Nguồn hiểu biết trong hơi thở Chánh Niệm
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vạch ra con đường đưa đến sự hòa giải
cho từng cá nhân và cho cả đất nước Thái Lan.
Liệu các nhà chính trị của chúng ta có đang lắng nghe những lời chia sẻ này hay không?
(Được chuyển ngữ từ bài viết “Understanding in the breath” của tác giả Aree Chaisatien
đăng trên báo The Nation của Thái Lan, số ra ngày 13/4/2013)
Trong bối cảnh người dân Thái Lan đang bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị và nguy cơ xung đột ngày càng tăng giữa những người ủng hộ phe “áo vàng” và phe “áo đỏ” liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những lời chia sẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Theo Thiền sư, sự thực tập hơi thở chánh niệm, thiền đi và sự thực tập lắng nghe sâu có thể giúp cho chúng ta hòa giải và hàn gắn lại mọi thứ, từ những mối liên hệ cá nhân cho đến những xung đột chính trị.
Tối thứ Ba vừa qua, chia sẻ trong buổi pháp thoại công cộng với chủ đề “Chúng ta là Một” (We are One) tại Royal Paragon Hall thuộc Trung tâm thương mại Siem Paragon – một sự kiện được tổ chức trong chuyến hoằng pháp kéo dài một tháng tại Thái Lan, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cảnh báo về nguy cơ đánh mất tình thương chân thật trong một xã hội đang đi về hướng tiêu thụ.
“Nhiều người suy nghĩ rằng càng tiêu thụ nhiều chừng nào thì họ càng có nhiều hạnh phúc chừng đó. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng nhiều người tuy có nhiều tiền bạc và danh vọng nhưng vẫn khổ đau như thường.” – đó là lời chia sẻ của vị Thiền sư đã 87 tuổi nhưng trông dáng vẻ thì chỉ như người 77 tuổi mà thôi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một bậc thầy về chánh niệm đồng thời là một nhà hoạt động vì hòa bình – nói rằng Người đã gặp nhiều doanh nhân rất giàu có nhưng vợ con của họ lại không hạnh phúc. “Họ là nạn nhân của sự thành công của chính họ. Không có tình thương, chúng ta không thể nào hạnh phúc được. Nếu bạn quá bận rộn để kiếm tiền thì bạn sẽ đánh mất tình thương. Sau một ngày làm việc vất vả, bạn không còn gì nhiều để hiến tặng cho những người mà mình thương yêu”.
“Chúng ta cần phải hỏi chính mình: liệu chúng ta có thời gian để thương yêu và chăm sóc những người mà ta đã nguyện thương yêu hay không? Có một người cha luôn bận rộn kiếm tiền nói với đứa con trai của mình rằng: Này con trai, ngày mai là sinh nhật của con. Con có muốn một món quà gì đặc biệt không, cha sẽ mua cho con? Cậu bé nhún vai trước câu hỏi của cha rồi trả lời: Con không muốn gì hết. Cái mà con muốn là cha.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh định nghĩa thương yêu là “khả năng có mặt thật sự cho người mà mình thương”. Thiền sư nhấn mạnh rằng: “Món quà quý giá nhất mà bạn có thể hiến tặng cho người mình thương chính là sự có mặt của bạn. Bạn cần phải thực tập như thế nào để sự có mặt của mình thật tươi mát.”
Hiểu biết và thương yêu là những điều mà ta có thể chế tác được nhờ vào sự thực tập chánh niệm. Và nếu ta biết cách thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi thì ta có thể làm cho sự có mặt của mình trở nên tươi mát – đó là lời chia sẻ của Thiền sư.
Bụt dạy cho chúng ta 16 bài tập về quán niệm hơi thở, trong đó bài tập thứ 3 là ý thức về cơ thể, về hình hài của mình. “Thở vào, tôi ý thức rằng tôi đang có một hình hài; thở ra, tôi mỉm cười với tất cả thương yêu. Khi ngồi trước máy tính, chúng ta thường hay quên mất cái thân của mình. Vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải thực tập bài tập thứ ba và thứ tư trong 16 hơi thở. Bài tập thứ tư là buông thả hết những căng thẳng trong thân của mình. Chúng ta có thể thực hành bài tập này ở bất kỳ nơi đâu, ngay cả khi chúng ta đang ngồi trên xe.”
Và trong khi đi bộ từ bãi đỗ xe đến văn phòng, bạn cũng có thể thực tập thiền đi – Thiền sư chia sẻ thêm. “Bụt dạy rằng chúng ta nên biết tận hưởng từng hơi thở của mình. Mỗi hơi thở vào mang lại cho ta nhiều niềm vui và sự nuôi dưỡng, mỗi thở ra có thể giúp ta buông hết những căng thẳng trong thân. Vì vậy, khi đi bộ đến văn phòng, dù quãng đường rất ngắn, ta cũng có thể thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi”.
