Lễ xuất gia cây Mimosa trong Tâm tang

Mimosa, tên Gia đình cây xuất gia với ba mươi lăm nụ hoa biểu hiện trong lòng tăng thân xuất sĩ đã được tổ chức tại bốn trung tâm: Làng Mai, Pháp (25.01.2022), Tu viện Bích Nham, Mỹ (26.01.2022), Tu viện Vườn Ươm, Thái Lan, Tu viện Lộc Uyển, Mỹ  và Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam (27.01.2022). Trước đó, vào ngày 19.01.2022  tại Làng Mai, Pháp, các tập sự đã có lễ Dẫn thỉnh để cầu xin thọ giới Sadi, Sadi nữ. Sư Ông Làng Mai viên tịch ba ngày sau đó. Đại chúng vẫn tiếp tục quyết định cho các tập sự xuất gia trong thời gian Tâm Tang. Các sư em mới trong gia đình cây Mimosa đến từ các quốc gia: Pháp, Mỹ, Ý, Đức, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, có ba chị em ruột người Việt Nam đã cùng phát tâm xuất gia trong dịp này.

Ngồi hộ niệm cho các giới tử xuất gia, chúng con nhớ đến hình ảnh Sư Cố Thanh Quý Chân Thật, vị Bổn sư của Sư Ông. Sư Cố ngày xưa đã nhận giới Sadi trước Linh Cữu của Hoà thượng Hải Thiệu Cương Kỷ. Sư anh của Sư Cố là Hòa thượng Thanh Thái Huệ Minh đã thay mặt Bổn sư thế độ và đặt pháp danh cho Sư Cố là Thanh Quý. Thanh Quý có nghĩa là người đệ tử út mang pháp danh có chữ Thanh đứng đầu.

Sư Ông bắt đầu nhận đệ tử xuất gia khi tròn 62 tuổi. Tại đỉnh Linh Thứu, Ấn Độ, vào ngày 17 tháng 11 năm 1988, Sư Ông làm lễ xuất gia cho chị Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không), chị Annabel Laity (sư cô Chân Đức) và chị Thanh Minh (sư cô Chân Vị).

Từ khi chúng xuất gia được thành lập tại Làng, các thầy, các sư cô từ các nơi khác bắt đầu đến xin ở lại tu học. Trong số các thầy và các sư cô này, có những vị đã tham dự các khóa tu tăng ni ở California, Mỹ mà Sư Ông thường xuyên hướng dẫn từ năm 1983. Cùng lúc đó lại có thêm nhiều đợt xuất gia khác nữa, thế là chúng xuất gia ở Làng mỗi ngày mỗi đông, đa số gồm những người Việt lớn lên ở Tây phương, rồi đến người Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Anh, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha v.v.

Sống bên cạnh và trực tiếp trao truyền kinh nghiệm thực tập cho đệ tử xuất gia là một niềm hạnh phúc rất lớn của Sư Ông. Hình ảnh vị xuất sĩ trẻ đứng lớp dạy các sư chú tại Phật học đường Ấn Quang ngày xưa lại được tiếp nối với rất nhiều tuệ giác thực chứng. Sư Ông đã biến giấc mơ của mình thành sự thật: thành lập một tăng thân có tình huynh đệ. Sư Ông thường dạy rằng, sau khi thành đạo, ngồi dưới gốc cây bồ đề, bằng năng lượng tỉnh giác, đức Thế Tôn bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp của mình. Sự nghiệp đó là xây dựng tăng thân. Nếu không có tăng thân thì một đức Thế Tôn cũng không làm được gì nhiều. Nhờ có tăng thân mà Bụt hoàn tất được sự nghiệp hóa độ của Ngài. Tăng thân của Bụt có khả năng đem giáo pháp đi vào cuộc đời. Sư Ông muốn tiếp nối công trình xây dựng tăng thân của Bụt. Sư Ông đã dừng lại một số công việc trước tác để sử dụng năng lượng và thời gian của mình cho sự trao truyền trực tiếp. Sư Ông có đủ tư liệu để hoàn thành cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận 4, hay viết một tác phẩm chi tiết về cuộc đời và tư tưởng của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông, cũng như nhiều tác phẩm khác. Sư Ông tin tưởng rằng các đệ tử của Sư Ông đủ khả năng để thay Sư Ông hoàn tất những tác phẩm đó.

Hình ảnh của các sư chú, sư cô mới: