Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đông Phương Học thực chất và hướng đi

 

essays-and-commentaries-on-engaged-buddhism-jpgTạp chí Human Architecture (Kiến Trúc Con Người) ở Hoa Kỳ vừa ra một số đặc biệt về tư tưởng tương tức (Interbeing) và Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism) của Thiền Sư Nhất Hạnh, với tiêu đề Hình tượng Xã Hội của Thích Nhất Hạnh, khảo luận và phê bình về Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời (Thích Nhất Hạnh’s Sociological Imagination, Essays and Commentaries on Engaged Buddhism). Số báo đặc biệt này được ra mắt vào Mùa Hạ 2008, Bộ VI, số 3. Chủ bút của tờ báo là M.H.Tamdgidi, giáo sư Xã hội học tại Trường Đại Học University of Massachusetts ở Boston, Ma. Mở đầu số báo có bài giới thiệu của Giáo Sư Winston Langley, quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Boston, giáo sư Chính Trị Học. Tư tưởng chỉ đạo của số đặc biệt này có liên quan mật thiết với Khoa Đông Phương Học (Orientalism). Có những người không tin là Tây Phương có khả năng hiểu được Đông Phương, dù là đã có hơn 200 năm Đông Phương Học. Họ nghĩ là người Tây Phương có cái nhìn quá nhị nguyên và có sẵn cái óc kỳ thị vì vậy hai trăm năm nghiên cứu về Đông Phương cũng vẫn không giúp cho người Tây Phương cởi bỏ được cái thành kiến là Đông Phương thấp kém hơn (inferior) Tây Phương về mọi phương diện . Edward Said, Giáo Sư Đại Học Columbia ở New York, năm 1978 (1)có viết một cuốn sách với tựa đề Đông Phương Học(Orientalism), và cuốn sách này đã gây sóng gió trong giới tư tưởng và triết học Phương Tây. Ông viết : « Khoa Đông Phương Học đại khái xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ  18 … như môt thể cách Tây Phương nhằm thay đổi cấu trúc của Đông Phương và thống trị Đông Phương » (Orientalism emerged roughly in the late 18th century… as  a Western Style for dominating, restructuring and having authority over Orient » Bị ảnh hưởng của Đông Phương Học, những nhà Xã Hội Học nổi tiếng như  Karl Marx và Max Weber cũng đã có một cái nhìn méo mó về Đông Phương . Khi nói đến cách thức sản xuất của Châu Á (the Asiatic Modes of Prodution) Marx cũng đã bị ảnh hưởng bởi cái nhìn không thấu triệt của Đông Phương Học và đã phát biểu theo những giả định của Đông Phương Học. Ông nói rằng cách thức sản xuất ở Á Châu bị chi phối bởi những con người không có tự do cá nhân, những con người hoàn toàn bị ràng buộc với gia đình và xã hội, rằng con người cá nhân mà không được làm cá nhân, chỉ có thể được tìm thấy trong xã hội Trung Quốc thời xưa (the non-individuated  individuel was to be found in Ancient China), và do cách thức sản xuất cũng như do những con người như thế mà « hầu như là không thể có cơ hội nào thay đổi được xã hội trong cách thức sản xuất ấy » (there was very little social change of anykind in societies with an Asiatic Mode of Production) Phương thức sản xuất của Đông Phương tạo ra những chế độ trung ương tập quyền nghiêm khắc, những vị bạo chúa tự xưng mình là con trời, thiên tử, có quyền hạn tuyệt đối trên người dân. Giáo Sư Tamdgiti viết : Với cái thấy duy vật, trần tục, vô thần và chống tôn giáo và với ảnh hưởng của Đông Phương Học, cái nhìn mác xít về Đồng Phương và về Châu Á không cho người ta thấy được những giá trị thành tựu trí thức của nền Văn Hóa Phương Đông được ần chứa tiềm tàng trong hình thức đạo học của nền văn hóa này.

So sánh hai nền văn hóa, họ có khuynh hướng cho rằng Đông Phương thì giỏi chịu đựng khổ hạnh còn Tây Phương thì biết tranh đấu để chiến thắng, Đông Phương thì tìm cách xoa dịu khổ đau và xa lánh cuộc đời còn Tây Phương thì sử dụng trí tuệ để làm chủ và thay đổi thế giới. Max Weber trong khi nghiên cứu các đạo Tin Lành, Do Thái và Phật giáo, đã bị ảnh hưởng lề thói tư duy của Đông Phương Học khá nhiều, cho rằng có một khác biệt bản thể (ontological difference) giữa các nền kinh tế Đông Phương và Tây Phương. Đạo Bụt có khuynh hướng thụ động, bất cần, muốn rút ra, trong khi lề lối suy tư của Tây Phương là thật tế, hữu hiệu và năng động. Ví dụ trong khi Tây Phương cho sự chấp nhận chịu đựng là yếu kém và thụ động thì Đạo Phật lại cho đó là một thái độ đại hùng, vô úy, chỉ có thể đạt được với quán chiếu sâu sắc.  Khi gặp khó khăn với đoàn thể hoặc với nhà cầm quyền thì người theo Đạo Phật có khuynh hướnh  « rút lui » để thiền quán và tìm sự an ủi. Thiền quán chỉ là thụ động và chấp nhận.  Giáo sư Langley,Viện trưởng Viện Đại Học Massachusetts, trong bài viết Thích Nhất Hạnh của Châu Á (Asia’s Thích Nhất Hạnh) đã viết: Á Châu có những tuệ giác triết học, đạo đức, xã hội, kinh tế và ý thức hệ rất thực tiễn có thể giải đáp được cho những vấn đề lớn lao của xã hội mà con người đang phải đương đầu, những tuệ giác ấy được dựa trên nguyên tắc tương quan tương duyên. Tu thân cũng quan trọng như tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Ta không có hy vọng thay đổi và chuyển hóa những điều kiện đang đe dọa và làm cho xuống cấp con người cũng như môi trường của con người, nếu ta không biết tự tu, tu với nhau, và trong tinh thần tương tức. Giáo Sư cũng nói rằng Á Châu từ nay không cần bận tâm về những cái mũ giả định mà Tây Phương đã đội vào cho mình lâu nay như thụ động, tiêu cực, v..v…nữa mà có thể, với những thành quả đạt được trong lĩnh vực giải phóng, đi vào ngay trong lãnh thổ của những người đã dán danh hiệu cho mình lâu nay, để  giúp lãnh đạo cho việc chữa trị tập thể. Những người như Mahatma Gandhi và Thích Nhất Hạnh không hề có mặc cảm, họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn là tư tưởng đạo học Đông Phương có khả năng giải phóng và thay đổi xã hội. Và ta có thể nói tới những phương thức giải phóng của Á Châu (the Asiatic Modes of Liberation…).

Tập san được chia làm bốn phần, bắt đầu bằng bài giới thiệu của Giáo Sư Viện Trưởng. Phần đầu có vài bài pháp thoại mới, vài lá thư và một bài thơ của Thích Nhất Hạnh có chủ đề Đạo Phật Vào Đời – có liên hệ tới các vấn đề chiến tranh, xung đột, môi trường, kỹ nghệ thực phẩm, tiêu thụ và lịch sử phong trào Đạo Phật Vào Đời. Phần thứ hai gồm những bài nghiên cứu và áp dụng quan điểm Đạo Phật Nhập Thế  của Thích Nhất Hạnh vào Khoa Học Xã Hội, khai thác sự trùng hợp giữa tư tưởng của thầy với triết lý thực dụng (Pragmatism) của William James, với tư tưởng Môi Trường sâu (Deep Ecology) của Arne Naess,  với triết lý xã hội, hình tượng xã hội và phân tích ý thức hệ . Phần thứ ba là bảy bài nghiên cứu áp dụng tư tưởng Thích Nhất Hạnh trong các trường hợp như giải quyết xung đột chính trị quốc tế, đem chánh niệm và thiền tập vào học đường, đem chánh niệm và ý thức tâm linh vào lãnh vực giữ trật tự an ninh trong các thành phố Hoa Kỳ, áp dụng chánh niệm và thiền quán để trị liệu trong trường hợp những người bị ám ảnh vì chiến tranh, đem ý niệm Đạo Phật Vào Đời vào lý thuyết kinh tế  và  vào guồng máy kinh tế, tư duy về Đạo Phật vào Đời để tìm ra những phương thuật hữu hiệu đối phó được với cuộc khủng hoảng sinh môi và hâm nóng địa cầu, và sau hết là dùng tư tưởng đạo Phật vào đời để đối trị với những thương đau , mất mát và bất hạnh trong gia đinh.Phần thứ tư đăng một bài tiêu biểu cho lối tư duy Tây Phương không hiểu thấu được cái tinh hoa của tinh thần đạo học Đông Phương do một vị giáo sư tuy đang giảng dạy về Tư Tưởng Thích Nhất Hạnh nhưng không thực sự nắm được tư tưởng Thích Nhất Hạnh và tiếp theo là một bài của Sư Cô Tùng Nghiêm soi sáng lại cho bài nói trên.

Sau đây xin mời các bạn đọc bài giới thiệu tập san của Giáo Sư Langley

Thích Nhất Hạnh, người của Châu Á
Những phương thức Á Đông nhằm giải phóng con người và xã hội

Tại Tây phương, nhất là tại Tây phương, và cả ở những vùng khác trên thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Tây phương, danh từ Đông phương thường mang một ý nghĩa tiêu cực và thua kém. Tây phương đã nhìn và đã gọi  lục địa Châu Á và người Châu Á với tiêu chuẩn của nền nhân bản Tây phương, cho văn hóa Đông phương là thấp kém và con người Đông phương thiếu tự do.

Cố học giả Edward Said, tác giả cuốn Đông Phương Học, đã nói lên với rất nhiều can đảm rằng những ý niệm và từ ngữ mà Tây Phương sử dụng để miêu tả Đông Phương chứa đựng nhiều mâu thuẩn, úp mở và lúng túng. Ông đã sử dụng nhiều năm tháng của cuộc đời ông để vạch trần bộ mặt của cái gọi là Đông Phương Học, đã đưa ra những đề tài phản bác đường lối nghiên cứu ấy và đã tạo rất nhiều không gian và cơ hội để chúng ta có thể vạch lại hướng đi cho một nền Đông Phương Học đứng đắn.

Tuy cuốn sách đã đạt tới những thành tựu lớn lao, nhưng tác giả vẫn chưa thiết lập ra được những tiêu chuẩn để các dân tộc trên thế giới có thể tạo dựng một tương lai chung. Nhưng nói về những phương thức của Á Đông nhằm giải phóng con nguười và xã hội (The Asiatic Modes of Liberation), thì ta đã có thể bắt đầu bằng những quy tắc tìm thấy trong Đạo Phật Nhập Thế (Engaged Buddhism).

Tôi hiểu giải phóng ở đây có nghĩa là những hành động và những quá trình giải phóng, trong lĩnh vực sự sống và hành sử cá nhân, ý nghĩa cuộc đời, tuệ giác và liên hệ giữa con người và con người. Á Châu có những nguồn tuệ giác thực tiễn trong các lĩnh vực triết học, đạo học, xã hội, kinh tế và ý thức hệ, có khả năng đối phó và giải quyết được những vấn đề lớn nhất của nhân loại hiện nay. Những tuệ giác ấy đã dựa trên nền tảng tương quan tương duyên giữa vạn vật. Những đạo lý tu tập để chuyển hóa tự thân cũng quan trọng ngang bằng những nguyên tắc nhằm giải quyết các vấn đề triết học và kinh tế . Công cuộc giải phóng xã hội không thể tách rời ra khỏi công cuộc giải phóng bản thân con người. Những nguyên lý như tương tức, tương dung, tương duyên, vô ngã, cái ta riêng biệt và cái ta cộng đồng… không phải là chỉ để giải thích về vũ trụ vạn hữu mà còn là những phép tu tập chuyển hóa và hoàn thiện bản thân. Chúng cũng là những hành động rất cần thiết cho sự hoàn thành bổn phận, tranh đấu cho nhân quyền và hoàn tất trách vụ của mình đối với xã hội.

Những phương thức Á Châu nhằm giải phóng con người và xã hội còn nói lên rằng ta không thể nào thay đổi và chuyển hóa tình trạng đang đe dọa và làm xuống cấp con người và trái đất nếu ta không biết cách tu tập để chuyển hóa bản thân, chuyển hóa cọng đồng và chuyển hóa mối liên hệ giữa con người và con người. Nó cũng nói lên rằng  Đông Phương chẳng cần phải chua chát, cay cú hay bận tâm khi nghe Tây Phương dùng những danh từ và khái niệm có tính cách chê bai, bóp méo và coi thường Đông Phương, mà trái lại, với những thành quả đã đạt được, Đông Phương có thể đi ngay vào trong mảnh đất Tây Phương và giúp cho Tây Phương chuyển hóa và giải phóng. Sự có mặt lịch sử của Mahatma Gandhi là một ví dụ, không thể nào lầm lẫn được. Và thầy Nhất Hạnh nữa, khi thầy dạy chúng ta : trong khi đi tìm phương cách cứu vãn địa cầu, cả nạn nhân cũng như kẻ gây ra tai nạn không ai có cơ hội sống còn nếu còn có ý muốn loại trừ nhau.

Những bài khảo cứu trong tập san này đều có chủ ý đi về hướng chấp nhận nhau, ôm lấy nhau, gạn lọc tâm ý mình và thực hiện con người toàn vẹn. Và tập san nầy đã thành công trong việc vinh danh cuộc đời và sự nghiệp giảng dạy của thầy Nhất Hạnh, trong đó có chủ trương đem đạo Phật đi vào cuộc đời.

_______________________
Tác giả Winston Langley là giáo sư chính Chính Trị Học tại trường Đại Học Massasuchetts. Ông cũng dạy về nhiều môn khác như Luật Lệ Quốc Tế và Nhân Quyền. Ông hiện là Quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Massasuchetts . Trong các tác phẩm đã ra đời của Ông, ta có thể kể : Women ‘ Rights  in the US : A Documentary History  và Human Rights : The Major Global Instruments.