36. Bé Thanh Tuyền bị té võng

Thiếu nhi hai xóm rất đông, nhưng chưa bao giờ Tý thấy có sự xích mích cãi cọ xảy ra trong bọn Tý. Không có đánh lộn cũng không có khóc nhè. Tý nhận thấy người lớn ở Làng Hồng chăm sóc và thương yêu thiếu nhi hết lòng. Trong một buổi nói chuyện gẫu giữa thiếu nhi với nhau dưới Pháp Thân Tạng, Tý nghe nhiều đứa nói không biết tại sao trong thời gian ở Làng Hồng ba má tụi nó dễ thương hết sức. Từ khi về, tụi nó chưa thấy ba má cáu kỉnh và rầy la lần nào. Có một đêm trước giờ thiền tọa, Tý đem chuyện này nói với chị Diễm Thanh. Chị hỏi Tý có biết tại sao thiếu nhi Làng Hồng chơi với nhau suốt ngày mà không hề cãi lộn và khóc la hay không. Tý trả lời rằng là vì trẻ con Làng Hồng toàn là những đứa dễ thương. Chị Thanh nói với Tý đó không phải là tất cả lý do. Theo chị, nếu người lớn an lạc và thoải mái thì thiếu nhi tự khắc an lạc và thoải mái.
Chị Thanh cho Tý biết là những người ngoại quốc cư trú ở Làng Hồng cũng từng nói với chị là thiếu nhi rất dễ thương, không hục hặc với nhau, không cãi lộn với nhau. Họ cũng hỏi chị tại sao. Chị cũng nói với họ là tại vì người lớn an lạc.
Tý nhớ lại hôm bé Thanh Thảo đưa võng quá mạnh khiến cho bé Thanh Tuyền (tức là bé Thơ) té rách cả mặt. Thanh Thảo cùng tuổi với Thanh Tuyền, nhưng gọi Thanh Tuyền là “cô Tư”. Bị té rách mặt, cô Tư khóc. Bé Thơ khóc nhưng không ra tiếng. Bé chỉ chảy nước mắt mà thôi. Cô Chín tới hỏi chuyện thì biết rằng Thanh Tuyền đau thì ít mà vì sợ ba rầy thì nhiều, tuy nhiên Tý biết rằng với những vết thương như thế, Tuyền phải đau lắm. ở nhà hễ bị thương là Tuyền bị ba rầy vì tội không cẩn thận. Ba và mẹ của Tuyền bận đi ra ga để đón một người nào đó chưa về. Tuyền sợ nhất là lúc ba về. Lúc đó có Sư Ông tới. Sư Ông nhờ chú Lễ đưa Tuyền về Xóm Thượng để Sư Ông xức thuốc cho nó. Về tới Xóm Thượng, Sư Ông đưa Tuyền lên lầu, trải một tấm nệm cho Tuyền nằm, trước khi cho thuốc. Thoa thuốc xong, Sư Ông còn kể cho Tuyền nghe một câu chuyện tiền thân nữa. Một mình nó được nghe trọn câu chuyện đời xưa. Sư Ông kể chuyện thế nào mà Tuyền quên cả chuyện sợ ba rầy. Tuyền còn mỉm cười nữa. Sư Ông vừa kể xong câu chuyện thì ba mẹ của Tuyền cũng về tới Xóm Thượng. Sư Ông đưa Tuyền xuống gặp ba Tuyền và kể đầu đuôi câu chuyện cho ba Tuyền nghe. Ba của Tuyền chỉ suýt xoa mà không rầy la gì hết. Ông còn vỗ đầu Tuyền và nói “tội nghiệp” nữa. Tuyền mừng quá. Mẹ của Tuyền cũng mừng không kém.
Tý thấy chị Diễm Thanh nói đúng. Người lớn mà dễ thương thì tự khắc con nít trở thành dễ thương. Giống như khi người ta soi gương. Người ta cười thì hình bóng trong gương cũng cười. Người ta khóc thì hình bóng trong gương cũng khóc. Tý nhận thấy không khí ở Làng Hồng rất thoải mái và Tý biết không khí dễ chịu này là do tất cả mọi người tạo ra. Ở trại tị nạn Tý cũng được bao quanh bởi những người Việt, nhưng không khí ở trại không giống với không khí ở đây. Tý nhận thấy người lớn ở đây nói chuyện ít thôi, tuy rằng họ rất vui và những câu chuyện của họ rất hiền. Họ không nói những chuyện hơn thiệt ở ngoài đời. Họ để nhiều thì giờ để đi thiền hành, ngồi thiền tọa; đọc kinh và chăm sóc thiếu nhi. Có lần Tý nghe cô Chín nói rằng người về Làng nên bớt nói lại chừng hai phần ba để có đủ sự yên lặng mà thấy được chính mình. Tý nhận ra rằng sự yên lặng không phải là sự buồn rầu. Sự yên lặng ở đây rất dễ thương, nó đi đôi với nụ cười, với sự vui vẻ, với sự thương yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Có lẽ vì vậy mà bọn Tý có cảm tưởng là như đang được nô đùa thường trực trong bóng mát dưới những cành lá xanh um che chở phía trên. Tý nhận thấy sau khi về Làng được vài ba ngày thì ai cũng trở nên yên lặng, ít nói hơn và thảnh thơi ra.
Người lớn không khi nào la rầy bọn Tý hoặc muốn khép bọn Tý vào trong những khuôn khổ nghiêm khắc. Tuy vậy bọn Tý thấy được trách nhiệm và bổn phận của mình. Ðứa nào cũng biết giữ im lặng trong giờ pháp thoại hoặc thiền tọa. Ðứa nào cũng biết góp phần trong công việc chấp tác và hành đường. Có hôm bọn Tý bàn nhau ra chăm sóc và vun bón những cây mận đã được trồng cho thiếu nhi đói ở quê nhà. Anh Danh đề nghị không những mình vun bón cho những cây mận của chính mình mà mình còn vun bón cho những cây mận của những thiếu nhi năm nay không được về Làng Hồng nữa. Bọn Tý ai cũng tán thành ý kiến đó. Hôm ấy bọn Tý làm việc ngoài vườn mận rất vui, cho đến tối mịt mới kéo nhau về.
Có khi người lớn lại tham gia vào những cuộc chơi của bọn Tý. Các chị như chị Tri Thủy và chị Ngọc Hương chơi với bọn Tý đã đành mà những người lớn như chú Minh Hải và cô Tâm Trân cũng chơi với bọn Tý nữa. Họ chơi một cách thật tình chứ không phải là họ muốn làm vui lòng bọn Tý đâu. Nếu thua họ, bọn Tý cũng phải cõng họ nữa.
Một hôm chị Hoàng Trang, anh Danh và Tý được sắp vào ban hành đường, dọn bàn và rửa chén với Sư Ông. Hôm đó Sư Ông đề nghị đem chén bát ra rửa dưới những vòi nước ngoài trời gần cây bồ đề. Bát rửa xong, Sư Ông kể cho bọn Tý nghe mấy câu chuyện xảy ra ở một bệnh viện dành cho người mất trí. Sư Ông kể nhiều chuyện hay quá, bọn Tý cười vang. Các thiếu nhi Xóm Thượng nghe tiếng cười đã chạy ra tham dự rất đông. Các câu chuyện vừa tức cười vừa tội nghiệp. Có một câu chuyện mà Tý nhớ mãi, đó là câu chuyện một người mất trí cứ tưởng mình là một trái cây. Anh ta leo lên một cành cây, đu và bám vào cành để làm một trái cây trên cành. Anh ta đeo vào cành như thế một cách yên lặng trong liên tiếp ba hay bốn tiếng đồng hồ. Rồi đột nhiên anh ta reo lên “chín rồi!” và buông mình cho trái rụng. Rồi anh ta bị thương. Các cô y tá chăm sóc và băng bó cho anh xong, bảo anh nên tự nhắc mình rằng mình là người chứ không phải là trái cây. Vậy mà thỉnh thoảng anh lại quên. Anh lại ra leo lên cây để tái diễn màn trái rụng như cũ. Chiều hôm đó đang leo cây chơi ở sân trước Xóm Thượng, thấy Sư Ông đi ngang qua ở dưới, Tý ôm sát cành cây và kêu lên “chín rối!”.  Sư Ông giật mình nhìn lên và thấy Tý đang bám vào một cành cây. Sư Ông vội la lên “đừng! đừng! Tý ơi!” Trong giọng Sư Ông, Tý cảm thấy có sự lo ngại thật tình. Tý buồn cười. Tý tự nhủ Sư Ông thế nào cũng biết chắc là Tý chỉ đang đùa chơi thôi chứ không bao giờ buông tay rơi xuống như cái anh chàng mất trí hồi trưa. Nhưng nếu Sư Ông biết là Tý nói chơi thì tại sao trong giọng Sư Ông Tý lại đọc thấy sự lo ngại thật tình? Có một bữa khác đang leo cây chơi, thấy Sư Ông đi ngang, Tý lại giả bộ kêu lên “chín rồi!” một lần thứ hai, và Sư Ông cũng lại vội kêu lên “đừng, đừng” như trước. Giọng Sư Ông cũng vẫn chứa vẻ lo ngại. Sau lần này, Tý quyết định không chơi cái trò “chín rồi!” với Sư Ông nữa. Có một dạo Tý ưa chơi trò phóng bích kích pháo bằng miệng. Tý bắt đầu cho nổ một cái “bốp”, rồi theo đó Tý rít lên một tiếng “veo” kéo dài như pháo đang xé không gian để đi tới mục tiêu tàn phá. Tiếng rít lên của pháo được Tý kéo dài thật dài. Ðến khi gần hết hơi, Tý mới cho pháo nổ một cái “bùm”. Lần thứ nhất nghe xong trò chơi ấy Sư Ông không nói gì. Lần thứ hai, khi nghe tiếng pháo của Tý rít lên và xé không gian, Sư Ông chặn Tý lại và nói:
– Con biết không, mỗi khi một quả pháo nổ thì chết không biết bao nhiêu người và sập không biết bao nhiêu nhà cửa. Con đừng bắn pháo như vậy nữa.
Tý tiếp tục cho pháo xé không gian, nhưng cuối cùng Tý không cho “bùm”. Tý cho “keng” một cái. Tý mỉm cười, nói với Sư Ông : “Pháo này tịt ngòi”, Sư Ông có vẻ bằng lòng. Từ đó về sau, Tý không chơi trò bắn pháo khi có Sư Ông ngồi gần nữa. Tuy nhiên Tý lại thích trò chơi này. Trò chơi thỏa mãn trí tưởng tuợng của Tý. Nó thỏa mãn lòng yêu tốc độ của Tý. Nó cũng thỏa mãn cái cảm giác ưa thích nghe tiếng nổ bùm của Tý. Trong người Tý, Tý cảm thấy một sức sống như đang trào lên. Sức sống ấy muốn đi mau. Muốn nổ lớn. Muốn bung ra. Vì vậy Tý nghĩ Tý sẽ còn chơi trò chơi này nhiều lần nữa.

35. Ba và cô Tâm Trân diễn kịch

Anh chàng Miêu có một màn trình diễn rất ăn khách, đó là màn đọc ca dao tiếng Huế. Màn này do cô Giao Trinh dạy cho Miêu ta học. Miêu đã đi Huế lần nào đâu mà cũng chưa lần nào nói chuyện với người Huế. Vậy mà Miêu trình diễn câu ca dao với giọng Huế đặc sệt. Màn trình diễn của Miêu rất ngắn. Sau khi chắp tay chào khán giả, Miêu đứng thẳng, nhìn hơi nghiêng sang trái, giả làm chàng thi sĩ đi trên bờ ruộng:
Ơi o tát nước bên đàng
răng o lại múc trăng vàng đổ đi?
Rồi Miêu xoay sang phía trái, giả làm cô thôn nữ đang trả lời cho anh chàng thi sĩ:
Mô nà? Trăng mô mà trăng? Nước rõ ràng đây nì!
Lần nào Miêu cũng thành công khi trình diễn màn này. Bé Thanh Thảo có một bài hát ruột; hễ lần nào được mời lên thì lập tức lôi bài ấy ra. Nó vừa hát vừa đưa tay làm điệu bộ:
Ê cái thằng Tý Sún, Tý Sún
Nhe cái răng nham nhở vô cùng
(Thảo nhe răng và đưa ngón tay chỉ vào răng)
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi
(Thảo làm dấu bỏ kẹo vào miệng liên tiếp bằng hai tay)
Anh Tý ơi này nghe chúng tôi
(Thảo đưa một ngón tay lên)
Chăm đánh răng người trông mới tươi
Răng và tóc là gốc con người
(Thảo lấy ngón tay chỉ răng và tóc)
Răng có đẹp thì đời mới vui.
Nào có nhọc gì việc đánh răng?
Cầm bàn chải tựa như kéo đàn
(Thảo làm dấu kéo đàn vĩ cầm ngang miệng)
Kem rất thơm ngọt, đâu có ngán?
Chỉ xẹt xẹt mấy cái là xong.
Thảo hát xong chắp tay chào và rút lui khỏi sân khấu mau như một mũi tên.
Bé Phòng có mấy bài hát mà Mẹ của Phòng dạy cho. Bài ruột của nó là bài Con cò bé bé:
Con cò bé bé
nó đậu cành tre
Ði không hỏi mẹ
biết đi đường nào?
Khi đi em hỏi
Khi về em chào
miệng em chúm chím
mà mẹ có yêu không nào?
Màn Con cò bé bé rất được hâm mộ. Một phần là vì cái thân hình nhỏ của chàng ca sĩ. Bé Phòng chưa đầy bốn tuổi. Miêu thường chạy theo Phòng và nhại:
khi đi em … khóc
khi về em … gào
miệng em mếu máo
mà mẹ có… phết đít không nào?
Bé Phòng tức lắm, chạy đuổi theo anh Miêu để trả thù, nhưng làm sao mà Phòng chạy kịp Miêu? Ðến Tý mà có khi cũng không rượt kịp Miêu nữa mà. Phòng đành dừng lại. Nói vậy chứ Phòng giỏi lắm. Nó đã biết ăn rau và cũng đã biết để dành bạc cắc để trồng cây mận.
Có một hôm văn nghệ thiếu nhi được tổ chức dưới hình thức lửa trại, đốt ở Xóm Thượng. Hầu hết dân hai xóm đều có mặt trên đó. Sau khi thiếu nhi trình diễn nhiều màn múa hát, chị Thanh Trang đề nghị người lớn tham dự vào cuộc trình diễn. Ý kiến của chị lập tức được hưởng ứng. Vậy là người lớn được mời lên ca hát và đóng kịch. Chú Thư có nhiếu màn trình diễn rất hay. Chú lại bày ra những trò có chú Lễ, chú Vũ, chú Quang và cả cô Hà tham dự. Cô Thanh, mẹ của chị Thanh Trang được mời hát bài Bông Hồng Cài Áo. Giọng của cô rất hay khiến cho Tý ngạc nhiên. Sau khi cô Thanh hát xong, Sư Ông hỏi chị Trang xem ở nhà Mẹ có thường ca hát không; chị Trang trả lời là không. Sư Ông bảo phải về tổ chức văn nghệ gia đình hàng tuần để cho Mẹ hát. Sư Ông còn nói là gia đình nào cũng nên tổ chức văn nghệ trong đó có từ cha mẹ tới con cái phải đóng góp về việc trình diễn.
Cô Duyên được mời trình diễn những bài nhạc mới có âm điệu Huế. Cô hát giọng Huế rất hay. Hầu hết mọi người lớn có mặt đêm ấy đều được thiếu nhi ép ra trình diễn.
Trong khi người lớn trình diễn các bài hát, bé Hạnh Thuần tự động lên sân khấu để múa theo lời nhạc. Các điệu múa hoàn toàn do Hạnh Thuần sáng tác tại chỗ. Hạnh Thuần là thiếu nhi múa đẹp nhất Làng. Thuần lớn hơn bé Vi một chút; nó khoảng bốn tuổi. Nó múa rất đẹp. Ðộng tác của nó uyển chuyển và tự nhiên. Hạnh Thuần được khán giả tán thưởng rất nhiệt liệt. Cuối cùng, Ba của Tý được mời lên hát một bài.
Ba lên nhưng không lúng túng chút nào. Ba bảo Ba muốn trình diễn một vở kịch, nhưng Ba cần có người phụ tá đóng kịch chung với Ba, và Ba yêu cầu một người lên tình nguyện. Thấy Ba can đảm quá, cô Tâm Trân liền đưa tay lên, tình nguyện phụ diễn với Ba.
Khán giả rất được khích động. Những người lớn tuổi này mà diễn kịch thì chắc là lạ lắm. Bọn thiếu nhi chưa bao giờ thấy những người lớn và nghiêm trang như Ba và cô Tâm Trân đóng kịch hồi nào cả. Mọi người chờ đợi với nhiều sự thích thú.
Ba nói :
– Vở kịch mà chúng tôi sắp trình diễn tên là Môn thuốc gia truyền, nhưng chúng tôi cần hai phút để tập dượt. Vậy trong khi chờ đợi, các thiếu nhi nên trình bày một bài hát.
Nói xong, Ba mời cô Tâm Trân đi ra khỏi vùng sân khấu. Chị Bích liền đề nghị các chị Hoàng Thủy, Hoàng Trang và Hoàng Nhã ra… Ba chị hát bài Tuổi Thần Tiên của Phạm Duy:
Tuổi thần tiên có con sông thật dài
và nhà máy to kêu vang hồi còi
tuổi thần tiên có quê hương đổi mới
nước non thanh bình cho bé an vui…
Bài hát vừa chấm dứt thì cô Tâm Trân nhắc một chiếc ghế ra sân khấu. Cô chỉ chiếc ghế và giới thiệu :
– Ðây là nhà của tôi.
Rồi cô đưa tay ra chỉ vùng đất sân khấu và nói :
-Và đây là ruộng lúa của tôi. à, hình như có ai trước cổng nhà. Ðúng rồi, một cụ già.
Lúc đó Ba từ từ ngoài cổng chống gậy bước vào. Thân hình Ba còng xuống, dựa trên một chiếc gậy. Tay trái Ba để sau lưng. Ba đi từng bước rất nặng nhọc, vừa đi vừa run.
– Tội nghiệp ông già quá, cô Tâm Trân la lên, đi đâu mà lụm khụm thế này ông ơi. Ðể tôi ra giúp ông.
Cô đi ra cổng đỡ ông già và đưa ông vào nhà. Tới nơi, cô đặt ông ngồi xuống chiếc ghế. Ông già thở hổn hển và đưa tay lên ngực. Ông làm như là hết hơi.
– Tội nghiệp quá, để tôi đi lấy nước cho ông uống.
Ông già xua tay như muốn nói không cần uống nước.
Bà chủ nhà :
– Vậy thì để tôi đi lấy cơm ông ăn. Ngó bộ ông đói rồi đa. Ông từ đâu tới? Ði đường xa mà không đói sao được.
Ông già ngồi yên, không trả lời, cũng không phản đối.
Bà chủ nhà đi ra sau bếp và đem lên một chén cơm và một đôi đũa. Nói là bếp nhưng đâu có bếp núc gì; nói là chén cơm và đôi đũa nhưng đâu có cơm và đũa. Cô Tâm Trân chỉ có hai bàn tay không nhưng cô giả bộ có cầm chén và cầm đũa.
Ông già đón lấy bát đũa, bắt đầu ăn. Ba đóng kịch khéo quá. Ba úp lòng bàn tay trái lại để làm cái chén cơm, và xòe hai ngón tay của bàn tay phải ra để làm đôi đũa.
Ông già ăn xong chén cơm, đưa cái chén không ra cho bà chủ nhà đi xới cơm thêm. Ông ăn một hồi ba chén cơm. Xong ông trả chén đũa cho bà chủ, nói “cám ơn” rồi đưa tay vỗ bụng một cách khoan khoái. Ðây là lần đầu tiên ông mở miệng nói.
Bà chủ hỏi :
– Ông già ăn no chưa, tôi đi xới cơm thêm nghe.
Ông già chậm rãi :
– Cám ơn bà chủ, tôi no rồi. Tôi thấy trong người khỏe khoắn lắm. Ðể cám ơn bà chủ, tôi sẽ chỉ cho bà một món thuốc gia truyền để bà có thể cứu sống nhiều người.
– Vậy hả, vậy thì quý hóa quá. Cây thuốc phải đi tìm ở đâu, hả ông già?
– Ôi, cây thuốc đó quanh nhà bà nơi nào cũng có. Bà cho tôi uống một miếng nước, rồi tôi sẽ đưa bà đi nhận mặt cây thuốc quý giá đó.
Cô Tâm Trân đi lấy nước cho Ba uống. Ông già uống xong, đứng dậy. Bây giờ ông đi đứng chững chạc hơn trước, tuy rằng ông vẫn còn chống gậy. Hai người đi ra ngõ.
Ra khỏi ngõ, vào tới ruộng lúa, ông bứt một cọng lúa đưa lên cho bà chủ nhà xem :
– Ðây, môn thuốc gia truyền quý báu là cái cây này đây, bà ơi.
Bà chủ nhà :
– Ðây là cây lúa đây mà. Ông già này lẩn thẩn quá.
– Tôi không lẩn thẩn đâu bà ơi. Hồi nãy tôi đói sắp té xỉu ngoài ngõ, nếu không có bà dìu vào và cho tôi cái môn thuốc thần diệu này thì tôi làm sao mà sống được. Bà nên biết lúa gạo là môn thuốc thần diệu nhất trên đời. Nó cứu cho hàng trăm triệu người khỏi chết đói. Sáng hôm nay, bà đã cứu được một mạng người, đó là tôi. Tôi nghĩ chúng ta ai cũng nên ra công trồng cho thật nhiều cây thuốc này để cứu nhân độ thế. (Rồi ông ngửng lên nhìn vào khán giả.) Có phải vậy không hả, các ông bà?
Khán giả vỗ tay rầm rầm. Tý rất hãnh diện. Ba Tý đóng vai ông già hay quá. Ba ốm nhỏ nên đóng vai này lại càng hay. Chú Lễ nói to :
– Ai ngờ anh Cả tài nghệ cao như vậy!
Sư Ông nhắc là đã đến giờ thiền tọa. Buổi văn nghệ chấm dứt. Mọi người giải tán. Dân Xóm Hạ chuẩn bị lên xe về lại Xóm Hạ. Tý và Sâm đi lấy nước tưới tắt lửa trại phòng ngừa cháy rừng.

34. Bánh bò ngọt mua chua trả đây

Cô Trinh là người để ra nhiều thì giờ nhất để dạy thiếu nhi. Các lớp học của cô đều được tổ chức tại Xóm Hạ. Cô lại còn tập cho thiếu nhi múa, hát và đóng kịch nữa. Một hôm, trong lớp quốc văn, cô nói với Tý là cô có một bài thơ trong đó có tên của Tý. Và cô đọc bài thơ đó cho Tý chép. Bài thơ như sau:
Làm sao phổ được phiến hùng tâm
của Phật vào trong khúc Việt cầm?
cho độc huyền kia từ một sợi
mà vươn lên thành hải-triều-âm?
Cô Trinh cho biết tác giả bài thơ là Linh Thoại. Cô hỏi Tý có biết ý nghĩa của ba tiếng Hải Triều Âm không? Ðã từng được Sư Ông giải thích cho nghe về tên mình rồi nên Tý trả lời cho cô một cách trôi chảy rằng hải triều âm là tiếng của thủy triều lên. Thủy triều là nước rồng. Nước rồng là nước biển. Tiếng nói của đức Phật cũng gọi là hải triều âm bởi vì tiếng nói đó oai hùng và có năng lực thức tỉnh mọi người. Ba nói ngày xưa Sư Ông có làm một tờ báo hàng tuần lấy tên là Hải Triều Âm.
Ba đặt tên Hải Triều Âm cho Tý từ hơn mười năm về trước mà Ba chưa từng giải thích ý nghĩa của cái tên đó cho Tý. Phải đợi đến lúc vượt biển sang tới Pháp, Tý mới được Sư Ông nói cho nghe. Từ đó mỗi khi có người Pháp hỏi Tý tên của Tý có nghĩa là gì, Tý trả lời: la voix de la marée montante. Cô Trinh giải thích bài thơ cho cả lớp nghe. Cô nói phiến hùng tâm tức là tinh thần từ bi và trí tuệ và dũng cảm lớn của Phật. Khúc Việt cầm có nghĩa là bản đàn Việt, tức là đời sống và văn hóa Việt Nam. Hai câu đầu của bài thơ tỏ bày ước nguyện của tác giả là làm sao cho đời sống Việt Nam thấm nhuần tinh thần đại bi, đại trí và đại dũng của đức Phật:
Làm sao phổ được phiến hùng tâm
của Phật vào trong khúc Việt cầm?
Nếu làm được như thế, cô Trinh nói, thì cây đàn độc huyền, nhạc cụ thô sơ một dây của dân tộc ta, cũng có thể rung lên và tạo thành tiếng thủy triều của biển cả:
Cho độc huyền kia từ một sợi
mà vươn lên thành hải-triều-âm.
Sau lớp học, Tý chạy đi tìm Ba để hỏi xem Ba có biết Linh Thoại tác giả bài thơ là ai không. Tý gặp Ba ở vườn tía tô. Ba nói Ba rất quen với Linh Thoại. Ông này là thi sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Hiện ông còn sống ở quê nhà. Cái biệt hiệu Linh Thoại là một biệt hiệu mới, chưa mấy ai biết đến. Tý đọc bài thơ cho Ba nghe. Ba nói Ba đã đọc bài thơ này ở đâu một lần rồi, hồi gia đình Tý còn cư trú ở đảo Palawan.
Ba bảo Tý giờ này Quán Cây Sồi đã mở cửa và cho Tý mười đồng, bảo Tý rủ Miêu đi ăn quà. Tý trả mười đồng lại cho Ba bởi vì trong túi Tý còn nhiều tiền. Các cô các bác ở Xóm Thượng đã cho Tý và Miêu tiền ăn quà nhưng hai đứa ít dùng tới tiền này lắm. Tý và Miêu đã để dành đủ số tiền để trồng thêm cho Chó Con một cây mận. Ba cho Tý biết chiều nay quán cốc có bán bánh bò do Mẹ làm. Ba rủ Tý đi Quán Cây Sồi để xem bánh Mẹ làm có khéo không. Tới quán, Tý thấy hôm nay có cả bánh ít lá gai do cô Yến làm và bánh tiêu cùng dầu chao quảy của bác An làm. Lại có chè đậu đen nữa.
Tý gặp Sư Ông ngồi trên võng giữa hai cây sồi. Sư Ông đang ăn chè đậu đen. Tý đã được Ba mua cho một cái bánh tiêu. Tý ngồi xuống trên một tảng đá gần bên Sư Ông và đề nghị mua tặng cho Sư Ông một cái bánh tiêu khác, bởi vì Tý nhận thấy bánh tiêu rất ngon. Sư Ông bằng lòng. Khi Tý đi mua bánh trở lại thì Sư Ông đã ăn xong chén chè. Sư Ông đặt chén và muỗng xuống đất, chắp tay lại và nhận quà của Tý. Sư Ông cho Tý biết là hồi nhỏ Sư Ông rất ít được ăn quà tuy rằng Sư Ông rất ưa ăn quà. Mẹ của Sư Ông không ưa các con bà ăn vặt. Nhưng Sư Ông lại ưa thiếu nhi được ăn quà. Hồi năm 1974, Sư Ông đã chuẩn bị viết một cuốn truyện cho thiếu nhi trong đó có nhiều chuyện mạo hiểm, nhiều trò chơi và đủ các thứ hàng quà mà trẻ em thích. Sư Ông đã phỏng vấn thiếu nhi về những món quà họ thích, từ trái chùm ruột cho đến cà rem đậu xanh. Sư Ông đã thâu thanh đầy ba cuốn băng nhựa toàn là những hàng quà do trẻ em kể lại. Nhưng Sư Ông đã không viết được cuốn sách này, bởi vì năm 1975 nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn bị đóng cửa.
Cô Chín thường yêu cầu các cô bán hàng Quán Cây Sồi tập rao lên những món hàng mình bán. Cô nói tiếng rao hàng Việt Nam đặc biệt lắm. Ðó là một thứ âm nhạc thuần tuý quê hương. Có hôm bưng giúp món chè thưng của Mẹ nấu từ nhà Tý ra quán cốc, cô đã rao như sau:
Ai ăn bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát không?
Các cô các chị còn ưa mắc cỡ nên ít ai rao được như cô Chín. Quán Cây Sồi bán nhiều thứ quà lắm. Mỗi bữa có ba hoặc bốn thứ quà. Có hôm quán bán bì cuốn của cô Trí Hải. Hôm đó có dân Bordeaux xuống Làng rất đông. Bì cuốn bán hết trong vòng mười lăm phút. Rất nhiều người than phiền là không có để mua. Có hôm quán bán xôi đủ màu. Có đậu xanh, có dừa tươi nạo nhỏ, có muối mè, muối đậu phọng và cả bánh phòng mì kèm theo. Ngoài món bánh ít lá gai, cô Yến còn làm cả bún riêu và hủ tiếu nữa. Bác An thì trổ tài làm bánh tiêu và dầu chao quảy. Cô Thanh thì trổ tài làm bánh bao. Có nhiều người tới quán tỏ ý xin học nghề làm bánh tiêu và bánh bao. Sư Cô Trí Nguyện làm bánh cam rất xuất sắc. Cô Tâm Trân làm bánh bột lọc, bánh khói và chuối chưng. Cô Trinh làm ”xinh xa hột lựu” rất khéo. Ngoài ra còn nhiều thứ quà khác như chè đậu đen, chè đậu đỏ, đậu hủ hoa, hột é đười ươi, nước chanh muối, bắp non chiên… còn nhiều thứ nữa mà Tý không nhớ.
Có một buổi tối trong giờ văn nghệ, các thiếu nhi trình diễn lời rao. Bé Thơ bắt đầu: ”Mì dòn, mì thịt, mì chả; bánh cam nhân đậu nhân dừa không nào?” Bé Thơ rao bằng tiếng Bắc, bắt chước bà hàng thường đi qua nhà Thơ ở cư xá Lữ Gia mỗi buổi sáng. Câu rao này của Thơ ăn khách lắm. Khán giả vỗ tay rất lâu.
Anh chàng Miêu lên trình diễn một câu rao rất ngắn: “Mía hấp“. Anh chàng Sâm lên rao: “Răng vàng, bạc vàng giả bán không?” cũng rất thành công. Chị Thanh Trang rao ba câu khoai lang khác nhau:
“Ai ăn khoai lang không?”
“Ai ăn khoai lang bí không?”
“Ai ăn khoai lang nấu đường không?”
Chị Hoàng Trang rao:
“Ai ăn bánh dừa nhưng tôm thịt không?’
Anh Hoàng Vũ rao, theo giọng người Hoa:
“Bánh bò, bánh bò dầu chao quảy.
Chị Tri Thủy làm khán giả cười gần bể bụng:
“Hột vịt lộn vịt vữa không?”
Ðến lượt Tý được mời lên sân khấu. Tý rao theo giọng một cậu bé:
Bánh bò đây, bánh bò đây, bánh bò Chợ Lớn đây, bánh bò ngọt mua chua trả, bánh bò Chợ Lớn đây.”
Thiên hà cười ầm và vỗ tay không ngớt. Tý chắp tay cúi đầu chào khán giả và cảm thấy hơi bẽn lẽn.

33. Tý dự thiền trà

Chiều hôm ấy, Tý nhận được một lá thơ mời dự thiền trà tại Tham Vấn Ðường vào lúc năm giờ chiều ngày mai. Lá thơ do Ba ký. Tý mừng lắm. Mỗi buổi thiền trà như thế, chỉ có mười bốn người được mời tham dự. Trong số các thiếu nhi về Làng chỉ mới có bốn đứa được dự thiền trà. Ðó là Hạnh Ðoan, Hoàng Nhã, Sâm và Miêu. Thường thường thì trong mỗi buổi thiền trà có hai thiếu nhi được tham dự. Tý nghe cô Tâm Trân nói là Miêu đã ngồi rất đẹp trong buổi thiền trà do Ni Sư Linh Phong chủ tọa và do cô pha trà. Miêu đã ngồi rất thẳng và đã theo đúng phần nghi lễ trang trọng của buổi thiền trà. Nghe cô Tâm nói, Tý muốn bật cười. Anh chàng Miêu mà được cô Tâm Trân khen như thế thì quả thật là anh ta đã cố gắng hết sức mình. Cô lại nói rằng Hạnh Ðoan ngồi cũng rất đẹp và phong thái rất đoan trang, thật xứng với cái tên Hạnh Ðoan của mình. Tý hy vọng ngày mai mình cũng sẽ ngồi uống trà đẹp được như Hạnh Ðoan. Ít nhất cũng phải bằng anh chàng Miêu, Tý nghĩ.
Sáng hôm sau, Tý được biết là Thanh Tuyền, tức là bé Thơ, cũng được mời dự thiền trà một ngày với Tý. Bé Thơ nhận được thơ mời cũng tỏ vẻ sung sướng lắm. Các bé như Bảo Khánh, Bảo Tịnh, Hoàng Hiếu, vân vân… chưa được mời dự thiền trà lần nào, đã tỏ ra rất nóng ruột. Bé Hiếu cứ theo sát cô Chín để xin cô vận động cho mình được mời dự thiền trà. Cô Chín nói thiếu nhi nào cũng sẽ được giấy mời; có thể muộn một chút, nhưng chắc chắn là thế nào cũng được mời. Tý thấy cả người lớn cũng tỏ vẻ hân hoan khi nhận được giấy mời đi dự thiền trà.
Vào lúc tám giờ rưỡi sáng, Tý và bé Thơ được cô Tâm Trân đưa xuống Xóm Hạ bằng xe hơi. Bé Thơ mặc áo dài màu đỏ tươi mhư một cái bông hồng. Tý cũng mặc áo sơ mi trắng rất sạch. Xuống tới Xóm Hạ, Tý và Thơ được đưa vào sân Tham Vấn Dường, ngồi trên những tảng đá sắp thành vòng tròn chen giữa những khóm trúc. Những người lớn được mời dự thiền trà sáng nay đều có mặt tại đó. Trong số những người có mặt, Tý thấy có sư cô Trí Hải, chú Thư, chú Thanh, chú Tính, cô Liên, cô Lai và chị Bích. Có cả chú Nico và anh Jens nữa. Hai người này là người Hòa Lan. Tý nghe nói hôm nay bác Huệ Ðạo làm chủ tọa thiền trà, còn chị Diễm Thanh ngồi pha trà.
Ba không có dự thiền trà sáng nay nhưng Ba cũng có mặt ở Tham Vấn Ðường. Ngồi trên một phiến đá, Ba nói chuyện về nghi lễ thiền trà cho những người sắp dự. Ba nói có hai phần, phần đầu yên lặng và phần thứ hai có trao đổi chuyện trò. Trong phần đầu, mọi người ngồi thoải mái, theo dõi hơi thở của mình và tất cả những động tác của mình một cách chăm chú và có ý thức. Trong phần thứ hai, tuy mọi người có chuyện trò, mọi người vẫn theo dõi hơi thở và biết mình đang nghe hay nói điều gì. Ba nói:
– Trong đời sống hàng ngày, vì áp lực của sự sống và của xã hội, chúng ta thường phải vội vã. Chúng ta thường phải đối phó với tương lai. Ít khi chúng ta được thảnh thơi mà sống trong giây phút hiện tại. Thiền trà là một dịp để chúng ta ngừng lại và nắm lấy quyền tự chủ của ta. Ta ngồi ngay ngắn nhưng thoải mái. Ta thở những hơi dài, nhẹ và có ý thức. Ta chủ động lấy ta trong mọi cử chỉ, như khi nâng tách trà lên, hoặc uống một hớp trà. Ta phải làm cho giờ phút hiện tại có mặt, bởi vì chỉ có giờ phút hiện tại mới là sự sống.
Ba còn nói nhiều nữa, nhưng Tý không hiểu hết. Có vài người đặt câu hỏi về cách ngồi trong lúc thiền trà. Ba vừa trả lời xong thì có tiếng một hồi bảng vọng lên từ Tham Vấn Ðường. Chị Diễm Thanh đã chuẩn bị xong. Bác Huệ Ðạo trong chiếc áo tràng màu khói hương đứng dậy và đưa mọi người đến trước Tham Vấn Ðường. Cửa Tham Vấn Ðường được mở rộng. Mọi người nối theo nhau vào, và để giầy giép trước bực đá. Tý nhận thấy ai cũng ăn mặc chỉnh tề. Chú Thư cũng có áo tràng. Các cô và các chị đều mặc áo dài.
Mọi người chia nhau đứng thành hai hàng sau bác Huệ Ðạo, hướng về phía bàn thờ thiền tổ. Bàn thờ này nhỏ và thấp. Trên bàn thờ có một bình hoa nhỏ và một cây đèn nến. Bình hoa này chắc đã được chị Diễm Thanh cắm. Phía sau bàn tổ có buông một bức họa lớn. Trên bức họa có hai hàng chữ viết tay. Nét bút vừa mạnh khỏe vừa uyển chuyển: Respire, tu est vivant. Tý đã từng nghe Ba dịch câu ấy ra tiếng mẹ đẻ. Ba dịch là thở đi, ngươi là một sinh thể. Ba còn nói Sư Ông chưa bằng lòng với lời dịch. Tuy vậy Sư Ông chưa thấy lời dịch nào khá hơn. Bên phải bàn thờ là một chiếc ché màu nâu trong đó có cắm ba bông hướng dương thật lớn, màu vàng rực nổi bật trên những tờ lá lớn thẫm mầu. Mùa này ở Xóm Hạ hoa hướng dương đã mãn khai. Chú Dũng nói có tới khoảng năm triệu bông cả thảy. Tý thấy trên Xóm Thượng, chú Minh Hải cũng chưng bông hoa hướng dương. Sư Ông đã rủ thiếu nhi đi  thăm đồng hướng dương mấy lần. Có một hôm chú Lễ hái một bông hướng dương thật lớn và thật đẹp đem về sân Tham Vấn Ðường. Hôm đó hầu hết dân hai xóm đều có mặt tại Xóm Hạ. Ba đề nghị chụp hình cho từng người, tay cầm bông hướng dương, giống như trong truyện Tố. Tất cả mọi người, kể cả bé Vi nhỏ nhất, đều đã chụp hình. Chú Lễ làm nghề nhiếp ảnh. Chú đã chụp hết ba cuộn phim màu.
Chú Thư thắp một cây hương, bước nhè nhẹ và trịnh trọng tới gần bác Huệ Ðạo, rồi đưa cây hương lên bằng hai tay một cách kính cẩn. Bác Huệ Ðạo đỡ lấy cây hương đưa lên trước trán, cũng bằng hai tay. Bác thầm niệm bài kệ dâng hương. Một lát sau bác cúi đầu trước bàn thờ thiền tổ rồi trao cây hương cho chú Thư. Chú Thư nhận lấy cây hương, bằng hai tay, rồi lại chầm chậm bước lên gần bàn thờ. Chú quỳ xuống và cắm hương rất thông thả, rất nhẹ nhàng. Cây hương đứng rất thẳng. Một làn khói màu lam nhỏ bằng cây hương đi lên cũng rất thẳng: giống như cây hương đã trở thành một sợi dây dài trên một thước.
Sau khi chú Thư đã trở về chỗ đứng của mình ở hàng trên thì bác Huệ Ðạo chắp tay lên trán và lạy xuống trước bàn thờ thiền tổ. Tất cả mọi người cùng lạy xuống. Tý đứng ở hàng sau nên thấy được anh Jens và chú Nico lạy. Họ lạy rất giỏi. Khi mọi người lạy xong ba lạy thì bác Huệ Ðạo quay lại chắp tay hướng về mọi người. Bác trang trọng nói: ”Xin kính chào đại chúng”, rồi lạy xuống một lạy. Mọi người đều lạy xuống đáp lễ.
Bác Huệ Ðạo đưa tay mời mọi người ngồi trên những chiếc tọa cụ bày thành vòng tròn. Tý ngồi xuống trong tư thế hoa sen. Bên trái Tý là anh Jens. Bên phải là cô Nga. Bé Thơ ngồi phía trước mặt Tý, giữa cô Trí Hải và chú Tính. Thơ ngồi rất ngay ngắn và rất tự nhiên. Tý cố gắng ngồi cho thẳng và thở nhẹ như lời Ba dặn. Mọi người ai nấy đều lặng lẽ và nghiêm trang. Từ chỗ ngồi của mình, Tý có thể trông thấy chị Diễm Thanh. Chị ngồi bên phải bác Huệ Ðạo; phía trước và phía sau đều có những dụng cụ pha trà. Chị đang pha trà một cách chăm chú. Cử động của chị thong thả và ung dung. Chắc là chị vừa pha trà vừa chú ý tới hơi thở.
Tý đã từng được nói chuyện với chị Diễm Thanh. Chị Thanh đang học nghề chữa răng ở Paris. Năm nay chị ấy đã hai mươi mốt tuổi. Bọn Tý đã từng theo chị đi hái lê ở Xóm Thượng nhiều lần. Chị dạy cho bọn Tý nhiều trò chơi. Chị ăn mặc rất đơn giản; Tý chưa bao giờ thấy chị trang điểm phấn son lần nào.
Chị Diễm Thanh vừa pha trà xong chén trà đầu tiên. Chị đặt chén trà lên một chiếc khay nhỏ và nâng khay trà lên ngang trán bằng cả hai tay. Bé Thơ từ từ đứng dậy và đi từng bước thong thả đến trước mặt chị. Sau khi chắp tay thành búp sen trước ngực, Thơ đón lấy chiếc khay trà, xoay mình sang phải và bước tới nâng khay trà trước mặt bác Huệ Ðạo. Bác Huệ Ðạo từ từ đứng dậy. Bác chắp tay trước mặt bé Thơ, nhận lấy khay trà và quay lại dâng trà trên bàn thiền tổ. Bé Thơ chắp tay. Mọi người cùng chắp tay trong khi bác Huệ Ðạo dâng trà.
Sau khi dâng trà, bác Huệ Ðạo quay trở ra xá và từ từ ngồi xuống. Bé Thơ cũng xá và quay trở ra đi chầm chậm về chỗ cũ của mình, ngồi xuống. Chén trà đầu tiên đã được dâng lên thiền tổ.
Chị Diễm Thanh nâng khay bánh lên, và tiếp đó chuyển khay về phía bác Huệ Ðạo. Bác chắp tay lại thành búp sen, nhận một chiếc khăn giấy và một cái bánh tròn rồi đỡ lấy khay chuyển về phía cô Trinh. Cô Trinh cũng chắp tay như bác Huệ Ðạo trước khi nhận khăn và bánh. Cô chuyển khay về phía cô Trí Hải. Sau cô Trí Hải là Tý. Tý chắp tay nhận bánh. Chuyển khay về phía anh Jens xong, Tý mới nhớ là trong lúc làm những cử động ấy, Tý quên theo dõi hơi thở như ba dặn.
Khay bánh vừa chuyền đến bé Thơ thì khay trà được chuyền tới Tý. Tý chắp tay. Lần này Tý nhớ theo dõi hơi thở. Tý nhận chén trà của mình, đặt chén trà ấy xuống trước mặt mình một cách nhẹ nhàng, rồi tiếp lấy chiếc khay trà để chuyển về phía anh Jens. Khay trà nặng hơn khay bánh nhiều. Chị Diễm Thanh phải dâng tới hai khay trà mới đủ cho tất cả mọi người. Tý đếm được cả thảy mười sáu người, trong đó kể cả bác Huệ Ðạo và chị Diễm Thanh.
Sau khi mọi người đã có trà và bánh đầy đủ, bác Huệ Ðạo chắp tay và nói:
– Xin mời đại chúng dùng trà.
Mọi người chắp tay thành búp sen để đáp lễ.
Bác Huệ Ðạo nâng chén trà lên bằng hai tay, trân trọng như là nâng một cái chén bằng ngọc. Mọi người đều làm như bác. Tý cũng nâng trà lên bằng hai tay. Tý ngửi thấy hơi trà rất thơm. Tý uống một ngụm rồi đặt chén trà xuống. Mọi người ăn bánh và uống trà trong yên lặng. Tý nhìn sang chị Diễm Thanh thì gặp cái nhìn của chị ấy. Chị ấy lại mỉm cười với Tý. Bác Huệ Ðạo rất trang nghiêm. Bác không cười. Bé Thơ cũng ngồi trang nghiêm. Bé là người nhỏ tuổi nhất trong số những người dự thiền trà. Bác Huệ Ðạo là người lớn tuổi nhất. Ba nói bác đã sáu mươi mấy tuổi rồi.
Chị Diễm Thanh lên tiếng nhỏ nhẹ:
– Quý bác và anh chị nếu muốn có thêm trà trong chén thì xin chắp tay.  Cái khay sẽ được tự nhiên chuyền đến.
Chú Thư lên tiếng nói về không khí thanh tịnh của một buổi thiền trà. Chú nói người đầu tiên tìm ra được lá chè tàu là một vị thiền sư Trung Hoa. Các thiền sư là những người đầu tiên nấu thứ này để uống. Thấy uống thì tỉnh táo hơn khi ngồi thiền nên họ đã tìm cách bào chế ra trà. Từ đó trà từ từ được năm châu biết đến. Chú nói trà với thiền có lịch sử chung gần hai ngàn năm. Mọi người góp ý với chú Thư về liên hệ giữa thiền và trà. Thỉnh thoảng cô Giao Trinh tóm lược câu chuyện bằng tiếng Anh cho hai người Hòa Lan nghe. Chú Nico cũng phát biểu bằng tiếng Anh. Nhờ cô Giao Trinh dịch, Tý mới hiểu được chú nói gì. Chú nói là chú đã từng được dự trà lễ Nhật Bổn nhiều lần, nhưng không lần nào chú có được cảm giác thanh thoát và an lạc như trong buổi trà lễ Việt Nam này. Chú nói là chú sẽ về tổ chức thiền trà theo lối này tại Amsterdam. Chú Nico ngồi theo tư thế kiết già đẹp lắm.
Ni Sư Trí Hải nhắc đến bài ca dao Ðêm qua ra đứng bờ ao. Cô nói trong bài này có một danh từ thiền. Ðó là danh từ Tào Khê. ”Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.” Cô nói Tào Khê là đất của thiền tổ Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của thiền tông bên Tàu. Mọi người góp ý với cô về bài ca dao. Bài này Tý cũng thuộc. Ni Sư Trí Hải đề nghị cô Trinh trình diễn một bài đàn tranh. Tý hiểu là cô Trinh đã chuẩn bị, bởi vì hồi nãy, lúc dâng hương, Tý thấy có một chiếc đàn tranh để ở góc Tham Vấn Ðường.
Ngồi trang nghiêm trước cây đàn, cô Giao Trinh chắp tay giới thiệu bản đàn. Cô nói cô sẽ đàn bản Ngũ đối hạ.
Tiếng đàn như rót vào tai Tý. Tiếng đàn thanh tao và thánh thót. Trong cảnh trang nghiêm phảng phất khói hương trầm, giữa lúc mọi người ngồi trầm tĩnh và yên lặng, tiếng đàn vọng lên có khi như những hạt ngọc lăn tròn, có khi như những lọn tuyết rơi phơi phới. Bản đàn của cô Giao Trinh đã kết thúc buổi thiền trà. Những cái khay được chuyền đi để thu lượm chén trà và khăn đựng bánh. Mọi người vẫn ngồi thanh thản, và cử chỉ của họ vẫn chậm rãi nhẹ nhàng. Cuối cùng bác Huệ Ðạo chắp tay. Mọi người chắp tay đáp lễ và cùng đứng dậy hướng về bàn thờ để xá trước khi ra khỏi Tham Vấn Ðường.
Tý được cô Giao Trinh cho biết là trong buổi thiền trà kỳ trước, bé Hạnh Ðoan đã đọc bài ca dao Sáng Ngày Em Ði Hái Dâu, chú Lễ đã đọc thơ Vua Trần Nhân Tông và cô Nga đã hát bài  Lời Ru Của Mẹ.
Vào lúc đó, cô Tâm Trân đã tới và cho Tý và Thơ biết rằng cô đã sẵn sàng để chở hai người về Xóm Thượng.

