Lời ca em thiên thâu – Trường ca Avril

LỜI CA EM THIÊN THÂU

Mỗi buổi sáng tôi đều có dâng hương và rất ý thức rằng đây là một ngày mới, và tôi đọc tên nó, ví dụ: đây là ngày 240. Tuần trước tôi có nói trong đại chúng: Đây là mùa Xuân cuối cùng của thế kỷ 20, và chúng ta đang ở giữa mùa Xuân ấy. Tôi muốn rằng tất cả chúng ta đều nên có ý thức là mùa Xuân đang biểu hiện, và chúng ta có thể sống sâu sắc và hạnh phúc trong mùa Xuân này, từng ngày, từng giờ và từng phút. Nếu chúng ta không sống hạnh phúc được trong giây phút hiện tại thì rất khó để chúng ta sống hạnh phúc trong tương lai. Mùa Xuân là mùa được gọi là mùa biểu hiện, mùa tuôn dậy. Chúng ta thấy hoa, thấy bướm, thấy cây, thấy cỏ: tất cả đều biểu hiện ra một cách rất nhiệm mầu. Sự biểu hiện của mùa Xuân là một thắng điểm, là một tiếng chuông chánh niệm. Chúng ta nói biểu hiện mà không nói phát sinh là tại vì nhìn cho kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng mùa Xuân đã có mặt tiềm tàng trong mùa Đông. Trong khi mùa Đông đang tiếp diễn, nếu tinh mắt thì chúng ta có thể thấy được mùa Xuân trong ấy. Vì vậy không phải mùa Xuân bắt đầu từ tháng ba hay tháng tư mà nó đã có mặt khắp nơi và lúc nào cũng có. Nếu chúng ta tiếp xúc được với mùa Xuân trong khi nó biểu hiện thì ta cũng có thể tiếp xúc được với mùa Xuân trong khi nó chưa biểu hiện. Đó gọi là mùa Xuân vĩnh cữu. Thầy Trúc Lâm, tức vua Trần Nhân Tông, gọi nó là bất thắng xuân; nghĩa là mùa Xuân không có gì cao hơn nữa, không có gì đẹp hơn nữa. Nếu không tiếp xúc được với mùa Xuân khi nó biểu hiện thì làm sao chúng ta tiếp xúc được mùa Xuân khi nó chưa biểu hiện, nghĩa là với sự sống bất diệt? Cho nên chúng ta phải có ý thức rằng chúng ta đang sống trong mùa Xuân và ta thấy được sự biểu hiện nhiệm mầu của mùa Xuân. Sau này chúng ta có thể nói với con cháu ta là ngày xưa ta đã sống trong mùa Xuân ấy, mùa Xuân năm 1999, mùa Xuân cuối cùng của thế kỷ thứ 20. Thầy mình đã thỉnh tiếng chuông chánh niệm để mình có thể sống vững chãi, hạnh phúc và thảnh thơi trong mùa Xuân này. Như vậy mùa Xuân không đi qua một cách luống uổng. Mình đã gặp được mùa Xuân. Ngày xưa khi còn là sa di, tôi thường được nghe những bài kệ, những bài thơ về pháp thân mầu nhiệm. Trong kinh Pháp Hoa có hai câu: “Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”. Rồi có một vị thiền sư thêm vào hai câu: “Xuân đáo bách hoa khai, hoàng oanh đề liễu thượng”. Tôi rất cảm kích khi nghe hai câu thơ đó. Tuy là hai câu thơ nhưng nó giúp cho tôi hiểu được hai câu kinh; hiểu một cách khá sâu sắc.

Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng.

Chư pháp tức là các hiện tượng như núi, sông, mây, hoa, cỏ. Tất cả những thứ đó gọi là pháp. Tùng bản lai tức là từ ngày xưa cho đến bây giờ. Bản tức là cái gốc. Từ xưa đến bây giờ các pháp thường trụ tịch diệt tướng. Tự các pháp đó an trú trong tướng tịch diệt của chúng. Tướng tịch diệt tức là tướng Niết Bàn. Núi, sông, cây, cỏ và người, tất cả đều an trú trong tự tánh niết bàn; nghĩa là tự tánh không sinh, không diệt. Niết bàn tức là không sinh, không diệt, không có, không không, không còn, không mất. Trong đời sống hàng ngày ta thường nhìn bằng con mắt của sinh – diệt, có – không, còn – mất, tới – đi, và ta nói các pháp có sinh, có diệt; có có, có không; có còn, có mất; có đi, có tới. Hai câu kinh này cho ta thấy rằng tự tánh của các pháp là không sinh, không diệt; không có, không không; không còn, không mất; không tới, không đi. Tự tánh của các pháp là niết bàn. Và vị thiền sư kia thêm vào hai câu nữa:

Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng

Khi mùa Xuân tới thì hàng trăm loại hoa nở, và con chim hoàng oanh xuất hiện ca hát trên cành liễu. Tôi dịch:

Các pháp từ xưa nay
Vốn là không sinh diệt
Xuân đến trăm hoa mừng
Oanh vàng ca liễu biếc.

Khi mùa Xuân đến, ngắm các loài hoa nở và nghe các loài chim hót, ta tiếp xúc được với sự biểu hiện của mùa Xuân. Đừng nhìn và nghe một cách hời hợt. Đừng tưởng mùa Xuân chỉ lúc đó mới có mặt. Nếu tiếp xúc sâu sắc được với mùa Xuân, ta thấy được tính niết bàn của mùa Xuân; nghĩa là tính không sinh không diệt của nó. Chỉ có sự biểu hiện hay sự ẩn tàng mà thôi. Năm đó tôi mới có mười bảy tuổi nhưng bài kệ này đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong trái tim của tôi. Tôi còn được nghe những câu thơ khác ví dụ như:

Tử trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân

Tử trúc hoàng hoa là tre tím và hoa vàng. Phi ngoại cảnh là không phải cảnh tượng bên ngoài chúng chỉ là đối tượng của tâm. Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân. Mây trắng và trăng sáng là biểu hiện của chân lý nhiệm mầu. Cây tre tím và bông hoa vàng không phải là một cái gì xa lạ. Nó là sự biểu hiện của pháp thân, của niết bàn. Và đám mây trắng cũng như vầng trăng sáng cũng là sự biểu hiện toàn chân, của thực tại mầu nhiệm mà mình gọi là pháp thân hay niết bàn. Những bài thơ này đã đi vào trong tôi một cách rất dễ dàng, rất mầu nhiệm. Trong cuộc sống hàng ngày có thể vì bị lo lắng, ưu phiền và giận hờn che lấp nên mình không tiếp xúc được với tre tím, hoa vàng, trăng sáng và mây bạc. Vì không tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó nên mình không được nuôi dưỡng, mình không có hạnh phúc và mình không có cơ hội đi sâu hơn để có thể thấy được bản chất không sinh, không diệt của tất cả các pháp. Cho nên trong đạo Bụt đại thừa đi đâu ta cũng gặp thơ, đi đâu ta cũng gặp nhạc, vì thơ và nhạc cũng là những biểu hiện của pháp thân, của niết bàn mầu nhiệm. Và pháp thân cũng như niết bàn mầu nhiệm đó ta có thể tiếp xúc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, chứ ta không cần phải thực tập năm năm, mười năm hay tịch rồi thì mới tiếp xúc được. Các vị thiền sư chứng ngộ sống như vậy nên họ có hạnh phúc lắm. Họ có khả năng thấy được cái đẹp, thấy được cái mầu nhiệm, thấy được cái bất sinh diệt của tất cả các hiện tượng xung quanh. Thơ của các vị ấy rất có thiền vị, không bao giờ mang tính chất sầu đau. Nếu các vị thiền sư có làm ra những bài hát thì những bài hát của họ cũng không bao giờ mang chất sầu đau và than khóc. Năm 1949, hồi đó tôi còn trẻ lắm, tôi có gặp một thi sĩ trẻ ở Saigon, tên là Quách Thoại. Tôi gặp thi sĩ Quách Thoại ở chùa Giác Nguyên, tại Khánh Hội. Hồi đó hòa thượng Hành Trụ đang làm trụ trì chùa này. Hòa thượng Hành Trụ cũng còn trẻ lắm. Thi sĩ Quách Thoại không có nhà cửa, nên ở nhờ trong chùa. Tôi nhớ là Quách Thoại được ở chung với Trụ Vũ. Hai anh em được các thầy cho ở một cái cốc nhỏ, phía trước cốc có một hồ sen. Lá sen thật lớn. Và vào khoảng năm 1953 hay 1954, tôi nghe tin Quách Thoại chết vì bệnh lao ở trong nhà thương Bình Dân. Nhà thương Bình Dân chỉ có những người rất nghèo mới đi vào đó. Các bạn sau khi soạn lục các bản thảo của Quách Thoại có tìm ra được một bài thơ chưa bao giờ in, đó là bài Hoa Thược Dược. Bài Hoa Thược Dược tôi đã nhiều lần đọc cho quý vị nghe:

Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc:
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.

Khi đọc bài thơ đó tôi rất cảm kích. Tôi thấy nó không thua kém những bài thơ của các thiền sư đạt đạo. Quách Thoại đã tiếp xúc sâu sắc được với bông thược dược nên đã thấy được tính bất sinh, bất diệt của bông thược dược.

Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu

Bông hoa đang mỉm cười nụ cười huyền diệu. Ta không biết nó đã bắt đầu mỉm cười từ lúc nào. Lâu nay ta bận rộn quá chừng. Ta lo chuyện cơm, chuyện áo, chuyện nhà, chuyện cửa. Ta lo hờn, lo giận, lo buồn, lo tủi cho nên tuy bông hoa luôn luôn có mặt đó, mỉm nụ cười huyền diệu của nó mà ta lại chưa bao giờ nhìn thấy và nhận diện được. Nụ cười đó không phải mới phát sinh, mà đã có mặt từ vô thỉ. Lặng nhìn em kinh ngạc. Đây là giây phút giác ngộ. Những cái hiển nhiên như vậy mà bây giờ ta mới thấy. Lặng nhìn em kinh ngạc là gì, nếu không phải là cái giây phút bừng tỉnh, giác ngộ?

Lặng nhìn em kinh ngạc:
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu

Vừa mới thấy được nụ cười, nghe được tiếng hát của bông hoa thược dược. Tiếng hát rất im lặng nhưng cao vút và hùng hồn. Đó là một tiếng hát bất diệt. Lời ca đó không phải là lời ca của năm phút hay mười phút mà là lời ca ngàn đời.

Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu

Thái độ của thi sĩ là thái độ sùng kính. Quỳ xuống, chắp tay trước pháp thân mầu nhiệm, trước niết bàn diệu tâm. Năm chữ cuối chứng tỏ rằng trong con người thi sĩ có cái thái độ sùng kính ấy. Ta sụp lạy cúi đầu. Cúi đầu trước cái gì? Cúi đầu trước bông hoa thược dược. Cúi đầu trước sự biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân, của bản thể, của toàn chân.
Bài thơ Hoa Thược Dược này đã có ảnh hưởng rất sâu đậm trong tôi, và cũng giống như những bài thơ khác của các vị thiền sư như bài Xuân đáo bách hoa khai, hoàng oanh đề liễu thượng hay bài Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân. Mình sẽ không thể hiểu được bài Trường ca Avril hay bài Bướm bay vườn cải hoa vàng nếu mình không thấy được điều đó. Nụ hoa vàng trong bài thơ Tử trúc hoàng hoa và hoàng oanh đề liễu thượng đã được đầu thai, biểu hiện trở lại trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng; và nó cũng được tiếp nối trong bài Trường ca Avril. Trong bài Trường ca Avril có một bông hoa. Bông hoa đó cũng hát lên bài hát ngàn đời của hiện hữu nhiệm mầu. Và trong các bài Trường ca Avril và Bướm bay vườn cải hoa vàng, chúng ta cũng thấy được pháp thân mầu nhiệm và niết bàn diệu tâm biểu hiện trong một bông hoa, trong một bài hát. Ta thấy được rằng nếu ta sống sâu sắc và tiếp xúc được với tích môn trong khi mọi loài biểu hiện thì ta cũng có thể tiếp xúc được với bản môn trong chiều sâu các pháp. Ta hãy nhận diện điều đó trong khi đọc bài Trường ca Avril. Avril tức là tháng tư. Tháng tư là tháng của mùa Xuân biểu hiện.

Avril về trong rừng cây trang nghiêm
Tình thương đã từ nơi ngàn xanh, nơi suối trong thể hiện
Bàn tay Mẹ nhiệm mầu
Sửa soạn cho chúng ta ra đời
Trong hào quang của mùa Xuân tình thương ấm áp

Mẹ ở đây không phải chỉ là thiên nhiên. Mẹ ở đây là toàn thể. Toàn thể của pháp thân, của chân như. Có những lúc đi vào trong rừng một mình hoặc leo lên đồi Dương Xuân hay ngồi ở rừng thông Đà Lạt, gặp những thân cây vươn mình đứng thẳng thì tôi đều có cảm giác là mình đang đứng ở trong một thánh đường rất trang nghiêm. Vì những thân cây đứng thẳng giống như những chiếc cột trụ của ngôi thánh đường cao vút. Chưa bao giờ mình được thấy một thánh đường đẹp như vậy. Đẹp hơn cả những thánh đường của con người tạo dựng ra. Và chỗ hay nhất để hành lễ, để thuyết pháp là những khu rừng như thế. Rất trang nghiêm, rất đẹp đẽ, rất mầu nhiệm; đó là những thánh đường, những pháp đường rất tự nhiên. Chữ trang nghiêm ở đây nghĩa là đẹp, đó là một danh từ Phật giáo, dịch từ tiếng Phạn vyùha. Trang nghiêm có nghĩa là đẹp, làm cho đẹp và cũng có nghĩa thâm nghiêm, tức là không ồn ào, náo nhiệt, nơi mọi người muốn giữ sự im lặng vì trong tim mọi người đang có thái độ kính cẩn. Khi đi vào trong rừng cây mà gặp cảnh tượng đó và thấy những thân cây vươn mình thẳng tắp như vậy thì mình có cảm tưởng đi vào trong một cung điện nghiêm trang, mình không dám nói lớn, không dám thở mạnh.

Avril về
Trong rừng cây trang nghiêm
Tình thương đã từ nơi ngàn xanh, nơi suối trong thể hiện

Trong đời sống hàng ngày ta có thể có cảm nghĩ rằng không có tình thương trong ta và xung quanh ta. Nhưng nếu thoát ra được tâm trạng cô đơn và tiêu cực thì ta mới thấy được rằng tình thương luôn luôn có mặt. Ở trong rừng ta cũng có cơ hội để tiếp xúc được với sự thật đó. Tình thương ở đây được thể hiện nơi rừng xanh và suối trong. Ngàn xanh tức là rừng. Ở Việt Nam có bà chúa Thượng Ngàn. Bà chúa Thượng Ngàn tức là bà chúa ở trong rừng. Rừng miền Thượng gọi là Thượng Ngàn. Tình thương đã từ nơi ngàn xanh, nơi suối trong thể hiện. Chỉ cần nhìn dòng suối, chỉ cần nhìn rừng cây là có thể thấy được tình thương đó. Bàn tay mẹ nhiệm mầu, sửa soạn cho chúng ta ra đời trong hào quang của mùa Xuân tình thương ấp áp. Đây là khung cảnh ấm áp của tình thương, có rất nhiều ánh sáng. Mẹ mình đã chuẩn bị cho mình ra đời trong hoàn cảnh đó. Ra đời ở đây có nghĩa là biểu hiện. Chứ không phải từ không mà mình biến thành có.

Đưa tôi ra đời hôm mồng bốn
Khắp nơi chim lạ bay về hát ca

ĐƯA TÔI RA ĐỜI

Trong bài thơ Trường ca Avril này có năm ngày mầu nhiệm. Năm ngày của biểu hiện chứ không phải là bảy ngày của tạo dựng. Ngày đầu tiên là ngày mồng bốn và ngày thứ năm tức là ngày mồng tám. Ngày mồng tám tức là ngày sau khi hoa anh đào nở rộ. Ngày mồng tám tức là ngày chúa Xuân xuất hiện. Ngày xưa Bụt giáng sinh cũng vào tháng tư, ngày mồng tám. Khắp nơi chim lạ bay về hát ca. Đưa tôi ra đời hôm mồng bốn. Tôi ở đây tức là ý thức. Vì nếu không có ý thức thì không có gì có mặt, cho dù bông hoa thược dược kia có mặt ở đó ngàn đời mà nếu không có ý thức thì bông hoa thược dược cũng được coi như là không có. Nếu ý thức không có mặt thì tiếng ca thiên thâu của bông thược dược cũng không bao giờ được nghe. Vì vậy cho nên ngày đầu là ngày biểu hiện của ý thức, là ngày tôi ra đời. Tôi nghĩa là ý thức. Các nhà khảo cổ học cho biết rằng khoảng ba triệu năm về trước khối óc của con người nhỏ chỉ bằng năm chục phần trăm khối óc của con người bây giờ. Ba triệu năm về trước con người đã biết dùng những dụng cụ bằng đá và bằng cây. Con người bắt đầu có sự khéo léo. Gọi là con người homo habilis. Con người biết sử dụng những cục đá, những thân cây, và từ từ biết mài hoặc đập bể những cục đá để lấy mảnh nhọn và dùng những mảnh nhọn đó để làm những mũi tên, cắm vào trong những thân cây để đi săn thú. Khi con người bắt đầu sử dụng những dụng cụ đó bằng hai tay thì ý thức và sự khôn khéo của con người từ từ phát triển. Cùng với sinh hoạt đó, khối óc con người lớn lên từ từ cho đến ngày hôm nay khi khối óc của con người lớn bằng ba khối óc của con người cách đây ba triệu năm. Con người có khả năng ý thức thì gọi là con người homo conscius. Sự phát triển của cơ thể sinh lý của con người cũng tùy thuộc về sự phát triển của văn hóa. Và con người bắt đầu có văn hóa. Con người bắt đầu biết sử dụng những dụng cụ. Con người bắt đầu biết tư duy. Con người bắt đầu có ý thức. Khi biết suy tư, con người biết sử dụng tư tưởng rồi trở thành con người có ý thức, lúc đó con người không còn chỉ còn là một con thú mà đã trở thành con người thật sự có văn hóa. Nếu ta nhìn vào cơ thể của ta thì ta thấy động vật tính vẫn còn trong ta. Động vật tính trong đó có những đòi hỏi giống hệt như những đòi hỏi khác. Đòi hỏi những thứ căn bản như là ăn, ngủ, dâm dục. Con người tuy có văn hóa và biết mình là một vị Bụt tương lai nhưng vẫn còn mang tính của thú vật, gọi là động vật tính. Khi có văn hóa nghĩa là bắt đầu có ý thức, chúng ta mới nhận diện ra được trong ta có tính người, tức nhân tính. Khi có ý thức rồi thì hạnh phúc của ta có thể lớn hơn nhiều lắm. Con động vật khi thấy một bông hoa có thể không thấy đẹp, không có rung cảm. Nó chỉ muốn biết cái hoa này có thể ăn được hay không thôi. Thấy trái cây thì con vật nó cũng chỉ nghĩ xem thứ trái cây này có ăn được không, ăn thì có bị ngất ngư hay không chứ nó không thấy được hình dáng của trái cây ấy đẹp hay xấu. Khi con đực thấy con cái nó chỉ nghĩ sẽ có thể giao hợp được với con cái hay không mà thôi, chứ không biết làm thơ ca tụng: em đẹp như thế này, anh đẹp như thế kia. Nhưng khi ý thức phát sinh thì ta có văn hóa. Và vì có văn hóa cho nên mới có những hình ảnh như : mắt em trong như nước hồ thu hay đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc. Đó là con người có văn hóa. Con người bắt đầu thấy được cái đẹp, thấy được sự giả dối và sự chân thật. Và con người cũng bắt đầu thấy được rằng con người đang bị áp bức bởi cái sống và cái chết. Con thú chưa có tư duy, không có sự lo lắng, không có sự bất an về cái chết tương lai. Nhưng con người thì rất bất an, rất ưu tư về cái chết trong tương lai, và sinh tử trở thành vấn đề rất lớn cho con người. Ta là ai? Tại sao ta sinh ra ở trên đời này? Sau khi chết ta sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi của con người. Đó là văn hóa. Tại sao nhân loại lại đau khổ như thế này? Văn hóa đưa con người tới những ưu tư và sợ hãi. Đó là cái giá mà con người phải trả cho văn hóa. Ý thức cho con người tiếp xúc được với cái đẹp, với cái lành, với cái thiệt nhưng ý thức đó cũng cho con người tiếp xúc được với cái thân phận của mình. Cái thân phận bị chèn ép bởi sinh diệt, có không, còn mất và những câu hỏi về hiện hữu. Và cái hiện hữu này mang theo mỗi một nỗi bất an, một nỗi ưu tư (angoisse), một nỗi lo sợ. Đó là cái giá rất đắt mà con người phải trả cho văn hóa khi con người trở thành ra con người ý thức. Trước kia con người là một con vật. Bây giờ con người vừa là con vật, vừa là con người. Vì vậy nên sinh ra loại người gọi là homo sapiens. Khi cái ưu tư đã lên đến mức độ khó chịu đựng thì con người phải tạo dựng ra cho mình một tôn giáo tín ngưỡng, phải tin rằng có một đấng Thượng Đế tạo lập ra thế giới và con người, và sau khi chết con người sẽ trở về lại với Thượng Đế. Tất cả những niềm tin ấy có thể làm cho êm dịu lại cái nỗi niềm ưu tư, lo lắng của con người. Nhưng đồng thời cái ý thức đó cũng cho ta đi sâu vào sự quán chiếu để khám phá ra được cái bản tính không sinh không diệt của vạn hữu, của vũ trụ. Nhờ vậy con người đã khám phá ra được rằng mình cũng là một vị Bụt tương lai, thấy được rằng bản chất của mình là bất sinh, bất diệt và do đó con người có cơ hội vượt thoát ra được. Đạo Bụt là một nẻo thoát. Con người đi tìm một tôn giáo, một nẻo thoát cho nỗi ưu tư của mình. Nhưng con người mà gọi là con người có chánh niệm (homo conscius) mà đại diện rất xứng đáng là Bụt Thích Ca là con người đã khám phá ra rằng cái sinh, cái diệt chỉ là sự biểu hiện thôi, chứ bản chất của mình chính là tính bất sinh, bất diệt. Mình khám phá rằng tuy trong con người có động vật tính, có nhân tính nhưng đồng thời cũng có Phật tính; Mình phải làm sao để cho ba cái tính này có thể sống hài hòa và an lạc chung với nhau, đừng có sự xung đột.