“Trong khi thở vào, ta có thể bước hai bước và ý thức về sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, và trong khi duy trì ý thức đó, ta dừng hết mọi suy nghĩ. Thiền đi giúp chúng ta tận hưởng trọn vẹn từng bước chân của mình. Khi bước một bước, ta có thể nói thầm: Ta đã tới; và khi bước tiếp một bước nữa, ta lại nói: Ta đã tới. “Tới” ở đây có nghĩa là tới trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Bụt dạy rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Sự sống đích thực chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi.”
“Trong khi thở ra, ta có thể bước ba bước. Sở dĩ như vậy là vì hơi thở ra của chúng ta thường dài hơn hơi thở vào. Trong bước thứ nhất và bước thứ hai, ta thầm nói : Ta đã về; và bước thứ ba, ta nói : Ta đã về thật rồi. Ngôi nhà đích thực của chúng ta là trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chính trong giờ phút hiện tại này ta mới có thể tiếp xúc được với sự sống đích thực”.
Thiền sư đề nghị các cặp vợ chồng cũng như các gia đình tổ chức những buổi ngồi thiền cùng nhau để chế tác năng lượng bình an và lắng dịu trước khi bắt đầu một ngày mới hoặc sau một ngày làm việc. “Một người không có sự lắng dịu và bình an thì không thể nào có hạnh phúc được”.
Bài tập thứ 7 về quán niệm hơi thở là ý thức về những cảm xúc khổ đau trong lòng mình. Bài tập thứ 8 là làm lắng dịu những nỗi khổ, niềm đau đó. “Những cảm xúc khổ đau không cho chúng ta được bình an, vì vậy chúng ta phải biết cách ôm ấp và xử lý những cảm xúc này” – Thiền sư chia sẻ.
“Giận dữ, sợ hãi hay khổ đau đều là một loại năng lượng. Nếu chúng ta không biết xử lý những cảm xúc này thì chúng ta sẽ hết năng lượng và không còn gì để hiến tặng cho những người mà mình thương yêu”. Vì vậy bài tập thứ 8 là nhằm chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc những cảm xúc mạnh trong ta.
“Trong khi thở vào, ta đưa tâm trở về với thân. Khi thân và tâm hợp nhất thì khi đó ta thực sự trở về với ngôi nhà đích thực của mình. Năng lượng chánh niệm giúp ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Khi có đủ chánh niệm và ý thức rõ ràng về cảm xúc của mình thì chúng ta sẽ có đủ bình an và sự tươi mát để hiến tặng cho người mình thương ”.
Đã từ lâu, các khóa tu do các trung tâm tu học của Làng Mai tổ chức thường hiến tặng các pháp môn tu học nhằm mang lại hạnh phúc cho mọi người và giúp nối lại truyền thông trong gia đình, trong đó có những cặp vợ chồng không nói chuyện được với nhau nhiều năm liền. Những người đến tham dự khóa tu đều được học về hơi thở chánh niệm, thiền hành và phương pháp lắng nghe sâu.“Khi họ biết lắng nghe trong chánh niệm thì họ sẽ có khả năng hòa giải và hàn gắn lại các mối liên hệ của mình”, Thiền sư chia sẻ.
Đối với một quốc gia, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng các đảng phái đối lập cần thực tập lắng nghe sâu để có thể mang lại sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Thiền sư nói thêm rằng sở dĩ quá trình hòa giải ở Thái Lan chưa đi đến thành công là vì các phe đối lập chưa có được sự lắng dịu và bình an. Mỗi chính trị gia cần phải ngồi yên để nhìn sâu vào những khổ đau và khó khăn của các phe đối lập, Thiền sư nhấn mạnh.
“Chúng ta không cần phải lên nắm quyền mới có thể phụng sự cho quốc gia, dân tộc. Nếu các đảng đối lập có sự lắng dịu và bình an thì họ vẫn có thể đưa ra những dự án, chính sách giúp ích cho đất nước”.
Đảng cầm quyền cũng cần áp dụng nguyên tắc này. “Họ có thể nói với các đảng phái đối lập rằng rằng: chúng tôi biết là các anh đang có nhiều khó khăn. Chúng tôi muốn lắng nghe những chính sách mà các anh mong muốn thực hiện để giúp ích cho đất nước. Chúng tôi biết rằng các anh có khả năng đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Chúng ta có thể kết hợp tuệ giác của cả hai phía để cùng nhau xây dựng đất nước”.
(Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữ).