Thiết kế Tăng Thân

Tự nuôi dưỡng mình là nuôi dưỡng tăng thân

Sáng nay, khi ngồi thiền, thầy đã quán tưởng về hình ảnh một tế bào trong tăng thân. Thầy thấy mình là một phần của tăng thân, mình chịu trách nhiệm về sự an toàn, sự hài hòa, hay sự bất an của tăng thân. Thầy thấy rất rõ rằng tự nuôi dưỡng mình cũng là đang nuôi dưỡng tăng thân. Giờ phút nào mà mình tự nuôi dưỡng được mình bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười, bằng sự vững chãi, bằng sự thảnh thơi thì giờ phút đó mình đang nuôi dưỡng tăng thân. Và chừng nào mình không tự nuôi dưỡng mình được thì tăng thân cũng không được nuôi dưỡng, tăng thân bị bỏ đói.

Thầy cũng thấy rằng khi nào mình có tình thương, mình chăm sóc, mình nuôi dưỡng tăng thân thì tuy là mình không có ý muốn nuôi dưỡng mình mà kỳ thực lúc đó mình cũng đang được nuôi dưỡng. Chẳng hạn khi thấy một sư anh, sư chị hay sư em đang có vấn đề mà mình khởi lòng lân mẫn để tìm tới, và bằng thân hoặc bằng lời, mình chăm sóc cho người đó, thì tuy rằng mình đang nuôi dưỡng tăng thân mà kỳ thực mình cũng đang nuôi dưỡng mình. Tự nuôi dưỡng mình tức là nuôi dưỡng tăng thân, và nếu mình đang nuôi dưỡng tăng thân thì đồng thời mình cũng đang nuôi dưỡng chính mình. Giữa hai cái đó không có sự phân biệt, vì vậy mình có thể thấy được tính vô ngã một cách rất rõ ràng.

Thầy cũng thấy rằng khi mình không thật sự ở trong tăng thân, khi lòng mình không phải là lòng của tăng thân thì mình không phải là dòng sông mà chỉ là một giọt nước, và mình sẽ thấy bơ vơ, lạc lõng trong tăng thân. Tuy mình đang ở trong tăng thân nhưng kỳ thực mình không ở trong tăng thân. Mình đang nghĩ tới một tương lai riêng, một sự nghiệp riêng, không dính líu tới tương lai và sự nghiệp chung của tăng thân, vì vậy mình không nuôi dưỡng được mình và mình cũng không nuôi dưỡng được tăng thân. Trong trường hợp đó, sự có mặt của mình trong tăng thân chỉ có tính hình thức và không thể nào kéo dài được, thế nào mình cũng sẽ bị văng ra. Mình không nhận được chất dinh dưỡng từ tăng thân và mình cũng không có khả năng nuôi dưỡng tăng thân. Sự có mặt của mình chỉ là một sự có mặt hình thức.

Tuệ giác tập thể – phép lạ của tăng thân

Khi nhìn vào một cơ thể, chúng ta thấy trong cơ thể có nhiều tế bào, và mỗi tế bào có thể là một cái ngã riêng. Tế bào này không phải là tế bào khác, tế bào não không phải là tế bào phổi, tế bào ruột không phải là tế bào gan, tế bào gan không phải là tế bào tim, tế bào tim không phải là tế bào não.Thoạt nhìn, các tế bào có sự khác nhau, có sự phân biệt, có tên gọi riêng. Nhưng nhìn kỹ thì tất cả tế bào trong cơ thể có chung một trí tuệ: Chúng làm việc hài hòa với nhau, nuôi dưỡng nhau và nuôi dưỡng cơ thể. Khi có vi khuẩn đột nhập vào cơ thể thì không phải là bộ óc hay tư tưởng ra lệnh chống cự, mà trong cơ thể có một phản ứng rất tự nhiên. Khi đó, cơ thể tự động tạo ra những kháng thể (anti-body) và kéo tới bao quanh con vi khuẩn mới xâm nhập, không để cho nó sinh sôi nảy nở và đi vào cơ thể, cho đến khi con vi khuẩn đó không hoạt động gì được và biến thành chất protein nuôi cơ thể. Không ai ra lệnh cho cơ thể làm điều đó. Cơ thể tự động biết phải làm gì, rất là mầu nhiệm.

Trong cơ thể không có một tế bào nào đóng vai trò chỉ huy để ra lệnh các tế bào khác. Không có một ông vua, một bà hoàng hay một tổng thống trong cơ thể. Ngay trong bộ não của mình cũng vậy, không có tế bào não nào làm lãnh đạo, và sự hài hòa, thông thương giữa những tế bào tạo ra một loại trí tuệ. Nhờ trí tuệ đó mà cơ thể biết cần phải làm gì để đối phó với những bất trắc xảy ra.

Trong một tổ ong, chúng ta nói tới con ong chúa, và chúng ta có thể nghĩ một cách sai lầm rằng con ong chúa điều động hết tất cả mọi việc trong tổ ong. Điều đó không đúng. Ong chúa không làm gì hết, ong chúa chỉ đẻ mà thôi. Tất cả các con ong trong tổ ong sống một cách rất hòa hợp, giống như những tế bào trong cùng một cơ thể. Chúng nâng đỡ nhau, đưa đường chỉ lối cho nhau tìm tới những chỗ nào có nhiều hoa để lấy mật. Sự thật là trong thiên nhiên, mình cũng không thấy một vị chúa tể, một vị lãnh đạo.

Ngày xưa đức Thế Tôn đã thấy được điều đó. Ngài đã không đóng vai trò của một người lãnh đạo mà chỉ đóng vai trò một thành phần của tăng thân, một thành phần có tuệ giác, có thương yêu. Khi Ngài lớn tuổi, có nhiều thầy hỏi rằng sau khi đức Thế Tôn nhập diệt thì ai là người thay thế đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trả lời rằng Ngài chẳng cần ai thay thế, và Ngài chưa bao giờ chỉ định một người thay thế. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ như nhau, và chúng ta phải vận hành như một cơ thể.

Những phương pháp sinh hoạt theo giới luật đã phản chiếu được tinh thần đó. Tất cả các quyết định đều do pháp Tăng già yết ma tạo ra, và tất cả thành viên của tăng thân đều phải nương theo quyết định của pháp yết ma ấy mà hành trì. Khi các thành phần của tăng thân ngồi lại, tăng thân có cơ hội truyền thông với nhau, và trong sự thực tập truyền thông đó, tuệ giác tập thể được phát sinh. Tuệ giác tập thể đó chính là yếu tố chỉ đạo chứ không phải là sự chỉ đạo của một người. Có thể trong tăng thân có những người thông minh hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn những người khác, nhưng không phải vì vậy mà những người đó lãnh đạo những thành phần khác. Những người thông minh, có nhiều kinh nghiệm đó cũng là những thành phần của tăng thân và họ đóng góp trí thông minh cũng như kinh nghiệm của họ cho tăng thân. Những thành phần khác của tăng thân cũng có người thông minh và có kinh nghiệm. Sự góp lại của những thông minh và kinh nghiệm đó trở thành tuệ giác chung. Chính tuệ giác chung đóng vai trò lãnh đạo tăng thân, chứ không phải là cá nhân.

Khi tăng thân ngồi chung để cùng quán chiếu và khám phá ra tuệ giác cần thiết, đó không phải là sự cộng lại của những kinh nghiệm hay những cái thấy của từng người. Tuệ giác tập thể không phải là một phép tính cộng. Anh có hai phần tuệ giác, tôi có một phần tuệ giác, hai cái đó cộng lại thành ba, không phải như vậy. Mỗi người trong khi làm vườn, tưới rau… đều có những cái thấy mà tăng thân cần đến để xây dựng tăng thân. Nhưng khi chúng ta họp lại, không phải là chúng ta góp nhặt những cái thấy riêng để làm thành một cái thấy chung. Không phải như vậy! Không phải đem cộng cái này với cái khác để thành cái thấy chung. Tại vì nhiều khi có những cái thấy rất khác nhau, đứng về phương diện hình thức thì nó chống trái nhau, nếu cộng chung lại thì thành một mớ hổ lốn rất lộn xộn.

Khi tăng thân họp lại, với niệm và định, sẽ xảy ra rất nhiều điều bất ngờ. Tuệ giác tập thể sẽ sinh ra những cái thấy mà không cá nhân nào có được. Đó là tài ba của tăng thân. Khi một cá nhân đưa ra cái thấy của mình thì phải ý thức rằng những người khác trong tăng thân đều có cái thấy riêng của họ, cái thấy của mình sẽ tới với cái thấy của họ, và sự va chạm đó làm nứt rạn cái thấy của mọi người. Cái thấy của mọi người đi qua một quá trình gọi là hóa thân (métamorphose), được thoát xác và đi lên. Chính mình cũng vậy, sau khi đã nói ra cái thấy của mình, đã tạo ra sự rúng động, nứt rạn trong cái thấy của người khác thì khi mình nghe một người khác nói ra cái thấy của họ, chính cái thấy của mình cũng bị va chạm, cũng bị nứt rạn. Khi ấy mình thoát ra được cái thấy của mình và đi tới một cái thấy cao hơn. Vì vậy trong buổi họp của tăng thân, điều mầu nhiệm có thể xảy ra, nhưng đó không phải là sự góp nhặt của tất cả những cái thấy, mà đó là làm cho một cái thấy siêu việt được thoát hình. Cái thấy đó thực sự là cái thấy của tăng thân, chứ không phải là cái thấy của từng người, hoặc gom góp tất cả cái thấy của mọi người. Cũng như trong vật lý nguyên tử, khi một chất điểm va chạm với một chất điểm khác sẽ tạo ra một chất điểm mới, cái đó gọi là sự va chạm giữa các chất điểm (collision between particles). Chỉ có trong những buổi gặp gỡ của tăng thân, với tinh thần mà trong truyền thống gọi là kiến hòa đồng giải, thì mới có thể xảy ra phép lạ đó mà thôi.

Tăng thân – một sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng

Tăng thân là gì? Tăng thân là một sáng tạo phẩm của tâm ta, một sáng tạo phẩm chung của tất cả chúng ta. Tăng thân đó hùng tráng hay không, hạnh phúc hay không là do chúng ta. Vì vậy chúng ta phải có bổn phận sáng tạo và thiết kế một tăng thân cho thập đẹp, thật hùng, thật sáng. Bổn phận thiết kế, sáng tạo đó là bổn phận của mỗi người trong tăng thân, dù người ấy đang còn rất trẻ. Thiết kế tăng thân là công việc của chúng ta! Đức Thế Tôn dạy: “Tâm là họa sư”, họa sư có thể họa ra được tất cả mọi cái mà người ấy muốn. Tăng thân là một tác phẩm mà tâm ta sáng tạo, thiết kế. Chúng ta đã có những phương pháp thiết kế được trao truyền từ truyền thống và chúng ta phải tiếp tục sáng tạo thêm.

Thầy đã tham dự những buổi họp của tăng thân để thiết kế các khóa tu. Thầy đã ngồi như vậy ở xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới, xóm Vững Chãi… và thầy thấy tăng thân làm việc rất đẹp. Có một cái bảng rất lớn và một người phụ trách viết bảng, trong buổi họp, từng người trong tăng thân đưa ra cái thấy của mình. Những cái thấy đó được ghi lên bảng, rồi những cái thấy khác tới và làm thay đổi cái thấy ấy. Khi ấy, những cái đã được viết trên bảng được xóa đi và được thay bằng những cái thấy mới. Nhưng không có nghĩa là cái thấy mới ấy sẽ đứng yên hoài cho tới cuối buổi họp, tại vì sau đó còn có thể có những cái thấy khác cao hơn, tốt hơn, sáng hơn. Rồi thì vị ghi bảng phải lấy khăn lau đi những cái đã viết lên bảng lần thứ ba, thứ tư ấy và từ từ như vậy, buổi họp đi tới một cái thấy chung của tăng thân và cái thấy đó giúp cho tăng thân thiết kế được khóa tu như là tăng thân thấy. Chúng ta đã làm như vậy, chúng ta đang làm như vậy và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy. Càng ngày chúng ta sẽ càng làm hay hơn. Cho dù là một người thông minh, một người có kinh nghiệm, ta không thể nào tự mình thiết kế một khóa tu. Muốn thiết kế một khóa tu, ta phải nương vào tuệ giác của tăng thân.

Sống và thực tập như một cơ thể

Là những tế bào của cơ thể tăng thân, mỗi người trong chúng ta đều có một phận sự, đều có một niềm vui để đóng góp vào hạnh phúc, vào sự vững chãi của tăng thân, cũng như vào sự thành tựu ý nguyện của tăng thân. Sự thật là nếu chúng ta không sống được như một cơ thể tăng thân đích thực thì chúng ta không đi xa được trong sự nghiệp chuyển hóa tự thân, xây dựng tăng thân và phụng sự xã hội.

Tăng thân của chúng ta không phải là một trường đại học, nơi mà người ta tới ở một thời gian bốn năm, năm năm, sáu năm để được đào tạo, rồi sau đó mỗi người đi một phương để làm sự nghiệp riêng, để lo một tương lai riêng. Nếu chúng ta thiết kế một tăng thân như vậy thì chúng ta không đi xa được.

Chúng ta phải làm như thế nào để tăng thân trở thành một cơ thể, để chúng ta tiếp tục được nuôi dưỡng và ta cũng nuôi dưỡng được những người anh, người chị, người em của chúng ta. Nếu chúng ta có thể làm nên lịch sử, có thể nối tiếp được sự nghiệp cao quý của đức Như Lai là do chúng ta có thể sống, có thể thực tập được như một cơ thể tăng thân. Sống và thực tập như vậy, chúng ta thực hiện được những điều mà đức Thế Tôn mong ước, đó là vượt thoát cái vỏ bản ngã. Thực chứng được vô ngã là đạt tới tuệ giác, là hạnh phúc lớn nhất của người tu.

Tập thấy, tập hiểu những khổ đau của sư anh, sư chị, sư em của mình và giúp chữa trị những vết thương ấy, giúp cho người đó cười lên được, vui lên được, đó không phải là chuyện độ đời, giúp người, mà là chuyện đem lại hạnh phúc cho chính mình, chuyển hóa chính mình. Mình làm được như vậy là vì mình đã thấy được tính vô ngã của mình và những thành phần khác của tăng thân. Chính nhờ xây dựng tăng thân mà ta diệt trừ được ngã chấp. Đứng trên cái ngã riêng để diệt trừ ngã chấp thì không bao giờ chúng ta diệt trừ được ngã chấp.

Nếu chúng ta có những buổi pháp đàm trong khóa tu, chúng ta nên đề cập tới đề tài: “Thiết kế, nuôi dưỡng và làm mới tăng thân”, nghĩa là làm thế nào để sống cuộc sống hàng ngày, để tu tập và xây dựng tăng thân, để làm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và thương yêu trong ta với tư cách một cơ thể và bằng tuệ giác của một cơ thể, của một dòng sông.

 

Tình quê

Sống tình quê Bụt đản sinh
Việt Nam thương hiểu quê mình xưa nay
Con đường Bát chánh này đây
Là sống giáo dục gia tài tổ tiên
Từng giây tỉnh thức tinh chuyên
Mỗi giây rồi mỗi nối liền mọi nơi
Thường nhiên vật đổi sao dời
Người người rạng rỡ nụ cười tuổi xuân
Tình quê bát ngát xa trông
Buồn vui miên mật đơn thuần nhận ra
Đêm trường trăng sáng gần xa
Mang hương lúa mới nhà nhà nâng niu
Cơm thơm quyện khói lam chiều
Đêm ngày để ngõ dập dìu gió mây
Thở cười lên xuống nơi đây
Thảnh thơi dạo bước đong đầy hiểu thương
Nghe sâu bao nỗi đoạn trường
Tình am mây ngủ tỏ tường nhiêu khê
Tầm tay thanh thảnh tới về
Hoa thơm trái ngọt đề huề rong chơi
Xin cho chín chục triệu người
An nhiên giáo dục ca lời tình quê
Tình quê mầu nhiệm tình quê
Tình quê chim hót vọng về triều dâng
Tình quê đâu lại tìm đâu?
Tình quê nếp sống là nhau khắp cùng
Tình quê vô thỉ vô chung
Mà luôn biểu hiện trong dòng sát na
Rõ ràng hơi thở vào ra
Sạch làu ta với không ta hiện tiền
Việt Nam tâm địa vô biên
Sống giáo dục, Bụt mọi miền đản sinh
Sen sen biểu hiện đầm sen
Bùn ở đó sen mãn nguyền trao hương.
 
(Cúng dường Phật Đản 2558)
Pakchong 25.02.2014
 

Con đường tự do

Bạn trẻ thân mến,

Cuộc đời có nhiều nẻo, nhiều đường, nó thật phức tạp, khó chọn lựa, khó hiểu hết mỗi ngõ ngách, cho nên bạn có sự băn khoăn, lưỡng lự, nghi vấn, có lúc ngờ vực khi phải lựa chọn cho mình một con đường. Tuổi mới lớn, trong lòng tràn đầy năng lượng, ước mơ, hy vọng, bạn nào cũng muốn chọn cho mình một con đường đẹp, lý tưởng, có ý nghĩa, đem lại hạnh phúc cho mình, cho người thân và cho cuộc đời. Nhưng khi đối mặt, tiếp xúc và va chạm với thực trạng, bạn lưỡng lự không biết nên chọn con đường nào đây.

Con đường nào đẹp nhất, lý tưởng nhất cho bạn? Khó mà trả lời dứt khoát, bởi mỗi người có một ước mơ, một lý tưởng, một con tim rung cảm, một trình độ kiến thức khác nhau ảnh hưởng bởi sự giáo dục, tuổi thơ, môi trường, sự trao truyền, cách tiếp cận và học hỏi của bạn. Con đường ấy cũng tùy cách sống, cách tư duy, cách nhìn của từng người, và một điều đặc biệt quan trọng nữa là nền tảng động lực từ chiều sâu tâm thức, tiếng nói phát ra từ chính con tim bạn.

Trước khi chọn một con đường, bạn thong thả tự mình học hỏi, nghiên cứu, tìm đến với một con đường để trải nghiệm, thử đi trên con đường ấy mà đừng chỉ nghe ngóng lời đồn đãi, ca ngợi, mời gọi, bắt chước, hoặc bị người ta thuyết phục hay tuyên truyền. Con đường nào đây? Bạn tập ngồi cho lắng yên, thấy rõ động lực từ chiều sâu tâm thức, hay nghe tiếng nói sâu lắng từ tâm hồn. Con đường nào đây? Nghệ thuật, văn chương, hội họa, cách mạng, giáo dục, kinh tế, chính trị, gia đình, xuất gia…?

Con đường nào cũng có ý nghĩa riêng của nó, và cái lý tưởng, cái đẹp, cái lành không phải là đường này hay đường kia, mà là đích đến. Và nghệ thuật đi trên con đường ấy, nói rõ hơn là mục đích thẩm thấu của đời người và nếp sống của bạn mới quan trọng. Cho dù bạn chọn con đường nào đi nữa, thì điều kiện căn bản để thành công là bạn hãy lập chí, kiên trì, hiên ngang đi tới, bởi nẻo đi nào cũng có những chông gai, thử thách, hầm hố của nó.

Có nhiều bạn đã chọn cho mình một con đường, nhưng sau khi bước đi một thời gian, bạn nhận ra là mình đã chọn lầm đường. Đã lỡ đi rồi, đời đã dính nhiều cát bụi rồi, bạn tiếp tục cúi đầu lầm lũi bước tiếp dù biết con đường ấy không đưa bạn về với lý tưởng, về với cái đẹp mà bạn hằng mơ ước.

Có bạn học hỏi, truy tầm, nghiên cứu và khám phá ra một con đường thật đẹp về mặt triết lý, lý thuyết, mục đích, nguyên tắc, nhưng tới khi đi vào hành động cụ thể, nó hoàn toàn không thực tế, không thể áp dụng được. Kết quả thực nghiệm về con đường ấy, nó không đẹp như triết lý, lý thuyết được ca ngợi, nó đi ngược lại hoàn toàn với lý tưởng đẹp đẽ, cao thượng. Nói cách khác, nó là một con đường sai lầm, có thể gọi là con đường tồi tệ được tô điểm bởi màu sắc đẹp đẽ, cao thượng, tuyệt đỉnh bằng lý thuyết.

Có bạn sau khi tìm hiểu thật kỹ con đường vẫn còn lưỡng lự nên đi hay không. Con đường thì đẹp đấy, không có gì gọi là mơ hồ, nhưng nhiều người đi trên đường ấy lại không có hạnh phúc, đời sống của họ không tỏa ra hương sắc của cái đẹp. Bạn lưỡng lự là phải lắm.

Tôi chọn con đường xuất gia, và tôi đã đi trên đường này hơn một phần tư thế kỷ. Có thể nói với niềm tự tin là tôi chọn đúng con đường lý tưởng. So với chặng đường trước khi xuất gia, đời tôi có nhiều hạnh phúc, an vui, thảnh thơi hơn, dù có lúc đã đi ngang qua nhiều thử thách, lên xuống, tuyệt vọng, mặc cảm… Mỗi ngày, tôi vẫn thấy rõ đời sống này, con đường này có ý nghĩa, có lợi ích, có sự chuyển hóa, thăng hoa cho tự thân, gia đình, tăng thân và cuộc đời. Nói như thế, tôi không có ý muốn khoe khoang sự thành công của tôi, hoặc muốn ca ngợi con đường này. Đây chỉ là sự chia sẻ với các bạn trẻ đang còn băn khoăn trên đại lộ trăm lối của cuộc đời.

Không giống như nhiều tôn giáo khác, Bụt dạy đệ tử Bụt, xuất gia hay tại gia không nên tôn thờ một cái gì cả dù đó là giáo pháp của Bụt, không tôn thờ một ai cả dù người ấy là Bụt. Giáo pháp không phải chân lý mà là những con đường thực tập và Bụt không phải là đấng thần linh mà là bậc đạo sư, nghĩa là bậc thầy. Bạn thương quý Bụt bằng cách tiếp nhận, học hỏi và tập sống theo giáo lý, nghĩa là con đường mà Bụt đã chỉ dạy. Bụt không thể giúp bạn có được thảnh thơi, an ổn và hạnh phúc. Bụt cũng không thể giúp bạn chuyển hóa khổ đau trong khi bạn không nỗ lực gì cả. Điều này bạn có thể kiểm chứng được.

Lúc Bụt còn tại thế, vua Lưu Ly đã đem quân giết hại, tàn sát gần hết bộ tộc Thích Ca, là dòng họ, bà con của Bụt. Bụt có cố gắng ngăn cản nhiều lần, nhưng mối thù giữa họ quá lớn. Vậy, là đệ tử của Bụt mà bạn chỉ biết cầu xin Bụt như một đấng tối cao có thể ban phúc giáng họa cho bạn là bạn không hiểu được Bụt. Bụt là bậc thầy tìm ra con đường tự do, đi hay không đi là tùy mỗi người đệ tử. Cầu nguyện, tôn thờ chỉ là để nhắc nhở bạn sống theo lời Bụt dạy mà thôi. Nếu có tôn thờ thì bạn nên tôn thờ tự do.

Lý tưởng cao đẹp nhất của đời sống xuất sĩ là tự do. Giới luật chính yếu của người xuất sĩ là Pratimoksha. Chữ “Moksha” nghĩa là tự do. Chữ “Prati” nghĩa là từng bước, riêng biệt, tức là giữ giới nào thì có tự do giới đó. Không sát sanh thì không bị tù tội. Không trộm cắp thì không bị bắt bớ, đánh đập… Tự do là cắt đứt các sợi dây ràng buộc như hiểu lầm, vô minh, giận hờn, tham dục, lo sợ, nghi ngờ. Tự do là đập tan những ngục tù trói buộc, cố chấp, bế tắc, phiền não, giống như nhà tù được xây dựng lên từ ngàn kiếp, nay bạn phá vỡ tất cả kèo cột để thoát ra ngoài.

Giới luật là những giới điều, các nguyên tắc để bạn giữ gìn, bảo hộ, để cho các lậu hoặc đừng phát hiện thường xuyên làm tan nát đời bạn và gây khổ đau cho người chung quanh. Phiền não, lậu hoặc này có nguồn gốc từ các chủng tử đã huân tập từ vô lượng kiếp như giận dữ, ham muốn, nghi ngờ, thù ghét, ganh tỵ… Giới luật là những hàng rào bảo hộ thân tâm để bạn tiếp tục đi mãi trên con đường tự do. Tự do được diễn tả là cung thành thanh tịnh, giải thoát, và giới luật là những hàng rào bao bọc. Ai phá hàng rào giới luật thì người ấy đánh mất chân trời tự do.

Tự do này chỉ có thể làm bằng sức mạnh tâm linh của chánh niệm, thiền định và trí tuệ. Chánh niệm, chánh định và trí tuệ là ánh sáng nội tâm (clarity) chiếu vào tâm tư, tình cảm, nhận thức, nhờ đó bạn thấy rõ bạn đang bị kẹt ở đâu, bạn đang vướng bận gì, đang lo lắng gì, đang sợ hãi chuyện gì.

Chánh niệm là con đường tự do. Chỉ cần chú ý tới hơi thở hay bước chân, tâm bạn trở về với thân, thiết lập thân tâm trong hiện tại, và bạn tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Đó là tự do. Bạn cảm được gió mát trên da thịt, nghe được tiếng chim hót vào buổi ban mai, ý thức rằng trái tim đang đập bình thường, bạn cảm thấy hạnh phúc đang còn đôi mắt sáng để nhìn người thương và thế giới màu sắc… Nếu chánh niệm kéo dài thì bạn thường sống trong chánh định và trí tuệ, nghĩa là tâm bạn bừng sáng, an trú vào những gì đang xảy ra nơi sự sống bên trong cũng như chung quanh. Đó là bao la, là tự do.

Bạn hãy thực tập thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để giữ gìn ba nghiệp. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ đều là dấu ấn in sâu vào mảnh hồn của bạn. Tuy tất cả các pháp đều thay đổi không ngừng, nhưng mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động có ảnh hưởng sâu đậm tới phẩm chất đời sống của bạn và tác động tới những người chung quanh. Vui buồn đều do cách sống, suy nghĩ, nói năng của bạn, vì thế, đệ tử Bụt phải soi chiếu vào ba nghiệp. Lời nói nào, việc làm nào, suy nghĩ nào gây ra đổ vỡ, đem đến đau khổ, hiểu lầm, thì bạn phải ý thức rõ hành động ấy để dừng lại. Tự do có mặt từ năng lực thúc đẩy của ba nghiệp là thân, khẩu, ý.

Thời đại kỹ thuật tối tân này, con người tạo ra một hệ thống mạng lưới cực kỳ tinh vi mà vĩ đại. Ngoài những khám phá khoa học, kỹ thuật, công nghệ truyền thông tuyệt hảo đăng tải trên mạng lưới, con người còn đăng tải các chương trình, phim ảnh, sách vở không lành mạnh xuất phát từ sự thèm khát, dục vọng hoặc nhu yếu làm giàu của giới doanh nhân. Bởi thế đệ tử Bụt nếu không cẩn thận, không cầm lấy giới luật mà lạc vào các chương trình này thì coi như công trình tu học bấy lâu nay bị phá vỡ, giống như xây nhà trên cát, chỉ cần một đợt sóng biển thôi cũng đủ phá tan hết nhà cửa.

Các loại máy móc điện tử này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho bạn. Ai cũng tìm mọi cách để có tiền mua sắm máy móc tối tân như iPod, iTouch, iPhone… Tới khi có máy tối tân và thuê bao mạng lưới rồi, bạn trở nên bận rộn. Máy móc, mạng lưới là các con nghiện không khác gì một thứ ma túy, chi phối hết thời gian, không gian, tâm tư của bạn. Càng đi vào cái ổ nhền nhện của mạng lưới, bạn càng khao khát nó, do thế càng ngày chất nghiền của bạn càng tăng. Nói như thế không phải chúng ta lên án khoa học kỹ thuật hay mạng lưới toàn cầu, nhưng vì thiếu kiến thức, thiếu bản lãnh, thiếu sự hướng dẫn, đa số tuổi trẻ vào mạng lưới đều bị lạc vào các chương trình giải trí không lành mạnh hoặc đọc tin tức không cần thiết cho đời sống tâm linh, đưa tới tâm trạng chán nản, u trệ, tối tăm, vì thế bạn không còn thích thú nơi sự thực tập hàng ngày như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, bái sám, pháp đàm.

