Ước nguyện – Great Inspiration

To have the capacity to live with oneself
Recognize, accept and embrace oneself,
Is a foundation for a monastic life.
To keep the fire of our beginner’s mind alive
By not letting ourselves drown in the river of Skandhas
And by always maintaining the same direction:
The bliss of true freedom.

 

Turning towards the Buddha within myself
I make the great vow to always find the right path
So I can be truly liberated from the 3 poisons
And dwell in a land of love, peace and understanding.

 

Sống thật với chính mình
Có khả năng nhận diện
Chấp nhận và thương yêu
Những điều đẹp, chưa đẹp
Nơi chính bản thân mình
Là điều con nuôi dưỡng
Làm nền tảng đời tu.

 

Ngọn lửa Bồ Đề Tâm
Luôn giữ cho sống mãi
Tâm tư không bị cuốn
Theo dòng ngũ uẩn trôi
Lòng dặn lòng hướng về
Niềm tự do chân thật.

 

Trở về nương tựa Bụt
Trong chính tự thân con
Xin nguyện luôn tìm về
Những nẻo đường chân chánh
Để tự do có mặt
Thoát khỏi mọi tham cầu
Ghét ghen và hờn giận
Để tâm tư an trú
Vững chãi trên thật địa
Tỏa sáng hiểu và thương.

Mùa đông đang đi qua

Bạn hiền ơi, tôi viết những dòng chữ này cho bạn hiền từ trong nhà thương. Ngoài trời lạnh lắm dù nắng vàng tươi. Tôi biết mình viết không có gì đặc biệt, lại cũng không thích kể những gì nghiêm trang ai cũng biết mà chỉ thích viết chuyện bên lề, chuyện cá nhân, chuyện “nhí nhố” nên năm nào tôi cũng khất nợ với Lá Thư Làng Mai tới giờ chót mới cầm bút. Và nghĩ rằng hễ viết không kịp … thì thôi.
Nhưng năm nay, giữa những bận rộn không tránh được, tôi lại muốn viết ít hàng cho bạn hiền, cho Lá Thư Làng Mai, có lẽ như một thói quen, hay là những chuyện đang xảy ra rồi sẽ thành quá khứ mà không ghi lại thì cũng thấy thiếu.

Trước Tết
Pháp thoại của Thầy vui quá sức. Có một đoạn Thầy giảng về Bụt và Ma Vương đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ hiện đại làm tôi cười quá chừng. Bạn hiền nghĩ coi, thầy A Nan bảo Bụt không tiếp Ma Vương được (có thể vì mắc đi họp hội nghị), còn Ma Vương thì than phiền là đệ tử Ma Vương lúc này bày đặt đòi ngồi thiền, đòi bảo vệ môi trường, v.v. Bụt than thở là Bụt nào có sướng gì, người ta lên chùa cúng bái, nhét tiền vào tay Bụt, làm như Bụt tham nhũng, rồi để Bụt lên xe hoa khiêng đi gật gù, đặt vào miệng Bụt những điều Bụt không hề nói… Sau bài giảng đó ai cũng xếp tập lại vì tưởng Tết thì học ít thôi, ai ngờ Thầy giảng tiếp Duy Biểu. Xong pháp thoại là lễ dựng nêu, rồi hội chợ hoa. Năm nay tôi mua được nhiều hoa đẹp mà rẻ nên gian hàng hoa xôm tụ lắm. Thầy dẫn mọi người đi thăm chợ hoa, ngắm từng cây lan, chậu cúc, Thầy chọn một cây … xương rồng. Tôi nghĩ thầm chắc Thầy đổi gu rồi. “Bé cái lầm” nhé, khi tôi hỏi Thầy lý do thì Thầy nói hóm hỉnh: “mình không có tiền, thấy cái chậu đó có 4 euro nên chỉ đại cho rồi”. Thầy trò cùng cười.

Tháng Hai

Ngày 06/02/2014 thầy Pháp Ý mất sau một cơn suyễn đột ngột. Buổi chiều đại chúng vân tập lên thiền đường Tăng xá để làm lễ. Thầy viết hai tấm thư pháp tiễn đưa: your cloud never dies và Smile thầy Pháp Ý với một biểu tượng mặt cười. Thầy chịu chơi quá.
Tháng hai, do ảnh hưởng mưa bão từ đâu đó nên trời chợt tạnh chợt mưa. Mấy cây hoa tính trồng hoài mà không xong. Ngày làm lễ Tự Tứ có cơn mưa thật lớn với gió rất mạnh. Hình như ít khi tôi nhìn qua kính mà thấy từng mảng mưa bị thổi dạt từng lúc như vậy. Ai cũng phải nhìn. Tự dưng sau đó trời nắng lên đẹp. Cái nắng hiếm hoi của mùa đông, mùa … mưa. Cái nắng bừng lên làm trời đẹp đến ngẩn ngơ. Thầy kêu chụp hình kỷ niệm toàn chúng đắp y. Tôi vô tình được đứng gần Thầy, lần đầu tiên, nghĩ bụng mình hên quá xá.
Ngày 20/02/2014 chúng xóm Mới, xóm Hạ dọn lên trên xóm Thượng ở để dự khóa tu xuất sĩ một tuần. Ban tổ chức thông báo có 245 xuất sĩ tham dự khóa tu chung nên năng lượng rất hùng tráng. Tôi được ở cốc Linh Quy với hai sư em. Công nhận ở xóm Thượng chỗ nào cũng đẹp, cửa sổ phòng tôi nhìn ra rừng rất nên thơ. Ăn cơm ngon, nghe pháp thoại hay (Thầy dạy chúng mạnh lắm), ngày văn nghệ xuất sắc, và ngày chơi trò chơi Đường Về Làng II thì vui quá đỗi là vui. Các sư chị sư em trả lời rất khá. May tôi được ở trong ban giám khảo chứ nếu tôi chơi chắc đội của tôi sẽ thua bí bét.

Cuối khóa tu, nghe tin ba sư cô Hương Nghiêm vừa qua đời.

Tháng Ba

Năm nay nghĩ mình sẽ không đi đâu, nhưng rốt cuộc tôi cũng đồng ý làm đệ nhị thân đi với sư em Sinh Nghiêm về thăm bà nội em ở đảo Réunion. Gia đình ông bà nội em quen với gia đình tôi từ những ngày xa xưa ở Đà Lạt. Ông của em là bác sĩ và tôi dám chắc đã có lần tôi mếu máo khóc vì sợ bị chích ở phòng mạch của ông. Mẹ tôi và bà nội sư em thì cùng trong nhóm các bà hay đi thăm cô nhi viện và làm các việc của hội Hồng Thập Tự. Nên chút duyên xưa khiến tôi hăng hái đi với sư em dù không biết mình có giúp được gì. Trong thời gian đó ở Làng có sự kiện viện Đại Học Hồng Kông trao bằng Tiến Sĩ danh dự cho Thầy. Tôi tiếc phải vắng mặt quá chừng nhưng không hối hận, vì có thêm chút háo hức mơ hồ được biết nơi đã nhắc đến trong lịch sử là chốn lưu đày vua Duy Tân, vua Thành Thái năm xưa.
Đảo Réunion nhỏ, nóng. Trên đường về nhà ở St. Pierre, đường chạy dọc biển thật mát, đầy hoa tigôn, hoa điệp, hoa phượng (lác đác vài cánh đỏ trên đọt) và cây dừa. Không phải hình ảnh của … châu Phi hay resort mà là hình ảnh của Indonesia, hay Vũng Tàu, Nha Trang. Biển xanh ngắt, nhưng mọi người khuyến cáo từ trên máy bay là không được tắm vì có cá mập. Nhà bác của Sinh Nghiêm cũng giống nhà ở Sàigòn, vườn có mấy cây xoài lủng lẳng trái nhìn rất thích. Hai chị em chia phiên nhau: Sinh Nghiêm lắng nghe bà nội, chỉ bà nội phương pháp thực tập để bà vui vẻ hơn, mở lòng hơn; tôi thì nấu ăn chung với cô của Sinh Nghiêm và nhẹ nhàng kể chuyện, chia sẻ. Dượng của sư em là người bản xứ, lại theo đạo Công giáo, nhưng qua phần giới thiệu về cách sống ở Làng của hai chị em ông rất thích, và cũng thích hát bài “Ta hạnh phúc liền giây phút này” (bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên).
Có hôm cả nhà ăn xong (tôi cho cả nhà ăn chay hết) ngồi hát chung rất vui và đầm ấm. Có một ngày dượng của sư em nghỉ làm, chở cả nhà đi hái ổi (là một đặc sản của vùng này) nhưng chưa tới mùa, tuy nhiên con đường lên núi thật là tuyệt vời, hoa nở khắp nơi như hoa dại: cẩm tú cầu đủ màu, địa lan, hoa màu xanh tím như hoa mua, hoa sim, cây cối xanh ngắt. Đường quanh co gấp chục lần đèo Prenn và khí hậu mát lạnh thật giống cảnh Đà Lạt hay Bảo Lộc. Chỉ đi thôi là đủ vui rồi. Một buổi chiều khác từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra biển, trời về chiều đầy những ráng mây hồng và hình ảnh những cây dừa in bóng tuyệt đẹp. Tôi không đem máy hình, mà cũng không cần chụp, chỉ sống trọn vẹn với cảm giác ngất ngây khi bắt gặp một cảm xúc chợt tới.
Mấy hôm sau ông nội của Sinh Nghiêm tới. Hai ông bà đã ly dị từ lâu nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong lòng bà. Đó cũng là lý do sư em Sinh Nghiêm muốn về thăm để giúp bà giải tỏa những kết sử khổ đau trong lòng trước khi bà ra đi. Bà vui lắm. Hai ông bà chụp hình chung, bà ngoẹo đầu vào vai ông, ai cũng hạnh phúc. Bà chê ông già, nhưng bà còn già hơn. Tiếng cười rộn rã khắp nơi. Bà cứ thì thào là bà “thực tập” vậy được chưa, coi như bà “nice” (dễ thương) vì các sư cô biểu chứ bà không tự ý đâu nhá.
Gần tới ngày về, chúng tôi được đi chợ rau cải bán ngoài trời. Thấy rau trái bày thích mắt. Sa kê bán đầy. Lần đầu tiên tôi thấy đọt cây kè tươi, nghĩ tới củ hủ dừa nên mua về để thị giả nấu cho Thầy dừng thử. Có một gian hàng bán loại thơm màu đỏ nhìn như muốn ứa mật ra nên cũng không thể bỏ qua. Vui nhất là gặp hàng hoa. Tôi chỉ chăm chăm đi tìm lan nhiệt đới nên khi bắt gặp cây lan vàng như ở Thái Lan các thầy mua cho Sư Ông là tôi mừng quýnh. Tôi xin địa chỉ và tìm đến được một vườn lan đủ loại. Có một cây có hoa lan trắng nhụy vàng tuyệt vời luôn, nhưng vì lan đã cũ, nở lâu rồi nên tôi không dám mua. Ông hàng hoa kiếm được cho tôi một chậu lan vàng có tới năm nhánh đầy búp làm tôi mừng quá, đáng làm quà đem về cúng dường Thầy vì lần trước không thể đem ra khỏi từ Thái Lan được. Phải tính cách gói như thế nào để cầm về nữa. Và dĩ nhiên tôi không thể không mua những nhánh lan con đủ loại vừa được chiết ra với giá rất “mềm” để đem về Làng trồng thử.
Tới ngày chúng tôi đi, bà nội và bác gái sư em mới chịu làm mới với nhau. Lúc hai người làm thiền ôm và khóc được thì tôi cũng rưng rưng, thấy rõ là pháp môn nhiệm mầu và biết ơn Thầy quá.

Cũng trong tháng này, có tin mẹ của các sư cô Học Nghiêm và Bội Nghiêm ra đi sau cơn bịnh dai dẳng mấy năm.

Tháng Tư

Tháng của mùa xuân. Hoa bắt đầu nở khắp nơi. Năm nay tôi không phải đi đâu nên ngày nào cũng ra thăm vườn, thăm hoa. Có những chỗ hoa trồng từ hồi nào mà bây giờ đột ngột khoe sắc. Nhưng cũng có những chỗ tưởng là có hoa thì bây giờ thưa thớt vì củ bị con gì ăn mất. Tôi đem cây ngọc lan trắng duy nhất còn sống sót trong mười cây đem về từ Hàn Quốc ra cho xuống đất. Mong là cây mạnh đủ để cắm rễ nơi này.
Có một ngày, sư cô Bảo Nghiêm bị đột quỵ thật bất ngờ. Xe cứu thương đến. Vì sư cô bị yếu tim nữa nên bác sĩ tới khám và quyết định phải đưa đi bằng trực thăng. Họ chữa chạy thật giỏi, vài ngày sau sư cô được về. Tuy nhiên sư em Thi Nghiêm phải làm thị giả cho sư cô khá lâu sư cô mới trở lại bình thường được.
Cuối tháng là khóa tu ở Tây Ban Nha. Họ mời tới 50 xuất sĩ nên chúng tôi đi bằng xe buýt. Đi hơn 10 tiếng mới tới Madrid nhưng tôi thấy chuyến đi ngắn lắm, chắc có lẽ vì nghỉ nhiều. Tăng thân Tây Ban Nha rất cưng chúng tôi, ngoài khóa tu như thường lệ, họ tổ chức cho chúng tôi đi viếng thành phố Toledo và cúng dường tiền túi để ăn trưa hay mua quà.
Thành phố rất đẹp. Sư chú Pháp Đan thuyết trình rất lưu loát về lịch sử của thành phố cũng như của Tây Ban Nha trên đường đi nên tôi học được nhiều. Chúng tôi đi thăm nhà thờ dát vàng lộng lẫy, đi bộ trên những con đường nhỏ lát gạch nên thơ, và cuối cùng thì đi thăm một tu viện kín của các ma xơ để … mua kẹo. Kẹo ở đây được nhiều người mua để yểm trợ cho tu viện (chắc cũng giống mua nhang để yểm trợ chùa).
Trên nguyên tắc, các ma xơ dòng tu kín không được cho người khác thấy mặt nên mình chọn kẹo xong, để tiền vào cái hộp bằng gỗ xoay tròn (như cửa kiếng xoay tròn ngoài siêu thị) thì kẹo mình mua sẽ được đưa ra cũng bằng cái hộp đó. Trong khi chúng tôi đứng xếp hàng hăm hở chờ tới phiên mình thì có một ma xơ, có lẽ nghe nói có người tu tôn giáo khác tới nên mở cửa mời chúng tôi vào nhà nguyện của họ. Giữa chỗ các ma xơ ngồi và chúng tôi có một lớp hàng rào, có thể thấy nhau nhưng không vượt qua được. Không biết cái hàng rào đó để bảo vệ các xơ không bị người đời quấy phá hay để các xơ nhớ là họ đã khấn tu kín trọn đời, không thể ra ngoài. Mình cũng khấn tu trọn đời nhưng hàng rào giới của mình vô hình hơn, và dĩ nhiên mình thấy mình tự do hơn.

Tháng Năm

Xong Madrid thì tới Barcelona. Tôi và sư cô Định Nghiêm vào ban tiền trạm đi trước để xếp phòng cho phía nữ nên hụt đi vãn cảnh thành phố Madrid sau ngày khóa tu. Chỗ ở cho tăng đoàn tại Barcelona là một tu viện Công giáo đã có 150 năm, dành cho nữ tu, hiện giờ các bà xơ còn lại đều rất già. Trên tầng hai là chỗ ở của các ma xơ, khách không được lên. Có khoảng tám vị già lắm, phải nhờ y tá tới chăm nom, tập cho đi. Còn lại bốn ma xơ khoảng ngoài 60 thì làm văn phòng, tiếp khách và đi làm ở ngoài trường học. Họ có một trường mẫu giáo, tiểu và trung học Công giáo. Tại đấy các ma xơ có dạy các cháu ngồi thiền mỗi ngày. Hai ngày tới sớm làm tiền trạm, mỗi sáng lúc 7 giờ chúng tôi xuống ngồi thiền chung. Họ có một thiền đường nhỏ chừng 30 người, trên bàn thờ có hình Bụt Thích Ca ở giữa, hình chúa Jesus một bên. Xơ Martha, đồng thời cũng là một Roshi của Rinzai (Thiền Lâm Tế) và Soto (Thiền Tào Động), thỉnh chuông cho ngồi thiền 30 phút rồi đọc kinh, toàn là kinh của Làng được dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Nhiều con chiên ở ngoài cũng tới ngồi thiền buổi sáng rồi mới đi làm.
Kiến trúc ở Barcelona thật đặc biệt và chợ Ramdas ở khu Catalanian Plaza thì quá giống chợ châu Á, từ những ly sinh tố đủ màu đến hàng bán olive đủ loại (dĩ nhiên vùng nào thức ấy, chợ châu Á thì chắc là cửa hàng bán ô mai). Ngày làm biếng, chúng tôi lại được mấy vị trong tăng thân Barcelona dẫn đi thăm nhà thờ Famillia, nhà thờ thật vĩ đại và xây từ thế kỷ trước tới bây giờ vẫn chưa xong. Họ tổ chức chu đáo nên mọi người đều được nghe giải thích bởi hướng dẫn viên bằng tiếng Anh với cái máy nhỏ bỏ túi, muốn đi đâu cũng được. Có nghe giải thích mới thấy giá trị của sự xây cất và đầu óc vĩ đại của Gaudi, ông kiến trúc sư đã làm cho Barcelona nổi tiếng với những ngôi nhà đầy sáng tạo và mầu mè như trong truyện cổ tích. Một số sư em tới từ Việt Nam thì chỉ hào hứng đi thăm sân vận động Tây Ban Nha để chụp hình.
Sau đó là khóa tu dành cho ngành giáo dục ở trường đại học Barcelona. Thầy chỉ dạy có ba ngày đầu, những ngày kế các giáo thọ phụ trách khóa tu sẽ giảng tiếp. Cuối ngày thứ ba các nhóm pháp đàm được mời ra Arc de Triump để ngồi thiền theo kiểu Flashmob, tới nơi mới thấy người ngồi đông nghẹt, có lẽ đến năm hay sáu ngàn (6000) người. Khi Thầy giảng xong, sư cô Chân Không vừa cất tiếng hát thính chúng đột ngột đứng lên hết để chào Thầy ra về. Có một số người chạy theo xe Thầy trông rất quyến luyến đến thấy thương.  Người Tây Ban Nha tình cảm quá chừng.

Đi Tây Ban Nha về có Đại giới đàn Cam Lộ Vị. Kỳ này làm với tính cách trong nhà nên ít chư tôn đức hơn các lần khác. Tôi sống lâu lên lão làng nên được đẩy lên hàng thập sư, thấy chỗ mình ngồi ngày càng gần với bàn thờ.

Tháng Sáu

Khóa tu hai mươi mốt ngày. Thầy vẫn giảng như bình thường. Sư em Chuẩn Nghiêm ở chung gia đình điều động thiền sinh giúp làm vườn rất giỏi dù sư em nhút nhát và chưa thạo tiếng Anh. Nhờ có sự phụ giúp của sư em, đêm nào cũng soi đèn đi bắt những con ốc sên tham ăn và cho phân đúng hạn nên những cây lan tươi tốt hẳn. Khoảng sân tí ti ở Sân Chim như một sân vườn nhỏ quê nhà với lan treo trên cao, lan bày dưới đất, hoa nở không nhiều nhưng hết cây này có nụ đến cây kia đơm bông. Những nhánh lan non nhiều loại tôi đem từ La Reunion về cũng bắt đầu ra rễ mới. Mỗi buổi sáng có chút giờ tưới lan, tôi thấy mình đang vui thú điền viên và hạnh phúc biết bao khi khám phá ra một chồi hoa núp dưới lá. Cây nào nở hoa, tôi lại đem vào phòng điện thoại cho mọi người ngắm. Hạnh phúc thật đơn giản bạn hiền ơi.