32. Con ốc có ba và có má

Sâm cùng tuổi với Tý, Sâm cũng là ”con chuột” như Tý. Hai đứa chơi rất thân với nhau. Sâm nhỏ hơn Tý hai tháng nhưng Sâm lại có vẻ mạnh hơn Tý. Làm gì Tý cũng có Sâm tham dự: dọn sân khấu, đốt lửa trại, tưới cây tùng, lau phòng tắm, khiêng đá và khiêng gỗ giúp chú Sơn. Chú Sơn chơi bi rất tài; tất cả thiếu nhi Xóm Thượng chơi với chú đều thua xiểng liểng. Không đứa nào cõng nổi chú, nhưng theo nguyên tắc đứa nào thua cũng phải cõng. Cõng không nổi thì lôi chú đi xềnh xệch. Hồi còn nhỏ có lẽ chú chơi bi nhiều lắm và thắng hết mọi đứa trẻ trong xóm. Tại Xóm Thượng cũng như ở Xóm Hạ, Tý thấy có lúc thiếu nhi chơi chung giữa con gái và con trai, nhưng thường thường thì con gái rủ nhau chơi riêng, và tụi con trai cũng vậy. Người lớn không bao giờ can thiệp vào những sinh hoạt của thiếu nhi, người lớn cũng không khuyên con trai và con gái chơi riêng; nhưng nếu tụi nó hay tự động chơi riêng là vì có nhiều trò chơi con trai không thích hợp với con gái. Bọn con trai như Tý chẳng thích chơi những trò chơi như cờ gánh, cờ quang; trái lại các đồng nữ như bé Thơ, bé Ton và bé Hiếu rất mê loại cờ này. Bọn Tý ưa chơi Tarzan, đi xe đạp, bắn bi, trèo cây, thám hiểm trong rừng. Có mấy thiếu nhi vì nói tiếng Việt không thạo nên không hòa hợp được với sinh hoạt chung. Các thầy giáo và cô giáo chú trọng đặc biệt tới các thiếu nhi này. Sư Ông cũng để nhiều thì giờ nói chuyện với họ. Ba nói chỉ trong vòng mười hôm các thiếu nhi này sẽ nói tiếng Việt khá và sẽ hòa hợp được với mọi người trong các trò chơi. Cô Chín nói năm ngoái Kim Trang đã có về sinh hoạt tại Am Phương Vân nhưng hôm mới về đây, Tý thấy tiếng Việt của Trang hơi cứng. Trang đi học ở Sables d’Olonne. Tại vùng Trang ở, chẳng có thiếu nhi Việt Nam. Vì vậy Trang chỉ nói tiếng Việt với Ba Má. Vậy mà sau bốn hôm tại Làng Hồng, giọng của Trang đã mềm ra và không khác với giọng của các bạn đồng tuổi.
Sâm và Tý sáng nào cũng đi ngồi thiền. Ðối với Tý, Sâm cũng gần bằng Ngữ. Tý tự bảo rằng một ngày kia có thể Tý cũng sẽ thân với Sâm giống hệt như Tý đã thân với Ngữ, nhưng Tý chắc rằng Sâm sẽ không chiếm chỗ của Ngữ trong lòng Tý. Sâm nói với Tý là Sâm cũng có một đứa bạn rất thân còn ở Việt Nam. (Ai mà không có ít nhất là một người bạn thân còn ở Việt Nam?) Bạn của Sâm tên là Minh Nhật. Tý hỏi Sâm tại sao Sâm thân với Minh Nhật. Sâm không nói. Sâm chỉ ầm ừ cho qua. Tý buồn cười. Tý nhớ lại hôm Sư Ông hỏi Tý tại sao Tý thân với Ngữ. Tý chẳng giải thích được cho Sư Ông hiểu. Hôm nay Sâm cũng chẳng giải thích được cho Tý tại sao Sâm thân với Nhật. Chắc Sâm cho là Tý hỏi vớ vẩn. Chơi thân là tại vì chơi thân, chẳng cần lý do gì hết. Tý nghĩ nếu Tý có thể chơi thân với Sâm thì Tý cũng có thể chơi thân với Nhật. Tý hài lòng khi nghĩ rằng tại quê nhà đã có Ngữ lại có Nhật. Bọn thằng Ngữ và thằng Nhật có thể là không đông bằng bọn thằng Lực và thằng Vũ nhưng sự có mặt của những đứa như Ngữ và Nhật ở quê nhà làm Tý yên tâm hơn. Ðất nước thân yêu của mình phải có những đứa tốt gìn giữ. Tý đem ý tưởng ấy nói với Sâm. Sâm gật đầu. Tý rủ Sâm đi chơi đánh cờ Cọp.
Hôm thứ năm, dân Xóm Thượng được mời xuống Xóm Hạ ăn cơm trưa. Ni Sư Trí Hải cho dân Làng ăn cơm bì ngon quá. Ni Sư Trí Hải làm món gì cũng khéo, cũng ngon. Cô Trí Hải nói tiếng Pháp cũng rất hay. Cô và cô Christine thường rủ nhau ra ngồi im lặng rất lâu bên cạnh những cây sồi cổ thụ trốc gốc. Có lần cô nói với Tý là cô thấy hai cây sồi vẫn còn sống và theo cô, chúng sẽ còn sống mãi mãi. Cô bảo là cô từng nói chuyện được với hai cây sồi. Bé Nhung rất mê cô Trí Hải. Bé Nhung mới có bốn tuổi. Nó ở Xóm Hạ. Nó có áo dài màu tím. Nó múa bài Ngàn Cây Gió Ðùa rất hay. Múa chung với bé Bảo Khánh và bé Hiếu. Mỗi khi ba đứa lên sân khấu múa Ngàn Cây Gió Ðùa thì lại có thêm Bé Vi leo lên theo. Bé Vi luôn luôn mặc áo dài trắng. Nó chỉ mới ba tuổi. Nó tự động leo lên sân khấu không đợi ai mời. Mỗi khi nó leo lên sân khấu múa theo các chị là thính chúng vỗ tay. Nó múa dễ thương lắm. Có một hôm nó đứng trên sân khấu một mình và múa bài Thưa ba má con chừa, ai thấy cũng thương. Nó đứng thẳng, đưa một ngón tay lên và làm dấu ”đừng”. Nó hát:
– Thưa ba má con chừa
con hổng dám nô đùa
với những kẻ hư thân
mà ba má hổng ưa.
Oánh toét đít cho mà xem
–  Úi, Úi da!
Giọng của bé Vi non nớt; tiếng ”không” nó đọc là ”hông”. Vừa hát ”Úi da, Úi da”, bé Vi vừa đưa tay xoa đít như là vừa bị đánh đòn, trông rất dễ thương. Thiên hạ vỗ tay.
Trong số các thiếu nhi Làng Hồng, có nhiều đứa đã được về Am Phương Vân. Sâm kể cho Tý nghe rất nhiều chuyện về Am Phương Vân, bởi vì Sâm đã được sống một tháng ở đó. Sâm kể rằng thiếu nhi về Am Phương Vân rất được Sư Ông cưng. Mỗi buổi chiều vào lúc ba giờ, Sư Ông tiếp tất cả thiếu nhi trong phương trượng của Sư Ông, và hôm nào bọn Sâm cũng được nghe Sư Ông kể một câu chuyện về đời đức Phật hoặc một câu chuyện tiền thân của đức Phật. Hồi đó có cả một em bé gái quốc tịch Bangladesh tên là Sarala. Bé Sarala có một cặp mắt rất to và rất đen. Bé Sarala không hiểu được tiếng Việt nên chị Thanh Bình phải ngồi bên phải dịch thành tiếng Pháp cho bé.
Sâm kể có một hôm Sư Ông đưa các thiếu nhi ra thăm bọn ốc ở ngoài vườn. Sáng hôm ấy trời nắng, nhưng cây cỏ còn đẫm sương. Bọn ốc bò ra chơi nhiều lắm. Có đến hàng trăm con. Có con đã lớn; có con còn nhỏ xíu. Sư Ông ngắt một đọt lá trên đó có một con ốc con, rồi đưa cho bọn Sâm quan sát. Bọn Sâm chúi đầu vào nhìn. Cái vỏ ốc được chế tạo rất tỷ mỷ và cân xứng. Cái vỏ ốc là cái áo giáp để che chở cho ốc. Sư Ông nói rằng người Pháp dưới xóm rất ưa ăn ốc này. Nghe nói thế, Bé Na le lưỡi, tỏ vẻ kinh sợ. Sư Ông đem đọt lá trả vào chỗ cũ rồi nói với bọn Sâm:
– Mình phải trả nó lại chỗ cũ kẻo nó đi lạc ba má nó.
Bé Xí hỏi:
– Con ốc mà cũng có ba má nữa sao Sư Ông?
Chị Trang của Sâm trả lời thay Sư Ông:
– Tại sao lại không? Con vật nào cũng do ba má của nó sanh ra. Tụi mình đi lạc thì ba má tụi mình lo sợ; con ốc đi lạc thì ba má nó cũng lo sợ.
Chiều hôm ấy khi lên đồi, bọn thiếu nhi đi rất cẩn thận. Bé Xí, bé Na, bé Thơ và bé Hạnh Thuần bảo nhau nhìn kỹ dưới chân xem có con ốc hoặc con sâu nào không. Nếu thấy có con nào là các bé cẩn trọng lấy một tờ lá xúc lên và đặt vào một cành cây bên đường. Bọn thiếu nhi lớn như Danh, như Sâm cũng làm như vậy. Bọn Sâm bắt đầu thấy con sâu và con ốc như những sinh vật có cha có mẹ, có vui có buồn, có mừng có sợ. Bọn Sâm bắt đầu biết tôn trọng và bào vệ sự sống của những loài bé nhỏ. Mẹ của Sâm từng nói với Sâm: nếu các con không thương yêu được những sinh vật bé nhỏ thì sau này các con cũng không thương yêu được con người.
Ở Am Phương Vân, Sâm kể, sáng nào người lớn cũng đi thiền hành chầm chậm từ am lên cây thông Thanh Từ trên đồi. Ði khoảng bốn mươi phút thì tới. Thiếú nhi cũng đi thiền hành chung với người lớn, nhưng đi tới một phần ba lưng đồi, chỗ bắt đầu có ruộng lúa thì được phép chạy chơi. Bé Thơ luôn luôn chạy đầu. Bé Thơ leo trèo rất giỏi. Bọn thiếu nhi lên tới cây thông Thanh Từ rồi chơi đùa với nhau một hồi lâu thì người lớn mới lên tới. Lên tới đây người lớn mới nói chuyện và chơi đùa với thiếu nhi. Chừng nửa giờ sau, người lớn lại bắt đầu chậm rãi đi thiền hành trở về. Bọn Sâm còn ở lại hái hoa và chơi đùa một lát sau mới chịu về theo. Tuy vậy bọn Sâm luôn luôn về tới am trước người lớn.
Có một hôm Sư Ông đưa thiếu nhi đi vào một khu rừng rất rậm rạp và hoang vắng. Khu rừng này cách Am PhươngVân chừng hai cây số, ở vào phía bên kia quốc lộ. Khi mọi người đến cửa rừng, Sư Ông đưa một ngón tay lên môi dặn rằng trong suốt cuộc hành trình trong rừng, không ai được nói chuyện. Phải tuyệt đối tôn trọng sự yên tĩnh của rừng. Không được làm náo loạn sự sống của những sinh vật trong rừng. Nếu muốn nói gì với nhau thì phải ra dấu hiệu. Phải bước những bước cẩn trọng và không ai được chạy. Hôm đó có cả anh Danh và chị Trang. Bọn Sâm đông có tới mười mấy người. Ai cũng nghe theo lời Sư Ông. Rừng rất tịch mịch và thâm u. Bọn Sâm không thấy trời. Chỉ thấy màu xanh thẵm của lá cây. Thỉnh thoảng Sư Ông dừng lại để chỉ cho bọn Sâm thấy một màu vỏ cây hay một thứ lá cây khác thường. Ði qua một khoảng rừng có cây thông, bọn Sâm lượm được nhiều trái thông nhỏ xíu rất đẹp. Trong cảnh im lặng của rừng cây, bọn Sâm cảm thấy sự có mặt của hàng triệu sinh vật đang ẩn mình trong đất, dưới lá mục, dưới vỏ cây hoặc trên cành lá. Bọn Sâm đang tôn trọng khung cảnh thần bí và linh thiêng của rừng. Trước khi rời am, Sư Ông đã có nói là vào rừng bọn Sâm sẽ đi thăm một tòa lâu đài trong đó có một bà công chúa cư trú. Bọn Sâm không tin mấy. Nhưng sau gần một giờ đi im lặng trong rừng, bọn Sâm được Sư Ông chỉ cho thấy tòa lâu đài. Tòa lâu đài này rất tĩnh mịch, có tường đá bao bọc xung quanh. Cửa tòa lâu đài là cửa sắt. Bên trong thấp thoáng nhiều bóng cây tùng và những tòa nhà cao. Tới cửa lâu đài, Sư Ông ra hiệu cho bọn Sâm dừng lại quan sát. Một lát sau, bọn Sâm rẻ về phía bên phải tòa lâu đài và đi sang một khoảng rừng khác. Nơi đây bọn Sâm gặp được một vùng đầy hoa cúc rừng trắng xóa. Bé Thơ ngước mắt nhìn Sư Ông như muốn xin phép hái cúc. Sư Ông gật đầu.
Hái cúc xong, bọn Sâm theo Sư Ông đi một hồi lâu nữa thì ra khỏi khu rừng. Bây giờ mọi người mới bắt đầu nói chuyện. Bé Hạnh Thuần hỏi Sư Ông về bà công chúa trong lâu đài. Sư Ông nói hễ ở đâu có một tòa lâu đài là ở đó có một bà công chúa. Cũng như trên mặt trăng thì có cây đa và chú Cuội. Bé Na hỏi bà công chúa đang làm gì trong tòa lâu đài. Sư Ông nói có lẽ bà ta đang ngủ.
Tý nhớ năm ngoái đi Am Phương Vân về, Ba cũng có kể cho Tý nghe về tòa lâu đài mà Sư Ông đã đưa Ba và bác Tuệ đến thăm. Có lẽ là tòa lâu đài mà Sâm thấy cũng là tòa lâu đài mà Ba đã đi thăm.

