Thầy trò ta cùng leo đồi thế kỷ
Từ Hiếu, Thất Lắng Nghe, 20.11.2020
Các con xuất sĩ, Tiếp Hiện, Phật tử cư sĩ cùng quý vị thân hữu rất thương và trân quý của Thầy khắp nơi, gần và xa,[1]
Hôm nay là ngày giỗ kỵ Sư Tổ khai sơn Tổ đình Từ Hiếu của các con. Ngài là Thiền Sư trước Tánh sau Thiên, hiệu Nhất Định.[2] Sáng hôm nay trời nắng rất là đẹp và trong cái mát dịu của trời đất giữa mùa Thu xứ Huế, hàng ngàn con cháu của Sư Tổ từ khắp nơi trên đất nước đã trở về chùa Tổ để dự lễ và để được đảnh lễ Ngài. Mấy hôm trước đây, kể từ ngày Lễ Tảo Tháp Tổ, hằng trăm con cháu của Ngài cũng đã về chùa hằng ngày để quét lá, dọn dẹp vườn chùa, lau dọn tháp miếu và rộn ràng chuẩn bị cho buổi lễ ngày hôm nay. Con cháu của Ngài ở khắp nơi trên thế giới cũng đang hướng về Ngài trong ngày kỵ Tổ hôm nay. Tăng thân của chúng ta lớn lắm ở khắp cả năm Châu. Và Thầy rất hạnh phúc tăng thân chúng ta đang tiếp nối sự nghiệp của Bụt và của chư Tổ.[3]
Thắp sáng tấm lòng ân nghĩa
Thầy vẫn thường dạy cho các con là chừng nào chúng ta còn biết ơn, chừng đó chúng ta còn có hạnh phúc[4]. Trong những ngày qua, Thầy đã thực tập biết ơn Bụt và chư Tổ đã cho Thầy một con đường tâm linh rất sáng và đẹp để đi trong suốt cuộc đời.[5] Việt Nam là một đất nước đẹp, một giống người đẹp.[6] Thầy rất biết ơn quê hương đất nước Việt Nam và gia đình huyết thống của Thầy đã sinh ra Thầy và hai năm trước đây quê hương đất nước lại một lần nữa mở rộng vòng tay để đón Thầy trở về sau bao nhiêu năm xa quê hương để hoằng pháp nơi xứ người.[7] Trong hai năm qua, Thầy rất hạnh phúc được sống cùng với các huynh đệ và con cháu nơi chốn Tổ. Thầy được thường xuyên vào thăm liêu của Sư Cố, cùng các con đi thiền hành xuống hồ Bán Nguyệt và có những khuya được ngắm trăng lên trên cổng Tam Quan. Con đường mà Thầy trò chúng ta đi khởi sự từ sân Phật đường Từ Hiếu, xuống hồ Bán Nguyệt, quanh hồ Sao Mai, vượt cổng tam quan, lên đồi Dương Xuân hay đi về Lăng Viện, những con đường ấy đã đi vào huyền thoại.[8]
Các con có biết là hạnh phúc của Thầy rất là lớn không? Hạnh phúc của Thầy rất lớn, nhiều lúc lớn quá khiến Thầy có cảm tưởng là Thầy không đủ sức ôm được hết.[9] Mỗi lần Thầy nhìn các con làm thị giả chăm sóc cho Thầy, lòng Thầy tràn đầy yêu thương và Thầy biết ơn các con rất nhiều, biết ơn một cách rất sâu sắc.[10] Thầy nghĩ là tăng thân mình nên làm mới Bốn Lạy của sự thực tập Tứ Ân để sự thực tập ân nghĩa này trở thành Năm Lạy của Ngũ Ân, trong đó có thêm ân của các vị đệ tử xuất sĩ, Tiếp Hiện, Phật tử cư sĩ cùng quý vị thân hữu đã giúp cho các vị tiển bối và Thầy của mình thành tựu được công trình hoằng pháp độ sanh của quý Ngài.
Không những các vị thị giả đã cho Thầy rất nhiều hạnh phúc mà các con dù là xuất sĩ, Tiếp Hiện hay là cư sĩ, Phật tử hay chưa phải là Phật tử, đang ở đâu và đang làm gì trên khắp thế giới để tu tập, chuyển hóa khổ đau cho mình và cho người, hiến tặng và dấn thân phụng sự cho tăng thân hay cộng đồng của mình cũng như hiến tặng cuộc đời mình cho nhân quần xã hội, mỗi một các con trong vị trí và công việc của mình cũng đã cho Thầy rất nhiều hạnh phúc. Thầy rất biết ơn các con. Thầy thấy rõ là dù đang ở đâu các con cũng đang tiếp nối Thầy, bằng cách này hay cách khác, hoặc bằng nhiều cách khác nhau cùng một lần và đang đưa Thầy đi về tương lai.[11] Thầy trò mình vẫn tiếp tục leo đồi thế kỷ, hiến tặng yêu thương, hiểu biết, thảnh thơi và vững chãi cho cuộc đời hôm nay và mai sau. Và các con biết không, khi Tăng thân rất lớn của mình leo đồi thế kỷ thì cảnh tượng mầu nhiệm vô cùng.[12]
Tăng là đoàn thể đẹp
Trong các con, có những người là xuất sĩ, những người xuất sĩ cũng là những người cư sĩ. Xuất là đi ra, không phải để làm quan mà để gia nhập vào Tăng đoàn những người xuất gia. Tăng thân cần mình đi đâu thì mình đi đến đó, mình không có một trú xứ duy nhất. Trong các con, có những người là cư sĩ. Cư là ở lại, cư sĩ cũng có nghĩa là xử sĩ, các con chưa xuất gia (tiếng Anh là going forth) vì đang có bổn phận với gia đình, với cha mẹ, nhưng vẫn có cơ hội để tham dự vào những sinh hoạt tu tập; có mặt các con, những người cư sĩ, thì mới có được tứ chúng (the fourfold community, the fourfold Sangha). Các chúng xuất sĩ và cư sĩ nương vào nhau, yểm trợ cho nhau, tu tập chuyển hóa và độ đời. Tăng thân là một đoàn thể đẹp, có đủ bốn chúng nam xuất gia, nữ xuất gia, nam tại gia, nữ tại gia. “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát, làm an lạc cuộc đời”.[13] Quay về nương tựa Tăng là con đường thực tập căn bản của tất cả mọi người trong chúng ta, giúp chúng ta vượt thắng được tất cả mọi lo lắng, sợ hãi và bất an.
Dù cuộc đời vô thường
Dù sinh lão bệnh tử
Ðã có đường đi rồi
Con không còn lo sợ.[14]
Nhà tranh đấu cho Nhân quyền, Dr. Martin Luther King, Jr. rất ao ước xây dựng một đoàn thể đẹp như thế, một đoàn thể sống có hạnh phúc, có tình huynh đệ và có khả năng tranh đấu cho đời. Ông gọi tên đoàn thể ấy là “The Beloved Community”, mình tạm dịch là “Tăng thân yêu quý”. Rất tiếc là ông đã bị ám sát năm 39 tuổi tại Memphis, Mỹ Quốc, cho nên giấc mơ đẹp ấy chưa thực hiện được. Thầy trò mình may mắn hơn. Thầy trò mình đã xây dựng được Tăng thân khắp chốn, để rồi nơi nào cũng trở thành quê hương (Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này). Mình đã tiếp nối được chí nguyện của Dr. Martin Luther King, Jr. Và công phu tu tập hằng ngày của mình là để chế tác tình huynh đệ, niềm vui sống và khả năng giúp người độ đời. Đó là những thực hiện và tiếp nối cụ thể cho giấc mơ ấy.[15] Hơn thế nữa, vấn đề của thế giới ngày hôm nay đã trở nên vấn đề toàn cầu, một đức Bụt của thế kỷ thứ hai mươi mốt không thể biểu hiện như một cá thể nữa, ‘one Buddha is not enough – một vị Bụt thôi thì chưa đủ[16]’. Nếu đức Bụt Di Lặc biểu hiện trong thế kỷ này, Thầy tin rằng Ngài sẽ biểu hiện dưới hình thức của một ‘Tăng thân yêu quý – The Beloved Community.’
