Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao giải Hòa bình trên Trái đất
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người nổi tiếng trong việc xây dựng nhịp cầu tâm linh giữa Âu và Á, vừa được chọn trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris) năm 2015, một giải thưởng hàng năm của Thiên Chúa Giáo toàn cầu.
Giải thưởng “Pacem in Terris” do Ðức Giáo Hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 với mục đích “vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình và Công Lý, không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới”. Đã có sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris nhận được giải Nobel Hòa Bình như Mục sư Martin Luther King, Mẹ Teresa, Tổng Giám mục Desmond Tutu, Mairead Corrigan Maguire, Adolfo Pérez Esquivel, và Lech Wałęsa.)
Theo đúng truyền thống, người được vinh danh sẽ đến Davenport, Iowa để nhận giải thưởng. Tuy nhiên, vì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (thường được các thiền sinh tu tập với Người gọi một cách thân thương là “Thầy”) năm nay đã 89 tuổi, và đang dưỡng bệnh, Giám Mục Martin Amos đã đến tận tu viện Lộc Uyển (Deer Park Monastery) ở Nam California vào ngày 31/10/2015, để trao giải. Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Đăng đã thay mặt Thiền sư nhận giải thưởng này, với sự hiện diện của 120 quý thầy, quý sư cô và 500 thiền sinh đang tham dự khóa tu tại tu viện Lộc Uyển, California.
Chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nội dung như sau:
“Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Đất (Pacem in Terris) 2015 được trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á – Âu. Giáo lý chính yếu mà Thiền sư giảng dạy là: với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể chế tác ra được nguồn năng lượng giúp chúng ta sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) mà Thầy khởi xướng, năng lượng chánh niệm được sử dụng để nuôi dưỡng hiểu biết và bao dung đối với chính mình, đồng thời nuôi dưỡng hành động từ bi vì lợi ích của mọi người và của Trái Đất. Những nỗ lực của Thầy trong việc giúp xây dựng lại những ngôi làng bị chiến tranh tàn phá và cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam đã minh chứng cho con đường của Đạo Bụt Dấn thân mà Thầy đã chọn.
Thầy đã sống đúng với những lời trong Thông điệp Hòa bình trên Trái đất (Pacem in Terris) của Ðức Giáo Hoàng John XXIII, là “một tia sáng rực rỡ, một suối nguồn của thương yêu và một chất men” cho tất cả huynh đệ của mình trên khắp thế giới.”
Giải thưởng “Hòa Bình trên Trái Ðất” được trao đúng dịp kỷ niệm 50 năm Mục Sư Martin Luther King nhận được giải này. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo – Mục sư Martin Luther King và Thiền sư Thích Nhất Hạnh – đã cùng chia sẻ lý tưởng tranh đấu cho hòa bình bằng phương tiện bất bạo động, gây ảnh hưởng lớn đến không khí chính trị vào những năm cuối thập niên 1960.
Đau buồn bởi cuộc chiến tranh đang xảy ra trên quê hương mình, và tìm thấy nơi Mục sư King một người bạn cùng lý tưởng tranh đấu cho hòa bình, Thầy đã viết thư cho Mục sư King vào năm 1965 để đề nghị Mục sư King công khai lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhà lãnh đạo phong trào Dân quyền Mỹ đã đáp lại lời kêu gọi của Thầy bằng bài diễn văn nổi tiếng năm 1967 tại Nhà thờ Riverside, thành phố New York, công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Cũng đầu năm 1967, Mục sư King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa bình, và gọi Thầy là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động.”
Thầy được thế giới công nhận như là người sáng lập phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism), đồng thời là người khởi xướng phong trào thực tập chánh niệm trong văn hóa Tây phương.
Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Đăng thay mặt Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận giải thưởng Pacem in Terris