Khuôn mặt
Trên nguyên hai trang 66 – 67 của tạp chí, ta thấy hình Thiền Sư Nhất Hạnh đang dẫn đoàn người đi thiền hành với những dòng như sau:
Định cư từ ba mươi năm trên nước Pháp, một người Việt tên Thích Nhất Hạnh đã biến cái ngôi làng Loubès Bernac này thành ra một trong những trung tâm Phật Giáo lớn nhất hoàn cầu. Những lời dạy về hòa bình của người đã âm vang tận nước Mỹ sau ngày 11 tháng 9.
Vị Thiền sư vùng Bordeaux
Rạng ngày 22 tháng 11 năm 2001, trời vẫn còn chưa sáng. Ban đầu ta chỉ thấy những luồng ánh sáng rọi từ các xe hơi đến từ khắp hướng, và đều đặn từng loạt người cả nam lẫn nữ đổ ra khỏi xe giữa cảnh đồng quê làng Loubès. Từng nhóm, từng nhóm, họ im lặng đi, hướng về một ngôi nhà trệt bằng đá, xinh xắn và thanh bạch. Một số người mặc áo dài nâu, đầu không tóc; một số khác thì y phục bình thường của khách đến từ xa, y phục của thời đại: giày baskets, quần Jean và áo mùa đông Anorak dày. Trong những ngày đầu này của mùa đông, thính chúng gồm khoảng 250 thiền sinh khách. Họ ngồi thành vòng cung, hướng về một bục gỗ cao, vuông vức, trên đó có một chiếc bình cắm những đóa hoa thanh tú. Bình hoa làm dịu xuống khung cảnh trang nghiêm của thiền đường. Mỗi người ngồi xuống trên gối ngồi thiền của mình và đeo vào tai ống nghe để nghe thứ tiếng mà mình muốn nghe. Đối với “những người đi hành hương’’ đến từ bốn góc của Âu Châu và Mỹ Châu, làng Loubès – Bernac, nằm vùng biên giới ba tỉnh Dordogne, Lot & Garonne và Gironde đã trở thành vùng cao điểm của đạo Bụt. Những vị đi hành hương này, cả nam lẫn nữ, đã từ nhiều phương xa đến tận đây để nghe lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cánh cửa bên hông thiền đường mở ra, Thiền sư bước vào, theo sau là một thị giả giúp thầy cởi bỏ áo khoác ngoài. Một ông thầy tu nhỏ bé, đầu không tóc, bước vào thiền đường bằng những bước chân nhẹ nhàng của một chú mèo. Ông mặc một chiếc áo màu nâu khiêm tốn, đi về hướng chiếc bục gỗ và ngồi xuống trong tư thế kiết già. Người bắt đầu giảng dạy bằng giong nói thật nhẹ khiến mọi người phải cố gắng lắng nghe. Thỉnh thoảng Người nâng chén trà lên bằng hai tay và uống từng ngụm nhỏ: “Lúc này đây – thiền sư chợt nói – bản năng của chúng ta đang đẩy chúng ta đi về hướng muốn tiêu diệt quân khủng bố. Nhưng chúng ta làm sao tiêu diệt được khủng bố bằng phi cơ? Bóng tối không thể bị phá tan bằng bóng tối, nó chỉ làm cho bóng tối dày đặc hơn. Chỉ có sự hiểu biết và lòng từ bi mới có thể phá tan bạo động và hận thù. Sự khủng bố nằm trong trái tim của con người. Chúng ta phải loài trừ chất liệu khủng bố ra khỏi những trái tim thù hận kia. Nếu không, chúng ta sẽ càng ngày càng tạo thêm nhiều quân khủng bố nữa.
