Đối thoại về Tuổi trẻ ngày nay
Sáng ngày 13/3/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng Làng Mai, Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng Trường Đại Học Hồng Kông đã trao bằng Tiến sĩ Danh Dự trong lĩnh vực khoa học xã hội cho Thầy Làng Mai – Thiền sư Thích Nhất Hạnh để vinh danh những đóng góp của Thầy cho nền hòa bình thế giới. Nhân dịp này, Thầy Làng Mai và Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng cùng Giáo sư Lee Chak Fan – Giám đốc Trường giáo dục chuyên môn thường xuyên (HKU SPACE) của Đại học Hồng Kông đã có buổi đối thoại về chủ đề Tuổi trẻ ngày nay. (Ban biên tập xin được trích dẫn một số nội dung chính của buổi đối thoại – nội dung được chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Viện trưởng: Trong những năm qua, Đại học Hồng Kông đã không ngừng đổi mới chương trình dạy và học, cải tiến cách thức giảng dạy và nâng cấp môi trường đào tạo, v.v. Theo Thiền sư, chúng tôi có thể làm gì hơn nữa để đem lại cho sinh viên một môi trường học tập tốt hơn?
Thầy: Tôi nghĩ chương trình của trường như vậy là đầy đủ rồi. Điều tôi muốn đề nghị với quý vị là làm sao để thực hiện các chương trình đó cho có hiệu quả hơn. Tôi muốn nói về những kỹ năng truyền thông (communication skills). Đúng là chúng ta hiện nay đang ở trong tình trạng bị quá tải thông tin. Thông tin thì tràn ngập nhưng sự hiểu biết thì lại thiếu. Có nhiều thông tin không có nghĩa là chúng ta có thể hiểu được chính mình và hiểu được thực tại. Để hiểu được, chúng ta cần phải biết cách lắng nghe và biết cách sử dụng ái ngữ. Vì vậy mà tôi đề nghị là quý vị có thể tổ chức những khóa học về kỹ năng truyền thông để chỉ dẫn cho mọi người cách thức sử dụng ái ngữ và lắng nghe.
Lắng nghe trước tiên là lắng nghe chính mình, bởi vì ai trong chúng ta cũng có những niềm đau, nỗi khổ trong tự thân. Vì vậy mà chúng ta phải lắng nghe những khổ đau trong chính mình, chúng ta phải có mặt và ôm ấp nỗi khổ, niềm đau đó. Lắng nghe để hiểu được khổ đau của chính mình. Khi đã hiểu được khổ đau của chính mình rồi, ta mới có thể hiểu được khổ đau của người khác. Người đó có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, thầy cô giáo hay học sinh của chúng ta. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi ở Làng Mai.
Chúng ta cần phải học cách lắng nghe để hiểu khổ đau của chính mình. Bởi vì khổ đau của chúng ta có liên hệ mật thiết tới khổ đau của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Một khi đã hiểu được khổ đau của chính mình rồi, chúng ta sẽ hiểu được khổ đau của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Khi đó chúng ta mới có thể thoát khỏi ngục tù của khổ đau.
Từ kinh nghiệm của mình, chúng ta có thể nhìn vào khổ đau của người khác, và ta có thể hiểu được nỗi khổ, niềm đau của người đó dễ dàng hơn. Một khi đã thấy và hiểu được khổ đau của người đó thì cơn giận trong lòng ta sẽ tan biến và tình thương trong ta ứa ra. Ta bắt đầu nhìn người đó bằng đôi mắt từ bi. Và người kia cũng sẽ bớt khổ liền khi đón nhận ánh mắt thương yêu đó. Sự truyền thông giữa ta và người kia có thể được nối lại một cách dễ dàng. Đó là sự thực tập chánh niệm về khổ đau, ý thức về khổ đau trong chính mình và khổ đau nơi người khác.
Khi đã hiểu được khổ đau nơi mình và nơi người thì tự nhiên giọng nói của ta cũng chứa đựng năng lượng từ bi. Cách nói của chúng ta cũng có thể giúp nối lại truyền thông, bởi vì giọng nói của ta không còn năng lượng trách móc, buộc tội nữa. Chỉ cần nửa giờ hoặc một giờ thôi là chúng ta có thể nối lại truyền thông và hàn gắn lại mối liên hệ của mình.
Tôi nghĩ người trẻ có thể học được điều này từ trường học, và khi trở về nhà, các em có thể hàn gắn lại mối liên hệ của mình với cha, với mẹ, với anh chị em trong gia đình mình. Kinh nghiệm ở Làng Mai cho thấy những người trẻ sau khi tham gia các khóa tu đều trở về hòa giải với cha mẹ và gia đình mình. Đây cũng là sự thực tập giới thứ tư trong Năm Giới mà Làng Mai chúng tôi đang hành trì – sự thực tập ái ngữ và lắng nghe.
Tôi nghĩ rằng thầy cô giáo cần phải dành thời gian để lắng nghe khổ đau của các sinh viên. Điều này rất cần thiết. Bởi vì nếu sinh viên có quá nhiều khổ đau thì thầy cô giáo cũng rất khó có thể truyền đạt kiến thức cho các em. Vì vậy mà việc giúp các em bớt khổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc dạy và trao truyền kiến thức. Chúng ta có thể tổ chức như thế nào để thầy cô giáo có cơ hội lắng nghe học trò của mình.
Nếu thầy cô giáo biết cách lắng nghe và hiểu được khổ đau của chính mình thì cũng có thể lắng nghe và hiểu được những khổ đau của các học trò, có thể giúp cho các em bớt khổ liền chỉ sau một giờ thực tập lắng nghe. Khi thầy cô giáo có thể lắng nghe và hiểu được khổ đau của học trò mình thì học trò cũng sẽ lắng nghe khi thầy cô giáo có khổ đau trong lòng. Bởi vì thầy cô giáo cũng có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nếu các em đã thấy và đã hiểu được khổ đau của thầy cô giáo thì sự truyền thông sẽ trở nên dễ dàng, và như vậy việc dạy và học cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chúng tôi đã khám phá ra điều này nhờ vào kinh nghiệm có được khi đào tạo các giáo viên về chánh niệm. Vì vậy chúng tôi thấy rằng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giữa thầy cô giáo và học sinh, sinh viên có thể giúp làm thay đổi môi trường học đường, và giúp cho việc dạy và học trở nên tốt hơn. Tôi nghĩ quý vị có thể đưa sự thực tập này vào nội dung đào tạo dành cho các giáo viên của trường. Muốn tốt nghiệp khóa học này, các giáo viên không chỉ nắm lý thuyết mà còn phải thực tập lắng nghe khổ đau của chính mình và khổ đau của những người xung quanh. Đây là một sự thực tập rất hay. Và nó luôn luôn có hiệu quả. Có những người chỉ tham dự khóa tu với chúng tôi trong vòng năm ngày và khi về nhà, người đó đã có thể hòa giải với vợ/chồng hoặc con cái của mình. Phép lạ của sự hòa giải là điều luôn xảy ra trong các khóa tu ở Làng Mai.
Chúng tôi đã từng bảo trợ cho các nhóm người Palestine và Israel đến Làng để thực tập. Ban đầu họ không thể nào nhìn mặt nhau. Vì vậy trong những ngày đầu, mỗi nhóm được hướng dẫn thực tập riêng. Chúng tôi hướng dẫn cho họ thực tập thở và đi như thế nào để buông bỏ những căng thẳng trong thân tâm và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để được trị liệu. Nhiều ngày sau đó, chúng tôi sắp xếp cho hai nhóm ngồi lại với nhau và mời họ thực tập ái ngữ và lắng nghe nhau.
Một nhóm bắt đầu chia sẻ trước và họ được chúng tôi hướng dẫn cách sử dụng ái ngữ trong khi nói để giúp cho những người ở nhóm kia có thể hiểu được khổ đau của mình:
“Các bạn có quyền nói lên tất cả những khổ đau mà chính bạn cũng như con cái của bạn đã và đang trải qua trong cuộc xung đột, nhưng điều quan trọng là phải nói như thế nào để những người ở phía bên kia có thể dễ dàng tiếp nhận. Lời nói không nên có tính buộc tội, trách móc và thù hận, đó là ái ngữ.
Trong khi nhóm này chia sẻ thì nhóm kia thực tập lắng nghe và cố gắng không ngắt lời, không đính chính. Bởi vì nếu ngắt lời hoặc đính chính trong lúc này thì ta sẽ biến một buổi thực tập lắng nghe trở thành một cuộc tranh luận, và như vậy thì sẽ hỏng hết mọi chuyện.
