Hòa bình bắt đầu từ chính bạn
Phỏng vấn của John Malkin, ngày 1/7/2003, được chuyển ngữ từ tiếng Anh
Tôi vừa được gặp Thầy Nhất Hạnh tại tu viện Kim Sơn ở miền Bắc California. Tôi rất hạnh phúc được ngồi trên gối thiền và uống trà với Thầy, nhưng tôi cũng vui không kém khi Thầy đưa tay chỉ xấp giấy câu hỏi mà tôi đang để bên cạnh. Nếu không thì e rằng một tiếng đồng hồ sau, cuộc phỏng vấn vẫn chưa thể bắt đầu dù đã có chuông báo giờ ăn trưa.
Thầy Nhất Hạnh, một thầy tu Phật giáo người Việt Nam đã được Mục sư Martin Luther Jr. đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967, vì Thầy đã đóng một vai trò trọng yếu trong phong trào kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Thầy là tác giả của hơn một trăm cuốn sách như: Thương yêu thành hành động (Love in action), An lạc từng bước chân (Peace is very step), Phép lạ của sự tỉnh thức (The Miracle of Mindfulness), Không sinh không diệt, đừng sợ hãi (No Death, No Fear). Hiện nay Thầy đang sống tại tu viện Làng Mai, Pháp quốc.
(John Malkin)
John Malkin: Thưa Thầy, xin Thầy cho biết nguồn gốc của Đạo Bụt Nhập thế (hay đạo Bụt dấn thân – Engaged Buddhism) và Thầy làm thế nào để kêu gọi sự thay đổi xã hội dựa trên lòng từ bi?
Thầy:
Đạo Bụt Nhập thế cũng chỉ là đạo Bụt mà thôi. Khi mà bom đạn rơi trên đầu của đồng bào thì chúng tôi không thể ngồi tọa thiền suốt ngày trong thiền đường được. Thiền không chỉ là ý thức được những gì đang xảy ra trong thân hay trong cảm thọ của mình mà còn ý thức cả những gì đang xảy ra chung quanh mình.
Khi tôi còn là một sa di, chúng tôi – những người tu trẻ – đã chứng kiến bao khổ đau, mất mát do chiến tranh gây ra. Vì vậy chúng tôi thao thức thực tập đạo Bụt như thế nào để có thể đem áp dụng được vào đời sống xã hội. Điều đó không dễ, tại vì sự thực tập đạo Bụt lúc bấy giờ vẫn chưa thể hiện một cách trực tiếp tính chất nhập thế. Vì vậy chúng tôi phải tự mình khởi xướng, đó là hoàn cảnh ra đời của đạo Bụt Nhập thế.
Đạo Bụt phải dính líu tới đời sống hàng ngày của chúng ta, dính líu tới niềm đau nỗi khổ của chúng ta và của những người chung quanh. Chúng ta phải thực tập như thế nào để trong khi giúp đỡ cho một đứa trẻ bị thương, ta vẫn có thể duy trì được hơi thở chánh niệm. Chúng ta không nên đánh mất mình trong công việc. Làm việc cũng chính là thiền tập.
John Malkin: Những nhân duyên nào đã đưa Thầy đến nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1966, và chuyện gì đã xảy ra trong khi Thầy đang ở đó?
Thầy:
Tôi được trường đại học Cornell mời sang để thuyết giảng. Nhân cơ hội này, tôi trình bày về những khổ đau đang diễn ra tại Việt Nam do chiến tranh gây ra. Sau đó tôi được biết là nhà nước Việt Nam không muốn tôi trở về quê hương. Vì vậy tôi phải ở lại và tiếp tục làm việc ở đây. Tôi không có ý định sang Tây phương để giảng dạy về đạo Bụt. Nhưng vì bị lưu đày khỏi quê hương nên tôi mới làm công việc này. Cơ hội để chia sẻ về đạo Bụt tại Tây phương đến với tôi một cách tự nhiên như vậy thôi.
John Malkin: Trong thời gian ở Mỹ, Thầy đã học được điều gì?
Thầy:
Điều đầu tiên tôi học được là: ngay cả khi có thật nhiều tiền bạc và quyền hành, người ta vẫn đau khổ như thường. Nếu trong ta không có đủ bình an và từ bi thì chúng ta không thể nào có hạnh phúc. Rất nhiều người ở châu Á muốn tiêu thụ như người châu Âu hay châu Mỹ. Vì vậy khi giảng dạy ở Trung Quốc, Thái Lan hay những nước châu Á khác thì tôi đều cho họ biết là ở Tây phương người ta đau khổ rất nhiều vì nghĩ rằng tiêu thụ sẽ mang lại cho họ hạnh phúc, vì vậy quí vị phải trở về với những giá trị truyền thống của mình và thực tập cho sâu sắc.
John Malkin: Thầy đã học được gì từ Mục sư Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền ở Mỹ?
Thầy:
Lần cuối tôi gặp Mục sư Martin Luther King là ở Genève, trong hội nghị hòa bình có tên là “Paix sur Terre” (Hòa bình trên Trái đất). Tôi nói với Mục sư King là nhân dân Việt Nam rất biết ơn Mục sư vì đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người dân Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền của người dân đất nước mình, đồng thời luôn yểm trợ cho nhân dân Việt Nam. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát.
John Malkin: Thầy nghĩ như thế nào về phong trào hòa bình lúc bấy giờ ở Mỹ?
Thầy:
Vào thập niên 60, người dân Mỹ rất từ bi và sẵn sàng yểm trợ chúng tôi trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những người tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ không có đủ kiên nhẫn. Họ rất dễ nổi giận khi những gì họ làm không đem lại kết quả như mong muốn. Có rất nhiều giận dữ và bạo động trong các phong trào hòa bình lúc bấy giờ.
Bất bạo động và từ bi là nền tảng của phong trào đấu tranh cho hòa bình. Nếu không có đủ bình an, sự hiểu biết và thương yêu trong chính tự thân thì những công việc mà chúng ta làm không phải thật sự là vì hòa bình. Chúng ta đều biết là hòa bình phải bắt đầu từ chính tự thân, nhưng không phải nhiều người trong chúng ta biết cần phải làm như thế nào để có được điều đó.
John Malkin: Người ta thường nghĩ rằng mình phải lựa chọn: một là dấn thân để mang lại sự thay đổi trong xã hội, hai là tập trung phát triển đời sống tâm linh cá nhân. Thầy nghĩ như thế nào về quan niệm này?
Thầy:
Theo tôi thì đây là cái nhìn nhị nguyên. Mục đích của sự tu học là để chuyển hóa khổ đau, khổ đau trong ta và khổ đau chung quanh ta – hai cái này có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu đi lên núi để tu tập một mình thì ta sẽ không có cơ hội để nhận diện được sự giận dữ, ganh tỵ hay tuyệt vọng trong ta. Vì vậy, va chạm với những người khác cũng cần thiết, để ta có thể thấy rõ những tâm hành trong tự thân. Có như vậy, ta mới có thể nhận diện và nhìn sâu vào bản chất của những tâm hành đó. Nếu không hiểu được nguồn gốc của phiền não thì chúng ta sẽ không thể nào thấy được con đường đưa đến sự chấm dứt phiền não. Do vậy, khổ đau cũng rất cần thiết cho sự thực tập của chúng ta.
John Malkin: Lúc tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center) bị phá hủy, có người hỏi Thầy sẽ nói gì với những kẻ đã gây ra thảm họa này. Thầy trả lời là Thầy sẽ lắng nghe họ với tâm từ bi để hiểu được khổ đau của họ. Xin thầy chia sẻ về sự thực tập lắng nghe sâu. Sự thực tập này giúp ích như thế nào trong hoàn cảnh cá nhân cũng như trong biến cố của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới?
Thầy:
Trước tiên chúng ta phải thực tập lắng nghe chính mình. Nếu không biết lắng nghe chính mình thì khó mà lắng nghe được người khác hay một nhóm người khác.
Tôi khuyên người Mỹ nên lắng nghe chính họ trước, tại vì có rất nhiều khổ đau ngay trong biên giới của nước Mỹ. Có rất nhiều người đang sống trên đất Mỹ nghĩ rằng họ là nạn nhân của sự bất công và kỳ thị, họ chưa bao giờ được lắng nghe và được hiểu.
Tôi đã đưa ra một đề nghị rất cụ thể: chúng ta nên thành lập một nhóm người – một dạng như cơ quan dân biểu – để thực tập lắng nghe khổ đau của người dân đang sống trên đất Mỹ. Tôi tin chắc rằng có những người Mỹ có khả năng lắng nghe với tâm từ bi. Chúng ta phải tìm và mời họ tới giúp. Chúng ta phải kêu gọi những người có khổ đau tới nói cho ta biết những gì chất chứa trong lòng họ. Họ nên nói ra hết. Lắng nghe những chia sẻ như vậy không phải là chuyện dễ dàng.
