46. Mắt và tay của người tỉnh thức

Hai người đệ tử của Chúa Ba đều siêng năng và can đảm. Cả hai đều tu học tinh tiến. Họ trở nên những người phụ tá đắc lực của Chúa Ba. Họ rất thương yêu và cung kính Bà, nhưng họ chưa biết rằng Bà đã đắc đạo, đã thành Phật, nghĩa là đã trở nên một bực giác ngộ lớn. Có đêm nhìn vào động trong, họ thấy ánh sáng chói lòa.  Thầy của họ ngồi tĩnh tọa trong ấy và ánh sáng phát ra từ trên trán và khắp châu thân. Có những buổi sáng ngồi nghe Bà giảng kinh bên bờ suối, hai người nhận thấy chim chóc trên rừng bay đến đậu thật nhiều trên những cành cây kế cận và cá ở dưới nước cũng đến gần để chăm chú nghe kinh. Cả hai người tâm nguyện sẽ tu để đạt tới trình độ của thầy.
Một buổi sáng nọ, khi vào động trong để dâng trà nước cho thầy, Long Nữ thấy thầy mình ngồi yên trên thạch bàn, hai mắt lộ vẻ buồn. Long Nữ bạch hỏi thì Bà bảo là thân phụ của Bà đang bị tai nạn, Bà phải đi cứu chữa. Long Nữ hỏi chừng nào đi thì Bà không trả lời. Bà chỉ dặn là suốt buổi sáng ngày hôm ấy, hai anh em đừng vào trong động, để yên cho Bà ngồi nhập định.
Trong định Bà thấy Vua Diệu Trang Vương nằm bệnh trong cung ở nước Hưng Lâm, tay chân bại liệt. Bà thấy nghiệp xấu mà Vua cha đã gây trong quá khứ bây giờ đang trở lại làm hại người. Trước đây, Vua đã từng tạo ra nhiều cuộc chiến tranh, khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng. Vua lại còn có bản tính kiêu hãnh và nóng nảy khiến cho hành động của Vua thường thiếu sáng suốt. Hiện giờ trên giường bệnh, Vua đau đớn không sao kể xiết. Tất cả các thầy thuốc giỏi trong nước đã chịu bó tay. Vua truyền yết bảng khắp trong nhân gian, hứa rằng ai chữa lành bệnh cho Vua thì sẽ được Vua truyền ngôi báu. Không rời khỏi động Hương Tích, Chúa Ba dùng thần lực hóa thân làm một ông thầy thuốc già tới trước cửa cung điện, giật lấy tấm bảng, đòi vào chữa bệnh cho Vua. Quân hầu đưa người thầy thuốc già vào cung chẩn bệnh.
Ông thầy thuốc tâu với Vua rằng bệnh Vua là bệnh nan y, chỉ có thể chữa trị được bằng cách đi xin một cánh tay và một con mắt của một vị tiên nhân tu hành đắc đạo về để luyện thuốc uống. Ai cũng cho đó là điều không thể làm được. Vua nói:
– Ai lại chịu cho mình cắt tay và móc mắt bao giờ?
Ông thầy thuốc quỳ tâu:
– Hạ nhân có biết một vị tiên nữ đắc đạo trên núi Hương Tích ở nước Ðại Việt. Ðó là một bậc Bồ Tát có lòng từ bi rất lớn. Nếu bệ hạ cho một phái đoàn sang xin thì chắc chắn là người sẽ ban cho tay và mắt.
Rồi ông thầy thuốc vẽ bản đồ, chỉ đường cho phái đoàn sang nước Ðại Việt. Riêng ông, ông ở lại trong cung để làm con tin. Các quan nói nếu phái đoàn đi về mà không xin được mắt và tay tiên nhân thì ông thầy thuốc sẽ bị đem ra xử trảm.
Phái đoàn nước Hưng Lâm tới được Làng Dục Khê sau ba mươi ngày trèo non lặn suối. Thiện Tài và Long Nữ được thầy phái ra bến Ðục rước họ lên động. Bà móc một con mắt bên trái và chặt cánh tay trái trao cho phái đoàn đem về.
Với tay và mắt ấy, ông thầy thuốc chế nên một thứ linh dược chữa được cho Vua Diệu Trang Vương lành một bên thân thể. Vua đã có thể cử động được tay trái và chân trái, nhưng tay phải và chân phải của Vua vẫn giữ nguyên tình trạng cũ. Ông thầy thuốc đề nghị là phải xin nốt con mắt và cánh tay còn lại của tiên nhân.
Vua, Hoàng Hậu và các quan ai cũng thấy điều đó là quá mức. Nhưng ông thầy thuốc đã quỳ xuống tâu:
– Người tu hành có tâm địa rộng rãi không bến bờ. Hạ thần tin chắc nếu bệ hạ cho người đến xin, đức Bồ Tát sẽ vui lòng bố thí.
Phái đoàn lại lên đường và xin được mắt phải và tay phải của Chúa Ba. Lần này, Vua được hoàn toàn bình phục. Trong lòng Vua, cũng như trong lòng Hoàng Hậu, nảy sinh ra một tâm niệm biết ơn và cảm phục. Trung thành với lời hứa, Vua truyền lệnh chuẩn bị làm lễ trao truyền ngôi báu cho vị lương y già. Trong thời gian bệnh hoạn, Vua đã có dịp hồi tưởng lại quãng đời quá khứ của mình và thấy được những sai lầm mà Vua đã mắc phải. Vua nguyện sám hối và sống cho xứng đáng với tấm lòng quảng đại của bậc tiên nhân bồ tát bên nước Ðại Việt. Vua thành thực muốn truyền ngôi báu cho ân nhân mình là ông thầy thuốc. Nhưng vị lương y này không nhận. Ông bảo phận sự của ông là chữa bệnh cứu người chứ không phải là cầm quyền chính trị. Ông thầy thuốc từ biệt ra đi không nhận bất cứ một sự đền ơn nào của Vua. Vua rất lấy làm cảm phục. Vua truyền lệnh sắm sửa xe loan để Vua và Hoàng Hậu thân hành sang nước Ðại Việt bái kiến và cảm tạ tiên nhân.
Vua, Hoàng Hậu và đoàn hộ giá vừa ra khỏi biên giới thì có âm mưu đảo chính tại nước Hưng Lâm. Các phò mã của Vua Diệu Trang Vương là những người chủ chốt cuộc âm mưu. Họ dùng quân đội lật đổ chính quyền và chiếm đoạt ngôi báu. Phò mã thứ nhất, chồng của công chúa Diệu Thanh, lên làm Vua. Phò mã thứ hai, chồng của công chúa Diệu Âm, lên làm tể tướng. Họ đem giam vào ngục tối tất cả mọi thành phần chống đối trong đó có công chúa Diệu Thanh, công chúa Diệu Âm và các quan đại thần nhiếp chính.
Tại động Hương Tích, Chúa Ba thấy được tất cả những điều ấy. Bà thấy trong ngục tối hai chị trở nên tỉnh thức, và bắt đầu ăn chay, ngồi thiền và niệm Phật. Lập tức Bà cùng hai vị đệ tử tọa thiền nhập định và hóa thân đi về nước Hưng Lâm để giải cứu đất nước. Ba thầy trò hóa thân thành ba người học trò. Chỉ trong vòng năm hôm, họ điều động được dân chúng và quân đội chiếm lại chính quyền, giải phóng tất cả những người bị giam cầm và đưa quyền bính lại cho quan đại thần nhiếp chính.
Công việc xong xuôi họ đưa hai công chúa Diệu Thanh và Diệu Âm lên đường đuổi theo phái đoàn hành hương của Vua và Hoàng Hậu. Mười hôm sau, hai công chúa theo kịp và tháp tùng vào phái đoàn. Ba người học trò sau khi hộ tống hai công chúa theo kịp phái đoàn hoàng gia, đã giã từ để trở về kinh đô nước Hưng Lâm. Trên con đường về núi Hương Tích, hai công chúa kể lại mọi tình tiết về cuộc đảo chính cho Vua và Hoàng Hậu nghe. Vua và Hoàng Hậu một lòng tiếp tục cuộc hành hương sang Ðại Việt.
Ở núi Hương Tích, Thiện Tài và Long Nữ chuẩn bị tiếp phái đoàn hoàng gia. Hai người đệ tử của Chúa Ba bây giờ đã biết rõ tung tích Bà. Họ rất sung sướng được làm những người đệ tử thân cận nhất của Bà mà họ biết là một vị Bồ Tát lớn. Thầy của họ đã thành Phật nên có cả ngàn mắt ngàn tay. Nhận thức và hành động của Bà thật là quảng đại, không thể đo lường. Cho đi hai cánh tay và hai con mắt mà pháp thân của Bà vẫn không hề suy suyển. Hóa thân của Bà còn là vô số vô biên.
Sáng hôm đó, biết là phái đoàn hoàng gia nước Hưng Lâm tới nên hai anh em Thiện Tài và Long Nữ đã đợi sẵn ở Bến Ðục với một chiếc thuyền rộng. Hai người giả dạng làm người đưa thuyền. Họ rước Vua, Hoàng Hậu và hai công chúa lên thuyền. Ðoàn tùy tùng phải ở lại bến để đợi lệnh. Thuyền lướt nhẹ trên dòng sông im lặng. Hai người chèo thuyền cũng lặng thinh. Ai cũng lặng yên ngắm trời, ngắm mây, ngắm núi, ngắm nước. Cảnh tượng Hương Sơn thật là thanh tú, mầu nhiệm. Tới bến, mọi người bắt đầu leo trèo để lên động Hương Tích.
Lên tới động Thiện Tài mời Vua, Hoàng Hậu và hai công chúa ngồi nghỉ trên những tấm thạch bàn ở trước cửa động trong khi Long Nữ đi nấu nước hồng mai làm trà thết đãi. Trên núi Hương Tích có rất nhiều gốc mai già cằn cỗi. Ba thầy trò đã đốn những gốc mai ấy và chẻ ra để làm trà uống, rất thơm. Họ gọi đó là thiền trà. Gỗ mai màu hồng nên trà cũng màu hồng. Sau khi mọi người đã nghỉ ngơi và uống trà, Long Nữ đứng dậy chỉ đường cho Vua, Hoàng Hậu và hai công chúa vào động. Long Nữ đã được lệnh Phật Bà đứng hầu ngoài cửa động với sư huynh Thiện Tài.
Vua, Hoàng Hậu và hai công chúa từ từ tiến vào trong động. Cảnh tượng trang nghiêm và lặng lẽ. Tuy họ đi rất nhẹ mà bước chân họ vẫn có âm vang vào trong lòng động sâu thẵm. Muôn ngàn thạch nhủ rũ xuống, như những chiếc màn từ trần động buông xuống đủ màu. Ánh sáng yếu dần. Mọi người dừng lại trước một cái rèm thạch nhủ như ngăn cách Ðộng Trong và Ðộng Ngoài. Ðứng phía trước rèm, Vua Diệu Trang Vương kính cẩn lên tiếng chào vị tiên nhân đã từng cứu mạng cho mình:
– Chúng tôi là phái đoàn hoàng gia nước Hưng Lâm kính cẩn xin ra mắt tiên nữ.
Những âm thanh vang vào vách động và vọng lại tai bốn người. Sau đó là im lặng. Không có tiếng trả lời của Bồ Tát. Vua nhìn Hoàng Hậu bảo nhẹ:
– Trẫm là đàn ông, không tiện đi vào sau rèm. Hoàng Hậu thử đi vào phía trong xem tiên nữ có mặt trong ấy hay không.
Hoàng Hậu tuân lệnh Vua, một mình rón rén bước vào phía bên kia bức màn thạch nhũ. Ðộng Trong êm mát và thâm nghiêm, nhưng lại tối hơn Ðộng Ngoài. Ðịnh thần nhìn kỹ, Hoàng Hậu thấy đứng trên bệ đá một người con gái tóc buông dài phía sau lưng, hai mắt bị khoét, hai cánh tay bị chặt cụt, máu đang chảy từng giọt xuống nền thạch động.
Phật Bà đã hóa thân làm Chúa Ba hồi còn mười chín tuổi để cho Hoàng Hậu có thể nhận ra đó là con gái út của mình.
Nhận ra được tiên nữ vốn là Chúa Ba, Hoàng Hậu xúc động kêu lên một tiếng và ngã ra bất tỉnh.
Nghe tiếng kêu, hai công chúa Diệu Thanh và Diệu Âm lật đật chạy vào và đỡ Hoàng Hậu dậy. Vua Diệu Trang Vương cũng vội vã chạy vào. Hoàng Hậu đã tỉnh. Bà khóc lóc trong vòng tay hai người con gái lớn. Nhận ra Chúa Ba trong tình trạng không mắt không tay, Vua cũng xúc động ôm mặt khóc. Vua đâu có ngờ con gái út mình còn sống sót, đã thoát được ra nước ngoài dể tu hành cho đến thành Phật thành Tiên.
Chúa Ba từ trên bệ đá cũng đã bước xuống. Chúa mời mọi người ngồi trên những cái bệ đá. Rồi Chúa kể cho cha mẹ và hai chị nghe về cuộc đời tu học của mình. Vua rất lấy làm ân hận. Vua nói:
– Cha đã lầm đường lạc nẻo, may nhờ có con tu hành đắc đạo nên không những đã cứu mạng cha mà còn cứu được cả quê hương. Con ơi, vì lỗi lầm của cha mà nay con đã trở thành không mắt không tay, cha biết làm sao để cho con khôi phục lại hình hài như cũ?
Nói xong Vua úp mặt trong tay khóc. Chúa Ba thưa:
– Nếu phụ vương và mẫu hậu phát đại nguyện từ nay bỏ dữ làm lành, tinh tiến tu học để đoạn trừ phiền não và cứu độ chúng sanh thì chắc là con sẽ khôi phục lại được hình hài như thuở trước.
Nghe con nói như vậy, Vua và Hoàng Hậu cùng quỳ xuống chắp tay và cúi đầu phát lời thề trọng đại. Vua trang trọng hứa:
– Lạy chư Phật trong mười phương, chúng con xin nguyện từ đây sẽ nỗ lực tu học để diệt lần tham lam, sân hận và si mê, và xin cố gắng hết sức để bảo vệ sự sống cho mọi người và mọi loài.
Khi Vua và Hoàng Hậu ngửng đầu lên thì phép mầu đã hiển hiện: công chúa Diệu Thiện đã khôi phục được hai mắt và hai tay, hoàn toàn lành lặn như mười năm về trước. Cả bốn người mừng rỡ tới ôm lấy công chúa khóc.
Sau đó Vua, Hoàng Hậu và hai công chúa lớn ở lại học đạo với Chúa Ba trọn một năm trời trước khi lên đường trở về quê cũ.
Tiếng đồn tại núi Hương Tích có người tu hành đắc đạo cứu độ được cho vô lượng vô số chúng sanh đã lan rộng từ tỉnh Hà Ðông đến các tỉnh kế cận và lên tới kinh đô. Vua Lý Thái Tông nghe tin liền tổ chức một cuộc hành hương về viếng Phật Bà tại động Hương tích. Vua chính là thái tử Phật Mã của mười năm trước, người đã đưa lối chỉ đường cho Chúa Ba về tu tại động Hương Sơn. Vua đem theo rất nhiều bông sen trắng để cúng dường. Ðó là vào mùa hè năm Ðinh Tỵ.
Nghe đồn Vua đã được gặp mặt Phật Bà Hương Tích để chiêm bái và nghe Bà thuyết pháp. Vua rất khâm phục đức độ, trí tuệ và hành động của Bà. Về triều, Vua ban chỉ bố cáo với thần dân khắp xứ Ðại Việt là một đức Bồ Tát Quan Âm đã tu hành đắc đạo ở nước Ðại Việt. Danh hiệu của Bà tại đây là Ðức Quan Âm Nam Hải.