31. Tiếng Tây đầy bụng

Buổi pháp đàm vừa chấm dứt thì ngoài kia dưới gốc cây sồi, Quán Cây Sồi đã mở cửa. Hôm nay người bán quán là chị Ngọc Hương và chị Diễm Thanh. Có cả bé Hạnh Ðoan đứng phía trong quầy hàng để làm phụ tá. Hạnh Ðoan còn nhỏ nên phải đứng trên một viên gạch để có thể nhìn thấy được khách hàng. Hôm nay là hôm quán cốc được khai trương nên khách hàng đông lắm. Có tới bốn thứ quà: bánh cam, dầu chao quảy, chè bông cau và sương sa hột lựu. Ngoài ra còn có nước chanh muối miễn phí. Mẹ đã cung cấp cho Quán Cây Sồi hai tảng nước đá lớn mà Mẹ đã làm được bằng cái tủ đá lạnh của gia đình. Mẹ chỉ cần đổ nước trong vào bao ni lông, buộc túm bao lại và đặt bao vào tủ đá. Chừng bốn giờ đồng hồ sau, những bao nước trong đã biến thành những bao nước đá. Chị Hương chỉ cần lấy đập vỡ những tảng nước này và bỏ vô chậu.
Mọi người phải đứng sắp hàng trước quán cốc để đợi đến phiên mình. Hai cô bán quán làm việc không hở tay. Hạnh Ðoan cũng làm việc rất hăng. Hạnh Ðoan là một cô gái bán quán rất bặt thiệp và tươi cười. Cô bán quán này mới có chín tuổi nhưng ăn nói rất lịch sự và lễ phép.
Tý đứng quan sát sinh hoạt của quán cốc. Tý không có ý ăn quà vì Tý không đói. Cô Giao Trinh đã ra tới và đang chụp hình các cô bán quán trong khi họ làm việc. Bọn thiếu nhi đều có mặt ở sân quán. Sư Ông và Ba cũng vừa ra tới. Thấy Tý, Sư Ông gọi Tý lại và mời Tý cùng vào quán với Sư Ông và Ba. Ba người đứng vào trong hàng. Ðến phiên Ba, Ba mua biếu Sư Ông và Tý mỗi người một chén chè bông cau. Những hàng ghế dài trước quán đều đã có người ngồi, nên Sư Ông, Ba và Tý đứng ăn chè với nhau gần Tham Vấn Ðường.
Chị Diễm Thanh cho khách hàng biết là bao nhiêu tiền lời của Quán Cây Sồi đều sẽ được bỏ vào ngân quỹ của Ủy Ban Giúp Trẻ Em Ðói. Chị nói, tuy các thứ quà ở quán cốc đều rẻ tiền  (một quan hoặc hai quan mỗi thứ) nhưng quán cốc cũng sẽ thâu vào khá nhiều lợi tức, bởi vì vốn liếng, công nấu và công bán hàng đều được tặng không. Ba cho Tý biết là trong số những người về Làng có rất nhiều người làm việc để giúp trẻ em đói. Bác Huệ Ðạo, cô Giao Trinh, cô Kirsten, cô Mười, chú Lễ, cô Hà, chú Sơn, chú Nghĩa, chị Diễm Thanh, chị Ngọc Hương, cô Như Liên, chị Bích Nga, chị Ngọc Thúy, chị Tịnh Tâm, chú Vũ, chị Tri Thủy, chị Hoàng Oanh, Chị Hoàng Thủy và cô Yến… đều là những người có trách nhiệm trong các Ủy Ban Giúp Trẻ Em Ðói. Tý nghĩ kỹ thì thấy Quán Cây Sồi là một thứ quán cốc rất đặc biệt. Quán này có tới hàng chục cô bán quán mà cô nào cũng tình nguyện làm không có lương. Lại có những cô phụ tá bán quán dưới mười tuổi. Những cô này được ăn quà khỏi tốn tiền. Tý nghĩ rằng họ xin phụ tá bán quán không phải là để được ăn quà mà vì muốn được đứng bán cho vui, cho oai và cho giống các chị. Khách hàng tới mua rất đông, vì vui cũng có mà vì muốn giúp trẻ em đói cũng có. Tý nhớ tới Ngữ. Nếu có Ngữ ở đây thì Tý đã mua cho Ngữ một chén chè bông cau rồi.
Bác Mounet, chú Thomas, cô Kirsten, cô Christine và tất cả những người ngoại quốc khác cũng có mặt trong số các khách hàng của quán cốc hôm nay. Bác Mounet cứ tấm tắc khen các món quà Việt Nam. “Món nào cũng ngon và cũng lạ”, bác nói. Cô Christine thử hết cả bốn thứ quà. Chị Ngọc Hương nói thứ ba tới, người bán quán sẽ là cô Giao Trinh và chị Thu Hương. Cô Chín nói chị Thu Hương nói tiếng Anh rất giỏi còn cô Giao Trinh viết văn và chơi đàn tranh hay lắm.
Tối nay tại Xóm Hạ có văn nghệ thiếu nhi. Nhà văn nghệ đang còn bề bộn lắm nhưng bọn Tý đã kê được sân khấu và bắt vào được hai ngọn đèn điện. Cô Duyên và chị Trinh đã tập cho thiếu nhi một vài vũ điệu dân ca. Bọn con trai cũng đã tập dượt với nhau nhiều bản hát và nhiều vở kịch với sự hướng dẫn của chú Thư và chú Vinh. Sâm và Tý ôn lại mấy vở kịch ngắn mà Sâm đã trình diễn năm ngoái tại Am Phương Vân. Trong Nhà Văn Nghệ, bọn Tý đã kê lên nhiều dãy ghế dài cho khán giả. Hầu hết mọi người đều đã tập hợp. Chị Thanh Trang được bọn Tý cử làm xướng ngôn viên. Màn vũ đầu tiên là màn Trèo Lên Quan Dốc do tám đồng nữ trình diễn. Bốn người mặc áo dài và cầm nón làm thôn nữ và bốn người mặc áo bà ba giả làm trai làng. Họ múa theo tiéng nhạc đệm và tiếng hát từ bên hậu trường đưa ra :
“Trèo lên quan Dốc
ngồi gốc cây Ða
ai xui cho đôi mình gặp,
xem hội cái đêm trăng Rằm… “
Hồi chiều đi ngang qua dưới cây sồi Tý đã thoáng thấy những thiếu nhi này tập múa theo lời chỉ dẫn của cô Duyên. Bây giờ đây, thấy họ mặc áo dài, mang nón và múa trên sân khấu, Tý thấy rất đẹp và hay hơn nhiều. Màn múa kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội. Ai cũng khen. Cô Chín yêu cầu họ múa lại lần thứ hai. Lần thứ hai họ múa lại càng đẹp hơn. Lần này, vì họ dạn dĩ hơn nên những điệu múa đan nón và may áo của họ trở thành đều đặn hơn :
“Chẻ tre đan nón ba tầm
cho cô nàng đội xem hội đêm Rằm
vải nâu may áo năm tà
cho anh chàng mặc xem hội đêm Rằm… “
Tiếng vỗ tay kỳ này còn vang dội hơn cả kỳ trước. Màn vũ vừa kết thúc thì Hạnh Ðoan và Kim Trang ra trình diễn các cách chào mới. Hạnh Ðoan và Kim Trang ra chắp tay thành búp sen để chào khán giả rồi đứng xa nhau mỗi người một góc sân khấu. Cô Trinh giới thiệu:  “Ðây là hai người Tây Phương chào nhau khi gặp nhau.” Tức thì Ðoan và Trang bước tới đưa tay bắt tay nhau và nói “Comment allez vous?”, dáng điệu rất Tây. Khán giả phì cười. Ðoan và Trang mỗi người lùi lại góc sân khấu của mình. Cô Trinh lại giới thiệu: “Ðây là hai thiếu nữ Phật tử chào nhau.” Ðoan và Trang khoan thai đi tới chắp tay thành búp sen và cúi đầu chào nhau. Chào xong hai người lại trở về góc sân khấu.
Cô Trinh lại nói: “Ðây là cách một người Tây Phương và một người Phật tử chào nhau.” Ðoan và Trang lại đi tới gần nhau. Ðoan đưa bàn tay phải ra cho Trang, nhưng bàn tay trái lại đưa lên ngực để làm thành một nửa búp sen. Trang cũng đưa bàn tay phải ra nắm bàn tay phải của Ðoan, và bàn tay trái của Trang cũng đưa lên ngực để làm thành nửa búp sen.
Cử tọa cười vang.
Cô Trinh lại nói: “Năm ngoái tại Am Phương Vân, cô Quỳnh Hoa đã đề nghị cách chào tổng hợp giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Ðông Phương mà quý vị vừa thấy. Nhưng bé Sâm và bé Thơ đã đề nghị cách chào Làng Hồng thì búp sen trở thành nguyên vẹn chứ không còn bị chia đôi thành nửa búp như trước.”
Ðoan và Trang lại đi tới; lần này trong khi hai bàn tay phải nắm lấy nhau thì hai bàn tay trái cũng đưa ra trước và úp vào nhau thành một búp sen trọn vẹn.
Kỳ này khán giả vỗ tay và cười vang. Mấy người ngoại quốc cũng cười vang; bởi vì mỗi khi cô Giao Trinh nói một câu giới thiệu tiếng Việt thì chị Thu Hương lại dịch câu ấy ra tiếng Anh và chị Diễm Thanh dịch ra tiếng Pháp.
Chị Thanh Trang đứng ra giới thiệu Sâm và Tý. Sâm và Tý ra trước sân khấu chắp tay búp sen để chào khán giả, rồi mỗi người cũng lui ra đứng ở một góc sân khấu như Hạnh Ðoan và Kim Trang. Chị Thanh Trang lên tiếng: “Ðây là hai người Việt Nam gặp nhau ở giữa thành phố Paris, một người đã quen nói tiếng Tây, còn một người thì không muốn nói tiếng Tây mỗi khi gặp người đồng hương.”
Tý đống vai người ưa nói tiếng Tây. Tý tiếng tới giữa sân khấu đưa tay bắt tay Sâm rồi nói bằng tiếng Tây:
Bông jua, còm măng xa va (Bonjour, comment ca va?)
Sâm đáp lại:
Va cái gì mà va? Tôi đi đứng đàng hoàng, đâu có va vào anh hồi nào mà nói rằng tôi va?
Tức quá, Tý hỏi gặn lại:
Két xơ cờ tuy đi? (Qu’est que tu dis?)
Sâm thản nhiên:
Ði đâu mà đi? Tôi đứng đây chơi để ngắm phố phường Paris chớ không muốn đi đâu hết.
Tý giả bộ “xì” một cái rồi nhún vai:
Jơ nơ còm pờ răng riếng đuy tu! (Je ne comprends rien du tout!)
Sâm cười:
Tu cái gì mà tu? Mình còn nhỏ chưa muốn đi tu. Ðể thong thả rồi tính chuyện tu sau.
Thấy anh chàng này nhất định không nói tiếng Tây với mình, Tý phải chịu thua. Tý nói với Sâm, lần này bằng tiếng Việt.
– Bộ bồ không biết nói tiếng Tây hả?
Sâm nói:
– Tiếng Tây thì mình cũng biết chớ; chữ nghĩa cũng đầy bụng đây, nhưng mình chỉ nói tiếng Tây khi gặp người Tây mà thôi. Còn khi gặp người đồng hương, mình nhất định chỉ nói tiếng Việt.
Nói xong câu ấy Sâm xoay mặt vế phía khán giả chắp tay chào. Tý cũng làm như Sâm; thiên hạ vỗ tay vang dậy.

