Theo bước chân Bụt

Chuyến hành hương mười ba ngày của chúng tôi kết thúc với món quà truyền thống do anh Shantum tặng – một sợi chỉ màu vàng cam cột quanh cổ tay mỗi người để làm kỷ niệm. Người Ấn gọi sợi chỉ này là “sutra” hay kinh, rất hợp với chủ đề của chuyến đi: “Theo bước chân Bụt”. Hai tuần của chuyến đi với bao kỷ niệm khi đặt chân trên các thánh tích, những kinh nghiệm chuyển hóa của tự thân cũng như những cái thấy mới, sâu sắc hơn về nước Ấn và đạo Bụt đã gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau. Những gì chúng tôi mang về từ chuyến đi không chỉ là những tấm ảnh hay vật lưu niệm, mà còn nhiều hơn thế. Như lời chia sẻ của anh Shantum vào cuối chuyến đi, cuộc hành trình tâm linh này sẽ vẫn được tiếp nối khi chúng tôi trở về nhà. Ấn Độ là một nơi đem lại sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc, nơi mà những yếu tố huyền thoại và  hiện đại được pha trộn với nhau – một nơi mà trái tim ta không bao giờ có thể rời xa.

Những sắc màu tuyệt diệu của Tăng thân

Chuyến hành hương này thật đặc biệt bởi vì người tham dự đều là người biết thực tập và đã từng dự ít nhất một khóa tu do Làng Mai tổ chức. Chúng tôi được khuyến khích thực tập trong suốt chuyến đi, lúc ngồi trên xe buýt, khi đi, đứng, ăn uống và giao tiếp với mọi người. Đoàn chúng tôi gồm sáu mươi người đến từ nhiều quốc gia như Đức, Hà Lan, Anh, Mỹ, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Úc, Thụy Sĩ và cả Ấn Độ. Trong số này có tám vị xuất sĩ (bốn thầy: Pháp Xả, Pháp Chương, Pháp Lý và Pháp Dung và bốn sư cô: Bi Nghiêm, Giác Nghiêm, Hiền Hạnh và Hiến Nghiêm), hai vị giáo thọ cư sĩ và nhiều vị Tiếp Hiện. Sự có mặt của các thiền sinh thực tập chánh niệm đã góp phần làm nên sự giàu có và sâu sắc của những trải nghiệm trong chuyến đi. Có thể nói chuyến hành hương này là một khóa tu di động, thấm nhuần năng lượng tâm linh, yếu tố lịch sử, âm thanh, cảnh tượng và hương vị của xứ Ấn.

Nơi cội Bồ đề uy nghiêm hùng vĩ, chúng tôi có cơ hội chứng kiến những màu sắc phong phú của Tăng thân Làng Mai giữa những sắc màu của các truyền thống Phật giáo khác. Vào buổi sáng đầu tiên, chúng tôi thức dậy sớm và đi bộ đến Bồ Đề Đạo Tràng trước khi mặt trời lên. Chúng tôi đi trong tĩnh lặng, chánh niệm, và cảm nhận được mình đã về, đã tới mặc dù nhiều người trong chúng tôi mới đến đây lần đầu. Chúng tôi lạy Bụt trên nền đá ẩm mát và đi kinh hành chân trần quanh ngôi bảo tháp trước khi tìm đến một khoảng trống để ngồi thiền. Phía bên trên cách chúng tôi không xa là các thầy người Thái quấn y màu vàng nghệ đang tụng kinh tiếng Pali. Bên phải là các sư cô trẻ Tích Lan với các cư sĩ áo trắng đang tụng kinh, và bên trái là khoảng hai mươi thầy Tây Tạng đang hướng về cội Bồ Đề để lễ lạy hết sức nhanh nhẹn và đầy sinh lực trên những tấm ván gỗ. Xa xa, chúng tôi nghe thấy âm thanh quen thuộc của tiếng chuông Đài Loan và gần hơn một chút là tiếng của một nhóm hành hương người Việt. Sư cô Hiền Hạnh pha trà mời mọi người. Chúng tôi ngồi xuống, theo dõi hơi thở, mở lòng lắng nghe giây phút hiện tại – giây phút đầy màu sắc, ngát hương và huyền bí.

Khi mọi người trong nhóm đã tập hợp trong im lặng, chúng tôi bắt đầu ngồi thiền với giọng hô canh của thầy Pháp Xả – thầy dùng bài hô canh buổi chiều, dù là đang buổi sáng, vì bài hô canh ấy được bắt đầu bằng câu: “Vững thân ngồi dưới cội Bồ Đề”.

Từ du lịch đến hành hương

Chuyến đi đòi hỏi mọi người phải tìm được sự quân bình giữa việc làm một du khách và làm một người hành hương, giữa kinh nghiệm bề mặt, thế tục và sự tiếp xúc với chiều sâu tâm linh. Chúng tôi đã được thử thách về nhiều khía cạnh khi chứng kiến những hình ảnh: bầy quạ mổ xác một con bò bên lề đường, đàn bướm vàng đang múa lượn trong nắng mai, bầy trẻ ốm yếu đang hát xin ăn, những người bán hàng rong níu kéo, mời mọc chúng tôi mua hàng. Những cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến mỗi ngày cứ đi lên trong tâm trí khi chúng tôi trở về khách sạn với những tiện nghi đầy đủ, phòng lạnh và thức ăn cầu kỳ.

Những buổi ngồi lại thành vòng tròn để pháp đàm đã giúp chúng tôi có cơ hội chia sẻ những niềm vui cũng như những thử thách trong ngày. Chúng tôi có thể bày tỏ tâm tư của mình, được lắng nghe và kết nối với nhau qua những trải nghiệm. Một vị trong nhóm chia sẻ: “Chúng ta không đến đây để vui thú, chụp ảnh hoặc để khám phá vẻ đẹp quyến rũ của xứ Ấn”. Đối với chúng tôi, chuyến đi này là một hành trình tâm linh, một cơ hội để nhìn sâu vào chính mình và nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua trong cuộc đời. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã sống với nhau, chấp nhận nhau và nâng đỡ nhau như một gia đình tâm linh.

Mỗi khi có chánh niệm trong bước chân, trong giao tiếp, mỗi khi nhìn mọi người và cảnh tượng xung quanh với con mắt ý thức thì lúc ấy chúng tôi đang là những người hành hương. Mỗi cảnh tượng đều trở nên thiêng liêng khi ta có cái nhìn sâu sắc. Chúng tôi ý thức rằng cây Bồ đề có thật hay không tùy vào chúng tôi đang thực sự có mặt trong giây phút hiện tại hay không. Chúng tôi áp dụng những pháp môn Bụt dạy, dừng lại, có mặt thật sự và tiếp xúc với hình hài và cảm thọ của mình. Ở những thánh địa mà đoàn đặt chân đến, chúng tôi đều có cơ hội ngồi yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu về ý nghĩa cuộc đời của đức Bổn Sư.

Bụt là Tăng

Thầy đã nhiều lần chia sẻ rằng vị Bụt tương lai sẽ biểu hiện dưới hình thức một cộng đồng tỉnh thức. Nhiều lần trong chuyến đi, chúng tôi cảm nhận là Bụt, chư Tổ và Thầy đang có mặt và đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi ý thức được sự quý giá của việc di chuyển như một tăng thân bốn chúng, trong đó ai cũng hết lòng thực tập mỗi phút mỗi giây. Sự có mặt của tăng thân bảo hộ và ôm ấp chúng tôi, cho phép chúng tôi có đủ thời gian và không gian để gọi đúng tên những niềm vui cũng như khổ đau của mình. Những giáo pháp Bụt dạy trở nên sống động trong chúng tôi, đó không phải là một cái gì chỉ thuộc về quá khứ mà thôi.

Tại đỉnh núi Linh Thứu, chúng tôi đã cùng nhau tụng Tâm Kinh Bát Nhã như một phẩm vật cúng dường lên Bụt và tổ tiên tâm linh. Khi chúng tôi bắt đầu tụng thì trời chợt đổ mưa, một cơn mưa nhẹ như một lời chúc phúc. Chúng tôi tập trung tâm ý để tụng cho đến cuối bài kinh, cùng lúc ấy cơn mưa cũng đi qua, nhanh như khi mới đến. Một sự giao hòa kỳ diệu giữa Đất và Trời, đó là  cảm nhận của chúng tôi trong giây phút ấy. Một vị trong đoàn chia sẻ trong buổi pháp đàm sau đó rằng sự hội tụ của các điều kiện như mưa, bài Tâm kinh, núi Thứu, lời dạy của Thầy về bản chất vô sinh bất diệt của đám mây, sự kiện con gái của cô vừa qua đời, sự có mặt của các bạn đạo – tất cả những yếu tố này đến với nhau và làm tăng thêm sinh lực cho cả thân và tâm cô ấy. Cô thấy nước mắt mình hòa lẫn với cơn mưa và nỗi đau dịu dần với nụ cười nhẹ nhàng, chấp nhận. Tâm cô thay đổi. Lần đầu tiên cô cảm nhận được sự có mặt thật sự của con gái mình, đó không còn là cái hiểu của trí năng mà là một thực tại sống động. Cô thấy con gái đang mỉm cười cùng cô – một sự truyền thông toàn hảo giữa hai mẹ con.

Bụt dạy rằng chánh pháp sẽ là sự tiếp nối đích thực của Bụt. Bất cứ nơi nào mà chánh pháp được hành trì thì nơi ấy có mặt Đức Thế Tôn, và chánh pháp chỉ có thể được tìm thấy trong một chân Tăng. Chúng ta không thể nào tìm thấy chánh pháp trong sách vở hoặc trên youtube, mà chỉ có thể tìm thấy trong cách sống hàng ngày của chúng ta, trong cách chúng ta giao tiếp với những người xung quanh, bằng ý thức sâu sắc, sự hiểu biết và tình thương. Trong suốt chuyến đi, có những giây phút chúng tôi cảm nhận rõ màu vàng óng của ánh nắng ban mai, hoặc thưởng thức dòng sông đang êm đềm trôi, hay khi chúng tôi ngồi hoặc bước đi trong an lạc, hoặc bắt gặp ánh mắt đầy thiện cảm của nhau. Trong những phút giây ấy với ý thức sống động tràn đầy, chúng tôi cảm nhận được Bụt đang có mặt cùng chúng tôi.

Nhìn bằng mắt thương

Mắt chúng tôi không thể nhìn đi nơi khác, nhắm lại hay thờ ơ với khối khổ đau và nạn nghèo đói có mặt khắp nơi. Mỗi ngày khi rời khách sạn và mỗi khi bước xuống xe buýt, chúng tôi đều chứng kiến và cảm nhận được sự đói nghèo và khổ đau đó. Đối với những ai đến Ấn Độ lần đầu, đây là một thử thách và nhiều lúc làm ta không thể chịu nổi. Những người ăn xin thường có nhiều mưu mẹo và biết rõ lối cư xử của du khách, họ rất khôn khéo. Và nhiều người trong đoàn chúng tôi vì quen với môi trường “vô trùng” của xã hội Tây phương nơi ít thấy cảnh người già, bệnh và tàn tật nằm lăn lóc trên đường phố, đã không chuẩn bị trước cho những kích thích như vậy. Vài người trong chúng tôi thấy mình yếu đi giữa sự nghèo nàn cùng cực này. Đôi lúc, chúng tôi phải về lại xe buýt như tìm về một nơi trú ẩn, một dòng nước mát cho những người đang bị khát khô vì sức nóng của cảm xúc, một không gian khuây khỏa khỏi những bụi bặm, cảnh túng thiếu và sự rối loạn của xứ Ấn.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể so sánh những kinh nghiệm này của chúng tôi với kinh nghiệm của chàng trai trẻ Siddhartha khi ra ngoài thành du ngoạn. Sau khi Siddhartha chứng kiến cảnh người bệnh, người già, người chết và đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh một người có sự bình an, Siddhartha thức tỉnh cơn mê và bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng được thức tỉnh bởi thực tại của cuộc đời, bởi cảnh nghèo đói của xứ Ấn và sự giàu có của trái tim con người. Trong cuộc sống hàng ngày với nhiều tiện nghi vật chất và những lối tiêu khiển bên ngoài, chúng tôi có rất ít cơ hội để nhìn sâu vào tự thân và vào xã hội. Giờ đây, cảnh nghèo đói của xứ Ấn đã cho chúng tôi một cơ hội để suy ngẫm, để tiếp xúc với chiều hướng tâm linh và tìm được ý nghĩa sâu sắc cho cuộc đời mình.

Vàng đen giữa núi sông

Vài dặm từ Bồ Đề Đạo Tràng, tăng thân chúng tôi đi ven theo những cánh đồng lúa đến một ngôi tháp tưởng niệm, nơi mà truyền thuyết kể rằng có một cô bé tên Sujata đã cúng dường người tu khổ hạnh Siddhartha bát cháo sữa (tiếng Ấn gọi là kheer). Phía trước là dòng sông Niranjana. Bên bờ sông này, Siddhartha đã từng ngất xỉu. Xa xa là dãy núi Dungasiri vươn cao khỏi những rặng dừa. Siddhartha đã tu khổ hạnh tại chính những hang núi này.

Chúng tôi bước đi hàng một cẩn thận giữa các thửa ruộng để không bị rơi xuống nước. Xa xa, các cô gái làng đội những bó lúa trên đầu uyển chuyển, thanh thoát băng qua các cánh đồng. Chúng tôi gặp một nhóm người đang dùng phân trâu khô làm thành những khoanh tròn, họ gọi đó là “vàng đen”. Những người này rất tử tế, họ cho chúng tôi tham gia công việc họ đang làm. Một số người trong chúng tôi đã bắt tay vào việc, nhúng hai bàn tay mình vào “khối của quý” màu đen, ấm, ẩm, thơm phức kia và tạo thành từng khoanh tròn. Dù thiếu kinh nghiệm nhưng đó là một cơ hội để thực tập tâm không kỳ thị: thấy được hoa sen trong bùn, trân quý của báu trong đống phân. Phân trâu là nguồn nhiên liệu quý ở vùng này.

Thỉnh Bụt về nhà

Vài người trong đoàn chúng tôi có cơ hội dừng lại trên những đồng ruộng xanh ngát để cảm nhận sự tĩnh lặng, niềm an lạc và không gian hài hòa bên trong và cả xung quanh. Những dãy núi đá sắc nhọn phía xa cân xứng đầy thi vị với dòng sông uốn khúc, như thể chúng tôi được trở về với khung cảnh ngày xưa thời của Bụt. Chúng tôi có thể cảm nhận niềm phấn chấn của chàng trai trẻ trước sự mời gọi đầy thách thức của những hang động. Chúng tôi cũng thấy được nét đẹp và không gian bình an bát ngát mênh mông của thiên nhiên. Cách đó không xa là nơi Siddhartha, sau sáu năm tìm kiếm, đã tìm ra giáo lý Trung Đạo. Ngài thấy mình không cần phải phấn đấu để vượt thoát thế giới này; trái lại Ngài đã nhận ra bản chất tương tức của vạn vật và nhờ vậy đã tự giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc. Cũng gần nơi này, Ngài đã lập đại nguyện giúp chúng sinh chứng nhập sự thật ấy. Đứng tại đây, chúng tôi rất biết ơn mảnh đất này đã yểm trợ công trình của Ngài. Chúng tôi cung kính cảm tạ núi sông, ruộng đồng, những khoanh cỏ kusa, những em bé trong làng và gia đình của các em.

Giờ đây, chúng tôi hiểu và thương kính hơn vị thầy gốc của mình, đức Bổn Sư Sakya Muni. Sự cảm thông gần gũi và ấm áp này sẽ giúp chúng tôi tiếp xúc được với Ngài trong tự thân chúng tôi và trong giáo pháp mà Ngài đã trao truyền. Khi ngắm nhìn bầu trời đầy sao, chúng tôi giờ đây có thể ngắm nhìn với đôi mắt của Ngài. Khi đi với Tăng thân, chúng tôi có thể bước với đôi chân của Ngài, những bước chân thanh thoát, nhẹ nhàng.

Làm biếng

Người thương công việc chứ?
Làm biếng có giỏi không?
Ngoài trời trăng sáng lắm,

Soi rõ cả đường rừng.

Người mỉm cười nhiều chứ?
Có nhăn mặt nhiều không?
Sen đầu mùa đã nở,

Sáng rỡ cả tầng không.

Bên bờ, hồ tâm vắng
Hai vầng sáng nhìn nhau
Đôi mắt cười ươm nắng

Tay buông, hóa tâm đầu!

Việc theo việc còn mãi,
Già bỗng đến bạc đầu!
Người về theo bốn đại,

Để lại những gì đâu?

Trùng dương ngàn sóng bạc
Ngại gì trước với sau
Cứ làm như làm biếng
Hề gì chậm với mau.

Chúng con đang uống thuốc

Thầy bệnh

Từ hồi tôi xuất gia đến giờ, mùa đông nào cũng có Thầy ở nhà. Ở nhà có nghĩa là Thầy An cư kiết đông ở Xóm Thượng. Tứ chúng Làng Mai mỗi tuần được gặp Thầy hai lần vào ngày Thứ năm và Chủ nhật, là hai ngày Quán niệm. Ngoài ra ngày thứ Ba, ngày xuất sĩ, anh chị em tôi được gặp Thầy tại Sơn Cốc để nghe Thầy giảng sâu thêm về kinh điển hoặc được Thầy dạy những vấn đề trong chúng. Tôi mới xuất gia được vài năm nên còn rất cần nương tựa Thầy. Tôi được dạy là năm năm đầu tiên trong cuộc đời xuất gia là những năm tuổi thơ, một vị xuất sĩ cần được ở gần Thầy của mình để học hỏi và được chỉ dạy. Dù Thầy ở Xóm Thượng hay ở Sơn Cốc, tôi vẫn thấy mình được ở gần Thầy, bình an và vui tươi, như một bé thơ được ở bên cạnh người cha hiền của mình, cảm thấy thật an toàn.

Năm nay Thầy bệnh nặng, phải nằm bệnh viện rất lâu, phải đón Giáng Sinh, Tết Tây và Tết Ta ở đó. Khi Thầy trở bệnh, có tin đồn là Thầy đã mất. Ở bên nhà (bên nhà là tiếng Thầy hay dùng để chỉ bên Việt Nam) và ở các nơi khác nhiều người rất lo lắng. Nhất là quý tôn túc có giao tình sâu nặng với Thầy và với Làng trong nhiều năm qua. Quý tôn túc lo cho các con xuất sĩ của Thầy lắm. Nghĩ là bên Làng chắc mọi người đang cuống lên, không khí u buồn bao trùm, không ai có lòng dạ nào để làm gì nữa hết. Nhiều vị đã vội mua vé máy bay về Làng gấp. Cả những đệ tử xuất gia lâu năm của Thầy hiện đang sống ở nơi xa cũng lần lượt về Làng trong dịp này. Trước là để thăm Thầy, sau để có mặt và làm chỗ nương tựa cho tứ chúng.

Hôm nghe tin Thầy bệnh nặng, trưa đó tôi cùng một sư chị rủ nhau đi thiền. Trên đường đi tôi thấy có rất nhiều bóng áo nâu cũng đang đi thiền như chúng tôi. Tin Thầy bệnh khi ấy chưa được chính thức báo trong chúng, tin chỉ mới được chuyền tai nhau trong chúng xuất sĩ mà thôi. Chúng tôi được dặn dò là nên chờ quý sư cô lớn sắp xếp công việc đâu ra đó rồi mới thông báo chính thức để không bị động chúng. Ở trong chùa, bất cứ một việc gì mình làm, mình cũng đều cẩn thận để không bị động chúng. Điều này rất là quan trọng, vì đôi khi những tin thông báo sớm khi chưa đúng lúc sẽ gây ra những hoang mang và xáo trộn không cần thiết. Vì vậy khi trông thấy các bóng áo nâu đang đi thiền trưa hôm ấy, chúng tôi đều ngầm hiểu là những vị đó cũng đã biết tin rồi.

Thầy vẫn thường dạy là khi có khó khăn hay có một cảm xúc mạnh đi lên thì nên đi thiền cho tâm lắng lại, sau đó mới đủ bình an để nhìn vào hoàn cảnh. Ngoài đời, khi có chuyện, ông bà mình hay nói: “Chuyện đâu còn có đó, ngồi xuống ăn miếng bánh, uống miếng nước rồi từ từ nói chuyện”. Tin Thầy trở bệnh nặng dĩ nhiên gây cho chúng tôi những cảm xúc mạnh. Vì thế, ai cũng biết là mình cần chăm sóc những cảm xúc đó bằng cách làm theo lời dạy của Thầy.

Thiền hành là một pháp môn “ruột”, pháp môn căn bản mà Thầy chúng tôi rất tâm đắc. Có một lần khi tôi được dùng cơm với Thầy, Thầy bảo là mình phải đi làm sao cho bước chân của mình trở nên thật tự nhiên, bước chân của mình phải có hạnh phúc. Hễ đi là thấy hạnh phúc, cái hạnh phúc đó phải thật tự nhiên thì mới được. Đi từ nhà bếp lên phòng ăn, đi từ phòng ngủ ra nhà vệ sinh, đi từ thiền đường xuống hồ sen, phải biết thưởng thức mỗi bước chân. Tôi thưa với Thầy là không hiểu sao tôi vẫn chưa làm như thế được, thực tập nghe chuông thì tôi đã làm được một cách tự nhiên, nhưng thiền hành thì chưa. Nghe vậy, Thầy nói: “Không sao đâu con, thực tập một hồi thì mình sẽ làm được”. Thầy bao giờ cũng rất kiên nhẫn với chúng tôi.

Thầy tâm huyết với pháp môn thiền hành nên dù trời mưa hay nắng, có tuyết hay không có tuyết, Thầy đều thưởng thức thiền hành. Đôi khi tôi hơi lười, thấy trời mưa, trời lạnh, người hơi mỏi mệt một chút là muốn bỏ thiền hành. Nghĩ tới Thầy, tôi thấy mình không thể lấy lý do này hay lý do kia mà không đi thiền được. Tôi chưa được như Thầy, tôi chưa thấy háo hức trông đợi đến giờ thiền hành. Tôi vẫn còn phải nương vào cái lực của Thầy để tự sách tấn mình. Tuy nhiên khi đã bắt đầu đi, tôi thấy mình hạnh phúc, thấy cả Thầy và trò cùng có mặt cho nhau.

Hạ thủ công phu

Mấy ngày Thầy bệnh nặng, có khi tưởng Thầy không qua được, cả tăng thân ai cũng ý thức là nếu mình thực tập miên mật thì Thầy sẽ không bao giờ thật sự mất đi. Nếu Thầy mất đi thì chỉ có nghĩa là Thầy xả bỏ báo thân này mà thôi. Thầy sẽ vẫn còn mãi mãi trong từng bước chân, hơi thở của các con Thầy, của các bạn thiền sinh, của tăng thân. Tăng thân là một tác phẩm để đời của Thầy. Và tăng thân này phải là một tăng thân có sự hòa hợp, thương yêu, có tình huynh đệ mới đích thực là tăng thân mà Thầy tâm huyết, là “kiệt tác” (masterpiece) của Thầy. Vì thế, tăng thân còn là chắc chắn Thầy còn. Một tăng thân nếu muốn có tình huynh đệ, có hòa hợp, thương yêu thì chắc chắn tăng thân ấy phải thực tập, nếu không thì những phẩm chất ấy có lẽ sẽ không tồn tại lâu dài, không phát triển được và rất chông chênh. Một tăng thân như thế sẽ là nơi nương tựa cho biết bao người. Thầy đã dạy không biết bao nhiêu lần như thế.

Ai cũng ý thức được điều này nên cố gắng “hạ thủ công phu”: Thiền tọa, thiền hành, tham gia thời khóa của chúng, hai ngày quán niệm, ngày xuất sĩ đầy đủ và đều đặn. An cư kiết đông vẫn diễn ra một cách bình thường, đúng như Thầy mong muốn. Quý thầy, quý sư cô giáo thọ lớn, mà ở Làng chúng tôi gọi một cách thân thương là quý sư cha, sư mẹ đã cho những bài pháp thoại rất súc tích và thực tế, chạm được tới ý thức của sự tiếp nối Thầy một cách đích thực trong mỗi cá nhân và trong cả tăng thân. Do vậy chúng tôi thấy mình được sách tấn và nâng đỡ tinh thần, không còn lo sợ cho tương lai không có Thầy nữa. Ngoài ra trong thời gian ấy, sự có mặt và các lời chỉ dạy quý báu của các bậc tôn túc khắp nơi về tụ hội càng làm cho tăng thân thêm tinh tấn và vững chãi.

Tôi thấy mình thật may mắn được nương tựa nơi năng lượng yêu thương, bao dung và nâng đỡ của quý tôn túc. Tất cả các vị chia sẻ khi nghe tin Thầy Làng Mai bệnh nặng như thế, ai cũng lo lắng cho tăng thân, do vậy nên quý tôn túc vội sang ngay để nâng đỡ tinh thần. Thế nhưng khi sang đến đây, thấy đại chúng vẫn thực tập miên mật, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, các thầy các sư cô ở Làng vẫn nhẹ nhàng, vui vẻ, quý tôn túc đều thấy an lòng và có niềm tin ở pháp môn mà Thầy đã truyền trao, có niềm tin ở sự tiếp nối của Thầy nơi tăng thân.

Trong thời gian Thầy bệnh, dù không có khóa tu lớn, thiền sinh vẫn tới Làng đông hơn thường lệ. Chúng tôi lại có quý tôn túc và quý thầy quý, sư cô ở các trung tâm khắp nơi về thăm Thầy, về dự An cư kiết đông rất là ấm áp. Nhất là bây giờ đang vào dịp Giáng Sinh và Tết Tây, thiền sinh về một ngày một đông.

Thầy đang có mặt cho con đây

Sáng nay, 25.12, quý thầy, quý sư cô theo thông lệ hàng năm sang mừng Giáng Sinh ở Sơn Cốc. Sơn Cốc năm nay không có Thầy vì Thầy đang ở bệnh viện. Thế nhưng chúng tôi vẫn có Thầy rất tròn đầy trong mỗi trái tim, trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân. Mỗi tấc đất ở Sơn Cốc trong 32 năm qua đều in dấu chân thiền hành của Thầy. Mỗi ngày Thầy đều đi thiền ít nhất là hai lần. Buổi chiều, Thầy hay nằm võng đong đưa dưới rặng tre, nghe chim hót, nghe suối reo, nghe tiếng gió xào xạc qua những tán lá sồi, nhìn những con chim nhỏ nhảy nhót tới lui, bận rộn. Có khi mấy con sóc, con nai cũng tới gần cho Thầy ngắm. Mấy con sóc hay leo thoăn thoắt trên những cây sồi già lâu năm, rong rêu bám đầy, có cây đã bị rỗng ruột vì sâu mọt nhưng vẫn còn là chỗ nương náu cho rất nhiều chim và sóc. Chính vì thế nên chúng tôi đã bắt đầu ngày họp mặt ở Sơn Cốc sáng nay bằng thiền hành. Chúng tôi đi trên những bước chân mà Thầy đã in dấu khắp nơi ở Phương Khê. Phương Khê là tên một con suối nhỏ chảy dọc theo rặng tre, bên cạnh Sơn Cốc.

Tôi nắm tay một sư em cùng thiền hành. Sư em mới xuất gia cách đây một tuần. Tôi cầm tay sư em đi và thấy tay mình với tay Thầy là một. Thầy đã nắm tay tôi thiền hành và bây giờ tôi nắm tay sư em. Đây là lần đầu tiên sư em được sang Sơn Cốc, được thiền hành ở Sơn Cốc. Tôi muốn để lại cho sư em một cảm giác đẹp và ấm áp cho lần đầu tiên này. Tôi và sư em đi trong lòng tăng thân, bước những bước nhẹ và đều một nhịp. Thỉnh thoảng, tôi siết tay sư em một chút, giống như Thầy hay làm để nhắc tôi trở về giây phút hiện tại, biết trân quý sự có mặt của Thầy đang đi bên cạnh, đồng thời cũng cho biết là “Thầy đang có mặt cho con đây”. Tôi thấy bàn tay Thầy đang siết tay sư em. Đi đến một góc vườn tôi thầm nói với sư em: “Chỗ này có một bụi hành dại”. Đó là tiếng nói thầm trong đầu khi tôi chạm vào kỷ niệm…

Mùa đông năm đó một sư chị và tôi làm thị giả cho Thầy. Tuyết rơi phủ trắng cả vườn. Thầy nắm tay hai chị em tôi đi thiền, khi đi đến chỗ đó, Thầy nói: “Chỗ này có một bụi hành”. Tôi chẳng thấy hành đâu cả vì khi ấy tuyết phủ đầy, nhưng đến mùa xuân, khi thiền hành ngang chỗ ấy quả nhiên có một bụi hành. Tôi hay nhớ về Thầy qua những kỷ niệm nho nhỏ như thế. Ai trong chúng tôi cũng có những kỷ niệm nho nhỏ với Thầy (dĩ nhiên là quý sư cha sư mẹ xuất gia với Thầy mười mấy hai mươi năm thì những kỷ niệm nho nhỏ như thế là vô số, mà những kỷ niệm lớn thì cũng đếm không xuể). Những kỷ niệm ấy bao giờ đối với tôi cũng là vô giá bởi chúng không đơn thuần là những ký ức mà chúng chính là những bài học về chánh niệm, về sự có mặt 100% của Thầy ở giây phút hiện tại.

Chúng con đang uống thuốc

Trong các pháp thoại, thỉnh thoảng Thầy kể chuyện về một ông thầy thuốc rất giỏi, bốc thuốc cho nhiều người và giúp họ hết bệnh. Tuy nhiên con của ông thầy thuốc, khi bệnh lại không chịu uống thuốc do cha bốc. Một lần ông thầy thuốc buồn con không chịu uống thuốc để lành bệnh nên ông bỏ nhà đi. Ông đi một thời gian rồi nhờ người mang tin về, nói là ông đã chết. Khi ấy các con của ông mới giật mình và bắt đầu uống thuốc. Thầy bảo chúng tôi đừng để tình trạng đó xảy ra, đừng để đến khi Thầy không còn nữa thì mới chịu thực tập bước chân, hơi thở. Bây giờ Thầy bệnh, lâu lâu tôi tự nhủ biết đâu Thầy cũng như ông thầy thuốc nọ, đang nhắn tin về, báo là mình bệnh nặng để các con lo mà thực tập, chịu uống thuốc, những bài thuốc về bước chân, hơi thở mà Thầy đã ra toa không mỏi mệt trong mấy chục năm qua.

Cứ hai năm một lần, Thầy đi hoằng pháp ở Bắc Mỹ. Chuyến đi thường kéo dài đến mấy tháng. Gần đây, từ hồi có trung tâm Làng Mai ở Thái Lan, Thầy lại còn vòng qua Á châu trước khi sang Mỹ nên chuyến đi của Thầy dài hơn. Ngoài ra còn các khóa tu tại các nước châu Âu, trong đó có Đức và Anh nên năm nào có chuyến đi Mỹ thì Thầy ở nhà ít hơn. Có năm Thầy nói: “Năm nay Thầy không đi đâu hết, Thầy ở nhà chơi với các con!”. Nhưng điều đó vẫn chưa thực hiện được!

Khi Thầy đi xa như thế, chúng tôi ở nhà duy trì thời khóa thực tập bình thường và chúng tôi thường dùng thời gian hơi rảnh hơn một chút đó để học thêm nội điển hoặc học thêm ngôn ngữ, học tụng kinh … Nhưng chúng tôi không quên dõi theo từng bước chân của Thầy ở nơi xa, vui với từng cái tin nho nhỏ gửi về vì biết rằng có nhiều người đang được thực tập pháp môn cùng tăng đoàn xuất gia tháp tùng Thầy trong chuyến đi, được tưới tẩm hạt giống hướng thiện qua các bài pháp thoại sống động của Thầy.

Mùa Đông này Thầy vắng nhà, cũng giống như Thầy đang đi một chuyến hoằng pháp dài ngày. Chỉ khác hơn một chút là lần này, chuyến hoằng pháp của Thầy là một chuyến hoằng pháp vượt qua giới hạn của không gian. Pháp thoại của Thầy là pháp thoại qua hơi thở, qua cách Thầy vượt qua cơn bệnh. Thầy đang hoằng pháp nhưng cũng là đang nghỉ ngơi. Tôi thấy Thầy không hề vắng mặt. Chúng tôi cũng đang dõi theo từng bước chân Thầy như thường lệ, và vui với những tin nho nhỏ về Thầy như thường lệ. Chúng tôi đang thực tập tiếp bước Thầy ở nơi tự thân, làm cho tác phẩm để đời của Thầy được duy trì, phát triển và luôn tươi mới. Chúng tôi có thể báo cho Thầy một tin vui: “Bạch Thầy, chúng con hiện giờ đang chăm chỉ uống thuốc, xin Thầy cứ an lòng”.

Mùa Giáng Sinh 2014

Kính dâng Thầy

Sự Tiếp Nối

Nơi đâu cũng là nhà

Một buổi chiều năm ngoái, trong khi ngồi ăn tối với nhóm pháp đàm trong khóa tu xuất sĩ vào tháng 9, một sư em đến sát bên tôi nói nhỏ: “Báo cho sư mẹ một tin buồn, sư mẹ có tên đi Mỹ”. Đúng là một cái tin bất ngờ. Thế là bao nhiêu những khóa tu, những chương trình dạy các lớp, những dự án cho tương lai ở đây, tôi phải buông bỏ hết để chuẩn bị giấy tờ đi Mỹ.

Không lâu sau thì tôi biết mình sẽ chuyển qua Tu viện Bích Nham vì nơi đó đang cần có thêm những vị lớn. Khi nghe tin tôi sẽ qua Bích Nham, một sư em đã nhìn tôi với cái nhìn “tội nghiệp”, sư em nói: “Tội nghiệp sư mẹ quá đi! Bây giờ đúng là mùa trầm cảm ở xứ lạnh, vậy mà sư mẹ phải qua đó…”. Nói đến đây sư em chặc lưỡi lắc đầu tiếp: “Tội nghiệp sư mẹ thật đó. Bây giờ sư mẹ hãy enjoy ở đây đi nha!” Chuyện trầm cảm do thời tiết đã xảy ra cho nhiều người ở xứ lạnh. Có người đã tự tử vì không chịu nổi những ngày dài u ám, lạnh lẽo. Tôi thấy đại đa số chúng ta thường bị lệ thuộc vào rất nhiều những yếu tố từ bên ngoài: thời tiết, tiện nghi, tình cảm, v.v…

Thầy đã đặt tên cho Làng Mai Thái Lan là Vườn Ươm, đúng là một cái nôi êm ái, nơi có rất nhiều sư cha, sư mẹ thật dễ thương, đã hết lòng ôm ấp và nuôi dạy các sư em cho đến khi các sư em vững chãi. Các sư em đã từng trải qua những tháng ngày khó khăn, từ biến cố Bát Nhã cho đến ngày hôm nay. Đã từng chia sẻ những vui buồn với nhau thì việc phải chuyển đến một nơi nào khác để sống, dù đó là một nước Mỹ giàu có tiện nghi cũng không bằng mảnh đất đầy tình nghĩa này, phải không sư em?

Được sống trong Tăng thân, chị thấy mình thật may mắn, chị đang được bảo hộ và nuôi dưỡng, nếu ai đó bảo chị phải rời xa Tăng thân thì chị cũng không chịu đâu. Cả cuộc đời Thầy đã phụng sự cho đạo pháp, cho xã hội. Những gì mình làm theo lời Thầy dạy chỉ là một phần rất nhỏ để đền đáp công ơn của Thầy đã nuôi dạy mình cho đến ngày hôm nay. Huống chi nơi mình đến cũng là một trung tâm tu học của Làng Mai. Nơi đâu đối với chị cũng là nhà! Chị có buồn khi rời xa Thái Lan thật, vì nơi này đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, đầy ắp những người mình rất thương như là các sư em vậy đó, khi xa thì phải buồn rồi. “Oán tắng hội khổ”, ghét mà phải ở gần thì khổ; “ái biệt ly khổ”, thương mà phải xa lìa thì khổ. Đó là hai cặp bài trùng mà Bụt dạy một người tu phải vượt lên trên.

Sự thực tập của chị là tùy thuận. Tùy thuận theo lời dạy bảo của Thầy và của Tăng thân. Ngày xưa Thầy giảng kinh Bảo Tích, trong kinh có đoạn nói về hạnh nguyện của những vị Bồ tát gọi là “Nhất sinh bổ xứ”. Nghĩa là khi các vị Bồ tát vừa mới sinh ra thì đã được bổ đi nơi khác để thi hành Phật sự. Không có điều gì có thể ràng buộc các vị Bồ tát đó dù ở bất cứ nơi đâu, và muốn tìm dấu vết của các vị cũng rất khó.

Thái Lan thì nóng, Bích Nham thì lạnh, nhưng đối với một người tu đã chọn cho mình con đường giải thoát những ràng buộc của cuộc đời thì còn sợ gì lạnh với nóng. Khi trong tim mình có một ngọn lửa thì dù ở bất cứ nơi nào ngọn lửa ấy vẫn sáng và cháy mãi trong tim. Quê hương chân thật của chúng ta không nằm ở nơi khí hậu lạnh hay nóng, vui hay buồn. Với hơi thở nhiệm mầu, với bước chân chánh niệm thì ngay lập tức chị trở về nhà của mình liền. Nơi ấy chị có thể tiếp xúc với tổ tiên ông bà, ba má và Thầy nữa. Sư em thương! Bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể trở về ngôi nhà của chính tự thân. Chị mong rằng, các sư em của chị cũng sẽ là những vị Bồ tát “nhất sinh bổ xứ” nhé!

Huyền thoại Thái Lan

Làng Mai Thái Lan đối với tôi bây giờ như một huyền thoại. Tôi sẽ không còn tham dự những buổi sáng tinh sương hai chúng cùng ngồi thiền nơi Thiền đường Vách Núi, cùng chiêm ngưỡng 7 pho tượng Bụt rất đẹp từ Indo được đặt trang nghiêm trên những bệ núi đá vững chãi nơi mà Thầy đã chọn trong chuyến đi năm 2013. Có khi chúng tôi ngồi thiền trước cốc Thầy để có thể ngắm bình minh lên từ sau dãy núi Khaoyai và một khoảng không gian bát ngát.

Đặc biệt, tại Trung tâm Thái Lan, mỗi tuần đại chúng được ngồi thiền ngoài trời để thở không khí trong lành của vùng đồi núi. Làm sao quên được những buổi đi dưới nắng như thiêu đốt từ xóm quý sư cô sang xóm quý thầy để họp giáo thọ và tôi cứ càm ràm luôn miệng. Những buổi ngồi ăn trong căn nhà tranh nghe tiếng mưa, tiếng gió, có khi xe chạy ngang qua làm tung bụi mịt mù bay vào tận phòng ăn.

Làm sao quên được những giờ nghiên cứu các môn mình phụ trách, những buổi đứng lớp đầu tiên cho các sư em. Nhớ những gương mặt còn ngây thơ, nhớ những ánh mắt đen tuyền và sáng rực, kèm theo những nụ cười hóm hỉnh. Có những câu hỏi “lém lỉnh” mong rằng cô giáo của mình sẽ không trả lời được, chứ có dè đâu… Những buổi nhắc nhở các sư em làm bài, những buổi ngồi chấm bài và lưỡng lự khi cầm bút cho điểm hay nhận xét. Chưa nói đến những buổi họp giáo thọ đầy ắp tiếng cười, có khi cũng hơi căng thẳng nhưng vẫn thấy vui. Những buổi làm biếng, chị em cùng nhau ngồi ăn sáng ngắm mặt trời lên. Những buổi chiều đi bộ quanh con đường nội viện để thấy núi đẹp quá, tôi sẽ tiếp tục ca bài “làm sao quên được…” những kỷ niệm đong đầy khi còn ở Thái.

Nhìn lại những khóa tu được tổ chức tại Làng Mai Thái trong năm qua rất thành công. Khóa tu Gia đình với 400 thiền sinh mà trong đó đã có hơn 100 em thiếu nhi rồi. Những sư cô, sư chú trẻ đã chứng tỏ khả năng ngôn ngữ đủ để truyền thông với các em nhỏ rất dễ dàng qua các buổi hướng dẫn tu tập, sinh hoạt ca hát và tổ chức những trò chơi. Các sư cô, sư chú từ 13 đến 18 tuổi học tiếng Thái rất nhanh, tiếng Anh cũng khá nữa.

Trong khóa tu này, tổng số 70 thầy cô tham dự khóa tu, đa số là những vị từ 25 tuổi trở xuống. Gia đình của các em rất cảm động khi thấy nhóm xuất sĩ trẻ đã phụng sự hết mình để vun trồng những hạt giống tốt cho các em. Khi khóa tu chấm dứt, có nhiều em không muốn rời xa các sư cô, sư chú. Có em đã khóc và cứ ôm chặt vị đã chơi và đã hiểu mình. Vào tháng 10, có một trường tiểu học nhờ các thầy, các sư cô tổ chức khóa tu cho hơn 90 em trai tuổi từ 7 đến 12.

Sư chú Trời Nắng Mai mới có 15 tuổi là một trong những vị đã hướng dẫn tổng quát cho các em bằng ngôn ngữ Thái. Sư chú trông rất chững chạc, nói năng rất vững chãi, đã hướng dẫn các em nhỏ cách thở và ăn trong chánh niệm. Cuối năm cũng có một khóa tu dành cho những vị Tiếp Hiện và chúng trưởng, nhưng lúc ấy thì tôi đã rời khỏi nơi ấy rồi. Còn nhiều khóa tu khác như là khóa tu Wake Up, khóa tu tháng 10 hàng năm. Làng Mai Thái Lan quả là một huyền thoại đối với tôi bây giờ.

Trung Tâm Làng Mai Thái Lan vẫn còn nhiều công trình chưa hoàn tất. Nội viện của quý thầy quý sư cô, nhà ăn, nhà bếp, thiền đường… đang xây dở dang. Quý thầy, quý sư cô ở đó đang làm việc nhiều lắm, nhưng tôi chắc chắn rằng công trình sẽ được hoàn tất. Những người xuất gia trẻ ở đây có bầu nhiệt huyết muốn xây dựng một Tăng thân đẹp, một môi trường lành mạnh, vì chính các sư em cũng là những người xuất gia trẻ rất lành.

Trung tâm Làng Mai tại Thái Lan mà hoàn tất các công trình thì Thái Lan sẽ có được một nơi để mọi người ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á về tu tập. Thầy đã từng nói với chúng tôi: “Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, dân tộc hiền lành, và những người thiện nguyện cũng hết lòng giúp đỡ Tăng thân. Chúng con nên cố gắng phát triển và giúp xây dựng một đạo Bụt mới ở Thái Lan”. Riêng tôi, tôi thấy người Thái rất tôn kính người xuất gia, dân tộc Thái Lan đã tạo được rất nhiều phước báo.

Bích Nham

Tôi đã đến Bích Nham lần đầu trong chuyến hoằng pháp của Thầy ở Mỹ năm 2007, năm ấy Bích Nham mới được thành lập. Tôi tham dự khóa tu “Ngồi giữa gió thu”. Khóa tu có đến 800 người tham dự, nhưng vì chưa có thiền đường nên quý thầy, quý sư cô phải thuê một cái lều để Thầy cho pháp thoại. Đúng là gió thu nên gió lồng lộng thổi vào lều, Thầy đã phải chịu lạnh và chúng tôi ai cũng muốn cảm. Nhưng là mùa thu nên rừng bắt đầu đổi màu rất đẹp.

Tôi nhớ ngày vào từ giã Thầy để về lại tu viện Lộc Uyển, hôm đó vị thị giả không biết đã đi đâu, chỉ có hai thầy trò đi ra xem thợ bắt đầu dựng cột và nóc thiền đường Đại Đồng. Đi ngang qua cây phong, thấy lá phong rụng đầy trên bãi cỏ, Thầy quay sang tôi nói: “Mình đang ở thiên đường đó con!” Tôi mỉm cười chấp tay: “Dạ!” Bích Nham mùa thu đẹp như một thiên đường, và mùa đông thì lạnh hơn nhiều so với các nước châu Âu. Về lại đây tôi sẽ có cơ hội chiêm nghiệm mùa xuân và mùa hè.

Tu viện Bích Nham gồm có xóm Tùng dành cho quý thầy và xóm Hạc dành cho quý sư cô. Số lượng của hai chúng không quá 50 người, một con số khiêm tốn cho một tu viện khá lớn ở miền Đông nước Hoa Kỳ. Nơi đây thuộc tiểu bang New York, một trong 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ. Những người dân Hoa Kỳ ở đây, nói theo giọng Mỹ là rất “tough”, họ có một niềm kiêu hãnh về tổ tiên của họ, những người đầu tiên trong lịch sử đã tạo ra một nước Mỹ hùng cường, một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới.

Khi đi vào những siêu thị lớn, chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi những mặt hàng tiêu thụ khổng lồ, không biết là bao nhiêu loại thực phẩm mà người Mỹ đã tiêu thụ. Tôi nghĩ đến những quốc gia nghèo ở châu Phi, Ấn Độ, Việt Nam, Lào… Nếu chỉ cần chở một phần những thực phẩm hiện có trong các siêu thị như Walmart, hay Target, v.v… thì có thể giúp được những người nghèo đói trên thế giới ít nhất là một năm. Nhưng đó chỉ là mơ ước của riêng tôi.

Cùng chuyển xóm qua Bích Nham với tôi có 7 sư em từ xóm Mới và xóm Hạ. Bảy sư em nhưng có tới 6 quốc tịch: Anh, Pháp, Đức, Canada, Thái Lan và Việt Nam. Các sư em đều là sadi nữ, vài vị trước đây đã trải qua cuộc sống gia đình nên trông chững chạc. Sư em Trăng Diệu Âm người Canada gốc Phi, một hôm chia sẻ với tôi: “Gia đình em là người Thiên Chúa giáo. Bấy lâu nay sư em xuất gia theo đạo Bụt và không sinh hoạt gì về đạo của mình. Lễ Noel vừa rồi, chị của sư em có gọi điện hỏi thăm sư em có làm gì cho ngày lễ của Chúa không? Sư em nói rằng: Em có học hát thánh ca (Christmas carol). Chị nói: “Chúa ơi, như vậy thì sau khi chết chị em mình còn có thể gặp nhau ở thiên đường. Em còn có thể gặp ông nội ở đó”. Nói xong thì sư em cười lớn. Tôi thấy rõ sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Người Á châu thường kín đáo và nhu mì. Người Tây phương thì tự do biểu lộ không che giấu và rất can cường. Văn hóa Làng Mai là một sự kết hợp giữa Đông và Tây. Tôi thấy mình cần phải học thêm nhiều về văn hóa phương Tây.

Về Bích Nham được hai tuần, tôi tham dự khóa tu Holiday Retreat. Có gần 100 người tham dự. Khóa tu Holiday bắt đầu được hình thành vào năm 1999 ở tu viện Thanh Sơn và tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Khóa tu được tổ chức sau lễ Noel và trong thời gian Tết dương lịch. Người Mỹ đăng ký khá đông. Có nhiều người đăng ký nhưng không còn chỗ, họ xin chỉ cần một góc nào đó để ngả lưng là đủ, không cần phải có phòng ốc. Quý cái tâm tha thiết muốn tu học của họ, chúng tôi phải biến phòng phơi áo quần làm phòng ngủ cho thiền sinh.

Khóa tu này chủ yếu là giúp những người cảm thấy rất cô đơn trong những ngày lễ Tết có một nơi để trở về. Họ không may mắn có được một gia đình đầm ấm. Cảm thấy lạc lõng trong thế giới nhộn nhịp và xa hoa, họ muốn tìm về một không gian tâm linh, nơi mà họ cảm thấy được an ủi bởi sự tiếp đón ấm áp của quý thầy, quý sư cô. Họ tìm thấy những người bạn đồng hành trong những giờ pháp đàm, trong những giờ thực tập thiền bên nhau. Trong khóa tu cũng có nhiều người trẻ gặp khó khăn nhờ quý thầy, quý sư cô giúp. Những em trong lứa tuổi vị thành niên đã bị chìm đắm trong dục tình và thuốc phiện. Cuộc sống sa đọa và khổ đau đã giày vò các em. Sự có mặt của quý thầy, quý sư cô, sư chú trẻ đã giúp các em đi ra khỏi những dằn vặt khổ đau.

Sau khóa tu Holiday, chúng tôi được nghỉ hai ngày, các chị em ngồi quây quần gói bánh bột lọc trong phòng ăn xóm Tùng trong khi ngoài trời tuyết đang rơi. Tuyết đã phủ đầy các mái nhà và tràn ngập lối đi. Thầy P.T nói nhớ mẹ quá nên rủ các sư cô, những vị xuất thân từ Huế cùng làm bánh bột lọc cho vui, cho đỡ nhớ mẹ vì đã lâu chưa về thăm nhà. Tôi nhìn thầy thông cảm. Người xuất gia thì phải chấp nhận “cắt ái từ thân”, quên tình riêng mà chỉ có tình nhân loại. Và lý tưởng là con đường đưa đến sự giải thoát cho mình và cho người khỏi những khổ đau, hệ lụy. Nhưng vẫn còn là một con người nên làm sao tránh khỏi nỗi nhớ nhà, nhất là phải ở một xứ lạnh như thế này thì một người xuất thân từ vùng nhiệt đới chắc là phải nhớ quê hương nhiều rồi. Tôi nghĩ chỉ có tình huynh đệ mới có thể xoa dịu được nỗi nhớ nhà.

Mỗi ngày tuyết bắt đầu rơi nhiều, có ngày lạnh dưới 10 độ âm. Mỗi sáng thức dậy tôi thấy mũi mình nghẹt cứng. Khi ra ngoài tôi thấy mình phùng phình như người Eskimo, di chuyển nặng nề. Tôi phải khoác lên người gần một ký lô đồ ấm, áo len, áo khoác, mũ, khăn choàng cổ và đôi giày đi tuyết. Dưới đế giày phải gắn click (một loại vấu có gắn nhiều đinh để bám vào tuyết), nếu không gắn click vào thì khi đi có thể bị té vì có vài chỗ tuyết biến thành đá rất trơn trợt. Tôi đã bị té một lần nhưng rất… ngoạn mục nên không hề hấn gì. Tuy đã phủ kín người mà tôi vẫn thấy cái lạnh tát vào mặt mình tê buốt, tôi thấm thía cái lạnh cắt da là như thế nào.

Ở trong một căn nhà ấm áp tôi thấy mình may mắn, vì tôi liên tưởng đến những người không nhà cửa hoặc thiếu tiện nghi thì không biết họ phải chịu lạnh như thế nào. Tuy trời lạnh vậy, nhưng đại chúng không bỏ buổi thiền hành nào. Mỗi khi đi vào khu rừng thông của Bích Nham, tôi cảm tưởng như mình đang đi vào khu rừng của nữ hoàng băng giá trong phim “The Frozen”. Hồ nước trong veo bây giờ đã đóng băng, suối cũng đóng băng, mình có thể đi lên trên và nhảy múa được nữa. Nhưng tiếng suối vẫn róc rách reo, dưới những lớp băng nước suối vẫn chảy. Tuyết trắng đã phủ đầy trên mặt đất khắp mọi nơi.

Rừng Bích Nham rất đẹp. Mùa đông, cây trong rừng chỉ còn trơ lại thân cây cằn cỗi. Những chiếc lá vàng khô đang ngủ yên trên mặt đất dưới lớp tuyết trắng, chắc nó đang chuẩn bị chuyển mình cho mùa lá mới. Đi dọc theo bờ suối, tiếng suối reo làm tôi nghĩ đến những chén trà thơm mỗi buổi sáng. Từ lâu đại chúng Bích Nham đã dùng nước suối chảy ra từ vòi, người chủ cũ đã làm hệ thống hứng nước suối từ nguồn cho vào hệ thống vòi nước để sử dụng. Sáng nào tôi cũng dùng nước suối trong vòi để pha trà. Tôi có thể nhìn xuyên suốt qua những hàng cây thật xa để thấy khu rừng của Bích Nham khá rộng. Nghĩ đến Thầy, Thầy đã đi trong rừng này bao nhiêu lần.

Sự tiếp nối

Hôm chị Q đến báo tin cho tôi biết Thầy bị xuất huyết não, nói xong chị nghẹn ngào. Tôi lặng người nhưng cũng choàng tay qua ôm chị. Chị nói: “Sư cô muốn về Làng thì về đi, Q sẽ ở lại đây”. Khi chị đi rồi, tôi ngồi thật yên, những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên má. Tôi thở vào thật sâu để đối diện với cái gì đang xảy ra trong đầu mình. Sự lo sợ mình sẽ mất đi một vị Thầy mình thương kính nhất trên đời, một điều mà tôi nghĩ sẽ còn lâu lắm.

“Mới khóa tu 21 ngày mình còn gặp Thầy mà?” Tôi nhớ lại mới hôm nào đưa cháu Tí vào chào Thầy, Thầy về phòng nghỉ ở xóm Mới, sau khi cho bài pháp thoại trong khóa tu 21 ngày với chủ đề: “Sau khi chết mình sẽ đi về đâu?”. Thầy dạy thị giả đem cam ra dùng. Thầy vừa cắt cam vừa hỏi thị giả: “Đây là giây phút gì vậy con?” Thị giả thưa: “Bạch Sư Ông, đây là giây phút hạnh phúc ạ!” Tôi cười trong bụng, đúng là sư em đã thuộc bài. Nhưng Thầy đưa cho tôi một múi cam và nhìn vào mắt tôi rồi nói: “Đây là giây phút của tình thầy trò”. Tôi ngồi yên cảm động nhận lấy múi cam từ tay Thầy trao cho. Trong thời gian ở xóm Mới, tôi đã được lên ăn trưa với Thầy vài lần ở Sơn Cốc, được ăn măng kho từ tay Thầy nấu lấy. Vì vậy sự việc xảy ra quá bất ngờ làm tôi đến lặng người.

Khi thông báo với đại chúng sáng mai ngồi thiền tụng kinh gửi năng lượng cho Thầy, tôi nghẹn ngào không nói dứt câu. Sư cô Đoan Nghiêm đã lên tiếng dùm là Thầy bị bệnh nặng. Một bầu không khí yên lặng bao trùm trong đại chúng. Một không gian im lặng, không một tiếng nói, tiếng cười như mọi khi. Tôi thấy những ánh mắt buồn bã của các sư em. Tôi muốn trấn an các sư em, nhưng trong thâm tâm tôi cũng không khá gì hơn. Trong buổi họp giáo thọ sáng hôm sau, quý thầy quý sư cô giáo thọ cùng góp ý cho nhau: “Là sư anh sư chị lớn, mình phải làm sao để giữ vững sự bình tĩnh khi biến cố xảy ra, mình phải tổ chức như thế nào?” Sư chị Chân Đức chia sẻ rằng: “Thầy rất sợ những điều có thể xảy ra sau khi Thầy mất. Điều thứ nhất là Tăng thân không có sự hòa hợp. Điều thứ hai là pháp môn căn bản của Làng Mai bị biến chất. Điều thứ ba là Tăng thân không có sức khỏe”.

Mọi người đồng ý là mình phải nhắc nhở các sư em thực tập pháp môn căn bản cho vững vàng. Khi đi thì không nói, khi nói thì không đi. Giữ im lặng hùng tráng sau giờ ngồi thiền tối, không cười đùa, không chơi đá banh, v.v… và những ai có vấn đề với nhau thì nên giải quyết để có sự hòa hợp. Ngày làm biếng, chúng tôi cũng thực tập công phu chung hai xóm để gửi năng lượng cầu nguyện cho Thầy. Thời gian này, hầu như mọi người đều trở nên trầm tư và hết lòng thực tập. Đại chúng để hết thân và tâm của mình trong những buổi ngồi thiền. Tiếng tụng kinh rất hùng hồn, ai cũng tập trung tất cả năng lượng để cầu nguyện cho Thầy. Sau giờ ngồi thiền tối, không một tiếng nói cười như mọi khi nữa mà chỉ còn lại không gian sâu lắng. Những buổi thiền hành không vắng một ai. Mỗi bước chân đi đều hướng về Thầy. Tôi chưa bao giờ thấy năng lượng thực tập miên mật và sâu lắng như lúc này. Khi sự thực tập đến từ trái tim thì sự thực tập đó trở nên thật sâu sắc.

Mỗi ngày sư em tri sự xóm Trăng Tỏ đều hỏi tôi về tình hình sức khỏe của Thầy. Một hôm sư em đi làm về, với gương mặt u buồn, sư em hỏi tôi: “Sư mẹ ơi, Sư Ông sao rồi, có khỏe hơn không? Sư mẹ cho con biết đi, vì các chị ai cũng nói buồn và không có năng lượng để chấp tác”. Khi có tin Thầy khá hơn, tôi liền cho sư em biết để sư em thông báo lại cho các sư em khác, có vậy các sư em mới có tinh thần làm việc. Tôi có khuyên các sư em về vô thường, là mình nên chấp nhận sự thật về Thầy đã lớn tuổi rồi, v.v.. Nhưng sư em không chịu, sư em nói rằng: “Con có linh tính là Sư Ông sẽ còn sống lâu lắm. Chúng con còn nhỏ, còn cần Sư Ông mà!”

Thật vậy, các sư em cũng còn nhỏ lắm, các sư em Trời Trong Sáng và Trăng Tỏ Tường năm nay cũng chỉ 13 tuổi thôi. Sư em thị giả của tôi, sau khi đi pháp đàm về, tôi hỏi sư em đã nghe gì khi đại chúng chia sẻ về tình hình của Thầy. Sư em nói rằng: “Một số chúng con mới xuất gia nên chưa biết nhiều về Sư Ông, vì vậy có buồn cũng không buồn bằng các sư cha, sư mẹ. Chúng con nghĩ rằng, nếu có gì xảy ra thì chúng con còn có Tăng thân để nương tựa”. Nghe sư em nói, tôi thấy mình nên chánh niệm nhiều hơn trong sự biểu lộ cảm xúc, vì các sư em rất cần sự vững chãi của các sư cha, sư mẹ để cho các sư em nương tựa.

Trong thời gian này, tôi vẫn phải tiếp tục lo giấy tờ để đi Mỹ. Tôi muốn về Làng để có mặt bên Thầy giờ phút cuối! Nhưng sau khi nói chuyện với sư cô Chân Không, biết rằng bệnh của Thầy có khả năng hồi phục, vẫn còn hy vọng.

Sư cô khuyên tôi hãy đi Bích Nham thay vì về Làng vì nơi đây đang cần. Gặp lại Thầy ở Bích Nham, đó là niềm hy vọng của tôi. Tôi lên chào Sư Bá để ngày mai đi Bích Nham. Sư Bá chúc tôi đi đường bình an và dường như Sư Bá cũng biết tôi vẫn còn lo lắng về bệnh của Sư Ông, Sư Bá khuyên: “Chuyện Sư Ông bệnh đã cho mình thấy những điều đã xảy ra. Đầu tiên mình thấy đại chúng xuất sĩ ở các tu viện trên thế giới tu tập miên mật hơn. Thứ hai là các đệ tử của Sư Ông trên toàn thế giới cùng hướng về tu tập trong mỗi bước chân, hơi thở. Thứ ba là bao nhiêu loài sinh vật được cứu thoát nhờ nhiều người ăn chay để hồi hướng cho Sư Ông. Thứ tư là cả thế giới đang nhìn về sự phản ứng của Tăng thân, v.v.” Sư Bá còn nói nhiều mà tôi chỉ nhớ được bấy nhiêu. Sư Bá kết luận: “Bệnh của Sư Ông vậy mà hay lắm!” Tôi chỉ tròn mắt lắng nghe, nhưng trong lòng cảm thấy nhẹ đi rất nhiều.

Dù trời có lạnh đến đâu, mỗi buổi sáng tôi vẫn thức dậy thật sớm, thắp hương cúng Bụt, Bồ tát và những người thân trong gia đình đã mất. Đó là thời gian cho tôi trở về với chính mình. Tôi nhớ đến Thầy bây giờ đang nằm trong bệnh viện. Tôi phải chấp nhận sự thật sẽ phải xảy đến cho tất cả mọi người, kể cả chính tôi. Vô thường là sự thật không ai có thể tránh thoát. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy rằng: “Vô thường, lão, bệnh, bất dữ nhân kỳ…” Vô thường, già, bệnh là điều mà không ai có thể tránh thoát. Nhưng trong tôi vẫn còn nhiều hy vọng rằng Thầy sẽ vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này. Chắp tay tôi cầu nguyện: “Cầu nguyện cho mỗi tế bào trong cơ thể của Thầy là một vị Bồ tát có thể chữa lành cơn bệnh và hồi phục lại sức khỏe cho Thầy”.

Đêm qua, tôi nằm mơ thấy Thầy về trong giấc mơ của mình. Tay trái Thầy nắm bàn tay phải của tôi, và tay phải của Thầy nắm rất nhiều tay của các thầy, các sư cô khác. Trong giấc mơ tôi thấy mình thắc mắc: làm sao Thầy có thể nắm hết tay của những vị khác trong khi chỉ có một bàn tay? Sau đó Thầy trò cùng đứng ngắm một thân cây cao lớn đứng ở giữa, rồi Thầy buông tay mọi người và đi lên thuyết pháp. Đến đây thì tôi chợt thức giấc và thấy tiếc nuối vì không biết Thầy đã nói gì trong bài thuyết pháp ấy. Thầy đang có mặt trong tất cả chúng tôi, đó là điều Thầy muốn nói. Thầy đang muốn chúng tôi cùng nắm tay nhau, sống hòa hợp và  thương yêu nhau để xây dựng Tăng thân. Tăng thân đang có mặt khắp mọi nơi, chỉ cần chúng tôi nắm tay nhau làm cho Tăng thân lớn mạnh thì lúc ấy là “tay Thầy trong tay con” rồi đó.

Thương kính gửi Thầy

Thầy ơi, rừng Bích Nham đẹp quá! Con đang đi cho Thầy đây. Con không thể về thăm Thầy bằng phương diện tích môn, nhưng con đang thăm Thầy trong mỗi phút giây của bản môn. Con đã gặp Thầy trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân. Con đã gặp Thầy trong con suối chảy quanh, trên con đường phủ đầy tuyết trắng, qua những thân cây thẳng đứng dưới trời giá lạnh. Con đã gặp Thầy ở khắp mọi nơi.

Thầy ơi, sự sống mầu nhiệm vẫn tuôn chảy. Thầy thương kính, những gì Thầy dạy chúng con trong những năm qua đã và đang bắt đầu hình thành để trở thành những dòng sông cùng lưu chuyển đưa chúng con ra biển lớn. Trong thời gian qua khi Thầy vắng mặt, có nhiều vị giáo thọ đã thay Thầy cho pháp thoại. Ở Bích Nham, thầy P.T là vị giáo thọ trẻ tuổi nhất cũng vừa cho pháp thoại sáng nay. Chiều nay, chị em chúng con cùng nhau pháp đàm về bài pháp thoại sáng nay, thầy Pháp Lạc nói rằng: “Không có ai làm lỗ vốn Sư Ông đâu!” Con mỉm cười đồng ý cả hai tay.

Con nhớ trong một buổi vấn đáp chót của khóa tu 21 ngày. Có một em trai 12 tuổi hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy dạy rất nhiều trong khóa tu này nhưng Thầy chưa cho biết là sau khi chết mình sẽ đi về đâu?” Và Thầy đã trả lời: “Sự thật là mình không bao giờ chết, mình chỉ có sự tiếp nối mà thôi”. Thầy cũng đã từng nói: “Không phải đợi sau khi chúng ta chết đi mới có sự tiếp nối. Sự tiếp nối đó đã xảy ra trong từng phút giây trong đời sống hiện tại của mình rồi”. Con biết một điều là: chúng con không làm lỗ vốn Thầy vì chúng con là sự tiếp nối của Thầy!

Viết xong ngày 12 tháng 01 năm 2015.

Dấu ấn Làng Mai

Câu hỏi: Hiện nay pháp môn Làng Mai đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, với nhiều trung tâm như Làng Mai tại Thái Lan, Hồng Kông, Mỹ châu, Úc châu, Đức v.v. Khi đến mỗi đất nước, ta cần thực tập uyển chuyển để thích nghi với hoàn cảnh xã hội và văn hóa địa phương. Vậy làm thế nào để biết là mình đang thực tập theo đúng truyền thống của Làng Mai?

Thầy Pháp Hội trả lời:

Thế nào là truyền thống Làng Mai? Pháp Hội cũng không trả lời được. Tăng thân Làng Mai là một cộng đồng mở, có một sức sống nội tại rất lớn và luôn thay đổi để đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh. Truyền thống của Làng cách đây hai chục năm, ba chục năm khác với bây giờ rất nhiều. Ngày trước, kết thúc giờ ngồi thiền bằng hai tiếng chuông là đúng, còn bây giờ chỉ thỉnh một tiếng chuông vẫn đúng, bởi vì những quy định đó được thay đổi theo thời gian. Đi kinh hành cũng khác với ngày xưa. Ngày trước đi hai vòng, bây giờ đi có một vòng, chẳng lẽ lại nói đó là không đúng? Đó vẫn là truyền thống Làng Mai.

Truyền thống Làng Mai nằm trong từng bước chân, từng hơi thở, từng bữa ăn im lặng trong từng sinh hoạt hàng ngày. Nếu ta chỉ dựa vào hình thức để nhận ra truyền thống Làng Mai thì không đúng, vì chúng có thể thay đổi theo thời gian. Thầy đã từng dạy rằng pháp môn Làng Mai, truyền thống Làng Mai phải được đóng dấu “Đã về, đã tới. Bây giờ, ở đây”. Nếu thiếu chất liệu đích thực đó thì không phải là truyền thống Làng Mai. Hình thức thì có thể thay đổi theo năm tháng như: kinh tụng cũng thay đổi, nghi thức truyền Năm Giới cũng thay đổi v.v. Ngày trước, trong nghi thức truyền Năm Giới có truyền Tam Quy (Quy y Tam Bảo), bây giờ không có nhưng lại có thêm lễ dẫn thỉnh trước khi truyền giới. Chẳng lẽ ta nói đó không phải là truyền thống Làng Mai? Đó vẫn là truyền thống Làng Mai, không khác.

Tuy nhiên, có những nguyên tắc không thay đổi theo thời gian, ví dụ: là một thành viên của tăng thân thì ta phải sống trong tăng thân, cùng thực tập những thanh quy do tăng thân đề ra. Thầy  từng định nghĩa tăng thân là một tập thể gồm những người thực tập cùng một pháp môn, ở chung một chỗ, cùng thực tập Giới luật… Giáo lý và tuệ giác mà Thầy trao truyền cho chúng ta như một dòng sông, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Lấy về pha trà cũng được, về nấu canh cũng được, mà lấy về tắm cũng được, tùy theo sở tích, tùy theo nhu cầu của mỗi người, miễn là có lợi cho người đó. Thế nhưng để được đóng dấu là tăng thân Làng Mai thì phải có những tiêu chí kể trên.

Được sống trong tăng thân, ta có cơ hội được rèn luyện bằng nhiều cách. Ta sẽ được trải nghiệm qua nhiều công việc khác, ta sẽ được luân phiên làm tri xa, tri khố, tri sự, hoặc Ban điều hành, v.v. và ta cũng phải làm giáo thọ nữa. Chính những việc đó sẽ làm cho ta lớn lên theo chất liệu của Làng Mai. Với tinh thần “Đi như một dòng sông”, ta sẽ được lớn lên và thành tựu những chất liệu đó như một cơ thể của tăng thân, mà không còn là một cá thể biệt lập, ở đó anh hùng cá nhân hoàn toàn vắng mặt. Nếu ta không nằm trong dòng chảy đó, không theo được dòng chảy đó thì ta không thể nào hiểu rõ truyền thống của Làng hay hướng đi của Làng.

Câu hỏi: Là một sư anh lớn, xin thầy có thể chia sẻ cho chúng con kinh nghiệm làm thế nào để có thể thực tập vững chãi và lâu bền trong tăng thân?

Thầy Pháp Hội trả lời:

Khi mới vào sống trong tăng thân, ta thấy rất hạnh phúc. Vài năm sau, ta thấy hạnh phúc bay đâu mất và ta ngạc nhiên tự hỏi: sao các sư anh, sư chị có thể sống lâu như thế trong đại chúng? Họ có bí quyết gì? Người ta thường nói: người đi tu giống như “bông xoài trứng cá”, thường rơi rụng nhiều lắm. Người phát tâm đi tu thì nhiều nhưng để giữ vững được tâm ban đầu của mình thì quả thực là không phải dễ.

Trong buổi vấn đáp, có một em nhỏ hỏi Thầy: trên thế giới này có bao nhiêu thầy tu? Thầy trả lời theo kiểu thiền sư: “Chỉ có một mình thầy thôi!”. Thầy trả lời như vậy vì Thầy quán chiếu và thấy được tâm lý của người hỏi. Đôi khi ta theo đạo vì thấy ông bà cha mẹ theo thì ta theo, hoặc ta thấy đạo đó có nhiều người theo, hoặc ta thấy có nhiều tư tưởng cao siêu, hoặc đơn giản chỉ là để cho “khác đời” mà thôi. Nhưng đối với Thầy, niềm tin đối với đạo phải phát xuất từ chính mình. Nếu niềm tin của ta phải dựa vào người khác thì ta vẫn còn bị coi là người “chạy theo đám đông”. Niềm tin đó dù đúng nhưng chưa phải là của ta, chưa đủ vững. Cho nên khi thấy một sư anh, sư chị tu lâu mà vẫn rớt thì niềm tin của ta bị lung lay. Trời ơi! Người đó tu hai chục năm rồi mà sao vẫn rớt? Vậy thì tu theo pháp môn này không biết có đúng không? Sở dĩ ta bị lung lay như vậy là vì niềm tin đó chưa trở thành niềm tin của chính mình.

Niềm tin vào con đường tu phải được xây dựng chủ yếu trên chính mình. Ta phải nương tựa tăng thân, nhưng ta dùng những chất liệu của tăng thân để làm thành niềm tin của chính mình. Tăng thân phải trở thành chính mình. Lúc đầu là: Con về nương tựa Bụt, bởi vì ta thấy Bụt ở bên ngoài. Sau đó quá trình mới sâu sắc hơn: Đã về nương tựa Bụt. Cuối cùng, đến mức cao hơn là Về nương Bụt trong con. Sự thực tập nương tựa Tăng cũng vậy. Thầy đã dạy rằng Tam Quy là một sự thực tập rất sâu sắc.

Ban đầu ta nương tựa vào đại chúng, vào Thầy, vào các sư anh, sư chị lớn là vì lúc đó ta chưa tạo ra niềm tin bên trong, một niềm tin không “rò rỉ”. Niềm tin đó phải được xây dựng từ một bước chân có an lạc, một hơi thở có an lạc, hay những lúc ta điều phục được tâm ý… Nếu chỉ nương tựa vào Thầy, vào các sư anh, sư chị lớn trong tăng thân thì chưa đủ. Ta phải nương tựa vào hải đảo tự thân của chính mình. Ta nương tựa vào Thầy, vào các sư anh, sư chị là để lấy chất liệu đó rồi làm thành của chính mình. Khi niềm tin trong mình đã trở nên vững chãi thì dù sư anh, sư chị ta tu không đúng đường, ta vẫn không mất niềm tin và không bị lung lay khi thấy người đó rời khỏi tăng thân.

Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca

Hỏi: Thưa thầy, Sư Ông là người có khả năng gom năng lượng của đại chúng và đóng vai trò như một vị nhạc trưởng. Vậy tăng thân cần thực tập như thế nào để thấy được vị nhạc trưởng luôn còn đó cho mình?

Thầy Pháp Ấn chia sẻ:

Mười mấy năm trước, Sư Ông từng dạy rằng trong các buổi họp chúng hay các buổi họp Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, mình nên để một bồ đoàn và tọa cụ trống dành cho Sư Ông để ý thức rằng Sư Ông cũng đang ngồi đó. Và trong buổi họp, khi cần giải quyết một vấn đề gì, mình phải đặt mình vào vị trí của Sư Ông: trong hoàn cảnh đó, Sư Ông sẽ giải quyết sự việc như thế nào? Khi tác bạch hay chia sẻ trước đại chúng, mình cũng chắp tay thưa: “Kính bạch Sư Ông, kính thưa quý thầy, quý sư cô…”. Thành ra từ trước đến nay, đại chúng luôn thực tập với ý thức là Sư Ông lúc nào cũng có mặt đó cho mình.

Tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), trong các buổi lễ hay trong các buổi họp, đại chúng luôn đặt một gối trống dành cho Sư Ông. Sư anh thấy rất rõ là Sư Ông chưa bao giờ vắng bóng trong các buổi họp hay trong các quyết định của đại chúng.

Sư anh cũng đang tập hành xử giống Sư Ông. Vì sư anh có cơ hội đi theo Sư Ông bao nhiêu năm nay nên cũng học hỏi được ít nhiều từ cách hành xử của Sư Ông. Các sư anh, sư chị lớn đã từng có cơ hội làm việc với Sư Ông thì dù ít hay nhiều cũng đều tiếp nhận một phần nào đó tuệ giác của Sư Ông trong cách hành xử, cách quyết định cũng như cách điều động, hướng dẫn đại chúng. Vì vậy, các sư anh, sư chị lớn sẽ tiếp nối và hướng dẫn đại chúng đi theo con đường của Sư Ông bằng con mắt của tăng (tăng nhãn).

Sư Ông đặt tất cả niềm tin nơi tăng thân. Sư Ông tin tưởng vào tuệ giác của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni khi làm quyết định. Đường lối của Sư Ông vạch ra rất rõ ràng. Vấn đề chính là mỗi vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni có đóng được vai trò của mình hay không? Đó là điều quan trọng, chứ không phải là vấn đề Sư Ông có mặt hay không có mặt.

Là một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni trong đại chúng, mình phải lãnh trách nhiệm của mình. Mình phải nói lên tiếng nói của mình trong tất cả các sự việc mà đừng bao giờ nói sau lưng, đừng nói ý kiến của mình với người thứ hai, thứ ba ngoài buổi họp. Mình phải thực tập nói thẳng ý kiến của mình trong những buổi họp và phải đặt mình trong vị trí là nếu Sư Ông ở trong hoàn cảnh đó thì Sư Ông sẽ quyết định ra sao. Nếu mình có được cơ hội tiếp nhận và học hỏi từ kinh nghiệm sống của Sư Ông thì mình phải nói ra, như vậy thì cái thấy của tăng thân sẽ toàn vẹn hơn.

Mỗi người trong chúng ta đều tiếp nhận cách sống của Sư Ông từ một góc độ khác nhau. Không ai có thể nói rằng mình đã tiếp nhận một cách hoàn toàn nếp sống và cách xử sự của Sư Ông, mình chỉ tiếp nhận một phần nào đó thôi. Nhưng khi tất cả thành viên của Hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đều nói lên tiếng nói của mình thì sẽ làm cho Sư Ông hiện diện một cách đầy đủ. Còn nếu mỗi thành viên của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni không mạnh dạn đóng góp ý kiến của mình thì lúc đó Sư Ông sẽ vắng mặt. Do đó sự vắng mặt hay có mặt của Sư Ông tùy thuộc vào sự thực tập của mỗi thầy, mỗi sư cô trong đại chúng.

Mình phải nói ra được cảm nhận của mình. Mình có trách nhiệm nói ra cho đại chúng biết cái thấy của mình về vấn đề hay sự việc đó, nhưng hãy để cái thấy của Tăng thân làm quyết định cuối cùng. Đó cũng là sự thực tập buông bỏ ý kiến cá nhân và nương theo tuệ giác chung của tăng thân. Cho dù quyết định cuối cùng có đi ngược ý kiến của mình thì mình cũng tập hoan hỷ chấp nhận không vì đó mà đau khổ.

Mình cần tránh tình trạng tạo phe, nhóm trong chúng. Đại chúng càng đông thường có những nhóm nhỏ được hình thành. Mình có quyền chơi chung để nâng đỡ nhau, giúp cho nhau, nhưng khi vào buổi họp, mình cần bỏ tinh thần phe phái để nương theo cái thấy chung của toàn chúng, vì lợi ích của toàn chúng. Như vậy thì tăng thân mới có một tương lai đẹp.

Cho nên vấn đề không phải là vị nhạc trưởng có mặt hay không có mặt, mà vấn đề là mỗi người trong đại chúng thực tập như thế nào để dàn nhạc cùng tấu lên bản nhạc của nó. Và mỗi thành viên đóng góp vào bản nhạc đó như thế nào? Mình hợp tác bao nhiêu phần trăm với các sư anh, sư chị lớn để đưa đại chúng đi tới? Mình chỉ có thể hợp tác được khi tâm mình rỗng rang, mình không bị buồn giận, ganh tỵ, vướng mắc làm sai lệch cái thấy của mình. Nếu mình là một người tu chân chính, luôn ý thức vun bồi con đường tu học của mình thì mình sẽ giúp được cho tăng thân đi tới. Còn nếu mình không phải là một vị chân tu, mình để cho những buồn giận, ganh tỵ, vướng mắc sai xử, chỉ biết làm lợi ích cho cá nhân mà không có được cái nhìn tổng thể thì dù vị nhạc trưởng tài ba đến đâu cũng không thể nào đưa đại chúng đi tới được.

Có thể nói rằng mỗi người trong chúng ta là một vị nhạc trưởng, đóng góp vào công trình đưa tăng thân đi tới. Mình phải thấy được vai trò của mình. Chính mỗi người trong chúng ta là một vị nhạc trưởng mà không phải có một vị nhạc trưởng nào đứng bên ngoài. Đó cũng là cách hoạt động của não bộ. Trong hệ thần kinh trung ương không có một tế bào thần kinh nào là tế bào thần kinh chủ, mà tất cả các tế bào đều làm việc chung với nhau tạo thành những mạng lưới thần kinh giúp cơ thể hoạt động. Mình cũng vậy, mình phải tập làm một tế bào thần kinh đóng góp vào những sinh hoạt chung để giúp mạng lưới thần kinh, giúp đại chúng đi tới. Do đó sự thực tập vô ngã, vô tướng, vô nguyện (hay vô tác) rất quan trọng và mình phải thực tập thành công thì đại chúng mới có một tương lai.

Hỏi: Thưa thầy, hiện nay nhiều người trên thế giới quan tâm rằng: khi Sư Ông không còn tiếp tục biểu hiện dưới hình hài quen thuộc thì ai sẽ là người tiếp nối Sư Ông và tiếp nối như thế nào?

Thầy Pháp Ấn chia sẻ:

Sư Ông luôn trao truyền sự sống của mình trong từng giây từng phút cho những người đệ tử xuất gia cũng như tại gia. Mỗi vị đệ tử có thể tiếp nhận một cách khác nhau, cũng giống như trong kinh, Bụt có dùng hình ảnh cơn mưa để làm ví dụ cho sự trao truyền và tiếp nhận giáo pháp: khi cơn mưa rơi xuống thì những cây lớn hút nhiều nước và những cây nhỏ hút ít nước hơn. Cũng như vậy, khi Sư Ông trao truyền kinh nghiệm sống của mình cho các đệ tử, có những sư anh, sư chị, sư em “uống” nhiều mưa pháp, cũng có những sư anh, sư chị, sư em “uống” ít hơn, nhưng người nào cũng “uống” một phần nào đó của cơn mưa. Những giọt nước mưa đó làm nên sự sống của mình. Vì vậy khi Sư Ông không còn tiếp tục biểu hiện dưới hình hài quen thuộc thì sự tiếp nối vẫn có mặt trong đại chúng một cách rất cụ thể.

Thật ra, Sư Ông đã lên đường và đang đi vào các đệ tử của mình (xuất gia cũng như tại gia) trong từng giây, từng phút qua những bài pháp thoại, qua cách đi thiền hành, cách ăn cơm, qua cách nhìn, cách nói, cách lắng nghe, cách hành xử… Tất cả những cái đó đã đi vào trong từng người đệ tử một và mỗi người đệ tử tiếp nhận một cách khác nhau. Có người thì tiếp nhận cách nói của Sư Ông, có người tiếp nhận cách lắng nghe của Sư Ông, có người tiếp nhận cách đi của Sư Ông, có người tiếp nhận cách ngồi của Sư Ông, có người tiếp nhận cách suy nghĩ của Sư Ông, có người tiếp nhận cách viết thư pháp của Sư Ông, có người tiếp nhận cách phân tích và tổng hợp của Sư Ông…

Trong một bài pháp thoại, Sư Ông nói rằng Sư Ông đã lên đường từ lâu rồi. Bây giờ nếu Sư Ông có nằm xuống thì đó cũng chỉ là xác thân của Sư Ông nằm xuống thôi, tất cả những tinh ba của Sư Ông đã lên đường rồi. Cũng như khi mình pha trà, chất trà toát ra và hương vị của trà đã lên đường rồi, phần còn lại chỉ là bã trà mà thôi. Sư Ông cũng vậy, nếu muốn tìm Sư Ông thì phải tìm trong các đệ tử của Sư Ông. Đây là chuyện mình có thể thấy rất rõ ràng, chứ không phải là chuyện mơ hồ. Khi thấy một sư em đi, nếu nhìn kỹ, mình có thể nói “Ô! hình như là Sư Ông đang đi”. Và khi thấy một sư em ngồi, mình cũng thấy dáng ngồi của Sư Ông trong sư em. Do đó sự trao truyền và tiếp nối đã có đó rồi.

Sư Ông luôn mong muốn mình có một cuộc đời hạnh phúc, vui tươi, có nhiều bình an và hiến tặng sự bình an, hạnh phúc, vui tươi đó cho những người khác. Đó là nguyện ước của Sư Ông. Nếu trong đời sống hàng ngày mình làm được chuyện đó, mình có bình an, có hạnh phúc, có nhiều tình thương, nhiều hiểu biết và mình giúp cho những người khác cũng làm được như vậy thì mình đang tiếp nối Sư Ông. Đó là một sự tiếp nối rất cụ thể.

Sự tiếp nối không có nghĩa là phải thành đạt một cái gì, mà mình tiếp nối bằng sự sống của chính mình và trao truyền sự sống mầu nhiệm đó cho người khác. Trong bài thơ Trường ca Avril, Sư Ông có viết: “Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca”. Câu đó có thể tóm gọn được ý nghĩa về sự tiếp nối của Sư Ông. Mình đến trong cuộc đời như một bông hoa, mình ca hát cho cuộc đời nghe và làm cho cuộc đời vơi bớt khổ đau. Mình hiến tặng cái đẹp nhất của mình cho cuộc đời. Có những bông hoa rất đẹp và làm nhiều người chú ý, nhưng cũng có những bông hoa im lặng bên đường, rất nhỏ nhưng cũng rất đẹp. Bởi vì mỗi một bông hoa đều đang hát lên lời ca của riêng mình và chưa bao giờ ngừng trao truyền sự sống. Nếu mình làm được như vậy thì mình đang tiếp nối Sư Ông một cách rất rõ ràng và cụ thể. Một khi nắm được phương pháp thực tập rồi thì mình có thể giúp được cho mình và cho nhiều người.

 

Nụ cười trong tim

(Hành trình về miền Bắc Thái Lan – Khóa tu Wake Up tại Chieng Dao, Chiang Mai 12-2014)

Một Chuyến Đi Ý Nghĩa

Bạn thân mến! trong cuộc đời chúng ta có rất nhiều chuyến đi và chuyến đi có ý nghĩa, có tình huynh đệ, có lợi lạc cho mọi người là thành quả nuôi lớn hạnh phúc và chí nguyện phụng sự cho cuộc đời. Chuyến đi Chieng Dao, Chiang Mai tại miền Bắc Thái Lan là một cuộc hành trình như thế. Và hơn cả thế nữa là  những điều vô vàn thú vị mà ta thật sự bất ngờ khi được tiếp xúc, được đón nhận từ cuộc sống.

Em có thấy núi không?

Núi ở Chiêng Dao đẹp lắm, hùng vĩ, rộng lớn với dáng đứng nghệ thuật. Khóa tu dành cho người trẻ tại Chieng Dao lần này có 150 bạn thiền sinh (bao gồm người Thái, Việt Nam, Tây phương) và 30 quý thầy, quý sư cô tại Làng Mai Thái Lan hướng dẫn. Phần lớn mọi người đều ngủ lều. Chỗ cắm trại ở gần con suối nhỏ, chung quanh không gian đủ rộng để có thể đi thiền hành, ngồi thiền, pháp thoại, ăn cơm, tập khí công, chơi trò chơi v.v. Được yêu chuộng nhất trong khóa tu lần này là ba bài pháp thoại với các đề tài: Làm Mới chính mình – làm mới với người thương của sư cô Chân Đức; những câu hỏi sống động cho người trẻ cùng với bài giảng Hiện Pháp Lạc Trú của thầy Pháp Lâm; và Tình Thương Chân Thật (True love) của sư cô Linh Nghiêm.

Trong khóa tu này có các em đến từ Nhà Tình Thương (Compassion House, là nơi những em phạm tội ở tuổi vị thành niên) cũng được tham dự. Các em thực tập có nhiều chuyển hóa nên đây là khóa tu Wake Up lần thứ hai các em xin đăng kí tham dự, nét mặt các em tươi hẳn lên và lúc nào cũng chắp tay chào quý thầy, quý sư cô. Các em thực tập hết lòng, biết ngồi yên để nghe pháp, chơi hòa nhịp với các bạn trẻ khác. Các em đã tìm thấy một gia đình mới trong cuộc đời của mình để được nâng đỡ, yêu thương và chia sẻ.

Bạn thân mến!

Nơi đây, dãy núi cao rộng, xanh mướt, bên cạnh là suối chảy róc rách. Có những hôm ta không thấy núi, ta đi tìm núi và tưởng như ở đây không có núi. Nhưng kỳ thật núi có bao giờ chạy mất đâu! Chỉ cần mặt trời lên, mây tan thì bỗng dưng núi lại hiện nguyên vẹn như ta mới lần đầu thấy núi biểu hiện vậy. Chúng ta cũng thế, có những khi lớp mây vô minh cứ hoài che phủ, khiến ta chẳng còn biết mình là ai, ở đâu, làm gì, nói gì. Rồi một hôm mặt trời ý thức xuất hiện, thế là lớp màn vô minh biến mất. Ta thấy được núi. Ta thấy ta.

Mặt trời ấy là chánh niệm, được Tăng thân vun trồng cho ta trong khi ta đi, ngồi, ăn cơm, làm việc và vui chơi,.v.v..  Năng lượng của Tăng thân là biểu hiện của Bụt, của Pháp. Nhờ thế trong khóa tu này đã có biết bao bạn sống dậy được, bắt đầu có ý chí, có niềm tin, có niềm vui chân thực. Có nhiều bạn đã khóc khi chia sẻ về những khó khăn và bế tắc trong cuộc sống, nhưng nhờ khóa tu này, khóa tu có chủ đề “Vì có bạn nên mới có tôi” (You are therefore I am) đã làm mới tâm hồn các bạn. Các bạn biết vén mây để mặt trời ý thức rạng ngời ôm lấy núi, làm cho núi nguyên vẹn, đẹp đẽ và vững vàng.

 

Sứ giả của Thầy

Chiang Mai và những ngày quán niệm

Từ Chieng Dao, Tăng đoàn những vị xuất sĩ đi về phía Chiang Mai – một trong những nơi đẹp nhất tại miền Bắc nước Thái.

Ngày quán niệm đầu tiên tại chùa Wat Pha Lat – nơi này ngày xưa Sư Ông đã từng đến. Ngày thứ hai tăng đoàn đến sinh hoạt tại trường Đại học Maejo, đa phần là các bạn trẻ và một số thầy cô giáo tham dự. Ngày thứ ba là ngày đặc biệt nhất, kì diệu nhất, xúc động nhất trong suốt chuyến đi này: đó là ngày quán niệm tại trại Giáo Dưỡng (trại của những thành viên phạm tội nghiện ma túy, buôn ma túy, giết người…) các bạn dưới mười tám tuổi, có năm trăm bạn, chưa kể đến các vị quản lý.

Chúng tôi phải làm rất nhiều thủ tục, và đợi khá lâu trước khi bước vào trại: nào là không được mang theo tiền, không mang theo những kim loại nhọn, điện thoại… Bước vào cửa là tường thành, và phía trên cao bao bọc bởi dây điện.

Có rất nhiều bất ngờ với tăng đoàn xuất sĩ khi ngồi phía trên nhìn xuống các em. Trong đôi mắt các em như chưa bao giờ từng dính bụi, còn hồn nhiên và trong sáng. Hơn nữa khi được hướng dẫn ngồi yên theo dõi hơi thở, các em làm rất khá. Các em đã ngồi yên, nhắm mắt, đặt tay lên bụng trong vài phút lắng dịu, có thể đó là những hơi thở ý thức đầu tiên trong cuộc đời các em. Sau đó là những hướng dẫn thiền tập căn bản như: thiền ngồi, thiền ăn, thiền chuối, vấn đáp, thiền trò chơi kết nối tình bạn…

Nhìn các em, tôi nghĩ về Thầy mà hai mắt rưng rưng: “Thầy nằm yên, nghỉ ngơi còn các con của Thầy vẫn đi hành đạo”. Nếu các em nhìn thấy chúng tôi thì các em cũng đang nhìn thấy Thầy, bỗng dưng tôi bước chậm lại, vững chãi, thảnh thơi như thể mình là một sứ giả đại diện Thầy về đây có mặt cho các em. Tôi không cần làm gì ngoài việc chuyên chú theo dõi hơi thở và có mặt hoàn toàn. Tôi cảm thấy biết ơn Thầy lắm. Lần đầu tiên gặp Thầy và Tăng thân tôi đã xúc động, chỉ nhìn Thầy đi đứng, chưa nói gì thì đã đỡ khổ rồi, và niềm hạnh phúc từ trong tôi dâng trào. Bây giờ tôi được là thành viên trong Tăng đoàn, được tu tập mỗi ngày, được giúp ích cho các bạn trẻ, được đi vào trại giáo dưỡng để mang đạo Bụt vào cuộc đời, được trao truyền những tinh hoa mà Bụt và Thầy hướng dẫn để giáo hóa con người, và ôm ấp cả những người lầm lỗi trong xã hội.

Bạn thân mến! Bồ Đề Tâm được xuất phát từ tâm thương yêu, nếu như tình thương ấy có hiểu biết và rộng lớn bao la thì ta sẽ có hạnh phúc chân thực.

Quay lại câu chuyện về các em, chúng tôi còn ấn tượng và ngạc nhiên với các em về nhiều điều lắm: Các em hát thiền ca hay và to. Trong lúc hát, các em cười tươi và hát hết lòng “Hảy chay khao, hảy chay ooc, phiềng đọt máy thi dém ban”, nghĩa là thở vào thở ra là hoa tươi mát,.v.v.. Các em tập ăn chuối trong chánh niệm, các em tập ngửi mùi thơm của trái chuối, nhìn rõ trái chuối, cắn trái chuối từ từ và ăn hết quả chuối trong ý thức. Các em làm theo sự hướng dẫn bằng đôi mắt ngạc nhiên và hoan hỷ. Trong buổi vấn đáp, các em đặt ra rất nhiều câu hỏi hay: Vì sao quý Thầy quý sư cô cạo tóc? Vì sao đi tu? Nếu người nam thương người nam, người nữ thương người nữ thì có sao không? Vì sao tăng đoàn biết chúng con ở trại mà đến thăm? Nếu sau khi được ra trại con muốn đến Pakchong xuất gia có được không? Những câu hỏi ấy đều được các thầy, các sư cô trả lời cho các em trước khi chia tay.

Trên đường về, hình như các vị xuất sĩ trẻ đều cảm được rằng: sẽ có một ngày nào đó chúng tôi trở lại đây, để tu tập và có mặt cho các em lâu hơn. Vừa xót thương nhưng vừa hạnh phúc, xót thương vì những lỗi lầm vụng dại của các em, nhưng hạnh phúc vì đất nước Thái Lan đã tạo cho các em một môi trường khá tốt để rèn luyện giúp các em có cơ hội làm lại một con người mới. Hạnh phúc hơn nữa là chúng ta được gặp nhau, gặp nhau bằng đôi mắt của con người mới, gặp nhau vì chúng ta không hề có khoảng cách, ranh giới. Ngay trong phút giây hiện tại cả hai bên đều hết lòng: chúng tôi hết lòng trao truyền, các em hết lòng tiếp nhận và tu tập bằng tâm trong sáng. Vì thế ngày hôm ấy đã thành huyền thoại, mà ai ai cũng chỉ cảm nhận bằng trái tim, ánh mắt và nụ cười trong tim.

Phước đức vô lậu

Ngày cuối cùng trước khi rời Chieng Dao về lại Làng Mai Thái, chúng tôi tự thưởng cho mình một bữa kem. Trên đường đi đến tiệm kem với niềm hào hứng, chúng tôi đi ngang qua một biệt thự vừa sang trọng lại rất thiên nhiên. Sư cô Trang Nghiêm trầm trồ cười, khen đẹp. Bỗng nhiên một vị cư sĩ bước ra thấy Tăng đoàn xuất sĩ, cô chắp tay mừng rỡ, và hỏi đây có phải là Tăng đoàn của Sư Ông Làng Mai không? Cô khoe với chúng tôi cô đang đọc sách của Thầy và muốn được tu tập theo phương pháp Thầy trao truyền. Rồi cô hỏi chúng tôi đang đi đâu? Sau vài phút hỏi thăm, cô xin thỉnh Tăng đoàn ở lại uống trà.

Nhờ phước đức của Thầy, chúng tôi được cả gia đình cúng dường trà, bánh, các thức khác và cả kem. Chúng tôi mời mọi người uống trà trong ý thức, tập cho họ ngồi yên theo dõi hơi thở, ngồi thiền thế nào cho có hạnh phúc, ăn kem trong chánh niệm và … biến tiệm trà, café của gia đình thành đạo tràng, thành meditation hall, nơi thiền tập cho cả nhà.

Ra về, sư em tôi nói: ngày cuối tưởng là được nghỉ ngơi mà mình cũng hành đạo sư chị nhỉ. Em nói trong giọng vui vẻ, phấn khởi, vì vừa được ăn kem vừa giúp ích cho mọi người.

Nước với sữa

Người ta hay ví sự hòa hợp như nước với sữa, có thể hòa lẫn nhau. Chuyến đi lần này cũng vậy, chúng tôi những vị xuất sĩ đã tu tập cùng nhau, làm việc cùng nhau, tổ chức cùng nhau, trao đổi ý kiến trong tinh thần như nước và sữa, hòa hợp, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nhờ vậy mà khóa tu thành công nguyên vẹn, là nguồn cảm hứng cho những khóa Wake up khác trong tương lai. Đặc biệt là các bạn trẻ cư sĩ nòng cốt người Thái Wake Upper đã đóng góp, phụng sự hết lòng trong suốt chuyến đi, như thể những vị hộ pháp cho Tăng đoàn xuất sĩ, giúp cho mọi thứ suôn sẻ và trôi chảy nhẹ nhàng.

Hẹn gặp bạn trong những chuyến đi tới, chúng ta lại được tu tập cùng nhau, một lần nữa khám phá để hiểu chính mình và lý tưởng tuổi trẻ.

Xin gởi đến bạn bài thơ, được viết tại Chieng Dao, trong khi tôi ngồi chơi bên con suối nhỏ.

Ngồi Bên Em

Ngồi bên em ta thấy ấm cõi lòng
Có chú thỏ chạy ngang dòng suối nhỏ
Có chú chim líu lo trên ngọn cỏ
Là thiên đường đã mở lối ta đi.

Ngồi bên em bỗng nhiên ta nhớ thở
Sâu và chậm cuộc đời như hoa nở
Có ánh trăng lặng nhìn em bỡ ngỡ
Bước chân ta hòa nhịp với vầng thơ.

Ta buông gió để gió cùng được thở
Ta buông hoa để hoa đẹp muôn thuở
Ta buông lòng để mãi là biển khơi
Bởi dòng đời là một cuộc đi chơi.


Tình thương lên tiếng gọi

Làng Mai đến Vatican

Trong khi Thầy đang thở những hơi thở bình an trong nhà thương tại Pháp, một phái đoàn gồm 22 thầy và sư cô Làng Mai đã lên đường đến Rome theo lời mời của Đức Giáo hoàng Francis để đại diện Thầy tại Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Vatican. Nội dung chính của Hội nghị là kêu gọi những hành động cụ thể và mang tính tâm linh để chấm dứt nạn buôn người – một hình thức nô lệ hiện đại, nhằm bảo vệ nhân phẩm của những người khốn khó và dễ bị tổn thương nhất đang bị biến thành nô lệ trên thế giới.

Đến với nhau trong tình huynh đệ

Hội nghị có tính lịch sử này không phải là một cuộc gặp gỡ thông thường giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để luận đàm về những vấn đề lý thuyết hay triết học. Sự kiện các nhà lãnh đạo tôn giáo đến với nhau trên cơ sở tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và trong tình huynh đệ, để cùng kêu gọi những hành động cụ thể mang tính đạo đức, vì lòng từ bi đối với tất cả mọi người mà không có sự phân biệt, đã làm cho Hội nghị này có một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thầy Pháp Ấn và sư cô Chân Không – đại diện cho Hội đồng Tỳ kheo và Hội đồng Tỳ kheo ni của Làng Mai – đã cùng đóng con dấu ký tên Thầy vào Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và đọc Thông điệp của Thầy tại Hội nghị. Thông điệp này đã được Thầy chuẩn bị chỉ hai ngày trước khi bị xuất huyết não đột ngột (ngày 11/11/2014).

Với mong muốn có sự tham gia của nhiều truyền thống tôn giáo tại Hội nghị, Tòa Thánh Vatican đã mời đại diện của tất cả các tôn giáo chính trên thế giới: đạo Hồi (với đại diện của hai dòng Shia và Sunni), đạo Cơ Đốc (với đại diện của Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành), đạo Bụt (cùng với Thầy Làng Mai còn có Hòa thượng Datuk K Sri Dhammaratana đến từ Malaysia – đại diện cho truyền thống Nam Tông), đạo Do Thái (có hai tu sĩ đại diện cho các nhánh khác nhau trong đạo Do Thái) và bà Mata Amritanandamayi (thường được gọi là Amma) – một vị Bồ tát nổi tiếng của Ấn Độ, đại diện cho đạo Hindu.

Một ngày Quán niệm tại Vatican

Mùa hè vừa qua (tháng 8/2014), khi Đức Giám mục Sánchez Sorondo – đặc phái viên của Đức Giáo hoàng Francis – đến Làng để chính thức mời Thầy đến Vatican, Thầy đã đưa ra đề nghị là sự kiện mà Vatican dự định tổ chức vào tháng 12 không chỉ giới hạn trong việc ký kết văn kiện và chụp hình trước báo chí mà thôi. “Chúng ta cần có thời gian để ngồi với nhau, đi với nhau và ăn chung với nhau trong bình an. Chúng ta cần có thời gian để lắng nghe nhau một cách sâu sắc và chia sẻ những kinh nghiệm của mình từ góc độ thực tập tâm linh”, Thầy nói với Đức Giám mục Sánchez Sorondo. “Điều đó sẽ rất hữu ích. Chỉ khi nào có những sinh hoạt như vậy thì sự gặp gỡ mới có nhiều lợi lạc. Việc ký kết các văn kiện và đưa ra những tuyên bố sau Hội nghị không quan trọng bằng việc các huynh đệ đến từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau có thời gian để ngồi lại với nhau và chia sẻ tuệ giác cũng như những kinh nghiệm tu tập của mình nhằm giúp mọi người trên thế giới vơi bớt khổ đau”.

Đức Giám mục Sánchez Sorondo rất mong Thầy có mặt tại sự kiện này, vì vậy ông cố gắng thu xếp với Vatican để thực hiện theo lời đề nghị của Thầy. Đức Giám mục đã thu xếp để có một ngày Quán niệm do Vatican chủ trì tại tòa nhà cổ rất đẹp của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican. Theo chương trình, ngày Quán niệm sẽ có ăn trưa trong im lặng và lần đầu tiên, bữa ăn do Vatican thết đãi các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ là thức ăn chay (và không có các sản phẩm từ sữa); có thiền hành qua những khu vườn được trang trí với đài phun nước và các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng; ngoài ra sẽ có thời gian để các đại biểu chia sẻ những điều từ trái tim và lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Ban đầu, Đức Giám mục Sánchez Sorondo rất lo lắng, không biết ngày Quán niệm này sẽ diễn ra như thế nào, vì thực sự đây là điều chưa từng xảy ra ở Vatican. Tuy nhiên, khi thấy nhiều nữ tu của đạo Công giáo – những người đang hết lòng trong công việc giải cứu phụ nữ khỏi nạn buôn người và nạn mại dâm – bày tỏ mong muốn tham gia hoạt động này thì Đức Giám mục thay đổi quan điểm của mình. Sau đó, năm mươi thành viên của phái đoàn chính thức đi cùng bà Amma cũng muốn tham gia. Cuối cùng thì hơn 120 đại biểu – những người thực tập tâm linh và các tác viên xã hội tham gia vào lĩnh vực giúp chữa lành vết thương cho các nạn nhân của nạn buôn người – đã tham gia ngày Quán niệm.    

Niềm vui bên nhau

Mở đầu ngày Quán niệm, tăng đoàn đã niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm để gửi năng lượng bình an và trị liệu đến Thầy cũng như đến các nạn nhân đang chịu áp bức và khổ đau trên thế giới. Chúng tôi đều ý thức rằng Thầy cũng đang có mặt với chúng tôi trong giây phút ấy. Sau khi niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn chia sẻ với các đại biểu về những pháp môn tu học ở Làng Mai, gây xúc động rất sâu sắc. Tiếp đó, thầy Pháp Lưu hướng dẫn mọi người thực tập các động tác chánh niệm. Có lẽ đây là lần đầu tiên có buổi tập theo kiểu yoga (“body yoga”) trong lịch sử hàng thế kỷ qua của tòa nhà này.

Trong tinh thần giao lưu, chia sẻ giữa các tôn giáo, chúng tôi được nghe một bài thuyết trình từ một nữ tu sĩ Công giáo đang tham gia trực tiếp vào công việc cứu giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Bài chia sẻ này thực sự đánh động đến tất cả chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi  còn được nghe chia sẻ của Đức Giáo hoàng và một tu sĩ đạo Hindu – người đang phụ trách các công tác xã hội cho bà Amma. Sau phần giao lưu chia sẻ, các đại biểu cùng ra ngoài trời để thiền hành với nhau như những huynh đệ trong một gia đình tâm linh. Thầy Pháp Ứng đã dẫn đoàn thiền hành đi qua những khu vườn xanh mát dưới ánh nắng ấm áp. Một vài sư cô nắm tay các nữ tu Công giáo cùng đi thiền hành. Chúng tôi đã tiếp xúc được với chất liệu từ bi và tâm bồ đề gắn kết chúng tôi với các huynh đệ đến từ các truyền thống khác trong buổi sáng hôm ấy. Vì có khá đông người tham dự nên buổi ăn trưa không thể sắp xếp theo kiểu ăn trưa nghi lễ, mọi người ngồi xung quanh sân vườn dưới nắng ấm, thưởng thức những món ăn Ý được nấu rất khéo trong không khí bình an và thắm tình huynh đệ. Năng lượng đó vượt lên trên không khí chính trị và những phức tạp của trung tâm Vatican đầy quyền lực này.

Ngày Quán niệm được tiếp tục với những chia sẻ thân tình và phần vấn đáp vào buổi chiều. Câu chuyện của sư cô An Nghiêm về chính mình cũng như về tổ tiên huyết thống đã đánh động rất nhiều người. Thầy Pháp Dung làm cho không khí trở nên vui tươi khi hướng dẫn mọi người hát bài “Tôi yêu thiên nhiên, thiên nhiên thật tuyệt vời!” kèm theo những động tác tay rất dễ thương. Chúng tôi có cảm giác các đại biểu đến từ các truyền thống khác không chỉ tò mò muốn tìm hiểu thêm về những thực tập của Làng Mai mà còn mong muốn tiếp xúc với chất liệu bình an, niềm vui và sự nhẹ nhàng mà tăng thân đã đem lại cho Hội nghị. Chúng tôi đều cảm nhận được một sự gần gũi, lân mẫn vượt thoát biên giới tôn giáo và quốc gia. Chúng tôi rất biết ơn Tòa thánh Vatican đã tin tưởng và tạo điều kiện để cho chúng tôi và các đại biểu tham dự Hội nghị có cơ hội sinh hoạt bên nhau như vậy. Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn Thầy đã chỉ cho chúng tôi thấy đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Pháp thân và tăng thân của Thầy cùng có mặt ở Rom

Sau ngày Quán niệm là ngày diễn ra lễ họp báo và ký kết Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đoàn chúng tôi phải vào Nội thành Vatican từ sáng sớm để tham gia “sự kiện trọng đại” này. Chúng tôi đi bộ trong im lặng dọc những con đường lát gạch được rửa sạch sau cơn mưa và băng qua quảng trường St. Peter vắng vẻ trong buổi sớm mai. Chúng tôi đang đi bằng những bước chân bình an của Thầy và mang tình thương của Thầy trong trái tim mình. Những người lính gác Thụy Sĩ trong trang phục truyền thống cho phép chúng tôi đi qua các cổng dẫn vào Nội thành Vatican. Sau đó có xe đưa chúng tôi đi qua những khu vườn và tòa nhà có kiến trúc đẹp mắt để đến trụ sở của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học, nơi diễn ra sự kiện lịch sử trong buổi sáng hôm ấy. Nơi đây cũng từng là nơi ở của Đức Giáo hoàng.

Phòng hội thảo của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học, nơi diễn ra cuộc họp báo, chật kín người trong buổi sáng hôm ấy. Tham dự buổi họp báo có các Hồng y, Tổng giám mục, các tu sĩ Công giáo, các nhà lãnh đạo Do thái giáo, Hồi giáo và các đoàn đại biểu, cùng với những nhà báo được coi là rất quan trọng (“VIP Journalists”). Với 22 thầy và sư cô (đều là những vị tỳ kheo, tỳ kheo ni), phái đoàn Làng Mai là đoàn đại biểu đông nhất trong Hội nghị. Cùng đi với chúng tôi đến Vatican còn có một số học trò cư sĩ của Thầy, trong đó có các doanh nhân và học giả nổi tiếng đến từ Mỹ.

Trong không khí yên lặng, tất cả mọi người đều đứng dậy để chào đón các nhà lãnh đạo tôn giáo đang bước vào phòng họp báo, trong đó có Đức Giáo hoàng Francis với bộ áo choàng màu trắng, đầu hơi cúi xuống để chào mọi người. Đức Giáo hoàng xuất hiện với dáng vẻ thật khiêm cung và lặng lẽ. Một sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và dịu ngọt bao trùm lấy Đức Giáo hoàng, bà Amma và sư cô Chân Không khi cả ba vị cùng ngồi vào chỗ của mình trên bục, hai bên là các tu sĩ Hồi giáo và Chính thống giáo. Sư cô Chân Không được vinh hạnh ngồi bên tay phải của Đức Giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng là người đầu tiên phát biểu tại cuộc họp báo, với giọng nói rất nhẹ, sau đó đến bà Amma, rồi đến sư cô Chân Không. Khi sư cô vừa bắt đầu phát biểu, cả căn phòng bỗng trở nên yên lắng lạ thường. Là người đầu tiên phát biểu bằng tiếng Anh trong cuộc họp báo, với một sự nhẹ nhàng, sư cô xin phép được đọc Thông điệp của Thầy gửi đến Hội nghị.  Trong thông điệp đó, Thầy kêu gọi những người đang nỗ lực hành động để chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, trong đó có các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tác viên xã hội, những nhà hoạt động nhân quyền cũng như các doanh nghiệp có đạo đức trong kinh doanh, tất cả đều cần phải nuôi dưỡng chiều hướng tâm linh thật vững mạnh trong đời sống hàng ngày của mình. “Cho dù có thiện chí lớn lao đến đâu đi nữa, nếu không có sự thực tập tâm linh, chúng ta sẽ sớm từ bỏ giấc mơ của mình”, Thầy nói. “Chúng ta phải dành thời giờ để chăm sóc cho chính mình và chăm sóc cho giây phút hiện tại”.  

Lòng từ bi không biên giới

“Để có thể duy trì được công việc đầy từ bi này một cách lâu dài, tất cả chúng ta đều cần có một tăng thân (một đoàn thể tu học) để bảo vệ và yểm trợ cho chúng ta. Đó phải là một đoàn thể chân chính, nơi có tình huynh đệ, có hiểu biết và thương yêu thực sự. Chúng ta không nên làm công việc này như một chiến binh đơn độc. Nạn buôn người có gốc rễ rất sâu dày và những mạng lưới, cơ cấu, những điều kiện làm phát sinh vấn đề này cũng rất phức tạp. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng một đoàn thể, một tăng thân có khả năng duy trì công việc bảo vệ sinh mạng này một cách lâu dài, không chỉ đến năm 2020 như mục tiêu đã đề ra mà thôi”. Cũng như bà Amma, Thầy nhấn mạnh rằng chúng ta cần có lòng từ bi không chỉ đối với các nạn nhân mà còn đối với những kẻ buôn người. Tình thương chân thật không loại trừ bất cứ ai. Nếu nhìn cho sâu, chúng ta có thể thấy được những nhân duyên, môi trường không thuận lợi, sự nghèo đói và bạo động đã khiến người đó trở thành một kẻ buôn người.

Có khoảng hơn mười hai bài diễn văn được đọc tại buổi họp báo, mỗi bài có một phong cách, một giọng điệu riêng, tùy theo mỗi văn hóa và truyền thống tôn giáo. Chúng tôi vô cùng biết ơn và xúc động khi thấy năng lượng bình an và tình thương của Thầy lan tỏa trong Hội nghị, mặc dù Thầy không trực tiếp có mặt ở đó. Chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự có mặt của Thầy qua pháp thân và tăng thân đang tiếp nối Thầy một cách mầu nhiệm.

Sau các bài diễn văn là phần đọc và ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị. Chúng tôi thật xúc động khi thấy thầy Pháp Ấn cùng với sư cô Chân Không đóng một dấu mộc tên Thầy màu đỏ tươi vào bản Tuyên bố chung. Chúng tôi cảm nhận sự có mặt của Thầy trong giờ phút ấy, lòng vô cùng biết ơn Thầy đã mở ra một con đường và chuẩn bị mọi thứ cho chúng tôi một cách rõ ràng.

Khi chia tay với Đức Giám mục Sanchez, chúng tôi đã hứa với Đức Giám mục rằng chúng tôi – những người tu trẻ sẽ không ngừng nỗ lực để làm vơi bớt những khổ đau, áp bức và tình trạng nô lệ hiện đại. Chúng tôi ý thức rằng với sự thực tập tâm linh vững chãi cùng tuệ giác và sức mạnh của các pháp môn mà Thầy đã trao truyền, chúng tôi sẽ có thể giữ được tâm nguyện của mình một cách lâu bền.

(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Câu hỏi của trẻ em và thanh thiếu niên

Câu hỏi: Thầy thích điều gì nhất trong đạo Bụt?

Thầy trả lời:

Điều mà thầy thích nhất trong đạo Bụt là tinh thần bao dung, không kỳ thị. Nếu chúng ta thực tập tình thương theo giáo lý đạo Bụt thì tình thương đó phải trải rộng đến tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Ta không chỉ thương giáo lý đạo Bụt mà còn thương cả giáo lý của đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái, v.v. Ta không cho rằng chỉ có cái thấy, cái hiểu của ta là đúng, còn cái hiểu, cái thấy của những truyền thống khác là sai. Đó là lý do vì sao một Phật tử chân chính sẽ không bao giờ gây chiến với các tôn giáo khác. Đạo Bụt không mang tính giáo điều. Những giáo nghĩa Bụt dạy là con đường giúp cho ta chuyển hóa, không phải là chân lý để ta thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Bụt đã từng dạy rằng chúng ta phải thực tập như thế nào để có tự do, không bị mắc kẹt vào những giáo lý của đạo Bụt, và cả ý niệm về Bụt trong ta. Đây là điều mà thầy thích nhất. Cảm ơn con đã đặt một câu hỏi rất hay!

Câu hỏi: Con phải làm gì khi mẹ nổi giận với ba?

Thầy trả lời: Có nhiều cách lắm! Một trong những điều mà con có thể làm là đến bên mẹ và nói: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” (Mommy, there is a cake in the refrigerator). Đây là câu thần chú rất nổi tiếng ở Làng Mai đó, con có biết không? Khi mẹ hoặc ba đang giận và không khí trong nhà căng thẳng không thể chịu nổi thì con hãy đến bên ba mẹ và đọc câu thần chú: “mẹ ơi (ba ơi), hình như có bánh trong tủ lạnh”. Câu đó có ngụ ý là “mẹ ơi, con đang khổ. Con không muốn thấy mẹ giận như vậy. Con không muốn thấy không khí gia đình nặng nề như vậy”. Đó là một cách để nhắc cho mẹ thấy là mẹ đang giận và đang làm cho không khí trong gia đình rất nặng nề, khiến cho chồng con đều không vui. Đó là một cách hay để nhắc cho mẹ: “mẹ ơi, đừng giận nữa, đừng làm cho cả nhà khổ nữa.” Con đừng nên nói: “Mẹ đừng có giận nữa”, mà hãy đọc câu thần chú: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” thì mẹ sẽ hiểu ngay. Mẹ sẽ thức tỉnh và thấy là “mình đang làm cho con gái đau khổ, mình không nên làm như vậy”. Và mẹ sẽ cố gắng mỉm cười với con và nói: “Đúng rồi, con đi ra vườn và chuẩn bị bàn ghế, mẹ sẽ mang bánh ra và mời ba ra ăn chung với mẹ con mình luôn”. Mẹ sẽ nói như vậy và không khí gia đình sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Mẹ sẽ không còn giận ba nữa và ba sẽ ra ăn bánh cùng với hai mẹ con. Lần sau, khi thấy mẹ hoặc ba đang giận thì con hãy đọc thần chú mà thầy vừa chỉ, “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh”, con nhớ chưa? Có thể con còn thắc mắc: “vậy nếu không có bánh trong tủ lạnh thật thì sao?”. Không sao hết! Mẹ của con rất thông minh, dù không có bánh thì mẹ cũng sẽ tìm ra một cái gì khác, cho nên con đừng lo!

Câu hỏi: Con phải làm sao để bày tỏ được cơn giận của mình mà không trút sự tức giận đó lên người khác?

Thầy trả lời:

Khi giận, mình muốn bày tỏ cơn giận của mình vì mình nghĩ rằng nếu không bày tỏ ra, nếu cứ đè nén cơn giận thì mình sẽ khổ hơn. Vì vậy mình thấy cần phải nói ra hay phải làm gì đó để bày tỏ cơn giận của mình. Nhưng kỳ thực nói ra một lời gì đó hay làm một hành động nào đó trong khi giận sẽ không giúp ích được gì cho mình cả. Nói và hành động khi đang giận luôn làm cho mình và người kia bị tổn thương.

Bụt dạy đừng bao giờ nói hay làm điều gì để bày tỏ sự giận dữ của mình, vì làm như thế mình sẽ gây ra đổ vỡ nhiều hơn. Thay vì làm cho bớt giận thì mình sẽ càng giận hơn nữa và mình cũng làm cho người kia giận luôn.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình phải đè nén cơn giận. Phương pháp hay nhất là mình trở về với tự thân để chăm sóc cơn giận. Tới Làng Mai, mình được học những phương pháp thực tế giúp mình chăm sóc cơn giận. Mình phải học cho được vì đây là một việc rất quan trọng! Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều chuyện làm cho mình giận dữ và đau khổ cho nên mình phải học cách chăm sóc cơn giận.

Việc đầu tiên mình làm là không nói gì, không làm gì cả mà chỉ trở về với chính mình bằng phương pháp thở. Mình thở vào thật sâu và nói: “Thở vào, con biết cơn giận đang có trong con!” Mình nhận diện cơn giận. Mình không cố đàn áp nó, mình không chiến đấu với nó, mình chỉ nhận diện nó: “Cơn giận ơi, chào em. Ta biết là em có đó và ta sẽ chăm sóc cho em!”. Đó gọi là nhận diện cơn giận.

Bước kế tiếp là mình ôm lấy cơn giận. Khi thở vào và thở ra một cách có ý thức thì mình chế tác được năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm có công năng nhận diện và ôm lấy cơn giận như một bà mẹ ôm lấy đứa con của mình. Đây là một sự thực tập rất hay! Khi giận thì mình sẽ không nói, không làm gì cả mà chỉ thở và ôm lấy cơn giận. Cha mẹ và bạn bè thấy mình thực tập ôm lấy cơn giận như vậy sẽ rất nể phục vì mình là người có tu tập, mình biết cách chăm sóc cơn giận.

Nếu mình tiếp tục thở vào, thở ra hay đi thiền hành chậm và ôm lấy cơn giận thì cơn giận sẽ lắng dịu xuống. Khi thấy em bé khổ, bà mẹ sẽ ôm em bé vào lòng một cách dịu dàng và em bé sẽ bớt khổ. Cơn giận giống như em bé của mình, trở về chăm sóc cho em bé (cơn giận). Mình nói: “Em bé giận ơi, chào em. Ta biết em có đó, ta không đánh lộn, ta không đàn áp em đâu! Ta sẽ chăm sóc cho em!”. Mình thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và ôm lấy cơn giận. Có hai loại năng lượng: năng lượng của cơn giận và năng lượng của chánh niệm được chế tác bởi hơi thở. Mình sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp cơn giận.

Tôi nghĩ cha mẹ cũng nên thực tập như vậy. Nếu cha mẹ quên thực tập thì mình phải nhắc: “mẹ ơi, mẹ đang giận đó, mẹ hãy chăm sóc cho cơn giận của mẹ nhé. Con sẽ giúp cho mẹ, con sẽ thở với mẹ!”. Mình tới ngồi gần bên mẹ và thở với mẹ. Hai mẹ con cùng ngồi thở và ôm lấy cơn giận. Đây là sự thực tập rất tuyệt vời! Nếu ba giận thì mình có thể tới giúp cho ba: “Ba ơi, hình như là ba đang có chút giận dữ trong ba. Mình thực tập với nhau đi ba! Con sẽ yểm trợ cho ba”. Hai cha con cùng thở với nhau để nhận diện và ôm ấp cơn giận một cách dịu dàng. Mình sẽ có sự lắng dịu sau vài phút thở vào và thở ra.

Những người làm cho mình giận cũng có nhiều sự giận dữ mà không biết cách để xử lý. Vì vậy nên họ vung vãi sự giận dữ ra khắp chung quanh họ. Nhưng mình đã được học phương pháp chăm sóc cơn giận, mình không hành xử như những người đó. Mình không vung vãi sự giận dữ ra khắp nơi và làm khổ luôn những người chung quanh. Mình hãnh diện với chính mình và nói: “Những người kia thật là tội nghiệp! Họ có nhiều giận dữ mà không biết cách để xử lý, còn mình thì biết cách!”. Thấy được như vậy thì mình không còn giận họ nữa, mình muốn nói hay làm cái gì đó để giúp cho những người kia bớt khổ. Vì vậy thay vì giận thì trong tâm của mình phát sinh ra tình thương. Mình không còn muốn trừng phạt nữa mà chỉ muốn giúp cho họ, vì trong tâm mình đã có tình thương.

Tình thương là liều thuốc chữa trị sự giận dữ. Khi tình thương phát sinh thì cơn giận sẽ tắt ngấm. Thật là mầu nhiệm! Tình thương được phát sinh khi mình nhìn người kia và thấy được rằng trong người kia có sự giận dữ và khổ đau. Người đó không có khả năng chăm sóc cơn giận nên trở thành nạn nhân của cơn giận và đã vung vãi cơn giận đó ra khắp nơi. Thấy được như vậy thì mình sẽ không giận nữa và tình thương sẽ phát sinh trong mình. Mình trở nên tươi mát và có thể giúp được cho người kia. Biết được phương pháp thực tập không những mình không đau khổ mà mình còn giúp được cho những người trong gia đình hay bạn bè ở trường bớt khổ hơn. Đây là một phương pháp thực tập rất mầu nhiệm!

Ai trong chúng ta cũng có lúc nổi giận, nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý cơn giận của mình. Tôi hy vọng là một ngày nào đó người ta sẽ đem sự thực tập này vào học đường. Các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh phải biết cách xử lý cơn giận và phải có khả năng chỉ dạy lại cho các em học sinh. Nếu các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh làm được thì đương nhiên các em học sinh cũng học được. Khi cha mẹ biết cách thực tập thì con cái sẽ học được từ họ. Đây là sự thực tập rất hay mà mình có thể mang về nhà sau khóa tu!

Câu hỏi: Tại sao có lúc một hạt giống biểu hiện ra thành một bông hoa, có lúc lại không? Tại sao con lại không giống với những người khác?

Thầy trả lời:

Thông thường, hạt giống của hoa thường biểu hiện ra thành một bông hoa. Nhưng nhiều khi những điều kiện giúp cho sự biểu hiện đó không được thuận lợi hay không được đầy đủ, ví dụ như không có mưa, hay gió nhiều quá, v.v. Vì vậy nên trên tiến trình hạt giống biểu hiện thành bông hoa có sự gián đoạn. Phải có đầy đủ những điều kiện để một hạt giống có thể tiếp tục tiến trình của nó và biểu hiện ra. Nhưng có lúc vì vài điều kiện không có mặt nên hạt giống không thể tiếp tục biểu hiện. Và hạt giống sẽ tìm cách để biểu hiện trở lại. Cũng giống như những nụ hoa sắp nở, bỗng nhiên một cơn lạnh kéo tới và nụ hoa không nở được nữa. Nhưng cây hoa vẫn còn đó. Vài tuần sau, khi thời tiết ấm áp trở lại thì những nụ hoa mới lại xuất hiện. Lần này những điều kiện thuận lợi hơn và nếu thời tiết ấm kéo dài vài tuần thì những nụ mới sẽ nở thành hoa.

Vì vậy câu trả lời là: Nếu không có đầy đủ điều kiện thì một hạt giống không thể tiếp tục tiến trình của nó. Khi các điều kiện đầy đủ thì hạt giống sẽ tiếp tục tiến trình lớn lên và biểu hiện ra thành hoa.

Ngay đến những sự vật cùng một loại như hoa sen chẳng hạn, nhìn cho kỹ chúng cũng không giống nhau, ví dụ như có những hoa sen lớn và có những hoa sen nhỏ. Cũng là hoa sen nhưng hoa sen này khác với hoa sen kia. Điều này cũng đúng với những chiếc lá trên cây. Các sự vật không giống nhau là một sự kiện mầu nhiệm, vì nếu các sự vật giống y như nhau thì thật là chán. Mọi vật phải khác biệt nhau. Ở Pháp người ta có câu: “Sự khác biệt muôn năm!” (Vive la différence!) Vì vậy không giống với những người khác là một điều hay, nếu mình giống y hệt như những người khác thì thật là nhàm chán.

CÂU HỎI CỦA CÁC EM THANH THIẾU NIÊN (TEENS)

Câu hỏi: Con thường cảm thấy buồn và cô đơn. Con ghét chính bản thân mình, vì vậy mà con đã tàn hại thân tâm của con. Con phải làm thế nào để chăm sóc và thương yêu chính mình khi mà đau buồn đã trở thành tập khí sâu dày trong con? Con phải làm thế nào để buông bỏ những tri giác sai lầm về bản thân mình?

Thầy trả lời:

Câu hỏi này phải được đặt ra cho các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo. Nếu để ra một ít thì giờ để quán chiếu thì cha mẹ và thầy cô giáo sẽ thấy được rằng chính môi trường sống đã làm cho người trẻ rơi vào tình trạng đó.

Trước hết là trong gia đình, có thể các em không có cơ hội được học cách thương yêu và chăm sóc cho bản thân mình. Nếu cha mẹ biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì đương nhiên con cái sẽ học được từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cũng chịu trách nhiệm trong chuyện này. Có những gia đình, cha mẹ có khổ đau mà không biết cách xử lý khổ đau của mình. Cha mẹ làm khổ nhau, vì vậy cha mẹ đã tạo ra một môi trường gia đình mà trong đó con cái không được nuôi dưỡng và có nhiều vết thương trong lòng.

Khi các em đến trường, các thầy cô giáo cũng không giúp được cho các em, vì có thể thầy cô cũng có những khó khăn ở nhà như các bậc cha mẹ. Và họ mang theo những khó khăn đó đến trường. Ở nhà họ có khó khăn với con cái và khi đến trường, họ có khó khăn với học sinh. Nếu các thầy cô giáo không biết xử lý khổ đau, không biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì làm sao có thể giúp được cho học sinh? Nếu có được các thầy cô giáo hạnh phúc, những người biết cách thương yêu và chăm sóc cho chính bản thân thì người trẻ sẽ có một cơ hội thứ hai. Cơ hội đó là học đường, một môi trường mà trong đó các thầy cô giáo có sự bình an và có khả năng thương yêu. Nhưng nếu thầy cô giáo không biết cách xử lý khổ đau của chính họ thì người trẻ sẽ không có cơ hội thứ hai.

Những vị làm trong Bộ giáo dục phải thấy rằng môi trường học đường và môi trường gia đình hiện nay không đem lại sự bình an, sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và thương yêu cho các em học sinh. Họ cần tìm cách thay đổi hệ thống giáo dục và đưa vào trường học những phương pháp thực tập giúp các em học sinh biết cách thương yêu, chăm sóc, trị liệu cho chính mình. Khi đã biết thực tập, các em sẽ mang sự thực tập này về giúp cho cha mẹ.

Tuy nhiên, người trẻ cũng có thể giúp thay đổi tình trạng. Người trẻ có thể nói lên những khó khăn, khổ đau của mình. Ví dụ như sáng hôm nay khi con đặt câu hỏi này thì con đã giúp cho cha mẹ và thầy cô thấy được tình trạng. Có thể chúng tôi đã quá bận rộn với khổ đau, với cái giận và những khó khăn của chính mình nên chúng tôi không có thì giờ lắng nghe con. Con có mặt ở đây và đặt câu hỏi giúp cho chúng tôi ý thức được cái gì đang xảy ra. Nhờ vậy chúng tôi có cơ hội tìm cách thay đổi hướng đi của mình để cho con có được cơ hội thay đổi tốt hơn.

Ở Làng Mai, chúng ta được học cách trở về để ý thức rằng mình đang có một hình hài và hình hài đó là một mầu nhiệm, một kiệt tác của vũ trụ. Các nhà sinh học và các nhà khoa học thần kinh não bộ cũng có cùng cái thấy với chúng ta. Chúng ta phải biết cách trân quí, bảo vệ và giữ gìn kiệt tác của vũ trụ này. Nếu biết thực tập, chúng ta có thể bảo hộ và trị liệu để hình hài trở thành suối nguồn của niềm vui cho ta và cho những người khác.

Chúng ta cũng được học những phương pháp cụ thể như phương pháp làm lắng dịu hình hài. Ở Làng Mai mình học cách thở và đi như thế nào để làm thư giãn những căng thẳng, đau nhức trong thân. Mình cũng được học cách làm lắng dịu những cảm xúc mạnh để có bình an. Cha mẹ và thầy cô không dạy cho chúng ta điều này nhưng bây giờ chúng ta có may mắn học được. Vì vậy có rất nhiều thứ mà người trẻ có thể học để trước hết làm cho mình trở nên dễ chịu hơn. Chúng ta cũng được học là hình hài của chúng ta được trao truyền từ các thế hệ tổ tiên. Tổ tiên của ta không chết, tổ tiên vẫn còn sống trong ta. Vì vậy, nếu ta đối xử tàn tệ với hình hài cũng có nghĩa là ta đối xử tàn tệ với tổ tiên. Cha mẹ cũng đang có mặt trong hình hài của ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Chúng ta cần thực tập nhìn lại hình hài của mình để biết trân quí, giữ gìn và bảo hộ nó.

Năm giới là những phép thực tập cụ thể giúp ta làm được điều đó. Sống theo Năm giới thì ta bảo hộ được cho chính mình. Ta không để cho thân và tâm của mình bị tàn hoại bởi môi trường sống. Nếu ta không tôn trọng thân của ta thì người khác cũng không tôn trọng thân của ta. Nếu ta không tôn trọng chính mình thì người khác cũng không tôn trọng ta. Vì vậy điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là phải tôn trọng chính mình. Năm giới không phải là sự ép buộc! Vì có tuệ giác nên mình biết là mình không muốn sống một lối sống như trước nữa, một lối sống luôn tàn hoại thân và tâm của mình. Mình nhận ra rằng sống theo Năm giới thì mình có thể tự trị liệu được nên mình thực tập hết lòng để có thể trị liệu cho mình, đồng thời giúp được cho gia đình và cộng đồng.

Ở Làng Mai chúng ta cũng học phương pháp quay về nương tựa tăng thân. Tăng thân là một nhóm nguời gồm những cá nhân biết cách thực tập chế tác sự bình an và niềm vui. Mỗi người trẻ trong chúng ta phải có được một chỗ như thế để nương tựa. Trong một số truyền thống, trẻ em đều có cha mẹ đỡ đầu để các em có thể được giúp đỡ mỗi khi có khó khăn. Ở Làng Mai chúng ta có sự thực tập đệ nhị thân. Mỗi người đều có một đệ nhị thân. Khi có khó khăn ta có thể tìm đệ nhị thân để xin được giúp đỡ. Đó là thiên thần hộ mạng của mình. Đệ nhị thân có thể là một thầy, một sư cô hay là chú, là cậu, là một người bạn của mình, một người có đủ vững chãi, bình an, niềm vui và sự tự do. Mỗi người trẻ phải có một đệ nhị thân như vậy. Bất cứ lúc nào khi gặp khó khăn chúng ta cũng có thể tìm tới người đó để được che chở và giúp đỡ. Vì vậy những người trẻ phải tìm cho mình một nhóm người, một tăng thân như tăng thân Làng Mai. Các em có thể thành lập một tăng thân tại địa phương của mình để làm nơi nương tựa. Mỗi khi có nỗi khổ niềm đau thì các em có thể quay về để được an ủi và bảo hộ. Ai trong chúng ta cũng cần một người hay một tăng thân để nương tựa.

Thầy cũng vậy, thầy cũng cần một tăng thân. Thầy cũng thực tập quay về nương tựa tăng thân. Ở Làng Mai có những thầy, những sư chú, những sư cô trẻ dưới 20 tuổi. Họ thực tập giới luật và uy nghi để bảo hộ thân tâm nên họ trong sáng, tươi mát và vững chãi. Vì thực tập giới luật nên họ chế tác được chất thánh. Chất thánh là cái có thể có được. Thực tập Năm giới là chúng ta đang chế tác năng lượng của chất thánh, và năng lượng đó sẽ bảo hộ cho ta. Ở Làng Mai thầy thấy có những thầy, những sư cô và những Phật tử cư sĩ tuổi còn trẻ nhưng họ đã có khả năng chế tác năng lượng của chất thánh và thầy đã quay về nương tựa nơi họ. Chất thánh được chế tác ra từ năng lượng của niệm, định và tuệ cũng giống như chúa thánh thần trong Cơ đốc giáo. Nếu có chúa thánh thần che chở thì thân và tâm của mình sẽ được bảo hộ. Nếu có chất thánh của sự trong sáng, sự bình an và niềm vui thì mình sẽ được trị liệu một cách dễ dàng. Và khi mình khỏe mạnh, vui vẻ, có tình thương thì mình có thể giúp cho cha mẹ và thầy cô giáo. Vì vậy những người trẻ hãy tổ chức những nhóm tu tập để yểm trợ lẫn nhau trong sự thực tập nuôi dưỡng và trị liệu hàng ngày. Như vậy thì mình sẽ có được sự trị liệu như mong muốn.

Mình có tập khí để cho tham dục, giận dữ, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng lôi cuốn đi. Nhưng bây giờ mình bắt đầu chế tác năng lượng của những thói quen mới, năng lượng của chất thánh, của bình an, của chánh niệm và của tình huynh đệ có công năng trị liệu cho mình. Điều này mình có thể làm được nhờ giáo lý của Bụt mà mình được học ở Làng Mai.

Như chúng ta đã biết, Làng Mai là một nơi bình dị, không hào nhoáng nhưng là một môi trường lành mạnh trong đó có tình huynh đệ, có sự bình an, vì tất cả mọi người đều thực tập đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nói năng trong chánh niệm, tiêu thụ trong chánh niệm. Một môi trường như vậy có công năng đưa tới sự trị liệu. Những người trẻ phải tạo cho mình một môi trường như vậy và chúng ta cùng nhau tạo ra những môi trường như vậy trong trường học, trong gia đình. Một người có thể không làm được nhưng ba, bốn hay năm người sẽ cùng nhau làm được. Nếu mình có năng lượng tập thể của sự bình an, của tình huynh đệ thì đi tới đâu mình cũng đem năng lượng đó theo. Mình sẽ bắt đầu làm thay đổi con người và làm thay đổi bầu không khí của những nơi mình tới. Vì vậy mình đừng nên tuyệt vọng, mình có thể tạo ra những thói quen mới: thói quen thương yêu, thói quen có sự bình an. Mình có thể chữa trị được sự giận dữ, niềm tuyệt vọng trong mình. Mình không nên bỏ cuộc!

Thầy đề nghị là những người trẻ hãy ngồi lại chia sẻ với nhau để tìm cách tạo ra những thói quen mới, những thói quen tốt. Các em học lại cách đi như thế nào, ngồi như thế nào, ăn như thế nào, uống như thế nào, nói năng như thế nào để có được sự bình an, tình thương và tình huynh đệ. Thầy tin rằng những người trẻ có thể làm được. Chúc các con may mắn!

Câu hỏi: Có rất nhiều cạnh tranh và áp lực trong trường học. Con có xu hướng gây áp lực lên chính mình, đòi hỏi mình phải luôn cố gắng hơn nữa để có thể trở thành người giỏi nhất. Nếu con không đủ thông minh, nhanh nhẹn hay hoạt bát so với người khác thì con lại cho mình là một người vô tích sự. Con phải làm thế nào để không bỏ cuộc mà cũng không làm tổn thương chính mình?

Thầy trả lời:

Nhiều người có rất nhiều danh vọng, quyền hành nhưng họ không có hạnh phúc. Sự tranh đua trong trường học có mục đích là để đạt được danh vọng, sự tự hào, quyền hành, tiền bạc và sự thành công nhiều hơn nữa. Nhưng con hãy tự hỏi: “Điều quan trọng nhất mà tôi muốn làm trong đời mình là gì? Tôi có một cuộc đời để sống và tôi thật sự muốn làm điều gì có ý nghĩa với cuộc đời của mình. Được ngang bằng những người khác hay trở thành số 1 có ý nghĩa gì không khi mà tôi không có hạnh phúc, không có sự bình an trong tâm, không có khả năng giúp cho người khác bớt khổ?”. Đó là những câu hỏi mình có thể đặt ra.

Giả sử như có một người tới hỏi thầy: “Thưa Thầy, Thầy là người có nhiều tuệ giác, tại sao Thầy không làm thủ tướng của một nước mà lại chịu làm một thầy tu?”. Đối với thầy, làm thủ tướng của một nước không có gì hấp dẫn cả. Thầy thấy có nhiều khổ đau, nhiều căng thẳng, nhiều ganh tị trong đó. Thầy thích làm một ông thầy tu bình dị để có nhiều thì giờ đi thiền hành và ít phải đau khổ hơn.

Mỗi người trong chúng ta đều có một ước muốn, một động lực thúc đẩy, điều này rất quan trọng! Có những động lực tốt như ước muốn có được sự bình an trong tâm. Thầy không muốn có sự xung đột trong tâm mình. Thầy muốn có hòa bình trong chính mình. Nếu không tạo được hòa bình cho chính mình thì mình cũng không thể tạo hòa bình cho thế giới và cho những người khác. Có hòa bình trong chính mình, đó là ưu tiên mà thầy đặt ra, là ước muốn sâu sắc nhất của thầy. Thầy muốn sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống là một giây phút mãn ý. Khi đi thì thầy thưởng thức từng bước chân. Khi làm một việc gì thì thầy cảm thấy thích thú với công việc mà mình đang làm. Thầy không làm cho xong để làm công việc khác. Trong khi nghiên cứu, trong khi viết bài hay trong khi nói pháp thoại, thầy đều thưởng thức công việc mình đang làm.

Vì vậy con phải nhìn cho kỹ, xem mình thật sự muốn làm gì. Thầy thấy có những người có được cái mà họ mong muốn nhưng họ vẫn không có hạnh phúc. Dục lạc sẽ đem tới cho mình rất nhiều khổ đau. Hạnh phúc của thầy không dựa trên dục lạc. Thầy biết nếu không có sự bình an, không có tình thương, không có tình huynh đệ và không có khả năng giúp cho người khác bớt khổ thì thầy sẽ không thật sự hạnh phúc. Vì vậy thầy sử dụng thì giờ, năng lượng và sự chú tâm của mình để làm công việc đó. Làm như vậy thì thầy có hạnh phúc và sự mãn ý trong mỗi giây phút.

Thầy cần tuệ giác, tức là cái thấy đúng đắn để có thể làm được việc đó. Sự thực tập niệm và định đưa tới cái thấy đúng đắn giúp thầy buông bỏ được những thứ có thể làm cho mình đau khổ. Và thầy có nhiều thì giờ cũng như năng lượng để tập trung vào những công việc mang lại cho mình sự bình an, hạnh phúc và có khả năng giúp được cho mọi người.

Vì vậy chúng ta cần phải có chánh kiến. Và muốn có chánh kiến thì ta phải thực tập chánh niệm và chánh định. Việc này rất cụ thể! Mình có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Mình không cần phải tranh đua với người khác. Đây là giáo lý của Làng Mai! Nhiều người trong chúng tôi, tuy còn rất trẻ nhưng không muốn làm gì khác hơn là trở thành một người tu. Chúng tôi thấy đây là nhà của mình. Chúng tôi yêu thích công việc mình làm mỗi ngày. Và chúng tôi có thể giúp cho những người khác có được sự bình an và hạnh phúc. Như vậy, sự mãn ý có thể có được nhờ sự tu tập. Mình không cần phải rong ruổi đi tìm sự mãn ý. Thực ra, nếu luôn chạy tranh đua với người khác thì mình sẽ không có cơ hội thực tập và đạt tới cái mà mình mong muốn. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cần phải ngồi xuống và tự hỏi: “Tôi thật sự muốn gì?” Mình sẽ biết được con đường mình nên đi. Mình sẽ không có sự xung đột trong tâm và mình sẽ không bị thúc đẩy phải chạy đi làm việc này hay việc kia nữa.

Trinh bạch một niềm thương

Giọt sương trên nhành cỏ biếc

Em đến từ muôn phương biền biệt

Mang theo thông điệp nhiệm mầu

Ta về giữa Phương Khê ngập nắng

Cho lòng trinh bạch một niềm thương!

Nắng lên rồi

Giọt sương hòa nhịp với vô thường

Tan vào trời rộng thênh thang

Mưa về tới

Giọt sương mỉm nụ yêu thương

Thấm sâu vào đất mẹ dịu dàng

Hạt nắng và cơn mưa

Long lanh giữa lòng sương cỏ biếc

Có và không đến đi còn cách biệt?

Mỉm nụ cười hiền dịu

Ta về giữa Phương Khê

Mênh mang…

 

(Mùa Sương, Mây Đầu Núi 27.06.2008)