Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngay trong phút giây hiện tại, thiền tập có thể chuyển hóa khổ đau và đem tới an lạc

Bài của ký giả Teresa Wattanabe. Ban biên tập của Nhật báo Los Angeles Times, tờ nhật báo lớn hạng ba của Hoa Kỳ. Sư cô Chân Hội Nghiêm dịch

Những người con Bụt đã chuyển đổi một trung tâm luyện tập bắn súng thành một tu viện và thực hiện được những chuyển hóa đầy thử thách

 

Escondido, California ngày 01 tháng 6 năm 2004.

Dưới rừng sồi của chen lẫn từng mảng cây đinh hương, California đầy hoa tím, trang nghiêm và ngập nắng, những vị tu sĩ áo nâu đã im lặng nhẹ nhàng cải biến vùng đất mà trước đây cơ quan luật pháp vùng San Diego làm nơi luyện tập quân sĩ sử dụng vũ khí.

Những người học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thay thế những loạt súng đạn của binh sĩ bằng những hồi chuông linh thiêng. Họ đã sơn sửa lại những ngôi nhà tả tơi đầy vết đạn. Trong khu rừng Lộc Uyển với diện tích 400 mẫu Anh của họ, giờ đây đã xuất hiện một thiền đường đầy ánh sáng, một thác nước nhỏ, một hồ cá và những câu thiền ngữ treo khắp nơi: Thở đi, bạn đang còn sống. Trong vòng bốn năm nay, từ khi họ tậu được vùng đất này, những tu sĩ áo nâu kia đã mang lại những chuyển hóa đầy thử thách: giúp đỡ giới điện ảnh Hollywood, giúp những người trẻ trốn nhà sống trên đường phố, giúp những trẻ lêu lổng trong các xóm nghèo nội thành, giới trẻ trong các băng đảng và những thành phần khác, giúp những người kia làm chủ được những tập khí dữ dằn của họ và để họ tìm thấy an lạc cho tự thân.

Trong một khóa tu gần đây cho ngành vô tuyến truyền hình và phim ảnh, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng về tầm quan trọng của ái ngữ cho một hội chúng thuộc giới văn nghệ sĩ, trong đó có diễn viên hài Garry Shandling và nhà làm phim Larry Kasanoff, người đã kêu gọi buổi họp mặt này. “Quý vị không cần phải trở thành một người khác, quý vị không cần phải đến giải phẫu thẩm mỹ”, thầy Nhất Hạnh nói điều đó với một giọng nhỏ nhẹ, đã khiến cho cả thính chúng phá lên cười.

Với những lời dạy như thế, các tu sĩ thuộc Đạo tràng Mai Thôn của thầy Nhất Hạnh nhằm trang bị cho các người đến từ truyền thống tín ngưỡng khác và từ các nền văn hóa khác. Họ học được cách thực tập chánh niệm để nhận diện niềm bình an cho tự thân trong cuộc sống hàng ngày, bằng cách thở sâu hơn, đi đứng thảnh thơi hơn và tập sống được sâu sắc hơn trong giây phút hiện tại. Nhiều khóa tu đã diễn ra từ đầu năm nay, kể từ khi thiền sư Nhất Hạnh từ Pháp (nơi cư trú thường xuyên của Người) sang đây và ở lại an cư trong ba tháng mùa Đông tại Lộc Uyển. Thầy 78 tuổi, đã thành lập được 800 nhóm tăng thân thiền tập trên hai mươi mấy nước. Thầy đã được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải thưởng Nobel hòa bình qua những cố gắng xây dựng hòa bình của Thầy trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Một tăng thân gồm bốn mươi mấy tu sĩ từ nhiều quốc gia đến, đang sinh hoạt tu tập và làm việc quanh năm ở tu viện Lộc Uyển thuộc vùng  Escondido. Quý vị tu sĩ nam và nữ đều mặc trang phục giống nhau, cùng mặc những chiếc áo dài nâu, đều cạo tóc như nhau.  Trong đó có thầy trụ trì Pháp Dung, một người Việt Nam tị nạn và lớn lên vào thời San Fernando ‘Valley Boy’, thời mà người ta thích nhảy nhót và chơi trượt ván. Thầy nói thầy đã từng tranh đấu trong trường học để xóa bỏ kỳ thị chủng tộc. Cuối cùng thầy tốt nghiệp đại học USC và trở thành một kiến trúc sư làm việc ở Santa Monica. Nhưng sau đó vài năm, thấy rằng nghề nghiệp của thầy chỉ quanh quẩn về tiền bạc và củng cố cái ngã, hiếm có cơ hội để phác họa lên những dự án có ý nghĩa cho xã hội. Thầy đã tham dự vài khóa tu của thiền sư Thích Nhất Hạnh và bị thu hút bởi sự nhẹ nhàng, thanh thoát ở đó. Cuối cùng thầy quyết định đi tu để trở thành một tu sĩ. Thầy thường gần gũi và làm việc với nhiều thanh thiếu niên có nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thầy nói: “Tôi đã tìm thấy một cách sống có nhiều ý nghĩa hơn và những cách giúp người trực tiếp hơn”.

Ngoại trừ vào lời phàn nàn từ hàng xóm vì hiện tượng xe cộ quá nhiều; hơn 800 người thường xuyên kéo đến tu viện Lộc Uyển vào những ngày cuối tuần – các viên chức quận San Diego nói rằng đa số không ai chống đối sự có mặt của tu viện. Theo lời ông Bill Ring – chuyên viên về bản đồ địa chính trước đây thì lịch sử vùng đất này rất đa dạng, rằng hơn ba thập kỷ trước, nó là một trại khỏa thân. Vào giữa thập niên 70, sau khi quận San Diego mua vùng đất này, cơ quan bảo vệ Cali (California Conservation Crops) và Phân Viện Cảnh Sát (Sheriff’s Department) đã dùng nó để huấn luyện đội  SWAT và thủy quân từ trại Pendleton gần đó. Vào năm 2000, tăng đoàn đã tậu vùng đất này với giá 4 triệu đô la trong cuộc bán đấu giá.

Thầy Pháp Dung nói rằng các vị tu sĩ đã phải làm việc trong suốt nhiều tháng để tu sửa những cơ sở vật chất bị tổn hại bởi bom đạn và chuyển hóa nguồn năng lượng bạo động kéo dài âm ỉ trong quá khứ. Họ đã tụng kinh và hộ niệm nhiều lần để xin phép thần linh người da đỏ bản xứ cho phép họ dùng mảnh đất này;  và đã dẫn các em đi thu lượm những vỏ đạn và làm nên những bảng hiệu hòa bình trên đó. Ngày nay, dân chúng từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội đã đến viếng thăm tu viện. Trong đó có Kasanoff, một nhà sản xuất phim giàu có mà những bộ phim của ông ta bao gồm “Terminator 2” và “Mortal Kombat”. Ông đã từng mở những tiệc tùng xa hoa trên những chiếc thuyền sang trọng ở Cannes của ông và là chủ của ba hãng phim ở Santa Monica chuyên về phim ảnh, phim hoạt hình, và phim võ hiệp trên vô tuyến truyền hình.

Trong số những người đến tu tại tu viện Lộc Uyển cũng có những người rất khiêm nhường như cô Estrellita Rojas, 18 tuổi, một học sinh trường trung học ở Boston, sống không mẹ cha và làm nghề bán hàng với mức lương rất ít ỏi. Cô đã hết sức vất vả mới vật lộn mà sinh sống được trong môi trường khá bạo động và dẫy đầy tội ác. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Kasanoff đã phải lặp đi lặp lại rằng ông ta là một người Do Thái, không có một ước muốn bỏ đạo để trở thành một phật tử, hoặc đi xuất gia thành một ông thầy tu hay một đạo sĩ, để phải từ bỏ rượu chè và gái đẹp. Ông ta xác nhận rằng ông ta không chủ ý muốn áp đặt ai làm một cái gì cả. Ông ta chỉ kêu gọi hàng trăm người thuộc giới điện ảnh tới tu viện dự một khóa tu dành cho giới Hollywood, và đã mời thiền sư Nhất Hạnh đến nói chuyện tại một buổi họp mặt rất thân mật tại nhà ông. Ông ta đã tặng hơn 100 quyển sách của Thầy cho những người thân quen. Ông ta nói rằng ông ta cũng đưa một vài thông điệp của thầy Nhất Hạnh vào hai bộ phim sắp ra đời – “Mortal Kombat” và làm lại hàng loạt phim hoạt hình gốc Nhật “Ninja Scroll”.

Kasanoff nói rằng ông ta bắt đầu tìm về đời sống tâm linh cách đây khoảng năm năm. Và ông ta nhận ra rằng nhiều người bạn giàu có và nổi tiếng trong giới điện ảnh Hollywood đã từng rất khổ đau và thường xuyên bị sợ hãi chiếm ngự. Trên đường đi tìm nếp sống tâm linh, tình cờ ông ta bắt gặp những quyển sách của thầy Nhất Hạnh và bị lôi cuốn bởi những thông điệp chánh niệm trong ấy. Từ đó ông ta bắt đầu thiền quán, thiền hành và khí công.

Phép lạ hoàn toàn của những thực tập này là bạn có thể được thư giãn hơn, bình an hơn, làm được nhiều công việc hơn và có nhiều năng lượng hơn”. Ông ta nói: “Tôi bớt quýnh quáng. Tôi không còn la hét nhiều như trước đây. Điều đó không có nghĩa là bạn tiếp nhận những thứ này và rút lui khỏi thế giới; cái hay là bạn có thể kết hợp những phương pháp thực tập ấy vào đời sống hàng ngày của bạn”.

Ở một góc độ khác của cuộc sống, cô Rojas kể một câu chuyện giác ngộ tương tự. Một cô gái mười tám tuổi, da màu gốc Nam Mỹ thuộc dòng tộc Nicaraquan (từ một xứ của Châu Phi) đã đến thăm Lộc Uyển vào hồi tháng ba với những thanh niên khác ở Boson. Những em này đã tham gia vào chương trình ngăn ngừa xì ke ma túy và phòng chống HIV. Đây là lần đầu tiên cô ta được đi máy bay, lần đầu tiên gặp những vị tu sĩ, lần đầu tiên ăn chay và đây là thời gian nghỉ ngơi đầu tiên của cô bé từ một môi trường có nhiều băng đảng, đánh nhau và thường xuyên bạo động. Rojas nói: “Thật khác hẳn hoàn toàn. Bỗng dưng một thiên quốc xinh đẹp được mọc lên giữa không trung, ở đó không có bạo lực, không có kỳ thị, không có sự nhiếc mắng, không có gì hết. Mọi người ở đó đều kính cẩn, tôn quý nhau và cùng hạnh phúc”. Phương pháp lắng nghe bằng tâm từ bi mà cô ta học tại đây đã dập tắt được những cuộc cãi vã và la hét mà cô từng hành xử với chị mình trước đó. Cô ta nói sự chấp nhận mà cô ta cảm được ở Lộc Uyển đã làm giảm đi khuynh hướng tìm cầu vật chất trước đây của cô ta, trong cách ăn mặc sang trọng qua những đôi giày, những quần jeans có nhãn mà cô ta đã nghĩ trong quá khứ là có công năng khẳng định giá trị mình. Cô ta ít la lối om sòm hơn và có được nhiều bình an hơn khi cô ta bắt đầu thiền tập hằng tuần. Cô ta có ý định thành lập một tăng thân ở Boston cho các bạn thiếu niên.

Những câu chuyện như thế xảy ra thông thường ở đây. “Người ta yêu cầu chúng tôi sửa sai họ và sửa sai giùm con cái của họ, nhưng ở đây chúng tôi không làm điều đó”. Thầy Pháp Dung nói: “Chúng tôi chỉ trở thành bạn với các em, leo núi chung và cùng đếm sao rơi với các em mà thôi. Chúng tôi thưởng thức sự sống đang hiển hiện. Vì vậy mà các em chuyển hóa. Chúng tôi ý thức được là mình đang còn sống và vui mừng vì ý thức ấy”.

Đây là tựa đề bằng tiếng Anh:

It’s Now, It’s Zen and It’s Life – Changing

Buddhists who turned a gun training site into a monastery

Tackle even harder transformations

By Teresa Watanabe

Los Angeles Times Staff Writer, June 01, 2004