30. Tý học bảo vệ sự sống

Tại Làng Hồng có tục lệ là gặp nhau thì ai cũng chắp tay thành búp sen để chào nhau một cách cung kính. Tục lệ này Tý đã học được từ gần hai năm nay. Tháng mười năm ngoái, khi gia đình Tý xuống xe lửa ở ga Sainte Foy, Tý và Miêu đã được Sư Ông chắp tay sen búp để chào. Hồi đó Tý thấy có hơi lạ. Thường thường thì người lớn không chắp tay xá con nít một cách trang nghiêm như vậy. Nhưng sau đó Ba có giải thích cho Tý. Ba nói theo đạo Phật thì mỗi người đều có Phật tánh, nghĩa là đều có khả năng thành Phật. Khi Sư Ông chắp tay búp sen để chào Tý là Sư Ông thấy được rằng tuy là một đứa bé Tý cũng là một đức Phật trong tương lai. Nếu Sư Ông chào cung kính, đó không phải là vì tuổi tác của người đối diện, cũng không phải vì học thức, tài năng hay địa vị xã hội của người ấy. Sư  Ông cung kính là vì đó là một người. Ba còn nói tỏ sự cung kính ấy đối với người khác cũng tức là tỏ sự cung kính đối với chính mình. Trọng người  khác tức là tự trọng. Ba nói thêm:
– Nếu con biết tập chắp tay chào cho cung kính và thành thật thì chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đức tốt sẽ phát triển nơi con.
Tý nhận thấy các thiếu nhi Làng Hồng đã học được tục lệ chắp tay rất mau. Ngày đầu mới về đứa nào cũng hơi bỡ ngỡ và e thẹn khi chắp tay, nhưng đến ngày thứ hai thì đứa nào cũng chắp tay một cách thật tự nhiên rồi. Chắp tay búp sen không phải chỉ để chào nhau mà thôi. Trước khi nhận một đôi đũa, một ly nước hay một chén cơm, mình cũng phải chắp tay nữa. Bọn thiếu nhi ba bốn tuổi như bé Vi và bé Phòng đều làm được như vậy. Có thể có lúc các em ấy quên, nhưng chỉ cần nhắc chừng năm bảy lần là chúng học được thói quen này.
Sáng chủ nhật nào tại thiền đường Xóm Hạ cũng có một buổi pháp thoại vào lúc mười một giờ sáng để nghe Sư Ông giảng dạy về phép tu thiền. Người tới tham dự đông lắm. Hầu hết dân hai xóm đều có mặt trong thiền đường. Lại có nhiều người từ thành phố đến. Họ ngồi chật cả thiền đường. Buổi pháp thoại bắt đầu bằng ba hồi bảng, chậm rãi và trang nghiêm. Chỉ có những thiếu nhi lớn mới được tham dự những buổi pháp thoại. Sau buổi pháp thoại là giờ cơm trưa. Cơm trưa được dọn ở ngoài trời dưới bóng cây sồi. Những người từ thành phố đến đều có đem theo cơm trưa của họ. Từng nhóm ba bốn người dọn cơm và ngồi ăn trên bãi cỏ gần Tham Vấn Dường.
Ăn cơm trưa xong, mọi người nghỉ ngơi và chuyện trò chốc lát thì từ thiền đường đã vọng ra một hồi bảng báo hiệu đến giờ pháp đàm. Hôm nay là ngày chủ nhật đầu tiên, sau khi Làng mở cửa. Ni Sư Linh Phong được mời làm chủ tọa buổi pháp đàm. Ni Sư từ bên Thụy Sĩ qua. Ni Sư nói về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tý được phép ngồi ở thiền đường để tham dự. Ni Sư nói xong, có nhiều người nêu lên những câu hỏi để làm cho vấn đề sáng tỏ. Tý nghe và học được rất nhiều chuyện. Tý biết bảo vệ sự sống không phải là một việc dễ dàng.
Trước hết, Ni Sư mời cô Trinh nói cho mọi người nghe về những phương pháp bảo vệ sự sống. Cô Trinh là cô giáo phụ trách nhiều lớp tại Làng Hồng. Tý cũng là học trò của cô. Ngồi trang nghiêm trên tọa cụ, cô nói: ”Ai cũng muốn sống, vì vậy mọi người phải tôn trọng sự sống của nhau. Không ai muốn bị người khác giết, vì vậy không ai có quyền tước đoạt sự sống của kẻ khác. Tôn trọng sự sống là điều thiết yếu nhất trong đạo Phật. Người ta có thể giết người bằng gươm bằng súng. Người ta lại cũng có thể giết người bằng trăm ngàn cách khác như dùng thuốc độc, bom đạn, nói những lời dèm pha hoặc khiêu khích để cho kẻ khác giết nhau.” Cô Trinh ngừng lại một chút rồi nói tiếp: ”Muốn tôn trọng và bảo vệ sự sống trước hết là phải chọn một nghề nghiệp không có tính cách tàn hại con người và thiên nhiên. Chúng ta không nên tham dự vào những xí nghiệp chuyên làm lợi cho một số người trong khi tước đoạt cơ hội sinh sống của những số người khác.”
Ni Sư hỏi ý kiến của chú Lễ. Chú Lễ là thầy giáo sử địa của Làng. Chú Lễ nói: ”Người làm chính trị nếu thiếu trí tuệ và tình thương thì có thể lôi cuốn dân chúng vào những cuộc chiến tranh khủng khiếp. Ðó là một sự giết người kinh khủng vào bậc nhất. Bao nhiêu cửa nhà tan nát, bao nhiêu thanh niên bỏ thây nơi chiến trường. Bao nhiêu trẻ em thành mồ côi. Bao nhiêu phụ nữ thành góa phụ. Một cuộc chiến tranh như thế có thể tiêu diệt hàng triệu người. Vậy cho nên nhà chính trị trước hết phải có lòng thương, phải có trí tuệ, phải có đức kiên nhẫn và phải có tài ngoại giao mới có thể tránh được tội sát sanh và bảo vệ được sự sống của dân chúng.”
Ni Sư hỏi ý kiến của chú Nghĩa. Chú Nghĩa nói: ”Người ta có thể bảo vệ mạng sống con người bằng cách bớt uống rượu và ăn thịt lại.”
Tý đang ngạc nhiên không hiểu tại sao bớt uống rượu mà lại có thể bảo vệ sự sống thì chú Thơ tiếp lời chú Nghĩa và giải thích: “Anh Nghĩa nói rất đúng. Ở các nước Tây Phương người ta đã xài phí không biết bao nhiêu là lúa gạo để làm nên các loại rượu mạnh. Gạo lúa ấy có thể cứu được hàng triệu người đang chết đói ở các nước chậm phát triển. Ở các nước Tây Phương người ta cũng xài phí rất nhiều lúa và bắp để nuôi bò và gà. Tây phương ăn thịt nhiều quá. Trong khi hàng chục triệu người trên thế giới chết đói mỗi năm vì thiếu gạo thì một số lượng lúa và bắp khổng lồ bên này đã được dùng để nuôi bò và gà.”
Chú Nghĩa lại lên tiếng:
– Ðọc trong Bách Khoa Tự Ðiển, tôi thấy ông F. Perroux nói rằng nếu các nước Tây Phương bớt ăn thịt và uống rượu chừng năm mươi phần trăm thôi thì số lúa gạo dư ra cũng đủ cứu đói cho cả hàng chục triệu người ở các nước chậm phát triển. Ông Perroux là Giám đốc viện Toán học và Kinh tế thực hành tại Paris. Ông có tài liệu thống kê rất đàng hoàng.
Tý nhớ lại lời Ba nói cách đây mấy tháng trong nhà mặt trời. Ba nói một ngày có tới trên bốn mươi ngàn trẻ em dưới năm tuổi chết vì bệnh tật và vì thiếu ăn. Nếu bớt ăn thịt và uống rượu mà có thể cứu sống được các em bé ấy, tại sao người ta không làm? Có lần Tý nghe Sư Ông nói là tại nước Ðan Mạch, Sư Ông đã gặp một nhóm người trẻ tình nguyện bớt ăn thịt và uống rượu để cứu các trẻ em đói. Tý nghĩ là bọn thiếu nhi như Tý ở Làng Hồng cũng có thể làm được như nhóm người trẻ ở Ðan Mạch. Trong một tháng ở Làng Hồng, tất cả mọi người đều sẽ không ăn thịt và uống rượu. Như vậy cũng là để góp phần bảo vệ sự sống.
Trong khi Tý đang suy nghĩ thì ni sư Linh Phong lên tiếng:
Bây giờ đến lượt thiếu nhi góp ý kiến. Ta thử nghe ý kiến của bé Hải Triều Âm.
Tý giật mình đánh thót một cái. Chết rồi. Ni sư gọi ngay tên mình. Tý ấp úng một lát rồi thưa:
– Thưa ni sư, chúng con trồng mỗi đứa một vài cây mận.
Có tiếng cười ồ. Nhiều người trong đó có cả thằng Miêu, em của Tý, nhìn Tý bằng con mắt chế nhạo. Họ nghĩ là Tý ngớ ngẩn.
Giữ nguyên vẻ mặt ngớ ngẩn của mình, Tý nói tiếp:
– Dạ thưa ni sư, chừng nào mận có trái, chúng con sẽ bán mận mua quà gửi về Việt Nam cho thiếu nhi đói. Ðó cũng là bảo vệ sự sống.
Tý nghe có tiếng ” à” của người lớn. Và ni sư nói:
– Ý kiến của thiếu nhi hay lắm.
Sau khi mọi người đã phát biểu ý kiến, ni sư thêm: “Ngồi thiền cũng là một cách bảo vệ sự sống. Khi ngồi thiền, ta trở nên trầm tĩnh và sáng suốt để có thể thấy được những gì đang xảy ra quanh ta. Ta thấy được những giết chóc và khổ đau do chiến tranh gây ra. Nếu ta vô tâm và quên lãng trong sự sống hàng ngày ta làm sao bảo vệ được sự sống? Học thiền là tập sống cho tỉnh thức, đừng bị lôi cuốn trong sự vô tâm và quên lãng.
Cuối cùng, quay sang thiếu nhi, ni sư nói:
– Không những ta phải bảo vệ sự sống của con người mà ta còn phải biết bảo vệ sự sống cho các loài khác nữa. Một con sâu hay một con kiến cũng có đời sống của chúng, ta phải để cho chúng sống. Ta có thương yêu mọi loài và bảo vệ sự sống của mọi loài thì ta mới xứng đáng là học trò của đức Phật.

29. Bác Mounet ăn cà ri cay

Trong những ngày kế tiếp, thiên hạ về Làng càng lúc càng đông. Ðúng như lời Ba đã nói năm ngoái, phần lớn là người Việt, nhưng thỉnh thoảng cũng có người Pháp, người Thụy Sĩ, người Mỹ, người Anh và người Hòa Lan. Có cả một bà sơ Công Giáo người Hòa Lan nữa. Các cư xá ở Làng Hồng đầy người. Chiều hôm mười bốn tây, Sư Ông xuống đón hai anh em Tý. Mẹ đã làm sẵn những bọc hành trang cho hai đứa, trong đó có áo quần, khăn lông và bàn chải đánh răng. Lên tới Xóm Thượng, Tý và Miêu được đưa lên phòng Sư Ông. Sư Ông đã làm sẵn giường cho hai dứa. Trong phòng, ngoài ba cái giường, chỉ có một cái bàn viết thấp và dài trên đó có một ít giấy tờ, sách vỡ và một cây đèn cầy nhỏ. Tý có mượn được một cuốn Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam trong thư viện Xóm Hạ đem theo. Tý đặt cuốn sách ấy lên bàn Sư Ông.
Các thiếu nhi nào viết chữ đẹp và sạch sẽ đều được giao cho chép nhũng tờ thời dụng biểu của nếp sinh hoạt hàng ngày để dán trong mỗi phòng. Tý chép được hai tờ trên giấy vàng, và Tý có vẽ thêm một ít hoa và bướm trên đó.
Buổi sáng, giờ ngồi thiền bắt đầu từ bảy giờ, nhưng người lớn thường dậy vào lúc sáu giờ để đi thiền hành trong sương mai và để uống trà. Tại Xóm Thượng có những thiếu nhi xin được ngồi thiền buổi sáng. Tý, Sâm và chị Thanh Trang sáng nào cũng đi ngồi thiền. Miêu chỉ tập ngồi buổi tối vào lúc mười giờ. Mỗi buổi sáng, Tý được Sư Ông thức dậy trước giờ ngồi thiền chừng ba phút, đủ để Tý rửa mặt và thay áo. Uống trà xong, Sư Ông mới lên phòng đánh thức Tý. Sư Ông đánh thức Tý bằng cách bắt chước tiếng chim cu. Tý không ngủ say như Miêu nên thường thường chỉ sau vài tiếng chim ”cúc cu” là Tý choàng dậy. Tý sắp đặt lại giường và mền cho ngay ngắn trước khi đi ra khỏi phòng. Miêu đang ngủ. Có khi Miêu lăn ra khỏi giường của Miêu và nằm xoay ngang lại mà ngủ. May cho Miêu, giường chỉ là một cái nệm có trải ”túi ngủ” cho nên mỗi khi lăn ra khỏi giường Miêu không bị té. Sư Ông thường nói đùa là có nhiều đêm, ở trên thuyền Miêu rơi tòm xuống biển.
Buổi sáng ngồi thiền ba mươi phút và đi kinh hành mười phút. Sau đó mọi người tụng tâm kinh bằng tiếng Việt. Trong khi ngồi Tý cố theo dõi hơi thở như Sư Ông dạy, nhưng thỉnh thoảng Tý vẫn còn quên. Có khi Tý buồn ngủ. Biết là Sâm đang ngồi bên cạnh, Tý ngồi ngay ngắn trở lại và cố giữ cho tỉnh táo, Tý ngồi kiết già rất dễ dàng. Cũng như chị Thanh Trang, cũng như Sâm, cũng như bé Thơ. Cô Chín khen bé Thơ ngồi thiền đẹp. Có một hôm chỉ dẫn cách ngồi thiền cho một nhóm các cô chú từ Lyon tới, Sư Ông đã cho bé Thơ ra ngồi làm kiểu mẫu. Chỗ ngồi của bé Thơ trong thiền đường là ở ngay trước mặt chỗ Sư Ông ngồi. Tý được kể trong số những thiếu nhi ngồi thiền đẹp. Chị Thanh Trang nói với Tý là năm ngoái bé Thơ đã được tập ngồi thiền tại Am PhươngVân trong mấy tuần lễ rồi. Thơ bằng tuổi Miêu, hơi rụt rè nhưng rất dễ thương. Có hôm Sư Ông hỏi Tý xem Tý có muốn Mẹ sinh ra cho Tý một đứa em gái như Thơ không thì Tý thưa là có.
Buổi sáng sau khi ăn cháo sáng xong là có lớp học cho thiếu nhi tại Xóm Hạ. Có lớp học lịch sử và địa lý Việt Nam, có lớp học văn hóa Việt Nam cho những thiếu nhi đã biết đọc và biết viết tiếng mẹ đẻ, lại có lớp học vần cho những thiếu nhi chưa biết đọc biết viết tiếng Việt. Có nhiều thầy giáo và cô giáo. Chú Lễ, chú Thư, chú Sơn, chú Vũ, cô Giao Trinh, cô Hà, cô Hương, cô Thanh. Tý rất vui khi được học trở lại lịch sử và địa lý nước nhà. Chú Lễ dạy sử địa vui lắm. Lại có những lớp dạy múa dạy hát và diễn kịch. Sáng nào cũng có nhiều chiếc xe đưa thiếu nhi xuống Xóm Hạ học. Thỉnh thoảng Tý lại rủ Miêu chạy tắt về nhà thăm Chó Con và chơi với nó vài phút. Trưa, hai anh em lại trở về ăn cơm trên Xóm Thượng.
Các lớp học nhiều khi được tổ chức ngoài trời, dưới cây sồi hay trên bãi cỏ. Mỗi tuần vào trưa thứ ba dân hai xóm tụ họp ở Pháp Thân Tạng và ăn cơm trưa chung ở đó. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong tuần. Thiếu nhi được chạy nhảy, leo cây và đu cây thỏa thích ở Pháp Thân Tạng trong khi người lớn đưa võng hoặc ngồi với nhau từng nhóm trên các tảng đá hoặc gốc cây để chuyện trò, ngâm thơ hay ca hát. Cố nhiên là hôm đó Ba, Mẹ và Chó Con cũng đều có mặt tại Pháp Thân Tạng. Ai cũng muốn ẵm Chó Con hết, thành ra Mẹ được rảnh tay để có thể tham dự vào những sinh hoạt của các nhóm.
Pháp Thân Tạng mát lắm. Có những buổi trưa nóng đến kinh người, ai cũng kéo nhau xuống trốn nắng ở Pháp Thân Tạng. Cô Chín cho biết là có một hôm nắng gắt quá đến nỗi dân chúng ở thành phố kế cận than phiền rằng trong đời họ chưa bao giờ thấy trời nóng như thế. Họ nói họ thiếu điều chịu không nổi. May thay, hôm đó là ngày thứ ba và dân hai xóm đều có mặt dưới Pháp Thân Tạng. Mọi người không ai biết rằng đó là ngày dân địa phương đau khổ nhất về cái nắng nung người.
Tại Pháp Thân Tạng, trước giờ ăn mọi người đứng thành một vòng tròn và chắp tay quán niệm. Tại đây không có bàn ghế: mỗi người tự tìm một tảng đá hay một cây rễ để ngồi. Hai bác Mounet thứ ba nào cũng được mời ăn cơm ở Pháp Thân Tạng. Có một hôm dân Làng Hồng ăn cà ri nấu với đậu hũ ky, đậu hũ chiên, khoai tay, nấm và mì căng. Cà ri khá cay, mọi người ăn xuýt xoa có vẻ ngon lành lắm. Tý tới gần hai bác Mounet đem cho bác và bác gái mỗi người một ly nước đá và hỏi thử xem hai bác có thấy cà ri hơi cay không. Bác trai nhìn Tý, cười và nói: ”Cay cho đến nỗi tóc của bác dựng đứng trên đầu. Nhưng cay mà ngon.” Nói xong bác lại cười. Hôm nay ăn cơm xong, Ba nói chuyện về công việc của Ba làm hồi còn ở Việt Nam tại trường Xã Hội cho mọi người nghe. Tý không đi theo nô đùa với các thiếu nhi khác. Tý muốn ngồi lại để nghe kể chuyện về công việc Ba làm.
Những người lớn đều ngồi lại nghe Ba: người nào cũng tìm ra một chỗ ngồi có lưng dựa để có thể ngồi lâu. Ba nói chuyện vào khoảng hơn một giờ. Sau đó Ba trả lời các câu hỏi. Rồi Ba cho biết thứ ba tuần sau chú Lễ sẽ nói về nguyên tắc trị bệnh của Y  Học Ðông Phương.
Trừ bữa thứ ba, hôm nào dân Xóm Thượng cũng ăn cơm trưa dưới bóng cây hồ đào bên hông cư xá chanh. Mọi người thay phiên nhau nấu cơm, dọn cơm và rửa chén. Ni Sư Diệu Nhựt gọi công việc bày bàn và dọn bàn là hành đường. Tý không có tên trong sổ những người nấu ăn nhưng Tý có tên trong sổ những người hành đường. Sư Ông cũng có tên trong sổ những người hành đường. Sư Ông được sắp xếp cùng rửa chén bát với hai thiếu nhi, mỗi tuần hai lần, và Sư Ông rất bằng lòng. Bữa cơm nào cũng được bắt đầu bằng quán niệm. Thường thường người quán niệm là một thiếu nhi. Lâu lâu mới có một người lớn quán niệm. Vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mọi người ăn cơm trong sự yên lặng, ở Xóm Thượng cũng như ở Xóm Hạ. Tục lệ này lúc đầu là để cho người lớn. Thiếu nhi thì ăn riêng để có thể nói chuyện với nhau. Thiếu nhi nào muốn tham dự vào bữa cơm yên lặng thì phải ngỏ ý xin phép. Nhưng sau đó tất cả các thiếu nhi hai xóm đều từ từ xin phép được tham dự vào những bữa cơm yên lặng, thành ra tục lệ này đã được áp dụng cho tất cả mọi người.
Buổi chiều lại có những lớp học hoặc những cuộc du ngoạn. Phần lớn các thiếu nhi tới Làng Hồng đều có mang theo ủng. Phải mang ủng để phòng ngừa gai góc và rắn rít những hôm đi du ngoạn. Bọn Tý học hỏi được nhiều điều trong những buổi đi chơi này. Sư Ông cũng rất ưa tham dự vào những cuộc du ngoạn của thiếu nhi.
Quán Cây Sồi được mở cửa dưới Xóm Hạ mỗi tuần bốn lần, từ hai giờ đến năm giờ chiều. Trên Xóm Thượng, quán Cây Ðề được mở cửa một lần vào trưa thứ ba. Tối thứ ba nào cũng có văn nghệ thiếu nhi ở Xóm Thượng. Ở Xóm Thượng không có nhà Văn Nghệ như ở Xóm Hạ nên bọn Tý làm văn nghệ ngoài trời. Nhiều khi bọn Tý đốt lửa trại để làm văn nghệ. Ở Xóm Hạ văn nghệ thiếu nhi được tổ chúc mỗi tuần tới ba lần. Khán giả lúc nào cũng đông.

28. Tý được ăn gạo thơm

Ngày hai mươi tháng sáu, trường đóng cửa để học sinh nghỉ hè. Tý và Miêu sẽ được ở nhà tới ba tháng, tha hồ mà nô đùa thỏa thích. Ba nói chỉ còn có mười tám hôm nữa là LàngHồng mở cửa. Hướng dương và bắp đã lên tươi tốt. Ở vườn rau, Ba và chú Dũng đã trồng được rất nhiều thứ: đậu que, cà chua, rau muống, tía tô, kinh giới, rau răm, rau húng, rau quế, cây sả, cây ớt, …. Tuy công việc nhà cửa bận rộn nhưng Mẹ cũng làm được rất nhiều công việc đồng áng. Mẹ giúp chú Dũng trồng không biết bao nhiêu là hành tây, khoai tây, tỏi tây và bắp cải. Tý và Miêu cũng trồng được khá nhiều khoai tây. Cô Chín nói phải trồng cho nhiều vì người về Làng đông lắm. Ba và chú Dũng đã làm xong giàn su và một chuồng gà mới. Ba và chú Dũng cũng đã trồng được nhiều gốc bí đao, bí rợ và khổ qua. Khổ qua được trồng trong nhà mặt trời và bên cạnh tham vấn đường. Tuy vậy Ba còn nhiều công việc lắm. Còn phải trang bị cho xong các phòng ốc. Còn phải trải đá những con đường thiền hành ở Xóm Thượng. Còn phải dựng quán cốc ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Chú Dũng cũng còn biết bao nhiêu công việc. Nào dọn dẹp các con đường bằng máy xay nghiền (girobroyeur). Nào lật đất giữa những hàng mận bằng máy cày chảo (covercrops). Nào phun thuốc ngừa nấm trên các hàng nho. Nào cưa ván để làm giường ngủ.
Tý và Miêu giúp Mẹ tưới rau. Trời đã nóng lắm và vườn rau phải tưới mỗi ngày. Vườn rau rất lớn;  mỗi ngày phải tưới gần ba tiếng đồng hồ mới đủ. Rau thơm lên rất tốt. Hôm nào trên bàn ăn cũng có một rổ lớn đủ các thứ rau thơm. Ðã tới mùa Hè mà Tý và Miêu còn được ăn xuân quyện hoài.
Trưa nào Tý và Miêu cũng được uống nước đá. Có khi nước đá chanh, có khi nước đá hột é, có khi là nước đá sương sáo. Giống hệt như ở Việt Nam. Tý thích lắm. Tý rất ưa nước đá chanh muối của Mẹ làm.
Trên Xóm Thượng đã có người về. Trước hết là chú Sơn. Rồi đến chú Hùng. Rồi đến cô Tâm Trân, chị Diễm Thanh, chị Ngọc Hương và anh Quang. Người nào cũng bắt tay vào việc. Cô Tâm Trân về mở một tiệm may ở Xóm Hạ và bắt đầu may aó nệm. Cô rất thân với cô Chín và gọi cô là Dì. Chị Diễm Thanh cũng gọi cô Chín là dì Chín. Có khi chị nói tiếng Nam, có khi chị nói tiếng Huế. Chị Ngọc Hương nói tiếng Bắc. Hai chị làm đủ thứ: thợ mọc, thợ sơn, thợ nề. Chú Sơn là người xuất gia. Chú mặc áo dài nâu. Nếu không nghe chú nói tiếng Việt thì Tý đã tưởng chú là người Pháp, vì da chú trắng, mắt chú màu nâu và mũi chú cao. Chú đóng bàn Phật và bồ đoàn. Còn chú Hùng thì ở Hoa Kỳ sang. Hình như chú có chuyện buồn, bởi vì có khi Tý bắt gặp chú khóc một mình. Tý thấy mà thương quá. Nhưng ở Làng Hồng được mấy hôm thì chú vui hẳn lên. Chú nói với cô Chín là cả một tuần lễ ở Paris, chú chỉ biết khóc. Bây giờ chú đã cười được. Chú Hùng và chú Sơn lo dọn dẹp và trang bị các phòng cư xá tại Xóm Thượng và Xóm Hạ. Anh Quang ít nói và thường đi thơ thẩn một mình. Tý và Miêu chưa thấy thân với ai trong những người mới tới. Nhưng nhìn cách nói cách cười của họ, thấy cách tiếp xử của họ, Tý biết là những người đó rất dễ thương, và sớm muộn gì rồi Tý cũng thương họ.
Mấy hôm sau nữa, có cô Mười về và đưa ba thiếu nhi đầu tiên về Làng Hồng: chị Thanh Trang, Sâm và Thơ. Chị Thanh Trang lớn hơn Tý hai tuổi. Sâm, em trai của chị Trang, bằng tuổi Tý. Bé Thơ, con gái, bằng tuổi Miêu. Tý có cảm tình ngay với ba người bạn mới này. Chỉ trong vòng mười phút đồng hồ, Tý và Miêu đã bắt đầu nô đùa với họ trước sân Tham Vấn Ðường.
Cỏ của chú Dũng cắt bằng máy xay nghiền đã khô. Chị Trang, Tý và Sâm được giao cho công việc dồn cỏ khô vào gói ngồi thiền. Miêu và bé Thơ giúp họ bằng cách đi lấy thêm cỏ khô đem về. Muốn độn một cái gối, Tý phải có gần hai kí lô cỏ khô. Có một trăm cái gối cần được dồn cỏ vào. Vào giờ trưa, Tý và các bạn phải rút vào những nơi êm mát để ngồi nghỉ hoặc làm việc.
Chị Diễm Thanh và chị Ngọc Hương bắt đầu dựng quầy của quán cốc theo sự chỉ dẫn của Ba. Ba làm một tấm bảng có ba chữ Quán Cây Sồi rất đẹp để các chị treo trước quán. Chú Sơn và chú Hùng đã thiết bị nhiều ghế dài trước quán cho khách hàng. Ba nói quán cốc sẽ được mở  cửa mỗi tuần bốn ngày và mỗi ngày sẽ có những cô bán quán khác nhau phụ trách.
Trang, Sâm và Thơ được cư ngụ ở Xóm Thượng. Ðến ngày Làng chính thức mở cửa, nghĩa là ngày mười lăm tháng bảy, Tý và Miêu cũng sẽ được lên cư trú ở Xóm Thượng. Trước đây cả tháng, Sư Ông đã xin phép Ba và Mẹ cho anh em Tý lên Xóm Thượng luôn một tháng để làm tiểu đồng cho Sư Ông. Ba rất vui. Mẹ hơi ngần ngại, bởi Tý là cánh tay phải của Mẹ; thiếu Tý, Mẹ sẽ hơi lúng túng. Nhưng Ba nói trong thời gian Làng mở cửa, Mẹ sẽ không phải lo việc bếp núc, và như vậy Mẹ sẽ có thì giờ nhiều hơn để săn sóc Chó Con. Ba nói nên để cho Tý và Miêu được ”lên mây” trong vòng một tháng. Cuối cùng Mẹ thấy được điều Ba nói và Mẹ bằng lòng. Ngày kế, có ba vị ni sư tới. Tý nghe nói hai vị tới từ Paris và một vị từ Marseille lên, đem cho Làng bốn bao gạo lớn. Trưa hôm ấy mọi người được ăn cơm nấu bằng gạo rất tốt, nhập cảng từ Thái Lan. Gạo này Mẹ không bao giờ mua. Từ hôm dọn nhà về Xóm Hạ, Mẹ chỉ mua thứ gạo xấu, thứ gạo mà phần lớn các hạt đều đã bị gảy đôi. Gạo này giá chỉ bằng phần nửa gạo thơm. Mẹ nói có gạo sạch mà ăn là may mắn lắm rồi; gia đình Tý phải cần ăn uống giản dị bớt thì mới có thể giúp được phần nào trẻ em đói bên nhà.
Mấy hôm liên tiếp, Tý được ăn thứ gạo thơm và dẻo ấy. Có một bữa, đến phiên cô Chín quán niệm trước khi ăn, cô đã nâng bát cơm trên tay và nói: “Thứ gạo này đã được sản xuất từ Thái Lan. Tuy vậy hầu hết trẻ em Thái lại không được ăn thứ gạo thơm và dẻo này. Gạo tốt là để bán ra nước ngoài mà lấy ngoại tệ. Ở bên Thái, trẻ em ăn gạo xấu và nhiều khi ăn độn. Có những bà mẹ không có cơm và cũng không có khoai cho con ăn, phải đem bán con cho người giàu có để con khỏi đói. Nếu chúng ta nâng bát cơm thơm và dẻo này lên ăn mà không nhớ tới những điều đó tức là chúng ta vô tình, hờ hững và không thấu được nỗi khổ của trẻ em tại quê nhà và tại các nước nghèo đói.” Rồi cô quán niệm: ”Lạy Phật hôm nay chúng con được ăn cơm ngon, chúng con nhớ tới trẻ em đói ở các nước nghèo khổ. Chúng con nguyện không quên lời Phật dạy, cố sống cho tỉnh thức để thấy rõ được những điều đang xảy ra.”
Trong khi mọi người ăn cơm, Ba nhắc tới một câu ca dao Việt Nam mà Ba nói có thể dùng để làm lời quán niệm mỗi khi nâng lên một bát cơm thơm và dẻo. Ba đọc:
Ai ơi nâng bát cơm dầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Tý thấy hai câu ca dao thật là thấm thía. Tý thấy tiếng Việt bình dị mà đẹp đẽ vô cùng.
Một buổi sáng thức dậy, Tý thấy Xóm Hạ đầy cả thiếu nhi. Tiếng cười nói và nô đùa rộn rã cả xóm. Thì ra họ đã tới lúc nửa đêm, vào giờ Tý đang ngủ. Con gái, con trai, người lớn, người nhỏ… gần hai mươi người. Lại có một ni sư từ Thụy Sĩ mới qua. Có một cô Thụy Sĩ cao hơn cả Mẹ, chắp tay xá rất đẹp. Có một thiếu nhi nhỏ xíu, chừng ba tuổi, mặc áo dài trắng rất dễ thương. Nó tên là bé Vi.

27. Tý và Miêu phát nguyện Hai Lời Hứa

Mùa hoa nở cũng là mùa Phật Ðản. Theo lời Ba kể thì đức Phật giáng sinh dưới cây Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni vào lúc hoa nở đầy cành. Tý chưa biết cây Vô Ưu là gì, nhưng Tý nghĩ là vào giờ đản sinh của Phật ít nhất nó cũng nở hoa đẹp như cây bích đào ở Xóm Hạ. Hoàng Hậu Ma Gia, mẹ của Phật, trên con đường về quê mẹ, đã ghé thăm vườn Lâm Tỳ Ni và đức Phật sơ sinh đã ra đời ở vườn này. Ði dạo tới gần cây Vô Ưu bỗng nhiên Bà thấy choáng váng. Bà vịn vào một cành cây Vô Ưu và bà đã sinh ra thái tử Tất-Ðạt-Ða một cách rất dễ dàng. Các thị nữ theo hầu qùy xuống nâng thái tử lên. Nghe nói có chín con rồng trên mây phun nước xuống tắm cho ngài. Nghe nói trên không trung lại có âm nhạc của chư thiên hòa tấu để mừng Phật đản sinh.
Lễ Phật đản năm nay nhầm vào ngày thứ sáu. Ba xin phép thầy giáo cho Tý và Miêu được nghỉ học buổi chiều. Hai đứa đi hái hoa cúng Phật. Hoa đồi có hàng trăm thứ, thứ nào cũng đẹp. Tý và Miêu mỗi người hái được một ôm lớn. Vào lúc ba giờ chiều, cô Chín đem tới một ôm hoa mẫu đơn. Có những bông mẫu đơn đỏ, lại có những bông phơn phớt màu hồng. Bông nào cũng lớn hơn cái chén ăn cơm. Một giờ sau, Sư Ông từ Xóm Thượng xuống mang theo rất nhiều cành tùng và bông hồng đủ loại. Tý và Miêu giúp Sư Ông kết lá tùng và hoa thành một mái nhà nhỏ cho Phật sơ sinh. Mái nhà bằng lá và bằng hoa này được dựng trong thiền đường bên trái bàn Phật. Dưới mái nhà là một hồ nước bằng sành. Giữa hồ nước có một bông sen bằng đất nung. Trên bông sen là một tượng Phật sơ sinh. Hồ nước chứa toàn nước thơm mà cô Chín đã nấu bằng các loại lá cây hái trong vườn. Trên bờ hồ có một gáo nhỏ để mọi người làm lễ tắm Phật. Mẹ đã nấu xôi, chè và làm bánh để dâng lên. Sư Ông bảo đức Phật ngày xưa cũng từng là thiếu nhi như Tý và Miêu và cũng ưa ăn xôi ăn chè cũng như trái cây đủ loại. Năm nay trong dịp lễ Phật đản lại có lễ quy y cho Miêu, em của Tý.
Trầm đốt xong, Sư Ông vào dâng hương. Ba và cô Chín đều mặc aó Tiếp hiện. Mẹ mặc aó dài. Chú Dũng, Tý và Miêu cũng ăn mặc chững chạc. Dâng hương xong, Sư Ông xướng để mọi người cùng lạy Phật. Rồi mọi người tụng Tâm Kinh. Trầm hương tỏa ngát. Tiếng chuông thanh tao và mầu nhiệm. Sư Ông xướng bài Tán Lễ Thích Tôn rất trang trọng để ngợi khen đức Phật từ lúc ngài đản sinh cho đến lúc thành đạo dưới cội bồ đề. Rồi mọi người cùng đọc bài kệ tắm Phật theo nhịp mõ. Bài kệ tắm Phật, Sư Ông đã chép cho Tý học thuộc như sau:
Ngã Kim quán dục chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Ðồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân
Bài kệ này được tụng liên tục nhiều lần trong khi từng người tới chắp tay cung kính làm lễ trước đức Phật sơ sinh rồi qùy xuống lấy gáo nhỏ múc nước thơm dội lên mình đức Phật. Sau khi chú Dũng tắm Phật thì đến phiên Tý. Tay Tý hơi run khi cầm gáo nước thơm dội lên mình đức Phật. Nhưng Tý đã giữ được bình tĩnh sau đó và nước thơm của Tý dội chảy đúng vào vai của Ngài.
Sau khi tắm Phật là lễ quy y cho Miêu. Mọi người ngồi nghiêm chỉnh hai hàng, trong khi Miêu được lệnh ra qùy trước bàn Phật. Sư Ông xướng từng danh hiệu đức Phật rồi Sư Ông nói:
– Hôm nay đại chúng vân tập để chứng kiến cho em Lê Thiều Quang làm lễ quy y, nghĩa là trở thành một người học trò của Phật. Xin mọi người giữ tâm thanh tịnh và hộ niệm cho Lê Thiều Quang.
Sư Ông cho Miêu biết rằng quy y có nghĩa là quay về và nương tựa. Quay về và nương tựa nơi Phật, nơi Pháp và nơi Tăng. Sư Ông giảng sơ lược thế nào là Phật, Pháp và Tăng. Rồi Sư Ông dạy Miêu chấp tay đọc theo Sư Ông:
– Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
– Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự cởi mở.
– Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Sau mỗi lời phát nguyện, Miêu lạy xuống một lạy, theo nhịp chuông.
Sau khi Miêu đã phát nguyện xong, Sư Ông nói:
– Phật tử Lê Thiều Quang đã phát nguyện về nương tựa Phật, về nương tựa Pháp và về nương tựa Tăng. Phật tử Lê Thiều Quang đã thành một người học trò của Phật, bước theo dấu chân của Phật. Phật tử Lê Thiều Quang được pháp danh là Tâm Ðịnh. Tý được làm lễ quy y từ hồi còn sáu tuổi và pháp danh của Tý là Như Trạm. Pháp danh của mẹ là Tâm Thục, pháp danh của chú Dũng là Tâm Tuệ.
Sau lễ quy y của Miêu, Sư Ông gọi Mẹ, chú Dũng và Tý ra trước bàn Phật, qùy xuống với Miêu để cùng phát nguyện giữ hai lời hứa.
Mọi người đọc theo Sư Ông:
– Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự
sống của mọi người và mọi loài.
Sư Ông hỏi:
– Ðây là lời hứa thứ nhất. Qúy vị Phật tử có phát tâm giữ lời hứa đó với đức Phật không?
Mọi người trả lời:
– Con xin hứa.
Mọi người lạy xuống theo tiếng chuông.
– Ðây là lời hứa thứ hai. Qúy vị đọc theo đây: Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài. Qúy vị có phát tâm giữ lời hứa đó với đức Phật không?
Mọi người trả lời: ” Con xin hứa” và lạy xuống theo tiếng chuông.
Sư Ông dặn:
– Qúy vị đã phát lời hứa trọng đại trước đức Phật. Từ nay, mỗi tuần qúy vị phải nên siêng năng ôn lại ba phép quy y và hai lời hứa ấy. Như vậy quý vị mới xứng đáng là những người nối dõi sự nghiệp từ bi và trí tuệ của Như Lai.
Lạy trước đức Phật, Tý cảm thấy mình lớn hẳn lên. Tý vừa mới hứa với Phật hai điều. Hai điều ấy, Tý sẽ phải cố gắng để học hỏi và trau dồi. Sư Ông nói hai điều ấy quan trọng lắm cho một đời người. Mẹ cũng đã hứa. Chú Dũng cũng đã hứa. Miêu cũng đã hứa. Tý thấy mình có trách nhiệm. Tý biết nếu Tý không giữ được hai lời hứa ấy thì Miêu cũng không giữ được. Tý phải làm gương cho em.
Lễ quy y và phát nguyện cử hành xong, mọi người chuẩn bị dự thiền trà, ngay ở thiền đường. Mỗi người ngồi trên một cái gối nhỏ. Sư Ông đích thân ra pha trà. Sư Ông pha trà rất chậm rãi và trang nghiêm. Tý để ý nhìn Miêu. Tý cứ sợ Miêu ngồi không yên trong buổi thiền trà. Nó mà ”mở máy”  bất tử thì nguy lắm. Tý không dè Miêu ngồi rất yên và rất đẹp. Chưa bao giờ Tý thấy Miêu trang nghiêm và chỉnh đốn như vậy. Nó chắp tay rất gọn, nhận lấy ly trà, đặt ly trà xuống trước mặt và tiếp nhận khay trà từ tay Mẹ một cách đỉnh đạc. Nó nâng khay trà và chuyền về phía Tý. Tý cũng chắp tay lại, cung kính xá, rồi tiếp nhận ly trà. Sau đó Tý đỡ lấy khay trà và quay qua, nâng khay mời chú Dũng.
Phần nghi lễ thiền trà đã xong, Sư Ông chắp tay và mọi người chắp tay đáp lễ. Mọi người uống trà, ăn bánh (và ăn cả xôi chè nữa!) trong im lặng. Một lát sau, Sư Ông hỏi chuyện Tý và Miêu. Sư Ông muốn biết Tý và Miêu có biết rõ về đời đức Phật không. Tý kính cẩn trả lời những câu hỏi của Sư Ông. Sau đó cô Chín thuật thêm một vài chuyện liên hệ tới đời đức Phật khi ngài còn là thiếu nhi. Ðây là lần đầu tiên Miêu được nghe chuyện Tất-Ðạt-Ða và Ðề-Bà-Ðạt-Ða dành nhau con chim bị bắn.