Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chỉ có tình thương mới có thể cứu chúng ta khỏi những hiểm họa của biến đổi khí hậu

 

Jo Confino

(đăng ngày 21.1.2013 trên tờ The Guardian)

 

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một trong những vị thầy tâm linh có ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới, là người có sự an định rất lớn, dù Thiền sư đã dự đoán rằng nền văn minh của nhân loại có khả năng sụp đổ trong vòng một trăm năm tới do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Vị thầy người Việt hiện đã 86 tuổi này –  người có hàng trăm ngàn đệ tử xuất gia và tại gia trên khắp thế giới – cho rằng sở dĩ phần lớn chúng ta không hành động gì để đối phó lại trước nguy cơ trái đất bị hâm nóng cho dù đã có vô số các chứng cứ khoa học, là vì chúng ta không có khả năng tự cứu mình khỏi những khổ đau của tự thân thì làm sao có thể lo lắng cho vận mệnh của đất Mẹ.

Thầy nói rằng bình an là điều mà chúng ta có thể có được nếu chúng ta chọc thủng được bức màn của thế giới hiện tượng vốn được xây dựng dựa trên ý niệm về sinh – diệt để chạm tới thế giới bản môn, thế giới không sinh không diệt.

Nhận thấy tính cách tương tức của vạn hữu trong vũ trụ, chúng ta sẽ vượt thoát ý niệm cho rằng chúng ta là những thực thể tách biệt, khi đó tình thương, lòng từ bi trong ta sẽ trở nên rộng lớn và chính năng lượng đó thôi thúc ta hành động để bảo hộ đất Mẹ.

Nhìn sâu vào nỗi sợ hãi

Trong tác phẩm mới xuất bản có tên là Nỗi sợ hãi (Fear), Thầy viết rằng con người chúng ta thường bỏ ra quá nhiều thời gian để lo lắng về bệnh tật, về cái già, về sự mất mát những gì mà chúng ta trân quý nhất, cho dù sự thật hiển nhiên là một ngày nào đó chúng ta sẽ phải buông bỏ tất cả.

“Chúng ta không chỉ là hình hài nhỏ bé này mà thôi, và chúng ta không phải từ không mà trở thành có và rồi từ có mà tan biến vào hư vô. Thấy được điều đó thì chúng ta sẽ thoát khỏi sợ hãi”, Thầy nói. “Không những vượt thoát được sợ hãi, chúng ta còn chạm tới được niềm vui lớn nhất”. 

Chia sẻ với tôi tại Làng Mai – nước Pháp, Thầy nói rằng: “Chúng ta cần nhìn lại ý niệm của mình về thời gian. Đối với chúng ta, tình trạng hiện giờ rất khẩn cấp, rất đáng báo động, nhưng đối với đất Mẹ thì đất Mẹ vẫn có khả năng tự trị liệu cho chính mình cho dù công việc đó phải mất khoảng 100 triệu năm. Chúng ta cho rằng thời gian của con người trên trái đất chỉ khoảng 100 năm, thành ra chúng ta thiếu kiên nhẫn. Hành động và sự vô minh tập thể của loài người chúng ta cũng như năng lượng giận dữ và bạo động tập thể sẽ đưa chúng ta đến chỗ bị hủy diệt và chúng ta phải chấp nhận điều đó”.

“Và có thể đất Mẹ sẽ sản sinh ra một vĩ nhân trong một thập niên tới… Chúng ta không thể biết và không thể nói trước được. Đất Mẹ rất tài năng. Người đã từng sản sinh ra các vị Bụt, các vị Bồ tát và các bậc đại nhân.

“Vì vậy ta hãy nương tựa đất Mẹ, phó thác thân mạng cho Mẹ và nhờ Mẹ trị liệu, cứu giúp chúng ta. Và ta phải chấp nhận rằng điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra: chúng ta sẽ bị hủy diệt như các chủng loại khác trên trái đất và đất Mẹ sẽ có khả năng đưa chúng ta biểu hiện trở lại, có thể là sau hàng triệu năm, và lần biểu hiện sau này chúng ta sẽ có nhiều tuệ giác hơn.”

 

 

Đối diện với sự thật

Thầy chỉ ra rằng phần lớn chúng ta thường chạy theo danh lợi, giàu sang, quyền hành và sắc dục, coi đây là nơi trú ẩn tuyệt hảo để trốn tránh thực tại đầy khó khăn, thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Thêm vào đó, lối sống xô bồ cùng với thói quen hưởng thụ những tiện nghi vật chất chỉ tạo ra một miếng băng dán tạm thời để băng bó cho những vết thương sâu về cảm xúc và tâm linh bên trong ta. Điều này chỉ làm tăng thêm sự cô đơn và khổ đau.

Trước thực trạng con người vẫn chưa có những hành động cần thiết để đối diện với hệ thống sinh thái đang bị phá hủy, sự đa dạng sinh học đang suy giảm nhanh chóng, Thầy chia sẻ rằng: “Có những người đã thấy được thực trạng nhưng vẫn không muốn thức tỉnh, bởi vì thực trạng đó làm cho họ khổ, họ không thể đối diện với sự thực. Không phải là họ không biết chuyện gì đang xảy ra. Chỉ là họ không muốn nghĩ về nó mà thôi.

“Họ làm cho mình thật bận rộn để quên đi thực tại. Với những người như vậy, ta đừng khuyên họ nên làm thế này, không nên làm thế kia cho tương lai. Ta hãy trò chuyện như thế nào để chạm được trái tim của những người ấy, giúp họ cùng bước trên con đường của hạnh phúc chân thực, con đường của hiểu biết và thương yêu. Khi đã nếm được một chút bình an và thương yêu thì họ sẽ thức tỉnh”.

Thầy đã thành lập phong trào Đạo Bụt Dấn Thân nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của cá nhân trong việc tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Thông qua Năm Giới tân tu – được xem như một tấm bản đồ chỉ đường đưa ta đi về nếp sống đạo đức, Thầy kêu gọi mọi người không tiêu thụ các sản phẩm gây hại đến môi trường và đối diện với những bất công xã hội. 

Thuyết phục những người có thế lực trong xã hội thay đổi cách hành xử của mình là điều không hề dễ dàng, vì vậy Thầy cho rằng các phong trào tự phát từ quần chúng (grassroots movement) rất cần thiết, đây cũng là chiến thuật của Thánh Gandhi. Tuy nhiên, Thầy nhấn mạnh rằng điều này chỉ thực sự hiệu quả khi những nhà hoạt động vì môi trường biết cách đối diện với cơn giận và sự sợ hãi trong họ trước tiên, thay vì hướng năng lượng đó vào những người mà họ cho là phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm môi trường.

Người tiêu thụ tỉnh thức có thể ảnh hưởng đến đường lối kinh doanh của doanh nghiệp

Về những doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm độc hại, Thầy nói rằng: “Những doanh nghiệp đó không nên tiếp tục sản xuất những sản phẩm độc hại. Chúng ta không cần các sản phẩm như vậy. Chúng ta cần những loại sản phẩm giúp ta khỏe mạnh hơn. Nếu những người tiêu thụ có sự tỉnh thức thì nhà sản xuất sẽ phải thay đổi. Chúng ta có thể buộc họ thay đổi bằng cách không tiêu thụ các sản phẩm của họ.

“Thánh Gandhi đã kêu gọi được người dân Ấn Độ tẩy chay một số hàng hóa để phản đối chính sách của Anh. Ông biết cách chăm sóc cho chính mình trong quá trình tranh đấu bất bạo động. Ông biết giữ gìn năng lượng vì cuộc đấu tranh sẽ kéo dài. Chính vì vậy sự thực tập tâm linh rất cần thiết nếu ta muốn giúp thay đổi xã hội.”

 

Thầy, tác giả của hơn 100 đầu sách trong đó có cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức, nói rằng những người có quyền lực trong xã hội không dễ lên tiếng về sự tàn hại mà hệ thống kinh tế hiện nay gây ra đối với môi trường, vì họ sợ bị tẩy chay và nhạo báng. Tuy nhiên, chúng ta cần có thêm nhiều nhà lãnh đạo có can đảm thay đổi tình trạng. Để có thể làm được điều này, các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị cần nuôi dưỡng tình thương, lòng từ bi để có thể ôm ấp và làm giảm bớt cái ngã của mình, Thầy nói:

“Sở dĩ ta có can đảm nói ra sự thật là vì ta có lòng từ bi trong trái tim, lòng từ bi là một loại năng lượng rất hùng hậu,” Thầy nói. “Với lòng từ bi, ta có thể hy sinh thân mạng mình vì người khác, như người mẹ có thể hy sinh thân mạng cho đứa con của mình. Ta có can đảm nói ra sự thật vì ta không sợ mất gì cả, ta biết rằng hiểu biết và thương yêu là nền tảng của hạnh phúc. Còn nếu vẫn sợ mất địa vị, quyền lực thì ta sẽ không có đủ can đảm để làm điều đó”.

 

Giây phút suy ngẫm

Trong khi nhiều người đang mất phương hướng trước những phức tạp của cuộc sống và bị choáng ngợp bởi quá nhiều sự lựa chọn trong một xã hội tiêu thụ, những khóa tu do Thầy hướng dẫn chỉ ra cho mọi người một cách sống khác, khá giản dị mà vô cùng sâu sắc.

Trong khóa tu an cư kiết đông ở Làng, Thầy thường xuyên hướng dẫn cho hàng trăm xuất sĩ và cư sĩ về sự thực tập tắt “đài phát thanh” (những ồn ào không dứt) trong đầu mình và tập trung vào những thực tập căn bản về chánh niệm như thưởng thức hơi thở ý thức, chế tác niềm vui trong khi đi thiền hành và nhìn sâu vào giây phút hiện tại.

Thầy chỉ ra rằng thay vì tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống bằng tư duy triết học hay tìm kiếm những trải nghiệm tột đỉnh thăng hoa, ta có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự khi tiếp xúc được với sự mầu nhiệm trong những điều rất đỗi bình thường của đời sống hàng ngày, những điều mà ta thường xem nhẹ. Chẳng hạn như trái tim làm việc suốt ngày đêm để giữ gìn sự sống cho ta, nhưng ta có thường thể hiện sự trân quý đối với trái tim không? Thầy chia sẻ rằng ta có thể tìm thấy những chân lý thâm diệu khi định tâm vào một việc đơn giản như ăn một củ cà rốt. Khi sự định tâm của ta vững chãi, ta sẽ thấy được rằng củ cà rốt đó không thể nào tồn tại nếu không có sự góp mặt của cả vũ trụ.

“ Nếu bạn thực sự tiếp xúc với một miếng cà rốt, bạn sẽ tiếp xúc được với đất, với mưa, với ánh nắng mặt trời,” Thầy nói: “Bạn cũng đồng thời tiếp xúc được với đất Mẹ. Ăn như thế, bạn cảm thấy mình đang thực sự tiếp xúc với sự sống, với gốc rễ của mình. Và đó là thiền quán. Nếu ta nhai mỗi miếng thức ăn theo cách đó, ta sẽ phát khởi tâm niệm biết ơn. Và chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc”.

Dù thiền tập mỗi ngày trong bảy mươi năm qua, Thầy vẫn tin rằng mình vẫn còn nhiều điều để học hỏi. “Trong đạo Bụt, thương yêu được diễn tả thành bốn khía cạnh mà chúng ta gọi là bốn tâm vô lượng hay tứ vô lượng tâm. Bốn tâm đó là từ, bi, hỷ và xả.  Vô lượng có nghĩa là không thể đo lường được, không có biên giới.

“Đó là cách nhìn của Bụt. Các đệ tử của Bụt coi Bụt như một con người toàn hảo, nhưng đó là vì lòng thương kính mà thôi, sự thật là ta không bao giờ có thể toàn hảo được. Mà ta cũng không cần phải toàn hảo. Nếu mỗi ngày ta có tiến bộ một chút, có thêm một chút niềm vui và bình an, vậy là tốt rồi. Vì vậy tôi vẫn đang tiếp tục thực tập và có những cái thấy mỗi ngày mỗi sâu hơn.

“ Sự thực tập không hề có giới hạn. Và tôi nghĩ là điều này cũng đúng đối với loài người chúng ta. Chúng ta có thể tiếp tục học hỏi từ thế hệ này sang thế hệ khác, và bây giờ là lúc chúng ta cần bắt đầu học hỏi cách thương yêu không kỳ thị, bởi vì loài người chúng ta đã có đủ thông minh, nhưng chưa có đủ tình thương.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: một cuộc đời thầm lặng

Thầy thường được so sánh với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng Người luôn tìm cách tránh sự chú ý của công chúng và chọn sống một nếp sống giản dị, thầm lặng của một người tu. Thầy đã tránh cái bẫy của sự nổi tiếng và chỉ cho phỏng vấn đối với những phóng viên chịu dành thời gian thiền tập với Thầy trước khi phỏng vấn, vì chánh niệm là cái cần phải được trải nghiệm thay vì được mô tả.

Nhưng Thầy không phải là người sống khép kín. Người đã sống một cuộc đời phi thường và đã được Mục sư Martin Luther King đề cử cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 vì những đóng góp của Người trong việc chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Trong thư đề cử của mình, Mục sư King nói rằng: “Cá nhân tôi không thấy ai xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hơn vị thầy tu Phật giáo đến từ Việt Nam này. Những phát kiến cho hòa bình của Ngài, nếu được áp dụng, sẽ dựng nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”.

Thầy đã thành lập nên Làng Mai tại Pháp cách đây 30 năm, từ khi bị sống lưu vong nơi xứ người, và sau đó thành lập thêm nhiều tu viện khác tại Mỹ, Thái Lan, Hồng Kông, cũng như Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tại Đức. Người vẫn tiếp tục phụng sự cho hòa bình, hòa giải các cuộc xung đột trên thế giới, trong đó phải kể đến việc tổ chức các khóa tu cho người Israel và Palestin.

Dù đã đạt được rất nhiều thành tựu – gần đây Thầy đã được mời làm Tổng biên tập danh dự của tờ báo Times of India khi tờ báo này ra ấn bản đặc biệt về hòa bình, Thầy vẫn khiêm tốn khi nhìn lại cuộc đời mình.

“Tôi không đạt được gì nhiều ngoài một chút bình an, một chút hỷ lạc trong tự thân. Như vậy cũng đã nhiều rồi,” Thầy nói. “Những giây phút hạnh phúc nhất là khi tôi ngồi yên và cảm nhận được sự có mặt của các vị xuất sĩ lẫn cư sĩ đang cùng nhau thực tập thiền tọa hay thiền hành. Đó là thành tựu chính, còn việc xuất bản sách và thành lập các viện Phật học ứng dụng như ở Đức, những cái đó không quan trọng.

 

 

“Điều quan trọng là xây dựng được một tăng thân – một cộng đồng tu học, và tôi có một cái thấy là đức Bụt của thời đại chúng ta có thể không phải là một cá nhân mà là một tăng thân. Nếu mỗi ngày ta thực tập thiền hành, thiền tọa và chế tác năng lượng của niệm, định và bình an thì ta đang là một tế bào trong thân của Bụt. Đây không phải là một giấc mơ. Điều này có thể thực hiện được ngay hôm nay và ngày mai. Bụt không phải ở một nơi xa xôi mà Bụt đang có mặt ngay bây giờ và ở đây”.

Mặc dù tại thời điểm này Thầy vẫn đang khỏe mạnh và trí tuệ của Người sắc bén như một lưỡi gươm nhưng Thầy đã lớn tuổi và sẽ không thể tiếp tục có những chuyến hoằng pháp dài ngày trên khắp thế giới như trước đây. Năm nay Thầy có chuyến hoằng pháp tại nhiều tiểu bang của Mỹ cũng như tại một số nước châu Á, và có lẽ đây sẽ là chuyến hoằng pháp ra nước ngoài cuối cùng của Thầy.

Dù Thầy tin rằng bản chất của chúng ta là vô sinh bất diệt nhưng Thầy cảm thấy như thế nào về sự ra đi của chính mình?

“Tôi sẽ không chết nhưng sẽ tiếp tục nơi những người khác, đó là điều rất rõ ràng,” Thầy nói. “Không có gì mất đi cả. Và tôi rất vui vì đã được tham gia vào công trình làm mới lại giáo lý của Bụt. Có nhiều người đã hiểu sai lời Bụt dạy, vì vậy chúng ta cố gắng làm cho giáo lý của Bụt trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng đối với tất cả mọi người.”

Nâng chén trà trong tay, Thầy nói thêm: “Tôi đã chết rất nhiều lần, có thể nói chúng ta đều được sinh ra và chết đi trong mỗi phút giây, đó là cách mà chúng ta cần rèn luyện cho chính mình. Cũng giống như lá trà, khi ta cho lá trà vào ấm rồi đổ nước sôi lên, vài phút sau là ta có trà để uống. Rồi ta chế thêm nước sôi để có ly trà thứ hai. Sau vài lần như vậy, ta sẽ thấy rằng lá trà tuy còn trong ấm nhưng hương vị của nó đã đi vào ly trà rồi, cái còn lại trong ấm chỉ là bã trà mà thôi.

“Nhưng đó không có nghĩa là lá trà đã chết. Dù chỉ còn là bã trà nhưng ta vẫn có thể sử dụng chúng để bón cho chậu hoa trong vườn và như vậy lá trà vẫn tiếp tục hiến tặng cho cuộc đời. Chúng ta phải nhìn hiện tượng sinh – diệt theo cách đó. Vì vậy khi tôi nhìn các đệ tử xuất sĩ và cư sĩ đang thực tập, tôi thấy đó là sự tiếp nối của Bụt, đó cũng là sự tiếp nối của chính tôi.”

Nhận được một lá thư cho biết là có một vị đã xây một ngôi tháp tại Hà Nội để tưởng nhớ công đức của Thầy, gần đây Thầy đã gửi một lá thư cho Tổ đình Từ Hiếu tại Huế nơi Thầy xuất gia tu học và nói rõ rằng: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Tốn đất chùa vô ích. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không muốn được tiếp nối như vậy. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây cỏ. Đừng ngăn sự tiếp nối của nắm tro ấy.”

Thầy nói thêm: “Nếu đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: Trong này không có gì. Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: Ngoài kia cũng không có gì. Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn”.