45. Thiện Tài và Long Nữ

Bạch Hổ mang Chúa Ba vào rừng, lên núi rồi đi xa, rất xa, vượt biên giới nước Hưng Lâm và đi lên miền cao nguyên của một nước lạ. Tới một dãy núi, cọp đặt Công Chúa nằm xuống ở một cội cây rồi bỏ đi. Chúa Ba thiêm thiếp, nằm mơ thấy mình tới cõi Âm. Nàng được hai tên quỷ sứ dẫn đi coi các cửa ngục dưới âm phủ và chứng kiến những hình phạt của các tội nhân. Những người này hồi còn sống trên dương gian đã làm nên nhiều tội ác nên nay xuống âm phủ bị quỷ sứ hành hình. Người nói dối thì bị kéo lưỡi; người sát nhân thì bị liệng vào rừng gươm giáo; người bất hiếu bị đội vòng lửa, người ích kỷ bị nhốt suốt ngày đêm trong một căn phòng u tối, người chế tạo buôn bán võ khí bị ôm những viên pháo nổ cho tan xương nát thịt; người tham lam bị buộc phải ăn những viên sắt nung đỏ; người tàn nhẫn bị ôm những cột đồng nóng bỏng, da thịt họ cháy xém, làm bay lên một mùi khét lẹt. Chúa Ba nghĩ là mình đã chết và hiện hai tên quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang đưa mình tới một nơi nào dưới âm phủ. Tất cả những tên quỷ sứ dưới địa ngục đều có vẻ tàn ác; riêng hai tên quỷ sứ dẫn nàng đi thì lại rất lễ phép. Chúa Ba lên tiếng hỏi chúng để xem chúng đang dẫn nàng đi đâu. Một tên trả lời:
– Bạch Ni Cô, Ni Cô chưa chết đâu. Vua Diêm Vương muốn mời Ni Cô xuống thăm cõi Âm cho biết và luôn dịp để Vua được gặp gỡ Ni Cô. Chúng con đang đưa Ni Cô đến gặp ngài…
Một lát sau, Chúa Ba vào đến cung điện thâm nghiêm của Diêm Chúa. Ở đây mọi người đều lễ phép. Diêm Chúa tự thân ra cổng điện để đón Chúa Ba vào. Ông cũng biết chắp tay thành búp sen để chào Diệu Thiện. Vua cõi Âm mời Chúa Ba uống trà rồi truyền quân hầu đem lên dâng một trái đào. Trái đào được đặt trên một chiếc khay bằng ngọc. Vua ân cần mời Ni Cô ăn đào, nói rằng đó là một trái đào tiên, ăn vào thì phục hồi được sức khỏe.
Vua hỏi thăm Chúa Ba để biết nàng đã được đi xem qua những cảnh tượng địa ngục chưa. Nghe Vua hỏi, Diệu Thiện nhớ lại tất cả những cảnh tượng đau thương và hãi hùng mà nàng vừa thấy. Nàng thương xót đến chảy nước mắt. Ni Cô chắp tay nhắm đôi mắt lại và phát nguyện cứu độ cho mọi loài. Ðịnh lực của Công Chúa rất mạnh; tâm niệm của Công Chúa rất thành; khiến cho thế giới địa ngục rúng động. Tiếng kêu thương của chúng sanh tự nhiên bặt dứt. Diêm Chúa chắp tay khen ngợi:
– Ðức từ bi của Ngài thật rộng lớn và mầu nhiệm. Những cảnh khổ dưới địa ngục đã giảm bớt rất nhiều nhờ tâm lực của Ngài. Thôi, quả nhân không dám giữ Ngài lâu. Xin cho người đưa Ngài trở về dương thế. Quả nhân tin chắc rằng Ngài sẽ tu hành rất tinh tiến và sẽ thành đạo ngay nội trong kiếp này.
Nói xong, Vua bảo hai tên quỷ sứ đưa Chúa Ba về trần. Nhìn lại, Chúa Ba thấy hai tên quỷ sứ không còn là đầu trâu mặt ngựa nữa. Họ đã biến hình thành những người thường, mặt mũi hiền lành. Họ đưa Chúa Ba vượt qua mười cửa ngục. Tất cả những cảnh tượng não lòng mà Chúa thấy trước đây đã hoàn toàn biến mất. Ðịa ngục đã trở thành một nơi yên tĩnh và vắng vẻ. Tới một cây cầu bắc ngang qua sông, hai người lính hầu chắp tay thưa với Chúa Ba rằng bên kia sông là dương trần và bà chỉ cần vượt qua cầu là tới. Họ được lệnh không được sang bên kia bờ. Chúa Ba cám ơn hai người rồi nhẹ bước lên cầu. Tới giữa cầu nhìn xuống nước, Chúa thấy nước chảy xiết quá. Chóng mặt, Chúa sẩy chân rơi xuống sông. Vừa lúc ấy thì Chúa tỉnh dậy.
Ni cô Diệu Thiện tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên núi, trong một bóng cây, hai tay bị trói sau lưng. Nàng nhớ lại những gì đã xẩy ra cho mình. Lính của Vua Cha tới đốt chùa. Mình bị Vua cha đem ra xử chém. Cọp trắng nhảy vào pháp trường mang mình đi. Mình ngất đi trên lưng cọp. Rồi mình nằm mơ thấy xuống thăm cõi Âm. Ðây là đâu? Công Chúa tự hỏi. Có thể là cọp trắng đã đem mình lên đây. Chúa cảm thấy dây trói hai tay mình rất lỏng lẻo. Không nỡ để nàng bị đau, người lính đã chỉ quấn dây quanh hai cổ tay nàng cho có lệ. Lần gỡ một hồi, Ni sư Diệu Thiện tháo được tay ra. Vừa lúc ấy có nhạc ngựa văng vẳng. Ni sư vừa đứng được dậy thì trước mặt cô xuất hiện một người trai trẻ dung mạo khôi ngô, tay cầm cương ngựa, theo sau là một con ngựa hồng. Người đó cúi đầu chào. Công Chúa chắp hai tay đáp lễ. Người đó hỏi thăm Công Chúa là ai, tại sao lại đứng một mình trên chốn núi non quạnh quẽ này. Công Chúa Diệu Thiện kể cho người kia nghe về thân thế mình. Người trai trẻ nói cho Công Chúa biết là hiện Công Chúa đang ở trong địa phận nước Ðại Việt trên dãy núi Tam Ðảo thuộc địa phận tỉnh Sơn La. Người đang nói chuyện với Công Chúa là Hoàng Tử nước Ðại Việt tên là Lý Phật Mã, đang một mình một ngựa dạo chơi những nơi non nước thanh tú của quê hương chàng. Nghe chuyện Công Chúa, Hoàng Tử rất lấy làm thương cảm. Tuy đã xuất gia và ăn mặc nâu sồng, Công Chúa vẫn đẹp như hồ sen một buổi sớm mai. Hoàng Tử cầu hôn với Công Chúa, nói rằng nếu Công Chúa bằng lòng, chàng sẽ đưa Công Chúa về thành Thăng Long để trình với phụ vương là Vua Lý Thái Tổ. Chúa Ba thưa với Hoàng Tử Ðại Việt là nàng đã nhất quyết muốn sống cuộc đời xuất gia rồi. Thái Tử Phật Mã cũng là người Phật tử nên hiểu ngay và rất kính trọng chí nguyện xuất gia của Chúa. Chàng nói :
– Vậy thì xin Công Chúa ở lại nước Ðại Việt mà tu hành cho tới khi thành đạo, đừng có trở về bên quý quốc mà gặp hiểm nguy. Cách đây chừng mấy ngày đường, có một động đá rất đẹp, gọi là Ðộng Hương Tích. Nếu Công Chúa bằng lòng, tôi sẽ đưa Công Chúa về đó để mà ẩn tu. Ðộng Hương Tích thuộc về địa phận Làng Dục Khê, ở phủ Mỹ Ðức, tỉnh Hà Ðông. Tôi đã tới đấy hai lần và thấy chốn đó là một nơi tu hành rất thuận lợi.
Thái Tử Phật Mã nhường ngựa cho Chúa Ba ngồi. Chàng cầm cương dắt ngựa đi mãi, đi mãi; ba ngày sau thì tới được sơn phận Làng Dục Khê.
Tới đây, Thái Tử buộc ngựa, thuê một chiếc thuyền nan, rồi mời Chúa Ba xuống thuyền. Chàng tự tay chèo thuyền đưa Chúa Ba đi. Con sông chảy quanh co giữa hai bờ núi. Cảnh tượng thật là mầu nhiệm. Từ màu trời, sắc nước cho đến hình cỏ bóng cây, nơi nào cũng đẹp. Thái Tử chỉ cho Chúa Ba xem một ngọn núi trông giống như một con voi phục. Chúa Ba thấy như voi đang đưa cái vòi của nó chúc xuống ruộng lúa. Bên đầu voi, rõ ràng là có một cái tai voi. Lên bờ, Thái Tử đưa Chúa Ba leo núi đi lên động Hương Tích. Hai người trèo tới xế chiều thì vào tới cửa động. Tới đây, Thái Tử xin phép trở về Xóm Dục Khê kẻo trời tối. Sáng mai chàng phải lấy ngựa về kinh đô cho kịp hẹn với phụ vương.
Tìm được nơi thuận lợi để tu hành, Chúa Ba mừng lắm. Tại động Hương Tích này, nàng có nơi tụng kinh, nơi ngồi thiền, nơi nằm ngủ, nơi giặt aó, nơi trồng rau. Trong thời gian tu học tại chùa Vũ Ðoài, Chúa đã học được rất nhiều điều mà Chúa có thể đem ra ứng dụng. Thực phẩm của Bà là trái cây, rau lá, và khoai củ đào được. Trong những tháng đầu, Bà không ăn một hạt ngũ cốc. Sau đó, có một bác tiều phu lên núi đốn củi đã khám phá ra sự có mặt của Bà. Bác đem cúng đường một ít gạo để thỉnh thoảng Bà nấu cơm. Bà tu hành rất tinh tiến. Trong lúc Bà ngồi thiền, chim và vượn thường tìn đến gần Bà. Chim và vượn thường kêu hót vang rừng, nhưng mỗi khi kéo tới gần Bà thì chúng im lặng. Có khi chúng hái các loại trái cây đem để trước mặt Bà. Nhiều khi xuất định thấy trái cây để sẵn trước mặt, Bà mỉm cười. Chim và vượn trong rừng chẳng mấy lúc đều đã trở thành bạn thân của ni cô Diệu Thiện. Có khi ngoài trái cây trong rừng, chúng còn hái đem tới cho Bà nhiều thứ lá lạ và thơm nữa.
Tu hành được khoảng chừng bốn năm, trí tuệ của Chúa Ba bỗng nhiên bừng tỏa. Bà đã thấy được đạo. Ngồi ở hang động, Ba có thể nghe được tiếng kêu khóc của mọi loài trên thế giới. Ngồi ở trong động, Chúa có thể thấy được cảnh tượng khổ đau của muôn loài chúng sanh. Từ đó, Bà thỉnh thoảng xuống núi vào làng dạy đạo cho người lớn và thiếu nhi trong làng. Bà lại còn cứu giúp cho những người bệnh tật và nghèo khổ trong xóm. Thiếu nhi tới học đạo với Bà rất đông. Bà dạy cho thiếu nhi nào văn hóa, nào đạo đức, nào tình thương và nào hành động. Có hai thiếu nhi xin được theo Bà vào núi để học đạo, một trai, một gái. Em trai là con mồ côi, được Bà đặt tên là Thiện Tài. Em gái là con một người dân chài. Nó đã được Bà cứu cho khỏi chết đuối một lần gần bến Ðục. Bà đặt cho nó tên Long Nữ.
Thiện Tài và Long Nữ đều là những thiếu nhi thông minh, nên học đâu hiểu đấy. Ba thầy trò sống trên động Hương Tích rất tương đắc. Ngoài việc học chữ, học kinh, thiền tọa và kinh hành, hai thiếu nhi còn biết trồng rau, trồng khoai và trỉa bắp. Họ còn theo thầy đi hái các thứ dược thảo trong rừng để về làm thuốc chữa bệnh cho dân làng. Tiếng đồn vang từ hai thôn Dục Khê và Yến Vĩ tới khắp cả phủ Mỹ Ðức, là trên động Hương Tích có một tiên nhân có thể chữa lành cho nhiều người bệnh, kể cả những cơn bệnh thập tử nhất sinh. Thiện Tài và Long Nữ chưa biết Chúa Ba là một bà công chúa nước ngoài. Họ chỉ biết là thầy họ là một người có trí tuệ cao vời và tình thương rộng lớn. Bà thường nhắc với hai trẻ rằng làm thuốc mà hay là nhờ ở sự hiểu biết và lòng thương yêu.

44. Cọp trắng cứu người

Chiều hôm qua Sư Ông tiếp tất cả thiếu nhi hai xóm tại thiền đường Xóm Thượng lúc bốn giờ. Tý lấy làm lạ khi thấy người lớn cũng tới tham dự khá đông. Sư Ông dạy cho thiếu nhi cách đứng thẳng, cách chắp tay và cách thỉnh chuông. Rồi Sư Ông kể chuyện tích bà Chúa Ba, tức là Quan Âm Nam Hải. Ðây là lần đầu tiên Tý được nghe chuyện tích này.
Ðức Quan Âm Nam Hải cư trú ở biển Nam Hải. Ngài thường thường có mặt ở miền duyên hải Việt Nam. Ngài xuất thân là một cô công chúa, tên là Diệu Thiện, nên cũng được gọi là Quam Âm Diệu Thiện. Công chúa không phải là người Việt Nam mà là người nước Hưng Lâm phía Ðông Thiên Trúc. Công chúa có hai người chị. Chị đầu tên là Diệu Thanh, chị kế tên là Diệu Âm. Ba chị em đều là những người thông minh, hiền lành và có hiếu với cha mẹ. Vua Diệu Trang Vương và Hoàng Hậu không có con trai, nên rất cưng quý ba cô công chúa này. Không có hoàng tử để nối nghiệp, Vua định tìm phò mã (phò mã là con rễ của Vua) cho ba cô công chúa, nghĩ rằng sau này sẽ chọn một trong ba người để trao truyền ngôi báu. Hai công chúa Diệu Thanh và Diệu Âm, tuy đã đi lấy chồng nhưng vì cung phủ của họ rất gần cho nên thỉnh thoảng vẫn còn đến thăm mẹ và em gái. Công chúa Diệu Thiện đẹp lắm. Tóc nàng như mây, da nàng như tuyết, miệng nàng như sen. Vì là công chúa thứ ba nên nàng thường được dân chúng gọi là Chúa Ba. Chúa Ba không ưa cư trú cả ngày trong cung điện. Nàng thường xin Vua và Hoàng Hậu đi ra ngoài tiếp xúc với dân chúng để xem thần dân của cha nàng sinh sống ra sao, và cuộc đời của họ có những vui khổ nào. Vì vậy Chúa Ba biết được nhiều khía cạnh của cuộc sống dân dã. Nàng thấy được tình trạng nghèo đói bệnh tật và bất công trong xã hội. Cũng như Phật Thích Ca ngày xưa, Chúa Ba thao thức muốn làm được một cái gì để cho cuộc đời bớt khổ. Từ thuở còn ấu thơ nàng đã biết thương người. Một hôm đi chơi ngoài cửa thành với hai chị, Diệu Thiện đã bảo quân hầu đem hết phần bánh và phần xôi của mình mà phân phát cho các đứa trẻ đói bên đường. Năm đó Diệu Thiện mới có bảy tuổi. Chính Diệu Thiện đã chạy tới và tự đưa nắm xôi trên tay của mình cho một em bé gái cùng tuổi, áo quần rách rưới và tay chân teo lại vì thiếu ăn. Có lần chính mắt Diệu Thiện trông thấy một thiếu phụ với đứa hài nhi của bà trong tay, vừa đi lang thang ngoài đường vừa khóc. Ðứa bé đã chết vì thiếu thức ăn và thuốc men.
Từ đó, mỗi lần được phép đi ra cửa thành để chơi, Diệu Thiện thường lén đem theo thóc lúa và vải bô trong kho để chia tặng cho những gia đình nghèo khổ. Hai chị Diệu Thanh và Diệu Âm bao giờ cũng chiều em và không khi nào mách lại điều đó với Vua và Hoàng Hậu. Người lính hầu đánh xe ngựa cho ba chị em đi chơi cũng không bao giờ dám thóc mách.
Từ ngày hai chị lớn lên và đi lấy chồng, Diệu Thiện không còn được phép đi ra ngoài thành nữa. Nhưng trong trí nàng cảnh tượng nghèo khổ và bệnh tật của dân chúng vẫn còn in rõ. Công chúa tự nhủ sau này trở thành người lớn mình sẽ cố gắng làm mọi cách để giúp nước giúp dân.
Từ mấy năm nay ngoài thì giờ học hành và thêu may, công chúa chỉ biết thơ thẩn một mình trong hoa viên. Vườn thượng uyển là nơi công chúa hay đến dạo chơi và ngồi trầm tư tìm cách cứu khổ cho đời.
Năm Chúa Ba được tròn mười chín tuổi, Vua và Hoàng Hậu muốn tìm người để lập phò mã thứ ba. Một hôm Vua gọi công chúa vào và bảo:
– Con đã đến tuổi lấy chồng. Trong triều có nhiều vị quan văn và quan võ còn trẻ tuổi, con thấy có ai ưng ý thì cứ cho ta biết, ta sẽ chọn người đó.
Chúa Ba đã từng suy nghĩ về điều này rồi. Nàng quỳ xuống tâu với Vua :
– Con xin phép phụ hoàng cho con xuất gia đi tu. Con không muốn lấy chồng.
Chúa Ba đã nói lên được điều nàng ấp ủ trong lòng từ lâu. Chúa biết thế nào là đời sống của một cô công chúa có chồng. Hai chị Diệu Thanh và Diệu Âm từ ngày lấy chồng đã trở nên rất bận rộn. Mỗi lần đến thăm nàng, họ chỉ ở lại được nhiều lắm là một khắc, và chị em không còn có cơ hội cười đùa và dạo chơi trong vườn thượng uyển như ngày xưa. Cả ba chị em gần đây đã không còn tiếp xúc được với cuộc sống dân chúng bên ngoài nữa. Chúa Ba không để ý tới việc chồng con. Nàng chỉ nghĩ tới việc cứu người và giúp đời. Nàng nghĩ rằng lấy chồng tức là tự giam mình vào trong một thế giới nhỏ hẹp.
Nàng nhớ hồi nhỏ có lần ra khỏi nội thành nàng gặp một ni cô đang chăm sóc và rửa ghẻ cho mấy đứa trẻ em. Nàng nghĩ nếu đi tu làm ni cô thì nàng cũng sẽ có thể gần gũi được những người đau khổ để giúp đỡ họ. Vì vậy Diệu Thiện đã tâu với Vua là nàng muốn đi tu.
Nghe con gái đòi đi tu Vua giật mình. Vua không hiểu được Chúa Ba. Vua thường bận rộn việc triều đình cho nên ít có thì giờ gần gũi các con. Vua cho là công chúa sinh chứng. Vua bảo Diệu Thiện :
– Cuộc đời của người tu hành cực khổ lắm, con không chịu đựng được đâu. Cuộc đời vua chúa là cuộc đời sung sướng nhất trong khi cuộc đời của người tu hành là cuộc đời khổ nhất. Con là con vua, tại sao lại nghĩ đến chuyện tu hành? Con nên nghĩ lại và vâng lời cha.
Chúa Ba vẫn quỳ dưới gối Vua. Chúa thong thả trình bày cho Vua nghe tất cả nỗi lòng của Chúa. Nhưng Vua vẫn không hiểu được Diệu Thiện. Vua cho là con gái cứng đầu. Xưa nay, chưa có ai dám trái lời Vua như Công Chúa. Vua nổi cơn lôi đình, đòi đem Công Chúa ra chém đầu. Hoàng Hậu khóc lạy mãi Vua mới tha. Theo lời khuyên của Hoàng Hậu, Vua đày Công Chúa ra vườn thượng uyển, không cho Công Chúa sống trong cung điện nữa. Vua nghĩ rằng sau một vài ngày sống cảnh màn trời chiếu đất Công Chúa sẽ bỏ ý định xuất gia. Mỗi ngày một lần, quân hầu đem ra cho Công Chúa một bát cơm và một đĩa muối mè, thức ăn phổ thông của các chùa chiền trong nước.
Sau một tháng sống ở ngự viên, Chúa Ba vẫn không bỏ ý định xuất gia. Nàng còn cảm thấy dễ chịu hơn cả ở trong cung điện. Nàng tập thiền tọa và đi thiền hành. Nàng học xử dụng cuốc xẻng và cào để chăm bón các khóm hoa và các bụi trúc. Nàng ăn cơm với muối mè rất ngon miệng. Hoàng Hậu và hai chị có tới thăm và khuyên nhủ nàng bỏ ý định xuất gia nhưng tâm nguyện nàng vẫn không hề suy suyển. Thấy giải pháp đày ra vườn hoa không có hiệu quả, Vua tìm giải pháp khác. Vua cho phép Chúa Ba đi tập sự xuất gia tại chùa Vũ Ðoài ở kinh đô, và mật lệnh cho Hoà Thượng trú trì chùa này phải bắt Chúa Ba làm việc rất nặng nhọc để nàng thối chí. Ðược Vua cho đi tu Chúa Ba mừng rỡ. Nàng được thọ giới tại chùa Vũ Ðoài làm ni cô. Chùa lớn lắm. Có cả mấy trăm tăng ni. Chúa Ba được ở chung với chư Ni bên ni viện. Chúa phải thức dậy lúc ba giờ sáng. Phải chấp tác từ ba giờ sáng đến mười một giờ khuya. Phải gánh nước, giã gạo, trồng khoai, nấu bếp và rửa chén. Công việc giao cho Diệu Thiện là công việc của ba hay bốn người. Các ni cô được lệnh không ai được giúp đỡ Chúa Ba. Ngoài công việc chấp tác, Diệu Thiện còn phải học kinh và bái sám nữa. Nào Kinh Lăng Nghiêm, nào Luật Sa Di, nào Luận Khởi Tín. Công Chúa tìm ra được cách vừa lặt rau vừa học bài, vừa cuốc đất vừa ôn kinh. Có mấy ni cô trẻ thấy Chúa Ba làm việc nặng quá sinh lòng thương cảm. Họ lén lút giúp Chúa Ba. Khi Chúa Ba ra giếng gánh nước, ở nhà họ vo gạo và rửa rau cho Chúa. Khi trở lại giếng nước, Chúa Ba đã thấy có hai thùng nước đầy sẵn, chỉ việc gánh về. Trong chùa người ta đồn là có rồng tới lấy nước giúp Chúa và có chim tới lặt rau thay Chúa. Tuy làm việc suốt ngày nhưng Chúa Ba vẫn học thuộc kinh luận như mọi người; có khi lại thông hiểu kinh luận hơn mọi người là khác. Sáu tháng trôi qua, không thấy Công Chúa nản lòng, Vua lại nổi trận lôi đình. Vua cho là Hòa Thượng trú trì đã không tuân lệnh Vua và đã dung túng Công Chúa. Vua truyền lệnh đốt chùa.
Vào một đêm không trăng sao, lúc chư Tăng chùa Vũ Ðoài còn trong giờ chỉ tịnh, lính nhà Vua tới bao vây chùa rồi phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa bốc cao. Tiếng người la ơi ới. Ni cô Diệu Thiện được một bạn đồng tu cho biết là lính của Vua đã được lệnh tới đốt chùa. Ni cô chạy ra thì thấy lửa đã cháy lan tới tăng đường. Lính tráng vây quanh không cho tăng ni chạy thoát. Họ được lệnh đốt chùa và đốt luôn cả mấy trăm tăng ni, trong đó có cả ni cô Diệu Thiện.
Chúa Ba rơi nước mắt nghĩ rằng vì mình mà tất cả tăng ni trong chùa đều sẽ bị chết oan. Bà chắp tay lại thành búp sen, tập trung tâm ý và cầu cứu tới chư Phật và chư Bồ Tát mười phương. Rồi bà cắn ngón tay út cho chảy máu và rẩy giọt máu vào trong lửa. Ðột nhiên trên trời có tiếng sấm động và mưa trút xuống ào ào. Lửa tắt. Quân lính nhà Vua cũng bị ướt. Họ rút về. Sáng ngày hôm sau, họ tâu tự sự với Vua.
Vua tức giận tới cực điểm. Vua truyền lệnh bắt lấy Chúa Ba và đem chém ngay vào tối đêm hôm ấy tại pháp trường ở ngoại thành. Hoàng Hậu van xin đến cách mấy, Vua cũng không bớt giận. Hai công chúa Diệu Âm và Diệu Thanh quỳ dưới chân Vua mà khóc lóc đến cách mấy, Vua cũng không đổi ý. Dân chúng xôn xao. Tối hôm đó hàng chục ngàn người kéo nhau tới pháp trường để cầu nguyện cho Chúa Ba. Vua Diệu Trang Vương đích thân tới pháp trường để chứng kiến cái chết của cô công chúa mà Vua cho là bất trung bất hiếu. Ðèn đuốc sáng trưng. Ni cô Diệu Thiện, hai tay bị trói đằng sau lưng, được hai tên lính điệu ra giữa pháp trường. Ni cô thản nhiên niệm Phật cầu cho Vua cha thoát khỏi nghiệp báo. Dân chúng vòng trong vòng ngoài khóc như ri.
Ðã đến giờ xử trảm. Sau lệnh của trảm quan, ba hồi trống nổi lên, dõng dạc. Chúa Ba đang quỳ giữa pháp trường, đầu cúi xuống, cổ đưa ra, đón chờ lưỡi dao của người đao phủ đang đứng một bên. Hồi trống thứ ba vừa chấm dứt, đao phủ thủ vừa đưa chiếc dao sáng loáng lên cao thì một trận cuồng phong thổi tới làm tắt hết đèn đuốc ở pháp trường. Một con bạch hổ ở đâu phóng tới và gầm lên làm mọi người kinh hãi lùi lại. Ðao phủ thủ tối tăm cả mặt mày; lưỡi trảm đao của ông ta rơi xuống đất nghe keng một cái.
Khi đèn đuốc được thắp trở lại thì người ta không còn thấy ni cô Diệu Thiện ở đâu nữa. Ai cũng nói rằng cọp trắng đã nhảy vào và mang Công Chúa đi rồi.

43. Trời làm văn nghệ

Sáng hôm nay vì Tý thức dậy một lần với Sư Ông nên được Sư Ông mời uống trà. Lần nào đưa trà cho Tý, Sư Ông cũng đưa bằng hai tay và vì vậy chẳng khi nào Tý quên chắp tay trước ngực trước khi nhận lấy chén trà. Tý nhận thấy ở Làng Hồng Tý được nhiều người đối xử như người lớn. Những người này không coi thường bọn Tý là ”đồ trẻ nít”. Họ không lấy tư cách người lớn để đàn áp bọn Tý, hoặc bằng lý luận hoặc bằng uy quyền của bậc phụ huynh. Cái gì họ biết thì họ nói biết, cái gì họ không biết thì họ thú nhận là họ không biết. Họ không bao giờ nói gạt bọn Tý, dù là để vui đùa. Bọn Tý rất ưa những người lớn như thế. Ðể đền đáp lại cái thái độ dễ thương của họ, bọn Tý bằng lòng chấp nhận họ vào hàng ngũ con nít của mình. Ví dụ đối với Sư Ông chẳng hạn. Ðối với Sư Ông Tý không ngần ngại gì mà không nói những cảm nghĩ riêng tư của Tý cho Sư Ông nghe. Ðối với Sư Ông, bọn Tý có thể ”cúc cu” để chào hoặc mời Sư Ông tham dự vào những cuộc vui của bọn Tý.
Uống trà xong, Tý mở cửa đi ra ngoài. Trong khung trời còn mờ sương, Tý thấy bác An đang chỉ dẫn phép thiền hành cho một số các cô chú từ Lyon mới về tuần trước. Bác An là y sĩ; bác thông hiểu vừa y học phương Tây vừa phép trị liệu bằng châm cứu của phương Ðông. Tý đã được nghe bác nói về phép dưỡng sinh. Theo bác, người lớn tuổi không nên ăn muối và ăn đường nhiều. Bác nói muối và đường trong nhiều trường hợp là kẻ thù của con người. Tý không hiểu tại sao muối và đường lại là kẻ thù của con người. Thức ăn hàng ngày mà không có muối và đường thì còn ra gì nữa. Ðiều này có lẽ Tý phải hỏi lại Ba. Tý nghĩ phải có lý do gì đó bác An mới nói một cách quả quyết như vậy. Bác còn nói rằng trong giới bác sĩ Tây Phương mà bác quen biết, nhiều người đã tự động ăn chay, bởi vì họ nhận ra rằng ăn chay thì sức khỏe của họ được tốt đẹp hơn lên. Họ ăn chay là vì lý do dưỡng sinh chứ không phải là vì mục đích bảo vệ sự sống như người Phật tử.
Tý nghe Ba nói bác An và các cô chú ở Lyon đang phụ trách một chương trình truyền thanh hàng tuần bằng tiếng Việt trên một đài phát thanh ở Lyon. Tiếc quá, nếu Lyon ở gần Làng Hồng thì bọn Tý đã có thể bắt nghe được chương trình phát thanh này rồi. Ở đây, mỗi khi vặn máy thu thanh, Tý chỉ nghe được toàn tiếng nước ngoài. Hồi còn ở trại Palawan, Ba cũng đã từng phụ trách một buổi phát thanh hàng tuần bằng tiếng Việt. Ba nói phát thanh là một việc làm văn hóa có thể tạo thêm sự thương yêu và hiểu biết giữa những người đồng hương.
Hồi hôm, chương trình văn nghệ ngoài trời của bọn Tý ở Xóm Thượng đã bị bãi bỏ vì trời cứ dọa nổi một cơn giông. Mây đen ở đâu kéo tới phủ kín cả bầu trời. Có tiếng sấm động ở phương xa. Nhìn về hướng Tây, Tý thấy cảnh tượng tuyệt đẹp. Màu hồng của chân trời chen lẫn với màu mây xám xịt. Trên cái nền trời đó, cứ cách một hai giây lại có những làn chớp sáng lòe.  Những làn chớp vẽ lên chân trời những đường sáng ngoằn ngoèo muôn hình muôn trạng. Bọn Tý đứng nhìn say mê, quên cả nỗi thất vọng không được làm văn nghệ tối nay. Sâm nói: “Ông trời đang làm văn nghệ.” Tý thấy đúng quá. Bọn thiếu nhi đứng nhìn trời làm văn nghệ rất đông. Cô Trinh cũng đứng nhìn với bọn Tý. Cảnh tượng kéo dài có tới mười mấy phút. Sau đó, cô Tâm Trân và chú Thanh lái xe đưa các thiếu nhi Xóm Hạ về. Ðã sắp đến giờ thiền tọa.
Tuy vậy, trời vẫn không mưa. Sáng nay trời có sương, và Tý biết rằng cơn nắng cũng sẽ gay gắt như ngày hôm qua. Hôm nay Tý và Sâm sẽ nhớ đi tưới các cây tùng. Tý và Sâm sẽ tưới các vùng rau dền nữa. Cả tháng nay, dân Làng tha hồ ăn rau dền. Rau dền ở đây mọc hoang rất nhiều. Hạt rau dền hình như có mặt khắp nơi. Ba nói chỉ cày đất lên và tưới nước xuống là rau dền tự động mọc ra. Ở đây ai cũng ưa rau dền. Trong bữa cơm nào, trên Xóm Thượng cũng như dưới Xóm Hạ, cũng có món rau dền hoặc luộc hoặc nấu canh. Bác Mounet nói với Tý là bác đã thấy cây rau dền mọc hoang từ sáu mươi năm nay, nhưng bác không biết là cây ấy có thể ăn được. Bác khen rau dền ngon lắm, ngon chẳng kém rau épinards Tây Phương. Hôm mới về Làng, thấy trên bàn ăn có món rau dền luộc, chị Tri Thủy mừng lắm. Nhưng chị không dám gắp nhiều. Chị đâu có biết là rau dền mọc đầy cả ruộng cả vườn, và muốn hái bao nhiêu cũng có. Rau dền nhiều quá khiến có lần Miêu đã đề nghị đổi tên Làng Hồng thành Làng Dền. Ai cũng cười khi nghe Miêu nói.
Chiều hôm nay khi giờ Sử Ðịa Việt Nam chấm dứt, chú Dũng đến rủ bọn Tý đi xuống vườn Xóm Hạ hái mận hái táo. Có cả Sư Ông đi theo. Bọn Tý đi rất đông. Trên đường xuống vườn, bọn Tý rủ được cả chú Joe, chú Vinh, chú Quanh, cô Paula và cô Trinh đi theo nữa. Các em bé nhất cũng đòi đi theo. Chú Dũng đem theo mấy cái bao tải. Chú lại phát cho mỗi thiếu nhi một cái túi ni lông. Ðứa nào hái mận được đầy túi thì đem đổ vào bao tải. Cây mận đầy cả trái. Mận này màu tím. Chú Dũng bảo nên hái càng nhiều càng tốt bởi vì mận đã chín. Mấy hôm nữa đã có người bắt đầu rời Làng. Chú Dũng bảo bọn Tý có thể gói mận thành nhiều gói để tặng những người ra đi. Chú nói cây mận này cho ít nhất là mươi ký mận. Bé Thảo, bé Vi và bé Nhung vì còn nhỏ quá nên không hái được trái nào trong khi các thiếu nhi khác vin cành mận xuống và hái được rất nhiều. Sư Ông và chú Joe phải ôm các bé đưa lên cao để các bé có thể hái được mận. Bọn Tý hái rất hăng. Thỉnh thoảng Tý lại bỏ một trái mận vào miệng. Mận ngọt ghê.
Hái mãi mà trái mận vẫn còn, nhất là phía trên cao. Mận đã gần đầy hai bao tải. Chú Dũng đề nghị mọi người chuyển sang hái táo. Ði men theo những hàng nho, bọn Tý tìm tới những cây táo. Một cảnh tượng mầu nhiệm hiện ra trước mặt Tý. Trái táo (pommes) chín đỏ đầy cành những cây táo. Trái táo cũng rụng đỏ cả một vùng. Có hàng ngàn trái táo trên cành; có hàng ngàn trái táo dưới đất. Lâu nay Tý không có dịp xuống tới vùng này, nên đây là lần đầu Tý thấy được cảnh tượng. Ai ngờ mùa hè mà các cây táo cũng đẹp như mùa xuân khi hoa táo nở rộ. Tý nhớ lại hồi đầu mùa xuân khi Tý cùng chú Dũng xuống thăm những cây táo. Hoa táo màu trắng điểm hồng. Cây táo rực rỡ như một nàng tiên vừa mới mặc chiếc aó màu đẹp nhất để đi dự hội mùa xuân. Hồi đó Tý có ý định cắt một cành hoa táo về trưng cho đẹp nhà, nhưng Tý do dự mãi không biết nên cắt cành nào. Cành nào cũng đẹp hết và cắt cành nào cũng thấy tiếc và tội nghiệp cho cây táo hết. Bây giờ đây, hoa táo đã thành trái táo. Những cây táo này có trái đỏ như son. Trái nhiều gần như hoa. Tý cúi xuống nhặt lên một trái táo rụng. Trái táo còn tươi quá. Nó không có vẻ gì bầm dập. Tý cắn vào trái táo. Chất nước ngọt của táo chảy vào miệng Tý và tràn ra cả bên mép. Táo khá ngọt.
Tý nghĩ từng này táo cả Làng ăn cũng không hết. Cô Trinh đề nghị hái hết táo vào để tặng dân Làng. Cô nói nếu dân Làng ăn không hết cô sẽ làm compote để dành. Tý chưa biết compote là gì, nhưng Tý đoán đó là một thứ mứt táo bỏ vào trong keo có thể để dành tới mùa đông và muà xuân! Mọi người đã bắt đầu hái táo và lượm táo. Tiếng cười nói vang vang. Những thiếu nhi còn bé thi nhau lượm táo dưới đất. Bé Phòng đòi hái táo trên cành. Sư Ông phải vin một cành táo xuống thật thấp để bé có thể hái một trái. Các bé khác như bé Nhung, bé Liên, bé Vi và bé Thúy Nga cũng chạy tới, tranh nhau hái táo trên chiếc cành hạ thấp ấy. Chú Dũng bảo Tý đi vào kiếm thêm vài ba chiếc bao tải nữa đem ra. Tý vâng lời.

42. Bé Nhung viết thơ cho cô Trí Hải

Sư Cô Trí Hải rời Làng mới có ba hôm mà bé Hoàng Nhung đã thấy nhớ cô lắm rồi. Nó bắt đền chú Thư tại sao để cho cô Trí Hải đi. Chú Thư nói cô Trí Hải có công việc ở Marseille cho nên mới đi, chứ thật ra cô cũng muốn ở lại với bé Nhung lắm. Cô thương tất cả thiếu nhi Làng Hồng và tất cả các thiếu nhi Làng Hồng đều thương cô. Bé Nhung hiểu chú Thư muốn nói gì, nhưng bé vẫn cứ muốn làm nũng với chú. Cuối cùng chú Thư nói:
– Nếu Nhung nhớ cô Trí Hải thì Nhung viết thơ thăm cô Trí Hải đi.
Bé Nhung vẫn còn nhỏng nhẻo:
– Nhưng con không biết viết thư.
– Tại vì con học tiếng Việt chậm quá. Thôi để chú giúp con viết thư cho cô Trí Hải. Con nói gì với cô Trí Hải đi; chú sẽ viết xuống giấy để làm thành một lá thư gửi về cho cô Trí Hải. Con ngồi đó, để chú đi lấy giấy bút và bì thơ.
Tò mò muốn biết bé Nhung sẽ viết cho cô Trí Hải những gì, Tý ngồi nán lại. Chú Thư đã đem ra mấy tờ giấy và mấy cái bì thơ. Chú ngồi xuống bàn, cầm bút rồi nhìn vào mặt bé Nhung. Chú bảo:
– Nào, con nói gì với cô Trí Hải đi. Chú Thư sẽ viết đúng xuống giấy những điều con muốn nói.
Bé Nhung cầm một cái bì thơ lên ngắm nghía. Nó bắt đầu đọc cho chú Thư viết. Hai chú cháu làm việc với nhau một hồi thì lá thư được viết xong. Lá thư viết xong, chú đọc lại như sau:
”Thưa cô Trí Hải, con gửi thơ cho cô Trí Hải trong cái bì thơ. (Tý nghĩ thầm: cố nhiên là viết thơ thì phải bỏ vào bì thơ mới gửi được chứ!) Một lát con viết cái hoa. (Ý nó muốn nói sau khi chú Thư viết xong cái thơ, nó sẽ vẽ cái hoa vào dưới lá thư để tặng cô Trí Hải.) Thưa cô Trí Hải, bên đây nó có một cái quán cốc để bán, có một em bé là đứa con trai mà nó tên là bé Tâm. (Ðiều này, Tý nghĩ, cô Trí Hải dư biết rồi. Ai mà lại không biết ở Làng có quán cốc. Ai mà lại không biết ở Xóm Hạ có thằng Chó Con tên là bé Tâm.) Nó có một cái võng của Sư Ông (chắc là nó muốn nói cái võng treo ở giữa hai cây sồi gần quán cốc do cô Như Liên đan, cái võng này Sư Ông hay ngồi.) Nó có một cái hoa màu vàng. (Ý nó nói ở Xóm Hạ có rất nhiều bông hướng dương. Cái hoa màu vàng chắc là hoa hướng dương rồi, nhưng mà trong khi hướng dương có cả triệu cái, bé Nhung lại nói là ”một cái”.) Nó có Sư Ông. (Tý buồn cười. Câu văn này giống như câu văn viết theo văn phạm Pháp: il y a Sư Ông!) Con sẽ viết hai cái bì thơ cho Cô Trí Hải. (Ý nói là thơ của nó viết dài quá, phải có hai cái bì thơ mới đựng đủ.) Thưa cô Trí Hải, nó có cô Trinh mang áo dài rất đẹp. Nó có chú Thư mang áo dài rất đẹp. (Ý nói là chú Thư mặc cái áo tràng màu khói hương do Ni Sư Như Tuấn tặng, rất đẹp.) Con có một cái áo dài màu tím rất đẹp, thứ cô Trinh. (Ý nói áo của nó không phải áo tràng như chú Thư! Ai ở trong Làng mà lại không biết bé Nhung mặc áo dài màu tím!) Ðây là con, là Nhung viết thơ cho cô Trí Hải. (Phải nhắc như vậy nếu không cô Trí Hải quên không biết là mình đang đọc thơ của ai.) Hết rồi.
Nhung đã viết thơ xong cho cô Trí Hải. Chú Thư gấp lá thơ lại làm tư, bỏ vào một cái bì thơ rồi đề tên và địa chỉ cô Trí Hải. Rồi chú đưa cái bì thơ cho bé Nhung. Chú nói:
– Bây giờ con đem cái thơ này qua cho bác Cả rồi xin bác dán cho một con tem lên góc bì thơ.
Bé Nhung cầm lấy phong thơ. Nó có vẻ ngạc nhiên khi thấy cái thơ nhẹ quá. Một cái thơ dài như vậy mà chỉ tốn có một cái bì thơ. Cầm cái thơ đã bỏ vào trong bì thơ, Nhung thấy cái thơ của nó gởi cho cô Trí Hải nhẹ hều. Bé đứng dậy, cầm cái thơ chạy qua tìm ”bác Cả”.
Chú Thư nói với những thiếu nhi còn ngồi quanh chú:
– Tại Làng Hồng thiếu nhi đã làm quen với nhau. Sau này, khi Làng Hồng đóng cửa, chúng ta nên liên lạc với các bạn bằng thư từ. Các em hãy viết thư cho nhau. Viết thư là một cách trau dồi tiếng Việt rất hay. Nếu các em không thường xuyên viết tiếng Việt thì chỉ trong vài năm là các em sẽ thấy lúng túng khi viết tiếngViệt. Tại nhà, chúng ta phải mua sách và báo tiếng Việt để đọc. Trong khi chúng ta học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ðức thì chúng ta cũng phải trau dồi tiếngViệt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Chú Thư đang nói chuyện về vấn đề trau dồi tiếng Việt thì các lớp học do chú Lễ, chú Vinh, và cô Trinh tuần tự chấm dứt. Thấy chú đang nói chuyện, các thiếu nhi chạy tới bao quanh lấy chú. Chú Thư thường kể nhiều chuyện rất hay và bày cho thiếu nhi chơi nhiều trò rất vui, nên đứa nào cũng ưa tới với chú.
Chú Thư lặp lại những điều chú mới nói về vấn đề trau dồi tiếng Việt cho những thiếu nhi mới tới nghe. Chú lại còn đề nghị tất cả thiếu nhi về tổ chức Ngày Làng Hồng, cố nhiên là với sự đồng ý của ba má. Ngày Làng Hồng có thể được tổ chức từ chiều Thứ Sáu đến chiều Thứ Bảy, hoặc đến chiều Chủ Nhật. Chú nói là mình có thể tạo không khí Làng Hồng trong gia đình mình, ít ra mỗi tuần một ngày. Ba và má nào mà đã có tới Làng Hồng thì cũng sẽ đồng ý cho con cái mình tổ chức Ngày Làng Hồng tại nhà. Ngày Làng Hồng ta có thể đi tắm và thay quần aó sạch và đẹp. Rồi ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp thong thả, vừa làm vừa hát. Người thì đi cắm hoa, người thì trải khăn bàn đặc biệt trên bàn ăn. Từ lúc khởi sự đi tắm cho đến khi nhà cửa trở nên ngăn nắp đẹp đẽ, không có giây phút nào mà ta quên rằng ta đang tổ chức Làng Hồng ngay trong nhà của ta, và ta làm cho không khí Làng Hồng có mặt. Ta làm việc thong thả và ta giữ sự vui tươi. Tại nhà không có quán cốc nhưng má có thể làm một thứ bánh đặc biệt cho một ngày đặc biệt. Hoặc là bánh bèo, hoặc là bánh cuốn, chè đậu đen hay xôi vò. Má sẽ rất vui mà làm món đó cho ba và các con của má. Trên bàn Phật đã có bình bông. Ta đâu cần phải tốn tiền mua hoa. Ta có thể cắt một cành cây ngoài trời hoặc ngoài hàng rào hoặc ngoài công viên để cắm. Vừa cắm hoa ta vừa thở nhẹ nhàng, hoặc là ta ca hát nho nhỏ.
Chiều hôm đó, má nấu mấy món chay rất ngon, bởi vì má đã chuẩn bị rồi. Ba có thể tham dự vào việc cắm hoa hay dọn lại kệ sách nếu ba muốn. Nếu ba mệt thì cứ để ba đọc báo hay xem sách. Cả gia đình có thể đi thiền hành hoặc bách bộ trong công viên hoặc ngoài bờ sông hay ở một khu rừng gần nhà. Trong Ngày Làng Hồng thiếu nhi không nên mở máy truyền hình. Không khí ngày hôm nay tuy vui nhưng thanh tịnh. Máy truyền hình ít khi cho ta một chương trình thanh tịnh. Nó ồn ào lắm, và nó phá sự thanh tịnh của cả nhà.
Chú Thư bảo là vào buổi chiều Ngày Làng Hồng, trước giờ ăn cơm, thiếu nhi phải quán niệm. Bữa cơm có thể yên lặng mà vẫn vui. Sau bữa cơm, mọi người tham dự vào việc dọn dẹp bàn ghế và chén bát. Tiếp đó là sinh hoạt văn nghệ. Muốn cho buổi văn nghệ thành công, thiếu nhi phải chuẩn bị trước. Nếu cần thì bàn trước với ba và má. Trong buổi văn nghệ, làm sao cho có cả ba và má tham dự. Má hát, còn nếu ba không hát thì ba sẽ kể chuyện. Ai cũng phải đóng góp.
Buổi tối trước khi đi ngủ, cả nhà lạy Phật, và ngồi thiền chừng mười lăm phút. Ngày quán niệm tiếp tục sáng hôm sau. Buổi sáng thiếu nhi đọc sách tiếng Việt, kể chuyện cổ tích và thần thoại Việt Nam, học thêm vài bài dân ca, học thêm vài câu ca dao, viết thơ bằng tiếng Việt cho các bạn đã làm quen được tại Làng Hồng.
Chú Thư nói hay lắm. Thiếu nhi đứa nào cũng có ý định về tổ chức Ngày Làng Hồng tại nhà mình. Chị Thanh Trang nói với Tý nhất định về Thụy Sĩ chị sẽ tổ chức Ngày Làng Hồng.

