Giác ngộ trong từng nét bút
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thể hiện nghệ thuật thiền chánh niệm thông qua các tác phẩm thư pháp của mình
Sư cô Chân Tại Nghiêm chuyển ngữ nguyên bản tiếng Anh
“A brush with enlightenment”
đăng trên tờ Bangkok Post, ra ngày 8/4/2013
Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Bangkok, Thái Lan, trong bầu không khí háo hức chờ đợi của đông đảo khách tham dự, nhân vật chính – tâm điểm của sự chú ý – vẫn giữ vẻ thư thái và tĩnh lặng, điều này càng khiến cho mọi người dồn hết sự chú tâm, dõi theo từng cử động của Người trong khi chuẩn bị cho buổi viết thư pháp.
Sư Ông cắt băng khánh thành triển lãm thư pháp tại Thái lan
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị thiền sư người Việt nổi tiếng thế giới – rót một ít trà vào nghiên mực, hòa mực với trà rồi nhẹ nhàng nâng ngọn bút lên và bắt đầu thể hiện nghệ thuật thiền qua những nét bút pháp của mình.
Không hề có một chút cố gắng, vị thiền sư 87 tuổi đưa từng nét bút chậm rãi và đều đặn, toàn thân tĩnh lặng, chỉ có bàn tay cầm bút là di chuyển một cách hết sức tự nhiên và linh hoạt, chuyên chở nguồn tuệ giác của một vị thiền sư trong từng nét chữ. This is it (tạm dịch: Nó đây rồi! Cái mà ta tìm kiếm đây rồi!). Peace is possible (Bình an là điều có thể có được). Breathe and smile (Thở và cười).
Những dòng chữ ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và có công dụng lớn lao này đã trở thành những thiền ngữ mang chữ ký của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những câu thư pháp này chứa đựng trong đó giáo lý căn bản của đạo Bụt và có tác dụng nhắc nhở mọi người về sự thực tập chánh niệm.
“Viết thư pháp cũng là thiền tập” – đó là lời chia sẻ của Thiền sư, một nhà thơ, nhà văn và cũng đồng thời là một nhà hoạt động vì hòa bình, một người nổi tiếng với những bài giảng về đạo Bụt ứng dụng trong đời sống hàng ngày. “Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết”.
Được tổ chức lần đầu tiên tại Thái Lan, cuộc triển lãm với chủ đề “Thiền Thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã trưng bày các tác phẩm thư pháp của Thiền sư với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
“Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra”, Thiền sư chia sẻ, “trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)”.
Chính sức mạnh từ phương pháp thiền tập và tuệ giác đó đã làm cho nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở nên đặc biệt và được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới.
“Mọi người đều muốn đem năng lượng của Thầy về nhà. Bức thư pháp Thầy viết chứa đựng năng lượng mà Thầy đã chế tác ra, đó là năng lượng hiểu biết, thương yêu và chánh niệm”, thầy Pháp Niệm thuộc Tăng thân Làng Mai chia sẻ.
Một vài nhà phê bình nghệ thuật gọi những tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “choreographic calligraphy” (nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp và vũ đạo), bởi vì các bức thư pháp của Thiền sư đều toát lên vẻ thanh thoát với những nét chữ thẳng, vững chãi kết hợp với những đường cong uốn lượn, tạo nên một bố cục hài hòa và sống động như một điệu múa.
Tuy vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 chỉ với mục đích là làm phương tiện để nuôi dưỡng các học trò của mình trong nghệ thuật sống chánh niệm.
“Tôi nhớ hồi đó trên cầu thang nơi chúng tôi thường đi lên đi xuống có đặt tấm thư pháp Peace is every step – An lạc từng bước chân. Những dòng thư pháp này đã giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập”, sư cô Đẳng Nghiêm chia sẻ.
Đây đó trong các trung tâm tu học của Làng Mai trên khắp thế giới, người ta có thể nhìn thấy những tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được treo trong thiền đường, nhà ăn, cầu thang hay thư quán.
Số thư pháp mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tính cho đến nay ước chừng hơn 10.000 tác phẩm. Số tiền thu được từ các tác phẩm thư pháp của Thiền sư đã và đang được sử dụng để tài trợ cho các chương trình nhân đạo tại các nước đang phát triển.
Có thể kể tên một số tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được yêu thích nhất như: Breathe, you are alive (Thở đi con và ý thức rằng con đang sống). This is it (Nó đây rồi! Cái mà ta tìm kiếm đây rồi!). Be beautiful, be yourself (Con chỉ đẹp khi là chính con). I have arrived, I am home (Con đã về, con đã tới).
Mỗi tác phẩm thư pháp đều là một đề tài thiền tập – đó là lời của Thiền sư. Chẳng hạn như bức thư pháp Be beautiful, be yourself, Thiền sư giải thích rằng: “Ta phải là chính ta thì ta mới đẹp. Ta không cần phải trở thành một ai khác. Chẳng hạn như một đóa sen, tự thân nó đã rất đẹp, nó không cần phải cố gắng để biến thành hoa hồng hay một loại hoa khác mới đẹp. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của niềm vui, của thương yêu và hạnh phúc. Nếu chúng ta để cho những hạt giống này được biểu hiện thì ta sẽ trở thành một đóa hoa đẹp trong vườn hoa của nhân loại”.
Còn về bức thư pháp Let go and be happy (Buông bỏ để có hạnh phúc), Thiền sư giải thích rằng: “Buông bỏ ở đây nghĩa là buông bỏ những ham muốn, hờn giận, và buông bỏ luôn cả ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải có cái này hoặc cái kia thì mới có thể hạnh phúc. Nhưng chúng ta có thể không biết rằng chính cái ý niệm về hạnh phúc đó lại là chướng ngại để chúng ta có hạnh phúc thực sự. Nếu chúng ta can đảm buông bỏ ý niệm đó thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay lập tức”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị những người tham dự buổi triển lãm thư pháp thực tập im lặng hùng tráng và giữ chánh niệm trong suốt buổi tham quan. “Ta cần duy trì hơi thở chánh niệm và đem tâm trở về với thân. Khi ta thực sự có mặt thì ta có thể để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong trái tim ta”, Thiền sư chia sẻ. “Trong chiều sâu tâm thức của ta có hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, hạt giống của tuệ giác, của giác ngộ. Nếu chúng ta để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào và tiếp xúc với hạt giống tuệ giác trong ta thì chúng ta sẽ có được sự giác ngộ mà chúng ta mong muốn”.
“Vì vậy khi chúng ta đi thật chậm qua các bức thư pháp và để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong ta và tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành nơi ta thì chúng ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu trong thời gian đi xem các tác phẩm thư pháp.”
“Nửa giờ trong phòng triển lãm là nửa giờ thiền tập. Nếu làm được như vậy thì khi bước ra khỏi phòng triển lãm, chúng ta có thể trở thành một con người hoàn toàn mới”.
Toàn cảnh phòng triển lãm thư pháp tại Thái Lan