Lá rụng về cội

 

 

“Lá rụng về cội” có lẽ là cách diễn đạt phù hợp nhất khi nhắc tới sự trở về của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Về Nhà – tổ đình Từ Hiếu  – ngôi nhà tâm linh nơi Thiền sư đã xuất gia khi 16 tuổi.

Ngồi trên xe lăn sau di chứng xuất huyết não, ánh mắt Sư Ông vẫn tinh anh và đầy nội lực. Từng cử chỉ giao tiếp bằng cách ra dấu vẫn gãy gọn, rồi Sư Ông quan sát chung quanh, như Người từng viết: Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ.

Sự Yên ấy, tôi đã từng được trải nghiệm với Thiền sư, trong những lần hạnh ngộ từ năm 2005 đến 2008. Tôi được tham dự trực tiếp các cuộc hội kiến giữa Thiền sư với chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như những buổi pháp thoại và thiền hành do Thiền sư trực tiếp hướng dẫn giới trí thức, doanh nhân trong nước.

Trong hai chương trình “Thở và cười” tại TP HCM và Hội An, Sư Ông đều truyền năng lượng bình an và tỉnh giác cho mọi người bằng động tác đặt bàn tay phải lên tim mình rồi hướng xuống thính chúng trong hội trường. Khi Sư Ông ngồi trong tư thế tọa thiền kiết già và pháp thoại, một sự an yên bao trùm khán phòng rộng lớn. Tôi cảm thấy dòng suối an lành chảy tràn trong mình và không muốn phá vỡ trạng thái ấy. Tôi nhìn quanh, hàng trăm người đều lắng yên, chăm chú.

“Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ” hay nói cách khác là nghệ thuật ngồi yên là một trong những đề tài cốt lõi được Sư Ông thuyết giảng nhiều nhất trong những lần tôi diện kiến.

Thầy diễn giảng: “Khi ta rót nước táo vào ly và nước táo đang bị vẩn đục, muốn có được ly nước táo thơm, trong để uống thì ta phải đặt nó xuống mặt bàn khoảng từ năm đến mười phút, để những cặn bã li ti trong ly nước táo chìm lắng xuống. Cũng vậy, nếu mình cho phép cơ thể mình ngồi thật yên giữ thân ngay thẳng, buông thư, theo dõi hơi thở chánh niệm thì thân và tâm mình sẽ được lắng dịu trở lại”.

Ngồi yên và tận hưởng hơi thở, ý thức rằng mình đang còn sống là một hạnh phúc lớn. Ngồi yên và không cố gắng để trở thành một người nào khác. Khi những tâm tư của mình lắng đọng, mình sẽ tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt.

Trò chuyện với Sư Ông, giới doanh nhân Việt Nam chia sẻ rằng họ quá bận rộn, luôn chạy đua với thời gian, với núi công việc không biết bao giờ vơi. Có người tâm sự, không một ai có thể thay thế công việc của họ, họ không có thời gian để dùng bữa điểm tâm sáng cùng với vợ, chồng, con; hoặc ăn chung bữa cơm gia đình. Thầy nói, chính vì có những người như bị ma đuổi, không ý thức được mỗi bước chân, bữa ăn của mình, nên “ta phải nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại”. Nếu lỡ hẹn với giây phút hiện tại, tức là ta đánh mất sự sống.

Chúng ta ai cũng hiểu được điều ấy. Nhưng vấn đề là trong đời sống hàng ngày ta vẫn hành xử như chưa từng tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm này. Đó là vì tập khí lo lắng, rong ruổi và sợ hãi trong ta quá sâu dày. Thiền sư đã bày cho chúng tôi phương pháp đối trị với phiền não và sự mất chánh niệm qua từng hành vi, cử chỉ. Rằng quê hương đích thực của ta là bây giờ và ở đây, là nơi hải đảo của tự thân. “Mỗi ngày, mỗi người nên dành cho mình từ năm mười phút cho tới hai ba mươi phút để nhận diện lại chính mình. Ngồi cho yên để ăn mừng sự sống”, Thiền sư nói.

Sư Ông hướng dẫn chúng tôi ăn cơm trong chánh niệm – tức sự im lặng tuyệt đối; nhai thật kỹ món ăn, nuốt chậm rãi từng miếng, ý thức được mình đang ăn cơm. Sư Ông hướng dẫn mọi người đi thiền hành trên bãi cỏ tại Văn Thánh và trên bờ biển Hội An.

Giới trí thức, doanh nhân từ mấy chục năm nay, vốn chỉ có cơ hội biết Thiền sư qua sách, băng đĩa nên khi có cơ hội nghe pháp thoại trực tiếp thì ai nấy rạng ngời, vui sướng. Các vị giáo thọ Làng Mai cũng tham vấn tâm lý cho từng người, hướng dẫn thiền buông thư cho hơn 500 vị, dạy họ cách nằm trên bãi cỏ và quán niệm hơi thở. Có người “không chịu nổi” nổi cảm giác êm ái, đã ngủ ngon lành.

Chúng tôi ra về, biết ơn và hoan hỉ, hấp thụ được nhiều năng lượng của sự tỉnh thức, biết thở và biết cười hơn. Giờ đây, mỗi khi nhìn hình ảnh những hạt thóc đang nẩy mầm trong lòng cái bát, hình ảnh biểu trưng “Thở và cười”, tôi lại mỉm cười với chính mình.

Nhiều người Việt Nam sau đó bày tỏ sự mong muốn có thêm các chương trình với Thầy hơn nữa, nhưng rất đáng tiếc, do một số lý do, từ năm 2009, chương trình bị dừng lại.

Nhưng bây giờ, quê hương lại đón Sư Ông về hẳn, như câu kệ rất nổi tiếng của Người:

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về nương tựa.

Kể từ năm 2014, sức khỏe Sư Ông Làng Mai đã khác đi sau cơn xuất huyết não, dù đã “hồi phục một cách kỳ diệu” theo lời các bác sĩ Mỹ. Đối với một người tu thiền, ngộ thiền, sống thiền an nhiên như Sư Ông thì việc bức bách về thân bệnh chỉ là một trong những biểu hiện cần và có trong bốn quá trình “sanh, trụ, dị, diệt” hoặc “thành, trụ, hoại, không” mà Đức Phật chỉ rõ, thế gian đều tuần tự trải qua.

Hành trình ở tuổi 93 như Sư Ông Làng Mai là sự trở về cội nguồn tâm linh “không sanh, không diệt, không sợ hãi”, là hiện thực hóa niềm ao ước thâm sâu mấy mươi năm của một Người vô sự.

Tôi hẹn lòng sẽ sớm đi thăm Chùa Từ Hiếu, để được hấp thụ sự an yên vô giá ngày nào Sư Ông Làng Mai đã trao tặng cho tôi, cũng như đã phụng hiến cho nhân loại trong suốt hơn 40 năm gieo trồng hạt giống trí tuệ và chánh niệm.

 

Cư sĩ Phổ Tâm

Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/su-ong-lang-mai-3832455.html