Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Chuyển ngữ từ bài viết “Thich Nhat Hanh’s Live, Meditative Calligraphy will Absolutely Inspire You” đăng trên tờ Huffington Post
(Được BBT chuyển ngữ từ bài viết “Thich Nhat Hanh’s Live, Meditative Calligraphy will Absolutely Inspire You” đăng trên tờ Huffington Post – một trong những tờ báo lớn của New York, ngày 13/9/2013)
Xuất gia từ năm 1949, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị Thiền sư người Việt thường được gọi một cách thương kính là Thầy – luôn được mọi người kính ngưỡng bởi những đóng góp của Thầy cho sự nghiệp hòa bình, cho con đường hiểu biết và thương yêu.
Chánh niệm là nền tảng của những pháp môn thực tập mà Thầy giảng dạy: Thầy cho rằng an trú trong giây phút hiện tại – mà không phải là ở tương lai hoặc trong quá khứ – chính là con đường duy nhất để đạt được sự bình an chân thật.
Mặc dù khá bận rộn với lịch trình của các khóa tu, chưa kể thời gian viết lách và cho ấn hành nhiều tác phẩm có giá trị cũng như những nỗ lực cứu giúp người nghèo đói ở các nước thuộc thế giới thứ ba thông qua hoạt động của Làng Mai, một trung tâm thiền tập do Thầy sáng lập, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn dành thời gian để tổ chức một cuộc triễn lãm thư pháp tại ABC Home, thành phố New York (từ ngày 6/9 đến 31/12/2013).
Cuộc triễn lãm với chủ đề “Thiền Thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã bắt đầu vào ngày 6/9 vừa qua, trong đó trưng bày 88 tác phẩm thư pháp nổi tiếng nhất của Thầy. Những tác phẩm thư pháp này hiện đang được đấu giá và 60% số tiền thu được từ các cuộc đấu giá này sẽ được dành để yểm trợ cho những công việc của Thầy, cho các tu viện và các thầy, các sư cô Làng Mai cũng như cho những dự án mà Làng Mai đang yểm trợ.
Thầy viết thư pháp
Vào đêm khai mạc cuộc triễn lãm, Thầy đã tặng cho các vị khách tham dự hôm đó một cơ hội hiếm có, đó là được trực tiếp xem Thầy viết thư pháp. Năm tác phẩm thư pháp được viết trực tiếp hôm đó cũng được đem ra đấu giá. “Viết thư pháp cũng là thiền tập,” Thầy chia sẻ trong một cuộc họp báo. “Trong những bức thư pháp mà tôi viết có mực, có trà, có hơi thở, và có năng lượng của niệm, của định. Những dòng thư pháp này có tác dụng nhắc nhở mọi người trở về với chánh niệm, trở về với sự tỉnh thức.”
Những bức thư pháp của Thầy chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy đẹp rồi, nhưng được tận mắt chứng kiến Thầy viết thư pháp thì quả thật là tuyệt vời – đó là chia sẻ của một người có mặt trong buổi hôm đó.
“Trước sự chứng kiến của mọi người, Thầy bắt đầu cầm bút viết những dòng thư pháp như Con đã về, Con đã tới, mỗi cử động của Thầy đều là một nghi lễ. Dõi theo những cử động đầy chánh niệm của Thầy khi viết thư pháp, dường như tất cả chúng tôi – những người có mặt hôm đó – không thể nào không cảm nhận rõ ràng sự có mặt của một vị thầy với năng lượng định tĩnh và tràn đầy hỷ lạc.” Agapi Stassinopoulos, người phụ trách trang blog của Huffington Post và tác giả của cuốn sách Unbinding the Heart chia sẻ.
Stassinopoulos chia sẻ thêm rằng cô được chứng kiến cảnh mọi người xúc động như thế nào khi được nhìn Thầy viết thư pháp trong buổi hôm đó: “Khi đưa mắt nhìn mọi người trong khán phòng, tôi có thể thấy rõ rằng ai cũng đang nhìn Thầy bằng con mắt thán phục đến sững sờ. Từ nơi Thầy toát ra một sự tĩnh lặng thoát tục. Chúng tôi đều cảm nhận rõ rằng trước mặt chúng tôi là một vị thiền sư và năng lượng định tĩnh đó chính là phép mầu mà Thầy để lại trong lòng mỗi chúng tôi.”
Xem thêm: Giác ngộ trong từng nét bút
Một vài hình ảnh của buổi triển lãm thư pháp tại New York:
Cắt băng khai mạc buổi triển lãm