Tháng Bảy

Khóa tu mùa Hè. Năm nay khách đông quá. Xóm Mới nhỏ xíu mà gần 300 người, đi đâu cũng gặp người. Nhưng nhờ vậy có thiền sinh giúp làm vườn Bụt khá đẹp, khi được trải cỏ vào, nhìn đâu cũng ngát một màu xanh nên dù diện tích xóm Mới nhỏ nhưng cũng có không gian cho mọi người.
Sư em lo về hợp đồng sách của Thầy báo cho tôi hay sách Thầy đã được dịch ra tiếng Mông Cổ và họ mời Thầy sang giảng. Ôi, nhu yếu thì nhiều mà sức người có hạn. Trong mùa hè tôi còn phải gặp Tăng thân Nhật để bàn về việc tổ chức chuyến đi năm tới cho Sư Ông. Năm 2011 chuyến đi đã được chuẩn bị xong thì xảy ra vụ sóng thần nên phải hủy giờ chót. Thầy bảo tôi: “mình ‘nợ’ Nhật một chuyến đi” nên trì hoãn mãi tới bây giờ mới tổ chức lại được.

Tháng Tám
Mùa hè năm nay ngắn vì trời nóng có mấy ngày, còn lại thì mát và lạnh. Có một cây mận nở một chùm hoa trắng. Có một cây táo đang ra lá non (như vào xuân vậy). Và có những cây phong bắt đầu đỏ lá. Ngộ quá, trong khi sen vẫn còn đang nở cuối mùa.
Hết khóa tu mùa hè thì tới khóa tu ở EIAB (Đức) rồi khóa tu tiếng Ý. Năm nay Làng quyết định để Thầy được một năm “nghỉ ngơi” nên yêu cầu thiền sinh Ý về Làng tu học như khóa tu tiếng Pháp vậy. Không ngờ sức khỏe Thầy lại bị suy giảm sau chuyến đi EIAB, nên dù ở Làng mà Thầy ráng ra dạy được ba buổi, mỗi buổi pháp thoại chỉ có 45 phút.
Có tin mẹ thầy Pháp Ấn vừa mất. Thầy về nhà trước đó cả tháng để lo cho gia đình, cho bác gái nên bác trai vui lắm. Tôi nghĩ tới ba mẹ mình nên quyết định về nhà ở với gia đình cả tháng là quá đúng.
Sức khỏe Thầy ngày càng yếu. Ban thị giả túc trực 24/24. Nhưng Thầy không nghỉ ngơi được bao nhiêu. Những khi không ngủ được, Thầy gọi thị giả tới để tiếp tục sửa bài, làm sách. Ôi, Thầy của chúng con!

Tháng Chín

Tôi xin phép về nhà một tháng, thật sự có mặt cho gia đình. Một tháng qua nhanh. Tôi chỉ ở nhà, không thăm viếng liên lạc ai, chỉ dành trọn vẹn thời gian cho ba mẹ tôi. Mới có một năm mà về nhà nhận ra ba me tôi thật sự yếu đi nhiều. Biết làm sao hơn, chính tôi cũng thay đổi nhiều sau một năm kia mà.

Tháng Mười

Tôi trở về Làng được vài hôm thì Thầy vào bệnh viện. Ban thị giả đã năn nỉ quá chừng mà Thầy không chịu nên khi Thầy đồng ý vào bệnh viện là ai nấy … mừng quýnh. Tôi đi về mỗi ngày với sư cô Định Nghiêm và đem cơm cho ban thị giả. Có những ngày đẹp trời, ăn cơm trên những chiếc bàn dài ngoài sân cỏ như ăn picnic. Có những ngày mưa, mỗi người một tô cơm vào xe ngồi ăn. Tin tức về sức khỏe Thầy mỗi ngày lắm khi làm mọi người lên ruột. Thầy quyết định về nhà. Tin Thầy về làm ai cũng mừng. Các sư em xóm Mới cúng dường Thầy cả chục chậu hoa Cúc Đại Đóa, xếp dài dài ở cửa để Thầy ngắm. Thầy về, đi một vòng từ Phương Khê, mặt rất vui, còn dặn đem hoa vào cho mát.
Thầy thương mấy sư con, nên từ khi còn ở bệnh viện cứ nhắc hoài đến ngày Xuất sĩ. Thậm chí còn nói là thôi về một buổi cho ngày Xuất Sĩ rồi lên bệnh viện lại. Không biết từ đâu mà Thầy có ý đãi bắp nổ (popcorn) cho vui. Nên ngày xuất sĩ kỳ này được gọi là Popcorn day. Cũng khá lâu rồi đại chúng không được gặp Thầy nên ai cũng nôn nao. Tập tụng kinh một lát thì thầy Pháp Áo đẩy xe lăn đưa Thầy ra. Ai cũng xúc động. Thầy ốm yếu, xanh xao, tuy mệt nhưng vẫn tươi cười và có mặt cho các sư con một chút. Ban thị giả đã thực tập lâu nay cách nổ bắp nên những rổ bắp nổ dòn và ngon, so với những bao bắp rang mặn chát lúc đầu đem về xóm Mới nhờ tiêu thụ dùm thiệt khác rất xa.
Thầy dọn lên Cốc Ngồi Yên. Ban thị giả cũng dọn nhà lên theo. Các sư cô được chia cho cái cốc gần bên, còn các thầy thì về Tăng xá khi không đến phiên trực.
Có một ngày tôi nghe tin Thầy ngủ được tới ba tiếng, dậy làm việc với thầy Pháp Áo, xong 5 giờ sáng, Thầy rủ thị giả đẩy xe đi thăm từng phòng ở Tăng xá và ngồi chơi với quý thầy. Nghe kể thầy Pháp Hữu tưởng mình ngủ mơ khi nghe tiếng Thầy ở ngay kế bên giường, kêu thị giả dậy pha trà đãi khách. Hôm đó Thầy khỏe hơn, buổi trưa ăn được một muỗng cơm làm thị giả nấu ăn mừng quá sức vì lâu nay Thầy chỉ ăn cháo.

Tháng Mười Một

Đầu tháng, Thầy quyết định vào lại bệnh viện, nhưng lần này là bệnh viện lớn hơn. Nhờ bác sĩ Thái can thiệp nên được bệnh viện nhận vào và làm test liền. Mỗi ngày tôi và sư em Tùng Nghiêm lái xe từ Làng lên bệnh viện đem cơm cho ban thị giả. Ngày thứ hai đem cơm lên thì thị giả bảo Thầy kêu hai chị em vào gặp, vui ơi là vui. Cái phòng nhỏ xíu mà người thì đông, nào là thị giả, rồi Anh Hương và Đức mới từ Mỹ qua thăm, rồi thêm cả hai chị em không biết đứng đâu ngồi đâu, nhưng Thầy thì vui lắm, thần sắc rất tươi.
Ở bệnh viện này Thầy được chăm sóc kỹ lưỡng. Bác sĩ y tá đều dễ thương. Mỗi ngày Thầy ăn thêm được một chút, hy vọng với đà này thì có thể Thầy đi Vatican được. Ban thị giả không muốn ai vào thăm để Thầy được nghỉ ngơi và trị liệu. Nào ngờ ngày 11/11 Thầy bị xuất huyết não. Định Nghiêm gọi cho tôi khi Ban Giáo thọ xóm Mới đang họp. Tôi nghe tiếng Định Nghiêm nghẹn trong máy báo tin là bác sĩ nói Thầy có thể chỉ còn sống vài tiếng tới vài ngày, có thể sắp xếp cho đại chúng lên thăm lần cuối. Tim tôi thắt lại. Chuyện gì đã xảy ra khi mới hai hôm trước Thầy còn hào hứng bàn chuyện với hai thầy Pháp Ấn và Pháp Khâm? Tôi nhắn lại với các chị em giáo thọ lớn ở nhà, đi liền. Thầy nằm đó, thở đều, chìm sâu vào trạng thái vô thức. Ban thị giả, người đi thiền hành, người xoa bóp Thầy, ai nấy mắt đỏ hoe. Tôi cầm tay Thầy. Chỉ cần Thầy sống với chúng con thôi, còn sao cũng được. Lúc trước tôi hy vọng Thầy mau khỏi bệnh để đi thiền hành lại với chúng, bây giờ tôi tự hạ giá – nếu Thầy có phải ngồi xe lăn cũng không sao. Miễn là Thầy còn đó.
Lúc này bác sĩ Thái như một cứu tinh, bác sĩ nói là còn nhiều điều mình có thể làm được lắm chứ không phải là đã hết cách. Ban thị giả được khuyên tiếp tục bảo vệ cho Thầy, không cho thăm viếng. Tôi nhận lời làm thị giả cho sư cô Chân Không, ở chung với ban thị giả và bắt đầu cuộc sống ở bệnh viện.
Trong những ngày bệnh, Thầy duy trì hơi thở rất sâu, rất đầy. Có phải Thầy đã thực tập An Ban Thủ Ý đến mức độ dù đang mê man, tàng thức vẫn làm việc rất giỏi?
Ở nhà, đại chúng quyết định vẫn làm lễ Đối thú an cư đúng ngày và bắt đầu khóa An cư như thường lệ. Chúng con, tăng thân của Thầy, vẫn đi tới vì đó là mong ước của Thầy. Năng lượng tu tập rất dũng mãnh và hùng tráng vì ai cũng quay về với nội tâm, tu cho mình, tu cho Thầy, yểm trợ cho đại chúng. Các sư em khoe với tôi là sắp giận nhau thì chợt nhớ tới Thầy đang nằm bệnh viện là buông bỏ liền. Chư tôn đức các nơi xa xôi cũng bay về để giúp đỡ, huynh đệ xa chúng lâu nay cũng về để thăm Thầy, các xóm bận rộn tiếp đón, đến nỗi có em ví như là không khí Đại Giới Đàn.

Tháng Mười Hai
Những ngày đi Vatican tới rồi. Sư cô Chân Không không muốn đi, tôi cũng không muốn đi. Không ai muốn rời Thầy trong lúc này, nhưng Sư cô biết là phải thay Thầy để tiếp tục mọi chuyện vì đó mới là điều Thầy mong muốn. Lúc nào Thầy lại chẳng nhắc nhở đến sự tiếp nối?
Sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn và tôi rời Pháp khi tăng thân đã bay qua Ý được hai hôm. Đến Rome, chúng tôi được ở chung với tăng thân trong khách sạn Trianon Borgo Pio S.r.l theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Kỳ này đi theo Sư cô với vai trò thị giả, thời gian ở Ý lại ngắn, tôi không tháp tùng anh chị em đi sinh hoạt với tăng thân địa phương hay thăm các tiệm kem Ý nổi tiếng mà chỉ ở nhà giúp Sư cô chuẩn bị cho ngày gặp mặt Đức Giáo Hoàng.
Bù lại sáng đó, trong khi anh chị em đứng xếp hàng đưa hộ chiếu để lấy bảng tên ở trạm gác rồi mới được xe buýt chở vào địa phận Vatican thì tôi được ké Sư cô, ngồi trên chiếc xe của Vatican đón đi thẳng vào mà không phải trình hộ chiếu hay có ai hỏi han cả. Mỗi lần xe chạy ngang một trạm gác thì có một chú cận vệ giơ tay chào nữa mới oai chứ. Những chú cận vệ Thuỵ Sĩ canh gác Vatican rất trẻ, đồng phục truyền thống có màu sắc và kiểu dáng như trong truyện cổ tích. Nghe nói những người cận vệ này đều là người công giáo Thuỵ Sĩ và được huấn luyện để kiêm luôn làm cận vệ Đức Giáo Hoàng. Tôi đi Rome đã mấy lần, nhưng toàn là tới Vương cung thánh đường và quảng trường St. Peter thì hết, có bao giờ được bước chân vào bên trong Thành quốc Vatican đâu.
Xe chạy trên những con đường nhỏ lát gạch, bao quanh là công viên nên mình có cảm tưởng như đang đi trong một khu vườn lớn hơn là một thành phố. Ngày đầu là ngày tu tập nên đức Giáo Hoàng chưa có mặt, chỉ có Đức Giám Mục Sanchez điều động. Xong phần vấn đáp thì đã trễ giờ nhưng Giám Mục Sanchez vẫn muốn đi thiền hành nên tôi có cơ hội đặt chân trên những con đường của Vatican. Mỗi bước chân tôi đều nghĩ tới Thầy. Thầy đang đi với con, con đang đi cho Thầy. Thầy đang nằm trên giường bệnh nhưng Thầy cũng đang ở đây với chúng con. Đoàn người đi thảnh thơi và đầy chánh niệm. Vì toàn là đại diện các tôn giáo nên năng lượng chú tâm và có mặt rất lớn. Đang đi, tôi thấy có nhiều tòa nhà lân cận mở tung cửa sổ trên cao và lố nhố người nhìn xuống. Tôi mỉm cười. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên họ thấy những tà áo nâu Phật giáo trong lãnh thổ Vatican.
Ngày thứ nhì là ngày ký bản Tuyên ngôn. Xe Vatican lại đến khách sạn đón chúng tôi. Lần này, cũng là tới tòa nhà đó, nhưng không biết vì lý do gì mà họ đi ngả khác dài và vòng vèo hơn, có lúc tôi ngạc nhiên khi thấy đường xe chạy ở ngay dưới những vòm cong của hành lang một tòa nhà. Xe dừng lại trước cửa, có thảm đỏ đón tiếp hẳn hoi. Các đại diện tôn giáo được mời ngồi chờ ở một phòng bên Hội trường. Sư cô nhỏ bé nhất trong nhóm người đó. Amma, đại diện cho đạo Hindu cũng không cao lắm nhưng tròn trịa hơn. Đó là hai đại diện nữ duy nhất trong hội nghị và được xếp ngồi hai bên Đức Giáo Hoàng.
Tôi được ngồi ở cuối hội trường nhưng vẫn theo dõi được mọi chuyện nhờ hai màn hình lớn hai phía. Sau phần phát biểu của một số người thì tới lúc ký tên. Một cuốn sổ lớn có viết sẵn bản Tuyên ngôn và một cây bút đen được ban tổ chức đem tới trước mặt Đức Giáo Hoàng. Ngài ký tên đầu tiên rồi cuốn sổ được đem qua cho người khác. Khi tới phiên Sư cô Chân Không, đã định trước nên thầy Pháp Ấn tiến lên với cái ấn có khắc pháp tự và chữ ký của Thầy; rồi hai đại diện của giáo đoàn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đã cùng chung tay đóng dấu ấn của Thầy vào cuốn sổ. Sau khi mọi người đã ký tên xong, ban tổ chức giơ cao cuốn sổ cho mọi người xem. Vô tình mà giữa những hàng chữ đen ký đầy trang, dấu ấn của Thầy nổi bật lên như một đóa hoa đỏ. Tôi nói thầm trong lòng: “Thầy ơi, Thầy đang có mặt tại đây với mọi người đó”.
Sau bữa ăn trưa được khoản đãi khá long trọng với mười mấy món chay, Sư cô Chân Không, thầy Pháp Ấn và tôi lên xe về liền để kịp ra phi trường, còn các anh chị em khác thì vẫn còn ở lại để đi thăm Vatican. Nghe kể là có một nhóm vào chơi một siêu thị dành riêng cho người tu, thấy giá cả quá rẻ vì không thuế nên ai cũng ôm một đống đồ để về làm quà. Nhà mình mà, đông em nên mua bao nhiêu cũng chẳng đủ. Đến chừng ra tính tiền mới biết là phải có thẻ. Còn đang lúng túng thì may quá, một bà xơ xếp hàng ở phía sau chen lên, giơ thẻ cho ông bán hàng xem và nói một hồi (mình đoán) như nhóm này là khách của Đức Giáo Hoàng đó. Ông bán hàng sau đó vui vẻ làm nhiệm vụ, còn nhà mình thì bị một phen hơi quê, vui vẻ cám ơn rối rít. Một nhóm khác đi viếng viện bảo tàng, gặp phái đoàn của Amma, được Amma hào phóng ôm thân ái vì thấy nhà mình toàn người tu trẻ. Amma, tiếng Hindi có nghĩa là Mẹ, được coi như một bậc thầy lớn của Ấn Độ giáo, nổi tiếng vì khả năng đem bình an đến cho mọi người qua vòng tay ôm đầy thương yêu của một bà mẹ.

Từ Vatican về vài ngày, tôi nghe nói Thầy bắt đầu mở mắt lâu hơn hai tiếng. Bác sĩ khen là triệu chứng tốt. Mỗi ngày Thầy đem đến thêm một ngạc nhiên với những dấu hiệu hồi sinh nho nhỏ. Tôi có cảm tưởng Thầy đã đi qua giai đoạn hiểm nghèo, giai đoạn đau tim mà có đêm cả ban thị giả túc trực ở hành lang bệnh viện vì lo lắng, ngủ ngang ngủ dọc như ở nhà thương Việt Nam. Hôm sư cô Chân Không vào khoe với Thầy là dù Thầy nằm trên giường bệnh nhưng Thầy vẫn sẽ sinh tới 42 đứa con như thường với sự giúp đỡ của hai bà mụ là sư thúc Chí Mãn và thầy Giác Viên, Thầy mỉm miệng cười. Nghe kể không ai tin, nhưng sau này Thầy cười nhiều hơn thì đúng vẫn nụ cười đó. Đầu tháng Một, Thầy sẽ được chuyển qua nhà thương khác để bắt đầu tập vật lý trị liệu. Đó là một tin vui và đó cũng là một bước tiến mới nữa trong giai đoạn hồi phục của Thầy.

Và bạn hiền ơi, trong khi tôi viết lại những dòng chữ này thì sức khỏe Thầy đang tiến triển từ từ, dù chậm. Thỉnh thoảng tôi bảo là tôi tin Thầy sẽ khỏi bệnh nhanh hơn mọi người đoán. Có người nhìn tôi nghi ngờ thì tôi chỉ cười toe toét: “Niềm tin không phải trả  tiền, đã hy vọng thì tại sao lại không hy vọng cái tốt nhất!”. Và phép lạ, ai biết đâu được, vẫn xảy ra đó thôi.

Mùa đông rồi sẽ đi qua, phải không bạn hiền?

Thân quý!

Bước ngoặt cuộc đời

Thử thách

Con sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Bụt nhưng nhà con chỉ thờ ông bà tổ tiên. Cả nhà hiểu rất ít về đạo Bụt. Bố con là một cựu chiến binh. Ngày trước ông nội con thường hay lên chùa cầu nguyện, mong cho bố con được sống sót trở về. Nhờ vậy mà bố con chỉ bị thương nặng chứ không hy sinh nơi chiến trường. Mẹ con mất khi con mới lên ba. Con lên năm thì bố con cưới mẹ con bây giờ. Dù là mẹ Hai nhưng con chưa một lần gọi mẹ là dì, con chỉ gọi mẹ thôi. Mẹ con là giáo viên nên không đi chùa. Chữ chùa trong đầu con khi còn nhỏ chỉ là xôi với chuối. Bà nội con thi thoảng có đi chùa ở gần nhà vào ngày Rằm hay mồng Một. Những ngày bà nội đi chùa, khi về bà thường ghé qua nhà cho con trái chuối hay cái oản. Con ăn chuối, ăn oản như một món quà tình thương bà nội dành cho.

Tuổi thơ của con cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, con vẫn chơi đùa, la hét cùng bè bạn. Con không hề biết là mình bị nói đớt. Cho đến khi học chừng lớp ba, lớp bốn con mới nhận ra rằng mình nói điều gì ra cũng bị bạn bè nhại lại. Kiểu nhại của mấy đứa con trai nghịch nhất lớp mới đáng sợ làm sao! Con đã biết mắc cỡ nên từ đó trở đi con bắt đầu ít nói. Thậm chí lên bảng trả lời miệng con cũng không chịu lên, con chỉ đòi viết bảng. Thật may cho con là thầy cô giáo luôn luôn giúp đỡ, không bắt con trả lời. Khi cần có điểm kiểm tra miệng thì thầy cô giáo thường cho con lên bảng làm bài tập, đôi khi chấm bài thực hành.

Ông trời luôn công bằng với tất cả mọi người. Có lẽ thấy con ít nói nên ông trời ban cho con đức tính cần cù làm việc. Con luôn làm tốt những bài thực hành về nhà. Ngày ấy con làm bài tập với một niềm vui chứ không hề nghĩ rằng làm bài để lấy điểm. Con cứ thế lớn lên trong sự thầm lặng của nội tâm mà chính bản thân con cũng không biết.
Thời Trung học phổ thông, có lúc con thấy chán học vì thấy chán chính bản thân mình. Sau khi học xong Trung học phổ thông, con muốn chọn việc làm nào đó mà chỉ có làm việc, không cần phải nói. Con không thể chọn ngành giáo viên dù cho anh trai, chị gái đã tiếp nối nghề của mẹ.

Con đã coi rất nhiều ngành học, cuối cùng con chọn học ngành tin học văn phòng với suy nghĩ là con chỉ có làm việc với máy tính mà không cần nói chuyện với ai. Cũng tương tự như khi còn học phổ thông, con vẫn còn rất mắc cỡ khi nói. Con đã viết thư chia sẻ mặc cảm của con với cô giáo chủ nhiệm nên cô giáo đã hết sức yểm trợ. Thêm một lần nữa, con đi học mà rất ít nói. Ở ký túc xá với con có hai người bạn gái rất thương con, con đã nhận được rất nhiều sự yểm trợ của hai bạn đó. Nhờ hai bạn mà con thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa.

Con học ngành tin học văn phòng hai năm. Khi học xong cũng khó xin việc làm vì bằng đó là một điều kiện cần nhưng không đủ. Nếu muốn xin được việc làm đúng với ngành mình học thì phải có thêm bằng kế toán. Người ta cần bằng kế toán hơn là bằng tin học văn phòng. Lại một thử thách nữa với con. Nếu muốn có việc làm đúng như theo nhu cầu của xã hội thì phải học lên nữa mà con thì ngán đi học lắm rồi! Con muốn đi làm một việc gì đó để có tiền phụ giúp bố mẹ trả bớt nợ nần. Nhà con khi đó đang nợ nần rất nhiều vì bố mẹ con phải nuôi bốn anh em ăn học, anh lớn chưa học xong thì đã đến chị gái, rồi đến con, lại thêm em trai con nữa. Nhìn bố mẹ vất vả mà con không cam lòng.

Bố con muốn con lập gia đình như bao người con gái khác. Hình như con gái lớn lên là phải lấy chồng, nó giống như một điều bất di bất dịch. Bố con cũng lo cho con nhưng đâu thể lo hết cho con cả cuộc đời. Nhiều lần bố nói con đừng lo, bố mẹ có thể lo cho con được mảnh ruộng, mảnh vườn, vợ chồng cứ thế mà làm ăn. Bố con không thể không lo cho con, hối thúc con lấy chồng khi trong làng, ngoài xóm, mọi người cứ nói theo kiểu thọc gậy bánh xe. Con không biết làm gì hơn ngoài việc hằng ngày phụ bố mẹ con làm ruộng, làm vườn. Con tìm niềm vui trong công việc.

 

Con phải quyết định lấy cuộc đời của con

Một ngày nọ, con gặp sư cô Hỷ Nghiêm tại nhà anh trai con, sư cô mặc áo tràng lam và mang kính. Nhìn sư cô thật đẹp, vẻ đẹp của người xuất gia mà lần đầu tiên con được thấy. Như có một tia sáng lóe lên trong con khi con nhìn thấy sư cô. Con tự hỏi: Con có thể đi xuất gia như sư cô? Thực ra thì trước đây con cũng có ý định đi tu, nhưng khi đó con muốn đi tu với một quan điểm chán đời như Lan (trong câu chuyện Lan và Điệp) dù con chưa bị rơi vào tình trạng thất tình. Rồi con nghĩ: ở chùa chỉ có quét sân rồi tụng kinh, ăn cơm tương rau, khuôn mặt lúc nào cũng rầu rầu… Nhưng khi con nhìn thấy sư cô Hỷ Nghiêm, tự nhiên trong con có một cái gì đó thay đổi mà chính con cũng không nhận ra.

Con cũng đã từng tâm sự với anh chị con là con muốn đi tu nhưng chưa biết nên tu ở chùa nào? Gia đình con không đi chùa nên con không biết chùa nào cả. Chùa bà nội con thường đi không có người tu. Chùa chỉ mở cửa vào ngày Rằm, mồng Một để chào đón các già trong xã. Khi còn nhỏ con có đến chùa một lần, lúc bà nội mất. Con vẫn còn nhớ cảm giác sợ, chùa cứ tối tối mà lại có mấy ông tượng nên con rất sợ, con chỉ đứng ngoài sân. Ở gần nhà anh chị con có một ngôi chùa nhưng chùa này là chùa của một thầy, và có nuôi trẻ mồ côi. Ban đầu con cũng có ý định là đến tu ở chùa này để rồi giữ con nít.

Anh chị con thấy con có ý định đi tu nên bảo con đọc cuốn sách Hiệu Lực Cầu Nguyện do sư cô Hỷ Nghiêm gửi về. Thực ra khi đọc con chẳng hiểu gì nhưng vì con muốn đi tu nên cố gắng đọc cho hết, xem thử cuốn sách nói tu như thế nào? Đọc hết rồi mà con vẫn chẳng hiểu tu là sao, nhưng cuối cuốn sách có địa chỉ: Langmai.org nên con lên mạng, thử vào địa chỉ xem sao? Thật thú vị! Vậy là từ đó con có một cái mới để xem mỗi ngày. Thực ra con chưa hiểu gì nhưng hình ảnh những người tu trẻ khiến con rất ấn tượng. Ngày ấy trang nhà Làng Mai còn nghèo lắm, rất đơn giản, có khi rất lâu cũng chẳng có bài mới để đọc nhưng con vẫn thích lên để được xem hình. Con rất thắc mắc trong lòng: Vì sao những chàng trai, cô gái đẹp thế kia mà sao lại đi tu thế nhỉ? Có lẽ là phải có một cái gì đó thật bí mật.

Khi sư cô Hỷ Nghiêm về thăm nhà anh chị con lần thứ hai, con xin địa chỉ email của sư cô và con hay gửi email cho sư cô dù chỉ một dòng. Cho đến một hôm, sư cô đã viết cho con một lá thư dài một trang. Cảm giác trong con lúc đó thật hồi hộp khi nhận được một email dài như vậy. Con chợt nghĩ: Trời ơi, sư cô viết gì mà dài thế! Những lời sư cô viết con chưa một lần con được nghe, được biết. Những lời trong lá thư ấy như một dòng nước mát chảy vào trong con. Tâm con như một mảnh đất khô cằn nay được gặp cam lồ của Bồ tát. Sư cô cho con biết là tại Bát Nhã sẽ có lễ xuất gia, nếu con muốn biết là mình có quyết định chọn con đường này hay không thì hãy xin anh chị cho đi lên đó chừng mười ngày. Anh chị cũng lo khi con đi vì sợ con đi tu luôn, nhưng con đòi quá nên anh chị phải cho đi, con phải quyết định lấy cuộc đời của con.

Sao các bạn trẻ đi tu nhỉ?
Lên Bát Nhã, một thế giới hoàn toàn khác đối với con. Con không hiểu tại sao lại có nhiều người trẻ đi tu như thế. Nhưng điều mà con thích nhất là ai cũng cười. Không khí chuẩn bị cho khóa tu Về Giữa Gió Xuân thật vui. Con cứ nhìn lén và thầm thốt lên: Ôi chao ôi! Toàn người trẻ. Gương mặt ai cũng tươi mát, xinh đẹp.
Từ ngày con nuôi ý định đi tu, con nghĩ tu thì phải chịu đựng giỏi. Đầu con bắt đầu vẽ ra đủ thứ. Con nghĩ rằng để được nhận vô tu thì phải trải qua một cuộc thi, đó là thi ngồi trên đá giữa trời nắng, nếu ai chịu đựng nổi thì sẽ được nhận vô tu… Nhưng sau khi lên Bát Nhã, tất cả những gì con nghĩ, tưởng tượng như được tháo tung. Con đón nhận tất cả với tâm thật thoải mái và hạnh phúc.
Buổi sáng đầu tiên thức dậy sớm để đi ngồi thiền, đúng ra thì con không quen dậy sớm, nhưng tiếng chuông sao hay quá nên con ngồi dậy để nghe chuông. Thấy mọi người mặc áo dài đi con cũng đi dù con còn mặc đồ đời. Cảnh núi đồi của Bát Nhã sao đẹp và hùng vĩ quá. Con cứ tha hồ mà thưởng thức. Cảnh đẹp, lại được nghe những lời nói rất nhẹ nhàng nên con cứ đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Khi khóa tu bắt đầu thì con lại càng bất ngờ hơn nữa. Sao nhiều người trẻ đến tham dự quá vậy, ai cũng cười thật tươi. Trong khóa tu có lễ xuất gia, con đã khóc từ đầu cho đến cuối buổi lễ. Những người con trai, con gái còn rất trẻ kia đã can đảm bỏ đi mái tóc xanh của mình để hòa mình vào dòng áo nâu. Hẳn là cuộc sống này rất đẹp. Hết khóa tu, con quyết định ở lại. Con gửi bé Thân mang về nhà với một ba lô trong đó có điện thoại di động và áo quần của con.
Quý sư cô, sư chị thương con lắm. Con được quý sư cô, sư chị và các cô bác lo cho con từng chiếc áo tràng, áo ấm và cả đồ vạt hò nữa. Con thật hạnh phúc khi được mặc áo màu giống nhau. Nhìn một đại chúng lớn mang màu áo giống nhau đã đánh động con rất nhiều. Đó là một sự hòa điệu thật giản dị mà thật hùng.
Bước ngoặt mới
Con được xuất gia trong gia đình Sen Trắng, có 32 thành viên và con cũng nhận được rất nhiều tình thương từ các sư anh, sư chị trong cây cũng như tình thương của đại chúng. Con thấy cuộc đời con thực sự đã bước sang một bước ngoặt mới. Nơi đây con chỉ nhận được tình thương mà không có ai chọc con như ngày xưa nữa. Quý sư cô còn giúp con đọc và nói được rõ hơn. Con nhớ hồi đó, con được ở cư xá Liễu Xanh, xóm Bếp Lửa Hồng, tầng hai. Sư cô Phúc Nghiêm là y chỉ sư của con, sư cô đã chỉ cho con cách thực tập là mỗi chiều mang sách ra tập đọc, chữ nào khó đọc thì phải đọc nhiều lần. Quý sư chị trong phòng còn động viên, an ủi con rất nhiều. Cứ như thế con thực tập mỗi ngày. Có lẽ nhờ phước đức của gia đình để lại nên con được xuất gia, vì sau này con thấy xét xuất gia rất kỹ. Vậy thì con cần phải tu để xứng đáng với những gì mà con đã được thừa hưởng.
Bây giờ con xuất gia được hơn sáu năm, con số sáu năm chưa phải là nhiều nhưng tình thương mà Sư Ông và đại chúng dành cho con thật lớn. Bố mẹ con cũng đang dần hiểu về tăng thân, điều này là nhờ đại chúng giúp đỡ. Con luôn nhận được sự yểm trợ cùng sự thương yêu của đại chúng. Cứ mỗi lần ra Hà Nội, con lại được đại chúng cho về thăm nhà. Có khi con về một mình, khi thì cùng với sư chị, sư em. Nay bố mẹ con đã sửa nhà rộng rãi hơn để đón chào đại chúng.
Đã đôi lần con nghe giọng nói của chính mình qua máy ghi âm và con cũng không ngờ rằng giọng nói của con thay đổi nhiều đến như vậy. Nhiều lúc con chia sẻ với các chị em là đôi lúc mặc cảm của con ngày xưa vẫn cứ trở về. Con lại nhận được nguồn động viên lớn từ các sư chị, sư em. Con đang dần bỏ được mặc cảm.
Con kính cảm ơn cuộc đời đã có Sư Ông, đã có tăng thân để con nương tựa. Tăng thân đã cứu đời con.

Tràng hoa Mộc Lan

Trong chúng ta ai mà không mong muốn đời sống của mình có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Là người xuất gia, chúng tôi chế tác hỷ, lạc trong từng giây phút để tự nuôi dưỡng chính mình và mọi người xung quanh. Những niềm vui ấy tuy bé nhỏ, đơn sơ nhưng là tư lương rất cần thiết giúp chúng tôi tiếp tục bước tới trên con đường giải thoát. Đây là những bông hoa khác nhau được kết thành một tràng hoa xinh đẹp. Chúng tôi xin kính tặng đến tất cả, mong rằng các bạn sẽ cùng chúng tôi tiếp xúc và thưởng thức trọn vẹn những chất liệu thật đẹp, thật lành từ tràng hoa ấy.

 

Giọt sương trong

Cái đẹp bao giờ cũng làm cho một ai đó phải dừng lại để ngắm nhìn và kính ngưỡng. Sau giờ thiền tọa mở cửa ra, đứng lặng yên trong chốc lát để cảm nhận buổi mai thật hùng tráng và đầy nắng trong lòng, nhìn mọi người chung quanh đang thả từng “giọt sương trong” xuống đất Mẹ một cách nhẹ nhàng và cẩn trọng. Đó là lúc bạn đang biết bạn là ai? Đôi lúc ta phải cho mình cơ hội để hiểu “mình là ai” để rồi được cảm thông, được nâng niu, ôm ấp những gì “rất người” trong mỗi chúng ta.

Năm nay con có cơ hội được chơi với trẻ em trong khóa tu gia đình. Ai cũng nghĩ là quý thầy, quý sư cô chăm sóc và nuôi dưỡng các em rất nhiều, nhưng thật sự anh chị em chúng con cũng được hưởng nhiều năng lượng vui tươi, hồn nhiên khi chơi với các em. Với tâm hồn trong sáng, đất tâm của các em rất dễ tiếp nhận các hạt giống tốt. Bé trai Sita người Ấn Độ luôn luôn gương mẫu trong việc thực tập xếp giày dép. Con không nghĩ là em thuộc bài kệ xếp giày dép nhưng mỗi lần em vào phòng sinh hoạt dành cho trẻ em là những đôi dép trước cửa được đặt ngay ngắn. Có lần Sita đứng trước cửa phòng, nhìn những đôi dép còn lộn xộn, em lúc lắc cái đầu thì thầm: “no good” (không tốt!), rồi khum chiếc lưng nhỏ bé xuống và dùng đôi bàn tay xinh xắn sửa lại cho hàng dép ngay ngắn trở lại. Hình ảnh đó luôn nhắc nhở con ý thức hơn mỗi lần xếp dép lên kệ.

Ba mẹ của các em cũng ngạc nhiên khi nhận được tấm thiệp nhỏ xinh xắn, với những nét bút nguệch ngoạc của con mình trong dịp đầu năm. Trong tấm thiệp đó, các em viết lời cảm ơn ba, mẹ về một vài điều mà ba mẹ đã làm cho các em, đặc biệt các em hứa sẽ làm tốt hơn trước về một điều gì đó. Các em chỉ từ 4 tới 10 tuổi thôi nhưng bé nào cũng rất hớn hở khi quý thầy, quý sư cô nói: “Hôm nay mình sẽ học làm thiệp cho ba mẹ nhé!”. Những câu “đắt hàng” nhất là: “Mommy! thank you for cooking” (cảm ơn mẹ đã nấu ăn cho con), “Dady! thank you for making money” (cảm ơn ba đã kiếm tiền nuôi gia đình), “Thank you for buying my clothes” (cảm ơn ba/mẹ đã mua quần áo cho con), “I promise not to be bad any more” (con hứa sẽ không hư nữa). Có những câu rất nuôi dưỡng mà mình không hề nghĩ tới như: “Thank you for changing diaper when I was little” (cảm ơn mẹ đã thay tã cho con khi con còn là em bé), “Thank you for giving me baths” (cảm ơn ba đã tắm cho con), “I promise to obey to you” (con hứa sẽ nghe lời ba mẹ), v.v. Sita thì chưa biết viết, nhưng không hiểu sao em cũng viết được chữ SITA ngoằn ngoèo lên tấm thiệp ngộ nghĩnh. Không ngờ những tấm thiệp nhỏ bé lại có công năng nhắc nhở các em rất nhiều.

Thật hạnh phúc khi mình chăm sóc các em và được nghe ba mẹ các em kể về sự chuyển hóa của các em. Sau khi tặng thiệp cho ba mẹ, chỉ ngay sáng ngày hôm sau, vừa thức dậy là bé Triny (người Việt) la khóc và lấy cuộn giấy vệ sinh xé nát như mọi ngày. Nhưng khi được mẹ bé nhắc: “Ngày hôm qua con viết trong tấm thiệp tặng mẹ là con hứa sẽ ngoan, không hư như trước nữa, vậy mà bây giờ con lại như vậy. Con không giữ lời hứa rồi!”. Ngay lập tức bé lắng lại, ngừng la khóc và làm theo những gì mẹ nói.

Được chơi với những thiên thần vui tươi, trong sáng, sao mà không được nuôi dưỡng chứ? Nhưng cũng phải có rất nhiều kiên nhẫn, nhất là những khóa tu có nhiều em với độ tuổi quá chênh lệch. Được chơi với các em, con thấy mình được trở về những năm tháng tuổi thơ, thấy mình và các em là một, không khác.

Chân Xứ Nghiêm

 

Ai là tri kỷ

Tôi muốn nói lên lòng biết ơn sâu sắc nhất của tôi đối với bạn, người đã cho tôi biết cảm giác thương yêu chân thật là gì. Bạn đã cho tôi động lực, niềm tin để sống như bao nhiêu người khác trên cuộc đời này và cũng chính bạn đưa tôi xuống hang cùng tăm tối nhất mà tôi cứ ngỡ rằng mình không thể nào thấy ánh bình minh phía trước.

Tôi không thể lấy bạn ra khỏi tôi hoặc chọn lọc vẻ đẹp trinh nguyên của hạt nắng mai long lanh mà quên đi cảnh chiều tà ảm đạm được. Không! Bạn là tất cả sự sống của tôi. Bạn không chỉ là bông hoa còn ngậm giọt sương sớm, là cơn mưa chiều mang theo nỗi nhớ quê hương, bạn còn là lá vàng nằm rải rác khắp khu rừng già, chỉ cần một làn gió nhẹ đi qua là tất cả cùng tấu lên khúc nhạc không tên, mang âm hưởng của sự tự do, nhẹ nhàng và thảnh thơi đến cho mọi người.

Những giây phút bình lặng, yên lắng nhất trong tâm hồn là lúc bạn biểu hiện một cách rõ nét. Bạn là người tri kỷ hiểu tôi nhất từ trước tới giờ. Tôi không ngờ bạn để ý đến những người thương chung quanh mình như vậy. Chỉ cần một cái nháy mắt của tôi thôi, bạn đã biết tôi muốn gì. Có thể đi hết cuộc đời này tôi chẳng bao giờ tìm được một người như bạn. Trong quá khứ, tôi đã làm bạn điêu đứng vì mình, nghĩ lại thật xấu hổ. Có thể tôi không cố ý mà chỉ do sự vụng dại, thiếu chánh niệm và chưa khéo léo đủ mà thôi. Nhưng bạn không bao giờ đòi hỏi, trách móc, la mắng hay nói cái này “đúng” hoặc “sai” gì cả. Bạn im lặng để những thị phi trong đời từ từ lắng xuống và biến mất. Tôi cúi đầu cảm ơn cách hành xử của bạn, thật đẹp và cao thượng biết chừng nào. Bạn muốn bảo vệ người mình thương nên bạn chịu thiệt thòi về phần mình để sóng yên biển lặng. Bạn là người cùng tôi đi xuyên suốt qua mọi chặng đường vẫn còn mang theo những gì tinh anh nhất như thủy tinh óng ánh.

Tôi biết bạn đang dõi bước trên đường tôi đi. Dù ở đâu hay làm gì, bạn vẫn dõi mắt trông ngóng mà chưa hề mệt mỏi, chán nản, bởi vì bạn đã là tôi rồi. Những nhiệm mầu trong cuộc đời vẫn chào đón bạn. Chúng ta hãy thả mình ra để cùng gió trăng đưa mình đi khắp những khung trời mới lạ tự do kia. Chúng ta là ai mà cứ ôm nỗi buồn tủi, giận hờn một mình? Hãy đứng dậy mở cửa ra và thấy những cành cây trụi lá đang đứng vững giữa mùa đông bão tuyết nhưng vẫn hiên ngang, ưỡn ngực, vươn vai để chào đón một mùa xuân rực rỡ. Có thể những mầm non đang ẩn nấp đâu đó trong cành cây khô cằn đó chăng? Bạn hãy nhìn kỹ, nhìn sâu để thấy, tôi không nói dối bạn đâu.

Tôi thấy được bản chất của bạn và tôi là không hai. Nhìn có vẻ khác lạ nhưng kỳ thật bạn và tôi đã đi vào nhau và không còn ngằn mé hay khoảng cách nữa. Tôi đã đi vào da thịt để thật sự là bạn, để “thương” bạn đúng cách hơn. Bạn cũng đã đi vào trong những nỗi khổ, niềm đau của tôi để “hiểu” và chấp nhận thật sự mà không có cái nằm ngoài nhau nữa. Cảm ơn bạn đã làm người tri kỷ đồng cam cộng khổ với tôi đi qua những ganh tỵ, hiểu lầm trong đời để mỗi ngày chúng ta đến gần nhau hơn trong hình thức lẫn nội dung.

Bạn có những ước mơ thật kiêu hãnh, đẹp đẽ và cao cả làm sao, tôi cũng vậy. Chúng ta hãy nắm tay kề vai cùng đi và hướng về phía chân trời tự tại mà ngay trong tự thân nó “đã có” mà không còn phải bôn ba kiếm tìm.

Nói đến bạn như nói đến những tâm hành ganh tỵ, hơn thua, đúng sai, thiện ác có mặt trong mỗi chúng ta. Nói đến “bạn” cũng là nói đến sự gần gũi, ân cần thương yêu không đàn áp, kỳ thị. Nếu chúng ta hiểu được những người “bạn” ở trong mình, tức là chúng ta đang chấp nhận nâng niu những hạnh phúc trong ta không khác. Ai là tri kỷ của bạn? Người đó sẽ nói được tiếng nói trung thực, vô úy từ những khổ đau, hạnh phúc trong tự thân mỗi người.

Chúc các bạn thở được những hơi thở trong lành, cười với những điều nhỏ bé bình dị nhất, để mỗi ngày đến với người bạn trong mình thật lành và đẹp hơn.

Chân Thuần Minh

 

Thương như Thầy thương

Ngày 13/01/2015

Thầy thương kính,

Khóa tu Holidays mừng Năm mới 2015, có hơn 100 người đến tham dự tại Tu viện Mộc Lan. Các sư em nói thầm với nhau: “Năm nay thiền sinh tham dự khóa tu Holidays đông hơn nhiều so với tất cả những năm trước, chắc tại nhờ năng lượng của Sư Ông”. Từ lúc Thầy bị bệnh và phải nhập viện, chúng con càng cảm nhận sự có mặt và sự yểm trợ của Thầy một cách sâu sắc hơn. Đi đâu chúng con cũng thấy hình dáng của Thầy đang dẫn đại chúng đi thiền hành trong khu rừng, đang vẫy tay chào đại chúng, đang quẹo vào con đường mòn đi về Cốc Chịu Chơi…

Anh chị em chúng con đi những bước chân chậm rãi để đi cho Thầy và đi như Thầy. Khi ngồi, chúng con ngồi với cái lưng thẳng hơn, để ngồi cho Thầy và ngồi như Thầy. Mỗi ngày hai buổi, hai xóm cùng tập họp, đắp y cầu an cho Thầy, và cũng để nuôi dưỡng niềm an vui, sự vững chãi của Thầy trong chúng con. Trong các buổi họp, chúng con nói những lời hòa ái, thương yêu. Ai cũng chịu khó phân trần, giải thích ý riêng của mình, đồng thời cũng hết lòng lắng nghe và sẵn sàng tùy thuận theo ý chung, để thương Thầy và thương như Thầy. Vì thế nên sự gắn kết, hòa hợp, an vui trong tăng thân càng tăng trưởng.

Khi thiền sinh đến tham dự khóa tu Holidays, nhiều người nói rằng họ có thể cảm nhận được những năng lượng tốt lành này. Họ nói khi nghe tin Thầy bệnh nặng, họ lo rằng quý thầy, quý sư cô sẽ đau buồn và sự thực tập sẽ xuống dốc. Nhưng khi về tu viện, thấy quý thầy, quý sư cô vui cười, chăm sóc họ, các em thiếu nhi và thanh thiếu niên chu đáo hết lòng, họ rất vui và rất ấn tượng. Có vị nói: “Con nghe Thầy bệnh nên mỗi ngày ráng sắp xếp đi làm về sớm hơn để ngồi thiền, tụng kinh gởi năng lượng cho Thầy”. Có vị kể: “Tăng thân địa phương của chúng con ngồi với nhau thường xuyên hơn trước để cùng gởi năng lượng cho Thầy”. Có vài vị chia sẻ: “Nghe tin Thầy bệnh, con càng muốn về tu viện để được cùng thở với Thầy và với quý thầy, quý sư cô” v.v… Những lời chia sẻ chân tình này làm chúng con an tâm rằng chuyến hoằng pháp tại Mỹ năm 2015 này, nếu Thầy vẫn còn chưa khỏe để trực tiếp đi hướng dẫn thì thiền sinh cũng sẽ đến đông đủ. Vì họ thấy được Thầy là Tăng thân, Thầy là sự tu học, và ở đâu có Tăng thân, ở đâu có năng lượng chánh niệm là ở đó có Thầy. Xin Thầy an tâm để chóng lành bệnh. Chúng con ý thức rằng Thầy đang cố gắng hết sức để trị liệu và hồi phục. Chúng con rất biết ơn Thầy đã và đang cho chúng con rất nhiều thời gian để luyện tập, học hỏi và lớn lên.

Khóa tu Holidays vừa qua có chủ đề: “Trong ấm ngoài êm”. Tuy không hẹn trước, nhưng trong các bài pháp thoại và các buổi thuyết trình, anh chị em chúng con đều nói về sự thực tập của tình thương đích thực. Ai ai cũng cảm động, hạnh phúc với những buổi chia sẻ này. Các em thanh thiếu niên cảm thấy gần gũi và mở lòng hơn, bằng chứng là có hai em thiếu niên chỉ mới 14 tuổi nhưng tự động điền giấy xin phép được tham vấn về những khổ đau của mình. Thường thì các em thanh thiếu niên rất ngại nói về khó khăn của mình. Quý thầy, quý sư cô chăm sóc chương trình thanh thiếu niên phải lân mẫn, hỏi han thì các em mới chia sẻ, hoặc cha mẹ phải đốc thúc các em đến nhờ quý thầy cô giúp giùm, nhưng rất hiếm khi nào các em tự động xin tham vấn.

Có một em trai chia sẻ đã bị cha lạm dụng tình dục từ lúc 5 tuổi. Nhiều năm em tránh không chơi với con trai, và khóa tu này là lần đầu tiên em chơi được. Em không có người đàn ông nào trong đời để em có thể tin tưởng, kính ngưỡng và học hỏi. Trong khóa tu, em cảm thấy các bạn rất tử tế, thân mật và chấp nhận em. Có quý thầy đến nói chuyện và lắng nghe em. Em tâm sự: những hình ảnh đồi trụy thường đi lên trong em, và thúc đẩy em lên mạng để xem thêm những hình ảnh đó. Mỗi lần như vậy, em vừa cảm thấy bị kích thích, nhưng lại có một cái gì như là một cái gút ngay giữa vùng bụng của em thắt lại, làm cho em đau quằn quại. Tuy em chỉ có 14 tuổi, mặt mũi rất đẹp, nhưng em lại có cái nhìn bạc nhược của một người trẻ từng chơi bời trác táng, dáng người ốm yếu, co lại, lom khom, tướng đi không có khí thế và đôi mắt đờ đẫn, khi nhìn những đối tượng trước mình. Em quên trước quên sau rất nhanh và không có khả năng tập trung, em rất khó để sống trong giây phút hiện tại. Trong khóa tu, em học thở với tiếng chuông. Em học đi thiền hành bên cạnh các bạn. Em học có mặt cho dĩa thức ăn trước mặt mình. Em không lên mạng để tưới tẩm những hình ảnh tình dục mà tập đặt tay lên cái gút thắt trên vùng bụng, thở và nói với chính mình: “Tôi đang có mặt cho tôi đây. Tôi thương tôi thật nhiều.” Em tập kịch với các bạn thiếu niên khác trong nhóm. Mẹ của em ý thức rằng em có vết thương hằn sâu trong tâm thức, và chỉ có môi trường của tu viện mới mong chữa lành cho em. Mẹ em sẽ cố gắng tạo điều kiện cho em về tu viện thường xuyên hơn. Mẹ của em thực sự cũng chỉ mới có ba mươi mấy tuổi thôi! Trong buổi truyền giới, em đã lên ttiếp nhận Năm giới cùng với các bạn. Các em thiền ôm với nhau sau đó, và mẹ của em sà vào ôm theo. Quý thầy cũng dừng lại thiền ôm với em. Đây là lần đầu tiên em được nhiều người ôm như vậy, và em cảm thấy rất an toàn và hạnh phúc. Các em thiếu niên thường đến tu viện nói: Đây là khóa tu tuyệt vời nhất đối với các em.

Cứ mỗi lần thấy các em được tung tăng vui chơi, chúng con hạnh phúc lắm. Cảm tạ Thầy cho chúng con được làm người tu, được sống một cuộc đời thật đẹp và có nhiều ý nghĩa. Thầy là tri kỷ của chúng con. Thầy là mỗi giây phút yên bình và ngọt ngào mà chúng con nếm được trong sự tu học và phụng sự hàng ngày. Chúng con nguyện nuôi Thầy với tất cả niềm vui, tình thương và lòng biết ơn của chúng con.

Chân Đẳng Nghiêm

 

“Đại Sứ” búp bê

Ai cũng có những tuổi thơ hồn nhiên trong sáng với những tháng ngày “thần tiên”. Đã và đang đi vào trong từng thớ thịt của mỗi người con. Những lá thư, những món quà mà chúng ta nhận được từ ba mẹ không thể nói hết bằng lời mà chỉ có thể “cảm nhận”. Sau đây là những trích dẫn tấm lòng những người con mặc áo nâu kính dâng lên Ba Mẹ một cách thành kính và trân trọng. Nếu ai đó muốn hiểu Ba Mẹ mình thì hãy đến để rồi tự thấy.

Các bạn trẻ thương mến? Khi tôi nghĩ về bài viết này, tôi hạnh phúc. Khi tôi đang viết bài này, tôi hạnh phúc. Và khi tôi gởi bài này đến báo Làng Mai tôi cũng rất hạnh phúc. Còn các bạn thì sao? Uhm! tôi không thể nào biết rõ, nhưng tôi biết một điều là cả mẹ tôi và tôi đã và đang có nhiều hạnh phúc khi nghĩ về điều này. Hôm nay tôi (một sư cô tuổi đời chưa cao và tuổi đạo còn khá nhỏ) xin mạn phép chia sẻ niềm vui đó cùng các bạn. Mong rằng những ai đang còn có mẹ thì nên trân quý và thấy ý thức là được ta đang có nhiều may mắn. Hãy đến bên mẹ, hãy nói chuyện cùng mẹ, hãy ôm mẹ, hãy cho mẹ biết là ta đang có mặt thật sự cho mẹ và cho ta. Nếu không, một ngày nào đó tôi và bạn sẽ cảm thấy hối tiếc thật sự. Phải chi ngày ấy…!

Mộc Lan, ngày 01/01/2015

Mẹ! Ngôn từ con không thể nào tả nổi
Chỉ mỉm cười nhưng ấm cả con tim
Là món quà cho đi nhưng không bao giờ đòi đáp trả
Mẹ! Là ánh lửa của đêm đông
Là dòng sông nâng tàu thuyền vượt sóng.

Mộc Lan đang bắt đầu vào đông, tiết trời đang dần thấm lạnh nhưng trong tôi thấy ấm áp lạ thường. Tôi chợt mỉm cười và khẽ cảm nhận niềm hạnh phúc đang lâng lâng trong lòng ngực. Tôi thầm cám ơn cô giáo đã khơi gợi và làm thêm chất xúc tác cho mẹ con tôi được kết tủa thành chất sữa thương yêu.

Các bạn biết tại sao không? Trong giờ pháp đàm lớp tiếng Anh, Cô giáo Cheryl hỏi tôi: “Khi còn nhỏ bạn có kỷ niệm hạnh phúc nào không?”. Tôi trả lời: “Dạ! có rất nhiều. Nhưng kỷ niệm hiện giờ đang lên trong con là hình ảnh con búp bê với ánh mắt tròn xoe và có le que vài cọng tóc mà mẹ đã làm tặng khi con còn nhỏ ”.

Bạn ạ! Không hiểu sao hình ảnh con búp bê đó luôn ở mãi trong tôi, nó vừa tỏ vừa mờ. Tôi chỉ thoạt nhớ được một phần của bức hình và nửa phần còn lại dường như bị sương mù bao phủ nên tôi không tài nào nhớ được. Tàng thức của mình thật lạ phải không các bạn? Dầu chỉ nhớ được khuôn mặt của búp bê thôi nhưng tôi chắc rằng nó đã từng thực có. Giờ đây, búp bê đã không còn tồn tại bằng thân ảnh nữa nhưng về tâm ảnh thì mãi còn đọng lại trong sâu thẳm tâm thức tôi. Và tôi chợt nảy ra một ý định ngộ nghĩnh “Hay mình nhờ mẹ làm lại con búp bê đó nhỉ!”

Thế là tôi hớn hở gọi điện về Việt Nam thăm mẹ. Sau khi kể chuyện về lớp học cho mẹ nghe, tôi nói: “Mẹ ơi! Mẹ có thể làm lại cho con con búp bê ngày xưa không mẹ? Nó là con búp bê đẹp nhất mà con đã từng thấy. Bởi vì nó được làm ra từ bàn tay của mẹ”.

Mẹ tôi trả lời “Uhm, ngày xưa nhà mình nghèo nên không có tiền mua đồ chơi cho các con, thấy thương quá nên mẹ mới làm con búp bê đó. Nhưng bây giờ mẹ già rồi, chắc mẹ không làm được nữa đâu con”.

Tôi hơi xúc động một chút khi mẹ nói rằng mẹ ngày càng lớn tuổi. Cho nên thời gian này tôi khá ý thức hơn về sự vô thường. Tôi cố giữ sự bình tĩnh và thủ thỉ: “Mẹ biết là con không phải là người thích chơi búp bê lắm đâu, nhưng vì con muốn giữ một kỷ vật nào đó của mẹ mà thôi. Con tin rằng mẹ sẽ làm được mà!”.

Cuộc đối thoại tạm dừng lại trong hơi thở nhẹ và tôi tin rằng mẹ sẽ làm cho tôi.

Một tuần trôi qua…

Tôi lại gọi điện về Việt Nam và mẹ đã mỉm cười rất tươi khi nói chuyện với tôi: “Mẹ mới mua vải và chuẩn bị làm hai con búp bê cho con”.

Hết sức ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Ủa, sao lại hai con búp bê vậy mẹ?”

Mẹ trả lời: “Có con thì phải có mẹ chứ. Mẹ và con luôn đi đôi với nhau mà!”

Tôi đứng lặng và lòng ngập nắng xuân. Tôi không ngờ mẹ đã nghĩ sâu hơn tôi nghĩ. Mẹ của tôi thật là… Và tối đó tôi đã có một giấc ngủ thật ngon và ngọt lịm.

Sáng hôm sau trong khi ngồi thiền, tôi chợt nhận ra một điều: “Nếu em gái mình cũng có một con búp bê giống vậy thì em sẽ vui biết mấy nhỉ!”

Thế là tôi lại gọi điện về: “Mẹ ơi! Mẹ có biết là tối hôm qua con hạnh phúc lắm không? Dầu chưa nhận được con búp bê, nhưng sao con thấy vui quá! Con nghĩ rằng nếu mẹ làm thêm cho Út một con búp bê nữa thì Út cũng sẽ cảm được niềm hạnh phúc đó giống con”. “Vậy à! Mẹ sẽ làm cho em”. Dù xa nửa vòng trái đất nhưng tôi có thể cảm được niềm vui của mẹ qua giọng nói.

Mẹ vui, tôi vui và em cũng sẽ vui. Niềm vui thật bình dị nhưng thắm đượm tình mẫu tử: Có phải con đường hạnh phúc thật sự có mặt là khi ta vừa bắt đầu cất bước.

Một tháng sau, tôi nhận được món quà từ Việt Nam gởi qua từ một chú cư sĩ sau khi về Việt Nam thăm quê nhà. Và tôi biết rằng đó chỉ có thể là quà của mẹ mà thôi. Phải nói rằng tôi vui biết dường nào. Tôi cùng các sư chị ngồi mở gói quà đó và đặc biệt hơn là có thư của mẹ. Tôi đã đọc cho tôi và các sư chị cùng nghe. Niềm vui lại được nhân lên gấp đôi bạn ạ. Bởi vì mẹ tôi cũng là mẹ của các sư chị vậy. Qua lá thư đó chúng tôi mới hiểu như thế nào là tình thương của một người mẹ. Thế là mấy chị em chúng tôi cùng chụp hình chung với hai con búp bê đó để gởi về cho mẹ.

Con búp bê con do mẹ tôi làm thì mặc đồ màu nâu và đính thêm chiếc khăn quàng màu cổ đồng. Còn búp bê Mẹ chỉ có phần đầu thôi. Ngắm nhìn chúng hồi lâu tôi thấy thương mẹ quá. Bởi vì bên đây đang là mùa đông, tôi thì có đồ mặc còn mẹ thì không, tôi chợt thấy chạnh lòng. Tôi thầm thì “Há chăng đây là cái duyên để mẹ con tôi cùng làm chung với nhau nhỉ!”. Thế là tôi quyết định may tặng Mẹ một chiếc áo mới. Hiện nay Mộc Lan đang vào khóa tu “Holiday retreat” nhưng tôi cũng tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi để may cho mẹ một chiếc áo bà ba màu tím (vì mẹ tôi hay mặc chiếc áo này nhất) và thế nào sau này tôi cũng sẽ may thêm một chiếc áo bà ba màu nâu nữa chứ. Tôi đã thật sự hạnh phúc suốt cả khóa tu này. Bởi vì ngoài tình thương của mẹ tôi còn đón nhận thêm những tình thương từ các sư anh, sư chị của tôi và ngay cả các bạn thiền sinh. Tôi thấy gần cuối khóa tu, các bạn thiền sinh có nhiều nụ cười và hạnh phúc hơn bởi vì họ đã biết trở về để làm bạn và chơi với chính mình.

Cám ơn mẹ đã giúp con hiểu và cảm thêm như thế nào gọi là “Tình yêu đích thực”.

Mùa đông là mùa trở về

Cây trở về

Và con cũng trở về

Và đây là lá thư mẹ đã viết lại cho tôi. Tôi xin chia sẻ cùng các bạn trẻ gần xa:

Con thương nhớ!

Mẹ gởi tặng con 2 con búp bê do chính tay Mẹ làm. Hai búp bê một mẹ, một con sẽ đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời.

Mẹ muốn gởi “Đại Sứ” của Mẹ đến con, để lúc nào mẹ con ta cũng được gần nhau. Hy vọng là Đại Sứ của mẹ sẽ giúp con vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và cho con thêm sức mạnh trên con đường tu học.

Mẹ cảm ơn con đã không quên búp bê mẹ làm ngày trước. Ngày đó không có tiền mua đồ chơi nên mẹ phải sáng tạo đồ chơi cho các con. Búp bê làm từ áo cũ nên “da” màu trắng đục chứ có được trắng nõn đâu. Vậy mà con vẫn nhớ tới bây giờ. Mẹ cảm động lắm con à.

Lần này mẹ làm cho con hai con búp bê tượng trưng hai mẹ con mình. Tuy không đẹp như ngoài bán nhưng búp bê đó đã gói trọn tình cảm yêu thương mẹ dành cho con. Mẹ tin rằng hai mẹ con mình – từ người làm đến người nhận quà đều rất vui và hạnh phúc, có đúng không con?

Mẹ chúc con luôn vui, khỏe và luôn xứng đáng với mọi việc được giao. Mẹ rất hạnh phúc về con đó, con yêu.

Cho mẹ gởi lời thăm quý Thầy và quý Sư cô bên đó nhé.

Mẹ của con.

Chân Hiệp Nghiêm

 

Ba mặc áo mới

Hai tháng rồi, ba ở với chúng Mộc Lan. Đến bây giờ con vẫn chưa hết bồi hồi và vui mừng ngày con đón ba về Mộc Lan. Cảm ơn ba đã nghĩ đến con, nghĩ đến Mộc Lan khi thân và tâm ba cần được chăm sóc. Ba ơi! Con ao ước ngày này từ khi con mới bắt đầu biết thở, biết cười, con ấp ủ giấc mơ ba con mình cùng ngồi thiền, tụng kinh, đi thiền, ăn cơm chánh niệm, nghe pháp, làm việc v.v. mỗi ngày. Và bây giờ ba đang có mặt ở đây. Đó là một nhiệm mầu phải không ba? Sự có mặt của ba giúp con luôn có sự nhìn lại trong công phu thực tập nhiều hơn.

Đây là một dịp may hiếm có cho con được gần, được chơi, được hiểu rõ ba hơn. Con có cái tên rất ngộ ngộ, ba thường gọi con là “sư cô con”. Ba con dân dã, mộc mạc, chân quê như những lá thư ba viết cho con, cho Đại chúng Mộc Lan. Đọc thư ba, con thấy ba trong con được hiểu, được thương. Ba thương kính, con rất mến sự chân thành trong mỗi lá thư của ba, đây là chiếc áo đẹp đầu tiên ba được mặc ở đất thiêng này. Khi con thực tập gởi cho ba lá thư Đại chúng khen ba, ba đã hồi âm lại:

Ngày 11 Tháng 12 năm 2014

Con chúc quý sư cô dồi dào sức khỏe, tu được nhiều thành quả. Đối với ba lời khen chê không có gì là quan trọng. Chỉ có lương tâm của mình hiểu thấu hay không thôi. Sư cô con đừng lo lắng suy nghĩ nhiều cho ba mà sinh bệnh để làm ba không vui. Bữa này không nên viết thư từ gì nữa, để cho tâm ba được an tịnh một thời gian (và có sư cô nào viết thư cho ba thì cứ viết nhé!). Thôi ba nói ít sư cô hiểu nhiều.

Ba của sư cô con

Ba ơi, con đọc thư ba viết mà như uống được ly nước mát ngày hè. Quý sư chị cứ nghĩ là con sẽ buồn khi ba không cho con viết thư cho ba nữa. Nhưng ba ơi! Con hạnh phúc lắm khi ba thích quý sư cô viết thư thăm hỏi ba.

Và đây là lá thư thứ hai của ba:

Ngày 20 Tháng 12 năm 2014

Kính thưa Sư cô con!

Trong quá khứ ba có vụng về, ba nói với sư cô con nhiều điều không phải với sư cô con, xin sư cô con bỏ qua cho ba. Ba xin lỗi sư cô con và ba xin chúc sư cô con tu tập được thành quả, sớm được giác ngộ để giúp cho gia quyến mình và giúp cho tình nhân loại được giải thoát luân hồi, được Phật pháp gia hộ độ trì, thôi ba nói ít sư cô con hiểu nhiều và ba xin chúc sư cô con đón một mùa Noel được dồi dào sức khỏe. Sống như thế nào cho quý thầy và quý sư cô thương yêu nâng đỡ chỉ dạy như anh em một nhà là ba mừng hơn cả. Sư cô con đừng nên khắc khoải bồn chồn, thao thức, phải giữ gìn thân tâm được an tịnh, thanh cao và khi nào suy nghĩ nhớ đem lá thư này ra xem là sẽ quên ngay liền và cảm thấy hạnh phúc an lạc rất nhiều, rất nhiều.

Ghi nhớ: nên giữ lá thư nầy, đừng nên hủy bỏ sư cô con nhé!

Ba xin tạm biệt sư cô con nhé!

Ba về đây cùng tu với con, cho con cơ hội thương ba thật sự hơn và đây là chiếc áo ấm thứ hai mà đến bây giờ con mới khám phá ra. Ba thương con nhưng giấu trong lòng, nay nhờ ba về tu học với Tăng thân, tình thương ba dành cho con được lộ ra. Con nhớ tối hôm đó con làm ba giận vì chuyện ba còn hút thuốc lá. Nhưng may quá, ba đã không giận con. Thời gian đó lớp Anh văn của con đang thực hành đặt câu hỏi và trả lời. Con nghĩ đây là cơ hội cho con hiểu ba hơn, nên con đã nhờ ba giúp con trả lời ba câu hỏi: Ba thích điều gì nhất ở tu viện Mộc Lan? Ba thương ba như thế nào để người thân ít lo lắng cho ba? Và ba chuẩn bị hành trang gì cho nửa đời còn lại?

Ba đã đồng ý ngay. Sáng mai ba đưa cho con tờ giấy với những câu trả lời rất dễ thương. Qua đó, con tin là ba đang và sẽ có những ngày tháng đẹp.

Ba thương! Trưa nay được ngồi bên cạnh cùng ăn cơm với ba và đại chúng, con thấy giấc mơ gia đình mình cùng ngồi ăn cơm trong im lặng nhưng ấm áp tình thương đang biểu hiện. Nhìn ba ăn cơm, con biết ơn ba nhiều. Khi ba ở đây có đủ sức khỏe để đi thời khóa cùng Đại chúng. Ba sống tự nhiên và thật thà nên con cũng hưởng cái đẹp ấy từ ba. Càng ngày bước chân ba càng vững vàng, thong dong hơn. Con kính tri ân Thầy, Tăng thân và tất cả nhân duyên đã vun đắp cho tình cha con mình đẹp và dày sâu hơn mỗi ngày.

Con của tăng thân
Chân Trăng Ngàn Dặm

 

Chú Bê con quy y “Nhị Bảo”

Câu chuyện này hoàn toàn có thật. Chuyện kể như vầy:

Có một ngày cũng không hẳn là xưa, khi tôi đang ở nhà chơi cùng mẹ. Tôi đang ở nhà trong thì nghe tiếng mẹ tôi gọi: “Mèo ơi, con ra Quy y cho con Bê đi, nó đang ở ngay hàng rào nhà mình nè!”. Nghe xong tôi liền chạy ra và thấy con bê đang gặm cỏ sát hàng rào, trông thật dễ thương. Tôi đi tới chỗ nó thật nhẹ nhàng và nhìn vào mắt nó một cách hiền từ thương mến. Tôi khẽ gật đầu chào nó, và lạ thay, con Bê nhìn tôi bằng cặp mắt trìu mến và cũng khẽ “gật đầu” chào lại. Ôi! đôi mắt nó đúng là cặp mắt bò hiền lành và thật trong sáng. Sau khi “thăm hỏi” qua lại, tôi mới nói với con Bê rằng: “Chị Quy y cho em nhé!”. Lạ thay, con Bê lại khẽ “gật đầu”. Vậy là tôi tiến hành Lễ Quy y cho con Bê.

Tôi nói: “Bê về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho Bê trong cuộc đời”.

Con Bê nhìn tôi “gật đầu”.

Tôi tiếp tục: “Bê về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết”.

Con Bê vẫn nhìn tôi và lại “gật đầu”.

Tôi hăng hái đọc tiếp: “Bê về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”

Con Bê vẫn nhìn tôi, nhưng bất ngờ Bê “lắc đầu” và chạy mất…

Thế là kết thúc câu chuyện giữa tôi và Bê con đáng yêu.

Tôi vào trong nhà và kể lại câu chuyện cho mẹ tôi nghe, mẹ cười đau cả ruột. Còn tôi thì ngồi yên và tự hỏi: “Tại sao nghe đến nương tựa Tăng thì chú Bê liền chạy mất vậy nhỉ!”. Hay là Bê con thấy rằng chúng tôi đang trong thời kỳ pháp nạn (Bát Nhã) nên Bê con cũng mất lòng tin nơi Tăng Bảo chăng? Mình phải làm gì để khôi phục lại niềm tin đó?”

Bây giờ đây khi nghĩ lại chuyện con Bê tôi vẫn mắc cười, nhưng sau thời gian tu tập trong Tăng thân, tôi thấy thực sự mình phải làm gì đó để Tam Bảo vẫn là niềm tin lớn trong mỗi người chúng ta cũng như cho người đang thật sự cần đến chúng ta. Vì nếu có Bụt Bảo, Pháp Bảo nhưng lại không có Tăng Bảo thì Phật pháp cũng khó trường tồn. Vậy thì trước hết Tăng bảo phải thật sự hòa điệu cùng nhau, không hơn thua, tị hiềm v.v. Và cốt tủy nhất là phải thương yêu nhau thật sự như một gia đình bằng chính hành động của mình chứ không phải chỉ trên bề mặt của ngôn từ.

Cuộc sống đi qua thật mau, tôi nghĩ mình cũng không còn nhiều thời gian trong việc nhai đi nhai lại những sầu đau chán chường không cần thiết. Việc chính tôi cần phải làm là cố gắng thực tập để có nhiều bình an, niềm vui, lợi lạc, chuyển hóa, để xây dựng được bản thân cũng như góp phần cho Tăng thân càng ngày càng vững mạnh. Rồi một ngày nào đó khi tôi gặp lại Bê, hi vọng rằng khi tôi nói “Bê về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức” thì Bê vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt bò trìu mến và khẽ gật đầu.

Chân Hải Nghiêm

BỐN MÙA HOA NỞ

Sáng nay thức dậy mình nhìn qua khung cửa, vẫn là những cành cây khô hùng vĩ trong màn đêm đang vươn mình hòa với bầu trời đầy sao, vẫn là tiếng gió khua nhè nhẹ ngoài sân, mình thức giấc.

Không khí tinh khiết và trong lành lan tỏa khắp nơi như một món quà khởi đầu một ngày mới đem đến cho muôn loài. Mình mỉm cười và xua đi những đám bèo của thói quen suy tư đang lan đến trong tâm thức, tập trở về với hơi thở và giây phút hiện tại để cảm nhận tấm lòng của sự sống chung quanh.

Mộc Lan ơi! Bạn luôn luôn là thế, vững chãi và an bình của năng lượng tâm linh. Từ những cây sồi, cây thông hùng vĩ hàng trăm tuổi, đến những đóa hoa vàng tím lẫn trong đám cỏ ven đường hay nơi những con đường mòn quanh xóm, ven rừng nơi nào cũng thấm nhuần năng lượng của ân tình và trân trọng sự sống.

Mình đã nhận ra dầu trong năm, bạn mang những màu áo khác nhau. Màu trắng của hoa Mộc mùa xuân; màu xanh, màu vàng của mùa thu, hay chiếc áo của mùa đông lạnh giá… thì nơi đây vẫn là mảnh đất nồng ấm tình người và chứa đầy năng lượng tâm linh của sự chuyển hóa và chữa lành.

Sự sống được ươm mầm và lớn lên trong tình thương, đã có biết bao nhiêu người chung tay xây đắp, giữ gìn để làm lớn lên tình thương đó. Bạn cho bao nhiêu không gian để ôm lấy những khó khăn của đời sống bằng tiếng nói, tiếng cười, lẫn giọt nước mắt, mồ hôi… Bạn đã cho bao nhiêu, để có bếp lửa hồng tỏa không khí đầm ấp gia đình dành tặng những mảnh đất tâm hoang dại đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Một con người mang ước muốn chuyển hóa tự thân và làm đẹp cuộc đời. Mộc Lan ơi! Bạn là chiếc rễ tâm linh trong mình từ bao đời bao kiếp hay chỉ mới bắt đầu từ đời sống này? Bằng cách này hay cách khác, bạn đã luôn mở  cửa cho mình, dầu hành trang mình đến đây chứa đầy những hành lý cồng kềnh của thế gian. Những cánh cửa của chấp nhận, kiên nhẫn v.v. đã giúp mình dần dần tập trở về với hơi thở, tập mỉm cười, tập làm quen với cuộc sống cộng đồng. Để một ngày mình nhận ra mình có mặt với mình, có cha mẹ, anh chị em tâm linh, huyết thống và bao người nữa đang sống trên mảnh đất hiền hòa này từng giây, từng phút. Được cùng  nếm hương vị tương chao mà cuộc đời đã tặng cho mỗi người nơi đây như một món quà. Và hơn hết là món quà yêu thương nơi tâm người, nơi thiên nhiên.

Mộc Lan ơi! Mùa đông năm nay mưa nhiều hơn mọi năm. Buổi sáng trời lạnh và sương giá vào ban đêm. Có loài cây nào có thể ra hoa vào tiết trời như vậy không? Góc vườn có cây Hải Đường mỗi ngày vẫn nở những đóa hoa hồng trắng, Noel này chị em mình đã làm cho nhà bếp những bông tuyết thanh tao để mừng Giáng sinh và còn nữa: những đóa hoa của nụ cười, của sự thực tập nuôi lớn chất Bụt trong tự thân âm thầm mỗi ngày ươm mầm và lớn dậy. Dù có đi đến nơi đâu, hai tiếng Mộc Lan vẫn luôn ấm áp trong tâm khi nhớ về.

Chân Trợ Nghiêm


Chúng xuất sĩ tại tu viện Mộc Lan

Kính thưa các bạn!

Một tràng hoa được gom góp lại bởi những đóa hoa bé nhỏ nhưng rất đậm màu sắc của tình anh chị em, tình người, tình tự do bao la và tình thương chân thật… Tất cả được thể hiện qua cách sống hằng ngày của các anh chị em nhà “Mộc”. Chỉ có những giây phút bình an, những buổi thiền tọa, thiền hành thì những lời thật sẽ được nảy mầm qua lời văn, lời thơ. Mời các bạn đến ngôi nhà Mộc Lan để thấy, để tận hưởng và để hòa mình vào dòng chảy của Tăng Thân. Và Tăng Thân mình (nói chung) cũng là một tràng hoa tuyệt vời phải không, thưa các bạn.

Ân nghĩa bên trời

“Mỗi  độ xuân về mang áo mới

Hoa hồng liễu lục thật xinh tươi

Hạ đến ngàn cây phô sắc thắm

Hạt lành, trái ngọt khắp nơi nơi

Rừng thu rực rỡ bày muôn sắc

Đông sang hoa tuyết ngập lưng trời”.

Những ngày này đi thiền hành trên mảnh đất Lâm Tuyền, những câu văn lung linh trong bài “Bài kinh ca tụng đất Mẹ” cứ nhịp nhàng theo từng bước chân con. Cảnh Tịnh Độ là đây, nhiệm mầu, xinh đẹp và tráng lệ, vốn từ ít ỏi của con không cách chi diễn tả hết được. Con mở to mắt ngắm nhìn và thưởng thức. Ý thức từng bước chân trên tuyết trắng xóa, con biết con cũng đang bước cho Thầy, cho cha mẹ con ở quê nhà, cho các anh chị em của con đang ở khắp nơi.

“Tu Viện – Học Viện: Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương”

Bốn năm ở Học Viện, bây giờ mới nghe năm chữ: “Phật Học Viện Ứng Dụng” mỗi ngày mỗi quen thuộc và thực hơn trong con. Khi con đi tu, con thích mình được ở trong một nơi gọi là “chùa” hay “Tu viện” hơn là Viện Cao Đẳng Phật Học Làng Mai, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu hay bất cứ một Viện nào khác… Đồng thời nghe trong mình thích chữ “Tu” hơn chữ “Học”. Mỗi khi nghe có ai hỏi con đang ở đâu? Con thích trả lời mình đang ở Tu Viện hơn là trả lời con đang ở Học Viện, nghe có cái gì tự thấy hợp lý hơn vì mình là thầy tu mà! Cái từ ngữ vậy chứ cũng kẹt lắm, kẹt vào là khó lấy ra. Thực ra thì Học và Tu rõ ràng là song hành, không thể vắng một trong hai cái, người hành giả muốn đi xa hơn trên con đường tu tập cũng cần đến hai yếu tố này: Học và Tu. Vậy mà có lúc vẫn kẹt như thường. Nhiều lúc cái ý thức lạ vậy đó!

Những ngày tháng đầu ở Học Viện không phải dễ dàng để con có thể quen thuộc và hòa nhập được. Lại thêm nhà nước Đức rất ưu ái và có chế độ đặc biệt cho những người nhập cư nên tất cả anh chị em chúng con được ra trường học tiếng Đức. Những ngày học hành, thi cử vất vả, con như sống lại cái không khí căng thẳng của mùa thi trước đây. Đại chúng yểm trợ hết lòng để chúng con có thời gian cho việc học hành, ôn luyện đàng hoàng để có thể vượt “vũ môn” vào kỳ thi cuối khóa. Ui chao, nhớ lại những ngày đó mà vui, ngày đi thi còn được đội nấu ăn đãi cho món “chè đậu”, được nhắc là không được ăn chuối, kẻo trượt vỏ chuối …, thiệt là dễ thương!

Nơi này, một mô thức sinh hoạt mới khác với các trung tâm khác của Làng Mai. Có tuần bảng thời khóa được chia ra làm ba cột. Ba cột cho mỗi thời khóa của mỗi khóa học. Thời khóa của đại chúng xuất sĩ song song với các thời khóa khác, duy chỉ có giờ ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm là chung với nhau.

Lúc đầu chưa quen, con còn cấn cái và có rất nhiều câu hỏi: thời khóa như vậy thì năng lượng tu tập chung có loãng quá hay không? Lỡ một khóa học nào ra trễ hơn thì làm sao buổi thiền hành bắt đầu được đúng giờ? Chúng xuất sĩ cũng muốn vào tham dự các khóa học có được không? Có ai giúp quý thầy, quý sư cô giáo thọ trong các khóa học không? Sau này mình ở đây, mình có phải mở khóa học hay không?… rất nhiều câu hỏi miên man hoài… mà nói thật là cho đến thời gian này con vẫn chưa có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi mà con đã tự đặt ra cho mình. Nhưng con thấy con cũng không vội vàng, có những câu hỏi, những quan tâm mà con biết là câu trả lời sẽ không đến dễ dàng. Nhiều câu trả lời cần rất nhiều công phu, cần sự thực tập nhìn sâu và cần sống với nó! Có một điều con tin tưởng và luôn là nguồn sức mạnh cho con, đó là “tình huynh đệ”. Con biết xung quanh con luôn có Tăng thân: anh chị em xuất sĩ đang nỗ lực từng ngày để chuyển hóa tự thân, hòa vào công trình xây dựng đại chúng. Dù có khi lên xuống, dù có khi đi qua những khó khăn nơi tự thân mỗi người nhưng những lời dạy của Thầy, sự nâng đỡ, cưu mang của đại chúng cùng với chí nguyện ban đầu luôn là ánh sáng cho tự thân mỗi người và cho ánh sáng chung.

Thầy thương kính,

Con biết Thầy luôn có mặt đó cho Học Viện. Học Viện là một đứa con của Thầy. Vì tình thương lớn, Thầy đã cưu mang và sinh ra trung tâm này, làm đạo tràng tu học cho người dân Việt cũng như Tây phương trong cộng đồng châu Âu này. Thầy đã gieo trồng hạt giống Hiểu và Thương và truyền trao cho những người con của Thầy. Con biết rằng Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu này không phải của những thầy, những sư cô đang có mặt ở đây mà Học Viện là công trình chung của Tăng thân khắp chốn, cư sĩ cũng như xuất sĩ. Mỗi ngày sống nơi này, con luôn trân quý và giữ gìn! Con biết sự đóng góp hay nhất của con là sống hạnh phúc, là sự thực tập bước chân, hơi thở, nuôi dưỡng tình thương và sự hiểu biết lớn lên mỗi ngày.

Con nhớ hoài ngày con được truyền đăng hai năm về trước, khi con trình lên Thầy bài kệ của con, một bài kệ như con nít lớp ba làm thơ. Con nhớ khi con đọc ra cho các sư chị của con nghe, ai cũng cười và làm cho con mất hết tự tin để đọc lên trong ngày Lễ truyền đăng. Nhưng khi con quỳ trước Thầy, trong không khí trang nghiêm và xúc động đó, con thấy bài kệ của con rõ ràng hơn. Đó là bài kệ đẹp nhất trong giây phút đó. Bài kệ đó đã đến với con rất tự nhiên, con rất hài lòng vì nó chân thật với ước mong và sự thực tập của con. Con nhớ hai câu đầu tiên được làm ra vào một buổi khuya khi con về phòng ngủ, cơ thể mệt mỏi vì công việc và những lo lắng. Con ngồi yên trên giường, thở và tập buông xuống những suy nghĩ miên man để có thể đi vào giấc ngủ và tự nhiên có hai câu thơ đi lên:

“Có mặt nơi hơi thở

Về nhà trong phút giây”

… rồi không ra thêm một câu gì nữa hết. Trong đêm tối, con tìm cây bút để ghi lại. Hai câu sau thì gần đến ngày truyền đăng con mới viết tiếp khi con có cảm hứng nghe Thầy dạy về năm nguồn năng lượng “tín – tấn – niệm – định – tuệ”.

Thầy nghe và Thầy khuyến khích, khen hay lắm, làm con “ốt dột” quá chừng. Con mỉm cười thấy Thầy lúc nào cũng nhiều phương tiện quyền xảo để làm người kia trở nên tự tin và lớn mạnh hơn lên!

Mùa An Cư Kiết Đông, con xin phép đại chúng ở Học Viện cho con được về Làng an cư ba tháng mùa đông. Con ước mong được nghe pháp thoại trực tiếp từ Thầy và được nghe pháp thoại cho chúng xuất sĩ tại Sơn Cốc. Về Làng, Thầy không khỏe! Con nghe trong mình những cảm xúc đầu tiên là “tủi thân”! Rồi con tập tiếp xúc với Thầy nơi mỗi thầy, mỗi sư cô lớn, nơi mỗi sư chị, sư em trong đại chúng. Sự sống Thầy đã hòa vào nơi từng lá cây, ngọn cỏ Phương Khê, nơi mỗi bình minh xóm Thượng, nơi đồi mận xóm Mới, rừng bạch dương xóm Hạ.

Con biết ơn Thầy đã trao truyền cho con pháp môn “hơi thở”, giúp con biết nương vào hơi thở trong những lúc bình an để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc; trong những lúc khó khăn để trầm tĩnh, lắng yên đối diện. Con kính lạy Thầy với tất cả niềm tri ân và kính thương của con!!!

“Ân nghĩa bên trời mãi dựng xây”.

Nối lại tình thâm

Tình thương bắt đầu từ gia đình

Trước khi về thăm gia đình, con muốn cùng bố mẹ qua thăm bà nội, có lẽ đây là cơ hội cuối trước khi bà lìa trần. Con nghĩ thăm bà lúc bà còn sống tốt hơn là sau khi bà mất mới về tụng niệm, cầu siêu cho bà. Bây giờ bà còn minh mẫn, tỉnh táo, bà có thể tiếp nhận sự có mặt của con, và hy vọng những lời chia sẻ chân thành của con sẽ giúp bà chuẩn bị hành trang cho chuyến đi kế tiếp.

Ông bà của con ly dị và sống xa nhau hơn hai mươi năm nay rồi. Thường khi mình bước vào một cuộc hôn nhân, mình mong sẽ còn sống bên nhau tới khi đầu bạc răng long, nhất là đến tuổi già vẫn còn người bạn tri kỷ cho đỡ cô đơn trong khi đàn con cháu bận rộn công việc cả ngày đêm. Nhưng tới tuổi già thì ông bà ly dị vì không biết cách chuyển hóa những nội kết, lại sống theo tập khí của mỗi người và ông lấy vợ sau. Bà rất đau khổ, sống với nỗi cô đơn và hờn giận. Sự ly cách của ông bà cũng là nỗi đau buồn cho đại gia đình, những xung đột và tình thương trong gia đình bị rạn nứt.

Con là một người trẻ xa quê hương và lớn lên ở Tây Phương, con nghe rất nhiều về chữ “tình, chữ “nghĩa”, nhưng chưa thật sự hiểu. Trong tiếng Anh, chữ tình là “love”, nhưng chữ “nghĩa” con chỉ nghe mà chưa cảm nhận được. Nhờ chuyến thăm gia đình lần này đã giúp con hiểu được chữ “nghĩa” khi ông nội con đồng ý qua thăm bà nội.

Con cảm thấy quá may mắn vì chuyến thăm gia đình như là một khóa tu gia đình được tổ chức ngay tại nhà bác gái của con, gia đình bác gái con theo đạo Công Giáo. Con tôn trọng nếp sống của gia đình bác, nhưng những thực tập chánh niệm chính là sự biểu hiện của hiểu và thương, phát xuất từ ước muốn cho mọi người được an vui và khỏe mạnh. Nhờ ý thức đó, những thực tập căn bản được lồng vào đời sống hàng ngày một cách trôi chảy và tự nhiên. Thật là một cơ hội thực tập đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt ứng dụng rất mầu nhiệm.

Qua đến nhà bà, con được biết ông bà của con quen thân với bố mẹ của sư cô Thoại Nghiêm khi ở Đà Lạt. Bác gái con liền gọi điện cho ông con đang ở Pháp mời ông qua chơi nhân dịp có con, sư cô Thoại Nghiêm và bố mẹ của con về thăm. Ông đồng ý một cách bất ngờ, nhưng các cô chú con còn e ngại rằng: nếu ông không ân cần với bà, bà sẽ bị trầm cảm lại lần nữa và bác gái sẽ phải chăm sóc cho bà với những đổ vỡ sau chuyến viếng thăm. Đêm đó trong khi con băn khoăn không biết phải làm thế nào để mọi người được an vui thì bà cũng trằn trọc cả đêm không ngủ được vì phải nghĩ cách tiếp đón ông sau bao năm xa lòng cách mặt, bây giờ cuối cuộc đời mới được gặp lại nhau.

Sáng hôm sau bà tươi cười rạng rỡ. Bà kéo con vào phòng và nói: cho dù ông có cái tánh đi chơi làm bà khổ nhưng ông vẫn là một cột trụ cho gia đình được có ngày hôm nay với bảy người con nề nếp và một đàn cháu rất dễ thương. Nếu không có ông thì có lẽ gia đình đã tan nát rồi. Vì vậy bà quyết định sẽ đối xử với ông một cách tử tế. Bà nghĩ đến cách chăm sóc cho ông từng ly từng tí, mỗi buổi sáng, bà thường nhắc con cháu làm nước cam cho ông vì bà biết ông thích uống nước cam. Bà cảm thấy thông cảm cho ông vì bà sau đã qua đời, chắc ông cũng cô đơn.

Ngày ông tới, sau khi chào mọi người ông liền lên tiếng gọi “Bà ơi! Bà đâu rồi?”. Giây phút ngậm ngùi khi ông lên lầu chào đón bà, hai người ôm nhau, ai cũng cười tươi như mùa xuân đang trở lại. Những giọt mưa xuân cũng rơm rớm ứa ra trong mắt những người xunh quanh, cảm động bởi tình nghĩa chưa phai. Bà chiêm ngưỡng dung nhan của ông thật kỹ rồi nói: “Ông sao nay già và xấu đi rồi!” Con pha trò: “Bà còn một cái răng mà còn đẹp lắm chứ!” Ai cũng cười vui vẻ.

Sáng hôm đó, sư cô Thoại Nghiêm và con giúp bà chuẩn bị tinh thần bằng phương pháp tưới tẩm hạt giống tốt. Con xin bà kể lại chuyện tình ngày xửa ngày xưa khi ông mới thương bà.

Ngày sau, ông có dịp đi chợ trời cùng con, ông mua một bó hoa hồng xinh xinh, và nhất định cầm nó suốt cả buổi để tận tay mang về cho bà chứ không muốn bỏ vào túi nilon, ông sợ làm dập cánh hoa. Trong những buổi ăn, bà gắp thức ăn cho ông và chăm sóc cho ông tận tình. Có những buổi mọi người ngồi ăn cơm trưa nói chuyện với nhau hoặc bận làm việc khác, ông bà ngồi trước sân nhà, tâm sự cùng nhau… Những hình ảnh này mang lại cho con nhiều hạnh phúc. Ông bà đã và đang hồi phục lại những nét tình người nho nhỏ như Mẹ Theresa có nói: “Tình thương bắt đầu từ gia đình, vấn đề không phải là mình làm bao nhiêu mà là bao nhiêu tình thương chúng ta đã để vào việc làm đó”  (Love begins at home, and it is not how much we do … but how much love we put in that action).

Có một hôm ông bà ngồi chơi, con hỏi về sở thích vẽ tranh sơn dầu của ông. Ông kể: Ông có vẽ tặng cho bà một bức tranh cảnh phố cổ Hà Nội. Bà liền lục trong kệ ra bức tranh đó, mặt sau bức tranh ông viết: “Phố cũ Hà Nội, nơi mình mới gặp nhau và xây dựng cả một gia đình. Tặng Cúc với niềm thương mến”.  Điều này giúp con nhận ra ly dị là trên giấy tờ thôi, là những ước lệ mình đặt ra cho nhau, còn tình nghĩa là những gì có thật trong lòng người, khó mà phai.

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Mẹ của con rất vui tính, mỗi khi có dịp ngồi ăn chung cả nhà, hoặc bố chơi đàn guitar là mẹ hát hết lòng, mẹ còn có năng khiếu tạo niềm vui cho mọi người hát theo những bài hát thực tập Làng Mai như Le bonheur c’est maintenant. Mẹ viết xuống những lời bài hát trên bề trái cuốn lịch cũ, và tập cho mọi người cùng hát, tạo không khí nhẹ nhàng, vui vẻ trong nhà. Sau hai tuần thăm nhà, mọi người thuộc lòng bài Le bonheur và có lúc con bắt gặp bác trai nhẩm hát một mình theo nhạc không lời. Bác trai là người địa phương và là một con chiên ngoan đạo, nhưng bác ăn rất ngon miệng những bữa cơm chay mà sư cô Thoại Nghiêm nấu với rất nhiều niềm vui. Một hôm, sau khi nghe kể gia đình thích ăn món ‘hắc cảo’ (yum cha) sư cô sáng kiến ra cách làm với nhân liệu chay. Tối hôm đó cả nhà vừa ăn vừa gật gù khen ngon, ai cũng vô cùng hoan hỷ ăn chay hoàn toàn trong những bữa ăn cùng gia đình. Đây là một hạnh phúc lớn vì trong tuần đó đã có khoảng vài con gà và một ít con heo, con bò được tha mạng sống. Cậu con trai trên hai mươi tuổi của hai bác vẫn còn sống ở nhà với ba mẹ, vốn là người ít nói nhất, nhưng trước mỗi bữa ăn đều chắp tay cúng xá một cách tự nhiên và vô ngại. Có khi ăn sáng một mình, anh cũng nhớ thực tập chấp tay mà không cần ai nhắc nhở.

Bác gái của con thường ngày rất lu bu với công việc trong nhà, công sở…, có khi mặt tắt mày tối với những lo âu và buồn lòng vì thiếu sự truyền thông trong gia đình. Sự có mặt vui vẻ và nhẹ nhàng của sư cô Thoại Nghiêm trong mỗi bữa nấu ăn là tấm gương giúp cho bác gái cách sống an hòa mà bác có thể tạo dựng được trong cuộc sống hàng ngày. Với sự nâng đỡ tinh thần hàng ngày, dần dần bác mở lòng và có thể tâm sự những khó khăn và bức xúc đã làm nụ cười của bác phai nhạt và sinh hoạt ngày cành trở nên nặng nề.

Có hôm mệt nhoài, con mở CD thiền buông thư của sư cô Chân Không cho cả nhà thực tập. Con rất biết ơn sư cô Thoại Nghiêm đã dùng mọi phương tiện để tưới tẩm những hạt giống tốt lành và an vui trong mọi người một cách tự nhiên, cũng như tạo không khí vui vẻ và đầm ấm trong nhà mỗi ngày cùng những bữa cơm thú vị. Những ngày có cơm nguội là chúng con bắc chảo lên làm món cơm rang áp chảo mà Sư Ông đã từng làm với đầy tình thương cho các chị em chúng con ăn. Món cơm rất mộc mạc này con cũng trao truyền lại cho gia đình và mọi người đều ăn rất hết lòng! Nó trở thành món ăn “plat du jour” (ưa chuộng) của nhiều ngày, và bà của con chỉ còn một cái răng cửa cũng muốn ăn luôn! Bà nhai nhóm nhém bằng lợi mà cũng khen ngon lắm vì bà đang được ăn tình thương và niềm vui an lành trong sự có mặt thật sự của gia đình. Con nhận ra không phải chỉ những món ăn sang trọng ở khách sạn Năm sao mới ngon mà những gì đơn giản nhất từ lòng lân mẫn và sự có mặt của người thương mới là thức ăn nuôi dưỡng và có công năng trị liệu nhất cho gia đình. Bữa cơm gia đình là cơ hội mà mọi người gặp nhau đầy đủ nên chúng con không ăn cơm trong im lặng hoàn toàn như ở Làng mà có thể trao đổi thân tình những thắc mắc về cách tu tập hoặc con đường xuất gia mà chúng con đã chọn.

Làm mới

Khóa tu gia đình nào theo truyền thống Làng Mai luôn luôn phải có sự thực tập Làm Mới giữa những người thân trong gia đình. Và khóa tu tại nhà của con cũng đã có yếu tố này mới có thể được đóng dấu ấn hàng thiệt của Làng Mai.

Bác gái của con là người rất thương bà Nội, trong suốt ba mươi năm qua bác đã cố gắng hết mình làm tròn chữ hiếu với Mẹ, làm tròn bổn phận của một người vợ và mẹ cho hai đứa con của mình.

Bà nội rất thương con, thương cháu nên không muốn làm phiền con cháu của mình. Thấy con cháu quay cuồng với công việc và học hành suốt ngày đêm, bà nội không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình với những khổ đau trong lòng nên càng ngày sự truyền thông giữa bà và gia đình, nhất là với bác gái càng thưa dần. Bà rất đau buồn khi chia tay với ông nhưng vì đã ôm ấp quá nhiều cay đắng mà không biết cách chuyển hóa tình trạng nên phải rời gia đình để sống còn, và tự chăm sóc cho chính mình.

Cả bà nội và bác gái đều thương nhau, đều không muốn làm phiền nhau nhưng rốt cuộc lại không nhìn nhau được. Mỗi người một cõi dù sống chung một nhà. Hai bên không có mặt cho nhau được vì chưa từng thực tập pháp môn Làm Mới, lại không biết cách lắng nghe và nói lời ái ngữ để giải tỏa những uất ức và bức xúc trong lòng. Trong thời gian thăm viếng, mỗi tối sư chị sư em trở về phòng, đóng cửa lại để chia sẻ với nhau những cảm nghĩ trong ngày, và bàn “chiến lược” kế tiếp để dần dần chuyển hóa tình trạng bế tắt trong gia đình.

Để chuẩn bị cho buổi Làm Mới, chúng con thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt cho bà nội. Để hiểu thêm tình trạng, chúng con khéo léo chia nhau thăm hỏi bà, cũng như bác gái, và đã quyết định phải có một buổi Làm Mới trước khi về mới có thể an tâm được. Ngày này người này mệt, ngày kia người kia bận. Gần tới ngày đi về rồi mà vẫn chưa có dịp thuận tiện! Mãi đến ngày ra về, còn phải chuẩn bị hành lý nữa, nhưng vẫn chưa có dịp. Cho đến hai giờ đồng hồ trước khi phải lên xe ra phi trường, chúng con mới ngồi lại với bà và bác gái để thực tập Làm Mới.

Do tập khí và tri giác sai lầm về nhau đã ăn sâu vào tâm thức của hai người nên sư cô và con phải hướng dẫn kỹ càng để hai bên có thể lắng nghe mà không phản ứng, và có thể nói rõ những gì trong lòng mà không dùng từ ngữ chỉ trích và phán xét nhau. Khi đã nói ra được và lắng nghe được, bà con và bác gái đều khóc, những giọt nước mắt của hiểu biết và thương yêu. Suối tình thương lại róc rách tuôn chảy, mang đến cho mọi người cảm giác mát nhẹ và an lạc. Bữa cơm trưa hôm đó, tất cả mọi người ăn thật ngon và đó là giây phút hạnh phúc! Ông sẽ ở chơi với bà ít nhất là một tháng hoặc hơn, bà và con gái đã có một chút trị liệu của hiểu và thương.

Sự tu tập cũng dẫn đến sự chuyển hóa giữa ông nội và bố của con. Ông nội và bố con cũng đánh mất truyền thông từ lâu vì ôm ấp những khổ đau trong gia đình. Những ngày cuối của hai tuần thăm viếng, con hạnh phúc khi nghe bố hỏi ông nội về gia đình tổ tiên. Đây là việc phi thường đối với bố vì nhiều khi con hỏi thăm bố về gia đình bên nội thì bố không nhớ hay không biết gì hết! Bố dắt ông tập đi thiền với những bước chân chánh niệm mà không lết dép xẹt xẹt trên sàn nhà như những ngày đầu ông mới đến.

Ăn xong, chúng con cùng nhau hát bài hát Le Bonheure lần chót trước khi lên xe và chụp tấm hình lưu niệm cuộc đoàn tụ gia đình đầy tình thương.

Trước khi đi thăm gia đình, con nghĩ đây có thể là lần chót con được chơi với bà, bà nói nếu bà mất thì con tụng kinh và làm lễ tang cho bà luôn cho tiện. Ngày lên máy bay trở về Làng con nghĩ nếu tử thần có đến gõ cửa mời bà đi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi! Những chuyển hóa trong gia đình đều vượt hẳn ra ngoài sự mong đợi và tưởng tượng của con. Ai cũng nở nụ cười tươi rói khi vẫy tay nhau hẹn lại duyên sau.

Con rất biết ơn sư cô Thoại Nghiêm đã làm đệ nhị thân thật tuyệt vời cho con trong chuyến đi lần này, là một duyên lành lớn dẫn đến cuộc đoàn tụ gia đình thật bất ngờ. Mối duyên này đã bắt đầu từ hồi ông con còn ở Việt Nam, khi bố của sư cô và ông nội của con quen nhau và đã hợp tác xây dựng một trung tâm y tế – Hồng Thập Tự để chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo sống trên vùng Tây Nguyên. Và con được hưởng phước đức mà con chưa từng biết đến nếu như không có chuyến viếng thăm gia đình lần này thì những hạt giống lành này chắc sẽ bị chôn vùi dưới những đau buồn chồng chất của quá khứ. Nhờ đi tu, con có thể học làm người chăm vườn tốt, làm sạch cỏ gai và xới đất lên để cho những hạt giống đẹp có thể mọc lại tốt tươi. Con thấy thật vui khi con vừa hiểu thêm chính mình, vừa thông cảm và biết ơn ông bà hơn. Nhờ vậy, con mới khám phá ra con được trao truyền từ ông bà những khả năng tiềm ẩn, cũng như những tập khí xấu (đa tình) và đau khổ (ghen) của ông bà. Con cũng đang thực tập nhận diện rõ ràng hơn trong con, và đang trên đường chuyển hóa nó cho chính mình và cho ông bà.

Giờ đã đến

Ngày 19 tháng 01, 2015 sáng hôm đó con nghe điện thoại reo nhiều lần và trong lòng có gì đó thúc đẩy con phải trả lời nhưng con làm biếng chạy ra. Giờ ăn sáng con đi ngang qua phòng điện thoại và điện thoại lại reo, nhưng không còn ai khác trong phòng và con cầm máy trả lời. Con được tin bà nội của sư cô Thao Nghiêm mới qua đời vài tiếng đồng hồ. Sau giờ ăn sáng, con thông báo cho đại chúng xin đội trực điện thoại nên cho người trực điện thoại trong những giờ ăn để không mất những cuộc điện thoại quan trọng như con đã được nhận sáng nay. Cả ngày hôm đó con phải đi Bordeaux để lấy carte de sejour. Và buổi ăn chiều con được tin, trưa nay bố mẹ con điện thoại qua báo tin là bà nội của con mới qua đời.

