Thánh địa Lộc Uyển

Tôi khẽ bước trên đất thánh xứ Bụt cùng với phái đoàn hành hương của tu viện Lộc Uyển, do chú Shantum hướng dẫn. Dù đã thấm mệt sau bao nhiêu di chuyển, đường sá giăng kín bụi với nhiệt độ nóng ẩm và rít người, mọi người vẫn cười tươi khi một cô trầm trồ: Đại chúng tu viện Lộc Uyển đến thăm thánh tích Lộc Uyển, tức Lộc Uyển “thứ thiệt” đây!

Tôi đứng lặng yên và nhìn quanh mảnh đất mà xưa kia đức Bụt đã từng in dấu chân. Những thánh tích xứ Bụt không tráng lệ lộng lẫy, cũng không đồ sộ nguy nga mà lại rất đơn sơ. Xa xa có một tháp lớn xây bằng gạch đỏ và xa hơn chút nữa là những nền gạch còn sót lại từ một thời đạo Bụt hưng thịnh, đang phơi mình dưới cái nắng nóng nung người của Ấn Độ.

Tôi đang bước theo dấu chân Bụt, như tôi đã in bước chân của mình vào từng dấu chân Thầy lúc còn là thị giả hầu Thầy trong giờ thiền hành tại xóm Mới. Tôi đang tìm kiếm chi nơi đây? Đi tìm Thế Tôn? Phải chăng tôi cũng đang đi tìm chính tôi?

Tôi nhớ về tu viện Lộc Uyển tại Cali (California), nơi tôi cư ngụ với những nét đặc trưng của tu viện, từ những bụi sage, chó rừng coyote, thỏ, sóc, cho đến lá sồi độc và cả rắn rung chuông nữa. (Thoạt đầu tôi còn mếu máo khi nghe nhắc đến rắn rung chuông nhưng dần dà tôi lại thấy rắn rung chuông rất dễ thương, đã không “đớp” ngay mà còn báo động với tiếng chuông chánh niệm, thật phù hợp với pháp môn nghe chuông!). Tôi nhớ đến con đường nhựa xuống cổng mà đại chúng vẫn thường đi tản bộ mỗi buổi chiều và những buổi sáng tinh mơ sương dày đặc phủ kín dãy núi, những con đường mòn khi bước qua áo sẽ chạm vào những bụi sage đen và được thơm lây hương núi rừng. Tôi thương làm sao thiền đường Thái Bình Dương, nơi mà mỗi sáng hai xóm cùng thiền tọa trong không khí nghiêm trang. Và rồi đi đến đâu tôi vẫn không quên miếng dưa cải mằn mặn chua chua của sư ngoại Hiền Hải, những bài pháp nhũ của Hòa thượng Phước Tịnh mỗi tối thứ tư, với tình huynh đệ nghĩa tỷ muội của từng thầy, từng sư cô tại tu viện Lộc Uyển, cùng luân phiên giảng pháp, nấu ăn, rửa dọn, trong những ngày quán niệm và các khóa tu.

Xét cho cùng, dường như Lộc Uyển tại Ấn Độ và Lộc Uyển tại Cali, Mỹ quốc có điểm gì tương tợ mà phải đợi đến cuối chuyến hành hương tôi mới thật sự thấy ngấm. Các địa danh được gọi là thánh tích vì đã có những thánh nhân đi qua các vùng ấy. Bụt Thích Ca đã từng giảng pháp cho đại tăng tại đó nên nơi đó đã trở thành thánh tích Lộc Uyển Ấn Độ. Riêng tôi cảm nhận Lộc Uyển Cali cũng là đất thánh vì Thầy đã giảng pháp tại Lộc Uyển Cali và đã dựng xây đại chúng nơi đây. Nếu như chữ “Bụt” được định nghĩa là một vị tỉnh thức vì nhờ hành trì niệm, định và tuệ thì xem ra có nơi nào chẳng phải là đất thánh khi nơi đó có những người cũng noi theo Bụt, Tổ và Thầy, nuôi lớn niệm, định, tuệ để chuyển hóa tự thân và làm đẹp cho đời?

Đi tìm Bụt quả thật là chỉ tìm thấy được khi tôi trở về nội tâm và hành trì các pháp môn hết lòng. Tôi vô cùng trân quý sự hiện diện của đức Bụt và Thầy qua phái đoàn hành hương Lộc Uyển. Khi đã về tới tu viện Lộc Uyển, tôi vẫn tiếp tục chiêm nghiệm, tôi phải làm thế nào để không chỉ đi theo gót chân đức Bụt ở Ấn Độ thôi mà vẫn nối gót đức Bụt và Thầy nơi tôi đang sống và tu tập mỗi ngày? Để rồi một mai khi đứng trước tượng đài của Thầy với mục sư Martin Luther King Jr. ở tu viện Mộc Lan, tôi sẽ không còn để mặc cho dòng lệ tuôn rơi và tự trách mình sao chẳng làm nên được thành tích gì để dâng hiến cho đời như một sự tiếp nối đúng nghĩa.

Xưa kia đức Bụt cũng đã là một nhà cách mạng và nhận vào Tăng đoàn những người thuộc giai cấp cùng đinh, phụ nữ, trẻ em và kể cả Angulimala, một thời đã từng là một sát thủ. Thầy đã làm mới lại đạo Bụt và đã kêu gọi hòa bình thời binh lửa tại quê nhà. Mục sư Martin Luther King Jr. đã phản kháng sự phân biệt chủng tộc với những phương pháp bất bạo động và kêu gọi quyền bình đẳng cho người da màu. Còn tôi…? Với phận mọn thuộc đàn hậu sinh, dù vẫn biết tôi “nghèo mà ham”, trước thềm năm mới, tôi quyết tâm noi theo tấm lòng đại Xả của liệt vị tiền nhân. Xả, yếu tố thứ tư trong Tứ vô lượng tâm, còn được gọi là tâm không kỳ thị, tâm bình đẳng. Thông thường tôi chỉ gật gù khen ngợi Từ và Bi mà chẳng đoái hoài đến hai yếu tố còn lại là Hỷ và Xả. Hơn nữa, Xả có vẻ dễ hiểu nhưng lại khó hành trì miên mật. Tôi còn phải đào sâu hơn nữa vào pháp môn Xả trong nhiều lãnh vực như thời khóa, tri, công việc, phòng ốc, thức ăn,… để bỏ dần và chuyển hóa rốt ráo thói quen nhìn mọi việc với con mắt nhị nguyên và ôm lòng cố chấp trong nhiều phạm vi như việc bất như ý và việc như ý, văn hoá của ta và của người, thương – ghét, đúng – sai, tốt – xấu, khen – chê, hơn – thua, cư sĩ – xuất sĩ, giỏi – dở, dễ – khó,… cùng với trăm ngàn cặp đối lập khác.

Nhiều người thường bảo, trong chùa tu thì dễ chứ sống ở ngoài xã hội làm sao mà thực tập Xả được. Riêng tôi cảm nhận câu này tương tự như câu nói “học bơi trong hồ bơi thì dễ, ra ngoài biển bơi mới khó, sóng mạnh vật mình mấy hồi rồi mới hay”. Nhưng thực tế thì bơi giỏi trong hồ bơi rồi thì khi ra biển ta vẫn bơi được dễ dàng, ta chỉ cần dùng sức nhiều hơn thôi. Cũng vậy, tôi cần tập quán chiếu Xả với các tâm hành và tập khí của bản thân tôi trước, sau đó tôi mới có thể thực tập được Xả với những việc bất như ý đối với những người xung quanh tôi hay với công việc. Khi tôi xóa dần ảo tưởng ranh giới giữa tôi và người, tôi đúng, còn người kia sai, thì tôi quẳng đi gánh nặng trong lòng và trở nên bao dung hơn.

Có những lúc tôi nắm chặt một tri giác sai lầm và nghĩ oan cho sư em tôi, lại cũng có lúc sư em tôi có những thiếu sót thật, nhưng không vì vậy mà tôi phải phản ứng với sự trách móc và ghét bỏ sư em tôi. Khi tôi không còn kẹt vào những đối lập, tôi khác – em khác, khi tôi nhớ rằng sư em tôi và tôi đều là con của Thầy, của Bụt, của đất Mẹ, thì tôi chỉ cần đơn giản hoặc xin lỗi sư em tôi, nếu tôi đã lỡ suy bụng ta ra bụng người, hoặc tìm cách nhắc nhở nhẹ nhàng cho sư em tôi như Thầy đã từng kiên nhẫn dạy dỗ từng học trò của Thầy. Vâng, dù cho trời yên biển lặng hay tám gió thét gào, tôi nhất định phải duy trì chất liệu Xả bền bỉ như liệt vị tiền nhân.

Và rồi dù là Lộc Uyển bên kia đại dương hay là Lộc Uyển bên này phương trời, tôi xin chắp tay thành kính tri ân chư Bụt mười phương và tổ tiên đất đai đã phù hộ cho chúng tôi có một chuyến đi hành hương tại đất thánh và được tu học trên đất thánh trong Tăng thân bao năm qua.

Cuối cùng tôi mạn phép xin trình bài thơ (đã phổ nhạc) như chút quà mọn kính tặng mọi người nhân dịp Tết Đinh Dậu.

Nối Gót Thầy Ta

Bước đi trên con đường mòn ta nghe có tiếng mưa rơi trong lòng
Ấp ôm bao nhiêu muộn phiền ta xoa dịu niềm đau, chuyển hóa tủi hờn
Cùng nhau ta vươn tới
Cùng nhau nuôi chí lớn
Nối gót Thầy ta
Tấm lòng vị tha
Bước đi trên đường thân thương ta nguyện quán từ bi, quét sạch sân si
Biết bao nhiêu anh chị em gần xa trông chờ ta chăm rác thành hoa
Cùng nhau ta vươn tới
Cùng nhau nuôi chí lớn
Nối gót Thầy ta
Tấm lòng vị tha
Bước đi trên đường thiền hành ta nghe bình an dâng lên trong lòng
Quyết tâm tu học tinh chuyên đền đáp thâm ân Tam Bảo chở che
Cùng nhau ta vươn tới
Cùng nhau nuôi chí lớn
Nối gót Thầy ta
Tấm lòng vị tha
Cùng nhau ta vươn tới
Cùng nhau nuôi chí lớn
Nối gót Thầy ta
Tấm lòng vị tha
Tấm lòng bao la.

Những người con của tôi

Tôi chưa bao giờ muốn có con. Có lẽ vì tôi đã có trách nhiệm làm mẹ đối với em trai từ năm tám tuổi. Mẹ tôi ra chợ buôn bán trước khi chị em tôi thức dậy. Tôi tự đi chợ nấu ăn, tắm rửa cho em và dẫn em đến trường trước khi tôi vào lớp của mình. Mỗi ngày trên đường đi học về tôi dạy em đếm từ 1 đến 40. Có những đêm mẹ tôi về rất khuya nên chị em tôi ôm nhau ngủ cho đỡ sợ.

Mẹ mất tích năm tôi mười hai tuổi. Khi đó bà ngoại từ ngoài quê vào giúp nhưng tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chính cho em tôi. Tôi đi họp phụ huynh cho em. Có lần cô giáo báo cho biết là em tôi thường hay đánh nhau với các bạn trong lớp. Khi về nhà, tôi bắt em nằm xuống và đánh em ba roi. Nó khóc thét lên. Bà ngoại xin tôi tha cho em tôi, nhưng tôi nói: “Nó hư lắm. Ngoại để cho con dạy nó”.

Rồi hai chị em tôi được chính phủ Mỹ bảo lãnh theo diện con lai. Sang đến Mỹ, họ tìm cha mẹ nuôi để giúp chăm sóc cho đến khi chúng tôi mười tám tuổi và trở nên tự lập. Vì vài lý do đáng tiếc, chúng tôi đã phải thay đổi năm nhà bảo trợ khác nhau và nhiều khi phải sống xa nhau. Cặp vợ chồng cuối cùng rất thương chúng tôi nhưng họ thấy em tôi thường bị kỷ luật trong trường nên xin cho em tôi được gặp bác sĩ tâm lý trị liệu. Bác sĩ chẩn đoán em tôi “không kiểm soát được cái giận” của mình. Họ quyết định cho em tôi nhập viện điều trị cùng với những người trẻ khác có vấn đề tâm lý và bị nghiện ngập hoặc tham gia băng đảng v.v. Họ đã không hiểu rằng em tôi “không kiểm soát được cái giận” là vì bao nhiêu năm ở Việt Nam, em tôi đã bị nhiều đứa trẻ khác gọi là “Mỹ lai”, đùa giễu và đánh đập hầu như mỗi ngày. Vậy nên khi vào trường học Mỹ và bị các bạn Mỹ gọi là “V.C.” thì em tôi “không kiểm soát được cái giận” và đánh trả lại. Ba má nuôi đã không báo cho tôi biết rằng họ sẽ gởi em tôi đi xa.

Ngày nhập viện em tôi để lại tờ giấy cho tôi: “Em đi nha chị. Em thương chị nhiều!” với hình vẽ miệng mếu với những giọt nước mắt chấm chấm dài. Tôi ngồi bệt xuống trong căn nhà trống trơn, tay cầm tờ giấy mà nước mắt đầm đìa. Sự phẫn uất đã tràn ngập lòng tôi.

Tôi lên đại học trong khi em tôi vẫn còn ở trong trại với những người trẻ khác. Rồi tôi theo học ngành y. Suốt 5 năm, tôi và vài người bạn sinh viên y khoa xung phong vào tù dạy cho các em từ mười ba đến mười bảy tuổi. Hầu hết các em là người Mỹ đen hoặc người Mễ (Mê-hi-cô), thỉnh thoảng cũng có vài em người Cam-pu-chia và Việt Nam phạm tội cướp giật hoặc buôn bán ma túy hoặc tham gia băng đảng gây rối loạn trật tự xã hội. Địa vị và học vấn của chúng tôi chẳng có nghĩa lý gì đối với các em cả. Nhưng dần dần các em cảm nhận được tình thương chân thành của chúng tôi nên đã chú tâm học hỏi và chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời của các em. Những em “ma mới” gặp chúng tôi lần đầu tiên thường hay nhìn chúng tôi từ trên xuống dưới với cặp mắt  đe dọa và nói lời cợt nhã. Các em “ma cũ” liền bảo chúng: “Họ là đàn anh đàn chị. Hãy đối xử đúng phép với họ!” (They are O.Gs. [original gangsters]. Show them some respect!).

Khi vào tu, tôi cố ý tránh không tham dự các nhóm người trẻ vì họ làm tôi nhớ lại những thương tích của cuộc đời mình. Một hôm Thầy bảo tôi: “Con tu học cho có hạnh phúc và con sẽ giúp được rất nhiều người trẻ”. Lời nhắn nhủ của Thầy đã trở thành như một lời thọ ký. Càng tu tập, càng có nhiều niềm vui và sự nhẹ nhàng, tôi càng thấy gần gũi với người trẻ. Họ đến với tôi một cách tự nhiên, thân thiện. Ngay cả cái tên “Sister Đ” thông dụng của tôi cũng đã được một em trai bảy tuổi cho. Lần đầu tiên gặp tôi, em hỏi: “What’s your name?” (Tên sư cô là gì?). Tôi trả lời: “Sư cô Đẳng Nghiêm.” Em nhìn tôi trân trân một hồi rồi nói: “Sister Đ. Tên của sư cô là Sister Đ”.

Hơn mười sáu năm qua, nhiều em thiếu nhi và thiếu niên tôi chăm sóc nay đã trở thành thanh niên và chúng tôi đã có biết bao kỷ niệm đẹp với nhau. Mỗi lần gặp lại, các em dang rộng cánh tay để thiền ôm với tôi. Nhiều em bây giờ đã to cao hơn tôi làm tôi cảm thấy mình trở nên bé nhỏ. Em Sarah tóc đỏ hoe, da mặt trắng bóc lốm đốm tàn nhang và rất gầy khi em sinh hoạt trong các nhóm Teens do tôi hướng dẫn ở tu viện Lộc Uyển. Sau vài năm không gặp, em đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Em sà vào lòng tôi rồi kể cho tôi nghe những gì em đã đi qua. Em thỏ thẻ nói: “Sư cô là người mẹ tâm linh của con”.

Ngay cả các em trai bây giờ lớn tồng ngồng rồi cũng dang tay đợi được thiền ôm. Tôi do dự nhưng tôi biết các em sẽ buồn hoặc cảm thấy hụt hẫng nếu tôi chỉ xá chào. Có lần tôi đang đi vào nhà bếp của tu viện Bích Nham thì thấy Frank đang lau nhà một cách từ tốn, khoan thai. Khi thấy tôi, em dừng lại với cây lau nhà dựng đứng trong tay. Rồi em nói: “Con có thể gọi sư cô là Mẹ được không?”. Trời đất, một anh chàng đẹp trai tự nhiên muốn gọi tôi là “Mẹ”! Tôi thật sự không biết đó là tin vui hay tin buồn nữa. Trước khi Frank rời tu viện, em để lại một bức thư cho quý sư cô. Em nói rằng từ lâu em chỉ nhìn phụ nữ như những đối tượng tình dục. Trong thời gian sống ở tu viện, em cảm thấy rất kính phục và ngưỡng mộ quý sư cô. Từ đó em học nhìn phụ nữ như những người chị, người em, người mẹ của mình và em rất biết ơn quý sư cô đã giúp cho em có được cái thấy này.

Rồi cách đây không lâu, một người phụ nữ xin đại chúng cho cô và đứa con mười hai tuổi bị mù của cô được ở lại tu học ba tháng. Trong một buổi thiền trà cô nói lên lời biết ơn chân tình đối với đại chúng xuất sĩ. Sau đó, cô gặp tôi trong nhà ăn và nói: “Tôi muốn cảm ơn riêng sư cô. Tôi biết sư cô nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng…” Tôi  được biết cô ta 39 tuổi nên tôi cắt ngang: “Tôi lớn tuổi hơn cô chứ”. Cô mừng rỡ hớn hở nói tiếp: “Vậy tôi có thể gọi sư cô là Mẹ được không?” Tôi liền đáp: “Không, không, tôi chưa sẵn sàng làm bà ngoại của cháu Levi!”. Cô nói: “Cả hai chúng tôi đều có thể gọi sư cô là Mẹ”!!!

Trong một khóa tu vào dịp lễ Giáng Sinh tại tu viện Mộc Lan, một em trai mười bốn tuổi đến xin tham vấn với tôi. Nét mặt của em khôi ngô nhưng nhìn em bơ phờ như mất hồn. Tôi phải hỏi em từng câu từng câu một và em cũng chỉ có thể trả lời vài chữ, vài chữ một. Em đã bị người cha ruột nghiện ngập ma túy của mình lạm dụng tình dục từ khi em năm tuổi. Kian hỏi tôi: “Có phải việc này làm cho con không chú tâm được vào việc học của con?”. Tôi khuyên mẹ của em nên cho em về tu viện trong thời gian nghỉ hè. Mẹ của em đơn thân nuôi em và mới dọn qua tiểu bang khác để tìm một môi trường lành mạnh hơn cho em, nên đại chúng đã từ bi cho phép một mình em về tu viện và không phải đóng lệ phí.

Em thường làm thinh, cúi đầu không dám nhìn vào mắt ai. Khi đi, em nhón nhón trên các ngón chân thay vì đi trên bàn chân làm tôi liên tưởng tới một cái bong bóng bay lơ lửng gần mặt đất  và thỉnh thoảng chỉ chấm đất với sợi dây buộc bong bóng. Một đêm khi tôi sắp sửa ngủ thì bất thình lình nghe tiếng la hét kinh hoàng. Tôi chỉ kịp khoác thêm áo lạnh, ra đến cửa thì thấy Kian đang rú lên, tay chân quờ quạng trong màn đêm và các sư cô trẻ thì đứng nhìn một cách lo sợ, không biết phải làm gì. Tôi lập tức đến ôm em chặt vào lòng. “Không sao đâu con, có Sister Đ. đây”. Chỉ vậy thôi là em đã dừng la hét và nhìn xung quanh như không biết mình đang ở đâu. Tôi dìu em ngồi xuống. Chân em cứng đơ không nhúc nhích hay co duỗi được. “Thở đi con, trở về với hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Con đang được bảo vệ an toàn, không có gì phải sợ hãi….”. Cứ như thế tôi làm thiền hướng dẫn cho em ngay trước cửa ni xá. Một lúc sau hai thầy đến và em ngoan ngoãn theo quý thầy về lại khu cư xá của mình.

Một lần khác tôi làm thiền hướng dẫn cho em trong thiền đường Hải Triều Lên. Sau khi em qua được cơn khủng hoảng, tôi bảo em đi mang dép và gặp tôi trước thiền đường. Chờ hoài không thấy em nên tôi đi vô phía để giày của quý thầy. Em đang nằm trên sàn nhà, hai chân quơ trên trời và hai tay đang cố gắng xỏ giày vào. Tôi nhìn  em và em nhìn tôi thật thảm hại. Bất chợt tôi cười phá lên: “Trời ơi, con biết không, con nhìn giống như con ve đang chổng chân lên trời!”. Em cười gượng gạo nhưng thấy bớt căng thẳng. Tôi cúi xuống giúp em ngồi dậy và mang giày vào. Nương vào tôi em đi như một ông già run rẩy, lòm khòm và một lúc sau thì bước chân của em vững vàng hơn để em có thể tự đi.

Có lần trong chuyến đi Việt Wake Up, tôi cảm nhận một em trong ban tổ chức có vẻ im lặng và rút lại so với năm trước. Tôi sắp xếp một chút giờ để ngồi riêng với em. Tôi nói: “Sư cô thấy mắt của con có vẻ buồn buồn. Con có muốn chia sẻ với sư cô không?”. Thế là nước mắt em chảy giàn giụa và em kể hết cho tôi nghe những lo âu trong lòng em. Sau đó em trở nên hoạt bát hẳn lên. Ngày cuối cùng của khóa tu, em xin tôi tìm cách cho người em bạn dì của em tham vấn. Em bày cách cho tôi: “Sư cô cứ nói với cousin của con là: ‘Sư cô thấy mắt của con có vẻ buồn buồn’ để em ấy mở lòng ra chia sẻ với sư cô”. Tôi phì cười vì em đã dùng cái chiêu của tôi để cố vấn cho tôi!

Cũng trong một chuyến đi Việt Wake Up khác, tôi để ý thấy em gái đến đón chúng tôi tại phi trường rất xinh đẹp nhưng mang nhiều son phấn. Chúng tôi trở nên thân quen với nhau trong những ngày chuẩn bị khóa tu cho thanh niên người Canada gốc Việt. Trên đường đi ra lại phi trường, tôi khen em rất đẹp và nhẹ nhàng khuyên bảo em nên trân quý hình hài của mình như nó đang là. Em có thể dùng phấn son vì em thích làm chảnh một chút, không nên vì em không chấp nhận được khuôn mặt của mình. Đó là từ bỏ chính mình và những gì cha mẹ tổ tiên đã trao truyền cho mình. Em có vẻ bối rối và mắc cỡ khi lắng nghe tôi. Nhưng sau đó em đã xin về tu viện để tu học suốt một năm. Trong một buổi thuyết trình Năm giới cho các bạn trẻ Mỹ, em kể lại những lời tôi đã chia sẻ với em trong xe hơi năm trước. Rồi em nói: “Từ hôm đó tôi không dùng phấn son nữa. Lúc đầu thì tôi thấy da mặt của mình trắng bạch, đầy mụn và lỗ chỗ thật xấu xí. Nhưng từ từ da của tôi trở nên hồng hào hơn và mịn màng hơn vì nó có thể thở dễ dàng mà không bị lớp kem phấn phủ lên. Một hôm khi nhìn mình trong gương, bất giác tôi thấy mình quá ư xinh đẹp! Tôi lấy tay chạm vào mắt và nói: “Mắt của tôi rất đẹp. Rồi tôi nói: Mũi của tôi rất đẹp. Miệng của tôi cũng rất đẹp…”. Nước mắt em chảy dài trong khi em sống lại những giây phút thiêng liêng đó và nhiều bạn trẻ trong thính chúng cũng đã khóc theo.

Những năm qua tôi cũng đã học thương quý hình hài và cuộc đời của mình như đứa con của chính mình. Khi cơn đau nhức ập đến, tôi học dừng lại mọi tư duy và hành động để có mặt thật sự cho hình hài và cho nỗi đau: “Có tôi đây. Tôi thương em thật nhiều”. Tôi có thói quen thường mộng mơ và nắm bắt những đối tượng bên ngoài. Nhìn trăng tôi thấy bóng dáng người tôi thương. Nhìn hoa tôi thấy bóng dáng người tôi thương. Nhìn tô bún tôi thấy bóng dáng người tôi thương…  Tôi nghĩ rằng nếu tôi mất đi đối tượng ấy, tôi sẽ mất hết tất cả. Sự tu học giúp tôi dần dần có  khả năng an trú trong hiện tại với những cái đang có mặt để tôi có thể nhìn trăng thấy trăng, nhìn hoa thấy hoa, nhìn tô bún thì… ăn ngon lành! Khi tôi buông bỏ được những tri giác sai lầm và vướng mắc, tôi còn lại tất cả.

Tôi chưa bao giờ hối tiếc mình đã đi tu dù tôi gặp phải nhiều khó khăn chướng ngại trên đường tu. Tôi thấy tôi là một người tu có hạnh phúc vì tôi chuyển hóa trị liệu được khổ đau của tôi và của tổ tiên trong tôi. Tôi là một người tu hạnh phúc vì tôi phát huy được khả năng thương yêu và khả năng tiếp nhận tình thương. Tôi thường nhớ nghĩ về người Thầy khả kính của chúng tôi với niềm biết ơn sâu đậm. Mỗi khi lạy xuống tôi thấy hàng vạn người tu trong tấm y vàng cũng đang lạy xuống, bao quanh tôi là những sư chị, sư em và cũng là những Ni trưởng Kiều Đàm Di, những người Mẹ của tôi. Đầu tôi chạm đất với tâm niệm: trong con có Bụt, có Thầy. Tay phải tôi mở ra với tâm niệm: con có cha. Tay trái tôi mở ra: con có mẹ. Rồi tôi buông xuống cả hình hài vào lòng đất Mẹ. “Thấy được trong con luôn có Mẹ Thấy con trong Mẹ cả muôn đời.” (Bài kinh Ca tụng Đất Mẹ của Sư Ông Làng Mai)

                                                             Tu viện Mộc Lan Ngày 09 tháng 12 năm 2016

Nguyện ước tuổi hai mươi

Trở về tắm mát dòng sông

Có một cậu bé được sinh ra trên vùng đất của những dòng sông chở nặng phù sa, những cánh đồng thơm mùi lúa chín, những con thuyền chở về đầy cá. Ở nơi đó, mỗi chiều, cậu sẽ được thả mình trên dòng sông êm ả cùng lũ bạn hàng xóm, sẽ được phóng mình từ đỉnh “gió” xuống tận lòng sông, để phù sa thấm vào từng mạch máu, để nụ cười kéo mãi đến buổi cơm chiều đầy tiếng dế kêu, để tiếng hò vang lên khi trăng về đêm sáng. Vùng đất đã ôm ấp cậu bằng một tình thương ngọt ngào chất phác: “Ví dầu cầu ván đóng đinh…

Giấc mơ y vàng

Mười tuổi, mang trong mình một tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, cậu bé đã phải lòng một người. Cậu không biết người đó là ai, không biết người đó có tự bao giờ nhưng những câu hỏi ấy không quan trọng. Thứ làm cậu chú ý nhất là trang phục màu vàng kia, một thứ gì giản dị. Dáng điệu ấy, cách hành xử ấy, sao mà chú thích đến thế! Chú vòi mẹ may cho mình loại trang phục ấy, mẹ xoa đầu và bảo: “Thầy tu mới được mặc, ông cụ non à!”. Đúng rồi! Ông cụ non sẽ được mặc khi ông cụ non là thầy tu. Từ dạo ấy, trong những giấc mơ bé bỏng, lắm lúc ước muốn làm một người tu lại xuất hiện.

