Những vị anh hùng châu Á
Dịch từ Time Asia Magazine,ấn hành ngày 13 tháng 11 năm 2006, bộ 168, số 20
Trong sáu mươi năm qua, tạp chí TIME đã liên tục đưa lên thời sự những thành đạt lớn lao của châu Á. Trong số đặc biệt kỷ niệm 60 năm này, chúng tôi muốn vinh danh những con người Á châu đã góp phần tạo dựng xã hội chúng ta trong thời đại mới.
Trong sáu thập niên huyên náo vừa qua, châu Á, một châu đông dân cư nhất của địa cầu, đã cho ra đời một loạt các vị anh hùng đáng làm cho chúng ta sửng sốt. Trong 60 năm từ ngày tạp chí TIME bắt đầu phát hành ấn bản Á châu, ban biên tập chúng tôi đã có hân hạnh tiếp xúc được với những con người lỗi lạc nhất trong số các vị anh hùng ấy, có lúc trên những nẻo đường vận động, có lúc giữa chiến trường, có lúc trong phòng thí nghiệm khoa học, hoặc trong phòng trọ, lại có lúc trên sân nhà máy hoặc tại phim trường. Đi theo dấu chân của những con người lỗi lạc ấy chúng tôi đã có cơ duyên tường thuật lại câu chuyện quá trình chuyển hóa của châu Á: từ một xóm làng nghèo đói đi đến sự thành lập một trung tâm điện lực, từ hồi phải đi bắt chước người ta cho đến khi người ta phải trở lại bắt chước mình, từ khi bị đô hộ cho đến khi thoát ra để lãnh đạo kinh tế toàn cầu đi vào một kỷ nguyên mới. Từ Gandhi đến Rushdie, từ Bruce Lee, cho đến Li Ka Shing, số báo đặc biệt này được ra đời để tôn vinh những người đàn ông và những người phụ nữ Á châu đã góp phần dựng thành số phận và thời đại chúng ta.
Thích Nhất Hạnh, vị tăng sĩ Phật Giáo đã góp phần
chấm dứt khổ đau của chiến tranh Việt Nam.
Ngày 11 tháng 06 năm 1963, giữa một đường phố Sài Gòn, Thượng tọa Thích Quảng Đức ngồi xuống châm lửa tự thiêu để chống đối chế độ áp bức của miền nam Việt Nam, một chế độ độc tài do Hoa Kỳ yểm trợ. Hình ảnh ông thầy tu ngồi an nhiên trong lửa đỏ đã trở thành những hình ảnh đầu tiên của cuộc chiến dai dẳng, những hình ảnh có tác dụng đánh thức và gây ra niềm đau nhức trong lương tâm thế giới. Trong những năm kế tiếp, hơn 30 vị xuất gia khác đã dâng hiến mạng sống của mình như thế để tiếp tục chống đối cuộc chiến vô nghĩa và thô bạo này.
Những năm tháng khổ đau chất ngất và dai dẳng của cuộc chiến Đông Dương, trong đó giới phật tử đã nỗ lực để làm vơi bớt đau thương, những tháng năm ấy dường như đã lui về một quá khứ xa xăm. Nhưng ông thầy tu Thích Nhất Hạnh, người đã xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng ấy, ông thầy tu này vẫn còn sống với chúng ta. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.
Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa – như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân – đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỷ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. Ít có những chiến trường nào lại đẫm máu nhiều như những chiến trường tại Việt Nam, khi hết người Pháp rồi tới người Mỹ đem quân tới để đàn áp phong trào yêu nước và phong trào cộng sản trong suốt ba thập niên dai dẳng. Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, Thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.
Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, Thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang nằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. Trong những năm 1960, Thầy Nhất Hạnh đã trở thành một trong những biểu tượng cho phong trào phản chiến. Những bài viết của Thầy được đăng trong những tạp chí nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ như tạp chí The New York Review of Books, và các bài thơ của Thầy đã được hát lên với đàn ghi ta như những bài nhạc phản chiến trong khuôn viên các trường đại học Hoa Kỳ. Ta sẽ không bị mang tiếng là quá đáng khi nói rằng thầy Nhất Hạnh đã có công gây sức ép buộc Hoa Thịnh Đốn phải rút quân ra khỏi Việt Nam.
Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, vẫn còn sống và hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.
________
(Ghi chú của người dịch: trong số những vị anh hùng được tạp chí TIME Magazine vinh danh có hai vị người Việt: đó là tướng Võ Nguyên Giáp và thầy Nhất Hạnh)