Như gặp lại ngàn xưa (phần I)

Bạn hiền thương,

Sự kiện gì trong năm nay có ý nghĩa nhất đối với tôi? Nếu bạn hỏi tôi như vậy, tôi sẽ không một chút nghĩ suy mà trả lời ngay rằng, đó là chuyện tôi được cơ hội thị giả Thầy, cũng có nghĩa là tôi tìm ra được tôi và tìm ra được bạn thật rõ ràng.

Vậy là đã mười tháng tôi được ở bên Thầy. Mỗi ngày là một kỷ niệm. Mỗi ngày là một bài thơ, một bài pháp thoại mà sự hiện hữu của Thầy đã trao truyền cho tâm linh tôi. Những dòng chữ này tôi lấy ra từ sổ công phu, là món quà đẹp nhất tôi muốn gởi đến bạn.

Mưa tuổi thơ

Đó là một buổi chiều có nắng vào mùa hè. Tôi cùng sư em Pháp Mạch đưa Thầy ra nằm chơi trên xích đu dưới ba cội tùng. Thầy thích không gian nơi này lắm. Ba cội tùng này được Thầy trồng đã gần bốn mươi năm, trước lúc Thầy nhận đệ tử xuất sĩ. Màu xanh quanh năm phủ kín một khoảng vườn, cội tùng bây giờ đã lớn hai người ôm không xuể. Những hôm trời nắng ấm, Thầy thường ra nằm chơi và ngắm những mảng trời xanh với vài cụm mây trắng xuyên qua tán tùng. Tôi thường ngồi dưới chân Thầy xoa bóp, rồi kể một chuyện gì đó của Thầy ngày xưa mà tôi biết, hoặc ngâm một vài bài thơ mà tôi thuộc, khi thì Thoát hình của Vũ Hoàng Chương, khi thì Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, hay Mây trắng thong dong, Duy thị nhất tâm của Thầy. Có lúc tôi còn cảm hứng hát cho Thầy nghe vài đoạn nhạc của Phạm Duy như Quê nghèo, Tình ca, Tiếng hát to, hay Giọt mưa trên lá nữa. Thầy đặc biệt thích nghe bài thơ Bướm bay vườn cải hoa vàng, và tôi đã ngâm nhiều lần, lần nào Thầy cũng lắng nghe thật yên, và sau đó thường ôm tôi vào lòng. Tôi trân quý những phút giây ấy như là phút giây cuối cùng tôi được sống.

Chiều hôm đó Thầy nằm trên xích đu, một lúc sau thì mây đen kéo về nhưng trời vẫn còn sáng tỏ. Phương Khê yên ắng lắm. Tiếng gió thổi qua cội tùng, những chiếc lá bạch dương ve vẩy, tiếng chim hót vang ẩn sau cành lá đã không làm cho nơi đây bớt vẻ yên lành, trái lại còn khiến cho sự tĩnh lặng và thanh bình thêm rõ ràng. Thầy mở mắt nhìn quanh và thưởng thức sự sống. Tôi đã đọc Nẻo về của ý nhiều lần, và biết rằng Thầy rất thích những buổi trưa lặng gió, hay những trận mưa đầu mùa lúc còn bé thơ. Tôi ngồi yên nhìn Thầy, một lúc sau tôi thưa với Thầy: “Thầy ơi, con nhớ Thầy đã rất thích những buổi trưa lặng gió, Thầy đã rất thích những trận mưa đầu mùa lúc còn nhỏ”. Thầy nhìn tôi, gật đầu. Tôi kể lại những kỷ niệm đó cho Thầy nghe. Sau đó, Thầy gật đầu đồng ý để cho tôi mở sách Nẻo về của ý đọc cho Thầy nghe đoạn nói đến những cơn mưa tuổi thơ mà Thầy đã viết lại.

Từ hồi còn bé thơ, tôi đã bị những trận mưa đầu mùa quyến rũ rồi. Hồi đó tôi còn ở đồng quê. Tiếng sấm động. Trời sa sầm xuống thấp. Những giọt nước to nặng đầu tiên rơi lộp độp trên mái ngói. Vài ngọn gió thổi tới đập các cánh cửa sổ ầm ầm. Tôi đã bị kích động ngay sau những hiện tượng đó. Thật giống như prélude của một bản hùng ca vĩ đại. Thế rồi sau một tiếng sấm long trời lở đất, mưa trút xuống rào rào như thác đổ.

Những lúc như thế, đố mà tôi ngồi yên cho được. Tôi phải chạy ra, vén màn, dán mắt vào cửa kính. Những đọt cau xa oằn oại. Trong lúc trời đất thét gào. Vũ trụ rung chuyển. Những chiếc lá to bị gió hắt mạnh vào cửa sổ và vách tường. Nước trút xuống ào ào và chảy ồ ồ ngoài sân, trước rãnh. Trong màn mưa bạc, có những con chim quật cánh chống lại với gió với mưa. Trong bản hùng ca đó, tôi cảm nghe thấy rõ rệt tiếng gọi của hồn vũ trụ. Tôi muốn trở thành một đọt cau hay một cây nghiêng ngả oằn oại trong mưa. Tôi muốn trở thành một con chim bay quằn quại giữa trời để chịu đựng sức mưa sức gió. Tôi muốn chạy ra giữa mưa mà hét, mà múa mà quay cuồng, mà cười, mà khóc. Nhưng mà tôi không dám. Bởi vì tôi sợ mẹ tôi mắng.

Trong tiếng ào ạt rạt rào của mưa và gió, tôi ráng lấy tất cả gân cổ hát một bài. Dù tôi có hét to đến mấy người ta cũng không nghe được, bởi vì bản nhạc long trời lở đất đã lấn át hết. Trong khi tôi hát như thế, mắt tôi vẫn không rời cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, thần trí tôi như bị hút vào cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, và tôi cảm thấy tôi được hòa mình vào trong bản hòa tấu vĩ đại. Tôi thấy dễ chịu. Tôi hát bài hát này rồi bài khác. Sau đó, trời tạnh, hơi đột ngột. Tôi cũng dừng tiếng hát. Thần kinh tôi êm dịu lại và tôi nhận ra rằng trên mi tôi còn đọng một vài giọt nước mắt“.

Thầy lắng nghe với đôi mắt sáng, với những cái gật đầu nhẹ nhàng và với nụ cười đầy chất liệu hồn nhiên của một em bé. Thế rồi, tiếng sấm vang khắp Phương Khê. Thầy đưa mắt ra hiệu. Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống. Tôi thưa: “Thầy ơi, mưa rồi, thầy trò mình vô nhà thôi”. Thầy cười và lắc đầu, đưa tay ra hứng những giọt mưa nhỏ. Những giọt mưa chạm vào lòng bàn tay khiến Thầy cười vui hơn. “Hay là Thầy muốn tắm mưa?”, tôi thưa với cái giọng cũng đầy phấn khích. Lần này Thầy cười thành tiếng, gật gật đầu ra vẻ đồng ý lắm. Nói vậy thôi chứ anh em thị giả chúng tôi làm sao lại để Thầy tắm mưa được, Thầy sẽ bị cảm liền. Chúng tôi đỡ Thầy ngồi dậy, đưa Thầy qua xe lăn và đẩy Thầy vào nhà. Hơi đất bắt đầu xông lên. Chúng tôi đẩy như chạy. Thầy đưa tay ra hứng mưa. Tiếng cười của thầy trò vang cả một khoảng trời Phương Khê…

Bàn chân Thầy

Chúng tôi có thật nhiều chuyện vui trong thời gian ở bên Thầy. Có lần đang đỡ Thầy đi, được vài bước, Thầy chỉ xuống chân. Hai anh em thị giả chúng tôi chưng hửng nhận ra đã mang nhầm chiếc giày phải qua chân trái và chiếc giày trái qua chân phải của Thầy. Bỗng nhiên hai anh em tôi cười lớn, Thầy cũng cười, rồi để chúng tôi đổi giày lại trước khi tiếp tục tập đi. Mà đó đâu phải là chuyện duy nhất liên quan đến giày dép.

Một hôm, Thầy ngồi trên giường, thầy Pháp Ngôn mang giày cho Thầy. Thầy Đồng Trí lúc đó đang đỡ phía trên. Mang một lúc, Pháp Ngôn mới nhận ra là chiếc giày đã ôm trọn bàn chân trái của sư anh mình. Thì ra là trong lúc mang giày, vì lúng túng thế nào đó, thay vì mang vào chân Thầy thì Pháp Ngôn lại nắm bàn chân sư anh mình lên mà mang giày. Đồng Trí cũng nghịch, im lặng không nói gì dù trong bụng đã buồn cười lắm rồi. Mang giày xong, Pháp Ngôn thấy bàn chân Thầy nhúc nhích nghịch nghịch một kiểu lạ lùng lắm, nhìn lại thì mới tá hỏa nhận ra mình mang nhầm. Bất chợt, cả hai anh em phá lên cười, cười không nhịn được, ôm bụng mà cười vang cả phòng Thầy. Thầy nhìn hai thị giả không biết chuyện gì xảy ra cho đến lúc hai anh em nhịn được cười và giải thích cho Thầy nghe. Thị giả Thầy, chúng tôi từ từ đã cảm nhận một cách rõ ràng sự có mặt của năm uẩn Thầy nơi năm uẩn chúng tôi. Chúng tôi đã đi, đã nói, đã uống trà, đã thưởng thức những chiếc lá vàng mùa thu, đã ngồi ngắm hoa quỳnh nở với sự hiện hữu của Thầy trong năm uẩn chúng tôi. Chúng tôi đã nhìn thấy sự tiếp nối.

Con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay

Thầy ở lại chơi với các con của Thầy ở xóm Hạ. Đó mà một đêm có ánh trăng hạ tuần chiếu ngang qua cửa sổ phòng Hoa Cau. Quý sư cô ai cũng bất ngờ và rất hạnh phúc với quyết định của Thầy. Xóm Hạ cũng như xóm Mới, hay xóm Thượng, nơi nào không gian cũng mênh mông và đầy năng lượng tâm linh an lành.

Thầy ra hiệu cho anh em thị giả chúng tôi đẩy xe Thầy qua phòng sinh hoạt chung của xuất sĩ xóm Hạ. Không khí thật ấm áp. Thầy ngồi uống trà, và mời tất cả những đứa con Thầy ngồi xung quanh. Thấy chỗ ngồi có vẻ chật, Thầy dạy chúng tôi đẩy xe lăn lui lại một chút cho đủ chỗ. Cái cách Thầy đưa tay và đưa ánh mắt mời các con Thầy ngồi xung quanh quả đã biểu hiện được tất cả tình thương của một người thầy dành cho đệ tử. Anh chị em chúng tôi rất trân quý những giây phút mầu nhiệm ấy. Tôi đứng đó, chứng kiến những gì đang diễn ra đầy đủ tình thầy trò và chợt nhớ đến câu nói mà rất nhiều lần Thầy nhắc trong pháp thoại. Thầy nói Thầy còn trẻ lắm, Thầy còn chịu chơi lắm! Bây giờ, tôi thấy, chưa bao giờ Thầy đánh mất sự liên hệ với người trẻ.

Các sư con ngồi xung quanh và cùng hát với Thầy. Thầy vẫn còn trẻ lắm. Thầy vẫn còn chịu chơi lắm. Thầy đã hát thành tiếng, và trên khuôn mặt luôn giữ một nụ cười bình lặng. Thầy đã cùng chúng tôi hát đi hát lại nhiều lần bài Cẩn trọng:

“Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên
Tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi”

Thầy hát cùng chúng tôi bằng cả trái tim. Thầy rất thích nghe các con của Thầy hát bài này. Bài thơ ấy cũng hàm chứa một sự thực tập rất sâu sắc mà Thầy muốn nhắn nhủ. Đêm nay, giữa khung cảnh ấm tình này, Thầy đã hát và phát âm rõ ràng nhiều từ. Các con của Thầy vui quá, xúc động quá, nhiều sư em đã vừa hát vừa đưa tay lên quẹt những giọt nước mắt không ngăn được. Mà thật sự không ai cần phải cố gắng ngăn cản những giọt nước mắt hạnh phúc ấy. Các anh chị em đã nói lên niềm vui khi nghe được những từ Thầy phát âm tròn chữ trong bài hát. Thầy có vẻ hơi ngại khi các sư con khen nhiều quá, nên đã vừa cười vừa nói: “Thôi, được rồi!”. Thầy còn nói thêm mấy câu nữa, nhưng do vừa nói vừa cười thành tiếng nên chúng tôi không nghe rõ. Tâm linh anh chị em chúng tôi ai cũng bị chấn động bởi những từ Thầy nói. Nhiều người trong số chúng tôi chưa từng nghe Thầy nói lại một từ nào kể từ ngày Thầy bệnh. Thầy đưa tay chỉ tới phía trước. Mọi người nhìn theo hướng ánh mắt Thầy. Sư em Trăng Non Cao đang vừa cười vừa đưa tay thấm những giọt nước mắt. Không phải một mình sư em xúc động. Nhiều người đã khóc. Thầy cũng xúc động và ánh mắt Thầy tràn đầy tình thương. Chúng tôi tìm thấy bóng dáng Thầy nơi thâm sâu năm uẩn của chúng tôi. Trở về và yên lại, chúng tôi tức khắc được thấy bóng dáng Thầy hiển hiện. Tôi mãi mãi tin lời Thầy:

“Chúng ta hãy cùng đi chơi
Nơi bản môn
Để thấy giữa trời tuyết Đông
Hoa anh đào nở rộ
Tại sao lại nói tới chia ly
Em thấy không?
Tôi không cần chết
Mà với em mỗi phút giây vẫn có thể trở về.”
(“Nhất như” – thơ Thầy)
(còn tiếp)

Những giọt trong

Khóc đi em,

giọt nước mắt ngắn dài lăn trên má em nóng hổi

Khóc đi em,

để muộn phiền theo nước cuốn trôi, để thương yêu về giăng lối

Khóc đi em,

để tình người thêm chan chứa,

để em biết thương người rồi em biết thương em

Khóc đi em,

mắt ướt sẽ trong hơn,

để em thấy nỗi đau niềm vui là một

Khóc đi em,

đừng giấu giọt lệ vào trong,

để tháng ngày tim em hóa thành đá sỏi

Khóc đi em,

giọt nước mắt cam lồ trị liệu,

thành trẻ thơ em về với Mẹ trong giấc ngủ say

Khóc đi em,

để nước mắt xuôi về biển rộng,

mai này em thấy giọt nước trong chén trà thơm…

Thầy về! Thật ngỡ như mơ

Chiều làm biếng sau những ngày có khóa tu, các chị em rủ nhau đi bộ trên những con đường lót sỏi trong tu viện. Nắng chiều đẹp, núi đồi nghe rộn tiếng nói cười của các chị em, đồng cỏ lau ve vẩy cùng gió, khung cảnh ráng chiều của tu viện thật đẹp. Đang đi bộ, bỗng sư chị hỏi:

          – Em biết tin Thầy về Thái chưa?

          – Cái chi? Thiệt không? Khi mô về?…

Một chuỗi cảm xúc đi lên, nào là vui mừng, ngạc nhiên, sung sướng, vừa mong Thầy về lại vừa lo cho Thầy…, nói chung là một tổng hợp các cảm thọ. Có lẽ con là người nghe tin gần sau cùng nhất. Đi bộ song song hay ngược lại với các nhóm khác, ai ai cũng bàn tán xôn xao tin tức Thầy về, vẻ hớn hở lộ rõ trên từng nét mặt. Mọi người tưởng tượng cho một tương lai sắp tới… Thầy sẽ ở đây! Đó là ngày đầu tiên con nghe tin Thầy về…

Tất cả tin tức đều đã có những vị lớn xử lý, nhưng trong đại chúng vẫn xôn xao với nhiều nguồn khác nhau. Con thong thả với niềm vui Thầy về vì ít nhiều cũng vài tháng nữa. Nhưng hôm sau nghe tin hai tuần nữa Thầy về thì trong lòng rối lên, sao mau vậy! Có phải chỉ là tin đồn? Trong tâm đi lên những lo lắng, đêm đó con không ngủ được… Đó là ngày thứ nhì con nghe tin Thầy về…

Các thông tin về đến thay đổi liên tục. Đại chúng thì lo chấp tác, bao nhiêu thứ cần chuẩn bị, chưa bao giờ thấy có quá nhiều việc cần giải quyết gấp rút như vậy. Các trung tâm khác gọi về hỏi thăm, lo lắng cho đại chúng nơi đây chắc làm việc mệt lắm! Quả thật, việc nhiều thiệt, mệt thiệt, nhưng không ai than vãn chi, ai cũng làm trong tinh thần nhiệt tình và vui vẻ, ai cũng nghĩ đến mục đích chung là: đón Thầy về. Năng lượng làm việc không còn ỷ lại vào tri sự nữa. Ai cũng ý thức rằng mình cần chủ động thấy việc là làm, thời gian có hạn, phải khẩn trương để hoàn tất, ai cũng mang trách nhiệm lên mình. Nhìn đại chúng làm việc với sự hòa điệu mà âm thầm như những con ong, con kiến siêng năng. Đẹp quá! Đó là lúc con nghe tin năm ngày nữa Thầy về…

Lần cuối Thầy về là năm 2013, thất của Thầy vẫn chưa xây xong, nhưng đại chúng vẫn có chỗ để ngồi quây quần bên Thầy. Thầy dạy đại chúng có gì thì chia sẻ ra, riêng Thầy thì đứng dậy đi vòng quanh vừa ôm từng cây cột nhà vừa nghe các con chia sẻ về hiện trạng của đại chúng Thái Lan. Rồi Thầy nói: “Ai biết thì thưa thốt, ai không biết thì dựa cột mà nghe”. Đại chúng được trận cười vang, thay đổi không khí tức thì. Cứ ngỡ đó là lần cuối Thầy có mặt ở thất Nhìn Xa. Hằng ngày, chúng con vẫn chăm sóc lau dọn thất như Thầy vẫn có mặt. Các buổi họp của những vị lớn hay thiền trà nghi lễ được tổ chức trong thất làm năng lượng nơi đó ấm hẳn lên. Trong thâm tâm chúng con, ai cũng mong một ngày nào đó Thầy sẽ về và thất Nhìn Xa sẽ lại được ấm cúng bởi năng lượng của Thầy.

Giờ đây, những cây trúc tím, trúc vàng, những cây tùng được trồng bao bọc quanh một bên thất. Con đường mới được ủi chạy một vòng tròn trước thất để có thể đẩy xe cho Thầy đi dạo. Tầng trên, nơi phòng nghỉ của Thầy được sửa sang bố trí  lại, tầng dưới được làm thành một phòng hẳn hoi không còn chỉ là bốn trụ cây trơ trọi. Nhà bếp nới rộng ra thêm, đèn điện thắp sáng quanh mấy con đường cùng sân cỏ. Ngoài ra, những con đường quanh tu viện cũng được ủi lại phẳng lì để xe Thầy đi cho êm. Nhà bếp, nhà ăn được dọn dẹp sạch sẽ, xếp thêm bàn ghế, dựng thêm lều cho khách,… Quý thầy, quý sư chú phụ một tay với thợ để xây dựng cho mau xong, làm ngày không kịp, làm thêm buổi tối. Giờ nghỉ ngơi, mọi người ngồi ăn cơm với nhau, có khi thiếu thì ăn thêm mì gói, lại bàn với nhau về chuyện Thầy sẽ về, nơi nào chưa xong, nơi nào cần làm thêm gì,… Đó là hôm chị em con mang thức ăn cho các huynh đệ làm trên cốc Thầy đến tối. Ba hôm nữa là Thầy về…

Bảy giờ tối, mọi người vẫn còn say sưa cuốc đất, trồng cỏ, hàn sắt, bắt điện nơi thất của Thầy, tiếng nói cười, tiếng làm việc nhộn nhịp – vẫn chưa có ai ăn chiều. Bên kia Thầy đã lên máy bay – mấy ngày qua con vẫn cứ nghĩ là mơ. Đó là buổi tối cuối cùng chúng con chờ Thầy…

Sáng sớm 5 giờ, một nhóm  các  anh  chị  em  tình nguyện ra dọn dẹp ngoài thất của Thầy lần cuối trong khi đại chúng vẫn duy trì thời khóa ngồi thiền, thiền hành. Không gian còn yên tĩnh, thất của Thầy nằm ẩn sâu giữa những quả đồi, nhìn từ xa chẳng khác nào khu vườn bí mật trong những câu chuyện cổ tích. Vào tới sân cỏ đã thấy rất đông các anh chị em đang dọn dẹp, mỗi người một việc chẳng khác nào một đàn kiến cần mẫn. Thoáng một cái mọi thứ đã sạch sẽ, ổn định. Mọi người dùng sáng chung trước sân cỏ, hạnh phúc, lẫn cả chờ đợi. Chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là Thầy về. Có thầy nói: “Hôm nay Thầy về đây, chúng con kính chào Thầy, trong giờ phút vui này, chúng con biết làm gì đây…”. Con nói thêm vào: “Chúng con không biết làm gì là vì chúng con đã làm xong hết rồi”. Chắc có lẽ ai cũng nhớ câu chuyện về bài hát này. Thầy đã từng dạy: “Tại sao lại hát là chúng con biết làm gì đây, phải  đổi lại là chúng con quyết lòng ngồi đây…”. Vẫn biết Thầy dạy như vậy nhưng niềm vui này lớn quá, có cảm tưởng mình ôm không hết, sung sướng không biết làm gì cho phải.