Về đi tiếp nhận gia tài

Đêm 11.05.2016, sau những lần im lặng trả lời đồng ý, mười lăm nhánh hoa hồng được đặt vào chiếc bình mang tên Hoàng Yến, một dấu ấn cho cuộc đời cậu. Cậu đã được tiếp nhận là thành viên của gia đình “y vàng”. Giờ phút thiêng liêng ấy là kết quả cho mười chín năm trời ôm ấp, một chặng đường có bao nhiêu là thử thách. Những lần phản đối của người thương, những cám dỗ của cuộc đời đã lắm lúc khiến cậu muốn gạt bỏ đi giấc mơ ngày trước. Bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu đổ vỡ được xây dựng lại, giấc mơ thành hiện thực. Ngày 12.05.2016, mái tóc xanh trả về cho mẹ, cho quê hương, cánh cửa được mở và con đường được rộng lớn thêm.

Thư tình

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay là ngày 03.11.2016, ngày con chính thức biểu hiện hai mươi năm trên hành tinh xinh đẹp này, là ngày mà con đường  lý tưởng được thấy rõ. Con đường mà ở đó tình thương của con được mở rộng bằng nền tảng của hiểu biết. Con nhận diện rằng, trong quá khứ vì những vụng về, vì kém hiểu biết mà con đã gây ra nhiều đổ vỡ, nhiều vết thương cho thân tâm con cũng như cho những người con thương.

Con đã từng tư duy, hành xử và nói năng một cách vô thức, con đã không trân quý được sự có mặt của những người thương, của những điều kiện hạnh phúc quanh con. Con đã sống một lối sống hời hợt và tưới tẩm cho mình cũng như những người thương những hạt giống không tốt. Hai mươi năm biểu hiện nhưng đã có bao nhiêu cơ hội tuột khỏi tầm tay rồi?

Kính bạch Thế Tôn, giờ phút này con xin trở về  ý thức, trở về thật sự để nhận diện rằng con đã có đường đi, con đường của hạnh phúc chân thật, của tình thương lớn. Ở đó con có tình huynh đệ, có cả gia tài mà Bụt, Tổ cũng như Thầy đã truyền trao. Con có lý tưởng để phụng sự, để đem cả trái tim thương yêu có mặt nơi mọi người cần. Con biết rằng, để có thể vững chãi trên con đường đẹp này, con cần trở về chăm sóc bản thân mình nhiều hơn, ôm ấp những tập khí mà ngày trước do vụng về con đã tạo ra. Con nguyền thực tập làm mới lại bản thân, nguyền thiết lập những thói quen  mới, nguyện nắm lấy cơ hội mà mỗi phút giây Đức Thế Tôn đã trao tặng. Con đã và đang là dòng tiếp nối của Bụt, của Tổ, của Thầy. Giờ phút này xin Người chứng minh, gia hộ và yểm trợ cho con!”

Khúc hát tuổi hai mươi

Yên Tử thương! Lá thư vừa được viết xong, chỉ còn vài phút nữa thôi, lời hứa hẹn sẽ được đọc lên và ngọn lửa sẽ gửi nó đến Người. Từ giây phút ấy em sẽ mới và mỗi phút giây đều là cơ hội, đều là phần thưởng mà cả vũ trụ un đúc dành cho em. Hôm nay em sẽ hát bài hát của tuổi hai mươi, cái tuổi đầy mây trắng, gió xuân, cái tuổi hai mươi xanh lạ thường. Cái tuổi tràn đầy nhựa sống và nhiệt huyết, cái tuổi của mơ ước, của hy vọng, của khát khao khám phá. Tuổi hai mươi, “em tung tăng cho vui đời”, em có cần phải lo nghĩ gì nhiều đâu nào, em đã có đường đi, đã có lý tưởng trong tay, em có tình huynh đệ, em có cả một bầu trời thênh thang. “Hai mươi em cho đời một giấc mơ”, giấc mơ của tuổi hai mươi là một giấc mơ tinh khôi và trong sáng. Em đem cả một trái tim đi vào đời, một trái tim còn nguyên vẹn, phải chăng những thứ vừa đi qua chỉ là một cơ hội để em hiểu rằng “có em là thế gian thêm một ngày nắng”. Kinh nghiệm là thứ mà con người có được qua thử thách của thời gian, và đó là cơ hội để em có thể tiếp xúc sâu sắc với thứ được cho là khổ đau. “Trời còn để có hôm nay” cơ mà, ngày hôm nay là một ngày rất đẹp, ngày mà cả vũ trụ trao cho em biết bao điều mầu nhiệm. Yên Tử ơi! Giờ phút này em còn trông đợi gì nữa, cánh cửa để ngỏ rồi, cùng tôi bước vào em nhé!

Tâm sự với các bạn trẻ Việt Nam

Các bạn trẻ Việt Nam ơi, tôi xin gởi đến các bạn vài dòng tâm sự chân tình từ chính kinh nghiệm bản thân. Hơn ba mươi năm qua, tôi đã đi vòng quanh mà không tìm được tình yêu và hạnh phúc đích thực. Tôi đã bồng bột với năng lượng hăng say của tuổi trẻ, bay cao vút lên rồi té xuống nhiều lần đau đớn vì không biết cách yêu thương, không biết nghệ thuật thưởng thức những gì giản dị nhất. Tôi chia sẻ những dòng tâm sự này đến các bạn, những người bạn trẻ của tôi, để các bạn không phải trả một giá quá đắt mà chưa chắc đã nếm được tình thương và hạnh phúc đích thực.

Bốn mươi năm sau chiến tranh, Việt Nam đã hồi phục và phát triển rất nhanh. Người trẻ Việt Nam với nhiều tài năng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng lưới toàn cầu đã giúp chúng ta bắt kịp nhịp kinh tế và công nghệ thông tin một cách nhanh chóng. Sự tiêu thụ và hưởng thụ vật chất cũng tăng lên. Thế nhưng, có bao giờ các bạn dừng lại để xem cách tiêu thụ đó đã ảnh hưởng như thế nào đến thân tâm của mình? Đặt lại cho mình câu hỏi: “Hạnh phúc và tình yêu đích thực là gì?”. Hay các bạn chỉ đơn thuần trả lời những câu hỏi đó dựa theo những khái niệm mà các bạn tiếp nhận từ Internet, hay từ các kênh truyền thông khác ?

Nỗi cô đơn của thời đại

Trong khóa tu mùa hè 2016 tại Làng Mai, khi sinh hoạt với các em thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi, tôi có cơ hội lắng nghe các em chia sẻ về cuộc đời, về những khó khăn và thử thách của tuổi “teen”. Tôi thấy xã hội bây giờ quá phức tạp! Mạng lưới internet phong phú, và đa dạng đã cung cấp cho các em rất nhiều kiến thức. Nhưng bên cạnh đó cũng đầy dẫy những thông tin không lành mạnh, tưới tẩm sự bạo động, thèm khát về vật chất, tình dục và sự tranh đua giả tạo. Có em chỉ mới 13 tuổi mà đã trải nghiệm tình dục, rượu chè, ma túy, trong khi chưa đủ trưởng thành về tâm sinh lý, lại chưa biết cách điều phục những cảm xúc mạnh và những vấn đề phức tạp liên quan. Các em bị những cảm xúc đó trấn ngự, rồi dẫn đến chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, lo lắng thái quá,  nghiện Internet,  biếng ăn (vì không chấp nhận được hình dáng cơ thể của mình),… Chính tôi cũng đã từng có nhiều mặc cảm và chán ghét thân thể của mình mỗi lần đọc báo phụ nữ hay tạp chí thời trang. Khi trong lòng có nhiều mặc cảm, chưa chấp nhận được bản thân  thì mình sẽ không thể tiếp xúc thật lòng và sâu sắc với những người khác được.

Thời đại văn minh với rất nhiều phương tiện truyền thông nhưng lại không làm giảm đi sự cô đơn và trống vắng trong lòng mỗi người. Trên tàu điện hay xe bus, chúng ta dễ dàng thấy cảnh ai trên tàu cũng bận bịu với một cái điện thoại trên tay, có thể họ đang liên lạc hay kết nối với ai đó, nhưng họ lại không thể nhìn và mỉm cười với người ngồi bên cạnh. Có những người khi ăn một mình trong quán phải làm như là mình đang gởi tin nhắn hay nói chuyện điện thoại để bớt cảm giác lạc loài, cô đơn. Và để người khác đừng nhìn mình như một người cô đơn và tội nghiệp (vì không có bạn bè để ăn cùng). Sư Ông Làng Mai có nói “thời đại bây giờ, mình cô đơn chung với nhau”. Ai ai cũng như đang sống  ở trong thế giới của riêng mình cho dù đang ngồi bên cạnh nhau. Và có khi không thể nói chuyện với nhau trực tiếp mà chỉ nhắn tin và viết e-mail thôi.

Nhiều bạn trẻ đã tìm mọi cách để khỏa lấp sự trống trải trong lòng bằng đủ mọi loại tiêu thụ, lấy những khoái lạc của thể chất làm niềm vui và mục đích của đời mình. Phần lớn các em chỉ biết “tình dục trống rỗng” (empty sex) mà không hề có một tình yêu đích thực. Nếu những kinh nghiệm không nuôi dưỡng này là nền tảng đầu đời thì các em sẽ như người đi lạc đường, tương lai sẽ đầy hoang mang, tăm tối. Tôi thấy những em đến tham dự khóa tu rất may mắn vì được gặp cái phao chánh pháp, được học hỏi cách chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa thân tâm. Được ôm ấp trong môi trường an lành, không phán xét, các em đã mở lòng để chia sẻ về sự trống vắng, về những băn khoăn và khổ đau trong lòng. Những khó khăn mà trước đây tôi cho là những khổ đau của người lớn, thì bây giờ các em đã phải trải qua rồi, dù chưa tới tuổi trưởng thành. Sau mỗi khóa tu, các em đã tươi cười nhẹ nhõm ra về với những người bạn mới, và một ít hy vọng cho cuộc đời mình. Điều này cho tôi rất nhiều niềm tin nơi pháp môn tu tập chánh niệm và sức mạnh của tăng thân.

Quý sư cô và các em trong chương trình teens – mùa hè năm 2016 tại xóm Mới
 

Người trẻ và những cuộc vui “chay”

Mùa hè năm 2016, ở xóm Thượng cũng đã tổ chức một khóa tu Wake Up, khóa tu dành cho các bạn từ 18 đến 35 tuổi. Có hơn 500 bạn trẻ đã ghi danh tham dự trong vòng một tuần. Suốt khóa tu, các bạn được ăn những món ăn chay thật ngon, thật bổ mà không cần phải sát hại một con gà, con heo, con bò hay tôm cá nào. Ngoài ra, qua những buổi pháp thoại, pháp đàm thiết thực với người trẻ, các bạn còn được nếm những món ăn tinh thần rất nuôi dưỡng và trị liệu. Mọi người có cơ hội lắng nghe, học hỏi lẫn nhau. Dù phần lớn không quen nhau nhưng đều muốn học cách sống tỉnh thức nên ai cũng mở lòng, chia sẻ rất thật về những khổ đau của mình. Ai cũng cảm thấy thân thiện và thoải mái để bày tỏ con người thật của mình cho nên có nhiều trị liệu và chuyển hóa xảy ra trong khóa tu.

Tôi rất ấn tượng đêm văn nghệ cuối cùng do chính các bạn thiền sinh trình diễn với chủ đề bảo vệ đất Mẹ. Nhìn các bạn cười vui, tôi cũng vui nhiều vì niềm vui của các bạn chứng minh một điều quan trọng: cuộc vui chơi “chay” này cũng vui không kém những cuộc vui chơi khác, mà không cần đến rượu chè, ma túy và tình dục. Ai cũng rạng rỡ và tươi mát, ai cũng tỏa ra nét đẹp đích thực được biểu hiện qua tấm lòng biết thương yêu, bao dung và cởi mở. Sự thực tập trở về với chính mình qua những buổi thiền tọa, thiền hành mỗi ngày đã giúp cho mọi người cảm thấy thoải mái trong thân tâm nên dễ chấp nhận và mở lòng với nhau hơn.

Đêm văn nghệ trong khóa tu Wake Up Earth

Chăm sóc em bé trong tự thân

Nương vào năng lượng thực tập của mọi người trong khóa tu, tôi cũng có cơ duyên trị liệu vết thương ngày tôi còn nhỏ. Khi tám tuổi, đang tạm trú ở một trại tỵ nạn, trong lúc vui chơi với các bạn, tôi đã bị một em thanh niên xúc phạm, vì em không biết xử lý năng lượng tình dục của mình. Tôi đã trách cha mẹ không có mặt để bảo vệ cho tôi lúc đó. Tôi mất niềm tin nơi cha mẹ và khép kín lòng mình. Tôi lớn lên trong môi trường đầy dẫy những phim ảnh, bài hát và chuyện trò về ái dục. Và vì không có lập trường vững, tôi đã bị lôi cuốn theo xu hướng hưởng thụ dục lạc của tuổi trẻ. Nhìn lại tôi thấy mình thật sự chưa từng biết tình yêu đích thực là gì, mà phần lớn chỉ là sự thu hút nhau có gốc rễ từ nhu cầu tình cảm hay tình dục. Thêm vào đó, sống trong gia đình, chứng kiến những giông bão do ghen tuông, mất niềm tin vào nhau, tôi thấy những thất bại trong tình yêu, trong đời sống gia đình đều phát khởi từ sự tiêu thụ thiếu chánh niệm, từ những khái niệm lệch lạc và sai lầm về chính mình, về tình yêu và tình dục.

Tham dự vào những sinh hoạt của khóa tu, thừa hưởng năng lượng tập thể, phép mầu đã xảy ra giúp tôi có một cái thấy tươi sáng hơn, chuyển hóa được  những khổ đau trong quá khứ. Một hôm, tôi thấy một thầy cảm động rơi lệ khi nghe một bạn chia sẻ về ước nguyện cao quý cho đất Mẹ và tương lai của thế hệ trẻ. Đó không phải là lần đầu tiên tôi được thấy người nam khóc, nhưng lúc đó trong tôi chợt nhận ra: “À, thật ra, trái tim của người nam cũng có thể rung động bởi những gì mình cho là cảm động, là tâm linh. Họ cũng có thể rơi lệ trước những gì rất đẹp và lành”. Cảm nhận này giúp tôi nhận ra rằng thẳm sâu trong tâm thức, tôi đã xem phái nam là những người không rung cảm với những cái đẹp tâm linh. Đây là một khái niệm sai lầm đã ngấm ngầm trong tâm thức hơn ba mươi năm mà tôi chưa từng nhận ra, là kết quả của lần bị xúc phạm, cả những khó khăn trong gia đình, đến những thất bại trong tình cảm đã làm cho tôi mất niềm tin vào những người nam. Và khái niệm lệch lạc khác nằm sâu trong tâm thức tôi là đàn ông chỉ muốn một điều: tình dục. Có thể đây là một lời căn dặn của những bà mẹ lo lắng muốn bảo vệ cho con gái của mình, và cũng là năng lượng tự nhiên trong con người. Nhưng với những khổ đau cá nhân, từ gia đình và xã hội mà tôi đã chứng kiến, đã đưa tôi đến thái độ bất kính, mất niềm tin hoặc khinh thường đàn ông nói chung trong tôi.

Trong khóa tu, có một bạn nam chia sẻ với tôi là quý thầy đã hướng dẫn các bạn thực tập Sám pháp địa xúc với đề tài chăm sóc năng lượng tình dục. Tôi cảm nhận nơi người bạn ấy một sự chấn động tâm hồn và chuyển hóa rất sâu. Lắng nghe bạn chia sẻ một chút thôi mà tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng một cách khó tả, dường như trong thâm tâm sự trị liệu đang xảy ra một cách bất ngờ. Những khái niệm lệch lạc về phái nam, về tình dục, và những vết thương quá khứ trong lòng như đang được gột sạch một cách kỳ diệu. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì thấy sự chuyển hóa này đến với mình một cách rất tự nhiên. Mặc dù không tham dự vào buổi thực tập của những bạn thiền sinh đó mà chỉ nghe bạn chia sẻ thôi, vậy mà tôi cũng được chữa lành!

Sau khóa tu, những điều tôi khám phá đã tiếp tục khai mở những góc còn tăm tối trong tâm hồn. Tôi thấy những khổ đau trong gia đình, của bản thân đã khiến tôi có những khái niệm sai lầm về người nam, và tôi đã có thái độ bất kính đối với cha và ông nội của mình. Hơn ba mươi năm tôi đã khép kín lòng, không tiếp nhận được tình thương của cha và cũng không gần gũi được với ông nội. Nhưng bây giờ, tôi đã có thể viết cho ông những là thư chân tình,tôi có thể  chia sẻ thật lòng những vết thương và thành kiến sai lầm đã khiến tôi khổ đau. Tôi cũng muốn làm mới với cha vì nhận ra lâu nay mình thiếu niềm tin nơi cha. Dù cha vẫn luôn thương tôi với tình thương vô điều kiện. Cha tôi thường ít nói nhưng tình thương và sự nhẫn nại dành cho mẹ mà cho tôi thì không thể kể hết. Tôi thấy mình đòi hỏi quá nhiều ở cha, thậm chí có khi tôi đã buông những lời bất kính đối với người, nhưng cha luôn lặng lẽ nhẫn nhịn và thương yêu mà không hề phàn nàn và đòi hỏi tôi phải như thế này hay như thế kia. Trước đây tôi không nhận ra những đau khổ mà tôi đã gây cho cha. Nhưng từ khi tôi biết quay về, nhận diện những lầm lỗi và chữa lành những vết thương trong tâm hồn tôi  thì tôi đã thấy rõ và biết trân quý tình thương mà cha dành cho tôi. Bây giờ, tôi đã biết cách thương cha hơn trước. Tình thương đích thực không đòi hỏi, nhẹ nhàng như làn khói trầm lặng lẽ mà thơm ngát, chứa đầy sự kiên nhẫn.

Hãy thôi làm thân cùng tử

Các bạn trẻ ơi, với tất cả trái tim của mình tôi tha thiết muốn chia sẻ với các bạn rằng các bạn hãy học cách bảo vệ và chăm sóc cho thân và tâm của mình. Đừng để mình trở thành những con cừu vô ý thức, chỉ chạy theo những trào lưu của xã hội, những hào nhoáng bên ngoài, hay khoa học công nghệ tối tân. Hãy cẩn thận và suy xét kỹ lưỡng những gì mình tiêu thụ qua các giác quan, từ thức ăn, thức uống, hình ảnh, âm thanh, phim ảnh, chuyện trò hàng ngày, và cả những suy tư của chính mình. Những thứ ấy có nuôi lớn niềm an lạc, tình thương đích thực, và làm đẹp  tâm hồn các bạn hay không? Nó ảnh hưởng tới bản thân và mối liên hệ với những người xung quanh như thế nào? Nếu các bạn muốn biết tình thương đích thực là gì thì hãy hiểu chính mình trước. Mình có thấy và có hiểu những hạnh phúc, khổ đau của mình không? Qua những lỗi lầm, tôi thấy rõ trong tình yêu đích thực phải có yếu tố kính trọng chính bản thân mình và kính trọng người mình thương.

Từ khi quyết định dành thời gian tìm hiểu chính mình, không để bị lôi cuốn theo dòng chảy của xã hội, tôi học được cách chăm sóc cho thân thể và tinh thần. Chăm sóc  mình bằng chánh niệm, thắp lên ý thức hàng ngày để biết rõ mình đang làm gì, những thứ mình đang tiêu thụ có ảnh hưởng gì đến thân và tâm? Từ khi tôi may mắn được ở trong một môi trường lành mạnh, ít tiêu thụ, tôi mới thấy rõ được tầm ảnh hưởng của những gì mà trước đây tôi cho là bình thường, là vô hại. Tôi đã hoang mang, cô đơn và đi vòng quanh, chạy theo một ảo tưởng mà không biết rõ là mình đang đi tìm cái gì. Quay đầu nhìn lại, thì nửa cuộc đời đã trôi qua mà tôi vẫn chưa thật sự tìm được cái mà tôi mong muốn nhất. Có lẽ vì tôi chưa biết thực tập dừng lại!

Các bạn hãy tập dừng lại bằng cách cho mình mỗi ngày một khoảng thời gian để ngồi yên, trở về với chính mình, nhìn lại và lắng nghe những thao thức trong lòng. Hãy cho mình cơ hội được sống ở một môi trường ít tiêu thụ để tự cảm nhận sự chuyển hóa trong thân tâm. Trong môi trường an lành, và yên tĩnh như vậy ta sẽ có cơ hội thấy rõ những tri giác, những quan niệm sai lầm đã gây đau khổ cho chính mình và cho người thương của mình. Dừng lại để nhìn thật sâu mình đang làm gì, đang đi tìm cái gì, tương lai của mình đi về đâu, mục đích quan trọng nhất trong cuộc đời mình là gì?

Trong bài viết này tôi không mang đến cho các bạn những giải đáp về tình yêu và hạnh phúc đích thực. Tôi chỉ tha thiết khuyến khích các bạn hãy trở về để thật sự hiểu chính mình mà đừng sống như người vô thức. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm những câu trả lời sâu trong nội tâm mình. Nhìn lại những ý niệm về nền “văn minh” với chủ thuyết sống cá nhân, phong trào toàn cầu hóa và cách tiêu thụ vô ý thức, ảnh hưởng đến đất Mẹ và mọi người trên thế giới… Những cái đó có thật sự văn minh lắm không? Các bạn hãy về lại cội nguồn để tìm hiểu, nhìn sâu vào những nét đẹp trong nền văn hóa tâm linh Việt Nam mà tổ tiên đã trao truyền cho chúng ta. Khi nhìn bằng đôi mắt tinh khôi của một người đang khám phá, bạn sẽ thấy thích thú, và không còn thành kiến. Các bạn ơi, chúng ta đang có sẵn trong tay cả một gia tài vô giá mà mình không biết ! Đừng tìm kiếm đâu xa, chỉ cần dừng lại, trở về với gốc rễ ta sẽ tiếp nhận và làm lớn lên kho tàng quý báu đó một cách xứng đáng nhất.

 

( Sư Cô Chân Sinh Nghiêm là một vị giáo thọ trẻ của Làng Mai. Sư cô sinh ra tại Việt Nam và lớn lên ở Úc. Sư cô đã tốt nghiệp ngành tâm lý học và yêu thích kết nối với người trẻ. Nhiều năm tiếp xúc với khổ đau của người trẻ và những người bệnh bị bệnh tâm lý, với thao thức muốn tìm một con đường có thể giúp cho chính mình và mọi người. Khi gặp đạo Bụt và những phương pháp thực tập của Làng Mai, sư cô nhận ra đây là con đường mà  bấy lâu nay mình đã đi tìm, là hướng đi mang tới sự chuyển hóa, trị liệu. Sư cô đã quyết định chọn “Gia đình áo nâu”. Thầy- Sư Ông Làng Mai đã xuống tóc xuất gia cho sư cô năm 2009, khi sư cô 32 tuổi. Hiện nay sư cô đang tu tập tại Xóm Mới. Sư cô không những là một sư em rất dễ thương đối với các sư chị, mà sư cô cũng là một người sư chị rất tâm lý với các sư em. Sư cô là một người chị, người bạn đồng hành và là một nơi tâm sự gần gũi cho các sư em gốc Tây Phương và Việt Nam.)

Nuôi lớn Thầy trong con

Khi những chiếc lá cuối cùng của mùa thu rơi xuống, khu rừng ngập đầy những chiếc lá vàng khô trên những lối thiền hành. Chúng tôi lại chuẩn bị cho một mùa an cư mới.

An cư” dịch nghĩa đơn giản của Hán-Việt là ở cho yên. Ngày xưa thời Bụt, giáo đoàn của Ngài phải đi khất thực cả năm, chỉ có ba tháng mùa mưa không đi khất thực được nên ở yên một chỗ, và những vị Phật tử tại gia đến cúng dường thức ăn hay y áo. Thời gian an cư, các vị xuất sĩ được nghe Bụt giảng dạy và dùng thời gian của mình để tu tập thiền định nhiều hơn. An cư cũng là thời gian để các vị xuất sĩ về lại trú xứ của mình cùng nhau tu học. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất về giáo đoàn của Bụt.

Mùa an cư là mùa để tăng thân cùng nhau sách tấn, soi sáng cho nhau những điểm chưa đẹp, chưa hay để có thể tiến xa hơn trên con đường   tu đạo. Tôi nhớ lời Thầy thường hay dạy chúng tôi, những người xuất sĩ: “Người tu sĩ không nên đi tìm tiện nghi tình cảm hay tiện nghi vật chất”. Mỗi lần nhớ tới, tôi thường hay giật mình tự hỏi: “Tôi có bị tiện nghi nào ràng buộc không? Tôi có bị những tình cảm nào chi phối không?”. Riêng đối với tôi, từ an cư không phải chỉ dành riêng cho ba tháng thôi mà nên sử dụng nó suốt cả đời tu của mình.

Trước ngày đối thú, đại chúng hai xóm Tùng Xanh và Hạc Trắng đã cùng ngồi lại và chia sẻ với nhau về lời phát nguyện thực tập trong mùa an cư. Có vị nói rằng sẽ tham dự thời khoá đầy đủ; có vị sẽ thực tập ngồi thiền thêm vào buổi tối; có vị sẽ trở về với chính mình để chăm sóc thân tâm, để hiểu mình nhiều hơn; lại có vị muốn thực tập từ bi hơn, v.v.

Ngồi lắng nghe các huynh đệ chia sẻ, tôi thấy vui trong lòng. Nếu như Sư Ông được nghe những lời phát nguyện trên thì Sư Ông sẽ vui biết mấy!

Du hành

Sau mùa An cư kiết đông 2014 – 2015, chúng tôi đã có một chuyến công du về miền Đông Nam Florida – vùng đất ấm áp của nước Mỹ, để hướng dẫn hai ngày quán niệm ở chùa Hương Hải và chùa Phước Huệ. Các em thanh niên trẻ trong nhóm Wake Up của tăng thân Miami đón tiếp chúng tôi thật nồng nhiệt tại phi trường với những trái dừa xiêm, mát và ngọt lịm. Quý thầy nghỉ ở nhà một cư sĩ người Mỹ, còn quý sư cô nghỉ ở nhà của anh chị Thiện – Hương. Anh chị đã chăm sóc quý sư cô thật chu đáo, ân cần. Ngày nào cũng vậy, Lãm, một thiền sinh trẻ trong tăng thân Wake Up, cũng đều mang đến cho chúng tôi những trái dừa xiêm rất tươi mới hái.

Ngày quán niệm ở chùa Hương Hải có cả tăng thân người Mỹ cùng tham dự. Khi chúng tôi cho pháp thoại bằng tiếng Việt thì các bạn người Mỹ được nghe thông dịch. Ngày quán niệm ở chùa Phước Huệ chúng tôi chia sẻ về đề tài “Làm sao giữ vững sự thực tập trong đời sống bận rộn ở gia đình cũng như nơi làm việc?”. Những kinh nghiệm tu tập hàng ngày này đã đem đến cho đồng bào nơi ấy rất nhiều hạnh phúc. Sau đó, chúng tôi còn được ghé thăm gia đình của một số thầy và sư cô xuất thân từ làng An Bằng. Quý vị đã tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu và thâm tình!

Chuyến đi Washington DC

“Mùa xuân sang có hoa anh đào…”. Hàng năm vào giữa tháng Tư, khắp nơi trên thế giới đổ xô về thủ đô Washington để thưởng thức hoa đào nở rộ bên bờ hồ Tidal Basin thơ mộng. Trong khi đó thì quý thầy, quý sư cô ở tu viện Bích Nham cũng về Washington để hướng dẫn khóa tu cuối tuần cho tăng Thân chùa Hoa Nghiêm. Tiếc là năm nay, khi chúng tôi đến thì hoa đào đã nở hết rồi. Ngày Chủ nhật có thầy Pháp Tịnh cho pháp thoại, thầy chia sẻ và hát rất hay, quý bác và các em thanh niên gia đình Phật Tử chùa Hoa Nghiêm rất quý mến thầy nên ở chơi đến tối vẫn chưa chịu về. Vì mối thâm tình của quý bác và các em thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm dành cho quý thầy cô ở Bích Nham, cho nên hàng năm chúng tôi hết lòng đóng góp sự có mặt của mình cho khóa tu cuối tuần tại đây.

Những khóa tu hàng năm tại tu viện Bích Nham

Những khóa tu không thể nào thiếu trong năm của tu viện Bích Nham. Đó là khóa tu mùa hè, khóa tu cho người da màu, khóa tu Tiếp hiện và khóa tu cho người Việt. Ngoài ra, còn có những khóa tu cuối tuần dành cho những sinh viên, học sinh ở các trường lân cận, và khóa tu cho mùa nghỉ lễ cuối năm. Thỉnh thoảng có thêm những khóa tu dành cho những nhà hoạt động xã hội. Năm nay, chúng tôi giúp các cô chú Tiếp Hiện lâu năm (người Mỹ) tổ chức khóa tu dành cho các thành viên nòng cốt trong tăng thân (retreat for facilitators). Khóa tu nào cũng đều đem đến cho thiền sinh nhiều hạnh phúc.

Trở về làm mới thân tâm

Tôi thấy hiện nay tình hình trên thế giới có nhiều biến động và bất an. Thêm vào đó, thảm họa từ thiên nhiên cũng làm tăng thêm sự sợ hãi cho con người. Rồi nhiều nỗi sợ hãi khác, như sợ không an toàn, sợ mất việc, sợ và sợ…, sự sợ hãi dâng cao. Loài người sống trong nỗi sợ hãi như câu thơ trong truyện Kiều: “Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Khi quán sát những hiện tượng đang xảy ra trên thế giới, chánh niệm cho tôi thấy rằng: Trái đất của chúng ta chưa bị tiêu diệt, mà con người đã tự tiêu diệt chính bản thân mình bởi sự sợ hãi, lo lắng và phiền muộn.

Chúng ta không thấy rằng những thảm hoạ thiên nhiên hay chiến tranh là do chính mình tạo ra. Khi mình nổi nóng là mình đang đóng góp cái nóng giận vào sự hâm nóng của trái đất. Vì lòng tham muốn có tiền thật nhiều mình đã bỏ nhiều hóa chất vào rau xanh cho cây mau lớn. Vì muốn ăn nhiều thịt bò, mình nuôi bò công nghiệp và ép nó phải sinh thật nhiều bê con, thán khí thải ra từ phân bò cũng làm hâm nóng địa cầu. Mới đây nhất, mình thấy cá chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Tất cả đều do tâm mà ra. Mình sợ hãi những điều do chính mình tạo ra.

“…Về đi lữ khách đường xa lắm,

Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều…”

Đó là hai câu thơ của Thầy trong bài “Về với em bé thơ ngây”. Cách hay nhất là hãy trở về nội tâm và làm mới lại thân tâm, đừng làm khổ mình nữa. Làm mới lại thân tâm bằng cách thay đổi cách nhìn và cách sống có nhiều trí tuệ và từ bi hơn. Giữa mình và thiên nhiên không thể tách rời nhau. Con người được làm bởi những yếu tố không phải con người. Đó là điều Bụt đã dạy trong kinh Kim Cương. Khi mình tàn phá thiên nhiên thì đồng thời mình cũng đang tự tàn phá chính mình.

Nuôi lớn Thầy trong con

Từ ngày qua Mỹ đến nay tôi mới có cơ hội về tu viện Mộc Lan dự lễ truyền đăng. Tôi nhớ năm 2006 tôi đã đến Mộc Lan với Ôn Phước Tịnh cùng hai thầy và một sư cô cho một khóa tu cuối tuần. Lúc đó tu viện chưa được thành lập, chú Đắc, chú Bình, cô Lan… đã có nhã ý cúng dường mảnh đất ấy cho Làng Mai. Nhưng Sư Ông vẫn chưa chịu nhận vì chúng tôi chưa đủ nhân lực. Mãi đến năm Bát Nhã xảy ra chuyện thì tu viện Mộc Lan mới được thành lập. Khi đến nơi, tôi không ngờ chỉ sau vài năm thôi mà tu viện Mộc Lan đã được xây dựng khang trang với thiền đường lớn, nhà ăn rộng rãi, ni xá cho quý sư cô, thư viện, quán sách v.v.. Hiện tại các thầy đang hợp lực cùng thợ để xây tăng xá, có thể mùa hè sang năm là hoàn tất.

Tôi thiền hành ra đến tượng đài của Thầy và mục sư Martin Luther King. Tượng đài được xây rất đẹp, nhất là tượng mục sư Luther King thì rất giống. Cùng đi với tôi có sư chị trụ trì tu viện Lộc Uyển. Hai chị em có cơ hội thiền hành bên nhau trên con đường nhỏ trước cổng tu viện. Sư chị bảo sau mùa an cư sẽ về chăm sóc mẹ lâu hơn vì mẹ của sư chị đã già yếu đi rất nhiều. Nhưng không ngờ mẹ sư chị đã ra đi trước ngày chị trở về. Cuộc đời vô thường quá! Nhớ lại mà tôi thấy thương sư chị vô cùng.

Trước đó mấy tháng tôi được mời để đại diện Thầy và tăng thân làm kệ trao đèn cho các sư em nữ. Khi được tin, tôi hạnh phúc vô cùng vì nghĩ rằng mình sắp thay Thầy làm một việc rất thiêng liêng, đó là “Truyền đăng tục diệm”, tiếp nối sự nghiệp của Thầy và chư Tổ. Ngày xưa, tôi đã được chứng kiến thật nhiều lần Thầy truyền đăng cho các vị giáo thọ và cho cả chính tôi nữa. Bây giờ đến lượt tôi sẽ làm nhiệm vụ thiêng liêng đó, đại diện Thầy và tăng thân truyền đăng cho các sư em của mình.

Đọc những bài kệ kiến giải của các sư em, tôi nhớ đến tính cách của từng người và nghĩ mình phải làm bài kệ sao cho phù hợp với căn cơ của mỗi vị. Mỗi buổi sáng, khi thưởng trà, tôi để tâm tư mình thật yên, hòa vào không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai. Và thật tự nhiên lời thơ vang lên trong tôi, không cần suy nghĩ. Vào ngày rằm, vầng trăng thu tròn sáng ngoài khung cửa phòng, lời thơ lại vang lên như tiếng nhạc. Những bài kệ ngày xưa của Thầy đã vào tàng thức tôi, bây giờ có cơ hội để biểu hiện thành những bài kệ mới. Mỗi khi làm xong một bài kệ, tôi đọc lại và thấy vui trong lòng. Tôi thấy Thầy trong tôi đang lớn dần theo năm tháng.

Ngày truyền đăng đã đến, tôi thấy các sư em rất bình tĩnh, trong khi mình thì lại hồi hộp và lo lắng. Tôi chỉ sợ trong khi mình thắp đèn mà đèn tắt thì “xui” lắm. Nhưng rồi tôi lại cười cho chính mình: “Giờ này mà còn đi tin dị đoan à”. Nhớ lại sự vững chãi và tự tin khi Thầy trao đèn cho mình, tôi thấy mình cần phải nuôi lớn Thầy  ở trong mình mới được. Giây phút thiêng liêng đã đến, khi thấy sư em vững chãi trước mặt mình với gương mặt hồng hào tươi thắm, tự nhiên tôi cũng bình tĩnh hơn, nhưng cũng không thể nào giữ được đôi bàn tay đang run lên khi cầm nhang châm vào cây đèn nhỏ. Đèn đã được thắp sáng, tôi thở phào và tự nhiên thấy giọng mình xướng bài kệ khá hùng  hồn.  Giây  phút  truyền  đăng tôi không còn thấy mình như một cá nhân nữa, tôi thấy sự có mặt của Thầy, của Tổ đang biểu hiện trong tôi trong giờ phút trang nghiêm đó.

Thu đẹp đã về rồi

Vào mùa thu, khí trời vẫn còn ấm áp, các em trong Ban chăm sóc muốn tổ chức cho đại chúng lên đỉnh núi Sam hay hồ Minnewaska để thưởng thức mùa thu đã về trên từng ngọn cây, chiếc lá. Ngồi trên núi cao, thấy không gian bao la bát ngát. Xa xa những khu rừng bên kia bờ hồ cũng như dưới thung lũng, những cụm cây lá đỏ, vàng, xanh xen kẽ nhau. Mùa thu vẫn chưa về hẳn, nên lá vẫn còn xanh. Vài tuần nữa thì chắc cả vùng đồi núi sẽ như một bức họa màu sắc rực rỡ.

Nhìn mặt trời lặn trên đỉnh núi Sam, tôi nhớ đến ngày xưa khi còn ở Làng Mai vào những năm 90. Mùa đông, chúng tôi theo Thầy đi núi Pyrénées để ngắm trăng lên trên đỉnh núi tuyết. Có một sáng nọ, chúng tôi chuẩn bị đi thiền trước khi về lại Làng. Mặt trời vừa lên sau đỉnh núi tuyết, ánh sáng huy hoàng chiếu đỉnh núi sáng rực như kho báu lấp lánh bên cạnh những cây tùng bách vươn cao đứng thẳng hùng dũng dưới bầu trời xanh biếc. Một tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên, vũ trụ. Chúng tôi đứng yên thưởng thức. Bất chợt quay sang tôi, Thầy hỏi: “H.N, cảnh này là thật hay là mộng?”. Tôi đang luống cuống thì Thầy nói: “Thật mà như mộng”. Bao năm qua, khi tiếp xúc những mầu nhiệm của cuộc sống, tôi vẫn thường hay hỏi chính mình: “Thật hay mộng?”. Thực tập tiếp xúc với giây phút hiện tại, không nghĩ về quá khứ và không rong ruổi tương lai, không phải dễ. Cho đến nay câu hỏi đó vẫn còn là một công án cho tôi.

 

Con đã thỉnh ý tăng thân chưa

Khoảng một tuần sau khi xuất gia vào tháng 2 năm 1998, chúng tôi – chín sư chú, sư cô thuộc gia đình cây Táo – ngồi lại với nhau để bàn về việc tổ chức những sinh hoạt có thể đem đến sự kết nối và truyền thông giữa các thành viên trong gia đình cây Táo cũng như với những sư anh, sư chị đã xuất gia trước đây. Chúng tôi có đề nghị tổ chức một buổi đi dã ngoại vào ngày làm biếng đầu tiên của mỗi tháng. Mỗi lần đi, chúng tôi mời một vài sư anh, sư chị của các cây xuất gia trước đi cùng. Chúng tôi thỉnh ý quý thầy, quý sư cô lớn và sau đó lên xin phép Thầy. Thầy gật đầu chấp thuận sau khi hỏi chúng tôi: tăng thân đã cho phép chưa?

Lần đầu tiên ở Làng các sư chú, sư cô mới xuất gia được phép đi sinh hoạt với nhau. Là sư anh lớn của cây Táo, lớn lên trong gia đình huyết thống có đến mười anh chị em, tôi biết nhu cầu để các sư anh, sư chị, sư em cùng cây hiểu nhau là có thật và rất lớn. Tuổi đời của chúng tôi lúc đó cũng không nhỏ gì lắm, đa số đều trên dưới ba mươi, người lớn tuổi nhất lúc đó đã năm mươi, nhỏ nhất là sư em út Kính Nghiêm – “baby nun” đầu tiên của Làng, mười bốn tuổi. Tuy nhiên, khi mới xuất gia, đi sinh hoạt với nhau cần phải có các sư anh, sư chị lớn có mặt và hướng dẫn. Khi xin phép, chúng tôi nói rõ lý do là những buổi sinh hoạt này có tính cách xây dựng tăng thân chớ không phải là chỉ đi chơi với tính cách cá nhân. Những đề nghị mình xin thực hiện mà đem lại lợi ích cho tăng thân thì tăng thân thường chấp thuận. Chúng tôi thay phiên nhau tổ chức những ngày đi chơi đó.

Buổi đầu tiên gồm có các thầy, các sư cô lớn như thầy Nguyện Hải, thầy Vô Ngại, thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Dụng, sư cô Trung Chính… đi cùng, trên dưới ba mươi người. Chúng tôi đi thăm thành khuôn viên nhà thờ. Các buổi đi chơi chấm dứt sau khi mỗi người chúng tôi đã có cơ hội tổ chức một lần, tất cả là chín lần. Chúng tôi có dịp đi thăm hầu hết các thắng cảnh trong vùng. Sau này, việc đi chơi của các gia đình xuất gia đã trở thành một truyền thống của Làng.

Khi tổ chức một sinh hoạt, ban điều hợp sinh hoạt đó có nhiệm vụ tổ chức những buổi họp trong đại chúng để thảo luận và đi đến quyết định chung, sau đó thì trình lên Thầy để Thầy chỉ dạy. Thường thì Thầy giữ nguyên những quyết định đó, trừ khi thật cần thiết mới đổi. Trong chuyến đi Bắc California năm 2002, thầy Pháp Dụng và tôi phụ trách tổ chức khóa tu xuất sĩ tại tu viện Kim Sơn. Vì thời gian tổ chức hơi gấp và đã tổ chức khóa tu tại đó nhiều lần, nên chúng tôi dựa theo thời khóa cũ và vào trình với Thầy. Thầy hỏi đã thỉnh ý tăng thân chưa. Chúng tôi thưa là vì thời gian eo hẹp, nên thỉnh ý Thầy trước rồi trình với tăng thân sau. Thầy nói vậy là không được, phải bắt đầu từ tăng thân trước.

Khi tôi đứng trong vai trò của một sư anh lớn, cần lắng nghe hết ý kiến của tăng thân rồi mới đưa  ra ý kiến của mình, tôi hiểu hơn về quá trình làm một quyết định. Trong các buổi họp, các vị lớn thường hay phát biểu sau cùng. Vì nếu các vị lớn đưa ra ý kiến của mình sớm quá, các vị nhỏ hơn sẽ ngại đưa ra những ý kiến khác với ý kiến của những vị lớn. Thầy là một thành viên của tăng thân, khi Thầy chưa cho ý kiến thì những đề nghị mà tăng thân trình lên chưa là ý kiến của toàn thể tăng thân. Thầy không dùng vị trí của một vị thầy, của một người lớn để áp đảo ý kiến của đệ tử. Trong mô hình dân chủ, mỗi người có một lá phiếu, giá trị của mỗi lá phiếu đều như nhau. Điều đó đúng khi làm quyết định, nhưng khi thảo luận thì ý kiến của Thầy được lắng nghe nhiều vì đức độ và tuệ giác của Thầy tạo một niềm tin trong đại chúng. Tăng thân nghe theo những đề nghị của Thầy để quyết định vì những điều đó đúng. Những điều đúng khi nói ra thì được lắng nghe, cho dù là được nói bởi các thầy, các sư cô trẻ. Tăng thân chúng ta đang từ từ tập nghe những lời chia sẻ của các thầy, các sư cô lớn. Quý vị đang thay mặt Thầy hướng dẫn các sư em, vì bây giờ Thầy không còn trực tiếp dạy. Các thầy, các sư cô lớn cũng có đức độ, tuệ giác đã được huân tập và phát triển sau nhiều năm tu học. Vai trò của các thầy, các sư cô lớn từ từ được biểu hiện cụ thể hơn.