Các bạn có thể tự nói với mình rằng: Mình đang thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Mình chỉ lắng nghe thôi, bởi vì mình muốn cho người kia có cơ hội nói ra nỗi lòng của mình, nhờ vậy mà người kia bớt khổ. Nếu người đó có nói những điều không đúng với sự thật, nếu người đó đang có tri giác sai lầm hay buộc tội thì mình vẫn tiếp tục lắng nghe, bởi vì mục đích của mình là cho người đó có cơ hội nói ra để cho người đó bớt khổ.
Nếu ta có thể duy trì chánh niệm về lòng từ bi trong suốt thời gian nghe thì ta có thể ngồi nghe người đó chia sẻ trong một giờ đồng hồ. Lắng nghe như vậy giúp cho chúng ta chuyển hóa và trị liệu rất lớn, ta sẽ có thể nhìn những người ở phía bên kia với con mắt từ bi. Khi đã trị liệu được cho chính mình rồi, ta có thể giúp cho những người kia cũng làm được như vậy.
Có thể ngày mai đến lượt nhóm của bạn chia sẻ, bạn hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để nói lên những khổ đau của mình. Bạn nói không phải với mục đích trách móc hay buộc tội, mà chỉ với mục đích là để cho những người ở nhóm bên kia hiểu được những khổ đau của bạn mà thôi.”
Trong khi thực tập lắng nghe như vậy, nhóm này bắt đầu hiểu được những khổ đau của nhóm kia. Họ nhận ra rằng những người ở phía bên kia cũng là những con người như họ và cũng đã gánh chịu những khổ đau mà họ đã trải qua. Khi đã hiểu được khổ đau của nhau rồi thì họ không còn thù hận nhau được nữa.
Cuối cùng thì hai nhóm người Palestine và Israel đã đến được với nhau, họ cùng ăn cơm im lặng, cùng nắm tay nhau đi thiền hành. Sau khóa tu, họ cùng nhau đến chia sẻ với chúng tôi về kết quả thực tập của mình: họ đã được chuyển hóa và trị liệu. Trước khi trở về Trung Đông, họ hứa với chúng tôi rằng họ sẽ tiếp tục thực tập cùng nhau, và sẽ tổ chức cho những người Palestine và Israel khác được đến và học cách chuyển hóa khổ đau như họ. Do vậy, có thể nói rằng phép lạ của sự chuyển hóa và trị liệu là điều có thể xảy ra, cho dù có những tình huống rất khó khăn như trường hợp của người Palestine và Israel.
Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu các trường đại học có những khóa đào tạo về ái ngữ và lắng nghe thì sự chuyển hóa và trị liệu sẽ xảy ra ngay trong trường. Khi đã thành công ở trường học, chúng ta có thể mở rộng ra và đem sự thực tập đến với gia đình và toàn xã hội. Đó là mong ước của chúng tôi. Cũng vì lý do này mà các vị giáo thọ của Làng Mai đã và đang tổ chức rất nhiều khóa đào tạo cho thầy cô giáo và các bậc phụ huynh với mong muốn đem sự thực tập đến với mọi người, mọi thành phần trong xã hội.
Viện trưởng: Hiện nay trên thế giới đang xảy ra tình trạng những người trẻ sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm. Điều này khiến cho giới trẻ luôn sống trong trạng thái bất an và nhiều buồn giận. Xin Thầy chia sẻ tuệ giác của mình để giúp cho người trẻ có thể đối diện với hoàn cảnh khó khăn hiện nay và tìm lại được niềm vui sống.
Thầy: Những người không có việc làm chắc chắn là khổ rồi, nhưng tôi thấy ngay cả những người có việc làm cũng vẫn khổ như thường. Vì vậy đây không phải là vấn đề của những người không có việc làm mà thôi.
Như quý vị đã thấy, trong tăng thân chúng tôi, nhiều người đã từng có công ăn việc làm rất tốt nhưng họ đã từ bỏ những công việc đó để trở thành “thất nghiệp”. Tôi nghĩ chúng ta phải nói với người trẻ về hạnh phúc chân thực là gì. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc được làm bởi tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục, v.v. Và nếu không đạt được những thứ đó thì họ khổ. Nhưng chúng ta thử nhìn xem, trong xã hội có nhiều người đã có đầy đủ những thứ đó nhưng vẫn tiếp tục khổ đau, thậm chí có nhiều người còn đi đến chỗ tự tử.