Người tu mà không tu tập chánh niệm, thiền định thì không phải là đệ tử Bụt, giống như ca sĩ mà không ca hát thì không phải là ca sĩ, họa sĩ mà không hội họa thì không phải là họa sĩ, bác sĩ mà không khám bệnh thì không phải là bác sĩ… Công phu thực tập hàng ngày là các món ăn tinh thần đã được Bụt, Tổ, Thầy chế biến, dọn ra thật ngon lành, và bạn có thể tùy ý chọn món nào thích hợp với khẩu vị của bạn. Nếu đệ tử Bụt mà không thực tập công phu tức là bạn tự bỏ đói nếp sống tâm linh, giống như thân thể không có thức ăn thì từ từ nó sẽ héo mòn, ốm yếu, bệnh tật.

Bạn trẻ thân mến! Chúng ta phải phát khởi phong trào thanh lọc thân tâm, cách mạng đời sống tâm linh của người đệ tử Bụt. Hãy tránh xa chúng bạn xấu ác, chỉ suốt ngày đam mê các trò chơi tiêu khiển, ăn uống, mê ngủ, chơi bời, bon chen, kiếm tiền… Không nên đem các dụng cụ điện tử về chùa hay phòng, không nên đem mạng lưới vào phòng, xóa bỏ và tẩy chay các sản phẩm không lành mạnh. Trong lịch sử chưa có một thế lực nào tàn phá tâm hồn người xuất sĩ bằng các trò chơi, phim ảnh, thông tin không lành mạnh từ mạng lưới và ti vi. Chúng là các cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la chứa đầy dục vọng, thèm khát, bạo động, hận thù. Nếu cần liên hệ, truyền thông với quần chúng, chùa có thể có một máy tính nối mạng lưới chung, và đại chúng phải có nội quy dùng mạng lưới và máy tính để tránh tình trạng nghiện ngập hay tiêu khiển chương trình không lành mạnh.

Hãy trở về lắng nghe tiếng chuông linh thiêng mời gọi tâm hồn bạn đang phiêu bạt ở chốn u minh, thất niệm, khát vọng, bơ vơ, lạc loài. Bạn là đệ tử Bụt chứ đâu phải là cô hồn, ma quỷ sống vất vơ vất vưởng nào đâu! Bạn hãy trở về với mình, trở về với tỉnh thức, hãy bước ngay vào con đường tự do để thấy Bụt, Tổ và Thầy đang mỉm cười chào đón đứa con thất lạc bấy lâu nơi cõi u minh đen tối, nơi chốn trần gian đọa đày:

Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.”

Đường đẹp là con đường của trái tim biết hiểu, biết yêu thương, biết tha thứ, biết cởi mở để bạn bước vào vùng trời bao la của tự do tâm hồn. Đẹp cách mấy mà không có tự do, thì con đường ấy chỉ là con đường cụt, con đường chết, chỉ đưa tới ngục tù giam hãm. Con đường tự do là sự thực tập với tất cả tấm lòng thiết tha. Bạn phải trở thành chú tiểu tập sự ngày xưa mới bước vào chùa được đi công phu tụng kinh, bái sám, chấp tác. Thời hành điệu là thời vàng son, thiêng liêng, trong sáng, là đỉnh cao tâm linh, bởi tâm hồn các điệu chỉ chứa đựng duy nhất một vị là vị cam lộ an lạc, thanh lương của giáo pháp.

Con đường đẹp là con đường tự do, tự do mỗi hơi thở, tự do từng bước chân, tự do trong mỗi tâm niệm cho đến tự do cuối cùng, tức là thân tâm hoàn toàn lặng lẽ, an nhiên, thanh thoát mà kinh gọi là Niết bàn, và tôi gọi là bao la, lặng lẽ.

 

 

Vườn ươm

Đơm bông kết trái

“Tới nơi rồi sư cô ơi!”. Anh Châu Thương cười vui vẻ, ánh mắt sáng trưng niềm hân hoan. Tôi có cảm giác anh còn mừng hơn tôi. Đây là nhà anh hay nhà tôi nhỉ, có gì mà vui quá vậy? Lạy Bụt, dù sao cũng cám ơn anh lắm lắm! Nhờ sự nhiệt tình của anh, nỗi mệt nhọc ê ẩm vì đi xa của tôi không ai hái mà cũng tự động rơi rụng đâu mất. Đầu óc còn choáng váng một chút, tôi bước xuống xe như người mộng du.

“Đây là đâu vậy?”, tôi hỏi.

“Dạ, tăng xá đó sư cô”. Anh Châu Thương nhanh nhảu.

Hơn sáu giờ rưỡi tối, cảnh vật nhá nhem, tăng xá đã lên đèn. Tôi tựa lưng vào một tảng đá, thở cho no căng phổi không khí của núi rừng, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Tôi thầm thì một mình: “Về nhà thật rồi đó, sướng không?”.

“Ui chao, chào hai O. Trời ơi, răng mà ốm dữ ri?”. Giọng thầy Trung Hải giòn tan như bắp nổ. Chưa kịp chắp tay chào thầy cho đúng lễ thì đã bị thầy tịch thu hai cái ba lô to như núi, chỉ chờ lỡ tay rơi xuống là bung ra cho nhẹ một kiếp gánh mang. Sau khi “tài sản” đã được tình huynh đệ “ga lăng” đúng lúc, tôi lấy lại thăng bằng. Đến lúc này tôi mới thấy anh Hai tôi nói có lý: “Sư cô đi tu mà sao nhiều giỏ, nhiều thùng như đi buôn vậy?”. Ngoài tấm thân ba mươi tám ký lô, đồ đạc lỉnh kỉnh gần cả trăm ký. Phần thì người này gởi, người kia nhờ… mang giùm. Toàn là ân tình cả không nỡ để sót cái nào. Cộng thêm tôi nghe “đồn” tu viện bên này thảm lắm, toàn đá với cỏ, nắng cháy da luôn, là “trung tâm tàn phai nhan sắc số một thế giới”, thêm nữa tiền túi không đủ gọi điện cho thân mẫu vấn an sức khỏe mỗi tháng. Rồi nào là rắn, rít, bò cạp, bù mắt… Đổi trung tâm tu học mà tôi cứ cảm tưởng như mình đi kinh tế mới. Đùm đề bình nấu nước, túi ngủ, võng, dù, đèn pin, đèn học, bao tay, giày dép, bánh kẹo, trà, sữa các loại, tất tần tật, không sót thứ gì.

Tới nơi tôi mới thấy mình thật khờ, ai nói gì cũng tin. Nhưng dù sao trong cái rủi cũng có cái may. Khờ khờ vậy lại hay. Nhờ khờ khờ mà bây giờ niềm vui của tôi không thể nào diễn tả được. Tu viện Thái Lan đẹp quá. Và điều quan trọng là tôi đã về nhà. Nhà tôi thật đẹp, thật giản dị.

Tôi và sư em Hạ Nghiêm thưởng cho mình một ngày ngủ khì thật thảnh thơi. Chiều hôm sau, sư chị Khải Nghiêm dẫn hai chị em đi thăm một vòng quanh tu viện. Thả bộ chậm rãi trên con đường đất đỏ hiền lành, lòng tôi bỗng thấy bình yên lạ. Lặng lẽ bước đi cho Thầy, trên mỗi bước chân tôi vẫn như nghe đâu đây lời Thầy dặn dò mình thật khẽ, thật nhẹ nhàng: “Mỗi bước chân con đi, con hãy đi cho thầy. Thầy không về được thì con về cho thầy. Nơi nào con đến là nơi đó thầy đến”. Tôi biết Thầy đã đến, đã đặt dấu ấn tin yêu và hạnh phúc trên mảnh đất này. Các anh chị em đi trước tôi cũng đã một lòng chung tay xây dựng tịnh độ nơi đây. Bao nhiêu bàn tay chai sạn, bao nhiêu mồ hôi lao tác, và cũng bao phen khóc cười lên xuống cùng nhau. Để giờ đây tình thương đã trở thành bóng mát xanh tươi vẫy gọi chim chóc quay về. Trong chúng tôi, nào có ai biết ai đã hẹn ai để cùng về đây chung cuộc vui này. Tôi thấy ai cũng lạ, cũng quen, cũng ngăm ngăm và… cũng đẹp. Anh chị em tôi cả, vậy mà vẫn thấy ngỡ ngàng khi gặp nhau. Ôi, có phép lạ nào đã đưa chúng ta về bên nhau. Phép lạ nào?!

“Uyển Nghiêm và Hạ Nghiêm biết đây là đâu không? Chỗ này gọi là thiền đường Vách Núi. Vì vách nó là núi nên gọi là thiền đường Vách Núi, đơn giản chỉ có vậy”. Sư chị Khải Nghiêm nheo mắt cười cười.

Sư em Hạ Nghiêm cùng tôi đến lạy “ra mắt” Bụt và tiện thể xin phép Ngài cho “ăn nhờ ở đậu” lâu dài ở đây luôn. Bụt không nói gì, chỉ mỉm cười, vậy là được rồi. Mừng quá!

Lúc ở Làng tôi thường nghe các anh chị em Thái Lan kể về bác Pu-lư, vị thí chủ đã về hưu sau bao nhiêu năm phục vụ cho hoàng gia trong cương vị cảnh sát trưởng một quận của Bangkok, chuyên ngành chống tham nhũng, đã cưu mang mấy chục sư cô trong suốt ba năm tại khu đất vườn của bác sau sự cố Bát Nhã gần cuối năm 2009. Chắp nối từ chuyện này qua chuyện nọ xoay quanh bác Pu-lư, trong đầu tôi tự động vẽ vời ra hình ảnh về bác, một người dễ thương như… “trái sầu riêng”, bề ngoài có vẻ xù xì gai góc, nhưng bên trong thì rất tươi mát ngọt ngào. Khi tôi đến Thái, đại chúng đã dọn sang đất mới. Thấy tôi cứ mơ mộng mong về thăm bác Pu-lư và khu vườn cổ tích của bác, sư em tri khố động lòng cho tôi một vé đi ké xe tri khố về vườn bác Pu-lư hái nhãn. Leo lên xe “xỏn thẻo”, tôi mới thấy mình thật sự nhập quốc tịch Thái. Ngồi trên xe mà cứ ngỡ đang ngồi trên lưng ngựa, xe phi như bay bất chấp ổ gà ổ vịt trên đường. Bụi bay mù mịt, dù đã đeo hai lớp khẩu trang vẫn không thấm thía vào đâu.

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, vừa tới nơi, bác Pu-lư đã tươi cười ra đón chúng tôi. Dáng người đen đen nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, cương nghị, và nụ cười ấm áp của bác đã làm cho “trái sầu riêng” của tôi rớt cái độp. Thần tượng của tôi đây rồi. Vị Bồ tát Cấp Cô Độc đã dang tay ôm ấp anh chị em tôi trong gian đoạn cực kỳ khó khăn và cần sự giúp đỡ nhất. Sau pháp nạn Bát Nhã, các anh chị em phải phân tán đi nhiều nơi. Cho dù bồ đề tâm mạnh mẽ nhưng không an cư thì cũng khó mà lạc nghiệp được. Trên đất khách quê người, bác đã “nhường cơm sẻ áo”, nhường luôn cả nhà cửa, phòng ốc, vườn tược cho các anh chị em tôi từng bước xây dựng lại “cơ đồ”. Tuy thuở ban đầu hàn vi như thế nhưng không ai ca thán gì. Nhà tranh vách nứa được dựng lên, gieo hạt tưới tẩm rồi lại có vườn rau xanh mát. Lâu lâu thấy đói lại rủ nhau ra vườn hái me, chặt dừa khô ăn lót lòng vẫn vui. Rồi Sư Ông sinh thêm con, nhà đông hơn, vui hơn. Các sư anh, sư chị vừa “tị nạn” vừa “bồng em” vậy mà vẫn vui, vẫn hạnh phúc, vẫn muốn có thêm em. Nghĩ cũng lạ!

Thấy cay cay nơi sống mũi, biết triệu chứng khóc nhè sắp xuất hiện, tôi quay đi chỗ khác thôi không nhìn bác. Tôi đang đứng trên đất Thái như một giấc mơ. Có lẽ nhờ ngày xưa Thầy đã có cái nhìn độ lượng với những người hải tặc Thái Lan khi họ cướp bóc và hãm hiếp thuyền nhân Việt Nam. Cái nhìn bao dung đó của Thầy đã được thể hiện qua bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi. Thầy đã gieo một hành động tha thứ, bao dung, không kỳ thị và bây giờ, đàn con của Thầy được hưởng. Hơn nữa, Thái Lan là đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo cho nên khi họ thấy giúp đỡ, cưu mang các thầy, các sư cô là chuyện không thể không làm, họ đã làm với tất cả lòng kính mến độ lượng. Tất cả đều là huynh đệ một nhà, đều là con của Bụt. Họ thương quý Thầy, thương quý công hạnh của Thầy. Họ thấy Thầy là nhân vật nổi tiếng, đã có công lớn trong việc truyền bá và phát triển đạo Bụt vào thế giới phương Tây. Vì vậy trong lúc gian nguy nhất, chúng tôi đã được cưu mang ngay trên đất nước này. Tình huynh đệ là điều đang có thật. Rất thật.

Bác Pu-lư là một biểu tượng trong vô vàn những tấm lòng quảng đại trên khắp năm châu đang hướng về ủng hộ chúng tôi. Không phải người cư sĩ nào cũng may mắn có một đời sống thoải mái, dư dả. Chúng tôi biết có những người cư sĩ tuy cơm phải chạy lo từng bữa, nhưng vẫn chắt chiu dành dụm để góp phần vào công trình xây dựng tu viện. Những ân tình đó làm sao có thể quên, làm sao mà nói cho hết được.

Ổn định nề nếp

Lòng biết ơn nuôi lớn tình thương, mà tình thương thì không thể tách rời hành động. Sang đất mới, có môi trường thoáng đãng, tăng xá, ni xá đàng hoàng. Mỗi đêm ngủ không còn lo mưa dột, không còn lo phải bị đánh thức để kê khai hộ khẩu, lý lịch như lúc ở Bát Nhã, cơm canh đầy đủ, tươm tất. Các sư anh, sư chị lớn đã ngồi lại cùng nhau tổ chức mô hình sinh hoạt tu tập một cách hệ thống và có hiệu quả hơn. Các lớp học nội điển được sắp xếp phù hợp theo từng độ tuổi tu. Các lớp ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Thái cũng đạt được nhiều tiến bộ thấy rõ. Các sư chú, sư cô phần lớn đều là người trẻ, độ tuổi từ mười lăm đến hai mươi lăm nên việc học có phần dễ dàng, tiếp thu nhanh. Số lượng xuất sĩ ở Thái Lan đã tăng nhanh, gần 200 vị.

Chỉ trong vòng hai năm song song với các công trình xây dựng nhà bếp, lớp học, nhà ở cho cư sĩ, trồng cây, san bằng và rải sỏi các con đường thiền hành… các vị giáo thọ vẫn luân phiên đi giảng dạy các khóa tu ở nước ngoài theo nhu cầu tu tập của các tăng thân như Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Bhutan, Ấn Độ… Người dân Thái Lan cũng đã dần quen với hình ảnh áo nâu nón lá của đạo Bụt dấn thân Làng Mai. Trung bình mỗi năm đều có hai khóa tu lớn cho người Thái được tổ chức tại các khu nghỉ dưỡng. Hai khóa tu này dành cho gia đình và số lượng thiền sinh tham dự rất đông, khoảng 600 đến 700 người. Ai cũng tiếc bởi chưa thể tổ chức khóa tu trong tu viện vì điều kiện cơ sở còn hạn chế, không có đủ chỗ ở và nhà vệ sinh đàng hoàng. Hy vọng trong tương lai gần, khi điều kiện tương đối hơn, người dân Thái sẽ có cơ hội tận hưởng một khóa tu tròn đầy trong khung cảnh tu viện trang nghiêm.

Khóa tu người Việt

Khóa tu vui nhất mà cũng “đau đầu chóng mặt” nhất là khóa tu cho người Việt. Bà con mình ham tu thấy mà thương. Biết tu viện còn nghèo nên phải “liệu cơm mà gắp mắm”. Dự định số lượng thiền sinh tối đa không quá 350 vị, để việc ăn uống, ngủ nghỉ, tu tập được thong thả, chu đáo và ổn định. Ấy vậy mà bà con cứ kéo nhau qua. Có người tới sân bay Thái Lan rồi mới năn nỉ: “Khó khăn lắm con mới sắp xếp được tới đây, quý thầy, quý sư cô cho con tu với. Con ngủ dưới gốc cây cũng được”. Người khác kéo áo quý sư cô: “Con mới vừa đọc thông tin trên mạng, biết là trễ rồi nhưng con vẫn quyết định nghỉ việc để đi “tu”. Con cần tìm lại chính mình”. Đến lúc này thì hai bên chỉ còn biết nhìn nhau cảm cảm thông thông rồi dắt nhau về tu viện tính sau. Khóa tu ban đầu dự tính cho 350 người, cuối cùng số lượng thiền sinh tăng lên gần 700. Tội nghiệp ban tổ chức, chạy đông chạy tây thuê chỗ cắm trại, cắm lều, thuê nhà vệ sinh di động, thuê bàn, thuê ghế… Thái Lan thời tiết nóng gắt, thức ăn lạ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Quý thầy, quý sư cô cứ lo mọi người đổ bệnh thì nguy. Bà con thu xếp khó khăn lắm mới có được vài ngày qua đây tu tập, bệnh rồi thì biết làm sao. Ôi, lo cũng chẳng giải quyết được gì, thôi thì nhờ chư Bụt, chư Tổ lo giùm chúng con. Vậy mà không ngờ khóa tu thành công ngoài mong đợi, bà con ai cũng đạt được nhiều chuyển hóa và hạnh phúc. Kết thúc khóa tu không ai muốn về, cứ bịn rịn hứa hẹn năm sau chúng con sẽ sang tu tiếp, chúng con sẽ nhớ quý thầy, quý sư cô lắm lắm.

Khóa tu Wake Up quốc tế châu Á

Tạm biệt khóa tu người Việt, lại bắt tay chuẩn bị cho khóa tu Wake Up, khóa tu dành riêng cho những người trẻ. Tuổi trẻ năng lượng trẻ, khóa tu thật là “trẻ”, vui và sáng tạo. Cảnh tượng hơn cả trăm bạn trẻ quỳ xuống tiếp nhận Năm giới thật xúc động và nuôi dưỡng. Tôi còn nhớ trong gia đình pháp đàm của tôi, không hẹn mà có đến bốn bạn trẻ cùng quyết định xin nghỉ việc một lần qua tham dự khóa tu. Ngạc nhiên tôi hỏi: “Các bạn không sợ đi khóa tu về lỡ chẳng xin được việc làm tốt như trước thì sao, có tiếc không?”. Các bạn cười: “Lúc đầu tụi con cũng hơi run vì quyết định liều lĩnh này, nhưng sau vài ngày tu học thì thấy mình đã quyết định đúng lúc. Cuộc sống có quá nhiều áp lực, lúc nào tụi con cũng phải tiến lên, lao tới như một mũi tên, đôi khi không còn biết mình là ai, mình đang đi tìm cái gì nữa. Tụi con cần một tiếng chuông để dừng lại, để hiểu mình rõ hơn”.

Sau khóa tu, có một bạn trước khi về đã gởi tặng tôi một đôi giày, kèm theo một vài câu viết vội trên giấy: “Cám ơn sư cô đã chăm sóc và hướng dẫn cho chúng con tu tập. Con thấy mình thật may mắn vì đã có Năm giới làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Con xin thực tập giới thứ hai “chia sẻ tài vật”, xin được tặng sư cô đôi giày”. Nhìn đôi giày tím ngắt có đế màu cam sáng choang, tôi bật cười vì biết thế nào rồi cũng sẽ bị chọc te tua. Sư cô ai lại mang giày màu tím. Mỗi chiều vào giờ thể dục, tôi xỏ đôi giày tình tang đi bộ mà thấy ấm áp một niềm vui khó tả. Tôi vui không phải vì “của cho không”. Tôi vui vì trên mỗi bước chân, tôi không đi một mình. Bạn bè tôi ở khắp nơi. Chúng tôi có thể khác nhau về ngôn ngữ, màu da, văn hóa, nhưng chúng tôi đang đi chung trên một con đường. Con đường chân thiện. Ai cũng muốn sống tốt hơn, đẹp hơn mỗi ngày.

Khóa tu tăng thân quốc tế châu Á

Hàng năm vào dịp Giáng sinh và tết Tây, Làng Mai Thái Lan lại tổ chức khóa tu dành cho các nhóm tăng thân châu Á gồm các nước Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Philipine, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm nay khóa tu được tổ chức trong thời điểm mát mẻ nhất của năm, và thiền sinh ai cũng hạnh phúc. Có khoảng 270 người tham dự khóa tu trong đó có khoảng 60 người đến từ Trung Quốc. Khóa tu năm nay có chủ đề là Bốn Pháp Ấn của Giáo lý Làng Mai. Thiền sinh đã chuyển hóa rất nhiều. Ngoài ra còn có các khóa tu nhỏ khác như khóa tu Chánh niệm trong lãnh vực Y khoa (Health Care Retreat) dành cho bác sĩ và y tá, khóa tu dành cho giới giáo chức, cho giới doanh nhân, cho học sinh, cho các em thiếu niên, thiếu nhi, chương trình xuất gia gieo duyên ba tuần dành cho các cháu thiếu niên, chương trình xuất gia ba tháng dành cho giới thanh niên Thái… Người lớn tu, con nít cũng được tu. Thầy cô giáo, bác sĩ, y tá cũng được tu. Thiền sinh Tây phương về tu cũng mỗi ngày mỗi đông. Tu có gì vui mà sao ai cũng thích? Cái này thì khó chia sẻ lắm, chỉ có tự mình đến để thấy, tự cảm nhận thôi. Không nói được đâu. Về đây, tôi không ngờ Làng Mai Thái Lan lại phát triển nhanh đến thế.

Ở xứ Tây tôi thích nhất là thiên nhiên, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân trăm hoa đua nở làm người ta khó mà buồn lâu được. Mùa hạ trái cây lúc lỉu trên cành, nhìn thôi cũng đã no mắt rồi. Mùa thu lá chín vàng rực núi đồi. Người không biết chữ bỗng dưng cũng thích làm thơ. Mùa đông tuyết rơi êm đềm, Lọ Lem chốc lát đã trở thành Bạch Tuyết. Thái Lan thì chỉ có hai mùa nắng mưa, mưa ít quá, có khi mùa đông mà trời vẫn nắng chang chang. Tôi đâm ra quên bẵng ngày tháng.

Tết đến hết năm hồi nào tôi cũng không hay. Tháng Mười hai này, chúng tôi lại có thêm các sư em mới. Các sư em cây Đan Mộc. Nhìn các sư em tuổi mười lăm, mười sáu lụng thụng, lúng túng trong bộ áo nhật bình ngày mới xuất gia, tôi lại thấy tôi của những ngày xưa, cũng ngô nghê hồn nhiên như thế mà lớn lên. Ăn hết bao nhiêu cơm gạo của tăng thân rồi, tôi vẫn không cao, không mập thêm được tẹo nào. Chỉ có bồ đề tâm là lớn lên, vững vàng theo năm tháng. Là sư chị thương các sư em đã đành, nhưng mỗi khi nhìn các sư anh, sư chị tôi thấy mình thật may mắn. Thầy chúng tôi đã và đang biểu hiện trên đời một cách mầu nhiệm. Nhưng tôi ý thức rõ Thầy cũng vô thường như bao hiện tượng khác trên đời. Các sư anh, sư chị là một trong những gia tài lớn nhất mà Thầy trao gởi cho chúng tôi. Những người đi trước đã gánh vác những công việc nặng nhọc, đã thay Thầy chăm sóc và dạy dỗ chúng tôi.

Ngày cuối năm, được ngồi quây quần trong thất Nhìn Xa của Thầy, ấm áp bên chén trà thơm, huynh đệ thật sự có mặt cho nhau. Sư em Tuyết Nghiêm và tôi, hai đứa nhỏ được theo phụ sư mẹ Quy Nghiêm tổ chức thiền trà, nên cũng được tham dự vào không khí chung. Các anh chị mỗi người một phương tụ hội về, người thì ở Đức, người thì từ Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan. Có người gần cả chục năm trời mới gặp lại. Niềm vui thắp sáng trong từng ánh mắt, nụ cười. Sư em Tuyết Nghiêm hát tặng các sư anh, sư chị, giọng đơn giản mộc mạc:

“Chiều hôm nay đến đây

Chén trà ấm tình đệ huynh

Thầy ngồi đó, thất Nhìn Xa mở ngõ

Trong phút giây tình đong đầy…”

Thương chúc các anh chị em tôi dù đang ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều tìm được những niềm vui để sống, dù nhỏ nhoi khiêm tốn. Hãy vui, để rồi mình lại cùng nhau leo đồi thế kỷ. Trời hôm nay rất xanh và nắng vẫn còn đẹp lắm. Đẹp lắm!

 

Vững cánh chở niềm tin

Ngày 01.12.2015, tại Làng Mai đã diễn ra lễ xuất gia của gia đình Cây Đan Mộc (Red Wood), 10 em được xuất gia tại Làng và 9 em được xuất gia tại Thái Lan. Sau lễ xuất gia, BBT đã có một buổi ngồi chơi với 8 cây Đan Mộc tại Làng (hôm ấy có hai cây Đan Mộc bận… nấu ăn). Đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Ái Nhĩ Lan, Ý, Hòa Lan, Pháp, Úc, Đức, Indonesia và Việt Nam, không hẹn mà gặp, những người trẻ chung lý tưởng này đã tìm về dưới mái nhà tâm linh để cùng đi trên con đường của hiểu biết và thương yêu. BBT xin được chia sẻ nội dung buổi trò chuyện.

 

BBT: Các sư em cảm thấy như thế nào khi Thầy không được khỏe và không có mặt ở Làng gần như trong suốt thời gian các sư em tập sự xuất gia? Sự vắng mặt của Thầy có ảnh hưởng gì đến sự thực tập hay chí nguyện của các sư em không?

Sư chú Trời Đạo Lực (người Việt): Ngày con lên máy bay để sang Pháp, các bạn trong Gia đình Phật tử đã hỏi con một câu tương tự. Khi đó con trả lời vui là Bụt đã tịch hơn 2600 năm rồi mà người ta vẫn phát tâm thực tập những lời Bụt dạy. Tại vì giáo nghĩa Bụt dạy rất cụ thể và phù hợp với mọi người. Trong lòng con thầm nghĩ: Thầy đã trao truyền rất nhiều pháp môn để tu học, vì vậy khi xuất gia, mình nương tựa vào pháp môn và vào pháp thân của Thầy để thực tập. Những lời Thầy dạy rất thực tế và phù hợp với xã hội hiện nay. Con đến Làng đúng vào lễ Tự tứ kết thúc mùa An cư kết Đông năm 2014 – 2015. Đó là lần đầu tiên con nghe nói đến “Tăng thân là sự tiếp nối của Thầy”. Con thấy đó là sự thật, bởi vì trong một năm con ở đây, con không chỉ học hỏi rất nhiều từ Thầy mà còn từ đại chúng. Vì vậy con không lo lắng lắm khi Thầy không có mặt trực tiếp để chỉ dạy cho chúng con.

Sư cô Trăng Tĩnh Mặc (người Indonesia): Thực sự, khi đến Làng, con chưa biết nhiều về Thầy, cũng chưa đọc nhiều sách của Thầy. Con thấy Làng Mai qua quý thầy, quý sư cô từ trung tâm Làng Mai Thái Lan đến Indonesia để hướng dẫn khóa tu. Lần đầu tiên tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô, con đã có nhiều cảm mến. Tuy con không biết Thầy là ai, nhưng nhìn quý thầy, quý sư cô, con thấy rất muốn được tham dự vào tăng đoàn. Khi quyết định đến Làng, con nghe nói Thầy bị bệnh. Ở Indonesia, người ta còn đồn là Thầy đã viên tịch. Nghe tin đó, con buồn lắm. Tuy thế con không lấy đó làm trở ngại, bởi vì con muốn gặp tăng thân. Ở Indonesia, có được một tăng đoàn đông đảo như tăng đoàn Làng Mai là rất hiếm. Vì vậy con đến đây không phải vì Thầy mà vì sự tiếp nối của Thầy. Quý thầy, quý sư cô trong chuyến hoằng pháp tại Indonesia là những người rất đẹp, rất vui tươi và đã tạo cho con rất nhiều cảm hứng.

Sư chú Trời Đạo Sơn (người Pháp): Khi con tới Làng Mai lần đầu vào tháng 10 năm 2014, Thầy không có mặt ở Làng. Lúc đó con ở Sơn Hạ và hoàn toàn chưa biết gì về Làng Mai. Lần đầu tiên tiếp xúc với tăng thân, con đã bị tăng thân chinh phục. Vì thế con không bị ảnh hưởng nhiều khi nghe tin Thầy bệnh nặng, thậm chí có thể viên tịch. Khi đó đang là mùa An cư kết Đông, có khoảng 60 vị cư sĩ nam đến an cư suốt ba tháng tại xóm Thượng. Đại chúng không có chọn lựa nào khác là phải tiếp tục đi tới dù cho bất cứ chuyện gì có thể sẽ xảy ra với Thầy, khi ấy ai cũng nương vào nội lực của mình để đóng góp cho đại chúng. Mỗi tuần đều có tin về Thầy nhưng vẫn không thể biết là chuyện gì sẽ đến. Đại chúng chỉ có thể lên kế hoạch cho từng tuần một. Quý thầy, quý sư cô và tất cả thiền sinh ai cũng thực tập hết lòng để yểm trợ tăng thân và để tiếp nối Thầy, để tăng thân vẫn tiếp tục đi tới. Con rất cảm động khi thấy điều này. Mỗi lần nhớ lại, con đều thấy có nhiều cảm hứng. Chúng ta cứ tiếp tục đi tới thôi. Thầy đã lớn tuổi. Dù sau này Thầy có bình phục, chúng ta vẫn phải tiếp tục thôi. Giờ đây con là một sư chú trẻ, con đã trở thành một thành phần của sức mạnh đi tới đó.

BBT: Chấp nhận là chìa khóa của sự thành công khi sống trong tăng thân. Các sư em thực tập như thế nào để chấp nhận những gì chưa hoàn hảo, những khác biệt và đa dạng về văn hóa trong tăng thân?

Sư chú Trời Đạo Quy (người Úc gốc Việt): Trước khi đến Làng Mai con có xem pháp thoại của Thầy trên Youtube và một số video clip giới thiệu về Làng. Khi nhìn thấy Thầy và hình ảnh rất đẹp của mùa xuân, con nghĩ là người làm phim đã chọn những hình ảnh đẹp nhất để trình bày. Khi con mới tới Làng và chạm với thực tại, con nhận ra rằng những tri giác mà con có về Làng chỉ là qua các video clip. Con chưa thực sự hiểu về tăng thân. Cách mà con đối trị với những gì chưa hay trong tăng thân là đi vào phòng và… đấm vào bao cát (cười). Con nói đùa vậy thôi chứ thật sự càng sống và thực tập lâu trong đại chúng, con càng thấy vui hơn, thấy những điểm hay, điểm đẹp của đại chúng nhiều hơn. Con vẫn còn thấy những khiếm khuyết, tuy nhiên những cái đó không làm con kém vui hay đánh mất mình. Những lúc con thực tập không giỏi, không đối trị được với những khó khăn từ trong lòng mình là những lúc con nhìn ra ngoài và chỉ thấy những điều tiêu cực rồi khởi tâm bực bội. Khi đó con quay trở lại chính mình, đi theo thời khóa, không tách mình ra khỏi sinh hoạt của đại chúng để nuôi dưỡng chính con. Ba sự thực tập căn bản giúp con là hơi thở, bước chân và ăn trong chánh niệm.

Sư chú Trời Đạo Phương (người Ý): Con nghĩ khi mình có một tâm bồ đề thật sự mạnh mẽ thì nó sẽ giúp mình vượt thắng những khó khăn. Thầy Kai Li có nói rằng khi mình đang đau khổ, mình hay có khuynh hướng nhìn thấy những điểm tiêu cực của tăng thân và của huynh đệ. Khi ấy, mình nên ý thức đến những cái đẹp đã có sẵn trong đại chúng. Ở Làng Mai, chúng ta đang thật sự có tình huynh đệ. Nếu so sánh tăng thân với những gì đang xảy ra ở ngoài đời, mình sẽ thấy tăng thân thật sự đã quá đẹp. Đây là điều mà con luôn ghi nhớ khi có khó khăn.

Sư chú Trời Đạo Hành (người Hà Lan): Thực tập chấp nhận những gì chưa hay nơi người khác cũng vui lắm. Bởi vì nếu tất cả mọi thứ đều hoàn hảo thì một ngày như mọi ngày, dù mình đang ở thiên đường thì cũng chán lắm. Vì vậy những khác biệt giữa mọi người đem lại nhiều lý thú. Con nghĩ ai cũng có những cái đẹp riêng, cho nên mình cần để tâm đến những cái đẹp hơn là cái chưa đẹp. Nếu con quá để ý tới những gì chưa hay của người khác thì có lẽ chính con mới có quá nhiều những cái chưa hay.

Sư chú Trời Đạo Sinh (người Pháp): Con nghĩ vấn đề của con là làm thế nào để nhận diện sự đòi hỏi của mình đối với người khác. Đây là thực tập chủ yếu của con trong mùa An cư năm nay. Con nhớ có một lần trong gia đình tập sự của chúng con đang có khó khăn, khi ấy, con chỉ thấy những điểm tiêu cực của mọi người mà thôi. Con chia sẻ với Y chỉ sư, cố gắng không nói về các huynh đệ của mình một cách tiêu cực mà chỉ chia sẻ cái thấy của mình. Y chỉ sư của con lập tức nói: “Em biết không, em có một gia đình tập sự rất tuyệt vời, rất hòa điệu và yểm trợ nhau. Chúng ta có thể tin tưởng lẫn nhau.” Ngay khi đó con không thấy mình được lắng nghe và được hiểu. Vài ngày sau, khi sự căng thẳng đã lắng xuống, con thấy hình như Y chỉ sư của mình đã nói đúng, thầy đã cho con một câu trả lời rất hay. Chúng con là một gia đình nói chung khá hòa hợp, tuy lúc xảy ra chuyện thì con khó mà thấy được điều đó. Chỉ khi con bình tĩnh lại, con mới thấy cái hòa hợp, cái đẹp ở đó. Thỉnh thoảng mới có một chút chuyện và điều đó là rất bình thường. Thực tế thì không có gì là như con nghĩ. Tri giác của con và thực tại là hai cái hoàn toàn khác nhau. Sống trong tăng xá, con rất cảm động trước cách sống của quý thầy. Ở đây tình huynh đệ rất mạnh mẽ, rất rõ ràng và rất thật. Dù thực tại không hoàn hảo, nhưng đó là sự liên hệ thật sự giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. Điều ấy làm cho con dễ đến và chấp nhận mọi người hơn bởi vì chính con cũng có những điểm chưa toàn hảo. Con cần phải luôn luôn ghi nhớ điều này.

BBT: Từ khi đến với tăng thân, có những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp nào mà mỗi khi nghĩ đến, các sư em cảm thấy được nuôi dưỡng và được tiếp thêm sức mạnh để đi qua những giai đoạn khó khăn trong đời sống tu học?

Sư chú Trời Đạo Quy: Đó là khi con gọi điện về nhà qua Skype để chia sẻ những niềm vui trong sự tu học của mình với ba mẹ. Con cảm thấy sự có mặt của con ở Làng Mai đã có một ảnh hưởng tích cực đến ba mẹ, dù đó chỉ là những thay đổi nhỏ. Con chưa bao giờ thấy ba mẹ vui như vậy khi nói chuyện và thấy mặt con qua Skype. Con thương ba mẹ con rất nhiều. Tình thương ấy dù vẫn còn có sự vướng mắc và phân biệt, nhưng nó mang lại cho con một nguồn năng lượng lớn trên con đường chuyển hóa. Con ý thức rằng con đang tu cho chính mình và cũng đang tu cho ba mẹ. Ba mẹ và con không phải là những thực thể riêng biệt. Vì ba mẹ, con có thể làm bất cứ việc gì, đây là niềm vui lớn nhất của con khi ở Làng.

Sư chú Trời Đạo Sơn: Một kỷ niệm mà con nghĩ sẽ giúp con đi qua khó khăn là hình ảnh ba mẹ của con trong ngày con được xuất gia. Cho đến tận lúc ấy, con vẫn không thể giải thích để cho ba mẹ, nhất là ba, hiểu được vì sao con lại chọn đời sống xuất gia ở Làng Mai. Trong ngày xuất gia, con nghĩ ba mẹ của con bắt đầu cảm nhận được phần nào cái đẹp của tăng thân như con đã cảm nhận. Con sẽ nhớ mãi hình ảnh ba con ngồi sau lưng con và khóc khi nghe con bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với hai đấng sanh thành trước cả một đại chúng lớn. Con biết khi ấy sự cảm thông đã được thiết lập giữa hai cha con. Ngày hôm ấy đã mở ra một cơ hội tuyệt vời để gia đình con được hàn gắn và trị liệu. Con cảm thấy thật sự bây giờ con đã trở thành một người có thể giúp đỡ được cho ba mẹ, chỉ đơn giản là nhờ lễ xuất gia hôm đó. Hình ảnh ấy và cảm giác ấy sẽ là điều mà con nhớ mãi trong suốt cuộc đời xuất gia của mình.

BBT: Mỗi năm vào dịp Tết, trong ngày mồng Một, đại chúng Làng Mai thường dâng hoa, trà, quả làm phẩm vật cúng dường lên Thầy như là một biểu tượng để bày tỏ lòng biết ơn và hiếu kính của mình đối với Người. Đây là lẵng quả của sự thực tập do gia đình Cây Đan Mộc ở Làng Mai chọn và dâng lên Thầy nhân dịp Tết Nguyên Đán năm nay.

Quả chuối: Đây là loại quả mà sư cô Trăng Tĩnh Mặc đã chọn. Sư cô chia sẻ:

Con thấy mình giống như một con khỉ, cứ chuyền hết cành này sang cành khác để chọn trái chuối nào to và ngọt nhất. Trước khi con biết đến pháp môn thực tập chánh niệm, con luôn tìm kiếm hết cách giải trí này đến cách giải trí khác để thỏa mãn khao khát của mình nhưng con chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Khi tham gia một khóa tu do quý thầy, quý sư cô Làng Mai hướng dẫn và tìm ra phương pháp thực tập chánh niệm, con đã thật sự bị đánh động. Trong khóa tu ấy con đã được biết đến quyển sách Ước hẹn với sự sống. Bây giờ thì chú khỉ ấy đã tìm ra được quả chuối lớn nhất và ngọt ngào nhất rồi. Chú khỉ đã dừng lại để thưởng thức nó. Tận đáy lòng con rất biết ơn Thầy vì Thầy đã bỏ nhiều tâm huyết tạo nên những điều kiện thuận lợi để chúng con thực tập và chia sẻ sự thực tập cho người khác. Thầy cũng đã dạy dỗ quý thầy, quý sư cô rất thành công vì con thấy phần lớn quý thầy, quý sư cô thật sự đang làm công việc tiếp nối Thầy rất giỏi.

Quả xoài: Sư chú Trời Đạo Lực đã chọn quả này để dâng lên Thầy.

Con xin dâng lên Thầy trái xoài quê hương. Xoài ngon lắm Thầy ạ. Mình cũng có thể làm bánh tráng xoài nữa, rất tuyệt. Ngày nào con cũng thực tập thiền hành để được đi những bước chân thảnh thơi. Con luôn tác ý là con đi cho những người đang không đi được, trong đó có Thầy, ông Nội con và những người khác nữa. Mỗi lần tác ý như vậy, con thấy trân quý hơn những bước chân của mình. Con nuôi dưỡng bước chân của con như thể là giây tiếp theo con sẽ không đi được. Vì vậy từ lúc đến Làng tới bây giờ, con thích nhất là thời khóa thiền hành. Đi từ xóm Thượng xuống xóm Hạ trong ngày quán niệm cũng vậy, mỗi bước chân, mỗi cái nhìn con thường tác ý đến Thầy. Thỉnh thoảng đi ngang qua Đàn voi của Thầy, con mỉm cười rất hạnh phúc. Con cảm ơn Thầy đã tạo ra một môi trường thực tập tuyệt vời. Qua Làng, con được dạy rằng tăng thân là sự tiếp nối của Thầy nên con tập nhìn thấy Thầy trong mỗi thầy, mỗi sư cô. Con rất hạnh phúc khi có rất nhiều thầy đang ở bên con, có mặt cho con, nuôi dưỡng con. Nhìn thấy sự thực tập vững chãi và thảnh thơi của quý thầy, quý sư cô, con rất được nuôi dưỡng. Con xin cảm ơn nhiều nhiều.

Quả Sầu Riêng: Chúng ta hãy tìm hiểu vì sao sư chú Trời Đạo Quy đã chọn quả sầu riêng dù sư chú biết Thầy không thích loại quả này.

Trái cây con ưa nhất là sầu riêng. Con biết Thầy không thích sầu riêng, nhưng sầu riêng đã được ông bà tổ tiên của con yêu chuộng từ vô lượng kiếp. Cho nên con xin dâng Thầy trái sầu riêng. Thầy có nói: “Ta có là ta, ta mới đẹp”, vậy nên con đang thực tập là chính con. Con nghĩ Thầy sẽ hạnh phúc khi con ưa thích sầu riêng.

Mấy ngày đầu tiên khi mới đến Làng, con nghĩ là mình phải ngồi thiền 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi có giờ rảnh, mình phải đi thiền hành. Như thế mình sẽ có hạnh phúc. Thế nhưng càng ngày con càng cảm thấy bực bội và không được thảnh thơi. Con hiểu rằng sự cố gắng quá sức chỉ đem lại bực bội cho tâm con, làm con càng ngày càng trạo cử, càng không toại nguyện hơn. Vì vậy con không cảm thấy e ngại khi dâng Thầy trái sầu riêng dù biết là Thầy không thích. Con thấy thoải mái khi mình có sự tự do đó. Cũng như con không cần phải ngồi thiền mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, hoặc cố gắng quá sức. Con chỉ cần có niềm vui và sự thảnh thơi trong khi tu tập, không cần có sự cưỡng ép. Bởi khi con cố ép buộc thì tâm con chạy trốn, nó không muốn ở với con. Khi con thư giãn, không cố gắng một cách mê muội nữa thì sự thực tập lại có tiến bộ, tâm con thích trở lại với thân hơn. Con ý thức là trong khi tu học, mình không nên quá gồng ép, nhưng cũng không nên để buông lung.

Quả cà chua: Sư chú Trời Đạo Hành đã chọn để dâng Thầy.

Con muốn chọn trái chấp nhận. Cuộc sống ở Làng rất khác biệt so với cuộc sống của con ở gia đình, nhưng đây là một sự khác biệt tích cực. Cuộc sống ở Làng Mai rất đa dạng bởi vì mọi người đến đây từ nhiều lứa tuổi, quốc gia và lai lịch khác nhau. Tất cả đều đẹp theo cách riêng của mình. Năm nay con tập chấp nhận mọi người nhiều hơn một chút. Người quan trọng nhất mà con đang tập chấp nhận là chính bản thân con. Những suy nghĩ, cảm thọ, và nhiều cái nữa trong con đang cần sự chấp nhận của con. Con cũng cần học hỏi để chấp nhận những hoàn cảnh, kinh nghiệm mà mình đã trải qua. Con sẽ cố gắng hết sức mình để chăm sóc cho “cây chấp nhận” càng ngày càng lớn và cho nhiều hoa trái. Con biết, trái của cây chấp nhận sẽ rất ngon ngọt và bổ ích trong suốt cuộc đời tu còn lại của con. Chính vì vậy, để chọn một loại quả dâng Thầy, con xin chọn quả cà chua. Vâng, cà chua cũng là một loại quả và nó không cần phải trở thành bất cứ một loại quả nào khác để được chọn dâng Thầy. Xin Thầy từ bi nhận nó.

Quả hồng: Loại quả mà sư chú Trời Đạo Phương dâng lên Thầy.

Trái cây ưa thích của con là hồng. Con rất thích nhìn trái hồng khi còn ở trên cây, nó tô điểm thêm cho sắc màu của mùa thu. Nó nhắc con phải thực tập kiên nhẫn, chờ đợi cho đến khi sẵn sàng cho con thưởng thức. Đôi khi con muốn chạy ra cây hồng, hái một trái ăn liền nhưng rồi con nhớ lại là con phải kiên nhẫn chờ thêm cho đến khi nó thật chín thì trái mới ngon và ngọt.

Trong quá trình tu tập, đôi khi điều duy nhất mà con nghĩ mình nên làm là tưới tẩm hạt giống tốt trong con và chờ đợi. Giống như trái hồng trên cây cần phải hấp thu thêm nước và ánh nắng mặt trời thì mới có thể trở thành một quả hồng chín thơm ngon. Con cũng cần phải làm như thế. Đối với con, sự kiên nhẫn còn có nghĩa là mình không bỏ cuộc giữa chừng, kiên định tiếp bước trên con đường sáng đẹp mà Thầy đã mở lối cho chúng con. Vì vậy con muốn dâng lên Thầy sự kiên nhẫn của con để trong tương lai con có thể trở thành một nhánh khỏe mạnh trên cây tăng thân của Thầy và của đại chúng.

Quả đào: Sư chú Trời Đạo Sơn đã chọn loại quả này để dâng lên Thầy.

Nếu chọn một hoa trái thực tập của mình để dâng Thầy, con xin chọn trái đào của tình huynh đệ. Đây là lợi lạc con được hưởng từ khi bước chân đến Làng. Khi ấy con rất cô đơn, đang quẩn quanh tìm kiếm cho mình một hướng đi. Con đến Làng trong khóa tu mùa Thu, khi Thầy không có mặt ở nhà. Tuy thế, tình huynh đệ mà con cảm nhận được ở Sơn Hạ đã cho con thấy rõ ràng tăng thân và sự thực tập ở đây chính là con đường mà con đang tìm kiếm.

Đến tận bây giờ con vẫn đang tiếp tục thực tập như thế, tiếp tục mở rộng trái tim mình để làm một người anh em, thưởng thức sự có mặt của những người anh, người em khác. Đây là thực tập chủ yếu của con trong suốt thời gian tập sự xuất gia, cũng là nguồn hạnh phúc chính của con, làm cho con càng ngày càng tin tưởng và nương tựa vào huynh đệ, càng cảm thấy đây chính là gia đình mình. Sau khi xuất gia, con chuyển vào sống trong tăng xá với quý thầy. Điều làm con xúc động nhất lại là tình huynh đệ. Trong đại gia đình tâm linh của chúng ta, ai cũng có mặt cho nhau và chấp nhận nhau không điều kiện.

Tình huynh đệ cũng rất ngon ngọt như quả đào, chỉ nhìn thôi cũng đủ thích rồi. Cũng giống như khi nhấm nháp một quả đào, khi nếm được tình huynh đệ con thấy rất ngon lành, mát mẻ và những vết thương trong lòng con được chữa lành. Và, cũng giống như quả đào, sự nhu nhuyến, ngọt ngào của tình huynh đệ giúp ta có thể làm chủ tâm mình để ta có đủ tĩnh lặng, bình ổn và vững chãi. Khi ấy mọi người có thể yểm trợ lẫn nhau và thực sự mở lòng ra với nhau. Tình huynh đệ là động lực giúp con tu học. Tình huynh đệ là hoa trái thực tập quý báu nhất của con. Tình huynh đệ chính là sự thực tập của con.

BBT: Xin cảm ơn các sư em.

                                                              Lễ dẫn thỉnh Cây Đan Mộc tại Làng Mai, Pháp

 

Trở về trong tình huynh đệ

Sư cô Mai Nghiêm, người Pháp, là một vị giáo thọ Làng Mai, hiện đang tu tập tại tu viện Lộc Uyển, California, Mỹ. Sư cô đã viết bức thư này gửi đến Tổng thống Pháp sau vụ khủng bố tại Paris (lá thư được chuyển ngữ từ tiếng Pháp). Sư Ông Làng Mai thường dạy các đệ tử xuất gia cũng như tại gia về sự thực tập viết “thư tình” cho các nhà lãnh đạo chính trị trong những lúc đất nước đang trải qua những ngày căng thẳng, sợ hãi và hoang mang. Lá thư Sư Ông viết cho Tổng thống Mỹ năm 2006 vẫn luôn mang thông điệp của yêu thương, của tình huynh đệ và cũng là những điều mà chúng ta có thể thực tập được từ trái tim mình.

 

San Diego, thứ Ba, ngày 17 tháng 11 năm 2015

Kính thưa ngài Tổng thống,

Sáng nay, bốn chiếc máy bay quân sự lượn ngang dọc trên bầu trời Đại Ẩn Sơn (nơi tu viện Lộc Uyển tọa lạc) khiến tôi nghĩ về nước Pháp. Đã hơn một năm nay tôi sống ở California nhưng những ngày qua lòng tôi không ngừng hướng về quê hương.

Những suy tư của tôi cũng hướng về ngài, thưa Tổng thống. Lãnh đạo một đất nước còn đang rất bàng hoàng sau những gì xảy ra, phải đối mặt vớimột tình trạng đau thương và phức tạp, chịu nhiều sức ép lớn về chính trị và truyền thông chắc hẳn đã gây cho ngài nhiều căng thẳng và những đêm làm việc không nghỉ.

Cảm ơn Tổng thống đã chấp nhận giữ vai trò khó khăn này. Vai trò của một người thuyền trưởng, lèo lái con tàu với tất cả tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả.

Trong đêm 13 tháng 11, biết bao người con của nước Pháp đã phải bỏ mạng. Một phần trong tôi cũng chết cùng với họ. Từ thẳm sâu trong tim tôi một tiếng nói cất lên, muốn được tôi biết đến. Cùng lúc tôi đã nghe trong tiếng khóc của mình vang vọng tiếng nức nở của những người anh em ở Syria. Tôi đã thấy trong sự tuyệt vọng của mình tiếng kêu cứu của biết bao người ở khắp mọi nơi, đang khổ đau vì mất người thân, vì bạo động, vì chiến tranh và những nỗi lo sợ hãi hùng.

Hôm nay đây, tôi thấy rõ trong tận sâu thẳm lòng mình, tôi không muốn bất cứ một gia đình nào phải rơi những giọt nước mắt đau thương nữa.

Như lời đức Giáo hoàng Francis trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội Mỹ: “Chúng ta phải luôn nhớ đến nguyên tắc vàng này: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn”.

Thưa ngài Tổng thống, qua những trang sử, chúng ta đã thấy rằng hành động làm ô nhục danh dự của người Đức bằng Hòa ước Versailles năm 1919 đã mở đường cho Hitler lên nắm chính quyền. Cũng tương tự như vậy, những trận bom trừng phạt dội xuống Campuchia năm 1973 đã khiến cho số người gia nhập lực lượng Khmer Đỏ càng tăng lên; cuộc chiến ở Iraq đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.Trong tình trạng khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, chúng ta thật dễ dàng đánh mất mình và bị những đòi hỏi khẩn cấp, sự hỗn loạn và không khí sôi sục kéo đi.

Thưa Tổng thống, liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm những giải pháp cho tình trạng cấp bách hiện nay nhưng cũng không quên dành thời gian để cùng nhớ lại, cùng lắng nghe, cùng học hỏi từ lịch sử và từ những chứng nhân của lịch sử ấy.

Trong một thế giới mà quá khứ có thể được làm sống lại một cách chân thật và đầy đau thương như trong bộ phim The Son of Saul (Con trai của Saul) được công chiếu gần đây, liệu chúng ta có thể cùng nhau tưởng nhớ đến những khổ đau và mất mát trong quá khứ, để từ đó có những hành động sáng suốt, đầy trách nhiệm và không tạo thêm bất cứ cơ hội nào khiến con cháu chúng ta phải sống lại những thương đau mà chúng ta đang trải qua này.

 Liệu chúng ta có thể cùng nhau dựng xây một thế giới nơi mà tâm bi thính – khả năng lắng nghe những khổ đau của cả hai phía với tâm từ bi – sẽ vượt lên ý muốn làm cho bạo động leo thang, nơi ước mong thấu hiểu và cảm thông sẽ chiến thắng mọi thành kiến, mọi sợ hãi, mọi khát vọng trả thù hay quyền lực.

Cùng với nhau, chúng ta không những không làm cho thế giới mù lòa bằng hận thù như lời thánh Gandhi đã nói*, mà còn thắp lên những tia sáng của sự sống nhiệm mầu, của hy vọng và thương yêu trong ánh mắt của mỗi người dân. (*Lời Thánh Gandhi: Mắt đổi mắt chỉ khiến cho thế giới mù lòa – An eye for an eye will only make the whole world blind).

Kính thưa Tổng thống, tôi tin rằng sử sách và những thế hệ tương lai sẽ nhớ đến Ngài như một nhà lãnh đạo biết dùng sức mạnh của sự định tĩnh để trấn an đất nước trong những giờ phút hỗn loạn đầy sợ hãi và giận dữ, một vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm biết đưa con tàu tới những vùng nước lặng, một vị chỉ huy khôn ngoan và dũng cảm biết bảo vệ hòa bình, một người chăn cừu biết chăm sóc và giữ an toàn cho những con cừu non của mình. Một lẽ đơn giản là tất cả chúng ta đều yêu mến tiếng chim non ríu rít hơn tiếng súng đạn. Chúng ta đều muốn được ngắm nhìn những đàn chim lượn bay tự do hơn là những chiếc máy bay quân sự trên bầu trời.

Thưa Tổng thống, trong những thời khắc đen tối này, ngài không bước đi một mình. Có rất nhiều người đang hướng về Ngài, yểm trợ Ngài và cầu chúc cho Ngài có nhiều can đảm trên chặng đường khó khăn này.

Xin gửi tới Ngài tất cả lòng biết ơn và niềm tin tưởng.

Thích Nữ Chân Mai Nghiêm.

 

Thư của Sư Ông Làng Mai gửi Tổng thống Mỹ

 

George W. Bush (ngày 8.8.2006)

Kính thưa Ngài Tổng thống,

Đêm qua, tôi mơ thấy anh tôi (anh tôi vừa từ trần cách đây hai tuần tại Hoa Kỳ). Anh đang ở bên các con của anh và nói với tôi: “Chúng ta hãy cùng nhau về nhà đi”. Sau một tích tắc ngần ngừ, tôi vui vẻ trả lời: “Vâng, chúng ta phải về nhà thôi”.

Thức giấc vào khoảng năm giờ sáng, tôi nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, và lần đầu tiên tôi có thể khóc. Tôi khóc rất lâu và cảm thấy nhẹ hơn sau một giờ đồng hồ. Rồi tôi xuống bếp pha trà. Trong khi pha trà tôi nhận ra rằng lời anh tôi nói là đúng: “Nhà của chúng ta đủ rộng cho tất cả chúng ta. Hãy cùng nhau trở về trong tình anh em”.

Kính thưa Tổng thống, tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống có thể khóc như tôi đã khóc sáng nay, Tổng thống sẽ cảm thấy nhẹ bớt rất nhiều. Chúng ta đang giết những người anh em của chúng ta ở bên đó. Họ là những người anh em của chúng ta – Chúa đã nói với chúng ta như vậy, tất cả chúng ta đều biết như vậy. Họ có thể không coi chúng ta như những người anh em bởi vì họ đang thù hận, hiểu lầm và kỳ thị. Tuy nhiên, với chút ít tỉnh thức, chúng ta có thể nhìn mọi sự từ một khía cạnh khác, và như thế chúng ta giải quyết tình trạng bằng cách khác. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào đức Chúa nơi Ngài. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Phật tính trong Ngài.

Xin cảm ơn Tổng thống đã đọc thư này,Với lòng biết ơn, và trong tình huynh đệ,

Thích Nhất Hạnh

Làng Mai

Dừng lại, nhìn sâu và hành động

Những quán chiếu về Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris
(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Một lần nữa chúng ta được kêu gọi dừng lại, quán chiếu và hành động để bảo vệ đất Mẹ, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) tại Paris năm 2015 là một cơ hội cho đại gia đình nhân loại cùng dừng lại để nhìn sâu vào thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, và xem liệu chúng ta có thể đoàn kết với nhau vì một sự nghiệp chung hay không.

Mục tiêu chính của Hội nghị là đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu – lần đầu tiên sau hai mươi năm đàm phán – với sự cam kết của 195 nước về cắt giảm khí thải nhằm đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức dưới 2 độ C và bảo vệ đất Mẹ khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Để giúp cho ước nguyện này được thành tựu, các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo và các cộng đồng bản địa được khuyến khích đóng góp tiếng nói của mình tại Hội nghị. Tăng thân Làng Mai cũng là một trong số những cộng đồng được mời tham dự vào sự kiện này. Có một số người đã đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại tham gia vào một hội nghị như vậy, một môi trường mang tính chính trị và ngoại giao nhiều hơn là hành động. Một số khác lại nghĩ rằng có thể sự có mặt của chúng tôi chỉ có tính cách tượng trưng, bề mặt, với rất ít sự ảnh hưởng. Cũng có người tự hỏi đối với một vấn đề có tính cách kinh tế, chính trị và ngoại giao như vậy, không biết một truyền thống tâm linh, nhất là truyền thống đạo Bụt, có gì để hiến tặng. Đối với phái đoàn xuất sĩ chúng tôi nói riêng và đại chúng Làng Mai khắp nơi nói chung, sự kiện này là một cơ hội để chúng tôi tìm ra những cách thức dấn thân mạnh mẽ hơn cho vấn đề biến đổi khí hậu và nhìn sâu để thấy chúng tôi – trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tăng thân – đang thực tập đến đâu trong việc giữ gìn đất Mẹ, từ đó có thể thấy rõ đường hướng để cùng nhau đi tới.

Chiều hướng tâm linh

Ngày đầu tiên lên Paris, phái đoàn chúng tôi tập hợp cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới tại Nhà thờ lớn Saint Denis để hiến tặng năng lượng tâm linh, những lời cầu nguyện cùng những cái thấy sâu sắc về đề tài bảo vệ đất Mẹ. Năng lượng của tình huynh đệ được cảm nhận một cách rõ rệt trong buổi hôm ấy. Có những lời cầu nguyện Ấn độ giáo và những bài tụng Hồi giáo được dâng lên. Một nhóm hành hương trẻ từ Philippines cũng hiến tặng một bài hát. Sư cô Giác Nghiêm, đại diện phái đoàn Làng Mai, hướng dẫn một bài thiền tập rất cảm động, với một chiếc chuông nhỏ mà sư cô mang theo lên khán đài. Sư cô Đào Nghiêm đọc một vài câu được trích dẫn từ một số sách của Thầy do ban tổ chức chọn trước. Một phụ nữ trẻ theo đạo Thiên chúa đến từ một bộ lạc trong sa mạc Sahara kể về cuộc đời của cô và những vấn đề cấp bách mà quê hương cô đang phải đối diện.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết cho “công lý khí hậu” (climate justice – một từ mà các nước đang phát triển sử dụng để yêu cầu các nước phát triển tăng cường nguồn lực tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nước này, có một nghịch lý là từ trước đến nay, các nước đang phát triển gây ô nhiễm ít hơn nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu). Qua lời kêu gọi đầy từ bi đó, chúng tôi hiểu thêm về những người đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất do sự tàn phá sinh môi và sự biến đổi khí hậu bất thường, đó là những nhóm người không có một chút quyền lực nào ngoài tiếng nói và niềm tin của họ.

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng bà Christiana Figueres – Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) và cũng là người điều hành chính cho các vòng đàm phán tại Hội nghị về khí hậu tại Paris – là đệ tử của Thầy Làng Mai. Bà tìm được nguồn an ủi lớn qua những tuệ giác và những lời dạy của Thầy. Từ kinh nghiệm thực tập của chính mình, bà có niềm tin rằng chiều hướng tâm linh có khả năng góp phần tạo nên sự thay đổi cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Chính bà đã mời các nhà lãnh đạo và các cộng đồng tôn giáo đóng góp tiếng nói của mình tại Paris và các nơi khác trên thế giới. Trong một buổi phỏng vấn sau hội nghị, bà đã phát biểu rằng: “Tôi không nghĩ là mình có đủ sự bền bỉ, lạc quan cũng như giữ được sự cam kết và niềm cảm hứng của mình một cách sâu sắc nếu bên cạnh tôi không có những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Bà chia sẻ thêm rằng để giữ cho mình được vững chãi và đủ niềm cảm hứng trong công việc, bà luôn đem theo bên mình quyển sách Tâm tình với đất Mẹ (Love Letters to the Earth) của Thầy. Chúng tôi mong rằng những ai đang hoạt động tích cực vì sinh môi có được một sự thực tập tâm linh, một gốc cây thân quen hoặc một con đường để trở về, để được nuôi dưỡng và làm mới lại cảm hứng của mình, từ đó có thể tiếp tục công việc giúp đời.

Trong buổi sinh hoạt liên tôn giáo trước Hội nghị, bà Christiana có một bài diễn thuyết với nội dung chính xoay quanh đề tài: Đi trên con đường hoạt động cho sinh môi với tình thương và ý thức sáng tỏ. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và nhà báo, bà chia sẻ cụm từ viết tắt WALK (bước đi) đã chỉ dẫn, định hướng cho bà trong công việc như thế nào. W là Wakening – thức tỉnh, A là Affirmation – sự khẳng định, xác quyết (về khả năng có thể tạo nên sự thay đổi cho tình trạng hiện nay), L là Love – tình thương, K là Knowledge – kiến thức. Bà phát biểu với rất nhiều tình thương, tuệ giác và niềm tin. Bài diễn văn của bà như một bài pháp thoại, với năng lượng của Bồ tát Văn Thù (Manjushri), tác động thẳng vào trái tim của hội nghị. Sau khi kết thúc buổi sinh hoạt, một sư cô trong phái đoàn chúng tôi đã tìm đến khán đài và thiền ôm với bà. Ý thức rằng bà là một huynh đệ trong gia đình tâm linh, chúng tôi muốn bà biết là chúng tôi có mặt đó cho bà và yểm trợ bà. Chúng tôi nói rằng: “Christiana thương quý, chúng tôi muốn tặng bà một cái ôm, thay cho Thầy và tăng thân chúng tôi”. Đó là một cái ôm rất lâu. Bà đã khóc khi cảm nhận được sự yểm trợ tâm linh rất sâu sắc từ Thầy và tăng thân.

Chúng ta đang đứng ở đâu, đang đi về đâu?

Ngày hôm sau, anh chị em chúng tôi cùng nhau bước những bước chân chánh niệm đến quảng trường Cộng hòa (La Place de la République) tại trung tâm Paris. Lẽ ra hôm nay, tại nơi này sẽ diễn ra một ngày hành động vì sinh môi. Hơn 70 ngàn người dự kiến sẽ tham dự vào “Buổi diễu hành cho sinh môi” (People’s Climate March) để kêu gọi các chính phủ có những hành động mạnh mẽ và thiết thực để giữ gìn cho nhân loại một tương lai tươi sáng. Đáng buồn là sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, chính phủ Pháp đã ngăn cấm thay vì yểm trợ cho hoạt động này. Đây là một thất vọng lớn đối với hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới.

Dọc theo quảng trường, chúng tôi thấy có 50 chiếc xe quân sự đang đậu nối đuôi nhau cùng với lực lượng cảnh sát có vũ trang. Hàng ngàn người, thay vì tham dự buổi diễu hành như dự kiến, đã được đại diện bởi hàng ngàn đôi giày được xếp ngay ngắn khắp quảng trường, trong số đó có một đôi ngày đen của Đức Giáo hoàng Francis. Đâu đó trên quảng trường có một vài người ngồi yên lặng để quán chiếu về những chiếc giày. Đoàn chúng tôi cũng hiến tặng sự có mặt, tình thương và năng lượng bình an của mình. Chúng tôi yên lặng đi vòng quanh những đôi giày được xếp như một tấm thảm ngay giữa quảng trường, nơi vẫn còn tràn ngập nến và hoa tưởng niệm hơn 130 nạn nhân của vụ khủng bố vừa qua. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc diễu hành cho sinh môi và hành động tưởng niệm các nạn nhân khủng bố lại diễn ra tại cùng một địa điểm. Nếu nhìn cho kỹ, cho sâu, ta có thể thấy được những nhân duyên gắn kết cuộc khủng hoảng khí hậu với nạn khủng bố, đó là lòng tham, lòng thù hận và những cái thấy sai lạc của con người.

Một vài phóng viên dừng chúng tôi lại và hỏi: tại sao quý vị lại đến đây? Tâm linh có liên quan gì đến vấn đề này? Năng lượng tâm linh hay năng lượng của sự cầu nguyện có giúp tạo ra được sự thay đổi nào không? Những câu hỏi này làm cho chúng tôi không thể không nhớ đến lời dạy của Thầy: không có con đường đi đến bình an, bình an chính là con đường (there is no way to peace, peace is the way). Chúng tôi ý thức rằng bình an và trị liệu là năng lượng mà chúng tôi cần phải chế tác trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân đặt trên đường phố Paris cũng như trên đất Mẹ. Những hành động và nỗ lực của chúng tôi vì một tương lai bình an và hòa hợp hơn cần phải được dựa trên một nền tảng tâm linh sâu sắc. Có như vậy, chúng tôi mới có thể vượt qua “những thất vọng hữu hạn” (our finite disappointments) và không bao giờ đánh mất “niềm hy vọng vô hạn” (our infinite hope) của mình, như lời Mục sư Martin Luther King đã nói.

Câu hỏi của các phóng viên buộc chúng tôi phải quán chiếu: chúng tôi, với tư cách một tăng thân, đang đứng ở vị trí nào trong bức tranh chung của thế giới? Buổi sáng hôm ấy tại quảng trường Cộng hòa, chúng tôi đã mỉm cười để chào những người qua đường, vẽ những tác phẩm bằng phấn màu trên vỉa hè, cùng uống trà, ăn sô-cô-la và quýt với những người bạn mới quen trên phố. Năng lượng bình an mà chúng tôi chế tác được trong buổi sáng hôm ấy có liên hệ gì tới những bạo động đã xảy ra? Những hành động nhỏ mang lại bình an và thương yêu trong đời sống hàng ngày của chúng tôi có thể nào tác động được đến các cơ chế quyền lực của các chính phủ, các tập đoàn sản xuất vũ khí và giới truyền thông? Hay nói cách khác, những gì đang diễn ra trên thế giới có tác động gì tới mỗi bước chân thiền hành của chúng tôi trong tu viện?

Một cơ hội để quán chiếu

Chúng tôi có cơ hội quán chiếu khi cùng nhau đi tham quan một vòng khuôn viên của trung tâm Hội nghị, nơi mà ngày trước là nhà chứa máy bay (aircraft hangars). Chúng tôi có mặt nơi đây, không chỉ với tư cách đại biểu tham dự hay quan sát viên mà còn với tư cách một hành giả. Chúng tôi nhớ đến lời Thầy dạy rằng sự có mặt của chúng tôi một thông điệp: cách đi đứng và uy nghi có thể biểu lộ chiều sâu thực tập của chúng tôi. Đầu tròn, áo nâu, với những bước chân nhẹ nhàng, chúng tôi trở nên khác biệt giữa những đôi giày cao gót và những bộ âu phục sang trọng. Sự tương phản này làm cho chúng tôi phải suy nghĩ và nhắc chúng tôi về lý do tại sao chúng tôi có mặt tại hội nghị này: chúng tôi đến đây không phải với mục đích để đạt được một kết quả nào đó, không phải để đánh mất mình hay đánh mất sự tiếp xúc với đất Mẹ, mà chính là để thể hiện tình thương đối với đất Mẹ trong mỗi bước chân mình. Chúng tôi đã thực tập có mặt và lắng nghe tiếng khóc của đất Mẹ trong mỗi bước chân và thể hiện lòng biết ơn đối với đất Mẹ khi ngồi ăn trưa cùng nhau.

Mọi người tham dự Hội nghị có vẻ hiếu kỳ với sự có mặt của anh chị em xuất sĩ chúng tôi. Họ mỉm cười và đến chơi với chúng tôi. Nhiều nhà báo cũng muốn đặt câu hỏi với chúng tôi. Quý vị là ai? Quý vị đến đây để đòi hỏi điều gì? Mọi người đến đây để tranh đấu cho những vấn đề chính trị, còn quý vị thì có gì để đóng góp, để hiến tặng?

Chúng tôi cũng tự hỏi chính mình, liệu chúng tôi có thể thực sự giúp ích được gì ở đây? Người ta có cần thêm những ý kiến và những cái thấy của chúng tôi không? Hay họ cần một cái gì khác? Thầy đã dạy chúng tôi rằng cái mà thời đại chúng ta đang đối diện không phải là cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế hay khoa học-kỹ thuật, mà là cuộc khủng hoảng về tâm linh. Nếu vậy thì có loại thuốc tâm linh nào mà chúng tôi có thể hiến tặng, và hiến tặng bằng cách nào? Làm thế nào chúng tôi có thể nói lên tiếng nói của đất Mẹ trong mỗi cuộc phỏng vấn của giới báo chí? Làm thế nào để chúng tôi có thể nhìn đất Mẹ như một thực thể sống, linh động mà không phải là một khối vật chất vô tri? Trong thời đại ngày nay, người tu như chúng tôi cần phải làm gì để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu?

Tìm đường để đi tới, đó không phải là vấn đề của riêng ai

Hội nghị thượng đỉnh tại Paris là mô hình thu nhỏ của cả hành tinh: mỗi quốc gia có một khu vực để trưng bày những hình ảnh giới thiệu về đất nước mình, về những thách thức mà đất nước mình đang đối diện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Qua đó, chúng tôi thấy được sự đa dạng của gia đình nhân loại và mối liên hệ tương tức, phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các quốc gia, dân tộc. Sống trong một cộng đồng quốc tế đa dạng như Làng Mai, chúng tôi phần nào hiểu được những nỗ lực to lớn của Liên Hiệp Quốc trong việc tập hợp 195 quốc gia với các nền văn hóa khác nhau cùng ngồi lại dưới một mái nhà để đi đến một thỏa thuận trong sự hòa hợp. Hội nghị thượng đỉnh tại Paris có vẻ giống con thuyền cứu thế Noah – con thuyền đã cứu nhân loại qua trận đại hồng thủy, được nêu trong kinh Thánh (Biblical Noah’s Ark). Chúng tôi không thể không nghĩ đến hình ảnh trái đất như một con thuyền, một phi thuyền duy nhất đang bay trong vũ trụ. Và trên con thuyền chung này, bất cứ giải pháp nào đưa ra cũng phải nghĩ đến mọi loài: con người, toàn bộ khí quyển cũng như sinh quyển của các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá.

Thầy đã nói rằng chúng ta không chỉ cần công nghệ mới để bảo vệ trái đất, mà chúng ta cần nhiều hơn thế. Cái mà chúng ta cần là tinh thần cộng đồng và hợp tác thật sự. Trong thiên niên kỷ mới này, chúng ta có khả năng tập hợp lại với nhau như một đại gia đình toàn cầu, để truyền thông và lắng nghe nhau, lắng nghe những giá trị, những nét đẹp của nhau và cả những khó khăn, những mối quan ngại. Chúng ta có đủ kiến thức và trình độ về khoa học để biết rõ tình trạng của trái đất và những gì còn lại cho chúng ta nếu chúng ta không thay đổi hướng đi của mình. Và chúng ta biết rằng đây không phải là một vấn đề mà một quốc gia có thể giải quyết một cách riêng rẽ.

Chúng ta cũng đã có công nghệ. Những gì chúng ta cần bây giờ là khả năng hợp tác, hiểu nhau và lòng bác ái, ở phạm vi quốc tế. Hướng đi tới của chúng ta là như một cộng đồng toàn cầu (global community). Đây là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, dù chúng ta đang ở vị trí nào trên con thuyền trái đất.

Mùa thu năm 2015, tăng thân Làng Mai đã có cơ hội hợp tác với các truyền thống Phật giáo khác nhau để đưa ra một Thông điệp Phật giáo về Biến đổi khí hậu (International Buddhist Declaration on Climate Change). Cùng hợp tác chung với nhau, nuôi dưỡng tình thương, niềm tin và tuệ giác tập thể giữa các truyền thống Phật giáo và các truyền thống văn hóa khác nhau là một thách thức đối với chúng tôi. Chúng tôi đã học cách mở lòng để tiếp nhận những giá trị của các truyền thống khác. Chúng tôi nhận ra rằng không ai trong chúng tôi có thể xác định được điều gì là quan trọng nhất cho người khác hoặc cộng đồng khác, rằng không ai có một câu trả lời “hoàn toàn đúng”, rằng không có một cộng đồng nào có một nếp sống hoàn hảo, và điều quan trọng nhất là ai cũng đang cố gắng làm hết sức mình.

Mỗi tối sau các hoạt động tại Hội nghị, chúng tôi trở về lại thiền đường Hơi Thở Nhẹ – một trung tâm tu học của Làng Mai nằm ở ngoại ô Paris. Thật hạnh phúc và biết ơn khi thấy một nồi xúp nóng đang chờ mình. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự yểm trợ và tình thương mà các sư cô ở Thiền đường đã dành cho chúng tôi. Lòng chợt nghĩ đến các đại biểu quốc tế và các nhà hoạt động vì sinh môi đang trở về căn phòng ở khách sạn mỗi tối một mình.

Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy một năng lượng tập thể rất hùng hậu khi đến thăm khách sạn Place-to-B, nơi ở của một nhóm gồm hàng trăm nhà báo trẻ và các nhà hoạt động môi trường đang tham dự và đưa tin về Hội nghị. Những người bạn này muốn thuê một nơi mà họ có thể sống, làm việc và thư giãn cùng nhau để nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho nhau trong thời gian diễn ra Hội nghị. Chính tại khách sạn này, chúng tôi đã gặp một nhà hoạt động môi trường người Mỹ. Người bạn trẻ này đã chia sẻ với chúng tôi rằng anh bị kiệt quệ (burn-out) sau những năm tháng hoạt động đầy nhiệt huyết để bảo vệ môi trường. Anh đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch, năm 2009. Từ đó, anh đã tìm đến với thiền tập và tham gia vào các hoạt động tập thể của tăng thân One Earth Sangha để nuôi dưỡng chính mình, chăm sóc và trị liệu cho những vết thương trong lòng mình, nhờ vậy anh mới có thể tiếp tục công việc có ý nghĩa này.

Vai trò của phong trào quần chúng

Cuộc diễu hành của phong trào bảo vệ sinh môi tại Zurich, Thụy Sĩ

Một điều khá đặc biệt của Hội nghị khí hậu tại Paris là vai trò của phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi, nổi lên khắp thế giới. Các Hội nghị trước đây không có yếu tố này. Chúng tôi ý thức nhiều hơn về những công việc có tính tiên phong của Bill McKibben – nhà hoạt động khí hậu danh tiếng, cha đẻ của 350.org – phong trào quốc tế về biến đổi khí hậu. 350.org được đặt tên theo chỉ số an toàn của nồng độ carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển: 350 phần triệu. Cách thức bất bạo động của phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi nhấn mạnh đến vai trò của các nhóm hoạt động tại địa phương trong việc tự chịu trách nhiệm và đưa ra sáng kiến hành động cho cộng đồng địa phương của mình, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu. Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi trên thế giới không chỉ tập trung vào các chính phủ và các nhà chính trị, mà còn hướng vào các tập đoàn và những địa điểm sản xuất, nơi mà các tập đoàn khai thác và tiêu thụ nguồn năng lượng hóa thạch. Bằng cách này, phong trào hoạt động vì sinh môi có thể chuyển hướng sang bất cứ nơi nào trên thế giới, nơi mà các tập đoàn vì mục tiêu lợi nhuận đang làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí.

Chúng tôi cảm thấy thật sự gần gũi với phong trào 350.org và các nhóm hoạt động vì sinh môi khác, có lẽ bởi vì cũng giống các bạn, chúng tôi cũng nương tựa vào cộng đồng, vào tăng thân để thực hiện ước nguyện của mình. Điều đáng chú ý là phong trào này kêu gọi mọi người tự lãnh đạo chính mình mà không chờ đợi sự lãnh đạo từ ai khác. Như lời của Bill McKibben, phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi không kêu gọi một nhà lãnh đạo với chữ L in hoa, mà kêu gọi tất cả chúng ta tự chủ động, tự lãnh đạo phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương mình. Điều này tương tự như những lời mà Thầy đã dạy chúng tôi về cách tổ chức tăng thân. Chúng tôi đến với nhau vì có chung một ước nguyện, và mỗi người chúng tôi đều phải có trách nhiệm xây dựng tăng thân cũng như trách nhiệm hành động để đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu. Mạng lưới tăng thân quốc tế của Làng Mai có tiềm năng đóng góp rất lớn, không chỉ trên khía cạnh chia sẻ giáo pháp mà còn đóng góp vào nỗ lực chung để bảo hộ đất Mẹ.

Phát triển với sự tiết chế

Hiệp định chống biến đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán chấp thuận ngày 12.12.2015 tại Paris có ý nghĩa gì cho thế giới và cho chúng ta? Hiệp định này giúp chúng ta ý thức rõ hơn, rằng trong những thế kỷ tới, chúng ta cần hợp tác với nhau như một tập thể, một cộng đồng. Đó là chọn lựa duy nhất của chúng ta. Cũng như khi bom nguyên tử rơi xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho cả thế giới kinh hoàng. Giờ đây ai cũng ý thức rằng bất cứ quốc gia nào làm (hoặc không làm) một việc gì cũng đều tác động đến tất cả các quốc gia khác.

Sự phát minh bom nguyên tử đã làm thay đổi vĩnh viễn cục diện chiến tranh thế giới, cũng như vậy, sự khủng hoảng khí hậu đã và đang làm thay đổi hướng phát triển của thế giới. Chúng ta không thể tiếp tục đà phát triển vô hạn trên một hành tinh hữu hạn. Một quốc gia không thể nào phát triển bằng cách hy sinh lợi ích của những quốc gia khác, hay bằng cách tàn hoại đất Mẹ. Hiệp định Paris khẳng định rằng sự tiết chế và chừng mực là hai điều cần thiết mà chúng ta phải thực tập ngay bây giờ; mỗi quốc gia không thể theo đuổi mục đích phát triển và tiến bộ kinh tế của nước mình mà không quan tâm đến các quốc gia còn lại trên thế giới. Đây là một loại giới luật (một bộ quy tắc đạo đức cho sự phát triển) cần thiết để bảo hộ hành tinh của chúng ta.

Sự quân bình và tiết chế sẽ là thử thách tột bậc cho thế hệ chúng ta. Vì vậy trong một bức thư gửi cho cộng đồng thế giới, các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã viết: “Từ trước đến nay, cái mà người ta muốn nghe là một thỏa thuận về biến đổi khí hậu vừa có khả năng cứu vãn được thế giới vừa không đòi hỏi con người phải thay đổi lối sống và những tham vọng của mình (về phát triển kinh tế,…)”. Nhưng trên thực tế, những lối sống đó và những tham vọng đó sẽ phải thay đổi. Một vấn đề thử thách triền miên cho loài người chúng ta là làm thế nào để quân bình giữa mưu cầu cá nhân với lợi ích tập thể; và hơn bao giờ hết, là sự quân bình giữa mưu cầu cá nhân với sự sống còn của hành tinh chúng ta.

Trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng

May mắn thay trong tăng thân, chúng tôi có những phương pháp thực tập giúp cân bằng được giữa những sở thích, lối sống cá nhân với nhu yếu hành động như một tăng thân để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Trước khi tham dự Hội nghị Paris, chúng tôi đã kêu gọi tứ chúng Làng Mai ở khắp nơi thực tập Năm điều cụ thể để yểm trợ cho Hội nghị. Thực tập thứ nhất là không tiêu thụ thịt và sản phẩm từ sữa trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị (30.11 – 11.12.2015), như một lời nguyện cầu cho sinh môi. Thực tập thứ hai là mỗi người cam kết thực hiện ít nhất một hành động nào đó trong danh sách các hành động để bảo vệ sinh môi trong đời sống hàng ngày. Thực tập thứ ba, chúng tôi khuyến khích mọi người trong gia đình, cộng đồng, hoặc tăng thân đến với nhau để cùng nâng đỡ và tìm các phương pháp hữu hiệu giúp làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu bất thường. Thực tập thứ tư là tham gia vào các “cuộc diễu hành của quần chúng bảo vệ sinh môi” (People’s Climate March) trong thành phố mình để yểm trợ cho phong trào bảo vệ sinh môi trên toàn cầu. Thực tập thứ năm, chúng tôi đề nghị mọi người đeo một dải ruy băng nhỏ màu xanh lá cây trên áo để tự nhắc nhở mình và cũng để nâng cao ý thức của mọi người xung quanh.

Có những người nghĩ rằng những thực tập này không quan trọng mà chỉ là sự thể hiện có tính tượng trưng của những quan tâm cá nhân. Những thực tập này khiến họ bị phân tâm, không để họ tham gia vào các cuộc vận động nhằm thách thức và ngăn chặn những cơ chế/hệ thống mà họ nghĩ là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng khí hậu.

Năm sự thực tập này mời tất cả mọi người dừng lại và nhìn sâu vào lối sống của mình và sự ảnh hưởng của lối sống đó đối với khí hậu toàn cầu. Cũng như hình tướng đầu tròn, áo vuông của người xuất sĩ, những thực tập này vừa là biểu tượng vừa là hành động dừng lại và không để bị lôi cuốn bởi xu thế hiện tại, bằng cách lựa chọn một lối sống hài hòa hơn với thực trạng của thế giới và ít ảnh hưởng hơn tới sinh môi. Sự thực tập của chúng tôi không phải là một sự rút lui ra khỏi xã hội và thế giới. Khi chúng tôi thực tập thiền đi, đó không phải là một biểu tượng hay một sự tượng trưng. Chúng tôi thực tập thiền đi không chỉ để thưởng thức những bước chân của chính mình và nuôi lớn năng lượng tâm linh mà thiền đi còn là một hành động dừng lại và không để bị cuốn đi bởi sự tăng tốc của một xã hội tiêu thụ. Và đi về hướng ăn chay, không dùng sản phẩm từ sữa (vegan), chính là một hành động cụ thể nhất mà chúng tôi có thể thực hiện ít nhất ba lần mỗi ngày để nuôi dưỡng cam kết cá nhân và làm giảm sự thiệt hại cho trái đất. Không những chúng tôi chọn không yểm trợ ngành công nghiệp sản xuất thịt và việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng loạt, mà chúng tôi còn chọn yểm trợ tôn trọng sự sống.

Tượng đài của tinh thần trách nhiệm

Trong một góc của trung tâm Hội nghị có trưng bày một tác phẩm nghệ thuật mô phỏng tháp Eiffel làm bằng những chiếc ghế màu đỏ thường được sử dụng trên các vỉa hè, dưới mái hiên của các quán ăn hay quán cà phê. Màu đỏ tượng trưng cho sự kiện khủng bố tại Paris, còn những chiếc ghế là biểu tượng của nếp sống thường nhật trên phố xá và những quán cà phê ở Paris, những nơi đã xảy ra các vụ khủng bố. Tác phẩm nghệ thuật này làm chúng tôi liên tưởng tới tượng Nữ thần Tự Do (Statue of Liberty), một món quà mà nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ năm 1886, tượng trưng cho sự liên minh cũng như lý tưởng chung về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân hai nước. Chúng tôi nhớ Thầy đã từng gợi ý rằng cái mà nước Mỹ và thế giới cần bây giờ là một bức tượng thần Trách Nhiệm (Statue of Responsibility). Thầy đề nghị nên đặt tượng này ở vịnh San Francisco, bờ biển phía tây của nước Mỹ.

Sau khi về lại Làng Mai, phái đoàn chúng tôi đã thuyết trình cho đại chúng về những gì chúng tôi đã học được từ hội nghị và xem tăng thân có thể đóng góp gì cho phong trào bảo vệ sinh môi hiện nay. Quý thầy, quý sư cô tại các xóm ở Làng Mai đã cùng quán chiếu xem những thay đổi nào cần được áp dụng trong xóm của mình để tiết kiệm nước, điện, sử dụng nhiên liệu với hiệu suất cao hơn và tránh lãng phí.

Một số người đã đặt câu hỏi vì sao trong những năm gần đây, Thầy đã không còn hoạt động nhiều như trong giai đoạn chiến tranh tại Việt Nam. Vì sao Thầy không lên tiếng trước công chúng về những vấn đề cấp bách trong xã hội? Vì sao Người chỉ dạy cách thở và cười, và chỉ hướng dẫn các khóa tu chánh niệm cho quần chúng? Thầy đã dạy chúng ta rằng khi một người có khả năng dừng lại, lắng lòng để thấy rõ gốc rễ của khổ đau và chăm sóc khổ đau của chính mình, người đó sẽ có cơ hội tiếp xúc được với hạnh phúc đích thực. Từ sự chứng nghiệm cá nhân này, họ sẽ được trị liệu và chuyển hóa, từ đó phát khởi mong muốn giúp đỡ và làm lợi ích cho người khác. Chỉ khi nào chúng ta thực tập sống chậm lại để tiếp xúc với niềm an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì chúng ta mới có thời gian và không gian để nhìn sâu vào thực trạng của thế giới và thấy rõ trách nhiệm của mình.

Chúng tôi đã chứng kiến điều này rất nhiều trong các khóa tu mà tăng thân chúng tôi có cơ hội hướng dẫn. Chỉ sau năm ngày hoặc một tuần thực tập chánh niệm và sống chung trong tăng thân, thiền sinh đã thiết tha tiếp nhận Năm giới. Họ hăng hái và quyết tâm trở về nhà để giải hòa với người thương của mình và thiết lập một nếp sống hạnh phúc, lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm hơn. Thầy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực tập Năm giới và việc chế tác chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Khi sống có chánh niệm, chúng ta có thể thấy rõ rằng nhờ dừng lại được một hành động không lành nào đó, chúng ta sẽ ngăn ngừa được một điều không lành khác có thể xảy ra. Chúng ta đạt tới cái thấy sâu sắc từ sự trải nghiệm của chính mình mà không phải do một quyền lực bên ngoài áp đặt lên. Chúng ta làm mới lại niềm hy vọng cho tương lai và thực hiện được ước nguyện chung của mình.

Thế kỷ XX chứng kiến sự giải phóng của nhiều dân tộc và nhiều quốc gia khỏi chế độ áp bức và bóc lột. Ở Ấn Độ, Thánh Gandhi đã lãnh đạo người dân trong cuộc cách mạng bất bạo động để giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Tại Mỹ, Mục sư Martin Luther King đã lãnh đạo người Mỹ gốc Phi trong phong trào bất bạo động đấu tranh cho dân quyền và chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc. Bà Susan B. Anthony đã dẫn đầu cuộc chiến đòi quyền bầu cử cho giới phụ nữ. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác, người dân đã đứng lên và tự giải phóng khỏi quyền thống trị thực dân và bóc lột. Ở những quốc gia giàu có, những người nghèo và những người bị kỳ thị cũng đã từng nổi dậy biểu tình cho nhân quyền và bình đẳng.

Trong thế kỷ này, chúng ta cần ý thức rằng quyền tự do nhất thiết phải đi đôi với tinh thần trách nhiệm. Trong quá trình tìm cầu tự do và hạnh phúc, chúng ta không được xâm phạm vào quyền sống của các chủng loại và của trái đất. Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Paris đã giúp thế giới thấy rõ mối liên hệ không thể tách rời giữa mọi người, mọi loài, dù chúng ta có muốn chấp nhận sự thật ấy hay không. Đây không phải là vấn đề của triết học hay niềm tin. Đây là một sự thật có căn cứ khoa học. Giờ đây, sự thực tập của chúng ta là ý thức hơn về mối liên hệ tương tức này và những trách nhiệm cần có cho thế hệ chúng ta và cả cho các thế hệ tương lai.

 

Cô Hạnh Phúc

Đi tìm hạnh phúc

Có một bài thơ của Xuân Diệu có lẽ ít người biết đến, nói về hạnh phúc. Hạnh phúc được diễn tả bằng một cô gái trẻ: Cô Hạnh Phúc (Mademoiselle Bonheur). Những câu cuối của bài thơ như thế này:

Cô Hạnh Phúc, gớm, đợi chờ cô mãi

Chữ gớm ở đây có nghĩa là: Trời đất ơi, mèn đét ơi, ối giời ơi, dữ không, tức là chờ hoài chờ mãi.

Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu. Bao nhiêu bàn tay đã sứt mẻ vì cố công xây dựng hạnh phúc!

Trật bả vai, rỏ máu những lông mày

Đi kiếm hạnh phúc gian nan, bị thương tích rất nhiều.

Nhưng cô đến, cả huy hoàng trên trán

Cô đến là đến chứ không phải do ta đi tìm hay xây dựng. Ta hình dung cô Hạnh Phúc xuất hiện, trán phóng hào quang.

Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán

Cô đến hơi trễ, bây giờ răng tôi đã long, đầu tôi đã bạc, chân tôi đã yếu. Thấy như là đã hết hy vọng. Nhưng nghĩ cho cùng, may mà có cô tới trước khi mình thở hơi thở cuối cùng.

Hội loài người hỷ lạc lắm hôm nay

Tôi sẽ xin Đời về một buổi mai

Đời là sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó, nhưng ta quá bận rộn nên không có thì giờ để tiếp xúc. Được ra đời và đáng lý được sống một cuộc đời, nhưng con người không có cơ hội, con người quá bận rộn nên không được sống cuộc đời của mình. Trong lo toan, chạy chọt, tìm kiếm, chúng ta đánh mất sự sống, đánh mất cuộc đời. Bây giờ xin lại, dầu là hơi trễ, nhưng cũng chưa trễ lắm. Buổi mai ở đây là một buổi mai hồng.

Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong

Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại

Trở lại đâu? Trở lại sự sống đích thực mà chúng ta đã đi lạc, đã nhầm lẫn, đã đánh mất. Sự sống đẹp đẽ, mầu nhiệm là cái ta nhớ, ta mong. Và vì còn nhớ mong nên ta còn có cơ hội để trở về.

Rất nhiều người đang trên hành trình đánh mất tự thân và đánh mất luôn sự sống mầu nhiệm. Ta bị những danh vọng, quyền hành, tiền bạc, sắc dục kéo đi mà tưởng chúng là hướng của hạnh phúc. Nhưng cái thật sự sâu thẳm ta mong muốn là sự sống mầu nhiệm. Cái mong muốn đó vẫn còn trong con người của ta, cho nên ta đi xuất gia. Bồ đề tâm, tâm ban đầu đó vẫn còn sống. Đó là một khối lửa, là một nguồn năng lượng có khả năng giúp cho người xuất gia sống trọn đời tu của mình và có hạnh phúc trong từng phút từng giây. Đó là bồ đề tâm, là tâm ban đầu, là cái nhớ mong sâu nhất mà không phải là những cái nhớ mong tầm thường. Người xuất gia không nhớ mong những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người xuất gia nhớ mong cái lý tưởng, lời đại nguyện phát ra khi quỳ xuống để thầy cắt tóc chấp nhận ta trở thành một sư chú, một sư cô. Tâm ban đầu, khối lửa lúc ban đầu đó là cái nhớ, cái mong.

Cũng bởi vì còn cái nhớ, cái mong đó nên chúng ta có cơ hội quay ngược trở lại (U-turn) để tìm sự sống đích thực. Ta đã đánh mất hầu hết cuộc đời của mình, tại vì ta tìm theo ảo ảnh của hạnh phúc. Có khi đã sứt mẻ hai bàn tay, đã trầy hai vai và đã rỏ máu trên lông mày mà vẫn chưa thấy có hạnh phúc. Chỉ cần có sự tỉnh thức thì hạnh phúc tới rất huy hoàng. Cái người tu cần không phải là tiền bạc hay địa vị, dù là địa vị trong giáo hội, mà là sự tỉnh thức. Tỉnh thức là đủ để cho ta trở về và trở về rồi thì ta liền có hạnh phúc rất lớn. Tự nhiên cô Hạnh Phúc đến.

Xuân Diệu nói: “Thầy ơi, tôi dùng chữ vui vẻ chứ đâu có dùng chữ hỷ lạc trong thơ, tại sao thầy cho vào trong đó?”. Vui tức là hỷ. Bây giờ chúng ta trả lại chữ của Xuân Diệu cho Xuân Diệu:

Hội loài người vui vẻ lắm hôm nay

Ta nên trở về với sự sống đích thực của mình, nếu không trở về được thì thật đáng tiếc! Một ngày nào đó ta sẽ nằm trên giường bệnh và lúc ta sắp thở hơi thở cuối cùng thì mọi thứ đã trễ quá rồi, không thể nói “hãy còn sớm chán“ được nữa. Khi đó, cho dù có muốn đứng dậy để đi một bước thiền hành cũng không được. Trong Quy Sơn cảnh sách, Thiền sư Quy Sơn đã gióng lên một tiếng chuông: “Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách” (Một mai nào đó ta nằm hấp hối trên giường, tất cả những khổ đau bao vây chung quanh). Lúc ấy dù có muốn trở về cũng không còn kịp nữa, có muốn tìm hỷ lạc trong một bước chân cũng không còn được nữa. Bấy giờ, khi đã không còn đủ sức để ngồi dậy hay bước một bước chân, ta mới nuối tiếc rằng tại sao cả một cuộc đời chưa bao giờ ta thử đi một bước chân mà trong bước chân đó có hỷ và lạc. Tại sao? Có phải tại vì thầy không cho đi, hay tại chùa cấm không cho ta đi những bước thảnh thơi. Mới đi khóa tu về, ta tập đi những bước thảnh thơi nhưng thầy nói: “Đi gì mà như người thất tình vậy! Không được đi như vậy, phải đi cho xăng xái! Công việc thì nhiều mà đi rờ rờ như vậy thì làm sao được?”. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội. Nếu khéo léo, chúng ta có thể đem năng lượng của khóa tu về chùa.

Tôi đã từng viết nhiều truyện ngắn như: Bưởi, Tố, Hồng v.v. Một câu chuyện tôi đã có ý lâu rồi nhưng chưa viết ra, đại ý như thế này:

Trong một ngôi chùa đó có hai thầy trò. Chú tiểu rất thông minh. Nếu có được một đệ tử thông minh thì người thầy cảm thấy rất may mắn. Một đệ tử thông minh, rất muốn tu và nhất là hiểu được thầy, đó là niềm vui rất lớn cho một vị thầy.

Ngôi chùa nằm dưới chân núi. Một hôm hai thầy trò đi lên núi. Thầy khám phá ra một vùng đẹp kỳ lạ trên sườn núi. Khoảng đất rất thanh thoát và xanh tốt. Có tiếng chim hót hết sức mầu nhiệm. Hai thầy trò thường đi thiền lên đó, ngồi xuống và không làm gì hết. Một hôm người thầy tâm sự với đệ tử:

– Này con, chùa của thầy là ở đây chứ không phải ở dưới kia!

Ở dưới đó bổn đạo tới đòi hỏi cái này, cái kia. Họ đòi hỏi sự chú ý, họ muốn chụp hình với thầy. Người nào cũng muốn chụp hình riêng với thầy, muốn uống một ly trà với thầy, muốn thầy cho họ thì giờ. Họ đòi hỏi rất nhiều. Họ đóng góp vào chuyện xây chùa, chuyện trả tiền điện, nước, telephone, tiền rau đậu nên họ nghĩ họ có quyền.

Chú tiểu rất thông minh, hiểu được câu nói của thầy. Đây mới đích thực là chùa của thầy, nơi không có ai tới quấy rầy hay đòi hỏi gì cả. Nhiều hôm thầy lên trên núi ngồi rất lâu. Sáng hôm đó trời sương mù, có một ông bổn đạo tới tìm thầy. Sư chú gặp ông ở cội tùng ngoài sân. Ông hỏi, hình như có chuyện gì gấp gáp lắm:

– Sư chú, thầy ở đâu?

Sư chú nói:

– Thưa, thầy con đang ở trên chùa.

Và sư chú tiếp tục quét lá. Ông bổn đạo đi lên chùa mà không thấy thầy, ông đi tìm quanh nhà khách, tới tăng phòng, lên chánh điện cũng không thấy thầy. Ý của sư chú là thầy đang ở trên chùa thật kia, đang thảnh thơi ngồi thiền chứ không phải dưới chùa giả này. Ông khách hình như là trưởng ban quản trị của chùa.

– Chú nói thầy ở trên chùa, tại sao tôi lên tìm không ra? Thầy ở đâu vậy chú?

Sư chú đáp:

– Từ sáng sớm thầy đi vào núi hái thuốc. Tôi cũng ráng tìm thầy nhưng tôi nghĩ khó mà tìm được, sương mù nhiều quá, làm sao mà tìm thầy được.

Câu chuyện đó tôi lấy cảm hứng từ bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộ của thi sĩ Giả Đảo đời Đường:

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn sư thái dược khứ

Chỉ tại thử sơn trung

Vân thâm bất tri xứ.

Dịch là:

Dưới cội tùng chú bảo

Thầy vừa đi hái thuốc

Chỉ tại núi này thôi

Mây mù không thấy được.

Chú nói: “Thầy con đi hái thuốc. Chắc cũng quanh quẩn trong núi này thôi, không xa đâu. Nhưng mây mù như vậy làm sao mà tìm cho được”. Đó là cách sư chú bảo vệ thầy mình, không để thầy bị quấy rầy nhiều quá. Nhu yếu của thầy cũng là nhu yếu của sư chú. Thương thầy nên sư chú muốn bảo hộ cho thầy.

Tiếp xúc với hạnh phúc thật sự

Khi học hỏi kinh điển và giáo lý, ta sử dụng rất nhiều khái niệm như giác ngộ, giải thoát, niệm, định và tuệ. Tuy vậy, thường thì đó chỉ là những danh từ và ý niệm. An lạc hay Tịnh độ có thể cũng chỉ là những ý niệm mà chưa phải là thực tại. Ta nói tới trái kiwi, nhưng có thể chỉ là cái tên và một ý niệm về nó chứ chưa bao giờ nếm trái kiwi, chưa bao giờ biết mùi vị của nó. Khi mới học những khái niệm ấy, chúng ta hồ hởi, phấn khởi, muốn tiếp cận, muốn có kinh nghiệm về những thực tại đó. Nhưng thật ra chúng có thể chỉ là những danh từ hay những ý niệm không thật, trong đó có Tịnh độ hay Phật. Phật đối với ta có thể chỉ là danh từ và ý niệm. Ý niệm về Phật không phải là Phật, ý niệm về Tịnh độ không phải là Tịnh độ, cũng như ý niệm về trái kiwi không phải là trái kiwi.

Sáng nay chúng ta đã tụng Bài Bốn phép tùy niệm, trong đó có đoạn:

Tự thân của đức Như Lai, người từ chân như tới, thầy của chúng con

Là bậc xứng đáng nhất để được cúng dường

Là bậc có trí giác chân thực và toàn diện

Là bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác

Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu

Là bậc hiểu thấu thế gian

Là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người

Là bậc thầy của cả hai giới thiên và nhân

Là bậc tỉnh thức toàn vẹn

Là bậc được tôn sùng quý trọng nhất trên đời.

Chúng ta ca ngợi Bụt đêm ngày, tán dương Bụt bằng những bài tán rất hay. Rồi ta lạy Bụt rất nhiều, lạy 108 lạy và thỉnh thoảng còn thực tập nhất bộ nhất bái, đi 300 cây số. Có thể ta làm như vậy trong mười năm, hai mươi năm mà vẫn chưa tiếp xúc được với Bụt bởi vì đối với ta, Bụt vẫn còn là một ý niệm, một danh từ. Chúng ta sống bằng danh từ. Hầu hết chúng ta đều sống với danh từ, với ý niệm. Giải thoát, giác ngộ, an lạc là những danh từ đầu môi chót lưỡi. Chúng ta chưa có khả năng tiếp xúc với những thực tại ấy. Như nói cam mà chưa bao giờ được ăn cam, nói lê mà chưa bao giờ được ăn lê. Mỗi ngày chúng ta tôn kính, gọi Hồng danh của Bụt một trăm lần, một ngàn lần. Chúng ta gọi tên Ngài ra rả mà không tiếp xúc được với Ngài. Chúng ta không cho mình có cơ hội để tiếp xúc đích thực với Bụt, với Tịnh độ, với an lạc, trong khi Bụt, Tịnh độ hay an lạc đã có sẵn và có thật. Nếu biết cách, ta có thể tiếp xúc được với Bụt bây giờ và ở đây mà không cần phải kêu tên hay lễ lạy. Tịnh độ cũng vậy, ta có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải cầu xin đi sang bên đó. Chính giải thoát, an lạc cũng có mặt bây giờ và ở đây. Phải có khả năng lột hết và liệng đi những danh từ, những ý niệm thì lúc đó chúng ta mới có thể tiếp xúc được với những cái mình đang đi tìm, trong đó có Bụt hay Tịnh độ.

Trong khi sư chú đi thiền thì mỗi bước chân là một cơ hội để Bụt được biểu hiện trong tự thân của sư chú, và để cho hỷ, lạc, giải thoát được biểu hiện ngay trong giây phút hiện tại.

Nguyện thấy được tịnh độ dưới mỗi bước chân mình

Nguyện tiếp xúc bản môn trong mỗi khi hành xử

Bước trên thật địa

Thở giữa chân không

Đó là chuyện ta có thể làm được bây giờ và ở đây mà không cần phải đợi năm năm, tám năm, mười năm hay hai mươi năm mới làm được. Chỉ cần nhìn sư chú bước đi một bước, tôi có thể thấy được trong bước chân của sư chú có an, có lạc, có tiếp xúc với những mầu nhiệm của Tịnh độ hay không. Những mầu nhiệm được diễn tả trong kinh A Di Đà như những đóa sen lớn, những hàng cây phát ra âm thanh vi diệu trong đó có thể nghe được Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực… đều có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây. Sư chú chỉ cần bước một bước, và nếu bước chân ấy chế tác được năng lượng của niệm, của định, tiếp xúc được với thực tại bây giờ và ở đây thì sư chú đang an trú trong Tịnh độ hiện tiền, hỷ lạc hiện tiền. Đức A Di Đà, đức Thích Ca đều hiện tiền trong bước chân đó. Nhưng có thể sư chú đã không cho Bụt, không cho Tịnh độ, không cho hỷ và lạc một cơ hội. Sư chú đi như bị ma đuổi. Ta không cho Bụt có cơ hội biểu hiện mà cứ gọi tên Ngài nhiều lần trong ngày và có khi còn lạy tới sói đầu. Ta có thể đang làm những chuyện ngược lại với mong muốn của ta ngày xưa.

Trong bài thơ, Xuân Diệu nói: Không trễ lắm đâu!

Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán

Hai chân ta còn khỏe, mỗi bước chân có thể giẫm vào Tịnh độ. Nếu có niệm và định thì chắc chắn là ta giẫm được vào Tịnh độ ngay trong phút giây hiện tại. Chúng ta không cần phải cầu xin được sinh về Tịnh độ và cũng không cần phát tâm nhàm chán cõi Ta bà, mà mỗi hơi thở chính là một cơ hội, mỗi bước chân cũng chính là một cơ hội. Ta đòi hỏi gì nữa? Tại trung tâm tu học, chúng ta được ngồi, được thở. Ông trưởng ban quản trị không thể cấm ta thở, không thể cấm ta ngồi. Giáo hội cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi, cấm ta nghe chuông.Đảng cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi hay cấm ta nghe chuông. Mỗi người tu phải có cơ hội để đi những bước chân như vậy, thở những hơi thở như vậy, ngồi những buổi ngồi như vậy. Mỗi hơi thở, mỗi lúc ngồi, mỗi bước chân là một cơ hội để ta tiếp xúc với cái mà ta đang tìm. Đó là hạnh phúc chân thật, là cô Hạnh Phúc. Trán cô rất huy hoàng, cô có sẵn đó, không cần phải đi tìm, không cần phải xây dựng hay lao động khó nhọc.

Hôm qua, một vị đã phát biểu rằng, pháp môn này chỉ có thể tu tập với tính cách cá nhân thôi, chứ mang về chùa chắc chắn là không tu được. Phải chăng trong chùa đó mọi người không được đi thảnh thơi, không được ngồi thảnh thơi? Phải chăng trong chùa ấy mọi người không được thở, không được nghe chuông hay ăn cơm chánh niệm? Một ngôi chùa lập ra là để làm những chuyện đó chứ không phải để cấm người ta làm chuyện đó. Nếu không được thực tập những pháp môn ấy thì người ta phải viết lên bảng: “Chùa này cấm đi thảnh thơi, cấm nghe chuông và cấm mỉm cười”. Có danh sách những điều cấm như thế trong chùa, có nghĩa là cấm Bụt không được ở chùa, cấm đạo Bụt không được thực tập ở chùa.

Câu chuyện được tiếp tục thế này:

Một hôm có một vị khách tăng tới chùa của hai thầy trò. Vị khách tăng này không đòi gặp thầy. Sư chú ra thưa:

– Để con đi tìm thầy.

Khách tăng nói:

– Thôi khỏi. Tôi tới đây để tham quan, lễ Phật và đi thiền.

Vị đó không cần đón tiếp, không cần chào hỏi. Vị ấy thảnh thơi đi thiền lên núi và tình cờ gặp thầy ở đó. Cuộc gặp gỡ là cái duyên để thầy trụ trì học được phương pháp thiền đi. Hôm sau là ngày rằm, trước khi lên khóa lễ, thầy nói ra ước muốn của thầy với đạo tràng, thầy mong người nào cũng nếm được pháp lạc khi đi thiền. Và thầy dạy cho đạo tràng đi thiền lần đầu tiên trong chùa. Nhờ sự viếng thăm của vị khách tăng thảnh thơi kia mà thầy trụ trì biết cách chuyển hóa một ngôi chùa thực tập tín mộ trở thành một ngôi chùa thực tập đích thực, có thể mang lại hỷ, lạc, hạnh phúc, Tịnh độ hiện tiền, không phải chỉ cho người xuất gia mà cho tất cả mọi người.

Đó là nội dung của truyện ngắn tôi muốn viết mà chưa viết được. Những người viết văn hay, xin viết thành truyện đàng hoàng giùm tôi.

Mỗi bước chân là một bài pháp thoại

Chúng ta có nói rằng mỗi bước chân cũng là pháp thoại. Đây là quà tặng cho các vị giáo thọ tập sự, các vị giáo thọ đã được trao đèn và cả các vị giáo thọ lớn hơn. Trong khi đi mà mỗi bước chân tiếp xúc được với Tịnh độ thì ta không cần phải sinh qua bên đó, bởi vì Tịnh độ đã có bên này. Cõi này là Tịnh độ hay Ta bà đều do mình. Nếu tâm tư còn đầy lo lắng, buồn khổ và sợ hãi thì cõi này là cõi Ta bà. Nhưng nếu ta có vô úy, giải thoát, tự do thì cõi này là Tịnh độ. Tịnh độ không phân chia Nam Bắc, không phân chia Đông Tây. Tịnh độ ở phương Tây chỉ là một cách nói. Bởi vì nếu Tịnh độ chỉ có ở phương Tây thôi thì ở phương Đông không có Tịnh độ hay sao? Bụt A Súc ở phương nào? Đó là giáo lý vô đắc, không cần phải đi tìm một cái gì nữa cả, tất cả đều có đó. Vấn đề là chúng ta có tiếp xúc được hay không mà thôi. Cũng không có gì khó lắm và hãy còn sớm chán! Những ngày còn lại của đời ta, mỗi ngày có thể là một ngày hạnh phúc, mỗi giờ có thể là một giờ hạnh phúc, mỗi giây phút có thể là một giây phút hạnh phúc.

Khi ấy, nếu có khổ đau thì chúng ta cũng không sợ, bởi vì đã biết thực tập thì ta sẽ xử lý khổ đau rất dễ dàng. Khổ đau rất cần thiết. Cũng như bùn rất cần thiết để chế tác ra sen, khổ đau là chất liệu cần thiết để chế tác hạnh phúc. Chúng ta là chủ chứ không phải khổ đau là chủ, ta biết cách không để khổ đau tràn ngập. Chúng ta sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc như người nông phu sử dụng bùn đất để chế tác hoa màu. Khi đi một bước chân chánh niệm thì trong bước chân đó có đủ cả, có Tịnh độ, có Bụt A Di Đà, có Bụt Thích Ca, có tất cả các vị Bụt trong quá khứ, có hỷ, có lạc, có giải thoát.

Đây là hai câu sau cùng trong bài tụng cuối của Duy thức tam thập tụng:

An lạc giải thoát thân

Đại Mâu Ni danh pháp

Mỗi người có nhục thân, tức hình hài bằng xương, bằng thịt. Nhưng nếu là người tu thì phải có an lạc thân và giải thoát thân, và các thân này sinh ra từ sự thực tập. Đi đến đâu người tu cũng đem thân đó theo. Người tu không chỉ đem theo thân xương thịt mà còn đem theo cả thân an lạc, thân giải thoát. Nếu thân giải thoát mà ốm yếu, èo uột thì nó không đủ nuôi chính ta, nói gì tới chuyện nuôi được người khác. Ta phải làm cho thân giải thoát lớn lên, nghĩa là phải có nhiều tự do hơn.

Chúng ta có được bao nhiêu tự do? Đó là vấn đề. Chúng ta có rất nhiều ràng buộc, không những bị ràng buộc bởi vật chất bên ngoài mà còn bị ràng buộc bởi sự sợ hãi, lo lắng, giận hờn. Chúng ta thiếu không gian, thiếu tự do, thiếu giải thoát. Giải thoát của chúng ta èo uột, ốm yếu. Vì vậy mỗi bước chân, mỗi hơi thở là để nuôi lớn thân giải thoát, để có thêm tự do. Tự do không phải là một ý niệm. Người đời nói tới tự do như một ý niệm, nhưng là người tu thì ta phải có tự do thật sự. Khi ta mỉm cười được trước một nghịch cảnh thì ta thấy rõ ràng là ta đang có thân giải thoát, có tự do, có không gian trong lòng. Những nghịch cảnh, những thách đố có thể làm cho người khác khổ nhưng không thể làm cho ta khổ. Ta có tự do với những bực tức, bất mãn và lo sợ trong ta.

Người tu phải chế tác tự do, nhưng chế tác bằng cách nào? Khi bước một bước chân thì bước chân đó phải giúp ta buông xuống những lo lắng, buông hết quá khứ, buông hết tương lai, buông hết những dự án. This is it, tức là cái ta tìm kiếm, cái mà Xuân Diệu gọi là Đời, là Cô Hạnh Phúc, đang có ngay trong mỗi bước chân. Bước chân như thế có công năng nuôi dưỡng đời tu, tháo gỡ những ràng buộc và cho ta thêm tự do. Đó gọi là thân giải thoát. Thân giải thoát đi đôi với thân an lạc. Không thể nào có an lạc nếu không có giải thoát. Freedom is the foundation of happiness and peace. Đi được những bước chân như vậy, thở được những hơi thở như vậy, quán chiếu được những giờ phút như vậy thì ta có an lạc và giải thoát. Đó là mục đích của giáo pháp mà bậc thầy chúng ta (Mahamuni) trao truyền lại. Muni nghĩa là ông thầy tu tĩnh lặng, là danh hiệu đẹp nhất của đức Thích Ca. Mahamuni là Đại Muni, tức ông thầy tu có tĩnh lặng lớn. Tôi thấy gọi đức Thích Ca là Ông Thầy Tu Tĩnh Lặng hay hơn là gọi Pháp Vương hay đức Thế Tôn. Chính Ngài cũng muốn làm một ông thầy tu bình thường và tĩnh lặng mà thôi. Muni là ông thầy tu không ồn ào, không khoa trương.

