Đi về phía mặt trời

Tháng Mười năm 2015, các thầy Kai Li, Pháp Lai, sư cô Tông Nghiêm, Vịnh Nghiêm và con đã lên đường đi Colombia và Ecuador để chia sẻ các pháp môn thực tập.

Chúng con đã kết hợp cùng tăng thân địa phương để tổ chức khóa tu, ngày quán niệm, các buổi ứng dụng chánh niệm theo chuyên đề… Chúng con đã chia sẻ các pháp môn thực tập chánh niệm trong các khóa tu dành riêng cho những người hoạt động cho hòa bình, các thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục, những người làm việc trong lĩnh vực in ấn, sách báo và quảng cáo, cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần…

Con có cơ hội được tiếp xúc với những người đang khao khát học hỏi cách chăm sóc tự thân và xây dựng tình huynh đệ để có thể tiếp tục công việc mà họ đang làm. Con rất xúc động. Những người đến với các khóa tu đều mở lòng để tiếp nhận và áp dụng các pháp môn thực tập ngay trong thời gian tham dự. Có thể thấy sự thực tập đã gây cảm hứng, tạo nên sự gắn bó và niềm tin tưởng ở pháp môn nơi mọi người. Thiền sinh đã có nhiều chuyển hóa. Nét mặt mọi người tươi mát hẳn lên sau mỗi khóa tu, hoặc thậm chí chỉ sau một thời khóa sinh hoạt vài giờ đồng hồ. Nhìn sự chuyển hóa ấy, con biết là mình cần phải thực tập tinh chuyên hơn nữa để chế tác niềm vui, hạnh phúc cho chính con thì mới có hoa trái chia sẻ với mọi người.

Ở Bogota, có hai em gái sống trong tuyệt vọng, đang có ý định tự tử. Mẹ của hai em là thành viên của tăng thân ở địa phương. Ba mẹ con sống rất thiếu thốn. Tăng thân đã yểm trợ tài chánh và phương tiện đi lại cho cả gia đình đến tham dự khóa tu. Người mẹ đã giúp nấu ăn cho quý thầy, quý sư cô. Trong khóa tu, mẹ và hai con gái đã có nhiều chuyển hóa nhờ năng lượng của sự thực tập và tình huynh đệ. Khi thực tập làm mới trong nhóm của các em thanh thiếu niên, hai em đã thực tập tưới hoa cho mẹ, nói cho mẹ biết những phẩm chất tốt đẹp của mẹ. Mẹ các em đã khóc vì đó là lần đầu tiên cô cảm thấy được các con thương và chấp nhận.

Trong khóa tu ở Ecuador, 100% thiền sinh thọ Năm giới, còn ở Colombia số thiền sinh thọ Năm giới là 95%. Rất nhiều tăng thân mới đã được hình thành sau chuyến hoằng pháp bởi mọi người rất muốn được tiếp tục cùng nhau tu tập chuyển hóa tự thân, đem lại niềm vui hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Ở Ecuador, tăng đoàn Làng Mai và tăng thân địa phương đã nhận sự yểm trợ từ rất nhiều nơi. Trường đại học San Francisco hết lòng yểm trợ pháp môn bằng cách cho mượn không gian để tổ chức các sinh hoạt. Trung tâm thiền CDI lúc nào cũng vui vẻ tiếp đón quý thầy, quý sư cô Làng Mai cũng như cho tăng thân địa phương mượn chỗ để sinh hoạt thường xuyên. Trường Gymnasio Moderno ở Bogota là một trường lớn cũng rất nhiệt tình đón nhận pháp môn, sẵn sàng yểm trợ các sinh hoạt trong năm 2016.

Tổ chức khóa tu không phải là một việc dễ dàng, nhất là cho một sa di trẻ như con. Trong suốt chuyến đi, thỉnh thoảng cũng có một vài khó khăn. Nhưng không có gì là không thể đi qua khi có tình huynh đệ. Quý thầy, quý sư cô yểm trợ lẫn nhau và cùng đi qua những thử thách một cách hài hòa. Con thấy mình rất được nâng đỡ. Tất cả cùng nắm tay nhau phụng sự. Người thì cho pháp thoại, người thì hướng dẫn pháp đàm, thiền buông thư,… Sư cô Vịnh Nghiêm đã hướng dẫn một thời thiền quýt cho 200 thiền sinh trong khóa tu dành cho các chuyên gia giáo dục ở Bogota. Có một câu trong bài pháp thoại của sư cô Tông Nghiêm đã gây cảm hứng cho con. Sư cô nói: "Đừng nên chờ cho đến khi có chuyện trầm trọng hay một nỗi đau lớn đến với mình, thí dụ như người thân qua đời… mới thực tập. Chúng ta cần thức tỉnh, ngay bây giờ, ngay giây phút này".

Trong suốt chuyến đi, con thấy tình huynh đệ đã được nuôi dưỡng và lớn mạnh, không những chỉ giữa quý thầy, quý sư cô mà còn với các thiền sinh và các tăng thân địa phương. Đây là một ấn tượng rất đẹp đối với con và tâm bồ đề của con đã được nuôi dưỡng rất nhiều. Tình huynh đệ ấy là một phẩm vật chúng con dâng Thầy và đại chúng. Nếu có ai hỏi con có câu gì chia sẻ về chuyến đi này, con sẽ nói rằng: "Đó không phải là công việc, đó là sự chế tác niềm vui và xây dựng tình huynh đệ".

Trong tình huynh đệ, con có thể thấy sự có mặt của Thầy.

 

Những giọt sương

Sau bữa cơm nọ, Sư Ông kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện.

Một hôm đang làm thị giả cho Sư cố Tường Vân, thầy Chơn Thức thưa:

– Bạch Ôn! Con thấy Ôn dạo ni dễ thương quá.

Sư cố nói:

– Tại vì dạo ni Thầy tu thiệt.

Sư Ông nói tiếp:

– Các con làm sao khi về Huế, xin đến hầu chuyện với quý Ôn và xin quý Ôn kể những kinh nghiệm tu thiệt của mình. Tại vì những cái đó rất quý. Ngày trước thầy Chơn Thức đã quên không hỏi, bây giờ các con làm cho thầy Chơn Thức.

Được nghe những kinh nghiệm về đời tu từ quý Ôn, đúng là một điều hết sức may mắn cho những người hậu học như chúng tôi, nhưng điều đó thật khó.

Thấm thoát mà đã mấy năm trôi qua, tôi vẫn chưa làm được chuyện ấy. Tuy vậy, trong đời tu của mình tôi đã may mắn gặp được rất nhiều bậc thiện hữu tri thức. Những người ấy đang sống chung quanh tôi. Qua những câu chuyện tình cờ hay trực tiếp mà tôi đã tiếp nhận được những lời giáo huấn, những kinh nghiệm rất quý giá, đã đánh động đến tâm thức của tôi. Người đó là Thầy, là sư anh, sư chị, là sư em của tôi.

Tôi xin được kể…

Bốn con mắt

Tôi vào chùa từ lúc mười lăm tuổi. Cùng trang lứa với tôi có thêm mười ba điệu nữa cùng sống, cùng làm việc và chơi chung. Chùa nhỏ lại nghèo nên không đủ phòng cho tất cả mọi người. Có một phòng lớn với tám cái đơn dành cho các thầy lớn và các sư chú. Các điệu như chúng tôi chỉ có một góc nhỏ để bỏ cái rương. Tôi có một cái rương bằng gỗ thông. Tất cả mọi thứ từ sách vở, chăn mền, áo quần, đồ dùng cá nhân đều nằm gọn trong ấy.

Một hôm đang ngồi rửa chén bát ở mái hiên trước phòng khách, lúc ấy thầy tôi đang ngồi tiếp khách và tôi may mắn nghe được một câu chuyện của thầy.

Thầy nói:

– Khi mới về nhận chùa này tôi chỉ có một mình. Tôi nói với bà con Phật tử rằng tôi chỉ có hai con mắt phía trước mà không có hai con mắt phía sau nên bà con thấy tôi có làm gì sai thì hãy nói cho tôi biết.

Tôi không còn nhớ rõ vị khách ấy là ai, nhưng câu nói của Thầy đã đi vào trong tôi từ lúc đó. Cũng có lúc tôi quên đi những lời nhắc nhở của các huynh đệ chung quanh, nhưng thú thật, nếu không có những lời soi sáng và chỉ bày ấy thì chắc tôi không lớn lên được. Dù quên nhưng tôi luôn giữ tâm niệm là khi sống, chắc chắn có những điều làm cho người khác phiền lòng. Tôi tự hứa sẽ lắng nghe và điều chỉnh lại thân tâm mình. Mọi người chung quanh chính là hai con mắt phía sau, giúp tôi nhìn rõ được bốn hướng.

Việc làm có bao giờ hết

Thầy Nguyện Hải là một sư anh lớn, đã có mặt trong những buổi đầu xây dựng chúng ở Từ Hiếu và Bát Nhã. Tôi may mắn được gần gũi và học hỏi với thầy trong mấy năm. Tôi thích con đường xây dựng tăng thân nên lúc nào cũng hăng say làm việc và tu học. Tôi dành thêm thời gian riêng của mình để làm những công việc mà đại chúng giao phó. Thấy tôi thích làm việc, một hôm đang ngồi uống trà, sư anh nói:

– Việc làm có bao giờ hết đâu. Hôm nay tưởng đã làm xong việc, ai dè hôm sau lại có thêm nhiều việc nữa, làm cả đời cũng không hết việc chú à.

Nhẹ nhàng vậy mà thấm rất sâu. Mỗi khi tôi bị cuốn vào công việc thì lời nói ấy trở về trong tâm, giúp tôi nhìn lại cách mình đang làm. Tôi nhìn lại xem tôi có đánh mất mình trong công việc không, có an trú trong hiện tại không, nhờ vậy, tôi đã biết cách làm việc hay hơn. Tập khí dễ bị lôi cuốn theo công việc còn đó nhưng tôi không quên tự nhắc nhở bản thân rằng xử lý những tập khí của mình là quan trọng hơn cả.

Qua cầu

Dạo đó, trong chúng có một thầy trẻ và một sư cô trẻ vướng mắc tình cảm với nhau nên sư cô Hoa Nghiêm rất lo lắng. Chuyện này ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nếu chuyện xảy ra ở chỗ nào đó thì mình lo lắng một chút, xót lòng một chút. Còn chuyện xảy ra ở ngay môi trường mình đang sống thì mình mới cảm nhận được nó quan trọng như thế nào đối với bản thân và đại chúng.

Chủ đề của buổi pháp đàm ngày xuất sĩ chiều hôm đó là thực tập làm sao để nuôi dưỡng tình thương đích thực và bảo hộ cho nhau. Các thầy, các sư cô chia sẻ rất hào hứng và hết lòng, vì ai cũng muốn nuôi dưỡng sự lành mạnh trong tăng thân. Sư cô Hoa Nghiêm cũng có chia sẻ:

– Mỗi khi mình có khó khăn thì hãy áp dụng những điều mình đã học hỏi vào sự thực tập, nếu không thì những cái ấy không có ích lợi gì cả.

Những cái mình học thì mình đem ra thực tập liền. Những khó khăn, khổ đau chính là bài học quý báu trong đời tu. Đi qua những cơn bão tố với sự tu học, tâm thức chúng ta sẽ trở nên vững mạnh hơn. Những lúc đối diện với khó khăn, cái mình cần làm là mang những gì đã học hỏi được ra thực tập, cũng như mang củi đã trữ sẵn trong kho ra để sưởi ấm trong mùa đông lạnh. Sự thực tập của mình trong những ngày yên bình chính là nền tảng cho sự chuyển hóa trong những lúc khó khăn. Khó khăn nào cũng khó, nhưng vướng mắc tình cảm là cái khó nhất trong đời tu.

Sự thực tập có thể cứu được đời tu và giúp chúng ta đi ra khỏi khó khăn trong sự vướng mắc, đó là niềm tin nơi Tam Bảo. Không có niềm tin nơi Bụt, nơi Tăng thân, và các pháp môn chuyển hóa thì dù có làm cách mấy, phòng hộ cách mấy, “trừng phạt” cách mấy cũng “mất máu” mà thôi. Niềm tin ấy chính là ánh sáng, là sức mạnh kéo mình ra khỏi vũng bùn lầy đó.

Ngày trước, khi nghe Thầy nói, các sư em của mình thế nào đến một ngày cũng phải “qua cầu”, lúc đó các sư anh, sư chị cần có mặt và nâng đỡ các sư em. Tôi có chút lo lắng và sợ sệt, mình đi tu rồi mà còn phải qua cầu à. Tôi lo lắng mất mấy ngày nhưng rồi tự nhủ rằng nếu có “qua cầu” thì tôi đâu có qua một mình, cả tăng thân sẽ dìu tôi qua, vì vậy tôi nguyện nương tựa tăng thân hết lòng.

Chỉ khổ nỗi là cuộc đời đâu chỉ có một chiếc cầu. Qua được chiếc cầu này mà mình không tỉnh ngộ thì phải qua chiếc cầu khác rất khó khăn. Tình thương và sự ôm ấp thì không có ngằn mé nhưng liệu mình có luôn mở lòng để tiếp nhận hay không!

Nếu không có khó khăn thì đó đâu phải là cuộc sống. Không đi qua khó khăn và chuyển hóa khổ đau tự thân thì khó thấu hiểu được lòng người. Không đi ra được những khó khăn và vượt lên trên chính mình thì đâu xây dựng được niềm tin. Mình có niềm tin nơi chính mình vì mình đã làm được và mình tin chắc là các em của mình sẽ làm được. Điều đó làm cho giáo pháp của Bụt trở nên rất mầu nhiệm.

Tu đâu cần phải tiến

Ở trong môi trường nào, ai cũng mong muốn mình có tiến bộ. Người xuất gia thực tập cũng cầu mong cho mình tiến bộ. Năm mới, ta thường chúc nhau như vậy. Chúc mọi người tu học tiến bộ hơn, vững chãi hơn, thảnh thơi hơn…

Trong một buổi ngồi chơi, sư cô Thao Nghiêm cũng đem cái thao thức đó tâm sự với sư cô Sùng Nghiêm, sư chị cả trong gia đình xuất gia của mình.

– Sư chị, sư em thấy mình tu sao mà không thấy tiến bộ gì cả.

Sư cô Sùng Nghiêm:

– Tu là đã về, đã tới chứ đòi tiến đi đâu nữa.

– Nhưng mà… sư em thấy mình tu còn dở quá! Sư cô Thao Nghiêm tiếp tục “năn nỉ”.

– Cứ thực tập đã về, đã tới một trăm phần trăm như Thầy dạy là được.

