Bước chân Hơi-Thở-Nhẹ

Bước chân Người về
không gian bỗng nhẹ.
Trên đất thật
Tuyết vẫn rơi
Sen vẫn nở mười phương.
Thắp lên đi!
Ngọn lửa hồng
Nơi tình mẹ ân cha

Nơi sức ấm bao la của tình huynh nghĩa đệ.

Người đã về
Tay nâng niu tuổi ngọc
Gọi mở thiên đường
Cho tuổi mơ chấp cánh.
Và em có nghe
Dòng huyết thuở nào trên núi Thứu

Có bao giờ ngừng gọi tên nhau.

Ngồi xuống đi!
Đây chung trà ấm
Nhạc quê xưa
Cung bậc ca-dao
điệu ầu-ơ của mẹ.
Rót niềm thương
cho ngày thơ trở lại

cho khói trầm quyện lấy tin yêu.

Bước chân ai
đã về trên đất thật
Để ta mãi còn đây tất cả.
Còn chị còn em
Còn mái ấm tình thâm
Còn Thầy, còn con đường

Tuổi nhỏ thần tiên.

Xin vỗ cánh
Hỡi loài bồ-câu trắng nguyện bay đêm.
Cho thiên đường đang rẫy chết được nâng niu
Cho nhịp đập của tình thương được lên tiếng
Cho bước ai về mát nhẹ cả không gian.

Nuôi lớn tình thương

Sư cô Chân Trăng Tam Muội người Anh, xuất gia ngày 4/7/2012 thuộc gia đình cây Đỗ Quyên. Trước khi xuất gia, sư cô đã tu học theo pháp môn Làng Mai lâu năm, nhận giới Tiếp Hiện và sinh hoạt với tăng thân địa phương tại Pháp. Mùa thu năm ngoái, theo đề nghị của Thầy, sư cô cùng một số quý sư chú, sư cô trẻ rời Làng chuyển đến ở tu viện Bích Nham, một trong những trung tâm thuộc đạo tràng Mai Thôn tại tiểu bang New York-Mỹ. Bài viết dưới đây chia sẻ những niềm vui đầu tiên khi sư cô chuyển đến ở trung tâm mới. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng,

Từ Bích Nham, New York, con xin gửi lời chào thương kính đến Thầy và đại chúng. Con là Trăng Tam Muội, một trong bảy sadi và sadi nữ được Thầy gửi sang tu viện Bích Nham vào mùa thu 2014 để yểm trợ đại chúng bên đó.

Chúng con rất hạnh phúc được ở Bích Nham. Con đang ngồi ở bàn học để viết những dòng này và nhìn ra khung cảnh tuyết phủ bên ngoài cửa sổ. Ánh nắng chiều đang làm cho khung cảnh chuyển sang màu xanh và xám nhạt. Con lắng nghe tiếng nước rơi tí tách từ mái nhà do tuyết tan chảy xuống. Được ở trong nhà thật là ấm cúng.

Khung cảnh ở Bích Nham thật đẹp khiến chúng con phải đi chậm lại, để hết tâm ý vào tiếng lạo xạo của tuyết dưới bước chân mình và cảm nhận không khí trong lành, mát lạnh trên da mặt. Những bông tuyết khi thì lóng lánh dưới ánh mặt trời, khi thì chuyển sang màu xanh nhạt trong ánh trăng dịu dàng. Rồi những cảnh tượng kỳ thú của băng tuyết trên các dòng suối đóng băng. Không có một loại thủy tinh đắt giá nào, ngay cả thủy tinh nổi tiếng của thành phố Venice, có thể so sánh được với băng tuyết được điêu khắc và tạo hình một cách tự nhiên bằng khí lạnh và sự chuyển động của nước. Những thác nước đóng băng, những tấm rèm được tạo nên bởi những giọt nước đọng trên các cành cây bị đóng băng v.v… Tất cả những cảnh tượng này đều thay hình đổi dạng mỗi ngày. Thật là một thiên đường lộng lẫy và quyến rũ để đi thiền hành.

Chúng con vừa có một khóa tu rất vui trong mùa nghỉ lễ Tết tây và con muốn chia sẻ một trong những hạnh phúc mà con đã có. Hạnh phúc này đã làm cho tâm bồ đề của con vững mạnh lên nhiều. Trong khóa tu con đã có cơ hội ngồi lắng nghe một bạn thiền sinh. Hãy tạm gọi anh ấy là Jon. Jon đang không biết phải làm gì với người yêu đã chia tay, nên quay lại hay nên hoàn toàn dứt khoát với người đó?

Chắc mọi người sẽ thấy đây là một câu hơi buồn cười khi đem hỏi một sư cô, người đã chọn sống cuộc đời phạm hạnh. Tuy vậy con thấy mình cũng có nhiều điều có thể chia sẻ với Jon vì trước khi xuất gia, con cũng đã trải nghiệm qua cuộc sống gia đình. Con đã sống rất hạnh phúc với người chồng cũ và giúp anh ấy nuôi dạy hai đứa con riêng của anh ấy cho đến khi các con trưởng thành và vào trường đại học. Khi lắng nghe Jon, những kỷ niệm đẹp mà con đã có với hai đứa con của người chồng cũ trở về trong ký ức, và trái tim con mở ra để lắng nghe những khó khăn mà Jon sắp kể.

Câu hỏi của Jon không có gì mới lạ: nên chia tay như đã thỏa thuận, hay nên cố gắng để quay về? Trong khi lắng nghe câu chuyện của Jon, con có thể thấy Jon rất quyến luyến người thương cũ, “tình yêu” của Jon và ước muốn được sống trọn đời với cô ấy. Jon kể rằng hai người mới quyết định chia tay ba tuần trước đây để tạo không gian cho nhau. Giờ thì anh ấy cảm thấy cô đơn và tha thiết muốn quay về như trước đây. Tuy nhiên, khi Jon bắt đầu kể thêm chi tiết về mối tình kéo dài 10 tháng của họ, con đã khá ngạc nhiên. Hai người đã dùng nhiều thời gian cùng nhau sử dụng ma túy, Jon nói rằng có khi đang ở trong một cuộc vui, trong tay cầm ly rượu, anh đã tự hỏi: “Mình đang làm gì ở đây vậy?” Ngay sau đó Jon đã bỏ ra về trước sự bất mãn của người yêu.

Hình như họ đã có quá nhiều bất đồng với nhau. Jon rất lo lắng cho cô bạn gái, người mang chứng trầm cảm. Cô ấy đã phải uống thuốc nhưng lại quyết định ngưng không uống nữa dù không có quyết định hoặc lời khuyên của bác sĩ. Có vẻ như hiện tại cô ấy tự làm bác sĩ, tự kê toa thuốc, tự trị cho mình bằng cách sử dụng ma túy.

Họ đã có những giây phút vui vẻ với nhau, đồng thời cũng có rất nhiều nước mắt và thường xuyên cãi cọ. Họ không thật sự có mặt cho nhau. Con nhắc với Jon lời Thầy dạy: để biết một người có thương mình thật sự hay không thì mình phải xem người ấy có khả năng lắng nghe mình hay không? Hóa ra người yêu của Jon, theo lời anh ấy, đã làm anh ấy rất thất vọng bởi vì cô không hề có mặt cho anh. Cô ấy có quá nhiều khó khăn trong tự thân mà cô không thể tự mình đối diện. Làm thế nào để cô ấy có mặt cho người khác được? Dần dần Jon bắt đầu thấy rõ ràng hơn về mối quan hệ của mình. Quan trọng hơn hết là Jon  đã hiểu ra rằng trước tiên anh cần phải chăm sóc cảm giác mất mát và thất vọng trong mình.

Con đã chia sẻ với Jon rằng khi mình rối rắm, không biết phải hành xử như thế nào cho đúng thì giới thứ ba trong Năm giới giúp cho mình chọn một hướng đi đúng đắn: “…Ý thức tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác, con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực…”

Jon nhớ lại đêm hôm ấy, sau khi chia tay với bạn gái, anh ta đã đi chơi với một nhóm bạn cũ ở đại học. Đã lâu họ không gặp nhau và khi thấy anh buồn, họ đã cố gắng làm cho anh vui lên. Mọi người đã cùng chia sẻ, lắng nghe và cười với nhau rất vui trong buổi tối hôm ấy. Jon thấy rất được nuôi dưỡng và nhận ra rằng đó chính là những người bạn thực sự của anh. Họ đã có mặt cho anh một cách vô điều kiện.

Con và Jon đã cùng nhau quán chiếu về chủ đề “cái gì là tình thương chân thật”. Giới thứ ba nói rằng có 4 yếu tố làm nên tình thương chân thật, đó là từ, bi, hỷ, xả. Nếu chúng ta dành phần lớn thời gian để cãi nhau và khóc lóc thì làm sao có thể gọi đó là tình yêu được. Dù Jon ước ao được giải bày những cảm xúc hay những khó khăn với bạn gái, cô ấy lại không có khả năng hoặc chẳng muốn nghe. Có vẻ như trong mối quan hệ của Jon, bốn yếu tố kể trên không hề hiện diện bởi vì họ đã dành phần lớn thời gian để cùng nhau chạy trốn thực tại.

Trong khi đàm luận với con, Jon bắt đầu tiếp xúc với những gì quan trọng nhất trong cuộc đời mình – gia đình, việc học mà anh rất thích, chí nguyện giúp người, lòng tri ân đối với Thầy (cha của Jon đã đem anh tới các khóa tu từ lúc anh còn rất nhỏ). Jon bắt đầu cảm thấy thương cho người bạn gái đã không có duyên được tu học hoặc đến với tăng thân ở đây, nơi mà mọi người đang tu tập để chế tác hạnh phúc.

Cuối cùng Jon quyết định chỉ nên làm một người bạn tốt của người yêu cũ, khuyến khích cô đến các nhà chuyên môn để trị chứng trầm cảm. Nhìn sâu, Jon thấy con đường sử dụng ma túy và tình dục mà trước đây anh đã đi thật tai hại và là chướng ngại cho sự thực hiện ước mong sâu sắc nhất của anh. Jon nhận ra rằng trước tiên anh cần phải chăm sóc chính mình, nuôi dưỡng mình bằng sự thực tập và tiếp xúc với những người bạn chân tình để họ có thể yểm trợ anh. Khi ấy, anh sẽ có khả năng giúp cho người khác một cách thông minh và hiệu quả.

Chuyện của Jon làm cho con ý thức hơn về những khó khăn mà người trẻ đang phải đối mặt khi sống trong thế giới hiện nay. Họ phải đối diện với sức ép khủng khiếp từ bạn bè để được coi là người “chịu chơi” (cool). Và để trở thành người “chịu chơi”, những người trẻ có thể có những hành động rất tai hại, như sử dụng ma túy, uống rượu hay quan hệ tình dục bừa bãi. Tại các trung tâm thực tập của Làng Mai, chúng ta ngày càng gặp gỡ nhiều người trẻ đau khổ bởi vì bản thân họ hay người thương của họ đang dùng tình dục để khỏa lấp nỗi cô đơn. Chúng ta thật may mắn biết bao khi có Năm giới quý báu bảo vệ và giúp chúng ta duy trì sự vững chãi của mình khi phải đối diện với những chọn lựa nan giải.

Làm sao có thể thương người khác nếu ta không thể thương chính mình? Bằng sự thực tập nuôi lớn Tứ vô lượng tâm – Từ, bi, hỷ, xả – vì hạnh phúc của chính mình và của người khác, chúng ta có thể chuyển hóa khổ đau của chính mình, nuôi lớn tình thương chân thực nơi tự thân và chia sẻ tình thương ấy đến cho mọi người.

Về đây học tiếng nói yêu thương

Sư chú Chân Trời An Lạc thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Xanh (27/05/2010). Đây là đợt xuất gia đầu tiên tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan từ khi tăng thân có mặt nơi này. Dưới đây là những lời chia sẻ giữa chú và chị gái đã được sư chú ghi lại thành một bức thư. Bằng sự thực tập truyền thông với gia đình huyết thống, sư chú đã chia sẻ sự tu học của mình với chị gái, giúp chị thấy rõ hơn về đời sống của người xuất gia và lý tưởng của những người con Bụt. Để rồi đến một lúc: “Bỗng dưng chị cũng thấy vui lây” và ý thức rằng “em mình là một người tu, một người tu trẻ có hoài bão và đầy lòng nhiệt huyết”.

Em yêu thương của chị,

Lá thư trước em đã báo tin nơi đó hãy còn một chút khí lạnh của mùa đông, nhưng em có biết không, nơi chị ở đã rộn ràng vào xuân. Sáng nay, có mấy chiếc thuyền hoa từ miền Tây Nam Bộ xuôi dòng lên Sài Gòn, cập dọc các con kênh của Quận 7, Quận 8. Từng chậu cúc mâm xôi nhỏ xinh trên thuyền như mang theo cả hơi thở trong lành của đất trời về đây, nó khiến chị thầm nghĩ đến em, đến những tháng năm mơ xanh ngựa gỗ của hai chúng ta.
Ngày ấy em rất dung dị, ngoan hiền. Em hay lẽo đẽo theo sau đòi ngậm kẹo mút. Rồi em nói với chị bằng một giọng hết sức ngây ngô: lớn lên em sẽ lấy một người luôn thương em như chị vậy, khiến chị cười giòn tan trong một chiều lộng gió.

Ấy vậy mà, khi những người con trai khác hướng về một đời sống gia đình thì em của chị lại không như họ. Em chia sẻ, mình cần một thứ yêu thương khác, lớn mạnh hơn, vô bờ hơn. Ban đầu chị rất ngỡ ngàng em à! Nhưng rồi cũng tập cho mình quen dần với ý nghĩ: mình có một cậu em hàng xóm dễ thương nay đã đi tu. Em còn nhớ không, ngày em về nước thăm chị sau ba năm sống xa gia đình, rèn luyện phẩm hạnh người tu, chị thấy em sao mà đẹp quá! Tà áo nâu và chiếc nón lá tuy nhìn rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh nội tâm cao đẹp. Hai di sản đó của Việt Nam đã theo dấu chân em và tăng thân đi khắp năm châu bốn bể, làm sáng rỡ một góc thân thương nơi quê nhà. Bỗng dưng chị thấy mình cũng vui lây! Một niềm tự hào len lỏi trong chị, ừ – em mình là một người tu, một người tu trẻ có hoài bão và đầy lòng nhiệt huyết.

Em vốn không phải là người nói nhiều, tính lại trầm lặng. Vậy mà đi tu rồi, ai cũng thấy em mở lòng ra hơn trước rất nhiều. Em thường mỉm cười hơn, nụ cười đôn hậu như nắng mai. Ngồi bên em mà chị thấy lòng bình yên lạ!

Có nhiều hôm chị chọc em: “Em còn thương chị như xưa nữa không? Có còn muốn lấy người như chị không?” Chị thấy hai mắt em lấp lánh. Em vừa nói vừa cười: vẫn còn thương chứ, thương nhiều hơn nữa kia. Ai nói với chị đi tu thì mình không được phép thương nữa? Nhưng mình phải tập thương như thế nào để làm cho nhau mỗi ngày thêm hạnh phúc bằng cách tưới tẩm cho nhau những chất liệu an lành, tránh nói hoặc làm những gì gây đổ vỡ trong nhau. Mình thương như là Bụt thương vậy đó, không vướng mắc, không kỳ thị… để còn có mặt cho nhau và ở trong nhau hoài hoài.

Nói rồi em đọc cho chị nghe bài thơ Hộ Trì Sáu Căn của Sư Ông:

“Mắt là đại dương sâu
Với những đợt sóng ngầm
Với những loài thủy quái
Với những trận cuồng phong
Thuyền tôi đi trong chánh niệm
Xin nguyện nắm vững tay chèo
Để không đắm chìm trong biển sắc mênh mông.

Cùng hơi thở nhiệm mầu
Tôi hộ trì nhãn căn
Giữ gìn cho tôi và giữ gìn cho anh
Để cho ngày hôm nay còn tươi sáng…”.

Rồi em kể về đời sống hôn nhân của mình cho chị nghe, đó là một cuộc kết hôn tâm linh. Chính cuộc hôn phối đó đã mở ra cho em một chân trời mới, nơi mà em mỗi ngày vẫn thích làm một đứa trẻ học tiếng nói yêu thương. Em nói: yêu thương lạ lắm chị, đó là một tiến trình thực tập dài lâu – từ hữu ngã đi đến yêu thương vô ngã, từ vị kỷ đi đến từ bi, từ chiếm hữu đi đến ý thức bảo hộ để cùng nuôi dưỡng cho nhau.

Chị thấy lạ quá, khái niệm yêu thương này hoàn toàn trái ngược với quan niệm yêu thương của người đời. Nếu cô gái thấy chàng trai ít dành thời gian ở bên cạnh mình là đã sinh hờn ghen vô cớ, hoặc chàng trai thì lúc nào cũng muốn trái tim và khối óc của cô gái chỉ có nghĩ đến mình thôi. Thậm chí, họ còn nhân danh tình yêu để bắt người kia phải làm theo ý nguyện của mình nữa, bằng không thì đôi lúc sẽ đổ vỡ. Khi đó họ thường lấy lý do người kia không phù hợp với tính cách của mình, không sao dung hòa được. Rồi đường ai nấy đi…

Nghe chị trình bày xong, em lại mỉm cười. Em nói: yêu – cũng là một pháp môn cần phải thực tập hết lòng thì mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và bao dung. Yêu thương thật sự có thể làm cho nhân cách trong nhau phát triển toàn diện. Theo cái thấy của em thì mỗi chúng ta đều là những đứa trẻ trong tình yêu. Đứa trẻ ấy cảm thấy bản thân không an toàn thì khóc thét lên, thấy thiếu thốn cũng khóc thét lên, đòi hỏi người thương đáp ứng thì mới chịu thôi mà chẳng bao giờ chịu tìm kiếm và tự thưởng thức suối nguồn yêu thương thật sự đang nằm ở bên trong mình. Suối nguồn ấy chính là tâm từ bi và lòng bao dung. Tâm từ bi càng lớn mạnh bao nhiêu thì sẽ lưu xuất ra một nguồn lực muốn hiến tặng cho đời, cho đạo. Lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của riêng mình.

Chị lại hỏi, vậy thì có giây phút nào em sống cho riêng mình không? Nếu chỉ nghĩ đến việc đi “vác tù và hàng tổng” như thế thì liệu em có cảm thấy mình kiệt sức không? Em lại đáp, người tu chính là người đang học nghệ thuật yêu thương bản thân mình đúng cách. Biết yêu chính mình rồi thì mới có đủ khả năng yêu thương và ôm ấp người khác. Em nói mỗi sáng em vẫn hay dành thời gian để thực tập thiền đi một mình rất lâu, tập lắng nghe bước chân mình đang hòa điệu với hơi thở và đất trời. Một nụ hoa sớm cũng là người thương, một hòn sỏi nhỏ cũng là người thương. Em có thể tâm sự buồn vui với hoa lá cỏ cây, cũng như với Bụt nữa. Bụt ở đây chính là tăng thân, là những huynh đệ cùng mang ba y một bát rong chơi ngàn dặm. Thỉnh thoảng em cũng thấy cô đơn, cũng thấy nhớ nhà nhưng sau đó em ý thức được là mình có may mắn được sinh ra trong một đoàn thể có tu học, vững chãi, thảnh thơi, nên chất liệu của yêu thương đang lớn mạnh trong em từng ngày…

Chắc bây giờ em đang tự hỏi, chị nhắc lại những giây phút ấy để làm gì phải không? Kỳ thực, chị muốn em nhìn lại xuất phát điểm ban đầu của mình để tự nuôi dưỡng trong những lúc khó khăn. Sự tươi mát, an hòa của em đã truyền cảm hứng cho chị thực tập, và chị mong em luôn giữ được sự tươi mát ấy. Nhưng chị cũng hiểu là đời người như con sông, có lúc êm đềm phẳng lặng, lại có lúc như muốn tung bờ trắng xóa. Muốn sống trong an lành và hạnh phúc thì mình cần phải chuyên cần thực tập, tiếp tục nuôi dưỡng những tiếng nói yêu thương mỗi ngày thì mới mong có hoa thơm trái ngọt để ăn tiếp em ạ!

Cũng như mùa xuân đang về ở nơi này được báo hiệu bằng một nhành mai vàng rực trước hiên nhà. Có ai hay biết, mai cũng phải qua bao độ sương giăng mới có thể tỏa ngát mùi thơm đến vậy?
Em là một chàng trai mang tâm hồn thanh cao hướng thượng, đã từng lập nên nguyện lớn “cắt ái từ sở thân – xuất gia hoằng thánh đạo”, và chị mong em bồ đề tâm luôn kiên cố. Chút khó khăn chỉ như cái lạnh sẽ lùi dần trước mặt trời chánh niệm phải không em? Buồn huynh, giận đệ cũng chính là tự giận và làm khổ mình đó. Hiểu lầm nhau một chút, hãy xem như rác nuôi dưỡng cho hoa ngày sau em nhé. Có sự nghiệp nào cao quý hơn sự nghiệp đi thắp sáng yêu thương đâu? Trong sự nghiệp ấy, nếu mình hành xử như một giọt nước, mình sẽ mau chóng bị bốc hơi trước khi về đến đại dương xanh thẳm. Như vậy thì mình không thành tựu được lý tưởng như lúc ban đầu rồi.
Cho nên, em hãy thường xuyên “trở về nhà” và học cách nói yêu thương nơi tăng thân cho thật giỏi rồi dạy lại cho chị nhé! Ở nơi này, chị luôn cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất cho em!
Thương em nhiều lắm!

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Khổ đau từng nuôi ta lớn lên

Thời gian trôi thật nhanh. Kể từ ngày tôi trốn nhà ra đi đã 10 năm rồi. Năm 2004, sau nhiều đêm “lên phương án và kế hoạch tỉ mỉ”, tôi đã trốn nhà ra Hà Nội thành công. Tháng ngày sinh sống với bà con ở Bãi Giữa Sông Hồng đã giúp tôi rèn tâm và luyện chí. Mùa đông ở miền Bắc, tôi sống trong một túp lều nhỏ, không có lò sưởi, không có điện thắp sáng. Thử thách lớn nhất đối với tôi là phải tắm nước lạnh giữa mùa đông lạnh buốt. Hơn ba năm sống ở Bãi Giữa Sông Hồng, tôi lớn lên và trưởng thành nhờ tình thương và sự giúp đỡ của bà con nông dân cùng những người bạn tốt. Tôi sống “an bần” với rau củ, bắp ngô, khoai lang được bồi đắp từ đất phù sa Sông Hồng.

Nhờ có nhiều nhân duyên, tôi có cơ hội ra Hà Nội và biết đến Phật pháp. Năm 1995, mẹ tôi mất, tôi mồ côi khi tròn 15 tuổi. Từ đây, cuộc đời tôi trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Trải qua hơn bảy năm, tôi sống trong tuyệt vọng, buồn tủi, đói ăn, “đói tình thương” và sự quan tâm của gia đình huyết thống. Vì không biết cách truyền thông với ba, dì kế và anh em trong nhà, tôi sống cô đơn, lạc lõng giữa mái ấm gia đình. Sau nhiều lần “nội chiến” với ba, tôi sống trong hận thù, trách móc. Vì tuyệt vọng, bi quan, tôi đã hai lần tìm cách tự sát nhưng không thành. Có lẽ, nhờ phước đức của ông bà tổ tiên, tôi đã “lưu lạc” ra Hà Nội và quen thân với nhiều bậc tri thức (từ tu sĩ, sinh viên, trí thức và cư sĩ Phật tử…). Những người bạn tốt đã giúp đỡ tôi quần áo, thực phẩm, tiền và tình thương nữa… Nhiều lần đến chùa Đình Quán, chùa Bồ Đề ở Hà Nội, hạt giống bồ đề trong tôi được tưới tẩm và nuôi dưỡng. Cuối năm 2008, tôi và một người bạn thân có cơ duyên vào tu viện Bát Nhã tu học.

Sau biến cố Bát Nhã, tôi cùng tăng thân ra chùa Phước Huệ, cuối tháng 11 năm 2009, tôi được xuất gia ở chùa Từ Hiếu trong gia đình Sen Hồng.

Tháng năm nhìn lại, tôi thấy mình lớn lên và trưởng thành rất nhiều. Nhờ khổ đau, thử thách, nhờ đói lạnh, nghèo khó, thiếu tình thương… tôi đã trở thành một người cứng cáp, giàu tình cảm, sống nội tâm và thương người nghèo khổ. Nhờ có phước duyên biết đến Sư Ông Làng Mai, tôi đã có một con đường để đi tới. Sống với tăng thân, tôi có cơ hội tu tập để chuyển hóa khổ đau, rũ bỏ những “bụi bặm” ở đời, vui sống thảnh thơi:

“An bần lạc đạo thảnh thơi
Tham cầu nguyện đoạn sống đời hiểu thương
Rong chơi giữa chốn vô thường
Bụi trần rũ áo thân nương cửa thiền”.

 

Nuôi dưỡng khổ đau để duy trì hạnh phúc

Thời gian gần đây, được đọc sách “Làng Mai nhìn từ Núi Thứu” của Thầy, tôi có cơ hội quán chiếu và nhìn sâu lời dạy của Thầy: “Nếu chưa từng biết khổ thì ta chưa nhận diện được an lạc, hạnh phúc. Trong chúng ta, ai đã từng khổ thì người đó có điều kiện để có hạnh phúc. Duy trì ý thức về khổ đau, đừng quên khổ đau là một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc”.

Sống và tu học với huynh đệ bốn năm qua ở tu viện Bích Nham, tôi có cơ hội trải nghiệm về những lời Thầy dạy. Trước khi biết đến pháp môn Làng Mai, tôi sống trong khổ đau, tuyệt vọng. Trải qua hơn 10 năm lăn lộn chốn “bụi trần”, tôi phải sống tự lập, trải qua nhiều công việc kiếm sống, khi bệnh tật muốn chữa trị nhưng không có tiền, những nội kết, buồn tủi, trách móc, giận hờn… kéo dài nhiều năm nhưng không có Thầy, không có pháp môn để tu tập chuyển hóa. Đói tình thương, thiếu hiểu biết, tôi lang thang, rong ruổi đi tìm cho mình một con đường sống. Nhờ phước đức của ông bà, cha mẹ và tổ tiên, nhờ khổ đau bất hạnh đã đưa tôi về với gia đình tâm linh. Lòng tri ân và hạnh phúc của tôi không thể diễn đạt hết bằng ngôn từ. Tôi chỉ biết “đúc kết” trong vài câu thơ để tỏ lòng biết ơn của mình với cha mẹ, Thầy Tổ, huynh đệ, những bậc thiện  tri thức… đã nuôi dưỡng và nâng đỡ tôi hơn mười bảy năm qua:

“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Bình yên nhớ đến tháng ngày long đong
Ăn quả nhớ kẻ vun trồng
An vui nhớ khổ, qua sông nhớ đò”.

Đã trải qua nhiều năm tháng sống lang thang như một kẻ cùng tử, tôi có vài lời chân thành nhắn gởi tới các bạn: Hãy trở về quê hương tâm linh, đừng rong ruỗi đường trần nữa. Dù bạn là một nhà chính trị, một doanh nhân, học sinh, sinh viên hay công nhân, nông dân, nghệ sĩ… Hãy trở về đời sống tâm linh, “những cơn mưa pháp” sẽ rửa sạch bụi bặm cõi trần, “mặt trời trí tuệ” của Bụt sẽ soi sáng tâm ta, giúp ta tìm về quê hương đích thực. Hãy chọn cho mình, cho gia đình, bạn bè… một con đường sáng. Con đường Hiểu và Thương sẽ mang đến cho nhân loại một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
“Mưa rơi rửa sạch bụi trần
Mây mù gió  cuốn bước chân quay về
Bao ngày lạc bước cõi mê
Mặt trời chiếu sáng trở về quê hương”.

 

Thắp sáng niềm tin

Mỗi người tìm đến Phật pháp đều cần có một pháp môn tu học thích hợp. Riêng tôi, những phương pháp thực tập của Làng Mai rất thực tiễn. Tuy hành trì lời Thầy dạy chưa được nhiều, nhưng sáu năm qua, tôi đã thay đổi nhận thức và chuyển hóa khổ đau trong tâm, những nội kết với ba và gia đình đã được hóa giải. Tôi đã hiểu và cảm thông với những khó khăn và vụng về của ba mình. Nhìn sâu vào ba, tôi đã thấy được những điểm tích cực: Ba tôi là một cán bộ làm việc có trách nhiệm với nhân dân, sống tiết kiệm, biết thiểu dục, tri túc, thẳng thắn và cương trực. Thấy được những điểm yếu, tập khí của ba được trao truyền, tưới tẩm từ gia đình, hoàn cảnh xã hội… nên tôi đã chấp nhận và cảm thông cho ba nhiều hơn. Có lần viết thư cho Thầy, tôi đã viết: “Con có niềm tin ở pháp môn không phải vì Thầy là một vị thiền sư nổi tiếng. Niềm tin có trong con là nhờ con áp dụng lời Thầy dạy có sự chuyển hóa, nuôi dưỡng và trị liệu”.

Mượn một câu thơ của Thầy, tôi có viết vài câu thơ để tự “thắp sáng niềm tin” và nuôi dưỡng tâm bồ đề của mình:

“Bước chân con hãy về thanh thản”
Chặng đường xa thẳng bước thong dong
Bao gian khó vững lòng chẳng ngại

Thắp niềm tin cháy mãi trong tim.

Tôi xuất gia năm 29 tuổi, là một tu sĩ trẻ, tôi luôn ý thức con đường phía trước còn dài, còn nhiều gian khó, thử thách cần phải vượt qua. Thầy tôi năm nay đã hơn 88 tuổi rồi. Thầy không thể ở mãi bên tôi để nhắc nhở và dạy bảo. Tôi phải tự “thắp sáng niềm tin” để đi trọn con đường Hiểu và Thương. Thầy đã trao cho tôi pháp môn thực tập, Thầy đã chỉ cho tôi một hướng đi, một con đường sáng. Khổ đau, hạnh phúc, vô minh hay hiểu biết… đều do tôi thực tập.

Tôi luôn ý thức rằng, sống với tăng thân, tôi sẽ được bảo hộ và nâng đỡ, sư anh, sư chị, sư em sẽ cùng tôi tu tập chuyển hóa tự thân và độ đời. Chí nguyện của những người tu trẻ thật đẹp, thật lành. Các sư anh, sư chị và sư em chúng tôi muốn “chung tay góp sức” để xây dựng ngôi nhà tâm linh cho những người hữu duyên đến tu học. Để đi trọn con đường xuất gia, ngoài những phước duyên của mỗi người, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải “rèn tâm tích đức” thì mới có khả năng độ đời. Nếu không biết cách nuôi dưỡng tâm bồ đề, không hành trì lời Thầy dạy thì không thể “đi như một dòng sông” với tăng thân. Tôi luôn tự “thắp sáng ý thức” để nhớ và hành trì, để có thể sống thảnh thơi, vững tâm trên con đường dài phía trước.

Bụi trần rũ áo rong chơi
Đạo tâm vững mạnh thảnh thơi đường dài
Độ sinh nhờ đức cao dày

Rèn tâm tích đức mai này độ sinh.

Tu viện Bích Nham, tháng 1/2015

 

AN BẦN LẠC ĐẠO

Sớm mai tỉnh thức mỉm cười
Hiện pháp lạc trú sống đời an vui
Khổ đau quá khứ qua rồi
Bình an hiện tại an vui bên đời
Tự do như cánh chim trời
Tung bay khắp chốn rong chơi tháng ngày
Thong dong bay khắp đó đây
Thoát vòng tục lụy tung bay giữa trời
An bần lạc đạo thảnh thơi
Vòng tay nhân ái viết lời yêu thương.

Viết ở tu viện Bát Nhã năm 2008

Cùng dòng sông mang theo thệ nguyện

Biết là nếu buông xuống thì lòng mình tất sẽ có không gian, nhẹ nhàng. Và biết mãi cứ nắm bắt thì cuối cùng sẽ chẳng được chi. Nhưng tại sao con cứ cứng đầu, tay vẫn cứ nắm chặt lấy khối nội kết vô hình. Lâu nay con cứ ngỡ mình đã buông xuống, nhưng nay chợt nhận ra trong lòng con vẫn còn vương nhiều thứ.

Kể từ khi nhận ra được cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng như ý mình mong muốn, thậm chí có những chuyện xảy ra khiến cho mình chao đảo, hụt hẫng và bế tắc… con đã từng thức thâu đêm. Nhiều lúc con cảm thấy dằn vặt trong lòng và tự hỏi chính mình, rằng tự giam mình như thế liệu có đúng, có bạo động với chính mình? Mọi chuyện đã xảy ra, nếu mình đổ lỗi cho số phận thì có đúng không? Đó chỉ là tất cả những chướng nghiệp mà có thể từ ông bà tổ tiên con để lại hay cũng chính là những gì con đã tạo ra từ trước.

Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, vì thế con không thể trốn tránh mãi thực tại ấy, con không thể giam cầm bản thân mình thêm nữa. Bởi vì sau những gì đã qua, bây giờ con chợt thấy bấy lâu nay con đã tự nhốt mình, chẳng khác nào con tằm tự làm kén cho chính mình và đến một lúc con hoảng hốt nhận ra là mình đang dần chết trong chiếc kén tự dệt ấy. Cứ nghĩ khi nằm trong chiếc kén đó thì tự thân sẽ an toàn và mỗi ngày con lại dệt cho nó dày thêm như để tự vệ, nhưng sự thật thì có con tằm nào chịu nằm mãi trong kén đâu? Nó những muốn đến một lúc nào đó có thể phá bỏ đi lớp vỏ, cái vỏ nó đã từng nghĩ là một nơi an toàn, một ngôi nhà vững chắc, ấm áp. Nhưng nó trở thành ngục tù lạnh lẽo và con tằm, hay chính con, muốn phá chiếc kén để được chui ra, được bay lên, được chạm vào cuộc sống thực, được thở bầu không khí trong lành như mọi sinh vật khác.

Đã đến lúc rồi, cho dù sẽ khó khăn, cho dù sẽ đau, rất đau khi mà chính bản thân con phải dùng sức để phá, để có thể xé toạc đi lớp kén đó một cách dứt khoát. Con tằm thực sự muốn thế và con cũng thật sự muốn thế. Nếu chỉ vì sợ đau mà cam chịu thì suốt đời nó chỉ là một con tằm không biết đến thế giới bên ngoài là thế nào và chính con cũng vậy. Can đảm để rồi nó và con sẽ nhìn thấy màu xanh của cỏ cây, của trời cao, có thể chạm vào cánh hoa dại nào đó hay có thể nằm đó dưới ánh nắng để cảm nhận sự sống nhiệm mầu. Vượt qua sự sợ hãi một lần, chịu cái đau lột xác một lần để thấy được những điều kỳ diệu ấy, chẳng lẽ không đáng để con cố gắng ư?

Mỗi lần đứng trước người khác hay ngồi trong một đám đông, nỗi sợ trong con đều y như nhau, sợ người khác thấy đứa bé đầy thương tích trong mình, sợ người ta thương hại mình nên con đã mang nỗi mặc cảm tự ti với người… Rất nhiều nỗi sợ không tên khác xuất hiện khi con buộc phải đứng trước mặt người đối diện. Chính vì lẽ đó mà ít khi con để người khác nhìn vào mắt mình. Nói đúng hơn là bản thân con chưa tự tin để nhìn thế giới xung quanh. Con thật sự đã khóa cửa tâm hồn mình.

Cho đến hôm nay khi con đã nhận ra mình đã không hề tiếp xúc với thực tại, để quên hiện tại cùng với những điều kiện mà nếu bản thân con cố gắng mở ra một chút thì sẽ mang lại cho con nhiều niềm vui và bình an mới. Con đã thực sự sống trong lãng quên. Con đã tự hỏi: Liệu trong tình thương có chất liệu của sự thương hại? Bởi khi một người bị ám ảnh về nó thì rất khó để mở lòng tiếp nhận thứ tình thương đó, tình thương hại.

Câu hỏi đó đã nằm trong lòng con một thời gian và nó đã làm con trốn tránh rất nhiều tình thương, chính vì lòng nghi ngờ mà con đã gần như vô tình, làm tổn thương rất nhiều anh chị em. Thời gian gần đây con đã có thể nhìn ra và cảm nhận thấy sự thực khi định nghĩa về tình thương là gì? Thương trong tinh thần Tứ vô lượng tâm. Có lẽ con chưa thực sự làm được hoàn toàn nhưng con hiểu tinh thân đó là gì và thương theo phương pháp Bụt dạy đó là tình thương an toàn nhất, tự do nhất. Và nó thực sự không có chỗ cho kiểu thương hại.

Thời gian qua, có những khi con đã để ngọn lửa trong tim yếu đi. Có lúc con cũng nhắc nhở mình, có lúc con tự thay Thầy sách tấn con. Và cũng đôi lần con tự hỏi bản thân: “Mình đang làm gì ở đây? Tại sao mình đến đây?” Thời gian để con có câu trả lời chính xác nhất là con cần phải quán chiếu. Bởi con biết lý do không có sẵn trong con như người khác. Con thấy mình không thể phụ Thầy. Lòng biết ơn của con khi được trở thành con của Thầy luôn có mặt đó. Chính thời gian ở Làng làm con thực sự tiếp xúc được với tình thương đó, tình Thầy trò, tình tăng thân và con tìm lại được sự ấm áp khi con đang có mặt, đang được sống nơi đây. Con biết là con không thể để thời gian tiếp tục trôi qua oan uổng nữa.

Tại sao con có mặt ở đây? Có lẽ từ lâu rồi, trước khi con đi xuất gia, trong con hạt giống muốn chuyển hóa đã có sẵn. Muốn được tu tập, muốn được chuyển hóa những hạt giống tiêu cực trong mình, sự oán giận và sợ hãi những người làm tổn thương mình, con muốn chữa trị những vết thương ấy. Chính những ước muốn đó đã xác định con đường con muốn đi và dẫn con đến với tăng thân.

Tăng thân là môi trường mà con và những người có cùng những hạt giống muốn chuyển hóa và trị liệu có thể đến và cùng nhau tu học. Con có thể hiểu rằng môi trường của tăng thân là những sư anh, sư chị và sư em có cùng ước muốn giống nhau mà người ta thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Con cảm thấy thực sự mình rất may mắn khi được cùng chảy với tăng thân như một dòng sông lớn. Dù trong cuộc hành trình để ra được biển cả đã và đang gặp nhiều chông gai, gập ghềnh… nhưng sức mạnh, sự bao dung và lòng kiên nhẫn của dòng sông lớn luôn có đó, tròn đầy.


Con cảm thấy mình thực sự không còn nhiều sợ hãi, không còn sợ bốc hơi hay mặc cảm, bởi con biết rằng tăng thân luôn ôm ấp con, thương yêu con vì “Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối”. Con biết dòng sông luôn là như thế. Con nguyện cố gắng không bao giờ làm một hạt nước nhỏ, con sẽ không như vậy. Con biết ơn tăng thân rất nhiều.

Tôi yêu

Tôi yêu lắm những bước chân cẩn trọng
Đem tin yêu gieo rắc khắp mọi miền
Tôi yêu lắm những nụ cười hiền

Chứa rất đầy sự độ lượng bao dung

Tôi yêu lắm một con người trung dung
Hóa giải đôi bên bằng tình thương không vị kỷ
Tôi yêu lắm một con người bình dị

Sống ung dung tự tại trước phong ba

Tôi yêu lắm con người thích hát ca
Đem niềm vui khơi lên ngọn lửa đỏ
Tôi yêu lắm những cái nhìn sáng tỏ

Làm đuốc soi đường cho một hướng đi chung

Tôi yêu lắm nguồn năng lượng trầm hùng
Làm sống dậy tinh ba của các nền văn hóa
Tôi yêu lắm Ưu Bát Đa La một đóa

Hơn hai ngàn năm nay nở ở ngoại phương

Tôi yêu lắm những ánh mắt thân thương
Hiểu thấu niềm đau thầm kín của con người
Tôi yêu lắm lý tưởng tuổi tám mươi

Phụng sự cuộc đời bằng đôi chân không biết mỏi

Dù bước đi trên chông gai đá sỏi
Vẫn một lòng bền sắt tươi son
Dù cho sông cạn đá mòn

Vẫn khơi nguồn cùng tăng thân hợp tấu

Tôi yêu lắm một con người nhân hậu
Dung hết lỗi lầm trong một trái tim yêu
Tôi yêu, yêu biết bao điều

Bao nhiêu đức hạnh bấy nhiêu thâm tình

Nguyện cầu chư Bụt chứng minh
Nguyện con tiếp nối tâm linh của Thầy
Nguyện cho tuệ giác đơm đầy
Cùng Thầy con nguyện dựng xây cuộc đời.

(Tặng sinh nhật Thầy lúc Thầy 80 tuổi)

Niềm vui chân thật

Sư cô Trăng Linh D người Úc gc Hoa, xut gia trong gia đình Cây Trc Bá (tháng 7/2014). Sư cô là con mt trong gia đình huyết thng, vì vy cách duy nht đ cha m ca sư cô đ nh con là thường xuyên v thăm Làng và thc tp cùng đi chúng. Sư cô đang tn hưởng hnh phúc được làm mt “em bé” trong tăng thân. Mt trong nhng ngun vui đi vi sư cô là làm vườn và hát các bài thi k mà sư cô t làm nhc, trong khi các sư ch ln thì đang bn… hp. Bài viết được Ban biên tp chuyn ng t tiếng Anh.

Những người thương mến của con ơi,

Hôm nay là ngày bắt đầu của một năm mới mà cũng chính là ngày bắt đầu cho những ngày còn lại trong cuộc đời của tất cả chúng ta. Con kính chúc mọi người nhiều sức khỏe.

Ngày hôm qua khi đến xóm Thượng đón Giao thừa (Tết dương lịch), con cùng với hai sư chị đi bộ lên khu đồi phía Tây. Mấy chị em ngồi chơi giữa sương mù lãng đãng, hít thở không khí trong lành tỏa ra từ những ngọn đồi xanh trải dài trước mặt và lặng ngắm cảnh hoàng hôn cuối cùng của năm 2014. Trong khi nheo mắt ngắm những tia nắng chiều, con ngạc nhiên thấy lòng mình không hề gợn chút luyến tiếc nào về quá khứ.

Những năm về trước, dù đón năm mới bằng những bữa tiệc với rượu champagne, nhưng con vẫn cảm thấy buồn khi nhìn thời gian đang vùn vụt trôi qua. Dù đón năm mới với bạn bè hay với gia đình, bao giờ chúng con cũng so sánh thức ăn, rượu, pháo hoa, nhạc của năm nay với năm ngoái. Trong khi hình hài của chúng ta già nua theo năm tháng, tâm đã trở nên mệt mỏi, nhưng lúc nào chúng ta cũng muốn mình tràn đầy sức sống và được trải nghiệm những điều mới mẻ.

Trong những khoảnh khắc như vậy, tâm con luôn chạy về tương lai, vừa háo hức trông đợi những gì sẽ đến, vừa tiếc nuối lo sợ những gì mình đang có, đang trải nghiệm sẽ đến hồi kết thúc. Điều này khiến cho con lo lắng và sợ hãi đến nỗi thành bệnh. Ngay cả khi tô son lên môi, con cũng lo lắng: Nếu cây son này hết thì mình phải làm sao? Nếu mình không có việc làm thì làm sao mình có tiền để mua sắm? Cái gì sẽ xảy ra cho mình nếu người thân trong gia đình qua đời hết và mình chỉ còn lại một mình?

Đương nhiên là con không lạ gì với mấy câu: “Đừng lo lắng, cứ vui đi”, “hãy sống trong giây phút hiện tại…” Nhưng những câu đó chỉ càng làm cho con cảm thấy thất bại với chính mình, bởi vì con rất rành về lý thuyết, nhưng khi đem áp dụng vào thực tế thì con không làm được.

Có những giai đoạn mà đối với con, mỗi ngày đi qua là một ngày với đủ loại hoang tưởng chết người, với những viên thuốc làm cho các giác quan của con trở nên tê dại và cơ thể con nhiễm độc. Tâm con tán loạn đến nỗi con không thể đọc một bài báo dù đơn giản nhất. Gia đình, người yêu, bạn bè, bác sĩ, kể cả chú chó cưng cũng đều cố gắng giúp cho con có thể thức dậy và ra khỏi giường mỗi sáng. Nhưng ra khỏi giường để làm gì? Bên dưới bề mặt vô nghĩa của cuộc sống hàng ngày là những câu hỏi trăn trở về sinh tử mà không có thuốc men nào có thể giúp cho con được. Con hoàn toàn lạc lối.

Ở đây, nơi con đang ngồi, mặt trời đang từ từ khuất bóng sau rặng bạch dương. Những con chim én đang chao liệng trên nền trời xanh thẫm. Con thấy mình mới may mắn làm sao khi được chỉ dạy cách trở về để làm lắng dịu thân tâm, để có thể bình an trong khi tâm ý đang vận hành như chiếc kính vạn hoa. Thật quý báu biết bao khi có duyên được nghe giáo pháp và được khai mở rằng sự sống và cái chết chỉ như những vòng tròn đang lan tỏa trên bề mặt đại dương của sự sống bao la.

Khi sống an trú trong mỗi phút giây thì những gì bình thường cũng trở nên phi thường. Vài người bạn đã hỏi con rằng: “Sư cô tu không thấy chán sao?” Ồ, có chứ, hồi xưa con đã từng chán, rất chán! Ba năm trước khi mới bắt đầu làm quen với thiền tập, mới ngồi năm phút con đã thấy như bị tra tấn. Con ngáp, ngọ nguậy, ngủ gục hoặc mơ màng chuyện này chuyện nọ. Ngoài những lúc ngồi thiền, cuộc sống của con đầy dẫy những kế hoạch để xem, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm cái này, cái kia.

Mới gần đây thôi, vào một buổi tối trời mưa, sau khi dọn dẹp, rửa nồi, con có được một chút thời gian trống trước thời ngồi thiền tụng kinh buổi tối. Quả là những giây phút hiếm hoi quý báu! Con ngồi ngoài hiên một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ mới dựng lên để làm phòng may. Ánh sáng từ chiếc bóng đèn gần đó hắt ra một màu vàng ấm áp soi rõ làn khói tỏa lên từ tách trà con đang cầm trong tay. Làn khói đang nhảy múa và hòa quyện với những giọt mưa đang rơi xuống.

Xung quanh chỗ con ngồi là những vật liệu xây dựng còn đang để ngổn ngang. Xa hơn một chút có thể thấy quần áo của ai phơi trên dây chưa được lấy vào. Không thể cho đó là một quang cảnh huy hoàng được. Ấy vậy mà con thấy mình hạnh phúc. Trong con không hề có ý muốn chụp một bức hình để bỏ lên Facebook, cũng không hề nghĩ là phải chi có ai đó cùng ngồi đây với mình trong giây phút này. Con cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có, chỉ đơn giản vậy thôi.

Dĩ nhiên là để vun trồng được những giây phút có nhiều “hoa sen” như thế, con cũng đã có rất nhiều bùn. Có những lúc con thấy tâm mình vừa đáng bực vừa đáng cười. Sao con lại có thể ăn một lần hết cả một thanh sô cô la sau khi tụng giới thứ Năm về tiêu thụ có chánh niệm? Sau khi đọc quán nguyện về “tắt đài radio ở trong đầu”, sao con lại có thể ăn nhanh như thế? Đã phát nguyện độ tất cả chúng sanh, tại sao con lại có thể hối hả đi khử trùng chén dĩa khi một bạn thiền sinh đang có một câu hỏi cần con giải đáp? Chơi nhạc là để cúng dường đại chúng, sao con lại thấy hơi buồn trong lòng khi không được mời tham dự trong ban nhạc?

Bất cứ lúc nào con cũng có thể trở nên mất kiên nhẫn và bực bội. Những sư cô mà con quý nhất lại thường là những người phải hứng chịu nhiều nhất khi con vụng về, không ái ngữ trong cách nói năng.

Gần đây có một việc xảy ra làm cho con cảm thấy xấu hổ vô cùng vì con thấy trái tim mình còn quá nhỏ. Chuyện có liên quan đến ba sư chị của con. Sau khi sự việc xảy ra, con dự định đến sám hối với một sư chị, người đã bị con trút cơn giận của mình lên. Tối đó, tình cờ hai chị em gặp nhau, con nghĩ chắc sư chị sẽ nói một vài lời dạy dỗ con. Thay vào đó, sư chị cười và nói: “Cho sư chị thiền ôm với sư em một cái được không? Xin lỗi sư em vì sư chị đã làm cho sư em căng thẳng thêm một cách không cần thiết.” Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, hai sư chị kia cũng tìm đến con và xin lỗi vì hai sư chị đã không đủ tươi mát và có mặt cho con. Trời ạ, con mới chính là kẻ sân si và kém dễ thương! Con đã phàn nàn là mình không có đủ thời gian để học thêm giáo pháp, nhưng bài học này đối với con đáng giá hơn bất cứ một điều gì con đã đọc trong sách vở. Cảm ơn tình thương mà quý sư chị đã dành cho con!

Và còn nữa, thương làm sao để lòng vẫn mở… ôi chao, một điều không dễ chút nào. Con rất sẵn lòng lau sàn nhà dùm cho một sư cô con thích, nhưng khi một sư cô khác bước lên sàn vừa mới được lau thì con lại thấy kém vui. Con đã quen thương theo kiểu ngoài đời, nghĩa là muốn mình có một vị trí đặc biệt đối với một ai đó, vì thế con rất dễ đánh mất mình. Tuy vậy, trong cái thương nhỏ hẹp đó, con cũng thấy có những yếu tố tích cực, thí dụ như lo lắng chăm sóc cho người khác và đặt nhu cầu của họ lên trước nhu cầu của mình (con thấy cái đó nơi mẹ của con). Con cố gắng nhận ra những yếu tố quý giá ấy và thực tập hiến tặng những điều đó cho nhiều người khác. Con tự nhắc mình rằng nếu con chỉ muốn thương yêu chăm sóc cho một vài người thì con đã có thể lập gia đình và có con cái. Như thế thì bà nội 93 tuổi của con sẽ không cần phải viết thư để hỏi xem bà nên gửi số tiền mà bà đã dành dụm cho đám cưới của con vào ngân khoản nào? (cười).

Có một buổi sáng, sư chị của con không được khỏe. Hôm ấy con được phân công ngồi chuông cho buổi tụng giới sadi nữ. Trên đường ra thiền đường, con thấy lo lo và đầu óc bận bịu tìm kiếm những phương thuốc có thể giúp cho sư chị hết bệnh. Đột nhiên con nghe tiếng của Thầy: “Thở đi con! Sự bình an là điều tốt nhất mà mình có thể hiến tặng.”

Ý thức là cảm thọ của mình sẽ được chuyển tải qua tiếng chuông trong buổi tụng giới nên con đi chậm lại, thưởng thức không khí mát lạnh của buổi sáng, ngắm những vì sao trên trời xa. Và khi ngồi chuông, con cố gắng để hết tâm mình vào sức nặng của dùi chuông, lắng nghe tiếng chuông ngân và mở lòng ra để cho những lời thuyết giới đi vào.

Con đã chia sẻ điều này với sư chị của con. Con không biết là nó có giúp được gì cho sư chị không, nhưng có một điều chắc chắn là nó đã làm cho môi con nở một nụ cười.

Những người thương của con ơi, cảm ơn mọi người đã cùng thở và cùng đi với con trên con đường vui và sáng đẹp này.

Với nhiều thương mến và lòng biết ơn,

Con – Chân Trăng Linh Dị

Giấc mơ trưa

Ngày làm biếng, tôi muốn mình ngồi thật yên và viết một cái gì đó. Tôi leo lên một ngọn đồi nhỏ, lối đi là những khối đá nhọn hoắc. Mùa đông với những chiếc lá vàng rụng đầy. Có những chiếc lá vàng còn tươi, có những chiếc đã mục, chúng nằm chồng chất lên nhau, đẹp. Lên tới đỉnh đồi, tiếng cười của anh em từ những ngọn đồi khác vọng lên văng vẳng. Lòng tôi yên lạ, cảm giác nhẹ tênh, như ở nhà. Tôi muốn viết một cái gì đó, mà chưa biết viết gì cả. Đầu vừa rỗng vừa đầy. Ngồi trên đỉnh đồi, đồi ngập nắng, tôi nhìn thung lũng dưới chân núi Khao Yai trước mắt, lòng đã bắt đầu thênh thang. Nét bút bây giờ thoáng đãng, nhịp nhàng hơn.

Giấc mơ trưa

Tôi chợt nhớ ngày xưa khi còn bé, có những giấc mơ mình được chạy chơi thoải mái trên đồng cỏ. Những đồng cỏ xa tít, bao la. Gần đây, những buổi trưa đầy nắng, những giấc mơ na ná như vậy hiện về. Có khi tôi thấy mình đang trên một cuộc hành trình giữa một phố người đông đúc, xa lạ. Tình cờ gặp được biết bao nhiêu là người, những con người gần gũi, thân thương. Họ đưa tay vẫy chào như muốn mời tôi ghé thăm, tôi bắt gặp nụ cười đầm ấm, ánh mắt nhẹ nhàng, muốn nói điều gì sâu thăm thẳm. Chỉ đến đó thôi, tôi choàng tỉnh, nhìn ra cửa sổ, nắng chiều nghiêng nghiêng, tự nhiên mắt mình bỗng nhòe đi – vì thấy sự sống này mầu nhiệm quá!

Những giấc mơ như vậy cứ đến với tôi vào những buổi trưa yên ắng, khoảng thời gian mà chỉ có một vài tiếng chim, vài tiếng gió lay động hàng cây. Buổi trưa trong tôi tinh khôi, trong lắng. Tôi cũng có những câu hát về buổi trưa như thế:

“Trưa đong đưa giấc ngủ võng ru chợt tỉnh giấc ôi phượng thắm rụng đầy trên lối đi

Lòng nhẹ theo mây trắng thong dong đến thời thơ ấu vút cao cánh diều

Chốn thần tiên nào trong giấc mơ ai ngủ thoáng lên nhẹ lòng một lữ khách qua”.

Những giấc mơ trưa là được ngồi chung với Thầy, được cùng anh em đi chơi trên những con đường nhỏ. Những giấc mơ ngắn, đến rồi đi như hơi thở, là thông điệp mà chính từ tâm thức mình trao gửi. Tôi trở nên bình yên, nhưng mạnh dạn và cứng rắn hơn sau những buổi trưa đề huề như thế.

Thầy và thơ

Bỗng tôi nhớ đến những vần thơ về buổi trưa của Thầy:

“Trưa! Ôi những buổi trưa nắng vào tuyệt đối, trời cao xanh ngắt

Bâng khuâng nghe tiếng gọi tôi về

Tiềm thức dâng tràn những nét thăng trầm mấy kiếp…”

Hồi Thầy còn trẻ, buổi trưa làm Thầy buồn lắm, Thầy đã chuyển hóa “những nét thăng trầm mấy kiếp” đó bằng cách nào nhỉ? Tôi thấy mình thênh thang với buổi trưa, chắc là nhờ vào công trình chuyển hóa của Thầy.

Những bài thơ của Thầy là đỉnh cao, là kho tàng tuệ giác mà tôi có thể dành cả đời để khám phá. Những cái thấy của Thầy mãnh liệt, nhưng lại rất “thơ”:

“Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối

Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu.

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi, cho tôi được nghe một lần tất cả, những tiếng tôi khóc tôi cười

Cho tôi thấy nỗi đau và niềm vui là một”.

Cuộc đời Thầy có nhiều niềm vui ngập tràn, lan tỏa, muôn cây cỏ cũng cảm nhận được hơi ấm ấy. Thầy cũng có những niềm đau rất lớn, bốn biển cũng đầy vơi. Nhưng dù hạnh phúc hay khổ đau, vi tế hay thô sơ, Thầy đã ôm tất cả vào lòng, như nâng niu em bé. Có những lần pháp thoại, Thầy đã chia sẻ về giấc mơ của Thầy, những giấc mơ về tình huynh đệ, điều mà Thầy đã nhận ra là quý giá nhất. Những hoài bão đó của Thầy đang được thực hiện khắp nơi, những dòng thơ với nội dung như thế sẽ được tiếp tục chào đời, tiếp tục bay cao.

Kho tình thương

Tôi nghĩ đến ba và mẹ tôi, chắc năm nay hai người cũng gần sáu mươi rồi. Năm ngoái ba tôi bị tai nạn, phải ở nhà, không đi được. Tôi thở cho ba, những hơi thở đều, ôm cả mây trời vào trong đó. Tôi cũng thở cho mẹ, cảm thông những nhọc nhằn người đã đi qua. Nhìn thung lũng, tôi ước mong cho hai người cũng có những giây phút được mở lòng đón nhận một không gian bao la như vậy. Tất bật nhiều rồi, ba mẹ cần có thời gian tận hưởng cuộc sống chứ! Tôi gửi cho ba mẹ những gì đẹp nhất!

Ba mẹ là người thế nào? Hai người là một kho tình thương của tôi, cũng sống giữa đời, đơn sơ, chân chất. Những xung đột và hàn gắn của ba mẹ cứ đến, cứ đi, chỉ những vết thương trong tôi ở lại. Nhưng khi nhìn thật kỹ, tôi thấy hai người mầu nhiệm biết bao! Vì sao nhỉ? Tôi tự hỏi rồi tự trả lời: “À! Vì họ là ba, là mẹ của mình!” Tôi nhìn lên bàn tay mình, thấy bàn tay mẹ đang viết, lòng tôi thảnh thơi hơn khi những con chữ được ra đời. Mỗi lúc tôi nhỏ nhen với ai đó là tôi đến xin lỗi liền, đó cũng là đức tính của ba tôi ngày xưa. Bây giờ ba khỏe lại, nhận ra những gì không tốt cho sức khỏe rồi từ bỏ chúng, cả nhà đều vui. Mẹ cũng bớt dần những đòi hỏi, tập trung dung hơn khi hành xử, tôi thấy mẹ đang tu cho cả nhà. Sáng nào thấy ba mẹ cùng thắp nhang lạy Bụt, khói hương làm vết thương quá khứ trong tôi tan thành từng mãnh, vụn dần. Những lời ba dặn khi đi đâu xa, kí ức tôi còn giữ. Tiếng mẹ tôi hát khi nấu ăn cho cả nhà, kí ức tôi còn giữ. Chúng đã trở thành bất hủ, thân quen.

Trải nghiệm từ chiếc lá

Viết được một lúc, tôi nhìn ra phía trước, nắng đã về ngập trời thung lũng. Sương tan dần, gió về làm những chiếc lá vàng đua nhau rơi, quanh co, thích mắt. Tôi cười và tự hỏi: “Chúng đã làm gì với cuộc đời của chúng? Liệu chúng có được đi vào một lịch sử thanh cao?” Những chiếc lá rơi xuống, tịch tĩnh. Nhìn kỹ một chiếc lá trong khoảng lặng, dừng lại những lao xao nghi vấn, chợt tôi thấy chiếc lá không còn đến từ cái nhận thức đơn thuần trong ý thức như tôi đã có từ xưa. Nó là cái gì đó không dựa vào những nhận định mà tôi thường nghĩ lúc trước. Bây giờ nó tóm thâu cả muôn trùng. Nhìn kĩ vào gân lá, tôi chẳng thể tìm ra điểm nào là nhỏ nhất, khoảng không giữa hai gân lá phải chăng là cả một vũ trụ bao la? Chiếc lá trong tôi lúc đó không vui không buồn, không vàng không xanh, hình như nó đang hát, hát cho tôi nghe:

“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng”.

Một chiếc lá, một trải nghiệm, một niềm vui. Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm, không có trải nghiệm nào của riêng tôi cả, tôi thấy Thầy có đó – rõ ràng – sinh động. Càng trải nghiệm, tôi thấy mình sao thật ngây ngô, nhưng mật thiết, niềm vui trở thành giản đơn và sâu lắng hơn.

Khu vườn hôm nay

Làng Mai Thái – Vườn Ươm đã dọn về đất mới gần hai năm rồi. Đất mới, bao nhiêu mặt trời đi ngủ, bao nhiêu con trăng qua đồi? Ngày ngày tôi đi học, những con chim sẻ kiếm ăn hai bên đường chẳng hề bay, chúng cũng xem tôi như người bạn. Những hòn đá bây giờ cũng không còn hoang vu, hôm nay chúng gọn gàng, có dáng, chúng đang thi hành một sứ mạng riêng. Chớ nghĩ nơi đây chỉ là những chói chang mùa hạ, có những tháng mưa về ngập cả núi đồi, có những mùa rất lạnh, rất trong. Tiếng tụng kinh mỗi buổi sáng, khói bếp lên cao trong những sớm chiều. Những khóa tu đều đặn đi qua trong năm. Trẻ em đến tu chung với ba mẹ, chúng chơi xích đu thoải mái dưới gốc me già. Nơi đây đã trở thành một ngôi làng chung. Có sư chú mới xuất gia học tiếng Anh, tiếng Thái thật nhanh, có sư chú ngày nào cũng về cuối cùng để dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, phải chăng đức hy sinh và tận tụy của sư chú đang lớn dần cùng cây cối nơi đây?

Thiền ca là trở về

Tôi thở, thấy những bình an chảy dài trong huyết quản. Tôi dừng bút, nhận ra mình đã hát tự khi nào. Mỗi khi hát, trời mây với tôi hòa làm một, mọi người với tôi hòa làm một. Nhớ tới những khóa tu Wake Up, thiền ca là pháp môn đi vào lòng người dễ nhất. Nhiều bạn trẻ đã khóc khi hát cùng quý thầy, quý sư cô. Thiền sinh chia sẻ hạnh phúc, trị liệu, tìm được lối thoát khổ đau sau khóa tu, quý thầy quý sư cô ai cũng vui theo. Tôi thấy sự mầu nhiệm của Thầy, của Tăng thân đang xua tan những mệt mỏi, những yếu kém của tôi trong khi làm việc. Nương vào năng lượng tập thể, tôi thấy mình có niềm tin thật nhiều. Cuộc sống như một bài hát, có lúc trầm lắng, có lúc vút cao. Tôi gửi tất cả những thanh âm đó đến Thầy. Nắm bàn tay mình thật chặt, mắt nhìn thẳng về thung lũng, niềm tin ngập tràn rằng Thầy sẽ khỏe lại. Lá vàng lại rơi, giấc mơ trưa là thật, Thầy và thơ đang về uyên nguyên trong nắng, ba mẹ cũng đang ngồi chơi thảnh thơi. Tất cả cùng tôi đang tận hưởng một ngày làm biếng thật thênh thang!

Giây phút cùng Thầy

Thầy kính thương!

Con biết là Thầy đang có mặt đó cho con nên con rất hạnh phúc. Con hạnh phúc vì thật sự nhận diện được sự có mặt của Thầy chung quanh con và ngay cả trong con. Sự ấm áp, sự bình an bởi tình thương của Thầy đã nâng bước cho con, tiếp sức cho con, làm lớn mạnh niềm tin và hạnh phúc cho con.

Con nhớ Thầy nhiều. Và vì nhớ Thầy nên con đào sâu hơn vào sự thực tập. Con dành 100% sự chú tâm vào hơi thở và bước chân của mình. Con thấy Thầy trong mỗi bước chân an lạc, con thấy Thầy trong mỗi hơi thở bình an, và vì thấy Thầy, con càng tận hưởng được nhiều hạnh phúc hơn trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở của mình. Cứ thế, sự tương tức giữa nhớ thương Thầy và hạnh phúc trong sự thực tập đang lớn dần trong con. Hai khía cạnh ấy hòa làm một trong con, giúp con không còn phân biệt sự nhớ thương hay niềm hạnh phúc nữa Thầy ạ. Con chỉ sống với chúng một cách bình dị vậy thôi.

Hồi con còn là một sinh viên ở Sài Gòn, mạ con đã tham dự khóa tu của Thầy tại Huế rồi gởi hình Thầy vào làm quà cho con. Con mở bì thư ra, nhìn vào hình Thầy rồi ngạc nhiên tự hỏi: “vì răng mà mạ gởi hình Ôn ni vô cho mình?” Hồi đó con chưa biết Thầy, con chưa có được một mối liên hệ nào với Thầy hết, con như chú hổ con chưa nhận ra mình đang gặp lại hổ mẹ, vì vậy con đã tặng hình của Thầy cho một người bạn của con, giống như chú hổ con vẫn thỏa mãn với gia đình khỉ của mình.

Nhưng dường như Thầy đã có mặt cho con từ thuở ấy, dường như Thầy đã gieo hạt giống bồ đề trong con từ dạo ấy, để rồi con tìm ra tu viện Bát Nhã năm 2007 và tham gia vào con đường hạnh phúc. Con nếm được pháp lạc của sự thực tập, và hạnh phúc càng lớn dần đến ngày con trở thành con của Thầy trong gia đình Sen Hồng. Vì hoàn cảnh cách trở, con trở thành con của Thầy trong khi chưa được gần Thầy, chưa được tiếp xúc với Thầy. Từng ngày, từng ngày, con nhận được tình thương của Thầy, sự có mặt của Thầy qua các sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em và Ôn Phước Huệ. Con nhận được tình thương của Thầy qua những lời nhắn nhủ đầy tình thương yêu trong mỗi bài pháp thoại. Và con đã gặp Thầy trong những hạnh phúc nho nhỏ mà con có được trong mỗi bước chân và hơi thở của mình. Con luôn chờ đợi đến ngày được gặp Thầy bằng xương bằng thịt, được kinh nghiệm trực tiếp mối liên hệ giữa Thầy và con… Theo thời gian, con đã được gặp Thầy, tiếp xúc với Thầy, và con biết Thầy luôn có mặt cho con, nhất là những lúc con thật sự cần Thầy.

Con nhớ một đêm mùa đông năm 2010 (con chỉ mới tới tu viện Bích Nham vài tháng), hệ thống sưởi hết ga và sư cô trong phòng con chuyển qua tòa nhà dành cho khách, nhưng con làm biếng nên đã thưa với sư cô cho phép con ở lại, một đêm qua nhanh lắm và con thường ngủ rất dễ dàng. Thế nhưng, đến nửa đêm thì con bắt đầu rét run và sợ (vì con chưa quen lắm với Bích Nham). Con đang lơ mơ trong tâm trạng bất an ấy thì con bỗng thấy Thầy. Thầy đã xoa đầu con và bảo “Thầy đây con!”. Dù là trong giấc mơ, con cũng ngạc nhiên tự hỏi sao Thầy biết là mình đang ở trong tâm trạng bất an như thế. Nhờ tình thương của Thầy, con đã ngủ một giấc thật ngon lành, ấm áp. Sáng hôm sau, sư cô phòng con quay về thật sớm để xem con có ổn không. Khi thấy con không bị ảnh hưởng gì thì sư cô rất ngạc nhiên. Con đã kể giấc mơ của con cho sư cô nghe, và sư cô cũng hạnh phúc không kém gì con. Sư cô bảo rằng Thầy luôn có trong tâm con, vì vậy mà con đã có một giấc mơ đẹp như thế. Và con nhận ra, Thầy đã ở trong con từ lâu rồi.

Một lần khác con gặp khó khăn với một sư anh của mình. Khối nội kết lớn đến nỗi mỗi lần đang đi thiền hành cùng đại chúng mà con nhìn thấy sư anh là con đi thật nhanh để tránh xa người ấy ra. Nhưng rồi, con nghĩ đến Thầy. Con thấy con và sư anh là những tế bào trong cơ thể của Thầy, con không thể cắt một tế bào nào ra khỏi cơ thể của Thầy hết, vì như thế sẽ làm Thầy đau. Nhờ nghĩ đến Thầy, con đã dần dần hòa giải được khối nội kết đó. Và thêm một lần nữa, con biết Thầy quan trọng đối với con đến nhường nào.

Mùa thu 2011 con được gặp Thầy. Thầy biết đó là lần đầu tiên con được gặp Thầy từ lúc xuất gia nên Thầy đã dành thời gian, không gian và tình thương cho con rất nhiều. Lúc đó, con chỉ muốn ngồi yên để tận hưởng giây phút huyền diệu, thiêng liêng mà ấm cúng ấy mà thôi. Dường như Thầy hiểu con nên Thầy đã không dạy con hát cho đại chúng nghe, mặc dù quý sư cô đã quảng cáo là con hát nghe cũng được. Và con hạnh phúc lắm vì con thấy Thầy hiểu con. Thầy cũng đã bao dung, không trách con vì con đã lỡ dại theo các sư chị mình leo núi ngay khi vừa đặt chân đến Lộc Uyển, thay vì đến chào Thầy trước. Thầy chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Đi núi vui không con?”, làm con vừa cảm động vừa hối hận và con thầm nhắc mình đừng có lầm lỡ lần sau.

Lần khác, con thấy Thầy và thị giả đi ngang qua ni xá trong những ngày đại chúng làm biếng, và con đã lẳng lặng đi theo Thầy. Không biết vì sao, mặc dù Thầy đi thật thong dong, thật chậm mà con bước hoài không kịp. Trong lòng con như muốn gọi “Thầy ơi chờ con với!”, nhưng con không dám gọi ra. Rồi lạ thay, Thầy dừng lại chờ con, và đưa tay ra nắm tay con cùng đi. Con như được trở về tuổi thơ của mình, cùng nắm tay Ông của mình đi chơi. Giây phút ấy bình yên quá Thầy ơi! Còn những lần khác nữa, mỗi khi có dịp gần Thầy, con đã được đón nhận những lời dạy bảo đầy tình thương của Thầy. Thầy đã lắng nghe con chia sẻ về gia đình mình và đã dạy cho con về cách thích ứng với môi trường mới. Thầy đã giúp con được trở về là chính mình và sống an nhiên cùng đại chúng. Con thấy bình an biết bao, con tự hứa với chính con là sẽ thực tập hết lòng để không phụ tình thương của Thầy.

Năm 2012, con đã gởi đến Thầy một bài hát kèm theo lời tâm nguyện của con trước khi thọ giới Thức Xoa Ma Na. Vậy mà khi về lại tu viện Bích Nham, con đã nhận được tin nhắn từ Thầy qua một sư chị rằng Thầy đã nhận được thư con và rất thích bài hát ấy. Con thật ngạc nhiên và cảm động biết bao. Con biết nhạc của con chỉ tự phát mà thôi vì con có qua trường lớp gì đâu, nhưng Thầy luôn khuyến khích các sư con của mình có niềm vui và hạnh phúc trong sự tu tập. Thầy không bao giờ bỏ qua một lá thư nào của các sư con, dù Thầy có quá nhiều sư con và có rất nhiều khóa tu. Nhưng con biết, đó là cách Thầy dành sự có mặt của mình cho các sư con.

Mùa thu năm 2013, con được gặp lại Thầy. Thầy đã viết cho con câu thư pháp “Thầy đây con” khi nghe con kể lại giấc mơ của con. Thầy đã để tâm chăm chút chỉ dạy cho con về cung cách của người thị giả khi con được làm thị giả Sư cô Chân Không. Thầy luôn có mặt và yểm trợ con hết lòng. Mỗi khi con mang thức ăn đến, Thầy luôn để ý xem có thiếu gì không để nhắc con trước, vì vậy mà con chưa bao giờ làm Sư cô buồn. Có lần Sư cô con tiếp khách ở bên thiền đường Đại Đồng, con đã qua cốc của Thầy cầu cứu vì đi về ni xá thì xa quá. Thầy đã từ bi cho con mượn ly, bình thủy, trà và cả … bình trà “sơ cua” của Thầy nữa. Con chỉ biết để tâm vào các vật dụng ấy mà quên mất sự có mặt của Thầy. Đến khi con chuẩn bị rời cốc thì Thầy mới nhắc nhẹ nhàng :”Xong việc thì về chơi với Thầy nghe con!”.

Thầy còn dành thời gian để chuẩn bị tinh thần cho chúng con thọ giới Lớn. Thầy dạy cho con cách làm việc trong chúng, cách thực tập trong các buổi họp… và quan trọng nhất là đường hướng của người xuất gia. Con đã được chuẩn bị tư trang đầy đủ và được tiếp thêm năng lượng từ Thầy. Vì vậy mà năm 2014, con thật an nhiên khi tiếp nhận giới Lớn do Thầy truyền trao.

Thầy dường như hiểu được con thích gì, cần gì, nghĩ gì; Thầy như biết được lúc nào con cần Thầy để luôn luôn đáp ứng được cho con… Thầy luôn cho con giải pháp kịp thời trong những lúc con gặp phải khó khăn. Đối với con, Thầy vừa là một người Ông, vừa là một người Cha, vừa là một người Thầy. Thầy vừa hiền từ như người mẹ vừa nghiêm khắc như người cha. Thầy vừa là dòng suối ngọt ngào vừa là ngọn núi hùng vĩ che chắn cho con. Thầy luôn có mặt cho con, và sự có mặt lúc nào cũng tròn đầy. Con chỉ biết tận hưởng tình thương ấy và đào sâu sự thực tập cho mình mà thôi. Mỗi ngày con luôn nghĩ đến Thầy, để được hạnh phúc, và để giúp con buông những cảm thọ nho nhỏ khởi lên trong cuộc sống hàng ngày mà con lỡ có với sư anh, sư chị, sư em của mình. Con tập sống không đòi hỏi, không tìm cầu, không vọng tưởng. Thầy đã chuẩn bị hành trang cho con trước khi thọ giới lớn quá đầy đủ. Mỗi ngày nhìn lại, con thấy Thầy đã trao cho con một túi gấm chứa đầy cẩm nang. Mỗi khi cần lời khuyên của Thầy là con có ngay câu giải đáp. Và từng mỗi phút giây trong đời sống, con luôn nhận được sự có mặt của Thầy. Giờ đây con không còn sợ hãi hay băn khoăn gì cả. Niềm tin và tình thương vào Thầy không hề suy giảm. Con cứ thế thích chí rong chơi trong khung trời phương ngoại mà Thầy đã mở ra cho con; khung trời chứa đầy hạnh phúc, chứa đầy sự hiểu biết và thương yêu. Con nguyện gắng sức, bền lòng đi trọn con đường để đem giáo pháp nhiệm mầu đến cho người người đang mong đợi.

 

Con của Thầy

Chăm em – Chăm tôi

Thở vào, con thấy các em thanh thiếu niên đang có mặt trong con…

Thầy kính thương,

Sau bảy tuần sinh hoạt trong chương trình thanh thiếu niên (teens program) tại Làng Mai và tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB – Đức), con thấy mình được nuôi dưỡng, được thử thách và có nhiều cảm hứng. Con xin được chia sẻ một ít kinh nghiệm của con trong mùa hè vừa qua. Con rất vui khi lần đầu tiên được tham gia vào chương trình này ở Làng. Những  tháng năm niên thiếu của con tràn đầy nước mắt cũng như tiếng cười. Con đã may mắn gặp được những thầy cô giáo cũng như những nhà tư vấn (mentors) dạy con cách thương yêu và tin tưởng vào chính mình trong giai đoạn mà không ai xung quanh con nghĩ đến những việc như vậy. Được chia sẻ phương pháp thực tập chánh niệm cho các em thanh thiếu niên giờ đây là một cách con bày tỏ lòng biết ơn của mình đến với những vị đã nâng đỡ con trong quá khứ, và cũng để hiến tặng một cái gì đó tương tự cho  các em thanh thiếu niên ngày nay.

Đóng một vai trò quan trọng và thú vị trong chương trình sinh hoạt với thanh thiếu niên là nhóm các thầy, các sư cô và một số cư sĩ, thông dịch viên có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn sinh hoạt cho các em. Chúng con đã làm việc cùng nhau trong tinh thần hòa hợp, yểm trợ sự thực tập của nhau và vui chơi với nhau. Trong mỗi khóa tu đều có một nhóm hướng dẫn gồm cả xuất sĩ và cư sĩ nên không ai phải làm việc một mình. Con cũng cảm nhận được sự có mặt và yểm trợ của những người đi trước đã từng tổ chức chương trình này trong những năm qua. Sự cống hiến của các vị đã khuyến khích Tăng thân “đầu tư” thêm thời gian, không gian và năng lực – những yếu tố cần thiết – để việc tổ chức chương trình sinh hoạt cho các em thanh thiếu  niên được suôn sẻ trong năm nay. Nhờ vậy chúng con đã làm việc được một cách dễ dàng. Chúng con đích thực là một tăng thân nhỏ trong một Tăng thân lớn, cùng đi như một dòng sông.

Sinh hoạt với các em giúp cho con nhận ra tầm quan trọng của Tăng thân dưới một ánh sáng mới. Hầu hết các em về Làng với bố mẹ chứ không phải tự mình muốn về. Chúng con phải tìm cách tạo ra một không gian đủ vui tươi, thoải mái và đầm ấm bằng cách tổ chức nhiều trò chơi, trong đó có cả một đêm uống sô-cô-la nóng. Dù tổ chức khéo tới đâu đi nữa, điều quan trọng nhất đối với các em là tình bạn, cho nên việc kết nối là trọng tâm của sự thực tập. Tuần trước một em trai kể: “Con tưởng rằng chương trình này sẽ rất nghiêm ngặt, rất chán và con sẽ phải sinh hoạt chung với em gái của con cả một tuần dài. Nhưng sự thực là con lại làm quen được với nhiều bạn mới và chương trình thì rất vui!”.

Buổi thực tập làm mới giữa cha mẹ và các em thanh thiếu niên tại xóm Mới

Càng thấy được tầm quan trọng của việc kết nối tình thân giữa các em thiếu niên, con càng nhận ra điều này cũng quan trọng không kém cho những người lớn tới Làng và ngay cả cho giới xuất sĩ. Ngay từ thời kỳ săn bắn, hái lượm, phần não bò sát của con người (reptilian brain – đây có phải là tên khác của thức Mạt-na?) luôn mong muốn tìm kiếm  sự an toàn trong nhóm, trong cộng đồng. Sự kết nối mang lại cho ta cảm giác an toàn, và nhờ vậy giúp ta thư giãn và cho phép não bộ của ta học hỏi những điều mới. Một khi chúng ta đã kết nối được với nhau thì sự thực tập (cũng như cuộc sống!) sẽ trở nên dễ dàng. Con nghĩ ngay cả những em thích tách mình ra khỏi nhóm cũng tự tìm sự an ổn theo cách của mình. Khi chúng con để “những tâm hồn cô đơn” này tự tìm cách riêng để kết nối với nhóm, các em ấy cũng tìm được niềm vui trong sự “có mặt cho nhau”.  

Chúng con sáng tạo nhiều cách khác nhau để chia sẻ pháp môn ngồi thiền cho các em, chẳng hạn như cuối một buổi sinh hoạt chúng con cho các em ngồi thiền chỉ trong năm phút và thực tập nhiều lần như vậy trong ngày. Mức độ chú tâm của phần lớn các em thiếu niên rất ngắn so với người lớn. Tuy vậy, các em lại có khả năng làm lắng dịu tâm ý dễ dàng hơn người lớn. Một em gái đã chia sẻ: “Con thường bắt đầu bằng cách theo dõi hơi thở liên tục cho đến khi có thể nghe được nhịp tim của mình. Sau đó, con chỉ tiếp tục lắng nghe nhịp tim của mình của thôi. Con thấy thú vị lắm!” Không lo về phương pháp đúng sai, khỏi phiền hà về cái tâm rong ruổi. Đơn giản thật! Cô bé đã tạo cảm hứng cho con, từ đó con thử tập “thiền nhịp tim” và thấy phương pháp này thật dễ chịu.

Chúng con cố gắng hướng dẫn các pháp môn thực tập cho các em bằng những hình thức nhẹ nhàng, vui tươi, không cứng nhắc về hình thức. Chẳng hạn như pháp môn thiền đi và thiền ăn được giới thiệu bằng những trò chơi. Thiền buông thư là một pháp môn được các em rất ưa chuộng. Chúng con cũng thực tập thiền ca rất nhiều. Khi hát chung với nhau, các em nhận ra là khi tâm có mặt với thân và thở một hơi thật sâu đem lại cho các em cảm giác thật khỏe nhẹ! Ngay cả những em không thích ca hát cũng chia sẻ rằng được góp phần vào chương trình văn nghệ là một điểm nổi bật nhất trong tuần. Một khi được ca hát chung (với sự yểm trợ của một bà mẹ làm quản ca), không ai còn cần phải giải thích cụm từ năng lượng tập thể là gì nữa. Cả nhóm đều được kinh nghiệm trực tiếp. Qua các trò chơi sinh hoạt vui tươi, con tiếp nhận được một bài học quý báu rằng nếu biết cách thì ai trong chúng ta cũng có thể làm cho sự tu học trở nên dễ chịu và tươi vui.

Pháp môn Làm Mới cũng là một phần thực tập quan trọng trong thời khóa sinh hoạt của mỗi tuần. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, càng dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các em thực tập Làm Mới qua việc viết “thư tình” cho bố mẹ và chia sẻ riêng với các em thì sự thực tập của các em trong buổi Làm Mới càng sâu sắc hơn. Nhiều giọt nước mắt biết ơn và trị liệu đã tuôn rơi, thỉnh thoảng cũng có những tiếng cười. Rất nhiều tình thương đã được thể hiện trong các buổi Làm Mới. Chúng con biết rằng chỉ một tuần ở Làng thì chưa đủ để trị liệu tất cả vết thương trong lòng các em, nhưng có thể đó là thời gian duy nhất trong suốt một năm mà các em và những người thân trong gia đình có thể chia sẻ một cách cởi mở tình thương yêu và lòng biết ơn dành cho nhau. Nhờ vậy họ có thể tiếp tục thực tập điều này sau khi về nhà. Những gia đình về Làng tu tập nhiều hơn một tuần thường có khả năng trị liệu nhiều nhất vì họ có thêm thời gian để học cách xây dựng niềm tin với nhau, đủ để thực tập pháp môn Làm Mới một cách sâu sắc.

Rất nhiều người trẻ về Làng mang theo nhiều vấn đề khó khăn lớn như: bố mẹ ly dị hoặc luôn bận rộn với công việc, không có thời gian cho con cái; bố hoặc mẹ mất vì ung thư; bị áp lực phải uống rượu và dùng thuốc phiện từ bạn bè; nghiện thuốc phiện, tình dục; bị các căn bệnh sợ hãi, trầm cảm, tự hành hạ mình; có bạn bè tự tử và nhiều vấn đề khác nữa. Dù có các trò chơi và các sinh hoạt vui tươi lành mạnh, chúng con cũng không thể quên rằng bên dưới những tiếng cười đó là cả một khối khổ đau.

Như Thầy thường dạy, chúng con cần phải chia sẻ những phương pháp thực tập cụ thể có công năng giúp được các em trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy chúng con chú trọng vào những pháp môn căn bản như hơi thở chánh niệm, buông thư toàn thân, nhận diện sự vô thường của các cảm xúc. Chúng con cũng luôn để tâm đến năng lượng chung của nhóm trong mỗi giây phút vì tình trạng chán nản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng khi chính chúng con, những người hướng dẫn cho các em, chân thành chia sẻ những khó khăn của bản thân và cách chúng con thực tập như thế nào để đi ra khỏi những khó khăn đó thì các em tỏ ra quan tâm chăm chú và rất có cảm hứng. Con cứ tự hỏi: “Điều này thật ra là gì vậy?”. Câu trả lời đi lên trong con là: khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an.

Con thấy rằng mình phải quay về nương tựa Tăng thân và vũ trụ một cách sâu sắc hơn. Đôi lúc con cảm nhận một nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, con ước mong mình có thể làm gì thêm để giúp những em có nhiều khó khăn. Nhưng rõ ràng là cá nhân con cũng có những giới hạn. Chúng con chỉ có thể có mặt cho các em trong một hoặc hai tuần ngắn ngủi, còn những điều kiện nằm đằng sau khối khổ đau của các em thì quá lớn, trong đó có gia đình, trường học, bạn bè, mạng lưới thông tin, môi trường, tình hình chính trị – xã hội, thực sự là cả vũ trụ này. Con chỉ có thể là một phần của Tăng thân và hiến tặng những gì mà mọi người trong tăng thân cũng đang hiến tặng, đó là: khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an. Rồi con cầu nguyện đức Bồ tát Quan Thế Âm và cả vũ trụ giúp các em sau khi các em trở về nhà.

Tiếp xúc với khổ đau trong các em cũng khơi dậy trong con những vết thương từ thời niên thiếu, những vết thương mà bấy lâu nay con cứ tưởng là đã được chữa lành. Đó là cảm giác bị loại trừ khỏi nhóm những người “được chú ý, được yêu thích”, cảm giác bị hiểu lầm và thường xuyên không cảm thấy thoải mái với chính con người mình. Chúng ta thường nghe về sự thực tập nhận diện em bé bị tổn thương trong ta, nhưng con xin thú thật rằng trong ta cũng có một cậu thiếu niên, một cô thiếu nữ bị thương tích nữa! May mắn thay, con không còn là một thiếu nữ và con đang có sự thực tập. Con có thể buông thư những căng thẳng trong cơ thể, chăm sóc cho những cảm xúc khổ đau và chuyển hoá những suy tư tiêu cực một cách nhanh chóng; đồng thời hiến tặng cho chính con khả năng chấp nhận, tâm hiểu biết, tình thương và sự bình an. Với sự thực tập đó, con có thể mời cô thiếu nữ trong con ra chơi đùa. Cô ấy hạnh phúc với điều đó lắm!

Có một cô bé trong nhóm làm con nhớ đến hình ảnh của con và một cô bạn thân khi còn trẻ, hai hình ảnh hòa chung thành một. Vì vậy con kết thân với cô bé ấy rất nhanh. Một hôm sau khi cãi vã với mẹ, cô bé đến để nhờ con giúp đỡ. Trong khi em đứng khóc, con đến và ôm em vào lòng. Con thấy mình như một người chị lớn, một y chỉ sư và một bà tiên hòa chung thành một. Con đã không làm gì nhiều, chỉ thở và lắng nghe nhưng có điều gì đó thay đổi trong cả hai chúng con. Em đã cảm thấy nhẹ hơn và có một cái thấy rõ hơn về những xung đột vừa xảy ra. Con cũng cảm thấy nhẹ hơn, như là có một khối nặng từ lâu đã được cất giấu vào một góc bụi bặm trong trái tim đã được đặt xuống. Con thậm chí còn nghe được một tiếng “bịch” trong lồng ngực của mình. Rồi khối nặng ấy tan biến đi.

Trong lúc nâng đỡ cho em gái này thì chính cô thiếu nữ trong con hai mươi năm trước vốn luôn mong muốn được hiểu, được thương cũng được hưởng điều này. Thời gian chợt tan biến, trong giây phút đó con vừa là một người lớn vừa là một cô bé. Trong khi chăm sóc cho em gái đó, con cũng đồng thời đang chăm sóc cho chính con. Thầy thường dạy chúng con thực tập điều này nhưng con chưa từng kinh nghiệm qua. Con đang được chuyển hóa. Khi tình nguyện tham gia chương trình sinh hoạt cho thanh thiếu niên, con đã không nghĩ rằng một điều như vậy có thể xảy ra. Con rất biết ơn điều ngạc nhiên mầu nhiệm này! Chắc chắn con sẽ tiếp tục tình nguyện tham gia chương trình này trong thời gian tới.