Đưa tôi ra đời hôm mồng bốn. Như vậy chúng ta có thể hiểu tôi ở đây tức là ý thức. Con người ý thức. Khắp nơi chim lạ bay về hát ca. Từ khi ý thức phát hiện thì tất cả các loài chim lạ từ bốn phương đều bay về hát ca. Hình ảnh này quý vị có thể tìm lại trong truyện Tố: mỗi khi Thạch Lang cất tiếng hát thì chim bốn phương bay về quy tụ thành vòng trên đầu Thạch Lang. Ngơ ngác như môt con nai con, nhìn trời xanh, nhìn suối trong, nhìn lộc non trên cành cây, tôi về khi vũ trụ đang chuyển mình khi mùa tuôn dậy. Ý thức vừa mới sinh ra thì ngơ ngác vì có biết bao nhiêu điều mầu nhiệm đang được biểu hiện với tư cách đối tượng của ý thức. Mùa Xuân tới, cái chân tâm, niết bàn đã biểu hiện: trời xanh, suối trong, lộc non và muôn vạn con chim trở về ca hát. Cũng như em bé Nhật Tâm lần đầu tiên thấy bầu trời xanh rất ngạc nhiên. Chưa bao giờ bé thấy một cái gì lớn quá như vậy. Nó được sanh ra trong mùa Đông và suốt năm tháng cứ phải ở trong một căn phòng rất nhỏ bé. Mùa xuân đến, trời quang, mây tạnh, mẹ nó mới cho nó ra ngoài lần đầu. Có nắng. Và lần đầu tiên nó được tiếp xúc với bầu trời rộng thênh thang. Hai mắt nó biểu hiện một ngạc nhiên rất lớn. Ý thức ở đây cũng vậy. Ngơ ngác như một con nai con, nhìn trời xanh, nhìn suối trong, nhìn lộc non trên cành cây, tôi về khi vũ trụ đang chuyển mình trong mùa tuôn dậy. Mùa tuôn dậy là dịch từ chữ spring của tiếng Anh. Spring nghĩa là nhảy vọt lên, tuôn trào ra. Mới ngủ dậy ta đã thấy đọt hoa lên cao cả mấy phân. Rừng cây đang thay áo mới. Mùa Xuân là cái sự thay áo. Trút xuống những chiếc áo mầu sám và mầu trắng,vũ trụ đang khoác lên một chiếc áo khác, và kỳ này là một chiếc áo mầu xanh, mầu xanh rất non. Con nai con khờ dại soi mình trên giòng nước. Con nai con có thể không biết rằng cái hình bóng ở dưới giòng nước là hình bóng của chính mình. Con nai con có thể nghĩ rằng hình bóng ở dưới giòng nước là một con nai khác. Lắng tai nghe tiếng thì thầm gió lạ. Mạch sống dâng. Lời hát ca trong từng nụ nhiệm mầu. Tiếng hát đã có mặt trong từng nụ cây, trong giòng suối. Tiếng hát của mùa Xuân đã bắt đầu. Hoặc đã bắt đầu biểu hiện trong ý thức con người.

Quê hương tôi là rừng sâu
Có những thân cây vươn mình thẳng tắp
Mỗi khi nắng Xuân về xối chảy trên ngọn cây,
hương rừng bay
Mây trắng che trên trời xanh biêng biếc
Rừng cây
Bãi cỏ xanh non
Và một dòng nước thấm lòng đất mát.

Có ba hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là rừng cây với những thân cây vươn mình thẳng tắp mà mỗi khi đi ngang qua là mình thấy mình đang đi và trong một thế giới nghiêm trang, một thánh đường rất thiêng liêng. Thứ hai là bãi cỏ xanh non. Bãi cỏ xanh non trong đó xuất hiện những bông hoa vàng, tím, lấm tấm hàng ngàn, hàng vạn, hàng chục ngàn, hàng chục vạn bông. Đó là cái mà quý vị có thể chứng nghiệm và trông thấy được, nếu quý vị có ý thức. Và hình ảnh thứ ba là một dòng suối. Dòng suối tưới cho cánh đồng, cho khu rừng để cho sự tươi mát được tồn tại lâu dài. Rừng cây, bãi cỏ xanh non, và một dòng nước thấm lòng đất mát. Trời đất vừa sinh ra tôi. Ý thức vừa mới được biểu hiện.

Chim chóc ca ngày thứ nhất
Đất trời dâng hương ngất ngây
Tôi lớn lên. Dòng suối ca ngày thứ hai
Và con nai con tìm tới, ngây thơ, bên bờ xanh mướt cỏ
Nghiêng đầu nghe ngóng
Nhựa dâng đầu cành giục giã những nụ hoa thẹn thùng chưa muốn hé
Cho vừa nở kịp ngày thứ ba.

Ngày thứ hai hoa đã bắt đầu nở, nhưng còn có những nụ hoa chưa kịp nở: chúng đang còn thẹn thùng chưa muốn nở. Và nhựa trong thân cây trào lên giục giã. Sinh lực vũ trụ nói: nở đi con, nở đi con. Đây là mùa Xuân rồi, nở đi các con. Con nai con cũng là một biểu hiện của ý thức. Trước đây mình nói ngơ ngác như một con nai con nhìn trời xanh, nhìn suối trong, nhìn lộc non trên cành cây. Ở đây mình nói con nai con tìm tới ngây thơ trên bờ xanh mướt cỏ và nghiêng đầu nghe ngóng. Ý thức đang lớn từ từ để nhận diện ra tất cả những gì đang phát hiện. Chúng ta là một phần của mùa Xuân, một phần của sự biểu hiện. Mỗi chúng ta là một thân cây của cuộc sống. Mỗi chúng ta là một giòng suối trong. Mỗi chúng ta là một đồng cỏ xanh có nhiều bông hoa lấm tấm. Mỗi chúng ta là một nụ hoa đang thẹn thùng chưa muốn nở, nhưng nhựa sống của mùa Xuân đang thúc đẩy chúng ta: nở đi con, nở đi con, mùa Xuân đã tới. Chúng ta sống giữa các anh, các chị và các em của chúng ta. Chúng ta phải nhận diện được rằng mỗi anh, mỗi chị và mỗi em đều là một bông hoa. Bông hoa có thể chưa nở nhưng bông hoa chắc chắn sẽ nở. Và chúng ta phải tự hiến mình cho tăng thân như một bông hoa. Vì chúng ta là một phần của hiện hữu nhiệm mầu, là một phần của mùa Xuân. Chúng ta hãy hành xử như một bông hoa, như một thân cây hay như một giòng suối trong bản hợp tấu vĩ đại của mùa Xuân. Đó là nhiệm vụ của chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là ca hát, là nở ra như một bông hoa. Chúng ta không có một nhiệm vụ nào khác. Ý này ta thấy rất rõ trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng: Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu. Là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

Nắng ấm reo vui trên cành biếc nõn nà
Ngày thứ tư vừa lại. Hoa anh đào khai hội
Có gì mới lạ trong tiếng ca mùa mới đang lên?

Hoa anh đào đã nở rộ. Có một cái gì trong không khí báo trước một xuất hiện mới.

Ngày thứ năm. Bình minh về bất chợt    
Rừng thức giấc trong mùi thơm ngây ngất
Của ban mai kết đọng hương ngàn hoa
Và cũng bất thần Em về.

Em ở đây là sự biểu hiện đầy đủ của bản hợp tấu vĩ đại mùa Xuân. Em ở đây cũng tức là chúa Xuân. Và chính tiếng hát của chúa Xuân sẽ giúp cho chúng ta tìm về tới được với bản chất và cội nguồn của mỗi chúng ta.

Trong rừng sâu hiển hiện
Em rón rén bước từng bước nhẹ, trên màu xanh thảm lụa

Chúng ta hãy tưởng tượng trong rừng sâu rất trang nghiêm, rất huyền diệu, rất thần bí xuất hiện chúa Xuân. Chúa Xuân xuất hiện trong hình thức homo sapiens, hình thức con người có ý thức. Pháp thân Bụt cũng đã xuất hiện dưới hình thức của một con người. Thượng đế cũng đã xuất hiện dưới hình thức của một con người. Thì mùa Xuân Bất Diệt cũng thế. Chúa Xuân xuất hiện dưới hình thức diễm lệ của một nàng Xuân Nữ, xiêm y lộng lẫy và tha thướt. Nàng đang rón rén bước từng bước rất nhẹ nhàng vì sợ gây tiếng động trong khung cảnh cực kỳ trang nghiêm ấy.

Con nai con vẫn giương mắt nhìn em ngơ ngác
Trong giây phút thiêng liêng huyền hoặc
Em biến thành một bông hoa nhỏ bám vào lòng đất mẹ thương yêu.

BÀI CA BẤT DIỆT

Ở đây chúng ta nhận ra được bông hoa của thi sĩ Quách Thoại. Bông hoa rất nhỏ. Bông hoa bám vào lòng đất. Đó là cái mà con nai con thấy được. Con nai con là ý thức mới sinh còn bỡ ngỡ, còn ngơ ngác, nhưng dưới sự quán sát của nó chúa Xuân vừa hiển hiện. Chúa Xuân đã biến thành bông hoa nhỏ, bám vào lòng đất. Khi đi có ý thức thì trong mỗi bước chân ta đều có thể nhận diện ra được bông hoa này. Bông hoa không phải chỉ biểu hiện một nơi nào nhất định. Bất cứ một cây trúc tím hay một bông hoa vàng nào cũng là biểu hiện của chúa Xuân. Với thi sĩ Quách Thoại thì nó biểu hiện dưới hình thức của một bông hoa thược dược nằm bên hàng dậu. Chỉ cần ý thức có mặt là ta có thể nhận diện được biểu hiện mầu nhiệm đó của pháp thân.

Nắng lên, một giọt sương long lanh
còn vương trên cánh hoa sao bé nhỏ
Nhưng rừng cây không hay
Hiện hữu em ca bài ca bất diệt
Tiếng ca em quen thuộc như đã có từ ngàn xưa
trong rừng sâu lặng lẽ nghiêm trang.

Giờ phút mà mình trông thấy bông hoa cũng là giờ phút mà mình nghe tiếng hát của bông hoa. Tiếng hát đó cũng không phải tiếng hát mới bắt đầu. Tiếng hát đó đã có từ vô thỉ. Ở đây ta nhận diện được rất rõ ràng bài thơ của Quách Thoại. Quách Thoại đã luân hồi, đã sống dậy trong bài thơ.

Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.

Hiện hữu em ca bài ca bất diệt. Tiếng ca em quen thuộc. Tại sao trong khi nghe mình có cảm tưởng như bài ca này mình đã nghe rồi, mình đã từng được nghe trong những kiếp trước. Vì lẽ bài ca này đã có mặt từ vô thỉ. Mình đã từng được nghe nó từ muôn triệu kiếp. Vì thế hôm nay mình mới có cảm tưởng như mình đang được nghe một cái gì rất quen thuộc. Bản chất của mình cũng là của vô sinh, của bất diệt. Đó là sự quen thuộc. Tiếng ca em quen thuộc như đã có từ ngàn xưa trong rừng cây lặng lẽ trang nghiêm. Không có gì khó hiểu trong những lời thơ này.

Con nai con vẫn giương mắt nhìn quanh
Không có gì thêm
Không có gì mới lạ
Không nghĩ rằng em trong rừng sâu vừa lạc
Bởi vì tiếng ca em hòa mầu nhiệm trong
khúc ca mùa tuôn dậy màu xanh
Bông hoa kia như đã từng có mặt một lần với đất mẹ buổi ban đầu.

Những câu thơ này cũng nói về một điều mà mình đã nghe. Có gì thêm đâu? Có gì mới đâu? Bất tăng, bất giảm. Vô khứ, vô lai. Bông hoa kia tuy mới được biểu hiện nhưng kỳ thực nó đã có mặt từ buổi ban đầu. Ban đầu hay không có ban đầu? Vô thỉ tức là không có ban đầu. Bông hoa kia như đã từng có mặt cùng với đất mẹ buổi ban đầu. Ban đầu thì con nai có thể có cảm tưởng là có một vì chúa Xuân xuất hiện. Đi vài bước rón rén, chúa Xuân chợt biến thành một bông hoa nhỏ. Nhìn lại, con nai con bỗng thấy bông hoa đó đã có mặt với đất mẹ từ lúc ban đầu, chứ không phải là một sự biểu hiện mới, không phải là một sự tạo sinh.

Một con chim nghiêng nghiêng mắt nhỏ nhìn em và tung ra một tràng ngọc âm thanh trong suốt

Trên cành cao có một con chim. Con chim cũng nhìn thấy bông hoa và con chim cũng đã có ý thức về sự có mặt của bông hoa. Nó tung ra một chuỗi ngọc âm thanh trong suốt để ca ngợi sự có mặt của bông hoa.

Chim, hoa, cây, suối
Không ngừng ca
Cả rừng cây hợp tấu
Không ngừng lại để hỏi em có mặt tự bao giờ.

Khúc hát không bao giờ ngừng lại. Tất cả các thành viên của ban hợp xướng đều đang hết mình bận rộn, không ai ngừng lại để đặt câu hỏi. Và cũng không ai cần đặt câu hỏi. Mình mới tới không có nghĩa là mình mới tới. Mình đã có mặt từ lúc ban đầu.

Bông hoa bé nhỏ rừng cây
Một phần của hiện hữu vô thỉ vô chung
Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện.

Này bông hoa bé nhỏ, em chưa bao giờ sinh ra. Tôi biết bản chất của em là bản chất vô sinh bất diệt. Em chỉ biểu hiện ra cho chúng tôi thấy. Và nếu chúng tôi tiếp xúc được với em một cách sâu sắc là chúng tôi tiếp xúc được với cái tự tính bất sinh bất diệt của em và đồng thời chúng tôi cũng có thể tiếp xúc được với tự tính vô sinh bất diệt của chúng tôi. Có người tin vào lý thuyết Tạo Hóa. Họ tin rằng lúc ban đầu có một đấng tạo ra hiện hữu, tạo ra vũ trụ này. Từ không vũ trụ đột nhiên trở thành có. Còn chúng ta, chúng ta chỉ tin sự biểu hiện. Ngươi không phải tạo sinh, ngươi chỉ là biểu hiện (Tu nes pas une création, tu nes quune manifestation). Đó là bản chất của giáo lý duy biểu. Là biểu hiện, em không bị lệ thuộc sinh diệt, có không, tới đi, còn mất. Bản chất em là không sinh, không diệt, không thêm, không bớt. Để đối trị với cái ưu tư (angoisse), đạo Bụt hiến tặng cho chúng ta tuệ giác Niết bàn, nghĩa là tuệ giác về bất sinh bất diệt. Ta có thể vượt thoát cái ưu tư của con người bằng cách tu tập, sống cho sâu sắc và thoải mái để vượt thoát ý niệm sinh tử.

Rừng cây đã thay xong áo mới
Ngày mồng mười có hai đứa trẻ con nhà ai, nắm tay nhau chạy tung tăng trên bãi cỏ xanh non, tiếng cười trong veo như tiếng hót chim hoàng oanh buổi sáng
Chúng băng qua đồng cỏ và dừng lại bên cửa rừng
Nắng phơi phới reo
Hai đứa trẻ con nhà ai. Đó là chúng ta. Chúng ta tìm về cội nguồn với tư cách một tăng thân.

Chúng băng qua đồng cỏ và dừng lại bên cửa rừng
Nắng phơi phới reo
Avril đã về trong rừng cây, đứa bé thì thầm bên tai đứa lớn

BÔNG HOA VẪN KHÔNG NGƯNG LỜI HÁT CA

Hai đứa trẻ con nhà ai. Hai anh em. Hai chị em. Ý thức kia đã bừng lên trong tâm tư những đứa bé. Những đứa bé thấy được rằng Avril đã biểu hiện. Đây là một lời tuyên bố: mùa Xuân đang có mặt. Như khám phá ra điều gì tối ư quan trọng. Ta có thể nghĩ: Chuyện mùa Xuân đang có mặt thì có gì là ghê gớm, có gì là lạ kỳ lắm đâu. Nhưng đối với sự phát sinh của ý thức thì đây là chuyện cực kỳ quan trọng. Đây là một khám phá lớn. Ví dụ quý vị đang sống trong mùa Xuân cuối cùng của thế kỷ thứ 20 mà quý vị không biết. Tự nhiên có một tiếng chuông, quý vị bỗng nhiên thức tỉnh và biết rằng quý vị đang sống trong mùa Xuân của thế kỷ thứ 20. Đó là một khám phá rất quan trọng. Có thể là khám phá lớn nhất ở trong cuộc đời của quý vị. Như khám phá ra điều gì tối ư quan trọng. Chúng nắm chặt tay nhau và cùng lắng tai nghe. Mùa Xuân là một bản hòa tấu và hai đứa bé đã bắt đầu nghe được khúc nhạc bất diệt của mùa Xuân. Quý vị đã bắt đầu nghe chưa? Phải rồi, khúc hát bất diệt của mùa Xuân. Hai đứa nhìn nhau. Ta hãy nhìn sư anh của ta, ta hãy nhìn sư em của ta. Ta thấy rằng cuộc đời mầu nhiệm quá. Trong giây phút hiện tại nếu ta chìm trong quên lãng hoặc trong giận hờn thì đó là một sự uổng phí rất lớn. Avil đã về trong rừng cây, phen này đứa lớn thì thầm bên tai đứa bé. Cả hai đứa đều nói một lời. Dị khẩu đồng âm. Đó là sự biểu lộ của sự tỉnh thức. Tôi đã thấy, tôi đã nghe và tôi đang sống.