Đúng là ngôn ngữ của thiền sư. Không nhân nhượng. Nói thẳng một mạch.

Sư Ông thường dạy rằng chỉ cần các học trò của Thầy tiếp nhận cho được sự thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm là Thầy đủ hạnh phúc rồi. Làm được những cái khác nữa thì Thầy hạnh phúc thêm, nhưng trước hết là phải làm cho được hai cái đó. Càng thực tập càng thấy lời Thầy dạy thật thâm sâu. Khi có hạnh phúc rồi thì tự nhiên ước muốn giúp người có mặt và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tu học của mình.

Lời nói chân thật

Một lời nói như thế nào mới là lời nói chân thật? Là lời nói phát xuất từ kinh nghiệm sống. Là lời nói có khả năng giúp người hoàn thiện được bản thân. Một lần tôi cảm nhận được điều đó.

Vào một buổi thiền hành từ xóm Thượng xuống xóm Tây Hồ, giữa buổi, mọi người ngồi trên sườn đồi để tập thở, tôi đến ngồi bên cạnh sư anh Pháp Đăng. Thấy tôi ngồi không được vững chãi, sư anh nhìn sang và nói:

– Chú ngồi cho thẳng và theo dõi hơi thở mà vẫn không có bình an thì tui cắt cái đầu này đưa cho chú.

Lời nói rất mạnh, mắt đối mắt, tôi cảm nhận được cái tinh anh trong lời nói ấy. Tôi liền ngồi thẳng lưng và thực tập. Năng lượng của câu nói đó đủ mạnh để tôi tiếp tục giữ sự thực tập cho đến bây giờ. Mỗi khi ngồi xuống trên một bãi cỏ hay trên sườn đồi Dương Xuân, câu nói đó lại đi lên và nhắc nhở tôi. Ngồi thẳng lưng và thở thì năng lượng an bình trở nên rất khác khi mình ngồi duỗi chân. Đó là một tư thế đẹp và vững.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Những câu thư pháp của Sư Ông câu nào cũng hay, câu nào tôi cũng thích. Thích vì thơ văn, thích vì nét chữ, thích vì sự nhắc nhở cho mình thực tập.

Now or Never (Bây giờ hoặc không bao giờ), tiếng Việt thì câu này có sáu âm tiết, tiếng Anh thì chỉ có ba âm tiết thôi. Cô đọng và súc tích.

Không biết sao mà mỗi khi tôi đánh mất bước chân thì câu nói ấy lại trở về trong tâm trí, giây phút hiện tại bây giờ hoặc là không bao giờ. Có một sức mạnh, một sự tỉnh thức để tôi nhìn lại. Thấy mình đang bị lôi cuốn theo công việc, theo tập khí lo lắng, vội vàng, chỉ để ý đến chuyện tương lai, không thực sự đang sống. Now or Never. Lập tức tôi dừng lại, trở về với hơi thở sâu và từng bước chân chậm rãi. Có lúc tôi đứng yên, thở một vài hơi thật sâu rồi mới đi tiếp. Tôi mỉm cười, thấy Thầy đang có mặt và nhắc nhở tôi thực tập.

Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ xin kể đến đây, để dành dịp khác. Tôi thích một câu trong văn Quy Sơn cảnh sách: “Thân phụ thiện giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận.

Có những buổi sáng ta đi dạo trong sương, tưởng chừng không ướt áo, khi về mới thấy sương thấm ướt cả hai vai. Gần gũi với các bạn lành cũng như vậy. Họ không cần nói nhiều, chỉ một câu thôi mà đúng lúc đúng chỗ thì đủ cho mình tu cả đời, phải không bạn.

 

Cùng đi trên đường vui

Kính bạch Thầy,

Hôm nay con rất đỗi ngạc nhiên khi nhận được một bông hoa tuyết từ Claire, một thiền sinh chung gia đình pháp đàm với con trong khóa tu ở Stourbridge, Anh (khóa tu diễn ra từ ngày 24 đến 29.08.2015). Hình ảnh về khóa tu đã dần phai trong trí nhớ của mười ba anh chị em chúng con, nhưng đâu đó niềm vui và sự bình an của những thiền sinh có mặt trong khóa tu ấy vẫn đang tiếp tục lớn lên.

Con còn nhớ trong buổi họp chuẩn bị cho khóa tu, một chút căng thẳng đi lên trong con. Đây là lần đầu tiên con theo quý thầy, quý sư cô ra ngoài hướng dẫn khóa tu và đây cũng là lần đầu tiên khóa tu lớn được tổ chức hai năm một lần mà không có Thầy. Nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng được sắp xếp chu toàn. Mọi người đã sẵn sàng "ra trận" và số thành viên trong đoàn được thống nhất là mười bốn, vì Thầy luôn đi với chúng con. Bên quý thầy có thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Lai, thầy Yasha, sư chú Trời Phạm Hạnh và sư chú Trời Đại Dụng. Bên quý sư cô có sư cô Thanh Nghiêm, sư chị Đồng Nghiêm, sư chị Hiến Nghiêm, sư chị Phú Nghiêm, sư chị Chiêu Nghiêm, sư chị Tại Nghiêm, sư chị Trăng Mới Lên và con.

Trước khi bắt đầu khóa tu, chúng con được ghé thăm mẹ thầy Pháp Lai ở Rye và thăm gia đình sư chị Hiến Nghiêm ở Sudbury. Ban đầu con có cảm giác ngại ngùng nhiều, vì từ trước đến giờ ít khi nào con đến chơi với các anh chị em Tây phương. Nhưng sự đón chào của hai gia đình đã xóa đi trong con khoảng cách đó. Mẹ của thầy Pháp Lai rất vui khi thấy một nhóm đông các thầy, các sư cô đến thăm và ở lại vài ngày. Chúng con hay ngồi quanh mẹ để nghe mẹ kể chuyện ngày xưa về gia đình, về tuổi thơ của thầy Pháp Lai. Mẹ kể hết không giấu điều chi. Chỉ khi nào thầy Pháp Lai không chịu nổi và đòi mẹ chuyển đề tài khác thì chúng con mới ngưng được những tràng cười.

Sau hai ngày ở nhà thầy Pháp Lai, chúng con lên đường đi Sudbury để thăm gia đình sư chị Hiến Nghiêm. Cha mẹ của sư chị rất xúc động sau khi nghe chúng con niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Cha nói rằng lúc Natasha (sư chị Hiến Nghiêm) xin đi tu, cha tưởng sẽ mất một đứa con nhưng hôm nay cha không còn ý niệm đó nữa. Cha thấy là mình còn có thêm rất nhiều con. Cuối buổi, chúng con cùng thiền ôm với cha. Cha cao lớn như một cây cổ thụ vậy đó, một người ôm không xuể, vì vậy chúng con cùng thiền ôm tập thể. Cả nhóm cũng thiền ôm với mẹ nữa. Con cảm thấy tình thương mà mọi người gởi cho nhau không khác gì một đại gia đình cùng chung dòng máu.

Rời Sudbury, chúng con đến thành phố sương mù trong một ngày nắng đẹp. Chúng con đã có một buổi đi bộ cho hòa bình (Peace Walk) do các bạn trẻ trong nhóm Wake Up London tổ chức. Đó là một buổi chiều thứ bảy cuối tuần, lúc mọi người đang bắt đầu dạo chơi sau một tuần làm việc. Giữa không khí ồn ào, náo nhiệt của trung tâm thành phố Luân Đôn, có một đoàn người đi thật tĩnh lặng và bình yên… Nhiều người bên đường thì thầm với nhau: "Những người này là ai vậy? Trông họ bình an quá!".

Ngày hôm sau, chúng con có một buổi pháp thoại công cộng tại Longan Hall thuộc đại học London. Hơn 600 người, phần lớn là người trẻ đến tham dự. Chỉ hơn hai giờ đồng hồ nhưng hầu hết các "đặc sản" của Làng Mai đều được đem ra hiến tặng cho mọi người có mặt trong buổi tối hôm ấy, đặc biệt là pháp môn thiền quýt do sư chị Hiến Nghiêm hướng dẫn. Hơn 600 trái quýt đã được con trai của một cô thiền sinh cúng dường. Ngoài phần chia sẻ của thầy Pháp Ứng và thầy Pháp Lai, còn có phần vấn đáp rất sinh động, thiền sinh vô cùng hạnh phúc. Những lời cảm ơn chưa dứt, những cái chào vẫn chưa hết thì chúng con cùng với Ban tổ chức đã lên xe bus để đi thẳng đến Stourbridge ngay đêm hôm đó.

Stoubridge là một trường nội trú được mướn để tổ chức khóa tu năm nay. Có 300 người tham dự, cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Trẻ em và thanh thiếu niên đều có chương trình riêng. Nhân kỷ niệm 40 năm ra đời cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, Ban tổ chức đã chọn Phép lạ của sự tỉnh thức để làm chủ đề cho khóa tu. Và phép lạ trong khóa tu cũng từ từ hiển bày. Con vẫn nhớ ngày đầu tiên mọi người đến với khóa tu, không ai đem theo một ánh mắt thân thiện. Vậy mà chỉ sau hai ngày, mọi người gặp nhau như đã quen từ lâu rồi. Giống như có một cây đũa thần hay một nhà họa sĩ tài ba đã đến từng phòng vẽ lại gương mặt của từng người mỗi tối.

Con còn nhớ buổi pháp đàm đầu tiên… Vì nơi tổ chức là một trường nội trú dành cho học sinh trung học nên nó gợi lại cho các bạn thiền sinh những kỉ niệm thời học sinh. Có những vị phản ứng mạnh về sự phân biệt giai cấp trong cơ cấu trường học của đất nước này. Khi viết lại những dòng này, con vẫn còn thấy những bối rối trong vai trò làm chủ tọa pháp đàm lúc đó. Việc đầu tiên con làm là mời Thầy có mặt với con và theo dõi tâm hành đang đi lên trong con. Con mời Thầy nói bằng ngôn từ của con. Sau mỗi buổi pháp đàm, các anh chị em hay hỏi thăm lẫn nhau và đặc biệt là hỏi thăm con, vì ai cũng biết con chưa có kinh nghiệm gì nhiều.

Con hay đem những câu hỏi của các bạn thiền sinh trong gia đình pháp đàm ra cầu cứu với các sư anh, sư chị của mình. Rồi mọi chuyện cũng trôi đi rất êm ả. Con nhớ hình ảnh của một thiền sinh ngồi cắt hành, nước mắt đầm đìa. Con đã đến hỏi cô có muốn đổi sang cắt một cái gì khác cho bớt cay không thì cô trả lời: "Không, việc này rất tốt cho tôi sau khi thực tập quán chiếu về em bé năm tuổi" – buổi sáng đó chúng con có buổi thiền hướng dẫn với chủ đề ôm ấp em bé bị tổn thương trong mình. Qua đến ngày thứ năm của khóa tu thì mọi việc không còn khó khăn nhiều nữa, giống như một con sông đã đi qua núi đồi để về đến đồng bằng, chỉ nhẹ nhàng chảy ra biển.

Khóa tu kết thúc với buổi lễ truyền Mười bốn giới Tiếp Hiện và lễ truyền Năm giới cho thiền sinh. Mọi người đã cùng nhau hát bài Không đi đâu cũng không cần đến để kết thúc khóa tu. Thầy Pháp Lai cầm micro và nói: "Hẹn gặp lại tất cả các bạn sau hai năm nữa!" Giọng thầy chưa kịp dứt thì các em nhỏ đã vang lên gần như ngay lập tức: "Không, năm sau!" Trước khi chia tay, mọi người đi thiền hành và dừng lại thăm cây ngọc lan mà Thầy đã tự tay trồng mười tám năm về trước (tháng 3 năm 1997), để nhớ về Thầy, người đã gieo hạt giống chánh niệm đầu tiên nơi mảnh đất này.

Khóa tu đã khép lại nhưng niềm vui của sự chuyển hóa trong tự thân mỗi người sẽ không bao giờ tắt. Giống như khi nếm được một món ngon, mình sẽ muốn nấu và muốn nếm lại món ngon đó. Trở về Làng, con mang theo rất nhiều niềm vui. Con đã nếm được vị ngọt của sự thực tập và của tình huynh đệ. Nhờ có mặt trong một nhóm nhỏ nên chúng con có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn. Có những lúc chúng con cũng đi qua những khó khăn nhưng chúng con vẫn có thể an ủi nhau, cho nhau tiếng cười và sự lắng nghe. Chính những lúc ấy con thấy mình chạm được sâu hơn lời dạy của Thầy: "Không có gì quý hơn tình huynh đệ."
Nhìn bông tuyết mà cô Claire gởi, con thấy mình biết ơn pháp môn mà Thầy và tăng thân đang chuyên chở. Đâu đó trên thế giới có những con người đang hướng về tăng thân, đang muốn tìm đến pháp môn để tu tập. Con chỉ có thể nói rằng con đang có những điều kiện hạnh phúc nhiều hơn những gì con nghĩ. Lòng con tràn đầy niềm biết ơn…
Con của Thầy và Tăng thân.

 

Tuyết

Thầy gọi con về chơi với tuyết
Ba trăm sáu lăm ngày, không phải lúc nào cũng có tuyết đâu con
Tuyết phủ kín hàng cây, tuyết giăng ngập mái nhà
Đang tô điểm những mảng màu trắng xóa
Những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn
Những ngọn đồi lên xuống nhấp nhô
Cho con gởi chút giá lạnh của mùa đông nước Pháp
Về xứ sở miền nhiệt đới quê hương
Mái chùa xưa lưu dấu muôn đời
Bao thế hệ đã xuất thân từ đó
Cho con gởi chút tuyết về đất Tổ
Hoa tuyết rơi bay trắng ngập cả trời
Bông tuyết đẹp như hồn ai trong sáng
Tuy giá băng mà rất đỗi nhẹ nhàng

Thầy gọi con về chơi với tuyết đi con
Thở cùng tuyết vào ra hơi bốc khói
Đi trên tuyết những bước chân in dấu mọi kiểu giày
Vẽ trên tuyết những bức hình ngộ nghĩnh
Và trổ tài họa thư pháp giữa mùa đông
Rồi nặn tuyết đủ hình thù kì diệu
Tuổi thơ về, chơi ném tuyết đi thôi

Nhiệt độ tăng thì tuyết đã tan rồi
Tuyết tan vỡ nhưng tuyết nào biến mất
Lại trở về làm nước đấy thôi
Nắng lên cao thì nước bốc hơi
Thành những đám bạch vân bay khắp chốn
Hội tụ đầy mây trắng hóa thành mưa
Nước vẫn còn muôn thuở
Nước vẫn còn mầu nhiệm
Hóa hiện muôn hình hài
Dù là nước, là hơi, là mây, là mưa hay là tuyết
Vẫn ngàn đời thích ý rong chơi
Con hãy trở về chơi với tuyết đi con
Để mai sau tuyết sẽ không còn
Con cũng không bao giờ hối tiếc
Vì con đã chơi hết lòng với tuyết rồi Thầy ơi.

 Xóm Hạ,
 06.02.2015

Đến tìm tôi ở khoảng giữa lưng đồi

Dạo này tôi hay di chuyển, ở nơi này một ít, nơi kia một tẹo nên gia đình và bạn bè cứ chào nhau bằng câu hỏi tôi đang ở đâu, muốn tìm tôi thì phải thế nào.

Tôi ước gì mình không cần đi đâu cả, chỉ ở đó đợi bạn, có mặt cho hết thảy những người tôi thương. Mà cũng lạ, cái nơi tôi muốn đến hay luôn nghĩ về là ngôi nhà trong thung lũng vùng bờ đông. Mùa này nhà có nhiều tuyết, mà mùa xuân thì đầy tiếng chim, mùa hạ có suối, mùa thu bầu trời sẽ vàng.

Vậy đó, nơi tôi đang nằm là một thế giới có đủ bình an và những khoảnh khắc êm đềm. Buổi chiều có khi mưa giăng giăng qua những ngọn đèn đường. Chúng tôi sẽ gom mớ củi để dành từ mùa trước, băng qua khoảng sân đầy tiếng hít hà vì lạnh, rồi nhóm lửa. Ngôi nhà nhỏ trở nên ấm và thơm mùi khói. Có người bưng nồi cháo ra. Và tôi sẽ làm ly nước chanh gừng thanh thanh. Phải rồi, người bạn tôi mới khoe cây bạc hà nở bung trong chậu, tôi bứt vài lá, chà lên tay rồi cho chúng vào ly nước. Chẳng sao đâu, ly nước cũng đủ ngon vì có cả tiếng cười và niềm vui. Chúng tôi sẽ bên nhau hát vang qua mùa đông. Ở đó chúng tôi trao cho nhau một vài điều bé bé, chẳng có gì to tát cả, nhưng có nhiều niềm vui, tiếng cười, những tin yêu và chân thành. Mọi thứ đôi khi không cần hoàn hảo mà chỉ cần tự nhiên như thế.

Ở nơi đó có những ngày trời xanh và trong. Mùa này tuyết vẫn còn hào phóng lắm. Tôi thấy mình thôi tìm kiếm những xanh um. Tôi thấy lòng trong trắng, tinh tươm như mùa đông, như tuyết, sẵn sàng viết lên đó những giai điệu của mình. Tôi ngước nhìn từng hàng cây khẳng khiu, nghe cây nói về mùa rụng lá để sống qua mùa đông; học lời của cây khi sống hân hoan với gió, với mưa. Mùa này đi vào rừng thì hơi khó. Nhưng có hề gì, tôi mặc chiếc áo dày lắm và ngụy trang mình thành một chú gấu mang giày đinh. Vậy là tôi đi thôi. Men theo những con đường mòn mà giờ đây chỉ còn băng đá; tôi tự hỏi, ở dưới chân tôi, đất mẹ có lạnh không, những ai đang nằm đó có lạnh không. Hay chính họ lại cười tôi cho những lo lắng vụn vặt ấy. Tôi đi thong thả, cẩn thận hơn chú chồn một chút, thấy cần nói với chú là mình đi chung ha, cho vui. Hạnh phúc không phải là đích đến, hạnh phúc là đi cùng nhau. Có những đêm mất ngủ tôi nhìn lên bầu trời, lắng nghe chuyển động của đêm mênh mông sâu thẳm; tôi thấy mình không còn tìm kiếm khôn dại như đã từng. Bất chợt tôi thấy hạnh phúc vì có sẵn đó một cánh rừng, có con đường đi, có một nơi thân thuộc với niềm vui, nỗi buồn để trở về.

Đôi khi tôi cũng nhớ bạn. Ở giữa cánh rừng tôi thầm thì tên của bạn. Thế là tôi ngồi yên bên hồ. Ai đó chuyền cho tôi ly trà nóng. Ai đó đang tập đi trên tảng băng dưới hồ. Ai đó mỉm cười. Tuyệt nhiên không có tiếng nói nào cất lên mà hơi ấm và thấu hiểu len vào trong từng lớp áo mùa đông. Không gian bao la và bát ngát. Tôi thấy gần hơn với bạn trong tim. Những kết nối diễn ra trong từng khoảnh khắc, nhẹ như cơn gió nhưng tôi biết bằng một cách nào đó bạn đã giữ lại giùm tôi những ngày đã qua. Và tôi mang ơn bạn. Trong phút giây ấy, tôi thấy nỗi đau dịu đi, ấm áp như ly trà nóng trong tay. Một ngày nào đó, tôi sẽ gói ghém hết thảy niềm vui và nỗi buồn, trao cho bạn; rồi bạn cũng sẽ làm vậy với tôi chứ! Để những xa cách không bao giờ là cách ngăn. Ngày vẫn tươi sáng và trong trẻo như vốn vẫn vậy.

Lần đầu tiên tôi biết mình đang ở khoảng giữa lưng đồi ấy. Tôi đã đi loanh quanh đủ lâu, đủ để nhận ra những thứ mình cần chỉ là những mộc mạc của buổi chiều trời không nắng, bãi cỏ thoai thoải mở ra chân trời rộng, vẽ lên một hoàng hôn sâm sẫm tím gom thành lãng mạn của ngày. Thế nên tôi thấy những điều mình tìm thường nằm ở đâu đó rất gần, gần lắm mà nếu không cẩn thận, tôi sẽ để mọi thứ trôi tuột qua kẽ tay trước khi kịp nhận ra. Tôi mang ơn buổi chiều, tôi trân quý tháng ngày nên không còn muốn sống hời hợt mà biết chọn giữ niềm vui. Ngày trôi qua nhẹ nhàng thế thôi và lòng tôi không chút xao động. Bạn có đến tìm tôi ở đó không? Tôi đợi nhé!

Để lại cho em

(Hành trình 50 năm và Hạnh phúc chính là con đường)

Chị Chân Xuân Tản Viên (Mỹ Hằng) thuộc thế hệ Tiếp Hiện trẻ. Chị là một tác viên xã hội năng động, nhiệt huyết của chương trình Hiểu và Thương, đã thọ giới Tiếp Hiện năm 2013. Dưới đây là những chia sẻ về tâm nguyện của chị trong quá trình tu học và phụng sự.

 

Hôm qua là ngày tu học đầu năm của anh chị em chúng tôi. Một ngày hạnh phúc khi gia đình tâm linh được ngồi lại bên nhau, lắng nghe tâm sự của bốn chị em vừa được thọ giới Tiếp Hiện trong khóa tu Core Sangha được tổ chức tại Làng Mai Thái Lan hồi cuối tháng 12. Chúng tôi nói đùa là bây giờ mình có sáu anh chị em rồi, sao mà trùng hợp với “sáu người sung sướng nhất đời” ở chùa Lá Pháp Vân cách đây 50 năm quá đi. Bất chợt tôi nhớ đến bài Tâm ca số 5 của nhạc sĩ Phạm Duy mà Sư Ông nhắc đến trong cuốn sách Nói với tuổi hai mươi. Tôi cũng nhớ đến vở nhạc kịch Để lại cho em mà mấy anh chị em chúng tôi đã biên đạo và biểu diễn trong khóa tu ở chùa Pháp Vân gần ba năm về trước. Người đóng vai chị Phượng, chị Uyên và anh Khôn bây giờ đã trở thành con trai, con gái của Bụt rồi. Những người còn lại vẫn đang gắn bó với tăng thân trong chí nguyện mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tôi chợt nhận ra rằng bốn chữ để lại cho em chưa bao giờ ngưng nghỉ cả mà đã được tiếp nối và biểu hiện liên tục theo dòng thời gian…

Trong những tháng ngày sinh hoạt cùng đồng sự, tôi thường hay động viên các em để dành thì giờ mà đọc tập 1 cuốn Hồi ký 52 năm theo Thầy học đạo của Sư cô Chân Không. Hồi đó tôi cũng đã từng đọc đi đọc lại nhiều lần, có những lúc không kiềm chế được xúc động, đã phát thệ nguyện xin được đi tiếp trên con đường cao đẹp này. “Chúng ta chỉ cần làm những việc gì ta ưa thích nhất, ta có thể dần dần đi đến giác ngộ trên con đường hành động đó nếu ta luôn luôn nuôi dưỡng định trong từng hành động. Khi làm việc mình nên nhìn sâu để tự hỏi, hành động này có đủ từ bi không? Có đủ hỷ và xả không? Hành động và việc làm đó là vì lý tưởng làm lợi lạc cho người khác hay vì danh và vì lợi cho chính mình? Quán chiếu như vậy suốt ngày trong mọi công tác, mọi lời nói và mọi tư duy thì chúng ta vừa tu phước mà cũng vừa tu huệ” (Sư cô Chân Không). Nhờ vậy mà sau này khi trở thành tác viên xã hội cho chương trình Hiểu và Thương, tôi luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc và may mắn. Có những chuyến đi dài ngày và liên tục, tôi tập cho tâm mình tĩnh lặng và an trú trong giây phút hiện tại. Đi thăm người nghèo hay nhà trẻ Hiểu và Thương, gặp những hoàn cảnh khốn cùng hay những điều bất như ý, tôi thực tập định tâm trở lại, nhìn thật sâu và khi có những cảm xúc mạnh đi lên thì tôi dừng lại, quay về với hơi thở để có thể mang lại sự bình an cho chính tự thân và cũng là cho những người mà tôi muốn giúp đỡ.

Tôi được nghe giảng nhiều lần về ý nghĩa của dòng tu Tiếp Hiện và những hoạt động dấn thân trong các bài pháp thoại của Thầy cũng như trong các khóa tu Tiếp Hiện. Tôi cũng thật may mắn khi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và học hỏi với các thế hệ đi trước trong những ngày tu chánh niệm hoặc khi làm việc với các cô chú trong chương trình Hiểu và Thương. Khoảng cách 40 hay 50 năm giữa hai thế hệ là khá xa trên bề mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu được tưới tẩm và vun trồng ý thức về sự tương tức, về hạt giống hiểu và thương thì thời gian và không gian chỉ còn là một ý niệm. Tôi còn nhớ lời dạy của ôn Thủ tọa trong ngày làm biếng sau khóa tu: “Tiếp Hiện nói ngắn gọn là sự tiếp xúc và làm cho nó biểu hiện”. Quán chiếu sâu sắc lời dạy của Ôn thì mọi ý niệm về thời gian hay không gian chợt tan biến trong tôi. Thế là buổi sáng hôm sau như bao buổi sáng khác ở Pakchong nhưng tôi lại thấy trong mình có rất nhiều sự khác lạ. Anh chị em chúng tôi ngồi cùng với sư cô và các bạn thiền sinh đến từ Singapore, Trung Quốc, Indonesia bên tách trà nóng và ngọn nến hồng trên bãi cỏ xanh phía trước cốc Sư Ông. Tôi thấy mình thật tự do. Xung quanh tôi mọi thứ đều rất đẹp. Chẳng phải là anh chị em chúng tôi đang tiếp xúc với sự mầu nhiệm của cuộc sống, tiếp xúc với sự cao quý của tình huynh đệ và làm cho nó biểu hiện ra hay sao? Cũng như thế, buổi tối hôm qua thật dễ thương và ấm áp tình người biết bao nhiêu!

Mỹ Lệ, người em gái Huế nhân hậu dịu dàng vừa thọ giới với pháp tự Chân Dung Lâm đã có những cảm nhận thật sâu sắc: “Con kính tri ơn Sư Ông cùng đại chúng đã giúp chúng con có mặt và biểu hiện trong khóa tu Core Sangha, đã biểu hiện như những người con Tiếp Hiện mới sinh của Thầy. Một con đường đã mở ra cho chúng con tiếp bước. Con nguyện đem tình thương và sự hiểu biết chân thật của mình lan tỏa khắp muôn nơi. Khóa tu này đã cho con thấy rõ ràng hơn về bốn dấu ấn của pháp môn mà chúng con đang thực tập. Con nguyện sống sâu sắc với những phút giây hiện hữu nhiệm mầu mà mình đang có. Con luôn có niềm tin vào Thầy và tăng đoàn, nơi đã nuôi dưỡng và giúp con chuyển hóa rất nhiều niềm đau nỗi khổ. Từ đó con cảm nhận được hạnh phúc chân thật từ chính tự tâm và chia sẻ đến những người thân thương của con cùng những người con chưa có cơ hội để thương. Những ngày ở khóa tu, con hạnh phúc được nhìn những tà áo nâu và quán chiếu tính tương tức là Thầy đang có mặt trong tăng đoàn. Vì vậy, mỗi giây phút của khóa tu là những giây phút hạnh phúc của con. Con đã nhìn thấy những người con thương kính của Thầy biểu hiện dưới nhiều quốc gia khác nhau, cùng trao nhau những nụ cười chân thật và đi với nhau như một dòng sông. Với hạnh nguyện hiểu biết và thương yêu trên con đường mà Thầy và tăng đoàn đã trao truyền cho chúng con, con xin nguyện sống thật sâu sắc để có hiểu biết và thương yêu chính mình. Hiểu và thương được mình thì mới có thể trao tình thương đến cho những người khác”.

Thế An, cô tình nguyện viên bé nhỏ nhưng “gan lì” của chương trình Hiểu và Thương cũng được thọ trì 14 giới với pháp tự Chân Khai Lâm. Em chia sẻ sau khóa tu: “Con đang thở nhẹ nhàng và cảm nhận năng lượng còn đọng lại sau khi trở về từ khóa tu Core Sangha. Con đã nhận được tấm Điệp hộ giới Tiếp Hiện và con ý thức rõ ràng rằng con đang là sự tiếp nối của con đường Hiểu và Thương mà Sư Ông, Sư cô và tăng thân đã xây dựng. Con cũng ý thức rằng con đang bước vào và hòa mình cùng tăng thân để đi như một dòng sông mà không còn là một cá nhân tách biệt. Con dần nhận thấy rõ con đường mà con sẽ đi. Ôn thủ tọa Giác Viên có chia sẻ với anh chị em Tiếp Hiện mới của chúng con rằng: “Tiếp hiện là tiếp xúc và để chuyển hóa”. Do đó, con sẽ ý thức hơn vào sự thực tập của mình nhằm chuyển hóa những khó khăn, yếu kém, bạo động, giận hờn trong con, nguyện thực tập làm phát triển nguồn năng lượng chánh niệm để con có thể chia sẻ với mọi người và cùng góp bàn tay yêu thương cùng tăng thân trên con đường Hiểu Thương”.

Anh chàng Trọng Nhân hiền lành, dễ mến, rất nhiệt tình thì lòng vui như hội khi được nhận Mười bốn giới với pháp tự Chân Dũng Lâm. Em đã gửi thư cho tôi với vài dòng ngắn nhưng gói trọn cả tấm chân tình: “Con đường tu tập của con được mở rộng ra nhiều, con cảm nhận được một động lực rất lớn để nỗ lực công phu nhiều hơn, để tạo hạnh phúc cho mình và người. Con rất vui và cảm ơn tăng thân cho con sự nâng đỡ, tình huynh đệ ấm áp, môi trường sinh hoạt nuôi dưỡng”.

Vâng, tiếp xúc và biểu hiện để chuyển hóa là con đường mở rộng mà anh chị em chúng tôi đang đi bằng những bước chân bình an và hơi thở trị liệu. Nếu như ngày xưa dòng Tiếp Hiện cùng với những hoạt động dấn thân vì hòa bình thì ngày nay, chúng tôi nguyện tiếp nối bằng con đường hiểu thương. Sư Ông từng dạy rằng xã hội càng hiện đại thì con người càng đói hiểu, đói thương. Chúng tôi chập chững tiếp nối thế hệ đi trước bằng việc tập hiểu tập thương chính mình. Chúng tôi đã biết quay về với hải đảo tự thân và bảo hộ sáu căn khi lựa chọn bốn loại thức ăn cho mình. Cùng tăng thân tham gia vào những ngày tu chánh niệm, cùng đi thiền hành, nghe pháp thoại, dự pháp đàm hay những giây phút thoải mái của buông thư, uống trà bên nhau là những nguồn dinh dưỡng lành mạnh và lợi lạc nhất mà chúng tôi nếm được.

Mắt thương nhìn từng huynh đệ
Mỗi người là một bài thơ
Say sưa đọc hoài đọc mãi
Vẫn không hết những bất ngờ

(Sư cô Uyển Nghiêm)

Từ đó chúng tôi nhận ra mình đã có trong nhau tự bao giờ. Ban đầu là hiểu và thương chính mình, và thật bất ngờ, sau đó thấy xung quanh mình là cả một sự sống mầu nhiệm mà mỗi một sự việc, mỗi một con người chính là điệu nhạc, vần thơ điểm tô cuộc đời. Anh chị em chúng tôi có thể ngồi hàng giờ bên nhau để ngắm bình minh trên tháp Borobudur bên tách trà nóng, ấm áp tình huynh đệ mà không cần phải nói gì cả. Rồi cùng đi thiền hành trên biển Thuận An, hay dạo quanh chùa Tổ và ý thức rõ những điều kiện hạnh phúc mà từ đó vun trồng tưới tẩm lòng biết ơn.

Có những ngày làm tình nguyện viên rong ruổi trên chiếc xe gắn máy mang chút tấm lòng của chương trình Hiểu và Thương đến với các cụ già neo đơn ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Có khi đi hoài mà chẳng thấy tiệm cơm chay nào nên chỉ dừng lại để uống ly nước mía, ấy vậy mà anh chị em cứ nhìn nhau cười tủm tỉm và thấy yêu đời chi lạ. Rồi những lần đi theo các cô chú phát học bổng “Giúp em đến trường”, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc sâu sắc với trẻ em nghèo khi ngồi vòng tròn bên nhau theo từng nhóm nhỏ, tập cho các em nghe chuông và ăn cơm chánh niệm. Nhớ lại những ngày đầu, tôi còn lúng túng khi không biết phải chuyển tải nội dung của Năm quán như thế nào để các em hiểu được. Cho đến một ngày chú Nghiệm đưa cho tôi tờ giấy đi photo ra thành nhiều bản để đưa cho các em nhỏ có tựa đề Năm điều em ghi nhớ, tôi chợt nhận ra các cô chú đã chuyển tải nội dung của năm phép thực tập chánh niệm trở thành những câu văn vô cùng dễ hiểu và gần gũi với các em nhỏ. Thế là tôi cũng học theo và áp dụng vào Năm quán để đọc cho các em nghe trước bữa ăn. Có lần một bạn nhỏ nhanh nhẩu đáp lại: “Con rất biết ơn người đã mang cơm vào đây cho con ăn” khiến cho cả vòng tròn ai cũng vừa mắc cười vừa xúc động.

Tôi rất thích được ngồi hàng giờ để lắng nghe những câu chuyện của chú Nghiệm hồi mới chập chững làm tình nguyện viên của chương trình Hiểu và Thương, tôi hay thắc mắc tại sao các cô chú luôn chú trọng đến chương trình chăm sóc trẻ em. Có một hôm chú kể cho tôi nghe chuyện của những em bé xóm chài, những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ ly dị. Có những đứa, cha đi biển rồi mất tích, thế là mẹ khổ quá bỏ đi, các em phải sống với ông bà. Các em có thể sẽ có cơm ăn áo mặc qua ngày, nhưng nếu nhìn kỹ và tiếp xúc sâu sắc thì những đứa trẻ đó đang lâm vào tình cảnh đói khát hiểu biết và đói khát thương yêu. Chú nói rằng, mình giúp các em đến trường cũng giống như đang ươm mầm và gieo hạt. Mình phải biết tưới nước và vun bón mỗi ngày thì cây mới xanh tươi, ra hoa và kết trái. Có những lần đọc thư cảm ơn của các em học sinh nghèo đã từng nhận học bổng của chương trình liên tục mười mấy năm liền, tôi và những em tình nguyện rơm rớm nước mắt…

Nếu như bài Tâm ca số 5 trong Nói với tuổi hai mươi là những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi “khiến cho giận hờn trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở” thì 50 năm sau, Để lại cho em như những lời tri ân và thệ nguyện của những đứa em tuổi hai mươi hay ba mươi nói với thế hệ đi trước. Câu chuyện phụng sự bằng con đường bất bạo động luôn được trao truyền và tiếp nhận qua bao thế hệ. Đó là sự vững chãi bên nhau trong thời chiến, khả năng sống an lạc và hạnh phúc cùng với niềm tin kiên định vào giáo pháp và sự tu tập mang lại hoa trái của chuyển hóa, chữa trị, an vui cho mọi người trong hiện tại. Những người tác viên của khóa một đến khóa năm giờ đây đang là những cây đại thọ cho anh chị em chúng tôi nương tựa và tiếp nối.

Tôi thấy mình thật may mắn được tiếp nhận gia tài là sự bình an và tình thương đích thực, là sự buông bỏ những ý niệm đúng sai phân biệt, là sự trở về để an trú nơi hiện tại. Trên tất cả là một gia đình tâm linh có anh có chị có em, là nơi chốn để quay về trong tĩnh lặng và tự tại. Tôi là một con sóng nhỏ, anh chị em mình là những con sóng nhỏ hòa với những đợt sóng lớn cùng chảy ra đại dương mênh mông.

Để lại cho em cuộc sống hòa bình
Để lại cho em vạn nẻo tự do
Nguyện cầu bao dung được tiếp nối
Nguyện cầu yêu thương làm lẽ sống
Để lại cho em ngọc quý từ bi.
Để lại cho em tình nghĩa thầy trò
Để lại cho em tình nghĩa đệ huynh
Một lòng thương yêu và gắn kết
Một dòng sông đi về biển lớn
Để lại cho em một biển gia tài.
 

Tôi xin được cảm ơn Sư Ông, cảm ơn sư cô Chân Không, Ban biên tập Làng Mai, các cô chú chương trình Hiểu và Thương, anh chị em tăng thân Trăng Rằm đã tạo cảm hứng cho tôi được chia sẻ những cảm nhận của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra đời của dòng tu Tiếp Hiện. Nguyện giữ vững ngọn đèn chánh niệm, trái tim vẫn cháy một tình thương bao la và nụ cười an nhiên trên con đường tiếp nối. Nguyện an trú trong hiện tại, đem mắt thương nhìn cuộc đời để có thể tiếp xúc được với sự sống nhiệm mầu, tiếp xúc được với chư Bụt, Tổ và tiếp xúc được với Thầy cùng tăng thân ở khắp mọi nơi.

Khóa tu dành cho các thành viên nòng cốt của tăng thân tại Làng Mai Thái Lan

 

Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm

Cô Chân Bảo Nguyện, thọ giới Tiếp Hiện năm 1994, đã theo Thầy Làng Mai phụng sự gần như từ những năm đầu của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Hiện giờ cô là một trong những thành viên nòng cốt của tăng thân Tiếp Hiện ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, và cũng là “cánh tay nối dài của Thầy”, là “trạm dừng chân của Làng” ở Paris. Cô nhận truyền đăng từ Thầy năm 2011, tiếp tục con đường tu học và phụng sự với tấm lòng đầy yêu thương và nhiệt huyết.

 

Thầy thương kính của con,

Thấm thoắt đã 50 năm trôi qua! Một nửa đời người với biết bao tang thương, biến đổi, song hành trang và lý tưởng Thầy truyền trao vẫn không hề đổi thay, vẫn luôn cháy bỏng trong tim con. Đó là tình thương và lòng phụng sự tha nhân. Ánh mắt Thầy luôn rực sáng niềm tin và bao dung độ lượng, tấm lòng Thầy luôn chất ngất tình thương. Thầy mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho chúng con noi theo tiến bước.

Con vẫn còn giật mình khi nhớ lại tâm trạng bơ vơ, lạc lõng trong một đất nước đang khổ đau cùng cực vì chiến tranh bom đạn. Tuổi trẻ chúng con khi ấy mất cả niềm tin và phương hướng. May thay chúng con tìm đọc được Nói với tuổi hai mươi của Thầy và từ đấy chúng con đã chọn con đường đi cho đến hôm nay. Đó là con đường của tình thương và sự hiểu biết, con đường phụng sự để đem lại bình an hạnh phúc cho tự thân và cho mọi người.

Trường TNPSXHNgày ấy, lần đầu tiên được tiếp xúc với các anh chị tác viên thuộc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), con thật vô cùng hạnh phúc. Cả một thế hệ thanh niên thật trong sáng với bao nhiệt huyết đóng góp cho quê hương. Tiêu chí của Trường gồm 3 chữ T thật đẹp: Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện. Đây chính là hạnh nguyện của những vị Bồ tát suốt đời dấn thân giúp đời vì tình thương lớn. Con đã bị thuyết phục vô điều kiện và đã tâm nguyện rằng, con sẽ đi theo con đường phụng sự của Thầy cho đến trọn đời và mãi mãi về sau.

Bằng thơ ca, Thầy đã thay mọi người nói lên ước vọng của dân tộc, ước vọng hòa bình mà trong hoàn cảnh bi đát của chiến tranh, bao nhiêu người bất lực không thể nói được:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi, vô tình,
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?

(Hòa bình, tập thơ Cho bồ câu trắng hiện)

Chính niềm ước mơ ấy mà Thầy lên đường bôn ba nơi xứ người để kêu gọi chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình cho quê hương. Vì lẽ đó, Thầy bị lưu vong nơi xứ người ngót 40 năm. Thầy đã sống như một tế bào phải tách rời khỏi cơ thể, lẻ loi, cô đơn vì bao nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ quê nhà tuổi nhỏ thân thương.

Chúng con nơi quê nhà, thỉnh thoảng được truyền cho nhau đọc thư Thầy gửi về gói ghém biết bao nhớ nhung, thương yêu cho quê hương, cho hàng cau, vườn chuối… Thầy nhắc chúng con phải nhớ “rửa mắt” trên những cánh đồng lúa xanh. Lãng mạn và thơ mộng quá! Bài thơ Chỗ đứng của Thầy đã nằm lòng trong ký ức của con:

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm.
 

Các anh chị tác viên đã thay mặt Thầy đi vào những xóm nghèo để chia sớt nỗi cơ cực, lầm than của đồng bào. Chúng con mỗi cuối tuần đều đến thăm Làng Tình Thương ở bên kia cầu Thị Nghè và Làng Thảo Điền qua khỏi cầu Xa Lộ. Chỉ cách thành phố không xa mà cuộc sống người dân nơi đây thật lạc hậu không tưởng: ăn ở mất vệ sinh, đi tiêu tiểu khắp nơi, không có trường học cho con nít học chữ, trẻ em nhỏ đã tập tành người lớn uống rượu, hút thuốc mỗi khi đi giăng câu…

Con vẫn đi dạy học ở Tân Uyên, một vùng quê giáp ranh chiến khu D, vẫn đi thu học bổng cho trường TNPSXH và cuối tuần vẫn về Làng tham gia công tác cùng các anh chị. Chiến tranh bom đạn cứ lan dần tàn phá quê hương mình. Người dân phải đứt ruột rời bỏ xóm làng để tập trung vào những trại tị nạn hoặc những vùng tương đối an ninh hơn. Các tác viên xã hội lại ngày đêm cùng đồng bào xây dựng lại xóm làng, dựng trường, mở lớp, trồng lúa, chăn nuôi…

Rồi tai ương cứ tiếp tục dồn dập xảy đến: Sáu tác viên trong lúc đi thực tập đã bị mất tích, trường TNPSXH bị kẻ lạ vào tấn công lúc ban đêm khiến hai chị Liên, Vui bị tử nạn, chị Hương bị cưa mất một chân và anh Vinh bị bắn vào đầu nên phải nằm liệt một thời gian dài, sau đó được sang Đức điều trị.

Mọi người vẫn không nao núng, vẫn tiếp tục dấn thân, các tác viên vẫn đi vào làng để giúp đồng bào và rồi lại thêm một mất mát lớn: Năm tác viên trong khi đi công tác ở Thủ Đức đã bị bắn chết lúc trời chạng vạng tối, chỉ có một người bị thương nặng song thoát chết trở về mà thôi.

Trước những thảm trạng ngày càng bi đát cho quê hương, người chị cả của dòng tu Tiếp Hiện Nhất Chi Mai đã nguyện đem thân làm đuốc để thắp sáng lương tri mọi người trên thế giới và để kêu gọi hòa bình cho dân tộc.    

Tết Mậu Thân với cảnh nhà cháy, chết chóc bất ngờ xảy ra cùng khắp trong thành phố và ngoại ô. Đồng bào quanh vùng Phú Thọ Hòa đều tập trung về khuôn viên chùa Lá và trường TNPSXH để tạm trú. Thầy Thanh Văn khi ấy đang là giám đốc trường và các anh chị tác viên phải đối phó với biết bao bất trắc không lường được khi bỗng nhiên có hàng vài ngàn gia đình đến ở bên cạnh chùa. Giữa bao khó khăn chồng chất thì có tin một sản phụ đang chuyển bụng, các anh chị tác viên phải bất đắc dĩ làm “bà mụ” đỡ đẻ giúp cho người thiếu phụ trẻ được mẹ tròn con vuông ngay trong khuôn viên Trường.

Các vấn nạn như lương thực, thuốc men, nước uống, vệ sinh hàng ngày luôn là gánh nặng mà mọi người phải trăn trở giải quyết. Các cơ quan xã hội của chính quyền vì ngại xa xôi nguy hiểm nên không ai đến cứu trợ. Chỉ có các thân hữu của Trường đi quyên góp và xông pha vượt qua hiểm nguy bom đạn để đem quần áo, thực phẩm, thuốc men đến chùa Lá tiếp tế. Trong công tác này, con đã được anh Hảo, giám đốc trường Anh văn quốc tế đặt cho biệt danh là “nữ hoàng ăn xin” vì tài đi xin hàng cứu trợ ở chợ cho đồng bào.

Nhà con buôn bán sơn dầu ở trước chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10 nên quen biết hầu hết các cô bác buôn bán trong chợ. Do vậy con chỉ vừa khóc vừa kể tình trạng thảm khốc của đồng bào tị nạn là xin được vô số thức ăn như gạo, mì, tương, chao, khoai, đậu… Anh Hảo có xe hơi và tình nguyện cùng con khuân vác lương thực lên xe, chuyên chở, mạo hiểm chạy qua vùng vừa ngưng tiếng súng để đem đến chùa Lá cùng các tác viên TNPSXH phân phát cho đồng bào.

Ngoài ra chúng con còn tham gia vào việc giúp nhân viên Sở Vệ sinh đi chôn xác chết. Trong cơn lửa đạn ngất trời, mạng sống con người như chỉ mành treo chuông nên cái chết đến bất ngờ cho tất cả mọi người. Xác chết vô thừa nhận cứ lăn lóc ngoài đường qua bao ngày không ai chôn cất. Thầy Thanh Văn và chị Chín (sư cô Chân Không) đã mạnh dạn đề xướng việc kêu gọi mọi người giúp Sở Vệ sinh đi thu dọn các xác chết để phòng ngừa bệnh dịch lây lan trong thành phố.

Những đau thương tang tóc rồi cũng qua đi, cuộc sống bình yên dần dần trở lại. Mọi người như tạm quên đi quá khứ buồn đau để hướng về tương lai tươi sáng hơn.

Trong một dịp coi thi Tú tài, con và anh Đức quen nhau, tình yêu chúng con chớm nở từ đây. Con có giới thiệu anh về trường TNPSXH và dẫn anh về thăm Làng (khi ấy con gọi trường TNPSXH là Làng). Anh Đức được ăn cơm chung với thầy Thanh Văn hai lần và có trao đổi khá thân mật với thầy. Có lẽ nhờ nhân duyên này mà khi định cư tại Pháp, anh đã đóng góp thật đắc lực cho Làng Mai mỗi khi có việc cần. Hai chúng con luôn vui sướng kề vai giúp Làng một tay.

Vài năm sau đó, trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào tại các trại định cư Biên Hòa, thầy Thanh Văn đã qua đời vì tai nạn xe. Con được một chị bạn làm y tá ở phòng cấp cứu bệnh viện Biên Hòa thuật lại, có một vị sư trẻ bị tai nạn trầm trọng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Ít lâu sau đó, thầy có tỉnh lại và hỏi thăm các đệ tử đã có ai thay thầy lo việc cứu trợ đồng bào ở trại định cư chưa? Mọi người đều cảm động ứa nước mắt vì tấm lòng của thầy, cho đến khi sắp lìa đời vẫn còn mang những nỗi lo cho tha nhân.

Bên này chúng con buồn lắm và khóc thật nhiều. Chúng con được tin Thầy bên phương trời xa cũng nhập thất cả tháng khi hay tin một biến cố lớn đã xảy ra nơi quê nhà! Quả thật con đường cho lý tưởng từ bi thật đẹp nhưng cũng đầy gian nan, khốc liệt, mất mát!

Thầy Châu Toàn lên thay thầy Thanh Văn tiếp tục công việc. Thầy năng nổ làm việc hết mình cho đồng bào được no cơm ấm áo. Trong dịp mừng lễ Tết cuối năm, thầy Châu Toàn phát biểu mơ ước của thầy khiến con ngồi rưng rưng nước mắt: “Chúng ta sẽ cố gắng làm thế nào để đến cuối năm, đằng trước sân mỗi gia đình là một đống lúa vàng cao ngất ngưởng”. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của quê hương mà thầy vẫn cháy bỏng những ước mơ cao đẹp cho đồng bào như thuở thanh bình thì bảo sao con không khóc cho được! Ngồi phía đằng sau ngôi chùa Lá, nhìn qua những hàng cau xanh là cánh đồng bát ngát một màu vàng của bông lúa chín, con chợt nhớ đến hai câu thơ tuyệt đẹp của Thầy trong bài Đường quê:

Cô gái đồng quê về lối xóm
Tươi cười gánh cả một hoàng hôn
 

Có lẽ vì làm việc quá sức nên trong buổi lễ tổng kết sinh hoạt cuối năm, khi đang trình bày những việc làm của trường cho cử tọa, thầy kiệt sức và xin ra ngoài hội trường nghỉ đôi phút. Sau đó thầy vào đọc hết bản tường trình để rồi gục xuống bàn và vĩnh viễn ra đi.

Chúng con thật ngỡ ngàng đau xót. Thư Thầy gửi về an ủi nhưng chúng con biết Thầy cũng đứt từng khúc ruột: “Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em nhưng tôi thì không an ủi được. Sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?”.

Trải qua bao cuộc thăng trầm bể dâu, chúng con may mắn được gặp lại Thầy vừa lúc thiền đường Hoa Xương Rồng mới hình thành ngày 03.09.1985, sau này đổi thành thiền đường Hoa Quỳnh và hiện tại là thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Gia đình con và các cháu nhờ vậy có nơi nương tựa như quê hương tâm linh tại Paris, sau quê hương lớn hơn là Làng Mai. Quả thật chúng con có phước báu quá lớn!

Tăng thân Thiền đường Hơi thở nhẹ, Paris

Ròng rã suốt 30 năm qua, chúng con luôn được Thầy thương yêu, nhắc nhở và chỉ dẫn tường tận hành trang sẵn có để thực tập, đó là hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm và nụ cười bình an. Pháp môn chánh niệm trong từng giây phút của cuộc sống giúp chúng con nhận biết những điều kiện hạnh phúc đang có để nâng niu trân quý, đã cho chúng con biết bao niềm an lạc, tự do.

Việc xây dựng tăng thân cũng gian nan, lên xuống bao phen nay mới được hình thành tương đối tạm ổn, mặc dù đôi lúc cũng trải qua sóng gió. Chúng con nghĩ đây là những thử thách đo lường nghị lực và kiên nhẫn của chúng con mà thôi, vì Thầy đã trao cho chúng con chiếc đũa thần “Hiểu và Thương” rồi.

Khi Làng Mai kỷ niệm 20 năm, tăng thân Hơi Thở Nhẹ chỉ mới có 3 thành viên Tiếp Hiện. Hiện nay tăng thân chúng con đã có gần 30 thành viên, năng nổ trong tu tập và đóng góp công sức xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ.

Con thật sự ngỡ ngàng và hạnh phúc đến lặng người khi nhận được bài kệ truyền trao của Thầy trong buổi lễ trao đèn, vì bài kệ Thầy trao cho con và bài kệ con kính dâng lên Thầy và chư Bụt đã ăn khớp một cách tuyệt vời, mặc dù cho đến khi được quỳ trước mặt Thầy con mới đọc lên:

Bài kệ Thầy truyền trao:

Nâng niu pháp bảo nguyện hành trì
Hoa lá bên đường mở lối đi
An trú thân tâm vào giới định
Quê hương trong mỗi bước chân về

Bài kệ của con kính dâng lên Thầy:

Từng bước chân chánh niệm
Từng hơi thở ý thức
Từng nụ cười bình an
Đây gia tài thiêng liêng
Thầy ân cần trao gửi
Đây hành trang mầu nhiệm
Cùng tăng thân vun bồi”.
 

Con xúc động mãnh liệt khi Thầy hướng đôi mắt đầy thương yêu trìu mến và ân cần nhắn nhủ: “Chiếc đèn này là để trao cho cả gia đình chứ không phải cho một mình Chân Bảo Nguyện đâu. Trong kinh có nói đức Bồ tát có rất nhiều cánh tay vươn ra rất dài, và con là cánh tay của Thầy ở Paris. Cánh tay Thầy rất dài, do đó khi nào có việc cần là có con ở đó, không kể đêm ngày, không kể có thì giờ hay không có thì giờ, luôn luôn có mặt cho tăng thân, phụng sự tăng thân. Một cánh tay không đủ, phải có nhiều cánh tay. Thầy trò mình biết thực tập theo bài kệ trên sẽ mang lại nhiều hạnh phúc. Thầy trò ta làm việc rất nhiều và đều không có lương gì cả, nhưng có rất nhiều niềm vui trong khi phụng sự. Đó là pháp lạc có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Con hãy cùng tăng thân thực tập và nuôi dưỡng tình huynh đệ…”

Qua 50 năm âm thầm theo con đường Thầy chỉ dạy, con vẫn luôn tự hỏi: Con có phải là tri kỷ của Thầy chưa? Con đã quá hạnh phúc và may mắn khi được bơi lội trong dòng suối thơm tho, mát trong chứa đầy tuệ giác và từ bi mà Thầy kính thương đã dày công tạo dựng bằng cả một đời dấn thân đầy truân chuyên và bi hùng.

Việc thị hiện bệnh của Thầy cũng đã cho chúng con biết bao bài học để thực tập, để cố gắng. Chúng con chỉ biết cúi đầu đảnh lễ Thầy với tất cả tình thương và kính ngưỡng.

Thầy kính yêu ơi, chúng con thương Thầy nhiều lắm, Thầy có biết không!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

       

 

Ngày 14.01.2016

Dòng tu Tiếp Hiện và Con đường phụng sự

Chặng đường 50 năm của dòng tu Tiếp Hiện đã trở thành một gia tài quý báu trong những pháp môn của truyền thống Làng Mai, là lý tưởng phụng sự mà cũng là pháp môn hành trì, thực tập chuyển hóa tự thân. Những người Tiếp Hiện khắp nơi trên thế giới, đã và đang đi về một hướng, cùng nuôi dưỡng nhau trên con đường hiểu biết và yêu thương.

 

Dòng tu tiếp hiện

Dòng tu Tiếp Hiện ra đời năm 1966, và sự ra đời của nó rất có ý nghĩa. Khi đó chiến tranh đang leo thang ác liệt. Đó là một cuộc chiến tranh không chỉ giữa những ý thức hệ ngoại lai mà còn giữa vũ khí của nước ngoài. Là những Phật tử thực tập theo con đường hòa giải, hòa bình và tình huynh đệ, chúng tôi không chấp nhận một cuộc chiến như thế. Làm sao có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau.

Dòng tu Tiếp Hiện là một phong trào kháng chiến tâm linh. Các giới được lấy từ giáo lý đạo Bụt. Giới thứ nhất, Tự do nhận thức, là câu trả lời trực tiếp cho chiến tranh, vì khi đó ai cũng sẵn sàng chết hay chiến đấu để bảo vệ niềm tin của mình:

Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.

Đây là tiếng gầm sư tử lớn!

Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Những lời Bụt dạy được ghi lại trong Kinh Tập (Sutta Nipata) về kiến chấp thật rõ ràng. Chúng ta không nên để bị vướng mắc vào bất kỳ quan điểm nào, chúng ta phải vượt thoát mọi quan điểm.

Chánh kiến trước tiên có nghĩa là sự vắng mặt của mọi quan điểm. Vướng vào quan điểm là nguồn gốc khổ đau. Ví như khi ta leo tới bậc thang thứ tư và nghĩ rằng đó là nấc thang cao nhất, vậy là ta sẽ chỉ dừng tại đó! Ta phải biết từ bỏ nấc thang thứ tư để có khả năng bước lên được nấc thang thứ năm. Trong lĩnh vực khoa học, để có thể tới gần với chân lý hơn, các nhà khoa học phải biết buông bỏ những kiến thức cũ. Không kẹt vào kiến chấp (phá chấp) là tinh thần của đạo Bụt. Quan điểm không phải là tuệ giác. Quan điểm không phải là trí tuệ. Chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng buông bỏ ý kiến, quan điểm của mình để đạt tới tuệ giác. Ta tự hào rằng ta đã hiểu về Tứ diệu đế, về Tương tức, về Duyên sinh, về Niệm, Định, Tuệ, nhưng những kiến thức đó chỉ là phương tiện để giúp ta đạt tới tuệ giác. Giáo lý không phải là tuệ giác.

Chiến tranh là hậu quả của thái độ cuồng tín, cố chấp. Nhìn sâu vào bản chất cuộc chiến tranh tại Iraq, ta có thể thấy đó cũng là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Người ta lợi dụng niềm tin tôn giáo để phát động chiến tranh. Tổng thống Bush được các nhà truyền giáo cánh tả yểm trợ, trong khi đạo Hồi là điểm tựa cho lực lượng kháng chiến và khủng bố ở Iraq. Vậy nên ở mức độ nào đó, đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Hòa bình không thể tồn tại nếu chúng ta cứ khăng khăng giữ thái độ cuồng tín.

Hoa sen trong biển lửa

Năm 1966, tôi đã viết cuốn Hoa sen trong biển lửa, nhà xuất bản Hill and Wang xuất bản tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến khi đó đang diễn ra rất dữ dội, chẳng khác gì một biển lửa. Con người giết hại lẫn nhau, máy bay Hoa Kỳ được phép đem bom thả trên những cánh rừng, lên đầu người dân. Vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô cũng có mặt. Giới Phật tử đã cố gắng làm một điều gì đó để tìm lối thoát. Những ai không chấp nhận chiến tranh đã muốn làm gì đó để phản đối chiến tranh, nhưng giới Phật tử không có đài phát thanh hay truyền hình, họ không có phương tiện nào để bày tỏ hết.

Có trăng sao mười phương
Có nhân loại, có anh em đây
Cho tôi cất cao lời tố cáo cuộc chiến tranh này
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn dã man thảm khốc
Ai xô chúng tôi vào vũng lầy giết chóc?
Xin làm chứng cho tôi
Hãy nghe tôi đây
Tôi nói rằng: Tôi không chấp nhận cuộc chiến tranh này
Chưa bao giờ và không bao giờ chấp nhận cuộc chiến tranh này
Tôi muốn nhắc lại một ngàn lần, trước khi tôi bị giết.

