Lời Bụt cất lên từ vùng đất đau thương
Bài viết của nhà phê bình văn học Morgan Gibson đăng trên tờ Kyoto Journal số 28, 1995 và Poetry Flash ở Hoa Kỳ số 263, tháng 9/1995 Tịnh Thủy dịch
Thầy Nhất Hạnh là một thiền sư đã thực sự đưa được đạo Bụt vào cuộc đời, đã phát động mạnh mẽ phong trào cải cách văn hóa và xã hội theo tinh thần đạo Bụt, và phong trào này đã lan rộng trong nhiều nước khắp thế giới.
Thầy là một nhà thơ lớn, thơ của Thầy thâm sâu, uyên áo, nói lên được những gì mà ngôn ngữ không thể diễn tả hết được. Thầy đã hướng dẫn phong trào đấu tranh cho hòa bình trong cuộc chiến Việt Nam, hết sức bênh vực người đồng bào đang bị kẹt giữa hai lằn bom đạn, vì vậy cho nên Thầy càng được đồng bào Thầy thương kính bao nhiêu thì tánh mạng của Thầy lại càng bị đe dọa bởi hai phe lâm chiến bấy nhiêu. Nhưng sức mạnh của đại bi tâm không thể lay chuyển đã giúp Thầy vượt thắng mọi khó khăn để tiếp tục tạo dựng niềm tin trong hàng triệu trái tim người. Tất cả những ai đã dũng cảm chống đối cuộc chiến tương tàn giữa anh em một nhà đều được Thầy hết lòng ủng hộ và nâng đỡ. Thầy đã hướng dẫn phái đoàn Phật giáo có mặt bên Hội Nghị Paris, đã sáng lập dòng tu Tiếp Hiện, đã mở trường đại học Vạn Hạnh và xây dựng trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Nhiều tác viên và giáo viên của trường trong khi hoạt động trong môi trường chiến tranh đã bị thảm sát một cách oan ức. Thầy đã được mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình. Thầy cũng đã tổ chức nhiều chuyến cứu trợ thuyền nhân tị nạn Việt Nam ngoài biển và cứu trợ trẻ em nạn nhân của nghèo đói và chiến tranh. Thầy hiện sống tại Làng Mai, một vùng quê ở Pháp, và hàng năm đi thuyết giảng khắp thế giới để xiển dương đạo Bụt nhập thế. Tổ chức Buddhist Peace Fellowship ở Hoa Kỳ mà thi sĩ Gary Snyder đã hợp tác thành lập hiện nay là một trong những tổ chức dẫn đầu đi theo đường lối của Thầy.
Tất cả những thành quả lớn lao này có được là nhờ năng lượng từ bi dồi dào của Thầy. Cũng như các Phật tử khác, Thầy luôn đề cao đức từ bi, nhưng Thầy lại đi xa hơn bằng cách đem sức mạnh của từ bi vào việc chuyển đổi những bất công xã hội để mọi loài đều có cơ hội thực sự hạnh phúc . Ở Nhật hiện nay, các nhà sư chỉ làm công việc ứng phú và tang lễ, hoặc làm những hướng dẫn viên du lịch hơn là làm công việc của người thầy hướng dẫn về tâm linh cho quần chúng . Họ không hề quan tâm đến tình trạng xã hội, chính trị và kinh tế chung quanh họ, vì vậy mà người Nhật bây giờ không còn biết gì về sự phát triển của đạo Bụt trong quá khứ và hiện nay trên thế giới. Trong khi đó, Thầy Nhất Hạnh là hiện thân của bồ tát Quán Thế Âm, lắng nghe tiếng kêu cứu của muôn loài và dấn thân trên con đường giúp họ làm vơi bớt niềm đau nỗi khổ. Cho nên ngoài việc giảng dạy Phật pháp, Thầy vẫn dành nhiều thì giờ để chăm sóc những nạn nhân của chiến tranh và áp bức.
Ngay trong thời chiến tranh Việt Nam, tôi đã biết tìm đọc bất cứ cái gì mà Thầy viết ra. Tôi đã cho đăng lại bài thơOur green garden (Đừng biến mảnh vườn xưa thành mồi ngon lửa dữ) của Thầy trong tập san Arts of Activism của trường đại học Wisconsin; bài thơ này đã được đăng trong tập The Cry of Vietnam do nhà Unicorn Press xuất bản năm 1968. Năm 1976, nhà Unicorn Press lại xuất bản tập thơ Zen Poems của Thầy. Mùa thu vừa qua, nhà Parallax Press lại xuất bản thêm tám cuốn sách của Thầy, ngoài mười hai cuốn đã xuất bản trước đây, chưa kể những băng video thâu những bài pháp thoại của Thầy cũng được phát hành bởi nhà Parallax Press.
Cuốn Interbeing (Giới Tiếp Hiện chú giải) trình bày mười bốn giới luật của dòng tu Tiếp Hiện, một dòng tu được Thầy sáng lập vào năm 1964, giữa lúc chiến trường Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt với sự tham chiến của người Mỹ. Mười bốn giới thể hiện một quyết tâm chuyển hóa bản thân, thích ứng với hoàn cảnh tâm lý và xã hội, nhắm tới sự tạo dựng sự an vui lâu dài cho chính mình và cho muôn loài. Mười bốn giới là một đường hướng rất thực dụng cho đời sống hàng ngày trong từng giây từng phút, mặc dầu mỗi người tùy khả năng và phương tiện có thể hành trì một cách khác nhau.
Cuốn For the future to be possible (Để có một tương lai) nói về lợi ích của sự hành trì năm giới quý báu trong mọi khía cạnh của đời sống văn minh hiện tại, đã chú giải về kinh Người Áo Trắng; trong sách có sự đóng góp kinh nghiệm của một số học giả của nhiều tôn giáo khác nhau. Qua cuốn sách này, ta thấy đường hướng từ bi cứu khổ của Thầy đã ảnh hưởng sâu xa tới những nhà hoạt động xã hội.
Cuốn Love in action (Tình thương biểu hiện trong hành động) nhấn mạnh đến hạnh nguyện của những bồ tát dấn thân vào cuộc đời đau thương để xoa dịu và chữa lành những vết thương chiến tranh. Tình thương theo đạo Bụt phải được thể hiện bằng hành động, không phải chỉ là một lý thuyết suông.
Một người phải hoạt động nhiều như thế, phải chăm lo cho chu toàn nhiều công như thế, làm sao Thầy vẫn có thì giờ để làm thơ ? Có nhiều đọc giả khó tính cho rằng Thầy chỉ làm thơ để giải trí cho vui, nhưng thi sĩ Robert Lowel, một người rất ngưỡng mộ Thầy, đã xem Thầy là một nhà thơ Ộthứ thiệtỢ có tâm hồn tao nhã hiếm có và trí tuệ sáng ngời. Thơ của Thầy đã được hàng triệu người Việt Nam yêu chuộng nhưng đồng thời cũng bị hai chính quyền quốc gia và cọng sản lên án nặng nề. Họ lo ngại rằng cái chí khí cao thượng và dũng cảm chứa đựng trong thơ của Thầy có thể làm lung lay và sụp đổ chế độ chính trị bạo tàn của họ. Tập thơ Call me by my truename (Hãy gọi đúng tên tôi) xuất bản bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ làm rung động và soi sáng cho phần lớn chúng ta, những người yêu thơ hay không yêu thơ, trên phương diện tâm linh cũng như phương diện nghệ thuật. Tập thơ có hai phần : phần Tích môn và phần Bản môn.
Chủ đề của những bài thơ trong phần Tích môn là từ bi quán và lý duyên sinh của mọi hiện hữu; nắm vững điều này ta mới có thể giữ được cái nhìn tươi mát giữa những khổ đau chất ngất của chiến tranh . Chúng ta tránh được thái độ chạy trốn thực tại khổ đau bằng sự đi tìm hưởng thụ những khoái lạc giả tạo của thời đại mới. Chúng ta cũng tránh được không rơi vào tình trạng hoài nghi thất vọng của thuyết hiện sinh hay hư vô chủ nghĩa. Mọi hiện tượng của đời sống như khổ đau, tàn bạo và bất công đã đưa đến sự tàn hoại con người và vạn vật là những cái ta không thể trốn tránh được trong vòng sinh diệt vô thường, trái lại chính những khổ đau cơ bản ấy có thể đóng góp vào sự sáng tạo tuyệt vời của trái đất. Nhiều bài thơ đã diễn tả thật sâu sắc những hình ảnh đó, như hình ảnh
hỏa châu sáng trên trời
em bé vỗ tay reo
nhưng tiếng súng đã nổ
tiếng cười tắt theo
và chứng nhân còn đó
(Chứng nhân còn đó)
Một buổi sáng thức dậy, giữa lúc tình hình chiến sự Việt Nam vẫn sôi sục trong biển lửa và máu, nghe tin một trong những người Tiếp Hiện đầu tiên của mình đã dùng lửa để tự thiêu cho hòa bình, nhà thơ tự hỏi :
tại sao vũ trụ đẹp lên vô cùng ?
tại vì tôi sắp chết ?
tại vì tôi mở mắt ?
(Chân Dung)
Hình ảnh của lửa được dùng rất nhiều trong thơ của Thầy, để nói về chiến tranh, có khi để nhắc lại một chút lửahồng bếp cũ (Xóm Mới), hay để nói về thi ca (Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người) nhưng thường là để ám chỉ rằng, như Bụt đã nói trong Kinh Lửa, mọi sự đang đang bốc cháy, và biến đổi không ngừng trong tiến trình sinh diệt của vạn vật.
Thầy Nhất Hạnh luôn luôn thấy mình và những người khổ đau là một, nhất là khi những người ấy là những nhà tu, những người đang tự thiêu cho hòa bình :
lửa đốt cháy lòng tôi, đau thế gian,
ngã gục người học tăng bé nhỏ
em đốt tuổi xanh thành lửa đỏ
cháy ngất trời cao ngọn đuốc
rực về sông núi âm u
ôi thịt xương em
cho tôi quỳ ngàn năm bên đóng tro yêu quý
luyện phép linh thiêng
biến em thành hoa hồng trở lại
những đóa sen búp đầu mùa chưa kịp hái…
(Lửa đốt em tôi)
Thầy cũng thấy mình là kẻ đang bị hy sinh cho hòa bình :
tôi biết chiều nay chính em sẽ bắn tôi
để lại vết thương cho Mẹ ôm ấp ngàn đời nhức nhối…
…ngực tôi đây em bắn đi,
mạch máu của Mẹ truyền cho đây, em cắt đi,
để mà xây dựng nên lâu đài em mơ ước…
(Đừng biến mảnh vườn xưa thành mồi ngon lửa dữ)
Trong bài thơ Let me give back to our homeland (Xin trả về cho non sông cho nhân loại cho đồng bào) được trình bày dưới hình thức một vở kịch một màn trong cuốn Love in action (Tình thương trong hành động), Thầy cũng xác định lại rằng :
xương các em là xương tôi
thịt các em là thịt tôi
xương tôi tan
thịt tôi nát…
khi Thầy hay tin bốn tác viên Phụng Sự Xã Hội vừa bị kẻ lạ mặt bắn ngã gục bên bờ sông.
Còn da các em đây xin gửi trả về cho đồng bào
các em chưa bao giờ chấp nhận
cảnh nồi da xáo thịt
xin hãy dùng những mảnh da của các em đây mà vá lại
những đường rách, những vết cắt rướm máu trên thân hình dân tộc thương đau
(Xin trả về cho non sông cho nhân loại cho đồng bào)
Giữa bao nhiêu đau thương nhức nhối do chiến tranh đưa tới, Thầy vẫn không quên nhìn ngắm những nét đẹp của quê hương :
Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ
đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
công trình xây dựng ngàn đời
nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
(Bướm bay vườn cải hoa vàng)
Rõ ràng Phật pháp là thế gian pháp, hai cái không thể nào tách rời nhau. Một là tất cả, tất cả là một, cái nhìn Bát Nhã đã soi sáng suốt cả tập thơ, vì vậy mà tập thơ được mang tên Call me by my true name, hãy gọi đúng tên tôi; tôi có nhiều tên lắm, gọi đúng tên tôi thì đại bi tâm sẽ được khơi mở :
hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
làm đọt lá trên cành xuân
làm con chim non cánh mềm
chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá…
…tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón
bắt phù du
tôi là con ếch bơi trong hồ thu
và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân
bằng ếch nhái
tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn
đều lộ ra,
hai bàn chân bằng hai ống sậy
tôi cũng là người chế tạo bom đạn
để cung cấp kịp thời cho các nước Á Phi
tôi là em bé mười hai bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo…
…hãy gọi đúng tên tôi cho tôi giật mình tỉnh thức
(Hãy gọi đúng tên tôi)
Đây là một đề tài lớn đã từng được nhiều nhà thơ nổi tiếng đề cập tới, như trong tập thơ Brahma của Emerson hay trong tập thơ Leaves of Grass và Songs of myself của Walt Whitman ( tôi là một cụ già, tôi cũng là một thanh niên cường tráng, tôi là một nhà minh triết, tôi cũng là một tên khùng ). Thật ra hai nhà thơ này đều bị ảnh hưởng của tác phẩm Bhagavad Gita của Ấn Độ.
Tập thơ của Thầy đã diễn tả thật sâu sắc tinh thần bất nhị của đạo Bụt, ta không thể nào tách rời lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Bụt ra khỏi những đấu tranh gian khổ hàng ngày của dân tộc Việt Nam. Cho nên dù tập thơ được chia làm hai phần, Tích môn và Bản môn, nhưng ngay trang đầu tập thơ đã có lời giới thiệu như sau : Nếu bạn tiếp xúc sâu sắc thế giới Tích môn là bạn đã ở trong Bản môn, cũng như khi bạn an trú ở Bản môn tức là bạn chưa hề tách khỏi Tích môn. Bụt vẫn dạy rằng sinh tử không khác với niết bàn : sắc chính là không, không chính là sắc.
Thơ trong phần Bản môn nhấn mạnh đến trí tuệ Bát nhã, đến sự bừng sáng của tâm thức :
Xôn xao trời dậy hoàng hôn mới
mắt biếc chim chuyền lá thủy tinh
thức giấc lãng quên
hồn rực sáng
hồ tâm lặng chiếu nguyệt thanh bình
(Tâm Nguyệt)
Sự bừng sáng của tâm thức không bao giờ do một yếu tố tạo nên mà là kết quả của nhiều điều kiện hợp lại gọi là tương tức, một giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm :
trước khi tôi đi vào dòng suối
dòng suối đã có sẵn tôi
chúng ta không lúc nào không tương tức
(Phổ nhập)
Không có cái ta nào riêng biệt mà chỉ là một dòng biến hóa không ngừng :
mây là bay
hoa là nở
(Tiếng gầm sư tử lớn)
Mọi hành động đều có liên hệ chặt chẽ với nhau :
Anh là tôi
và tôi là anh
anh không thấy sao
rằng chúng ta tương tức
anh nuôi dưỡng đóa hoa trong tim anh
để cho tôi xinh đẹp
tôi chuyển hóa rác phiền não trong tôi
để cho anh không phải nhọc nhằn
(Tương tức)
Lập trường bát nhã này là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chủ nghĩa vị kỷ của phái Gestalt do Fritz Perls đề xướng. W.H. Auden đã viết : chúng ta phải thương yêu nhau không thì chúng ta sẽ chết . Đây là tiếng nói củanguời công giáo chân chính, tương tự như lời kêu gọi của Thầy Nhất Hạnh khi Thầy khuyên chúng ta nên tháo gỡ những trái bom trong tâm ta, để người này đừng làm cho người kia nổ tung. Đọc thơ của Thầy, ta có thể tháo gỡ được những trái bom trong tâm vì thơ của Thầy chứa đựng nhiều tuệ giác và tràn đầy tình thương chân thật, thỉnh thoảng có bài có lối hài hước đầy thiền vị như bài Phi cóc tính.
Một số bài thơ khác như bài Quy nguyện, Quay về nương tựa hải đảo tự thân, Thiền hành, Hơi thở ý thức…là những bài thiền tập có công năng trị liệu rất lớn. Ta có thể lấy bài thơ Padmani phác họa chân dung bồ tát Padmani mà Thầy được thấy trên vách trong động Ajanta ở Ấn Độ để mô tả chân dung của Thầy : bồ tát cầm đóa sen, dáng nghiêng trời nghệ thuật.
Bài thơ Thông điệp xác định lập trường vững chãi của những người không chịu khuất phục trước bạo lực :
tôi đi giữa rừng chông gai, như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo
đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó
những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
Nhiều thiền sư cũng làm thơ viết văn nhưng ít thấy ai diễn đạt được tình thương một cách tha thiết và sâu đậm như Thầy Nhất Hạnh. Lời văn và ý thơ của Thầy rõ ràng, sáng sủa, chân thật, không gai góc, hay hiểm hóc đến độ gây khủng hoảng cho tâm linh như nhiều người ưa đòi hỏi. Chỉ có những đầu óc cầu kỳ ưa thích những gì tối tăm rắc rối mới không chấp nhận được những tư tưởng thanh cao và tấm lòng quảng đại của Thầy. Nhưng không sao, Thầy vẫn thường xác nhận rằng có nhiều con đường đưa tới tự do, giải thoát; mỗi người tùy theo nghiệp lực của mình sẽ chọn con đường thích hợp.
Làm sao những người như Pound, Rexroth hay Waley có thể diễn dịch được thơ văn của Thầy ? Không nắm vững tiếng Việt, tôi không xác định được mức độ trung thực của những bản dịch này so với vẻ đẹp của nguyên tác. Có lẻ chỉ có một vị bồ tát mới có thể hiểu và diễn dịch một cách trung thực thơ của một vị bồ tát khác. Tập thơ Call me by my true name, Hãy gọi đúng tên tôi, đã diễn tả được rất xuất sắc tinh thần tương tức của đạo Bụt.
( Nhà phê bình văn học Morgan Gibson là tác giả các sách Revolutionary Rexroth : Poet of East-West wisdom, Among Buddhas in Japan và Tantric Poetry of Kukai, JapanỖs Buddhist Saint. Sống ở Kyoto, ông am hiểu tận tường văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản )