Xứ sở của giây phút hiện tại
Shambhala Sun | January 2013
In the Country of the Present Moment
Trích từ tạp chí Shambhala Sun số ra Tháng Giêng 2013.
Ký giả Andrea Miller viết sau một chuyến thăm Làng Mai.
Sư cô Chân Tại Nghiêm dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Andrea Miller đến thăm Làng Mai tại Pháp với mong muốn tìm hiểu xem tăng thân của Thầy Thích Nhất Hạnh đang thực tập Năm giới như thế nào. Liệu Năm giới có đích thực là nền tảng để giúp thế giới này trở nên tốt đẹp và lành mạnh hơn không?
Tôi nghĩ khi đến ga xe lửa, tôi sẽ được một thầy hay một sư cô Làng Mai với màu áo nâu quen thuộc ra đón. Nhưng rốt cuộc thì người đón tôi lại là một phụ nữ Paris với đầu húi cua, mái trước thì để theo kiểu bờm ngựa, nhuộm đỏ hoe, lại còn xỏ khuyên tai ở mũi. Chúng tôi cùng khiêng vali bỏ vào xe và trò chuyện với nhau lỏm bỏm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong khi cô lái xe chạy vùn vụt qua những con đường miền quê đang tắm mình trong ánh nắng dịu nhẹ của buổi chiều tà. Chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng mận, những ngôi nhà bằng đá với những ô cửa sổ được làm theo kiến trúc cổ của Pháp và những hàng nho trồng thẳng tắp. Nhưng điều làm cho tôi thoát khỏi cơn mệt mỏi sau một một chặng đường dài với hai chuyến bay và ba chuyến xe lửa chính là những cánh đồng hoa hướng dương. Những cánh hoa vàng tươi với nhụy màu nâu thẫm nổi bật giữa một màu xanh ngát của cành lá là hình ảnh mà tôi thường thấy trong những sách báo nói về Làng Mai. Tôi biết là tôi đã tới, cuối cùng thì tôi cũng đã đến được Làng Mai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi Làng Mai là “xứ sở của giây phút hiện tại”. Nằm ở miền Nam nước Pháp, đây là nơi cư trú của trên dưới hai trăm vị xuất sĩ, ngoài ra hàng năm nơi đây còn đón tiếp vài ngàn thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới đến tu học. Trong ba mươi năm qua, các thầy, các sư cô Làng Mai cùng các bạn thiền sinh luôn thực tập những lời dạy của Thầy Nhất Hạnh về xây dựng tăng thân – những cộng đồng tu học và xây dựng một xã hội tỉnh thức. Nhưng làm thế nào mà các thầy, các sư cô Làng Mai có thể sống đúng với những lời dạy đó trong đời sống hàng ngày, trong từng hơi thở? Và, quan trọng hơn hết, các thầy, các sư cô ở đây đã tìm ra được những công cụ, những phương pháp gì mà tất cả chúng ta có thể sử dụng được để chuyển hóa tự thân, cho dù chúng ta đang ở bất cứ nơi đâu? Trong chuyến hành hương về Làng Mai lần này, đây là những câu hỏi mà tôi muốn tìm ra lời giải đáp.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi là Thầy – cách gọi thương kính mà các đệ tử dành cho Ngài, cốt lõi của những gì Thầy dạy nằm trong hai điều: thứ nhất, làm thế nào để có thể đối diện và ôm ấp – mà không phải là khỏa lấp hay che giấu – những cảm xúc mạnh và khổ đau của chính mình, và thứ hai, làm thế nào để có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. “Bạn có thể có hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi nào khác”, Thầy dạy tôi.
“Chánh niệm là một loại năng lượng mà ta có thể chế tác ra được”, Thầy nói tiếp. “Đó là năng lượng giúp đem tâm trở về với thân, để cho ta có thể sống đời sống của mình một cách sâu sắc hơn. Năng lượng chánh niệm cho phép ta ý thức được những gì đang xảy ra đối với cơ thể, cảm thọ, tri giác của mình – tức là biết được những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh ta. Khi ta uống trà trong chánh niệm thì ta phải thật sự có mặt. Ta tiếp xúc với ly trà và thực sự có mặt bây giờ và ở đây. Nhưng nếu ta đang bị chiếm ngự bởi lo lắng, hay suy nghĩ miên man về quá khứ hoặc tương lai thì ly trà sẽ không thật sự có mặt. Khi đó sẽ không có sự sống đích thực, mọi thứ xảy ra chỉ như một giấc mơ.”
Khi có chánh niệm, Thầy nói, “ta có thể tiếp xúc được với tự tính tương tức của vạn vật. Và một khi ta có được tuệ giác đó rồi thì mọi sự phân biệt, kỳ thị và sợ hãi sẽ tan biến. Ta sẽ ý thức rằng hạnh phúc của ta cũng là hạnh phúc của mọi người và khổ đau của mọi người cũng chính là khổ đau của chính ta. Vạn vật đều tương tức trong nhau.”
Buổi sáng đầu tiên ở Làng, tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng chuông báo hiệu đã đến giờ thức dậy chuẩn bị cho buổi ngồi thiền. Ngoài trời lúc đó vẫn còn tối. Căn phòng tập thể của tôi ở nhà Đầu Thôn thuộc xóm Mới vốn là một nông trại cũ. Nơi đây dành cho thiền sinh nữ và các gia đình đến thực tập. Tất cả thiền sinh đến Làng tu tập trong khóa tu đều được chia vào các gia đình pháp đàm. Chúng tôi ăn cơm chung, làm việc chung, và hầu như mỗi ngày đều thực tập chia sẻ pháp đàm với nhau. Gia đình pháp đàm của tôi bao gồm tất cả các thiền sinh ở nhà Đầu Thôn. Công việc của chúng tôi trong khóa tu là rửa dọn sau mỗi bữa ăn, vì vậy mà chúng tôi được biết đến với cái tên gia đình Joyful Scrubbers (Những người chà nồi vui vẻ).
Gia đình “những người chà nồi vui vẻ”
Phụ trách gia đình pháp đàm của chúng tôi là Sư cô Từ Nghiêm. Sư cô đã từng làm y tá 20 năm trước khi sư cô xuất gia năm 1991. “Thầy đã tạo dựng nên Làng Mai với ước mong là chúng tôi sẽ cùng chung sống và liên hệ với nhau như một gia đình”, sư cô Từ Nghiêm chia sẻ với tôi. “Ở đây chúng tôi cũng có sư anh, sư chị, sư em. Tăng thân là nơi nương tựa, là ngôi nhà thân thương và là nguồn sức mạnh nuôi lớn chúng tôi trong suốt đời tu của mình. Ngay cả khi có xung khắc hay mâu thuẫn nhỏ giữa hai người trong tăng thân thì bao giờ cũng có những người khác trong Tăng thân ôm ấp và giúp hai người đó hòa giải với nhau. Đó là lợi lạc của việc tu tập chung trong tăng thân.”
Trong một tuần ở Làng, ngay bài pháp thoại đầu tiên tôi được nghe, Thầy đã dạy rất sâu sắc về tầm quan trọng của tăng thân. “Thực tập một mình, như một cá nhân cũng có thể được,” Thầy nói. “Nhưng mình có thể đánh mất sự thực tập trong vòng vài tháng vì mình không có tăng thân để hướng dẫn, bảo hộ và nâng đỡ cho mình. Đó là lý do vì sao một hành giả giỏi là người luôn tìm cách xây dựng tăng thân ở địa phương nơi mình cư trú. Ngay cả Bụt cũng vẫn cần đến tăng thân.”
Nếu chúng ta chỉ là những giọt nước riêng lẻ thì chúng ta sẽ bị bốc hơi trên đường ra đại dương. Để đến được đại dương, ta cần đi như một dòng sông, như một tăng thân. “Hãy đi như một dòng sông,” Thầy nói. “và để cho dòng sông ôm ấp mình. Nếu mình để cho năng lượng tập thể của tăng thân đi vào trái tim mình và giúp ôm lấy nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình thì chỉ trong vài phút là mình bớt khổ liền.”
Cuộc phỏng vấn của tôi với Thầy diễn ra vào Ngày Không Sử Dụng Xe Hơi – mỗi tuần ở Làng Mai đều có một ngày mà tất cả mọi người đều không sử dụng xe hơi nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Trong một căn phòng nhỏ, đơn sơ, Thầy nằm buông thư trên một cái võng màu xanh lá cây, trên tay là một ly trà ô long. Thầy vừa thưởng thức trà vừa nhấm nháp một chút mứt gừng. Ngồi quanh Thầy còn có nhiều sư cô, trong đó có một sư cô trẻ người In-đô-nê-xi-a mà Thầy giới thiệu là thị giả của Thầy. Rồi Thầy bảo sư cô hát một bài hát thiếu nhi tiếng Indo, mà nếu tôi hiểu đúng, thì đó là câu chuyện cổ tích về một con vẹt.
Tôi vặn máy thu âm. “Chúng ta có thể bắt đầu được không thưa Thầy?” Tôi hỏi.
“Bắt đầu cái gì?” Thầy đùa. “Ngồi chơi trên võng hả?” Đó là một lời nhắc nhở thật nhẹ nhàng, bởi vì tôi hơi căng thẳng khi được gặp một nhân vật quan trọng và đặc biệt như Thầy, trong khi đó thì Thầy lại không hề làm ra vẻ quan trọng về mình tí nào. Dù đã từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi Mục sư Martin Luther King và là tác giả của hơn 100 đầu sách, cũng như đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Thầy vẫn mặc bộ đồ màu nâu bình dị như tất cả các vị xuất gia trong truyền thống của Thầy, bởi vì đó là màu áo mà người nông dân Việt Nam – quê hương Thầy – vẫn thường mặc. Thầy là người của muôn người.
Thầy là người của muôn người
Bất chợt có tiếng chuông từ đâu đó vang lên. Thầy nói: “Tôi đang có chánh niệm về tiếng chuông. Trong khi nghe chuông, tôi không suy nghĩ. Tôi tập trung tâm ý vào hơi thở và vào tiếng chuông. Khi có chánh niệm về một cái gì, ta tập trung tâm ý vào nó, và sức mạnh của sự định tâm sẽ giúp ta nhìn rõ bản chất thật sự của mọi việc, mọi vật và ta sẽ khám phá ra được tính tương tức của vạn pháp.”
Thầy được nhiều người biết đến với việc sáng tạo ra từ “Inter-being” trong tiếng Anh, dùng để chỉ tính chất tương tức của vạn vật. Trong nhiều năm qua, Thầy đã thường xuyên sử dụng hình ảnh của một bông hoa để giảng về giáo lý tương tức. Nếu có chánh niệm và có định lực thì khi nhìn vào một bông hoa như hoa hướng dương, phong lan hay một bông sen, ta sẽ thấy hoa được làm bởi vô vàn những yếu tố không phải là hoa. Bông hoa không chỉ được làm nên từ mưa, mà còn từ những đám mây tạo nên cơn mưa đó. Hoa không chỉ được làm nên từ đất mà còn từ những cây cỏ, cầm thú đã bị phân hủy và làm giàu cho đất. Nếu ta lấy đi hết tất cả những yếu tố không phải là hoa ra khỏi bông hoa, thì bông hoa sẽ không còn tồn tại được nữa. “Do vậy bông hoa không thể nào tồn tại biệt lập,” Thầy nói. “Nó phải tương tức với tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ.” Điều này cũng đúng với con người. “Một con người được làm bằng những yếu tố không phải con người, và nếu ta lấy đi hết những yếu tố không phải con người thì con người đó không thể nào tồn tại được nữa. Vì vậy con người không thể tồn tại một mình mà phải tương tức với vạn vật trong vũ trụ.”
Theo Thầy thì tuệ giác tương tức chính là chìa khóa của hạnh phúc. “Khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau.“ Thầy nói. “Nếu ta hiểu một cách sâu sắc về khổ đau thì ta sẽ biết cách sử dụng nó để tạo nên hạnh phúc. Ta đã biết là hạnh phúc được làm bằng những yếu tố không phải là hạnh phúc, và một trong những yếu tố đó chính là khổ đau. Vì vậy khổ đau đóng một vai trò quan trọng để làm nên hạnh phúc.
“Cũng giống như hoa sen và bùn vậy. Không có bùn thì ta không thể nào trồng được sen. Nếu không có bùn của khổ đau, ta không thể nào chế tác được hạnh phúc. Đó là lý do tại sao nếu ta tiếp xúc được với tự tính tương tức, ta sẽ không cần tìm cách chạy trốn khổ đau nữa. Thay vào đó, ta sẽ ôm ấp khổ đau của mình. Ta sẽ nhìn sâu vào khổ đau để hiểu được bản chất của nó và học cách sử dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc.”
“Những ai đã đi qua chiến tranh,” Thầy nói tiếp, “sẽ biết trân quý không khí hòa bình mà họ đang được hưởng bây giờ và ở đây. Nhiều người trong chúng ta phải đợi cho đến khi có chiến tranh xảy ra mới biết hòa bình quý như thế nào. Tuy nhiên, đối với những người này, sau khi đi qua những khổ đau do chiến tranh gây ra thì họ sẽ rất trân quý sự yên bình mà họ có được. ” Tương tự như vậy, khi một người đang khỏe mạnh, anh ta có thể không trân quý sức khỏe của mình. Đến khi bị bệnh, anh ta mới ân hận là mình đã không biết quý và sống cho hạnh phúc khi còn khỏe mạnh, rồi đến khi lành bệnh, anh ta mới thật sự trân quý sức khỏe của mình. “Ta có thể thấy đau khổ và hạnh phúc tương tức với nhau. Cũng giống như bên trái và bên phải, phía trên và phía dưới, như bùn và sen. Cái thấy về tương tức sẽ lấy đi tất cả những kỳ thị – những tư duy lưỡng nguyên, phân biệt – và mang lại sự hòa ái, hiểu biết và bình an. Thực tập chánh niệm có khả năng mang lại cho ta tuệ giác tương tức.”
Nhằm đưa ra những phương pháp thực tập chánh niệm cụ thể trong đời sống hằng ngày, Thầy Thích Nhất Hạnh đã làm mới lại Năm giới truyền thống và làm biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo trong Năm giới, còn được gọi là Năm phép thực tập chánh niệm. Năm giới gồm có: 1. Bảo vệ sự sống; 2. Hạnh phúc chân thật; 3. Tình thương đích thực; 4. Ái ngữ và lắng nghe; 5. Nuôi dưỡng và trị liệu. “Năm giới dựa trên tuệ giác tương tức,” Thầy chia sẻ. “Tuệ giác tương tức là nền tảng để chúng ta xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp hơn. Vì vậy năm giới – biểu hiện cụ thể của tuệ giác tương tức – chính là đạo đức ứng dụng, có thể giúp giảm thiểu khổ đau và đem lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc hơn.”
Trong cuốn sách Good Citizens (tạm dịch là “Người công dân tốt”), Thầy viết “Năm phép thực tập chánh niệm không dựa trên một tôn giáo hoặc một chủ thuyết nào. Ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng năm phép thực tập này để làm nền tảng đạo đức cho cuộc đời mình mà không cần phải là Phật tử hoặc theo một đức tin hoặc một truyền thống tâm linh nào hết. Bạn vẫn là chính bạn thôi, chỉ khác là bạn đang cố gắng để sống đẹp hơn bằng cách thực hành theo những điều chỉ dẫn đó. Thực tập theo năm giới sẽ mang lại sự trị liệu, chuyển hóa, và hạnh phúc cho chính bản thân và cho cả thế giới.”
1. Bảo vệ sự sống
Trong thời gian tham dự khóa tu ở Làng Mai, tôi thường ăn cơm chung với gia đình pháp đàm dưới một gốc cây, cạnh đó có treo một chiếc xích đu nhỏ. Gia đình chúng tôi có khoảng hơn 20 người. Bữa ăn chỉ bắt đầu khi tất cả mọi người đều đã ngồi vào bàn, và chúng tôi dành vài phút quán chiếu về thức ăn – tặng phẩm của đất trời, của những người nông dân, những người đóng gói thực phẩm, những nhà phân phối, và những người đã nấu bữa ăn này cho chúng tôi. Sau một tiếng chuông, chúng tôi bắt đầu ăn muỗng đầu tiên trong yên lặng. Để có thể hoàn toàn có mặt và nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với thức ăn mà mình thọ nhận, trong khi ăn chúng tôi không nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng muỗng nĩa va vào nhau mà thôi.
Nhiều thiền sinh chia sẻ là ban đầu, họ cảm thấy không thoải mái khi ăn trong im lặng. Nhưng với tôi thì lại khác, tôi thấy khỏe liền lập tức. Thường thì tôi vừa ăn vừa xem TV hoặc vừa ăn vừa đọc sách hay nói chuyện. Tôi thường nghĩ rằng vừa ăn vừa làm một cái gì đó sẽ giúp tôi thư giãn hơn. Có thể là cũng có một chút thư giãn, nhưng không thể nào so sánh được với một bữa ăn trong im lặng cùng với gia đình pháp đàm được. Trong không khí yên lặng, tôi có thể hoàn toàn để tâm thưởng thức từng hương vị cũng như thành phần làm nên món ăn.
Tặng phẩm của đất trời
Những bát súp bốc khói với nước súp trong, những sợi bún thơm ngon tinh khiết hòa với vị ngọt của nấm dai; bánh ngọt được làm từ vụn bánh mì baguette, trộn với chuối và sô cô la đen; xà lách trộn với mì ống cùng với những trái ô liu đen mặn mà. Tất cả thức ăn ở Làng Mai đều là thức ăn chay, theo đúng tinh thần của giới thứ nhất là bảo vệ sự sống. Cũng giống như nhiều thiền sinh đến Làng, khi để tâm vào những thức mà mình ăn, tôi không còn muốn ăn thịt nữa – bởi vì tôi ý thức rằng khi ăn thịt động vật thì tôi cũng đang ăn cả những khổ đau của chúng khi bị giết để lấy thịt.
Sư cô Châu Nghiêm, người lớn lên ở Chicago (Mỹ) và Narobi (Châu Phi) chia sẻ với tôi về những vi tế trong sự thực tập tôn trọng sự sống. “Chúng ta tương tức với tất cả mọi người và mọi loài, do vậy nếu ta làm hại đến bất cứ ai, bất cứ loài nào thì cũng có nghĩa là ta đang làm hại chính ta,” sư cô nói. “Nếu mình có một cái thấy sâu sắc như vậy thì mình không thể không thực tập tôn trọng sự sống dưới bất kỳ hình thức nào.”
Tăng thân Làng Mai luôn tận dụng mọi cơ hội hướng dẫn mọi người thực tập để mang lại sự hòa giải, bình an, và bất bạo động, trong đó phải kể đến việc tổ chức khóa tu cho người Palestine và người Israel. Ban đầu, người Palestine và người Israel thực tập theo hai nhóm riêng, họ được học cách buông thư và tiếp xúc với các cảm thọ, với nỗi khổ niềm đau trong mình. Và rồi sau một tuần lễ được sống trong môi trường an ninh, bình an và đầy tình thương ở Làng Mai, những người Palestine và Israel đã đến với nhau để cùng chia sẻ. Và qua những buổi chia sẻ này, họ nhận ra rằng những người trong nhóm kia cũng có nhiều đau khổ không kém gì họ. Trước đó, theo sư cô Châu Nghiêm, “họ nhìn nhau như kẻ thù, nhưng sau khi nói chuyện và lắng nghe nhau, họ thấy là họ có rất nhiều điểm tương đồng.” Sau khi tham dự khóa tu ở Làng Mai, rất nhiều người Israel và Palestine đã phát nguyện phụng sự cho sự nghiệp hòa bình và hòa giải giữa hai dân tộc.
“Chúng tôi chú trọng đến việc sống chung trong một tăng thân bởi vì nếu bạn có một nền tảng vững chắc như vậy trong cuộc sống thì bạn sẽ là người giúp mang lại hòa bình cho thế giới,” Sư cô Châu Nghiêm nói. “Bạn sẽ là người không hề đóng góp chút bạo động nào vào cuộc sống mà là một người bảo vệ sự sống. Bảo vệ sự sống, thương yêu sự sống phải bắt đầu bằng việc thương yêu sự sống của chính bạn và không kỳ thị những niềm đau, nỗi khổ của chính mình. Khi bạn không kỳ thị những cái chưa đẹp hoặc những nỗi đau của chính mình thì bạn cũng đồng thời học cách không kỳ thị những người mà bạn nghĩ là họ không tốt, không tử tế. Sự phân biệt, kỳ thị chính là nguyên nhân gốc rễ đưa đến hành động tàn phá, hủy diệt sự sống. Khi bạn nghĩ là có một cái gì đó không ổn đang xảy ra và bạn tin là “Đây là mình và đó không phải là mình”, thì chính cái nhìn kỳ thị đó là gốc rễ dẫn đến sự giết chóc và tàn phá.” Sư cô Châu Nghiêm chia sẻ rằng ở Làng Mai, “chúng tôi tiếp xúc được với gốc rễ của tâm phân biệt và kỳ thị nhờ vào tuệ giác tương tức.”
2. Hạnh phúc chân thật
“Hạnh phúc chân thật không phải làm bằng danh vọng, quyền hành, của cải hoặc sắc dục mà được làm bằng hiểu và thương,” Thầy Nhất Hạnh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Khả năng sống trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, cho phép chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã có tất cả những điều kiện cần thiết để có hạnh phúc. Ta không cần phải đi tìm kiếm hạnh phúc trong tương lai.”
Ở Làng Mai không có một thầy hay sư cô nào có tài khoản riêng trong ngân hàng, cũng không có xe hơi hoặc máy tính riêng. Thậm chí không ai có địa chỉ email riêng. Sư cô Bạch chia sẻ, “đối với một người tu thì không có gì là riêng tư cả – chúng tôi cùng chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, từ chỗ ở cho đến ý kiến của mình. Chúng tôi sống trong những căn phòng tập thể gồm có ba, bốn hoặc năm người. Mùa đông năm ngoái tôi ở trong một phòng đông nhất, có đến 7 sư cô.”
Mặc dù cuộc sống không đầy đủ tiện nghi như ở ngoài đời nhưng không phải vì vậy mà mọi người ở đây cảm thấy khổ đau. Phỏng vấn sư cô Bạch Nghiêm ở quán sách của Xóm Mới, chưa cần đặt câu hỏi thì tôi cũng biết là sư cô đang có nhiều hạnh phúc, điều này hiện rõ qua nụ cười tươi luôn nở trên khuôn mặt của sư cô. Là con út lớn lên trong một gia đình có bảy người con, dường như sư cô đã quen với cuộc sống tập thể và đó là điều mà sư cô rất trân quý.
“Hiện giờ tôi đang ở chung phòng với hai sư cô nữa,” sư cô Bạch Nghiêm nói. “Tôi chăm sóc cho một sư cô thứ hai trong phòng, và sư cô này chăm sóc cho sư cô thứ ba còn lại, rồi sư cô thứ ba này chăm sóc cho tôi. Đó gọi là vòng đệ nhị thân. Chúng tôi chăm sóc lẫn nhau không chỉ về sức khỏe vật chất mà còn về tinh thần và sự thực tập nữa. Đó là cái hay của việc sống chung trong tăng thân. Chúng tôi có cơ hội để xây dựng tình huynh đệ.”
Tôi cứ ngẫm nghĩ hoài về những lời chia sẻ này. Có vẻ đây là một sự thực tập rất hay, nhưng sao tôi vẫn bị kẹt một chuyện, đó là mọi thứ có thể chung, nhưng ít nhất thì cũng có thể có email riêng chứ.
Sư cô Bạch Nghiêm cười. “Không có email riêng hoặc không có tài khoản riêng cũng hay lắm,“ sư cô nói. “Hay là vì mình bớt được một mối lo.”
3. Tình thương đích thực
Vào ngày làm biếng – ngày không có bất kỳ thời khóa chính thức nào, tôi được tham dự một lễ cưới tại Làng Mai. Lễ cưới bắt đầu bằng thiền hành. Quý sư cô đi trước, mặc áo tràng nâu và đội nón lá, theo sau là cô dâu chú rể, và cuối cùng là các khách mời. Một cách chậm rãi và tĩnh lặng, chúng tôi đi theo con đường dẫn ra tháp chuông của xóm Mới với chiếc mái cong cong, một bên là khóm tre xanh ngát, rồi vòng qua hồ sen trước khi vào thiền đường Trăng Rằm. Khi vào thiền đường, cô dâu chú rể ngồi trên bồ đoàn và tọa cụ màu tím trước bàn thờ Bụt – cô dâu trong chiếc váy cưới trắng tinh, còn chú rể thì mặc đồ vest.
Cô dâu Raphaelle và chú rể Ian
Hai người đã chung sống với nhau bảy năm trước khi cưới, những lời nguyện ước mà họ trao cho nhau trong lễ cưới đã thể hiện sự gần gũi và gắn bó giữa hai người. Chú rể Ian cám ơn cô dâu Raphaelle đã giới thiệu cho anh đến với Làng Mai và mang lại cho cuộc đời anh rất nhiều điều tốt đẹp. Anh nói rằng nếu không có sự yểm trợ của cô thì không thể nào anh có thể làm được album nhạc đầu tiên của mình. Anh hứa là sẽ tưới tẩm những hạt giống tốt của cô bằng cách khen ngợi cô với những lời mà cô xứng đáng được nhận, và anh sẽ chia sẻ những công việc trong nhà. Đến lượt Raphaelle, cô bày tỏ lòng tri ân đối với những gì Ian đã làm cho cô, nhất là khi cô cảm thấy không tự tin hoặc bất an. “Anh thực tập rất giỏi,” cô nói. “Em biết là anh sẽ nhắc em trở về với hơi thở khi em cần lắng dịu lại, và em sẽ yểm trợ anh khi anh bị căng thẳng bằng cách cho anh không gian để trở về với giây phút hiện tại.”
Tình thương đích thực – giới thứ ba trong năm giới là về sự cam kết sâu sắc và lâu dài với người bạn đời của mình, đó là điều mà Ian và Raphaelle đã phát nguyện. Đây không phải là những luật lệ cấm đoán về chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, cũng không phải sự liệt kê những hành động tình dục được coi là đúng đắn, mà cũng không phải là một sự phán xét về việc quan hệ với người khác phái hay quan hệ đồng tính. Thay vào đó, phép thực tập chánh niệm này nhấn mạnh đến yếu tố cần thiết để có thể đi đến quan hệ tình dục, đó là sự cam kết lâu dài và nghiêm túc của cả hai phía và sự cam kết này phải được cả gia đình và bạn bè biết đến.
Trong thời gian ở Làng Mai tôi có nói chuyện với anh Will Stephens – anh đã cùng với gia đình đến Làng tham dự khóa tu mùa hè trong nhiều năm qua. Stephen nói: “Qua sự thực tập này, tôi bắt đầu biết được như thế nào là tình thương đích thực.” Anh giải thích: “ Nó không phải là chuyện Tôi thương em vì em đáp ứng được nhu cầu của tôi. Mà nó là việc làm cho người mình thương được tự do và hạnh phúc. Tôi nghĩ là tôi sẽ không thể chung sống với vợ tôi cho đến ngày hôm nay nếu không có sự thực tập này. Tôi sẽ không có được sự sáng suốt để thấy rằng vấn đề không phải từ vợ tôi, mà chính tôi mới là người có vấn đề.”
Stephen nói rằng từ những năm 1960 đến nay, chúng ta sống trong một thế giới mà người ta khó có thể chấp nhận sự thực tập về tình thương đích thực bởi vì ai cũng muốn có quan hệ tình dục mà không bị ràng buộc bởi một cam kết lâu dài. “Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chính tôi và người kia sẽ bị tổn thương nếu như quan hệ giữa hai người quá thân mật mà lại không có sự cam kết lâu dài. Đó là một sự xâm phạm gây tổn hại tâm lý cho chính mình và cho người kia.”
“Tôi cũng đã từng trải qua chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân,” Stephens thú nhận, “và nó đã gây ra bao khổ đau cho tôi, cho vợ tôi và cả cho người kia nữa.” Một điều rất quan trọng mà ta cần ghi nhớ đó là: tình dục không phải là tình yêu, và đôi khi ham muốn tình dục thực sự có gốc rễ từ một nhu yếu sâu sắc là được kết nối, được gắn kết với một ai đó hoặc muốn khẳng định sự tồn tại của một cái ngã. “Đối với tôi,” Stephens nói, “ham muốn tình dục thường có nguyên nhân là sự cô đơn, cho nên khi quan hệ vợ chồng của chúng tôi không vững chắc thì nỗi cô đơn trong tôi thường trở nên mạnh hơn.” Nhưng, theo giới thứ ba thì, “Những hoạt động tình dục phát xuất từ sự ham muốn luôn luôn làm hại bản thân và người khác.” Nó chỉ có thể là một tấm băng dán tạm thời để băng bó vết thương của sự cô đơn mà thôi.
Để sống với tình thương đích thực không dễ tí nào, Stephens công nhận. “Mình phải để tâm và bỏ nhiều công sức với nó.” Chìa khóa thật sự là ở chỗ “mình chỉ cần để hết tâm sức nuôi dưỡng tình thương đích thực đối với người bạn đời của mình, khi đó thì vấn đề chung thủy trong quan hệ tình dục sẽ trở thành một điều hết sức tự nhiên mà không cần phải cố gắng.” Dạo này Stephens và bạn đời của anh thường xuyên dành thì giờ để chăm sóc và trân quý nhau, chia sẻ với nhau những niềm đau hay những khó khăn mà họ đang đi qua. Giờ đây quan hệ giữa hai vợ chồng luôn có nhiều thương yêu, và vì vậy mà sự thủy chung có mặt.
Lễ cưới hôm đó ở Làng Mai được kết thúc bằng thiền ôm – thay vì một nụ hôn, cô dâu chú rể đã đánh dấu hôn ước của mình bằng một cái ôm tròn đầy. Họ bước ra khỏi thiền đường với một nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Những cánh hoa được tung lên trời để chúc mừng hạnh phúc của họ.
4. Ái ngữ và lắng nghe
Sư cô Chân Không đã làm việc bên Thầy hơn năm mươi năm qua và được công nhận là một người có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Làng Mai. Sư cô cũng đồng thời là một giáo thọ tài năng. Trong thời gian tôi tham dự khóa tu, vào một buổi chiều, sư cô đến Xóm Mới để dạy về một phương pháp thực tập có tên gọi là Làm Mới. Đó là phương pháp thực tập có tác dụng hỗ trợ cho sự thực tập giới thứ tư về ái ngữ và lắng nghe.
Phương pháp Làm Mới giúp chúng ta nhìn sâu và trung thực về bản thân, đồng thời giúp cải thiện quan hệ giữa ta và mọi người thông qua sự thực tập ái ngữ và lắng nghe. Làm Mới gồm có bốn bước. Bước thứ nhất là nói lên những điều mà bạn trân quý nơi người kia, hay còn gọi là “tưới tẩm những hạt giống tốt” nơi người đó. Điều này có nghĩa là khi bạn chú ý đến những phẩm chất tích cực của người kia thì cũng đồng thời giúp cho những phẩm chất này lớn mạnh hơn. Bước thứ hai là thừa nhận những hành động còn vụng về của bạn trong liên hệ với người đó. Trong việc này, sự thực tập chánh niệm có thể giúp bạn vì nó sẽ rèn cho bạn càng ngày càng ý thức hơn về những hành động của mình. Tiếp theo, bước thứ ba là chia sẻ những niềm đau, những tổn thương mà bạn nghĩ rằng do người kia gây ra. Điều vô cùng quan trọng ở đây là bạn cần chia sẻ một cách nhẹ nhàng, khéo léo và không đổ lỗi cho người kia – nói như thế nào mà người kia không cảm giác là bạn đang chỉ trích họ, mà thay vào đó bạn chỉ muốn họ mở lòng ra để giải thích về những hành động mà đã làm cho bạn tổn thương. Cuối cùng, bước thứ tư là chia sẻ bất cứ khó khăn nào mà bạn đang trải qua và xin người đó giúp đỡ bạn. Sau đó, người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau.
Ở Làng Mai, tăng thân xuất sĩ thực tập hai bước đầu của pháp môn làm mới hai tuần một lần và thực tập cả bốn bước trong những nhóm nhỏ, hoặc hai người làm mới riêng với nhau khi có nhu cầu. Sư cô Chân Không khuyến khích các bạn thiền sinh thực tập Làm Mới trong gia đình của mình. Bạn có thể thực tập ngay cả khi người mình muốn làm mới chưa từng biết đến pháp môn này. Bạn có thể khéo léo thực tập theo các bước đã nêu trên mà không bị kẹt vào hình thức, và không cần mong đợi là người đó sẽ tiếp nhận liền. Theo sư cô Chân Không thì với thời gian thái độ của người kia đối với bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Như sư cô đã chia sẻ với một nhóm các bạn thiền sinh trong khóa tu ở Xóm Mới, “khi các bạn nhìn tôi, các bạn có một cái tưởng, một tri giác về sư cô Chân Không, nhưng cái tri giác đó của bạn chỉ có khoảng chừng 5 hoặc 10 phần trăm là gần với sự thật. Điều này cũng xảy ra tương tự khi bạn nhìn người mà bạn đang yêu hoặc người mà bạn ghét.” Tri giác của chúng ta không toàn hảo, vì vậy để hiểu thêm về người khác, chúng ta cần truyền thông nhiều hơn với họ.
5. Nuôi dưỡng và trị liệu
Hôm nay cây dâu gần vườn Bụt xóm Mới – nơi có ba tượng Bụt đang ngồi – trở nên rực rỡ với những mảnh giấy đủ màu được cắt thành hình trái tim, bông hoa hay hình cây nến đính trên các cành cây. Lục trong balô của mình, tôi tìm một mẩu giấy nhỏ màu xanh lá cây và viết lên đó tên của những người thân đã khuất – ông bà, cha, chú và dì của tôi. Rồi tôi dán mảnh giấy đó lên một nhánh cây. Ngày hôm nay, ở Làng Mai có lễ giỗ tổ tiên để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình và ý thức rằng chúng ta là sự tiếp nối của liệt vị. Sau buổi lễ, chúng tôi ăn trưa ngoài trời với bánh ngọt và có cả màn múa lân đẹp mắt với những con lân chớp chớp mắt, ngúc ngoắc đuôi, và nhảy nhót theo nhịp trống dồn. Chỉ một thứ duy nhất không có trong lễ giỗ tổ tiên này, đó là rượu.
Mặc dù tôi có thể uống rượu một cách chừng mực mà không bị tổn hại gì nhiều cho bản thân ngoài chuyện bị choáng váng nhức đầu vào ngày hôm sau, nhưng đối với nhiều người thì chuyện đó là không thể. Đối với con cái, bạn bè và đồng nghiệp của mình, tôi không thể nào biết được cấu trúc gen di truyền hay nhìn thấu những ngõ ngách ẩn chứa những yếu đuối trong thân tâm của họ. Nói một cách ngắn gọn, tôi không thể biết hết được những tác hại mà rượu có thể gây ra đối với họ trong tương lai. Nhưng thông qua hành động uống cùng họ và trước mặt họ, tôi đã vô tình khuyến khích họ uống rượu. Vì vậy, ở Làng Mai mọi người đều ý thức rằng việc không sử dụng các sản phẩm độc (như rượu, các thức gây nghiện, v.v.) không chỉ vì lợi ích cho chính bản thân chúng ta, mà còn vì lợi ích của mọi người.
Trong cuộc phỏng vấn với sư cô Châu Nghiêm, sư cô đã chia sẻ với tôi những điều Bụt dạy về bốn loại thức ăn (tứ thực) – những lời dạy này đã được thể hiện bằng giới thứ năm. Ngoài các loại thức ăn, thức uống mà chúng ta đưa vào cơ thể bằng đường miệng (còn gọi là đoàn thực), chúng ta còn tiêu thụ các loại thức ăn khác như: xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Xúc thực bao gồm những thức ăn được đưa vào cơ thể qua mắt và tai – chẳng hạn như các hình ảnh quảng cáo, phim ảnh, sách báo và ngay cả chuyện trò.
Còn tư niệm thực là những điều thôi thúc chúng ta trong cuộc sống, đó là ước mơ, là khát vọng của chúng ta. “Nếu bạn muốn trở thành nổi tiếng hoặc làm ra thật nhiều tiền, ước muốn đó được coi là một loại tư niệm thực,” Sư cô Châu Nghiêm giải thích. “Nó đem lại cho bạn thật nhiều năng lượng, bạn có thể thức khuya và xả thân mình cho mục đích đó. Nhưng bạn cũng có thể có ước mơ làm vơi bớt khổ đau của mọi người, đó cũng là một loại tư niệm thực, và nó cũng có thể đem lại cho bạn rất nhiều năng lượng.”
Sau hết là thức thực, đây là loại thức ăn mà lúc nào mình cũng “ăn”. Theo sư cô Châu Nghiêm, “nó đến từ tâm thức của chính cá nhân mình, những suy nghĩ, những ký ức của mình, và ngoài ra còn đến từ tâm thức cộng đồng. Nếu chúng ta ở cạnh những người có nhiều sợ hãi và giận dữ, chúng ta sẽ ăn thức ăn của tâm thức cộng đồng là sợ hãi và giận dữ. Nhưng nếu ta ở cạnh những người có bình an, thì năng lượng bình an đó chính là một loại thức ăn.”
Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô cũng như các bạn thiền sinh đến Làng tu tập đều cố gắng thực tập tiêu thụ bốn loại thức ăn này trong chánh niệm. Về đoàn thực, sư cô Châu Nghiêm nói, “chúng tôi chỉ lấy thức ăn vừa đủ mà thôi, và chúng tôi luôn biết ơn là mình có đủ thức ăn để nuôi sống mình và cho phép mình tiếp tục tu tập.” Còn về xúc thực, “chúng tôi không xem truyền hình hoặc nghe radio hay đọc báo. Chúng tôi có thể lên Internet để đọc, nhưng chỉ đọc vừa đủ để biết cái gì đang xảy ra trên thế giới. Chúng tôi không tiêu thụ tin tức một cách thường xuyên bởi vì tin tức không phải là nguồn duy nhất cho ta biết về thực tại. Rất nhiều tin tức chỉ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống, tại vì những cái đó mới ăn khách.” Nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều tin tức và trở nên tuyệt vọng hoặc thờ ơ, dửng dưng thì cái đó không giúp gì được để cải thiện tình hình thế giới.
Tại Làng Mai, các máy vi tính đều có cài chuông để thỉnh thoảng nhắc mọi người trở về với hơi thở vào và hơi thở ra. “Tiếng chuông chánh niệm là một loại xúc thực có tác dụng giúp ta trở về chăm sóc tự thân và không bị cuốn theo dòng suy nghĩ suốt cả ngày,” Sư cô Châu Nghiêm giải thích. “Suy nghĩ của chúng ta đôi khi không phải là những thức ăn lành mạnh, do vậy dừng lại dòng suy tư và tiếp xúc với những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây sẽ giúp nuôi dưỡng chúng ta. Nếu để ý, ta có thể nghe được tiếng gió thổi qua những cành cây và cả tiếng chim hót. Có rất nhiều thứ nuôi dưỡng chúng ta nếu chúng ta có ý thức.” Thức thực ở Làng Mai rất lành mạnh, bởi vì ở đây có khoảng 200 vị xuất sĩ đang thực tập chánh niệm mỗi ngày và họ thực tập như vậy quanh năm. Ngoài ra, trong tuần này còn có cả ngàn thiền sinh đến đây, và khi mà có khoảng một ngàn người cùng đi thiền hành, cùng ăn cơm trong chánh niệm theo gia đình pháp đàm thì tạo ra năng lượng rất hùng hậu, rất trị liệu.”
“Năm phép thực tập chánh niệm không phải là luật lệ hoặc các điều răn dạy của một đấng tối cao”, Sư cô An Nghiêm chia sẻ – sư cô đã từng làm việc cho thị trưởng của thành phố Washington D.C trước khi xuất gia. Một số người quyết định không thọ năm giới vì họ nghĩ là họ cần phải thực tập các giới này một cách hoàn hảo. “Ai trong chúng ta có thể làm bất cứ cái gì cũng hoàn hảo hết?” Sư cô An Nghiêm hỏi. “Năm phép thực tập chánh niệm là phương hướng để chúng ta đi tới. Cũng giống như ngôi sao Bắc đẩu ở đằng kia, tôi muốn đi về hướng đó. Khi tôi càng đi theo hướng đó và chuyển hóa thì tôi sẽ nhìn thấy con đường càng lúc càng rõ ràng hơn.
“Chúng ta có thể đi theo nhiều con đường, nhưng cốt lõi nhất – cái đỉnh cao nhất – là niệm, định và tuệ. Một số người có thể thực tập năm giới một cách rất nghiêm túc, một số khác thì thực tập theo một vài khía cạnh mà thôi. Chìa khóa là ở chỗ dù làm bất kỳ điều gì, bạn cũng cần phải làm trong chánh niệm và tỉnh thức, bởi vì khi bạn càng có ý thức về những hành động của mình, chẳng hạn như ý thức về việc ăn thịt hay uống rượu có ảnh hưởng thế nào tới thân tâm của bạn thì bạn có thể có một quyết định hết sức rõ ràng về chuyện có nên tiếp tục hành động như vậy nữa hay không.”
Lễ truyền Năm giới
Vào buổi tối cuối cùng của tôi ở Làng Mai đã diễn ra một buổi lễ truyền năm giới tại thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới. Ở trung tâm của thiền đường, hướng về phía bàn thờ Bụt với hoa quả được bày biện khéo léo là chỗ ngồi của các giới tử – những người sẽ nhận năm giới. Tôi cũng vào ngồi với họ trên bồ đoàn và tọa cụ màu tím, dù là tôi đã nhận năm giới hồi năm ngoái. Sư cô An Nghiêm nói đúng, không ai trong chúng ta có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo, nhưng rồi dần dần, qua mỗi hơi thở, mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều có khả năng sống và thực tập năm giới càng lúc càng trọn vẹn hơn. Năm giới là những hạnh nguyện mà chúng ta có thể luôn luôn làm mới.
Sau khi tham dự lễ truyền giới, tôi ra khỏi thiền đường với gia đình pháp đàm của mình. Trên đường trở về nhà Đầu Thôn một lần cuối trước khi rời Làng, tôi chợt nhận ra rằng trên tay tôi không còn chiếc đồng hồ đeo tay nữa – chiếc đồng hồ mà trên mặt có in thư pháp của Thầy, chữ It’s ở chính giữa, và chữ Now ở vị trí 12, 3, 6 và 9 giờ. Khi nhìn đồng hồ lúc nào mình cũng thấy dòng chữ It’s Now, nghĩa là bây giờ, bây giờ, bây giờ….lúc nào cũng vậy. Tôi quay trở lại nhưng không tìm ra được chiếc đồng hồ, và trong khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi cảm thấy buồn vô cùng bởi vì chiếc đồng hồ đó là một chút gì của Làng Mai mà tôi muốn mang về nhà, vậy mà không được nữa rồi. Bỗng nhiên tôi nhớ tới Thầy và cuộc phỏng vấn của tôi với Thầy.
“Làng Mai không hẳn là một nơi tọa lạc trong không gian và thời gian,” Thầy bảo tôi. “Bạn có thể có nó bất cứ lúc nào và ở đâu. Nếu bạn tới Làng Mai và bạn không biết cách sống trong giây phút hiện tại thì đó không phải là xứ sở của giây phút hiện tại. Nhưng nếu bạn đang ở Mỹ hoặc ở châu Á nhưng bạn an trú trong giây phút hiện tại thì bạn đang ở Làng Mai. Khi bạn bay trở về Mỹ, bạn vẫn có thể có Làng Mai trên máy bay. Bạn không cần tìm tới tương lai, bạn không cần quay về quá khứ. Nếu bạn biết sống những giây phút của đời sống hàng ngày trong niềm vui và sự bình an thì bạn đang ở Làng Mai đó. Bạn đang ở trong xứ sở của giây phút hiện tại.”