Định cư ở Pháp từ ba mươi năm nay, vị thiền sư Việt Nam mà mọi người đang lắng nghe lời dạy dỗ với một niềm chiêm ngưỡng là một trong những ngọn đèn pha tâm linh của thiền ở Tây Phương. “Đây đúng là một vị đạo sư thực thụ, với những pháp môn tu tập tâm linh rất thâm sâu”. Ông Mathieu Ricard, đồng tác giả với thân phụ của ông là một nhân vật của Hàn Lâm Viện Pháp Jean Francois Revel trong cuốn sách: “ Thầy tu và triết gia” (Nhà xuất bản Pocket) đã xác định như thế. Ở bên Mỹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xem là một minh tinh (star) thực sự. Bên ấy, thầy có hơn một trăm nghìn đệ tử. “Đây là người phật tử quan trọng nhất ở Phương tây, cùng với đức Đạt Lai Lạt Ma’’, giáo sư về tôn giáo học Cương T.Nguyễn của trường đại học George Mason ở tiểu bang Virginia đã nói thế. Ông này có biết đến Thầy trong những thập niên 1960 khi Thầy còn ở Sài Gòn.
Ngày 10 tháng 9, chưa đầy 24 giờ trước khi cuộc khủng bố xảy ra ở trung tâm thương mại thế giới tại Nữu Ước, cuốn sách mới nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa xuất bản, với cái tựa như tiên đoán trước thời cuộc: “Lửa Giận” (Anger). Nhà xuất bản như đã thấy trước rằng cuốn sách này sẽ bán rất chạy. Đây là một tổng hợp giữa tâm lý học và tâm linh học. Cuốn Living Buddha, Living Christ (Bụt ngàn đời, Ky Tô ngàn đời) ra đời năm 1995 của thiền sư đã bán được hơn 200.000 bản và quyển An Lạc Từng Bước Chân (ra đời từ năm 1991) đã có hơn một triệu độc giả. Nhưng nhà xuất bản tiếng Anh không ngờ quyển Anger (Lửa Giận) cũng bán chạy không thua gì sách của Stephen King. Ngay sau ngày có cuộc khủng bố, quyển sách này đã trở thành một hiện tượng thời đại. Đợt in đầu 37.000 cuốn đã hết sạch trong vòng 8 ngày. Và sách này cứ tiếp tục được bán với tốc độ 50.000 cuốn mỗi tuần. “Chúng tôi không ngờ sự việc xảy ra nhanh chóng như thế! – bà Amy Hertz, người của nhà xuất bản đã in sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bày tỏ sự ngạc nhiên. Thường thì ta phải chờ khoảng hai hay ba tuần lễ thì mới biết được quyển sách có được quần chúng ham chuộng hay không”. Đằng này, cuốn sách Anger (sẽ xuất bản bằng tiếng Pháp vào tháng 2 năm 2002, nhà xuất bản Hachette Lattès), vừa mới xuất hiện tuần đầu mà đã nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất in trên Nữu Ước Thời Báo (New York Times), chỉ tiêu của sự thành công trên nước Mỹ.
Sào huyệt của khủng bố nằm trong trái tim con người.
Ngày 13.9.2001, do những lời truyền miệng, hơn 3.000 người đã chen lấn nhau để vào nghe thiền sư nói chuyện ở rạp hát thành phố Berkeley. Sau thời thuyết pháp, quần chúng đã đứng dậy và nói vọng lên: “We love you! We love you!”. Ngày 25 tháng chín, lại cũng gần 3.000 người tại nhà thờ Riverside Church, Nữu Ước vào nghe thầy giảng và 1.500 người phải đứng chờ ngoài cửa, không được vào vì hết chỗ. Rõ ràng là trong khi số đông quần chúng Hoa Kỳ ngồi dán mắt vào màn ảnh truyền hình để nghe lời hăm dọa trả thù quân khủng bố của Tổng Thống họ thì thông điệp của vị Thiền sư Việt Nam khiến một số không ít người nghe bỗng sững sờ chợt hiểu.
Thầy nói với thính chúng Hoa Kỳ: “Trong chiến tranh Việt Nam, hàng ngàn người bị chết trong đó có bạn bè tôi và các đệ tử tôi. Tôi phẫn nộ, nhưng tôi đã biết chế trị cơn giận. Tôi đã quán chiếu và thấy rằng hành động hay nói năng trong khi căm giận chỉ có thể tạo thêm tan vỡ. Tôi đã hiểu rằng không phải chỉ những người Việt Nam mới đau khổ mà cả những người lính Hoa Kỳ được gửi sang Việt Nam để giết và để bị giết cũng rất khổ đau. Vì thế tôi đã không còn căm giận người Mỹ nữa. Ngày hôm nay tôi cảm thấy tôi cũng là người dân Nữu Ước. Chúng ta phải phục hồi cho được sự bình tĩnh và sáng suốt của chúng ta”.
Sau đó Thiền sư đã nói thêm: “Sào huyệt của khủng bố nằm trong trái tim con người. Càng giết, ta càng tạo thêm nhiều cảm tử quân khủng bố. Cơn bệnh khủng bố đã do những con vi khuẩn có tên là căm thù và cái thấy sai lệch gây ra. Chúng ta cần giết con vi khuẩn và trị bệnh chứ không nên giết người bệnh”. Nhà văn Daniel Odier, tác giả quyển tiểu thuyết Diva, với bút hiệu là Delacorta, được biết Thầy từ năm 1967, đã nói: “Thầy (thiền sư) đã nói rằng chúng ta phải tập nhìn thế giới như là một tấm gương phản chiếu sự bạo động nằm sâu trong tâm thức chúng ta”.
Trong thời gian xảy ra nhiều cuộc khủng bố, giáo sư Jack Weller của viện đại học California đã giảng dạy một khóa về đề tài: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh và óc sáng tạo”. Giảng khóa này có quá nhiều sinh viên đăng ký cho đến nỗi Giáo Sư Weller phải giảng dạy lại trong lục cá nguyệt thứ hai cùng một đề tài này. Giáo sư giải thích: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy chúng ta chăm sóc cơn giận một cách rất cá nhân đối diện với những biến cố trọng đại của thời cuộc chứ không như một khối tâm vô phân biệt (pas une masse indistincte)”.
Đối với số đông người Hoa Kỳ, những biến cố ngày 11 tháng 9 đánh động đến một giai đoạn đau thương khác của lịch sử nước họ: chiến tranh Việt Nam. Thật là một cuộc chấn động khủng khiếp, thêm một khám phá phũ phàng nữa, sau ba mươi năm, rằng là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không phải là nước không thể bị đánh bại. Khi thiền sư nói với người Hoa Kỳ rằng sự tức giận của họ là hợp lý và họ cần phải sử dụng năng lượng giận dữ ấy để mỗi người tự chuyển hóa và tự biến mình thành một sứ giả của hòa bình, thành người có khả năng đi gỡ mìn trong trái tim của những kẻ khủng bố. Khi thiền sư nói như thế thì lời của ông lại đáng tin gấp hai lần. Bởi vì Thầy khuyến khích họ cố tìm bình an trong tâm hồn mình – cho dù trong thực tế, họ có cách gì làm khác hơn đâu – bởi vì Thầy cho rằng cơn giận của họ là hợp lý. Thầy Thích Nhất Hạnh – tên Hạnh có nghĩa là hạnh động – đã dạy một loại đạo Bụt dấn thân vừa làm thỏa mãn đầu óc thực dụng của người Hoa Kỳ, vừa nuôi dưỡng được nhu yếu khát khao tâm linh của họ. Đạo Bụt dấn thân này, đó là hình ảnh rất đặc thù (I’originalité), khuôn mặt không thể nhầm lẫn (I’image de marque) và ‘tính ăn khách’ (atout commercial) của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngay trong những thập niên 1960, trên sân trường Đại Học Columbia ở Manhattan Nữu Ước, ông thầy tu trẻ Thích Nhất Hạnh, lúc đó đang nghiên cứu về môn tôn giáo tỷ giáo, đã bắt đầu tổ chức những cuộc diễn hành cho hòa bình rồi. “Hồi đó rất ít người nghe nói đến ông thầy tu trẻ này, nhưng đây là một ông thầy khá đặc biệt đã khiến chúng tôi chú ý vì ông chủ trương và kêu gọi miền Nam và miền Bắc Việt Nam hòa giải với nhau và với Hoa Kỳ. Ông không theo miền Bắc cũng như không theo miền Nam vì ông rất ngán chiến tranh”. Nhà văn và nhà nhân chủng học Joan Halifax đã nhớ rõ như thế. Hiện giờ Halifax cũng đang ủng hộ những người bị kết án tử hình trong các nhà tù ở Hoa Kỳ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gây được sự cảm phục của người thắng giải Nobel hòa bình năm 1964 là mục sư Martin Luther King. Ông này đã viết thư cho Ủy ban Nobel Hòa Bình ở Stockholm đã đề cử Thầy cho giải Hòa Bình sau đó. Nhưng thái độ độc lập phóng khoáng của thiền sư đã gây cho ông khá nhiều kẻ thù. Nhất là trong chính đất nước của ông mà đã có một thời ông đã bị đài phát thanh của ông Nguyễn Cao Kỳ cũng như của Hà Nội tố cáo ông. Một phần cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng có một cái nhìn không rõ rệt về ông. Có hơn một người Việt Nam ở hải ngoại đã xem ông như là người thân cộng vì những hoạt động hòa bình của ông.
“Đạo Bụt là đạo giúp người quay về nội tâm thiền quán. Trường hợp của thiền sư Thích Nhất Hạnh là ngoại lệ. Trong khi các tín hữu Phật Giáo, nhất là tín hữu của những thập niên 60 đã xem tôn giáo này như là nơi trú ẩn những xáo trộn của xã hội, thì thầy Thích Nhất Hạnh đã chứng minh bằng cuộc đời của Thầy, sự cần thiết dấn thân của đạo Bụt vào đời sống hằng ngày, ví dụ như là dấn thân cho hòa bình”. Giáo sư xã hội học Frédéric Lenoir, tác giả quyển sách La Rencontre du Bouddhisme et de l’Occident (Sự gặp gỡ giữa Phật Giáo và Tây Phương) đã giải thích như thế.
Ở Hoa Kỳ, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn thực tập kỹ càng cho những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Trong thời chiến, anh Lee Thorn làm công tác tải bom lên các phi cơ đi oanh tạc các thôn Việt Nam và Lào. Bây giờ thì anh làm việc trong Hội Jhai chuyên bảo trợ những dự án hòa giải giữa những cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh thảm khốc với người dân nạn nhân của những cuộc oanh tạc đó, như xây cất trường học, bệnh xá v.v.. “Tôi bắt đầu được nghe nói về thiền sư Thích Nhất Hạnh khi tôi trở về Hoa Kỳ và tôi cũng bắt đầu chống chiến tranh Việt Nam’’, anh Lee Thorn thuật như thế này. “Thầy thì yêu tất cả mọi người, còn chúng tôi thì không yêu ai hết. Tôi bắt đầu đọc sách của Thầy mỗi ngày và bắt đầu tu tập theo lời Thầy dạy. Điều mà tôi hiểu được nơi lời dạy của Thầy là tình thương quả là cần thiết cho thế giới chúng ta. Đấy, vì thế mà tôi bắt đầu làm dự án này để giúp đỡ nước Lào”.
Giáo sư Joan Halifax giải thích: “Thầy đã quán sát tâm lý người Tây Phương và đã làm cho đạo Bụt trở nên rất dễ hiểu cho họ. Đạo Bụt của Thầy thật đẹp, đơn giản và đi thẳng vào lòng người”. Sử dụng những phương tiện quảng bá cổ điển, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sử dụng sách của Thầy như những ống loa để chuyền đi những thông điệp của Thầy. Một trong những đệ tử của Thầy, Arnold Kotler, đã lập một nhà xuất bản chỉ để in sách của Thầy. “Sách của tôi cũng giúp tôi nhiều lắm – Thầy cũng công nhận như thế”. Sách đó giúp độc giả nhận diện những khổ đau của họ qua những khổ đau mà tôi chia sẻ với họ và từ đó biết cách tu tập chuyển hóa như tôi đã đề nghị”.
“Tuy nhiên, nước Pháp đã chần chừ khá lâu mới chịu chấp nhận ảnh hưởng của ông thầy này, chần chừ trong suốt ba mươi năm qua, học giả Fréderic Lenoir nhận xét như thế”.
Nước ta (Pháp), ngay từ lúc đầu đã có sự say mê đạo Bụt Tây Tạng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người có phong thái thanh bạch và giản dị; ông đã không đến với nước Pháp như Phật Giáo Tây Tạng với nhiều hào quang bùa phép. Không có những nghi lễ kèn trống ầm ĩ, không y áo vàng nghệ, không cờ xí màu mè sặc sỡ, không chuông khánh, không bồ tát mặt xanh chuyên trừ ngạ quỷ. Đất nước Việt Nam cũng không gieo được trên tâm trí người Pháp, giữa Hergé và Alexandra David Noel, những ảnh hưởng kỳ bí như đất nước Tây Tạng.
Tuy nhiên, sách của Thầy giờ đây đang bán rất chạy trên nước Pháp. Trung bình là 30.000 cuốn mỗi lần xuất bản – có thể xem như là loại sách bán chạy nhất (best sellers) trong loại sách chuyên về tâm linh. Thiền sư nhờ vào sự mến mộ đạo Bụt hiện tại của người Pháp. Theo thống kê của bộ nội vụ là có khoảng 600.000 người tu tập đạo Bụt với ít nhiều tinh chuyên. Năm 1994, một cuộc thăm dò của hãng Sofres – Le Figaro cho biết hiện giờ đạo Bụt là đạo ưa thích nhất của hai triệu người Pháp. Ngày nay, theo sự điều tra của Psychologies – BVA, số người yêu thích đạo Bụt đã lên đến con số năm triệu.
Theo một số người, đạo Bụt là con đường có thể tạo lại được hứng khởi về sự diệu kỳ của thế giới mà rất đông người Âu Châu thao thức. “Tôn giáo này có cách đưa ta đi vào bằng con đường tuy duy lý mà không hề khô cứng, học giả Fréderic Lenoir giải thích như thế. Nó thu hút những người mệt mỏi vì tâm tư ưa phân tích, họ được lôi kéo bởi một hệ thống tâm linh vi tế hơn, không nhị nguyên và có đủ không gian cho trực giác”. Đạo Bụt đã dạo đúng cung đàn thời đại: chủ trương mỗi cá nhân phải tự lo lấy cho mình, mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, tự quán chiếu và tự chuyển hóa cho chính mình. Tôi phải lo giải thích cho tôi trước nhất.
“Tôi như một miếng sắt được rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sinh trưởng tại Trung phần Việt Nam năm 1926, đã đi tu từ khi 16 tuổi. Thân phụ của Thầy làm việc trong chính phủ Nam Triều của vua Bảo Đại tương lai. “Tôi đã nghĩ rằng đạo Bụt có thể là một giải pháp giúp Việt Nam vượt thoát thể chế đô hộ của người Pháp, như là thánh Gandhi đã thành công bên Ấn độ”. Thầy nói như vậy. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương, ông viết sách dưới nhiều bút hiệu khác nhau và tu học với một thiền sư của thời đại của Thầy, thuộc dòng thiền Lâm Tế (một thiền sư vào thế kỷ thứ 9). Năm 1954, vào năm 24 tuổi, Thầy thành lập Phật Học Viện Ấn Quang mà sau đó đã trở thành chiếc nôi của những cuộc đấu tranh bất bạo động của người Phật tử chống chiến tranh Việt Nam từ 1963 đến 1975. Những vị xuất gia đã tự thiêu để chống chiến tranh đều là những người quen biết của Thầy.
Năm 1961, ông thầy tu trẻ này đi Hoa Kỳ để học hỏi thêm, ban đầu tại đại học Princeton, New Jersey và sau đó tại Đại học Columbia, New York. Trở về Sài Gòn, Thầy thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, viện Đại Học Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam, rất khác với những Phật Học Viện dành cho các thầy tu theo truyền thống xưa. “Theo mẫu mực những trường đại học ở Hoa Kỳ – Giáo Sư Cường T Nguyễn đã giải thích như thế – ngoài những chứng chỉ về tôn giáo còn có những chứng chỉ về khoa học, chính trị hay kinh tế”. “Thầy Thích Nhất Hạnh muốn thành lập một trường dạy loại đạo Bụt rất thực tiễn hơn là lý thuyết – sư cô Chân Không đã giải thích như vậy. Đạo Bụt không dạy ta chỉ ngồi thiền dưới gốc cây mà thôi. Khi bom đạn rơi xuống tơi bời thì không thể nào ta ngồi yên dưới gốc cây để thiền quán mà phải đi băng bó người bị thương và cho các cháu đói ăn cơm”.
Thầy Thích Nhất Hạnh đã bắt đầu nổi tiếng vào thời đó. “Thầy rất được hâm mộ bởi hàng trí thức Phật Giáo. Giáo sư Cương T Nguyễn nhớ rõ như thế. Thầy cuốn hút tuổi trẻ vì Thầy là hiện thân của những giấc mơ của họ: Thầy có đi học bên Tây. Hơn nữa, những điều Thầy dạy rất tâm đắc với người trẻ”. Trong một đất nước chiến tranh, những thập niên đã làm nền tảng cho sự dấn thân của Thầy Thích Nhất Hạnh. “Tôi như một miếng sắt được rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh” – Thầy bảo. Thầy đã thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội một cách nhanh chóng, một tổ chức mà sau mười năm hoạt động đã có đến hàng ngàn người tự nguyện làm việc không lương trước khi bị cấm đoán bởi chính quyền cộng sản năm 1975, sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Hoạt động cứu khổ này vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay. Sư cô Chân Không báo cáo là Thầy và học trò của Thầy đã gửi khoảng 50.000 Mỹ Kim mỗi tháng để giúp gần 1.100 lớp học mẫu giáo ở những làng nghèo khổ xa trong các miền kinh tế mới hay các miền núi chưa có trường học. “Đó là sứ mạng của một vị Bồ Tát đã khước từ Niết Bàn để ở lại độ người”. Ông Nguyễn Hữu Khoa, chủ tịch Portail Internet Buddha Line (Cửa vào đường dây của Bụt) đã phát biểu như vậy.
Năm 1966 thầy Nhất Hạnh bắt đầu lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và đi một vòng rất nhiều nước Âu Châu và Mỹ Châu. Thầy không ngờ là từ đó Thầy không còn được thấy lại quê hương Việt Nam của Thầy nữa. Vào năm 40 tuổi Thầy bị lưu đày. Thầy bị cấm đoán về nước. Chính quyền Sài Gòn cấm mà chính quyền Hà Nội cũng cấm. Những lời kêu gọi hòa bình của Thầy đã khiến cho cả hai bên bực bội và những công tác xã hội của Thầy cũng chỉ làm cho họ bực thêm. “Tôi là ông thầy tu đầu tiên dám đi xe đạp và cũng là người dám tổ chức thiền tọa trên bãi biển. Đó là cuộc cách mạng lớn của tôi”. Thầy vừa nói diễu vừa mỉm cười hóm hỉnh.