Vài ngày trước đó tự nhiên con lại có cảm hứng chia sẻ với đại chúng xuất sĩ về quá trình tu tập và chuyển hóa của gia đình con. Cho dù gia đình con không hoàn hảo và con cũng hơi e ngại không biết mình nên chia sẻ không, nhưng con thực tập coi gia đình tâm linh và gia đình huyết thống của con là một.

Bà ơi, khi con nghe tin bà đã đi, trong lòng con không thấy buồn nhưng lại có một chút nhẹ nhàng, con cảm thấy việc mình cần làm đã làm được, và con không còn hối tiếc gì cả. Con nghĩ chắc bà đã đủ an tâm vì ước nguyện lớn nhất trong bà đã được hoàn thành. Khi mình có cùng tâm hướng thiện với nhau thì mình sẽ tạo đủ điều kiện cho sự việc tốt lành được tiến triển. Ông bà đã hòa giải, và ông đã về với bà, được đoàn tụ cuối cuộc đời. Ông cũng đã về với gia đình để một mai có lìa trần đi nữa thì ít nhất cũng có con cháu xum vầy. Bà đã thể hiện được tình thương, lòng chung thủy, hạnh kiên nhẫn và tha thứ đối với ông. Ông cũng ơn nghĩa sâu sắc với bà cho dù ông bà đã làm nhau khổ vì không biết cách thương nhau, không biết cách chăm sóc và giữ gìn cho nhau. Trong những hơi thở cuối, bà đã kêu cho con về làm lễ tang cho bà. Và bà biết không, tăng thân đã cho phép và yểm trợ cho con hết lòng. Lần này con được sư cô giáo thọ khác, là sư cô Tùng Nghiêm tình nguyện đi để yểm trợ cho con, sư cô là một “đệ nhị thân” tuyệt vời của con trong chuyến đi tiếp theo này!

Chuyến đi làm lễ tang cho bà là lần đầu tiên trong đời cho cả con và sư cô. Hai chị em con ngồi lại với nhau để soạn buổi lễ cho thích hợp với người quá cố và người còn sống cũng được lợi lạc. Cả gia đình và các bạn thân hữu đều là những người nói tiếng Pháp và hầu hết là đạo Công Giáo. Dựa trên cuốn Nghi Thức Đại Toàn tiếng Việt và tiếng Pháp, Sư cô và con đã chọn từng phần thích hợp cho buổi lễ. Mong rằng buổi lễ được trôi chảy và người nghe hiểu được, cảm nhận được để có thể chế tác thêm năng lượng chánh niệm và thương yêu cho buổi lễ.

Buổi lễ kết thúc, những người tham dự ai cũng xin bản copy của bài Kinh Thương Yêu và bài Sám Nguyện mà chúng con phát ra để đọc chung trong buổi lễ. Chúng con còn có cơ hội tập đi thiền đến nơi hỏa táng. Sau đó rất nhiều người chia sẻ rằng năng lượng buổi lễ rất bình an và cảm động. Vài người sau khi dự buổi lễ có cảm hứng muốn biết thêm về Làng Mai và hỏi thăm về khóa tu. Có một cô sau buổi lễ đã khóc đầm đìa vì nhận thấy mối quan hệ của mình với mẹ có nhiều đau buồn. Cô đến tham vấn sư cô Tùng Nghiêm, và tâm sự rằng: cô khao khát một con đường tâm linh từ lâu và sau khi dự buổi lễ hôm nay cô cảm thấy đây là con đường tâm linh có thể hợp với mình. May mắn thay là bên đảo nơi bà con ở có một tăng thân để giới thiệu cho bác gái và cô này đi để yểm trợ cho nhau. Con thật không ngờ sự mầu nhiệm của pháp môn, con đã gởi con và gia đình con cho Bụt, Pháp và Tăng thân lo.

Cả hai chuyến đi thăm gia đình năm ngoái và năm nay đều là do Bụt Tổ sắp xếp mới có thể hoàn thành một cách tốt đẹp như vậy. Con thấy mình chỉ là một điều kiện ước muốn cho gia đình được hòa giải, tha thứ và biết trân quý nhau, nhưng kết quả thì con không dám mong đợi gì cả. Bố mẹ và ông bà tổ tiên thật sự ở trong con. Khi con tu thì cả nhà được tu mà không cần con cố gắng làm gì đặc biệt ngoài ước muốn sâu sắc trong lòng với sự tu tập hết lòng hàng ngày của mình. Con quá may mắn và rất biết ơn Sư Ông và tăng thân đã cho con duyên lành này để chuyển hóa chính mình và cho gia đình.

Mừng đại sảnh lên ngôi

Sáng hôm nay,
Đại-sảnh lên ngôi,
đất trời mở hội.
Chúa giáng trần chúc phúc,
Thiên đường bỏ ngỏ.
Niết-bàn Cổ-lộ,
Mây trắng về thong dong,
Bụt mỉm cười đại-hỷ, nhìn cháu con.
Nhân loại đồng thanh cất tiếng Đại-đồng,
Cùng nhau đứng lên, xây ngôi nhà Nhập-thế.
Sông núi thổn thức,
Suối, đồi chầu chực.
Khắp đền đài, phố thị đều góp sức,

Mừng Đại-sảnh ngày Nhập-thế lên ngôi.

Này anh này chị này em,
Ta cùng nhau:
gom ánh nến, gọi sao trời,
về đây trẩy hội.
Gọi bác, gọi dì
tới chung sức:
nhặt tiếng suối, lượm bình minh,
Đến dự tiệc tao phùng.
và cháu, và cô:
Hãy nắm tay nhau,
ta vui nhịp dung-hòa.
Đồng áng, khoai ngô,
Cờ-lau, khe suối,
Khí thiêng sông núi:

Xin hãy về chứng kiến giờ: Đại-sảnh lên ngôi.

Đất Mẹ ơi,
Chúng con vượt hàng triệu năm văn hiến,
Hôm nay đây mới được một lần chứng kiến cảnh,
Huynh đệ năm châu nhìn ra nhau.
Thương biết mấy.
Ôi anh linh tiên tổ, tiền nhân,
Hỡi các bậc dầy công vun xới
Vườn tâm con cháu,
Cây đạo đức

đang nẩy lộc đơm bông.

Nói được không?
Ai biết được khứ lai ta?
không từng là mẹ là cha

là anh em máu mũ chung cùng!

Trở về,
nhìn nhau,
Cuộc hành trình ngàn năm kỳ lạ đang kết thúc,
Đao binh xếp lại,

huynh đệ tương phùng.

Sư cha đã mở Con Đường Vui,
Sư con đang vươn lên Vườn Bụt,
Đất Lâm-tuyền sư mẹ lập nguyện Đại-bi,
Tiếp nối Sư Ông,
Bền vững niềm thương,

mẫu mực.

Chuông Đại-hùng đà gióng tiếng uy-linh.
Trần lao vỡ rụng,
Cát bụi sầu bi phủi sạch một lần,
khép lại ngàn triệu kiếp lao lung.
Nhật Nguyệt chiếu soi,
đỉnh Bao-dung rạng ngời,
Bảy bước Giác-chi

Tỏa sáng nét Vô-ưu.

Cung kính lễ Thế-Tôn Điều-Ngự,
Thảy thảy đã đồng tâm quy hội,
Ready mừng Đại-sảnh

Nhập Thế lên ngôi.

Quý tặng PHẬT HỌC VIỆN CHÂU ÂU
EIAB. 29.12.2014

Thầy ơi!…

Hươu nai ưa đồng quê,

Chim chóc ưa trời mây…”

Con rất thích được Thầy gọi chúng con là những con hươu con về cánh đồng quê nội. Được Thầy đặt cho biệt danh “Hươu Con” con rất được nuôi dưỡng. Con thấy con là chú hươu con hạnh phúc được nằm trong vòng tay yêu thương của nội. Mỗi ngày chúng con luân phiên nhau đem cơm lên nhà nội và được dùng cơm chung với nội. Đó cũng là thời gian con được làm thị giả cho Thầy, được mang cơm cho Thầy, những ngày ấy đã để lại cho con nhiều kỷ niệm đẹp.

Thầy ơi! viết xuống những dòng này bao nhiêu kỷ niệm về Thầy sống lại trong con. Thầy đã từng dạy chúng con rằng: “có những giây phút nếu như mình biết sống cho trọn vẹn và trân quý thì giây phút đó sẽ trở thành bất diệt”. Con nuôi dưỡng những giây phút được sống gần Thầy. Và mỗi lần gọi hai tiếng “Thầy ơi!”, con lại thấy Thầy đang có mặt cho con ngay trong giây phút ấy. Tiếng gọi ấy cũng là bài học Thầy đã dạy con trong thời gian con làm thị giả.

Mỗi lần được ngồi bên Thầy con thật hạnh phúc, đôi khi Thầy trò không cần nói gì cả. Có khi Thầy kể chuyện cho chúng con nghe. Có một buổi chiều hai chị em con vào thư viện của Thầy để thỉnh Thầy ra dùng cơm. Thầy đang ngồi trên võng đọc sách, Thầy dạy hai chị em con ngồi xuống chơi với Thầy. Thầy dạy hai chị em con cách gọi “Thầy ơi!”. Con được bắt đầu trước. Thầy dạy con nói theo Thầy:

– “Thầy ơi…! ơi…!…ơi!”

Con chưa nói theo được. Con thưa:

– Thưa Thầy, khó quá con không nói được.

– Không khó mô, con cứ nói theo Thầy đi! Con nói được. Con đọc theo Thầy này: “Thầy ơi!…ơi!…ơi!”

Lần này con đọc theo:

– Thầy ơi!

– Không, chưa hay, chưa giống Thầy, dài hơn, nhẹ nhàng hơn nữa, con đọc lại đi! Phải đọc cho diễn đạt, cho hay như Thầy vậy đó.

– Thầy ơi…! ơi…!

– Con tập đọc theo Thầy nhiều lần. Con thầm nghĩ, con phải nói cho được để Thầy vui và đỡ mất sức phải chỉ cho mình nên con tiếp tục gọi:

– Thầy ơi…! ơi…! ơi…!

– Ơi … ơi… ơi! – Thầy đáp lại.

Con cảm nhận như có nguồn yên vui, hạnh phúc, trân quý, thương kính trào dâng, không thể nào nói được thành lời. Con thấy mình may mắn được làm đệ tử của Thầy và được Thầy chỉ dạy.

Đến phiên sư em con, sư em ngại ngùng không chịu nói, sư em thưa:

– Bạch Thầy, con không nói được.

Thầy dạy: – Con nói được, con cứ xem Thầy như Ba của con đi! Ở nhà con có nói như vậy với Ba con không?

– Dạ không, bạch Thầy!

– Vậy thì bây giờ con tập nói đi. Thầy ơi…! ơi…! ơi…!

– Bạch Thầy, con không nói được đâu.

– Bây giờ con không chịu nói, đợi đến khi Thầy thành nắm tro rồi mới chịu nói cho Thầy nghe thì muộn rồi!

Sư em đã cố gắng, nhưng hơi khó cho sư em. Sư em không làm được. Cuối cùng Thầy không ép sư em con nữa. Thầy cho sư em con mắc nợ, lần sau sẽ đọc.

Rồi Thầy dạy: “Khi nào các con có khó khăn, chỉ cần các con gọi thầy ơi thôi, là khó khăn đã nhẹ đi nhiều lắm rồi. Con sẽ có thầy bên cạnh, yểm trợ và giúp mình vượt qua khó khăn. Và cứ mỗi khi các con gọi thầy như vậy thì thầy sẽ âm thầm đáp lại “ơi!” liền cho các con”.

Ba Thầy trò ra phòng ăn. Trong bữa ăn, có thêm hai sư em con cùng ăn cơm nữa nên Thầy lại dạy chúng con tập gọi Thầy như lúc nãy. Sư chị, sư em nào gọi xong được Thầy thưởng cho một miếng đậu hủ, sư em chưa gọi được nhưng Thầy cũng thưởng cho sư em một miếng.

Thầy kính thương!

Chị em con mỗi người lớn lên với nhiều hoàn cảnh khác nhau! Chúng con thương Thầy, thương Tăng thân và có chung lý tưởng. Có những sư chị, sư em con đến với Thầy rất dễ dàng, nhưng cũng có những sư con của Thầy chỉ thích đứng từ xa nhìn Thầy, nghe Thầy nói pháp thoại mà không dám lại gần. Thầy đã giúp chúng con phá đi cái hàng rào ấy để chúng con có được tình Thầy trò rất đẹp. Sư em con vẫn đang tập gọi “Thầy ơi” mỗi ngày, chúng con thường kể lại chuyện này cho nhau nghe và chúng con nói với nhau rằng “Sư Phụ” của chúng mình dễ thương quá!

Mùa đông này con tu tập có hạnh phúc hơn rất nhiều. Con không biết tình thương của Mẹ là gì nhưng tình thương của Thầy đối với con ngọt ngào quá! Con thương Thầy nên cố gắng tu cho thật tốt. Khi con làm điều gì đó sai, con thật sự thấy có lỗi với Thầy. Con đã cố gắng làm bất cứ cái gì mình có thể để giúp chúng và giúp các sư chị sư em khi các chị em cần đến con. Và mỗi lần gọi “Thầy ơi”, con biết Thầy đang âm thầm đáp lại “Ơi!” cho con và Thầy đang mỉm cười.

Đem chánh niệm vào trường học

Với mong muốn đem chương trình đạo đức ứng dụng vào trường học (Wake Up Schools), trong năm 2014, các thầy, các sư cô Làng Mai đã có hai chuyến thăm và chia sẻ sự thực tập với thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh của trường Tiểu học Phật pháp (Dharma Primary School) ở Brighton, nước Anh. Đây là trường tiểu học duy nhất ở Anh cung cấp một nền giáo dục dựa trên những giá trị tâm linh của đạo Bụt. Sau đây là bài chia sẻ của thầy Pháp Lưu về những điều mầu nhiệm đã xảy ra trong hai chuyến đi này.

Tháng 3/2014, theo lời mời của trường và được sự cho phép của Tăng thân, chúng tôi (thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lý và tôi) đã có ba ngày sinh hoạt trọn vẹn với 70 học sinh của trường Tiểu học Phật pháp (Dharma Primary School) ở Brighton. Ngôi trường tư thục này mở cửa cho trẻ em từ 3-11 tuổi thuộc tất cả các tín ngưỡng tôn giáo và các nền văn hóa.

Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đến từng lớp học của trường để giới thiệu về các pháp môn căn bản như theo dõi hơi thở, sự thực tập dừng lại khi nghe chuông, cũng như dạy cho các em những bài hát như “Thở vào, Thở ra” (Breathing In, Breathing Out) và “Tôi yêu thiên nhiên” (The Nature Song). Qua những câu hỏi của các em, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy các em có ý thức rất rõ về những cảm xúc của mình. Nhiều em đã có kinh nghiệm thực tập với các cảm xúc như giận dữ, sợ hãi… và biết nương vào hơi thở để làm lắng dịu thân tâm. Trong buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đã trả lời những câu hỏi của thầy cô giáo và cán bộ của trường. Chúng tôi cũng đề nghị mọi người cùng thực tập pháp môn thiền đi khi lên xuống cầu thang chính của trường. Ai cũng chấp nhận và thực tập liền trong những ngày sau đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi có một buổi gặp gỡ chung với các bậc phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Hôm đó, hội trường chính của trường chật kín người, vì rất nhiều bậc phụ huynh muốn đến gặp các thầy, các sư cô Làng Mai. Buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng sự thực tập nghe chuông, dừng lại và trở về với hơi thở. Sau đó chúng tôi chia sẻ về sự thực tập Bốn Ơn và bài hát Hai lời hứa (Two Promises Song). Ngoài ra chúng tôi còn hướng dẫn thiền sỏi – chúng tôi đã nhặt những viên sỏi này trên bãi biển từ tối hôm trước – và phương pháp điều phục cảm xúc mạnh. Sau đó, thầy Pháp Lai hướng dẫn các em học sinh đi thiền vòng quanh sân trường. Các em giữ yên lặng thật giỏi trong khi đi, vừa theo dõi hơi thở, vừa tiếp xúc với cây cối và chim chóc xung quanh. Buổi chiều, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ các thành viên Hội đồng Quản trị của trường (trustees). Ông Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị nói với chúng tôi rằng chuyến thăm lần này của tăng đoàn Làng Mai là “điều tuyệt vời nhất từng xảy ra tại đây”. Ông cũng mong muốn Làng Mai coi trường Tiểu học Phật pháp ở Brighton là “nơi thử nghiệm của chương trình Wake Up Schools”.

Ngày kế tiếp, chúng tôi chia nhau đến các lớp lớn của trường để thực tập thiền sỏi với các em và chỉ cho các em cách làm các túi đựng sỏi.

Có một số lớp, chúng tôi hướng dẫn thiền buông thư cho các em. Sau đó, cả trường lại một lần nữa tập trung trong hội trường lớn để cùng thực tập pháp môn thiền quýt. Từ thầy cô giáo đến học sinh, ai cũng đặc biệt thích pháp môn này! Buổi chiều, sau khi ăn trưa chung với các thầy cô giáo, chúng tôi có một buổi chia sẻ sâu hơn không chỉ với thầy cô giáo mà còn với các cán bộ và thành viên Hội đồng Quản trị của trường. Một lần nữa, các vị bày tỏ mong muốn Tăng thân Làng Mai đem chương trình Wake Up Schools vào áp dụng tại trường.

Kết thúc chuyến thăm, chúng tôi hứa sẽ trở lại thăm trường để tổ chức một khóa tu cho các giáo viên của trường trước thềm năm học mới và giúp các giáo viên chào đón học sinh trong ngày khai giảng. Ngoài ra chúng tôi còn dự định tổ chức khóa tu hoặc ít nhất là một ngày tu học cho các bậc phụ huynh vào cuối tuần. Vì vậy, tháng 9/2014, một đoàn gồm bốn thầy (thầy Pháp Lai, thầy Pháp Linh, thầy Pháp Triển và tôi) cùng ba sư cô ( sư cô An Nghiêm, sư cô Trì Nghiêm và sư cô Tảo Nghiêm) đã đến thăm trường Tiểu học Phật pháp lần thứ hai, từ ngày 1 – 09/09/2014.

So với lần thứ nhất, chuyến thăm lần thứ hai này đã tạo được một ảnh hưởng sâu sắc hơn. Thông thường, trước thềm năm học mới, trường Tiểu học Phật pháp tổ chức một khóa tập huấn, bồi dưỡng trong hai ngày dành cho các giáo viên và cán bộ của trường. Nhưng năm nay, trường đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng hai ngày này để tổ chức một khóa tu ngắn, thay vì khóa tập huấn như mọi năm. Chúng tôi đã cùng các thầy cô giáo và cán bộ của trường thực tập thiền hành, thiền tọa có hướng dẫn, thiền ăn, pháp đàm và cả thiền ca nữa. Trong một buổi pháp đàm, chúng tôi đã mời các thầy cô giáo thực tập nhìn sâu vào những điều kiện hạnh phúc đang có ở trường và trong cuộc đời dạy học của mình, cũng như những lời ước nguyện cho một năm học mới đang đến.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức những buổi Làm Mới, đặc biệt là hướng dẫn phương pháp tưới hoa. Một giáo viên chia sẻ: “Phương pháp tưới hoa có tác dụng đặc biệt đối với tôi, bởi vì thực sự tôi thấy rất khó khăn khi khen ngợi người khác, nhất là sau một ngày dạy học bận rộn. Nhiều lúc tôi không có thời gian để dừng lại và nghĩ đến những gì mà các đồng nghiệp của mình đã hiến tặng. Đôi khi chỉ vì một lỗi nhỏ mà tôi quên hết tất cả những điều dễ thương mà họ đã làm cho tôi. Tôi nhận thấy ngay cả khi có những bất đồng, nếu tôi có thể nói một điều gì tích cực với đồng nghiệp của mình thì đó luôn là một khởi đầu tốt, và từ đó có thể làm cho mối liên hệ trở nên tốt đẹp hơn. Bởi vì cái nhìn lạc quan, tích cực về người khác bao giờ cũng giúp cho mình dễ dàng hòa giải hơn, phải vậy không?”.

Trong những nhóm pháp đàm, các thầy cô giáo được hướng dẫn thực tập pháp môn ái ngữ và lắng nghe để có thể áp dụng cho chính mình và giúp cho các em học sinh. Sau giờ pháp đàm, một giáo viên chia sẻ: “Tôi nghĩ có lẽ điều hữu ích nhất đối với các giáo viên và cán bộ của trường trong những ngày qua là được học cách nói chuyện với nhau và lắng nghe nhau. Từ trước đến nay, các cuộc họp thường khá ồn ào, ai cũng tranh nhau nói lên ý kiến của mình, vì vậy mà không khí khá căng thẳng. Tôi thấy sự thực tập trong những buổi pháp đàm mà các thầy, các sư cô hướng dẫn – cách chắp tay xá khi muốn nói và cho mọi người không gian để chia sẻ – thật là hay. Ai cũng có cơ hội nói ra những điều mình muốn nói mà không sợ bị phán xét. Mọi người xây dựng được niềm tin với nhau trong buổi pháp đàm. Tất cả mọi người đều có thể chia sẻ những cảm xúc thật của mình. Ai cũng có tinh thần nâng đỡ, yểm trợ nhau trong buổi pháp đàm, đó là điều rất quý, rất cần”.

Trong ngày thứ hai của khóa tu, cô Katherine Weare – một Giáo sư về Giáo dục của trường đại học Southampton, Anh quốc và cũng là người đã từng làm việc với các thầy, các sư cô trong chương trình Wake Up Schools để xây dựng một cuốn cẩm nang cho giáo viên về sự thực tập và giảng dạy chánh niệm trong trường học – đã trình bày một vài “hướng dẫn thực tập” (recipe) trong cuốn cẩm nang để các thầy, các sư cô cùng các giáo viên thử nghiệm. Ai cũng phải dành 15 phút để đọc các hướng dẫn về thực tập thỉnh chuông, thiền hành, hay theo dõi hơi thở, sau đó có thêm 15 phút để tập cách trình bày, rồi chia ra thành từng cặp: người này giảng cho người kia nghe trong 15 phút, sau đó đến lượt người kia giảng cho người này nghe, cũng trong 15 phút. Cuối buổi, các thầy cô giáo chia sẻ, đóng góp để cho phần hướng dẫn thực tập được nêu trong cuốn cẩm nang được rõ ràng, chính xác và mang lại nhiều lợi lạc cho các thầy cô giáo ở khắp nơi.

Sau hai ngày sinh hoạt với các thầy cô giáo là đến ngày khai giảng năm học mới. Các em học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Chúng tôi chia ra, hai người vào một lớp để xem cách các thầy cô giáo chào đón học sinh trong ngày đầu tiên của năm học và để chơi với các em. Thật là vui khi được có mặt trong ngày tựu trường và được chơi với các em nhỏ! Một giáo viên nhận xét: “Tôi thấy các em rất thích sự có mặt bình an và vui tươi của các thầy, các sư cô. Em nào cũng hăng hái tham gia các hoạt động như: tập thở, hát, chơi trò chơi… Có em hỏi: con có thể đến và ngồi gần các thầy, các sư cô trong giờ ăn trưa không? Các em rất thích gần gũi các thầy, các sư cô và thích năng lượng tỏa ra từ người tu”. Chúng tôi cũng rất hạnh phúc khi được chơi với các em, được ngồi ăn trong im lặng với các em ngay ở sân chơi của trường. Thật là nuôi dưỡng khi thấy các em có khả năng thưởng thức miếng bánh mỳ sandwich một cách sâu sắc và ăn im lặng trong suốt mười lăm phút!

Trong buổi họp toàn trường ngày kế tiếp với sự tham dự của các bậc phụ huynh, thầy Pháp Lai đã chia sẻ về những hoạt động trong thời gian qua của chương trình Wake Up Schools, cũng như về ước nguyện sâu sắc của Thầy là đem chánh niệm và đạo đức ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi đã hát những bài thiền ca và chia sẻ niềm vui của mình với mọi người có mặt hôm đó, đồng thời đề nghị trường xây dựng một tăng thân để các bậc phụ huynh có cơ hội yểm trợ cho con em của mình cũng như yểm trợ các thầy cô giáo trong sự thực tập.

Chúng tôi cũng tổ chức một ngày Quán niệm dành cho các bậc phụ huynh, nhưng cũng có sự tham gia của nhiều giáo viên trong trường. Ngày hôm đó, chúng tôi chia sẻ về ý nghĩa của pháp môn thiền sỏi, về tầm quan trọng của bốn yếu tố: tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do đối với hạnh phúc của mỗi người. Sư cô Lực Nghiêm đang về thăm mẹ ở Brighton cũng có mặt trong buổi sáng hôm ấy.

Khi nhìn lại một tuần thực tập chung với nhau để bắt đầu năm học mới, một giáo viên chia sẻ: “Cách đây một vài năm, chúng tôi nghĩ là chúng tôi biết mình cần phải làm gì để xây dựng và phát triển trường Tiểu học Phật pháp. Không hiểu sao sau một thời gian, hình như chí nguyện ban đầu của chúng tôi bị hao mòn ít nhiều. Tuy nhiên, trong những ngày qua, tôi thấy tất cả những mơ ước ngày xưa đều trở về và dường như còn mạnh mẽ hơn trước. Đối với cá nhân tôi thì những trải nghiệm trong một tuần qua đã làm cho tôi thay đổi trong mối liên hệ giữa mình với mọi người. Còn đối với trường, tôi có rất nhiều hy vọng là trường sẽ thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, mọi người sẽ quan tâm tới nhau nhiều hơn. Trước đây trong trường có nhiều khó khăn nhưng bây giờ tôi thấy có một sự thay đổi lớn nơi nhiều người và điều đó cho tôi một niềm vui lớn. Tôi cảm thấy thật khó khi phải chia tay với các thầy, các sư cô”.

Qua hai chuyến thăm, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khả năng xây dựng một trường thí điểm theo mô hình Wake Up Schools ngay tại nước Anh. Ban Quản trị của trường mong muốn một ngày nào đó sẽ tiếp tục xây dựng một trường trung học theo mô hình này. Chúng tôi cũng đề cập đến khả năng xây dựng một trụ sở chính của chương trình Wake Up Schools tại trường Tiểu học Phật pháp – nơi mà các giáo viên ở khắp nơi có thể đến và được tập huấn bằng cách tham gia làm trợ lý giảng dạy cho các giáo viên của trường.

 

Nắng ấm ngày đông

Mộc Lan đi dễ khó về

Mộc Lan giờ đây là nơi có nhiều thân thương trong lòng con. Nơi đây đã cho con học hỏi nhiều cái hay, cái đẹp đầy mới lạ. Nơi đây con cùng các sư anh, sư chị, sư em đã bước những bước chân an trú cùng thở nhẹ nhàng, nơi đã mở ra những nụ cười, nơi chúng con được lớn lên với những vui buồn hờn giận và đã thật sự được sống. Con mang ơn Mộc Lan bởi nơi đây đã cho con cơ hội chứng kiến sự tạo dựng, hình thành và lớn lên của Mộc Lan qua từng năm tháng. Con mang ơn những ánh mắt, nụ cười, những niềm vui, những trắc trở mà huynh đệ đã gắn bó, đi qua. Nhờ sự nâng đỡ, ôm ấp và chấp nhận, con đã lớn lên và tồn tại trong Tăng thân tại Mộc Lan này. Các sư anh, sư chị, sư em ở Mộc Lan đã từng là chiếc cầu tình thương để dìu dắt và yểm trợ con.

Mộc Lan bây giờ là những ngày tháng hạnh phúc và huy hoàng nhất. Mộc Lan là một trong những trung tâm của Làng có nhiều nét đẹp đặc trưng, nhiều cái hay, cái đẹp mà con người học hoài, thương hoài không hết. Đôi lúc con mỉm cười hạnh phúc khi nhìn Mộc Lan với sự sạch sẽ, ngăn nắp trong ngoài. Mộc Lan với những dãy cốc xinh xinh ẩn dưới những hàng cây, khu rừng mộc mạc đơn sơ, nhẹ nhàng. Mộc Lan với thiền đường mái đỏ, tháp chuông to lớn hùng vĩ bên khu nhà sum họp của xóm Mai, xóm Trúc. Hai xóm hầu như sinh hoạt chung, gặp nhau vẫn nở được nụ cười trong sáng và thân thiện. Mộc Lan thật sống động với tinh thần tu học tinh chuyên, cùng chơi, cùng tu học, cùng làm việc và có nhiều sự đồng lòng, vui vẻ hài hòa giữa bốn chúng như một đại gia đình. Đúng vậy, “Mộc Lan đi dễ khó về” là châm ngôn của nhiều người đã đến để thừa hưởng năng lượng bình an và thực tập chuyển hóa, đến lần đầu rồi sẽ đến lần sau và lần sau nữa. Điều đó đã nói lên tấm lòng của những con người có mặt ở Mộc Lan. Còn nhiều và nhiều nữa mà con sẽ mang theo để nuôi dưỡng mình.

Vào những ngày làm biếng thích thật. Sáng thức dậy với cảm giác nhẹ nhàng, bình an và tươi mát,  được ngồi yên, được thở. Mộc Lan có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp. Con đang ngồi bên cạnh Bụt trong Thiền Đường xóm Mai, nhìn thẳng ra khu rừng mùa đông, con nhìn rất sâu vào giữa cánh rừng và bắt gặp từng lớp, từng lớp lá khô trải mình trên đất mẹ. Những ngày trời đông, cây cối đã dọn mình sạch sẽ để đón xuân về. Mấy hôm nay trời nắng ấm, chim rừng bắt đầu đua nhau ríu rít, con cũng không còn co ro như những ngày lạnh buốt, lạnh đến nỗi hồ sen đã đóng băng rất dày nên anh chị em chúng con rủ nhau ra mặt hồ để chơi. Ai cũng có cơ hội thử nghiệm đi trên mặt nước đá khác với đi trên mặt đất mầu nhiệm như thế nào.

 

Tình mẫu tử, nghĩa ân sư

Mấy hôm nay con nhớ Thầy nên con đọc lại những trang thư Thầy viết cho chúng con vào những năm trước đây. Đọc tới đâu con thấy nuôi dưỡng và hạnh phúc tới đó. Chúng con được Thầy dạy dỗ thật cặn kẽ và rõ ràng, Thầy động viên sách tấn chúng con qua từng chặng đường, dõi theo mỗi bước chúng con đi. Hôm qua là ngày quán niệm, bốn chúng cùng tu học với nhau đông vui hơn những tuần trước. Đặc biệt có nhiều người trẻ Mỹ và người trẻ Việt lớn lên ở Mỹ cũng như những thiền sinh khác đến ngày càng đông và tu tập đều đặn hơn. Chiều làm biếng, sư cô Nhẫn Nghiêm đãi đại chúng món bánh xèo rất ngon. Một số anh chị em chơi đá banh trước sân với nhiều tiếng cười rộn rã. Anh chị em chơi để được nuôi dưỡng, chơi bằng tình huynh đệ mà không phải bằng sự thắng thua, con thấy đi tu rồi chơi đá banh vui hơn nhiều. Một số anh chị em khác đi bộ, chạy bộ. Sau ngày quán niệm, Mộc Lan vui như ngày hội và đặc biệt hôm nay trời nắng ấm đẹp quá. Chúng con cũng đã trồng xuống những củ hoa thủy tiên để chào mừng mùa xuân tới. Suốt một ngày quán niệm cùng tu tập, cùng chơi với nhau thật vui và tròn đầy.

Về lại phòng nghỉ ngơi, con nằm xuống buông thư, thở và thấy đời người tu thật diễm phúc biết bao khi mình biết cách thưởng thức sự sống, biết sống với những vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc ở trong mình cũng như xung quanh. Để cho cơ thể được buông thư sau vài hơi thở, con lại nhớ đến những lá thư của Thầy nên ngồi dậy tiếp tục mở ra đọc. Con có một ý tưởng thú vị khi vừa buông thư vừa đọc thêm những điều nuôi dưỡng thì thế nào sự trị liệu cũng được nhân đôi. Con đọc từng câu, từng chữ mà Thầy đã dùng tình thương của người Cha để nuôi các con, nhất là những lá thư Thầy viết khi chúng con còn ở Bát Nhã và Phước Huệ như đang thấm vào cơ thể con. Con cảm được niềm vui, tình thương của Thầy qua sự có mặt, ra đời và lớn lên của các sư con ngày một đông.

Thầy cũng vậy, tình của Thầy càng ngày càng bao la khi đón nhận những người trẻ xuất gia có đầy nhiệt huyết, đầy tài năng, đầy năng lượng tươi trẻ với tâm bồ đề sáng trong. Con nhớ trong giai đoạn biến cố Bát Nhã và những ngày chúng con ở Phước Huệ, Thầy thường động viên chúng con qua những bức thư. Mỗi khi nhận tình thương từ những bức thư Thầy gởi, từng lời chỉ dạy của Thầy giúp chúng con thấy rõ con đường, làm động lực thôi thúc chúng con vững mạnh lên, Thầy dạy chúng con tay nắm tay trong tình huynh đệ để cùng đi qua sóng gió mà không bị bão tố dập vùi hay rụng rơi. Đúng là: “Không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử, cũng không có gì cao cả và lớn lao bằng nghĩa ân sư”.

Thầy đang biểu hiện trong mỗi chúng con

Giờ đây, trong khi Thầy đang thị hiện bệnh, nếu chúng con biết tiếp xúc với Thầy trong tình huynh đệ, biết chấp nhận, tha thứ và thương yêu nhau, biết nương tựa vào nhau, nương tựa vào những sư anh, sư chị đang thay Thầy dẫn dắt thì chúng con thật sự được lớn lên trong Thầy và Thầy cũng đang biểu hiện trong mỗi chúng con. Con nhớ lại trong chặng đường biến cố Bát Nhã, mặc dù chúng con đang tạm trú tại Chùa Phước Huệ nhưng theo dòng chảy của Bụt Tổ, các sư em gia đình xuất gia Cây Sen Hồng vẫn ra đời. Lúc đó, có nhiều sư anh, sư chị, sư em rất lo lắng cho hoàn cảnh mà Tăng thân đang gặp phải, ngại rằng các sư em rồi sẽ nương náu nơi đâu? Nhưng nhờ Bụt Tổ đưa đường dẫn lối nên các sư em đi cùng Tăng thân cho đến hôm nay.

Bây giờ trong thời gian Thầy đang bệnh, đang nghỉ ngơi thì lại một lần nữa cũng có các sư em gia đình xuất gia cây Sồi Đỏ tiếp tục được sinh ra. Một số anh chị em chúng con thấy thương cho các sư em sẽ bơ vơ khi thiếu vắng Thầy. Rồi sự bình an trở lại đã cho con cái thấy mới, cho dù hình tướng Bụt không còn nhưng Tăng đoàn, giáo pháp của Bụt vẫn luôn lớn mạnh, vẫn chảy mãi cho đến hôm nay. Con đang thực tập ôm ấp với những gì đến và đi. Người ta nói: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi.” Còn chúng con thì: “Thầy già như lá mùa thu, gió lay lá rụng thì lá xanh đang tiếp bước Thầy”.

Dẫu ý thức rõ tuổi Thầy đã cao, mỗi chúng con đều đang thực tập để thấy được vô thường và chúng con đều đang là sự tiếp nối của Thầy, không có gì phải lo sợ. Khi nghe tin Thầy bệnh, có thể không có mặt với chúng con, mỗi chúng con ai cũng đều chấn động. Ngày đêm chúng con đã cầu nguyện năng lượng Bụt Tổ gia hộ cho Thầy nhưng thực ra cũng chính là gia hộ cho chúng con được bình an hơn, biết trở về với hơi thở, bước chân, biết thực tập buông bỏ những buồn giận, vướng mắc để có mặt cho huynh đệ và an trú trong hiện tại sâu sắc hơn. Những ngày Thầy bệnh cũng là những ngày huynh đệ chúng con an cư đầm ấm, khắn khít bên nhau, vui tươi, dễ dàng bỏ qua và tha thứ cho những vụng về của nhau hơn. Đặc biệt là ở Mộc Lan, chúng con có nhiều buổi ngồi lại chia sẻ cho nhau những vụng về, những chân tình sâu kín. Những thực tập bền vững và sâu sắc của mỗi sư anh, sư chị, sư em là thức ăn chúng con hiến tặng, nuôi dưỡng nhau. Con được nuôi dưỡng, được đánh động rất lớn khi lắng nghe những gì chân thật của huynh đệ mình chia sẻ qua những buổi sinh hoạt đó.

Dòng chảy tăng thân

Noel năm nay tất cả anh chị em chúng con được ngồi uống trà, tâm tình chia sẻ với nhau, món quà đặc biệt mà quý sư cô xóm Mai tự tay làm để tặng cho mỗi thầy xóm Trúc là những tấm thiệp rất đẹp. Trong đó quý sư cô đã viết vào những điểm đẹp mà mỗi thầy đã biểu hiện trong những năm qua. Vào buổi thiền trà đó, mỗi sư cô cầm trên tay tấm thiệp có tên một thầy và khi được gọi tên thầy nào thì sư cô đang cầm tấm thiệp đó đọc lên với giọng đọc rõ ràng, mạnh mẽ và vui tươi. Buổi ngồi chơi kéo dài gần ba giờ đồng hồ nhưng ai cũng cảm thấy vui và hớn hở.

Vào những ngày cuối năm có khóa tu Holiday Retreat, số lượng thiền sinh tăng lên gấp đôi, đông hơn so với dự tính của chúng con. Chủ đề khóa tu là: “Trong ấm, ngoài êm”. Khóa tu đã thật sự ấm êm và có nhiều hoa trái cho tất cả những người tham dự đón một năm mới. Bây giờ Thầy đang ngày một khỏe hơn, chúng con hạnh phúc và biết ơn sự cố gắng của Thầy, của cả tăng thân, cùng những bác sĩ, y tá đã và đang tận tình chữa trị cho Thầy. Trong tích môn con vẫn luôn mong ước Thầy còn đó hoài với chúng con, dù cho ai có bảo con nghèo mà ham cũng được.

Con nhớ những ngày mới xuất gia, con có nhiều hạnh phúc khi nhìn về Tăng thân của mình, con quán tưởng về những đứa con của thầy qua hình ảnh mẹ Âu Cơ: “Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, năm mươi xuống biển, năm mươi lên non. Nay triệu cháu con chung tình nước non, là hoa một gốc là con một nhà”. Con không biết lúc đó mẹ Âu Cơ và các con của Mẹ có buồn không vì phải chia đôi mà chưa có pháp môn để thực tập. Còn Thầy bây giờ thì sao? Bởi vì chúng con là những đứa con mới được Thầy sinh ra và ở lại Chùa Diệu Nghiêm nên con đã làm lại bài hát rằng: “Nay thì Sư Ông sinh được trăm con, năm mươi ở Làng, năm mươi ở quê” (bởi vì chúng con đang ở Việt Nam, quê nhà). Xa nhau thì cảm thấy hơi buồn nhưng chúng con ý thức rõ: “Nay triệu cháu con như một dòng sông, là con nhiều nước là cha một nhà”, và Thầy hay là chúng con đều không có buồn khi ở cách xa nhau. Bởi Thầy đã dạy cho chúng con cách  an trú, chế tác niềm vui, an lạc để ở đâu chúng con cũng có quê hương thân yêu. Thầy tuy xa nhưng lại thật gần, Thầy luôn có mặt cùng khắp. Chúng con có chung một người Cha và chung một ngôi nhà lớn là: “Hành Tinh Xanh”.

Đã mười năm con được sống trong dòng chảy của Tăng thân, mặc dầu con còn mang theo những vụng về, những nỗi khổ niềm đau chưa chuyển hóa hết, nhưng con đã hưởng được rất nhiều bình an, nhiều hạnh phúc và con đang lớn lên trong lòng Tăng thân. Con thấy đường tu ngày càng đẹp và thú vị lắm. Con sẽ không như thi sĩ Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, con sẽ nguyện: “Kiếp sau xin được làm người, cùng chung dòng chảy sống hoài với Tăng thân”.