Tâm tang ngày thứ 4 (26.01.2022)
Một ngày nắng hiền trải nhẹ khắp núi đồi Dương Xuân. Bóng áo vàng, áo nâu, áo lam,… từng bước thiền hành trong lòng chùa Tổ. Tiếng chuông gia trì vang lên, báo hiệu phái đoàn chư Tôn Thiền đức hay Phật tử cư sĩ các giới đang đảnh lễ thọ Tâm Tang trước Giác linh Sư Ông. Tiếng chuông ngân xa ấy càng khiến cho khung cảnh núi đồi càng thêm trầm tịch. Tiếng chuông nhắc ta trở về với hơi thở chánh niệm.
Lặng lẽ khắp nơi, dưới mái tháp chuông đại hồng, bên bức tường tháp Tổ sư, dưới tán cổ thụ, nơi cổng tam quan, dưới tán trúc hồ Sao Hôm,… có những vị đang thực tập thiền hành, hoặc đang ngồi thiền, đang gởi tâm niệm biết ơn đến Sư Ông, hay đang nhìn sâu vào một chiếc lá. Trong không khí Tâm Tang, chỗ ngồi nào cũng có thể trở thành đạo tràng tu tập, cũng trở thành Thánh địa.
Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni có vị vì sức khoẻ không cho phép và vì tình hình dịch bệnh nên không thể quang lâm về Tổ đình Từ Hiếu hộ niệm và Đảnh lễ thọ Tâm Tang, đã tổ chức lễ Tưởng niệm tại bổn xứ với tất cả lòng thành kính. Tình huynh đệ và nghĩa đồng môn khiến chúng con vô cùng cảm động. Nhiều Phật tử cũng đã thiết bàn thờ Sư Ông tại tư gia để được lễ lạy mỗi ngày. Chúng con rất biết ơn tấm lòng của quý vị.
Trên khắp núi đồi Dương Xuân, nơi đâu cũng có bước chân của Sư Ông lúc còn là một sư chú. Giếng nước chú Phùng Xuân tắm giặt hay cái giếng trên đồi cao hơn, nơi chú lấy nước pha trà dâng lên Sư cố Thanh Quý Chân Thật. Những cây bùi tán rộng chú vẫn thường đến ngồi chơi. Những bậc cấp nơi hồ bán nguyệt chú thường ngồi gọt mít cho dì Tư nấu canh với lá lốt, lá sân. Khu vực quanh hồ chú thường ngồi nhổ cỏ và lắng nghe tiếng kinh vọng xuống từ Đại hùng bảo điện. Đặt những bước chân bình an, thở những hơi thở chánh niệm, chúng ta có cơ hội rất lớn để có thể tiếp xúc được với chú Phùng Xuân, với Sư Cố, với Sư Ông trong bản môn. Chúng con kính mời đại chúng cùng thực tập nuôi dưỡng Sư Ông nơi từng bước chân, nơi mỗi hơi thở. Tay Thầy trong tay con, chúng ta cùng nhau nuôi lớn nếp sống hiểu biết và thương yêu để bước đi trên con đường tâm linh sáng đẹp.
“Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư Ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy. Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối … Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô… hái ở các vườn chùa.
Chừng nào con về thầy sẽ đưa con đi thăm mộ dì Tư, thăm chùa Diệu Nghiêm, thăm Tàng Tháp, thăm Lăng Viện…” (Sư Ông, Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời)
Mời đại chúng cùng đi chơi với Sư Ông.