Năm 1968, thầy Thích Nhất Hạnh bước chân đến nước Pháp và đã không thành công lắm trong sự tham gia và ảnh hưởng vào những cuộc đàm phán của hội nghị Paris về Việt Nam. Thầy mở một trung tâm tu học ở Troyes cho một số người tị nạn đến tu tập từng đợt. Năm 1982, vì con số người đến tu học tăng vọt quá nhanh, thầy Nhất Hạnh mở một nơi tu học mới, đặt tên là Làng Mai (Village des Pruniers). Nông trại đầu tiên mua ở Loubès Bernac (tỉnh Lot & Garonne). Với 200.000 Mỹ kim tiền bản quyền của một cuốn sách của Thầy, Thầy đã mua trung tâm thứ ba ở Dieulivol (tỉnh Gionrde). Ngày nay Làng Mai có bảy cơ sở gọi là bảy “Xóm” hay là bảy nhóm nhà, nằm rải rác trên ba ngôi làng thuộc ba tỉnh miền tây nam nước Pháp.
Khi vừa tới Loubès Bernac, Thầy ra lệnh cho nhổ bỏ gần 2 mẫu nho làm rượu và cho trồng 1.250 cây mai (mận) ăn quả – 250 cây mỗi mẫu tây. Chuyện ngẫu nhiên nhưng Thầy cũng hay nhắc nhở là 1.250 cây mai này như là một nháy mắt ra hiệu của Bụt. Con số 1.250 là con số khá linh thiêng thường được nhắc đến trong các kinh: “Bụt thuyết pháp trước 1.250 vị đệ tử”. Sư cô Chân Không lại giải thích rất thực tế là: “Chúng tôi cũng muốn trồng những cây gì có thể đem lại ít tiền cho trung tâm tu học”. Mỗi năm trái mai (mận) sấy khô mang đến khoảng 20.000 quan để nuôi 130 người xuất gia tu học tại Làng Mai. Nhưng phần lớn nhờ vào tiền bản quyền sách của Thầy. Thầy Nhất Hạnh viết hơn 50 quyển sách, ngoài những cuốn đã in trong nhà xuất bản còn có những cuốn truyện dài, những tập thơ và nhất là những cuốn sách dạy nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Sách của Thầy bán rất chạy: nhà xuất bản ở Hoa Kỳ vừa trả 600.000 Mỹ kim cho cuốn sách sắp tới của Thầy. Những khách thập phương đến tu học cũng là một nguồn tài chánh đáng kể. Mỗi năm hơn 4.000 người đã từ xa tới nơi này tu học, một nơi được xem như là vùng đất cao điểm của đạo Bụt khiến cho dân địa phương cũng rất ngạc nhiên. “Mùa hè chúng tôi có gần 700 người tu tập mỗi tuần. Không đủ chỗ trong nhà, các bạn cắm lều cùng khắp. Trong mùa hè, chúng tôi phải đi mướn nhiều gites (nhà của dân địa phương cho mướn) quanh vùng cho những thiền sinh khách cần tiện nghi”.
Cuộc sống ở Làng Mai không nhàn hạ lắm đâu. Tiếng chuông thanh thoát vẫn không làm cho ta quên được rằng ta phải thức dậy lúc 5 giờ sáng. Trước khi ăn sáng, mọi người có hai giờ thiền tập. Khi không đi dạy xa, Thầy thường cho hai pháp thoại khá dài mỗi tuần: ngày thứ năm và ngày chủ nhật. Tất cả sự tu tập đều dựa trên hơi thở để giúp ta đạt tới trạng thái “chánh niệm” (Pleine Conscience). Trước khi ăn trưa, có một giờ tập đi trong chánh niệm gọi là đi thiền hành. Khi đi ta để cho bước chân với hơi thở quyện một cách hài hòa vào nhau, đi như thế về chắc ăn cơm ngon lắm. Sau giờ làm việc nhà trong chánh niệm (chấp tác) các thiền sinh còn theo học những môn khác (Phật giáo căn bản, thiền lạy, thiền buông thư, làm mới, uy nghi, giới luật …) và ngồi thiền một tiếng rưỡi trước khi đi ngủ. Sự “Im Lặng Hùng Tráng” về đêm rất cần thiết. Một ngày làm biếng mỗi tuần đã được ghi trong đời sống tu tập nghiêm mật của Làng Mai. Đôi khi thiền sư cũng biết đùa giỡn. Ngày 22 tháng 11 vừa qua, trong lúc đi thiền hành ngang một cây đầy lá vàng, Thầy bỗng dừng lại và rung cây để cho lá vàng rơi lả tả trên đầu các đệ tử. Cả đoàn người đều phá ra cười.