Vì vậy, theo tôi, hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được thương, và ta có khả năng hiểu và thương những người khác. Chúng ta hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần có nhiều tiền bạc. Ở Làng Mai, chúng tôi đang chứng minh cho điều đó. Ở đây các thành viên trong tăng thân không ai có nhà riêng, xe riêng, tài khoản riêng và cũng không có lương hàng tháng. Nhưng chúng tôi đâu có khổ, chúng tôi rất hạnh phúc, các bạn có thể thấy chúng tôi vui cười cả ngày. Đó là bởi vì chúng tôi sống trong sự hòa hợp và biết cách chế tác tình huynh đệ. Ngoài ra, chúng tôi thấy mình sống có ích và giúp được cho nhiều người bớt khổ. Chúng tôi thấy rằng hạnh phúc chân thực được làm bởi lòng từ bi và tình thương chân thực. Vì vậy mà dù ta sống rất giản dị và tiêu thụ rất ít thì ta vẫn có thể hạnh phúc như thường.
Tôi nhớ trong một buổi nói chuyện với các học giả, các nhà lý luận theo chủ nghĩa Mác-xít tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi có chia sẻ với họ về nếp sống ở Làng Mai: chúng tôi không ai có tài khoản riêng, nhà riêng, thậm chí không có điện thoại riêng, máy vi tính riêng, cũng không có lương hàng tháng, và tôi nói rằng: “chúng tôi mới là những người cộng sản thứ thiệt!”. Tất cả mọi người có mặt ở đó đều cười lớn. Bởi vì đó là sự thật mà ai cũng có thể thấy.
Vì vậy theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi quan niệm về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc và ý niệm đó có thể là trở ngại chính ngăn chúng ta tiếp xúc với hạnh phúc chân thực. Nếu chúng ta chưa tìm được việc làm thì chúng ta vẫn có thể sống một cách đơn giản, tiêu thụ ít lại nhưng vẫn có thể hạnh phúc hơn nhiều người đang có rất nhiều tiền bạc, địa vị và quyền lực trong xã hội.
Đó là lý do vì sao công tác giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta cần đưa những nội dung như nghệ thuật xử lý khổ đau và chế tác hạnh phúc vào giảng dạy tại trường học. Điều này rất quan trọng. Tôi nghĩ các thầy cô giáo là những người cần phải nắm cho được nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau, rồi sau đó mới trao truyền lại cho các sinh viên của mình. Chúng ta cần phải bắt đầu với các giáo viên trước. Thầy cô giáo hạnh phúc thì học trò cũng sẽ hạnh phúc và thế giới này cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp hơn.
Giáo sư Lee Chak Fan: Chúng tôi vô cùng biết ơn Thầy vì đã dành cho chúng tôi những lời chia sẻ rất quý báu. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Thầy: điều cần làm trước tiên là phải đào tạo để có những thầy cô giáo hạnh phúc. Làng Mai là một điển hình để chúng tôi học theo. Quý vị ở đây có một vị thầy lỗi lạc và biết sống hạnh phúc, nhờ vậy mà tạo ra được một môi trường đầy an lạc như Làng Mai ngày nay. Đây có lẽ là điều mà chúng tôi cần học hỏi từ Thầy để áp dụng cho Đại học Hồng Kông. Một điều nữa mà chúng tôi thấy có thể làm được, đó là gửi những người trẻ của trường đến Làng Mai để học về chánh niệm (chúng tôi rất vui khi được biết trong số quý thầy, quý sư cô Làng Mai có một sư cô đã từng là sinh viên của Đại học Hồng Kông).
Kết thúc buổi đối thoại, Thầy Làng Mai tặng quà lưu niệm cho Đoàn đại biểu của Đại học Hồng Kông bằng bức thư pháp “Happy teachers will change the world” (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới). Mặc dù chỉ thăm Làng Mai được một ngày thôi nhưng đoàn đại học Hồng Kông đã có cơ hội thưởng thức rất nhiều “đặc sản” của Làng như thiền hành, thiền tọa, thiền trà, ăn cơm im lặng,…và đặc biệt hơn cả là không khí đầm ấm của một gia đình tâm linh. Có lẽ đây là lần đầu tiên các thành viên trong đoàn được chứng kiến một buổi lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự trong không khí ấm áp và thân tình đến vậy. Đúng như lời của Thầy Làng Mai: “Chúng tôi không hoạt động như một cá nhân mà luôn hoạt động như một Tăng thân. Vì vậy, vinh dự lớn lao này cũng thuộc về mọi thành phần của tăng thân”.