Tiếng Hoa có sự phân biệt rõ ràng giữa hai cụm từ “sư phụ/đệ tử” và “thầy/trò”. Sư phụ có nghĩa vừa là thầy vừa là cha; đệ tử có nghĩa vừa là em, vừa là con. Cha con, anh chị em thì có sự truyền thừa. Ở Tây phương cũng vậy, họ dùng hai cụm từ “master/disciple” và “teacher/student”. Chữ “master” được định nghĩa là người mà những điều họ dạy được người khác nghe và làm theo, ví dụ như Zen Master. Chữ “disciple” được định nghĩa là người học và làm theo những điều mà thầy mình dạy. Nó khác nhiều so với cụm từ thầy/ trò. Học trò không gọi thầy cô giáo dạy toán, lý, hóa… là sư phụ, là master, mà là teacher. Theo định nghĩa của sự liên hệ trao đổi kiến thức thuần túy, học trò không phải làm theo những điều mà thầy dạy. Sư phụ/đệ tử thì thường dùng trong lãnh vực tâm linh, có sự truyền thừa của một tông phái. Ở Làng Mai thì cụm từ thầy/trò được dùng nhiều hơn nhưng được hiểu theo nghĩa sư phụ/đệ tử. Vì trong truyền thống văn hóa Việt Nam, người thầy thường đóng vai trò của cha mẹ và người học trò thường đóng vai trò của người con/người em.

Một vị vua Trung Hoa đời nhà Tề, sau khi họp nội các về thì khóc ròng. Hoàng hậu hỏi vì sao, nhà vua nói là triều đại của ông sẽ không có tương lai. Trong các buổi họp, các quan đều đồng ý với những điều nhà vua nói, ai cũng gật đầu. Vua nói là vua cần nghe những lời phản biện, chớ cái gì cũng đồng ý với vua hết thì đâu cần họp nội các làm gì, quyết định một mình cho khỏe. Các vị minh quân, các vị lãnh đạo giỏi đều có thái độ cởi mở như vậy. Họ biết những ý kiến khác biệt sẽ giúp sáng tạo hơn và sẽ dẫn đất nước, đoàn thể đi lên. Tăng thân Làng Mai cũng sinh hoạt theo tinh thần đó. Trong một buổi họp, nếu có nhiều ý kiến khác nhau thì đó là một điều đáng mừng. Cần tạo ra không gian và sắp xếp thời gian để những ý kiến mới được nói ra. Tôi nhận thấy trong các buổi họp hạnh phúc, khi không bị giới hạn về thời gian và không phải làm quyết định thì nhiều ý kiến hay được đưa ra hơn là trong các buổi họp để quyết định những điều cần phải làm.

Những con ong, ví dụ như loài ong mật, sống trong một cộng đồng có tổ chức quy mô và chặt chẽ. Có ba loại ong: ong chúa, ong đực và ong thợ. Ong chúa sống từ hai đến ba năm và chỉ có nhiệm vụ sinh nở. Ong đực sống từ vài tuần đến năm tháng, có nhiệm vụ giao hợp với ong chúa rồi chết. Ong thợ, chiếm hơn 95% dân số, quyết định và lo hết tất cả các việc khác như kiếm ăn, xây tổ, nuôi em, bảo vệ… Ong thợ nếu sinh vào mùa sản xuất mật, tức là mùa xuân hay mùa hè, thì chỉ sống được khoảng sáu tuần, vì phải làm việc rất nhiều. Nếu sinh vào mùa thu/đông thì sống khoảng năm tháng. Cho nên, cộng đồng ong luôn luôn được đổi mới và trong thời gian sống ngắn ngủi đó, các con ong thợ phải học hỏi, thực tập và trao truyền kinh nghiệm sống cho thế hệ kế tiếp. Một công trình đòi hỏi sự kiên trì và liên tục. Dĩ nhiên là chúng không cần phải biết tất cả. Có những lãnh vực chuyên môn chỉ được giao cho một nhóm, do toàn cộng đồng ong chỉ định ra. Chỉ định xong rồi thì tin tưởng, giao khoán việc đó cho nhóm đó thực thi. Chúng có những nguyên tắc sống còn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ví dụ như xây dựng tổ thì phải theo bốn tiêu chuẩn: cách mặt đất ít nhất là 4,5m để các loài thú khác khó phá; lỗ ra vào tổ khoảng 20cm2, lớn vừa đủ để ra vào và nhỏ đủ để các loài vật khác khó vào; lớn khoảng 40 lít khối cho một cộng đồng mấy chục ngàn ong; và ở trên/trong thân cây còn sống. Khi có nhu cầu tạo chỗ mới, cộng đồng mấy chục ngàn con ong này giao cho ban xây dựng, gồm khoảng 500 con ong thợ thâm niên và có nhiều kinh nghiệm. 500 con ong thuộc ban xây dựng này nghiêm túc theo bốn nguyên tắc trên mà kiếm chỗ, xong về bàn bạc với nhau, khi có quyết định rồi thì cả đàn mấy chục ngàn con đi theo thôi.

Và nếu vì nhu cầu sống còn hay nhu cầu phát triển mà phải thay đổi bốn tiêu chuẩn xây tổ trên thì chúng cũng làm. Nhưng sự thay đổi đó cần phải qua kinh nghiệm sống và phải hiểu rõ những cái cũ. Cần phải biết rõ truyền thống trước khi thay đổi.

Trong đời sống tăng thân Làng Mai, sự thay đổi cần được làm theo tinh thần “Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn”. Trong sự nghiệp duy trì và phát triển các pháp môn sau này, Thầy dạy là cần phải có bốn pháp ấn – đã về đã tới, đi như một dòng sông, thời đế tương tức và sát na dị thục – nền tảng của các pháp môn giảng dạy và thực tập của Làng Mai.

Khóa tu An cư kiết đông năm 2010 – 2011, tôi  có dịp về Làng ba tháng và được giao nhiệm vụ hướng dẫn nhóm thiết kế trang nhà Làng Mai mới. Các sư em hỏi tôi: “Thầy dạy nên có mục ‘Đài Mây Tím’, nhưng các sư em không hiểu nó là gì, nghe hơi lạ tai, không biết có nên làm không?”. Tôi trả lời: “Chưa nghe Thầy nói về điều đó, có thể không làm, nhưng nên thỉnh ý Thầy lại cho chắc”. Một tuần sau, khi đang ngồi uống trà với thầy Pháp Ứng thì Thầy và thị giả ghé qua phòng chơi. Thầy gọi tôi lại gần và nói: “Ngày xưa các thầy tu rất thảnh thơi, mỗi chùa thường có một đài để ngắm mây tím, lại có hiên để nghe mưa nữa, cho nên cần có mục Đài Mây Tím”. Tôi mắc cỡ sám hối với Thầy vì không biết nên mới khuyên các sư em như vậy. Có nhiều điều tôi chưa biết, thật may mắn khi có người chỉ những điều đó cho mình.

Tôi đến Làng lần đầu tiên vào năm 1987, lúc 26 tuổi. Hồi đó tôi gặp khó khăn về tình cảm, cần có nhu cầu chuyển hóa khổ đau nên tôi đến Làng để hiểu về tâm lý học chứ không phải vì quan tâm đến tôn giáo. Tu học được vài năm, tôi thật sự có chuyển hóa nên rất có niềm tin vào pháp môn. Mùa thu năm 1998, lần đầu tiên được tiếp xúc với Duy biểu học, tôi thấy những lời dạy trong  đó giống nhiều điều tôi đã trải qua. Ta không thể nào hiểu Duy biểu qua ngôn từ được, chỉ có thể sống, kinh nghiệm và thực chứng Duy biểu mà thôi. Sau đó, tôi có dịp đọc cuốn Duy biểu học – phiên tả những bài pháp thoại Thầy giảng trong khóa tu mùa đông 1993-1994. Trong mục  mong muốn của tác giả, Thầy nói: “Nếu nội dung của năm chục bài kệ Duy biểu có thể dùng làm tài liệu trong các khóa tu dành cho ngành tâm lý trị liệu để trị các bệnh tâm thần thì những bài kệ đó đã làm được vai trò của chúng”. Câu nói đó ở mãi trong tâm thức tôi, là tư niệm thực để hướng dẫn tôi tìm hiểu và làm một cái gì ý nghĩa về lĩnh vực này.

Từ năm 2007, khi bắt đầu sinh hoạt tại Hồng Kông, tôi thích tìm hiểu về lãnh vực chánh niệm trong y học thân tâm (mind-body medicine). Vào mùa hè năm 2012, Centre of Behaviorial Health (Trung tâm Sức khỏe Hành vi) của Đại học Hồng Kông mời tôi hướng dẫn chánh niệm cho nhóm chuyên gia trong lĩnh vực y tế và phụng sự xã hội (Health care and social service professionals). Tôi bắt đầu nghiên cứu thêm về thần kinh học, sinh học tế bào (Cellular biology) và các ngành tâm lý Tây phương. Tôi chia sẻ những việc này với Thầy và bắt đầu tổ chức các khóa tu chuyên ngành cho các chuyên gia y tế và tâm lý học. Thầy khuyến khích và nhắc tôi nên kết hợp việc hướng dẫn của mình với những kiến thức khoa học, vì với giới hàn lâm thì “nói có sách, mách có chứng”. Thầy cũng gởi cho tôi tập tài liệu tại hội nghị Chánh niệm – Y học thân tâm mà Thầy đã hướng dẫn  tại đại học Harvard vào tháng 9 năm 2013. Sau một khóa tu chuyên ngành dài tám ngày cho ba mươi bác sĩ tâm lý trị liệu vào tháng 11 năm 2013 tại Thái Lan, tôi xin phép Thầy cho AIAB thành lập “Trung tâm Thân tâm kiện an thở và cười”. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, trung tâm đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2016. Nhìn lại, hạt   giống của trung tâm này đã được nuôi dưỡng mười tám năm, từ khi tôi đọc câu nói của Thầy trong cuốn Duy biểu học.

Trong tập tài liệu “Trăng sao là tâm thức”, Thầy nhắc “Duy biểu trong thế kỷ của ta phải đi sát với sinh học và lý học, chứ không phải chỉ đi sát với luận lý học như ở thời kỳ Pháp Xứng và Trần Na. Tâm lý học và sinh lý học phải đi đôi với nhau. Nghiên cứu về quá trình phát sinh tư tưởng và cảm thọ, ta phải có kiến thức về thần kinh và não bộ…” và Thầy dạy các sư anh, sư chị tìm hiểu thêm về lĩnh vực này để hướng dẫn cho các sư em. Những khám phá về thần kinh học kể từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay cho biết là hệ thống thần kinh cảm xúc (limbic system) có những hành vi tương tự như ý căn (mạt na căn) và tình thức (ý, mạt na thức) vậy. Nó cũng giải thích cách làm việc của tàng thức, ý thức và năm thức giác quan khá rõ ràng. Tôi cũng thấy rằng Duy biểu học có thể được xem là nền tảng cho những trường phái tâm lý học Tây phương. Trong khóa tu mùa đông năm nay tại EIAB, tôi có hướng dẫn một lớp về đề tài này cho các thầy, các sư cô trẻ. Tôi có một ước mơ đưa Duy biểu học trở thành một ngành học Tâm lý hiện đại. Cho nên tôi cũng gieo hạt giống này cho các vị cư sĩ nữa, nhất là cho các chuyên gia tâm lý học. Nhiệm vụ của người hoằng pháp là gieo hạt. Hạt giống có thành cây hay không là tùy duyên. Tạo duyên nhưng tùy duyên.

Xin tạ ơn Thầy đã gieo những hạt giống tốt cho tôi và cũng đã tạo điều kiện cho những hạt giống đó được nẩy mầm và phát triển thành hoa trái.

Nơi suối nguồn chảy về

Bích Nham, mùa thu…

Bạch Thầy kính thương,

Sáng nay, một buổi sáng làm biếng yên tĩnh và hiền lành, con đang ngồi uống trà, nhìn ra cảnh vật núi đồi phía xa xa thấy một cội cây lớn, nổi bật lên nền trời, con nhớ đến Thầy… Cội cây rất can trường. Bầu trời đang rạng dần, phía sau cội cây, núi đồi một màu xanh thẫm sắp sửa ánh lên những tia nắng đầu tiên. Con nhớ đến bài “Buổi sáng” của Thầy… Không có buổi sáng nào giống buổi sáng nào… Con đang uống từng ngụm ban mai tinh khiết, trong lành mà đất trời và buổi sáng ban tặng. Con nhớ đến Thầy nhiều và nhớ đến những câu thơ rất đẹp của Thầy: “Trà khuya bay khói thơ không chữ. Thơ chở trà lên tận đỉnh mây…” Tạ ơn Thầy đã cho con cảm thấy không ngần ngại thêm vào túi gió trăng của con một chút văn, một chút thơ, một chút nhạc,… – những nét đẹp của cuộc sống quanh con. Thầy trò mình có những thú chơi thật thanh tao – dậy sớm, thưởng trà, ngồi yên, ngắm nhìn trời đất lặng lẽ chuyển mình từ cái thăm thẳm đen của núi rừng buổi khuya đến tinh mơ sáng. Đôi khi con thấy trời đất cũng đang ngắm nhìn con, “thưởng thức” con, cho nên con cũng ngồi thật yên, thật đẹp.

Vừa rồi, con có cơ hội đọc quyển “Silence” của Thầy, có đoạn như vầy:

Im lặng là một điều thiết yếu. Chúng ta cần yên lặng, như (muôn loài) cần không khí, như cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta bị lấn lướt bởi những ngôn từ và suy nghĩ, thì sẽ không còn không gian cho chúng ta nữa”.

Và: “Nếu biết rằng yên lặng và không gian rất quan trọng cho hạnh phúc của chúng ta thì tại sao chúng ta không kiến tạo thêm những thứ đó cho đời sống của mình?

Có những lúc Thầy đã nói thành lời những điều trong lòng con và có những lúc con tìm thấy được Thầy qua một cái gì đó mà con đang làm, đang nghĩ, đang cảm. Những lúc đó, tình Thầy-trò được cảm thông sâu sắc lạ kỳ, thấy thương kính Thầy thật nhiều, cho dù Thầy không có ở đó hoặc con không đang uống trà với Thầy.

Con còn nhớ những ngày con được làm thị giả sư cô Chân Không. Con và một sư em lên sớm, đứng trước cốc Ngồi Yên của Thầy ở xóm Thượng để đợi Thầy và Sư Cô tới. Đó cũng là một buổi sớm mùa đông, sương mù ngập trời, cốc Ngồi Yên và những hàng cây mùa đông ẩn hiện thấp thoáng dưới ánh đèn vàng. Hai chị em thấy như đứng trên núi. Sư em sinh ra ở núi, là dân miền núi. Hai đứa cũng đều thích núi. Tự nhiên thấy một niềm vui, một nỗi đồng cảm và có điều gì thiêng liêng lạ. Hai chị em đứng đợi Thầy mình tới. Rồi chúng con cùng đi với Sư Cô vào cốc Ngồi Yên để được uống trà với Thầy. Không cần nói một lời nào nhưng những giây phút đẹp đẽ và tĩnh lặng đó, con sẽ chẳng thể nào quên được.

Trong một khóa tu xuất sĩ, con được ở cốc Linh Quy, mỗi ngày ra thiền đường lớn phải đi một đoạn đường gần bằng đoạn đường từ cốc Ngồi Yên ra thiền đường Nước Tĩnh. Không ngày nào mà con không nghĩ đến hình ảnh Thầy vào những buổi sớm mùa đông Thầy ra ngồi thiền với quý thầy vào mùa an cư. Vẫn khung trời trăng sao lồng lộng đó, từng bước chân đó, ung dung, bình thản, tĩnh lặng, bao nhiêu năm rồi. Nhớ lời Thầy dạy “đừng phụ gió trăng”, mỗi buổi sáng, con không nỡ lòng để lỡ bước chân nào, bước lên bao nhiêu đó bậc cầu thang rồi băng qua lối đi trải sỏi để vào thiền đường. Nếu có lỡ quên đoạn nào thì dừng lại, “đi lại”, hoặc nhủ lòng “ngày mai nhớ nhé”. Nhưng, mùa an cư đó, con không có Thầy đi bên mình, con đã đi với Thầy trong đôi chân con, con hiểu rằng con đang có được biết bao nhiêu là tình thương, bình an và tự do mà Thầy trao cho.

Thầy kính thương, con thương quý Bích Nham thật nhiều, cho nên con cũng thương quý xóm Hạ, thương Làng, thương Sơn Cốc – nơi mà con đã được sinh ra và lớn lên. “Đi trong sương lâu ngày cũng ướt áo”, có lẽ trong con bây giờ cũng thấm được một chút “tương chao”, thấm được cái tình bao la, sâu đậm của Tăng thân. Nhớ ngày nào con mới đến Làng, còn lơ ngơ, còn lầm lũi, mà bây giờ đã… “khôn lớn” thành người rồi Thầy ạ ☺, dù cho con lúc nào cũng là một đứa con thơ dại của Thầy. Có những tình thương đã nuôi con lớn lên; có sự tôn trọng và kiên nhẫn đã nhiếp phục đứa bé bướng bỉnh, dại dột trong con. Và thiên nhiên bao la đã cho em bé đó được hồn nhiên, tung tăng, sống vui trở lại. Tạ ơn Thầy đã dạy con một bài học lớn về lòng Biết Ơn, để con biết trân quý và hạnh phúc.

Lại nhớ có lần con qua Sơn Cốc chơi, Thầy xoa đầu con, dạy: “Con phụ thầy chăm sóc Thiên đường nghe”, sư cô HN cười sảng khoái, không biết là Thầy có biết sư cô cười “chọc quê” con không. Sau đó, ra về sư cô có nói: “Thầy ‘gõ đầu’ đúng người ghê!” Đó là vì sư cô biết nhiều khi con “nổi cơn” hay đòi đi… lên núi! Một ngọn núi thiên đường ở đâu đó… Dù vẫn biết mình là “con nhà giàu” rồi, dù vẫn biết “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” rồi, nhưng chân vẫn cứ đòi  đi!!! Thế nhưng, lời nhắn nhủ dường như rất nhẹ nhàng, vu vơ đó của  Thầy đã còn ở lại rất lâu, rất sâu trong con. Lòng Thầy thật từ bi vô cùng. Lúc đó lời Thầy cho con có cảm giác là “sự có mặt của con ở đây là cần thiết và hữu ích”, “mình đang ở Thiên đường đó, con!” hoặc “con chỉ cần có mặt ở đây thôi là đủ!”. Ấy vậy mà theo thời gian, con mới thấy con cần nơi chốn này và Tăng thân biết chừng nào. Từ đó con tập nhìn những nơi chốn mình đang ở là một “thiên đường”. Cho  dù trong đó có rác, có hoa, có bao ngổn ngang còn đó, thì vẫn có bao nhiêu điều đẹp đẽ và kỳ diệu mà có khi con đã cho là “bình thường” như: không gian, rừng  cây,  nắng,  nụ cười, niềm thương, nỗi nhớ,… Và rằng, trong lòng “thiên đường”, trong lòng Tăng thân đó, con chỉ bình an vui hưởng những cái lành, cái đẹp, cái an vui,… nhiều lắm thưa Thầy. Tạ ơn Thầy đã dựng xây nên những thiên đường và gọi chúng con về hội ngộ để cùng vui chơi trong thiên đường đó!

Con nhớ có một lần làm biếng dài ngày sau an cư, sư cô Chân Không đã rất từ bi cho phép chị em chúng con lên Sơn Cốc để ở, chơi, nghỉ ngơi và tu tập. Những ngày đó, Sơn Cốc vắng lặng, và có một chút quạnh quẽ vì Thầy đang nằm viện. Con không thể không nhớ đến những lần làm biếng chúng con lên còn có Thầy ở đó. Thầy viết thư pháp, ngồi thiền, kể chuyện, dạy chúng con hát, hay cùng nhau đi thiền hành trong vườn,… rất  an lành và đầm ấm. Những ngày đó, nhà chỉ có ba chị em, chúng con ý thức là Thầy đang bệnh nên ai cũng hết lòng tu tập và tận dụng hết không gian, thời gian đẹp đẽ và quý báu đó. Ngày nào con cũng tập thể dục, ngồi thiền, nghe pháp thoại, đọc sách,…. Và có những ngày, con đi thiền hành nhiều lần trong vườn, len lỏi qua những bụi tre, men theo bờ suối, đi đến tận cuối vườn, vòng  qua nhà xanh, thiền ôm với những cây tùng, cây sồi,… Con bước thật cẩn trọng, nhẹ nhàng như Thầy bước. Con thấy con đang đi với Thầy và Thầy đang có mặt cho đôi chân của con thêm bình an, vững chãi…

Con sẽ không thể nào quên được những buổi chiều hoàng hôn rực đỏ hay tím biếc khi chúng con cùng đi bộ ra ngoài về phía nhà thờ cổ hay hướng ngược lại, về phía những cánh đồng cỏ thoai thoải lấp lánh nắng, đi lên những con dốc ngoằn ngoèo, uốn lượn rồi lại xuống phía bên vườn mận nơi những cây cành khẳng khiu mùa đông đã bắt đầu lấm tấm đầy nụ trắng. Con thấy như con đang đi ngược về thời Trung cổ của hơn 1000 năm trước với những ngôi nhà, con đường cổ kính, trầm mặc; mọi thứ yên lặng phả ra một vẻ đẹp lung linh, huyễn hoặc trong ánh sáng buổi chiều tà và trôi vào bất tuyệt khi bất chợt có tiếng chuông nhà thờ đâu đó ngân lên. Tạ ơn Thầy đã cho con đôi mắt để ngắm nhìn, đôi tai để lắng nghe và một tâm hồn để cảm nhận cuộc sống đang rung động đầy đẹp đẽ, bao dung, tinh tế. Những người đã từng ở Làng có lẽ không ai không thương Sơn Cốc, Phương Khê, với vô số các lý do riêng chung cùng các cung bậc khác nhau. Con cũng đang nhớ Thầy, nhớ Sơn Cốc thật nhiều.

Thầy kính thương, hôm trước con đi ra phố. Cùng với các sư anh, sư chị, con đến ABC Home cho một ngày quán niệm ở đó. Thật lạ lùng mà dường như cũng rất… phù hợp, mình chọn ngay một  tòa nhà lớn, nổi tiếng, nằm giữa thành phố New York đầy hối hả, năng động, hiện đại,… để hướng dẫn tu tập! Con chăm sóc phần hướng dẫn thiền hành, đi từ tòa nhà ra vòng quanh quảng trường Union, ngay đúng vào ngày quảng trường mở họp chợ!

Con nhớ Thầy mời Bụt đi với Thầy nên con cũng mời Thầy đi với con. Ồ, ngay từ những bước chân đầu tiên, con đã thấy rất nhẹ nhàng, bình an. Và con gửi lòng bình an cùng niềm tin của con vào những người đang đi cùng con, rồi đến những người đang ở xung quanh. Lòng con hân hoan một niềm biết ơn vô vàn đến Thầy – người đã mang bình an, thương yêu vào đời, hiến tặng cho cuộc sống một món quà vô giá. Quảng trường rất đông đúc, nhộn nhịp, con đi ngang qua những gian hàng đầy hoa rồi vào sâu giữa quảng trường, nơi có một không gian nhiều cây xanh mát.

Con mỉm cười với những bông hoa rồi mỉm cười với hàng cây, tàng lá; trân quý và biết ơn một khoảng thiên nhiên nhỏ bé giữa lòng đô thị. Con cũng thầm nói lời tạ ơn đất Mẹ, vẫn hiền lành, xanh tươi, độ lượng giữa bao khói bụi, người xe. Và con biết ơn Thầy đã dạy con biết thương yêu, giữ gìn đất Mẹ. Mấy anh chị em con đã đi với nhau rất vui, con cảm thấy giống như là “ngày xuất sĩ” vậy. Anh chị em ai cũng lắng nghe, quan tâm và yểm trợ nhau hết lòng, có lẽ chỉ vì ai cũng muốn mang lại niềm vui và lợi lạc cho những người cư sĩ đến với mình.

Con xin các sư chị, sư anh “xé nháp” cho con vì con chia sẻ về thiền hành dở quá, thiếu sót nhiều quá! Tuy nhiên, qua từng thời khóa – pháp thoại, ăn trưa im lặng trong chánh niệm, pháp đàm và vấn đáp – những điều mà con thấy mình thiếu sót trước đó dần dần được bổ sung đầy đủ qua sự chia sẻ của các sư anh, sư chị; cuốn hút được các thiền sinh cùng tham gia chia sẻ, thảo luận, rất cởi mở, hào hứng. Trên cả tuyệt vời, phải không thưa Thầy? Đến cuối ngày, những người thiền sinh (đa số là những người mới đến lần đầu) ai cũng vui, cũng nấn ná ở lại để hỏi thêm về các khóa tu, về quý thầy, quý sư cô và tu viện…

Thưa Thầy, Bích Nham đang vào thu. Một mùa được xem là đẹp nhất trong năm, một mùa bình an, mênh mang, thanh thản. Thật khó lòng mà không thương mùa thu, không “bâng khuâng, mơ màng, lãng đãng” trong một mùa đầy trắc ẩn như thế. Lạ lùng chưa, mùa thu dịu dàng, yên ắng, vậy mà ai cũng rộn ràng, xôn xao… Ấy là vì mùa thu nói bằng sắc màu của mình và bằng những cơn gió lạnh len vào trong ngày đó thưa Thầy. Những sắc màu của lá (hay là nắng?) – vàng, đỏ, cam, nâu, hồng,… – đang đổ xuống, rắc ray lả tả từ những ngọn cây, dọc theo các con đường, lối đi hay len lỏi trong rừng. Vẫn biết mùa thu là “mùa lá, mùa gió”, và đã từng gặp gỡ nhiều mùa thu ở Pháp, vậy mà con vẫn ngỡ ngàng trước những sắc lá biến ảo không ngừng từng ngày ở đây. Trong những cơn gió mùa này, mọi người lục tục mang áo ấm ra mặc thêm và tổ chức đi chơi để ngắm mùa thu, để ngồi với nhau và “gom nắng” để dành cho những ngày đông sắp tới. Đại chúng chơi với nhau rất vui, rất ấm cúng, tung tăng như… những chiếc lá vậy.

Có một buổi sáng thức dậy bước ra ngoài con bỗng thấy ánh trăng tràn ngập – dọc theo hành lang trước phòng, trên những tàng cây, những lối đi bên dưới, trên những khu nhà và rừng cây gần xa. Một màu bàng bạc, lấp loáng bao phủ khắp nơi. Con đi đến phòng học, thấy trăng còn “vắt vẻo” ở phía đó như đang đón chờ mình. Trong bầu không khí tịch mịch và trong trẻo không cùng đó, con thấy lòng tĩnh lặng và bình an lạ… Con nhớ bài kệ “Nghe pháp” :

“Nghe pháp trong bản môn

Lá thu rụng đầy trời

Trăng thu đầy lối cũ

Pháp không đầy không vơi.”

Trong buổi khuya mùa thu này, đất trời đang nói những lời trầm hùng, tha thiết và từ bi nhất. “Lối cũ” của Bụt, của Thầy vẫn còn đó, cho ánh trăng đêm nay, và con đứng đây – được phủ đầy, thấm đẫm ánh trăng thu, con có cảm hứng đi ngồi thiền hơn. Vì, đi qua những buổi khuya như vậy đẹp quá! Đôi khi, có thể đi vào, chạm vào những buổi sớm tinh sương – rất đen và rất sâu, trong lành và nguyên sơ – một cách không vội vàng, không hấp tấp, thoát nhiên thật cảm động như đang đi vào, chạm vào một cái gì đó rất yên, rất lặng trong con người mình.

Mùa thu này, đôi khi con chợt nhớ đến ngày xưa, nhớ cái thời còn “hai tay cầm lấy nỗi buồn lơ ngơ xuống phố. Tìm một màu áo len quen. Tìm một chút hé môi cười…” Và bây giờ, nhìn lá bay, thấy lòng, thấy đời đã thanh thản, bình an hơn xưa nhiều… Bây giờ ngắm người mà như ngắm lá… “xôn xao bầy lá nhỏ… miệng ngọt hạt từ tâm…”. Đôi khi, trong lúc say sưa ngắm những sắc lá mùa thu này, con “phát hiện” ra là cây lá mùa nào cũng đẹp chứ không phải chỉ ở mùa này.

Cái đẹp vẫn luôn tràn đầy, rất riêng trong từng phiến lá. Cây lá vẫn bình an, tự tại đi về trong lẽ vô thường, vô ngã không cùng của đất trời. Cây sồi ngoài cửa sổ phòng con đã chuyển sang màu đỏ nâu, rồi rụng rơi dần. Cây sồi đang đi tròn, về tròn theo bốn mùa của trời đất… Thật đẹp! Con biết “bạn đó” vẫn cứ đang vui chơi; rụng xuống chỉ để lớn lên, để “sống” và có mặt. Mùa này, con thấy con cũng giống như lá vậy. Tung tăng, vui chơi, bay lên bay xuống, mà xen vào đó là những khoảng lặng để ngắm nhìn, để thở, để thương, để hiểu, để nhớ về,… Con biết những ngày mùa đông sắp tới sẽ dài và lạnh. Con biết có thể con sẽ rời đây, không biết có quay trở lại và không biết có còn gặp được một mùa thu rực rỡ nào như thế trong đời.

Rồi những ngày đi về cuối mùa thu. Sương mù giăng mắc. Mưa phùn. Những hàng cây mang  im lìm vào tiếng nói. Lá rụng đầy trời nên ngập trong không gian đầy tiếng xao xác của một màu xám bạc. Nhìn rừng cây đang trút lá, tâm cảm của con đôi khi là “buông bỏ”, đôi khi là trân quý, cẩn trọng, nhưng lại cũng có đôi khi mang một chút chấp chới, như tiếc nuối, như muốn níu kéo những sắc màu kia, những rực rỡ kia ở lại. Bây giờ, con thấy mình cũng đang giống một chiếc lá cuối thu. Không còn tung tăng nữa, con đang nằm yên dưới cội cây, lặng nghe mình thở, nghe tiếng đất trời đang thở và trở về với những mạch sống thật sâu, thật kín mà cũng rất bi hùng trong con người mình, để có thể tiếp tục “sống còn” trong mùa giá lạnh dài sắp tới.

Kính bạch Thầy, tạ ơn Thầy đã có mặt và còn đó cho chúng con. Con muốn viết thật nhiều những điều bình an, đẹp đẽ, ấm áp mà con đã có bên Thầy, ở đây, ở đó… nhưng thật không thể viết hết được. Xin dâng lên Thầy một chút lòng con. Con biết là miễn con còn nhớ tu tập, còn sống thật thà, hài hòa, giữ tâm cho lành và hết lòng với chúng thì Thầy và đại chúng vẫn còn đó cho con, thương yêu và nâng đỡ con. Con sẽ cố gắng làm những điều này, thưa Thầy.

Con thương chúc Thầy có thật nhiều niềm vui. Con của Thầy.

 

Tĩnh lặng

Thầy Pháp Thệ là người Pháp, xuất gia tại Làng Mai năm 2009. Thầy học tiếng Việt khi về Làng tu học. Hiện thầy đang tu tập tại tu viện Bích Nham, Mỹ. Bài thơ này được thầy làm bằng tiếng Việt.

 

Hơi thở là gió thu
Làm mát cả đất trời
Vào rồi ra thanh thản
Cho đời đổi dáng mới

Thân này một đoá hoa
Mong manh và quý báu
Hôm nay nở mai tàn
Theo nhịp mưa nhịp nắng
Xúc cảm là dòng sông
Chở tin ta đang sống
Nước lên rồi cũng xuống
Cuộc biểu diễn không ngừng
Cõi lòng bầu trời xanh
Mênh mông lại trống rỗng
Biết ôm chẳng biết giữ
Chim bay trời bất động.

 

Thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu

Năm 2014, tổ chức Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, với tư cách một nhà lãnh đạo tâm linh quốc tế, viết một thông điệp ngắn về vấn đề biến đổi khí hậu và về mối liên hệ giữa con người với con người, cũng như giữa con người với trái đất. Thông điệp này đã được đăng trên trang mạng của UNFCCC, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào tháng 9 năm 2015. Dưới đây là bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

 

 

Hành tinh xinh đẹp, rộng lớn và đầy sức sống  mà chúng ta gọi là trái đất, đã sinh ra mỗi người chúng ta và mỗi chúng ta đều mang trái đất trong từng tế bào cơ thể mình.

Ta với trái đất là một

Trái đất là Mẹ của chúng ta. Trái đất nuôi dưỡng và bảo vệ ta từng giây từng phút. Trái đất cho chúng ta không khí để thở, nước trong để uống, thực phẩm để ăn và những cây thuốc hiền lành để ta trị bệnh. Mỗi hơi thở vào của chúng ta đều có chứa khí ni-tơ, khí oxy, hơi nước và những nguyên tố vi lượng của trái đất. Nếu thở có chánh niệm thì ta có thể chứng nghiệm được sự tương tức giữa ta với bầu khí quyển mỏng manh của trái đất, với cây cỏ, và với cả mặt trời, vì nếu không có mặt trời thì sự quang hợp sẽ không thể xảy ra. Với mỗi hơi thở, ta có thể chứng nghiệm được sự dung thông (communion), với mỗi hơi thở ta có thể nếm được những mầu nhiệm của sự sống.

Chúng ta cần thay đổi cách ta suy nghĩ và cách ta nhìn sự vật. Ta cần biết rằng trái đất không chỉ là môi trường sống của ta mà thôi. Trái đất không phải là một thực thể ở ngoài ta. Nếu thở có chánh niệm và quán chiếu hình hài của mình, ta sẽ nhận ra rằng ta là trái đất, ý thức của ta cũng là ý  thức của trái đất. Nhìn chung quanh ta, tất cả những gì ta thấy đều không phải là môi trường của ta mà chính là ta.

Trái đất – Mẹ của muôn loài

Dù thuộc quốc tịch nào, nền văn hóa nào, dù theo tôn giáo nào – Phật tử, tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người theo chủ nghĩa vô thần – thì ta cũng có thể thấy trái đất không phải là một vật vô tri. Trái đất đã cho ra đời nhiều vị Bụt, Bồ tát, những nhà tiên tri, những vị thánh, những người con trai, con gái của Thượng Đế và loài người. Trái đất là một bà mẹ đã nuôi dưỡng, bảo vệ mọi người và mọi loài với một tình thương không phân biệt, không kỳ thị.

Khi nhận ra rằng trái đất không chỉ là môi trường, chúng ta sẽ thấy cần phải bảo vệ trái đất như là bảo vệ chính mình. Đó là một sự tỉnh thức, một sự giác ngộ mà ta cần phải có. Tương lai của hành tinh này tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể nuôi lớn tuệ giác đó hay không. Trái đất và các chủng loại sống trên đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm thật sự. Nếu xây dựng được mối liên hệ sâu sắc với trái đất thì ta sẽ có tình thương, có sức mạnh và tuệ giác để thay đổi lối sống của mình.

Tình yêu dành cho trái đất

Ai trong chúng ta cũng đều có thể kinh nghiệm được cái cảm giác đầy kính ngưỡng và thương yêu khi ta thấy được vẻ đẹp, sự hài hòa và thanh tú của trái đất. Chỉ cần nhìn vào một cánh hoa anh đào, một chiếc vỏ ốc hay một con dơi là có thể thấy được tính sáng tạo tuyệt vời của đất Mẹ. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật giúp chúng ta thấy được thêm những mầu nhiệm của trái đất, vì vậy mà càng thêm khâm phục và thương yêu hành tinh kỳ diệu này. Khi chúng ta đã thật sự thấy và hiểu được trái đất thì tình thương sẽ ứa ra trong trái tim ta. Ta cảm thấy kết nối, gắn bó mật thiết với đất Mẹ. Đó là ý nghĩa của tình yêu: ta trở thành một với đối tượng thương yêu.

Chỉ khi nào ta yêu đất Mẹ thật sự thì hành động của ta mới phát xuất từ sự tôn kính và từ tuệ giác tương tức. Hiện nay rất nhiều người đang đánh mất liên hệ với đất Mẹ. Chúng ta bị lạc lối, xa cách và cô đơn. Chúng ta làm việc quá nhiều. Đời sống của ta quá bận rộn. Tâm ta trở nên bất an, tán loạn và ta đánh mất mình trong sự tiêu thụ. Nhưng đất Mẹ luôn có mặt đó cho ta, hiến tặng cho ta những thứ cần thiết cho sự nuôi dưỡng và trị liệu: những hạt ngũ cốc mầu nhiệm, những dòng nước mát trong, những cánh rừng thơm ngát, những đỉnh núi tuyết hùng vĩ và tiếng chim hót tươi vui của buổi bình minh.

Hạnh phúc chân thật được làm bởi tình thương

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều địa vị hơn thì mới có thể hạnh phúc. Chúng ta quá bận rộn chạy theo tiền bạc, uy quyền và địa vị nên thờ ơ trước những điều kiện hạnh phúc đang có mặt đó cho ta. Đồng thời chúng ta tự đánh mất mình trong sự mua sắm và tiêu thụ những thứ không cần thiết, tạo thêm áp lực đè nặng lên thân thể của chúng ta và trái đất. Trong khi đó, phần lớn những gì ta ăn, ta uống, ta xem hay ta nghe là những thứ độc hại. Nó làm cho thân tâm ta bị ô nhiễm bởi bạo động, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng. 

Cũng như môi trường vật lý bị ô nhiễm không khí, môi trường nhân loại cũng đang bị ô nhiễm tâm linh với bầu không khí độc hại do cách tiêu thụ của chúng ta tạo ra. Chúng ta cần tiêu  thụ như thế nào để có thể duy trì được bình an và hạnh phúc trong tự thân. Chỉ khi nào loài người chúng ta có một nếp sống bền vững thì nền văn minh của nhân loại mới có thể bền vững được.

Hạnh phúc có thể có được bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải tiêu thụ thật nhiều mới có thể hạnh phúc. Thật ra ta có thể sống rất giản dị. Nếu có chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc. Thưởng thức một hơi thở, cho phép mình dừng lại để ngắm bầu trời xanh, thưởng thức trọn vẹn sự có mặt của một người thương, chỉ như vậy thôi cũng đã quá đủ để cho ta hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta cần phải trở về để kết nối lại với chính mình, với những người thương của mình và với trái đất. Tiền bạc, uy quyền và sự tiêu thụ không cho ta hạnh phúc, mà ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi trong trái tim ta tràn đầy tình thương và sự hiểu biết.

Chiếc bánh mì trong tay ta chứa đựng cả vũ trụ

Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Hiện nay nhiều người trong chúng ta đang tiêu thụ một cách rất bạo động. Những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50% thì đó là một hành động thương  yêu, thương yêu chính mình, thương yêu trái đất và những loài khác. Ăn với lòng từ bi có thể giúp làm thay đổi tình trạng mà hành tinh của ta đang lâm vào và thiết lập lại sự cân bằng cho chúng ta và cho trái đất.

Không có gì quan trọng hơn tình huynh đệ

Cần phải có một cuộc cách mạng và cuộc cách mạng đó cần bắt đầu từ chính trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải thức tỉnh và thương yêu trái đất. Chúng ta đã là homo sapiens (con người có trí tuệ) trong một thời gian dài, bây giờ đã tới lúc chúng ta phải trở thành homo conscious (con người có ý thức, có chánh niệm). Tình thương và sự kính phục đối với trái đất có sức mạnh gắn  kết chúng ta lại với nhau, lấy đi những biên giới, những chia cách và kỳ thị. Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ và với những chủng loại khác trên hành tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ. Chúng ta cần phát minh ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau.

Tất cả các nền văn minh đều vô thường và phải tàn hoại một ngày nào đó. Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo lối sống như hiện nay thì văn minh nhân loại sẽ bị hủy diệt sớm hơn là ta nghĩ. Trái  đất có thể sẽ cần vài triệu năm để trị liệu,  để lấy lại sự cân bằng và phục hồi lại vẻ đẹp của mình. Trái đất có khả năng phục hồi, nhưng loài người chúng ta và những chủng loại khác sẽ biến mất cho tới khi trái đất tạo ra đủ những điều kiện để đưa chúng ta trở lại dưới những hình thức mới. Khi ta chấp nhận được sự vô thường của nền văn minh nhân loại một cách bình an thì ta sẽ thoát khỏi sự sợ hãi. Lúc đó ta mới có sức mạnh, tuệ giác và tình thương để đoàn kết lại với nhau. Trân quí và thương yêu trái đất, đó không phải là bổn phận, mà là vấn đề hạnh phúc cũng như sự sống còn của cá nhân và của mọi người trên hành tinh này.

(Nguồn: http://plumvillage.org/letters-from-thay/ thich-nhat-hanhs-statement-on-climate-change- for-unfccc/)

Một vốc niềm vui

 
Bạn cười sớm nay chưa
Sao giăng giữa bao la
Lòng trời thênh thang quá
Mở tung cả lòng ta
 
Bạn cười sáng nay chưa
Sương mù dưới hiên hoa
Trà sen mình đang uống
Là hương quê bay xa
 
Bạn cười trưa nay chưa
Lá rừng đang múa ca
Giữa trùng trùng nắng gió
Muôn vẻ một nếp nhà
 
Bạn cười chiều nay chưa
Mây giăng đỉnh núi xa
Hoàng hôn vàng đồng cỏ
Một cõi mấy sơn hà
 
Bạn cười tối nay chưa
Tiếng chuông trầm ngân nga
Trăng non bên hiên vắng
Rạng rỡ nụ cười hòa
 
Bạn cười khuya nay chưa
Mưa rừng như sông sa
Đến đi trong khoảnh khắc
Hiên ngoài ta có ta.