Đại chúng đang đi lên tập trung trước sân cỏ để đón Thầy, có điện thoại báo Thầy đã về đến ngoài cổng, chỉ mười phút nữa thôi. Rồi từng chiếc xe xuất hiện, xe chở Thầy vào tới, mọi người đứng gần lại cùng hát bài “Đã về – Đã tới”. Thầy bị trúng gió, nhìn Thầy có vẻ rất mệt nhưng Thầy vẫn cho quay xe lại, mở mũ ra để chào đại chúng. Hình ảnh đó, giây phút đó ai cũng cảm động, nhiều người đã khóc. Con vui sướng tìm nơi đứng gần nhất có thể để thấy rõ Thầy, với những gì  đã qua  bây  giờ Thầy còn  đây,  vậy  là đủ rồi.

Con không còn cảm giác mình đang mơ nữa, là sự thật, thật một cách toàn vẹn ngay trước mặt con. Thầy được đưa lên phòng, mọi người còn đứng tại chỗ với mỗi tâm trạng khác nhau trong lòng. Con quay sang nói với sư em bên cạnh: “Thôi đi về, làm chi mà mặt tỏ vẻ chiêm nghiệm cuộc đời rứa? Về phòng uống trà, ăn mừng Thầy về”. Mọi người quanh đó cùng cười, chia nhau các ngã rẽ ra về… Ở mọi lúc mọi nơi, chúng con đều ý thức Thầy đang ở đây, trên thất kia. Đó là ngày đầu tiên Thầy có mặt nơi này…

Mùa này là mùa mát nhất ở Thái, trưa có nắng ấm, Thầy thích đi dạo. Quý Tôn túc qua đảnh lễ Thầy cũng nhiều, mà các khóa tu vẫn diễn ra như dự định ban đầu. Các huynh đệ từ nhiều trung tâm tập trung về, khóa tu xuất sĩ được tổ chức, họp mặt với những huynh đệ đã nhiều năm không gặp. Vui chi lạ! Con lại nhớ đến giấc mơ mà Thầy từng kể: “Thầy mơ thấy Thầy đang ngủ thì nghe ngoài kia tiếng cười nói rất vui vẻ, thức dậy Thầy hỏi thị giả ngoài kia có chuyện gì mà vui vậy, thị giả mới thưa: Dạ bạch Thầy, các huynh đệ từ nhiều nơi về đây đang quây quần đốt một đống lửa và nấu một nồi cơm cùng ăn”. Chắc có lẽ giấc mơ khi ấy nay đã thành sự thật, chính khung cảnh này, niềm vui sum họp này, chỉ một nồi cơm nhỏ mà sao vui vậy!

Trời chiều sập tối, trăng bắt đầu lên, vẫn chưa phải là trăng tròn nhưng soi tỏ con đường. Hai chị em con đi bộ lên hướng thất của Thầy. Càng lên không gian càng tĩnh mặc, nghe rõ cả tiếng côn trùng kêu. Thất của Thầy sáng rực, thấy có người đi qua đi về trong phòng, đinh ninh là thị giả, chắc chắn Thầy đang ở trong đó. Hai chị em nhìn từ vườn bích đào lên, khoảng cách khá xa, nên cứ lờ mờ đoán vậy, thấy vui vui… Bỗng phía sau lưng một đoàn người đi chầm chậm, ánh sáng đèn pin chói mắt, hai chị em hồi hộp, quay phắt lại, đi thật nhanh rời khỏi nơi đó khi vừa kịp nhận ra trên cốc không có Thầy, Thầy đang đi về hướng mình. Thầy đi thiền trăng, xuống trước ni xá nhưng vì lạnh nên quay về lại, lấy lại bình tĩnh hai chị em tháp tùng theo đoàn trở về. Đó là ngày thứ nhì Thầy ở đây…

Sáng hôm sau, Thầy xuống thăm hai ni xá, cả nhà bếp và tăng xá. Thầy nhìn từng phòng các con ở, nhìn từng ngóc ngách, chậu hoa,… Nhìn sắc diện Thầy có vẻ khỏe hơn nhiều, chúng con thấy vui. Có ngày Thầy ra đi dạo, thăm các con, lên đồi chơi,… tới bốn lần. Chúng con biết đó là lúc Thầy khỏe. Ở đây có ba ngọn đồi, đồi Trăng Tỏ là thấp bé nhất nhưng lên tới nơi khung cảnh bên dưới lại đẹp và đầy đủ nhất. Chỉ tiếc con đường khó đi, Thầy chỉ lên tới một nửa đồi rồi xuống. Thầy đã lên đồi Sadi và đồi An Ban được mấy lần, lần nào Thầy cũng thích, ngồi yên nghe các con hát, nghe gió thổi qua những tán cây, nghe hương núi đồi vách đá. Nghe kể mỗi lần như vậy, Thầy không muốn xuống. Quý thầy hứa mỗi ngày sẽ đưa Thầy lên đồi chơi, Thầy gật đầu vẻ ưng ý. Thầy thương trò không quản đường xa về đây, trò thương Thầy thì quản chi chuyện đưa Thầy lên đỉnh đồi ngắm trời mây. Thầy có mặt ở đây đã được hai tuần…

Khai mạc khóa tu dành cho chúng Chủ trì (Core sangha), đại chúng đang niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn thì Thầy xuất hiện. Sự có mặt của Thầy làm đại chúng vui mừng lẫn xúc động. Thầy thường ra đi dạo mỗi lúc nắng ấm, hôm có trăng và trời ít gió. Chị em con vẫn hay nói với nhau: “Hôm nay nắng ấm, đi dạo lên một vòng thế nào cũng gặp Thầy” hoặc là “Hôm nay trăng đẹp, giả vờ đi ngắm trăng biết đâu sẽ gặp Thầy”. Thầy thích đi dạo chơi hơn là thích tập nói. Con nghĩ cũng phải thôi, đi ra thiên nhiên đẹp, được nuôi dưỡng và trị liệu, rồi gặp các con của Thầy đang chấp tác, đang chơi thể thao, đang nấu ăn,… có lẽ Thầy vui khi thấy những hình ảnh đó. Cũng như các con Thầy, mỗi sáng sau giờ ngồi thiền là cùng nhau đi thiền ra trước thất của Thầy tập mười động tác chánh niệm. Nhìn lên thất đôi khi chỉ thấy bóng dáng của Thầy hoặc không thấy Thầy đâu, nhưng biết chắc rằng Thầy đang có trong đó, vậy là đủ. Tối nay có lễ cầu nguyện cho hòa bình, đại chúng hơn 550 người rước đèn hoa đăng lên đặt trên sân cỏ trước thất của Thầy rồi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Âm. Con lên trước xem mọi người trang trí, chuẩn bị. Đứng nhìn lên thất, dưới ánh đèn con thấy Thầy thật rõ, hình ảnh đó con sẽ nhớ mãi. Nó là thật… thật ngỡ như mơ! Đây là đêm thứ 20 Thầy có mặt nơi đây với chúng con…

 

Thầy đã về… Giấc mơ đã rất thật!!!

Con của Thầy,

Chân Đán Nghiêm

Tâm ban đầu

Con kính bạch Thầy,

Con kính thưa quý thầy, quý sư cô cùng toàn thể đại chúng,

Con là sư chú Chân Trời Đức An, xuất gia trong gia đình cây Mai Vàng vào ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại Làng Mai, Pháp. Con sinh năm 1988 và lớn lên ở miền ngoại ô phía bắc thành phố Paris. Hiện giờ, con đang được làm một sư chú sa di nhỏ ở xóm Thượng, Làng Mai.

 

 

Vài hôm trước ngày xuất gia, các sư chị trong ban biên tập Lá Thư Làng Mai hỏi con có muốn viết bài chia sẻ về thời gian sống ở Làng hay không? Con đã vui vẻ nhận lời. Tuy vậy, thật khó để bắt đầu và nghĩ xem mình muốn nói điều gì! Và rồi con quyết định chia sẻ với đại chúng những trải nghiệm trong cuộc sống của con – một người Pháp trẻ tuổi. Cũng chính từ những kinh nghiệm này, từ chất đất mùn màu mỡ này mà tâm bồ đề của con đã bắt rễ và lớn lên.

 

Năm 21 tuổi, con gia nhập Quân đội Pháp. Sau vài năm làm nghĩa vụ, lòng con đầy buồn chán, tuyệt vọng, giận dữ, bạo động và cả hận thù. Con đã phải chứng kiến nhiều cảnh bất công, phân biệt đối xử, bị điều khiển và vâng lời một cách mù quáng. Vào thời điểm ấy, trong con gần như không còn chút niềm tin  nào  vào  con  người. Dù con vẫn vâng lời, vẫn phục tùng mệnh lệnh nhưng trong con đã bắt đầu nhen nhóm sự nổi loạn. Bị tưới tẩm bởi những kinh nghiệm sống đầy tiêu cực nên cái nhìn của con về một cuộc ‘nổi dậy’ rất căng thẳng, đau thương bởi nó dựa trên một cái thấy lưỡng nguyên. Có lẽ vì thế con thấy mình rất gần với những bạn trẻ Pháp khác, những người đang giận dữ, đang đòi nổi dậy, đòi một sự thay đổi. Con cũng thấy mình có liên hệ sâu sắc với những người trẻ tuổi khác ở khắp nơi trên thế giới, những người sẵn sàng dùng khí giới, sẵn sàng chết cho một sự thay đổi mà họ nghĩ là chính đáng. Lòng quyết chí của các bạn ấy bị sử dụng để phục vụ cho một lợi ích nào đó. Nó khác xa với sự thay đổi có mục đích làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

 

Rất nhiều thanh niên Pháp không mấy quan tâm tới các vấn đề kinh tế, chính trị, tình trạng của trái đất hoặc những gì về ngôn ngữ, lịch sử hình thành các dân tộc, tôn giáo… Nhiều người trong chúng con đã gần như đánh mất đi những giá trị của chính mình, đánh mất gốc rễ, không có lý tưởng, không có đời sống tâm linh và mất đi niềm vui sống. Chúng con tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống hay nói cách khác là chạy trốn khỏi cuộc sống không ý nghĩa của chính mình trong việc tìm kiếm tiền bạc, vinh quang, sở hữu, tiêu thụ,… Chúng con chạy theo tất cả những thứ này mà không có một chừng mực hay giới hạn nào cả. Lối sống ấy làm cho đầu óc chúng con luôn bận rộn. Chúng con không biết cách lắng nghe cơ thể mình, cũng không biết nhận ra những cảm thọ, tâm hành trong mình. Khi mệt mỏi, giận dữ, cô đơn, chúng con sẽ vội vã tìm cách để giải trí, tiêu thụ, để quên đi những vấn đề của chính mình. Chúng con đã không cho phép mình nghỉ ngơi và cũng không trung thực với chính tự thân mình. Nếu tâm từ chối không nghe những thông tin từ thân thể gửi tới thì thân thể sẽ chất chứa tất cả những điều đó cho tới khi nó không thể chịu nổi. Khi đó những căng thẳng và chấn động tinh thần mà mình không dành thời gian để lắng nghe, để hiểu và chăm sóc sẽ được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức. Từ sự ngược đãi thân thể, tự cô lập cho tới những căn bệnh trầm cảm, eczema, ung thư … Con hiểu ra rằng giới trẻ chúng con cần học cách lắng nghe bản thân mình, cách thiết lập truyền thông giữa thân và tâm. Mong muốn chấm dứt khổ đau, có hạnh phúc, bình an là nhu yếu rất tự nhiên ở tất cả mọi loài. Liệu có ai thích khổ đau? Hay có ai không thích được hạnh phúc?

 

Con đang tập thiết lập mối liên hệ với tâm bồ đề trong con khi con nhận ra được những khổ đau mà con đã gây ra cho gia đình, người thân, qua hành động, lời nói còn thiếu suy nghĩ của con. Con đã không làm chủ được cảm xúc và lời nói của mình. Khi con hiểu ra rằng chỉ có con mới có thể chấm dứt những khổ đau, chuyển hóa được tập khí và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình, con đã đồng thời thắp lên ngọn lửa bồ đề tâm trong con.

Con cũng hiểu ra rằng con có thể giúp chữa lành những vết thương cho gia đình, và xã hội, bằng cách bắt đầu chữa trị cho chính mình. Không còn gì có thể có ý nghĩa và quan trọng hơn điều đó. Với cái thấy này, con đã quyết định xin được xuất gia.

 

Giờ đây con đã được đọc sách của Thầy, nghe Thầy giảng về đạo Bụt dấn thân, một đạo Bụt phù hợp với thời đại. Con như thấy lòng mình sáng rỡ lên, ấm áp và đầy dũng khí. Con bỗng thấy đạo Bụt mà Thầy đang trao truyền dường như là để dành cho con, cho chính tâm nguyện sâu xa đã luôn sẵn có trong con tự bao đời. Thầy đã chỉ ra cho con, với rất nhiều tình thương và lòng kiên nhẫn, rằng bạo lực, đàn áp, tâm phân biệt sẽ chỉ làm cho chính mình và những ai mình cho là kẻ thù khổ đau thêm: Kẻ thù ta không phải là con người. Kẻ thù ta là vô minh.

 

Trở thành người con Bụt hay một xuất sĩ không phải là điều thiết yếu, điều quan trọng là chính con đang thực sự có mặt, có mặt cho chính mình và cho những người xung quanh. Có mặt để thấy rất nhiều cơ hội chữa trị đang hiến tặng cho mình trong đời sống hàng ngày. Con tự hỏi, mình có đang sẵn sàng để nắm lấy những cơ hội ấy hay không?

 

Một buổi chiều mùa thu, lấy cảm hứng từ cuốn Trái tim của Bụt, con đã viết xuống vài dòng về cái thấy của con, con xin được chia sẻ:

Dòng chảy cuộc sống là cánh đồng màu mỡ. Cha ông ta đã khai phá, gieo trồng lên đó biết bao loại hạt giống, không phân biệt xấu tốt. Những hạt giống đủ loại ấy trở thành di sản của chúng ta. Và tới lượt mình, chúng ta tiếp tục sự trao truyền. Nhưng bởi vô minh nên từ thế hệ này sang thế hệ khác chúng ta nuôi dưỡng khổ đau và bỏ mặc những gì tốt đẹp đã nhận được.

Ngày hôm nay, đã gặp được chánh pháp, giúp chúng ta khai mở những cánh cửa đưa tới tự do. Hạnh phúc biết mấy! Ta có thể đi qua khổ đau và để cho sức mạnh thật sự trong chính ta biểu hiện. Khổ đau của chúng ta có gốc rễ từ vô minh và sự thiếu tỉnh thức của tự thân. Chúng ta cần chiếu soi ánh sáng của chánh niệm vào những vùng tăm tối trong ta, trao truyền lại những gì tốt đẹp cho thế hệ tương lai, đồng thời ôm ấp khổ đau của cha ông, của con cháu ta và của đất Mẹ.

Trong Nhật tụng Thiền môn có bài kệ quán chiếu về vô thường. Vào thời khắc cuối năm này, con kính mời huynh đệ khắp nơi cùng con đọc bài kệ ấy:

“Năm cũ đã qua (Ngày nay đã qua)

Đời sống ngắn lại

Hãy nhìn cho kỹ

Ta đã làm gì?

Đại chúng hãy cùng tinh tấn!

Thực tập hết lòng,

Sống cho sâu sắc và thảnh thơi,

Hãy nhớ vô thường!

Đừng để tháng ngày trôi qua oan uổng”.

Con của Thầy và tăng thân
    Chân Trời Đức An

* Để đọc bản tiếng Anh, xin xem tại đường link này: https://wkup.org/healing-past-transforming-future/

Mắt Bụt

 

Gió reo ngoài ngõ vắng

Mùa huynh đệ đến rồi,
Tiếng cười anh xanh thắm

Dắt em về tinh khôi.


Có một dòng sông trôi
Hồng hào trên mặt đất,
Chắp tay lòng thành thật

Nở muôn đóa từ bi…


Lời thơ anh cho đi

Ấm muôn lòng thế giới,
Lặng im trà thơm đợi

Hạnh phúc về thênh thang.

 Anh gieo một mùa vàng
Gọi vầng trăng về hiện,
Đi qua cồn cào biển

Anh hiểu lòng đại dương.

 Đời đẹp nhờ mắt thương,
Thanh thản lòng bước tới,
Trong tin yêu ngày mới
Mắt Bụt cười nơi anh.

Viết tiếp những ước mơ cho mẹ

Mẹ à, vậy là đã hơn 10 năm kể từ ngày con từ Sài Gòn về quê để xin phép ba mẹ cho con được đi tu, trở thành một người xuất gia, con gái của Bụt. Bây giờ ngồi nhớ lại, cảm giác khi xưa lại trở về, như mới hôm qua đây thôi. Bởi mẹ chẳng bao giờ tin được con lại có quyết định khác thường như thế. Những giây phút ấy thật khó khăn với con khi phải thuyết phục ba mẹ. Mẹ khóc, mẹ trách, mẹ nói con bất hiếu. Còn con, con chỉ biết… khóc, những gì con nói ra lúc đó chẳng thể nào ngăn nổi cảm giác khổ đau của mẹ khi nghĩ rằng mình sẽ mất đi đứa con đầu lòng mà mình thương yêu.

Dù mẹ khóc như mưa nhưng đôi chân con vẫn bước, cảm nghe lòng quặn thắt. Nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn con lại có một niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có con đường xuất gia này con mới có thể trả lời được những câu hỏi, những khó khăn, bế tắc trong lòng và thực hiện được ước mơ từ nhỏ: làm sao cho gia đình mình có nhiều tiếng cười hơn.

Mẹ của con – người chị cả của tám đứa em leo nheo lóc nhóc – từ nhỏ đã sớm biết giúp ông bà ngoại làm đủ mọi việc trong nhà và chăm sóc các em. Mẹ của con siêng năng lắm, chu toàn mọi việc, nhiều lúc còn phải dậy thiệt sớm nấu cơm mang ra đồng cho thợ cấy lúa nữa. Ôi, cái tuổi ăn tuổi ngủ ấy mà phải dậy sớm thì thiệt là tội nghiệp, có lúc mẹ vừa ngồi bên bếp củi, vừa thổi cơm, vừa ngủ gục, bị ông ngoại phát hiện thế là… bị đòn. Con đã được nghe mẹ kể rất nhiều về tuổi thơ cơ cực ấy. Ông ngoại khó, lời nói yêu thương ít hơn những tiếng la mắng, có lẽ đó là nguyên nhân mà đôi mắt mẹ thường buồn, hay nhìn xa xăm. Mẹ đâu được học nhiều, chỉ tới lớp ba trường làng, đủ để đọc, viết và làm toán cộng trừ nên làm sao mà không mặc cảm với chúng bạn cho được, mẹ nhỉ? Quê ngoại lúc đó còn nghèo, ở tận cùng của bản đồ hình chữ S, quanh năm người dân chỉ gắn bó với ruộng đồng, với con cá, con cua, nhà thì đông con, mẹ là chị cả, hi sinh thật nhiều.

Rồi mẹ gặp ba, chàng trai vùng đất thần kinh, về quê mẹ làm kế toán. Sau đó mẹ quyết định theo ba về tận vùng đất đỏ Long Khánh trên này chỉ mong thoát cảnh “bị đỉa đeo chân” (mẹ sợ con đỉa mỗi khi lội xuống ruộng). Và rồi ba chị em con lần lượt ra đời. Một thân một mình không bà con thân thuộc, chỉ với hai bàn tay trắng, làm sao tránh khỏi những lúc mẹ phải tự đương đầu với những khó khăn, gian nan trong cuộc sống gia đình. Nhiều lần con thấy mẹ cô đơn, mẹ khóc. Những khó khăn cứ chất chồng mà ít có người để sẻ chia, rồi như một định luật tự nhiên, chúng trào ra và mấy chị em con cùng “hưởng”.

Là chị đầu, con ảnh hưởng nhiều nhất từ những nỗi đau của mẹ. Lúc đó con giận, con buồn, con phân vân tự hỏi có lẽ mình được mẹ lượm ở đâu đó về nuôi nên mẹ mới không thương, nên mới la, đánh mình mỗi ngày như thế chứ. Trái tim con cứ xa mẹ dần, xa dần… Lớn lên, con buồn vì thấy mình vô cảm, mẹ đó mà sao thấy lòng không thương mẹ như bao nhiêu bài hát, bao nhiêu câu chuyện ca ngợi tình mẹ con thật đẹp xung quanh. Mình mâu thuẫn với chính mình quá!

Con đã từng ước mơ rằng sau này khi con lớn lên, con sẽ tìm và xây dựng cho mình một gia đình nhỏ hạnh phúc, sẽ yêu thương các con mình và không la mắng chúng nó như con từng bị ngày xưa. Ấy vậy mà lạ lắm mẹ à, con vẫn lặp lại những điều con không muốn với các em, cũng la, cũng giận, rồi các em sợ, xa con. Tại sao lạ quá vậy mẹ, mình cứ lập lại y chang những gì mà ông bà, cha mẹ mình có, mặc dầu mình không muốn, và hình như cái em bé khổ đau trong mẹ lại đang có trong con. Con buồn, con tự hỏi là mình phải làm sao để thoát khỏi em bé đó đây, làm sao cho gia đình mình yêu thương nhau hơn, tiếng cười sẽ thay thế cho những trách móc giận hờn. Con muốn tâm hồn mình được bình an, hiểu thương nhiều hơn. Ngày xưa, trước những khó khăn trong truyền thông của gia đình ngoại, mẹ đã chọn con đường ra ngoài tự lập khi còn rất trẻ. Còn con, con lại muốn mình đi một con đường mới, muốn sống vui, sống hạnh phúc hơn cho mẹ. Đó là lý do con chọn con đường tâm linh này.