Tôi đã viết những dòng thơ như thế.

Kẻ thù ta không phải là người

Kẻ thù của chúng ta là hận thù, cuồng tín và bạo động. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Nếu giết hết con người, ta sẽ ở với ai? Phong trào hòa bình ở Việt Nam rất cần sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng bạn bè quốc tế không thể nghe thấy chúng tôi. Vậy nên thỉnh thoảng chúng tôi lại phải tự thiêu để báo cho thế giới biết rằng chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh này, xin hãy giúp chúng tôi chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này! Đạo Bụt giống như một bông hoa sen thanh lương đang cố sức vươn lên trong biển lửa nóng bức ấy của cuộc chiến.

Tôi đã dịch cuốn sách sang tiếng Việt và một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang nó về Việt Nam. Cuốn sách được in chui và rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, hành động đó cũng giống như hành động kháng chiến vậy.

Nhiều bạn trẻ yêu cầu tôi xuất bản tập thơ về hòa bình. Các bạn gọi đó là thơ phản chiến. Tôi chiều ý. Các bạn trẻ đã thu thập được 60 bài thơ về hòa bình của tôi và trình cho chính quyền miền Nam để xin phép xuất bản. Chỉ có vài bài được chấp nhận, 55 bài bị kiểm duyệt. Nhưng các bạn không nản chí, họ đã cho in chui tập thơ và tập thơ bán hết rất mau. Ngay cả một số mật vụ cũng thích tập thơ bởi vì chính họ cũng đang là nạn nhân của cuộc chiến, họ tới hiệu sách và nói: “Đừng nên bày tập thơ ra như thế, phải giấu đi”. Các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu lên tiếng công kích tập thơ vì chúng kêu gọi hòa bình. Không ai muốn hòa bình, bên nào cũng chỉ muốn đánh cho đến cùng.

Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội

                                          Chùa Lá, trụ sở đầu tiên của trường TNPSXH

Năm 1964, chúng tôi thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH). Trường đào tạo những thanh niên trong đó có cả các thầy và các sư cô trẻ, để đi về miền quê giúp những người nông dân tái thiết thôn làng. Chúng tôi hỗ trợ dân làng trong bốn lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức. Các tác viên về thôn làng, chơi với trẻ em, dạy các cháu đọc, dạy các cháu viết và múa hát. Đến khi dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, chúng tôi mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu. Người góp tre, nhà góp lá dừa và thế là các cháu có một ngôi trường. Các tác viên đều làm việc không lương. Sau khi dựng trường, chúng tôi dựng trạm y tế để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng. Chúng tôi cũng mời sinh viên y dược hay bác sĩ về làng trong một hay hai ngày để giúp. Chúng tôi tổ chức các hợp tác xã, cố gắng hướng dẫn người dân những nghề thủ công để họ có thể cải thiện thu nhập cho gia đình. Những người dân phải tự mình bắt đầu. Trường TNPSXH được tổ chức trên tinh thần không chờ đợi, không dựa dẫm vào sự trợ giúp của chính phủ.               

Chúng tôi đã đào tạo rất nhiều bạn trẻ, các thầy, các sư cô trẻ. Cuối cùng chúng tôi có tới hơn mười ngàn tác viên hoạt động từ Quảng Trị trở vào. Trong suốt cuộc chiến tranh, chúng tôi đã bảo trợ cho hơn mười ngàn trẻ em mồ côi. Người trẻ là một phần không thể thiếu của phong trào đạo Bụt nhập thế.

Người Tiếp Hiện

Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếptiếp nhận. Ta tiếp nhận từ tổ tiên huyết thống những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Ta tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác. Đó là vốn liếng của ta. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại.

Nghĩa thứ hai của chữ Tiếptiếp nối. Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối tổ tiên. Một người con hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy Tổ. Và muốn tiếp nối được thì ta phải tiếp nhận cho được chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, từ chư Tổ và từ Thầy.

Nghĩa thứ ba của chữ Tiếptiếp xúc. Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và quanh mình. Nhưng muốn tiếp xúc được với sự sống thì ta phải có mặt. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn lên. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân, trong hoàn cảnh, trong gia đình và xã hội của ta. Chỉ khi nào hiểu thấu được những nỗi khổ niềm đau của bản thân, của gia đình và của xã hội rồi thì ta mới biết cần phải làm gì và không nên làm gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, mặt khác là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa.

Chữ Hiện có bốn nghĩa:

Trước hết, chữ Hiện có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.

Nghĩa thứ hai của chữ Hiệnhiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì ta đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái ta đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v… Tất cả những cái đó ta phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái ta đang thấy và ta phải tiếp xúc. Ta không ở trong tháp ngà của tưởng tượng, của hý luận, của lý thuyết. Ta phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên ta mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.

Nghĩa thứ ba của chữ Hiệnthực hiện, là làm cho mong muốn trở thành cụ thể. Sự tu chứng của ta cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của ta là đạt tới tự do. Ta không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Ta muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên ta muốn xé toang những tấm lưới của đam mê, thù hận và ganh tị đang giam hãm ta. Những chiếc lưới ấy đang cuốn lấy ta nhưng ta không muốn kẹt vào những chiếc lưới ấy, ta muốn thoát ra.

Công phu thực tập hàng ngày là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng ta khỏi những chiếc lưới của địa vị, của danh lợi, của tham ái. Cái ta cần thực hiện là giải thoát, là tự do.

Nghĩa thứ tư của chữ Hiệnhiện đại hóa. Nghĩa là những pháp môn khế cơ, khế lý và thích hợp với thời đại.

Chữ Tiếp Hiện có nghĩa như vậy thì làm sao dịch ra tiếng Anh cho được. Thành ra phải tạm dịch sang tiếng Anh là Order of Inter-being. Hai chữ này cũng có gốc Hán-Việt, hiểu được ý nghĩa hai chữ đó thì sẽ hiểu được bản chất, hiểu được sự hành trì cũng như hướng đi của dòng tu Tiếp Hiện.

Với những ý niệm đó, ta có thể bắt đầu hiểu được thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt nhập thế. Tu viện không nên là một thực tại bị cắt đứt khỏi cuộc đời. Tu viện phải được coi như là một vườn ươm để trồng những cây con. Và khi những cây con đã sống tốt, đã lớn đủ thì ta phải đem chúng trồng vào xã hội. Đạo Bụt có mặt là vì cuộc đời chứ không phải đạo Bụt có mặt chỉ vì đạo Bụt. Nếu không có cuộc đời thì không cần đạo Bụt. Sở dĩ có đạo Bụt là vì cuộc đời cần tới đạo Bụt. Cho nên các tu viện, các trung tâm tu học phải được coi như những vườn ươm. Trong tu viện, ta được che chở, ta có những điều kiện để lớn lên. Và khi ta đã lớn thì ta phải đi vào xã hội để phục vụ cho xã hội. Đó gọi là đạo Bụt đi vào cuộc đời.

                                                                       Sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên

Đoàn Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi

Năm 2008, chúng tôi đã thành lập một tổ chức cho thanh niên Phật tử và không Phật tử ở châu Âu, gọi là “Đoàn thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi”, hay còn gọi là “Phong trào Wake Up”. Rất nhiều bạn trẻ đã tới với chúng tôi, và chúng tôi muốn tập hợp các bạn trẻ ấy lại, thành đoàn thể. Đoàn thanh niên này sẽ hành trì năm phép thực tập chánh niệm (Năm giới) và sẽ đi vào cuộc đời để giúp tạo dựng một xã hội lành mạnh hơn, từ bi hơn. Nếu các bạn có cảm hứng với ý tưởng này thì xin mời các bạn, sau khi trở về nhà, hãy mời những người bạn của mình lập thành một nhóm “Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi.

                                                                             Các học viên trường TNPSXH

Viện Phật học Ứng dụng

Chúng tôi cũng đã thành lập Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tại Đức và Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) tại Hồng Kông. Các viện Phật học Ứng dụng tổ chức rất nhiều khóa học lý thú. Các bạn cũng có thể tự tổ chức những khóa tu tại địa phương mình và chúng tôi sẽ gửi các vị giáo thọ Làng Mai tới hướng dẫn. Đó có thể là khóa tu 21 ngày dành cho các bạn đang chuẩn bị kết hôn. Các bạn sẽ được học cách để thành công trong cuộc sống lứa đôi. Cũng sẽ có khóa tu dành cho những người nhiễm AIDS hay mắc bệnh ung thư, để họ có thể sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Cũng sẽ có những khóa học dành cho các doanh nhân, giáo viên, v.v… Cuối khóa học, các bạn sẽ được cấp một chứng chỉ. Một ngày nào đó bạn sẽ trở thành một vị giáo thọ để vào đời giúp người, để tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn.

Đạo Bụt ứng dụng cũng chỉ là một cách nói khác của đạo Bụt nhập thế.

Đạo Bụt ngày mai

Khoảng mười tuổi, tôi đã bắt đầu thích thú với đạo Bụt đi vào cuộc đời. Qua sách báo, ta biết rằng trong quá khứ đạo Bụt đã từng đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình bền vững cho đất nước. Học lịch sử, ta thấy đời Lý, đời Trần đạo Bụt rất hưng thịnh. Từ trên xuống dưới, từ vua quan cho đến thứ dân đều hành trì đạo Bụt. Đó là sức sống tinh thần, là pháp thân của dân tộc, sự thực tập của cả một dân tộc.

Năm hai mươi tuổi, vua Trần Thái Tông đã có chí khí tu tập rất lớn. Vua có niềm đau trong lòng. Vượt thoát niềm đau, vua quyết tâm tu tập và đã thành công. Vua học Phật rất giỏi, thực tập thiền quán và đã sáng tác ra những tác phẩm Phật học giá trị còn lưu truyền cho tới ngày nay. Bốn mươi ba công án thiền và tác phẩm Lục thời sám hối khoa nghi của vua chứng tỏ rằng tuy làm chính trị nhưng vua vẫn dành thời gian để học Phật. Vua hành trì dâng hương, sám hối, ngồi thiền mỗi ngày sáu lần. Cứ sau hai giờ làm việc thì vua ngưng lại và thực tập hai mươi phút rồi tiếp tục làm công việc chính trị. Nếp sống tâm linh nuôi dưỡng ta, giúp ta vững mạnh để có thể làm một nhà chính trị giỏi. Đạo Bụt đi vào cuộc đời đã có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của đất nước ta. Đó không phải là một tư trào mới và chúng ta chỉ là sự tiếp nối truyền thống lâu đời ấy của tổ tiên mà thôi. Chúng ta đã có những tác phẩm như là Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời… Và khi đã hiểu được ý nghĩa hai chữ Tiếp và Hiện thì câu chuyện của chúng ta thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế ta phải đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.

Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ để thỏa mãn trí năng. Chúng ta phải đặt câu hỏi: Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của ta? Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào? Áp dụng giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo như thế nào? Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy đạo Bụt Ứng dụng đến để bổ túc cho đạo Bụt đi vào cuộc đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều vẫn còn rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà đức Thế Tôn gởi gắm. Là một vị giáo thọ thì thầy, sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình và chỉ dạy cái mà mình đang làm. Là một vị cư sĩ, là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đăng thì ta cũng làm như vậy. Ta không học để khoa trương kiến thức Phật học của ta trong khi pháp đàm, trong khi pháp thoại. Ta chỉ nói và chỉ dạy những gì ta đang hành trì. Nếu dạy thiền hành thì ta phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của ta. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng họ có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại sinh động, là những viên ngọc quý của tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy. Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống và hành trì khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem như bậc thầy của họ. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán-Việt từ điển; cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… là những người cư sĩ như thế. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô, nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên bục giảng đều mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất kính trọng cư sĩ Lê Đình Thám. Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có các vị cư sĩ như thế. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu hay có quyền lực mà vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.                       

Năm uẩn là tăng

Theo nguyên tắc, không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên các thầy, các sư cô, là những người xuất gia, cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ.

Chúng ta cần thêm rất nhiều những người Tiếp Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để vươn ra xã hội. Cần có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Cố nhiên ta không làm công việc của các vị giáo sư Phật học, ta làm công việc tổ chức tu học và ta phải là mẫu mực của sự tu học. Ta phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Ta phải có hạnh phúc khi ngồi, phải có hạnh phúc khi đi, phải có hạnh phúc khi thở. Ta phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện, ta phải làm cho được chuyện đó. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố đều phải có những tăng thân như thế.

Phối hợp tinh cần

Mười bốn giới Tiếp Hiện cần phải tu chỉnh lại. Chúng ta phải có một ủy ban nghiên cứu và tu chỉnh Mười bốn giới Tiếp Hiện. Người ta khen Mười bốn giới Tiếp Hiện, nhưng giới tướng Mười bốn giới Tiếp Hiện có thể đầy đủ và hay hơn. Trong giới thứ tư, giáo lý Tứ diệu đế đã được đưa vào nhưng vẫn còn khiếm khuyết. Trong giới ấy nói: “Tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ.” Cái thiếu sót ở đây là tuy có nói tới khổ đau nhưng không nói tới khổ đau của mình trước. Sự thật là khi ta hiểu được nỗi khổ niềm đau của mình rồi thì ta mới có thể thực sự hiểu được nỗi khổ niềm đau của người khác. Thiếu sót là ở chỗ đó.

Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.

Ở đây chỉ nói tới việc tìm tới với những kẻ khổ đau. Những việc này trên thế giới đã làm cả rồi. Nhưng việc nhận diện những khổ đau trong bản thân ta và quán chiếu vì sao chúng có mặt thì chưa nói tới. Điểm yếu của con người hiện tại là trốn tránh khổ đau của chính mình. Ta có những nỗi khổ niềm đau nhưng ta không có can đảm để nhận diện, để trở về, để quán chiếu, mà ta lại khỏa lấp niềm đau bằng cách tiêu thụ, bằng cách sử dụng âm nhạc, báo chí, tiểu thuyết và internet. Ta sử dụng những thứ đó không phải vì ta thực sự cần, mà chỉ vì ta không muốn tiếp xúc với khổ đau trong tâm ta. Ta đã không thực tập chữ Tiếp. Ta muốn tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống nhưng ta cũng phải tiếp xúc với những khổ đau của bản thân. Ta phải tìm cho ra được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong chính ta. Và khi hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình rồi thì ta mới thấy được phương pháp diệt trừ. Cũng như hiểu được những khổ đau của ta rồi thì ta sẽ không làm cho người khác khổ đau nữa. Đây là điểm thiếu sót của giới này mà ta phải tu chỉnh lại.