“Tôi hơi lo là người ta sẽ lý tưởng hóa Thầy thái quá, nhà nhân chủng học Joan Halifax cũng đã từng là học trò của Thầy. Một số đệ tử của Thầy than phiền là họ ít được dịp gần gũi Thầy”. “Có lẽ vì Thầy quá nổi tiếng, người thán phục thì nhiều mà sức khỏe Thầy thì mong manh nên Thầy ít có thì giờ trực tiếp với đệ tử. Đó là một vấn đề, bởi vì nếu mình muốn tu tập, sự liên hệ trực tiếp với Thầy mình quả thật là cần thiết. Chỉ có cách ấy Thầy mới trao truyền được nhiều cho mình”. Thầy Nhất Hạnh đi dạy các khóa tu ở khắp nơi mỗi năm nhiều tháng. Thầy đã mở hai tu viện ở Hoa Kỳ, một ở tiểu bang ở Vermont, miền Đông và một ở gần San Diego California, miền Tây. Từ sau ngày 11 tháng 9, Thầy khuyến khích chánh quyền Hoa Kỳ nên thành lập một hội đồng Nhân Sĩ mà vai trò chỉ là “ngồi lắng nghe nỗi khổ của người dân Hoa Kỳ trước tiên để có thể hiểu thêm nỗi khổ của kẻ mà ta thù hận. “Cũng như những hội đồng hòa giải ở Nam Phi, những buổi lắng nghe này có thể cho truyền thanh, truyền hình rộng rãi cho dân chúng theo dõi”. Thầy xác nhận như thế.
Năm 1995, Thầy bắt đầu đi Trung Quốc như một du khách, nhưng dần dà người ta đồn là có một vị đại sư đang du hành trong đất nước này – sư cô Chân Không nhắc lại – và khóa tu đã chấm dứt bằng một khóa tu ba ngày liên tục cho 600 ông thầy tu Trung Quốc. “Đi du lịch mà cũng dạy đạo được, thấy không?”, thầy Nhất Hạnh nhắc lại một cách hóm hỉnh. Sau chuyến đó Thầy đã được Hội Phật Giáo Trung Quốc mời trở lại trong Trung Hoa Lục Địa hai lần với sự đồng ý của nhà nước. Nhiều vị xuất gia tại Trung Hoa ngày nay đang hướng về và mong mỏi được tu tập với Thầy, học hỏi cái giáo pháp mà họ không được học dưới thời Mao Trạch Đông, – ông Nguyễn Hữu Khoa đã giải thích như thế – ảnh hưởng của Thầy về đạo Bụt trong một nước lớn nhất thế giới sẽ vô cùng lớn lao: rồi đây trong thế hệ tới, Thầy sẽ có nhiều đứa con tinh thần người Trung Quốc”. Trong khi đó thì, bản thân Thầy cũng như sách của Thầy, băng giảng của Thầy – băng hình cũng như băng nghe – vẫn còn bị cấm đoán trong nước của chính Thầy, nước Việt Nam. “Tôi không hiểu tại sao người ta đi sợ hãi một ông thầy tu tầm thường như tôi”. Thầy Nhất Hạnh đã than thở như thế. Một ông thầy tu tầm thường. Nhưng ông thầy này, với tất cả sự thong thả, và với cách làm việc rất có phương pháp của ông, ông đã quyết định giúp đạo Bụt chinh phục Tây phương về cho đạo Bụt.