Thiền làm việc

 

Lần đầu tiên tôi đặt chân tới một tu viện là vào mùa thu năm 2011. Đó là tu viện Lộc Uyển tại California. Tôi đến vào một buổi chiều tháng chín nắng đẹp. Vốn hoạt bát, tôi nhớ ngay là phải xem thời khoá của khoá tu được thông báo trên bảng thông tin và thấy rằng có nhiều thực tập mà tôi đã quen thuộc như: thiền toạ, thiền hành, thiền ăn. Nhưng khi nhìn thấy Thiền làm việc thì tôi dừng lại và tự hỏi: “Làm sao có thể thực tập thiền khi làm việc được?”

Khi ấy tôi đang đi nghỉ phép với tư cách một nhà tư vấn quản lý và cho đến thời điểm đó thì tôi luôn đặt công việc của mình lên trên hết thảy mọi thứ. Sự thực tập chánh niệm của tôi cũng chỉ như là một nơi ẩn trốn, một nơi nương tựa mà tôi hướng tới khi muốn tạm dừng làm việc. Lý do chính để tôi đến khoá tu là chạy trốn những công việc mà tôi đang làm, vậy mà giờ đây người ta lại muốn đem tôi trở lại với công việc sao? Tôi cố gắng giữ đầu óc cởi mở để không bị cuốn theo cái ý tưởng đó.

Tuy nhiên khi khoá tu diễn ra thì có gì đó bắt đầu thay đổi. Nhóm pháp đàm mà tôi tham dự là một nhóm của những doanh nhân. Khi chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình và nhìn sâu vào những lời dạy của Thầy thì tôi chợt thấy rõ ràng rằng công việc là một trong những mảnh đất phì nhiêu cho tôi khám phá sự thực tập chánh niệm. Phần lớn chúng ta đã dành không biết bao nhiêu thời gian trong suốt cuộc đời để làm việc trong hình thức này hay hình thức khác, nhiều hơn gấp bội thời gian dành cho ngồi thiền, đi dạo hay ăn uống. Và nếu đã dành mức thời gian tối đa mà cũng không đủ thì khái niệm công việc đối với phần lớn mọi người, trong đó có tôi, sẽ mang lại đủ loại liên tưởng, tri giác, những tầng lớp thói quen, những hy vọng và sợ hãi.

 

Trong tuần lễ đó, khi tôi quan sát quý thầy, quý sư cô ở xung quanh, tôi có thể tưởng tượng bao nhiêu công việc phải làm để có được một khoá tu như vậy. Thật dễ dàng cho tôi khi hát bài “Hạnh phúc là bây giờ và ở đây” trước mỗi buổi thiền hành đầy an lạc trong khung cảnh thiên nhiên, nhưng tôi rất tò mò muốn biết hạnh phúc ấy là như thế nào đối với quý thầy, quý sư cô khi phải chuẩn bị phòng ốc, nấu ăn, giảng dạy và chăm sóc cho cả hơn ngàn người như thế này. Cái logic ở đây là gì?

Đến cuối tuần, tôi hỏi vị hướng dẫn pháp đàm trong nhóm của tôi xem tôi có thể làm gì để giúp cho cộng đồng được không. Đề nghị của tôi được xem xét và tôi đã tới Làng Mai trong khoá tu mùa đông. Tôi bắt đầu tham gia sâu hơn vào những hoạt động Wake Up, giúp gây dựng những tăng thân người trẻ thực tập chánh niệm trên thế giới. Tôi làm việc cùng rất nhiều người khác mà tôi đều thấy thú vị và đầy thử thách,  cả các vị cư sĩ và xuất sĩ, tại địa phương cũng như từ các nước khác.

Tôi học được một trong những bài học quan trọng về làm việc chánh niệm từ thầy Pháp Dung vào mùa đông năm đó. Chúng tôi làm việc cùng nhau trong một vài dự án và một ngày nọ tôi chia sẻ với thầy về những trắc trở của tôi trong một dự án riêng không có trong kế hoạch. Tôi phàn nàn về chuyện những người khác làm việc không có hiệu quả, không hoàn thành đúng thời hạn. Thầy Pháp Dung gật đầu và lắng nghe rất kiên nhẫn. Sau đó thầy chia sẻ về những điều mà tôi đã bị tắc trong đó từ bao lâu nay: “Brandon, khi chúng ta làm việc trong một dự án, luôn luôn có hai mục đích. Thứ nhất là hoàn thành dự án. Thứ hai là ý thức về những gì xảy ra trong mối liên hệ với dự án đó, quan sát những năng lượng tập khí trong lúc chúng biểu hiện, và nuôi dưỡng lòng từ bi. Mục đích thứ hai luôn luôn là mục đích quan trọng hơn.”

Tôi sững sờ. Đó là một tiếng sấm của tuệ giác đạo Bụt, và tôi cảm nhận được những rung chấn của nó. Thầy Pháp Dung khuyến khích tôi nhìn sâu hơn để thấy được những năng lượng tập khí của tôi quanh cái mong muốn mọi sự đều được hoàn hảo, và thấy được khi nào và làm sao mà tôi không có lòng từ bi đối với người khác. Có lẽ người mà tôi làm việc cùng đã có một việc khẩn cấp nào đó, hoặc họ bị lúng túng trong cách điều phối, hoặc đơn giản là họ bị quá tải.

Tôi sớm nhận ra là khi mọi việc không theo đúng như dự kiến thì  khả năng mở lòng từ bi với người khác  có liên hệ trực tiếp tới khả năng mở lòng từ bi với chính bản thân của tôi. Tôi thấy được tông giọng mà tôi dùng cho chính mình khi không đạt được những tiêu chí mình đề ra. Đôi khi đó là cái tiếng nói chê trách bên trong: “Ngươi thật kém cỏi!” cùng cái cảm giác về sự trì trệ không thể vượt qua được.

Những lúc khác tâm trí tôi lại dự báo những viễn cảnh đen tối: “Ngươi sẽ làm họ thất vọng, rồi thì họ sẽ không muốn có ngươi nữa. Ngươi sẽ bị đuổi khỏi tu viện. Thử tưởng tượng xem ngươi sẽ giải thích với ba mẹ như thế nào khi ngươi đã từ bỏ vị trí tư vấn với đồng lương ưu đãi của ngươi.” Cùng với những tiếng nói bên trong này là sự lo ngại ập đến. Nếu là trước kia thì tôi đã dùng nỗi lo ngại này làm nhiên liệu thúc đẩy tôi làm việc nhiều hơn nữa, nhưng chẳng có lời dạy nào của Thầy cho phép hiểu rằng làm việc nhiều hơn là một phương cách hiệu quả.

Vậy thì tôi phải làm sao đây? Dừng lại nhiều hơn. Theo dõi hơi thở chuyên chú hơn. Kiên nhẫn quan sát những hoạt động của tâm ý. Nhiều lần phải đặt tay lên trái tim và tự hứa với mình rằng dầu cho chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn cam kết không từ bỏ tình thương.

Bởi vì tôi đã bắt đầu chăm sóc được mối liên hệ của bản thân với công việc nên tôi chia sẻ với người khác được nhiều hơn, cởi mở hơn, trở nên thành thực hơn về những hy vọng và sợ hãi của mình. Trước tiên tôi thực tập điều này với những người bạn đáng tin cậy, những người không bao giờ can thiệp vào công việc của tôi, và sau đó từ từ tôi chia sẻ cả với những người mà tôi đang cùng làm việc. Tôi thấy ra rằng tới mức độ truyền thông này, khi những thành viên trong nhóm có thể chia sẻ chân thành cả về khả năng cũng như những khó khăn của mình, thì chúng tôi có được thật nhiều sự tin cậy và đôi khi làm cho tiến trình công việc được nhanh hơn.

 

Sau mùa đông năm đó, tôi dành vài năm tiếp theo để sống, thực tập và làm việc trong tăng thân ở Làng Mai và tiếp tục khám phá ý nghĩa của việc áp dụng chánh niệm trong công việc. Một trong những khám phá chính từ giai đoạn này là: khi tôi chăm sóc được bản thân thì tôi có nhiều năng lượng và nhiệt tình hơn, có nhiều không gian cho người khác và trên hết là hiểu rõ hơn cái gì là thực sự quan trọng.

Có rất nhiều cách để thực tập chánh niệm trong công việc. Một người bạn thân của tôi thỉnh thoảng liên tưởng chánh niệm như là “chọn cuộc khám phá của riêng mình”. Theo kinh nghiệm của tôi, đặc biệt là trong công việc thì tôi thấy điều đó rất đúng.

 

Ba lời khuyên khi thực tập thiền làm việc

Tạm dừng máy tính trong chánh niệm: Tôi phải làm việc với máy tính liên tục và thấy rằng đây vẫn là một thử thách cho việc thực tập chánh niệm của tôi. Thực tập cơ bản đầu tiên là chánh niệm về thân thể, nhưng ý thức này rất dễ bị lãng quên khi tôi làm việc với máy tính. Vì vậy tôi thấy rằng điều cơ bản là có được những quãng tạm dừng nhất định, ít nhất là mỗi 60-90 phút, là thời gian nghỉ để tôi tỉnh táo trở lại, duỗi chân tay và nạp lại năng lượng.

Nhìn lại và sửa lỗi trong những tình huống của mình: Phần lớn công việc của tôi có can hệ đến việc truyền thông với người khác và thỉnh thoảng việc truyền thông không đi theo hướng mà tôi muốn; đó lại là một cơ hội khác để thực tập! Tôi thấy việc nhìn lại những gì tôi tự nói với mình về người khác là rất hữu ích. Thường thì nếu đó là một cuộc tranh cãi, tôi sẽ bị cuốn vào một câu chuyện trong đó “họ không quan tâm đến tôi” hoặc “họ cố tình làm vậy để chống lại tôi”. Nếu có ai đó không trả lời email của tôi thì sẽ là: họ không để ý gì đến những điều tôi nói, hoặc hòm thư của họ bị đầy phải không? Trong những khoảnh khắc như vậy thì tốt nhất là nghĩ về những lần chính tôi bị quá tải hoặc phải vật lộn với công việc, nhờ đó tôi có được tình thương và mong muốn được giúp đỡ người khác.

Làm lắng dịu tâm ý sắp đặt: Tôi dành thật nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một dự án, dù đó là một dự án, một khoá giảng dạy hay chỉ là tôi sẽ ăn gì trong bữa tối. Từ lâu tôi đã học được rằng cố gắng lưu giữ mọi thứ trong đầu không phải là một ý hay. Sau rất nhiều thử nghiệm, tôi dùng câu chỉ nam “Thấy mọi việc đã làm xong” của David Allen làm hình thức thực tập cho mình.

Nhưng dù đã có một câu chỉ nam kiên quyết, thỉnh thoảng việc lên kế hoạch vẫn đi kèm với cảm giác bất ổn, những lúc đó tôi thấy tốt nhất là theo dõi sự căng thẳng để thấy được điều gì xảy ra ở bên dưới. Tôi thường nhận ra sự căng thẳng bị hướng dẫn bởi lòng mong muốn kiểm soát được mọi thứ. Lại có những lần tôi bị căng thẳng bởi sợ hãi lỡ chuyện gì đó có thể xảy ra mà tôi không kiểm soát được, nỗi sợ hãi một tương lai không thể nào tránh thoát. Những khi thấy rõ được nỗi sợ hãi đó đi lên, tôi thấy cách hay nhất là đón nhận nó với lòng từ bi; ghi nhận nỗi sợ hãi đó biểu hiện ở nơi nào trong cơ thể, quan sát xem có những ý nghĩ đặc biệt nào đi lên không, cho phép những cảm xúc và suy nghĩ có đó mà không xua đuổi chúng, và sau nữa là hiến tặng tình thương cho chính mình.

 

Brandon Rennels

(BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh “Working Meditation” –  https://wkup.org/working-meditation/)