Hiện giờ vấn đề về cái nhìn lưỡng nguyên là một trở ngại lớn. Điều đó không những trong chính trị, trong xã hội, trong tâm lý mà ngay trong khoa học cũng bị kẹt. Cho nên trong giới thứ nhất, ta phải đưa vào tuệ giác bất nhị. Tuệ giác bất nhị đánh tan được sự kỳ thị, sự cố chấp, sự phân biệt. Trong Năm giới ta đã làm được chuyện này. Năm giới hiện nay giống như Bồ tát giới. Chỉ cần thực tập Năm giới thôi là đã có hạnh phúc rất nhiều rồi, đã có thể là một vị Bồ tát rồi. Giới Tiếp Hiện ban đầu được thành lập là một hình thức của giới Bồ tát. Trong truyền thống Việt Nam, khi các thầy, các sư cô nhận giới Ba la đề mộc xoa là phải nhận thêm giới Bồ tát. Nhưng nhận giới Tiếp Hiện thì không cần nhận giới Bồ Tát nữa bởi vì giới Tiếp hiện chính là giới Bồ tát hiện đại của chúng ta.

Trong bốn mươi lăm năm hành đạo và thuyết pháp, Bụt đã thay đổi rất nhiều phương pháp giảng dạy và hành trì. Chúng ta cũng phải vậy. Bánh xe pháp mỗi ngày một đi tới. Hơn ba mươi năm qua, cách hành đạo của Làng Mai chứng tỏ rằng chúng ta luôn đi tới, luôn phát kiến những pháp môn mới, những cách giảng dạy mới có ích lợi hơn, có hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mỗi năm người ta đều chế tạo ra những máy tính mới, những software mới. Về phương diện giáo dục cũng vậy, mỗi năm có những sách giáo khoa mới. Đạo Bụt cũng thế, phải có những tiến bộ, phải đẩy bánh xe tiến hóa đi về phía trước thì đạo Bụt mới có thể đóng được vai trò lãnh đạo tâm linh. Những cái này dòng tu Tiếp Hiện phải biết, phải biết ta đang đi phía trước, ta phải đẩy bánh xe đi tới và chư Bụt, chư Tổ đang trông chờ ta làm chuyện đó.

Đi như một dòng sông

Chúng ta có rất nhiều Phật sự phải làm và chúng ta phải làm những Phật sự đó trong tinh thần tu tập, coi đó như là đối tượng của sự tu học của ta chứ không phải là công việc. Chúng ta phải có niềm vui khi làm những chuyện đó. Chúng ta phải có năng lượng, phải có sức sống của chánh pháp. Tới tuổi này mà tôi vẫn còn đầy năng lượng, vẫn tiếp tục dịch kinh và tôi nghĩ rằng càng ngày kinh tôi dịch càng dễ hiểu hơn. Tôi có rất nhiều niềm vui trong khi dịch kinh, trong khi giảng dạy, trong khi thực tập, trong khi đi thiền, trong khi hướng dẫn tu tập. Vấn đề ở đây là vấn đề năng lượng. Nếu ta cảm thấy không có năng lượng là vì ta thiếu nguyện lực. Muốn làm cái gì đó cho quê hương, cho đất nước, ta phải có lý tưởng, phải có một nguyện lực, phải có một niềm tin. Người nào trong chúng ta, xuất gia hay tại gia, mà không thấy hăng hái lắm trong sự tu học, không chịu học, không chịu tu là do người ấy thiếu sức sống của chánh pháp, thiếu nguyện lực, thiếu một khối lửa trong trái tim. Mỗi người Tiếp Hiện phải có một khối lửa trong trái tim, nó cung cấp sức sống, nó đẩy ta đi tới. Cái đó không phải là danh lợi, không phải là địa vị mà là tình thương lớn, là nguyện lực lớn để trở thành sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, của Tổ, của Thầy. Và chúng ta không làm chuyện đó như một cá nhân, chúng ta đang thực hiện nguyện lực lớn ấy như một tăng thân, như một dòng sông.

Đạo Bụt mà chúng ta thực tập ở Làng Mai là sự tiếp nối của đạo Bụt đó, đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt với tâm nguyện chữa trị những vết thương hiện có của con người thời đại, đạo Bụt với tâm nguyện tìm ra một lối thoát cho những khổ đau có thật của chúng ta chứ không phải là thứ đạo Bụt tìm sự trốn tránh những khó khăn và đau khổ của cuộc đời.

                      Các vị Tiếp Hiện sau lễ truyền giới tại Làng Mai Thái Lan

(Biên tập từ các bài pháp thoại ngày 06-07 tháng 05 năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam và pháp thoại ngày 11 tháng 06 năm 2010 tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Đức của Sư Ông Làng Mai.)

 

Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa

Này em, một lần trong buổi vấn đáp, em đã đặt câu hỏi: “Làm sao có thể an trú được trong hiện tại khi em đang có quá nhiều buồn khổ?”.

Em đã được nghe Thầy dạy cách thực tập dừng lại, đừng rong ruổi về quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai, mà hãy trở về với hiện tại. Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, chỉ khi nào thân và tâm an trú trong hiện tại thì mới có thể thật sự tiếp xúc được với sự sống, mới nhận diện và thưởng thức được những mầu nhiệm ngay trong con người mình và xung quanh mình như tuổi trẻ, cặp mắt sáng, như mây trắng, trời xanh… Và chỉ khi nào tiếp xúc được những mầu nhiệm ấy thì ta mới có thể được nuôi dưỡng, chuyển hóa và trị liệu.

Nhưng trong cuộc đời này, đâu phải chỉ có những mầu nhiệm của sự sống không đâu? Còn cái chết của những người thương, bệnh tật và bao nhiêu buồn khổ khác nữa? Em nghi ngờ. Sống ngoài đời khổ gấp trăm gấp ngàn lần sống trong tu viện. Có phải pháp môn này chỉ phù hợp cho giới xuất gia, hay cho những người có nhiều may mắn, có được một nếp sống thoải mái, có thì giờ rảnh rỗi để đi thiền hành mỗi ngày, để ngắm trời, ngắm hoa chăng? Còn em, nhìn lại cuộc sống hằng ngày của mình, em chỉ thấy phiền muộn. Đối với em, trở về với giây phút hiện tại chỉ có nghĩa là trở về với phiền muộn thôi. Là con người, dù sống ở đâu, ngay cả ở trong tu viện, thì cũng có những tâm tư của con người, như phiền muộn, khổ đau… Vì vậy mới phải thực tập để chuyển hóa. Tuy vậy, những phiền muộn trong tu viện chỉ giống như “sóng gió trong một bát canh”, đâu có thấm thía gì với những khổ đau tràn ngập ngoài đời!

Vì vậy tôi đã giữ im lặng và chưa bao giờ trả lời câu hỏi của em. Tôi biết, dù cố gắng trả lời như thế nào đi nữa thì cũng chỉ có thể chạm đến phần lý thuyết mà thôi. Khi chưa đi ngang qua kinh nghiệm sống thì nói gì cũng chỉ là lý thuyết. Và tôi đã đợi mãi đến hôm nay mới dám trả lời câu hỏi của em.

Này em, em có đồng ý rằng một trong những nỗi buồn khổ lớn nhất và sâu đậm nhất là khi mình đang mất, hay sắp mất một người thương không? Tôi đã đi qua nỗi khổ này hai lần trong đời rồi. Lần thứ nhất cách đây 24 năm lúc Ba tôi mất, lúc đó tôi chưa đi tu. Lần thứ hai là cách đây một năm, lúc mọi người tưởng rằng Thầy tôi sắp tịch. Lúc mới biết tin Thầy đang nằm hôn mê sau khi bị xuất huyết não, anh của tôi chỉ biết xuýt xoa trên điện thoại: “Tội sư cô quá! Ba đã mất vì đột quỵ, bây giờ Thầy cũng bị đột quỵ. Sao mà tội sư cô quá! Sư cô lại phải đi qua thêm một lần nữa”. Tôi là người đầu tiên trong gia đình phát hiện ra Ba bị đột quỵ đêm đó. Đứng ngoài hành lang cạnh bác sĩ Moinard trong bệnh viện, tôi cũng là người đầu tiên biết tin Thầy tôi bị xuất huyết não sáng hôm đó. Anh tôi biết cái khổ khi có người thương bị đột quỵ. Anh tôi cũng biết nguyên nhân gì đã đưa tôi đến con đường xuất gia, cũng biết Thầy là người cha tâm linh đã dìu dắt tôi ra khỏi cơn buồn khổ và ra khỏi nếp sống hệ lụy. Thầy có phải chỉ là người cha tâm linh của tôi không đâu? Anh tôi và em út tôi không xuất gia, nhưng đến khi anh tôi lấy vợ và em út tôi xuất giá thì cũng níu áo Thầy, xin Thầy làm lễ Thành hôn cho họ. Các chị của tôi đã lập gia đình hết rồi, nếu không thì chắc cũng vậy.

Một buổi khuya khi vừa thức giấc, tôi nằm yên trong bóng tối, định thần để nhớ lại xem mình đang ở đâu. Khi nhớ ra rằng mình đang ngủ tại khách sạn Bordeaux và Thầy thì đang nằm ở phòng cấp cứu tại bệnh viện, sống chết không biết ra sao, trong khoảnh khắc ấy, cả người tôi tràn ngập một cảm giác buồn tê tái. Đi theo cảm giác này là một năng lượng bệnh hoạn, chết chóc nặc mùi nhà thương mà tôi đã tiếp xúc trong những ngày trước đó. Bàng hoàng trước cảm giác nặng trĩu này, tôi hiểu được tâm trạng của những người tìm cách khỏa lấp những vấn đề khó khăn trong cuộc đời của họ mà tôi đã từng nghe. Sau đó, khi phải đối diện lại với thực tại thì họ không bớt khổ chút nào, trái lại, càng khổ hơn trước rất nhiều. Tôi đã không cố ý chạy trốn, ngược lại, tôi đã trông đợi tin tức mỗi giây mỗi phút vì muốn biết chính xác những gì đang xảy ra cho Thầy tôi. Nhưng trong khi thiếp đi vài giờ đồng hồ, tâm trí tôi không còn ý thức và quên đi những gì đang tiếp diễn, cũng giống như một người đang dùng giấc ngủ để trốn tránh niềm sầu khổ. Giờ đây, với kinh nghiệm bản thân, tôi có thể khẳng định với bạn rằng, chạy trốn giây phút hiện tại không giúp được gì cả.

Năng lượng nặng nề này đã đè chụp lên cả con người tôi, từ đỉnh đầu cho đến gót chân, từ ngoài da đi thật sâu vào tận xương thịt. Nó kéo tôi đi thật xa vào một cái hố to tối hù. Tôi phải ngồi bật dậy, thầm đọc bài kệ trong khi đưa chân vào đôi giày. Bước ra khỏi giường, tôi đi rửa mặt và tiếp tục thực tập thi kệ trong mỗi động tác kế tiếp.

Tình ruột thịt lúc nào cũng thiêng liêng và vượt thoát thời gian, không gian. Dẫu cho sống xa nhau nửa vòng trái đất, hay nói theo cách nôm na là cách biệt nhau giữa hai cõi âm dương, cũng không thể nào phai nhạt được. Bởi vì tình này nằm trong ruột, trong thịt, trong máu và trong mủ của mình. Vậy mới được gọi là tình ruột thịt, máu mủ. Lúc đó tôi tự hỏi: tôi và Thầy tôi đâu phải là ruột thịt mà sao Thầy tôi hôn mê, cảm giác của tôi không khác gì khi chính Ba tôi hay Mẹ tôi hôn mê?

Khi cạo đầu xuất gia, tôi lại được sinh ra một lần nữa để làm em bé trong gia đình tâm linh. Thầy tôi sinh ra tôi, và đóng vai trò làm mẹ cũng như làm cha.

Ở ngoài đời, con cái cần đến cha mẹ khi còn bé. Lớn lên rồi, sống trong xã hội, đi theo quy luật chung thì con cái phải tự lập, phải có một nếp sống riêng và một sự nghiệp riêng. Thầy trò chúng tôi cho đến bây giờ vẫn có cùng một nếp sống chung và một sự nghiệp chung. Là người xuất gia, chắc chắn là tôi phải tiếp tục học và hành suốt đời. Và nếu còn học thì vẫn còn cần đến Thầy. Không những cần Thầy dạy học mà còn cần Thầy soi sáng những lầm lỡ của mình nữa.

Như một người mẹ, Thầy tôi rất quan tâm đến nếp sống vật chất của chúng tôi như cái ăn, cái mặc, chỗ ở, tiền túi… Có một lần đi khóa tu, thấy tôi mặc chiếc áo nhật bình bạc màu, Thầy hỏi sư chị trụ trì xóm tôi một cách rất nhẹ nhàng: “Sao sư chị để cho sư em mặc áo cũ đi ra ngoài vậy?”. Tánh tôi không bao giờ để ý đến chuyện ăn mặc, nhưng vì thương sư chị, từ đó tôi luôn để dành những chiếc áo mới nhất để đi khóa tu và đi ra ngoài.

Mỗi sinh hoạt trong thời khóa thường nhật của chúng tôi từ đầu ngày cho đến cuối ngày đều có liên hệ trực tiếp đến Thầy. Bởi vì Thầy dạy chúng tôi cách bắt đầu một ngày mới với sự thực tập thi kệ lúc thức dậy, cách mang dép, cách đi nhà vệ sinh, vặn vòi nước, đánh răng, rửa mặt, cách ngồi thiền, tụng kinh, lạy Bụt, cách ăn sáng, cách đi, cách làm việc… Trong mỗi sinh hoạt, mỗi động tác, Thầy hướng dẫn chúng tôi cách thức để có thể tự nuôi dưỡng thân tâm và chuyển hóa khổ đau cho chính mình. Thầy chỉ dạy và soi sáng đời sống tu học cá nhân, cho đến cộng đồng. Thầy dạy cách sống hòa hợp trong một cộng đồng mà mỗi người đến từ mỗi quốc gia khác nhau, có văn hóa và tuổi tác khác nhau. Từ những năm đầu, Thầy đã làm mới và chỉ dạy cho chúng tôi cách tổ chức, sinh hoạt trong chúng xuất gia. Chính Thầy đề cử ra Ban chăm sóc, đã dạy chúng tôi vai trò cũng như cách thức làm việc của Ban chăm sóc, rồi của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni, cho đến Hội đồng Giáo thọ, và vị Trụ trì. Viết đến đây, tôi còn cảm được năng lượng hớn hở và phấn khởi của các chị em tôi mỗi mùa đông giá lạnh, một tuần ba buổi, vào thiền đường sớm để có được một chỗ ngồi tốt, chuẩn bị để nghe buổi pháp thoại sắp tới. Nghe pháp hoài cũng vẫn muốn nghe thêm. Rồi còn bao nhiêu là những sinh hoạt khác với Thầy nữa!

Này em, chắc em đã hiểu vì sao những gì xảy ra cho Thầy đã ảnh hưởng tôi nhiều như vậy. Tôi có quyền buồn đau khi Thầy tôi bệnh nặng phải không em? Nhưng cái gì đã giúp cho tôi ra khỏi cái hố to tối hù vào buổi khuya hôm đó?

Sau khi thực tập thi kệ một hồi, lòng dịu lại được phần nào, đầu óc tôi sáng suốt hơn để nhớ rằng Thầy đang có mặt khắp mọi nơi, trong tăng thân xuất sĩ cũng như cư sĩ, trong tất cả những ai đang thực tập hơi thở chánh niệm, những ai đang bước những bước thiền hành trên quả địa cầu này, và nhất là trong chính tôi. Tôi cũng đã từng thực tập tiếp xúc với Ba tôi trong bàn tay tôi lúc Ba tôi mới mất. Nhưng lần này, có lẽ nhờ được nhắc nhở thường xuyên trong đời sống tu tập hằng ngày trong suốt 22 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy hiệu lực thần kỳ của cách nhìn sự vật dưới ánh sáng của tương tức. Nhận thức này đã kéo tôi ra khỏi hầm hố của sự đau buồn, hố càng sâu thì tôi được thoát ra càng mạnh. Đúng như những gì em cũng đã từng được nghe, chỉ có tuệ giác mới giúp mình vượt thoát khổ đau. Và nếu mình chưa có tuệ giác, mình cũng có thể nương theo tuệ giác mà mình đã được học thì cũng đỡ khổ rồi, phải không em?

Khi nhớ rằng Thầy tôi đang tiếp tục sống mạnh khỏe dưới hình tướng của tôi, bỗng nhiên một sức mạnh chưa từng có dâng lên trong lòng, phát khởi thành một lời nguyện. Lời nguyện này còn mạnh mẽ gấp nhiều lần so với lúc tôi phát nguyện xuất gia, lúc thọ giới lớn và cả lúc nhận truyền đăng từ Thầy. Tôi ngạc nhiên vô cùng! Tôi đã từng đi qua trạng thái thương nhớ, chán nản, không còn một chút năng lượng để làm gì khi sầu khổ. Giờ đây, chỉ cần thấy tôi là sự tiếp nối của Người thì tôi lại tràn đầy năng lượng và niềm ước vọng. Trước mặt tôi có bao nhiêu điều tôi muốn làm để tiếp tục sự nghiệp của Người. Chính cái nhìn này đã làm cho niềm khổ đau trong tôi thoát hình thành một nguồn năng lượng dũng mãnh để tạo ra lời phát nguyện đó. Càng khổ thì lời phát nguyện càng dũng mãnh. Tôi đã chứng kiến nét mặt và ánh mắt của Thầy chuyển từ trạng thái xuất huyết não qua đến trạng thái hôn mê, ruột gan tôi vẫn còn thắt lại khi viết đến đây. Tôi cảm thấy thấm thía những gì tôi đã được học về Lợi lạc của khổ đau (the goodness of suffering). Nếu em lấy khổ đau làm phân bón, từ bùn, em sẽ gặt hái được những đóa sen xinh tươi và thơm ngát nhất.

Này em, đây là lần đầu tiên tôi dám trả lời câu hỏi của em. Tôi không biết tôi có giúp được gì cho em không, nhưng ít nhất, tôi không nói lý thuyết suông. Và tôi cảm được rằng Thầy tôi cũng như Ba tôi đang mỉm cười, hài lòng về tôi lắm.

 

 

Mùa hè trong con

Thầy kính thương,

Một buổi chiều trong khóa tu mùa Hè năm 2014, con được sang Sơn Cốc dùng cơm với Thầy. Thầy biết con đang cùng một vài sư cô nữa chăm sóc chương trình dành cho các em “tuổi teen”. Vừa trông thấy con, Thầy đã nói ngay: “Này con, con có biết là con rất may mắn không? Con đang có cơ hội tưới tẩm hạt giống lành”. Con chỉ mỉm cười và chắp tay lại xá Thầy.

Từ lúc mới đến Làng Mai năm 2009, con đã rất thích chương trình dành cho các em thanh thiếu niên (teens program), nhưng không dám thử sức vì con thấy mình mới tu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Đến mùa hè năm 2012 thì cơ hội đến với con. Nhưng tiếc là năm đó con chỉ làm được có hai tuần rồi phải về Indonesia chăm sóc cho mẹ. Tuy vậy con đã học hỏi được rất nhiều khi được làm chung với quý sư cô. Chỉ đến năm 2014 và năm 2015, con mới thực sự có mặt cho chương trình này trong suốt một tháng mùa hè.

Mỗi tuần trước khi bắt đầu, nhóm chăm sóc chương trình đã cùng thảo luận cách làm sao để chia sẻ các pháp môn chánh niệm với các em vừa vui vừa bổ ích. Con rất được nuôi dưỡng bởi sự hòa điệu trong nhóm. Chúng con đã cùng chia sẻ công việc, yểm trợ nhau và cùng làm việc như một cơ thể. Làm việc chung như một cơ thể thật là tuyệt diệu bởi vì người này bổ sung và hoàn thiện cho người kia. Chúng con ý thức là mình cần tạo mọi điều kiện các em có thể cảm thấy thoải mái để thực tập và chia sẻ thật những gì trong lòng.

Chương trình dành cho các em thanh thiếu niên có nội dung không khác gì nhiều so với chương trình của người lớn, cũng học cách trở về có mặt trong giây phút hiện tại, thực tập nghe chuông, tập thở, ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm im lặng, nghe pháp thoại, học cách đối trị với những cảm xúc mạnh, thực tập làm mới… Vào mỗi đầu tuần, các em được hướng dẫn tổng quát (vì mỗi tuần đều có các em mới đến) và có cơ hội chia sẻ lý do vì sao các em muốn đến Làng Mai.

Phần lớn các em chỉ có cơ hội đến Làng một lần vào mùa hè, vì vậy chúng con khuyến khích các em thật sự tận dụng cơ hội này để quay về với chính mình mà không bỏ thì giờ lên mạng, sử dụng điện thoại… Các em cũng học cách chăm sóc thân thể, kết bạn với nhau một cách thân ái, chấp nhận và bao dung nhau thay vì cạnh tranh hơn thua. Con thấy tổ chức những trò chơi và những buổi đi bộ cùng nhau giúp các em truyền thông rất hay. Một khi các em đã kết bạn và chơi được với nhau thì các sinh hoạt trong chương trình sẽ trở nên thú vị và các em cũng dễ dàng mở lòng để chia sẻ hơn. Một số em đã đến Làng nhiều lần nên thực tập khá vững. Sự có mặt của các em đem lại rất nhiều năng lượng cho tập thể.

Nhiều chuyển hóa và trị liệu đã xảy ra khi các em thực tập làm mới với cha mẹ hoặc người thân. Trước khi bắt đầu buổi làm mới, chúng con chia sẻ với các bậc phụ huynh rằng đây là cơ hội để thực tập tưới hoa, để bày tỏ tình thương của mình đối với con cái mà không phải là lúc khuyên răn dạy dỗ hay nhắc nhở các em.

Có hai mẹ con năm nào cũng thực tập làm mới với nhau khi tới Làng. Sự khó khăn có mặt khi cô bé trở thành thiếu nữ. Cô bé nói với chúng con rằng mẹ không hiểu cô. Thế nhưng khi chúng con gặp người mẹ thì thấy cô bé rất giống mẹ, cô chính là sự tiếp nối của mẹ. Năm nay cô bé lên 16 tuổi và đã có kế hoạch từ đầu năm là cô sẽ dọn ra ở riêng khi tròn 16 tuổi. Cô đã viết một bức thư cho mẹ vì cô thấy khó nói chuyện trực tiếp. Mẹ cô đã bị sốc khi biết chuyện này, tuy nhiên bà hiểu con nên đã đồng ý cho cô bé ra ở riêng.

Trong buổi làm mới, bà mẹ nói rằng dù con có ở riêng thì bao giờ con cũng là con của mẹ, và bất cứ lúc nào con cũng có thể quay trở lại. Thường thì cô bé làm mới với mẹ rất hình thức, nhưng lần này cô đã chia sẻ rất sâu sắc và rất thật. Cô đã tưới hoa và bày tỏ tình thương đối với mẹ. Khi cô nhận ra được những cái đẹp nơi chính mình, cô cũng đồng thời nhận ra rằng đó là những cái đẹp mà cô tiếp nhận từ mẹ. Buổi làm mới đã đem lại cho hai mẹ con nhiều trị liệu. Con rất xúc động.

Con thích tiếp xúc với người trẻ bởi năng lượng của các em khiến tâm hồn con trẻ ra. Con đã giữ nhiều vai trò khác nhau trong chương trình teen, nhưng vai trò mà con thích nhất là làm một người bạn của các em. Sau khi biết tên nhau, con thấy mình dễ dàng đến với các em. Con bắt đầu bằng một nụ cười, hỏi han các em về trường học, về sở thích, về cái làm các em thích nhất khi đến Làng Mai… Những lời hỏi han như thế tạo nên sự gần gũi giữa con và các em. Dần dần các em mở lòng ra. Nhiều lần khi các em chia sẻ, con thấy trong con có rất nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng này giúp con hiểu được các em và hiểu sâu hơn về chính bản thân mình.

Con nhớ trong mùa hè năm 2015, một em gái đã chia sẻ với con những khó khăn của em trong việc học. Em luôn nỗ lực và học rất chăm chỉ, nhưng mỗi khi không đạt được kết quả như ý, em luôn dằn vặt và tự trách mình là đã không đủ cố gắng. Con lắng nghe và có chia sẻ với em về sự thực tập buông bỏ những đòi hỏi đối với bản thân, chấp nhận chính mình và hạnh phúc với những gì mình đang có. Em đã khóc và hứa với con là sẽ thực tập những điều này.

Thầy kính thương, Thầy đã dạy chúng con rằng học, chơi, làm việc và tu tập chỉ là một mà thôi. Khi con áp dụng điều này trong khóa tu mùa Hè, con đã có rất nhiều niềm vui và hạnh phúc mà không cần phải dụng công quá nhiều. Con đã chuyển hóa được nỗi buồn và chăm sóc em bé tổn thương trong con.

Từ khi con đọc được quyển sách “Reconciliation -Healing the Inner Child” (Chăm sóc và trị liệu em bé bị tổn thương trong ta) của Thầy, con đã thường xuyên mời em bé trong con cùng thực tập. Trong những ngày làm biếng, con tập nhìn sâu và tìm ra được nguyên nhân gốc rễ gây ra khổ đau cho con từ hồi còn bé thơ, nhờ vậy mà con đã tháo gỡ được nội kết ấy. Từ lúc đó trở đi, em bé trong con đã trở nên vui vẻ hơn nhiều.

Trong chuyến đi Anh hướng dẫn khóa tu với quý thầy và quý sư cô vào tháng 08 năm 2015, con lại một lần nữa có duyên được chơi với các em teens. Thực ra lúc đầu con không định tiếp tục công việc này trong chuyến đi vì con đã chăm sóc trong suốt bốn tuần mùa hè, nhưng một thầy lớn trong đoàn nói với con: “Đại chúng đã chọn sư cô làm chương trình teens rồi”. Vậy là con tùy thuận theo đại chúng và nhờ thế lại có được một tuần lễ đầy nuôi dưỡng khi hướng dẫn các em cùng với Michael và Teri, là hai cư sĩ giáo thọ. Có tất cả 10 em gái và 4 em trai, độ tuổi từ 12 đến 18. Đây là một nhóm có độ tuổi khá chênh lệch, tuy vậy các em rất hòa hợp với nhau.

Vào ngày thứ hai của khóa tu, một em trai đến nói với con: “Sư cô ơi, con là một người có chứng khó tập trung và quá hiếu động (ADHD)”. Con chỉ nhìn em mỉm cười. Con quan sát cậu bé trong một vài hôm và khi có dịp ngồi chia sẻ, em nói với con là ở trường học, các thầy cô giáo đã cho em biết là em có vấn đề bởi em không thể ngồi yên và tập trung trong lớp được.

Em hỏi con cách thiền tập. Em nghĩ là phải làm cho đầu mình trống rỗng thì mới thiền được. Con bảo em để ngón tay lên ngang mũi để cảm được không khí vào ra khi mình thở. Sau khi em làm như thế được vài phút, con bảo em nằm xuống và đặt hai bàn tay lên bụng để thấy bụng đang phồng lên xẹp xuống theo hơi thở. Em làm như thế được một vài phút nữa. Con nói với em là em không có chứng ADHD. Con cũng có cơ hội được nói chuyện thêm với mẹ của em để hiểu thêm về em. Con hy vọng là em sẽ có thể xóa bỏ được mặc cảm do người khác tạo nên trong em.

Trong nhóm còn có một em gái 14 tuổi, bị hội chứng Down. Chúng con đã sắp xếp một tình nguyện viên 18 tuổi luôn có mặt bên em để em thấy thoải mái và theo được các sinh hoạt. Con chưa có kinh nghiệm nào về người bị thiểu năng. Có thể thấy em rất muốn được học hỏi, thực tập và kết bạn với các em khác. Không hề có một sự phân biệt nào trong cách các em khác đối xử với em.

Các em đã ôm ấp, chấp nhận và luôn coi em là một thành viên trong mọi sinh hoạt. Điều này làm cho con rất xúc động.Vào cuối khóa tu, có 9 trong số 14 em đã xin thọ Năm giới, kể cả em gái bị hội chứng Down. Mẹ của em đã giúp em điền đơn xin thọ giới. Dù em không hiểu một cách rốt ráo về Năm giới nhưng em tỏ rõ quyết tâm thực tập và sống có hạnh phúc.

Buổi sáng truyền giới, tất cả các em đều dậy sớm để dự lễ. Nhìn thấy các em ngồi giữa thiền đường tiếp nhận Năm giới quý báu, con thật hạnh phúc khi các em đã có khả năng thực tập hiểu và thương cho chính bản thân mình và cho người khác.

Cảm ơn Thầy kính thương! Thầy đã gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tốt trong con. Và như Thầy đã dạy, con thấy mình thật sự rất là may mắn!
Sư con của Thầy.