Mẹ ơi, thật may mắn phước đức khi con có duyên lành được gặp Thầy và tăng thân với những phương pháp cụ thể dạy con trở về chăm sóc lại tâm hồn mình. Con tập thở, tập đi, tập ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, học lắng nghe sâu để hiểu những cảm xúc suy tư trong mình, học nói lời hòa ái, dễ thương. Rồi tập nhận ra bao nhiêu thói quen đẹp lành mà con thừa hưởng được từ ông bà, ba mẹ, để nuôi lớn. Còn những điều chưa hay thì tập thay đổi, làm cho nó đẹp hơn. Con tập nhìn lại cuộc sống của gia đình mình trước đây, cách con tiếp nhận, cách con nói năng. Cứ thế mà đi qua bao nhiêu năm… Cho đến một ngày, sau giờ ngồi thiền cùng đại chúng về, con tiếp tục ngồi yên bên góc học, quán chiếu tiếp đề tài lúc nãy hãy còn dở dang, bỗng nhiên… con nhìn thấy một cô bé khoảng 8 – 9 tuổi đang ngồi trong lòng con và… khóc. Nhìn kĩ, con nhận ra là mẹ của mình, hình ảnh cô bé nhỏ qua lời kể của mẹ khi xưa. Nhìn em bé khóc, con bỗng giật mình khi hai hàng nước mắt cũng đang lăn dài một cách tự nhiên trên gương mặt mình. Cô bé khóc vì những khổ đau bao lâu nay bây giờ đã có người thấu hiểu, và người ấy không ai xa lạ, chính là con. Một cuộc tương phùng bất ngờ xảy ra sau ngần ấy năm, con có cảm tưởng một sợi dây vô hình giữa mẹ và con vừa được nối lại. Hạnh phúc trong con vỡ òa!

Kể từ phút giây ấy, hình ảnh mẹ trong con đã khác, con thương mẹ nhiều hơn. Biết rằng vì mẹ khổ mà chưa có cơ hội chuyển hóa nên làm con khổ lây. Bao nhiêu điều chưa nói ra được bao năm, nay con có cơ hội chia sẻ hết bằng cách nói không một chút trách móc, giận hờn qua từng lá thư con gởi về. Mẹ đọc và tiếp tục khóc. Mẹ nói lúc xưa còn trẻ, lo cơm áo gạo tiền tất bật, chưa có nhiều kinh nghiệm dạy con, lại chồng chất bao nỗi đắng cay một mình nơi xứ lạ, mẹ vô tình trút giận lên con, bây giờ biết thương thì nó đã đi xa mình rồi… Nghe mà sống mũi con cay cay…

Con tự nhủ nếu không được đi tu, chắc gì con đã chuyển hóa được những nỗi đau của mẹ và hiểu mẹ như bây giờ, mẹ nhỉ? Nhờ được học trở về lắng nghe những niềm đau, những vụng về của mình mà trái tim con mở ra, tình thương cùng sự chấp nhận cứ thế tự nhiên đến mà con không cần cố gắng một chút nào cả. Càng thực tập, càng hiểu mình, con lại càng gần với mẹ hơn. Hai mẹ con mình chia sẻ được với nhau thật nhiều điều: từ chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện cuộc sống xung quanh. Con thấy mẹ vui hơn, hay cười, suy nghĩ cũng tích cực ra. Mẹ lại hay quan tâm đến những người khốn khó hơn mình, giúp được tí gì là mẹ làm mặc dầu nhà mình cũng không khá giả hơn ai. Mẹ biết quay về nương tựa năng lượng thương yêu của Đức Bồ tát Quan Thế Âm, cứ sáng sáng chiều chiều, mẹ lại thành tâm thắp nhang. Con hay gọi vui nơi đặt tượng Đức Bồ tát trước nhà mình là “góc yên bình” của mẹ, nơi mẹ hay trở về nương tựa, chia sẻ mỗi khi muộn phiền hay lo lắng bất an. Có lần con hỏi: “Vậy mỗi lúc thắp nhang, mẹ nguyện cầu gì?” Mẹ nói: “Thì cầu cho gia đình mình an vui, khỏe mạnh, cho con tu tập giỏi”.

Vậy là bây giờ mẹ không còn muốn kêu con về với mẹ như những năm đầu nữa rồi, mẹ cũng ít khóc hơn xưa. Những khi nghĩ về mẹ với bao hy sinh cho ba và tụi con, chẳng bao giờ thảnh thơi mà đi đâu lâu, cũng đâu có cơ hội đi đây đó nhìn cuộc đời rộng lớn ra sao, con lại ý thức hơn mà sống cho thảnh thơi và đi cho mẹ. Mỗi khi có cơ hội đi khóa tu, tới một vùng đất mới, con lại cố gắng mở mắt thật to, cảm nhận cho hết lòng vì biết mình đang đi luôn cho ước mơ của mẹ. Em bé trong mẹ được tung tăng, vui vẻ hồn nhiên trở lại bởi em bé trong con đang từng ngày được chăm sóc, được sống một cuộc đời mới, ý thức hơn, bình an hơn. Hai mẹ con mình như hai em bé, đang nắm tay nhau đi về phía mặt trời, nơi mà hai bên đường thơm nức mùi cỏ dại, có bướm, có hoa, có nụ cười tươi sáng cùng những bước chân thật an bình. Biết ơn vô cùng tình thương của Bụt, của Thầy, của Tăng thân để giờ đây, con có thể tiếp tục viết tiếp những ước mơ của mẹ, ước mơ tưởng chừng thật nhỏ nhoi mà khó thực hiện vô cùng.

Và bỗng nhiên con thấy cô bé nhỏ ngày xưa đang nhìn con… mỉm cười!

Con gái nhỏ của mẹ.

Cùng theo các em học hành như xưa

BBT: Làm một sư anh và cũng là một vị trú trì trẻ, thầy thực tập như thế nào để có thể làm chỗ nương tựa cho các sư em, và đồng thời làm một sư em của các sư anh lớn? Điều gì nuôi dưỡng thầy?

Thầy Pháp Hữu: Thực sự thì Pháp Hữu cũng đang học cách làm một sư anh. Pháp Hữu thấy khi làm một sư anh thì sự có mặt là quan trọng nhất. Thầy mình dạy: “Khi thương ai, món quà quý nhất mình có thể hiến tặng là sự có mặt của mình”. Tăng thân của mình rất lớn, rất khó để có thời gian riêng với mỗi người nhưng trước hết Pháp Hữu cố gắng có mặt cho các thời khóa căn bản như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, tụng kinh trước pháp thoại… Các sư anh có mặt trong giờ ngồi thiền thì đã là có mặt cho các sư em và tạo được niềm tin cho đại chúng. Pháp Hữu ý thức đó là những điểm căn bản cần phải gìn giữ.

Một bài học mà Pháp Hữu học được từ Thầy trong những năm làm thị giả là sự có mặt của Thầy với đại chúng. Đây là một cái đức rất đẹp của Thầy mà Pháp Hữu hy vọng các anh chị em xuất sĩ đều học được. Trong suốt thời gian còn giảng dạy, không có một bài pháp thoại nào Thầy bỏ. Có những lúc Thầy bệnh rất nặng, đêm hôm trước sốt mà sáng hôm sau Thầy vẫn ra cho pháp thoại. Những lúc Thầy ở xóm Thượng, Thầy đều có mặt để dùng trưa với đại chúng, Thầy không bỏ một bữa cơm nào, cũng như ngồi thiền sáng và tối. Nếu Thầy không có mặt thì ai cũng có thể hiểu được là Thầy lớn tuổi, cần nghỉ ngơi, nhưng Thầy rất quyết tâm có mặt với đại chúng. Điều đó vừa nuôi dưỡng Thầy vừa là lời dạy của Thầy qua hành động cho đại chúng.

Bài học thứ hai là những khi Thầy đang làm việc, đang đọc sách hay đang viết sách mà chỉ cần thưa Thầy tới giờ dùng cơm rồi thì trong vòng hai phút Thầy có thể ngưng công việc để đi dùng cơm. Thông thường, mình rất dễ đánh mất mình trong công việc, nhưng Thầy ngưng được để có thể đi dùng cơm với đại chúng đúng giờ. Pháp Hữu thấy nhờ huấn luyện theo nguyên tắc như vậy mà Thầy tạo được sự quân bình trong sự thực tập, làm việc và tu học trong đại chúng.

Pháp Hữu nghĩ làm sư anh thì cần hy sinh một chút thời gian của mình. Khi thực tập như vậy, mình bắt đầu buông bỏ cái ngã của mình để quan tâm đến anh em. Điều gì mình làm, người kia cũng cảm nhận được vì đó cũng là một loại năng lượng. Mình có mặt để giúp cho sư em mình vượt qua khó khăn. Có những lúc mình thấy hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu mình biết chuyển hướng suy tư, hướng tâm mình về một hướng khác thì mình sẽ có một cái thấy khác. Pháp Hữu nghĩ, mình đầu tư năng lượng, thời gian đó mà có thể giúp được cho sư em vững vàng hơn, cắm rễ được sâu hơn trong đại chúng thì đó sẽ là một niềm vui  rất lớn. Mình nghĩ mình hy sinh một chút năng lượng và thời gian của mình nhưng thực ra mình cũng đang nuôi mình. Tất cả tùy vào cách nhìn của mình thôi.

Pháp Hữu cũng thấy là làm sư anh, cũng như làm cha mẹ, phải biết tưới hoa, nghĩa là phải thực sự công nhận những điểm đẹp đang có nơi huynh đệ mình. Khi thấy anh em có khó khăn, mình tới hỏi thăm, lắng nghe và làm một người bạn cho người đó chia sẻ. Thông thường, ai mà tươi mát, vui vẻ thì mình dễ gần gũi; còn ai có một chút khó khăn, khó chịu, đau khổ thì thường là mình muốn tránh. Mình có thể nói: “Mình cho người đó không gian”, nhưng có thể trong lúc đó họ thực sự cần một người bạn, một sư anh, sư chị. Mình chỉ cần tới hỏi: “Sư em đang buồn hả, sư em có cần chia sẻ ra không?”. Chỉ cần mình hé cánh cửa ra, nếu lúc đó sư em đủ can đảm và đủ tin tưởng thì có thể chia sẻ ra được. Và có thể nhờ sự chia sẻ như vậy mà sư em vượt qua được giai đoạn khó khăn của mình.

Trong sự thực tập làm sư anh, mình cũng đang tiếp tục làm sư em của các sư anh trong chúng. Pháp Hữu ý thức rất rõ cái tình của mình với các sư anh cũng quan trọng không kém, và như vậy mình cảm được mình không đứng một mình. Sẽ có những lúc mình gặp khó khăn, rất khó chịu, bức xúc, nếu mình không có cái tình với các anh em thì mình sẽ cảm thấy đơn độc, phải ôm hết một mình. Sống trong đại chúng, ai cũng có những cái rễ với mọi người. Mình cần thực tập nhận diện ra những cái rễ đó. Có những người bạn mình có thể dễ dàng tới chơi và đùa giỡn, chia sẻ. Nhưng cũng có người mình có thể tới và nương tựa trong những lúc có khó khăn. Khi thấy được đây là một đại gia đình, có truyền thông, có sự hiểu biết và tình thương, thì mình có thể buông bỏ được cái ngã của mình để cầu sự giúp đỡ từ các anh em.

Khi thực tập làm sư anh, làm y chỉ sư, Pháp Hữu cũng phải rất cẩn thận để không áp đặt cái thấy của mình vào các sư em. Mình cần phải cho các sư em không gian để thực tập chuyển hóa. Làm một người lớn, hình như mình hay có khuynh hướng đặt những mong muốn, kỳ vọng của mình vào các em. Nhưng có khi mình kỳ vọng nhiều quá, cái thấy của mình trở nên hẹp đi, mình chỉ muốn sư em theo ý của mình và không thấy được những đức tính hay mà các sư em có thể phát triển. Thực tập của mình là thực tập ý thức, cho nên mình chỉ cần chiếu ánh sáng, tưới tẩm cho các sư em một cách khéo léo và các sư em phải là người tự thấy, tự cảm nhận, để thực tập mà mình không ép các em làm theo ý mình. Mình chỉ có mặt và yểm trợ để các sư em không đi lạc đường. Nhưng chuyển hóa được hay không phần lớn là do nỗ lực tự thân của vị đó.

BBT: Trong hai năm qua, Thầy đã làm thị giả chăm sóc Sư Ông trong quá trình trị liệu sau đột quỵ, và phải xa đại chúng lớn. Khi trở về, thầy thực tập như thế nào để hòa nhập lại với đại chúng?

Thầy Pháp Hữu: Pháp Hữu thấy cái khó nhất là buông bỏ cái ngã của mình, buông bỏ cái riêng để hòa vào cái chung, hòa nhập lại với đại chúng. Pháp Hữu nghĩ: “Mình chịu cực khổ nhiều rồi, bây giờ nghỉ ngơi, từ từ rồi hòa nhập lại, từ từ rồi đi thời khóa với đại chúng”. Mình có cảm giác không ai hiểu được mình vì không ai trải qua những gì mình từng trải qua. Những tri giác đó từ từ tách mình ra với anh em, làm mình không thể tiếp nhận tình thương và sự yểm trợ của tăng thân. Mặc dù huynh đệ thương mình, tăng thân thương mình, quan tâm tới mình nhưng mình chưa chịu mở lòng chấp nhận.

Pháp Hữu tự dặn lòng cần quay về thực tập như một sa di trở lại, ngồi thiền, đi thiền, nghe pháp thoại,… tham dự những thời khóa căn bản nhất. Pháp Hữu thực tập để theo đại chúng như lời Thầy từng dạy: “Thời khóa của đại chúng là thầy mình, nhất là trong những lúc mình không biết nương vào đâu”.

Cho đến khóa tu mùa hè, các anh em mời Pháp Hữu vào ban tổ chức. Pháp Hữu nghĩ đây là cơ hội cho mình từ từ hội nhập lại, cơ hội cho mình đến với các anh chị em nhiều hơn, xây dựng lại tình huynh đệ. Rồi khóa tu người trẻ, những cái rễ của Pháp Hữu đã bám chắc hơn với tăng thân. Sự thành công của khóa tu, niềm hạnh phúc của các em trẻ cũng nhắc lại tâm bồ đề của mình, nhắc lại cho mình nhớ vì sao mình đi tu, tại sao mình có mặt ở đây, mình đang thực tập để làm gì? Pháp Hữu thấy rõ hơn sự thực tập của một vị xuất sĩ giúp được cho rất nhiều người.

Nhìn các sư em trong gia đình Cây Đan Mộc tu tập, đóng góp cho đại chúng mình cũng muốn “cùng theo các em học hành như xưa”. Nhờ đợt sóng ở phía sau đẩy mình đi tới. Và khi thực sự buông xuống cái ngã của mình, trở về làm một sa di nhỏ theo thời khoá của đại chúng, Pháp Hữu thấy tâm mình nhẹ hơn.

Thêm vào đó, Pháp Hữu đã đứng lại vai trò trú trì, và cũng rất ý thức sự có mặt, năng lượng của mình ảnh hưởng đến các sư em trong chúng. Đó cũng là một lực đẩy để mình vững chãi hơn, có mặt cho các anh em, có mặt với đại chúng. Trong lúc Pháp Hữu hướng dẫn, chia sẻ cho thiền sinh hay cho các sư em, Pháp Hữu cũng thật sự đang tự nhắc nhở mình. Nó thúc đẩy mình đi tới, giúp mình nỗ lực hơn, vững chãi hơn để đóng góp cho tăng thân và đồng thời giúp mình nhớ lại những ước muốn của mình và của tăng thân. Pháp  Hữu cũng muốn làm một vị trú trì vững. Năng lượng của đại chúng, cùng với sự cởi mở, hết lòng của các anh em giúp cho Pháp Hữu rất nhiều. Những cái rễ bắt đầu cắm lại, thấy mình tự tin hơn, nương tựa Thầy, nương tựa đại chúng và làm chỗ nương tựa cho các sư em.

Pháp Hữu thấy đại chúng đã bước được những bước quan trọng, và Pháp Hữu có niềm tin mình sẽ tiếp tục vượt qua được những trở ngại có thể xảy ra trong tương lai.

BBT: Tại Làng Mai có rất nhiều buổi họp, thầy thực tập như thế nào để nuôi dưỡng và tạo hứng khởi cho mình trong các buổi họp?

Thầy Pháp Hữu: Pháp Hữu nghĩ yếu tố đầu tiên dẫn đến sự thành công của buổi họp là người chủ tọa phải là người thích đi họp (cười). Người điều hành buổi họp phải là một người sẵn sàng đi họp. Vì nếu mình không thích đi họp, cảm thấy đi họp nặng nề thì khi chủ tọa buổi họp mình sẽ truyền năng lượng nặng nề đó cho đại chúng.

Theo kinh nghiệm của Pháp Hữu, về phần họp, có nhiều khía cạnh cần lưu tâm. Trước hết, anh chị em trong chúng phải hiểu sự quan trọng của buổi họp. Buổi họp giúp duy trì sự truyền thông của đại chúng trong lĩnh vực làm việc, cũng như điều hợp, vận hành cho một xóm, một tu viện. Họp có rất nhiều loại: họp Ban chăm sóc, họp Tỳ kheo, họp Giáo thọ, họp Sa di, họp Ban tổ chức, họp chúng,… nhưng nguyên tắc chung của buổi họp là đưa tới sự hòa hợp. Buổi họp đưa tới hòa hợp để cho nhóm, cho ban, cho công việc đó đi đến một kết quả mà ai cũng đồng ý nâng đỡ. Đó là nguyên tắc mình cần biết và chia sẻ với đại chúng.

Người chủ tọa buổi họp cần phải có sự chuẩn bị trước. Thứ nhất, phải biết đề tài của buổi họp. Mỗi đề tài mình phải nắm vững để chia sẻ cho đại chúng hiểu được và đóng góp để cùng đưa tới quyết định. Khi chuẩn bị trước như vậy, nếu đại chúng thắc mắc mình có thể có đủ thông tin để giúp đại chúng đi đến quyết định nhanh hơn. Người chủ tọa, nếu không nắm rõ đề tài thì khi đại chúng hỏi, mình không có đầy đủ thông tin và đại chúng cần phải bàn về những câu hỏi đó sẽ mất thêm nhiều thời gian. Trong thời khóa bình thường, Pháp Hữu nghĩ mình duy trì buổi họp mỗi tuần và cố gắng như thế nào để buổi họp diễn ra trong vòng một đến một giờ rưỡi. Kéo dài buổi họp quá sẽ tạo tâm lý ngán và mệt mỏi cho đại chúng.

Khi làm chủ tọa buổi họp thì trước buổi họp một ngày, Pháp Hữu thường viết sẵn đề tài để đại chúng có thể hình dung trước, có thể cùng nhìn về đề tài đó trước khi vào buổi họp. Nếu không, khi vào buổi họp, đại chúng chưa có khái niệm nào hết nên sẽ cần thời gian để suy nghĩ về đề tài đó. Thứ hai, những công việc, những đề tài nào mình chưa nắm chắc thì mình nên đi hỏi thêm thông tin trước khi trình bày. Có những đề tài khó mà mình cảm nhận không biết đại chúng có dễ dàng chấp nhận hay không thì có thể hỏi ý vài anh em trước để có thể trình bày trong buổi họp rõ ràng hơn. Những phần chuẩn bị như vậy đưa tới sự rõ ràng, càng rõ ràng thì đại chúng sẽ càng khỏe.

Trước các buổi họp, mình cần phải đọc lời quán nguyện. Sự thực tập này rất quan trọng, nhắc nhở đại chúng: “nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý hòa đồng duyệt”. Ở xóm Thượng, quý thầy cũng thực tập điểm này. Khi có vị chia sẻ quá lớn tiếng thì sẽ được nhắc nhở sám hối để đưa lại cho đại chúng không khí hòa hợp. Trong buổi họp, khi có sự lớn tiếng và bất hòa, Pháp Hữu thường dừng buổi họp, đợi tới ngày mai hay tuần sau mới tiếp tục. Pháp Hữu nghĩ  khi đưa ra quyết định trong năng lượng bực bội, đại chúng sẽ không thông, không hòa hợp. Một buổi họp như vậy sẽ không đưa đến một kết quả tốt đẹp.

Vị hướng dẫn buổi họp phải nhạy bén. Có những đề tài dễ dàng, không có gì trở ngại, ai cũng cười thì mình có thể xin thông qua. Mỗi vị tỳ kheo, tỳ kheo ni trong đại chúng có trách nhiệm chia sẻ cái thấy của mình, nhưng sau khi đã chia sẻ thì thực tập buông bỏ. Mình nên tránh dùng cách bỏ phiếu, bởi vì khi bỏ phiếu tức là đã chia thành hai bên rồi, đâu còn sự hòa hợp.

Người chủ tọa buổi họp phải có tâm, và cũng là một người có tình, có sự liên hệ với mọi người trong chúng. Người chủ tọa là một người đứng ở vị trí trung lập, đang nói cho đại chúng chứ không phải nói cho cá nhân mình. Mình là người ngồi chuông, mình không thể lái đại chúng theo cái muốn riêng của mình. Người cầm chuông phải lái đại chúng tới sự hòa hợp. Pháp Hữu rất vui khi có một sư em tỳ kheo nói rằng: “Sư em thích tham dự những buổi họp vì khi họp sư em cảm được sự hòa hợp của đại chúng, và khi đưa tới một quyết định thì đó là quyết định chung. Lúc đó mới thấy mình là một cơ thể”.

BBT: Chúng con kính cảm ơn thầy đã chia sẻ hết lòng những kinh nghiệm rất quý mà thầy đã và đang đi qua.

Con làm trụ trì giúp Thầy đi

Mấy năm trước, sư cô cựu trụ trì chùa Cam Lộ, xóm Hạ muốn nghỉ ngơi và tìm người thay thế. Sư cô nhờ tôi đảm trách công việc này nhưng tôi đã từ chối. Tôi có thể làm bất cứ công việc gì sư cô nhờ, nhưng gánh vác trách nhiệm này thì không. Có rất nhiều lý do khiến tôi không thích làm. Thứ nhất là không muốn mọi người đòi hỏi mình, thứ hai tôi không muốn bận rộn, làm trụ  trì bận rộn lắm. Đã bảo: “Phụng sự chúng sanh  là cúng dường chư Bụt” mà cứ thích thảnh thơi. Cũng lạ thật! Tôi thích làm một người tu có nhiều tự do và thảnh thơi. Vì thế mà tôi không muốn nhận lãnh trách nhiệm này, mặc dù vẫn thương yêu, quý kính sư cô cựu trụ trì rất nhiều.

Thầy cũng thường để ý xem tôi có sẵn sàng chưa. Tết năm ấy Thầy gọi tôi lên bói Kiều, tôi viện lý do rồi trốn. Sau đó, Thầy bảo một sư em là Thầy muốn xem thử tôi đã sẵn sàng chưa. Tôi bảo: “Em nhớ nói với Thầy là chị không sẵn sàng nhé”. Tôi muốn giúp đại chúng, giúp sư cô cựu trụ trì hết lòng bằng khả năng của mình, nhưng không muốn nhận lãnh trách nhiệm trụ trì nên cứ phải để sư cô nói hoài.

Rồi một ngày vào đông nọ, tôi dâng cơm hầu Thầy ở thất Ngồi Yên, xóm Thượng. Mấy Thầy trò dùng cơm với nhau rất ấm cúng mặc cho bên ngoài trời giá lạnh. Hôm ấy có cả sư cô Như Quang nữa. Ăn xong, Thầy bảo tôi: “Con làm  trụ trì giúp Thầy đi. Con làm được mà”. Ôi, nghe nói “làm giúp Thầy đi” là thấy lòng mình chùng xuống rồi. Thương quá! Nhưng tôi vẫn thấy mình không có khả năng, tôi lắc đầu lia lịa: “Dạ không được”.

Thầy vẫn để yên cho tôi tung tăng trong cái không gian của mình. Những gì cần mà làm được thì  tôi làm. Tự do thoải mái, hạnh phúc bình yên. Tôi thấy trời đất thật thênh thang. Thế rồi, những tháng trước khi Thầy bệnh, như tiên đoán được điều ấy, Thầy viết một bức thư cho đại chúng, xin lấy quyền của tỳ kheo và tỳ kheo ni để làm vài quyết định trong vòng vài tháng. Thường thì Thầy để cho hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni làm quyết định hết mọi chuyện, khi nào có khó khăn không giải quyết được thì tham vấn, xin Thầy chỉ dạy.

Thầy làm những quyết định đổi người đi các trung tâm. Ai cũng hồi hộp không biết khi nào thì đến lượt mình. Không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, đến trung tâm nào…? Bình thường, khi Thầy nói, Thầy khuyên, mình còn kèo nài nấn ná, nhưng khi Thầy đã ra thông cáo bằng văn bản rồi thì phải thi hành, không ai có thể từ chối, nấn ná hay cựa quậy chi được cả.

Ngày đã đến. Giờ đã điểm. Ấy là ngày quán niệm bốn chúng tại xóm Hạ, trong giờ ăn cơm quả đường, thầy Pháp Đăng thay mặt Thầy và đại chúng đọc quyết định của Thầy đề cử tôi làm trụ trì xóm Hạ. Trưa đó tôi đau tim và đau bao tử quá không thể ăn cơm được. Người tôi run lên, mặt mày tái xám. Tôi có cảm giác như mình bị một tội lỗi gì lớn lắm vậy và phải tu thêm. Vì tôi nghĩ làm trụ trì thì sẽ chịu sự đòi hỏi rất nhiều. Trong tình thế đó, tôi không thể từ chối được. Cái uy lực và đức độ của Thầy lớn quá, tôi không thể không vâng lời. Thế rồi sau mấy ngày nằm bẹp trên giường, tôi ngồi dậy, đi lạy Bụt, cầu nguyện chư Bụt gia hộ cho tôi có đủ sức khỏe, có đủ khả năng… để làm công việc này giúp Thầy, giúp đại chúng. Khoảng hai tháng sau, Thầy ngã bệnh, mình chưa có cơ hội được ‘nhõng nhẽo’ hay than van với Thầy một lời nào, hay được nghe Thầy dạy về cách làm trụ trì. Khi Thầy bệnh nặng, tưởng như không qua khỏi, ngồi bên giường bệnh của Thầy, tôi cầu nguyện: “Cầu nguyện chư Bụt gia hộ cho Thầy qua khỏi cơn bệnh này, rồi làm gì con cũng làm hết, con sẽ làm một sư cô trụ trì hết lòng cho Thầy”.

Tôi bắt đầu làm trụ trì trong thời gian có nhiều biến chuyển như thế. Thầy bệnh nặng, ai cũng lo lắng và đau lòng, nhiều người bất an, nhiều thứ xảy ra. Chưa nói là thay đổi trụ trì cũng là một vấn đề lớn của đại chúng. Đại chúng đã quen với sư cô cựu trụ trì, người có nhiều kinh nghiệm và tuệ giác, người có nhiều tình thương ngọt ngào, có tuổi tác như một người mẹ chăm lo cho đàn con của mình, nên cũng khó để chấp nhận một trụ trì mới chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ tình thương và tuệ giác, và đặc biệt là chưa có chất làm mẹ như tôi. Ý thức được điều đó nên tôi không đòi hỏi các chị em phải chấp nhận mình, tôi chỉ thấy thương đại chúng đang đi qua giai đoạn chuyển mình. Bên cạnh tôi luôn có nhiều chị em yểm trợ hết lòng, dù âm thầm, dù xa dù gần. Cái tình ấy thật đẹp, là chất liệu nuôi dưỡng tôi đến ngày hôm nay. Sau nhiều tháng loay hoay với vị trí mới của mình, tôi nguyện làm một sư cô trụ trì hạnh phúc, sống thật nhẹ nhàng, thảnh thơi, có nhiều không gian tự do để gây cảm hứng cho nhiều người, để ai cũng có cảm hứng làm trụ trì giúp Thầy.

Muốn cho người khác hạnh phúc, trước tiên mình phải có hạnh phúc. Không có hạnh phúc làm sao mình có thể đem hạnh phúc đến cho người khác được. Làm sao mình có thể chia sẻ cho mọi người sống nhẹ nhàng, thảnh thơi trong khi mình lại sống hấp tấp, vội vàng? Làm sao mình chia sẻ với mọi người sống cho hạnh phúc trong khi mình  lại có nhiều khổ đau? Tôi tập buông bỏ để sống nhẹ nhàng, thảnh thơi, thật bình an và hạnh phúc. Đó cũng là một lời nguyện, không phải một năm, năm năm, mười năm hay chỉ trong khoảng thời gian làm trụ trì mà là nguyện ước cho cả đời tu của tôi. Viết lời khấn nguyện đầu năm, tôi cũng nguyện như thế. Làm trụ trì cũng giống như làm một người cha, một người mẹ, một thầy giáo, cô giáo, một bác sĩ, một nhà tâm lý trị liệu, một nhà quản lý, hay chỉ đơn giản là một người em, người chị, người bạn,… đem lại sự hòa ái, hạnh phúc cho mọi người. Ai lại không muốn con mình, em mình, học sinh mình, nhân viên mình có bình an, hạnh phúc, có hiểu biết, thương yêu, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp! Tôi cũng muốn xây dựng một đại chúng như thế, không phải với tính cách của một nhà quản lý mà với tính cách của một sư cô hạnh phúc.

Mình muốn người khác như thế nào, xã hội như thế nào, thế giới như thế nào thì mình phải sống như thế đó. Mình muốn xây dựng đại chúng như thế nào? Hết lòng, nhiệt tình, không so đo tính toán, không vướng bận lo âu, việc gì cần thì làm, không cần thì nghỉ, không tự hào mà cũng không mặc cảm tự ti, thường xuyên trở về với chính mình để chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần. Sống cho lành mạnh an vui, hài hòa và hạnh phúc, biết cảm thông, thương yêu và tha thứ. Tôi cũng đang tập sống như thế.

Tập sống cho thảnh thơi trong khi có nhiều công việc, tập buông bỏ ý kiến và nhận thức cho thật sự có tự do. Làm hết lòng mà đừng vướng bận, có thể buông bất cứ lúc nào, không nắm giữ, không hối tiếc. Biết trở về với mình để trau dồi những đức tính đẹp, biết dừng lại, buông thư để trị liệu những đau nhức trong thân tâm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiều khi không dễ thực hiện. Đôi khi, tôi cũng hấp tấp vội vàng, cũng căng thẳng lo âu. Thế nhưng tôi không nhận những ánh mắt đòi hỏi: sao sư cô lại còn hấp tấp vội vàng, sao sư cô không bước cho nhẹ nhàng thảnh thơi, mà tôi lại nhận được những ánh mắt cảm thông, hiểu thương và tha thứ, rằng sư cô nhiều việc quá.

Nhiều lúc thấy mình vụng về quá, tự nhiên miệng tôi lại lẩm nhẩm: “Thầy chọn nhầm người rồi”. Nhưng mỗi lần cái ý nghĩ ấy đi lên, tôi lại thấy áy náy rằng mình xem thường cái thấy, xem thường tuệ giác của Thầy. Thế rồi tôi lại sám hối với Thầy trong tự tâm. Hôm soi sáng cho mùa an cư, có một sư em nói: “Con cám ơn Thầy đã chọn sư  cô làm sư cô trụ trì cho chúng con…”. Tôi thấy xúc động và thấy có lỗi với Thầy vì mình cứ bảo Thầy chọn nhầm người. Tự nhiên nhớ Thầy muốn khóc.

Tôi biết là Thầy tin cậy mình, sư cô cựu trụ trì tin cậy mình, đại chúng tin cậy mình nên mới giao cho mình trách nhiệm này. Kỳ thực, tôi không thích nhưng lại không muốn biến mình thành kẻ vô ơn, bạc nghĩa. Tôi tập đón nhận trách nhiệm của mình một cách trân quý như đang đón nhận một món quà quý của Thầy trao tặng. Tôi tập buông xuống cái thích và không thích để nuôi dưỡng niềm biết ơn, để xây dựng đại chúng, xây dựng nơi này hết lòng.

Tôi rất ấn tượng mỗi khi đọc đến đoạn: “Nơi nào Bụt đi qua cũng trở thành thánh địa” trong Sám pháp địa xúc. Mỗi lần đọc đến đây, tôi lại thấy xúc động và muốn đóng góp xây dựng những nơi mình đang ở cũng trở thành thánh địa. Các sư chị, sư em tôi cũng đang làm công việc ấy. Khắp nơi quanh xóm, đâu đâu cũng thấy những bàn tay khéo léo, đầy thương yêu chăm sóc, đâu đâu cũng có những tấm lòng đóng góp xây dựng cho đời sống của đại chúng mỗi ngày mỗi hạnh phúc, an vui và phẩm chất luôn được nâng cao.

Sống đẹp thì sẽ có tiếp nối đẹp. Tôi nhớ trước khi đi ngủ, lúc nào sư em Huyền Không cũng sắp xếp những đôi dép đi trong nhà ngay hàng thẳng lối, bây giờ sư em đi rồi, nhưng sáng nào thức dậy tôi cũng thấy những đôi dép được xếp rất ngay ngắn và có chánh niệm, mặc dù tôi chưa nhận ra ai là người tiếp nối sư em Huyền Không, ai là người tiếp nối mật hạnh của tôn giả La Hầu La. Mỗi lần nhìn những đôi dép được sắp xếp ngay ngắn ấy tôi lại thấy vui, lòng rộn lên một niềm mến phục và biết ơn. Tôi thấy rất hạnh phúc.

Mấy năm trước, Thầy có viết thư pháp: “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Một thầy, một sư cô, sư chú có hạnh phúc cũng sẽ làm thay đổi thế giới. Đạo Bụt đã và đang đi vào cuộc đời. Biết bao nhiêu người đang đến đây tu học, họ là những nhà giáo dục, bác sĩ, kỹ sư, là nhà tâm lý trị liệu, là những nhà quản lý,… Họ sẽ gây ảnh hướng lớn đến những người chung quanh và xã hội. Các bạn ở ngoài đó, tôi ở trong này, chúng ta hãy cùng nắm tay nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc, lành mạnh để có thể thay đổi thế giới bằng khả năng và hạnh phúc của chính mình. Chúc các bạn và tôi thành công. Đạo Bụt đang đi vào cuộc đời bằng sự sống của chính mình.

Chân Hội Nghiêm

Góc mới

Lại một góc mới nữa mở ra một cách thân quen. Vẫn vậy! Cứ mỗi lần chuyển đến một nơi ở mới, điều đầu tiên tôi làm cho mình là kiến tạo một góc nhỏ bình yên. Đó là nơi tôi về với mình mỗi sớm mai thức dậy để tri ân những nhiệm mầu của cuộc sống; nơi tôi có mặt cho những riêng tư để hiểu để thương chính mình; mà cũng là nơi tôi lặng về với những khoảnh khắc tiễn đưa một ngày đi qua để nhìn lại, làm mới bản thân và hứa hẹn cho một ngày mới lý tưởng. Đi đến đâu tôi cũng mang theo bên mình một góc mới – một trú xứ an bình không thể thiếu trong cuộc đời xuất sĩ của mình. Nếu có ai hỏi: “Sống và đi qua thật nhiều trung tâm – từ Bát Nhã, đến Diệu Nghiêm, qua xóm Hạ, lên thiền đường Hơi Thở Nhẹ, rồi về xóm Mới, ở Thái Lan, nay lại có mặt ở Việt Nam, vậy thì nơi nào là nơi tôi gắn bó và yêu thích nhất?’’. Tôi sẽ trả lời một cách chân thành rằng: “Nơi mà tôi gắn bó và yêu thích chính là những góc mới này’’. Tôi đã được nuôi dưỡng, chở che, ôm ấp; tôi đã được trị liệu, chuyển hóa, lớn lên và mạnh mẽ hơn từ nơi này. Giờ phút này tôi đang ngồi nơi góc mới để viết xuống những tâm tư, vài trải nghiệm và cảm nhận của mình. Thật vui!

Đặt chân đến Tuệ Uyển, lòng tôi thật hân hoan vì có quá nhiều những đổi mới. Nhìn đâu tôi cũng tiếp xúc được với những tấm lòng, những bàn tay xây dựng – con đường lát đá, hai hàng cau chạy dài từ cổng chùa vào tới cư xá thật có duyên; nhà bếp, nhà vệ sinh, các khu hành lang đều được sửa chữa khang trang, sạch và đẹp hơn. Hai năm về trước, tôi đã từng sống nơi đây hơn 6 tháng, nên đứng trước những đổi thay này, tôi thật sự xúc động và mừng vui. Niềm biết ơn thắp sáng, niềm hạnh phúc rõ ràng, tôi thật sự trở về trong niềm an vui sâu sắc.
Tuệ Uyển nơi tôi về, một không gian tĩnh lặng và bình yên. Chùa thưa người nên thế! Chỉ có vỏn vẹn bảy tám chị em xuất sĩ cùng với chín em tập sự sum vầy trong ngôi chùa nhỏ này. Tôi thấy ấm lòng ngay sau buổi đầu tiên đến đây. Rời khung trời Làng Mai Thái Lan có đến gần 200 người, mà về nơi đây chỉ có chưa đến 20 người, vậy mà trong tôi không có một cảm giác hụt hẫng nào, vì rằng ở đây tôi vẫn bắt gặp năng lượng tu học hùng tráng, vẫn được nuôi dưỡng bởi pháp vị của Tăng thân và của chính mình. Các em tập sự với tâm ban đầu mạnh mẽ, chăm tu, chăm học, còn các sư chị thì sự tu học thể hiện tâm bồ đề kiên cố qua hơn 10, 11 năm tu tập. Tôi thả mình một cách chân thật, tự nhiên và bình thản vào lòng tăng thân.
Những buổi sáng được quét lá sân chùa, tiếng chổi cho tôi thật nhiều hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại. Và cũng từng giây phút đó, với nụ cười và hơi thở đều đặn thân quen, tôi được mời về với những ngày tháng đầu tôi tập sự làm người xuất sĩ. Tiếng chổi đưa tôi về với con đường từ tháp chuông Rừng Phương Bối đi xuống Bếp Lửa Hồng, với khoảnh khắc tôi nâng tròn chánh niệm trong từng tiếng chổi và hành động quét lá.
“Siêng năng quét đất Bụt
Cây tuệ nẩy mầm xanh” (Thi kệ Sư Ông)
Tôi mỉm cười. Mới đó mà đã 11 năm qua rồi! Tôi đã lớn. May quá tôi vẫn còn siêng năng quét đất Bụt. Hoa tuệ tôi đã nở và đang nở trong vườn tâm, dù chưa nhiều lắm nhưng đủ để giữ gìn hạnh phúc, đủ để nuôi lớn niềm tin trong lòng, giúp tôi sống và trân quý con đường tôi đang đi.
Những hoài niệm trong trẻo, ngây ngô của thời tập sự, sa di, những ngày tháng ở thiên đường Bát Nhã nối nhau tràn về hạnh phúc. Chuỗi ngày tháng ban đầu ấy đẹp thật! Bao nhiêu hình ảnh còn lưu lại sâu sắc, thân thương. Hình ảnh của mỗi buổi sáng họp chúng vui vẻ trước cư xá Liễu Xanh, chị em cùng hát, cùng cười, vui khi được nhắc nhở – bài ca muôn thuở vẫn là để dép và phơi áo quần cho ngay ngắn, thực tập im lặng cho nghiêm chỉnh và các điểm uy nghi còn thiếu sót khác,… Hầu như hôm nào cũng có người mới ra trình diện. Ai cũng phải trải qua khoảnh khắc bối rối khi ra mắt đại chúng với hơn 150 đôi mắt hướng về mình, sẵn sàng cười với những câu nói vụng về, ngây ngô. Những tiếng cười thân thương ấy là vòng tay đón nhận, ôm ấp, nâng đỡ và bao dung. Thời sa di ấy tình huynh đệ cao vút, tâm bồ đề mạnh mẽ như không sợ bất cứ một chướng ngại nào, chỉ quyết một lòng đi tới. Tôi chợt vui mừng khi thấy mình đang được tiếp nối nơi bóng dáng các em tập sự nơi đây. Dòng chảy của Tăng thân vẫn đang tiếp tục, Bát Nhã đã hóa thân khắp chốn, tôi mỉm cười trân trọng dòng thời gian và lịch sử nối dài.
Thời gian đi qua, những đổi thay đã rèn luyện tôi, tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều trong từng hành xử, tư duy, tôi đơn giản hơn với cái nội tâm vốn dĩ phức tạp của mình.Tôi tự nhiên là mình với những gì tốt đẹp và cả những vụng về, khiếm khuyết vẫn đang còn đó. Tuệ Uyển, Trạm Tịch nơi tôi trở về với quê hương Việt Nam yêu thương. Tôi vẫn còn đây nguyên vẹn một tấm lòng, sẵn sàng đôi bàn tay hiến tặng. Dù rằng điều kiện ở đây còn nhiều hạn chế, nhưng lửa vẫn còn chờ khơi lại bếp lửa hồng năm xưa.
Thầy vẫn còn đó là chỗ dựa tinh thần vững chãi, cùng tăng thân tôi không có chi ngần ngại. Bạn lành đang có mặt khắp nơi yểm trợ, nâng đỡ, bảo bọc và đang cùng chúng tôi đi về tương lai. Bài hát Về Giữa Đất Trời với lời thơ sư cô Đức Nguyên và tôi viết, được hát lên trong trẻo niềm tin yêu. Con đường tu học, con đường dựng xây và phụng sự vẫn đầy hiểu thương và hạnh phúc. Tôi thấy mình và bạn bè đang vui giữa đất trời lặng yên ươm nắng.

Về Giữa Đất Trời

    Sư cô Đức Nguyên
    Sư cô Tuyết Nghiêm

Ta ở giữa đất trời

Ươm nắng hồng tinh khôi

Cho tim người ấm lại
Cho nụ cười thêm tươi
Ta ở giữa đất trời
Buồn vui một cuộc chơi
Gió thu sao vội tới
Lá rụng hoài không thôi
Ta ở giữa đất trời
Lặng yên một mình thôi
Đường này ta làm bạn
Bước này ta dạo chơi

ĐK:
Xuân đã về đây giữa đất trời
Ý xuân thêm thắm, cảnh thêm tươi
Ai hay nữ sĩ vui ngày mới
Thắm cả hồn thơ, thắm nụ cười
Ta về giữa đất trời
Trạm Tịch từng ngày vui
Nghĩa ân tròn nhịp thở
Hiểu thương hiến tặng người
Ta về giữa đất trời
Tuệ Uyển lòng tươi mới
Thương đời và thương đạo
Bạn lành khắp nơi nơi.

Gọi tên bốn mùa

Bốn mùa của hương sắc
Bốn mùa của vị thơm
Bốn mùa thay áo mới
Bốn mùa cứ xoay tròn
 
Bốn mùa của tĩnh tại
Bốn mùa của bình an
Hay bốn mùa hệ lụy
Hay bốn mùa đêm dài
 
Bốn mùa luôn có đó
Vì tôi luôn có đây
Bốn mùa luôn luôn hỏi
Bốn mùa luôn trả lời
 
Sáng nay, trời thay áo
Tuyết phủ đêm đông dài
Đưa tay vốc một nắm
Nấu trà cho ngày mai
 
Tuyết biến thành hồ thu
Trong veo không một dấu
Nước kéo thành mây bay
Lơ lửng giữa xuân này
 
Bã trà trong hai tay
Xin gieo vào lòng đất
Một chồi hoa bất diệt
Của tình thương ngọt ngào
 
Của tình thương dung chứa
Của tình thương lên cao
Của tình thương mời gọi
Của tình thương vẫy chào.