Nếu nước Mỹ biết thực tập lắng nghe những khổ đau của người dân trong đất nước mình thì họ sẽ học hỏi được rất nhiều. Tuệ giác lớn sẽ phát sinh. Và căn cứ trên tuệ giác đó, người Mỹ sẽ bắt đầu đưa ra những biện pháp để sửa chữa lại những lỗi lầm đã làm trong quá khứ.
Nếu thành công thì nước Mỹ có thể đưa sự thực tập này áp dụng trên bình diện quốc tế. Sự thật là ai cũng đều biết nước Mỹ có khả năng đánh trả, đánh thật mạnh và làm cho nhiều người khổ đau. Nhưng theo tôi, nếu không trả đũa theo cách đó thì nước Mỹ sẽ được kính nễ hơn và có nhiều sức mạnh hơn nữa.
John Malkin: Sau biến cố ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới thì những người đã từng tin vào đường lối bất bạo động nói rằng: cần phải hành động, cần phải sử dụng bạo lực. Thầy nghĩ như thế nào?
Thầy:
Bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động mà thôi. Chỉ có lòng từ bi mới có thể làm giảm bớt bạo động. Từ bi không phải là một sự mềm yếu như ta tưởng. Lòng từ bi đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều can đảm.
John Malkin: Theo tâm lý học Tây phương thì khi giận dữ, nếu muốn hết giận thì ta phải hét to lên hoặc đánh đấm thật mạnh vào gối. Trong cuốn sách Giận, Thầy đã chỉ trích phương pháp đó. Tại sao Thầy nghĩ phương pháp đó không giúp được cho người ta hết giận?
Thầy: Trong tâm lý học Phật giáo, chúng tôi dùng danh từ "hạt giống" để nói về tâm thức. Trong tâm chúng ta có hạt giống giận, nhưng đồng thời cũng có hạt giống từ bi. Sự thực tập của chúng ta là làm lớn lên hạt giống từ bi và làm nhỏ lại hạt giống giận. Chúng ta nghĩ là nếu trút cơn giận ra thì mình sẽ hết giận, nhưng điều này không đúng. Khi để cơn giận biểu lộ ra ngoài, hoặc bằng lời nói hoặc bằng bạo lực thì chúng ta chỉ tưới tẩm thêm hạt giống giận mà thôi. Hạt giống đó sẽ lớn mạnh lên trong ta. Phương pháp đó rất nguy hiểm.
Vì vậy nhận diện hạt giống giận và tìm cách trung hòa năng lượng giận bằng năng lượng của hiểu và thương là cách duy nhất để làm giảm bớt cơn giận trong ta. Chúng ta không thể chuyển hóa được cơn giận nếu ta không hiểu được nguồn gốc của nó.
John Malkin: Nhiều người cho rằng hạnh phúc và giác ngộ chỉ có thể có được trong tương lai và chỉ một số ít người trải nghiệm được mà thôi. Như vậy giác ngộ hình như là một điều không thể đạt được.
Thầy:
Hạnh phúc và giác ngộ là những thực thể sống (living things) và có thể lớn lên. Chúng ta có thể nuôi dưỡng hạnh phúc và giác ngộ mỗi ngày. Nếu ta không nuôi dưỡng giác ngộ thì nó có thể chết đi. Nếu ta không nuôi dưỡng hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ mất. Nếu ta không nuôi dưỡng tình thương thì tình thương cũng sẽ úa tàn. Cũng tương tự như vậy, nếu ta tiếp tục nuôi dưỡng cơn giận, sự hận thù, sợ hãi thì chúng sẽ lớn lên. Bụt nói rằng không có gì có thể sống mà không có thức ăn. Điều này cũng đúng với giác ngộ, hạnh phúc, lo buồn và khổ đau.
Trước tiên, giác ngộ phải là giác ngộ về cái gì? Ví dụ như khi uống trà, mình ý thức là mình đang uống trà. Ý thức về hành động uống trà là một hình thức của sự giác ngộ. Chúng ta đã uống trà biết bao nhiêu lần nhưng ta không biết là mình đang uống trà tại vì chúng ta bị đắm chìm trong những lo lắng, suy tư. Vì vậy có chánh niệm trong khi uống trà đã là một loại giác ngộ rồi.
Nếu chúng ta có khả năng chú tâm vào việc uống trà thì trong khi uống trà, ta đã có hạnh phúc. Ta có khả năng thưởng thức trà ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Nếu không biết cách uống trà trong chánh niệm thì mình không thật sự uống trà, mà mình uống những lo buồn, sợ hãi hay giận dữ, khi đó mình không thể nào có hạnh phúc.
Tuệ giác cũng là giác ngộ. Ý thức được là mình đang còn sống, mình đang đi trên hành tinh xinh đẹp này, đó là một hình thức giác ngộ. Cái thấy đó không tự nhiên mà có được. Mình phải có chánh niệm để thưởng thức được từng bước chân. Và một lần nữa, mình phải giữ gìn tuệ giác đó để hạnh phúc được kéo dài. Nếu mình đi như bị ma đuổi thì hạnh phúc sẽ chấm dứt.
Những giác ngộ nhỏ này kéo theo những giác ngộ nhỏ khác. Và chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng những giác ngộ nhỏ đó để giác ngộ lớn có thể xảy ra. Vì vậy một giây phút sống trong chánh niệm đã là một giây phút giác ngộ. Nếu chúng ta thực tập sống như vậy thì hạnh phúc và giác ngộ sẽ tiếp tục lớn lên. Nếu chúng ta duy trì hạnh phúc và giác ngộ thì buồn phiền và lo sợ sẽ không có nhiều cơ hội để biểu hiện ra. Không biểu hiện ra một thời gian thì chúng sẽ từ từ yếu đi. Nếu có người nào đụng chạm tới hạt giống buồn phiền, lo sợ, giận dữ trong ta thì ta biết trở về với hơi thở và nụ cười chánh niệm. Và ta có thể ôm ấp được khổ đau của mình.
John Malkin: Trong khi thiền, chúng tôi thường nhận thấy tâm trí của mình rất bận rộn và mình không thực tập đúng. Thầy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thầy:
Thiền tập là niềm vui, là sự thưởng thức mà không phải là công phu lao tác. Khi được mời một tách trà, đó là cơ hội để chúng ta có hạnh phúc. Mình uống trà như thế nào để thật sự có mặt trong giây phút đó. Nếu không có mặt thì làm sao mình thưởng thức được trà? Hoặc như khi được mời ăn cam, mình ăn như thế nào để có tự do và hạnh phúc trong khi ăn. Mình phải tập luyện như thế nào để ăn cam cho đàng hoàng, để có được hạnh phúc và tự do trong khi ăn. Khi đến tham dự một khóa tu chánh niệm, quí vị sẽ được hướng dẫn cách thực tập để có được tự do và hạnh phúc trong khi ăn cam, trong khi uống trà hay trong khi đi.
Quí vị có thể thưởng thức từng bước chân trong khi đi. Những bước chân như vậy có tính chất nuôi dưỡng, trị liệu và đem lại cho quí vị nhiều tự do hơn. Nếu có được một người bạn đã từng thực tập giỏi pháp môn thiền hành thì người đó có thể yểm trợ cho quí vị. Quí vị có thể thực tập bất cứ lúc nào, không phải cho tương lai mà là cho giây phút hiện tại. Nếu hiện tại tốt đẹp thì tương lai sẽ tốt đẹp, tại vì tương lai được làm bằng yếu tố hiện tại. Nếu có khả năng đi từng bước chân tự do, an lạc thì dù quí vị đi bất cứ đi nơi đâu, nơi đó sẽ trở thành Tịnh độ của Bụt. Tịnh độ của Bụt không phải là vấn đề của tương lai.
John Malkin: Thầy đã băn khoăn không biết đức Bụt kế tiếp sẽ xuất hiện dưới hình thức của một cá nhân hay của một đoàn thể…
Thầy:
Tôi nghĩ là Bụt đã có mặt ở đây rồi. Nếu có đủ chánh niệm mình sẽ thấy được Bụt ở khắp nơi, nhất là trong tăng thân. Thế kỷ 20 là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân, nhưng chúng ta không muốn như vậy nữa. Chúng ta muốn sống với nhau như một đoàn thể. Chúng ta muốn đi với nhau như một dòng sông chứ không phải như một giọt nước riêng rẽ. Dòng sông có thể ra tới biển nhưng một giọt nước thì sẽ bị bốc hơi trên đường đi. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nhận ra được sự có mặt của Bụt ngay bây giờ và ở đây. Tôi nghĩ rằng mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói có chánh niệm là sự biểu hiện của Bụt. Đừng tìm Bụt ở nơi nào khác. Bụt có mặt trong nếp sống tỉnh thức của chúng ta.
Nguồn: http://www.lionsroar.com/in-engaged-buddhism-peace-begins-with-you/