Mỗi bước chân như vậy đích thực là một bài pháp thoại. Dù ta không nói gì và chỉ đi thôi thì bài pháp thoại đó cũng làm chấn động những người chung quanh. Đi ở phi trường, ở bờ sông hay đi trên hè phố, cách mình đi có thể làm thay đổi cả thế giới, làm thay đổi những người chung quanh. Lúc tăng thân 300 người về Hà Nội, chúng ta có tổ chức một buổi thiền hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên trong lịch sử 1000 năm Thăng Long, có một đoàn người đi như vậy quanh bờ hồ Gươm. Xuất sĩ và cư sĩ, người nào cũng đi thảnh thơi, an lạc. Đó là một cống hiến của Làng Mai cho thủ đô. Ta không đem về tiền bạc hay danh vọng mà đem về năng lượng của hạnh phúc, tự do.

Vì vậy mỗi bước chân là một bài pháp thoại. Sư chú, sư cô đang nói pháp thoại một cách hùng hồn trong khi bước đi. Và không đợi tới ngày mai mà chính ngay hôm nay, sư chú, sư cô đã có thể làm được. Nếu có niệm và định hùng hậu thì mỗi bước chân của ta sẽ tỏa ra năng lượng thảnh thơi, giải thoát, an lạc và bước chân ấy sẽ nuôi được thân giải thoát, thân an lạc của ta. Là một vị sư trưởng, ta phải cho đồ chúng một cơ hội được thực tập. Dù ta ăn ít hơn, ở nghèo nàn hơn, nhưng ta phải được thực tập đầy đủ bởi vì đó chính là cái ta mong muốn nhất. Ngày xưa, mỗi buổi sáng các thầy chỉ đi khất thực, khỏi phải đi chợ nấu cơm nên có thì giờ để thực tập đi như vậy, ngồi như vậy. Chúng ta cần phải tổ chức đời sống trong chùa như thế nào để có thể nối tiếp được người xưa. Nếu ta quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ để đi những bước thảnh thơi, không có thì giờ để ngồi trong yên lặng, không có thì giờ để nghe chuông và chế tác hỷ lạc thì đó không phải là bản hoài của đức Thế Tôn.

Mỗi bước chân là tình thương

Mỗi bước chân là pháp thoại, mỗi bước chân là tình thương. Người thầy nào cũng muốn đệ tử của mình đi được những bước chân như vậy. Nếu thương thầy thì ta phải đi như vậy. Và đại chúng cũng muốn ta đi như vậy. Thầy và đại chúng trông chờ ta đi những bước chân như là pháp thoại, đầy đủ tình thương. Vì thương thầy nên ta đi như vậy và đi như vậy thì tự nhiên ta thương luôn cả mình, thương cả Bụt, thương cả cha mẹ. Cha mẹ để ta đi tu nên ta phải biết ơn. Nếu không thành công được trong những bước chân thì ta không có hiếu với cha mẹ.

Trong mỗi bước chân có tình thương, có sự hiếu đễ, có ân nghĩa. Tôi nhớ có lần người ta dành cho tăng thân một đại lộ vinh dự nhất trong buổi thiền hành ở New Dehli. Tôi đã đi cho Sư Ông, cho Sư Cố, mỗi bước chân tràn đầy tình thương và Sư Ông đã đi bằng hai chân của tôi trên đại lộ Maharaja ấy. Rồi tôi đi cho mẹ. Mẹ của tôi đã đi bằng hai chân của tôi. Tôi cũng đã đi cho cha, đi cho tổ tiên và đi cho các vị đệ tử. Mỗi bước chân tràn đầy tình thương. Mỗi bước chân tràn đầy nuôi dưỡng. Chuyện này không khó.

Khi nghĩ tới mẹ suốt đời tất tả ngược xuôi, không có những giờ phút thảnh thơi, lo cho chồng, lo cho con những lúc con ốm không có thuốc, ta thấy thương quá. “Mẹ ơi, con đang đi cho mẹ. Mời mẹ đi với con, mẹ đi cho thảnh thơi”. Sự thật rất rõ ràng là mẹ đang có trong từng tế bào cơ thể của mỗi chúng ta. Chúng ta tưởng mẹ đã qua đời, nhưng kỳ thực mẹ đang còn sống trong từng tế bào cơ thể ta. Vì vậy mỗi bước chân là đi cho mẹ, cho cha. Lúc thực tập, ta có thể thấy mẹ mỉm cười trong mỗi tế bào của ta. Mẹ được đi thiền. Trong khung cảnh mầu nhiệm đó, ta trở thành một đứa con có hiếu nhất trong những đứa con có hiếu. Ban đầu vì thương thầy mà đi, nhưng sau một lúc thì tình thương lớn lên và ta ôm được cả tổ tiên, cha mẹ cùng các thế hệ tương lai trong mỗi bước chân của ta.

Chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ

Niệm, định và tuệ là trái tim của sự thực tập đạo Bụt. Trong chúng ta có người không thật sự biết niệm là gì. Ta có một ý niệm về nó, ta biết danh từ niệm nhưng ta không thấy được sự mầu nhiệm của năng lượng đó. Bằng mỗi hơi thở, bằng mỗi bước chân chúng ta có thể chế tác năng lượng niệm. Khi uống nước, chúng ta phải uống với năng lượng niệm. Uống trong niệm là như thế nào? Trước hết chúng ta phải có mặt. Có thể là ta đang suy nghĩ tới chuyện quá khứ, chuyện tương lai hay đang băn khoăn về những dự án chưa thực hiện được. Tâm của chúng ta không có đó. Ta cần mang tâm về với thân, để tâm nơi hơi thở và bắt đầu thở vào. Chỉ trong vòng hai hay ba giây đồng hồ, ta liền đem được tâm về với thân, không để cho tâm rong ruổi nữa. Tâm ta như con khỉ chuyền từ cành này sang cành khác không bao giờ ngừng nghỉ. Ta cũng thế, phiêu lưu, trôi lăn, rong ruổi suốt ngày. Dù đang nằm trên giường hay ngồi trên ghế ta cũng rong ruổi, cũng trôi lăn trong cõi thất niệm, cõi quên lãng. Với hơi thở chánh niệm, xin mọi loài từ bỏ cõi lãng quên. Chỉ trong hai hay ba giây đồng hồ, ta có thể đem tâm trở về với thân, khiến cho tâm được giải thoát khỏi những lo lắng, sợ hãi về tương lai hay những ưu sầu, tiếc nuối về quá khứ.

Giải thoát không phải là chuyện của mười năm, hai mươi năm sau. Giải thoát có thể có được bây giờ, ở đây, và một hơi thở có thể đem tới giải thoát. Khi hoàn toàn nương vào hơi thở, tâm ta buông xuống hết những cái khác, lúc ấy, đối tượng duy nhất của tâm là hơi thở, những cái khác tan rã ra và ta có tự do, tự do trong một tích tắc. Tự do là giải thoát, giải thoát trong giây phút đó. Nếu giỏi thì ta có thể duy trì giây phút giải thoát ấy liên tục hơn. Khi thân và tâm hợp nhất thì ta mới có mặt. Đó là năng luợng của niệm. Niệm là năng lượng giúp ta có mặt bây giờ và ở đây. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân trong chánh niệm đều có khả năng đưa ta trở về với chính ta. Khi thực tập nghe chuông ta cũng có thể đưa thân tâm về một mối, có mặt bây giờ và ở đây. Khi có mặt bây giờ và ở đây, tự nhiên ta nhận diện được sự có mặt của ly trà. Ta có mặt thì những mầu nhiệm của sự sống cùng có mặt. Lý như vậy và sự cũng như vậy. Ta có mặt thì mây trắng, trời xanh, thông reo, chim hót là của ta. Có mặt là một sự thực tập. Ta có mặt cho ai? Ta có mặt cho sự sống. Có mặt là tự do, không còn bị giam hãm bởi quá khứ hay bị lôi cuốn theo tương lai.

Giải thoát là vấn đề bây giờ và ở đây chứ không phải là vấn đề tương lai. Không phải tu mười năm hay hai mươi năm mới có giải thoát. Khi ta thật sự có mặt thì cái kia cũng thật sự có mặt. Cái kia là sự sống, là Cô Hạnh Phúc, là đời sống mầu nhiệm. Không còn là một ý niệm, một bóng ma, ta là một thực tại mầu nhiệm. Tự nhiên ly trà trong hai tay cũng là một thực tại mầu nhiệm. Sự tiếp xúc giữa người uống trà với ly trà là một sự tiếp xúc mầu nhiệm. Một thực tại tiếp xúc với một thực tại. Ly trà không phải là một ảo tưởng, một hình ảnh trong giấc mơ. Nếu bị cuốn theo những suy tư, lo lắng thì ly trà, dù là trà Cao Sơn, cũng chỉ là một ảo ảnh, một bóng ma.

Chánh niệm giúp cho ta có thật và giúp cái trước mặt ta có thật, như trời xanh, mây trắng. Trong giây phút đó sự sống có mặt thật sự. Cử chỉ uống trà là một cử chỉ chánh niệm. Chánh niệm làm cho sự sống có thật và giúp ta sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Không có chánh niệm thì ta sống như những bóng ma, ta đi như người mộng du. Ta không sống được cuộc đời của ta. Chánh niệm là năng lượng có thể chế tác được bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày. Khi rửa bát, ta cũng có thể chế tác được năng lượng chánh niệm và ngay khoảnh khắc ấy, có thể tìm thấy niềm vui và an lạc. Rửa bát trở thành một cái gì thiêng liêng chứ không phải chỉ có thắp hương cắm lên bàn thờ, hay tụng kinh mới là thiêng liêng. Rửa bát, lau bàn mà có chánh niệm thì đều trở thành thiêng liêng. Không có cái gì quí hơn cái gì. Tất cả đều quí như nhau. Đi tiểu hay đi cầu mà có chánh niệm thì cũng là những giây phút linh thiêng. Chính vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần cũng nói rằng đi tiểu, đi cầu đều là Phật pháp. Không phải ngồi nghe pháp thoại hay tụng kinh mới là Phật pháp. Chúng ta có những người cha, người anh giỏi như vậy thì không lý do gì mà ta không làm được như cha anh của mình.

Niệm không nên chỉ là một danh từ suông. Danh từ không nuôi cuộc đời mình được. Danh từ có thể làm cho ta hồ hởi, phấn khởi một lúc nhưng sau đó ta thấy chúng chỉ là những danh từ. Ta vẫn đói tự do, đói hạnh phúc, đói tình huynh đệ. Trong Kinh Bách dụ có câu chuyện rất hay.

Có một người bị bệnh, ông thầy thuốc rất giỏi nói với người đó:

– Bệnh của anh chỉ cần ăn cháo chim trĩ là lành. Con chim này có dược tính rất hay.

Ông thầy có rất nhiều chuyện phải làm nên nói như vậy rồi đi. Người bệnh hiểu lầm, suốt ngày chỉ ngồi lặp lại hai chữ “chim trĩ”. Anh ta có lặp lại 100 lần, 1000 lần, 100000 lần cũng không lành được bệnh. Hôm đó có một anh bạn tới thăm, thấy anh kia cứ ngồi nói “chim trĩ”, “chim trĩ” giống như sắp bị bệnh tâm thần nên hỏi:

– Tại sao anh cứ ngồi lặp đi lặp lại hai chữ “chim trĩ” như vậy?

– Ông thầy đó nói chim trĩ mới chữa được bệnh, vì vậy tôi phải lặp đi lặp lại hai chữ đó.

Cũng giống như người ta lặp đi lặp lại Hồng danh của chư Bụt, chư Bồ tát bên đạo Bụt, hay lặp đi lặp lại Hồng danh của mẹ Maria và chúa Kito bên đạo Chúa, gọi là trì danh niệm Phật, trì danh niệm Chúa.

Anh bạn nói:

– Không phải thế. Chim trĩ không phải là một danh từ mà là một thực tại. Tôi sẽ vẽ cho anh coi con chim trĩ như thế nào.

Rồi anh bạn, là họa sĩ, vẽ ra một con chim trĩ giống như thật. Anh bạn đi rồi, anh kia nghĩ:

– Mình ngu quá! Cái này mới thật là chim trĩ.

Anh ta liền lấy kéo cắt hình chim trĩ ra, nhai và nuốt vào bụng. Thấy chưa lành, anh ta thuê thợ tới vẽ thêm nhiều chim trĩ nữa. Mỗi ngày anh ta ăn chim trĩ giấy nhưng cũng không thấy lành bệnh.

Ta đừng nên cười anh chàng này vì có thể chúng ta cũng đang làm giống như anh. Chúng ta tưởng cái đó sẽ đưa tới giải thoát, ta cứ lặp đi lặp lại những cái mà người ta bảo mình phải làm.

May cho anh chàng là có một người bạn thứ hai tới thăm. Thấy anh cứ nhai chim trĩ giấy hoài nên nói:

– Anh làm trò gì thế? Sao lại có người cứng đầu như vậy? Anh đi với tôi!

Người bạn dắt anh ta ra chợ mua một cặp chim trĩ, nấu cháo và bắt anh ta ăn trước mặt mình. Anh chàng lành bệnh.

Đây là một trong 100 chuyện hài hước mà đức Thế Tôn đã dùng để dạy các đệ tử. Chúng ta đừng nghĩ làm sao mà có người ngu đến mức đó? Sự thật là ở trên đời có rất nhiều người như vậy. Dù biết niệm, định và tuệ là hạt nhân của sự tu tập, nhưng có thể đối với ta chúng chỉ mới là những ý niệm, là những danh từ suông, là những ảo ảnh mà chưa phải là năng lượng thật. Trong khi đó người tu có thể chế tác được năng lượng niệm trong khi đi, trong khi ngồi, trong khi uống nước, trong khi rửa bát. Người có thực tập thì biết niệm quan trọng ra sao. Người nào cũng có hạt giống niệm trong lòng, thực tập ba bốn ngày thì hạt giống đó sẽ lớn lên và chế tác thành năng lượng chánh niệm.

Hễ có niệm là có định. Định là chuyên chú vào một đối tượng và kéo dài sự chuyên chú ấy. Định là đẳng trì, tức là làm cho kéo dài. Đẳng là đều đều, trì là giữ, đẳng trì là giữ mãi trên bình diện của sự chuyên chú. Khi thở vào và để ý trọn vẹn nơi hơi thở vào thì gọi là niệm hơi thở. Ý thức được hơi thở vào, hơi thở ra, và nếu duy trì được ý thức ấy từ đầu tới cuối thì niệm sinh ra định. Ta không những ý thức được sự có mặt của hơi thở vào mà còn chuyên chú vào hơi thở vào. Định chính là niệm được thực hiện sâu sắc và liên tục.

Hễ có niệm và định là có tuệ. Tuệ không phải là vấn đề tương lai. Tuệ có thể có ngay lập tức. Ví dụ câu “Breathe, you are alive” (Thở đi, anh đang còn sống). Đó là tuệ, tức cái thấy có khả năng chuyển hóa, khai phá, giải phóng, đó là Bát nhã (prajña). Người tu có thể chế tác tuệ mỗi ngày nhiều lần, trong từng giây phút. Tuệ không phải là cái hy vọng đạt được ở tương lai. Trong khi thở vào, nếu thật sự để ý và tập trung nơi hơi thở thì chúng ta khám phá ra rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện chúng ta đang có mặt ở đây, trên thế giới này. Đó là chuyện tương đối dễ làm, tại vì ai cũng biết rằng, người đã chết thì không làm sao thở vào được nữa. Đang thở vào thì rõ ràng là đang còn sống. Đang còn sống là một phép lạ! Có phép lạ nào mầu nhiệm hơn phép lạ là ta đang có mặt và đang sống đây không? Một người đã chết thì dù có 100 triệu dollars hay có quyền hành trên tổng thống đi nữa, họ cũng không thể thở vào, dù chỉ một hơi. Đang thở vào là một phép lạ, là một sự mầu nhiệm mà ta phải hết sức trân quý. Chỉ cần một hơi thở vào trong ba giây là ta có thể đạt tới cái thấy đó, một cái thấy hết sức đơn giản: “Ta đang còn sống và ta đang phung phí sự sống. Ta không biết sống, ta không biết trân quý giây phút của sự sống!”. Thở vào và biết ta đang có mặt, đang có tuổi trẻ, có hai chân khỏe, có hai mắt sáng. Cái thấy đó đều là tuệ. Tuệ đưa tới hạnh phúc ngay lập tức.

Pháp thừa tự

Niệm, định, tuệ là ba loại năng lượng có thật mà người tu phải chế tác mỗi ngày. Chế tác được ba loại năng lượng này thì ta sẽ có hỷ, có lạc, có hạnh phúc và giải thoát. Không có gì thần bí, không cần phải cầu nguyện, không cần phải lạy sói trán mà ta vẫn có thể có được hỷ lạc, hạnh phúc và giải thoát. Nếu sự thực tập hàng ngày của ta chế tác được hỷ lạc và giải thoát, tức là nếu có thân an lạc và thân giải thoát thì ta trở thành một người rất giàu có, có rất nhiều cái có thể để lại cho con cháu. Vũ Hoàng Chương có viết một bài thơ bắt đầu bằng câu: “Ta còn để lại gì không?”.

Là những người tu, chúng ta có thể hỏi câu hỏi đó: “Ta còn để lại gì không?”. Có, chúng ta để lại kho tàng giải thoát, an lạc mà ta chế tác trong suốt một đời tu. Chúng ta để lại thân an lạc, thân giải thoát. Thân thể xương thịt này của ta sẽ tan biến, nhưng thân an lạc và thân giải thoát của ta sẽ được truyền lại cho con cháu, cho các thế hệ tương lai. Trong kinh có danh từ Pháp thừa tự. Thừa tự là tiếp nhận gia tài của ông, của cha, của anh. Pháp thừa tự, tiếng Phạn là Dharmadayada. Bụt rất giàu, Ngài là một bậc cự phú đứng về phương diện hạnh phúc và tự do. Chúng ta là những đứa con rất may mắn được tiếp nhận gia tài vô tận của an lạc và giải thoát ấy. Chúng ta đi tu không phải để tiếp nhận ngôi chùa từ bổn sư của mình. Đó không phải là thừa tự! Chùa không phải là gia sản của thầy để lại. Thầy để lại một cái gì lớn lao hơn nhiều, đó là thân an lạc, thân giải thoát của thầy mà người học trò giỏi phải kế thừa cho được. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cùng tử đi xin chút hạnh phúc từ chỗ này tới chỗ kia. Tại sao là con nhà giàu mà ta lại cư xử như một tên cùng tử, đi ăn mày hạnh phúc?

Pháp thừa tự là chữ mà chính đức Thế Tôn đã dùng. Kinh Hải đảo tự thân, đức Thế Tôn nói: “Trong đại chúng có người rất giàu, ví dụ như thầy Xá Lợi Phất, thầy có một gia tài kếch sù để lại cho con cháu gọi là pháp tài”. Tài là tài sản. Tài sản ở đây không phải là dollar, euro hay pound mà là an lạc, là giải thoát. Cũng trong kinh này, Bụt lại dạy: “Người đi tìm sự giàu sang về chánh pháp thường hay tới các thầy lớn như thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy Phú Lâu Na”.

Nhờ có phước đức lớn và nhân duyên lớn ta mới được làm người xuất gia cho nên mỗi sư chú, mỗi sư cô phải biết rằng mình là con nhà giàu, mình xứng đáng để thừa tự cái gia tài vô tận ấy, đó chính là pháp thừa tự.

 

 

Làng Mai năm qua

Kính thưa quý vị thân hữu!

Khi lá thư này đến tay quý vị thì tại Làng Mai, đại chúng vẫn đang trong mùa An cư kết Đông 2015-2016. Khóa An cư kết Đông đã khai mạc ngày 22.11.2015 và sẽ kết thúc vào ngày 18.02.2016. Cứ mỗi mùa An cư, đại chúng rất hạnh phúc với sự có mặt của quý thầy, quý sư cô lớn cùng nhiều vị khách tăng và thiền sinh, tất cả cùng quy tụ dưới mái nhà tâm linh. Năm nay, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn là 273 vị (186 xuất sĩ và 87 cư sĩ). Có được 90 ngày để sống và thực tập chung với nhau là một hạnh phúc rất lớn. Vì vậy, trong đại chúng ai cũng tâm niệm hết lòng thực tập, làm mới sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm linh để nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng tăng thân.

Vừa qua, lễ Giáng sinh năm 2015 và Tết Dương lịch 2016 đã được tổ chức thật đầm ấm tại Làng. Thân hữu từ xa về tham dự chật kín cả thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng và thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, một tuần lễ ở Làng là món quà tuyệt vời và ý nghĩa nhất mà các bạn tặng cho chính mình trong dịp Giáng sinh và Năm mới.

Trong tháng 03 năm 2016, tại Làng Mai, Đại giới đàn Ân Nghĩa sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 28. Làng Mai sẽ cung thỉnh nhiều vị Tôn túc từ Việt Nam sang chứng minh hộ niệm cho Giới đàn và tham dự vào Hội đồng truyền giới. Chúng tôi rất mong quý vị thân hữu cùng về dự để yểm trợ năng lượng cho Đại giới đàn.

Năm 2016 cũng là năm Làng Mai kỷ niệm 50 năm thành lập Dòng tu Tiếp Hiện. Nhân dịp này, chúng tôi kính mời quý vị thân hữu, đặc biệt là các thành viên Tiếp Hiện của Đạo tràng Mai Thôn trên thế giới về tham dự khóa tu 21 ngày với chủ đề Đường về Núi Thứu (Vulture Peak Gathering) được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 01 đến ngày 21 tháng 6. Pháp hội này chính là cơ hội quý báu để chúng ta cùng thực tập chung với nhau như một tăng thân, cùng nuôi dưỡng và làm lớn mạnh gốc rễ tâm linh Làng Mai.

Sau đây, chúng tôi xin lược thuật những gì đã diễn ra tại Đạo tràng Mai Thôn từ đầu năm 2015:

Ngày hội xuất sĩ (26.02-04.03.2015)

Sau mùa An cư hoàn mãn và vui Tết Ất Mùi, đại chúng Làng Mai bước vào khóa tu một tuần dành riêng cho xuất sĩ. Quý sư cô từ các chùa Từ Nghiêm và Cam Lộ dọn hết lên xóm Thượng, cùng với quý sư cô từ thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris về, tạo ra một không khí tu học thật đầm ấm, tươi vui. Chỉ tiếc là năm nay đại chúng ở Đức không sắp xếp được để về tham dự khóa tu xuất sĩ như thường lệ.

Khóa tu xuất sĩ nên đi đâu cũng thấp thoáng bóng dáng áo nâu, không khí như một khóa tu gia đình. Hạnh phúc làm sao khi hơn 200 xuất sĩ cùng được ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, pháp đàm và ngồi chơi có mặt trọn vẹn cho nhau. Trước khóa tu, đại chúng nghe tin là Thầy có thể về thăm một ngày rồi trở lại bệnh viện, nên ai cũng nóng lòng chờ đợi, nhưng rồi vì nhiều lý do, Thầy không về được… Dù vậy, mỗi ngày đại chúng vẫn được nghe pháp thoại của Thầy qua băng giảng video hoặc pháp thoại của các thầy, các sư cô giáo thọ.

Một điều đặc biệt của khóa tu xuất sĩ năm nay là bên cạnh những bài pháp thoại của các thầy, các sư cô lớn còn có một buổi chia sẻ của các vị xuất sĩ trẻ. Sư cô Ngộ Nghiêm, sư cô Trăng Mai Thôn, sư chú Trời Linh Quang và sư chú Trời Bằng Hữu đã mở lòng chia sẻ những niềm vui cũng như những băn khoăn, thao thức trên bước đường thực tập. Một điều đặc biệt nữa là trong khóa tu này, đại chúng có một buổi Lắng Nghe Sâu, lắng nghe như một cơ thể. Đây là cơ hội để hơn 200 xuất sĩ cùng ngồi bên nhau và lắng nghe các thành phần trong tăng thân nói lên những khó khăn của mình, cũng như đóng góp cái thấy của mình để làm cho tăng thân mạnh hơn, đẹp hơn.

Khóa tu tiếng Pháp (03-09.04)

Mùa xuân năm nay, tuy Thầy không ra giảng dạy nhưng vẫn có rất đông thiền sinh đến Làng tu học mỗi tuần. Đầu xuân, từ ngày 03-09.04, Làng có khóa tu tiếng Pháp với sự tham dự của gần 600 thiền sinh, ba phần tư trong số đó là những người lần đầu tiên đến Làng. Thiền sinh rất hạnh phúc khi đến Làng giữa lúc hoa mận đang khoe sắc trong nắng xuân ấm áp. Sư cô Chân Không, sư cô Giác Nghiêm và sư cô Đào Nghiêm đã thay Thầy cho pháp thoại bằng tiếng Pháp trong khóa tu.

Đến với khóa tu, các bạn thiền sinh có cơ hội được thực tập thiền tọa, thiền hành, ăn cơm im lặng, pháp đàm… ngoài ra còn có cơ hội làm việc chung với quý thầy, quý sư cô. Các bạn được chia làm việc theo gia đình với các công việc như cắt gọt, rửa dọn, làm vườn, chuyển hóa rác… Làm việc chung là một cơ hội để các bạn thiền sinh làm quen với nhau và học cách làm việc trong chánh niệm. Có một cô thiền sinh chia sẻ rằng ở nhà chẳng khi nào cô phải rửa nồi, cô không thích công việc này tí nào. Vậy mà đến với khóa tu, cô lại cảm thấy yêu thích việc rửa nồi, đó là nhờ năng lượng thực tập tươi vui của các bạn thiền sinh trong gia đình. Khóa tu chỉ diễn ra trong một tuần nhưng đã đem lại nhiều niềm vui và sự chuyển hóa. Trong khóa tu, có 9 người được thọ Mười bốn giới Tiếp Hiện và 73 người được thọ Năm giới quý báu.

Sau khóa tu tiếng Pháp, các vị xuất sĩ của Làng lại bắt đầu những chuyến hoằng pháp tại châu Âu (Ireland, Tây Ban Nha, Hà Lan…) và châu Á (Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan).

Hành trình châu Á

Nhật Bản (29.04-12.05)

Đây là chuyến hoằng pháp lớn đầu tiên của tăng thân tại Nhật Bản kể từ khi chuyến hoằng pháp của Thầy và tăng thân bị hủy bỏ vì trận sóng thần (Tsunami) năm 2011. Hai mươi năm đã đi qua từ chuyến hoằng pháp cuối của Thầy tại Nhật năm 1995. Nhật Bản có truyền thống thiền tập lâu đời nhưng Phật giáo đang đánh mất dần vai trò của mình trong xã hội. Người trẻ hiện nay có xu hướng nghiêng về đời sống vật chất Âu Mỹ nhiều hơn nên khổ đau cũng nhiều hơn. Với sự cộng tác nhiệt thành của ban tổ chức cư sĩ và Viện Phật học Ứng dụng châu Á, cuối cùng chuyến đi Nhật đã diễn ra vào cuối tháng Tư với một phái đoàn trên 30 xuất sĩ đến từ các trung tâm Làng Mai trên thế giới: các thầy Pháp Đăng, Pháp Ứng, Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Thắng (Pháp), Pháp Ấn, Pháp Trạch (Đức), Pháp Hộ (Lộc Uyển), Pháp Vũ (Bích Nham), Pháp Niệm, Pháp Thừa (Thái Lan), Pháp Khâm, Pháp Giao, Pháp Chứng, Pháp Dũng (ban tổ chức ở Hồng Kông); và các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Tuệ Nghiêm, Hài Nghiêm, Trai Nghiêm (Pháp), Diệu Nghiêm, Kính Nghiêm (Lộc Uyển), Thệ Nghiêm (Bích Nham), Hỷ Nghiêm, Đẳng Nghiêm (Mộc Lan), Linh Nghiêm, Duệ Nghiêm (Thái Lan), Thuận Nghiêm, Tu Nghiêm, Sĩ Nghiêm, Trăng Phổ Đà (ban tổ chức ở Hồng Kông).

Pháp thoại công cộng: Hạnh phúc là con đường

Chuyến hoằng pháp tại Nhật Bản được mở đầu bằng buổi pháp thoại công cộng (ngày 29.04). Thầy Pháp Đăng, Pháp Ấn, sư cô Chân Không, Diệu Nghiêm đã cùng cho pháp thoại ngày hôm ấy. Trước buổi pháp thoại, thính chúng vô cùng ấn tượng khi thấy tăng đoàn gồm khoảng 30 thầy và sư cô niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm. Năng lượng của tăng thân rất hùng tráng. Nhiều người đã khóc, có cả những người trong Ban tổ chức. Họ xúc động một phần vì từ trước tới giờ, họ chỉ nghĩ tới Thầy như một vĩ nhân, không nghĩ là Thầy có thể được tiếp nối bởi một tăng thân hùng hậu như thế.

Khóa tu năm ngày: An lạc từng bước chân

Ngày hôm sau, phái đoàn lên đường đến địa điểm của khóa tu 5 ngày (02-06.05) dưới chân núi Phú Sĩ. Đây là khách sạn Fuji Midorino Kyukamura ở Yamanashi, khá lớn, xưa nay chưa từng nấu chay vậy mà lần này họ chịu nấu cho gần 600 người. Những buổi thiền hành trong khóa tu thật là ấn tượng. Hình ảnh hơn 500 thiền sinh cùng quý thầy, quý sư cô cùng đi thiền hành từ khách sạn tới một bãi cỏ rộng nhìn lên núi Phú Sĩ tuyết phủ trắng xóa, thật mầu nhiệm! Nhìn thấy núi, sư cô Chân Không bỗng giang tay ra quay 21 vòng, 42 vòng cho vui. Thiền sinh thấy Sư cô lớn tuổi mà có thể quay nhiều vòng không té, họ rất ngạc nhiên và nuôi dưỡng! Những bài pháp thoại trong khóa tu đã làm cho thính chúng cảm kích vì sự đơn giản, dễ thực tập và đem lại nhiều lợi lạc.

Ngày cuối của khóa tu có hơn 800 người. Bà Akie Abe – Phu nhân của Thủ tướng Nhật cũng đến tham dự và được nghe pháp thoại của thầy Pháp Đăng. Ban tổ chức đã mời bà ở lại dùng trà cùng với sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn, sư cô Trai Nghiêm (người Nhật) và một số thân hữu. Sau đó, bà cũng nhận lời ở lại dùng cơm trưa cùng với tăng đoàn. Nhân tiện, sư cô Chân Không đã chia sẻ với bà phương pháp thiền ôm như một thông điệp chánh niệm của Làng Mai gửi tới Thủ tướng Nhật. Sư cô nói: chiều nay khi về lại nhà, bà hãy nhìn cho kỹ, cho sâu chồng của mình, người đã từng chia sẻ với bà những lúc khó khăn cũng như những ngày hạnh phúc. Rồi bà giang tay ôm chồng bà và ôm cả một dân tộc trên vai ông ấy với bao nhiêu là trách nhiệm về kinh tế, giáo dục, xã hội… bà hãy ôm thật sâu, trao hết tình thương cho con người dễ thương đó trong vòng tay của bà… Nghe sư cô nói xong, bà bỗng bật khóc và nói: Tôi sẽ cố gắng là từ rày về sau, tôi chỉ thực tập ôm trong chánh niệm thôi. Không phải ôm nhà tôi mà thôi. Mỗi khi ôm một người thân như mẹ hay chị em của mình, tôi cũng sẽ quán chiếu như Sư cô dạy. Sư cô Trai Nghiêm, trước khi xuất gia đã từng là nhạc sĩ vỹ cầm trong các dàn nhạc giao hưởng lớn của châu Âu – đã đàn ba bài tặng bà trước khi bà ra về.

Ngày 07.05, tăng thân xuất sĩ và một số thiền sinh đến từ nhiều quốc gia khác đã có một ngày đi chơi núi Phú Sĩ. Hôm sau, phái đoàn về lại Tokyo và có buổi ngồi thiền công cộng (flash mob).

Buổi chiều, có trà đạo theo nghi lễ do Hòa thượng trụ trì Yoshimizu DaiChi chứng minh và sư cô Tâm Trí cùng một số Phật tử mặc lễ phục Nhật Bản trình bày. Có hai em bé Việt Nam mặc kimono dâng trà rất xinh.

Các ngày quán niệm:

Những ngày kế tiếp diễn ra các ngày quán niệm: cho gần 270 doanh nhân (ngày 09.05), cho khoảng 460 chuyên gia về y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (ngày 10.05), cho xuất sĩ Nhật (11.05) và cho khoảng 150 người Việt (12.05).

Những người đến tham dự các hoạt động này đều cảm thấy hạnh phúc, ai cũng tiếc là chỉ có một ngày tu học mà thôi. Nhiều người đề nghị lần sau có thể tổ chức những khóa tu dài ngày thay vì chỉ một ngày quán niệm để mọi người có cơ hội học hỏi và thực tập nhiều hơn.

Ngày quán niệm cho chuyên gia sức khỏe cũng là Ngày của Mẹ (Mother’s Day). Sư cô Chân Không đọc một đoạn trong cuốn Bông hồng cài áo của Thầy, nhấn mạnh tình thương là một thang thuốc và cũng để kỷ niệm ngày Thầy nhận một đóa hoa cẩm chướng từ một sinh viên Nhật trong ngày Mother’s Day năm 1957. Hôm đó cũng là ngày quán niệm Wake Up ở Harajuku cho người trẻ theo hình thức flash mob do các thầy, các sư cô trẻ hướng dẫn. Có khoảng 90 người trẻ tham dự.

Đặc biệt trong ngày dành cho các xuất sĩ Nhật Bản, các vị tu theo truyền thống Tân Tăng (dù đi tu nhưng vẫn được phép có gia đình) đã chia sẻ rất nhiều những khó khăn, khổ đau của họ liên quan đến gia đình, vợ con… Phái đoàn chỉ có một giờ chia sẻ pháp môn tu học, rồi thực tập ăn trong chánh niệm. Ăn trưa xong, cũng chỉ có một giờ để pháp đàm, mà còn phải thêm thời gian cho phiên dịch nên rốt cuộc không chia sẻ được nhiều, đó là một điều rất đáng tiếc.

Indonesia

Ngày 13.05, đến Indonesia vào buổi tối, phái đoàn được tiếp đón nồng hậu bằng bữa cơm tại nhà hàng chay ở sân bay Jakarta. Sau đó đoàn được đưa về khách sạn Yasmin ở Puncak, nơi khóa tu năm ngày sẽ diễn ra vào hôm sau. Tham dự chuyến hoằng pháp này gồm có các thầy Pháp Đăng, Pháp Niệm, Pháp Độ, Pháp Khâm, Pháp Dung, Pháp Lưu; các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Hằng Nghiêm, Quy Nghiêm, Lương Nghiêm, Kỳ Nghiêm, Thăng Nghiêm, Sùng Nghiêm, Tân Nghiêm, Doãn Nghiêm cùng một số các thầy và sư cô trẻ khác.

Khóa tu năm ngày: Đi như một dòng sông (14-18.05)

Khóa tu có 518 người ghi danh. Ngày đầu, thầy Pháp Lưu và sư cô Thăng Nghiêm cho hướng dẫn tổng quát với cách trình bày rất sáng tạo. Những ngày kế là chia sẻ của các thầy Pháp Đăng, Pháp Niệm và sư cô Chân Không. Sư cô nói về phương pháp làm mới và ngày cuối nói về sống chết với nhiều dẫn chứng cụ thể trong gia đình và trong tăng thân. Sư cô có kể câu chuyện về một người đàn ông mất vợ, đi dự khóa tu và xin tham vấn. Sư cô hướng dẫn ông thực tập để thấy rằng, vợ ông đang cùng đi với ông tới khóa tu, bây giờ ông phải cùng sống với bà trong ông và lắng nghe những thao thức kỳ vọng của bà mà khi bà còn sống, ông không lắng nghe và không thực hiện được. Nhiều người cảm động lắm.

Ngày 20.05: Đi thăm đất mới và thánh tích Borobudur

Một trong những điểm đặc biệt của chuyến hoằng pháp Indonesia năm nay là đi thăm và làm lễ tẩy tịnh miếng đất mà một đại thí chủ Indonesia muốn xây dựng thành Làng Mai, đã bay qua Pháp gặp Thầy để xin phép. Ông sẽ lo liệu tất cả từ vấn đề tài lực đến giấy phép. Ông là một doanh nghiệp Phật tử rất năng nổ trong Phật sự và thành công trong xã hội. Ông đã áp dụng sự tu tập chánh niệm vào công ty của mình.

Từ Jakarta, phái đoàn đã bay về Yogyakarta và ngụ lại ngôi chùa của thầy Vimala ở Palakan một đêm. Sáng hôm sau thầy đưa đoàn lên đất mới trên núi rất sớm. Địa phương này gồm những làng quê theo đạo Bụt từ nhiều thế kỷ. Họ canh tác và sống đơn giản, mặc y phục truyền thống của người địa phương. Thầy đã từng mong ước đem đạo Bụt trở về lại cho người dân quê Indonesia và xây trường học giúp cho trẻ em nghèo. Đó là lý do tại sao miếng đất của Làng Mai Indonesia tương lai được chọn ở đây, vùng Java.

Đường lên núi rất dốc và chỗ đất được làm bằng phẳng để hành lễ không lớn lắm, nhưng vì ở đỉnh cao nên không gian chung quanh thoáng và đẹp. Phái đoàn đắp y, tụng bài Đầu cành dương liễu trong khi thầy Pháp Đăng, sư cô Chân Không và một số các vị lớn đi quanh tẩy tịnh. Buổi lễ đơn giản, với sự chia sẻ ngắn gọn của sư cô Chân Không, Bante Dhama Vilama và một vị địa phương. Họ nói tiếng thổ ngữ Java và rất thân thiện. Sau đó họ đãi phái đoàn những phẩm vật địa phương nhiều màu sắc như bánh bột trong lá chuối hay trong những cái hộp xếp bằng lá.

Phái đoàn về tới khách sạn Manohora ở ngay trong thánh địa Borobudur sau buổi trưa. Nghỉ ngơi xong, một số người náo nức đi thăm ngôi chùa có ngàn tượng Phật nổi tiếng dù chương trình chính là ngắm mặt trời mọc sáng sớm hôm sau. Sư cô Chân Không quán chiếu công trình vĩ đại này, xưa kia chắc hẳn có bao nhiêu lời cầu nguyện của những người thợ, những nghệ sĩ điêu khắc, những vị vua quan để thực hiện cho được công trình, vì vậy không phải Sư cô chỉ đi thiền hành cùng với họ trên công trình này mà còn đem tất cả năng lượng cầu nguyện đó hồi hướng cho sức khỏe của Thầy.

Sau chuyến viếng thăm Borobodur thì thầy Pháp Khâm, các sư chú Trời Đâu Suất và Trời Đại Định, các sư cô Hoàn Nghiêm, Trăng Nga Mi và Trăng Tin Yêu về trung tâm Boddhidharma ở Bandugan, cách trung tâm Làng Mai Indonesia khoảng 20 cây số, để tổ chức một ngày quán niệm tại đó cho 80 người. Các thầy và sư cô cũng đã đi thăm và hướng dẫn thực tập cho dân làng tại các chùa ở trên núi vùng sâu vùng xa. Người dân tại đây là con cháu của những Phật tử đã phải đi lánh nạn từ những thành phố, cách đây hơn 1000 năm, khi Phật giáo bị kỳ thị.

Ngày 22.05, bay về lại Jarkarta. Ngày 23.05 có buổi thuyết pháp công cộng ở chùa Ekayana, phía tây Jakarta. Sư cô Chân Không giảng về Bốn câu thần chú, khuyên nhắc Phật tử đem chánh niệm về chăm sóc, có mặt với người thân bằng chánh niệm và chân tình. Phật tử tới dự rất đông, ngồi chật cả chùa, đặc biệt có rất nhiều người trẻ.

Ngày 24.05, các thầy, các sư cô chia ra hai nhóm cho ngày quán niệm ở hai nơi: cho giới giáo chức và Wake Up (ở Ehipassiko Buddhist School tại Serpong Tangerang) do các thầy Pháp Niệm, Pháp Dung và Pháp Lưu hướng dẫn cùng một số quý thầy, quý sư cô từ Thái Lan, với khoảng 320 thiền sinh. Nhóm thương gia và giới chuyên viên (ở Mangga Dua, Bắc Jakarta) khoảng 250 người do thầy Pháp Đăng, các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm và Lương Nghiêm hướng dẫn.

Buổi tối ngày cuối cùng ở Indonesia, sư cô Chân Không và một số vị tới thăm trung tâm Bodhidharma ở Jakarta, nơi các sư cô Trăng Tin Yêu, Trăng Phương Nam (người Indonesia), Doãn Nghiêm, Tân Nghiêm, Hoàn Nghiêm đã ở lại trong thời gian tiền trạm. Đây là nơi sư cô Trăng Tin Yêu tu tập và sinh hoạt trước thời gian xuất gia. Sự có mặt tươi mát và tu tập nghiêm chỉnh của các sư cô đã khiến thầy trụ trì rất hài lòng. Thầy cho phép các sư cô sắp xếp chùa theo ý mình và khi sư cô Chân Không ghé thăm thì thầy tuyên bố, Làng Mai cứ việc sử dụng chùa của thầy để làm Làng Mai Indonesia và hoằng pháp mà không cần phải lập trung tâm khác.

Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan

Ngày 26.05, phái đoàn đến Bangkok, có xe đón thẳng về buổi họp báo ở phòng VIP của phi trường, sau đó về tu viện. Tham dự chuyến hoằng pháp năm nay có các thầy Pháp Đăng, Khai Luật (Kai Li), Pháp Độ, Pháp Niệm, Pháp Dung, Pháp Khởi, các sư cô Chân Không, Thoại Nghiêm, Mẫn Nghiêm, Quỳnh Nghiêm, Hạc Nghiêm, Sáng Nghiêm và nhiều thầy, sư cô trẻ khác.

Ngày 01.06: Ngày quán niệm tại trường đại học MCU ở Wang Noi vào dịp lễ Phật đản. Cùng với tăng thân 40 người, thầy Pháp Đăng chia sẻ với chủ đề Con đường giải thoát cho khoảng 500 người, trong đó có 100 thầy truyền thống Nam tông đang học nội trú tại trường. Sau buổi giảng có lễ rước đèn hoa đăng trong tiếng nhạc niệm Bụt.

Khóa tu tại Wang Ree Resort (03-07.06) cho 250 người kể cả phái đoàn xuất sĩ, với sự tham dự của thiền sinh các nước Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.

Khóa tu cho người Việt (10-14.06) tổ chức tại trung tâm Làng Mai Thái Lan. Số người tham dự rất đông, trên 650 cư sĩ và 200 xuất sĩ. Phương tiện lưu trú tại tu viện hạn chế nhưng người xin tham dự khóa tu lại cứ tăng lên. Một số đông bà con phải ở lều rất đơn sơ, khí hậu lại quá nóng, muỗi và côn trùng thì nhiều. Vậy mà một số thiền sinh là doanh nhân cũng ở lại tu trọn khóa trong niềm hạnh phúc.

Ngày 15-23.06: Khóa tu xuất sĩ chủ đề Tay Thầy trong tay con với sự tham dự của quý thầy, sư chú, sư cô trẻ đến từ Việt Nam. Khóa tu rất vui, nuôi dưỡng bồ đề tâm và có công năng trị liệu với sự chia sẻ của Sư bá Giác Viên, sư cô Đoan Nghiêm và thầy Pháp Đăng.

Ngày 21: Lễ cúng dường theo phong tục Thái Lan để xây cất nhà ở cho cư sĩ tới tu học tại trung tâm. Có khoảng 200 người tham dự.

Trong chuyến hoằng pháp tại Thái Lan lần này, vì không có Thầy nên sư cô Chân Không đã đóng vai người chị cả lắng nghe rất nhiều người và giải quyết những vấn đề cần thiết. Sư cô chiếu một đoạn video quay cảnh Thầy ngồi dùng cơm, lúc đó vào tháng Bảy, ba tháng sau khi rời khỏi nhà thương. Mọi người đều cảm động chảy nước mắt khi thấy Thầy vẫn còn đó cho các con.

Khóa tu dành cho các bạn trẻ đến từ Anh và Ireland

Tại xóm Thượng, Làng Mai từ ngày 17-24.04 có khóa tu cho hơn 60 bạn trẻ trong phong trào Wake Up đến từ Vương quốc Anh và Ireland.

Đại chúng ở Làng cũng tận dụng thời tiết nắng đẹp của mùa xuân để chấp tác, chuẩn bị cho khóa tu mùa Hè. Rất nhiều thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới cũng về Làng thực tập chung. Các bạn đã đem trái tim và bàn tay phụng sự của mình để giúp tạo nên một môi trường thật đẹp, thật lành cho tất cả mọi người đến tu học.

Thật là một niềm hạnh phúc lớn cho tứ chúng Làng Mai khi Thầy đã về lại Làng để tiếp tục nghỉ ngơi và trị liệu. Tăng thân vẫn đang tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của Thầy, đi như một dòng sông chảy về biển lớn, đem bình an và thương yêu đến với mọi nhà.

Sự phát triển bền vững, chánh niệm và nếp sống cộng đồng

12-19.06: Lần đầu tiên tại Làng Mai đã diễn ra khóa tu kết hợp giữa sự thực tập chánh niệm và bảo vệ sinh môi, với chủ đề Sự phát triển bền vững, chánh niệm và nếp sống cộng đồng. Khóa tu đã thu hút gần 200 thiền sinh đến từ nhiều nước trên thế giới về tham dự, trong đó phần lớn là người trẻ. Các bạn có cơ hội thực tập chánh niệm với tăng thân, đồng thời được học cách trồng trọt theo lối hữu cơ đang được áp dụng tại Nông trại Hạnh phúc (Happy Farm) của Làng Mai. Các bạn rất hạnh phúc khi nhận ra rằng trồng trọt cũng là một phương pháp thiền tập để thể hiện tình thương với đất Mẹ. Khi ta có bình an thì đất Mẹ cũng sẽ được bình an.

Khóa tu mùa Hè (03-31.07)

Mùa hè năm nay, dù biết là Thầy không có mặt trong khóa tu, thiền sinh vẫn về Làng tu học rất đông, còn đông hơn cả mọi năm. Trung bình mỗi tuần, cả bốn xóm của Làng (xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới và xóm Trung) đón khoảng 1000 thiền sinh, riêng tuần cuối cùng có khoảng 1200 thiền sinh, trong đó có cả trẻ em và thanh thiếu niên. Số lượng trẻ em về Làng năm nay tăng vọt, khoảng 120 em mỗi tuần. Các em đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, vì vậy quý thầy, quý sư cô chăm sóc các em phải chia ra sáu nhóm ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý. Đây là một tín hiệu vui cho thấy chương trình Đạo đức học ứng dụng – đem chánh niệm vào trường học (hay còn gọi là Wake Up Schools) đang được áp dụng có hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ. Một tuần trước khóa tu mùa Hè, khoảng 40 tình nguyện viên, phần lớn là các thầy, cô giáo tham gia vào chương trình Wake Up Schools đã về Làng để giúp các thầy, các sư cô chăm sóc chương trình trẻ em.

Các bạn thiền sinh không những được hưởng năng lượng chánh niệm tập thể của tăng thân, mà còn được tham dự vào không khí lễ hội của lễ Hòa bình, lễ Bông hồng cài áo và lễ Trăng Rằm. Những ai có mặt trong Lễ hội Trăng Rằm năm nay sẽ không thể nào quên được hình ảnh hơn một ngàn người cùng ngồi yên ở vườn Bụt của xóm Thượng chờ đón trăng lên.

Lễ xuất gia của gia đình Cây Sa La

Khi ở Làng vừa kết thúc khóa tu mùa Hè, tại trung tâm Làng Mai Thái Lan đã diễn ra lễ xuất gia cho 9 em trong gia đình Cây Sa La vào ngày 02.08.2015. Gia đình Cây Sa La có 8 sư em là người Việt và một sư em người Thái: Trời Rộng Mở, Trời Thanh Bình, Trời Núi Biếc, Trời Xanh Trong, Trời An Định, Trời Tỏ Rạng, Trời Vô Cấu (người Thái), Trời Phương Đông và Trăng Bát Nhã. Ngoài ra, cuối năm 2015, có sư em Trăng Thanh Thiên theo chương trình xuất gia gieo duyên 3 tháng dành cho người Thái nhưng sau đó xin xuất gia thêm 5 năm nữa, vì vậy được trở thành thành viên thứ mười của gia đình Cây Sa La.

Khóa tu tại EIAB (10-23.08)

Mùa hè kết thúc, một tuần sau, hơn 100 quý thầy, quý sư cô lên đường qua Đức để giúp đại chúng ở Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tổ chức hai khóa tu lớn, khóa tu dành cho người nói tiếng Hà Lan và khóa tu dành cho người nói tiếng Đức. Đây là lần đầu tiên khóa tu lớn tại EIAB lại vắng Thầy, vì vậy rất đông quý thầy, quý sư cô giáo thọ từ Làng đã sang yểm trợ. Cả hai khóa tu đều có chương trình dành riêng cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên. Ngoài hai khóa tu còn có một ngày quán niệm cho người Đức và một ngày quán niệm cho người Việt.

Khóa tu cho người nói tiếng Hà Lan (10-15.08): Hơn 200 thiền sinh đã về tham dự khóa tu năm nay với chủ đề Healing ourselves – Healing the world (Trị liệu cho chính mình và Trị liệu cho thế giới). Ngày mở đầu của khóa tu, khi chúng xuất sĩ niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm thì trời mưa như trút nước, nhiều người rất xúc động. Nhiều thiền sinh chia sẻ trong buổi pháp đàm rằng chỉ cần ngồi yên và lắng nghe thôi là đã thấy thân tâm nhẹ nhõm rồi. Dù vắng Thầy nhưng thiền sinh vẫn rất hạnh phúc với buổi hướng dẫn tổng quát của thầy Pháp Xả và các bài pháp thoại của thầy Pháp Ấn, Pháp Ứng, sư cô Chân Không, Chân Đức cũng như buổi vấn đáp với các vị giáo thọ (thầy Pháp Ấn, Pháp Trạch, Pháp Lưu, sư cô Từ Nghiêm, Tuệ Nghiêm). Có 50 người đã thọ Năm giới trong khóa tu này.

Ngày quán niệm cho người Việt (16.08): Dù trời mưa nhưng người Việt về tham dự ngày quán niệm vẫn rất đông. Đây thật là một ngày hội để đồng bào được gặp nhau, được nghe những lời chia sẻ, tâm tình của sư cô Chân Không, được đi thiền hành, ăn trưa chung, thiền buông thư và vấn đáp với quý thầy, quý sư cô. Chỉ một ngày bên nhau thôi nhưng ai cũng cảm thấy thật đầy đủ, ấm áp.

Khóa tu cho người nói tiếng Đức (17-22.08): Dù biết là không có Thầy nhưng vẫn có khoảng 400 thiền sinh đăng ký tham dự. Khóa tu có chủ đề “Touching the wonders of life” (Tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống). Thầy Pháp Ấn, sư cô Chân Không, Chân Đức, Bi Nghiêm đã cho pháp thoại trong khóa tu này. Cuối khóa tu có 60 người xin nhận Năm giới. Nhiều thiền sinh đã đến chia sẻ với quý thầy, quý sư cô là họ rất có niềm tin nơi tăng thân, họ biết là tăng thân sẽ đưa pháp môn, đưa Thầy đi về tương lai.

Ngày quán niệm cho người nói tiếng Đức (23.08): Có gần 500 người đến tham dự. Sau bài pháp thoại của thầy Pháp Ấn, tất cả thiền sinh đi thiền hành cùng quý thầy, quý sư cô và ăn trưa chung trong im lặng. Một khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng và hùng hậu.

Ngày hôm sau, một nhóm quý thầy, quý sư cô giáo thọ lại tiếp tục lên đường sang Mỹ để tham gia vào chuyến hoằng pháp (US Tour) kéo dài ba tháng.

Khóa tu sức khỏe

Khóa tu sức khỏe bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình ở Làng Mai từ năm 2009. Khóa tu giúp cho các bạn thiền sinh tới Làng được thanh lọc thân tâm, học cách ăn uống, tiêu thụ trong chánh niệm, nghỉ ngơi điều độ, đúng mực. Có nhiều bạn chưa có đủ cảm hứng để tới tham dự khóa tu chánh niệm, có thể vì các bạn ngần ngại khi có cảm giác là mình đang tiếp cận với một tôn giáo khác. Nhưng trước một khóa tu nâng cao sức khỏe, những người bạn ấy lại rất hứng thú để ghi danh. Ở Làng năm nay, tại xóm Thượng đã diễn ra hai khóa tu sức khỏe được tổ chức liên tiếp trong hai tuần (07-21.08). Mỗi khóa tu đều có khoảng 250 thiền sinh đăng ký.

Đến với khóa tu, các bạn thiền sinh được thực tập sống một nếp sống đơn giản, điều độ, được hướng dẫn tập thể dục và buông thư, cùng với những phương pháp thiền tập để buông bỏ những căng thẳng, lo lắng trong tâm. Chế độ ăn trong khóa tu rất đơn giản. Điều ấy giúp các bộ phận trong cơ thể có cơ hội được nghỉ ngơi và các chất độc đã chất chứa lâu ngày có thời gian để bài tiết ra ngoài.

Trong bầu không khí tu tập chánh niệm của tu viện, các bạn được tham gia các buổi ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm chánh niệm, được nghe các thầy, các sư cô chia sẻ trong pháp đàm… Dù không chủ ý tới Làng Mai để tu tập chánh niệm, mà chỉ tới với mục đích nâng cao sức khỏe nhưng ở đây một tuần, các bạn đều cảm mến năng lượng bình an và nếp sống chánh niệm.

Sau đó, tại xóm Hạ cũng đã tổ chức khóa tu sức khỏe vào mùa thu trong một tuần (09-16.10), với chủ đề Chăm sóc sức khỏe với chánh niệm và niềm vui (Taking Care of the Body with Mindfulness and Joy) với khoảng 180 người tham dự.

Khóa tu Wake Up dành cho người Việt trẻ ở châu Âu

Khóa tu sức khỏe tại xóm Hạ vừa kết thúc thì ngay hôm sau đại chúng lại có cơ hội đón các bạn trẻ người Việt về Làng tham dự khóa tu Wake Up dành cho người Việt trẻ ở châu Âu. Khóa tu được tổ chức lần đầu tiên tại Làng Mai từ ngày 16-23.10, với chủ đề “Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng”. Về Làng, các bạn có cơ hội sống chậm lại, cùng nhau ngồi yên và thở những hơi thở trong lành, cùng đi những bước chân bình an trên đất Mẹ nhiệm mầu, cùng trở về tiếp xúc với những thao thức, những lý tưởng, những ước mong sâu kín nhất trong lòng của một người trẻ Việt Nam. Trong đêm thơ nhạc và một buổi ngồi chơi trong ngày cuối cùng, các bạn đã nói lên những sự chuyển hóa trong tự thân và những lời biết ơn tăng thân xuất sĩ đã giúp các bạn thắp lại ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ và khơi lại nguồn suối thương yêu trong trái tim mình.

Mùa thu Bắc Mỹ (25.08-10.11)

Chuyến hoằng pháp năm nay ở Bắc Mỹ có tên Phép lạ của sự tỉnh thức, nhân dịp kỷ niệm cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Thầy được xuất bản ở Tây phương, tròn 40 tuổi. Tham gia chuyến hoằng pháp, ngoài các thầy, các sư cô của ba tu viện Lộc Uyển, Bích Nham và Mộc Lan, còn có các thầy, các sư cô đến từ Làng và các trung tâm Làng Mai ở Đức, Thái Lan, Hồng Kông, thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris)…

Tại New York

Khai mạc khóa tu tại Bích Nham (31.08-05.09): Trong khóa tu tại tu viện Bích Nham, hầu như mỗi gia đình đều có hai vị giáo thọ hướng dẫn pháp đàm – một giáo thọ xuất sĩ và một giáo thọ cư sĩ. Trong bài pháp thoại đầu tiên, đại chúng được mời thực tập hết lòng bằng cách làm gì thì chỉ làm một việc mà thôi (mono-tasking). Trong thời hiện đại này, ai có kỹ năng làm nhiều việc cùng một lúc (multi-tasking) thì sẽ có cơ may tìm được việc làm nhiều hơn người khác (và cũng dễ bị stress hơn người khác). Các bạn thiền sinh đã cùng tăng thân thực tập như thế trong khóa tu sáu ngày này. Đi thì chỉ đi, nói thì chỉ nói, không vừa đi vừa nói.

