽ tất nhiên sẽ bị vấp ngã, sẽ tạo ra khổ đau cho mình và cho những người khác. Tu Bồ Đề, nếu Bồ tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được mọi hình và mọi sắc.

Tu Bồ Đề, các vị đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm “ta sẽ độ chúng sanh”. Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào để cho Như Lai độ.

Bởi vì Như Lai tuy có độ chúng sanh, nhưng không kẹt vào ý niệm “ta là người độ còn chúng sanh là người được độ”.

Nếu Như Lai nghĩ là có thì Như Lai đã vướng vào khái niệm ngã, khái niệm nhân, khái niệm chúng sanh và khái niệm thọ giả rồi. Tu Bồ Đề, cái mà Như Lai nói là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu lại cho là có ngã. Này Tu Bồ Đề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho đó là phàm phu cho nên mới gọi họ là phàm phu.

Cách nói này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh. A không phải là A mới thực sự là A. Phàm phu là gì? Đó là những người không biết đạo lý, không có trí tuệ. Tuy gọi họ là kẻ phàm phu, nhưng ta không có tâm niệm khinh khi hoặc kỳ thị họ. Bởi vì ta biết rằng sở dĩ họ trở thành phàm phu là tại ta một phần. Ta đã làm gì để giúp họ thoát ra khỏi hoàn cảnh của địa vị phàm phu? Người kia thiếu học, người kia vướng vào vòng ma túy, tù tội, làm du đãng là một phần nào đó cũng tại ta. Chúng ta đã tổ chức xã hội như thế nào, chúng ta đã chăm sóc giới trẻ như thế nào mà để những người trẻ lâm vào tình trạng thiếu học, nghiện ngập xì ke, trở thành du đãng? Nhìn vào người phàm phu, ta biết họ là kẻ phàm phu nhưng ta vẫn thương họ, vẫn thấy họ là ta và đem hết tâm để giúp đỡ. Nhìn vào người trẻ là du đãng, nghiện xì ke ma túy, ta biết họ là du đãng, nghiện xì ke ma túy, nhưng trong tâm ta không có giận hờn, không có ý trách phạt, không kỳ thị và khinh bỉ bởi vì ta biết rằng họ trở nên như vậy là tại hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình và giáo dục như thế kia. Nhìn được như vậy, ta hiểu và thương. Bởi vì không cố gắng nên xã hội mới có những người phàm phu như vậy, bổn phận của ta là giúp đỡ những người phàm phu đó như tự giúp lấy bản thân ta. 

Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

Khi bị lâm vào tình trạng sầu khổ, thất vọng hay giận hờn, ta thường quán tưởng đức Như Lai qua ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Quán tưởng như vậy một hồi, ta thấy trong lòng dịu lại. Đó là quán Phật, quán tưởng niệm Phật, điều các Phật tử thường làm. Họ vào chùa, chiêm ngưỡng tôn tượng đức Thế Tôn hoặc ngồi dưới gốc cây và hình dung đức Thế Tôn với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Thầy Tu Bồ Đề cũng có thói quen đó cho nên thầy đã trả lời gấp gáp.

Tu Bồ Đề nói: “Thưa vâng, thưa vâng, phải dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Bụt nói: “Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển luân thánh vương cũng là Như Lai sao?”

Ý Bụt muốn nói thầy Tu Bồ Đề đã bị kẹt vào tướng rồi.

Tu Bồ Đề nói: “Thế Tôn, con hiểu lời Bụt dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Thấy Như Lai qua ba mươi hai tướng nhưng cũng phải thấy Như Lai ngoài ba mươi hai tướng và phải thấy Như Lai cùng khắp.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:

Tìm ta qua hình sắc

Cầu ta qua âm thanh

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai.

Đây cũng là bài kệ rất nổi tiếng. Các sư cô, sư chú cũng phải học thuộc lòng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai.

若以色見我 

以音聲求我 

是人行邪道 

不能見如來

Sắc và thanh ở đây là đại diện cho sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Những ai dựa vào hình sắc và âm thanh để đi tìm Thế Tôn là những người đi trên đường tà (wrong path), họ không có khả năng thấy được Như Lai.

Tu Bồ Đề, thầy đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ.

Đây là lời căn dặn của Bụt. Bụt đã dạy rằng không nên kẹt vào các tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, sanh, diệt, có, không, đi, tới, một, nhiều, pháp, phi pháp. Nghe như vậy có thể chúng ta có cảm tưởng các tướng là nguy hiểm, cần phải xa lìa và hủy bỏ tất cả các tướng. Thái độ đó cũng rất sai lầm và nguy hiểm. Cho nên đức Thế Tôn dạy rằng Ngài thành đạo được là nhờ các tướng đó. Tướng nào Ngài cũng cần cả, nhưng Ngài không bị kẹt vào các tướng.

Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như thế. Tu Bồ Đề! thầy đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Đừng nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô hay đoạn diệt.

Có một thời, giới học giả Tây phương nói đạo Bụt chỉ dạy về sự đoạn diệt (annihilation) và hư vô (nothingness). Khi nghe đức Thế Tôn dạy đừng kẹt vào tướng, trong 2.600 năm, đã có rất nhiều người nghĩ rằng đức Thế Tôn dạy mục đích của chúng ta là đi tới sự đoạn diệt hoàn toàn (total annihilation), cắt đứt không còn gì hết. Đức Thế Tôn dạy: “Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô hay đoạn diệt”. Câu kinh rất rõ ràng. 

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại bông hồng. Ta đã nghe Bụt dạy đừng để kẹt vào tướng của bông hồng. Tuy vậy tướng của bông hồng rất cần thiết, nhờ đó ta có thể nhìn sâu và thấy được những yếu tố không phải bông hồng trong bông hồng. Ta có thể thấy được ánh sáng mặt trời, thấy đám mây, đất đai, phân bón, người trồng bông hồng,… Nhờ vào tướng bông hồng, ta có thể thấy được trời, đất, người và cả vũ trụ trong đó. Vậy tướng bông hồng rất cần thiết, chỉ là ta đừng để bị kẹt vào tướng ấy. Chủ đích không phải để nói rằng bông hồng là không có thật. 

Chúng ta thường tụng đọc: không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có đắc, không có sở đắc,… Đọc như thế, có thể chúng ta nghĩ rằng những cái ấy không có. Không có nghĩa là không có thật. Cái A mà ta thấy đó là lường gạt, ta phải nhìn sâu, để thấy cái không A ở trong A, lúc ấy mới thấy được tánh chân thật của A. Vì vậy tướng cũng rất cần thiết. 

Đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ. Như Lai cần tới tất cả các tướng, Như Lai không nói cần phải đi tìm phi tướng, bởi vì phi tướng cũng là một cái tướng. Ngài không bỏ, không trốn chạy khỏi bất cứ cái gì. Như Lai công nhận sự có mặt của các tướng, nhưng Ngài không bị kẹt vào bất cứ tướng nào, bởi vì Ngài có khả năng nhìn sâu vào lòng các tướng và thấy được tính cách phi tướng, thấy được tự tính y tha khởi của mọi tướng. Vì vậy, Như Lai có tuệ giác và tuệ giác đó giúp Ngài vượt thoát được những buồn giận, trách móc, oán cừu,… Giáo lý của Bụt đều nằm ở chỗ nhìn sâu (looking deeply), nhìn sâu tức là thiền quán. Nhìn sâu để thấy được tự tính y tha khởi. Càng nhìn sâu vào tự tính y tha khởi, thì càng thoát ra khỏi tính biến kế chấp. Khi thấy được toàn diện tính y tha khởi thì sẽ thấy được tính viên thành thật của vạn pháp. 

Sau khi nghe Bụt nói kinh này, thượng tọa Tu Bồ Đề và các vị khất sĩ, nữ khất sĩ, ưu bà tắc, ưu bà di và tất cả các giới Trời, Người và A tu la đều rất hoan hỷ, tin tưởng và tiếp nhận để thực hành. 

Kinh Kim cương trong nghi thức này đã được rút gọn lại. Chúng ta có thể học toàn văn kinh Kim cương trong cuốn Kim cương gươm báu cắt đứt phiền não. Sách đã được in ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, v.v.

Kinh Kim cương đã từng được xem là căn bản của thiền. Vì vậy trong túi áo của thiền giả thường có kinh Kim cương. Trong kinh Kim cương có những câu nói rất lạ khiến nhiều người nghĩ rằng ngôn ngữ của kinh này là thứ ngôn ngữ thần bí, như: Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Hoặc các câu: Phật pháp không phải là Phật pháp cho nên mới gọi là Phật pháp; Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai. Trong thiền học thỉnh thoảng cũng có những câu nói mang tính chất thần bí như vậy. Những công án các vị thiền sư trao cho đệ tử thỉnh thoảng cũng có vẻ thần bí. Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Trước khi bà ngoại của anh sinh ra thì mặt mũi của anh như thế nào? Vạn pháp quy về một, vậy thì cái một đi về đâu? Tuy nhiên trong lúc học kinh Kim cương, chúng ta đã dùng những phương pháp rất đặc thù để khám phá những điểm thần bí và có thể hiểu được những điều đó qua sự phân tích và quán sát của ta. Phương pháp chúng ta dùng để khảo sát kinh Kim cương có thể gọi là phương pháp của Duy biểu và phương pháp của Hoa nghiêm. Sở dĩ chúng ta có cảm tưởng đã hiểu được kinh Kim cương là nhờ chúng ta đặt kinh này dưới lăng kính của Duy biểu họcHoa nghiêm học.

Duy biểu học trình bày giáo lý ba tự tính và yếu tố hạt giống.

  • Ba tự tính (biến kế chấp, y tha khởi và viên thành thật). Khi chúng ta đem lăng kính của ba tự tính vào để soi sáng thì chúng ta có thể hiểu được những câu nói mang tính thần bí của kinh Kim cương như A không phải là A mới thật là A. Nhìn thật sâu vào tính biến kế chấp chúng ta khám phá ra được tính y tha khởi. Khi chúng ta khám phá ra được toàn diện tính y tha khởi thì tính viên thành thật biểu lộ. 
  • Yếu tố hạt giống. Mỗi người trong chúng ta đều mang đầy đủ mọi loại hạt giống, tiêu cực lẫn tích cực. Hạt giống nào được tưới tẩm nhiều thì hạt giống đó sẽ lớn mạnh dần và sẽ biểu hiện ra. Hạt giống tiêu cực được tưới tẩm thì chúng ta sẽ trở thành tiêu cực. Những hạt giống tích cực được tưới tẩm thì chúng ta trở thành tích cực. Nhìn vào một con người, ta phải thấy rõ những hạt giống đã được trao truyền từ nhiều thế hệ tổ tiên. Ta thấy được những yếu tố làm nên con người đó, những hạt giống được trao truyền và những điều kiện khác. Kinh Hoa nghiêm dạy cho chúng ta rằng Cái một được làm bằng cái tất cả và cái tất cả được làm bằng cái một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất). Nhìn vào cái một mà thấy tất cả, lúc ấy ta mới thực sự thấy được cái một. Nhìn vào A, ta thấy được B, C, D, E,… và tất cả. Thấy được cái tất cả thì ta mới thực sự hiểu được cái một là gì. A không phải là A mới thực sự là A.

Chúng ta có thể gọi phương pháp để khảo sát kinh Kim cương trong khóa tu này là Kim cương Hoa nghiêm giải (Kinh Kim cương được giải thích dưới khía cạnh giáo lý của Hoa nghiêm) hay Kim cương Duy biểu giải (Kinh Kim cương được giải thích dưới khía cạnh giáo lý của Duy biểu). Sau này quý vị muốn cho học trò của mình hiểu được kinh Kim cương thì quý vị nên dùng phương pháp này.

Chúng ta cùng nhìn lại để nắm được những yếu chỉ của kinh Kim cương. Mỗi tuần lễ chúng ta đều có tụng kinh Kim cương. Nếu nắm được những yếu chỉ này thì trong lúc tụng kinh, hạt giống tuệ giác sẽ rơi rạt rào vào tâm thức chúng ta.

  1. Quán sát và tiếp xúc bằng vô phân biệt trí. 

Đức Thế Tôn dạy một vị Bồ tát phải tiếp xử, quán chiếu thế giới, vạn vật và mọi loài bằng trí không phân biệt. (A real Bodhisattva should be able to look at and to deal with things with his or her non-discriminative mind.) Về điểm này, muốn dễ hiểu, quý vị hãy nhớ tới hình ảnh bàn tay phải mà thầy đã nói trước đó. Hình ảnh bàn tay phải với trí vô phân biệt sẽ nhắc cho chúng ta nhớ để nhìn và tiếp xử bằng vô phân biệt trí với sư anh, sư em hay con sóc, mặt trăng, mặt trời. 

  1. Muốn có vô phân biệt trí thì phải biết không kẹt vào tướng. 

Tướng là đối tượng của tri giác. Chúng ta thường bị kẹt vào đối tượng tri giác của ta, mà tri giác thì thường sai lầm. Do đó, Bụt nói rằng chỗ nào có tướng thì chỗ đó có sự lừa gạt.

  1. Muốn không kẹt vào tướng thì nhìn sâu vào tướng. 

Ta cần phải tiếp xúc với tướng chứ không chối bỏ tướng. Muốn không bị kẹt vào tướng thì phải nhìn sâu vào tướng. Muốn thấy được A thì phải nhìn sâu vào A chứ không nên bỏ chạy hoặc xua đuổi A. Chạy trốn tướng tức là đi tìm phi tướng, rồi lại bị kẹt. Bị kẹt vào phi tướng còn tệ hơn là bị kẹt vào tướng.

  1. Muốn nhìn sâu, phải biết nhìn vào tự tính y tha khởi của tướng. 

Tính y tha khởi là bản chất của các tướng. Y tha là nương vào những cái khác mà được thành lập, biểu hiện. Thấy được tính y tha là thấy được những yếu tố đã đưa tới sự biểu hiện của tướng. Nhìn vào bông hoa, ta thấy được những yếu tố không phải bông hoa như mặt trời, đám mây, mặt đất, người làm vườn, không gian, thời gian, v.v. Thấy được tính y tha khởi thì tính biến kế chấp dần dần phai nhạt và tính viên thành thật bắt đầu biểu hiện. 

  1. Khi tính viên thành thật được biểu hiện hoàn toàn thì ta đạt tới kiến tánh. 

Kiến tánh là một danh từ quan trọng trong thiền mà người Nhật gọi là kenshō, chữ Nho 見 性. Chữ kiến tánh thường đi đôi với chữ minh tâm, gọi là minh tâm kiến tánh. Kiến tánh có nghĩa là thấy được bản chất chân thật của đối tượng tri giác. Đối tượng tri giác của ta có thể là một bông hoa, hòn sỏi, người sư em hay kẻ thù,… Đối tượng tri giác có cái tướng của nó, chúng ta thường bị cái tướng đó đánh lừa, chỉ thấy tướng mà không thấy được tánh của nó. Nhìn sâu thì ta thấy được tánh, tánh đó là tánh y tha khởi, tánh viên thành thật, tánh bất sanh bất diệt, là chân như. Chữ tánh trong kiến tánh là bản chất đích thực của hiện tượng (the true nature of what is there). 

Khi tâm ta là vọng thì cảnh cũng là vọng. Cảnh vọng là tướng, tâm vọng nghĩa là tâm bị kẹt vào tướng. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta không chịu nhìn sâu nên chúng ta sống với vọng tâm và vọng cảnh. Bụt dạy chúng ta phải sống sâu sắc hơn để thấy được tự tính y tha khởi, tự tính tương tức, tự tính duyên sinh của vạn vật, để có thể chọc thủng được tướng mà từ từ đi vào tánh. Giờ phút tính y tha khởi bắt đầu phát hiện là giờ phút màn biến kế bắt đầu bị chọc thủng. Khi màn biến kế bị chọc thủng thì vọng cảnh rã mà vọng tâm cũng rã. Càng đi sâu vào y tha thì biến kế càng tan biến. Khi đã đạt được tột cùng của y tha, ta bước sang một bình diện mới: bình diện viên thành, tức là bản chất chân thực của đối tượng. Lúc đó đối tượng là chân như, chân cảnh (true reality), chủ thể là chân tâm (true mind). Khi tính viên thành đã hiện ra thì tâm là chân tâm, cảnh là chân cảnh. Khi chân cảnh hiện ra thì gọi là kiến tánh, tức thấy được tánh. Thấy tánh không phải là chuyện xa vời. Nếu cố gắng tu tập, chúng ta đều có thể thấy tánh và thấy ngay bây giờ. Ví dụ, khi nhìn một người nào đó trong đại chúng, nhìn thật sâu sắc để thấy rõ  những yếu tố xã hội, di truyền, giáo dục, học vấn,… trong người đó thì ta hiểu được, thấy được người đó một cách sâu sắc. Thực tập như vậy là ta đang bắt đầu đi trên con đường kiến tánh. Sở dĩ ta giận hờn, ganh ghét là tại vì ta chưa kiến tánh, còn khi nhìn sâu để thấy được tánh rồi thì giận hờn, ganh ghét sẽ tan biến. Kiến tánh là thấy được bản chất chân thật của sự vật, hiện tượng (seeing in the true nature of things). Nhìn bằng con mắt khám phá của y tha khởi, chọc thủng màn biến kế và bắt đầu kiến tánh. Chúng ta có thể kiến 10%, 20%, 30%,… cho đến khi thấy được cùng tột thì ta kiến tánh hoàn toàn, 100%. Các thiền viện thường nhắc tới kiến tánh một cách rất bí hiểm, như là một cái gì xa vời, thật ra đây là chuyện có thể làm được trong đời sống hằng ngày.

 

Ta ghét người kia là do ta kẹt vào tướng của người kia. Nhìn sâu vào người kia để hiểu những nguyên do xa gần đã khiến cho người kia như thế. Lúc ấy ta sẽ hiểu được, vậy là ta bắt đầu kiến tánh. Cái thấy càng sâu thì sự ganh ghét càng tan rã. Chữ kiến tánh đi đôi với chữ minh tâm. Khi tâm đầy bóng tối thì không thể gọi là minh tâm, nó là vọng tâm. Khi nhìn vào đối tượng của tri giác bằng phương pháp y tha khởi thì vọng tâm bị lung lay và bắt đầu tan rã, tâm ta từ từ sáng ra nên gọi là minh tâm. Khi tâm sáng tỏ và trở thành chân tâm thì cảnh hiện ra gọi là kiến tánh. Minh tâm là chủ thể, kiến tánh là kết quả. Khi tâm sáng thì thấy được tánh, nên gọi là minh tâm kiến tánh. Minh tâm đi đôi với kiến tánh là như vậy. 

Trong bài tụng Đệ tử kính lạy đức Phật Thích Ca có những câu:

Để mau ra khỏi luân hồi

Minh tâm kiến tánh

Trí tuệ sáng suốt

Thần thông tự tại

Muốn có minh tâm phải học cách nhìn. Là người tu, ta phải thực hiện chuyện kiến tánh trong đời sống hằng ngày, chứ đừng cho đó là chuyện của mười năm hay hai mươi năm, hay nhiều đời nhiều kiếp. Hễ biết nhìn mọi người và mọi loài bằng phương pháp y tha khởi là ta đang thực tập kiến tánh.

  1. Kiến tánh đưa đến vô dục, vô sân và vô úy.

6.1. Kiến tánh đưa tới vô dục:

Nếu còn dục, còn sân, còn sợ là chúng ta chưa kiến tánh, tại sao? Dục là thèm khát. Dục luôn luôn có đối tượng của nó. Thèm khát là thèm khát một cái gì, đó gọi là tướng. Sở dĩ chúng ta còn thèm khát, còn đeo đuổi một cái gì là vì chúng ta chưa thấy được bản chất của đối tượng đó. Sở dĩ chúng ta còn thèm khát tài, sắc, danh, thực, thụy là vì chúng ta chưa thấy được bản chất của năm thứ dục lạc đó. Đức Thế Tôn dạy ta phải lấy đối tượng của dục đưa lên và nhìn sâu để thấy được tính chất lường gạt của nó, để thấy rằng đối tượng đó đưa tới khổ đau và hoạn nạn. Ngài nêu lên một vài hình ảnh để ví với đối tượng của dục. Đối tượng của dục được ví như một bó đuốc cầm ngược gió. Gió sẽ tạt lửa làm cháy tay ta. Dục cũng được ví như một khúc xương trần, không còn chút thịt nào và được liệng cho chó gặm. Chó gặm hoài mà không bao giờ thỏa mãn. Người đeo đuổi năm thứ dục lạc cũng giống như một người khát nước mà ăn thêm muối, càng ăn càng khát thêm.  Dục lạc cũng vậy, ta tưởng rằng khi ăn vào, nhai nuốt vào thì sẽ hết đau khổ của sự thèm khát nhưng điều đó không đúng. Ta chạy theo khúc xương trần của dục và đánh mất cả cuộc đời ta. Dục là hoạn nạn, cũng giống như một con chim nhỏ mổ được miếng thịt và bay lên không trung. Một con chim lớn khác thấy vậy liền đuổi theo để giành miếng thịt. Con chim nhỏ nếu khôn ngoan phải biết nhả miếng thịt đó ra, nếu không sẽ bị con chim lớn mổ đến chết. Đức Thế Tôn đã đưa ra mười hình ảnh tương tự như vậy để chỉ cho ta thấy những hoạn nạn và khổ đau mà dục lạc đưa đến. 

Ở Làng Mai, khi nói về đối tượng dục lạc, chúng ta thường dùng hình ảnh của miếng  mồi câu cá. Thời đại bây giờ người ta không đào đất bắt những con giun hay bắt châu chấu thật để làm mồi câu cá nữa. Người ta mua những con châu chấu bằng nhựa cắm vào lưỡi câu để làm mồi. Con cá bị đánh lừa bởi cái tướng của con châu chấu, tưởng rằng đây là châu chấu thật, hấp tấp đớp lấy con mồi, thế rồi chúng bị lưỡi câu mắc vào cổ họng và bị kéo lên khỏi mặt nước. Đối tượng của sự thèm khát là tướng, bị cái tướng đó lừa gạt thì chúng ta sẽ chết vì nó. Ta thực tập nhìn sâu để thấy được tính cách không đáng theo đuổi, không đáng ham muốn (hay là tính vô dục) của tướng đó. Nhờ đó chúng ta sẽ không còn chạy theo nó nữa và được giải thoát, đó là kiến tánh. Tánh này là tánh của đối tượng dục. Cố nhiên tánh cũng là tánh của tự thân. Ta biết là ta rất quan trọng, thấy được bản chất của ta thì ta cũng có thể vượt thoát những đau khổ, buồn giận giống như khi ta thấy được tánh của đối tượng thèm khát. Vậy thì kiến tánh đưa tới vô dục. Khi không đuổi theo đối tượng thèm khát thì ta được khỏe nhẹ, hạnh phúc. 

6.2. Kiến tánh đưa tới vô sân: 

Người kia là đối tượng của sự hờn giận trong ta, ta tập nhìn sâu vào cái tướng sân và đối tượng của cái sân. Ta thấy được qua cái nhìn y tha khởi, người đó được làm bằng yếu tố này, yếu tố kia. Ta thấy được nguồn gốc, thấy được thời thơ ấu, thấy được hoàn cảnh giáo dục, thấy rằng người đó kém may mắn, đã không có thầy, không có bạn tốt, và những hạt giống xấu bị tưới tẩm. Vì vậy người đó đã dại dột, vụng về, gây khổ đau cho chính mình và những người khác. Khi thấy được những điều đó rồi, trong lòng ta tự nhiên hết hờn giận, tình thương bắt đầu phát khởi và chấp nhận người đó. Sở dĩ ta chưa chấp nhận được người đó, chưa có lòng từ bi đối với người đó là tại ta chưa hiểu được họ. Ban đầu thấy một thanh niên du đãng giết người, kẹt vào vòng ma túy, ta có thể giận, ghét và muốn trừng phạt. Nhưng nếu quán chiếu sâu sắc, ta thấy rằng nếu ta được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, những hạt giống trong ta được tưới tẩm như vậy, thì ta cũng sẽ làm như người đó. Thấy được điều đó tức là đã hiểu, hiểu thì chấp nhận được, từ đó trong lòng ta sẽ phát sinh sự xót thương và không còn muốn trừng phạt nữa. Năng lượng của tình thương sẽ thúc đẩy ta làm một điều gì đó để giúp họ thoát ra khỏi tình trạng đen tối. Đó là vô sân. Khi đã thực tập được vô sân thì ta sẽ cảm thấy khỏe, nhẹ và hạnh phúc. Đạt được vô sân là nhờ kiến tánh, muốn có kiến tánh thì phải nhìn sâu. Như vậy kiến tánh đưa tới vô sân.

6.3. Kiến tánh đưa tới vô úy:

Vô úy tức là không sợ hãi. Chúng ta sợ hãi đủ thứ: sợ hư vô, sợ chết, sợ bị bỏ rơi,… Chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta chưa kiến tánh, chưa nhìn vào được đối tượng của tri giác ta. Thông thường ai cũng sợ chết, nghĩ rằng một ngày nào đó ta sẽ là một thây ma nằm cứng đờ trên giường, không cựa quậy, không nói được lời nào, không mở mắt ra được, không biết gì nữa cả, còn những người thân thì bao quanh giường khóc lóc. Nhưng có những người đã kiến tánh và không còn sợ điều đó. Ta cũng có thể kiến tánh và đạt được sự vô úy nếu ta thực tập vài tháng, vài năm. 

Vào mùa hè, hồ sen ở xóm Mới cho hàng trăm bông sen rất đẹp xen lẫn với những lá sen xanh mướt. Vào mùa đông, khi thiền hành bên hồ sen, chúng ta chỉ thấy những lá sen và những gương sen tàn tạ, gục đầu xuống nước. Đó là tướng, ta gọi là tướng chết. Chúng ta có thể học từ hồ sen rất nhiều. Thi sĩ Tản Đà có viết hai câu thơ:

Lá sen tàn tạ trong đầm

Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.

Nhìn hồ sen tàn tạ và nghe hai câu thơ đó, phần lớn chúng ta cảm thấy buồn vì tiếc thương một quá khứ. Ngày xưa đẹp đẽ bao nhiêu, ngày nay tàn tạ bấy nhiêu. Chúng ta buồn bởi vì chúng ta bị kẹt vào tướng, tướng sinh và tướng tử. Cách đây hai tuần, trong lúc thiền hành quanh hồ sen, thầy quán chiếu và thầy không có cảm giác buồn bã và sầu muộn của Tản Đà. Nhìn những lá sen và gương sen gục xuống để tan rã, thầy cảm thấy rất bình thản và không thấy tướng chết bởi vì thầy có thể chọc thủng được cái tướng đó. 

Chúng ta hãy thử quán chiếu: Đây là mặt nước và đây là một lá sen mơn mởn trong mùa hè, trên đó có vài giọt nước long lanh rất đẹp. Bây giờ là mùa đông, lá sen gục xuống và sẽ trở thành bùn trong vài tháng tới. Ta cho đó là tướng chết của lá sen. Nhưng nếu quán chiếu, ta biết được lá sen đó trong suốt mùa hè đã phát triển, trưởng thành và nuôi dưỡng những lá sen, cọng sen, bông sen khác có cơ hội biểu hiện và có thể đã cho ra những củ sen rất lớn, đang nằm ở bên dưới mà ta không trông thấy. Bông sen mọc lên cách đó hai thước có thể là con cháu của chiếc lá sen này. Trong suốt bốn, năm tháng hè, lá sen đã làm cho các cọng sen lớn lên. Chúng ta không thấy sự có mặt của lá sen nơi cọng sen, hoa sen  mà chỉ thấy tàn dư của lá sen trong chiếc lá đang úa tàn kia. Ta chỉ thấy sự tàn tạ của lá sen trước mắt và tưởng nó đã chết. Kỳ thật nó đã đầu tư vào cọng sen và củ sen. Nếu quý vị hỏi: “Lá sen ơi! Bây giờ ngươi ở đâu?”, nó sẽ trả lời: “Tôi đang ở đó.” Ta lầm tưởng nó đã chết, nhưng sự thật nó không chết. Lá sen chẳng những không chết mà còn có thể mạnh hơn trước nữa.

Vào mùa thu, khi thiền hành ở xóm Thượng, chúng ta thấy lá thu rơi đầy trên cỏ. Những chiếc lá thu đang trở thành đất. Nhưng chúng ta không biết rằng suốt mùa xuân và mùa hè, những chiếc lá đó đã ở trên cây và làm việc rất giỏi để nuôi cây. Chúng nó tiếp nhận ánh sáng mặt trời, những chất khí trong không gian, tiếp nhận nước và các chất hóa học mà rễ đưa lên để chế tạo nhựa luyện, nhựa đó làm cho cây lớn lên. Nhìn những cành non mới mọc, ta phải thấy có những chiếc lá ở trong đó. Khi một chiếc lá rơi xuống, đó không phải là tất cả chiếc lá. Trong suốt sáu tháng cho tới tám tháng, chiếc lá đã nuôi cây lớn, ta phải thấy chiếc lá có mặt trong cây. Chiếc lá khô rơi xuống chỉ là một phần nhỏ của chiếc lá, trong vài tháng nó sẽ mục, hòa vào đất, rồi lại giúp thêm cho cây. Chiếc lá kia không bao giờ không nuôi cây, không bao giờ không là cây. Nhìn vào chiếc lá, ta đừng kẹt vào tướng của chiếc lá, phải thấy được tánh của nó, thấy được sự có mặt của nó dưới những tướng khác. Nhìn vào tướng cây ta thấy tướng lá. Nhìn vào tướng lá ta thấy tướng cây.

Một ngày kia, khi thấy thầy nằm cứng đơ trên giường, quý vị nói thầy đã chết, và khóc bù lu bù loa. Như vậy là quý vị bị kẹt vào một tướng nhỏ. Quý vị không biết rằng thầy đã có mặt khắp nơi. Cũng như lá sen, thầy đã nuôi các sư chú, sư cô, các Phật tử khắp các nước lớn lên và thầy đã có mặt nơi họ. Vậy tại sao nói thầy đã chết? Tại sao khi nhìn vào một tướng nhỏ, lại đi đồng hóa tất cả các tướng khác vào cái tướng đó? Các vị Bồ tát khi sống họ phục vụ chúng sanh, khi chết họ cũng phục vụ chúng sanh! Chiếc lá này cũng vậy, đến mùa đông nó gục xuống và tan rã. Nếu ta biết nhìn, nó sẽ dạy cho ta bài học không sinh không diệt. Bản chất của nó là không sinh cũng không diệt. Đức Thế Tôn nói: “Khi điều kiện đầy đủ thì nó biểu hiện và ta nói là nó có; khi điều kiện không đầy đủ thì nó ẩn tàng và ta nói là không.”Cả hai ý niệm có và không đều sai lầm! Hồ sen của chúng ta chỉ cần hơi nóng của tháng 5 là nó biểu hiện trở lại. Nhìn những lá sen mới mọc, ta thấy được những chiếc lá năm ngoái. Chúng ta tưởng những lá sen kia đã chết, thực ra nó chỉ ẩn tàng thôi và bây giờ, nhờ hơi nóng của tháng 5, nó biểu hiện trở lại dưới những hình thức khác. 

Kẹt vào tướng là một điều dại dột. Kẹt vào tướng, sự sợ hãi sẽ phát sinh. Nếu sợ thầy chết, tại sao ta không làm cho thầy lớn lên trong ta và trong thế gian để mai mốt ta còn thầy mãi mãi. Thầy làm sao mà chết được? Cũng như lá sen, bản tính của thầy là không sinh không diệt, bản tính của chiếc lá mùa thu cũng không sinh không diệt. Ta bị đánh lừa bởi cái tướng cho nên không thấy được chiều sâu, không thấy được tính không sinh không diệt của thực tại. Thấy được tính không sinh không diệt của thực tại rồi, tất cả mọi nỗi sợ của ta đều tan biến. Thứ Năm tuần tới, mời quý vị lên xóm Mới và đi quanh hồ để nhìn những lá sen đã gục ngã. Quý vị hãy nhìn cho thật kỹ và phải hỏi: “Lá sen ơi! Ngươi đang sống hay ngươi đã chết rồi, ngươi từ đâu tới và ngươi sẽ đi về đâu?”. Nhìn cho sâu, ta thấy được tính không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, đó gọi là kiến tánh. Kiến tánh giúp ta vượt thoát tất cả sự sợ hãi. Trên thế gian, ngày nào cũng có những người đang chết và có những người có mặt bên cạnh giúp họ chết nhẹ nhàng, thanh thản và không sợ hãi. Những người đó phải học phương pháp quán chiếu này. Quán chiếu như vậy mới có sự vô úy trong lòng và mới có khả năng ngồi vững chãi để giúp người đang chết. Không có đức vô úy trong lòng thì không giúp được nhiều! Duy trì sự có mặt của ta bên cạnh người hấp hối khiến cho họ không sợ hãi, rồi khai thị: Thân này không phải là anh, anh không bị kẹt vào nơi thân ấy, anh là sự sống thênh thang, bản chất của anh là chưa bao giờ từng sinh và sẽ không bao giờ diệt. Ta phải tiếp xúc với chân tánh đó thì mới có thể nói ra được và điều nói ra sẽ không mang tính chất lý thuyết. Ta nói ra được thì người kia sẽ không sợ hãi nữa và mỉm cười mà qua đời. Người kia sẽ thấy được chết chỉ là một ý niệm, một cái tướng và chết không động được tới mình. Như vậy kiến tánh đưa tới vô úy.

  1. Ba đức vô dục, vô sân và vô úy giúp vị Bồ tát thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định một cách tự nhiên, không phân biệt, tự do như hơi thở hằng ngày. 

Khi đã có ba đức đó rồi thì ta biết rằng ta đã có trí không phân biệt, tức là trí tuệ Ba la mật và ta thực hành năm phép Ba la mật kia không kẹt vào tướng, làm một cách tự nhiên như ta đang thở trong đời sống hằng ngày. Ta không thấy ta là một vị Bồ tát đang thực tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Lúc ấy ta là một vị Bồ tát chân thực. Trong thiền gia người ta thường có khuynh hướng nghĩ tới chữ kiến tánh có nghĩa là thấy được bản tánh của chính mình. Điều đó không sai. Tuy nhiên kiến tánh cũng có nghĩa là thấy được bản chất chân thực của một đối tượng tri giác nào đó. Đối tượng tri giác có thể là mặt trăng, là bông hoa, đám mây, lá sen và cũng có thể là bản thân ta. Thấy được bản chất của bất cứ đối tượng tri giác nào tức là thấy được bản chất của tất cả mọi đối tượng. Hiểu được bản chất của một chiếc lá sen, đồng thời ta cũng hiểu được bản chất của chính ta. Thấy được tính bất sinh bất diệt của chiếc lá sen, thì ta cũng thấy được tính bất sinh bất diệt của bản thân mình. Ta thấy ta là người kia, người kia là ta và vượt khỏi ý niệm phân biệt kỳ thị. Vô phân biệt trí trở thành đường lối cũng như năng lượng của đời sống ta. Ta đừng nghĩ rằng kiến tánh chỉ là nhìn thấu được bản tánh của ta. Bản tánh của ta không chỉ là tâm ta, mà còn là thân ta, bởi vì thân ta cũng chính là tâm ta. Nhìn vào tự tánh y tha khởi, ta thấy thân làm ra tâm và tâm làm ra thân: thân và tâm là một. 

Hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu học cách vượt khỏi tướng và họ cũng thấy rằng vô phân biệt trí là cái trí có thể đưa họ đi xa. Các nhà vật lý nguyên tử khi nghiên cứu các điện tử, họ rất ngạc nhiên thấy rằng có khi điện tử đó hiện ra như tướng hạt, chất điểm, particle, nhưng có khi lại hiện ra như tướng sóng, wave. Đứng trên phương diện lý luận thì người ta không chấp nhận được điều đó. Bởi vì hạt chỉ có thể là hạt và sóng chỉ có thể là sóng. Nhưng sự thật là cùng một điện tử có khi là hạt, có khi lại là sóng. Cuối cùng, các nhà khoa học phải chấp nhận rằng tướng hạt không phải là chân tướng của điện tử mà tướng sóng cũng không phải là chân tướng của điện tử. Họ đặt ra danh từ mới gọi là wavicle (tạm dịch là “sóng hạt”). 

Cách đây 2.600 năm, đạo Bụt cũng đã nói như vậy. Khi nói tới thân và tâm, đức Thế Tôn dùng chung một chữ: Nāmarūpa – danh sắc, người ta còn gọi là psychosoma. Nāma là danh (thọ, tưởng, hành, thức) và rūpa là sắc. Ta là nāma hay ta là rūpa. Có lúc ta biểu hiện là nāma, có lúc ta biểu hiện là rūpa. Nói cho đúng ta vừa là danh, vừa là sắc. Nói rằng ta chỉ là tinh thần thì không đúng hay ta chỉ là thể chất cũng không đúng. Đã là  tinh thần thì làm sao còn là thể chất, và đã là thể chất thì làm sao còn là tinh thần. Ta đừng nên bị kẹt vào tướng. 

Kinh Kim cương nói rõ có tướng là có sự lường gạt. Nếu nhà khoa học cứ khăng khăng cho rằng điện tử chỉ là hạt thì ông ta đã bị lường gạt và không nói đúng sự thật, bởi vì có khi điện tử biểu hiện như một đợt sóng. Nếu bảo rằng điện tử chỉ là sóng cũng là sai, bởi vì có khi nó hiện ra như một hạt. Điều này cho ta thấy rằng càng ngày khoa học càng đi gần với nhận thức của đạo Bụt. Không bị kẹt vào tướng mới bắt đầu nắm được thực tại. Khi đi sâu vào thế giới chất điểm, các nhà vật lý học phải bỏ lại sau lưng những ý tưởng hằng ngày về sự vật, phải buông bỏ nguyên tắc đồng nhất (principe d’identité). Nếu chỉ bám vào nguyên tắc đồng nhất thì khi đi vào thế giới vật lý nguyên tử ta sẽ không hiểu gì cả. Cho đến bây giờ các nhà vật lý khoa học đã công nhận rằng muốn đi vào thế giới vật lý nguyên tử, phải xóa bỏ ranh giới giữa người quan sát và đối tượng quan sát, phải học làm tham dự viên (participant) mà không nên làm quan sát viên (observer). Điều này rất phù hợp với cái nhìn của đạo Bụt. Chừng nào đối tượng và chủ thể còn là hai thực thể riêng biệt thì chừng đó chân lý không hiển lộ ra được. Hễ đó là chân tâm thì đó là chân cảnh. Hễ đó là vọng tâm thì đó là vọng cảnh. Đối tượng và chủ thể nhận thức đi liền với nhau, không thể tách rời nhau. 

Khi nói đến các vị Bồ tát, chúng ta có cảm tưởng đó là những người xa lạ, ở trên mây. Sự thật thì Bồ tát là những vị đang thực tập sống cho sâu sắc: tiếp xúc cho sâu sắc, nhìn cho sâu sắc, nghe cho sâu sắc. Sống sâu sắc để chọc thủng được tướng và bắt đầu thấy tánh, từ đó hiểu biết và thương yêu trở nên rất tự nhiên. Sở dĩ ta còn giận, còn sợ, còn tham là tại ta chưa chọc thủng được tướng. Chọc thủng được tướng rồi thì ta có khả năng chấp nhận, có khả năng hiểu, có khả năng thương, ta trở thành một đóa hoa nở giữa đại chúng. Lúc ấy ta là một vị Bồ tát dù ta chỉ mới 14 tuổi. Đừng đợi cho tới lúc xuất gia, thọ giới lớn, làm giáo thọ, hay trở thành thượng tọa, hòa thượng rồi mới làm một vị Bồ tát. Chúng ta sống cho sâu sắc, sống cho tươi mát và thảnh thơi, nói những lời làm cho người khác hạnh phúc, tập nhìn bằng con mắt hiểu biết và thương yêu (từ nhãn thị chúng sanh – kinh Pháp hoa), bằng hai bàn tay với những cử chỉ săn sóc, vỗ về làm cho người khác bớt khổ thì ta đã là một vị Bồ tát ngay ngày hôm nay. Làm một vị Bồ tát 14 tuổi, 16, 20, 25, 28, 30 tuổi thì đạo tràng của chúng ta trở nên cõi Cực lạc bởi vì người nào cũng đang trang nghiêm cõi Bụt. Ta làm trang nghiêm cõi Bụt mà không kể công, đem lại hạnh phúc cho người bên cạnh, cho tăng thân thì tự nhiên hạnh phúc đó sẽ trở về và thấm vào ta rất nhanh chóng. 

Ban đầu, ta có thể thấy rằng sự cố gắng của ta là để giúp cho người kia bớt khổ, nhưng khi làm được điều đó rồi thì ta rất hạnh phúc, hạnh phúc đó trở về lại với ta nhanh hơn một luồng điện. Giống như một tín hiệu được phát ra từ mặt đất, được vệ tinh nhân tạo trên không trung nhận rồi phát trở lại mặt đất và các đài thu hình, thu thanh sẽ nhận được tín hiệu đó gần như ngay lập tức. Các tín hiệu đó thường truyền đi nhanh chóng với tốc độ 300.000 cây số một giây. Ở đây cũng vậy, khi ta mỉm cười được, hiểu được, nhìn được bằng con mắt thương thì hạnh phúc mà ta tạo ra cũng sẽ lập tức trở về nuôi dưỡng lại ta. Vì vậy, đừng đợi lớn lên, già đi mới làm một vị Bồ tát. 

Thầy rất muốn những người học trò của thầy, dù tuổi còn nhỏ, đều có thể thực tập làm một vị Bồ tát ngay trong ngày hôm nay. Có những người đang làm Bồ tát, sự có mặt của họ đang tạo ra sự tươi mát, an lành và hạnh phúc cho tăng thân. Có những người chưa cống hiến được cho tăng thân nhiều như vậy nhưng cũng đang bắt đầu cống hiến cho tăng thân sự tươi mát, an lành và hạnh phúc. Những người đó cũng nên biết rằng ta có thể làm một vị Bồ tát ngay ngày hôm nay, không cần đợi đến ngày mai. Giáo pháp của đức Thế Tôn là có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại (dealing with the present moment, Sāṃdṛṣṭika), là giáo pháp có giá trị vượt thoát thời gian (akālika). Chúng ta thực tập được thì hạnh phúc sẽ liền có mặt. Bất cứ ai, dù ở độ tuổi nào, cũng đều có thể làm một vị Bồ tát ngay trong ngày hôm nay. Đó là điều chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể làm cho nơi ta đang sống, tăng thân, đạo tràng của chúng ta hạnh phúc hơn rất nhiều. 

Nói tóm lại, Bồ tát không phải là những nhân vật thần thoại ở cách xa. Bồ tát là chính chúng ta. Chúng ta có thể thực tập làm một vị Bồ tát khi còn nhỏ tuổi. Chúng ta không nhất thiết phải học hết tam tạng kinh điển mới làm được một vị Bồ tát. Chỉ cần nghe một buổi pháp thoại và thực tập cho hay để làm cho hạnh phúc của đại chúng được tăng lên, là đã trở thành một vị Bồ tát rồi.

Hiểu thương chẳng trách móc người

Hiện thân Bồ tát giữa nơi đạo tràng.

Kinh Kim cương gươm báu cắt đứt phiền não

Kinh văn

Ðây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ, với đại chúng khất sĩ gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Hôm ấy vào giờ khất thực, Bụt mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá Vệ. Trong thành, Người theo phép tuần tự ghé từng nhà để khất thực. Khất thực xong, Người về lại tu viện thọ trai. Thọ trai xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.

Lúc ấy, từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, thượng tọa Tu Bồ Ðề đứng dậy, trịch vai áo bên phải ra, quỳ chân trái xuống, chắp tay cung kính bạch với Bụt rằng: “Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm mình?”

Bụt bảo Tu Bồ Ðề: “Các bậc Bồ tát đại nhân nên hàng phục tâm mình bằng cách quán niệm như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết bàn tuyệt đối để tất cả đều được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sanh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát cả. Vì sao? Này Tu Bồ Ðề, nếu một vị Bồ tát mà còn có khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh và về thọ giả thì vị ấy chưa phải là một vị Bồ tát đích thực.

Này nữa, thầy Tu Bồ Đề, vị Bồ tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Ðề, Bồ tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Không gian về phương Ðông có thể nghĩ và lường được không?”

“Bạch đức Thế Tôn, không.”

“Này thầy Tu Bồ Ðề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không?”

“Bạch đức Thế Tôn, không.”

“Này thầy Tu Bồ Ðề, nếu Bồ tát không nương vào đâu để thực hiện phép bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu Bồ Ðề, các vị Bồ tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra.

“Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?”

“Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.”

Bụt bảo thầy Tu Bồ Ðề: “Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lừa gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai.” Thầy Tu Bồ Ðề thưa với Bụt rằng: “Bạch đức Thế Tôn, trong tương lai, khi nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh được lòng tin chân thật hay không?”

Bụt bảo: “Thầy đừng nói vậy. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, vẫn sẽ có những người biết giữ giới và tu phước, và những người ấy khi nghe được những lời như trên cũng có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy đã gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một vị Bụt, hai vị Bụt, ba, bốn, năm vị Bụt, mà thật sự đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn vị Bụt. Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sinh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời và những câu ấy, thì Như Lai tất nhiên BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ giả, về pháp, về không phải pháp, về tướng và về không phải tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm pháp thì vẫn còn kẹt vào các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, và nếu còn chấp vào ý niệm không phải pháp thì cũng vẫn còn kẹt vào tướng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả như thường. Thế cho nên, đã không nên chấp vào các pháp mà cũng không nên chấp vào không phải pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: Này các vị khất sĩ, nên biết rằng pháp mà tôi nói được ví như chiếc bè, Pháp còn nên bỏ, huống là không phải pháp.”

Bụt hỏi thầy Tu Bồ Ðề: “Thuở xưa lúc còn theo học với Bụt Nhiên Ðăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng?”

“Bạch đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn ở với Bụt Nhiên Ðăng, Như Lai không đắc pháp gì cả.”

“Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Bồ tát có trang nghiêm cõi Bụt chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Bụt tức là không trang nghiêm cõi Bụt, vì vậy nên mới gọi là trang nghiêm cõi Bụt.”

“Như thế đó, thầy Tu Bồ Ðề, các vị Bồ tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên dựa vào sắc mà phát tâm, cũng không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ.

“Tu Bồ Ðề ơi, Bồ tát khi phát tâm bồ đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ.

“Như Lai đã nói tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm, và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là chúng sanh. Tu Bồ Ðề, Như Lai là kẻ nói lời chính xác, là kẻ nói lời đúng với sự thật, là kẻ nói lời phù hợp với thực tại, là kẻ nói lời không dối trá, là kẻ chỉ nói một lời. Tu Bồ Ðề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thật cũng không phải hư.

“Tu Bồ Ðề, nếu Bồ tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được mọi hình và mọi sắc.

“Tu Bồ Ðề, các vị đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm ‘ta sẽ độ chúng sanh’. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào để cho Như Lai độ. Nếu Như Lai nghĩ là có thì Như Lai đã vướng vào khái niệm ngã, khái niệm nhân, khái niệm chúng sanh và khái niệm thọ giả rồi. Tu Bồ Ðề, cái mà Như Lai nói là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu lại cho là có ngã. Này Tu Bồ Ðề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho đó là phàm phu cho nên mới gọi họ là phàm phu.

“Tu Bồ Ðề, thầy nghĩ sao? Có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?”

Tu Bồ Ðề nói: “Thưa vâng, thưa vâng, phải dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Bụt nói: “Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển luân thánh vương cũng là Như Lai sao?”

Tu Bồ Ðề nói: “Thế Tôn, con hiểu lời Bụt dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:

Tìm ta qua hình sắc 

Cầu ta qua âm thanh 

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai.

“Tu Bồ Ðề, thầy đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng một cách đầy đủ. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như thế. Tu Bồ Ðề! Thầy đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Ðừng nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô hay đoạn diệt.”

Sau khi nghe Bụt nói Kinh này, thượng tọa Tu Bồ Ðề và các vị khất sĩ, nữ khất sĩ, ưu bà tắc, ưu bà di và tất cả các giới Trời, Người và A tu la đều rất hoan hỉ, tin tưởng và tiếp nhận để thực hành.

Những chỉ dẫn cần thiết

(Phiên tả Pháp thoại ngày 30 tháng 11 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Kỳ trước chúng ta đã học về hai chữ công phu. Chúng ta biết rằng công phu nghĩa là sự rèn luyện hằng ngày như thiền ngồi, thiền nằm, thiền trà, thiền làm việc, quán niệm hơi thở, v.v. và trong đó cố nhiên là có công phu thực tập những bài tụng niệm. Như vậy, công phu ở đây được hiểu là công phu tụng niệm. Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 chúng ta sử dụng trong khóa tu này, không phải chỉ có hai buổi công phu tụng niệm, mà là mười bốn buổi. Trong sách này chúng ta có thể sử dụng những kinh điển khác nhau để tụng mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Trong nghi thức này có nhiều kinh rất thiết thực cho sự thực tập, nếu có cơ hội thực tập theo thì chúng ta sẽ được học hỏi nhiều kinh và áp dụng những kinh đó trong đời sống hằng ngày. Trước hết là phần Những chỉ dẫn cần thiết, trang 17. 

1. Các nghi thức trong đây chỉ trình bày phần thiết yếu. Vị Duy na, tùy theo thời gian, có thể thêm vào các bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt, Khai kinh và Hồi hướng. Những bài này có đầy đủ trong phần phụ lục.

Sách Nhật dụng công phu ngày xưa cũng chỉ trình bày phần thiết yếu. Ví dụ buổi sáng bắt đầu bằng kinh Lăng nghiêm, ngay từ đầu đã tụng Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ tát, không có những bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh. Vì vậy nếu vị Duy na muốn tụng thêm các bài Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh thì vị Duy na sẽ sử dụng những bài đó trong phần phụ lục.

2. Những đạo tràng tu theo Tịnh độ sẽ niệm Bụt A Di Đà trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca. 

Sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 có thể dùng chung cho cả hai phái Thiền và Tịnh độ. Nghi thức công phu chiều thứ Sáu là một nghi thức công phu Tịnh độ tiêu biểu. Trong các Niệm Phật đường, các Tịnh độ viện có thể áp dụng nghi thức chiều thứ Sáu. Các đạo tràng Tịnh độ, nếu muốn, có thể sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều. Nhưng nếu sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều thì sẽ không được trì tụng những kinh khác. Đạo tràng tu theo Tịnh độ trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca thì các hành giả có thể niệm Bụt A Di Đà. 

Sau danh hiệu Bụt A Di Đà là danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí và các đức Bồ tát trên hội Liên Trì. Trong giờ tĩnh tọa của buổi công phu chiều, hành giả Tịnh độ thực tập niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. Niệm Bụt có nhiều cách, cách thứ nhất là niệm Bụt thành tiếng, cách thứ hai là niệm Bụt im lặng. Khi niệm Bụt im lặng, ta có thể dùng tràng hạt hoặc quán tưởng. Quán tưởng là hình dung hình ảnh của đức Thế Tôn, tiếng Anh là visualization

Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 đề nghị bắt đầu buổi công phu bằng sự thực tập tĩnh tọa. Thiền giả thực tập theo sách Sen búp từng cánh hé, Tịnh độ giả thực tập theo cách niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. 

3. Bài Quán nguyện (về danh hiệu của bốn vị Bồ tát lớn) trong buổi công phu chiều thứ Hai, thay vì được đại chúng đồng tụng, nên để cho một vị trong đại chúng (hoặc bốn vị thay nhau) đọc lên. Niệm lực và định lực của những vị này phải khá vững thì trong khi đọc mới tạo ra được năng lượng quán chiếu trong đại chúng.

Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, lạy đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi,… Những đoạn đó nên để một người đọc với niệm lực và định lực để toàn thể đại chúng cùng nghe. Như vậy không có nghĩa là chúng ta không có quyền tụng với nhau, đồng thanh tụng những lời quán nguyện đó.

4. Trong khi tụng niệm, phải biết lắng nghe vị Duy na và đại chúng để có thể hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Phải hết sức tránh tụng một mình một giọng, tách biệt với giọng của đại chúng. Tụng kinh phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc.

Điều này rất quan trọng vì nhiều khi có người tụng một mình một giọng riêng trong đại chúng nên nghe rất kỳ, không có sự hòa hợp. Những người đó phải thực tập để hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Người nào chưa hòa được thì phải tập, hễ tập là có thể làm được, chỉ cần vài giờ đồng hồ là có thể tập được, đừng nghĩ rằng ta không thể hòa vào giọng của đại chúng. Nếu hát được thì có thể tụng được. Phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc, nghĩa là không chỉ tụng bằng miệng mà phải tụng bằng tai nữa, phải nghe giọng của đại chúng để có thể hòa giọng ta vào giọng đại chúng. Những người tụng một mình một giọng là những người không sử dụng tai, nếu có sử dụng tai, họ sẽ không dám tụng như vậy. 

5. Trong khi tụng niệm, đừng nên chỉ chú trọng tới âm điệu tụng niệm và kỹ thuật tán tụng.

Nhiều người mắc phải điều này, vì muốn tụng kinh cho hay nên chúng ta thường để hết tâm ý vào kỹ thuật tán tụng và âm điệu tụng niệm. Ta quên rằng điều quan trọng nhất là để cho những hạt giống của tuệ giác trong ta được tưới tẩm bởi lời kinh, vì vậy phải để ý tới lời kinh.

Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Phần lớn chúng ta tụng kinh như một con vẹt hay một cái máy, trong khi tụng không để ý tới lời kinh, không để lời kinh thấm vào trong lòng. Tụng kinh phải để cho lời kinh tưới tẩm hạt giống tuệ giác trong ta. Những người đọc kinh có niệm lực và định lực thì để ý tới lời kinh. Khi đọc hoặc tụng kinh, ta có cơ hội để lời kinh, ý kinh tưới tẩm những hạt giống tuệ giác có sẵn trong ta. Và có thể ta bừng tỉnh, giác ngộ trong khi đọc kinh hoặc tụng kinh. Rất nhiều người trong chúng ta tụng như cái máy, điều này rất uổng phí. Mỗi ngày để ra một giờ, hai giờ, có khi ba giờ để tụng niệm mà cứ làm như cái máy cassette, rất uổng! 

Mỗi người hãy tự nhìn lại, trong khi tụng kinh ta có mở trái tim ra, mở tâm điền (ruộng tâm) ra để cho mưa pháp rơi xuống không, hay là ta chỉ tụng bằng cái miệng. Cơ Đốc giáo có nói tới lời cầu nguyện của trái tim (a heart prayer), tức là nói tới chuyện này. Cầu nguyện không phải bằng miệng mà bằng trái tim. Tụng kinh không phải là cầu nguyện. Tụng kinh là làm cho mưa pháp rơi xuống. Nghe pháp thoại cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống ruộng tâm của ta. Ta biết chắc rằng, ruộng tâm của ta có những hạt giống của trí tuệ, giác ngộ, hiểu biết, thương yêu, tha thứ. Những hạt giống đó được chôn vùi trong đất tâm ta; tụng kinh, nghe pháp là để cho mưa pháp thấm vào những hạt giống trong tâm. Nếu trong khi tụng niệm mà để cho đất tâm ta bị khóa lại, cũng như, lấy những tấm nylon che đất tâm của ta thì dù mưa pháp có rơi xuống cũng không có ích lợi gì. Cho nên mỗi lần tụng niệm là mỗi lần tạo ra mưa pháp. Mỗi lần nghe pháp thoại là mỗi lần đi vào cơn mưa của chánh pháp. Vì vậy, ta phải mở lòng ra, mở tâm địa của ta ra để cho mưa pháp thấm nhuần vào hạt giống tích cực có sẵn trong ta. Do đó, tụng niệm gọi là công phu. Nếu công phu chỉ là đọc cho xong một thời kinh bằng miệng thì mua máy cassette tụng giùm, để ta đi ngủ có phải sướng hơn không. Ta đừng nên làm máy cassette, thực tập tụng kinh mà làm máy cassette thì thật uổng cho ta. Tụng kinh là một sự thực tập rất quan trọng. Tụng kinh trong đạo Bụt không có nghĩa là cầu xin, tụng kinh nghĩa là làm ra mưa pháp để tưới vào đất tâm. Mưa pháp phải là mưa pháp thật sự. Ta phải mở lòng ra để đón nhận mưa pháp. Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Tụng kinh không phải là hợp tấu hoặc hòa nhạc. Có khi chúng ta tụng kinh rất hay nhưng kinh không thấm được vào lòng thì rất uổng!

Tụng kinh là để có cơ hội gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và từ bi trong chiều sâu tâm thức, vì vậy tâm ý phải duyên theo lời kinh và tiếp nhận ý kinh. 

Do vậy mỗi sáng, mỗi chiều khi tụng niệm, chúng ta phải theo đúng nguyên tắc này: Mở tâm địa ra để đón nhận mưa pháp.

6. Niệm Bụt, dù là Bụt Thích Ca, hay Bụt A Di Đà, Bồ tát Quán Âm hay Bồ tát Địa Tạng, ta không nên chỉ niệm bằng miệng mà không niệm bằng tâm. Nếu chỉ niệm bằng miệng, ta sẽ mau chóng trở thành một cái máy niệm, chỉ phát được âm thanh mà không phát ra được năng lượng chánh niệm.

Khi chúng ta niệm bằng trái tim thì lời kinh phát ra được năng lượng của chánh niệm, năng lượng đó thấm nhuận vào cơ thể chúng ta, thấm nhuận vào cơ thể của những người xung quanh ta. Trong đó có thể có những loài vô hình tới nghe kinh, những loài Trời, A tu la, Dược xoa, những loài ta không thấy được. Họ cũng khao khát tới nghe kinh. Nếu ta chỉ niệm Bụt hay tụng kinh bằng miệng thì năng lượng không phát ra được, và họ không được thấm nhuận thì rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy khi tụng kinh, niệm Bụt phải tụng bằng trái tim ta. Khi tụng bằng trái tim thì lời kinh của ta có năng lượng, có sự truyền cảm, đi sâu vào tự thân ta, đi sâu vào những người tới cùng tụng và đang nghe kinh với ta. 

Niệm bằng tâm ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của Bụt vốn có sẵn trong ta, dưới hình thức hạt giống Phật tánh và chánh niệm; năng lượng ấy cũng có mặt trong vũ trụ.

Niệm Bụt là để tiếp nhận năng lượng của Bụt. Chúng ta có hạt giống Bụt trong tâm, nếu chúng ta tụng và niệm bằng tâm thì chúng ta sẽ có thể tiếp xúc được với năng lượng của Bụt và của các vị Bồ tát. Có quy luật Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu – The law of affinity. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của loài ma, thì chúng ta chỉ cần tưới tẩm năng lượng, hạt giống của ma. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của Bụt và Bồ tát thì chúng ta niệm Bụt và niệm Bồ tát. Niệm ma một hồi thì ta thành ma, niệm Bụt một hồi thì ta thành Bụt. Ví dụ, có một người suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện xì ke ma túy, đó là niệm xì ke ma túy, người đó sớm muộn gì cũng sẽ đi tìm tới nhóm người đang sử dụng xì ke ma túy. Nếu có người đang nghĩ tới chuyện tu tập, thiền hành, thiền tọa, ngày nào cũng nghĩ tới chuyện đó thì sớm muộn gì người đó cũng tìm về Làng Mai hay đạo tràng tu tập tương tợ để thực tập. Mỗi ngày ta niệm cái gì thì ta sẽ trở thành cái đó, chắc chắn như vậy. 

Năng lượng của Bụt và Bồ tát có trong tâm ta nhưng cũng có trong vũ trụ. Niệm Bụt tức là làm cho ta đi vào trong tần số, trong những làn sóng điện của các vị đại nhân. 

Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ.

Cũng như một cái máy vô tuyến truyền hình hay một cái máy vô tuyến truyền thanh, nếu không có điện hay không có pin bên trong, thì chúng ta không thể mở ra và không tiếp nhận được những chương trình mà đài phát thanh hay đài truyền hình đang phát. Chúng ta phải mở đài của chúng ta ra thì chúng ta mới tiếp nhận được chương trình của các đài khác. Điều này cũng vậy, chư Bụt, chư Bồ tát hoặc các bậc đại nhân luôn luôn có mặt đó và đang phát ra năng lượng chánh niệm tập thể. Nếu ta biết sử dụng thân tâm ta như một đài thu hình hay thu thanh, thì khi mở ra chúng ta có thể bắt đầu tiếp nhận năng lượng của Bụt và Bồ tát. Chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tập thể đó và chúng ta được yểm trợ, nâng đỡ bởi năng lượng đó. Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ. Ta phải có một ít năng lượng, năng lượng này là năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm. Có năng lượng, có điện và mở máy ra đúng đài thì thế nào chúng ta cũng tiếp xúc được những chương trình phát ra do các đài thế giới truyền đi.

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta thực sự có mặt. 

Niệm Bụt và niệm Bồ tát không có nghĩa là buông bỏ thực tại hiện tiền, cái bây giờ và ở đây để đi tìm kiếm một nơi khác, hay trốn tránh hoàn cảnh hiện tại. Khi niệm Bụt ta phải thiết lập thân tâm ngay trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này rất quan trọng. 

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta đang thực sự có mặt. Đây là bản chất của thiền. Thiền nghĩa là làm cho ta thực sự có mặt, ở đây và bây giờ. Niệm Bụt cũng là thiền, cũng làm cho ta có mặt ở đây và bây giờ, không mơ tưởng cõi nào hay hạnh phúc nào ở tương lai.

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe cũng chính là những gì Bụt đang thấy và đang nghe.

Nếu ta đang thực sự niệm Bụt, thì chúng ta có năng lượng Bụt và có Bụt trong tâm. Vì vậy tai ta nghe được những điều Bụt đang nghe, mắt ta thấy được những gì Bụt đang thấy. Ví dụ khi có tiếng gió xao động trong cây, Bụt có thể nghe được trong đó tiếng thuyết pháp về Tứ đế, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta có chánh niệm và năng lượng của Bụt thì khi nghe tiếng gió, tiếng chim, chúng ta sẽ có thể nghe được tiếng thuyết pháp, thấy được mầu nhiệm, chân như của vạn sự vạn vật. Khi chúng ta sử dụng con mắt và lỗ tai của mình trong chánh niệm hiện tiền thì ta có thể nhìn bằng mắt của Bụt và nghe bằng tai của Bụt. Vì vậy, nếu Bụt an trú trong Tịnh độ thì Tịnh độ cũng hiển hiện cho ta trong giờ phút hiện tiền. Ví dụ khi đi thiền, nếu chúng ta có Bụt và năng lượng của Bụt trong tâm, thì cảnh giới trong đó ta đi thiền chính là cảnh giới Tịnh độ. Ta đi những bước rất thảnh thơi, thanh thoát, bởi vì Bụt là người thảnh thơi, thanh thoát. Niệm Bụt, ta có thảnh thơi và thanh thoát trong ta. Vì vậy cõi ta đang đi là cõi Bụt đang đi, nghĩa là cõi Bụt. Những gì ta đang nhìn thấy là những gì Bụt đang thấy, những gì ta đang nghe là những gì Bụt đang nghe. Niệm Bụt như vậy mới đi lên được mức cao, tức là niệm Bụt chân chính. Trái lại, niệm Bụt với tính cách cầu xin, than thở thì chưa phải là chánh niệm. 

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe đồng thời đều là những gì Bụt đang thấy và đang nghe. Điều này rất quan trọng. 

Vì thế, niệm giúp chúng ta an trú trong định và định làm biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền.

Người niệm Bụt mà niệm đúng thì tiếp xúc được Tịnh độ hiện tiền trong giây phút hiện tại, không cần phải chết rồi mới đi qua Tịnh độ. Điều này rất đúng với tinh thần chính thống của Phật giáo. Cõi này là cõi Ta bà đầy nước mắt, cũng tại vì tâm ta là tâm Ta bà, tâm chúng sinh, tâm khổ đau. Nếu tâm ta được chuyển hóa nhờ phương pháp niệm Bụt thì tâm ta trở thành tâm Tịnh độ. Khi tâm ta trở thành tâm Tịnh độ thì cõi ta đang ngồi cũng trở thành cõi Tịnh độ. Chúng ta có bài hát: 

Đây là Tịnh độ

Tịnh độ là đây

Mỉm cười chánh niệm

An trú hôm nay.

Rất rõ ràng là khi tâm ta tịnh thì cảnh giới trong đó ta ngồi cũng tịnh. Tâm tịnh, thì độ tịnh. Và độ đó không cần phải đi tìm chỗ khác, độ tức là cõi. Cũng như trong Cơ Đốc giáo, người ta nói rằng đất Chúa nằm ngay trong tâm của quý vị (The kingdom of God is within you). Nếu tâm ta an trú được trong cõi bất sinh bất diệt thì đất đai ta đang cư trú trở thành cõi bất sinh bất diệt, cõi Niết bàn. 

Niệm Bụt giúp ta an trú trong định và định là biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền. Câu này cũng rất quan trọng. Mỗi ngày chúng ta đều tụng kinh, niệm Bụt nhưng chúng ta tụng kinh, niệm Bụt như thế nào mà bản thân vẫn ở trong cõi khổ đau đầy nước mắt. Vì chúng ta không tụng kinh, niệm Bụt theo đúng phương pháp. Tụng kinh, niệm Bụt là để năng lượng của Bụt, năng lượng của niệm, của định biểu hiện trong ta. Có niệm và định thì cõi Bụt sẽ hiện ra ngay trong cảnh giới hiện tiền. Và khi chúng ta đi thiền là chúng ta đi trong cõi Tịnh độ. 

Ta sẽ tiếp xúc được với thế giới của bản môn, của Tịnh độ ngay trong khi niệm Bụt, và ta có an lạc, vững chãi cũng ngay trong khi niệm Bụt. Niệm Bụt ở đây không còn là một lời cầu khẩn hay kêu gọi, mà là một sự thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. 

Trong đạo Bụt, chúng ta ít dùng danh từ cầu nguyện. Ta có quyền năng tạo ra mưa pháp. Mưa pháp giúp cho đất tâm ta được thấm nhuần để những hạt giống bồ đề, hạt giống hạnh phúc được biểu hiện. Vì vậy câu niệm Bụt không còn là lời cầu khẩn hay kêu gọi mà là thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. Vậy thì trong khi chúng ta ngồi thiền, kinh hành, niệm Bụt, tụng kinh, những lúc đó ta phải có mặt thực sự trong Tịnh độ. Theo nguyên tắc thì chúng ta làm được nhưng với tập khí làm như cái máy, chúng ta không thành công. Chúng ta phải cương quyết đừng làm như cái máy, những cái máy ngồi thiền, những cái máy thiền hành, những cái máy tụng kinh, những cái máy niệm Bụt. Chúng ta phải ngồi thiền bằng trái tim, chúng ta phải kinh hành bằng trái tim, chúng ta phải niệm Bụt bằng trái tim, chúng ta phải tụng kinh bằng trái tim, thì tự nhiên cảnh giới của Bụt hiện tiền. 

Có một lần, sư em Định Nghiêm viết cho thầy: “Bạch thầy, con cảm thấy hạnh phúc lắm. Có một lần ngồi nghe pháp thoại tự nhiên con thấy sao mà con may mắn và hạnh phúc quá! Ngày nào con cũng được nghe và sống với những gì rất đẹp, rất hay, rất tốt (tức là giờ pháp thoại). Giờ pháp thoại nào cũng được nghe những ý, những lời tuyệt vời về giải thoát, tự do, từ bi và con được sống theo những lời dạy về giải thoát, tự do, từ bi. Những điều đó làm cho ruộng tâm của con được thấm ướt và những hạt giống hạnh phúc của con được nảy mầm.” 

Hạnh phúc đó là hạnh phúc Tịnh độ. Hạnh phúc đó tới với ta là nhờ ta được sống trong những cơn mưa pháp. Pháp thoại và tụng kinh là để có những cơn mưa pháp. Niệm Bụt, kinh hành cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống. Khi có mưa pháp, hạt giống hạnh phúc biểu hiện và tự nhiên ta thấy cõi Tịnh độ hiện tiền, chứ không phải là điều mơ ước xa xôi, hão huyền. 

Khi thực tập kinh hành, nên chú tâm tới sự tiếp xúc giữa bàn chân và sàn chánh điện, đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ, mỗi bước đi đều có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước đi đều đem lại thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức. 

Đó là những lời chỉ dẫn về phương pháp kinh hành trong thiền đường, trong chánh điện. Trong khi bước những bước chân như vậy, ta phải theo dõi hơi thở. Khi kinh hành trong thiền đường, thường mỗi hơi thở vào ta bước một bước chân, mỗi hơi thở ra ta bước một bước chân. Trong khi bước như vậy, ta chú ý tới sự xúc chạm giữa bàn chân và sàn chánh điện. Sàn chánh điện có thể làm bằng gỗ, được trải thảm (moquette) hay vải sơn lót sàn (linoléum). Nhưng với bất cứ sàn nào, ta cũng phải chú tâm đến sự xúc chạm giữa bàn chân với sàn nhà. Đừng tập trung tâm ý trên đầu và suy nghĩ chuyện này chuyện khác, phải đem sự tập trung tâm ý xuống bàn chân để bàn chân tiếp xúc được với sàn chánh điện trong chánh niệm. Đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ. Trong khi ta đang kinh hành, sàn chánh điện, sàn thiền đường phải trở thành Tịnh độ. Đi phía trước ta có thể là một sư anh hay một sư em, ta biết rằng ít nhất có ba người: ta, người trước và sau ta đang đi trong cõi Tịnh độ. Nếu đi như vậy mà ta có buồn, có lo, có giận thì ta đang không đi trong cõi Tịnh độ mà là đi trong cõi Ta bà. Đi như vậy giống như ma đang đi. 

Cho nên, mỗi khi đi một vòng thiền hành (kinh hành trong chùa, trong chánh điện, trong thiền đường), chúng ta phải cương quyết đừng để mất một bước chân nào, bước nào cũng phải bước đi trong Tịnh độ. Chúng ta có câu kinh Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ – I vow that each step I make will bring me into the Pure land. Mỗi bước chân đều mang thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức ta. Tức là ta nuôi dưỡng cơ thể và tâm thức bằng chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi. Và chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi đó được bước chân ta chế tác. 

Bước đi như in xuống dấu vết niềm an lạc của ta trên mặt đất.

Đừng để hằn lên trên mặt đất niềm lo, nỗi buồn của ta. Mỗi bước chân như vậy, ta phải in trên mặt đất dấu hiệu của an lạc, thảnh thơi. Những người khác không thấy nhưng các vị Bồ tát nhìn vào dấu chân của ta thì biết rằng dấu chân này là dấu chân của thảnh thơi, an lạc hay là dấu chân của phiền não.

7. Thỉnh thoảng, đại chúng cũng có thể đề cử một vị đọc lên kinh văn căn bản của thời công phu (như kinh Kim cương, v.v.) để tất cả mọi người cùng lắng nghe, thay vì đồng tụng. 

Điều này thầy có dạy các sư cô, sư chú ở tu viện Rừng Phong. Sáng nào thầy cũng thức dậy để ngồi thiền và tụng kinh với các sư cô, sư chú ở tu viện. Ngoài ra thầy cũng dành cho các vị một vài giờ để dạy cách tụng kinh và niệm Bụt. Chúng ta thường sử dụng mõ và chuông để cùng tụng kinh văn như kinh Kim cương hay kinh Diệt trừ phiền giận. Thỉnh thoảng, thay vì tụng chung thì chúng ta cử một người đọc kinh với tất cả niệm và định. Người này nếu có thể được, thì phải biết trước bổn phận của mình và phải thực tập trước một ngày hoặc hai ngày. Nếu người đó đọc vấp váp, không nắm được ý kinh và không có niệm lực hùng hậu thì khi đọc kinh, đại chúng không được thừa hưởng năng lượng. Cho nên khi ta nhờ một người đọc lên kinh văn căn bản của buổi tụng niệm cho đại chúng nghe thì ta phải nhờ một người có niệm lực khá hùng hậu. Những người nắm được ý kinh, nhất là những người đã từng thực tập những điều dạy trong kinh, khi đọc kinh lên năng lượng sẽ thấm nhuận rất nhiều trong đại chúng, trong những vị có mặt trong buổi công phu. Muốn nắm vững ý kinh, ta phải học những kinh này và phải đem những ý trong kinh áp dụng vào đời sống hằng ngày. Làm được như vậy, đến khi tụng kinh, ta mới có thể tụng được bằng trái tim ta. Tụng được bằng trái tim thì lời kinh sẽ thấm vào tự thân và thấm vào thân tâm của những người có mặt trong buổi tụng niệm. 

Nên chọn người có giọng đọc truyền cảm và có niệm lực cũng như định lực khá hùng hậu. Kinh nghiệm thực tập ở Đạo tràng Mai Thôn trong 20 năm qua cho thấy cách tụng này giúp cho ý kinh có thể thấm vào lòng người nghe một cách dễ dàng và sâu đậm.

Nhiều khi đồng tụng với nhau, chúng ta chỉ lo tụng cho đúng nhịp mõ, chúng ta không để ý tới ý kinh. Cho nên lời kinh không có năng lượng nhiều. Vì vậy thỉnh thoảng chúng ta phải tụng theo kiểu solo (tức là một người tụng đọc để tất cả người khác nghe) như là Đạo tràng Mai Thôn đã từng làm trong 20 năm vừa qua. 

8. Các kinh dài như kinh Niệm xứ, Kim cương, Người bắt rắn, v.v. đã được thu gọn để có thể nằm vào khuôn khổ thời gian có giới hạn của khóa tụng. 

Nếu tụng từ đầu tới cuối những bản kinh rất dài thì sẽ quá giờ của buổi công phu. Cho nên một số kinh dài đã được thu lại ngắn gọn. Tuy ngắn gọn nhưng tất cả tinh túy của kinh vẫn còn được giữ nguyên vẹn. 

Toàn văn các kinh ấy có thể được tìm thấy trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn.

Sách Nghi thức tụng niệm đại toàn sẽ sớm được xuất bản và trong sách đó tất cả các kinh trong Nhật tụng Thiền môn đều được in ra với đầy đủ chi tiết.

9. Tất cả các buổi công phu sáng và chiều đều được bắt đầu bằng 20 tới 30 phút tĩnh tọa và một vòng kinh hành im lặng. 

Trong thiền viện cũng như trong Tịnh độ viện, trước khi tụng kinh, niệm Bụt thì ta phải bắt đầu bằng một thời tĩnh tọa ít nhất là 20 phút, trung bình là 30 phút. Tại các thiền viện, nếu muốn có thêm giờ công phu tĩnh tọa thì ta có thể thêm vào.

10. Trong khi chuông đại hồng đang được thỉnh hay khi đại chúng đang ngồi tĩnh tọa hoặc tụng kinh, tất cả những người trong chùa có phận sự mà không tham dự được buổi công phu đều phải chấp tác trong im lặng, theo dõi hơi thở để thiền tập hoặc niệm Bụt mà không được nói chuyện hoặc gây tiếng động làm hại đến phẩm chất của buổi công phu. 

Đây là truyền thống hàng ngàn năm của thiền viện, chùa nào có sự thực tập vững chãi đều như vậy cả. Trong khi chuông đại hồng vọng lên và mọi người đang ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Bụt thì ở dưới bếp và những nơi khác, mọi người không đi tham dự công phu được vì lý do tăng sai thì phải làm việc trong im lặng, phải theo dõi hơi thở, lắng nghe tiếng chuông, cùng thực tập chung với những người ở trên thiền đường. Tuy rằng ta đang lo công việc, nấu nước, pha trà, nấu cháo sáng cho đại chúng hay đang quét dọn thì ta cũng phải sử dụng những công tác đó như là công phu thực tập của ta, không được tạo ra sự ồn ào trong chùa hay thiền viện.

11. Xuất xứ của tất cả kinh văn sử dụng trong sách này đều được ghi chép ở cuối phần phụ lục.

Chúng ta có rất nhiều kinh trong mười bốn thời công phu, tất cả những xuất xứ và đại ý của kinh đều được ghi chép ở phần cuối của sách, tức là phần phụ lục.