Chúng tôi ở Indonesia

 

Được gặp lại các anh chị em mình từ khắp nơi tại khóa tu là một niềm hạnh phúc vô biên đối với chúng tôi, nhất là những người đã từ lâu nằm trong lòng mình. Tối nào, sau giờ ăn chiều, anh chị em chúng tôi cũng quây quần bên nhau mà hát lên những bài thiền ca của Làng bằng đủ thứ tiếng. Tình anh chị em sao mà thắm đẹp, chân tình.

Sing-20100807-04-SanghaAtMerlionPlaza

Người dân nơi đây rất hiếu khách và rộng rãi. Họ đãi chúng tôi đủ thứ đặc sản địa phương. Sau mỗi bữa ăn, chúng tôi thường có tới năm, sáu món bánh trái tráng miệng. Trong ngày làm biếng, chúng tôi chia làm ba nhóm đi chơi. Một nhóm đi lên núi lửa tắm suối nước nóng. Một nhóm đi thăm vườn bách thảo và một nhóm ở lại khu nghỉ mát cùng đi thăm vườn cây ăn trái với Sư Ông. Khi đi suối nước nóng, trên núi, thầy Pháp Lưu và sư chú Pháp Chu phát hiện ra một con thác cao 2,5 m và gặp một con nhện to bằng bàn tay, màu xanh lè. Lưới nhện dẻo như sợi dây thun. Nghe nói, trong những khu rừng rậm nhiệt đới có nhiều loài nhện độc có thể gây tổn hại tới sức khỏe nếu ai đó bị nó cắn.

Ngày 5.10.2010, chúng tôi có dịp tới Yogakarta để ghé thăm chùa của sư phụ thầy Pháp Tử. Pháp Tử là một thầy người Indonesia xuất gia theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Năm 2008, trong chuyến hoằng pháp tại các nước Đông Nam Á, thầy Pháp Tử (khi ấy vẫn còn là một sư chú) đã di theo Sư Ông trong suốt lịch trình. Kết thúc khóa tu, được sự đồng ý của sư phụ mình, thầy Pháp Tử đã sang Làng Mai nhập chúng tu tập. Năm 2009, thầy mời được sư phụ mình cùng sang Làng Mai tham dự trọn vẹn khóa An Cư Kiết Đông. Cũng trong năm đó, thầy được thọ giới Tỳ Kheo với Sư Ông Làng Mai và sư phụ của thầy cũng xin lãnh thọ 14 Giới Tiếp Hiện. Đầu năm 2010, sau 2 năm tu tập tại Làng, được sự tin cậy của tăng thân, thầy Pháp Tử đã cùng một số các thầy, các sư cô khác trở về Indonesia để tổ chức khóa tu chánh niệm đầu tiên trên quê hương của mình. Khóa tu đã thu hút được hơn 300 thiền sinh tới tu tập trong suốt một tuần.

Khóa tu thành công tốt đẹp, thầy Pháp Tử rất vui mừng viết thư cho Sư Ông để bày tỏ lòng biết ơn của mình và thưa rằng: nhờ những năm tháng được sống tại Làng mà thầy đã học hỏi được những phương pháp tổ chức, phương pháp hướng dẫn khóa tu và đặc biệt là thầy thấy rõ được sức mạnh của tăng thân, sức mạnh của tình anh chị em. Trong chuyến hoằng pháp tại Indonesia năm nay, thầy là người tổ chức chính cho đoàn tại Indonesia.

Ngôi chùa của sư phụ thầy Pháp Tử nằm tại một ngôi làng nhỏ trên núi, được xây dựng theo kiến trúc của Trung Hoa, rất thanh lịch. Ngồi chơi với thầy Trụ Trì Ekayana, Sư Ông đã chia sẻ với thầy về vấn đề “Indonesia hóa đạo Phật”. Sư Ông có gợi ý là người dân Indonesia nên bớt tụng kinh bằng tiếng Pali, Sanskirt và tiếng Trung Quốc mà nên dịch kinh sang tiếng Indonesia để mọi người dân đều được đọc tụng và hiểu kinh Phật theo tiếng mẹ đẻ. Thầy trụ trì rất hoan hỉ về đề nghị đó.

Sáng ngày 7.10.2010, Sư Ông cùng sư thúc Chí Mãn, sư cô Chân Không, sư cô Thoại Nghiêm, và các vị trụ trì: sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Khôi với thêm một số vị khác đi thăm thánh tích Borobodur. Tại đây có rất nhiều các bức tượng Bụt được điêu khắc bằng những khối đá đen lấy từ núi lửa vùng này. Sư Ông và các vị trụ trì các xóm đã nhờ thầy Pháp Tử đặt bẩy bức tượng Bụt to trong tư thế đứng cho mỗi chùa tại Làng Mai và tại các tu viện ở Mỹ.

3 giờ chiều, Sư Ông quyết định leo núi đi thăm thánh tích. Buổi trưa hôm ấy, ông trời tự dưng lại “đãi” đại chúng những cơn gió thật mát trong buổi trưa hè. Khung cảnh nơi đây thật hùng vĩ. Hàng ngàn tượng Bụt nằm trên 10 tầng tượng trưng cho “mười địa” trong kinh Hoa Nghiêm. Tượng Bụt ở đây tượng nào cũng đầy đặn, thanh tú chứ không quá gầy gò hay quá tròn trịa như một số tượng Bụt nơi khác. Trên tường đá được trạm trổ những đóa sen hay hình tàu lá dừa. Sư Ông chỉ lên những biểu tượng đó và đọc mấy câu thơ mà Người làm cách đây đã lâu:

“…Bồ tát cầm đóa sen,
Dáng nghiêng trời nghệ thuật
Trên cánh đồng sao mọc,
Nụ cười trăng mới lên.
Tàu lá dừa màu ngọc,
vắt ngang lưng trời khuya
Tâm đi trong tĩnh mặc
Bắt gặp chân như về”

Qua công trình vĩ đại này, mọi người trong đoàn cũng phần nào hình dung được cách đây mười thế kỷ, những vị xuất  sĩ của Indonesia phải hiền đức, phải tài ba, phải có hạnh nguyện lớn lắm thì mới xây dựng được một công trình có giá trị tâm linh và nghệ thuật lớn lao đến vậy. Chiêm ngưỡng công trình đồ sộ của chư tổ để lại, trong lòng mỗi người chúng tôi đều khởi lên niềm biết ơn sâu sắc và cái mong muốn tiếp nối được sự nghiệp tâm linh mà chư liệt vị đã nhắn gửi cứ lớn dần trong lòng mỗi người. Trên thánh tích Borododur, Sư Ông đã phát nguyện nhất định sẽ làm mới đạo Phật tại Indonesia.

(Ngọc Phương ghi lại)