Lời chúc và câu đối Tết Nhâm Dần 2022

Trong dịp chào đón năm mới Nhâm Dần, tăng thân Làng Mai có hai câu đối “Ngày xuân trên hoà dưới thuậnBốn mùa trong ấm ngoài êm” làm món quà gởi đến quý thân hữu để quý vị có thể in lên giấy hồng điều đón xuân và thực tập với tăng thân.

Nhiều năm qua, tăng thân Làng Mai luôn gởi đến đại chúng câu đối trong mỗi dịp Tết về. Lúc cón trẻ, Sư Ông từng viết câu đối để làm quà cho những gia đình tại Việt Nam. Câu đối lúc ấy trở thành một ngọn nến sáng giữa đêm dài chiến tranh. Có những năm Sư Ông viết câu đối chỉ có hai chữ, hay bốn chữ để đại chúng thực tập. Câu đối trong truyền thống Làng Mai mang theo trái tim của sự thực tập. Câu đối được dán lên một cách trang trọng, chánh niệm để thưởng thức trong khoảnh khắc đầu năm, và trở thành tiếng chuông nhắc nhở chúng ta thực tập suốt năm. Sự thực tập ấy trở thành một nguồn năng lượng tập thể nuôi lớn tuệ giác của mỗi thành phần trong tăng thân, giúp chúng ta “xây dựng tình huynh đệ, đi với nhau như một dòng sông và thực tập để làm lớn thêm ba đức là trí đức, ân đức và đoạn đức, để thực hiện được sự nghiệp giác ngộ tập thể”. (Giới Tiếp Hiện)

Khi chúng ta nói “trên hoà dưới thuận”, cũng như khi người Việt nói “kính trên nhường dưới”, điều đó không có nghĩa là ta phân chia ranh giới rành mạch ai trên ai dưới, ai anh ai em; điều đó không có nghĩa là trên thì trên thôi, dưới thì dưới thôi, không khác được. Nó chỉ có nghĩa như trong một chỗ ngồi quá đường, chúng ta sẽ nhận diện rất rõ ta cũng là anh, là chị mà ta đồng thời cũng là em, ta cũng ngồi trên mà đồng thời ta cũng ngồi dưới. Đó là sự tương tức và vô ngã trong tất cả mọi chỗ ngồi. Cái thấy đó đưa mình đến sự ứng xử cũng biểu hiện được tuệ giác vô ngã. Vô ngã là tuệ giác mà không phải là một lời tuyên bố. Vô ngã không có nghĩa là không thầy, không trò, không sư anh, sư chị, sư em, không cha mẹ, không con cái gì nữa. Vô ngã thì dù ta làm thầy, làm trò, làm anh, làm em, làm cha mẹ hay làm con cái, ta đều thực tập được. “Trên hoà dưới thuận” nghĩa là mình làm thầy cho ra thầy, mình làm sư anh, sư chị cho ra sư anh sư chị, mình làm sư em cho ra sư em, mình làm con cháu cho ra con cháu, mình làm cha mẹ cho ra cha mẹ. Mình hiện thân trong tất cả những bóng dáng đó, bóng hình nào cũng suy nghĩ, nói năng và hành xử có thuận có hoà, có đầy sự hiểu biết, cảm thông, nâng đỡ và thương yêu. Duy biểu học gọi đó là Đại viên cảnh trí và Diệu quan sát trí. Sự thực tập này giúp ta vượt thoát mặc cảm như bị chèn ép, mặc cảm rằng người trên dùng quyền, hay người dưới không nghe lời, giúp ta vượt thoát mặc cảm hơn người, thua người, bằng người. 

Sự thực tập đó càng sâu thì trong ta có ánh sáng, nhờ đó mà những gì xảy ra quanh ta cũng được chánh niệm chiếu soi rõ ràng. “Trong ấm ngoài êm” đi theo “trên hoà dưới thuận” một cách song hành. Những từ ngữ diễn đạt rất đơn giản nhưng chuyên chở tuệ giác của tổ tiên. Trở về với tự thân, nuôi dưỡng những hạnh phúc đang có bằng bước chân và hơi thở chánh niệm, bằng lời nói ái ngữ, bằng cái nhìn bao dung và hiểu biết, chúng ta giữ gìn tâm thương yêu và biết cách hiến tặng niềm vui cho cuộc đời.

Trong giờ phút thiêng liêng đón mừng xuân mới, bốn chúng Làng Mai kính chúc quý thân hữu một năm mới thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, bình an và có nhiều hoa trái trong sự thực tập. Tăng thân kính tri ân tất cả quý vị đã đồng hành và yểm trợ cho Tăng thân trong suốt một năm đầy thử thách vừa qua.

 

Tải câu đối Tết tại đây