Nắng ấm tràn lan cây cỏ
Bỗng con nai con xuất hiện ở cửa rừng sưởi nắng
Bốn gót chân mang theo hương thơm
những bông hoa vàng, tím trong rừng
Có đàn bướm lạ tung tăng đọt cây, bờ suối
Bay đến gần nai.

Con nai con bước chân trên những bông hoa và giữa những bông hoa, vì vậy bốn gót chân của nó trở thành hương hoa, cho nên khi nai tới gần bờ suối thì những con bướm lầm tưởng bốn gót chân của nai là những bông hoa cho nên đều tìm tới gần nai. Có đàn bướm lạ tung tăng đọt cây bờ suối bay đến gần nai. Chúng tưởng con nai là những bông hoa.

Nắng ấm vẫn reo
Dòng nước vẫn đi vào lòng đồng cỏ xanh êm ái
Nhưng con nai con và hai đức bé đã cùng lạc vào rừng sâu
Tìm theo tiếng hát nhiệm mầu.

Cả con nai và cả hai đứa bé đều đang đi tìm bông hoa, nơi phát xuất của khúc hát mùa Xuân. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đang đi tìm cội nguồn của bản hợp tấu. Chỉ khi nào tìm được chúng ta mới chấm dứt việc đi tìm.  

Bỗng nhiên có tiếng nổ dồn dập kinh hoàng
Một đàn chim sắt ào ào bay đến
Tóe tung lửa đồng, khạc trên đồng xanh, mặt suối
Rào rào xé mây tung gió
Tự nhiên rừng cây bặt tiếng hát ca.

Đây là sự can thiệp của chiến tranh. Đây là sự có mặt của vô minh, của những phiền não tham, sân, si. Đây là bạo động đi vào khung cảnh của biểu hiện. Trong lúc bạo động và căm thù biểu hiện thì cố nhiên sự biểu hiện của pháp thân ngưng lại, và ta thấy tự nhiên rừng cây bặt tiếng hát ca. Bặt tiếng hát ca tức là ta không còn nghe tiếng hát ca, chứ không phải là tiếng hát ca không còn nữa.

Hoa khép không dâng hương
Suối trong không soi dáng mây trời
Chim chóc lặng im như khi đêm về nằm im trong tổ kín.

Nhưng rồi cuối cùng đàn chim sắt bay đi
Rừng xanh trở về bình an
Thanh tịnh
Rừng cây mỉm cười
Tiếng hát ca mùa tuôn dậy vẫn như chưa từng bao giờ
đứt đoạn.

Ta có thể thấy rằng khi những chiếc máy bay tới dội bom và đốt phá thì tiếng hát bị đứt đoạn, nhưng khi đàn chim sắt bay đi thì ta lại nghe trở lại khúc hát bất diệt muôn đời của mùa Xuân. Chưa từng bao giờ đứt đoạn, đó là cái thấy của con nai và của hai đứa bé. Cành lá chuyền nhau tin vui. Chiếc lá này vẫy gọi chiếc lá khác: máy bay đã đi, máy bay đã đi rồi. Chiếc lá này lại chuyền tin cho chiếc lá khác, và trong rừng cái tin hòa bình đã được thiết lập được chuyền đi rất mau.

Cành lá chuyền nhau tin vui
Tiếng thì thầm êm ái
Con nai con đã cùng hai đứa bé tìm ra bông hoa tím nhỏ
(Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca).
Đây là một sự thành tựu rất lớn và rất đẹp. Đứa bé đó là chúng ta, chúng ta đã tìm ra được bông hoa mầu nhiệm. Chúng ta đã tiếp xúc được với cái bất sinh bất diệt của hiện hữu. Khi con nai con và hai đứa bé tìm ra bông hoa tím nhỏ thì chúng khám phá ra rằng bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca. Bông hoa chưa bao giờ từng ngưng lời hát ca, dầu máy bay đang dội bom và đốt phá nó vẫn cứ hát ca; nó hát ca trong bản môn của nó. Câu Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca nằm ở trong ngoặc đơn để cho người ta chú ý tới điều đó, vậy thôi.

Đứa nhỏ ôm lấy đầu nai
Đứa lớn vuốt ve mình nai
Tất cả hát theo bài hát ngàn đời của nhiệm mầu hiện hữu.

Nai đã là biểu tượng của cái tôi, tức là của ý thức. Hai đứa bé bây giờ đã xúm lại chơi với con nai. Đứa bé thì ôm lấy đầu nai, đứa lớn vuốt ve mình nai. Cả ba đã bắt đầu tham dự vào cuộc hòa tấu của bản nhạc trùng trùng duyên khởi. Cả ba đều đang hát theo với chim, hoa, cây, suối. Chúng nghĩ rằng chúng chỉ mới bắt đầu hát theo, nhưng kỳ thực chúng cũng đã từng hát tự muôn ngàn kiếp trong bản môn của chúng.

Ngoài kia nắng ấm vẫn reo
Avril trong rừng cây nguyên vẹn

Nguyên vẹn có nghĩa là những gì xảy ra trong tích môn không chạm được vào bản môn. Chưa bao giờ có sự mất mát. Không có gì thêm, không có gì bớt. Không có bắt đầu, không có chung cuộc.

Dòng suối đi sâu êm êm vào lòng đất

Dòng suối tượng trưng cho tình thương, cho sự sống; cũng như đồng cỏ tượng trưng cho sự tự do và rừng cây tượng trưng cho sự vững chãi. Rừng cây, bãi cỏ xanh non và một dòng nước thấm dòng nước mát.

Dòng suối đi sâu êm êm vào lòng đất
Và muôn vạn bông hoa vàng tím đã nở tự bao giờ,
lấm tấm trên cánh đồng cỏ xanh non.