Rất nhiều người trẻ tham dự khóa tu. Có một bạn trẻ mới đến tham dự lần đầu cho biết, dù em đã có một việc làm mơ ước với số lương mơ ước, em vẫn không hạnh phúc cho nên đã bỏ việc. Lúc đầu em chia sẻ là không biết việc pháp đàm này có lợi lạc gì, hát thiền ca và tụng kinh trước pháp thoại với em sao giống nhà thờ Thiên Chúa giáo, và còn một số các nhận xét tiêu cực khác nữa. Vậy mà đến ngày cuối cùng, em chủ động xin email của tất cả các thành viên trong gia đình pháp đàm và đề nghị mọi người giữ liên lạc với nhau. Trong buổi pháp thoại cuối cùng, em ngồi ghi chép từ đầu đến cuối những gì được dạy. Em đã đến tham dự buổi pháp đàm không có trong thời khóa mà gia đình tự tổ chức (không ai muốn chia tay nên mọi người đã quyết định có thêm một buổi pháp đàm). Em chắp tay xá từng người một cách rất hết lòng khi họ kết thúc chia sẻ.

Có một bác năm nay đã trên 70 tuổi nói rằng, bác ấy đã có rất nhiều ngại ngùng về khóa tu này vì sự vắng mặt của Thầy. Tuy nhiên sau hai bài pháp thoại, bác nói rằng Thầy đã đào tạo được những giáo thọ tuyệt vời, và bác tin rằng pháp môn Làng Mai sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng như nó đang là. Trước đây bác nghĩ là không có Thầy nếu chắc điều đó là không thể.

Ngày 06.09: Ngày quán niệm tại tu viện Bích Nham.

Ngày 10.09: có ba hoạt động diễn ra trong cùng một ngày.

Hoạt động thứ nhất là buổi sinh hoạt với phóng viên và ký giả tại trường Đại học Báo chí Columbia (Columbia Journalism School) do thầy Pháp Dung, Pháp Lưu, sư cô Hiến Nghiêm, Trăng Tam Muội hướng dẫn. Phòng sinh hoạt hơi nhỏ nên chỉ có khoảng 60 người được tham dự (khoảng 30 người phải lên danh sách chờ đợi). Buổi sinh hoạt với các nhà báo rất thú vị, có nhiều người là phóng viên chiến trường, họ phải thường xuyên đối mặt với bạo động và sợ hãi. Quý thầy, quý sư cô đã có dịp chia sẻ và trao đổi với họ các pháp môn tu tập cụ thể như theo dõi hơi thở làm chủ cảm xúc…

Một hoạt động khác dành cho khoảng 300 sinh viên tại đại học New York (NYU) do sư cô Đào Nghiêm, Mẫn Nghiêm, Lực Nghiêm, Trai Nghiêm và các thầy Trời Bảo Tích, Trời Ngộ Không hướng dẫn. Đại chúng cùng hát thiền ca, nghe chia sẻ về các pháp môn thực tập cụ thể để giảm stress, làm chủ cảm xúc và buông thư. Việc sinh viên Mỹ đến nghe những người tu nói chuyện là một bằng chứng cho thấy nhu cầu tìm về cái đẹp, cái lành khi mà khoa học kỹ thuật, vật chất và đời sống tiêu thụ đã kéo người ta đi quá xa.

Hoạt động thứ ba là buổi hội thảo tại ABC Home với đề tài Sự tương tức giữa Tâm linh và Hành động trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc – Tiếp nối di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Martin Luther King. Trong ban thuyết trình có sư cô An Nghiêm, người Mỹ gốc châu Phi, sư cô Zenju Earthlyn Manuel trong truyền thống thiền của thiền sư Suzuki, cô Alycee J. Lane, tác giả quyển Nonviolence Now! (Bất bạo động ngay bây giờ), Tiến sĩ Marisela Gomez, đệ tử của Thầy, tác giả quyển Race, Class, Power and Organizing in East Baltimore (Chủng tộc, giai cấp, quyền lực và vấn đề tổ chức ở Đông Baltimore). Người điều khiển chương trình là cô Arthel Neville của đài Fox News. Điều thú vị là trong năm phụ nữ ngồi trên sân khấu thì có tới bốn người là phụ nữ da màu.

Gần đây ở Mỹ đã xảy ra nhiều vụ thảm sát hoặc giết chóc có liên quan đến người da màu (tại Baltimore, Charleston, Ferguson…), gây hoang mang và mất lòng tin của nhiều người. Do vậy, dù 50 năm đã trôi qua nhưng thông điệp về bất bạo động và hòa bình, xây dựng một cộng đồng sống trong tình thương của Mục sư Martin Luther King và Thầy Làng Mai vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 11.09 là ngày quán niệm giới thiệu về thực tập chánh niệm cho sinh viên và nhân viên trường đại học Columbia, do khoa Thần học của trường kết hợp với tu viện Bích Nham tổ chức. Trong ngày quán niệm, sinh viên, thầy cô giáo và nhân viên của trường đã được hướng dẫn thiền tọa, thiền hành, ăn cơm im lặng, thiền buông thư, được nghe pháp thoại và một thời vấn đáp.

Ngày 12.09, ngày quán niệm ở ABC Home và buổi ngồi thiền công cộng (Flash mob) ở quảng trường Union, New York. Sau khi mọi người được nghe hướng dẫn tổng quát, đại chúng đã theo quý thầy, quý sư cô đi thiền hành qua đường phố và qua một quãng chợ đông đúc của New York ngày thứ Bảy. Đoàn thiền hành đi trong bình an dù hai bên đường mọi người nhộn nhịp mua bán, đi lại, nói cười. Khi đến quảng trường, đại chúng lặng lẽ tìm chỗ ngồi thiền. Phía trước là một đoàn biểu tình ủng hộ người tị nạn Syria. Đại chúng ngồi thật yên, yểm trợ họ bằng cách chế tác bình an trong từng hơi thở chánh niệm, trong khi họ hô khẩu hiệu và lên tiếng kêu gọi nhà nước Mỹ mở rộng vòng tay đón những người tỵ nạn Syria.

Sau khi ngồi thiền, mọi người ăn trưa trong yên lặng. Trong khi đó, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn cho đến khi đại chúng chấm dứt bữa ăn. Các bạn Wake Up bắt đầu hát thiền ca Happiness is here and now. Khi ấy, những người trong đoàn biểu tình bắt đầu để ý nhiều hơn đến sự có mặt của tăng thân Làng Mai. Tiếng hát không lớn, không có một chút cố gắng nào, bởi vì hát không để cho người khác nghe, hát để mà hát, vậy thôi. Tiếng ca như lọt thỏm giữa đủ loại tiếng động của phố phường, vậy mà năng lượng thật bình an và hùng hậu. Năng lượng đó đã gây ra sự chú ý của người đang tham dự biểu tình. Nhiều người quay lại nhìn, những người khác lấy máy ra chụp ảnh.

Tối hôm ấy, thầy Pháp Dung và sư cô Diệu Nghiêm cùng cho pháp thoại công cộng tại Tòa thị chính của thành phố (Town Hall). Có khoảng 500 người tham dự. Kết thúc là một thời vấn đáp do thầy Pháp Dung, Pháp Hải, sư cô Diệu Nghiêm, Giới Nghiêm phụ trách. Khán phòng đã rộn lên những tiếng cười vui nhộn.

13.09, chặng hoằng pháp tại New York được khép lại với buổi giới thiệu hai quyển sách mới xuất bản: Mindfulness as Medicine (Chánh niệm – phương pháp trị liệu cho thân và tâm) của sư cô Đẳng Nghiêm và quyển Nothing to It (giới thiệu mười cách thực tập để trở về và có mặt cho chính mình) của thầy Pháp Hải.

Tại Mississippi

Tăng đoàn tiếp tục chặng hoằng pháp ở Mississippi, nơi có tu viện Mộc Lan.

Ngày 22-27.09, diễn ra khóa tu tiếng Anh. Thiền sinh đến từ nhiều nơi khác nhau như Lowa, Texas, Florida, Detroit. Thiền sinh rất hạnh phúc với các bài pháp thoại của sư cô Diệu Nghiêm, Tuệ Nghiêm, thầy Pháp Dung. Gần cuối khóa tu có một buổi vấn đáp rất “ngoạn mục” giữa thính chúng và quý thầy Pháp Đệ, Pháp Biểu cùng quý sư cô Đoan Nghiêm, Đẳng Nghiêm. Các câu hỏi như: Làm thế nào để trở thành một người độc thân hạnh phúc? Làm thế nào để chuyển hóa tập khí sâu dày do ông bà tổ tiên trao truyền? Làm thế nào để thực tập với hai gốc rễ tâm linh Phật giáo và Thiên Chúa giáo? Nước mắt và nụ cười có vai trò như thế nào trong sự thực tập của quý thầy, quý sư cô?

Buổi ngồi chơi toàn chúng (Be-In) làm cho mọi người cười mãi không thôi. Cả thiền đường tràn ngập không khí vui tươi. Mỗi gia đình pháp đàm đều đóng góp một tiết mục. Niềm vui thật đơn sơ, những “buổi tiệc chay” làm bằng những tiết mục phản ánh sự thực tập, sự hiểu biết của mọi người, bằng niềm vui và sự dí dỏm rất đạo vị.

Kinh Độ người hấp hối có kể rằng lúc ông Cấp Cô Độc sắp qua đời, sau khi nghe thầy Xá Lợi Phất làm thiền hướng dẫn, ông đã cảm động đến rơi nước mắt. Sau đó ông đã nhờ thầy Xá Lợi Phất bạch lại với Bụt, xin Bụt giảng về vấn đề sinh tử cho cư sĩ. Trong truyền thống của Làng Mai, bài pháp thoại cuối cùng của Thầy bao giờ cũng là đề tài này. Thầy nói rằng đó là món quà của Làng Mai gửi đến mọi người dựa trên lời yêu cầu của ông Cấp Cô Độc trong kinh Độ người hấp hối. Ngày cuối cùng của khóa tu này cũng không ngoại lệ. Sư cô Chân Không đã cho bài pháp thoại về đề tài này.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, mọi người được hướng dẫn thiền hành về phía tượng đài Mục sư Luther King và Thầy Làng Mai. Khi đến nơi, mọi người đứng vòng quanh để tham dự một buổi lễ khánh thành đơn giản mà cảm động. Tượng đài này vừa được hoàn thành không lâu, chỉ một hay hai ngày trước khi tăng đoàn đến Mộc Lan mà thôi. Tượng đài được dựng lên để kỷ niệm mối tương giao lịch sử giữa hai nhà hoạt động cho nhân quyền và tình thương, cả hai vị đã làm nên những ảnh hưởng rất đáng kể trong lĩnh vực này.

Năm 1966, khi Thầy Làng Mai và Mục sư King gặp nhau, cả hai như tìm được tri kỷ của mình. Thầy và Mục sư King đều đi theo con đường bất bạo động và đều thấy sự cần thiết phải xây dựng nên những cộng đồng chung sống trong tình thương. Thầy gọi đó là Tăng thân (sangha), Mục sư King gọi đó là Cộng đồng yêu quý (beloved community). Thầy đã từng chia sẻ rằng: “Tôi đã nói với Mục sư Luther King là người Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư Luther King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát và không còn có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân được nữa. Tôi đang ở New York thì nghe tin về vụ ám sát. Chuyện này làm cho tôi bị đau một thời gian. Và tôi tự hứa với mình rằng tôi phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, không chỉ cho tôi, cho chúng ta mà còn cho cả Mục sư Luther King nữa”. Với tâm nguyện đó, Thầy đã từng bước, từng bước thực hiện giấc mơ xây dựng tăng thân với sự hỗ trợ của những người cùng tâm huyết. Cho đến hôm nay, tăng thân yêu quý đó đã có mặt khắp nơi trên thế giới, cả xuất sĩ và cư sĩ.

Ngày 27.09: Ngày quán niệm.

Ngày 30.09-04.10: Khóa tu nói tiếng Việt

Đầu khóa tu có nhiều người lớn tuổi, đến cuối tuần mới có nhiều người trẻ về dự. Các thầy, các sư cô rất xúc động thấy các bác lớn tuổi vậy mà vẫn đến khóa tu. Các bác mặc áo tràng lam theo truyền thống và thực tập tinh chuyên lắm. Ăn cơm im lặng, ngồi thiền, đi thiền hành, chấp tác… Nhiều bác đã mặc áo nâu từ những ngày đầu tiên khi Thầy mới lập nên dòng tu Tiếp Hiện, bây giờ đã hơn 80 tuổi mà tinh thần phụng sự, tinh thần dấn thân vẫn đầy nhiệt huyết như buổi ban đầu.

Tại San Francisco

Ngày 06.10, tăng đoàn đến chùa Phổ Từ ở Hayward để tiếp tục chặng hoằng pháp tại San Francisco. Thầy Từ Lực, trú trì chùa Phổ Từ, đã rất từ bi cho phép quý sư cô được ở tại chùa, còn quý thầy thì ở tại một nhà thờ cách chùa khoảng 10 phút đi bộ.

Ngày 07.10, một nhóm gồm các thầy Pháp Đăng, Pháp Hải, Pháp Đệ, Pháp Biểu, Pháp Thệ, Pháp Tài, sư chú Trời Ngộ Không, Trời Tùy Niệm và các sư cô Đẳng Nghiêm, Bạch Nghiêm, Sứ Nghiêm, Trăng Tam Muội có một buổi sinh hoạt với các nhân viên của Facebook với chủ đề: “The Art of Mindful Living and Working” (Nghệ thuật sống và làm việc trong chánh niệm).

Ngày 08.10, ngày quán niệm cho các nhân viên của hãng Salesforce – một trong những tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới. Có khoảng 150 nhân viên của Salesforce đến tham dự trực tiếp một ngày chánh niệm trong thính đường, và có khoảng 650 người tham dự qua mạng, ngay tại bàn làm việc của họ. Ngày quán niệm tại Salesforce là một món quà mà ông Tổng giám đốc của tập đoàn này có nhã ý tặng cho nhân viên. Hiện giờ nhiều công ty đã nhận ra rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên rất quan trọng. Lương cao và điều kiện làm việc tốt không đủ để người ta sống hạnh phúc, khỏe mạnh và làm việc vui vẻ, nhiệt tình. Một đời sống tâm linh phong phú giúp ta tìm thấy ý nghĩa trong công việc và có thể thưởng thức công việc đó mà không phải là một sự cố gắng mệt nhọc.

Chương trình bắt đầu từ 8h30 sáng đến 4h chiều. Sau lời giới thiệu của một vị đại diện cho ban giám đốc Salesforce, thầy Pháp Dung và sư cô Bội Nghiêm đã chia sẻ những thực tập rất cụ thể để các nhân viên Salesforce có thể áp dụng chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Ai cũng được mời tắt điện thoại di động, I-touch… Phần lớn những người tham dự cho biết là họ phải làm việc chủ yếu trên mạng, rất nhiều người mới thức giấc là đã lên Internet để kiểm tra email rồi. Vì vậy, tắt nguồn điện thoại di động là một việc làm rất “không bình thường” đối với những người này. Các nhân viên của Salesforce đã được hướng dẫn về phương pháp thiền trong phòng vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, nhìn vào gương, thiền ăn sáng, thiền lái xe, thiền ở ngay chỗ đèn xanh, đèn đỏ, thiền đi từ nhà ra trạm xe bus hay xe lửa… Hướng dẫn tổng quát rất vui và sinh động, lại sát với thực tế nên ngay từ đầu đã thấy mọi người rất chăm chú và lắng nghe thật hết lòng.

Sau khi thầy Pháp Lưu và Kenley (một giáo thọ cư sĩ) chia sẻ về thực tập chánh niệm ở sở làm, tất cả mọi người được mời tham dự thiền hành. Mọi người đi trong chánh niệm qua những con đường đông đúc ở trung tâm ra tới bờ vịnh San Francisco, cùng đứng ngắm chim bay trên những lượn sóng nhẹ nhàng, cùng dừng lại giữa phố tấp nập để lắng nghe chuông nhà thờ đổ đúng 12 giờ trưa. Sau đó cùng nhau trở lại Salesforce để ăn trưa trong im lặng.

Ăn trưa xong mọi người được mời lên chia sẻ những ấn tượng của họ về ngày thực tập. Có một chú nói là đã làm việc ở đây nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chú nhận ra có một tiệm ăn ở gần văn phòng, cũng là nhờ vào sự có mặt trong từng hơi thở, từng bước thiền hành. Chắc sau này chú sẽ ủng hộ cho tiệm đó bằng cách trở thành một khách hàng. Một chú khác chia sẻ là cuộc đời chú đã trải qua nhiều lần phẩu thuật nên rất đau nhức. Trong buổi thiền hành, chú đưa ý thức ôm ấp những vùng đau nhức và từ từ, khắp cơ thể trở nên êm dịu. Chú nghĩ, thiền hành là phương pháp thực tập mà chú sẽ tiếp tục đầu tư. Sau đó, sư cô Diệu Nghiêm chia sẻ về thực tập chánh niệm trong gia đình và cuối cùng, mọi người được thực tập thiền buông thư với sư cô.

Ngày 09.10, tại đại học Stanford có một đêm trình chiếu bộ phim “The 5 Powers”, một bộ phim tài liệu về cuộc đời và những nỗ lực vì hòa bình của Thầy, Mục sư Luther King, sư cô Chân Không và Alfred Hassler (Alfred Hassler đã từng là giám đốc tổ chức Hòa Giải – the U.S. Fellowship of Reconciliation. Trong những năm 1966-1967, ông và Thầy thường đồng hành trên nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam). Sau buổi trình chiếu còn diễn ra một cuộc đối thoại về phong trào hoạt động xã hội dựa trên nền tảng chánh niệm (mindfulness-based social activism). Tham gia buổi đối thoại có sư cô Chân Không, thầy Pháp Lưu cùng Tiến sĩ James Doty, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Lòng Từ Bi của trường đại học Stanford và một số khách mời.

Ngày 10.10, tăng đoàn có một buổi quán niệm tại nhà hát Nourse ở San Francisco, trong đó có một buổi pháp thoại công cộng và một thời ngồi thiền ngoài phố (Flash mob). Pháp thoại công cộng do thầy Pháp Hải và sư cô Thệ Nghiêm phụ trách. Qua bài pháp thoại, thính chúng có dịp đặt cho mình câu hỏi: Tại sao mình lại ngồi đây? Tại sao mình lại chọn con đường này? Cái gì là quan trọng nhất đối với mình? Vô thường có ý nghĩa gì đối với mình? Những câu hỏi này rất quan trọng đối với hạnh phúc chân thật, nhưng thông thường mình lại hay quên vì mải chạy theo những lo toan thường nhật.

Ngày 11-16.10, trong khi phần đông quý thầy, quý sư cô lên xe về tu viện Lộc Uyển ở Escondido thì sư cô Diệu Nghiêm, Hiến Nghiêm, An Nghiêm và thầy Pháp Lưu, Pháp Mãn ở lại San Francisco để hướng dẫn tiếp một khóa tu đặc biệt dành cho những nhà lập trình và thiết kế mạng (Programmer và Web developers) tại Mercy Center. Đây là một khóa tu thí điểm đầu tiên dành cho những nhà lập trình và thiết kế mạng. Thiền sinh đã được mời mang máy laptop theo đến khóa tu bởi vì quý thầy, quý sư cô đã kết hợp công việc thực sự mà họ đang làm với các pháp môn thực tập.

Tại Los Angeles

Ngày 24.10, tăng đoàn từ Lộc Uyển đi Los Angeles cho buổi pháp thoại công cộng với chủ đề Tiếp xúc với giây phút hiện tại diễn ra tại Wilshire Ebell Theatre. Thầy Pháp Đăng và sư cô Tuệ Nghiêm cho pháp thoại trong buổi chiều hôm ấy.

Tại Escondido – tu viện Lộc Uyển

Về lại Lộc Uyển, trước khi bước vào khóa tu tiếng Anh, có một khóa tu dành cho chúng xuất sĩ từ ngày 18 đến 22.10. Trong khóa tu này, các thầy, các sư cô có thời gian để nghỉ ngơi, leo núi ngắm mặt trời lên và chơi với nhau, đồng thời cũng có dịp nhìn sâu vào những vấn đề quan trọng mà chúng xuất sĩ cần quan tâm trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Lễ xuất gia của gia đình Cây Thế Kỷ (23.10): Khóa tu xuất sĩ vừa kết thúc thì ngay sáng ngày hôm sau, đại chúng vân tập tại thiền đường Thái Bình Dương để làm lễ xuất gia cho ba giới tử trong gia đình Cây Thế Kỷ (hai em quốc tịch Mỹ và một em quốc tịch Việt Nam) với sự chứng minh của Hòa thượng Phước Tịnh. Nhìn các tân Sa di Trời Minh Tâm, Trời Minh Hóa và Trời Minh Nguyên với gương mặt rạng rỡ, ai trong đại chúng cũng cảm thấy hạnh phúc, thấy tâm bồ đề của mình được tươi mới trở lại.

Ngày 27-01.11: Khóa tu tiếng Anh với chủ đề Hãy thở, rồi mọi việc sẽ ổn thôi! (Breathe, It’ll Be Okay!). Đa số thiền sinh đều cắm lều. Những tiện nghi hàng ngày đã trở thành thứ yếu, nhường chỗ cho những bước chân an lạc, những hơi thở nhiệm mầu, những nụ cười thân ái trong giây phút hiện tại khi họ đến đây tìm lại chính mình.

Có vẻ như mọi người đã quen và nhìn thấy rõ hơn sự tiếp nối của Thầy nơi tăng đoàn. Điều này được thể hiện qua phản hồi từ thiền sinh về những pháp thoại của thầy Pháp Đăng, Pháp Khôi và của sư cô Tuệ Nghiêm, Đẳng Nghiêm. Có một buổi vấn đáp do thầy Pháp Đệ, Pháp Lưu, sư cô Chân Không, Đào Nghiêm phụ trách với nhiều câu hỏi rất hay. Trong khóa tu này có một buổi lễ truyền Mười bốn giới Tiếp Hiện và một buổi lễ truyền Năm giới.

Lễ trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris)

Vào ngày 31 tháng 10, đức Giám Mục Martin Amos đại diện cho Tòa thánh Vatican đã đến Lộc Uyển để trao giải Hòa Bình trên Trái Ðất (Pacem in Terris) cho Thầy Làng Mai.

Giải thưởng “Pacem in Terris” do đức Giáo Hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 với mục đích “vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình và Công Lý, không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới”. Đã có sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris nhận được giải Nobel Hòa Bình như Mục sư Martin Luther King, Mẹ Teresa, Tổng Giám mục Desmond Tutu, Mairead Corrigan Maguire, Adolfo Pérez Esquivel, và Lech Wałęsa.)

Theo đúng truyền thống, người được vinh danh sẽ đến Davenport, Iowa để nhận giải thưởng. Tuy nhiên, vì tình hình sức khỏe của Thầy, Giám Mục Martin Amos đã đến tận tu viện Lộc Uyển để trao giải. Sư cô Chân Không và thầy Pháp Đăng đã thay mặt Thầy nhận giải thưởng này, với sự hiện diện của 120 quý thầy, quý sư cô và 500 thiền sinh đang tham dự khóa tu tại tu viện Lộc Uyển.

Chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho Thầy có nội dung như sau:

Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Đất (Pacem in Terris) 2015 được trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á – Âu. Giáo lý chính yếu mà Thiền sư giảng dạy là: với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể chế tác ra được nguồn năng lượng giúp chúng ta sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) mà Thầy khởi xướng, năng lượng chánh niệm được sử dụng để nuôi dưỡng hiểu biết và bao dung đối với chính mình, đồng thời nuôi dưỡng hành động từ bi vì lợi ích của mọi người và của Trái Đất. Những nỗ lực của Thầy trong việc giúp xây dựng lại những ngôi làng bị chiến tranh tàn phá và cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam đã minh chứng cho con đường của Đạo Bụt Dấn thân mà Thầy đã chọn.

Thầy đã sống đúng với những lời trong Thông điệp Hòa bình trên Trái đất (Pacem in Terris) của đức Giáo Hoàng John XXIII, là “một tia sáng rực rỡ, một suối nguồn của thương yêu và một chất men” cho tất cả huynh đệ của mình trên khắp thế giới.

Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Ðất được trao đúng dịp kỷ niệm 50 năm Mục Sư Martin Luther King nhận được giải này. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo – Mục sư Martin Luther King và Thầy Làng Mai – đã cùng chia sẻ lý tưởng tranh đấu cho hòa bình bằng phương tiện bất bạo động, gây ảnh hưởng lớn đến không khí chính trị vào những năm cuối thập niên 1960.

Trong buổi lễ, sư cô Chân Không phát biểu rằng Tăng thân là sự tiếp nối của Thầy nên giải này là dành cho tứ chúng. Sau phần trao quà lưu niệm, đức Giám Mục cáo từ để ra sân bay cho kịp giờ. Sư cô An Nghiêm bèn nói: “Chúng con không thể để cho Ngài ra về mà không hát tặng Ngài hai bài hát Happiness is here and now và bài Dear friends được”. Đức Giám mục hơi bất ngờ nhưng nét mặt Ngài lộ vẻ cảm động khi nghe nói như thế.

Khóa tu chánh niệm cho người Việt (04-08.11): Chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ lần đầu tiên không có Thầy đã khép lại bằng một khóa tu dành cho những người nói tiếng Việt. Sau bài pháp thoại đầu tiên của thầy Pháp Đăng, trong pháp đàm, một cô đã chia sẻ rằng anh và chị dâu của cô là người Thiên Chúa giáo, lần đầu tiên theo cô đến dự khóa tu. Họ cứ thắc mắc là tại sao cô cứ phải đi dự khóa tu hoài. Đi một lần là đủ rồi, tại sao cứ phải lên Lộc Uyển hoài để làm gì? Sau khi nghe bài pháp thoại đầu tiên đó, người chị nói với cô rằng: “Bây giờ thì chị đã hiểu là tại sao em cứ phải đi dự khóa tu hoài như thế”. Chị hỏi: “Chị có thể đi trở lên đây để tham gia những khóa tu kế tiếp hay không?”

Mùa đông ở Làng

Khi quý thầy, quý sư cô trở về từ chuyến hoằng pháp ba tháng ở Mỹ, đại chúng ở Làng bắt đầu bước vào mùa An cư. Lễ Đối thú An cư đã diễn ra tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng vào sáng ngày 22.11.2015 với sự tham dự của tứ chúng Làng Mai.

Một tuần sau lễ Đối thú An cư, Làng Mai lại có thêm một tin vui. Đó là sự biểu hiện của 19 Cây Đan Mộc trong khu vườn tăng thân. Sáng ngày 01.12, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng để yểm trợ cho lễ xuất gia của 19 em trong gia đình Cây Đan Mộc – trong đó 10 em được xuất gia ở Làng và 9 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan. Lễ xuất gia được truyền trực tuyến. Các sư cô, sư chú đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Italy, Hà Lan, Đức, Ireland, Indonesia, Pháp và Việt Nam) được tăng thân đặt cho những cái tên thật đẹp, mang bao tình thương và sự gửi gắm: Chân Trời Đạo Phương, Chân Trời Đạo Lực, Chân Trời Đạo Hành, Chân Trời Đạo Quang, Chân Trời Đạo Kiên, Chân Trời Đạo Tuệ, Chân Trời Đạo Sơn, Chân Trời Tiêu Dao, Chân Trời Đạo Sinh, Chân Trời Đạo Quy, Chân Trời Thiên Trúc, Chân Trời Tuệ Nhật, Chân Trời Luy Lâu, Chân Trăng Tĩnh Mặc, Chân Trăng Ban Mai, Chân Trăng Hồ Thu, Chân Trăng Thái Bình, Chân Trăng Đại Dương, Chân Trăng Thiên Hà.

Tin vui nhất là hiện tại Thầy đang khỏe hơn và đã trở về Làng. Ngày 31.01.2016, Thầy đã tham dự hội chợ hoa và xem bốn chúng cùng gói bánh chưng tại xóm Thượng. Khép lại một năm sinh hoạt tại Làng Mai, kính chúc quý thân hữu đón năm mới Bính Thân nuôi dưỡng tình huynh đệ, bảo hộ hành tinh xanh, nguyện cùng đi chung với nhau như một dòng sông trên con đường thực tập.

 

Hình LTLM 39