Tết chùa

Chỉ còn độ non một tháng nữa là đến Tết, mau thật.

Trời vẫn còn đang rét lắm. Nhưng hôm nay cái nắng đầu tiên sau những ngày mưa lạnh đã về. Cây hoa trinh nữ khẽ khàng mở từng chiếc lá nhỏ, ngơ ngác nhìn đoàn người đang đi từng bước thảnh thơi. Chắc do lâu quá không thấy đoàn người đông như vậy. Đại chúng hôm nay được dùng trưa ngoài trời, ai cũng chọn một góc có nắng để ngồi chơi và phơi mình cho “đỡ mốc”. Mọi người nói đùa với nhau như thế.

 

 

Ở Huế mưa lạnh, độ ẩm lúc nào cũng trên 90%. Mọi thứ dường như đều có thể mốc được cả. Gói trà vừa mới mở hôm kia, hôm nay đã lên mốc rồi. Cái ghế trắng ngày hè, giờ như được sơn đen. Cả đến bức tường xi măng mà nước cũng rịn ra ẩm ướt. Thế nên tranh thủ hôm nay có nắng, mọi người đem tất cả ra phơi. Không khí thật rộn rã. Mọi người ai cũng hoan hỷ, tươi vui. Tết chưa đến nhưng ở chùa không khí tết đã về rồi. Đó đã là Tết rồi.

Tết chùa không xúm xít áo mới, giày mới, không sắm sửa trang hoàng, cho dù cũng gắng có được cây mai, cây lộc cho đồng sự cùng khí xuân. Áo quần cũng chỉ là những bộ vạt hò cả năm vẫn mặc, cũng chiếc áo nhật bình đã bạc màu. Thế nhưng lòng ai cũng mới, ai cũng lo dọn dẹp thân tâm để đón năm mới. Mà ở chùa thì ngày nào cũng mới, cũng tết cả.

Đến những buổi chấp tác toàn chúng như kéo cây, quét lá quanh hồ, chà rêu hay cắt cỏ… thì cũng y như tết thật, mọi người đang dọn dẹp nhà cửa để đón tết đấy. Chùa nhỏ nên đi đâu cũng thấy có sư cô đang làm việc một cách thảnh thơi. Như một đàn kiến chăm chỉ, ai cũng có phận sự và công việc của mình. Công việc không nhiều mà cái tình lại nhiều hơn.

Những ngày gió đông lạnh, nhóm lên chậu than hồng và chị em cùng ngồi quanh, hơ tay sưởi ấm, nướng khoai ăn. Dù ngoài trời gió rét nhưng trong lòng ai ai mùa xuân đều đã về rồi. Có hôm mấy bao gạo nếp bị mọt ăn, phải đem ra sàng sảy. Sư cô dạy gói bánh chưng đi. Thế là giữa mùa thu lá vàng rơi, trong chùa gói bánh chưng, bánh tét. Cũng người căng bạt, người rửa nồi, người vút nếp, người nhóm bếp, người nấu bánh, cũng thức khuya châm nồi nước đang sôi ùng ục và đón những cái bánh đầu tiên ra lò. Tết về giữa mùa thu! Các sư cô xa quê, mỗi người đến từ mỗi miền, cùng ngồi quanh bếp lửa kể chuyện tết quê mình. Trên gương mặt hây hây nở một nụ cười ấm áp.

 

 

Đêm giao thừa, đại chúng đắp y thong thả lên thiền đường, tiếng chuông trống Bát nhã trầm hùng vang vọng khắp cả núi đồi Dương Xuân. Từng tiếng chuông thúc giục, nhịp nhàng như gọi ai trở về. Về với chiếc bàn thờ tổ tiên cúng đêm giao thừa. Để con cháu được lạy tạ, được chúc tết, tưởng nhớ đến gốc rễ. Những lời tâm sự, phát nguyện sẽ được đốt lên theo hàng muôn ngọn lửa. Bay lên, bay lên mãi và ngọn lửa ấy sẽ đi suốt chặng đường của người con Bụt.

Ngày tết trong chùa, lúc nào trong bếp cũng có một nồi măng kho, một nồi cơm nóng. Ngày đầu năm không phải nấu ăn. Mọi người đi chúc tết quý sư cô, đi thăm tết từng phòng. Mặc dù cả năm ngày nào cũng gặp nhau nhưng ngày tết không khí lại khác hẳn. Có gì đó tươi vui, rạng rỡ nơi từng cái khăn, từng ly nước, từng góc nhỏ trong phòng.

Nhưng tết chùa thật sự vẫn là ngày lễ Tự tứ. Ngày tết này không rộn rã, không nô nức nhưng tươi vui và hoan hỷ – ngày quý thầy, quý sư cô được thêm một tuổi đạo sau chín mươi ngày công phu trong mùa an cư. Mọi người sẽ ngồi xuống, cùng uống chén trà, đốt nén trầm thơm và thưởng thức sự có mặt của nhau. Ngày ấy, dù có làm gì cũng thấy một niềm hân hoan mà thôi.

Bao nhiêu năm rồi, thời thế cũng đổi thay nhiều, nhưng nếp chùa vẫn vậy. Vẫn cái tết với lá chuối, dây lạt. Vẫn tết với lời chúc thân thương, thầy trò, huynh đệ chấp tác cùng nhau, và ngồi quanh bếp lửa hát cho nhau nghe, tiếng cười, tiếng nói, mang mùa xuân về một cõi. Tết mỗi ngày vẫn được nuôi trong tiếng chuông chùa sớm khuya. Áo chấp tác cũng như áo mặc đi chơi tết, cũng một màu nâu huyền dân dã. Cùng nhau về thưởng thức không khí tết chùa, ta sẽ cùng nghe những giản đơn thâm sâu trong lòng lên tiếng gọi.