Đó là những hình ảnh mà quý vị thấy hàng ngày khi đi thiền hành lên đồi. Đây là sự xuất hiện của hàng vạn bông thủy tiên nơi Pháp Thân Tạng của Xóm Thượng, đây là sự xuất hiện của hàng triệu vị bồ tát tùng địa dũng xuất. Các vị này đều là đệ tử và người cọng sự của Bụt Thích Ca. Họ nói: Chúng tôi là những đứa con của trái đất. Chúng tôi sẽ đủ sức chăm sóc và cứu độ tất cả mọi loài chúng sinh trên trái đất. Xin các vị bồ tát tới từ các hành tinh khác đừng lo. Đây cũng là sự xuất hiện của hằng hà sa số chư Bụt. Sự có mặt của một bông hoa chứng minh sự có mặt của hằng hà sa số bông hoa. Mỗi khi đi thiền hành lên đồi với ý thức chánh niệm, tất cả chúng ta đều có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với mùa Xuân bất diệt, với bông hoa đang hát ca, với bài hát của hiện hữu nhiệm mầu, với Bụt Thích Ca, với hằng sa bồ tát tùng địa dũng xuất. Cảnh giới mô tả trong Trường Ca Avril cũng như cảnh giới Bất Khả Tư Nghị của Hoa Tạng là cảnh giới hàng ngày của sự sống ta. Lát nữa đây đi thiền hành lên đồi, mỗi chúng ta nhớ nhận diện cho được các vị bồ tát tùng địa dũng xuất. Bây giờ đây, chúng ta hãy nghe lại cả bài thơ:

Trường Ca Avril

Avril về
Trong rừng cây trang nghiêm
Tình thương đã từ nơi ngàn xanh, nơi suối trong thể hiện
Bàn tay Mẹ nhiệm mầu
Sửa soạn cho chúng ta ra đời
Trong hào quang của mùa Xuân tình thương ấm áp

Đưa tôi ra đời hôm mồng bốn
Khắp nơi chim lạ bay về hát ca
Ngơ ngác như một con nai con nhìn trời xanh, nhìn suối trong, nhìn lộc non trên cành cây
Tôi về khi vũ trụ đang chuyển mình trong mùa tuôn dậy.

Rừng cây đang thay áo mới
Con nai con khờ dại soi mình trên dòng nước
Lắng tai nghe tiếng thì thầm gió lạ
Mạch sống dâng
Lời hát ca trong từng nụ nhiệm mầu

Quê hương tôi là rừng sâu
Có những thân cây vươn mình thẳng tắp
Mỗi khi nắng Xuân về xối chảy trên ngọn cây,
hương rừng bay
Mây trắng che trên trời xanh biêng biếc
Rừng cây
Bãi cỏ xanh non
Và một dòng nước thấm lòng đất mát.

Trời đất vừa sinh ra tôi
Chim chóc ca ngày thứ nhất
Đất trời dâng hương ngất ngây
Tôi lớn lên. Dòng suối ca ngày thứ hai
Và con nai con tìm tới, ngây thơ, bên bờ xanh mướt cỏ
Nghiêng đầu nghe ngóng
Nhựa dâng đầu cành giục giã những nụ hoa
thẹn thùng chưa muốn hé
Cho vừa nở kịp ngày thứ ba.
Nắng ấm reo vui trên cành biếc nõn nà
Ngày thứ tư vừa lại. Hoa anh đào khai hội
Có gì mới lạ trong tiếng ca mùa mới đang lên?
Ngày thứ năm. Bình minh về bất chợt    
Rừng thức giấc trong mùi thơm ngây ngất
Của ban mai kết đọng hương ngàn hoa
Và cũng bất thần Em về. Trong rừng sâu hiển hiện
Em rón rén bước từng bước nhẹ, trên màu xanh thảm lụa
Con nai con vẫn giương mắt nhìn em ngơ ngác
Trong giây phút thiêng liêng huyền hoặc
Em biến thành một bông hoa nhỏ bám vào lòng đất mẹ
thương yêu.

Nắng lên, một giọt sương long lanh còn vương
trên cánh hoa sao bé nhỏ
Nhưng rừng cây không hay
Hiện hữu em ca bài ca bất diệt
Tiếng ca em quen thuộc như đã có từ ngàn xưa
trong rừng sâu lặng lẽ nghiêm trang.

Con nai con vẫn giương mắt nhìn quanh
Không có gì thêm
Không có gì mới lạ
Không nghĩ rằng em trong rừng sâu vừa lạc
Bởi vì tiếng ca em hòa mầu nhiệm trong khúc ca
mùa Tuôn Dậy màu xanh
Bông hoa kia như đã từng có mặt một lần với đất mẹ
buổi ban đầu.
Một con chim nghiêng nghiêng mắt nhỏ nhìn em và tung ra một tràng ngọc âm thanh trong suốt
Chim, hoa, cây, suối
Không ngừng ca
Cả rừng cây hợp tấu
Không ngừng lại để hỏi em có mặt tự bao giờ.

Bông hoa bé nhỏ rừng cây
Một phần của hiện hữu vô thỉ vô chung
Em không phải Tạo Sinh mà chỉ là Biểu Hiện.

Rừng cây đã thay xong áo mới
Ngày mồng mười có hai đứa trẻ con nhà ai, nắm tay nhau chạy tung tăng trên bãi cỏ xanh non, tiếng cười trong veo như tiếng hót chim hoàng oanh buổi sáng
Chúng băng qua đồng cỏ và dừng lại bên cửa rừng
Nắng phơi phới reo
Avril đã về trong rừng cây, đứa bé thì thầm bên tai đứa lớn
Như khám phá ra điều gì tối ư quan trọng
Chúng nắm chặt tay nhau và cùng lắng tai nghe…
Phải rồi khúc hát bất diệt mùa xuân
Hai đứa nhìn nhau. Avril đã về trong rừng cây, phen này đứa lớn thì thầm bên tai đứa bé.

Nắng ấm tràn lan cây cỏ
Bỗng con nai con xuất hiện ở cửa rừng sưởi nắng
Bốn gót chân mang theo hương thơm
những bông hoa vàng, tím trong rừng
Có đàn bướm lạ tung tăng đọt cây, bờ suối
Bay đến gần nai.
Nắng ấm vẫn reo
Dòng nước vẫn đi vào lòng đồng cỏ xanh êm ái
Nhưng con nai con và hai đứa bé đã cùng lạc
vào rừng sâu
Tìm theo tiếng hát nhiệm mầu.

Bỗng nhiên có tiếng nổ dồn dập kinh hoàng
Một đàn chim sắt ào ào bay đến
Tóe tung lửa đồng, khạc trên đồng xanh, mặt suối
Rào rào xé mây tung gió
Tự nhiên rừng cây bặt tiếng hát ca.
Hoa khép không dâng hương
Suối trong không soi dáng mây trời
Chim chóc lặng im như khi đêm về nằm im trong tổ kín.

Nhưng rồi cuối cùng đàn chim sắt bay đi
Rừng xanh trở về bình an,
Thanh tịnh.
Rừng cây mỉm cười
Tiếng hát ca mùa tuôn dậy vẫn như chưa từng bao giờ
đứt đoạn.
Cành lá chuyền nhau tin vui
Tiếng thì thầm êm ái
Con nai con đã cùng hai đứa bé tìm ra bông hoa tím nhỏ
Đứa nhỏ ôm lấy đầu nai
Đứa lớn vuốt ve mình nai
Tất cả hát theo bài hát ngàn đời của nhiệm mầu
hiện hữu.

Ngoài kia nắng ấm vẫn reo
Avril trong rừng cây nguyên vẹn
Dòng suối đi sâu êm êm vào lòng đất
Và muôn vạn bông hoa vàng tím đã nở, tự bao giờ,
lấm tấm trên cánh đồng cỏ xanh non.