Dặn dò
Ngày hôm nay, nhân ngày kỵ Tổ khai sơn, Thầy muốn nhắc lại cho các con những điều mà Thầy đã từng căn dặn các con lúc trước về những ước muốn đích thực của Thầy để Thầy trò mình vẫn được cùng nhau tiếp tục leo đồi thế kỷ. Thầy rất hạnh phúc mỗi khi nhớ tới là Thầy trò chúng ta trong giờ phút hiện tại đang được cùng nhau leo lên ngọn đồi thế kỷ thứ hai mươi mốt. Chúng ta đã leo được hai mươi năm rồi (năm nay đã là năm 2020). Năm 2050, chúng ta sẽ đứng trên đỉnh đồi và chắc chắn là khi nhìn xuống sẽ thấy đẹp lắm, không thua gì đứng trên núi Thứu.[17]
Tâm bồ đề – Nguyện Ước lớn – Thương Yêu Sâu
Trước nhất, Thầy muốn các con hãy nhớ kỹ tâm bồ đề hay tâm thương yêu là nguyện ước, là giấc mơ của một hành giả chân chính. Tâm bồ đề bị xói mòn thì chúng ta không còn năng lượng để đi tới mà thực hiện giấc mơ.[18] Chúng ta đi tu là để làm cho tâm chúng ta phát khởi được tình thương lớn, hiểu biết lớn, chấp nhận, tha thứ, bao dung và sẵn sàng hiến tặng cuộc đời mình cho tha nhân, đồng loại cũng như tất cả mọi loài chúng sanh. Chúng ta đi tu là để được giải thoát, vượt lên trên những đam mê, vướng mắc, hận thù, sợ hãi, nghi kỵ, hiểu lầm, si mê và những nhận thức sai lầm về bản thân, con người và sự sống. Và xa hơn nữa như thiền sư Lâm Tế đã khai thị trong bài Dạy Chúng của Ngài, chúng ta đi tu là để vượt thoát sanh tử, phát túc siêu phương, ra ngoài ba cõi.[19]
Chúng ta phải giữ gìn tâm bồ đề của chúng ta sao cho được trong sáng và đẹp đẽ. Chúng ta đừng để đánh mất mình trong nếp sống hưởng thụ vị kỷ và chỉ để thỏa mãn với một vị trí nào đó trong tăng thân hay ngoài xã hội. Chúng ta phải tập nhìn mình như là một giọt nước trong dòng sông giải thoát của Bụt và tăng thân tứ chúng. Chúng ta là sự nối tiếp của Bụt và chư Tổ sư, trong đó có Trúc Lâm đại sĩ, thiền sư Lâm Tế, thiền sư Liễu Quán và thiền sư Nhất Định. Chúng ta đi như một dòng sông, và chúng ta cũng đồng thời đang leo đồi thế kỷ với rất nhiều niềm vui.[20] Dù bận cách mấy, các con hãy có mặt cho nhau trong giờ ăn cơm quả đường, để tập thấy cho được vị trí của mình trong dòng sông giải thoát đó, để tập sống hòa thuận với tất cả các sư anh, sư chị, sư em, các vị Tiếp Hiện và các vị thiền sinh đến nương tựa và tu học với mình, để không trở thành những giọt nước riêng lẻ của từng phe, từng nhóm trong dòng sông giải thoát đó. Nếu chúng ta không bị vướng vào địa vị, tiền bạc, tiếng khen, chức vụ, v.v.., nếu chúng ta biết đi với Tăng thân như một dòng sông mà không phải như một giọt nước riêng lẻ thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để thực hiện được giấc mơ. Có phải thế không các con?[21]
Thắp sáng ý thức thương yêu
Chúng ta phải thật sự nuôi dưỡng cho được tình huynh đệ, nghĩa đồng bào. Chúng ta phải thật sự thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt trong một đại gia đình, phải biết kính trên nhường dưới. Tuy thỉnh thoảng trong chúng ta cũng có người vụng dại gây vài khó khăn và sự hờn tủi cho nhau, nhưng đó không phải là vì ta cố ý. Thầy cũng có khi còn vụng về, và Thầy biết các con luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho Thầy. Thầy rất biết ơn các con, biết ơn một cách rất sâu sắc. Các con cho Thầy rất nhiều hạnh phúc, và hạnh phúc của Thầy càng ngày càng lớn khi thấy các con thương nhau và bỏ qua những lỡ lầm vụng dại của nhau. Ai trong chúng ta cũng biết rằng càng hòa thuận, càng thương yêu nhau thì ta càng độ được nhiều người và trở thành nơi nương tựa cho nhiều người. Thầy thấy trong chúng ta ai cũng bước được nhiều bước trên con đường tu tập và chuyển hóa. Ai cũng đã chuyển hóa, người thì mau hơn, người thì chậm hơn, chỉ có như vậy thôi.[22]
Không những khất thực và thực tập ăn cơm quả đường giúp chúng ta hòa nhập được vào dòng sông giải thoát của Bụt và tăng thân tứ chúng mà sự thực tập này còn nuôi dưỡng được hạnh khiêm cung và chí nguyện độ sanh của một vị khất sĩ, một vị Tiếp Hiện, một vị Phật tử cư sĩ, để chúng ta đích thực là những người con của Bụt và của chư vị Tổ Sư. Đời sống của người xuất gia phải vừa khiêm cung vừa giản dị.[23] Sư Cố của các con, Sư Tổ Thanh Quý, là một người có đức khiêm cung rất lớn. Ngày xưa, có những vị tôn túc ngại và không dám xá chào Sư Cố, vì Sư Cố sẽ xá chào lại rất thấp và rất sâu để biểu lộ sự khiêm cung và kính trọng người khác của Sư Cố. Bản tính của Sư Cố là không thích ai lễ lạy mình, nhưng vì là một vị Thầy nên Sư Cố phải để cho người ta lễ lạy. Khi đại sư Chí Niệm xây tháp cho Sư Cố, Sư Cố dặn là phải an trí trên chóp tháp một tượng đức Bổn Sư, như vậy sau này có ai đến lễ lạy ở tháp, Sư Cố muốn đó là họ đang lễ lạy đức Bổn Sư chứ không phải là lễ lạy Sư Cố. Ở chùa tổ Từ Hiếu ai cũng biết chuyện đó. Thầy trò chúng ta phải học cho được thái độ khiêm cung ấy của Sư Tổ Thanh Quý. Đức khiêm cung đó sẽ có thể giữ cho chúng ta mãi mãi còn là chúng ta.[24]
Tháp tương tức, tương nhập
Chúng ta đi tu không phải là để được sự cung kính, cúng dường của đàn na tín thí, để được cao sang, danh vọng và quyền quý mà ngược lại bởi vì chúng ta hiểu rõ được bản chất tương tức, tương nhập của sự sống. Chúng ta rất trân quý, thương yêu và kính trọng tất cả những biểu hiện khác nhau của sự sống. “Reverence is the nature of my love”. Chúng ta đi tu vì những niềm vui và những hạnh phúc chân thật đến từ sự giải thoát khỏi các hệ lụy, các sợi dây ràng buộc cũng như sự vướng mắc vào các tri kiến và vọng tưởng sai lầm về bản chất của sự sống. Sự sống là vô thường mà chúng ta cứ cho nó là thường và sai lầm lớn nhất là chúng ta thấy mình có một cái ta riêng biệt mà không thấy rằng mình tương tức, tương nhập với toàn thể vũ trụ vạn hữu.[25]
Ngày xưa, Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán, Hà Nội. Thầy dạy Sư Thầy đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đối với Thầy, những pháp môn tu học có công năng chuyển hoá và trị liệu được cho người đương thời, chính là cái tháp của Thầy. Ở Pháp Vân, ở Tổ Đình Từ Hiếu hay ở bất cứ trung tâm tu học nào của Làng Mai trên thế giới đều phải có cái Tháp ấy. Không phải một cái tháp bằng gạch, bằng xi măng mà là một cái tháp của sự thực tập. Tất cả các thầy, các sư cô, các sư chú, các vị Tiếp Hiện, các vị Phật tử cư sĩ và các vị thân hữu của Làng Mai, bất cứ ai tới cũng được mời đi vào cái tháp đó. Nghĩa là phải học đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau, ...[26]
Thầy không muốn Thầy có một cái tháp vì Thầy thấy rõ Thầy không có một cái ta riêng biệt và không một giây phút nào Thầy đang không ngừng biểu hiện. Trong bài thơ “Hãy gọi đúng tên tôi”, Thầy đã viết:
Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân
Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp
vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá.
Tôi còn tới để khóc để cười
Để ước mong để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần
của hàng triệu trái tim
.… [27]
Hai năm trước tại Thái Lan, Thầy có dạy các sư anh sư chị là sau này, khi đến thời gian viên tịch của Thầy, các con sẽ tổ chức Tâm Tang cho Thầy theo tinh thần của bài thơ trên. Trong suốt thời gian tang lễ chúng ta sẽ có một khóa tu im lặng hùng tráng “noble silent retreat” trong 5 ngày để đại chúng có cơ hội quán chiếu về sự biểu hiện của Thầy trong từng giây từng phút, để thấy Thầy vẫn luôn luôn có mặt trong mỗi một biểu hiện của sự sống. Thầy rất mong ước các con những vị xuất sĩ, những vị Tiếp Hiện, những vị Phật tử cư sĩ cùng quý vị thân hữu mỗi người sẽ xây cho Thầy một cái Tháp bằng chính công phu tu học của tự thân trong mỗi giây mỗi phút của đời sống hằng ngày. Trong khóa tu im lặng hùng tráng này, Thầy trò chúng ta sẽ đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau, v.v…. Sau Lễ Trà Tỳ, các con hãy đem tro của Thầy mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.[28]
Trong chuyến đi hoằng pháp tại Trung Quốc mùa Thu năm 2001, tại Bắc Kinh, Thầy được sư cô Trung Chính báo tin là thầy Giác Thanh, trú trì chùa Lộc Uyển, Mỹ Quốc, đang hấp hối ở bệnh viện. Thầy đã viết và gởi bài kệ sau về cho Thầy Giác Thanh kịp trước khi Thầy Giác Thanh viên tịch:
Trượng phu tiếng đã biết
Việc đáng làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang
Thầy đã ủy lạo và khai thị cho thầy Giác Thanh với rất nhiều thương yêu và tin cậy. Thầy đã nói với Thầy Giác Thanh là Thầy Giác Thanh cứ thảnh thơi nghỉ ngơi. Thầy trò mình thế nào cũng còn tiếp tục gặp nhau, vẫn còn tiếp tục làm việc chung với nhau và cùng nắm tay nhau leo đồi thế kỷ.[29]
Ngày xưa Thầy đã nói với Thầy Giác Thanh như vậy và hôm nay nhân ngày kỵ Tổ khai sơn Thầy cũng muốn nói với các con điều đó. Bụt, chư Tổ và Thầy trò mình vẫn còn tiếp tục nắm tay nhau leo đồi thế kỷ.
Nhìn lại đi, Thầy đang ở trong con, và trong từng nụ hoa, chiếc lá
Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay.
Con đi đâu? Cây mộc già đã nở hoa thơm nức sáng nay
Thầy trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt
Xuân đã về, các cội thông đã ra chồi óng biếc và bên mé rừng đã nở rộ hoa mai.[30]
Thầy thấy nơi các con, Thầy thấy Thầy bất diệt
Thầy lạy Bụt gia hộ cho các con của Thầy được an ổn, trong thân cũng như trong tâm, và nuôi dưỡng được niềm vui làm chỗ nương tựa cho Tăng thân và cho mọi người. Thầy thấy rất rõ các con là sự tiếp nối của Bụt của chư Tổ và của Thầy. Thầy thấy nơi các con, Thầy thấy Thầy bất diệt. Thầy có đức tin nơi các con, đức tin này vững chắc không ai có thể làm lung lay được. Thầy ôm tất cả các con vào lòng với tất cả niềm thương yêu và tin cậy.[31] Thầy cầu Bụt và chư Tổ ban cho các con thật nhiều năng lượng.[32]
Thương và tin cậy,
Thầy
Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong.
Ta vẫn còn, đến đi thong dong
Có không, còn mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con, hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng
Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong.
Ta vẫn còn, đến đi thong dong
Có không, còn mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con, hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng
[1] Đây là lá thư Thầy Pháp Ấn soạn với sự hứa khả và chứng minh của Sư Ông Làng Mai cùng với sự góp ý của quý Thầy Pháp Ứng, Thầy Pháp Niệm, Thầy Pháp Khâm và quý Sư Cô Chân Không, Sư Cô Định Nghiêm và Sư Cô Linh Nghiêm, dựa vào những đoạn trích từ những lời giảng dạy và các thư tịch của Sư Ông, đặc biệt là những lời dạy và dặn dò của Sư Ông trong “Tuyển tập các lá thư thầy viết cho đệ tử – Tay Thầy Trong Tay Con”, Thầy Làng Mai. Lá thư này sẽ được dâng lên cúng dường cho Sư Ông trong ngày Lễ Trà Tỳ.
Thích Nhất Hạnh(2017).Tay Thầy Trong Tay Con, NXB Lao Động, Hà Nội.
(tuyển tập này sẽ được viết tắt bằng ‘Sách đã dẫn’ ở các trích dẫn phía dưới).
[2] Thiền Sư Nhất Định, Tập 2, Chương 25 – Các Danh Tăng Đời Nguyễn, “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, Giáo Sư Nguyễn Lang (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh), xem vào ngày 20.11.2020
[3] ‘Nắm Lấy Cơ Hội’, Sách đã dẫn, tr. 62
[4] ‘Ở nhà Như Lai’, Sám Pháp Địa Xúc, tr. 83
[5] ‘Hạnh Nguyện’, Sách đã dẫn, tr. 37
[6] ‘Phẩm vật cúng dường’, tham khảo ngày 4/1/2021.
[7] ‘Chuyến Về Việt Nam của Sư Ông năm 2018 – Thông cáo ngày 02 tháng 11 năm 2018’, và ‘Ngày 26 tháng 10 năm 2018 – Thư Sư Ông gửi Chư Vị Tôn Đức và con cháu Tổ Đình Từ Hiếu’, xem vào ngày 20.11.2020
[8] ‘Con Đường Huyền Thoại’, Sách đã dẫn, tr. 28-29
[9] ‘Đất Ruộng Tìm Về Với Nông Dân’, Sách đã dẫn, tr. 127
[10] ‘Ta Đang Còn Có Nhau’, Sách đã dẫn, tr. 131
[11] ‘Thầy Thở Con Thở‘, Sách đã dẫn, tr. 121
[12] ‘Con Đường Huyền Thoại’, Sách đã dẫn, tr. 24
[13] ‘Con Đường Huyền Thoại’, Sách đã dẫn, tr. 21
[14] ‘Bài Tụng Hạnh Phúc’, Nhật Tụng Thiền Môn năm 2015, ấn bản miền nam, Thích Nhất Hạnh, NXB Hồng Đức, tr. 77
[15] ‘Con Đường Huyền Thoại’, Sách đã dẫn, tr. 21
[16] ‘In order to save our planet Earth, we must have a collective awakening. Individual awakening is not enough. That is why one Buddha is not enough’, Thich Nhat Hanh
‘Để cứu được Địa Cầu, chúng ta phải có giác ngộ tập thể. Giác ngộ cá nhân không đủ. Đó là lý do tại sao một vị Bụt thôi thì chưa đủ.’ Thich Nhat Hanh
https://naturalwisdom.blogspot.com/2016/11/one-buddha-is-not-enough.html,
tham khảo ngày 20.11.2020
[17] ‘Áo Vách Đá’, Sách đã dẫn, tr. 94
[18] ‘Hạnh Nguyện’, Sách đã dẫn, tr. 42
[19] Lâm Tế Ngữ Lục – Dạy Chúng, tham khảo ngày 20.11.2020
[20] ‘Áo Vách Đá’, Sách đã dẫn, tr. 95
[21] ‘Hạnh Nguyện’, Sách đã dẫn, tr. 48
[22] ‘Ta Đang Còn Có Nhau’, Sách đã dẫn, tr. 131
[23] ‘Khơi Dậy Ngọn Lửa Thiêng’ , tham khảo ngày 5/1/2021
[24] ‘Khơi Dậy Ngọn Lửa Thiêng’ , tham khảo ngày 5/1/2021
[25] Duy Biểu Học – Bài tụng 13: Tương tức tương nhập, xem vào ngày 20.11.2020
[26] ‘Thông Bạch Ngày Tiếp Nối 2012, Mừng ngày sinh của Thầy 11-10-2012’, tham khảo ngày 20.11.2020
[27] Hãy gọi đúng tên tôi, ‘Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt’, NXB Hội Nhà Văn, tr.31
[28] ‘Thông Bạch Ngày Tiếp Nối 2012, Mừng ngày sinh của Thầy 11-10-2012’, tham khảo ngày 20.11.2020
[29] ‘Lá Thư Làng Mai 25 năm 2002’, tr. 9, tham khảo ngày 20.11.2020
[30] ‘Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai’, tham khảo ngày 20.11.2020
[31] ‘Đất Ruộng Tìm Về Với Nông Dân’, Sách đã dẫn, tr. 132
[32] ‘Nắm Lấy Cơ Hội’, Sách đã dẫn, tr. 62