41. Tý không thích làm người lớn

Sáng nay thức dậy Tý thấy trời đã sáng tỏ. Sư Ông đi ngồi thiền mà không đánh thức Tý dậy. Tý nhớ đến cuộc rước đèn Trung Thu hôm qua. Vui thật là vui. Tối qua các cô các chú tham dự vào lễ rước đèn đông lắm. Không có một cái đèn nào bị cháy. Văn nghệ thiếu nhi được tổ chức bên lửa trại. Trẻ em và người lớn làm văn nghệ mừng trăng tới khuya. Có lẽ vì hồi hôm bọn Tý đi ngủ trễ nên sáng nay Sư Ông đã không đánh thức Tý dậy để ngồi thiền với những tiếng cúc cu thường lệ.
Tý nằm trên giường chưa dậy vội. Miêu nằm ở giường bên trái vẫn còn ngủ ngon. Nó đã tung cái mền sang một bên nhưng đêm nay nó không “lăn tòm xuống biển.”
Thấm thoát mà ba tuần lễ đã trôi qua, từ ngày Làng Hồng mở cửa. Chỉ còn một tuần lễ nữa thôi, mọi người đều phải rời Làng. Tý cũng phải rời Xóm Thượng để về với đời sống hàng ngày. Mấy tuần nay Tý đã sống một đời sống rất khác và rất lạ. Tý không giữ em cho Mẹ, Tý không cho gà vịt ăn; Tý cũng không đi tưới vườn với chú Dũng. Tất cả những công việc ấy lâu nay Ba, Mẹ và chú Dũng đã làm thay cho Tý hết. Làm thay một cách im lặng. Ðể Tý có thể hòa mình vào đời sống của tất cả các thiếu nhi có mặt tại Làng Hồng. Tý cảm thấy biết ơn Ba, Mẹ và chú Dũng. Tý cảm thấy biết ơn tất cả những người lớn đã tạo ra cơ hội cho Tý và các bạn Tý được sống một tháng trời sung sướng và yên vui. Chính ngày còn ở tại quê nhà Tý cũng chưa bao giờ được sống tự do và thoải mái như trong mấy tuần lễ vừa qua. Tý biết các thiếu nhi về Làng cũng cảm thấy như Tý. Ở nhà ai cũng phải giúp đỡ ba má trong công việc hàng ngày. Tại Làng Hồng thiếu nhi nào cũng thỏa thích học tập và nô đùa. Ðể cho thiếu nhi được về Làng, các chú các bác, các cô và các dì phải sắp đặt trong nhiều tháng mới có đủ thì giờ và tiền bạc. Bọn Tý phải thấy được sự hy sinh của các bậc phụ huynh. Tý muốn về Xóm Hạ ôm cổ Mẹ và nói cho Mẹ nghe điều đó.
Tý chỗi dậy. Giờ này mọi người đã ngồi thiền xong và cũng đã đi thiền hành xong. Chắc họ đang ăn cháo sáng. Nó đánh thức Miêu. Hai anh em mặc áo quần rồi đi xuống phòng rửa mặt. Sáng hôm nay sau giờ ăn cháo, Sư Ông cũng xuống Xóm Hạ với bọn Tý bởi vì Sư Ông có hai giờ tham vấn. Mỗi tuần có ba buổi sáng để tham vấn, mỗi buổi hai giờ. Người nào muốn tham vấn thì phải ghi tên trước vào lịch tham vấn do Ba nắm giữ. Tham vấn là gặp mặt Sư Ông để hỏi về những chuyện tu học và thiền tập. Chỉ có người lớn mới ghi tên tham vấn. Trong giới thiếu nhi chỉ có chị Thanh Trang là được ghi tên tham vấn. Ai cũng cười  cho rằng chị Thanh Trang còn con nít quá. Chị Trang năm nay đã mười ba tuổi. Sư Ông nói chị chỉ được làm thiếu nhi hai năm nữa thôi, sau đó chị phải làm cô giáo Làng để dạy tập đọc và tập viết cho các đồng nam và đồng nữ trong Làng. Chị Trang sợ quá, nói với Sư Ông: “Thưa Sư Ông, nếu bọn nhỏ không sợ con thì sao?” Sư Ông cười: “Con không cần bọn nhỏ sợ. Con chỉ cần chúng nó thương con là làm cô giáo được rồi.” Tý tính toán thì chỉ còn bốn năm nữa thì hết được làm thiếu nhi. Tý rầu lắm. Tý không thích làm người lớn. Tý không thích làm thầy giáo Làng. Tý ước ao mãi mãi là thiếu nhi. Tý nhớ trước khi Làng mở cửa, Sư Ông có nói với Ba: “Tý còn làm thiếu nhi được bao nhiêu năm nữa đâu?” Hồi đó Tý chưa hiểu câu nói đó. Bây giờ thì Tý hiểu.
Mỗi người tham vấn được gặp Sư Ông vào khoảng nữa giờ tới một giờ, tại Tham Vấn Ðường. Chị Trang có kể cho Tý nghe về giờ tham vấn của chị. Trước giờ tham vấn chị phải đi thiền hành chừng hai mươi phút. Sau đó chị vào trong Tham Vấn Ðường và ngồi trên tọa cụ để dành cho người tham vấn. Chị ngồi như vậy cho khoảng mười lăm phút để cho tâm hồn lắng yên. Khi Sư Ông bước vào Tham Vấn Ðường, chị đứng dậy. Sư Ông dâng hương trên bàn tổ và lạy xuống. Chị cũng lạy xuống theo. Sau đó Sư Ông quay lại chị. Chị chắp tay lên trán thành búp sen và lạy Sư Ông một lạy. Sư Ông cũng chắp tay lên trán và lạy xuống đáp lễ. Chị sợ lắm, nhưng chị biết đó là lễ nghi trong Tham Vấn Ðường. Người nào cũng phải nhớ rằng kẻ đối diện với mình là một đức Phật sẽ thành và do đó phải đối xử với kẻ đó với niềm cung kính thực sự. Sau đó Sư Ông ngồi xuống tọa cụ màu nâu dành cho Sư Ông, và chị ngồi xuống trên tọa cụ màu xanh dành cho chị, đối diện với Sư Ông. Cuộc tham vấn bắt đầu.
Sau buổi tham vấn của chị Trang, Tý có nghe Sư Ông nói với Ba rằng Ba cho chị Trang ghi tên và sổ tham vấn là phải. Sư Ông nói: “Nếu bảo Trang là trẻ thơ mà không cho phép nó tham vấn là sai lầm.” Tý không biết chị Trang đã tham vấn về vấn đề gì. Tý thấy có những người lớn như chú Hùng, chú Thư, cô Trinh, chị Thủy, v.v… mà cũng không ghi tên vào sổ tham vấn. Tý nhận thấy ra khỏi Tham Vấn Ðường người nào cũng vui tươi và nhẹ nhàng như những con bướm.
Ba nói với Tý rằng công việc nặng nhọc nhất của Sư Ông là công việc tham vấn. Tý ngạc nhiên lắm. Theo Tý thấy thì Sư Ông không có vẻ mệt nhọc gì cả. Cả những chuyện như khiêng bàn ghế, lau chùi nhà cửa, hay rửa chén dọn bàn, Sư Ông cũng làm như là làm trò chơi. Tý chẳng bao giờ có cảm giác rằng Sư Ông làm việc. Sư Ông có làm đủ thứ chuyện thật đấy nhưng Tý có cảm giác Sư Ông là một người ăn không ngồi rồi, và chỉ biết vui chơi.
Trưa hôm nay, sau bữa ăn cơm chung của dân hai xóm tại Pháp Thân Tạng, chị Trang thay mặt thiếu nhi đọc diễn từ tạm biệt ni sư Trí hải và các chị Diễm Thanh, Ngọc Hương. Cô Trí Hải phải rời Làng về Marseille tổ chức vía đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Còn hai chị Diễm Trang và Ngọc Hương phải lên đường đi Tây Ban Nha và Ý Ðại Lợi. Ba người sẽ rời Làng vào ngày mai. Bọn thiếu nhi như Tý đứa nào cũng thấy buồn tiếc và lưu luyến. Diễn từ của chị Trang đọc rất vui, nhưng hai mắt chị Ngọc Hương càng lúc càng ướt. Làm cho mắt chị Trang cũng ướt luôn. Chị Hương khóc vì chị biết sang năm chị chưa trở về Làng Hồng được. Chị ở mãi bên xứ Gia Nã Ðại xa xôi. Mỗi lần qua Pháp tốn tiền nhiều lắm. Có lẽ hai năm thì chị mới dành dụm đủ tiền máy bay để đi một chuyến. Tý nghe nói chị Hương giỏi lắm. Chị vừa học vừa đi làm để có tiền đóng tiền học. Còn chị Diễm Trang ít buồn hơn, có lẽ vì nhà chị ở Paris, do đó chị có thể về Làng được, mỗi năm ít nhất ra một lần. Bọn Tý xúm quanh cô Trí Hải và hai chị. Hôm rước đèn Trung Thu, nếu không có hai chị thì bọn Tý đâu được vui như thế. Hai chị đã thức đêm để làm cho bọn Tý ba mươi cái lồng đèn.
Tý rủ Sâm lên hái lê và mận để ngày mai biếu hai chị đi đường để hai chị đỡ khát nước.

40. Chiếc lá ổi non

Chạy chơi với Danh, Sâm và Miêu dưới Pháp Thân Tạng, Tý nghĩ đến cây bông sứ. Là một thiếu nhi, Tý tha hồ chạy nhảy và múa máy. Tý không phải đứng hoài một chỗ như cây bông sứ. Tý cảm thấy mình rất may mắn. Miêu đang cầm trong tay một cây gậy. Gặp bụi cây nào Miêu cũng ưa dùng cây gậy đập vào. Tý bỗng cảm thấy khó chịu. Nếu ngày xưa Phật là một cây bông sứ thì bây giờ bất cứ một bụi cây nào cũng sẽ có thễ trở thành một đức Phật sau này. Mình không có quyền phang gậy vào cây một cách vô cớ, dù đó là những bụi cây không cho mình hoa trái. Bỗng dưng trong lòng Tý phát sinh một niềm kính trọng đối với tất cả mọi loài cây cối. Tý bắt đầu thấy rằng cây cối cũng có cảm giác biết đau biết buồn, biết héo, biết rụng, biết vui, biết mừng, biết sởn sơ tươi tốt. Tý nghĩ bất đắc dĩ mình mới phải đốn cây để làm nhà cửa, bàn ghế và đốt lò sưởi. Mình không nên tàn hại cây cối; mình không được phung phí và thiếu ý thức. Mình phải biết bảo vệ sự sống cho tất cả những loài cây cỏ. Tý chợt nhớ có hôm đi chơi với Sư Ông trong rừng, Tý thấy Sư Ông chắp tay búp sen chào một khóm cây và nói chuyện với nó. Lúc đầu, Tý cứ tưởng là Sư Ông muốn đùa Tý. Nhưng sau đó Tý thấy không phải như vậy. Sư Ông nói chuyện thật với khóm cây như Sư Ông nói chuyện với Tý vậy. Tý chạy tới cầm lấy chiếc gậy trong tay Miêu và hỏi Miêu xem nó còn nhớ câu chuyện cây bông sứ không. Hình như Miêu còn nhớ. Từ giờ phút ấy trở đi, Miêu không lấy gậy phang vào cây cối nữa.
Chiều nay, sau buổi hội thảo tại thiền đường Xóm Hạ, bọn Tý phải hội họp để chuẩn bị việc tổ chức rước đèn Trung Thu.
Mấy hôm trước đây, đêm nào trăng cũng sáng quá. Chị Thanh và chị Hương đã đề nghị phải tổ chức ăn Tết Trung Thu, dù rằng còn một tháng nữa mới đến Tết Trung Thu thật. Chị Hương bảo nếu đợi tới rằm tháng tám thì trời đã lạnh và Làng đã đóng cửa rồi. “Chi bằng ta tổ chức Tết Trung Thu tại Làng bây giờ để tất cả các thiếu nhi có mặt được tham dự”, chị nói. Các cô và các chú đều ủng hộ ý kiến của chị Hương. Từ hôm kia, cô Tâm Trân đã đi chẻ tre để làm lồng đèn. Cô Trinh, chị Thủy, chị Thanh, chị Hương và chú Christophe đã để hết một buổi chiều hôm qua để làm đèn bánh ú. Hôm nay lại có thêm nhiều người lớn tham dự vào việc làm đèn. Mỗi thiếu nhi sẽ có một cây đèn, và thiếu nhi nào cũng phải vẽ hình trên giấy màu để phết vào bảy mặt đèn. Bé Thơ nổi tiếng là người có tài vẽ. Thơ đã vẽ xong đèn của mình. Thơ lại còn vẽ giúp cho nhiều thiếu nhi khác. Có người lại viết chữ trên lồng đèn nữa. Ví dụ: em đang sung sướng hay em được rước đèn Trung Thu ở Làng Hồng. Tý vẽ một bông rau muống thật lớn trên mỗi mặt của lồng đèn mình. Mỗi mặt Tý dùng một màu. Bông rau muống mà Tý vẽ là bông rau muống dại. Mùa này rau muống dại mọc khắp nơi. Hoa nở rất đẹp và đủ màu. Tý muốn ghi hình ảnh ấy lên lồng đèn của Tý. Bọn thiếu nhi phải đi tìm cán lồng đèn và phải tự cấm đèn cầy vào lồng đèn của mình. Các cô và các chú làm giúp cho các thiếu nhi nhỏ tuổi. Họ dùng dây kẽm uốn lại và buộc vào đáy đèn cầy. Bọn Tý cũng bắt chước làm như vậy. Tối nay, lễ rước đèn sẽ được tổ chức vào lúc chín giờ, khi trăng vừa lên. Theo chương trình do các anh các chị vạch sẵn thì thiếu nhi Xóm Hạ tập họp trước Tham Vấn Ðường lúc tám giờ rưỡi, ai nấy đều phải chuẩn bị đèn đuốc sẵn sàng. Sẽ có xe rước thiếu nhi từ Xóm Hạ lên Xóm Thượng. Khi xe tới Lối Thỏ đi men khu rừng sồi phía ngoài cổng xóm, thì mọi người sẽ xuống xe, sắp hàng, đốt đèn lên và bắt đầu rước đèn vào cổng Xóm Thượng, vừa đi vừa hát “Ðêm Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp Làng Hồng.” Tại Xóm Thượng, thiếu nhi phải bày cỗ Trung Thu ngoài trời, bên cạnh Tàng Kinh Lâu. Cỗ phải bày xong lúc tám giờ. Thiếu nhi còn phải vào rừng kiếm củi và chở củi về để nhóm lửa trại. Ðến tám giờ rưỡi, thiếu nhi tập họp dưới cây đề, đốt đèn treo rải rác quanh xóm và chuẩn bị đèn đuốc của từng người. Ðúng chín giờ, mọi người đốt đèn của mình lên. Khi đoàn rước Xóm Hạ vào tới cổng thì thiếu nhi Xóm Thượng cũng bắt đầu rước đèn đi ra để chào đón. Hai đoàn sẽ gặp nhau ở con đường từ cổng vào xóm và phối hợp lại thành một đoàn duy nhất. Người lớn cũng có quyền đi rước đèn và ca hát chung với thiếu nhi. Rước đèn quanh xóm chừng ba lần thì tập hợp về cây đề. Lửa trại sẽ được đốt lên và thiếu nhi hai xóm sẽ trình diễn văn nghệ. Trình diễn được nửa buổi thì phá cỗ Trung Thu, rồi trình diễn tiếp. Tối nay văn nghệ sẽ được kéo dài tới mười một giờ rưỡi đêm. Tối nay không có giờ thiền tọa. Nghe nói thiếu nhi ở Xóm Hạ đã tập dượt được nhiều màn múa rất hay. Trên Xóm Thượng, bọn Tý dự trù tối nay mời cô Giao Trinh trình diễn đàn tranh, mời chú Thư múa, mời cô Thanh hát, mời cô Duyên đọc thơ và mời cô Tâm Trân và Ba diễn lại vở kịch Môn Thuốc Gia Truyền. Bọn Tý đã tập được các màn múa voi, đốt pháolàm xe lửa. Bánh và mứt để bày cỗ, bọn Tý đã xin được rất nhiều. Dưa ngọt và trái cây nhiều lắm, nhất là trái lê hái được ở Xóm Thượng; có cả kẹo mè xững và mấy hộp sô-cô-la thật lớn từ bên Thụy Sĩ đem sang. Hy vọng tối nay trời sẽ không mưa.
Có tiếng bảng vọng lên. Một hồi và ba tiếng bảng báo hiệu giờ hội thảo đã tới. Tý và các thiếu nhi lớn được mời tham dự hội thảo, trong khi các thiếu nhi nhỏ tuổi hơn được đưa đi du ngoạn. Chiều hôm nay chú Thư chủ tọa buổi hội thảo. Ðây là buổi hội thảo thứ ba về đề tài Tương Lai Văn Hóa Việt Nam. Tuần nào cũng có một buổi hội thảo về đề tài này và tuần nào người chủ tọa cũng là một người trẻ. Buổi hội thảo đầu đã do chị Ngọc Hương bên Gia Nã Ðại làm chủ tọa. Chủ tọa buổi thứ hai là chị Tri Thủy ở Aix en Provence. Hôm nay đến phiên chú Thư. Chú Thư là người từ Lyon tới. Khi Tý vào đến thiền đường thì người đã đông. Ai cũng ngồi trang nghiêm trên tọa cụ. Tý tìm đến bên Sâm. Người trẻ ngồi vòng trong, còn người lớn thì ngồi vòng ngoài. Hôm nay các cô các dì và các chị đều mặc áo dài rất tươi. Quang cảnh buổi hội thảo vừa trang nghiêm vừa tươi mát. Tý nhớ tới buổi hội thảo đầu ở thiền đường Xóm Thượng. Bữa ấy, tuy làm chủ tọa, chị Ngọc Hương cũng chỉ mặc aó bà ba. Không có cô nào hay chị nào mặc aó dài. Trong buổi hội thảo, chị Ngọc Hương đã nêu ra vấn đề làm sao bảo tồn được nếp sống văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Mọi người góp ý. Chị Thanh Trang cũng đã dạy qưốc văn cho thiếu nhi. Rối có người nêu ra chuyện áo dài; vấn đề này cũng được bàn cãi khá lâu. Chị Ngọc Hương nói mặc áo dài thì hay bị người địa phương nhìn theo; với lại áo dài không được gọn gàng. Cô Trinh không đồng ý. Cô nói áo dài là một trong những sắc thái Việt Nam mà người Tây Phương thấy đẹp. Hàng ngày cô vẫn mặc áo dài để đi làm mà không thấy có trở ngại gì trong sự di chuyển. Theo cô Tâm Trân thì phụ nữ Việt Nam mặc âu phục không đẹp; trái lại cô gái Việt Nam nào mặc áo dài vào trông cũng xinh. Cô còn thêm rằng những phụ nữ lớn tuổi dầu có hơi đẫy đà đi nữa mà mặc áo dài vào thì trông cũng vẫn dược. Ý kiến của cô Tâm Trân được mọi người chấp nhận. Từ bữa hội thảo đó, Tý nhận thấy các cô và các chị thường đem áo dài ra mặc. Họ lại mặc cả những khi đi bán Quán Cây Sồi nữa. Tý nhận thấy các đồng nữ như bé Thơ, bé Nhung và bé Vi đều có áo dài. Tý biết chắc rằng mùa hè sang năm mọi người sẽ có mang áo dài theo. Vá Tý cũng biết đó là một trong những kết quả của buổi hội thảo mà chị Ngọc Hương làm chủ tọa hôm đó.
Trong các buổi hội thảo mà Tý được tham dự, Tý nhận thấy người lớn rất ít phát biểu ý kiến. Họ chỉ phái biểu ý kiến khi được người trẻ hỏi đến. Có một hôm Tý hỏi Ba về chuyện này. Ba cho Tý biết đây là những buổi hội thảo mà ý kiến người trẻ tuổi được xem là ưu tiên. Ba nói lâu nay người lớn đã nói nhiều rồi và không để cho người trẻ có dịp nói lên tâm tư của họ. Sư Ông có căn dặn Ba là hãy dành ưu tiên cho quyền phát biểu của người trẻ. Bọn nhỏ như Tý nhiều khi cũng được khuyến khích nói lên ý kiến của mình. Tý chưa nói được gì, ngoài lời tự giới thiệu tên và tuổi của mình. Nhưng các anh và các chị, các cô, các chú từ khoảng mười bốn đến ba mươi tuổi đã tham dự hết lòng vào việc đàm luận. Họ cũng ưa hỏi ý kiến của người lớn. Tý thấy họ lắng nghe người lớn một cách chăm chú. Lạ quá, khi người lớn lắng tai nghe người nhỏ thì người nhỏ lại lắng tai nghe người lớn nhiều hơn.
Chủ nhật tuần trước, trong buổi hội thảo, Tý đã được nghe chị Tri Thủy nói về việc “làm lại” con người Việt Nam. Buổi hội thảo này do chính chị Thủy làm chủ tọa. Tý nghe nói chị Thủy là con của một nhà văn nổi tiếng ở bên nhà. Hôm đó chú Thư có nêu ra vấn đề xây dựng niềm tin và sự đoàn kết giữa những người Việt sống ở nước ngoài. Theo lời chú thì người Việt ở hải ngoại hay nghi ngờ nhau và hay dèm pha và chụp mũ cho nhau, do đó rất khó mà có sự thông cảm và đoàn kết.
Tý nhớ chị Thủy đã phát biểu ý kiến về chuyện này rất tường tận. Chị nói con người Việt Nam trải qua mấy mươi năm chiến tranh đã không còn lành lặn và đễ thương như trước. Ðất nước ta đã bị chia đôi trong một thời gian khá lâu; người Việt bị dồn vào cái thế phải thù hận và chém giết lẫn nhau. Người Việt giết nhau bằng lý thuyết và bằng súng ống của nước ngoài. Con người Việt Nam bị tàn phá, không những nơi thể xác mà còn trong tâm hồn nữa. Chị nói dân tộc Việt Nam cũng như một cây ổi. Vì rễ cây ổi chạm nhằm chất độc trong đất cho nên tất cả các lá ổi trên cành đều mất đi một phần tính cách xanh tươi và khỏe mạnh. Lá ổi trở nên vàng vọt. Chị nói chất độc ấy là sự tranh chấp và thù hận giữa người Việt với nhau trong một thời gian lâu dài. Tý nhớ đến những điều Sư Ông nói với Tý hồi mùa đông năm rồi trên Xóm Thượng. Sư Ông nói không khéo thì sau này Tý và Ngữ cũng sẽ cầm súng mà giết nhau. Bây giờ, chị Tri Thủy cũng nói tương tợ như Sư Ông. Chị nói con người Việt Nam sau cuộc chiến tranh giai dẳng không còn đẹp đẽ và dễ thương như con người Việt Nam trước đây nữa. Con người Việt Nam bây giờ đã thành đa nghi hơn, ích kỷ hơn và hẹp hòi hơn. Vì vậy cho nên văn hóa Việt Nam hiện giờ ít thấy có tương lai hơn. Chị kết luận là phải làm lại con người Việt Nam, nghĩa là phải đem văn hóa để khôi phục được niềm tin, tình thương và sự cởi mở. Chú Thư có vẻ đồng ý với những điều chị nói lắm. Chú góp ý rằng cần phải đặc biệt chú trọng tới thiếu nhi trong việc “làm lại” con người. Thiếu nhi là những chiếc lá ổi nhỏ xiú, còn non. Ðừng để cho thiếu nhi nhiễm phải chất độc của sự căm thù và sự hẹp hòi. Nếu người lớn biết học hỏi, tự tu và tự tỉnh thì thiếu nhi Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành những con người đẹp đẽ tươi mát như xưa. Nếu các lá ổi non đều xanh tươi thì sau này tất cả cây ổi sẽ xanh tươi. Tý muốn bật cười khi thấy mình được ví với một cái lá ổi. Mà Tý là một cái lá ổi non thật đấy. Ở đây ai cũng thương mến và săn sóc Tý. Không những Ba, Mẹ và chú Dũng săn sóc Tý, mà Sư Ông, cô Chín, cô Tâm Trân, chú Lễ, chú Thư, cô Trinh… ai cũng dễ thương với Tý và muốn cho Tý được sung sướng. Thế nào Tý cũng sẽ trở thành một lá ổi rất xanh.
Nghĩ tới đó, Tý nghe chú Lễ đằng hắng một tiếng. Tý giật mình. Chú Lễ đang đưa tay lên để xin phát biểu ý kiến. Chị Thủy mời chú nói. Chú Lễ nói rằng theo ý chú thì phương pháp bảo vệ và phát triển văn hóa có hiệu quả nhất là tổ chức đời sống gia đình cho có hạnh phúc, có hòa thuận, tin yêu và cởi mở. Trong một hoàn cảnh như thế, những đức tốt của con người Việt Nam nơi thiếu nhi mới có cơ hội nẩy nở ra được.
Các cô và các chú còn bàn tới nhiều chuyện khác nhưng Tý không hiểu hết. Có lẽ vì sức học của Tý còn yếu. Tuy vậy, Tý nghĩ rằng mình đã học được thật nhiều điều trong các buổi hội thảo. Trong buổi hội thảo thứ ba này, Tý sẽ gắng ngồi nghe cho đến chót. Ba giờ rưỡi trưa rồi, nhưng trời còn oi ả quá. Tý tự nhủ là phải ngồi cho tỉnh táo và chú tâm để đừng bị ngủ gục như kỳ trước.

39. Cây Bông Sứ học bài

Nghe kể đến chỗ con Rùa gặm những sợi dây da suốt hai đêm và một ngày khiến cho miệng Rùa chảy máu, thiếu nhi nào cũng thương. Bé Hạnh Thuần và bé Hiếu hình như là có rươm rướm nước mắt. Anh Vũ  nói có thể ngày Nai thành Phật thì ít ra Rùa cũng thành một vị bồ tát. Ai cũng tỏ vẻ cảm động vì tình bạn thấm thiết và cao cả giữa ba con vật.
Mỗi tuần, Sư Ông tiếp thiếu nhi hai xóm một lần vào chiều thứ tư tại thiền đường Xóm Thượng. Kỳ nào Sư Ông cũng kể một chuyện tiền thân. Sư Ông nói rằng trong những kiếp trước, không những Phật đã làm những sinh vật như con nai mà Phật cũng đã từng làm những thực vật như cây cối, và có khi làm cả khoáng vật như một phiến đá hoặc một dòng sông.
Có một kiếp nọ, Phật làm một cây bông sứ đứng gần một hồ sen rất thơm và rất mát. Hồ sen này lại không có cá.
Cách hồ không xa, có một cái ao nhỏ hẹp, ít nước và nóng bức, nhưng lại có nhiều tôm cá. Một con cò đi ngang qua đấy, thấy tôm cá quá nhiều mới nảy sinh ra một mưu kế. Nó tới gần bên bờ hồ với vẻ mặt đăm chiêu.
Bọn cá hỏi:
– Bác Cò, bác suy nghĩ gì đấy?
– Ta đang suy nghĩ đến số phận của các chú. Ở đây, ao hẹp nước ít lại nóng bức. Các chú lại thiếu thức ăn. Ðời sống của các chú có vẻ khổ cực.
– Vậy bác có cách gì giúp tụi cháu không, bác Cò ?
– Nếu tụi bay để tao chở từng đứa tới bỏ xuống cái hồ sen đàng kia thì ở đó tụi bay sẽ được tha hồ bơi lội trong nước mát và sẽ có vô số thức ăn.
– Bác Cò ơi, tự thuở cha mẹ sinh ra, chúng cháu chưa bao giờ nghe nói là loài cò mà lại có lòng tốt với loài tôm cá. Bác bày ra cách đó chẳng qua chỉ là để ăn thịt chúng cháu, đứa này rồi tới đứa khác, vậy thôi.
– Tụi bay đa nghi lắm. Tao là bác của tụi bay, không lý tao lại nói gạt tụi bay sao. Sự thật là đàng kia có một cái hồ sen rộng lắm; nước nhiều mà lại mát nữa. Nếu tụi bay không tin, thì một đứa hãy theo tao qua đó xem. Xem xong tao lại cho về đây để nó báo cáo lại sự thật cho tụi bay biết.
Bọn tôm cá châu đầu vào nhau để bàn luận một hồi lâu. Cuối cùng chúng cử một con cá nhám đi với con cò. Con cá này đã già, thân thể cứng gần như một cục đá. Nó bơi lội giỏi đã đành mà nó cũng có thể di chuyển dễ dàng trên đất cạn. Con cò cắp lấy con cá nhám vào mỏ và bay về phía hồ sen. Nó thả con cá vào hồ sen để cá bơi lội thỏa thích và đi thăm mọi nơi trong hồ. Quả thật hồ rất rộng, nước rất mát và thực phẩm rất nhiều. Một lát sau con cò chở nó về ao. Và nó kể lại tất cả những gì nó đã thấy cho dân chúng trong ao nghe.
Bọn tôm cá nghe kể rất lấy làm vui sướng. Chúng yêu cầu con cò chở chúng sang hồ, mỗi chuyến một đứa. Cò bằng lòng. Nó cắp con cá đầu tiên vào mỏ và bay đi. Nhưng thay vì thả cá xuống hồ sen, nó bay tới gần cây bông sứ. Nó buông cá vào một chỉa ba của thân cây. Nó dùng mỏ rỉa cá ra và ăn thịt con cá. Ăn xong, nó hất xương cá xuống gốc cây bông sứ. Rồi nó bay về phía ao để “chở” một con cá khác, và luôn luôn bỏ xương cá xuống gốc cây.
Cây bông sứ chứng kiến tất cả những điều này. Cây bông sứ rất tức giận con cò nhưng không thể nào ngăn cản được con cò. Cây bông sứ chỉ có thể đâm rễ sâu thêm vào đất, mọc cành mọc lá và làm hoa, nhưng không thể chạy đi đâu được. Nó không thể chạy tới ao để vạch rõ cho bọn tôm cá biết âm mưu của con cò. Nó cũng không thể vươn cành ra để ngăn con cò không cho cò ăn thịt cá. Nó đứng yên chịu trận. Mỗi lần Cò mang tới một con cá và mổ cho cá toét ra để ăn thịt là mỗi lần cây bông sứ đau rúng động cả châu thân. Nhựa cây như chảy dồn dập hơn, da cây như co rúm lại. Có khi cây sứ rung rung và những giọt sương rơi xuống như là cây cũng biết khóc. Con cò không để ý tới những dấu hiệu đó. Ngày này sang ngày khác, nó mang cá tới cây bông sứ để ăn thịt. Ăn hết cá nó ăn đến tôm. Ðống xương cá dưới gốc cây đã cao bằng hai cái thúng lớn.
Cây bông sứ biết mình có bổn phận nở hoa để làm thơm làm đẹp cho núi rừng, nhưng nó rất đau khổ vì không làm gì được để cứu bọn tôm cá. Nếu nó là một con nai hoặc một con người thì nó đã có thể làm được một cái gì. Ðàng này nó bị chôn chân xuống đất không đi đâu được. Với niềm thương trong lòng, cây bông sứ thầm nguyện sau này nếu làm thú hay làm người, nó sẽ gắng hết sức để bênh vực kẻ yếu và ngăn chận không cho kẻ hung bạo và giảo quyệt đi lừa gạt và tàn sát kẻ khác.
Ngày hôm ấy, dưới ao cá và tôm đã hết. Chỉ còn có một con cua. Lúc đầu Cò ta chê. Nhưng sau đó đói bụng quá, nó lại gần bờ nước và nói :
– Này cháu, tất cả những tôm cá mà ta chở tới hồ sen hiện đang sung sướng vẫy vùng bên đó. Cháu lại đây, bác chở tới đó luôn.
– Bác làm sao chở được cháu? Cháu là một con cua mà.
– Thì bác cắp cháu trong mỏ bác, như đã chở những đứa khác.
– Bác mà cắp cháu trong mỏ bác thì không chắc lắm. Bác có thể để cho cháu rơi xuống và cháu sẽ vỡ toang.
– Ðừng có sợ, cháu. Bác sẽ ngậm cháu thật chặt.
Con cua suy nghĩ: Có thể là Cò đã thả tất cả tôm cá xuống hồ sen. Cũng có thể là cò đã ăn thịt hết tất cả họ hàng nhà tôm và họ hàng nhà cá. Ta hãy cẩn thận. Ta phải đề phòng. Nếu Cò thả ta xuống hồ thì đó là chuyện tốt. Nếu Cò muốn ăn thịt ta thì ta sẽ có cách tự vệ.
Nghĩ như thế, Cua nói với Cò:
– Bác ơi, mỏ bác không đủ mạnh để giữ cho cháu đừng rơi đâu. Bác phải để cháu bám vào cổ bác bằng hai cái càng của cháu mới được.
Cò bằng lòng ngay. Nó để cho Cua bám vào cổ nó. Cò vỗ cánh bay đi. Nhưng thay vì bay thẳng xuống hồ, Cò lại bay qua cây bông sứ.
– Bác ơi, tại sao bác không đưa cháu xuống hồ mà lại đem cháu đi đâu thế?
– Cháu ơi, ai dại dột gì mà đi chở mướn cho bọn bay. Tao đâu có phải là đầy tớ của bọn mày. Tao chỉ muốn chở tụi bay tới đây để ăn thịt từng đứa mà thôi. Coi kìa, mày có thấy đống xương cá cao nghệu dưới gốc cây bông sứ không? Ðó, mày cũng sẽ chấm dứt cuộc đời của mày nơi đó.
– Bác Cò ác độc ơi, tụi tôm cá ấy dại dột quá nên mới bị bác lừa dối và ăn thịt. Nhưng cháu thì bác đừng có hòng mà ăn thịt được cháu. Bác hãy mang cháu về dưới hồ đi, nếu không cháu sẽ kẹp đứt cổ bác cho mà xem.
Nói xong, Cua bắt đầu siết những gọng kềm của Cua trên cổ Cò. Những cái càng cua siết cứng như gọng kềm bằng sắt khiến cho Cò ta đau quá. Cò kêu lên:
– Thôi, anh Hai ơi, anh Hai đừng kẹp tôi đau quá. Ðể tôi đưa anh Hai xuống hồ. Tôi không dám ăn thịt anh Hai đâu.
Cò nghiêng cánh liệng bay trở lại hồ sen và đặt Cua xuống bờ nước, nơi có chút ít bùn lầy. Cua vẫn chưa buông cổ Cò. Nghĩ tới bao nhiêu tôm cá trong hồ bị Cò tàn sát hết, Cua nghiến răng kẹp hai cái càng lại thật mạnh, khiến cho cổ Cò đứt rời ra, và Cò lăn xuống chết. Rồi Cua đi xuống nước.
Cây bông sứ chứng kiến từng chi tiết nhỏ của tấn kịch này. Ở đời, ăn hiền ở lành thì sẽ được người hiền lành giúp đỡ. Ăn ở độc ác sớm muộn gì cũng lâm vào cảnh thảm thương. Cây bông sứ học được bài học đó. Cây bông sứ nguyện đời đời sẽ làm việc lợi ích cho muôn loài. Cây bông sứ sau này đã thành Phật.

38. Tình bạn

Sáng nay sau giờ học Sử Ðịa Việt Nam, Tý rủ Sâm ra chơi dưới bóng mấy cây sồi. Ðang bàn tính trò chơi với Sâm thì Tý thoáng thấy con mèo của Tý đi ngang. Thấy có gì là lạ, Tý đưa mắt nhìn kỹ con mèo. Ðúng rồi, cái bụng con mèo xẹp lép. Con mèo của Tý có chửa đã lâu; mấy tuần nay cái bụng nó rất lớn. Tý chợt nghĩ ra là con mèo đã đẻ rồi. Theo dõi con mèo bằng mắt, Tý thấy con mèo đi qua mấy cây sồi rồi len lỏi vào trong những bụi cây rậm rạp. Tý nghĩ rằng mèo đã sinh con trong một bụi cây nào đó và giờ đây nó đang đi thăm con. Tý định bụng lát nữa sẽ đi tìm ổ mèo con.
Con mèo của Tý mới sinh ra vào hồi tháng mười năm ngoái mà bây giờ nó đã sinh ra con; mau thật. Nó mới được có mười tháng chớ có lâu đâu. Trong vòng mười tháng mà một con mèo sơ sinh có thể trở thành một con mèo mẹ! Thằng Chó Con, em của Tý, sinh ra trước con mèo này hai tuần lễ mà bây giờ vẫn chưa biết đi biết đứng gì cả. Tý nhận ra là con mèo đã có đủ trí khôn để làm mẹ. Nó đi tìm một nơi kín đáo để sinh con. Có lẽ nó đang cho con nó bú. Sớm muộn gì nó cũng phải đi kiếm thức ăn về cho con nó ăn. Tý nghĩ bụng là mình có thể giúp mèo mẹ bằng cách đem ra cho mèo con một ít cơm nguội…
Trưa hôm đó len lỏi trong các bụi cây theo lối con mèo đã đi, Tý tìm ra được ổ mèo. Tý tìm ra được ổ mèo cũng là nhờ tiếng kêu “meo meo” của những con mèo con. Có cả thảy năm con mèo con. Tất cả đều đã mở mắt. Bốn con màu xám tro và một con màu vàng. Con mèo mẹ đã chọn nơi làm ổ rất khéo. Ðó là một khoảng đất cao, rộng chừng một cái thúng, xung quanh có bụi cây bao bọc. Nơi những con mèo con nằm là một gốc cây đã được cưa sát đất, quanh đó còn có những chiếc rễ khô. Nếu trời mưa thì nước sẽ không đọng ở ổ và mèo con sẽ không bị ướt. Những con mèo con dễ thương lạ. Thấy Tý chúng không hề sợ. Tý đưa tay vuốt đầu từng đứa. Con mèo mẹ không có đó. Có lẽ nó đang đi kiếm mồi. Tý đứng ngắm một hồi lâu, rồi vạch lá đi trở ra. Nó đi vào nhà xin bác Diệu Nhạn một ít cơm nguội. Lúc đầu bác Diệu Nhạn tưởng Tý đói bụng. Nhưng sau khi nghe Tý nói là để cho năm con mèo con, bác cười.
Bác Diệu Nhạn rất dễ thương. Bác chăm sóc cho tất cả mọi người. Hàng ngày, ngoài giờ thiền tọa và thiền hành, bác làm việc không nghỉ tay. Hết nấu nướng tới dọn dẹp. Hết dọn dẹp tới may vá. Các cô và các chú xin bác nghỉ tay, bác không bằng lòng. Bác chỉ muốn làm việc để cho người khác rảnh tay, và bác tìm thấy niềm vui trong lối sống đặc biệt ấy.
Mấy con mèo chưa biết ăn cơm. Tý liền chạy về nhà mình tìm một ít sữa bột và hòa sữa với nước trong một cái chén mẻ. Tý đem đặt chén sữa vào ổ mèo. Mấy con mèo con chen nhau uống trong vòng một phút là hết sữa.
Tin tức về năm con mèo con lan đi thật nhanh chóng. Tất cả thiếu nhi hai xóm đều biết nội trong vòng hai tiếng đồng hồ. Ðứa nào cũng muốn đi thăm, nhất là những em nhỏ như bé Hiếu, bé Nhung, bé Liên, bé Thuần, bé Thúy Nga và bé Vi. Tý và Sâm bằng lòng cho mọi người đi thăm, với điều kiện là không ai được đụng tới mèo. Phải đứng cách xa ổ mèo ít nhất là một thước. Ðể các em nhỏ tuổi có thể đi thăm năm con mèo con, Tý và Sâm dùng kéo tỉa mận để cắt bớt những nhành dâu gai trên con đường đi tới ổ mèo. Mỗi lần đi chỉ được phép đi hai người thôi. Trong số những người xin đi thăm có cả người lớn nữa. Sư Ông cũng có đi thăm với bé Hiếu.
Tý chưa khi nào nghĩ rằng năm con mèo con dễ thương kia thuộc về mình. Tý có cảm tưởng chúng là một kho tàng chung của tất cả mọi thiếu nhi. Các thiếu nhi trong Làng hình như cũng nghĩ như Tý. Nhưng mà trong số những người lớn có người lại nghĩ khác. Càc bác và các cô cho rằng con mèo mẹ là của Tý nên năm con mèo con cũng của Tý. Có người nói nếu Tý không muốn nuôi hết năm con mèo thì họ sẽ nuôi giúp cho. Chỉ sau lúc ấy trong lòng Tý mới phát sinh ý niệm về sở hữu. Tý nghĩ nếu cần giữ lại một con cho mình, Tý sẽ giữ lại con mèo vàng. Tý thấy con mèo vàng rất dễ thương.
Gần gũi với những sinh vật mà mình thương yêu, Tý thấy rõ loài vật cũng biết vui biết buồn, biết mừng và biết sợ như người. Tý nghĩ nếu con người có tâm hồn thì loài vật cũng có tâm hồn. Con người cũng là một loài động vật. Con người chỉ khôn hơn các loài động vật khác về mặt suy nghĩ thôi. Con dê con của Tý, Tý thương nó lắm, và Tý biết nó cũng thương lại Tý. Ngày Tý mất nó, Tý đã khóc. Tý chắc rằng con dê cũng biết buồn và biết nhớ Tý. Loài vật rất gần với loài người. Có loài cần mẫn như ong và kiến. Ong và kiến biết tổ chức, biết họp đoàn. Có loài thông minh như ngựa. Có loài trung thành và có nghĩa như chó. Hôm thứ năm vừa rồi, Sư Ông có kể một chuyện tiền thân cho thiếu nhi cả hai xóm nghe, đó là chuyện tình bạn giữa một con nai, một con rùa và một con chim sáo. Thuở ấy Phật còn là một con nai. Con nai ở trong rừng. Trong rừng có một hồ nước. Dưới hồ nước có một con rùa. Bên hồ nước có một cây dương, và trên cây dương có một con chim sáo. Nai, Rùa và Sáo chơi với nhau rất thân. Một hôm, có một người thợ săn đi theo dấu nai tới bên hồ nơi nai thường xuống uống nước. Ông ta đặt một cái bẫy bằng những sợi dây da rất chắc ở đó rồi đi về nhà. Nhà ông ta không xa bìa rừng là mấy.
Chiều hôm ấy, tới bờ hồ để uống nước, nai bị mắc bẫy. Nai kêu lên, Rùa và Sáo nghe tiếng Nai. Rùa bò đến. Sáo bay tới. Thấy Nai bị nạn, Rùa và Sáo bàn nhau phương thức giải cứu cho bạn. Sáo nói với rùa: “Chị Rùa ơi, chị có răng khỏe thì chị hãy gặm đứt những chiếc dây da của cái bẫy. Còn em, em sẽ tìm cách ngăn ông thợ săn lại, đừng cho ông tới.” Nói xong, Sáo bay đi.
Rùa  khởi sự gặm các sợi da. Sáo bay ra khỏi rừng, tới nhà người thợ săn và đậu trên một cành cây xoan trước cửa nhà, chờ đợi. Trời sáng, người thợ săn cầm lấy con dao nhọn và mở cửa đi ra. Thấy người thợ săn bước ra, sáo vỗ cánh bay tới và lao mình vào mặt ông ta bằng hết cả sức mạnh của mình. Bị đập vào mặt, bác thợ săn choáng váng. Bác trở lui vào nhà, nằm xuống giường để nghỉ ngơi chốc lát. Hồi lâu sau đó bác lại chồm dậy, cầm lấy con dao nhọn. Lần này, bác đi ra bằng cửa sau. Nhưng Sáo đã biết trước. Sáo đã chực sẵn trên một cành mít ở sân sau. Khi bác thợ săn mở cửa đi ra, Sáo lại vỗ cánh và lao mình vào mặt bác một lần nữa.
Bị chim tấn công hai lần liên tiếp, bác thợ săn quay vào nhà. Bác suy nghĩ: “Ngày hôm nay xấu quá. Ta đi bằng ngõ trước hay bằng ngõ sau thì cũng bị con chim quái gở này ngăn cản. Thôi ta hãy nghỉ ngơi, để ngày mai sẽ đi.”
Sáng hôm sau, người thợ săn thức dậy sớm. Cầm lấy chiếc dao nhọn, ông lấy nón đội che mặt đàng hoàng rồi mở cửa đi ra. Sáo lập tức bay về rừng báo cho hai bạn :
– Bác thợ săn sắp tới.
– Lúc ấy, Rùa đã gặm đứt gần hết các sợi dây da. Chỉ còn có một sợi nữa thôi là Nai có thể thoát được. Rùa dùng hết sức bình sinh để gặm, nhưng sợi dây này cứng quá, cứng như thép. Răng của Rùa gần như là sắp rụng hết và miệng Rùa chảy đầy máu rất là tội nghiệp. Rùa đã ra sức gặm trong hai đêm và một ngày, miệng Rùa không chảy máu sao được.
Trong lúc đó người thợ săn vào tới. Trông thấy ông ta, Nai vùng mạnh một cái. Nhờ vậy sợi dây da mà Rùa gặm nửa chừng bị đứt. Nai phóng vào rừng. Sáo bay lên đậu trên cây dương. Nhưng Rùa kiệt sức quá, không bò đi đâu được. Thấy mất Nai bác thợ săn tức lắm. Bác lượm lấy Rùa, bỏ vào trong một cái túi da và treo túi trên một thân cây rồi đi tìm Nai.
Lúc đó Nai đang đứng sau một bụi rậm nhìn ra. Nai nghĩ: ”Ta phải liều thân cứu bạn.” Nghĩ như thế, Nai từ từ bước ra cho người thợ săn thấy. Nai làm ra vẻ kiệt sức và khuỵu hai chân trước xuống.
Người thợ săn nghĩ :
– Con nai này kiệt sức rồi. Ta có thể đuổi theo và đâm nó một lát.
Ông ta liền cầm dao đuổi theo Nai. Nai đứng dậy từ từ đi vào rừng, dụ bác thợ săn đi theo. Sau khi đã dụ bác thợ săn vào khá sâu trong rừng, Nai vụt chạy thật nhanh, làm mất dấu chân mình, rồi phóng trở ra hồ nước. Tới bên cây dương, Nai dùng gạc của mình đẩy cái túi da của bác thợ săn úp ngược xuống. Rùa rơi ra khỏi túi. Sáo cũng bay xuống gần. Nai nói với hai bạn :
– Nhờ hai bạn mà tôi thoát chết về tay người thợ săn. Tôi cám ơn hai bạn. Bây giờ đây người thợ săn sẽ trở lại. Anh Sáo, anh hãy dời tổ anh đi nơi khác. Chị Rùa, xin chị bò xuống nước đi thôi. Còn tôi, tôi sẽ đi ngay vào rừng.
Khi người thợ săn trở lại, ông ta thấy Rùa đã thoát đi đâu mất. Nai và Sáo cũng bặt tăm. Buồn bã, ông ta đeo túi và cầm dao đi về nhà.

37. Ðám mây và trái mận

Cây lê ở Xóm Thượng có không biết bao nhiêu là trái. Trái tuy nhỏ nhưng dòn và ngọt. Trái nhiều cho đến nỗi cả xóm ăn hoài cũng không hết. Cô Tâm Trân tìm được một cây sào khá dài để hái lê. Sau mỗi lần hái, cô đem về cả một nón lê đầy. Những cây mận ở Xóm Thượng tuy đã có trái nhưng chưa được chín. Tại Xóm Hạ lê chín cũng nhiều. Lê ở Xóm Hạ toàn là thứ lê trái lớn. Thiếu nhi Xóm Hạ ưa mận hơn. Mận dưới Xóm Hạ đã chín và rất ngon. Có hai loại mận. Một thứ màu xanh, một thư màu tím. Các thiếu nhi nhỏ tuổi thường được các anh chị hái mận cho đầy túi. Có khi quên rằng có mận trong túi, các em nô đùa khiến mận bị nghiền nát tèm lem cả túi áo túi quần.

Một hôm vào giờ học thiền của thiếu nhi, Cô Chín đem ra một rổ mận. Cô phát cho mỗi đứa một trái và dạy cho bọn Tý phép quán niệm về trái mận. Mỗi người đặt một trái mận trong lòng bàn tay và quán sát trái mận một cách trang trọng và chăm chú. Cô nói: “Mỗi khi ăn một trái mận, ta thường không có thì giờ để nhìn rõ trái mận. Ta hấp tấp bỏ trái mận vào miệng và cắn. Bây giờ đây, ta phải học ăn trái mận theo tinh thần thiền quán. Nâng trái mận lên, nhìn vào trái mận, thấy được trái mận trong suốt thời gian sinh ra và lớn lên của nó. Nhìn trái mận, ta phải thấy được cây mận.”  Cô hỏi Bảo Khánh:
– Nhìn trái mận trên tay, con có thể thấy được cây mận không?
Bảo Khánh đáp :
– Thưa có. Nếu không có cây mận thì không thể có trái mận.
Cô Chín nói :
– Câu trả lời của Bảo Khánh chỉ mới là một câu trả lời bằng lý luận. Cô muốn hỏi là khi nhìn vào trái mận, Bảo Khánh có thấy được hình dáng cây mận hiện ra trong trí hay không ?
Lập tức trong óc Tý, cây mận hiện ra. Tý biết luôn trái mận mà Tý cầm trong lòng bàn tay đã được sinh ra từ cây mận nào. Nó mỉm cười một mình.
Bé Bảo Khánh chắc chắn cũng thấy dược như Tý, bởi vì bé đã từng hái mận ở cây mận ấy nhiều lần. Mà hình như ai cũng thấy được cây mận, nên khi cô Chín hỏi, mọi người đều đưa tay lên.
Bây giờ đây, cô Chín hỏi bé Hoàng Hiếu :
– Nhìn trái mận, con có thể thấy cái bông hoa mận đã kết thành trái mận không ?
Hoàng Hiếu nhắm mắt lại để thấy cái hoa mận. Tý thấy nhiều người cũng nhắm mắt như Hiếu. Tý không nhắm mắt mà cũng thấy được bông mận. Không những Tý thấy một bông mà Tý thấy cả ngàn vạn bông mận trắng xóa trên cây mận. Hình ảnh này Tý đã ghi nhận vào ký ức vào đầu mùa Xuân năm nay.
Sau khi giúp cho mọi người thấy được bông mận, có Chín quay sang hỏi anh Hoàng Vũ :
– Con có thấy đám mây trong trái mận không ?
Tý giật mình. Làm gì mà có đám mây trong trái mận. Phần lớn bọn thiếu nhi trong lớp đều tỏ vẻ ngơ ngác. Chợt anh Danh đưa tay lên :
– Con có thấy.
– Con thấy như thế nào, nói cho mọi người nghe đi.
– Con thấy đám mây biến thành mưa. Mưa thấm xuống đất. Rễ cây mận hút nước ấy trong lòng đất để nuôi trái mận. Nếu đất thiếu nước thì trái mận không lớn lên được. Vì vậy con thấy được đám mây.
Tất cả các thiếu nhi vỗ tay tán thưởng. Tý thấy trong óc mình một đám mây lơ lửng trên trời xanh. Cô Chín hết lời khen ngợi anh Danh. Nhưng anh Danh nói rằng điều đó không phải do một mình anh tìm thấy. Mùa hè năm ngoái, tại Am Phương Vân, các thiếu nhi đã được Sư Ông chỉ cho.
Anh Danh kể rằng một hôm ngồi bên bờ giếng trước sân am, bé Bảo Tịnh trong khi nhìn trời nhìn đất hỏi Sư Ông cái gì làm ra tất cả, ai làm ra tất cả. Sư Ông im lặng một hồi, rồi lượm lên một chiếc lá mận đã vàng và hỏi các thiếu nhi đang ngồi xung quanh cái gì đã làm ra chiếc lá. Hôm đó các thiếu nhi tìm ra được rằng vạn vật nương vào nhau mà có. Trong chiếc lá có đất, vì nếu không có đất thì cây không mọc được và do đó không có lá. Trong chiếc lá có nước, vì vậy đám mây cũng có mặt. Mặt trời cũng có mặt trong chiếc lá, bởi vì không có mặt trời thì cũng không có sự sống trên trái đất.
Chị Thanh Trang thưa :
– Năm ngoái con cũng có mặt tại Am Phương Vân. Con còn nhớ bé Bảo Tịnh đã gạn hỏi: nhưng cái gì làm ra tất cả vạn vật? Sư Ông đã nói là vạn vật làm ra nhau, nên không có gì làm ra tất cả vạn vật cả.
Cô Chín nói :
– Ðúng rồi, riêng một vật thì không làm ra được gì hết. Phải nhiều, rất nhiều vật hợp tác với nhau mới làm ra được một vật. Ví dụ trái mận mà chúng ta đang có trong lòng bàn tay đây. Phải có hột mận mới có cây mận. Phải có đất, nước, không khí, ánh sáng, sức nóng, thời gian, không gian, gió, con ong…vân vân… Tất cả mọi vật như cái nhà, cái bàn, bóng đèn điện… đều do sự phối hợp của nhiều điều kiện mà có. Những điều kiện ấy trong đạo Phật người ta gọi là nhân duyên. Nhân duyên tụ họp đầy đủ thì ta gọi là, nhân duyên tan rã thiếu thốn thì ta gọi là không.
Cô đưa bàn tay lên, nhìn vào trái mận trong lòng bàn tay và tiếp:
– Nhìn vào trái mận, chùng ta thấy bao nhiêu điều kiện đã tụ họp lại với nhau: mặt trời cũng góp phần vào trong sự có mặt của trái mận. Cây mận đã để ra hơn ba tháng trời để làm ra trái mận, từ khi bông mận nở cho đến khi ta tới hái nó và cầm nó trong lòng bàn tay ta. Ðêm ngày, trái mận lớn lên, nhờ vào biết bao nhiêu điều kiện. Từ chát đến ngọt, lòng mận chuyển đổi từng giây từng phút. Ăn một trái mận mà thấy được những điều đó thì trái mận trở nên một sự mầu nhiệm mà người ăn cũng trở nên một sự mầu nhiệm.
Cô Chín đưa trái mận lên cắn. Tý cũng đưa trái mận lên cắn. Mọi người đều cắn vào trái mận của mình. Chất ngọt tan ra trên lưỡi Tý. Tý cắn vào trái mận như cắn vào mùa Hạ, có đám mây, có mặt trời, có bóng mát. Tuy nhiên, Tý biết không những trái mận chứa trong lòng nó mùa Xuân và mùa Hạ mà nó còn chứ cả mùa Thu và muà Ðông nữa. Suốt một mùa Ðông, cây mận chuẩn bị để làm ra những chiếc hoa năm cánh trắng tinh và mỏng manh khi mùa Xuân vừa tới. Tý tự nhủ mùa Xuân sang năm sẽ quán sát kỹ luỡng hơn những chiếc bông mận.